You are on page 1of 9

Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

Chương 1
ĐẠI CƯƠNG VỀ NGÔN NGỮ VÀ TIẾNG VIỆT

I. Đối tượng và nhiệm vụ của ngôn ngữ học


1. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một hệ thống các đơn vị (bao gồm các âm vị, hình vị,
từ, câu) và những quy tắc kết hợp các đơn vị này để tạo thành lời nói trong
giao tiếp.
Ngôn ngữ học là một khoa học về ngôn ngữ.
Để nắm được đối tượng của ngôn ngữ học, cần phân biệt: ngôn ngữ,
lời nói và hoạt động của ngôn ngữ.
2. Ngôn ngữ học
2.1. Đối tượng: Ngôn ngữ chính là đối tượng nghiên cứu của Ngôn ngữ
học
Ngôn ngữ tồn tại ở hai trạng thái: trạng thái tĩnh và trạng thái động.
Ở trạng thái tĩnh, ngôn ngữ là một hệ thống bao gồm các yếu tố (các đơn vị)
ngôn ngữ và các quan hệ cũng như các quy tắc kết hợp của các yếu tố đó. Ở
trạng thái động, ngôn ngữ được sử dụng trong hoạt động hành chức. Cho
nên đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ là cả hai trạng thái này.
Lời nói chính là ngôn ngữ đang ở dạng hoạt động và nó cũng mang
trong mình cả mặt xã hội của ngôn ngữ lẫn mặt cá nhân của lời nói. Lời nói
cần thiết để phát triển ngôn ngữ. Nó cung cấp cho ngôn ngữ những tài liệu,
những yếu tố mới để ngôn ngữ phát triển. Không có tính tự do, sáng tạo,
tính đa dạng của lời nói thì ngôn ngữ không trở thành một công cụ tinh vi để
diễn tả tư tưởng, tình cảm của con người. Do vậy lời nói cũng là đối tượng
nghiên cứu của ngôn ngữ học.
Hoạt động ngôn ngữ là hoạt động sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và
tư duy. Dạy tiếng Việt ở tiểu học là dạy hoạt động ngôn ngữ tức là dạy các
em cách sử dụng tiếng Việt để giao tiếp đạt hiệu quả cao nhất.

1
Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

Trong giao tiếp, tùy nội dung thông báo, thái độ của người nói hay
mục đích nói, bằng một số đơn vị từ và một số quy tắc ngữ pháp, người ta
có thể tạo ra nhiều câu nói cụ thể khác nhau. Dù muốn hay không mỗi người
đều phải sử dụng những đơn vị ngữ pháp và những qui tắc ngữ pháp chung
của cộng đồng để tạo ra những câu nói cụ thể để người nghe hiểu được ý
mình. Những câu nói cụ thể được tạo ra trong mỗi hoàn cảnh nói năng như
vậy được gọi là lời nói. Hay nói cách khác, lời nói chính là sản phẩm ngôn
ngữ được tạo ra bởi cá nhân trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.
Ngôn ngữ và lời nói gắn bó chặt chẽ với nhau:
- Ngôn ngữ là cơ sở để tạo lời nói .
- Lời nói là biểu hiện của ngôn ngữ, là nơi tồn tại hiện thực của ngôn
ngữ.
Tuy nhiên, không nên đồng nhất ngôn ngữ và lời nói. Ngôn ngữ và lời
nói khác biệt nhau:
- Ngôn ngữ mang tính xã hội còn lời nói có tính cá nhân.
- Ngôn ngữ có tính trừu tượng còn lời nói là cụ thể.
Lời nói mang đặc điểm cá nhân, đặc điểm địa phương, đặc điểm nghề
nghiệp. Trong khi đó ngôn ngữ mang tính chung, tính xã hội, là tài sản
chung của cả cộng đồng.
2.2. Nhiệm vụ của ngôn ngữ học
Ngôn ngữ học có các nhiệm vụ cơ bản sau đây:
- Miêu tả các hoạt động ngôn ngữ, tìm ra nguồn gốc và quá trình phát
triển ngôn ngữ nói chung và từng ngôn ngữ nói riêng.
- Tìm những quy luật bản chất của ngôn ngữ, rút ra những quy tắc
khái quát để giải thích và sử dụng ngôn ngữ.
- Ứng dụng những thành tựu nghiên cứu vào cuộc sống, đặc biệt là
việc dạy và học ngôn ngữ.
Khi nghiên cứu tiếng Việt cần giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Xác định nguồn gốc, quá trình phát triển của tiếng Việt.
- Miêu tả hệ thống tiếng Việt với các đơn vị và quy tắc tổ chức của
nó.
- Khái quát các quy tắc tiếng Việt vào giao tiếp.

2
Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

- Nghiên cứu ứng dụng những thành tựu nghiên cứu đạt được vào
cuộc sống (dạy tiếng Việt, chữa bệnh mất ngôn ngữ, xây dựng mật mã, mã
tín hiệu bưu chính - viễn thông).
2.3. Ứng dụng của ngôn ngữ học
- Dạy ngôn ngữ nghĩa là dạy Từ vựng và dạy Ngữ pháp, dùng làm
phương tiện giao tiếp.
- Dạy lời nói nghĩa là dạy phương thức hình thái và biểu đạt ý nghĩa
bằng ngôn ngữ trong giao tiếp.
- Dạy hoạt động bằng lời nói nghĩa là dạy quá trình giao tiếp qua các
hoạt động khác nhau của lời nói. Do đó, việc dạy – học tiếng không thể bỏ
qua những kết quả nghiên cứu của ngôn ngữ học hiện đại.
2.4. Các phân ngành và bộ môn của ngôn ngữ học
Ngôn ngữ học gồm hai phân ngành: Ngôn ngữ học đồng đại và
Ngôn ngữ học lịch đại. Ngôn ngữ học đồng đại sưu tầm, miêu tả, rút ra quy
luật và quy tắc tổ chức nội bộ và hoạt động của ngôn ngữ. Ngôn ngữ học
lịch đại nghiên cứu ngôn ngữ theo kiểu so sánh đối chiếu các yếu tố của
ngôn ngữ trong quá trình phát triển của nó. Tuy nhiên trong thực tế các nhà
ngôn ngữ thường kết hợp giữa hai hướng nghiên cứu trên.
Ngôn ngữ học có bốn bộ môn: Ngữ âm học, Từ vựng học, Ngữ pháp
học, Phong cách học.
Ngữ âm học nghiên cứu mặt âm thanh của ngôn ngữ trên cả ba mặt:
âm học, cấu âm và mặt chức năng xã hội.
Từ vựng học nghiên cứu từ và các đơn vị tương đương (ngữ cố
định). Trong từ vựng học gồm các phân môn: Từ nguyên học, Ngữ nghĩa
học, Từ điển học.
Ngữ pháp học nghiên cứu cách thức, quy tắc và phương diện cấu tạo
từ, câu và các đơn vị trên câu. Ngữ pháp học bao gồm: Từ pháp học, Cú
pháp học và ngữ pháp học.
Phong cách học nghiên cứu đặc điểm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp ở
các lĩnh vực giao tiếp (phong cách) khác nhau, đồng thời nghiên cứu giá trị
biểu cảm của các phương tiện ngôn ngữ trong lời nói.
Tương ứng với các bộ môn trên của ngôn ngữ học, Việt ngữ học có
các môn:
- Ngữ âm học tiếng Việt
3
Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

- Từ vựng học tiếng Việt


- Ngữ pháp học tiếng Việt
- Phong cách học tiếng Việt
II. Bản chất và chức năng ngôn ngữ
1. Bản chất xã hội của ngôn ngữ
1.1. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội
a. Ngôn ngữ không phải là hiện tượng tự nhiên
Các hoạt động tự nhiên xung quanh con người có thể phân biệt thành
hai loại: các hoạt động tự nhiên và các hoạt động xã hội. Các hoạt động tự
nhiên trong thiên nhiên và trong vũ trụ (như mưa, nắng, lũ lụt, động đất…)
có thể phát sinh, phát triển và tiêu hủy một cách tự nhiên không phụ thuộc
vào sự tồn tại hay ý muốn chủ quan của con người. Các hoạt động xã hội
(cưới xin, tôn giáo, nghi lễ,…) có thể phát sinh, phát triển hay tiêu hủy lại
phụ thuộc vào nhu cầu và ý muốn chủ quan của con người và chỉ có trong
xã hội loài người.
b. Ngôn ngữ không phải là hiện tượng sinh vật, nó không mang tính bẩm
sinh di truyền
Tất cả mọi người đều có khả năng bẩm sinh (khóc, nhìn, bò, đi,…),
di truyền (vóc dáng, màu da, màu mắt,…). Những đặc điểm đó là do nòi
giống, tổ tiên cha mẹ di truyền lại cho thế hệ con cháu.
Ngôn ngữ không phải là hiện tượng mang tính bẩm sinh, di truyền.
Nó là kết quả của một quá trình bắt chước, học hỏi với những người xung
quanh. Những đứa trẻ mà bố mẹ là người Việt nhưng chúng lớn lên ở Nga,
Pháp, Mỹ thì chúng sẽ nói thứ một trong các thứ tiếng trên. Muốn nói được
tiếng Việt người lớn phải dạy cho chúng. Những đứa trẻ vì một lý do nào
đó, nếu sống cách biệt với xã hội loài người thì mãi mãi chúng không bao
giờ biết ngôn ngữ nào dù chúng vẫn có khả năng bẩm sinh như ăn, thở, đi,
đứng…Vì thế ngôn ngữ không phải là hiện tượng bẩm sinh, di truyền.
c. Ngôn ngữ không phải là một hiện tượng cá nhân
Ngôn ngữ không phải là hiện tượng cá nhân, không phải của riêng
một người nào. Ngôn ngữ được hình thành và phát triển trong phạm vi một
cộng đồng và phục vụ cả cộng đồng do đó ngôn ngữ mang bản sắc, phong
cách của từng dân tộc. Mỗi cá nhân có thể có phong cách ngôn ngữ riêng, có
thể có những sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của ngôn ngữ như:
4
Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… Nhưng sự sáng tạo đó phải dựa
trên cơ sở quy ước của xã hội, không thể tự mình thay đổi ngôn ngữ của xã
hội, càng không thể có ngôn ngữ riêng của cá nhân.
d. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội
- Nó chỉ nảy sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội loài người;
- Nó phục vụ cho toàn thể xã hội;
- Nó mang bản sắc của từng cộng đồng.
1.2. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt
Tính chất đặc trưng này được thể hiện như sau:
- Nó không thuộc về kiến trúc thượng tầng của riêng một xã hội nào.
Khi có một cơ sở hạ tầng nào đó bị phá vỡ, kéo theo sự sụp đỗ của kiến trúc
thượng tầng tương ứng nhưng ngôn ngữ vẫn tồn tại và phát triển theo sự
phát triển của xã hội.
- Ngôn ngữ không mang tính chất giai cấp. Các giai cấp cùng tồn tại
trong một xã hội đều dùng chung một ngôn ngữ và nó phục vụ như nhau cho
một giai cấp. Tuy nhiên, mỗi giai cấp đều luôn có ý thức sử dụng ngôn ngữ
để phục vụ cho lợi ích riêng của họ.
2. Chức năng xã hội của ngôn ngữ
2.1. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của loài người
a. Giao tiếp - các chức năng của ngôn ngữ
Con người có thể sử dụng nhiều phương tiện giao tiếp: điệu bộ,
tiếng còi, tiếng trống, cờ hiệu…Giao tiếp bằng các phương tiện như vậy rất
hạn chế về nội dung. Phổ biến và phong phú hơn cả là giao tiếp bằng ngôn
ngữ.
Giao tiếp bằng tiếng Việt có thể thực hiện bằng lời và giao tiếp bằng
văn tự (chữ viết). Giao tiếp bằng ngôn ngữ có một vai trò quan trọng trong
đời sống hàng ngày. Giao tiếp có những chức năng sau:
- Chức năng thông tin (còn gọi là chức năng thông báo): Bằng
phương tiện ngôn ngữ, con người trao đổi cho những tin tức dưới dạng nhận
thức, những tư tưởng có từ hiện thực.
- Chức năng tạo lập các quan hệ: Con người trò chuyện với nhau
không chỉ trao đổi thông tin mà còn muốn tạo nên các quan hệ. Khi trò
chuyện với nhau, quan hệ giữa người với người sẽ được tạo ra. Đây chính là

5
Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

chức năng tạo lập cộng tác giữa người với người rất cần cho sự tồn tại, phát
triển của xã hội mà ngôn ngữ đảm nhận một cách lặng lẽ.
- Chức năng giải trí: Con người có thể giải trí bằng nhiều cách, trong
đó giao tiếp là cách hay dùng và đỡ “tốn kém” hơn cả. Sau những lúc làm
việc căng thẳng chúng ta cần nói chuyện với bạn bè, người thân. Qua những
buổi giao tiếp như vậy, stress được giải toả.
- Chức năng tự biểu hiện: Qua giao tiếp, con người tự biểu hiện
mình: bộc lộ tình cảm, sở thích, khuynh hướng, trạng thái tâm hồn, trạng
thái tâm lí.
Nói một cách tổng quát, giao tiếp có bốn chức năng. Các chức năng
này là căn cứ để xem xét đánh giá các ngôn bản, tức là các sản phẩm ngôn
ngữ nói hoặc viết được hình thành trong giao tiếp.
b. Các nhân tố của giao tiếp
- Nhân vật trong giao tiếp: Là những người tham gia vào hoạt động
giao tiếp. Các nhân vật luân phiên đảm nhận vai trò giao tiếp khác nhau:
người nói (người viết), người nghe (người đọc).
Tuổi tác, quan hệ gia đình, địa vị xã hội, trình độ hiểu biết … của các
nhân vật giao tiếp để lại dấu vết trong lời nói.
- Hiện thực được nói đến trong giao tiếp: bao gồm những sự vật,
hiện tượng trong thực tế khách quan, những tâm trạng, những tình cảm được
đưa vào ngôn bản. Hiện thực được nói đến tạo nên chủ đề hay đề tài của
giao tiếp.
- Hoàn cảnh giao tiếp: là nơi chốn, thời gian diễn ra cuộc giao tiếp.
- Ngôn ngữ được sử dụng: là ngôn ngữ được các nhân vật giao tiếp
dùng tạo thành ngôn bản. Các nhân tố giao tiếp có ảnh hưởng lẫn nhau và
góp phần quyết định ngôn bản cả về nội dung và hình thức.
- Ngôn bản: Ngôn bản là chuỗi kết hợp các yếu tố ngôn ngữ tạo nên
lời nói của nhân vật giao tiếp. Ngôn bản có có hai thành phần: hình thức và
nội dung. Hình thức của ngôn bản là chuỗi các yếu tố ngôn ngữ (bao gồm
ngữ điệu, điệu bộ, nét mặt…kèm lời) để diễn đạt nội dung. Nội dung của
ngôn bản bao gồm tất cả những điều diễn đạt bằng hình thức.
c. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của xã hội con
người

6
Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

Sở dĩ ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng và ưu việt nhất vì
trên góc độ lịch sử và toàn diện mà xét, không một phương tiện giao tiếp
nào có thể so sánh được với nó.
- Những thuận lợi của giao tiếp bằng ngôn ngữ:
- Dù cho ngôn ngữ bằng lời nói có bị hạn chế về không gian và thời
gian, cho dù ngoài ngôn ngữ ra, con người còn dùng nhiều phương tiện giao
tiếp khác (như cử chỉ, các loại kí hiệu, các tác phẩm nghệ thuật…) nhưng
ngôn ngữ vẫn chiếm vị trí không thể thay thế vì ngôn ngữ có tính chất đa
dạng. Điều này thoả mãn những nhu cầu giao tiếp phong phú, sinh động của
con người. Ngôn ngữ không có tính giai cấp, phổ biến tiện lợi, mọi thành
viên trong xã hội đều sử dụng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người,
vừa có khả năng diễn tả nét tinh tế, sâu kín trong tâm tư, tình cảm của con
người mà không một phương tiện giao tiếp nào có thể làm được.
- Tính hạn chế, phụ thuộc của các phương tiện giao tiếp khác:
So với ngôn ngữ, các phương tiện giao tiếp khác đóng vai trò là các
phương tiện bổ sung cho ngôn ngữ. Sở dĩ như vậy là do phạm vi sử dụng
của chúng rất hạn chế. Chúng không đủ sức phản ánh những hoạt động và
những kết quả hoạt động tư tưởng phức tạp, sâu sắc của con người.
2.2. Ngôn ngữ là phương tiện của tư duy
Chức năng thể hiện tư duy của ngôn ngữ thể hiện cả hai khía cạnh:
- Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Không có từ, nào câu
nào của ngôn ngữ lại không biểu hiện khái niệm hay tư tưởng và ngược lại
không có ý nghĩ, tư tưởng nào không tồn tại dưới dạng ngôn ngữ. Ngôn ngữ
là biểu hiện thực tế của tư tưởng.
- Ngôn ngữ trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành tư tưởng. Mọi
ý nghĩ chỉ trở nên rõ ràng khi được biểu hiện bằng ngôn ngữ.
3. Ý nghĩa của nhận thức bản chất và chức năng của ngôn ngữ với việc
dạy tiếng Việt ở trường tiểu học
1. Từ chỗ nhận tức đầy đủ bản chất xã hội và chức năng của ngôn ngữ,
Tiếng Việt được xác định là một môn học độc lập trong nhà trường. Với tư
cách đó, Tiếng Việt có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh những tri thức về hệ
thống tiếng Việt, quy tắc hoạt động và sản phẩm của nó trong mọi hoạt động
giao tiếp. Mặt khác tiếng Việt là một công cụ giao tiếp và tư duy, nên môn
Tiếng Việt trong nhà trường còn đảm nhận thêm một chức năng nữa mà các
7
Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

môn học khác không có. Đó là chức năng trang bị cho học sinh công cụ giao
tiếp: tiếp nhận và diễn đạt mọi kiến thức khoa học trong nhà trường.
2. Dạy tiếng theo quan điểm giao tiếp là một trong những nguyên tắc quan
trọng của lí luận dạy tiếng hiện đại. Nguyên tắc này được dựa trên việc nhận
thức rõ ràng các chức năng quan trọng của ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội.
Về vấn đề ngôn ngữ đã vận hành, biến đổi như thế nào để thực hiện chức
năng giao tiếp, M.R. Lơvốp đã viết “Chỉ có đặt ngôn ngữ trong quá trình
hoạt động, người ta mới thấy được cơ chế thực hiện của hoạt động chức
năng xã hội của ngôn ngữ”. Mục đích cuối cùng của dạy tiếng mẹ đẻ là giúp
học sinh phát triển năng lực hoạt động lời nói bao gồm năng lực lĩnh hội lời
nói (nghe, đọc) và sản sinh lời nói (nói, viết) nói cách khác giúp học sinh
hình thành củng cố phát triển các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
3. Trong dạy học tiếng Việt ở trường tiểu học, cần đặc biệt chú ý nguyên tắc
rèn luyện ngôn ngữ với rèn luyện tư duy.

CỦNG CỐ KIẾN THỨC


I. Những nội dung chính cần nắm
1. Nắm được đối tượng của ngôn ngữ học.
Phân biệt ngôn ngữ và lời nói.
2. Nắm được nhiệm vụ của ngôn ngữ học.
3. Chứng minh ngôn ngữ không phải là hiện tượng tự nhiên, hiện tượng sinh
vật, di truyền, hiện tượng tâm lí của mỗi cá nhân bằng những ví dụ cụ thể.
4. Khẳng định và chứng minh ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nó phục
vụ xã hội với tư cách là một phương tiện giao tiếp, thể hiện ý thức xã hội và
tồn tại, phát triển gắn liền với sự tồn tại, phát triển của xã hội.
5. Giải thích và chứng minh ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt.
6. Hiểu rõ chức năng nghiên cứu của ngôn ngữ là đặc trưng chủ yếu của
Ngôn ngữ học đại cương. Cần thấy được vai trò của ngôn ngữ trong giao
tiếp, các chức năng ngôn ngữ thể hiện trong giao tiếp và vì sao ngôn ngữ là
phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người.
7. Nắm vững ngôn ngữ là công cụ hình thành và biểu đạt sản phẩm của tư
duy, là vỏ vật chất của tư duy, đồng thời sự tác động trở lại của tư duy đối
với ngôn ngữ cũng là một vấn đề quan trọng của quan điểm biện chứng khi
nghiên cứu ngôn ngữ.
8
Giáo trình “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” - Chương 1

8. Đề cao vai trò của nghiên cứu các chức năng ngôn ngữ đối với việc giảng
dạy tiếng Việt trong trường tiểu học, chẳng hạn vấn đề dạy tiếng theo quan
điểm giao tiếp, dạy tiếng gắn với sự phát triển tư duy cho học sinh.

II. Câu hỏi và bài tập


1. Phát biểu quan niệm của anh (chị) về: ngôn ngữ, lời nói, hoạt động ngôn
ngữ.
2. Trình bày tóm tắt các nhiệm vụ nghiên cứu của Ngôn ngữ học.
3. Căn cứ vào các nhiệm vụ nghiên cứu của Ngôn ngữ học, anh (chị) hãy đề
xuất nhiệm vụ khi nghiên cứu tiếng Việt.
4. Chứng minh ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội.
5. Tai sao nói ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt? Cho ví dụ.
6. Vì sao nói ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con
người? Cho ví dụ.
7. Tìm trong tiếng Việt một số từ ngữ xuất hiện sau Cách mạng tháng Tám
đến nay để chứng tỏ sự xuất hiện của chúng gắn liền với sự phát triển xã
hội và phục vụ xã hội. Qua đó giải thích tác dụng của chúng đối với nhận
thức và tư duy.
------------------------------------------------

You might also like