You are on page 1of 14

● LAO ĐỘNG - TẠO TÁC - HÀNH ĐỘNG

● Hannah Arendt

Không có hành động, không có khả năng bắt đầu một điều mới mẻ và vì thế không
khớp nối sự khởi đầu mới trong thế giới ấy với sự sinh ra đời của mỗi hữu thể người,
thì cuộc sống của con người, trải qua giữa sống và chết, quả thực sẽ bị buộc phải
hủy diệt mà không được cứu rỗi. Bản thân vòng đời, đi về phía cái chết cũng không
thể tránh khỏi mang mọi thứ thuộc về con người đi đến sụp đổ và hủy diệt. Hành
động, với tất cả tính bấp bênh của nó, giống như một sự nhắc nhở luôn luôn hiện
diện rằng con người, dù họ phải chết, đã không được sinh ra để chết mà sinh ra để
bắt đầu một điều gì đó mới mẻ. “Có một con người mới được sáng tạo ra” (“Initium ut
esset homo creatus est)như Augustine đã nói. Với sự sáng tạo con người, nguyên tắc
của sự khởi đầu đến với thế giới - nguyên tắc mà, tất nhiên, chỉ là cách khác để nói
rằng:với việc sáng tạo con người, nguyên tắc tự do đã xuất hiện trên mặt đất.
1. Trong một giờ ngắn ngủi này, tôi muốn đặt ra một câu hỏi có vẻ kỳ khôi. Câu hỏi của tôi
là: Đời sống hoạt động bao gồm những gì? Ta làm gì khi ta hoạt động? Trong khi đặt câu
hỏi này, tôi sẽ giả định là sự phân biệt lâu đời giữa hai hướng đi của đời sống, giữa một bên
là đời sống chiêm nghiệm hay suy tư (​vita contemplativa)​ với bên kia là đời sống hoạt động
(​vita activa)​ , mà ta gặp trong truyền thống tư duy triết học và tôn giáo cho đến ngưỡng cửa
của thời hiện đại, là có giá trị, và rằng khi ta nói về suy tư và hành động,ta không chỉ nói về
các khả năng nhất định của con người mà còn nói về hai lối sống khác biệt. Vì ngay cả nếu
ta không phản bác giả định truyền thống rằng suy tư nằm ở vị trí cao hơn hành động, hay
rằng mọi hành động trên thực tế đều chỉ là phương tiện mà đích đến thực sự của nó là suy
tư, ta không thể nghi ngờ - và chưa một người nào từng nghi ngờ - rằng có những người cả
đời chưa hề tự cho mình thụ hưởng niềm vui của suy tư, trong khi, ngược lại, không ai có
thể duy trì trạng thái suy tư trong suốt cuộc đời mình. Trong khi đó, đời sống hoạt động
không chỉ là đời sống hầu như mọi người đều tham dự mà thậm chí,nói chung,không ai có
thể thoát khỏi hoàn toàn. Vì chính từ trong bản chất của điều kiện làm người, suy tư vẫn
phải dựa vào mọi loại hoạt động - dựa vào lao động ​(labor) để tạo ra mọi thứ cần thiết cho
cơ thể người sinh tồn, dựa vào tạo tác ​(work) để tạo ra mọi thứ cần thiết cho thân thể người
cư trú, và cần hành động ​(action) để tổ chức việc chung sống cùng nhau của con người
theo cách thức mà sự hòa bình, điều kiện cho sự yên tĩnh suy tư,được đảm bảo.
2. Vì tôi đã xuất phát từ truyền thống của chúng ta[phương Tây. ND], tôi vừa mới miêu tả ba
khớp nối ngắn gọn của đời sống hoạt động theo cách truyền thống, tức là, với tư cách phục
vụ cho những mục đích của suy tư. Cũng dễ hiểu là đời sống hoạt động đã luôn luôn được
chính những người đi theo lối sống suy tư miêu tả. Vì thế, ​vita activa đã luôn được định
nghĩa từ điểm nhìn của hoạt động suy tư; so với sự yên tĩnh tuyệt đối của suy tư, mọi loại
hoạt động của con người có vẻ như đều giống nhau trong chừng mực chúng có đặc điểm là
sự không tĩnh lặng, tức một cái gì tiêu cực: bởi sự không yên (a-skholia), sự không thong
thả (nec-octium), không nhàn tản (non-leisure) là sự vắng mặt của các điều kiện làm cho ta
có thể suy tư . So với thái độ tĩnh lặng này, mọi phân biệt và khớp nối bên trong ​vita activa
biến mất. Nhìn từ điểm nhìn của suy tư, điều gì gây xáo trộn sự tĩnh lặng là không quan
trọng miễn là nó bị xáo trộn.
3. Vì thế theo truyền thống, ý nghĩa của ​vita activa là do ​vita contemplativa mang đến; một
phẩm giá rất hạn hẹp được ban cho nó vì nó phục vụ cho nhu cầu và mong muốn của suy
tư trong một cơ thể sống. Kitô giáo với niềm tin vào đời sống mai sau, mà niềm vui của nó
báo hiệu trong những hỷ lạc của suy tư, ban sự chuẩn thuận tôn giáo cho việc làm hạ
phẩm giá của ​vita activa trong khi, mệnh lệnh phải thương yêu người bên cạnh [đồng loại]
thực hiện vai trò một sự đối trọng với sự đánh giá này vốn chưa được biết đến ở thời cổ
đại. Nhưng cái quyết định chính trật tự này, theo đó suy tư là năng lực cao nhất trong các
quan năng của con người, là có gốc từ Hy Lạp chứ không phải Kitô giáo nguyên thủy; nó
trùng khớp với sự khám phá về suy tư như là lối sống của triết gia, hướng sống mà theo
bản chất của nó được xem là cao cấp hơn lối sống có tính chính trị của công dân trong
thành quốc (polis) Hy lạp cổ đại. Điểm thiết yếu của vấn đề, mà tôi chỉ có thể đề cập qua ở
đây, là Ki tô giáo, ngược với điều thường tưởng, lại không nâng đời sống hoạt động lên một
vị trí cao hơn, không cứu vớt nó khỏi tình trạng phái sinh, và ít nhất về mặt lý thuyết, không
nhìn nó như một điều gì đó có ý nghĩa riêng và có mục đích tự thân. Và sự thay đổi trong
trật tự thứ bậc này là không thể có bao lâu chân lý còn là nguyên tắc toàn diện để thiết lập
trật tự trong các quan năng của con người, hơn nữa là chân lý, được hiểu như là sự mặc
khải, như cái gì tất yếu được mang đến cho con người, phân biệt với “chân lý” hay “sự thật”
hiểu như là kết quả của một hoạt động tinh thần nào đó -tư duy hay suy luận -hoặc như tri
thức mà ta đạt được thông qua sự chế tạo.
4. Vì thế, câu hỏi đặt ra: vì sao ​vita activa​, với tất cả sự phân biệt và khớp nối của nó, không
được phát hiện ra sau sự đứt gãy với truyền thống của thời hiện đại và sau cùng, sau sự
đảo ngược trật tự thứ bậc của nó, tức “sự tái định giá mọi giá trị” thông qua Marx và
Nietzsche? Và câu trả lời, mặc dù trong phân tích thực tế khá phức tạp, có thể được tóm tắt
ngắn gọn như sau: nó nằm trong chính bản chất sự lộn ngược nổi tiếng của các hệ thống
triết học hay các thứ bậc giá trị, nhưng bản thân khuôn khổ khái niệm vẫn g ​ iữ nguyên không
đổi. Điều này đặc biệt đúng cho Marx, người xác tín rằng chỉ cần lộn ngược Hegel là đủ để
tìm ra chân lý -tức là chân lý của hệ thống Hegel, đó là khám phá bản tính biện chứng của
lịch sử.
5. Cho phép tôi giải thích ngắn gọn căn tính này bộc lộ ra như thế nào trong văn cảnh của
chúng ta. Khi tôi liệt kê các hoạt động chủ yếu của con người: Lao động -Tạo tác -Hành
động, hiển nhiên hành động giữ vị trí cao nhất. Trong chừng mực hành động liên quan đến
lĩnh vực chính trị của đời sống con người, sự đánh giá này khớp với quan điểm thịnh hành
thời tiền triết học, tiền- Plato trong đời sống thành quốc Hy Lạp. Sự du nhập lối sống suy tư
(chiêm nghiệm) với tư cách là điểm cao nhất trong hệ thứ bậc dẫn đến việc trật tự này trên
thực tế bị sắp xếp lại, dù không phải luôn luôn trong lý thuyết minh nhiên. (Các triết gia,
trong thực tế giảng dạy, ​đã đảo ngược trật tự, còn thường chỉ hô hào trật tự cũ ở đầu môi
mà thôi). Nhìn từ quan điểm của suy tư, hoạt động cao nhất không phải là hành động mà là
tạo tác (work); sự nổi lên của hoạt động của người thợ thủ công (craftsman) trong thang bậc
đánh giá tạo nên diện mạo đầy kịch tính đầu tiên của nó trong các đối thoại của Plato. Lao
động, chắc chắn vẫn ở vị trí dưới đáy, nhưng hoạt động chính trị như một cái gì thiết yếu
cho đời sống của suy tư nay chỉ được thừa nhận ở mức độ nó có thể được theo đuổi theo
cách thức giống như hoạt động của người thợ thủ công. Chỉ khi được nhìn trong hình ảnh
của hoạt động tạo tác, hành động chính trị mới được tin cậy là tạo ra các kết quả bền vững
lâu dài. Và các kết quả lâu dài như thế có nghĩa là sự hòa bình, nền hòa bình cần thiết cho
suy tư: không có thay đổi gì hết!.
6. Bây giờ nếu ta nhìn vào sự đảo ngược trong thời hiện đại, ngay lập tức ta ý thức rằng
đặc trưng quan trọng nhất của nó ở phương diện này là sự ca ngợi lao động, điều mà chắc
chắn bất kì thành viên nào của các cộng đồng cổ điển, dù là La Mã hay Hy Lạp, cũng không
từng nghĩ là có giá trị đến mức ấy. Tuy nhiên, khi đi sâu hơn vào vấn đề này, ta sẽ thấy
rằng không phải lao động, xét như là lao động đơn thuần, giữ được vị trí này (Adam Smith,
Locke. Marx đều nhất trí trong sự khinh thị đối với những công việc tôi mọi, với lao động
không chuyên môn, chỉ giúp cho sự tiêu dùng), mà là lao động ​sản xuất hay ​có tính năng
sản (productive). Một lần nữa, tiêu chuẩn về các kết quả lâu dài vẫn là thước đo trên thực
tế. Vì thế Marx, chắc hẳn là triết gia vĩ đại nhất trong các triết gia về lao động, đã luôn ra
sức tái diễn giải lao động theo hình ảnh của hoạt động tạo tác - và lại làm hao tổn cho
hoạt động chính trị.Nhưng, tình hình quả thật đã thay đổi. Hoạt động chính trị không còn
được nhìn như việc thiết lập các định luật bất biến để “làm ra” ​(“make”) một cộng đồng thịnh
vượng, có kết quả cuối cùng là một sản phẩm đáng tin cậy, nhìn giống hệt như nó được
thiết kế bởi người “làm ra” nó -như thể các luật lệ hay hiến pháp là những thứ có cùng bản
tính với cái bàn được chế tạo bởi người thợ mộc theo bản thiết kế anh ta có trong đầu
trước khi “làm ra” nó. Hoạt động chính trị bây giờ được cho là “làm ra lịch sử” (“make
history”)-một cụm từ xuất hiện lần đầu tiên trong Vico -chứ không phải một cộng đồng thịnh
vượng nữa, và lịch sử này, như ta đều biết, có sản phẩm cuối cùng của nó là xã hội không
giai cấp, ắt phải là đích đến của tiến trình lịch sử không khác gì cái bàn là đích đến của quá
trình chế tạo. Nói cách khác, vì trên cấp độ lý thuyết, việc đánh giá lại các giá trị cũ không
làm gì hơn là lộn ngược vấn đề, nên hệ thứ bậc cũ bên trong ​vita activa hầu như không bị
xáo trộn; các kiểu tư duy cũ vẫn thắng thế, và sự phân biệt quan yếu duy nhất giữa cái mới
và cái cũ là trật tự này, mà nguồn gốc và sự vô nghĩa của nó nằm trong kinh nghiệm thực tế
của suy tư, trở nên cực kì đáng ngờ. Vì sự kiện thực tế đặc trưng cho thời hiện đại ở
phương diện này là: bản thân sự chiêm nghiệm, suy tư đã trở nên mất hết ý nghĩa.
7. Ta sẽ không bàn về sự kiện này ở đây. Thay vào đó, chấp nhận hệ tôn ti cổ xưa nhất của
thời tiền triết học, tôi đề nghị nhìn sâu vào chính các hoạt động này. Và điều đầu tiên ta có
thể ý thức được hiện giờ là sự phân biệt của tôi giữa lao động và tạo tác hẳn có vẻ khá kì lạ
với bạn. Tôi rút nó ra từ một nhận xét khá tình cờ của Locke, khi ông nói về “​lao động của
cơ thể chúng ta và ​tạo tác của đôi bàn tay ta” (Người lao động, trong ngôn ngữ của phái
Aristotle, là những người mà “với cơ thể của mình, cung cấp cho các nhu cầu của đời
sống”). Bằng chứng có tính hiện tượng ủng hộ cho sự phân biệt này quá nổi bật đến mức ta
không thể không chú ý, nhưng có một thực tế là, ngoại trừ một vài nhận xét rải rác và chứng
cứ quan trọng của lịch sử xã hội và định chế, hầu như không có bất cứ điều gì hỗ trợ cho
nó.
8. Tương phản với sự khan hiếm về bằng chứng, lại có một thực tế giản đơn dai dẳng là
mọi ngôn ngữ Âu châu, dù là cổ điển hay hiện đại, đều chứa đựng hai từ không có liên hệ gì
về mặt từ nguyên như ta vẫn tưởng rằng chúng biểu thị cùng một hoạt động: thật thế, tiếng
Hy Lạp phân biệt giữa ​ponein và ​ergazesthai,​ tiếng La tinh giữa ​laborare và ​facere hay
fabricari​, tiếng Pháp giữa ​travailler và ​ouvrer​, tiếng Đức giữa ​arbeiten và ​werken​. Trong tất
cả các trường hợp này, từ tương đương với ​lao động có nghĩa sở biểu rõ ràng liên hệ tới
các kinh nghiệm của cơ thể, của sự lao động vất vả và cực nhọc, và trong hầu hết các
trường hợp, chúng cũng được sử dụng cho sự đau đớn của sinh nở. Người cuối cùng dùng
sự nối kết ban đầu này là Marx, người định nghĩa lao động là “sự tái sản xuất của đời sống
cá nhân”, và việc sinh nở, còn sản xuất của “đời sống bên ngoài” như là sự sản xuất của
giống loài.
9. Nếu ta bỏ qua một bên mọi lý thuyết, nhất là các lý thuyết lao động hiện đại sau Marx, và
chỉ dõi theo bằng chứng từ nguyên học và sử học, rõ ràng lao động là một hoạt động tương
ứng với các quá trình sinh học của cơ thể mà Marx trẻ gọi là sự trao đổi chất giữa người và
tự nhiên hay phương thức mang tính người của sự trao đổi chất mà ta chia sẻ với mọi sinh
vật khác. Bằng lao động, con người tạo ra những cái thiết yếu sống còn cần phải được cung
cấp trong quá trình sống của cơ thể người. Và vì quá trình sống này, dù nó dẫn ta từ khi
sinh ra đến lúc chết đi theo một tiến trình tuyến tính của sự suy tàn, bản thân nó là tuần
hoàn, bản thân hoạt động lao động phải đi theo vòng quay của đời sống, sự vận động tuần
hoàn của các chức năng cơ thể chúng ta, có nghĩa là hoạt động lao động không bao giờ kết
thúc chừng nào cuộc sống còn tồn tại; nó lặp lại không ngừng. Không giống như tạo tác, mà
kết thúc của nó là khi sự vật hoàn thành, sẵn sàng được thêm vào cho thế giới thông
thường của các sự vật và đối tượng, lao động luôn đi theo cùng một vòng tròn bị quy định
bởi cơ thể sống, và sự kết thúc của nỗi vất vả và cực nhọc chỉ đến với sự kết thúc, tức là cái
chết của sinh thể cá nhân.

10. Nói cách khác, lao động tạo ra của cải cho người tiêu dùng, và lao động cùng tiêu dùng
là hai giai đoạn của vòng tuần hoàn bất tận của đời sống sinh học. Hai giai đoạn này của
quá trình sống liên tiếp theo nhau chặt chẽ đến mức chúng hầu như cấu thành cùng một
vận động, cái hầu như không kết thúc khi chúng phải bắt đầu lại một lần nữa. Lao động,
không giống như các hoạt động khác của con người, nằm dưới dấu hiệu của sự tất yếu, “sự
tất yếu của tồn tại” như Locke từng nói, hay “sự tất yếu vĩnh cửu bị áp đặt bởi tự nhiên”
trong ngôn từ của Marx. Vì thế, mục tiêu thực tế của cách mạng theo Marx không phải chỉ là
giải phóng giai cấp lao động hay giai cấp công nhân, mà còn là sự giải phóng con người
khỏi lao động. Vì “vương quốc của tự do chỉ bắt đầu khi lao động -bị quy định bởi sự thiếu
thốn” và tính trực tiếp của “các nhu cầu vật chất”- kết thúc. Và sự giải phóng này, như ta
biết hiện nay, ở mức độ có thể, không xảy ra nhờ sự giải phóng về mặt chính trị - sự bình
đẳng của mọi giai cấp trong toàn bộ công dân -mà thông qua kỹ thuật, công nghệ. Tôi đã
nói: ở mức độ có thể, và qua sự định danh này, tôi muốn nói rằng tiêu thụ, với tư cách một
giai đoạn của sự vận động tuần hoàn của cơ thể sống theo một cách nào đó, cũng là lao
động.

11. Các sản phẩm để tiêu thụ, kết quả trực tiếp của quá trình lao động, là cái ít lâu bền nhất
trong các vật hữu hình. Chúng, như Locke chỉ ra, “kéo dài trong thời gian ngắn, và -nếu
không được tiêu thụ - sẽ mục rữa và tự diệt vong.” Sau một khoảng thời gian ngắn tồn tại
trên cõi sống, chúng trở lại với quá trình tự nhiên đã sinh ra chúng hoặc thông qua việc hấp
thu vào quá trình sống của động vật người hoặc thông qua sự mục rữa; trong hình thái do
con người tạo ra, chúng biến mất nhanh chóng hơn bất cứ phần nào khác của thế giới.
Chúng là cái có ít tính “cõi sống” (worldly) nhất, đồng thời, là cái tự nhiên nhất và tất yếu
nhất trong mọi vật. Mặc dù chúng do con người tạo ra, chúng đến và đi, được sản xuất và
tiêu thụ theo vận động tuần hoàn bất tận của tự nhiên. Vì thế, chúng không thể “được chất
đống” và “tích trữ”, nếu giả sử chúng phục vụ cho mục đích chính của Locke, đó là thiết lập
tính giá trị của tài sản cá nhân dựa trên quyền con người phải sở hữu chính thân thể họ.

12. Nhưng trong khi lao động theo nghĩa sản xuất ra bất cứ thứ gì bền lâu -một cái gì sống
lâu hơn bản thân hoạt động và thậm chí hơn tuổi thọ của người sản xuất -thì lại khá là
“phi-sản xuất” hay “không năng sản” và vô ích, nhưng nó lại vô cùng năng sản theo nghĩa
khác. Sức lao động con người là ở chỗ tạo ra nhiều sản phẩm cho người tiêu thụ hơn là cần
thiết cho sự sống còn của bản thân và gia đình. Có thể nói, sự phong phú tự nhiên của quá
trình lao động này cho phép con người nô dịch hay bóc lột đồng loại, vì thế tự giải phóng
mình khỏi gánh nặng đời sống; và trong khi sự giải phóng này của một số ít người đã luôn
luôn đạt được thông qua việc tầng lớp thống trị sử dụng bạo lực, nó sẽ không bao giờ có thể
nếu không có sự phong nhiêu vốn có của bản thân lao động con người. Nhưng thậm chí
“tính năng sản” đặc thù này của con người là phần chủ yếu của tự nhiên, nó tham dự vào
sự vô cùng dồi dào mà ta thấy ở khắp nơi trong sự quản trị của tự nhiên. Nó chỉ là một kiểu
khác của việc “hãy sinh sản thêm nhiều và đầy trên mặt đất” như thể đó chính tiếng nói của
tự nhiên nói với chúng ta.

13. Vì lao động là điều kiện của bản thân đời sống, nó không chỉ tham dự vào sự vất vả và
cực nhọc của đời sống mà còn vào cả niềm hạnh phúc hoàn toàn mà với nó ta có thể trải
nghiệm việc ta đang sống. “Phúc lành hay niềm vui của lao động” - đóng một vai trò quá lớn
lao trong các lý thuyết về lao động thời hiện đại- không phải là một ý niệm trống rỗng. Con
người, tác giả của sự tạo tác của nhân loại, mà ta gọi là thế giới cõi sống phân biệt với giới
tự nhiên, và con người, những kẻ luôn liên quan đến nhau thông qua hành động và lời nói
không hề chỉ là các hữu thể tự nhiên. Nhưng trong chừng mực ta cũng chỉ là các sinh vật
thụ tạo, thì lao động là cách duy nhất ta có thể duy trì và dao động một cách mãn nguyện
theo vòng tuần hoàn do tự nhiên điều hướng: vất vả và nghỉ ngơi, lao động và tiêu thụ, với
cùng sự đều đặn hạnh phúc và không có mục đích mà với nó ngày và đêm, sống và chết
theo nhau. Phần thưởng cho vất vả và cực nhọc, mặc dù không để lại bất kì điều gì phía
sau nó, thì thậm chí còn thực hơn, ít vô nghĩa hơn bất kì một kiểu hạnh phúc nào, nó nằm
trong sự phong nhiêu của tự nhiên, trong sự tin tưởng lặng lẽ mà con người trong “vất vả và
cực nhọc” đã thực hiện vai trò của mình, vẫn là một phần của tự nhiên trong tương lai của
những đứa con và cháu chắt của mình. Cựu ước, không giống như thời cổ Hi Lạp La Mã
(classical antiquity), cho rằng đời sống là có tính linh thiêng và vì thế cái chết hay lao động
đều không phải là cái ác hay điều tồi tệ (chắc chắn không phải lập luận chống lại đời sống),
chỉ ra trong các câu chuyện về các bậc tổ phụ việc họ không bận tâm đến cái chết như thế
nào và cái chết đến với họ trong hình thái thân thuộc của đêm tối cùng sự nghỉ ngơi tĩnh
lặng vĩnh hằng “trong tuổi già hạnh phúc cao niên và trường thọ”.

14. Phúc lành của đời sống như một tổng thể, vốn có trong lao động, không bao giờ có thể
được tìm thấy trong tạo tác và không nên bị nhầm lẫn với sức quyến rũ hẳn là ngắn ngủi
của niềm vui sướng theo sau việc hoàn thành và tham dự việc đạt thành quả. Phúc lành của
lao động là ở chỗ nỗ lực và sự hài lòng theo nhau chặt chẽ sát sao như sản xuất và tiêu thụ,
để cho hạnh phúc là cái đi đôi với bản thân quá trình. Không có niềm hạnh phúc và thỏa
mãn dài lâu cho con người bên ngoài vòng tuần hoàn được điều hướng của sự cạn kiệt đau
đớn và sự phục hồi dễ chịu. Bất kể điều gì loại bỏ sự cân bằng của chu trình này -nỗi khốn
khổ khi sự suy kiệt theo sau nỗi bất hạnh hoặc một cuộc sống hoàn toàn không nỗ lực với
tình trạng buồn chán thế chỗ cho sự suy kiệt và nơi những máy xay của nhu cầu cấp thiết,
hay tiêu thụ và tiêu hóa nghiền nát một cơ thể người bất lực một cách tàn nhẫn cho đến
chết -tàn phá niềm hạnh phúc cơ bản đến từ việc người ta còn sống. Yếu tố của lao động
hiện diện trong mọi hoạt động của con người, thậm chí cao nhất, trong chừng mực chúng
được nhận là các công việc “theo thường lệ” từ đó ta kiếm sống và giữ cho mình tồn tại.
Chính tính lặp lại của chúng, mà thường xuyên hơn, ta cảm thấy là một gánh nặng làm ta
cạn kiệt, lại là cái cung cấp mức tối thiểu của sự thỏa mãn của động vật từ đó sức hấp dẫn
lớn lao và ý nghĩa của niềm vui vốn hiếm hoi và không bao giờ bền lâu, không bao giờ là
thứ thay thế, và không có nó thì đau khổ và phiền muộn thực sự hầu như không thể sinh ra.

15. Hoạt động tạo tác của đôi bàn tay ta, phân biệt với lao động của cơ thể, tạo ra vô số các
vật thể bất tận mà tổng số chúng cấu thành nên thế giới nhân tạo của con người, thế giới
mà ta sống. Chúng không phải là hàng hóa tiêu dùng mà là ​vật dụng, và việc sử dụng chúng
một cách hợp thức không làm chúng biến mất. Chúng mang đến cho thế giới sự ổn định và
vững vàng mà nếu không có thì ta không thể dựa vào để sinh vật hữu tử là con người có
chốn cư lưu.
16. Chắc chắn, tính bền vững của thế giới đồ vật là không tuyệt đối; ta không tiêu thụ đồ vật
mà ​tận dụng chúng, và nếu ta không tận dụng, chúng đơn thuần sẽ mục rữa, trở lại với toàn
bộ quá trình tự nhiên từ đó chúng được mang đến và trên đó chúng được ta dựng lên. Nếu
để tự nó hay trục xuất nó ra khỏi thế giới con người, thì một cái ghế sẽ lại trở thành gỗ, mà
gỗ sẽ mục và quay trở lại với đất từ đó nó xuất hiện trước khi bị đốn hạ để trở thành vật liệu
cho ta chế tạo và xây dựng. Tuy nhiên, trong khi việc sử dụng gắn liền với việc tận dụng các
đối tượng này, sự kết thúc này không được dự định từ trước, nó không phải mục tiêu để
được tạo ra, như “sự thủ tiêu” hay tiêu thụ ngay lập tức cái bánh mì là mục đích vốn có của
nó; điều mà việc sử dụng làm cạn kiệt là tính bền vững. Nói cách khác, sự phá hủy, dù
không thể tránh khỏi, là ngẫu nhiên khi sử dụng nhưng lại là vốn có trong sự tiêu thụ. Cái
phân biệt hầu hết những đôi giày mỏng với hàng tiêu thụ là chúng không hỏng nếu ta không
mang, chúng là các khách thể và vì thế có tính độc lập “khách quan” nhất định của riêng
chúng, dù khiêm tốn. Được sử dụng hay không chúng vẫn tồn tại trong thế giới trong một
khoảng thời gian nhất định trừ phi bị cố tình hủy diệt.
17. Chính tính bền vững này mang đến cho sự vật trong thế giới sự độc lập tương đối với
người tạo ra và sử dụng chúng; “tính khách thể” làm cho chúng chống lại, “đứng vững” và
chịu đựng được ít nhất trong một thời gian trước những sự thiếu thốn và nhu cầu ngốn ngấu
của người sử dụng chúng. Từ điểm nhìn này, sự vật trong “cõi sống” của con người có chức
năng ổn định đời sống, và tính khách thể của chúng nằm trong thực tế là con người, bất kể
bản tính luôn luôn thay đổi, có thể phục hồi căn tính của mình bằng cách liên hệ với tính đều
đều bền vững của đối tượng: cùng một cái ghế ấy hôm nay và ngày mai, cùng một ngôi nhà
trước đây từ khi sinh ra đến lúc chết đi. Trái ngược với tính chủ thể của con người là tính
khách thể của thế giới tác tạo do con người làm ra, chứ không phải sự thờ ơ, dửng dưng
của tự nhiên. Chỉ vì ta đã dựng lên một thế giới các đối tượng từ những gì tự nhiên mang
đến cho ta và xây dựng môi trường nhân tạo này thành tự nhiên, vì thế bảo vệ ta trước tự
nhiên, khiến ta có thể nhìn vào tự nhiên như một cái gì “có tính khách quan”. Giả sử không
có một thế giới hay một cõi sống nằm giữa con người và tự nhiên, sẽ có một sự vận động
vĩnh cửu, nhưng không có tính khách quan.

18. Tính lâu bền và tính khách quan là kết quả của sự chế tạo, là công việc của con người
tạo tác (homo faber). Nó chứa đựng sự (đồ) vật hóa (reification). Sự vững chắc, vốn có
thậm chí trong các vật mỏng manh nhất, rốt cuộc đến từ vật chất được chuyển thành tư liệu.
Tư liệu là sản phẩm của đôi bàn tay con người đã dịch chuyển nó ra khỏi vị trí tự nhiên của
nó, hoặc giết chết một quá trình sống, như trong trường hợp cái cây cung cấp gỗ, hoặc làm
gián đoạn một trong các quá trình chậm hơn của tự nhiên, như trong trường hợp của sắt,
đá, hay cẩm thạch vỡ ra từ lòng đất. Yếu tố này của sự xâm phạm và bạo lực hiện diện
trong mọi sự chế tạo, và con người như kẻ sáng tạo nên thế giới tạo tác đã luôn luôn là kẻ
hủy diệt tự nhiên. Trải nghiệm về bạo lực này là trải nghiệm cơ bản của sức mạnh của con
người, và tương tự chính là cái đối lập với nỗ lực kiệt cùng, đau đớn được trải nghiệm trong
lao động nhọc nhằn. Đây không còn là việc kiếm được miếng bánh mì “đổ mồ hôi trán”,
trong đó con người có thể quả thực là chúa tể và chủ nhân của mọi sinh vật nhưng vẫn là
đầy tớ của tự nhiên, của nhu cầu tự nhiên của chính mình, và của mặt đất. Con người tạo
tác, homo faber, trở thành chúa tể và chủ nhân của bản thân tự nhiên trong chừng mực vi
phạm và phần nào hủy diệt cái được mang đến cho mình.

19. Quá trình tạo tác bản thân nó hoàn toàn bị quy định bởi các phạm trù phương tiện và
mục đích. Vật được tạo tác là sản phẩm cuối cùng trong nghĩa nhị bội: quá trình sản xuất đi
tới kết thúc trong nó và nó chỉ là phương tiện để tạo ra mục đích này. Không giống như hoạt
động lao động, nơi lao động và tiêu thụ chỉ là hai giai đoạn của một quá trình đồng nhất -quá
trình sống của cá nhân hay của xã hội -sự chế tạo và sử dụng là hai quá trình hoàn toàn
khác nhau. Đích đến của quá trình chế tạo đã đạt được khi vật hoàn thành, và quá trình này
không cần lặp lại. Động lực hướng về sự lặp lại đến từ nhu cầu của người thợ thủ công
kiếm sống mà thôi, tức là, từ yếu tố của lao động vốn có trong sự tạo tác của anh ta. Nó
cũng có thể đến từ yêu cầu nhân lên của thị trường. Ở một trong hai trường hợp, quá trình
này được lặp lại do các nguyên nhân bên ngoài nó, không giống như sự lặp lại cưỡng bách
vốn có trong lao động, nơi người ta phải ăn để làm việc và phải làm việc để có ăn. Sự nhân
lên không nên bị nhầm với sự lặp lại, mặc dù nó có thể bị cá nhân người thợ thủ công cảm
thấy chỉ là sự lặp lại mà một cái máy có thể làm tốt hơn và có năng suất cao hơn. Sự nhân
lên, trên thực tế, tăng bội sự vật, trong khi sự lặp lại chỉ theo vòng tuần hoàn tái diễn của đời
sống trong đó các sản phẩm của nó biến mất hầu như cũng nhanh như chúng đã xuất hiện.

20. Có một khởi đầu rõ ràng và một kết thúc rõ ràng có thể đoán trước là dấu ấn của sự
chế tạo, và chỉ thông qua đặc trưng này, ta phân biệt sự chế tạo với mọi hoạt động khác
của con người. Lao động, được nắm bắt trong vận động tuần hoàn của quá trình sinh học,
nói đúng ra, không có bắt đầu cũng không có kết thúc -chỉ có những chỗ ngừng, quãng nghỉ
giữa cạn kiệt và phục hồi. Hành động, dù có thể có một bắt đầu rõ ràng, như ta sẽ thấy,
không bao giờ có một kết thúc có thể dự đoán. Tính đáng tin cậy lớn lao này của tạo tác
được phản ánh trong chính quá trình chế tạo, không giống như hành động, nó không phải là
không thể đảo ngược: tất cả mọi thứ được sản xuất bởi bàn tay con người có thể bị phá hủy
bởi họ, và không có vật dụng nào quá cần thiết trong tiến trình sống đến mức người tạo ra
nó không thể sống còn và không chịu được sự phá hủy nó. Con người, kẻ chế tạo của thế
giới tạo tác, cõi sống của riêng con người, quả thực là chúa tể và chủ nhân, không chỉ vì con
người đã thiết lập bản thân như là chủ nhân của toàn thể tự nhiên, mà vì con người là chủ
nhân của chính mình và những việc làm của mình. Điều này không đúng với lao động, nơi
con người vẫn tuân theo sự cần thiết tất yếu của đời sống của họ, cũng không đúng cho
hành động, nơi họ vẫn phụ thuộc vào đồng loại của mình. Chỉ với hình ảnh về sản phẩm
tương lai của mình, ​con người tạo tác mới tự do sản xuất, và lại một mình đối mặt với công
việc của đôi bàn tay, và có tự do để phá hủy.
21. Tôi đã nói ở trên rằng mọi quá trình chế tạo đều bị quy định bởi phạm trù phương tiện
và mục đích. Điều này thể hiện rõ nhất trong vai trò lớn lao của các dụng cụ và công cụ
trong quá trình đó. Từ lập trường của ​con người tạo tác,​ con người quả thực, như Benjamin
Franklin nói, một “người chế tạo dụng cụ”. Chắc chắn, các dụng cụ và vật dụng cũng được
sử dụng trong quá trình lao động, như mọi bà nội trợ biết tự hào sở hữu mọi dụng cụ trong
một nhà bếp hiện đại; nhưng các dụng cụ này có tính cách và chức năng khác khi được
dùng cho lao động, chúng phục vụ cho việc làm nhẹ gánh nặng và cơ giới hóa lao động của
người lao động; chúng, có thể nói, lấy con người làm trung tâm, trong khi đó công cụ của
hoạt động chế tạo được thiết kế và phát minh cho việc chế tạo các vật, sự phù hợp và độ
chính xác của chúng là mệnh lệnh từ các mục đích “khách quan” hơn là từ nhu cầu và
mong muốn chủ quan. Hơn nữa, mọi quá trình chế tạo sản xuất ra các vật tồn tại lâu hơn
đáng kể so với quá trình làm chúng hiện hữu, trái lại, trong quá trình lao động, tạo ra các
hàng hóa “tồn tại trong thời gian ngắn”, thì các dụng cụ và công cụ nó sử dụng lại là các vật
duy nhất vượt qua khỏi được bản thân quá trình lao động. Chúng là vật dụng ​cho lao động,
và theo đúng nghĩa, không phải là kết quả của bản thân hoạt động lao động. Cái thống trị
lao động bằng cơ thể con người, và mọi quá trình tạo tác được thực hiện trong phương
thức lao động, không phải nỗ lực có mục đích cũng không phải bản thân sản phẩm, mà là
sự vận động của quá trình và nhịp điệu nó áp đặt lên người lao động. Các vật dụng lao động
bị lôi kéo vào nhịp điệu này nơi cơ thể và dụng cụ lắc theo cùng một vận động lặp lại -cho
đến khi dùng máy móc, vốn là cái phù hợp nhất cho việc thực hiện lao động do sự vận
động của chúng, thì vận động của cơ thể không còn là cái quyết định vận động của vật
dụng, mà chính vận động của máy móc cưỡng bách vận động của cơ thể, trong khi, ở một
trạng thái tăng tiến hơn, vận động của máy móc thay thế luôn vận động cơ thể. Dường như
với tôi thì cái vô cùng đặc trưng mà câu hỏi được thảo luận nhiều về việc liệu con người nên
được “hiệu chỉnh” cho khớp với máy móc hay máy móc nên được hiệu chỉnh theo bản tính
của người không bao giờ nổi lên chỉ liên quan đến các dụng cụ hay công cụ. Và lý do là: mọi
dụng cụ cho sự khéo léo của người công nhân vẫn phục vụ cho đôi bàn tay, trong khi đó
máy móc quả thực yêu cầu người lao động phải phục vụ chúng, điều chỉnh nhịp điệu tự
nhiên của cơ thể theo vận động của máy móc. Nói cách khác, ngay cả dụng cụ tinh vi nhất
vẫn chỉ là nô lệ, không có khả năng chỉ dẫn hay thay thế đôi tay; trong khi ngay cả loại máy
nguyên thủy nhất cũng chỉ dẫn và thay thế một cách lý tưởng cho lao động của cơ thể.
22. Trải nghiệm cơ bản nhất ta có với công cụ nảy ra từ quá trình chế tạo. Ở đây quả thực
đúng là mục đích biện minh cho phương tiện; nó hoạt động nhiều hơn, nó sản xuất và tổ
chức chúng. Mục đích biện minh cho bạo lực được thực hiện với tự nhiên để chiến thắng
vật liệu, như gỗ biện minh cho việc chặt cây, và cái bàn biện minh cho việc hủy diệt gỗ.
Theo cách tương tự, sản phẩm cuối cùng tổ chức chính quá trình tạo tác nó, quyết định về
các chuyên gia cần thiết, mức độ của sự cộng tác, số lượng trợ lý hay người cộng tác. Vì
thế mọi vật và mọi người ở đây được đánh giá bằng sự phù hợp và hữu ích cho sản phẩm
cuối cùng được khao khát, và không là gì khác.

23. Kỳ lạ thay, giá trị hiệu lực của phạm trù phương tiện -mục đích không được tát cạn với
sản phẩm được hoàn thành mà vì nó. mọi vật và mọi người đều trở thành phương tiện. Dù
đồ vật là mục đích trong quan hệ với phương tiện nhờ đó nó được sản xuất ra và là cái đích
thực tế của quá trình chế tạo, có thể nói, nó không bao giờ trở thành một mục đích tự thân,
ít nhất không bao giờ như thế, chừng nào nó vẫn là một đồ vật để sử dụng. Nó ngay lập tức
giữ vị trí nào đó trong một chuỗi phương tiện -mục đích khác vì chính tính hữu ích của nó;
với tư cách chỉ là một vật dụng nó trở thành phương tiện cho cuộc sống dễ chịu chẳng hạn,
hay như một vật trao đổi, tức là trong chừng mực như một giá trị nhất định đã được ban cho
vật liệu được dùng để chế tạo, nó trở thành một phương tiện để đạt được các đối tượng
khác. Nói cách khác, trong một thế giới vị lợi tuyệt đối, tất cả các mục đích buộc phải tồn tại
trong một thời gian ngắn; chúng được chuyển hóa thành phương tiện cho các mục đích xa
hơn nào đó. Một khi mục đích đã đạt được, nó không còn là mục đích, nó trở thành một đối
tượng trong số các đối tượng khác mà bất kì lúc nào cũng có thể bị biến thành phương tiện
để theo đuổi các mục đích xa hơn. Sự lúng túng của thuyết vị lợi, tức có thể nói, là triết học
về ​con người tạo tác​, là ở chỗ nó bị vướng vào một chuỗi bất tận phương tiện và mục đích
mà chưa từng đạt đến được một nguyên tắc có thể biện minh cho phạm trù, tức là cho
chính phạm trù tính hữu dụng.
24. Cách thông thường để thoát khỏi song đề này là làm cho người sử dụng- tức chính con
người- trở thành mục đích tối hậu để kết thúc chuỗi bất tận mục đích và phương tiện. Việc
con người là mục đích tự thân và không bao giờ bị sử dụng như phương tiện để theo đuổi
các mục đích khác, bất kể các mục đích này cao cả đến đâu là điều nổi tiếng đối với ta từ
triết học đạo đức của Kant, và không nghi ngờ gì là Kant trước hết muốn xếp phạm trù
phương tiện -mục đích và triết học của thuyết vị lợi của nó xuống vị trí thích đáng và ngăn
nó thống trị mối quan hệ giữa người và người thay vì mối quan hệ giữa người và vật. Tuy
nhiên, ngay cả công thức chứa đựng nghịch lý bên trong của Kant cũng không giải quyết
được sự lúng túng của ​con người tạo tác​. Bằng cách nâng người sử dụng lên vị trí một mục
đích tối hậu, ông càng mạnh mẽ hạ giá trị của mọi “mục đích” khác xuống vị trí của phương
tiện đơn thuần. Nếu con người sử dụng là mục đích cao nhất, là “thước đo của vạn vật”, thì
không chỉ giới tự nhiên, bị đối xử bởi quá trình chế tạo như “vật liệu hầu như vô giá trị” từ đó
để mà tạo tác và ban cho “giá trị” (như Locke nói) mà cả bản thân các vật “có giá trị lớn”
cũng chỉ trở thành phương tiện, từ đó mất đi chính giá trị nội tại của chúng. Hay nói cách
khác, cái mang tính “cõi sống” nhất của mọi hoạt động mất đi ý nghĩa khách quan nguyên
thủy của nó, trở thành một phương tiện để thực hiện các nhu cầu chủ quan, tự mình và do
mình, nó không còn có ý nghĩa cho dù nó có hữu dụng bao nhiêu đi nữa.
25. Từ quan điểm của sự chế tạo, thành phẩm cũng là một mục đích tự thân, một thực thể
độc lập lâu bền với sự hiện hữu tự mình, như con người là một mục đích tự thân trong triết
học đạo đức của Kant. Tất nhiên, vấn đề hệ trọng ở đây không phải là tính công cụ xét như
bản thân nó, tức việc sử dụng phương tiện để đạt được mục đích, mà đúng hơn là sự khái
quát hóa kinh nghiệm chế tạo trong đó tính hữu dụng và tính có ích được thiết lập như các
chuẩn mực tối hậu cho thế giới cũng như cho đời sống của con người vận động trong đó.
Con người tạo tác, homo faber, có thể nói, đã vượt quá các giới hạn của hoạt động của
mình khi, dưới lớp áo ngụy trang của thuyết vị lợi, đề xuất rằng tính công cụ thống trị lãnh
địa của thế giới đã hoàn thành cũng độc quyền như nó thống trị hoạt động qua đó mọi vật
được bao gồm trong nó đi đến tồn tại. Sự khái quát hóa này sẽ luôn luôn là cám dỗ đặc thù
của ​con người tạo tác mặc dù, phân tích cho đến cùng, nó sẽ là chính nguyên nhân suy sụp
của mình: nó sẽ bị bỏ lại với tính vô nghĩa ở giữa sự hữu dụng; thuyết vị lợi không bao giờ
có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi mà Lessing từng đưa ra cho các triết gia vị lợi của
thời đại mình: “Và anh thử nghĩ xem, ích lợi của ích lợi là cái gì?”
26. Trong phạm vi của bản thân quá trình chế tạo, chỉ có một loại đối tượng mà chuỗi vô tận
của phương tiện và mục đích không áp dụng, và đó là ​tác phẩm nghệ thuật, vật vô dụng
nhất và đồng thời lại tồn tại lâu bền nhất mà bàn tay con người có thể tạo ra. Chính đặc
trưng của nó là cái tách biệt nó rất xa khỏi bối cảnh tổng thể của cách sử dụng thông
thường, đến nỗi một vật dụng cũ, chẳng hạn một thứ đồ cổ thuộc thời xa xưa, được thế hệ
sau xem là một “kiệt tác”, được đặt trong một bảo tàng và vì thế cẩn thận được loại bỏ khỏi
bất kì một cách sử dụng khả hữu nào. Cũng giống như mục đích của một cái ghế được hiện
thực hóa khi nó được ngồi lên, thì mục đích vốn có của một tác phẩm nghệ thuật -dù người
nghệ sĩ biết nó hay không, dù mục đích đạt được hay không -là đạt được tính vĩnh cửu qua
suốt các thời đại. Không ở đâu mà tính bền lâu hoàn toàn của thế giới do con người tạo ra
lại xuất hiện trong một sự trong sáng và rõ ràng như thế, vì thế không ở đâu khác, thế giới
sự vật này tự tỏ lộ một cách quá ngoạn mục như ngôi nhà bất tử cho các sinh vật hữu tử.
Và mặc dù nguồn cảm hứng thực tế của các vật vĩnh cửu này là tư tưởng, điều này không
ngăn được chúng tồn tại như là vật. Quá trình tư duy không còn sản xuất bất cứ một vật
nào hữu hình ngoài khả năng đơn thuần sử dụng các sự vật sản xuất ra chúng. Chính trong
quá trình vật hóa (reification) xuất hiện trong việc viết một cái gì đó ra, vẽ một hình ảnh,
sáng tác một bản nhạc, vân vân mà, trên thực tế, ​làm cho tư tưởng thành thực tại; và để tạo
ra các vật mang tư tưởng này, thường được gọi là tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi tay nghề
tương đương như khi thông qua công cụ đầu tiên của bàn tay con người dựng lên các vật
khác, ít lâu bền hơn và hữu ích hơn của thế giới tạo tác của con người.
27. Thế giới sự vật do con người tạo ra trở thành ngôi nhà cho con người hữu tử, và sự ổn
định sẽ kéo dài và tồn tại lâu hơn sự vận động không ngừng thay đổi của đời sống và hành
vi của họ, chỉ trong chừng mực nó siêu vượt cả thuyết chức năng đơn thuần của hàng tiêu
dùng lẫn tính hữu dụng của vật dụng. Đời sống theo nghĩa phi -sinh học, khoảng thời gian
mỗi người được ban cho giữa sống và chết, tự thể hiện ra trong ​hành động và ​lời nói​, điều
giờ đây ta sẽ tập trung chú ý. Với lời nói và việc làm,ta gắn mình vào thế giới con người, và
sự kết nối này giống như một lần ​sinh ra thứ hai​, trong đó ta khẳng định và chấp nhận một
sự thật trần trụi của sự xuất hiện vật lý nguyên thủy của ta. Vì thông qua việc sinh ra đời, ta
bước vào Tồn tại, ta chia sẻ với mọi thực thể khác đặc tính của Sự-tồn-tại-khác hay tính tha
thể (Otherness), một khía cạnh quan trọng của tính số nhiều “làm ra” (make) [sic!] việc: ta
chỉ có thể định nghĩa bằng sự phân biệt, rằng ta không có khả năng nói bất cứ một cái gì ​là
mà không phân biệt nó với một cái khác. Ngoài ra ta chia sẻ với mọi sinh vật đặc điểm phân
biệt làm cho nó thành một thực thể cá biệt. Tuy nhiên chỉ có con người mới có thể ​diễn đạt
tính khác biệt và tính cá nhân, chỉ con người mới có thể phân biệt chính mình và giao tiếp
với ​chính mình​, và không phải chỉ là cái gì đó -khát hay đói, yêu mến, thù địch hay sợ hãi. Ở
con người, tính khác biệt và tính phân biệt trở thành tính duy nhất, và cái mà con người lồng
vào trong ngôn ngữ và hành động thành cái đi kèm với kiểu loại của riêng mình chính là sự
độc nhất (uniqueness). Sự lồng ghép này không bị áp đặt lên ta thông qua nhu cầu cấp thiết
như lao động và cũng không bị thôi thúc bởi sự thiếu thốn và khao khát như tạo tác. Nó có
tính vô điều kiện; động lực của nó xuất phát từ sự bắt đầu đến với thế giới từ khi ta được
sinh ra và từ đó ta phản hồi bằng việc ​bắt đầu một cái gì đó mới mẻ dựa trên sáng kiến
riêng của mình. ​Hành động, trong nghĩa khái quát nhất của nó, có nghĩa là thực hiện một
sáng kiến, là bắt đầu, như từ tiếng Hy Lạp: ​arkhein ​chỉ ra, hay là khởi động một cái gì đó,
vốn là nghĩa ban đầu của từ La tinh agere​.
28. Mọi hoạt động của con người đều bị điều kiện hóa bởi tính số nhiều của con người, tức
là không phải M ​ ột người, mà là nhiều người cư trú trên trái đất và theo cách này hay cách
khác, sống cùng nhau. Nhưng chỉ hành động và lời nói liên hệ cụ thể tới thực tế là sống luôn
luôn có nghĩa là sống giữa nhiều người, giữa những người ngang hàng với mình. Vì thế, khi
tôi bước vào thế giới, đó là một thế giới nơi những người khác đã hiện diện. Hành động và
lời nói liên hệ với nhau quá chặt chẽ bởi vì hành động ban đầu và riêng biệt của con người
cũng phải luôn luôn trả lời cho câu hỏi được đặt ra bởi mỗi người mới đến: “Mi là ai?” Sự tiết
lộ “một người nào đó là ai” mặc nhiên trong việc hành động mà không có lời nói thì theo một
cách nào đó là không hiện hữu hay nếu có hiện hữu thì [nó] cùng không quan yếu; không có
lời nói, hành động mất đi tư cách người hành động, và người thực hiện hành động chỉ có
thể có ở mức độ là anh ta đồng thời là người phát ngôn về hành động, người đồng nhất bản
thân với người hành động và thông báo về việc anh đang làm, điều anh đã làm, hay cái anh
định làm. Chính xác như Dante từng nói -và cô đọng hơn tôi nhiều (​De Monarchia​, I, 13):“Vì
trong mọi hành động cái được dự định lúc ban đầu bởi người hành động… là sự tiết lộ chính
hình ảnh của anh ta. Vì thế mỗi người hành động, trong chừng mực anh ta hành động, hài
lòng với hành động, vì mọi thứ tồn tại đều khao khát tồn tại của riêng mình, và vì trong hành
động, tồn tại của người hành động cách này cách khác mãnh liệt hơn, sự hài lòng tất yếu
theo sau… Vì thế không có gì hành động trừ phi bằng hành động, nó làm hiện ra rõ ràng
bản ngã tiềm tàng của nó”. Chắc chắn, sự tiết lộ về “ai” này luôn luôn bí ẩn với chính bản
thân người đó - như con quỷ (daimon) trong tôn giáo Hy Lạp - kẻ đi cùng với con người
trong suốt cuộc đời anh ta, luôn luôn nhìn qua vai anh từ phía sau và vì thế chỉ hữu hình với
những người mà anh đương đầu. Nhưng mặc dù không được biết đến với người đó, hành
động có tính nhân vị (personal) một cách mãnh liệt. Hành động mà không có tên, không
một “ai” gắn với nó, thì là vô nghĩa trong khi một tác phẩm nghệ thuật vẫn giữ sự quan yếu
dù ta biết tên người sáng tác hay không. Hãy để tôi nhắc bạn nhớ về những đài tưởng niệm
các chiến sĩ vô danh sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Chúng lưu giữ bằng chứng cho nhu
cầu tìm một “ai”, một người có thể nhận diện, người mà bốn năm tàn sát lẽ ra nên tiết lộ. Sự
không đành lòng cam chịu thực tế tàn bạo là tác nhân của cuộc chiến tranh thực ra ​Không là
ai cả đã gây cảm hứng dựng lên các đài tưởng niệm cho những người vô danh - tức là cho
tất cả những người mà cuộc chiến tranh đã không làm cho họ được biết đến, bằng cách ấy
tước đoạt của họ không chỉ thành tích mà còn cả phẩm giá con người.
29. Ở bất cứ nơi nào con người sống cùng nhau, đều có một mạng lưới các quan hệ người
mà, có thể nói, được đan dệt bởi hành động và lời nói của vô số người, bởi người sống
cũng như người chết. Mỗi hành động và sự bắt đầu mới mẻ đều rơi vào một mạng lưới đã
hiện hữu,tuy nhiên,nơi nó,cách này cách khác bắt đầu một quá trình mới sẽ tác động đến
nhiều người khác,thậm chí vượt ra ngoài những người mà tác nhân đó tiếp xúc trực tiếp.
Chính bởi vì mạng lưới đã hiện hữu này của các quan hệ người với sự xung đột về ý chí và
ý định, mà hành động hầu như không bao giờ đạt được mục đích của nó. Và cũng chính vì
môi trường và đặc trưng không thể đoán trước mà hành động luôn luôn sản xuất ra những
câu chuyện, một cách cố ý hay không, cũng tự nhiên như quá trình tạo tác sản xuất ra các
vật hữu hình. Các câu chuyện này sau đó có thể được ghi lại trong các văn kiện và di tích,
chúng có thể được kể trong thơ ca và sử học, và được tạo tác thành mọi loại vật liệu. Tuy
nhiên bản thân chúng lại có một bản tính hoàn toàn khác với những sự (đồ)vật hóa này.
Chúng nói với chúng ta về các chủ thể của chúng, “nhân vật chính” trong mỗi câu chuyện,
nhiều hơn bất kì một sản phẩm nào của bàn tay con người đã từng nói với chúng ta về
người sản xuất ra chúng, nhưng,nói cho thích đáng,chúng không phải các sản phẩm. Mặc
dù mọi người đều bắt đầu chính câu chuyện của mình, ít nhất là câu chuyện của cuộc đời
mình, không ai là tác giả hay người sản xuất ra nó. Nhưng chính xác thì chính trong các câu
chuyện này mà ý nghĩa thực sự của một đời con người cuối cùng tự tỏ lộ ra. Việc mỗi đời
sống cá nhân từ sinh ra đến chết đi có thể rốt cuộc được kể như một câu chuyện có bắt đầu
và kết thúc là điều kiện tiền -chính trị và tiền -lịch sử của lịch sử, câu chuyện vĩ đại không có
mở đầu và kết thúc. Nhưng lý do vì sao mỗi cuộc đời con người kể câu chuyện của mình và
vì sao lịch sử rốt cuộc trở thành cuốn truyện kể của loài người, với nhiều người hành động
và người nói nhưng không có bất cứ một tác giả nào có thể được thừa nhận, đều là kết quả
của hành động. Câu chuyện thực sự trong đó chúng ta tham dự vào chừng nào ta sống
không có người chế tạo hữu hình hay vô hình bởi vì nó không được làm ra(make)​.
30. Sự vắng mặt của một người “làm ra”trong lĩnh vực này giải thích cho sự mong manh kì
lạ và tính bấp bênh của các “sự vụ của con người”một cách hoàn toàn. Vì ta luôn luôn hành
động trong một mạng lưới các quan hệ, hệ quả của mỗi hành vi là vô hạn, mỗi hành động
không chỉ gây ra một phản ứng mà là một chuỗi các phản ứng, mỗi quá trình là nguyên
nhân của các quá trình mới không thể đoán trước. Tính vô hạn này là không thể tránh khỏi;
nó không thể được cứu chữa bằng hạn chế hành động của con người vào một khuôn khổ
hay các hoàn cảnh có thể nắm bắt được bị giới hạn hay bằng cung cấp mọi vật liệu thích
hợp vào các máy tính khổng lồ. Hành động dù nhỏ nhất trong các hoàn cảnh giới hạn nhất
cũng mang mầm mống của cùng tính vô hạn và tính không thể đoán trước; một hành vi, một
cử chỉ, một từ có thể đủ để thay đổi cả mọi cấu hình (constellation). Trong hành động, trái
ngược với tạo tác, quả thực đúng là ta không bao giờ có thể thực sự biết ta đang làm gì.

31. Tuy nhiên tương phản rõ rệt với tính mong manh và bấp bênh này của các hành động
của con người có tồn tại một đặc điểm khác dường như làm cho nó thậm chí trở nên nguy
hiểm hơn là ta được phép giả định, dù thế nào đi nữa. Và một thực tế đơn giản là, mặc dù ta
không biết ta đang làm gì khi đang hành động, ta không bao giờ có khả năng xóa bỏ đ ​ iều ta
đã làm​. Quá trình hành động không chỉ không thể đoán trước, chúng còn không thể đảo
ngược; không có một tác giả hay người chế tạo nào có thể xóa bỏ, hủy diệt điều anh ta đã
làm nếu anh không thích hay khi các hệ quả chứng minh là thảm hại. Tính đàn hồi đặc biệt
này của hành động, có vẻ như đối lập với tính mong manh của các kết quả của nó, có thể
hoàn toàn không thể chịu đựng được nếu bên trong phạm vi của nó ta không tìm được một
phương cách nào đó.
32. Khả năng cứu chuộc khả hữu đối với tình thế gay go của sự không thể đảo ngược là
khả năng ​tha thứ, và phương thuốc cứu chữa cho tính bất khả đoán nằm trong khả năng
đưa ra và giữ lời hứa. Hai phương thuốc này cùng thuộc về nhau: tha thứ liên hệ tới quá
khứ và giúp xóa bỏ những việc quá khứ đã làm, trong khi ràng buộc mình thông qua lời hứa
giúp thiết lập trên đại dương dập dềnh của tương lai những hòn đảo an toàn mà nếu không
có chúng thì thậm chí không có tính liên tục, không nói đến tính bền vững thuộc bất kỳ loại
nào có thể có trong quan hệ giữa người với người. Không có sự tha thứ, giải thoát khỏi
những hậu quả của điều ta đã làm, khả năng hành động của chúng ta sẽ, có thể nói, bị giới
hạn vào một hành vi duy nhất từ đó ta không bao giờ có thể bù lại; ta có thể là nạn nhân của
những hậu quả đó mãi mãi, không phải là không giống người học nghề của thầy phù thủy
thiếu công thức ma thuật để phá bùa mê. Không ràng buộc với sự thực hiện lời hứa, ta sẽ
không bao giờ có thể đạt được căn tính và sự liên tục để cùng nhau tạo ra “nhân vị
(“person”)” về người mà câu chuyện có thể kể; mỗi chúng ta sẽ bị kết án lang thang bất lực
không phương hướng trong bóng tối nơi chính trái tim cô đơn của mình, bị mắc kẹt trong
những tâm trạng, mâu thuẫn và những sự bấp bênh không ngừng thay đổi (Căn tính chủ
quan này, đạt được thông qua ràng buộc bản thân với những lời hứa, cần được phân biệt
với căn tính “khách quan”, tức là liên hệ với khách thể bắt nguồn từ việc đương đầu với tính
đơn điệu đều đều của thế giới mà tôi đề cập trong phần thảo luận về tạo tác). Ở khía cạnh
này, tha thứ và đưa ra lời hứa giống như các cơ chế kiểm soát được xây dựng thành chính
khả năng bắt đầu các quá trình mới mẻ và bất tận.
33. Không có hành động, không có khả năng bắt đầu một điều mới mẻ và vì thế không khớp
nối sự khởi đầu mới trong thế giới ấy với sự sinh ra đời của mỗi hữu thể người, thì cuộc
sống của con người, trải qua giữa sống và chết, quả thực sẽ bị buộc phải hủy diệt mà không
được cứu rỗi. Bản thân vòng đời, đi về phía cái chết cũng không thể tránh khỏi mang mọi
thứ thuộc về con người đi đến sụp đổ và hủy diệt. Hành động, với tất cả tính bấp bênh của
nó, giống như một sự nhắc nhở luôn luôn hiện diện rằng con người, dù họ phải chết, đã
không được sinh ra để chết mà sinh ra để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ. “Có một con
người mới được sáng tạo ra” (“Initium ut esset homo creatus est)như Augustine đã nói. Với
sự sáng tạo con người, nguyên tắc của sự khởi đầu đến với thế giới - nguyên tắc mà, tất
nhiên, chỉ là cách khác để nói rằng:với việc sáng tạo con người, nguyên tắc ​tự do đã xuất
hiện trên mặt đất.
​ guyễn Thị Minh dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính
N

You might also like