You are on page 1of 113

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

KHOA LUẬT

TẬP BÀI GIẢNG

SOẠN THẢO VĂN BẢN PHÁP LUẬT

1. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG


Giáo trình có thể dùng tham khảo 
cho ngành:
Luật
Có thể dùng cho các trường: đại học

Biên soạn: Ths. Diệp Thành Nguyên


Các từ khóa: hành chính, tố tụng, xét xử, vụ án, án hành chính, tiền tố tụng, tòa
án, phiên tòa, sơ thẩm, phúc thẩm.

Yêu cầu kiến thức trước khi học môn này: học xong các học phần về Luật Hành
chính Việt Nam.

Đã xuất bản in chưa: chưa

Cần Thơ, tháng 3 năm 2016


PHẦN MỞ ĐẦU

1. Giới thiệu khái quát môn học


Soạn thảo văn bản là hoạt động tồn tại thường xuyên, liên tục và xuyên suốt theo
sự tồn tại của cơ quan, tổ chức. Công tác này rất quan trọng diễn ra hàng ngày trong các
cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan
hành chính nhà nước.
Để xây dựng và ban hành văn bản có chất lượng, người soạn thảo cần có kiến
thức nhất định về pháp luật, về ngôn ngữ, về kinh tế - xã hội. Việc soạn thảo và trình
bày văn bản không thể tùy tiện mà phải dựa vào những cơ sở pháp lý. Đặc biệt khi các
cơ sở pháp lý có sự thay đổi thì những người làm công tác liên quan đến xây dựng văn
bản cần cập nhật thông tin nhằm đảm bảo tính quy phạm của công tác này.
Do tầm quan trọng như thế nên nội dung Soạn thảo văn bản được đưa vào hầu hết
các chương trình đào tạo sinh viên bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong
cả nước, đặc biệt là cho sinh viên ngành luật.
2. Mục tiêu môn học
Môn học hướng tới mục tiêu trang bị cho sinh viên những kiến thức căn bản về
các loại văn bản nhà nước, về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; đồng thời cung cấp
cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về các vấn đề liên quan đến thẩm quyền ban
hành văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo quy
định của pháp luật hiện hành.
3. Yêu cầu môn học
Đây là môn học chuyên ngành, do đó yêu cầu sinh viên trước khi học môn này
phải học xong và nắm vững kiến thức của các học phần về Lý luận chung về nhà nước
và pháp luật, Luật Hiến pháp.
4. Cấu trúc môn học
Môn học Soạn thảo văn bản gồm có 4 bài, cụ thể:
 Bài 1: Khái quát chung về văn bản và văn bản nhà nước
 Bài 2: Tổng quan về văn bản quy phạm pháp luật
 Bài 3: Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản và bản sao văn bản
 Bài 4: Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức

1
BÀI 1
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ VĂN BẢN VÀ VĂN BẢN NHÀ NƯỚC

I- KHÁI NIỆM VĂN BẢN VÀ VĂN BẢN NHÀ NƯỚC


1. Khái niệm văn bản
Theo nghĩa rộng, văn bản được hiểu là vật mang tin được ghi bằng ký hiệu hay
bằng ngôn ngữ, nghĩa là bất cứ phương tiện nào dùng để ghi nhận và truyền đạt thông
tin từ chủ thể này đến chủ thể khác. Theo cách hiểu này thì bia đá, hoành phi, câu đối,
chúc thư, tác phẩm văn học hoặc khoa học kỹ thuật, công văn, khẩu hiệu, băng ghi âm,
bản vẽ … đều được gọi là văn bản.
Theo nghĩa hẹp, văn bản được hiểu là các tài liệu, giấy tờ, hồ sơ được hình thành
trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức. Theo nghĩa này, các
loại giấy tờ dùng để quản lý và điều hành các hoạt động của cơ quan, tổ chức như nghị
quyết, quyết định, chỉ thị, công văn, thông báo, báo cáo … đều được gọi là văn bản.
Văn bản là bản viết hoặc bản in mang nội dung là những gì cần được lưu lại làm
1
bằng.
2. Khái niệm và phân loại văn bản nhà nước
Văn bản nhà nước là văn bản do các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà
nước có thẩm quyền ban hành theo đúng trình tự, tên loại do pháp luật quy định nhằm
điều chỉnh các quan hệ xã hội hoặc để giải quyết những sự việc cụ thể thuộc phạm vi
nhiệm vụ của mình.
Theo Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác
văn thư thì văn bản nhà nước được chia thành hai loại:
- Văn bản quy phạm pháp luật; và
- Văn bản hành chính.
2.1. Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban
hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản có chứa quy phạm, pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm
quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng nhiều lần, đối với nhiều đối tượng khi
rơi vào trường hợp đã nêu trong phần giả định của các quy phạm pháp luật. Các đối
tượng tác động của chúng luôn luôn chung, trừu tượng, không có địa chỉ cụ thể. Ví dụ:
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Đất đai
năm 2013, v.v. . . .
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay (xem Bài 2 sách này).

1
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, xuất bản năm 1992, trang 1078.
2
2.2. Văn bản hành chính
Các văn bản hành chính là những văn bản mang tính thông tin quy phạm nhằm
thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc dùng để thực hiện các tác nghiệp hành
chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đây là loại văn bản được sử dụng phổ
biến nhất trong các cơ quan, tổ chức.
Trong hệ thống văn bản hành chính, ngoại trừ thông cáo quy định rõ chủ thể ban
hành, các văn bản hành chính khác không xác định thẩm quyền ban hành theo tên loại
của văn bản. Các cơ quan, tổ chức tùy theo thẩm quyền giải quyết công việc có thể lựa
chọn để ban hành loại văn bản phù hợp.
Hệ thống văn bản hành chính gồm:
- Văn bản cá biệt (văn bản áp dụng pháp luật); và
- Văn bản hành chính thông thường.
2.2.1. Văn bản cá biệt
Văn bản hành chính cá biệt gồm có: Nghị quyết cá biệt, Quyết định cá biệt, Chỉ
thị cá biệt, Quy chế, Quy định.
2.2.2. Văn bản hành chính thông thường
Văn bản hành chính thông thường gồm hai loại: Văn bản hành chính thông
thường có tên loại và Văn bản hành chính thông thường không có tên loại.
* Văn bản hành chính thông thường có tên loại
- Thông cáo: là văn bản của cơ quan, tổ chức cấp trung ương dùng để công bố
với nhân dân một quyết định hoặc một sự kiện quan trọng về đối nội, đối ngoại của quốc
gia. Thông cáo do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành.
- Thông báo: là loại văn bản dùng để thông tin các vấn đề trong hoạt động của
cơ quan, tổ chức để các đối tượng có liên quan biết hoặc thực thi.
- Báo cáo: là loại văn bản dùng để phản ánh tình hình, sự việc, vụ việc, hoạt
động của các cơ quan, tổ chức trong khoảng thời gian cụ thể nhằm kiến nghị các giải
pháp hoặc đề nghị cấp trên cho phương hướng xử lý.
- Tờ trình: là loại văn bản dùng để đề xuất với cấp trên phê chuẩn hay xét duyệt
một vấn đề mới hoặc đã có trong kế hoạch mà cấp dưới không thể tự quyết định được.
- Chương trình: là loại văn bản dùng để sắp xếp nội dung công tác, lịch làm việc
cụ thể theo một trình tự nhất định và trong một thời gian nhất định.
- Kế hoạch: là loại văn bản dùng để xác định mục tiêu, yêu cầu, chi tiêu của
nhiệm vụ cần hoàn thành trong một thời gian nhất định và các biện pháp về tổ chức,
nhân sự, cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ đó.
- Phương án: là loại văn bản dùng để nêu dự kiến về cách thức, trình tự tiến
hành công việc trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định.
- Đề án: là loại văn bản dùng để trình bày dự định, mục tiêu, kế hoạch thực hiện
công tác trong khoảng thời gian nhất định dựa trên cơ sở những đặc điểm, tình hình thực
tiễn của cơ quan, tổ chức.

3
- Biên bản: là loại văn bản dùng để ghi lại sự việc, vụ việc đã hoặc đang xảy ra
để làm chứng cứ pháp lý. Biên bản được sử dụng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức
hoặc trong hoạt động giữa cơ quan, tổ chức với công dân.
- Hợp đồng: là loại văn bản dùng để ghi lại sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên
bằng văn bản, trong đó các bên ký với nhau lập một quan hệ pháp lý về quyền và nghĩa
vụ.
- Công điện: là loại văn bản dùng để truyền đạt nhanh một mệnh lệnh, một nội
dung công việc đến cơ quan, tổ chức để thực hiện trong trường hợp khẩn cấp.
- Giấy chứng nhận: là loại văn bản dùng để xác nhận một sự việc, một đối tượng
có liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức.
- Giấy ủy nhiệm: là loại văn bản dùng để ghi nhận sự thỏa thuận giữa người có
quyền (hoặc người đại diện theo pháp luật) và người được ủy nhiệm. Theo đó người
được ủy nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ thay cho người có quyền (hoặc người đại
diện theo pháp luật).
- Giấy mời: là loại văn bản dùng để triệu tập công dân đến trụ sở cơ quan, tổ
chức để giải quyết các vấn đề liên quan đến yêu cầu hoặc khiếu nại của công dân.
- Giấy giới thiệu: là loại văn bản dùng để cấp cho cán bộ, nhân viên liên hệ giao
dịch, giải quyết các nhiệm vụ được giao khi đi công tác.
- Giấy nghỉ phép: là loại văn bản dùng để cấp cho cán bộ, nhân viên được nghỉ
phép theo quy định của pháp luật lao động để giải quyết các công việc của cá nhân.
- Giấy đi đường: là loại văn bản dùng để cấp cho cán bộ, nhân viên đi công tác
để tính phụ cấp đi đường. Giấy đi đường không có giá trị thay cho giấy giới thiệu.
- Giấy biên nhận hồ sơ: là loại văn bản dùng để xác nhận số lượng và loại hồ sơ,
giấy tờ do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác gởi đến.
- Phiếu gửi: là loại văn bản dùng để gửi tài liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân
này đến cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Phiếu gửi không thay thế cho công văn.
- Phiếu chuyển: là loại văn bản dùng để chuyển hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ
chức, đơn vị, cá nhân đến bộ phận khác để tiếp tục giải quyết hoặc do chủ thể chuyển
không có thẩm quyền giải quyết.
* Văn bản hành chính thông thường không có tên loại
Công văn (hành chính): được hiểu là thư công, là loại văn bản không có tên loại
dùng làm phương tiện giao dịch hành chính giữa các cơ quan, tổ chức hoặc giữa cơ
quan, tổ chức với công dân.
Phạm vi sử dụng của công văn rất rộng, liên quan đến các lĩnh vực hoạt động
thường xuyên của cơ quan, tổ chức.

II- PHONG CÁCH VĂN BẢN NHÀ NƯỚC


1- Phong cách chức năng ngôn ngữ
Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất không thể thiếu của loài người.
Trong tất cả các thời kỳ lịch sử, ngôn ngữ phục vụ xã hội và đồng thời phản ánh xã hội.

4
Trong quá trình hoạt động xã hội, con người cần phải hoạt động giao lưu, giao
tiếp, ngôn ngữ là công cụ để thực hiện sự trao đổi, giao tiếp ấy. Vì là công cụ để giao
tiếp, do đó xã hội loài người càng phát triển, đời sống xã hội càng phức tạp thì ngôn ngữ
càng phát triển, trở nên phong phú và uyển chuyển hơn, dẫn đến sự phân chia phong
cách chức năng ngôn ngữ, và mỗi phong cách phục vụ một lĩnh vực nhất định của hoạt
động xã hội như khoa học, hành chính, văn học nghệ thuật.
Phong cách chức năng ngôn ngữ là một hệ thống tương đối khép kín những
phương tiện biểu hiện nhất định của ngôn ngữ toàn dân, hình thành một cách lịch sử,
được xã hội thừa nhận, dùng lặp đi lặp lại trong một lĩnh vực hoạt động xã hội nào đó.
Phong cách chức năng trong tiếng Việt được chia làm 5 loại:
- Phong cách khẩu ngữ;
- Phong cách văn chương;
- Phong cách chính luận;
- Phong cách khoa học; và
- Phong cách hành chính.
Ở góc độ môn học này chúng ta chỉ nghiên cứu phong cách hành chính, tức là
phong cách ngôn ngữ trong văn bản nhà nước.

2. Phong cách hành chính


Phong cách hành chính là phong cách của tiếng Việt dùng trong lĩnh vực pháp
luật và quản lý nhà nước.
2.1. Ðặc điểm của phong cách hành chính
(1) Tính chính xác
- Tính chính xác có vai trò đặc biệt quan trọng vì nó liên quan đến hiệu quả điều
chỉnh các quan hệ xã hội của văn bản nhà nước.
- Tính chính xác đòi hỏi văn bản chỉ có một cách hiểu duy nhất, không cho phép có
những cách hiểu, cách giải thích khác nhau. Từ ngữ trong văn bản phải tạo ra
cách hiểu giống nhau.
- Muốn có những quy định chính xác trước hết phải làm rõ những khái niệm có nội
dung dễ gây nhiều cách hiểu khác nhau.
Ví dụ: khi quy định về phí và lệ phí thì cần làm rõ khái niệm phí là gì, lệ phí là gì.
Theo quy định tại Ðiều 2 và Ðiều 3 Pháp lệnh về phí và lệ phí năm 2001 thì phí là
khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung
cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này
(Ðiều 2). Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà
nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy
định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này (Ðiều 3).
- Ðể đảm bảo tính chính xác trong văn bản còn phải chú ý đến vị trí các dấu được
sử dụng.
(2) Tính dễ hiểu
5
- Văn bản phải viết ngắn gọn, dễ hiểu để nhân dân dễ tiếp thu, dễ nhớ.
- Tính dễ hiểu phải gắn với tính chính xác. Không nên vì muốn dễ hiểu mà bỏ qua
những nội dung, khái niệm cần thiết, yêu cầu chính là diễn đạt đúng ý.
- Ðể văn bản dễ hiểu phải dùng tiếng Việt phổ thông (toàn dân) (không dùng từ địa
phương), dùng từ nước ngoài đã được Việt hoá, hoặc chỉ dùng từ nước ngoài khi
trong tiếng Việt không có từ thay thế và phải giải nghĩa từ đó.
- Ðối với những khái niệm có tính trừu tượng, nếu có thể được thì diễn đạt thành
những câu đơn giản.
Ví dụ: khái niệm nam nữ bình đẳng trong Hiến pháp 1992 được diễn đạt ở điều 63:
Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt.
- Tính chính xác, tính dễ hiểu thường gắn liền với tính ngắn gọn. Viết nhiều lời,
viết trùng lập, dùng câu thừa, chữ thừa sẽ làm lu mờ ý chính hoặc làm tối nghĩa.
Có viết ngắn gọn, đủ mới để lại trong ký ức người đọc những ấn tượng rõ ràng.
(3) Tính khách quan
Văn bản của nhà nước là sản phẩm của các cơ quan nhà nước nên phong cách của
văn bản không cho phép thể hiện những đặc tính cá nhân. Ngôn ngữ trong văn bản nhà
nước phải khách quan, không cá tính, phải trang nghiêm, không có tính biểu cảm, không
có tính hình ảnh.
Sự khách quan của phương tiện ngôn ngữ kết hợp với những luận cứ chính xác
làm cho văn bản thể hiện tính nguyên tắc, do đó có độ tin cậy và sức thuyết phục cao.
(4)Tính khuôn mẫu
Văn bản nhà nước thường dùng lặp lại những câu, những từ, những cấu trúc cú
pháp có sẵn. Tính khuôn mẫu giúp cho người làm văn bản đỡ tốn công sức, nội dung
văn bản được chính xác, giúp người đọc dễ tiếp thu.

2.2. Ðặc điểm từ vựng và ngữ pháp trong phong cách hành chính
(1) Từ ngữ trong văn bản nhà nước
Xét theo góc độ ngữ nghĩa và phong cách, từ ngữ trong văn bản nhà nước được
chia làm 4 nhóm:
- Nhóm 1: nhóm từ thông dụng là nhóm từ được mọi người viết và dùng trong mọi
phong cách của tiếng Việt. Tuy nhiên không phải tất cả những từ thông dụng đều
được sử dụng trong văn bản nhà nước, mà chỉ có những từ đơn nghĩa mới được
dùng.
- Nhóm 2: từ ngữ hành chính. Ðây là những nhóm từ được sử dụng phần lớn trong
phong cách hành chính. Chúng tạo nên vẻ riêng của phong cách hành chính. Ví
dụ: tổ chức, thẩm quyền, cơ quan, các phòng ban, nghị định, chỉ thị v.v. . .
- Nhóm 3: thuật ngữ luật. Chính nhờ những từ ngữ này giải thích được một cách
chính xác các khái niệm, các phạm trù luật học. Ví dụ: tội phạm, bị cáo, bị can,
quan hệ pháp luật, vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý v.v. . .

6
- Nhóm 4: những từ ngữ của các ngành khoa học khác. Trong văn bản nhà nước
cũng sử dụng những từ ngữ của các ngành khoa học khác.
Lưu ý: Trong văn bản nhà nước sử dụng từ ngữ theo đúng nghĩa đen, mà không
dùng những biện pháp tu từ, không dùng tiếng lóng, tiếng tục hoặc từ ngữ địa phương.
Bởi vì văn bản nhà nước có đặc điểm là chính xác, dễ hiểu, khách quan.
(2) Ngữ pháp trong phong cách hành chính
* Câu: theo mục đích phát ngôn, câu trong tiếng Việt được chia làm 4 loại: câu
tường thuật, câu cầu khiến, câu nghi vấn, câu biểu cảm.
- Câu tường thuật: được dùng để kể lại một sự việc nào đó, được dùng phổ biến
trong phong cách hành chính.
- Câu cầu khiến: dùng để nêu lên một yêu cầu mà người khác phải làm. Câu này
thường dùng trong khẩu ngữ, trong phong cách hành chính rất ít dùng.
- Câu nghi vấn: dùng để hỏi. Phong cách hành chính không dùng loại câu này.
- Câu biểu cảm: là câu biểu thị cảm xúc. Phong cách hành chính không dùng câu
biểu cảm.
* Dấu câu: dấu câu là phương tiện ngữ pháp dùng trong chữ viết để làm rõ trên mặt
chữ viết một cấu tạo ngữ pháp bằng cách chỉ ranh giới giữa các đoạn, giữa các câu, giữa
các thành phần của câu. Hiện nay trong tiếng Việt dùng 10 dấu câu. Phong cách hành
chính dùng các dấu câu như các phong cách khác, chỉ trừ 3 dấu câu sau đây: dấu hỏi (?),
dấu chấm than (!), và dấu ba chấm(. . .)./.
Tài liệu tham khảo
1) Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
2) Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn
thư;
3) Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số Điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ
về công tác văn thư;
3) Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể
thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính;
4) Trang thông tin điện tử của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước:
http://www.archives.gov.vn

7
BÀI 2: TỔNG QUAN VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

I- KHÁI QUÁT CHUNG VỀ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT


1. Một số khái niệm
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban
hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật.
Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp
dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước
hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định
trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm
thực hiện.
Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật là cơ quan,
tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp
dụng văn bản đó sau khi được ban hành.
2. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa
Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ
tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông
tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của
Tổng Kiểm toán nhà nước.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau
đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính
- kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,
thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là
cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
1. Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm
pháp luật trong hệ thống pháp luật.
2. Tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn
bản quy phạm pháp luật.
3. Bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
4. Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của
văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản
quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
5. Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở
việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên.
6. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của
cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp
luật.

4. Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các
tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và
được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự
thảo văn bản quy phạm pháp luật.
2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì
soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan,
tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật,
dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động
trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.
3. Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo
văn bản.

9
5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng,
ban hành văn bản quy phạm pháp luật
1. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật chịu trách nhiệm về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn bản do
mình trình.
2. Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm
trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền ban hành văn bản về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự án, dự thảo văn bản được
phân công soạn thảo.
3. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền được đề nghị tham gia góp ý kiến về đề
nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chịu
trách nhiệm về nội dung và thời hạn tham gia góp ý kiến.
4. Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền trình hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật
về kết quả thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản
quy phạm pháp luật về kết quả thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
5. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành
văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành.
6. Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản
quy định, chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy
ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
7. Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy
phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết
của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của
Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ
quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm
vi được giao quy định chi tiết.
8. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan
trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm
vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và
quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo
đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính
thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

6. Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật


1. Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt.
Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông,
cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.
10
2. Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh,
không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong
văn bản quy phạm pháp luật khác.
3. Tùy theo nội dung, văn bản quy phạm pháp luật có thể được bố cục theo phần,
chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm; các phần, chương, mục, tiểu mục, điều trong
văn bản quy phạm pháp luật phải có tiêu đề. Không quy định chương riêng về thanh tra,
khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu
không có nội dung mới.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản
quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

7. Dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước
ngoài
Văn bản quy phạm pháp luật có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước
ngoài; bản dịch có giá trị tham khảo.

8. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật


1. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện rõ số thứ tự, năm ban
hành, loại văn bản, cơ quan ban hành văn bản.
2. Việc đánh số thứ tự của văn bản quy phạm pháp luật phải theo từng loại văn bản
và năm ban hành. Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban
thường vụ Quốc hội được đánh số thứ tự theo từng loại văn bản và nhiệm kỳ của Quốc
hội.
3. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp như sau:
a) Số, ký hiệu của luật, nghị quyết của Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau:
“loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn
bản và số khóa Quốc hội”;
b) Số, ký hiệu của pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được sắp
xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt
của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”;
c) Số, ký hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy
định tại điểm a và điểm b khoản này được sắp xếp theo thứ tự như sau: “số thứ tự của
văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản - tên viết tắt của cơ quan ban hành
văn bản”.

9. Văn bản quy định chi tiết


1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định, cụ thể để khi có hiệu lực thì
thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên
quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì
ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định
11
chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được
quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.
2. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền
tiếp.
Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án
luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn
bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.
3. Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết nhiều nội dung của một
văn bản quy phạm pháp luật thì ban hành một văn bản để quy định chi tiết các nội dung
đó, trừ trường hợp cần phải quy định, trong các văn bản khác nhau.
Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết các nội dung của nhiều văn
bản quy phạm pháp luật khác nhau thì có thể ban hành một văn bản để quy định chi tiết.

10. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy
phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ
bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó
hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên
có thẩm quyền. Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành
văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản,
điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.
Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, niêm yết
theo quy định.
2. Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải sửa
đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn
bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay
trong văn bản mới đó; trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ
trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm
của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy
phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm
pháp luật mới có hiệu lực.
3. Một văn bản quy phạm pháp luật có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ
sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng cơ
quan ban hành.

11. Gửi văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được gửi đến cơ quan có thẩm quyền để giám
sát, kiểm tra.

12
Chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp
lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc ký chứng thực, ký ban hành đối
với văn bản quy phạm pháp luật khác, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản
quy phạm pháp luật có trách nhiệm gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại
khoản 1 Điều 164 của Luật này để giám sát, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản
3 Điều 165, khoản 1 Điều 166 hoặc khoản 1 Điều 167 của Luật này để kiểm tra.
2. Hồ sơ dự án, dự thảo và bản gốc của văn bản quy phạm, pháp luật phải được lưu
trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

12. Những hành vi bị nghiêm cấm


1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy
phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định
tại Điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm
pháp luật.
3. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình
tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
4. Quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao, thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư của Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, văn bản quy phạm pháp
luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của
Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, nghị quyết
của Hội đồng nhân dân cấp xã, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp
được giao trong luật.

II - NỘI DUNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT


1. Luật, nghị quyết của Quốc hội
1. Quốc hội ban hành luật để quy định:
a) Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân
dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính
quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội
thành lập;
b) Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp
phải do luật định, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình
phạt;

13
c) Chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định,
sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;
d) Chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường;
đ) Quốc phòng, an ninh quốc gia;
e) Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
g) Hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà
nước khác; huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
h) Chính sách cơ bản về đối ngoại;
i) Trưng cầu ý dân;
k) Cơ chế bảo vệ Hiến pháp;
l) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
2. Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định:
a) Tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và
ngân sách địa phương;
b) Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của
Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành;
c) Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị
quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
quyền con người, quyền công dân;
d) Quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc
phòng, an ninh quốc gia;
đ) Đại xá;
e) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

2. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội


1. Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh để quy định những vấn đề được
Quốc hội giao.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định:
a) Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;
b) Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần pháp lệnh,
nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển
kinh tế - xã hội;
c) Bãi bỏ pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trường hợp bãi
bỏ pháp lệnh thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ
hợp gần nhất;
d) Tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong
cả nước hoặc ở từng địa phương;
14
đ) Hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân;
e) Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước


Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để quy định:
1. Tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn
cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp
trong cả nước hoặc ở từng địa phương trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội
không thể họp được;
2. Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

4. Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với
Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành, nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những
vấn đề được luật giao.

5. Nghị định của Chính phủ


Chính phủ ban hành nghị định để quy định:
1. Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp
lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
2. Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc
hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ
tịch nước; các biện pháp để thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,
tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học,
công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quyền,
nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của
Chính phủ; những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của từ hai bộ, cơ quan
ngang bộ trở lên; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;
3. Vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội
nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản
lý nhà nước, quản lý kinh, tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải
được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ


Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để quy định:

15
1. Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính
nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ,
chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính
phủ;
2. Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra
hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa
phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, nghị quyết để hướng dẫn
việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp
luật, giám đốc việc xét xử.

8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao


Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành thông tư để thực hiện việc quản lý các
Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức và những vấn đề khác được Luật tổ chức
Tòa án nhân dân và luật khác có liên quan giao.

9. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư để quy định, những
vấn đề được Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và luật khác có liên quan giao.

10. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ


Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư để quy định:
1. Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp
lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước,
nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
2. Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.

11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc
phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.

16
12. Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước
Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quyết định để quy định chuẩn mực kiểm toán
nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán.

13. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định:
1. Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ
quan nhà nước cấp trên;
2. Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy
phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;
3. Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa
phương;
4. Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
của địa phương.

14. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh


Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định:
1. Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ
quan nhà nước cấp trên;
2. Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị
quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc
phòng, an ninh ở địa phương;
3. Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.

15. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt
Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành nghị quyết, Ủy
ban nhân dân ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành quyết định theo quy định
của Luật này và các luật khác có liên quan.

16. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã
Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.

17
III - HIỆU LỰC CỦA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, NGUYÊN TẮC ÁP
DỤNG, CÔNG KHAI VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan ở trung ương phải được đăng
Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp văn bản có nội
dung thuộc bí mật nhà nước.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải được đăng Công báo
cấp tỉnh.
3. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã phải được niêm yết công khai và phải được đưa tin trên các phương tiện
thông tin đại chúng ở địa phương. Thời gian và địa điểm niêm yết công khai do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.
4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, cơ quan, người có
thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gửi văn bản đến cơ quan Công
báo để đăng Công báo hoặc niêm yết công khai.
Cơ quan Công báo có trách nhiệm đăng toàn văn văn bản quy phạm pháp luật trên
Công báo chậm nhất là 15 ngày đối với văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan
trung ương ban hành, 07 ngày đối với văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính-kinh tế đặc
biệt ban hành kể từ ngày nhận được văn bản.
5. Văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo in và Công báo điện tử là văn
bản chính thức và có giá trị như văn bản gốc.
6. Chính phủ quy định về Công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật.

2. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
1. Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật
được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc
ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương;
không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của
Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký
ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
cấp huyện và cấp xã.
2. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có
thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay
trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện
thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc
Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày
công bố hoặc ký ban hành.

18
3. Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật
1. Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực
hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của
Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu
lực trở về trước.
2. Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:
a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện
hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.
3. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp,
chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định
hiệu lực trở về trước.

4. Ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật


1. Văn bản quy phạm pháp luật ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần cho đến khi
có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp sau đây:
a) Bị đình chỉ việc thi hành theo quy định tại khoản 3 Điều 164, khoản 2 Điều 165,
khoản 2 và khoản 3 Điều 166, khoản 2 và khoản 3 Điều 167 của Luật ban hành văn bản
quy phạm pháp luật. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bãi bỏ
thì văn bản hết hiệu lực; nếu không ra quyết định bãi bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực;
b) Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định ngưng
hiệu lực của văn bản đó trong một thời hạn nhất định để giải quyết các vấn đề kinh tế -
xã hội phát sinh.
2. Thời điểm ngưng hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực của văn bản hoặc hết hiệu lực của
văn bản phải được quy định rõ tại văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
3. Quyết định đình chỉ việc thi hành, quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật
phải đăng Công báo, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 03
ngày kể từ ngày ra quyết định.

5. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực
Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường
hợp sau đây:
1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;
2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của
chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;
3. Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

19
4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy
định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực.

6. Hiệu lực về không gian


1. Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực
trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ
trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền
hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy
định khác.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đơn vị
hành chính nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó và phải được quy
định cụ thể ngay trong văn bản đó.
Trường hợp có sự thay đổi về địa giới hành chính thì hiệu lực về không gian và đối
tượng áp dụng của văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương được xác
định như sau:
a) Trường hợp một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính
mới cùng cấp thì văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
của đơn vị hành chính được chia vẫn có hiệu lực đối với đơn vị hành chính mới cho đến
khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản
quy phạm pháp luật thay thế;
b) Trường hợp nhiều đơn vị hành chính được nhập thành một đơn vị hành chính
mới cùng cấp thì văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
của đơn vị hành chính được nhập vẫn có hiệu lực đối với đơn vị hành chính đó cho đến
khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản
quy phạm pháp luật thay thế;
c) Trường hợp một phần địa phận và dân cư của đơn vị hành chính được điều
chỉnh về một đơn vị hành chính khác thì văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính được mở rộng có hiệu lực đối với phần địa
phận và bộ phận dân cư được điều chỉnh.
7. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà
văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp
luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về
cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban
hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy
phạm pháp luật ban hành sau.

20
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm
pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày
văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc
thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề
thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

8. Đăng tải và đưa tin văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương, Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành phải được đăng tải toàn văn trên cơ sở dữ liệu
quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành và đưa
tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước
theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước.
Văn bản quy phạm pháp luật đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có
giá trị sử dụng chính thức.

IV- GIÁM SÁT, KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám
sát theo quy định của pháp luật.
2. Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhằm phát hiện
những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc
không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một
phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có
thẩm quyền xử lý cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản trái pháp luật.

2. Nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật
1. Sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của
cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung của văn bản đó.
3. Sự phù hợp của nội dung văn bản với thẩm quyền của cơ quan ban hành văn
bản.
4. Sự thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với văn bản quy
phạm pháp luật mới được ban hành của cùng một cơ quan.

3. Giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật

21
1. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội,
đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội
đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
2. Quốc hội bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Ủy ban thường
vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Tổng Kiểm toán nhà nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng
Kiểm toán nhà nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội
quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản quy phạm pháp
luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Tổng Kiểm toán nhà nước trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc
hội; bãi bỏ văn bản quy phạm - pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến
pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
4. Hội đồng nhân dân bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân
cùng cấp, văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp dưới trái với nghị
quyết của mình, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
5. Trình tự, thủ tục giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý văn
bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật được thực hiện theo quy định của
pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

4. Chính phủ kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái
pháp luật
1. Chính phủ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xử lý văn bản quy phạm pháp
luật của bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có dấu hiệu trái với Hiến
pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành
một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh
tế đặc biệt trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước
cấp trên; đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nghị quyết của Hội đồng nhân
dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà
nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.
3. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm
pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trái với Hiến pháp, luật
và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

22
Đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với Hiến pháp, luật và văn
bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã bị Thủ tướng Chính phủ đình
chỉ việc thi hành thì Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ,
cơ quan ngang bộ có liên quan chuẩn bị hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét
việc đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.
4. Chính phủ quy định chi tiết về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có
dấu hiệu trái pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân ban hành.

5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra, xử lý văn bản quy
phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm kiểm tra văn bản quy
phạm pháp luật do mình ban hành và do bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực
do mình phụ trách.
Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái pháp luật thì Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tự mình bãi bỏ một phần hoặc toàn
bộ văn bản.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có quyền đề
nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật
của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính
quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có nội dung trái pháp luật thuộc
ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban
thường vụ Quốc hội bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
có nội dung trái pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
3. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh
tế đặc biệt có nội dung trái pháp luật không được xử lý theo quy định tại khoản 1 và
khoản 2 Điều này thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc
thi hành hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đó.

6. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm
pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật
1. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tự kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật do mình ban hành; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp trên
kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp dưới
ban hành.
Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái pháp luật thì Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm tự mình bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ
văn bản.

23
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp
luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bãi bỏ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp
luật của Hội đồng nhân dân cấp xã và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp huyện bãi bỏ.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một
phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp
dưới.

Tài liệu tham khảo

1) Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

24
BÀI 3
THỂ THỨC VÀ KỸ THUẬT TRÌNH BÀY VĂN BẢN
VÀ BẢN SAO VĂN BẢN

I – THỂ THỨC VÀ KỸ THUẬT TRÌNH BÀY VĂN BẢN


Thể thức văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính bao gồm các thành
phần sau:
- Quốc hiệu;
- Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản;
- Số ký hiệu của văn bản;
- Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản;
- Tên loại và trích yếu nội dung của văn bản;
- Nội dung văn bản;
- Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền;
- Dấu của cơ quan, tổ chức;
- Nơi nhận;
- Dấu chỉ mức độ khẩn, mật (đối với những văn bản loại khẩn, mật).

Đối với công văn, ngoài các thành phần nêu trên, có thể bổ sung địa chỉ cơ quan,
tổ chức; địa chỉ thư điện tử (E-mail); số điện thoại, số Telex, số Fax; địa chỉ Trang thông
tin điện tử (Website) và biểu tượng (logo) của cơ quan, tổ chức.
Đối với công điện, bản ghi nhớ, bản cam kết, bản thoả thuận, giấy chứng nhận
giấy uỷ quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy đi đường, giấy biên nhận
hồ sơ, phiếu gửi, phiếu chuyển, thư công không bắt buộc phải có tất cả các thành phần
thể thức trên và có thể bổ sung địa chỉ cơ quan, tổ chức; địa chỉ thư điện tử (E-mail); số
điện thoại, số Telex, số Fax; địa chỉ Trang thông tin điện tử (Website) và biểu tượng
(logo) của cơ quan, tổ chức.

1. Quốc hiệu
1.1. Thể thức
Quốc hiệu ghi trên văn bản bao gồm 2 dòng chữ: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM” và “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
1.2. Kỹ thuật trình bày
Quốc hiệu được trình bày tại ô số 1; chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều
ngang, ở phía trên, bên phải.
Dòng thứ nhất: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được trình
bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 12 đến 13, kiểu chữ đứng, đậm;
Dòng thứ hai: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được trình bày bằng chữ in
thường, cỡ chữ từ 13 đến 14 (nếu dòng thứ nhất cỡ chữ 12, thì dòng thứ hai cỡ chữ 13;
nếu dòng thứ nhất cỡ chữ 13, thì dòng thứ hai cỡ chữ 14), kiểu chữ đứng, đậm; được đặt
25
canh giữa dưới dòng thứ nhất; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm
từ có gạch nối, có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ
dài của dòng chữ (sử dụng lệnh Draw, không dùng lệnh Underline), cụ thể:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________

Hai dòng chữ trên được trình bày cách nhau dòng đơn.

2. Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản


2.1. Thể thức
Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Văn phòng Quốc
hội; Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân các cấp; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập
đoàn Kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91 không ghi cơ quan chủ quản.
Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản bao gồm tên của cơ quan, tổ chức chủ
quản trực tiếp (nếu có) (đối với các tổ chức kinh tế có thể là công ty mẹ) và tên của cơ
quan, tổ chức ban hành văn bản.
a) Tên của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản phải được ghi đầy đủ hoặc được viết tắt
theo quy định tại văn bản thành lập, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức bộ máy, phê chuẩn, cấp giấy phép hoạt động hoặc công nhận tư cách pháp nhân
của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, ví dụ:

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
_______ __________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN ỦY BAN NHÂN DÂN


TỈNH NGHỆ AN TỈNH THÁI NGUYÊN
_____ ________
b) Tên của cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp có thể viết tắt những cụm từ thông dụng
như Ủy ban nhân dân (UBND), Hội đồng nhân dân (HĐND), Việt Nam (VN), ví dụ:
UBND TỈNH QUẢNG BÌNH VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VN
SỞ NỘI VỤ VIỆN DÂN TỘC HỌC
____ _______

2.2. Kỹ thuật trình bày


Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản được trình bày tại ô số 2; chiếm khoảng
1/2 trang giấy theo chiều ngang, ở phía trên, bên trái.
Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp được trình bày bằng chữ in hoa, cùng cỡ
chữ như cỡ chữ của Quốc hiệu, kiểu chữ đứng. Nếu tên cơ quan, tổ chức chủ quản dài,
có thể trình bày thành nhiều dòng.
26
Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản trình bày bằng chữ in hoa, cùng cỡ chữ
như cỡ chữ của Quốc hiệu, kiểu chữ đứng, đậm, được đặt canh giữa dưới tên cơ quan, tổ
chức chủ quản; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng từ 1/3 đến 1/2 độ
dài của dòng chữ và đặt cân đối so với dòng chữ. Trường hợp tên cơ quan, tổ chức ban
hành văn bản dài có thể trình bày thành nhiều dòng, ví dụ:
BỘ NỘI VỤ
CỤC VĂN THƯ VÀ
LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC
_________

Các dòng chữ trên được trình bày cách nhau dòng đơn.

3. Số, ký hiệu của văn bản


3.1. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật
Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện rõ số thứ tự, năm ban
hành, loại văn bản, cơ quan ban hành văn bản.
Việc đánh số thứ tự của văn bản quy phạm pháp luật phải theo từng loại văn bản
và năm ban hành. Đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ
Quốc hội thì đánh số thứ tự theo từng loại văn bản và nhiệm kỳ của Quốc hội.
Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp như sau:
a) Số, ký hiệu của luật, nghị quyết của Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như
sau: "loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban
hành văn bản và số khóa Quốc hội";
Ví dụ: Luật số: 17/2008/QH12
b) Số, ký hiệu của pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được
sắp xếp theo thứ tự như sau: "loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết
tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội";
c) Số, ký hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc trường hợp nêu
tại mục a và b trên thì được sắp xếp theo thứ tự như sau: "số thứ tự của văn bản/năm ban
hành/tên viết tắt của loại văn bản-tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản"
Ví dụ: 91/2006/NĐ-CP

3.2. Số, ký hiệu của văn bản hành chính


3.2.1. Thể thức
a) Số của văn bản
Số của văn bản là số thứ tự đăng ký văn bản tại văn thư của cơ quan, tổ chức. Số
của văn bản được ghi bằng chữ số Ả-rập, bắt đầu từ số 01 vào ngày đầu năm và kết thúc
vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.

27
b) Ký hiệu của văn bản
- Ký hiệu của văn bản có tên loại bao gồm chữ viết tắt tên loại văn bản và chữ
viết tắt tên cơ quan, tổ chức hoặc chức danh nhà nước (áp dụng đối với chức danh Chủ
tịch nước và Thủ tướng Chính phủ) ban hành văn bản, ví dụ:
Nghị quyết của Chính phủ ban hành được ghi như sau: Số: …/NQ-CP
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành được ghi như sau: Số: …/CT-TTg.
Quyết định của Thường trực Hội đồng nhân dân ban hành được ghi như sau: Số: …/QĐ-
HĐND
Báo cáo của các ban của Hội đồng nhân dân được ghi như sau: Số …/BC-HĐND
- Ký hiệu của công văn bao gồm chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức hoặc chức danh
nhà nước ban hành công văn và chữ viết tắt tên đơn vị (vụ, phòng, ban, bộ phận) soạn
thảo hoặc chủ trì soạn thảo công văn đó (nếu có), ví dụ:
Công văn của Chính phủ do Vụ Hành chính Văn phòng Chính phủ soạn thảo: Số:
…/CP-HC.
Công văn của Bộ Nội vụ do Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Nội vụ soạn thảo: Số: …/BNV-
TCCB
Công văn của Hội đồng nhân dân tỉnh do Ban Kinh tế Ngân sách soạn thảo: Số:
…./HĐND-KTNS
Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh do tổ chuyên viên (hoặc thư ký) theo dõi lĩnh vực
văn hóa - xã hội soạn thảo: Số: …/UBND-VX
Công văn của Sở Nội vụ tỉnh do Văn phòng Sở soạn thảo: Số: …/SNV-VP
Trường hợp các Hội đồng, các Ban tư vấn của cơ quan được sử dụng con dấu của
cơ quan để ban hành văn bản và Hội đồng, Ban được ghi là “cơ quan” ban hành văn bản
thì phải lấy số của Hội đồng, Ban, ví dụ Quyết định số 01 của Hội đồng thi tuyển công
chức Bộ Nội vụ được trình bày như sau:
BỘ NỘI VỤ
HỘI ĐỒNG THI TUYỂN CÔNG CHỨC
__________________
Số: 01/QĐ-HĐTTCC
Việc ghi ký hiệu công văn do UBND cấp huyện, cấp xã ban hành bao gồm chữ
viết tắt tên cơ quan, tổ chức ban hành công văn và chữ viết tắt tên lĩnh vực được giải
quyết trong công văn.
Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức và các đơn vị trong mỗi cơ quan, tổ chức hoặc
lĩnh vực (đối với UBND cấp huyện, cấp xã) do cơ quan, tổ chức quy định cụ thể, bảo
đảm ngắn gọn, dễ hiểu.
3.3.2. Kỹ thuật trình bày
Số, ký hiệu của văn bản được trình bày tại ô số 3, được đặt canh giữa dưới tên cơ
quan, tổ chức ban hành văn bản.
Từ “Số” được trình bày bằng chữ in thường, ký hiệu bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13,
kiểu chữ đứng; sau từ “Số” có dấu hai chấm; với những số nhỏ hơn 10 phải ghi thêm số

28
0 phía trước; giữa số và ký hiệu văn bản có dấu gạch chéo (/), giữa các nhóm chữ viết tắt
ký hiệu văn bản có dấu gạch nối (-) không cách chữ, ví dụ:
Số: 15/QĐ-HĐND (Quyết định của Thường trực Hội đồng nhân dân);
Số: 19/HĐND-KTNS (Công văn của Thường trực Hội đồng nhân dân do Ban Kinh tế
ngân sách soạn thảo);
Số: 23/BC-BNV (Báo cáo của Bộ Nội vụ);
Số: 234/SYT-VP (Công văn của Sở Y tế do Văn phòng soạn thảo).

Bảng chữ viết tắt tên loại văn bản và bản sao
Stt Tên loại văn bản Chữ viết tắt
1) Bản cam kết CK
2) Bản ghi nhớ GN
3) Bản thỏa thuận TTh
4) Báo cáo BC
5) Biên bản BB
6) Chỉ thị CT
7) Chương trình CTr
8) Công điện CĐ
9) Công văn
10) Đề án ĐA
11) Dự án DA
12) Giấy biên nhận hồ sơ BN
13) Giấy chứng nhận CN
14) Giấy đi đường ĐĐ
15) Giấy giới thiệu GT
16) Giấy mời GM
17) Giấy nghỉ phép NP

29
Stt Tên loại văn bản Chữ viết tắt
18) Giấy uỷ quyền UQ
19) Hợp đồng HĐ
20) Hướng dẫn HD
21) Kế hoạch KH
22) Nghị định NĐ
23) Nghị quyết NQ
24) Nghị quyết liên tịch NQLT
25) Phiếu chuyển PC
26) Phiếu gửi PG
27) Phương án PA
28) Quy chế QC
29) Quy định QyĐ
30) Quyết định QĐ
31) Thông báo TB
32) Thông cáo TC
33) Thông tư TT
34) Thông tư liên tịch TTLT
35) Thư công (Thư chúc mừng, Thư khen, Thư
thăm hỏi, Thư chia buồn)
36) Tờ trình TTr

Bản sao văn bản


1. Bản sao y bản chính SY
2. Bản trích sao TS

30
Stt Tên loại văn bản Chữ viết tắt
3. Bản sao lục SL

4. Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản


4.1. Thể thức
4.1.1. Địa danh
Địa danh ghi trên văn bản là tên gọi chính thức của đơn vị hành chính (tên riêng
của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
xã, phường, thị trấn) nơi cơ quan, tổ chức đóng trụ sở; đối với những đơn vị hành chính
được đặt tên theo tên người, bằng chữ số hoặc sự kiện lịch sử thì phải ghi tên gọi đầy đủ
của đơn vị hành chính đó, cụ thể như sau:
- Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan, tổ chức Trung ương là tên của tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan, tổ chức đóng trụ sở, ví dụ:
Văn bản của Bộ Công Thương, của Công ty Điện lực 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt
Nam (có trụ sở tại thành phố Hà Nội): Hà Nội,
Văn bản của Trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh thuộc Bộ Tài chính (có trụ sở tại thị
trấn Như Quỳnh, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên): Hưng Yên,
Văn bản của Viện Hải dương học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (có trụ
sở tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa): Khánh Hòa,
Văn bản của Cục Thuế tỉnh Bình Dương thuộc Tổng cục Thuế (có trụ sở tại thị xã Thủ
Dầu Một, tỉnh Bình Dương): Bình Dương,

- Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh:
+ Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương: là tên của thành phố trực thuộc Trung
ương, ví dụ:
Văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và của các sở, ban, ngành thuộc thành
phố: Hà Nội, của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và của các sở, ban, ngành
thuộc thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh,
+ Đối với các tỉnh là tên của tỉnh, ví dụ:
Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh (có
trụ sở tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương): Hải Dương, của Ủy ban nhân dân tỉnh
Quảng Ninh và của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh (có trụ sở tại thành phố Hạ Long, tỉnh
Quảng Ninh): Quảng Ninh, của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và của các sở, ban,
ngành thuộc tỉnh (có trụ sở tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng): Lâm Đồng,

- Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan, tổ chức cấp huyện là tên của huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ví dụ:

31
Văn bản của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) và của các phòng, ban
thuộc huyện: Sóc Sơn,
Văn bản của Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh), của các phòng,
ban thuộc quận: Gò Vấp,
Văn bản của Ủy ban nhân dân thị xã Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và của các phòng,
ban thuộc thị xã: Bà Rịa,
Trường hợp địa danh ghi trên văn bản của cơ quan thành phố thuộc tỉnh mà tên
thành phố trùng với tên tỉnh thì ghi thêm hai chữ thành phố (TP.), ví dụ:
Văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) và của các phòng, ban
thuộc thành phố: TP. Hà Tĩnh,

- Địa danh ghi trên văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và của các
tổ chức cấp xã là tên của xã, phường, thị trấn đó, ví dụ:
Văn bản của Ủy ban nhân dân xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An): Kim Liên,
Văn bản của Ủy ban nhân dân phường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, TP. Hà Nội):
Phường Điện Biên Phủ,

- Địa danh ghi trên văn bản của các cơ quan, tổ chức và đơn vị vũ trang nhân dân
thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được thực hiện theo quy định
của pháp luật và quy định cụ thể của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

4.1.2. Ngày, tháng, năm ban hành văn bản


Ngày, tháng, năm ban hành văn bản là ngày, tháng, năm văn bản được ban hành.
Ngày, tháng, năm ban hành văn bản phải được viết đầy đủ; các số chỉ ngày,
tháng, năm dùng chữ số Ả-rập; đối với những số chỉ ngày nhỏ hơn 10 và tháng 1, 2 phải
ghi thêm số 0 ở trước, cụ thể:
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 02 năm 2009
Quận 1, ngày 10 tháng 02 năm 2010
4.2. Kỹ thuật trình bày
Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản được trình bày trên cùng một
dòng với số, ký hiệu văn bản, tại ô số 4, bằng chữ in thường, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu
chữ nghiêng; các chữ cái đầu của địa danh phải viết hoa; sau địa danh có dấu phẩy; địa
danh và ngày, tháng, năm được đặt canh giữa dưới Quốc hiệu.
5. Tên loại và trích yếu nội dung của văn bản
5.1. Thể thức
Tên loại văn bản là tên của từng loại văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành. Khi
ban hành văn bản đều phải ghi tên loại, trừ công văn.
Trích yếu nội dung của văn bản là một câu ngắn gọn hoặc một cụm từ phản ánh
khái quát nội dung chủ yếu của văn bản.

32
5.2. Kỹ thuật trình bày
Tên loại và trích yếu nội dung của các loại văn bản có ghi tên loại được trình bày
tại ô số 5a; tên loại văn bản (nghị quyết, quyết định, kế hoạch, báo cáo, tờ trình và các
loại văn bản khác) được đặt canh giữa bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm;
trích yếu nội dung văn bản được đặt canh giữa, ngay dưới tên loại văn bản, bằng chữ in
thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; bên dưới trích yếu có đường kẻ ngang, nét liền,
có độ dài bằng từ 1/3 đến 1/2 độ dài của dòng chữ và đặt cân đối so với dòng chữ, ví dụ:
QUYẾT ĐỊNH
Về việc điều động cán bộ
______________

Trích yếu nội dung công văn được trình bày tại ô số 5b, sau chữ “V/v” bằng chữ
in thường, cỡ chữ từ 12 đến 13, kiểu chữ đứng; được đặt canh giữa dưới số và ký hiệu
văn bản, cách dòng 6pt với số và ký hiệu văn bản, ví dụ:
Số: 72/VTLTNN-NVĐP
V/v kế hoạch kiểm tra công tác
văn thư, lưu trữ năm 2009
6. Nội dung văn bản
6.1. Thể thức
6.1.1. Nội dung văn bản là thành phần chủ yếu của văn bản.
Nội dung văn bản phải bảo đảm những yêu cầu cơ bản sau:
- Phù hợp với hình thức văn bản được sử dụng;
- Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; phù hợp với quy định của
pháp luật;
- Được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, chính xác;
- Sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu;
- Dùng từ ngữ tiếng Việt Nam phổ thông (không dùng từ ngữ địa phương và từ ngữ
nước ngoài nếu không thực sự cần thiết). Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ
nội dung thì phải được giải thích trong văn bản;
- Chỉ được viết tắt những từ, cụm từ thông dụng, những từ thuộc ngôn ngữ tiếng Việt dễ
hiểu. Đối với những từ, cụm từ được sử dụng nhiều lần trong văn bản thì có thể viết tắt,
nhưng các chữ viết tắt lần đầu của từ, cụm từ phải được đặt trong dấu ngoặc đơn ngay
sau từ, cụm từ đó;
- Khi viện dẫn lần đầu văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại, số, ký hiệu văn
bản, ngày, tháng, năm ban hành văn bản, tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản, trích
yếu nội dung văn bản (đối với luật và pháp lệnh chỉ ghi tên loại và tên của luật, pháp
lệnh), ví dụ: “… được quy định tại Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm
2004 của Chính phủ về công tác văn thư”; trong các lần viện dẫn tiếp theo, chỉ ghi tên
loại và số, ký hiệu của văn bản đó;
- Viết hoa trong văn bản hành chính được thực hiện theo Quy định viết hoa trong văn
bản hành chính.
33
6.1.2. Bố cục của văn bản
Tùy theo thể loại và nội dung, văn bản có thể có phần căn cứ pháp lý để ban
hành, phần mở đầu và có thể được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản, điểm
hoặc được phân chia thành các phần, mục từ lớn đến nhỏ theo một trình tự nhất định, cụ
thể:
- Nghị quyết (cá biệt): theo điều, khoản, điểm hoặc theo khoản, điểm;
- Quyết định (cá biệt): theo điều, khoản, điểm; các quy chế (quy định) ban hành kèm
theo quyết định: theo chương, mục, điều, khoản, điểm;
- Chỉ thị (cá biệt): theo khoản, điểm;
- Các hình thức văn bản hành chính khác: theo phần, mục, khoản, điểm hoặc theo khoản,
điểm.
Đối với các hình thức văn bản được bố cục theo phần, chương, mục, điều thì
phần, chương, mục, điều phải có tiêu đề.
6.2. Kỹ thuật trình bày
Nội dung văn bản được trình bày tại ô số 6.
Phần nội dung (bản văn) được trình bày bằng chữ in thường (được dàn đều cả hai
lề), kiểu chữ đứng; cỡ chữ từ 13 đến 14 (phần lời văn trong một văn bản phải dùng cùng
một cỡ chữ); khi xuống dòng, chữ đầu dòng phải phải lùi vào từ 1cm đến 1,27cm (1
default tab); khoảng cách giữa các đoạn văn (paragraph) đặt tối thiểu là 6pt; khoảng
cách giữa các dòng hay cách dòng (line spacing) chọn tối thiểu từ cách dòng đơn (single
line spacing) hoặc từ 15pt (exactly line spacing) trở lên; khoảng cách tối đa giữa các
dòng là 1,5 dòng (1,5 lines).
Đối với những văn bản có phần căn cứ pháp lý để ban hành thì sau mỗi căn cứ
phải xuống dòng, cuối dòng có dấu “chấm phẩy”, riêng căn cứ cuối cùng kết thúc bằng
dấu “phẩy”.
Trường hợp nội dung văn bản được bố cục theo phần, chương, mục, điều, khoản,
điểm thì trình bày như sau:
- Phần, chương: Từ “Phần”, “Chương” và số thứ tự của phần, chương được trình bày
trên một dòng riêng, canh giữa, bằng chữ in thường, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ
đứng, đậm. Số thứ tự của phần, chương dùng chữ số La Mã. Tiêu đề (tên) của phần,
chương được trình bày ngay dưới, canh giữa, bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu
chữ đứng, đậm;
- Mục: Từ “Mục” và số thứ tự của mục được trình bày trên một dòng riêng, canh giữa,
bằng chữ in thường, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm. Số thứ tự của mục dùng
chữ số Ả - rập. Tiêu đề của mục được trình bày ngay dưới, canh giữa, bằng chữ in hoa,
cỡ chữ từ 12 đến 13, kiểu chữ đứng, đậm;
- Điều: Từ “Điều”, số thứ tự và tiêu đề của điều được trình bày bằng chữ in thường, cách
lề trái 1 default tab, số thứ tự của điều dùng chữ số Ả-rập, sau số thứ tự có dấu chấm; cỡ
chữ bằng cỡ chữ của phần lời văn (13-14), kiểu chữ đứng, đậm;
- Khoản: Số thứ tự các khoản trong mỗi mục dùng chữ số Ả-rập, sau số thứ tự có dấu
chấm, cỡ chữ số bằng cỡ chữ của phần lời văn (13-14), kiểu chữ đứng; nếu khoản có
tiêu đề, số thứ tự và tiêu đề của khoản được trình bày trên một dòng riêng, bằng chữ in
thường, cỡ chữ bằng cỡ chữ của phần lời văn (13-14), kiểu chữ đứng;
34
- Điểm: Thứ tự các điểm trong mỗi khoản dùng các chữ cái tiếng Việt theo thứ tự abc,
sau có dấu đóng ngoặc đơn, bằng chữ in thường, cỡ chữ bằng cỡ chữ của phần lời văn
(13-14), kiểu chữ đứng.
Trường hợp nội dung văn bản được phân chia thành các phần, mục, khoản, điểm thì
trình bày như sau:
- Phần (nếu có): Từ “Phần” và số thứ tự của phần được trình bày trên một dòng riêng,
canh giữa, bằng chữ in thường, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm; số thứ tự của
phần dùng chữ số La Mã. Tiêu đề của phần được trình bày ngay dưới, canh giữa, bằng
chữ in hoa, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm;
- Mục: Số thứ tự các mục dùng chữ số La Mã, sau có dấu chấm và được trình bày cách
lề trái 1 default tab; tiêu đề của mục được trình bày cùng một hàng với số thứ tự, bằng
chữ in hoa, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm;
- Khoản: Số thứ tự các khoản trong mỗi mục dùng chữ số Ả-rập, sau số thứ tự có dấu
chấm, cỡ chữ số bằng cỡ chữ của phần lời văn (13-14), kiểu chữ đứng; nếu khoản có
tiêu đề, số thứ tự và tiêu đề của khoản được trình bày trên một dòng riêng, bằng chữ in
thường, cỡ chữ bằng cỡ chữ của phần lời văn (13-14), kiểu chữ đứng, đậm;
- Điểm trình bày như trường hợp nội dung văn bản được bố cục theo phần, chương,
mục, điều, khoản, điểm.
7. Quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền

7.1. Thẩm quyền ký tên trên văn bản

* Ký thay (KT.)

Ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ
chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho cấp phó của mình ký
thay (KT.) các văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách.

Lưu ý là việc phân công này phải thể hiện bằng văn bản. Có thể là “Giấy ủy
quyền” hoặc “Bản phân công nhiệm vụ” ….

* Ký “thay mặt” (TM.)

Áp dụng ở cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ biểu quyết tập thể đối với các
vấn đề, nội dung quan trọng. Khi đó, đối với những vấn đề quan trọng của cơ quan, tổ
chức - mà theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức, phải được thảo
luận tập thể và quyết định theo đa số. Việc ký văn bản được quy định như sau:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt sẽ thay mặt (TM.) tập thể lãnh đạo ký các
văn bản của cơ quan, tổ chức.

- Cấp phó của người đứng đầu và các thành viên giữ chức vụ lãnh đạo khác được thay
mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo uỷ quyền của
người đứng đầu và những văn bản thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách.

35
- Riêng việc ký văn bản về những vấn đề khác được thực hiện như quy định chung.

* Ký “thừa ủy quyền” (TUQ.)

Trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể uỷ quyền cho
người đứng đầu một đơn vị trong cơ quan, tổ chức ký thừa uỷ quyền (TUQ.) một số văn
bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa uỷ quyền phải được quy định bằng văn bản và
giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được ký thừa uỷ quyền không được uỷ
quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa uỷ quyền theo thể thức và đóng dấu của
cơ quan, tổ chức uỷ quyền

*Ký “thừa lệnh” (TL.)

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao cho Chánh Văn phòng, Trưởng
phòng Hành chính hoặc Trưởng một số đơn vị ký thừa lệnh (TL.) một số loại văn bản.

Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động hoặc
quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.

Lưu ý chung : Khi ký văn bản không được dùng bút chì; không dùng mực đỏ hoặc các
thứ mực dễ phai.

7.2. Thể thức


a) Việc ghi quyền hạn của người ký được thực hiện như sau:
- Trường hợp ký thay mặt tập thể thì phải ghi chữ viết tắt “TM.” (thay mặt) vào trước
tên tập thể lãnh đạo hoặc tên cơ quan, tổ chức, ví dụ:

TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TM. ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC
HỘI
- Trường hợp ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì phải ghi chữ viết tắt “KT.”
(ký thay) vào trước chức vụ của người đứng đầu, ví dụ:

KT. CHỦ TỊCH KT. BỘ TRƯỞNG


PHÓ CHỦ TỊCH THỨ TRƯỞNG
Trường hợp cấp phó được giao phụ trách thì thực hiện như cấp phó ký thay cấp trưởng;
- Trường hợp ký thừa lệnh thì phải ghi chữ viết tắt “TL.” (thừa lệnh) vào trước chức vụ
của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, ví dụ:

TL. BỘ TRƯỞNG TL. CHỦ TỊCH


VỤ TRƯỞNG VỤ TỔ CHỨC CHÁNH VĂN PHÒNG
CÁN BỘ
- Trường hợp ký thừa ủy quyền thì phải ghi chữ viết tắt “TUQ.” (thừa ủy quyền) vào
trước chức vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, ví dụ:
TUQ. GIÁM ĐỐC
TRƯỞNG PHÒNG TỔ CHỨC CÁN BỘ
36
b) Chức vụ của người ký
Chức vụ ghi trên văn bản là chức vụ lãnh đạo chính thức của người ký văn bản trong cơ
quan, tổ chức; chỉ ghi chức vụ như Bộ trưởng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm), Thứ trưởng, Chủ
tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc, Phó Giám đốc, Q. Giám đốc (Quyền Giám đốc) v.v…,
không ghi những chức vụ mà Nhà nước không quy định như: cấp phó thường trực, cấp
phó phụ trách, v.v…; không ghi lại tên cơ quan, tổ chức, trừ các văn bản liên tịch, văn
bản do hai hay nhiều cơ quan, tổ chức ban hành; việc ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền do
các cơ quan, tổ chức quy định cụ thể bằng văn bản.
Chức danh ghi trên văn bản do các tổ chức tư vấn (không thuộc cơ cấu tổ chức của cơ
quan được quy định tại quyết định thành lập; quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ,
cơ cấu tổ chức của cơ quan) ban hành là chức danh lãnh đạo của người ký văn bản trong
ban hoặc hội đồng. Đối với những ban, hội đồng không được phép sử dụng con dấu của
cơ quan, tổ chức thì chỉ ghi chức danh của người ký văn bản trong ban hoặc hội đồng,
không được ghi chức vụ trong cơ quan, tổ chức.
Chức vụ (Chức danh) của người ký văn bản do hội đồng hoặc ban chỉ đạo của Nhà nước
ban hành mà lãnh đạo Bộ Xây dựng làm Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban, Chủ tịch
hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ghi như sau, ví dụ:

TM. HỘI ĐỒNG KT. TRƯỞNG BAN


CHỦ TỊCH PHÓ TRƯỞNG BAN
(Chữ ký, dấu của Bộ Xây dựng) (Chữ ký, dấu của Bộ Xây dựng)
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG THỨ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Nguyễn Văn A Trần Văn B
Chức vụ (Chức danh) của người ký văn bản do hội đồng hoặc ban của Bộ Xây dựng ban
hành mà Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng hoặc Trưởng ban, lãnh đạo
các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng làm Phó Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Trưởng ban được
ghi như sau, ví dụ:

TM. HỘI ĐỒNG KT. TRƯỞNG BAN


CHỦ TỊCH PHÓ TRƯỞNG BAN
(Chữ ký, dấu của Bộ Xây dựng) (Chữ ký, dấu của Bộ Xây dựng)
THỨ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG VỤ TỔ CHỨC
Trần Văn B CÁN BỘ
Lê Văn C
c) Họ tên bao gồm họ, tên đệm (nếu có) và tên của người ký văn bản
Đối với văn bản hành chính, trước họ tên của người ký, không ghi học hàm, học
vị và các danh hiệu danh dự khác.
Đối với văn bản giao dịch; văn bản của các tổ chức sự nghiệp giáo dục, y tế, khoa
học hoặc lực lượng vũ trang được ghi thêm học hàm, học vị, quân hàm.
7.3. Kỹ thuật trình bày
Quyền hạn, chức vụ của người ký được trình bày tại ô số 7a; chức vụ khác của
người ký được trình bày tại ô số 7b; các chữ viết tắt quyền hạn như: “TM.”, “KT.”,

37
“TL.”, “TUQ.” hoặc quyền hạn và chức vụ của người ký được trình bày chữ in hoa, cỡ
chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm.
Họ tên của người ký văn bản được trình bày tại ô số 7b; bằng chữ in thường, cỡ
chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm, được đặt canh giữa so với quyền hạn, chức vụ
của người ký.
Chữ ký của người có thẩm quyền được trình bày tại ô số 7c.
8. Dấu của cơ quan, tổ chức
Những văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành phải đóng dấu của cơ quan, tổ
chức.
Những văn bản do văn phòng hay đơn vị ban hành trong phạm vi quyền hạn được
giao phải đóng dấu của văn phòng hay dấu của đơn vị đó.
Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu quy định.
Khi đóng dấu lên chữ ký thì dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía
bên trái.
Việc đóng dấu lên các phụ lục kèm theo văn bản chính do người ký văn bản
quyết định và dấu được đóng lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc
tên của phụ lục.
Việc đóng dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản, tài liệu chuyên ngành được
thực hiện theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành.
Dấu của cơ quan, tổ chức được trình bày tại ô số 8; dấu giáp lai được đóng vào
khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy;
mỗi dấu đóng tối đa 05 trang văn bản.
9. Nơi nhận
9.1. Thể thức
Nơi nhận xác định những cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân nhận văn bản và có
trách nhiệm như để xem xét, giải quyết; để thi hành; để kiểm tra, giám sát; để báo cáo;
để trao đổi công việc; để biết và để lưu.
Nơi nhận phải được xác định cụ thể trong văn bản. Căn cứ quy định của pháp
luật; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức và quan hệ công tác;
căn cứ yêu cầu giải quyết công việc, đơn vị hoặc cá nhân soạn thảo hoặc chủ trì soạn
thảo có trách nhiệm đề xuất những cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân nhận văn bản
trình người ký văn bản quyết định.
Đối với văn bản chỉ gửi cho một số đối tượng cụ thể thì phải ghi tên từng cơ
quan, tổ chức, cá nhân nhận văn bản; đối với văn bản được gửi cho một hoặc một số
nhóm đối tượng nhất định thì nơi nhận được ghi chung, ví dụ:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Đối với những văn bản có ghi tên loại, nơi nhận bao gồm từ “Nơi nhận” và phần
liệt kê các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân nhận văn bản.
Đối với công văn hành chính, nơi nhận bao gồm hai phần:
38
- Phần thứ nhất bao gồm từ “Kính gửi”, sau đó là tên các cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị,
cá nhân trực tiếp giải quyết công việc;
- Phần thứ hai bao gồm từ “Nơi nhận”, phía dưới là từ “Như trên”, tiếp theo là tên các
cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan khác nhận văn bản.
9.2. Kỹ thuật trình bày
Nơi nhận được trình bày tại ô số 9a và 9b.
Phần nơi nhận tại ô số 9a được trình bày như sau:
- Từ “Kính gửi” và tên các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nhận văn bản được trình bày
bằng chữ in thường, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng;
- Sau từ “Kính gửi” có dấu hai chấm; nếu công văn gửi cho một cơ quan, tổ chức hoặc
một cá nhân thì từ “Kính gửi” và tên cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được trình bày trên
cùng một dòng; trường hợp công văn gửi cho hai cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân trở lên
thì xuống dòng; tên mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc mỗi nhóm cơ quan, tổ chức, cá
nhân được trình bày trên một dòng riêng, đầu dòng có gạch đầu dòng, cuối dòng có dấu
chấm phẩy, cuối dòng cuối cùng có dấu chấm; các gạch đầu dòng được trình bày thẳng
hàng với nhau dưới dấu hai chấm.
Phần nơi nhận tại ô số 9b (áp dụng chung đối với công văn hành chính và các loại
văn bản khác) được trình bày như sau:
- Từ “Nơi nhận” được trình bày trên một dòng riêng (ngang hàng với dòng chữ “quyền
hạn, chức vụ của người ký” và sát lề trái), sau có dấu hai chấm, bằng chữ in thường, cỡ
chữ 12, kiểu chữ nghiêng, đậm;
- Phần liệt kê các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân nhận văn bản được trình bày bằng
chữ in thường, cỡ chữ 11, kiểu chữ đứng; tên mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân
hoặc mỗi nhóm cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận văn bản được trình bày trên một dòng
riêng, đầu dòng có gạch đầu dòng sát lề trái, cuối dòng có dấu chấm phẩu; riêng dòng
cuối cùng bao gồm chữ “Lưu” sau có dấu hai chấm, tiếp theo là chữ viết tắt “VT” (Văn
thư cơ quan, tổ chức), dấu phẩy, chữ viết tắt tên đơn vị (hoặc bộ phận) soạn thảo văn
bản và số lượng bản lưu (chỉ trong trường hợp cần thiết), cuối cùng là dấu chấm.
10. Dấu chỉ mức độ khẩn, mật
10.1. Thể thức
a) Dấu chỉ mức độ mật
Việc xác định và đóng dấu độ mật (tuyệt mật, tối mật hoặc mật), dấu thu hồi đối
với văn bản có nội dung bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 5, 6, 7,
8 của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000.
b) Dấu chỉ mức độ khẩn
Tùy theo mức độ cần được chuyển phát nhanh, văn bản được xác định độ khẩn
theo bốn mức sau: khẩn, thượng khẩn, hỏa tốc, hỏa tốc hẹn giờ; khi soạn thảo văn bản
có tính chất khẩn, đơn vị hoặc cá nhân soạn thảo văn bản đề xuất mức độ khẩn trình
người ký văn bản quyết định.
10.2. Kỹ thuật trình bày
a) Dấu chỉ mức độ mật

39
Con dấu các độ mật (TUYỆT MẬT, TỐI MẬT hoặc MẬT) và dấu thu hồi được
khắc sẵn theo quy định tại Mục 2 Thông tư số 12/2002/TT-BCA ngày 13 tháng 9 năm
2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000. Dấu độ mật được đóng vào ô
số 10a, dấu thu hồi được đóng vào ô số 11.
b) Dấu chỉ mức độ khẩn
Con dấu các độ khẩn được khắc sẵn hình chữ nhật có kích thước 30mm x 8mm,
40mm x 8mm và 20mm x 8mm, trên đó các từ “KHẨN”, “THƯỢNG KHẨN”, “HỎA
TỐC” và “HỎA TỐC HẸN GIỜ” trình bày bằng chữ in hoa, phông chữ Times New
Roman cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm và đặt cân đối trong khung hình chữ
nhật viền đơn. Dấu độ khẩn được đóng vào ô số 10b. Mực để đóng dấu độ khẩn dùng
màu đỏ tươi.

11. Dấu thu hồi và chỉ dẫn phạm vi lưu hành


Đối với những văn bản có phạm vi, đối tượng được phổ biến, sử dụng hạn chế, sử
dụng các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành như “TRẢ LẠI SAU KHI HỌP (HỘI NGHỊ)”,
“XEM XONG TRẢ LẠI”, “LƯU HÀNH NỘI BỘ”.
Các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành trình bày tại ô số 11; các cụm từ “TRẢ LẠI
SAU KHI HỌP (HỘI NGHỊ)”, “XEM XONG TRẢ LẠI”, “LƯU HÀNH NỘI BỘ” trình
bày cân đối trong một khung hình chữ nhật viền đơn, bằng chữ in hoa, phông chữ Times
New Roman, cỡ chữ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm.
12. Chỉ dẫn về dự thảo văn bản

Chỉ dẫn về dự thảo văn bản được trình bày tại ô số 12.

13. Ký hiệu người đánh máy và số lượng bản phát hành


Đối với những văn bản cần được quản lý chặt chẽ về số lượng bản phát hành phải
có ký hiệu người đánh máy và số lượng bản phát hành.
Ký hiệu người đánh máy và số lượng bản phát hành được trình bày tại ô số 13; ký
hiệu bằng chữ in hoa, số lượng bản bằng chữ số Ả-rập, cỡ chữ 11, kiểu chữ đứng.

14. Địa chỉ cơ quan, tổ chức; địa chỉ thư điện tử (E-Mail); số điện thoại, số Telex, số
Fax; địa chỉ Trang thông tin điện tử (Website)
Đối với công văn, ngoài các thành phần được quy định có thể bổ sung địa chỉ cơ
quan, tổ chức; địa chỉ thư điện tử (E-Mail); số điện thoại, số Telex, số Fax; địa chỉ trang
thông tin điện tử (Website).
Các thành phần này được trình bày tại ô số 14 trang thứ nhất của văn bản, bằng
chữ in thường, cỡ chữ từ 11 đến 12, kiểu chữ đứng, dưới một đường kẻ nét liền kéo dài
hết chiều ngang của vùng trình bày văn bản.

40
* Các thành phần thể thức khác:
1) Phụ lục văn bản
Trường hợp văn bản có phụ lục kèm theo thì trong văn bản phải có chỉ dẫn về
phụ lục đó. Phụ lục văn bản phải có tiêu đề; văn bản có từ hai phụ lục trở lên thì các phụ
lục phải được đánh số thứ tự bằng chữ số La Mã.
Phụ lục văn bản được trình bày trên các trang riêng; từ “Phụ lục” và số thứ tự của
phụ lục được trình bày thành một dòng riêng, canh giữa, bằng chữ in thường, cỡ chữ 14,
kiểu chữ đứng, đậm; tên phụ lục được trình bày canh giữa, bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ
13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm.
2) Đánh số trang văn bản
Số trang: văn bản và phụ lục văn bản gồm nhiều trang thì từ trang thứ hai trở đi
phải được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả-rập; số trang của phụ lục văn bản được đánh
riêng, theo từng phụ lục.
Đối với văn bản hành chính: Số trang của văn bản được trình bày tại góc phải, ở
cuối trang giấy (phần footer), bằng chữ số Ả-rập, cỡ chữ bằng cỡ chữ của phần lời văn
(13-14), kiểu chữ đứng (lưu ý: không đánh số trang thứ nhất).
Đối với văn bản quy phạm pháp luật: Số trang của văn bản được trình bày tại chính
giữa, trên đầu trang giấy (phần header) hoặc tại góc phải, ở cuối trang giấy (phần
footer), bằng chữ số Ả-rập, cỡ chữ bằng cỡ chữ của phần lời văn (13-14), kiểu chữ đứng
(lưu ý: không đánh số trang thứ nhất).
3) Phông chữ trình bày văn bản
Phông chữ sử dụng trình bày văn bản trên máy vi tính là phông chữ tiếng Việt
của bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001.
4) Khổ giấy, kiểu trình bày, định lề trang văn bản và vị trí trình bày
4.1). Khổ giấy
Văn bản được trình bày trên khổ giấy khổ A4 (210 mm x 297 mm).
Các văn bản như giấy giới thiệu, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu gửi, phiếu chuyển
được trình bày trên khổ giấy A5 (148 mm x 210 mm) hoặc trên giấy mẫu in sẵn (khổ
A5).
4.2). Kiểu trình bày
Văn bản được trình bày theo chiều dài của trang giấy khổ A4 (định hướng bản in
theo chiều dài).
Trường hợp nội dung văn bản có các bảng, biểu nhưng không được làm thành các
phụ lục riêng thì văn bản có thể được trình bày theo chiều rộng của trang giấy (định
hướng bản in theo chiều rộng).
4.3). Định lề trang văn bản (đối với khổ giấy A4)
Lề trên: cách mép trên từ 20 - 25 mm;
Lề dưới: cách mép dưới từ 20 - 25 mm;
Lề trái: cách mép trái từ 30 - 35 mm;
41
Lề phải: cách mép phải từ 15 - 20 mm.
4.4). Vị trí trình bày
Vị trí trình bày các thành phần thể thức văn bản trên một trang giấy khổ A4 được
thực hiện theo sơ đồ bố trí các thành phần thể thức văn bản theo MẪU bên ngay dưới
đây:

Sơ đồ bố trí các thành phần thể thức văn bản


(Trên một trang giấy khổ A4: 210 mm x 297 mm)
Xem MẪU ở trang tiếp theo

42
20-25 mm 11

2 1

3 4
5b 5a

10a 9a

10b 12

15-20 mm
30-35 mm

7a
9b
8
13 7c

7b

14

20-25 mm

43
Ghi chú:

Ô số : Thành phần thể thức văn bản


1 : Quốc hiệu
2 : Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản
3 : Số, ký hiệu của văn bản
4 : Địa danh và ngày, tháng, năm ban hành văn bản
5a : Tên loại và trích yếu nội dung văn bản
5b : Trích yếu nội dung công văn hành chính
6 : Nội dung văn bản
7a, 7b, 7c : Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền
8 : Dấu của cơ quan, tổ chức
9a, 9b : Nơi nhận
10a : Dấu chỉ mức độ mật
10b : Dấu chỉ mức độ khẩn
11 : Dấu thu hồi và chỉ dẫn về phạm vi lưu hành
12 : Chỉ dẫn về dự thảo văn bản
13 : Ký hiệu người đánh máy và số lượng bản phát hành
14 : Địa chỉ cơ quan, tổ chức; địa chỉ E-Mail; địa chỉ Website; số
điện thoại, số Telex, số Fax

II – THỂ THỨC VÀ KỸ THUẬT TRÌNH BÀY BẢN SAO VĂN BẢN


1. Thể thức bản sao
Thể thức bản sao bao gồm:
1. Hình thức sao
“SAO Y BẢN CHÍNH” hoặc “TRÍCH SAO” hoặc “SAO LỤC”.
2. Tên cơ quan, tổ chức sao văn bản
3. Số, ký hiệu bản sao bao gồm số thứ tự đăng ký được đánh chung cho các loại
bản sao do cơ quan, tổ chức thực hiện và chữ viết tắt tên loại bản sao. Số được ghi bằng
chữ số Ả-rập, bắt đầu từ số 01 vào ngày đầu năm và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng
năm.

44
4. Các thành phần thể thức khác của bản sao văn bản gồm địa danh và ngày,
tháng, năm sao; quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền; dấu của
cơ quan, tổ chức sao văn bản và nơi nhận.

2. Kỹ thuật trình bày


2.1. Vị trí trình bày các thành phần thể thức bản sao (trên trang giấy khổ A4)
Thực hiện theo sơ đồ bố trí các thành phần thể thức bản sao theo MẪU bên dưới.
Các thành phần thể thức bản sao được trình bày trên cùng một tờ giấy, ngay sau
phần cuối cùng của văn bản cần sao được photocopy, dưới một đường kẻ nét liền, kéo
dài hết chiều ngang của vùng trình bày văn bản.
2.2. Kỹ thuật trình bày bản sao
Cụm từ “SAO Y BẢN CHÍNH”, “TRÍCH SAO” hoặc “SAO LỤC” được trình
bày tại ô số 1 bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, đậm.
Tên cơ quan, tổ chức sao văn bản (tại ô số 2).
Số, ký hiệu bản sao (tại ô số 3).
Địa danh và ngày, tháng, năm sao (tại ô số 4).
Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền (tại ô số 5a, 5b và 5c).
Dấu của cơ quan, tổ chức sao văn bản (tại ô số 6).
Nơi nhận (tại ô số 7).

Sơ đồ bố trí các thành phần thể thức bản sao văn bản
Xem MẪU ở trang tiếp theo

45
20-25 mm

phÇn cuèi cïng cña v¨n b¶n ®­îc sao

2 1

15-20 mm
30-35 mm
3 4

5a

7 6
5c

5b

20-25 mm

Ghi chú:

Ô số : Thành phần thể thức bản sao

1 : Hình thức sao: “sao y bản chính”, “trích sao” hoặc “sao lục”

2 : Tên cơ quan, tổ chức sao văn bản

3 : Số, ký hiệu bản sao

4 : Địa danh và ngày, tháng, năm sao

5a, 5b, 5c : Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền

6 : Dấu của cơ quan, tổ chức

7 : Nơi nhận

46
Tài liệu tham khảo
1) Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn
thư;
2) Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 08/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số Điều của Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ
về công tác văn thư;
3) Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể
thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính;
4) Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27/12/2011 của Bộ Tư pháp về thể thức, kỹ
thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật
liên tịch.

47
BÀI 4
QUY CHẾ CÔNG TÁC VĂN THƯ,
LƯU TRỮ CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC

QUY CHẾ (MẪU)

Công tác văn thư, lưu trữ

(Ban hành kèm theo Quyết định số... ngày ... tháng... năm của ...)

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định các hoạt động về văn thư, lưu trữ trong quá trình quản lý,
chỉ đạo của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) để thực hiện chức năng,
nhiệm vụ của mình.
Đối tượng áp dụng (nêu cụ thể các đối tượng phải điều chỉnh).
Công tác văn thư bao gồm các công việc về soạn thảo, ban hành văn bản; quản lý
văn bản và tài liệu khác hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức (nêu
rõ tên cơ quan, tổ chức); lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; quản
lý và sử dụng con dấu trong công tác văn thư.
Công tác lưu trữ bao gồm các công việc về thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị, bảo
quản, thống kê và sử dụng tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của các
cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Quy chế (mẫu) công tác văn thư, lưu trữ bao gồm những quy định chung về hoạt
động văn thư, lưu trữ đối với các loại hình cơ quan, tổ chức để các cơ quan, tổ chức vận
dụng xây dựng Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của mỗi cơ quan, tổ chức.
2. Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ
chức) bao gồm tất cả những quy định về hoạt động văn thư, lưu trữ trong quá trình quản
lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) để thực hiện
chức năng, nhiệm vụ của mình.
3. Văn bản đến là tất cả các loại văn bản, bao gồm văn bản quy phạm pháp luật,
văn bản hành chính và văn bản chuyên ngành (kể cả bản fax, văn bản được chuyển qua
mạng, văn bản mật) và đơn, thư gửi đến cơ quan, tổ chức.
48
4. Văn bản đi là tất cả các loại văn bản, bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, văn
bản hành chính và văn bản chuyên ngành (kể cả bản sao văn bản, văn bản nội bộ và văn
bản mật) do cơ quan, tổ chức phát hành.
5. Bản thảo văn bản là bản được viết hoặc đánh máy, hình thành trong quá trình
soạn thảo văn bản.
6. Bản gốc văn bản là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản được cơ quan,
tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ban hành và có chữ ký trực tiếp của người có thẩm
quyền.
7. Bản chính văn bản là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản và được cơ
quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ban hành.
8. Bản sao y bản chính là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản và được
trình bày theo thể thức quy định. Bản sao y bản chính phải được thực hiện từ bản chính.
9. Bản trích sao là bản sao một phần nội dung của văn bản và được trình bày theo
thể thức quy định. Bản trích sao phải được thực hiện từ bản chính.
10. Bản sao lục là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản, được thực hiện
từ bản sao y bản chính và trình bày theo thể thức quy định.
11. Hồ sơ là một tập tài liệu có liên quan với nhau về một vấn đề, một sự việc, một
đối tượng cụ thể hoặc có đặc điểm chung, hình thành trong quá trình theo dõi, giải quyết
công việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
12. Lập hồ sơ là việc tập hợp, sắp xếp văn bản tài liệu hình thành trong quá trình
theo dõi, giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức), cá
nhân thành hồ sơ theo những nguyên tắc và phương pháp nhất định.
13. Thu thập tài liệu là quá trình xác định nguồn tài liệu, lựa chọn, giao nhận tài
liệu có giá trị để chuyển vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử.
14. Chỉnh lý tài liệu là việc phân loại, xác định giá trị, sắp xếp, thống kê, lập công
cụ tra cứu tài liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan,
tổ chức), cá nhân.
15. Xác định giá trị tài liệu là việc đánh giá giá trị tài liệu theo những nguyên tắc,
phương pháp, tiêu chuẩn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền để xác định những
tài liệu có giá trị lưu trữ, thời hạn bảo quản và tài liệu hết giá trị.
Điều 3. Trách nhiệm đối với công tác văn thư, lưu trữ
1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức)
trong việc quản lý công tác văn thư, lưu trữ
a) Tổ chức xây dựng, ban hành, chỉ đạo việc thực hiện các chế độ, quy định về
công tác văn thư, lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành;
b) Kiểm tra việc thực hiện các chế độ, quy định về công tác văn thư, lưu trữ đối với
các đơn vị trực thuộc; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về công
tác văn thư, lưu trữ theo thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của Chánh Văn phòng

49
Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Hành chính hoặc người phụ trách công tác hành
chính (sau đây gọi chung là Chánh Văn phòng) giúp Thủ trưởng cơ quan, tổ chức (nêu
rõ tên cơ quan, tổ chức) trực tiếp quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác văn
thư, lưu trữ tại cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức), đồng thời tổ chức hướng
dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ cho cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ
chức) và đơn vị trực thuộc.
3. Trách nhiệm của Trưởng các đơn vị
Trưởng các đơn vị chức năng (vụ, phòng, ban...), người đứng đầu các đơn vị trực
thuộc có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện các quy định của cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) về văn thư, lưu trữ.
4. Trách nhiệm của mỗi cá nhân
Trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến công tác văn thư, lưu trữ, mỗi
cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm túc các quy định của cơ quan, tổ
chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) về văn thư, lưu trữ.
Điều 4. Bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác văn thư, lưu trữ
Mọi hoạt động trong công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ
quan, tổ chức) phải thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí
mật nhà nước.
Chương 2.
CÔNG TÁC VĂN THƯ
Mục 1
SOẠN THẢO VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN
Điều 5. Hình thức văn bản
Gồm các loại hình văn bản sau:
- Văn bản quy phạm pháp luật;
- Văn bản hành chính;
- Văn bản chuyên ngành;
- Văn bản trao đổi với cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) hoặc cá nhân
nước ngoài.
Điều 6. Thể thức văn bản
1. Văn bản quy phạm pháp luật
a) Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2011/TT-BTP
ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tư pháp về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy
phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch.

50
b) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định tại
Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của Bộ Nội
vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
2. Văn bản hành chính
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm
2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.
3. Văn bản chuyên ngành
Do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành quy định sau khi thỏa thuận
thống nhất với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
4. Văn bản trao đổi với cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) hoặc cá nhân
nước ngoài
Thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật và theo thông lệ quốc tế.
Điều 7. Soạn thảo văn bản
1. Việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện các quy định của Luật số
17/2008/QH12 ngày 16 tháng 8 năm 2008 về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và
Luật số 31/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 Luật ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
2. Việc soạn thảo văn bản khác được thực hiện như sau:
a) Căn cứ tính chất, nội dung của văn bản cần soạn thảo, lãnh đạo cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) giao cho một đơn vị hoặc một công chức, viên chức soạn
thảo hoặc chủ trì soạn thảo văn bản.
b) Đơn vị hoặc công chức, viên chức được giao soạn thảo văn bản có trách nhiệm
thực hiện các công việc sau:
- Xác định hình thức, nội dung và độ mật, độ khẩn, nơi nhận văn bản;
- Thu thập, xử lý thông tin có liên quan;
- Soạn thảo văn bản;
- Trường hợp cần thiết, đề xuất với Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan,
tổ chức) tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) hoặc
cá nhân có liên quan; nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh bản thảo;
- Trình duyệt dự thảo văn bản.
Điều 8. Duyệt dự thảo văn bản, sửa chữa, bổ sung dự thảo văn bản đã duyệt
1. Dự thảo văn bản phải do người có thẩm quyền ký duyệt văn bản.
2. Trong trường hợp dự thảo đã được Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ
quan, tổ chức) phê duyệt, nhưng thấy cần thiết phải sửa chữa, bổ sung thêm vào dự thảo
thì đơn vị hoặc cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản phải trình người đã duyệt
dự thảo xem xét, quyết định việc sửa chữa, bổ sung.
Điều 9. Kiểm tra văn bản trước khi ký ban hành

51
1. Người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách
nhiệm về độ chính xác của nội dung văn bản, ký nháy/tắt vào cuối nội dung văn bản
(sau dấu ./.) trước khi trình Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ký
ban hành; đề xuất mức độ khẩn; đối chiếu quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà
nước xác định việc đóng dấu mật, đối tượng nhận văn bản, trình người ký văn bản quyết
định.
2. Chánh Văn phòng giúp người đứng đầu cơ quan tổ chức kiểm tra lần cuối và
chịu trách nhiệm về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành văn bản của cơ quan,
tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) và phải ký nháy/tắt vào vị trí cuối cùng ở “Nơi
nhận”.
Điều 10. Ký văn bản
1. Thẩm quyền ký văn bản thực hiện theo quy định của pháp luật, Quy chế làm
việc của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức).
2. Quyền hạn, chức vụ, họ và tên, chữ ký của người có thẩm quyền
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ký tất cả các văn bản do
cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ban hành. Các trường hợp ký thay (phải
ghi KT.), ký thừa lệnh (phải ghi TL.), ký thừa ủy quyền (phải ghi TUQ.), ký thay mặt
(phải ghi TM.).
3. Không dùng bút chì, bút mực đỏ để ký văn bản.
Điều 11. Bản sao văn bản
1. Các hình thức bản sao gồm: sao y bản chính, sao lục và trích sao.
2. Thể thức bản sao thực hiện theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV.
3. Việc sao y bản chính, sao lục, trích sao văn bản do lãnh đạo cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức), Chánh Văn phòng cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ
chức) quyết định.
4. Bản sao y bản chính, sao lục, trích sao thực hiện đúng quy định pháp luật có giá
trị pháp lý như bản chính.
5. Bản sao chụp (photocopy cả dấu và chữ ký của văn bản chính) không thực hiện
theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì chỉ có giá trị thông tin, tham khảo.
6. Không được sao, chụp, chuyển phát ra ngoài cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ
quan, tổ chức) những ý kiến ghi bên lề văn bản. Trường hợp các ý kiến của Lãnh đạo cơ
quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ghi trong văn bản cần thiết cho việc giao
dịch, trao đổi công tác phải được thể chế hóa bằng văn bản hành chính.
Mục 2
QUẢN LÝ VĂN BẢN
Điều 12. Nguyên tắc chung
1. Tất cả văn bản đi, văn bản đến của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ
chức) phải được quản lý tập trung tại Văn thư cơ quan (sau đây gọi tắt là Văn thư) để
làm thủ tục tiếp nhận, đăng ký, trừ những loại văn bản được đăng ký riêng theo quy định
52
của pháp luật. Những văn bản đến không được đăng ký tại Văn thư, các đơn vị, cá nhân
không có trách nhiệm giải quyết.
2. Văn bản đi, văn bản đến thuộc ngày nào phải được đăng ký, phát hành hoặc
chuyển giao trong ngày, chậm nhất là trong ngày làm việc tiếp theo. Văn bản đến có
đóng dấu chỉ các mức độ khẩn: “Hỏa tốc (kể cả “Hỏa tốc” hẹn giờ), “Thượng khẩn” và
“Khẩn” (sau đây gọi chung là văn bản khẩn) phải được đăng ký, trình và chuyển giao
ngay sau khi nhận được. Văn bản khẩn đi phải được hoàn thành thủ tục phát hành và
chuyển phát ngay sau khi văn bản được ký.
3. Văn bản, tài liệu có nội dung mang bí mật nhà nước (sau đây gọi tắt là văn bản
mật) được đăng ký, quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ bí mật nhà
nước và hướng dẫn tại Thông tư này.
Điều 13. Trình tự quản lý văn bản đến
Tất cả văn bản đến cơ quan, tổ chức phải được quản lý theo trình tự sau:
1. Tiếp nhận, đăng ký văn bản đến.
2. Trình, chuyển giao văn bản đến.
3. Giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết văn bản đến.
Điều 14. Tiếp nhận, đăng ký văn bản đến
1. Khi tiếp nhận văn bản đến từ mọi nguồn, trong giờ hoặc ngoài giờ làm việc, Văn
thư hoặc người được giao nhiệm vụ tiếp nhận văn bản đến phải kiểm tra số lượng, tình
trạng bì, dấu niêm phong (nếu có), kiểm tra, đối chiếu với nơi gửi trước khi nhận và ký
nhận.
2. Đối với bản fax, phải chụp lại trước khi đóng dấu Đến; đối với văn bản được
chuyển phát qua mạng, trong trường hợp cần thiết, có thể in ra và làm thủ tục đóng dấu
Đến. Sau đó, khi nhận được bản chính, phải đóng dấu Đến vào bản chính và làm thủ tục
đăng ký (số đến, ngày đến là số và ngày đã đăng ký ở bản fax, bản chuyển phát qua
mạng).
3. Văn bản khẩn đến ngoài giờ làm việc, ngày lễ, ngày nghỉ, thì cán bộ, công chức,
viên chức tiếp nhận có trách nhiệm ký nhận và báo cáo ngay với Lãnh đạo cơ quan, tổ
chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức), Chánh Văn phòng để xử lý.
4. Văn bản đến phải được đăng ký vào sổ đăng ký văn bản hoặc cơ sở dữ liệu quản
lý văn bản đến trên máy tính.
5. Văn bản mật đến được đăng ký riêng hoặc nếu sử dụng phần mềm trên máy vi
tính thì không được nối mạng LAN (mạng nội bộ) hoặc mạng Internet.
Điều 15. Trình, chuyển giao văn bản đến
1. Văn bản đến sau khi được đăng ký, phải trình người có thẩm quyền để xin ý
kiến phân phối văn bản. Văn bản đến có dấu chỉ các mức độ khẩn phải được trình và
chuyển giao ngay sau khi nhận được.
2. Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo giải quyết, công chức, viên chức văn thư đăng ký tiếp
và chuyển văn bản theo ý kiến chỉ đạo.

53
3. Việc chuyển giao văn bản phải đảm bảo chính xác, đúng đối tượng và giữ gìn bí
mật nội dung văn bản. Người nhận văn bản phải ký nhận vào sổ chuyển giao văn bản.
Điều 16. Giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết văn bản đến
1. Sau khi nhận được văn bản đến, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm chỉ đạo, giải
quyết kịp thời theo thời hạn yêu cầu của Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan,
tổ chức); theo thời hạn yêu cầu của văn bản hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp văn bản đến không có yêu cầu về thời hạn trả lời thì thời hạn giải
quyết được thực theo Quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức.
3. Văn thư có trách nhiệm tổng hợp số liệu văn bản đến, văn bản đến đã được giải
quyết, đã đến hạn nhưng chưa được giải quyết để báo cáo Chánh Văn phòng. Đối với
văn bản đến có dấu “Tài liệu thu hồi”, Văn thư có trách nhiệm theo dõi, thu hồi hoặc gửi
trả lại nơi gửi theo đúng thời hạn quy định.
4. Chánh Văn phòng có trách nhiệm đôn đốc, báo cáo Lãnh đạo cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) về tình hình giải quyết, tiến độ và kết quả giải quyết văn
bản đến để thông báo cho các đơn vị liên quan.
Điều 17. Trình tự giải quyết văn bản đi
Văn bản đi phải được quản lý theo trình tự sau:
1. Kiểm tra thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; ghi số và ngày, tháng, năm của
văn bản.
2. Đăng ký văn bản đi.
3. Nhân bản, đóng dấu cơ quan và dấu mức độ mật, khẩn
4. Làm thủ tục phát hành, chuyển phát và theo dõi việc chuyển phát văn bản đỉ
5. Lưu văn bản đi
Điều 18. Kiểm tra thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; ghi số và ngày,
tháng của văn bản
1. Kiểm tra thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản
Trước khi phát hành văn bản, Văn thư kiểm tra lại thể thức và kỹ thuật trình bày
văn bản; nếu phát hiện sai sót thì báo cáo người có trách nhiệm xem xét, giải quyết.
2. Ghi số và ngày, tháng ban hành văn bản
a) Ghi số của văn bản
- Tất cả văn bản đi của cơ quan, tổ chức được ghi số theo hệ thống số chung của cơ
quan, tổ chức do Văn thư thống nhất quản lý; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Việc ghi số văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp
luật hiện hành và đăng ký riêng.
- Việc ghi số văn bản hành chính thực hiện theo quy định tại Điểm a, Khoản 1,
Điều 8 Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ về
hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.
b) Ghi ngày, tháng của văn bản
54
- Việc ghi ngày, tháng, năm của văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo
quy định của pháp luật hiện hành.
- Việc ghi ngày, tháng, năm của văn bản hành chính được thực hiện theo quy định
tại Điểm b, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 01/2011/TT-BNV.
3. Văn bản mật đi được đánh số và đăng ký riêng.
Điều 19. Đăng ký văn bản
Văn bản đi được đăng ký vào sổ đăng ký văn bản đi hoặc cơ sở dữ liệu quản lý văn
bản đi trên máy tính.
1. Lập sổ đăng ký văn bản đi
Căn cứ tổng số và số lượng mỗi loại văn bản đi hàng năm, các cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) quy định cụ thể việc lập sổ đăng ký văn bản đi cho phù
hợp.
Văn bản mật đi được đăng ký riêng.
2. Đăng ký văn bản đi
Việc đăng ký văn bản đi được thực hiện theo phương pháp cổ truyền (đăng ký
bằng số) hoặc đăng ký trên máy tính.
Điều 20. Nhân bản, đóng dấu cơ quan và dấu mức độ khẩn, mật
1. Nhân bản
a) Số lượng văn bản cần nhân bản để phát hành được xác định trên cơ sở số lượng
tại nơi nhận văn bản; nếu gửi đến nhiều nơi mà trong văn bản không liệt kê đủ danh
sách thì đơn vị soạn thảo phải có phụ lục nơi nhận kèm theo để lưu ở Văn thư;
b) Nơi nhận phải được xác định cụ thể trong văn bản trên nguyên tắc văn bản chỉ
gửi đến cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức), đơn vị có chức năng, thẩm quyền
giải quyết, tổ chức thực hiện, phối hợp thực hiện, báo cáo, giám sát, kiểm tra liên quan
đến nội dung văn bản; không gửi vuợt cấp, không gửi nhiều bản cho một đối tượng,
không gửi đến các đối tượng khác chỉ để biết, để tham khảo.
c) Giữ gìn bí mật nội dung văn bản và thực hiện đánh máy, nhân bản theo đúng
thời gian quy định.
d) Việc nhân bản văn bản mật phải có ý kiến của Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu
rõ tên cơ quan, tổ chức) và được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định
số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Đóng dấu cơ quan
a) Khi đóng dấu lên chữ ký thì dấu phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên
trái.
b) Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng mực dấu màu đỏ tươi
theo quy định.
c) Đóng dấu vào phụ lục kèm theo

55
Việc đóng đấu lên các phụ lục kèm theo văn bản chính do người ký văn bản quyết
định và dấu được đóng lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên
cơ quan, tổ chức) hoặc tên của phụ lục.
d) Đóng dấu giáp lai
Việc đóng dấu giáp lai đối với văn bản, tài liệu chuyên ngành và phụ lục kèm theo:
Dấu được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên
một phần các tờ giấy, mỗi dấu không quá 05 trang.
3. Đóng dấu độ khẩn, mật
a) Việc đóng dấu các độ khẩn (KHẨN, THƯỢNG KHẨN, HỎA TỐC, HỎA TỐC
HẸN GIỜ) trên văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 2,
Điều 15 Thông tư số 01/2011/TT-BNV.
b) Việc đóng dấu các độ mật (MẬT, TUYỆT MẬT, TỐI MẬT) và dấu thu hồi
được khắc sẵn theo quy định tại Mục 2, Thông tư số 12/2002/TT-BCA ngày 13 tháng 9
năm 2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
c) Vị trí đóng dấu độ khẩn, dấu độ mật và dấu phạm vi lưu hành (TRẢ LẠI SAU
KHI HỌP, XEM XONG TRẢ LẠI, LƯU HÀNH NỘI BỘ) trên văn bản được thực hiện
theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 15 Thông tư số 01/2011/TT-BNV.
Điều 21. Thủ tục phát hành, chuyển phát và theo dõi việc chuyển phát văn
bản đi
1. Thủ tục phát hành văn bản
Văn thư cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) tiến hành các công việc sau
đây khi phát hành:
a) Lựa chọn bì;
b) Viết bì;
c) Vào bì và dán bì;
d) Đóng dấu độ khẩn, dấu ký hiệu độ mật và dấu khác lên bì (nếu có).
2. Chuyển phát văn bản đi
a) Những văn bản đã làm đầy đủ các thủ tục hành chính phải được phát hành ngay
trong ngày văn bản đó được đăng ký, chậm nhất là trong ngày làm việc tiếp theo. Đối
với văn bản quy phạm pháp luật có thể phát hành sau 03 ngày, kể từ ngày ký văn bản.
b) Đối với những văn bản "HẸN GIỜ", "HỎA TỐC", "KHẨN", "THƯỢNG
KHẨN" phải được phát hành ngay sau khi làm đầy đủ các thủ tục hành chính.
c) Văn bản đi được chuyển phát qua bưu điện phải được đăng ký vào Sổ gửi văn
bản đi bưu điện. Khi giao bì văn bản, phải yêu cầu nhân viên bưu điện kiểm tra, ký nhận
và đóng dấu vào sổ;
d) Việc chuyển giao trực tiếp văn bản cho các đơn vị, cá nhân trong cơ quan, tổ
chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) hoặc cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân bên ngoài phải
được ký nhận vào sổ chuyển giao văn bản;
56
đ) Chuyển phát văn bản đi bằng máy fax, qua mạng
Trong trường hợp cần chuyển phát nhanh, văn bản đi có thể được chuyển phát cho
nơi nhận bằng máy fax hoặc chuyển qua mạng, trong ngày làm việc phải gửi bản chính
đối với những văn bản có giá trị lưu trữ.
e) Chuyển phát văn bản mật thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 16 Nghị
định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ và quy định tại
Khoản 3 Thông tư số 12/2002/TT-BCA (A11) ngày 13 tháng 9 năm 2002 của Bộ Công
an.
3. Theo dõi việc chuyển phát văn bản đi
a) Công chức, viên chức văn thư có trách nhiệm theo dõi việc chuyển phát văn bản
đi;
b) Lập Phiếu gửi để theo dõi việc chuyển phát văn bản đi theo yêu cầu của người
ký văn bản. Việc xác định những văn bản đi cần lập Phiếu gửi do đơn vị hoặc cá nhân
soạn thảo văn bản đề xuất, trình người ký quyết định;
c) Đối với những văn bản đi có đóng dấu “Tài liệu thu hồi”, phải theo dõi, thu hồi
đúng thời hạn; khi nhận lại, phải kiểm tra, đối chiếu để bảo đảm văn bản không bị thiếu
hoặc thất lạc;
d) Trường hợp phát hiện văn bản bị thất lạc, không có người nhận phải báo cáo
ngay Chánh Văn phòng để xử lý.
Điều 22. Lưu văn bản đi
1. Mỗi văn bản đi phải được lưu hai bản: bản gốc lưu tại Văn thư cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) và 01 bản chính lưu trong hồ sơ công việc.
2. Bản gốc lưu tại Văn thư cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) phải
được đóng dấu và sắp xếp theo thứ tự đăng ký.
3. Việc lưu giữ, bảo quản và sử dụng bản lưu văn bản đi có đóng dấu chỉ các mức
độ mật được thực hiện theo quy định hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước.
4. Văn thư có trách nhiệm lập sổ theo dõi và phục vụ kịp thời yêu cầu sử dụng bản
lưu tại Văn thư theo quy định của pháp luật và quy định cụ thể của cơ quan, tổ chức.
Mục 3
LẬP HỒ SƠ VÀ GIAO NỘP HỒ SƠ,
TÀI LIỆU VÀO LƯU TRỮ CƠ QUAN
Điều 23. Nội dung việc lập hồ sơ và yêu cầu đối với hồ sơ được lập
1. Nội dung việc lập hồ sơ công việc
a) Mở hồ sơ
Căn cứ vào Danh mục hồ sơ của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức), và
thực tế công việc được giao, cán bộ, công chức, viên chức phải chuẩn bị bìa hồ sơ, ghi
tiêu đề hồ sơ lên bìa hồ sơ. Cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết công
việc của mình sẽ tiếp tục đưa các văn bản hình thành có liên quan vào hồ sơ.

57
b) Thu thập văn bản vào hồ sơ
- Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm lập hồ sơ cần thu thập đầy đủ các
văn bản, giấy tờ và các tư liệu có liên quan đến sự việc vào hồ sơ;
- Các văn bản trong hồ sơ phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lý, tùy theo đặc
điểm khác nhau của công việc để lựa chọn cách sắp xếp cho thích hợp (chủ yếu là theo
trình tự thời gian và diễn biến công việc).
c) Kết thúc và biên mục hồ sơ
- Khi công việc giải quyết xong thì hồ sơ cũng kết thúc. Cán bộ, công chức, viên
chức có trách nhiệm lập hồ sơ phải kiểm tra, xem xét, bổ sung những văn bản, giấy tờ
còn thiếu và loại ra văn bản trùng thừa, bản nháp, các tư liệu, sách báo không cần để
trong hồ sơ;
Đối với các hồ sơ có thời hạn bảo quản vĩnh viễn, cán bộ, công chức, viên chức
phải biên mục hồ sơ đầy đủ.
2. Yêu cầu đối với mỗi hồ sơ được lập
a) Hồ sơ được lập phải phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức), đơn vị hình thành hồ sơ;
b) Văn bản, tài liệu được thu thập vào hồ sơ phải có sự liên quan chặt chẽ với nhau
và phản ánh đúng trình tự diễn biến của sự việc hay trình tự giải quyết công việc;
c) Văn bản trong hồ sơ phải có giá trị bảo quản tương đối đồng đều.
Điều 24. Giao nhận hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ
quan, tổ chức)
1. Trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức
a) Cán bộ, công chức, viên chức phải giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan,
tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) theo thời hạn được quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trường hợp cần giữ lại hồ sơ, tài liệu đến hạn nộp lưu phải thông báo bằng văn bản cho
Lưu trữ cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) biết và phải được sự đồng ý của
Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) nhưng thời hạn giữ lại không
quá 02 năm;
b) Cán bộ, công chức, viên chức khi chuyển công tác, thôi việc, nghỉ hưởng chế độ
bảo hiểm xã hội phải bàn giao hồ sơ, tài liệu cho cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan,
tổ chức) hoặc cho người kế nhiệm, không được giữ hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) làm tài liệu riêng hoặc mang sang cơ quan, tổ chức (nêu rõ
tên cơ quan, tổ chức) khác.
2. Thời hạn nộp lưu hồ sơ, tài liệu
a) Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày công việc kết thúc;
b) Sau 03 tháng kể từ ngày công trình được quyết toán đối với tài liệu xây dựng cơ
bản;
3. Thủ tục giao nhận

58
Khi giao nộp hồ sơ, tài liệu đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức phải lập 02 bản
Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu và 02 bản Biên bản giao nhận tài liệu. Lưu trữ cơ quan,
tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) và bên giao tài liệu mỗi bên giữ mỗi loại một bản.
Điều 25. Trách nhiệm đối với việc lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu
trữ cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức)
1. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức)
Hàng năm Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) có trách nhiệm
chỉ đạo xây dựng Danh mục hồ sơ của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức);
chỉ đạo công tác lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ đối với các đơn vị
thuộc phạm vi quản lý của mình.
2. Trách nhiệm của Chánh Văn phòng
a) Tham mưu cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức)
trong việc chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ
đối với các đơn vị trực thuộc;
b) Tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ tại đơn
vị mình.
3. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức
a) Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm lập hồ sơ công việc được phân
công theo dõi, giải quyết;
b) Giao nộp hồ sơ, tài liệu đúng thời hạn và đúng thủ tục quy định.
4. Trách nhiệm của công chức, viên chức văn thư, lưu trữ
Công chức, viên chức văn thư, lưu trữ có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị và cán
bộ, công chức, viên chức lập hồ sơ công việc; giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ
quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) theo đúng quy định của Nhà nước.
Mục 4
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CON DẤU
Điều 26. Quản lý con dấu
1. Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nêu
rõ tên cơ quan, tổ chức) việc quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên
cơ quan, tổ chức). Lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ
chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) việc quản lý và sử dụng con dấu của đơn vị (đối với
đơn vị có con dấu riêng).
2. Các con dấu của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức), con dấu đơn vị
được giao cho công chức, viên chức văn thư quản lý và sử dụng. Công chức, viên chức
văn thư được giao sử dụng và bảo quản con dấu chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đơn vị
việc quản lý và sử dụng con dấu, có trách nhiệm thực hiện những quy định sau:
a) Con dấu phải được bảo quản tại phòng làm việc của công chức, viên chức văn
thư. Trường hợp cần đưa con dấu ra khỏi cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức)
phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức)
59
và phải chịu trách nhiệm về việc bảo quản, sử dụng con dấu. Con dấu phải được bảo
quản an toàn trong giờ cũng như ngoài giờ làm việc;
b) Không giao con dấu cho người khác khi chưa được phép bằng văn bản của
người có thẩm quyền.
3. Khi nét dấu bị mòn hoặc biến dạng, cán bộ, công chức, viên chức văn thư phải
báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) làm thủ tục đổi
con dấu. Trường hợp con dấu bị mất, người đứng đầu cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ
quan, tổ chức) phải báo cáo cơ quan công an, nơi xảy ra mất con dấu, lập biên bản.
4. Khi đơn vị có quyết định chia, tách hoặc sáp nhập phải nộp con dấu cũ và làm
thủ tục xin khắc con dấu mới.
Điều 27. Sử dụng con dấu
1. Cán bộ, công chức, viên chức văn thư phải tự tay đóng dấu vào các văn bản của
cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức).
2. Chỉ đóng dấu vào các văn bản khi các văn bản đúng hình thức, thể thức và có
chữ ký của người có thẩm quyền.
3. Không được đóng dấu trong các trường hợp sau: Đóng dấu vào giấy không có
nội dung, đóng dấu trước khi ký, đóng dấu sẵn trên giấy trắng hoặc đóng dấu lên các
văn bản có chữ ký của người không có thẩm quyền.
Chương III.
CÔNG TÁC LƯU TRỮ
Mục 1
CÔNG TÁC THU THẬP, BỔ SUNG TÀI LIỆU
Điều 28. Giao nhận hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan
Hàng năm công chức, viên chức lưu trữ cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ
chức) có nhiệm vụ tổ chức thu thập hồ sơ, tài liệu đã đến hạn nộp lưu vào kho lưu trữ cơ
quan, cụ thể:
1. Lập kế hoạch thu thập hồ sơ, tài liệu.
2. Phối hợp với các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức xác định những loại hồ
sơ, tài liệu cần nộp lưu vào Lưu trữ cơ quan.
3. Hướng dẫn các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và
lập “Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu”.
4. Chuẩn bị kho và các phương tiện bảo quản để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu.
5. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, kiểm tra đối chiếu giữa Mục lục hồ sơ, tài liệu
nộp lưu với thực tế tài liệu và lập Biên bản giao nhận tài liệu.
Điều 29. Chỉnh lý tài liệu
Hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) phải được chỉnh
lý hoàn chỉnh và bảo quản trong kho lưu trữ.
1. Nguyên tắc chỉnh lý
60
a) Không phân tán phông lưu trữ;
b) Khi phân loại, lập hồ sơ (chỉnh sửa hoàn thiện, phục hồi hoặc lập mới hồ sơ),
phải tôn trọng sự hình thành tài liệu theo trình tự theo dõi, giải quyết công việc (không
phá vỡ hồ sơ đã lập);
c) Tài liệu sau khi chỉnh lý phải phản ánh được các hoạt động của cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức).
2. Tài liệu sau khi chỉnh lý phải đạt yêu cầu:
a) Phân loại và lập hồ sơ hoàn chỉnh;
b) Xác định thời hạn bảo quản cho hồ sơ, tài liệu;
c) Hệ thống hóa hồ sơ, tài liệu;
d) Lập công cụ tra cứu: Mục lục hồ sơ, cơ sở dữ liệu và các công cụ tra cứu khác
phục vụ cho việc quản lý và tra cứu sử dụng tài liệu;
đ) Lập danh mục tài liệu hết giá trị.
Điều 30. Xác định giá trị tài liệu
1. Phòng/Bộ phận Văn thư, Lưu trữ cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức)
có nhiệm vụ giúp Chánh Văn phòng xây dựng Bảng thời hạn bảo quản tài liệu trình
Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ban hành sau khi có ý kiến
thẩm định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Việc xác định giá trị tài liệu phải đạt được yêu cầu sau:
a) Xác định tài liệu cần bảo quản vĩnh viễn và tài liệu bảo quản có thời hạn bằng số
năm cụ thể;
b) Xác định tài liệu hết giá trị để tiêu hủy.
Điều 31. Hội đồng xác định giá trị tài liệu
Thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật lưu trữ 2011.
Điều 32. Hủy tài liệu hết giá trị
Thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật lưu trữ 2011.
Điều 33. Thời hạn nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ lịch sử
Thực hiện theo quy định tại Điều 21 luật Lưu trữ 2011.
Mục 2
BẢO QUẢN, TỔ CHỨC SỬ DỤNG TÀI LIỆU LƯU TRỮ
Điều 34. Bảo quản tài liệu lưu trữ
1. Hồ sơ, tài liệu chưa đến hạn nộp lưu vào Lưu trữ cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ
quan, tổ chức) do các cán bộ, công chức, viên chức tự bảo quản và phải đảm bảo an toàn
cho các hồ sơ, tài liệu.
2. Hồ sơ, tài liệu lưu trữ đến hạn nộp lưu phải được giao nộp vào Lưu trữ cơ quan,
tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) và tập trung bảo quản trong kho lưu trữ cơ quan, tổ

61
chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức). Kho lưu trữ phải được trang bị đầy đủ các thiết bị,
phương tiện cần thiết theo quy định đảm bảo an toàn cho tài liệu.
3. Chánh Văn phòng có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo quản tài
liệu lưu trữ: bố trí kho lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định; thực hiện các biện pháp
phòng chống cháy, nổ, phòng chống thiên tai, phòng gian, bảo mật đối với kho lưu trữ
và tài liệu lưu trữ; trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật, phương tiện bảo quản tài liệu lưu
trữ; duy trì các chế độ bảo quản phù hợp với từng loại tài liệu lưu trữ.
Công chức, viên chức văn thư, lưu trữ của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ
chức) có trách nhiệm: bố trí, sắp xếp khoa học tài liệu lưu trữ; hồ sơ, tài liệu trong kho
để trong hộp (cặp), dán nhãn ghi đầy đủ thông tin theo quy định để tiện thống kê, kiểm
tra và tra cứu; thường xuyên kiểm tra tình hình tài liệu có trong kho để nắm được số
lượng, chất lượng tài liệu.
Điều 35. Đối tượng và thủ tục khai thác, sử dụng tài liệu
1. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong, ngoài cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ
quan, tổ chức) và mọi cá nhân đều được khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ vì mục đích
công vụ và các nhu cầu riêng chính đáng.
2. Cán bộ, công chức, viên chức ngoài cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ
chức) nghiên cứu tài liệu vì mục đích công vụ phải có giấy giới thiệu ghi rõ mục đích
nghiên cứu tài liệu và phải được Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức)
hoặc Chánh Văn phòng đồng ý.
3. Cá nhân khai thác sử dụng tài liệu vì mục đích riêng phải có đơn xin sử dụng tài
liệu, chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu và phải được Lãnh đạo cơ quan, tổ chức
(nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) hoặc Chánh Văn phòng đồng ý.
Điều 36. Các hình thức tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ
Thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật lưu trữ 2011.
Điều 37. Thẩm quyền cho phép khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ
Thực hiện theo các quy định tại Điều 31 và Điều 34 Luật lưu trữ 2011.
Điều 38. Quản lý việc sử dụng tài liệu lưu trữ
1. Lưu trữ cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) phải có Nội quy phòng
đọc.
2. Nội quy Phòng đọc bao gồm các nội dung cần quy định sau:
a) Thời gian phục vụ độc giả;
b) Các giấy tờ độc giả cần xuất trình khi đến khai thác tài liệu;
c) Những vật dụng được và không được mang vào phòng đọc;
d) Quy định độc giả phải thực hiện các thủ tục nghiên cứu và khai thác tài liệu theo
hướng dẫn của nhân viên phòng đọc;
đ) Độc giả không được tự ý sao, chụp ảnh tài liệu, dữ liệu trên máy tính và thông
tin trong công cụ tra cứu khi chưa được phép;

62
e) Ngoài các quy định trên, độc giả cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định có
liên quan trong Nội quy ra, vào cơ quan; Quy định về sử dụng tài liệu; Quy định về
phòng chống cháy nổ của cơ quan, tổ chức.
3. Công chức, viên chức lưu trữ cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) phải
lập các Sổ nhập, xuất tài liệu, Sổ đăng ký mục lục hồ sơ và sổ đăng ký độc giả để quản
lý tài liệu lưu trữ và phục vụ khai thác tài liệu.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, TỔ CHỨC


(chữ ký và dấu)
Họ và tên

Tài liệu tham khảo


1) Thông tư số 04/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xây
dựng Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.

63
.v n
i e tn am
. L u atV
www
. v n
i e t nam
. L u atV
www
. v n
i e t nam
. L u atV
www
. v n
i e t nam
. L u atV
www
. v n
i e t nam
. L u atV
www
HOI DONG NHAN DAN CONG HOA xA HOI CHU NGHiA VI~T NAM
THANH PHO HA NOI BQc lip - Tl}' do - Hanh phuc

86: 04/20 15/NQ-HDND Hil N9i, ngay 01 thdng 12 ndm 2015

NGIIJ QUYET
V~ nhi~m vI} phat tri~n kinh t~ - xii hQi nam 2016 ciia thanh phB Ha NQi

HQI BONG NIlAN DAN THANH PHD HA NQI

KHoA XIV, KY HQP TmJ 14

(Tu ngay 01/12 din ngay 04/12/2015)

Can cu Luat T6 chirc IIDND va UBND ngay 26/11/2003;


Xet cac bao cao cua UBND Thanh ph6, Toa an nhan dan Thanh ph6, Vi~n
kiem sat nhan dan Thanh ph6; bao cao thfun tra cua cac Ban IIDND Thanh ph6; Y
ki~n cua Dy ban M~t tr~ T6 quoc Thanh ph6; Yki~n cua cac dai biSu IIDND
Thanhph6,

QUYETNGIIJ:

Bi~u 1. Thong qua nhiem vu phat triSn kinh t~ - xa hQi (KT-XH) nam 2016
cua thanh ph8 Ha NQi nhu sau:
1. M!lc tieu tang quat: TiSp tuc ddy manh tai co cAu kinh t~, 6n dinh kinh
t~ vi mo, cai thien moi tnrong ddu tu, nang cao nang hrc canh tranh, thuc ddy
san xuAt kinh doanh, phan d~u t8c dQ tang tnrong cao han nam 2015. Thuc hien
t6t an sinh, phuc IQ'i xa hoi, bao v~ moi tnrong, cai thien dai s6ng nhan dan. Ddy
manh phat trien sir nghiep van hoa, giao due, y t~. Lam t6t han cong tac quan ly
quy hoach, xay dung, do thi va xay dung nong then moi, Tang cirong qU6c
phong, an ninh, gift virng tr~t tv an toan xa hQi. Nang cao hieu qua cong tac d8i
ngoai.va hQi nhap quoc t~. Ti~p tuc thuc hien cai each hanh chinh, t6 chtrc t6t
cuoc bdu cu dai biSu Quoc hQi va IIDND cac c~p nhiem ky 2016- 2021; thuc
hanh ti~t kiem, chong lang phi; tang ctrong phong, chong tham nhilng.
2. Chi tieu chu yiu
(1) T6c dQ tang t6ng san pham tren dia ban (GRDP): 8,5 - 9,0% (theo each
tinh moi); trong do: dich vu 7,8 - 8,3%, cong nghiep - xay dung tang 10,0­
10,5%, nong nghiep tang 3,5 - 4,0%;
(2) GRDP binh quan ddu nguoi: 85 - 87 trieu dBng;
(3) T6c dQ tang vBn ddu tu phat trien tren dia ban: 11,0 -12,0%;
(4) T6c dQ tang kim ngach xuAt khau: 7,0 - 8,0%;
(5) Giam tY suAt sinh tho so nam tnroc: 0,1%0;
(6) Giam ty l~ sinh con thir 3 tro len so voi nam tnroc: 0,1%;
(7) Giam ty l~ tre em diroi 5 tu6i bi suy dinh duong: 0,2%;
(8) Giam ty l~ hQ ngheo (theo chuan ngheo m6'i) so v6'i nam tru6'c: 1,3%;
(9) Ty 1~ th~t nghiep khu vue thanh thi: <4%;
(10) Ty 1~ lao dQng (dang lam viec) qua dao tao: 57%;
(11) Ty 1~ ngiroi dan tham gia bao hiem y tS: 79,8 %;
(12) S6 xa, phtrong, thi tr~ dat chudn qu6c gia vS y tS (theo chuan moi)
tang them: 17 don vi;
(13) S6 tnrong cong l~p dat chuAn quoc gia tang them: 75 tnrong;
(14) Ty 1~ hQ dan cu diroc cong nhan danh hieu "Gia dinh van hoa": 85,7%;
(15) Ty 1~ lang (thon) duoc cong nhan danh hieu "Lang (then) van hoa": 55%;
(16) Ty 1~ t6 dan ph6 dtroc cong nhan danh hieu "T6 dan ph6 van hoa": 70%;
(17) Ty 1~ dan s6 thanh thi dung mroc sach: phk d~u dat 100%;
(18) Ty 1~ dan s6 nong thon dung mroc hop v~ sinh: 100%, trong do, mroc
sach: 38%;
(19) S3 xa duoc cong nhan dat tieu chi nong then moi tang them: 22 xa;
(20) Ty 1~ rae thai sinh heat thu gom va v?n chuyen trong ngay: Khu virc
do thi 98%; Khu vue nong thon 87%;
(21) 100% cum cong nghiep xay dung moi di vao hoat dQng co tram xu ly
mroc thai t~p trung; 50% cum cong nghiep da hoat dQng co tram xu ly mroc thai
t~p trung.
3. Nhi~m vI} trong tam va giai phap ch u y~u
3.1. Phdt triJn kinh ti
a. Day manh tdi co cdu kinh ti, cai thien moi truang ddu tu, kinh doanh; tang
cutrng thu hut ddu tu; h6 tra doanh nghiep day manh scm xudt kinh doanh va h9i
nhdp.
T~p trung cai thien moi tnrong d~u tu, k.inh doanh, nang cao nang hrc canh
tranh, chi s3 PCI, trong tam la cai each trong cac linh vue: quy hoach, d~u tu,
d~t dai, xay dung, c~p gi~y chimg nhan dang kY kinh doanh, gi~y phep d~u tu.
Tang cirong xuc tiSn ddu tu, huy dQng ngu6n hrc trong va ngoai mroc cho
d~u tu phat trien, Xay dung va trien khai t6t, dam bao hieu qua, tranh dan trai,
khong dS phat sinh no d~u tu congo Don gian hoa thu tuc c~p gi~y chimg nhan
~u nr, thu hut v3n ~u nr FDI va quan ly sau c~p gi~y clnmg nhan d~u nr,
DAy rnanh cac giai phap thao gO' kho khan, thuc dAy san xu~t kinh doanh.
Tiep tuc thirc hien Chirong trinh ket n6i ngan hang - doanh nghi~p. H6 trg doanh
nghi~p yay v6n tin d\lng vai lai su~t hgp lY. Tuyen truy~n, t~p hu~ ph6 bien
kiSn thuc vS hQi nh~p qu6c te, vS chinh sach lien quan hQi nh~p,vS thi truang,
cong ngh~ mai, chuful bi cac diSu ki~n cdn thiet dS chu dQng hQi nh~p qu6c te
khi Vi~t Nam chinh thuc tham gia hi~p dinh TPP, hi~p hQi kinh tS Asean (ABC).
H6 trg nang cao thuong hi~u doanh nghi~p. TiSp Wc s~p xSp, c6 ph~n hoa va
thoai v6n doanh nghi~p Nha nuac; quiin 1y va nang cao hi~u qua ho~t dQng cua
doanh nghi~p sau s~p xep, thoai v3n, c6 phdn hoa.

2
b. Phdt trien cdc linh vlfC dich V¥:
Ra soat quy hoach, xay dung danh muc cac du an dAu tu Trung tam thirong
mai, cho dAu m6i giai doan 2016 - 2020; dAy nhanh tiSn dQ cac du an trung tam
thuang mai, sieu thi, cho tren dia ban. TiSp tuc thuc hien cucc v~ dQng "Nguoi
Vi?t Nam uu tien dung hang Vi?t Nam''; chuang trinh binh 6n gia, dua hang vS
vung xa trung tam, khu V\lC nong then, khu cong nghiep. Nang cao hieu qua viec
hQ'P tac, lien kSt trao d6i hang hoa thea chuc3i gitra Ha NQi voi cac tinh ban,
Tang cirong xuc tiSn thuong mai, nang cao chAt hrong m~u rna hang hoa, rna
rQng va da dang hoa thi tnrong xuAt khau,
Phat trien cac linh V\lC dich vu tai chinh - ngan hang, bao hiem, cong nghe
thong tin, viSn thong, cac dich vu giam dinh khoa hoc, dich vu hc3 tro kinh
doanh...T~p trung trien khai 02 dir an logistics theo quy hoach tai cac huyen Soc
San, Phu Xuyen, Da dang hoa nguon 19c phat trien du lich, dAu tu ha tAng du
lich va nang cao chAt hrong san phb du lich dua tren nSn tang cac gia tri di san
van hoa cua Thu do. Xay dung thi diSm mo hinh lang nghe Van Phuc, Bat Trang
gfu1 voi du Iich. Quang ba diSm dSn du lich Ha NQi tai cac thi tnrong khach du
lich quoc tS trong diSm (Trung Qu6c, Nh~t Ban, Han Quac, Tdy Au, Dc...).
c. Phat tri§n cong nghiep:
Ban hanh co chS, chinh sach khuyen khich phat trien cong nghiep, nhdt la
chinh sach vS dfit dai. Keu goi dAu tu lAp dAy cac khu, cum cong nghiep, Lua
chon nha dAu tu xdy dung khu cong nghiep sach Soc San, cum cong nghiep Van
Tu; rna rQng cac cum cong nghiep: Dan Phuong, Phu Tuc va Dai Thang, Thirc
hien Chuang trinh tu vdn thiet kS m~u san pham thu cong my nghe,
Tai co cAu cac nganh cong nghiep, tang nhanh cac nganh co ham hrong
cong nghe cao. Ra soat ~hat trien cac san ph§.m cong nghiep chu 19c, mlii nhQn
giai dOIilll 2016-2020. Day m~ phat trien cong nghi~p cong ngh~ thong tin,
cong ngh~ v~t li~u mai, thiSt kS chS tlilo, co khi chinh xac, thiSt bj y tS, dugc
ph§.m, hoa my ph~, cong nghi~p ph\lc V\l phat triSn nong nghi~p va kinh t~
nong. thon; phat trien.cong nghi~p ho trg, nhat la trong 11nh V\lC co di~n tu, che
tlilo may, phuang ti~n v~n taL ·Dam bao cung cfip di~n cho san xuAt kinh doanh
va sinh hOlilt cua nguai dan.
d. Phat tri§n nang nghi?p va nang than:
DAy mlilnh chuang trinh xay d\ll1g nong thon mai, hoan thanh kS hOlilch d6n
diSn d6i thua, tang cuang dAu tu kSt cfiu hlil tfuIg nong nghi~p, nong thon, phfin
dfiu tang them 22 xa dlilt tieu chi nong thon mai, 3- 4 huy~n dlilt tieu chi huy~n
nong than maL DAy mlilnh co gi6'i hoa nong nghi~p sau d6n diSn d6i thua, cac
rna hinh san xuAt nang nghi~p Ung d\lng cong ngh~ cao. Xay d\ll1g, diSu chinh
cac co chS, chinh sach h6 trg phat triSn san xufit nong nghi~p, xay d\ll1g hlil tfuIg
nang than.
Ma rQng di~n tich gieo tr6ng Ilia chAt lugng cao, chuySn d6i di~n tich Ilia
khong hi~u qua sang cac 10lili cay, con co gia trj kinh tS cao han; tang di~n tich
va san lugng cac 10lili cay tr6ng co thj truang t6t (ngo, d~u tuang, rau an toan,
hoa cong ngh~ cao...). ChuySn d6i tir chan nuoi nha Ie phan tan sang phat triSn

3
chan nuoi trang trai, gia trai theo huong dam bao an toan dich benh va ling dung
cong nghe cao. Tang dien tich nuoi trong thuy san, khuyen khich nuoi trong thuy
san tham canh, ling dung cong nghe cao, an toan dich benh (GAP). Nhan rong
dien tich san xuat nang, lam, thuy san co hieu qua nhu Ilia chdt hrong cao, rau an
toan, cay an qua, hoa cay canh, chan nuoi cong nghiep, kinh tS trang trai, nuoi
thuy san t~p trung. Khuyen khich, tao diSu kien thuan 19i cho cac doanh nghiep
dAu tu vao nang nghiep nang than, phat triSn cac mo hinh san xUdt theo hu6ng
lien kSt chat che kinh tS hQ voi doanh nghiep, thi tnrong. TiSp 1:\1c phat trien cac
chu6i cira hang ban nong san an toan, tnroc m~t t~p trung tai cac cho, khu dong
dan cu. Phong chong dich benh cho cay tr6ng, v~t nuoi, cham soc va phat trien
rung. Dam bao cong tac phong chong lut bao trong mua mua Iii.
TiSp tuc cling cd, h6 tro va nang cao chdt hrong, hieu qua san xUdt kinh
doanh cua cac HTX nang nghiep, Tao diSu kien cho hQ nang dan cho thue ddt,
tich tu t~p trung ddt. Xay dung va thirc hien chuang trinh bao t6n va phat trien
lang nghe.
3.2. Phdt triin cdc linh V(fC xii h9i
a. Van h6a - thi thao: TiSp 1:\1c thuc hien phong trao "Toan ddn doan kit
xdy dung diJi s6ng van h6a ", cling c6 va xay dung moi tnrong van hoa lanh
manh, Ban hanh va trien khai thuc hien co hieu qua BQ Quy t~c ling xu noi cong
cong, quy che vS dAu tu, quan ly va khai thac cac thiet chS van hoa, thS thao.
Tang cirong quan ly IS hoi, hoat dQng van hoa, thS thao, quan ly t6t cac di tich
Iich str, van hoa. L~p quy hoach bao t6n, ton tao cac khu di tich ducc xSp hang
la di tich qudc gia d~c biet, di tich lich su va kiSn true nghe thuat (Chua ThAy,
khu V\IC mii da Sai San, Phuong Cach - huyen Quoc Oai). Bao t6n, ton tao va
hoan thanh bao cao nghien ciru kha thi cac di tich thuoc khu V\IC trung tam di
tich Iich su, kien true nghe thu~t va khao cd C6 Loa, khu trung tam Hoang
Thanh Thang Long, ... Phat triSn thS thao quAn chUng va thS thao thanh tich cao.
DAu tu nang cao chdt lugng ph\1c V\1 ho:;tt dQng, t~p luy~n cua v~n dQng vien va
hUdn luy~n vien.
b. Gitio d7:lc - dew tgo:
D6i mai can ban cang tac quan ly giao d\1c, dao t:;to, bao dam dan chu,
th6ng nhdt, tang quySn tv chu va trach nhi~m cho cac co sa giao d\1c dao t:;to;
tich C\IC b6i dU6ng giao vien, phdn ddu 35% giao vien THPT co trinh dQ tren
chufin. Xay d\ll1g dQi ngl1 chuyen gia co trinh dQ cao, dap lmg yeu cAu hQi nh~p.
Hinh thanh dQi ngl1 giao vien nong cdt d:;ty cac man khoa hQc tv nhien b~ng
tiSng nuac ngoai trong truOng chdt lugng cao va truOng THPT chuyen. Xay
d\rI1g va th\IC hi~n kS ho:;tch tuySn d\1ng giao vien ngo:;ti ngfr cac cdp hQc theo
huang chu~n hoa.
Hoan thi~n cac chinh sach, co chS tai chinh tang cUOng co sa v~t chftt
nganh giao d\1c. B6 sung truOng lap, rna rQng di~n tich khuan vien truOng hQC
dam bao d:;tt chu~; xay d\ll1g truOng hQc trong cac khu do thi mai, khu cong
nghi~p, khu tai dinh cu. Timg buac hi~n d:;ti hoa co sa v~t chftt ky thu~t, d~c bi~t
la h:;t tfulg cang ngh~ thong tin. T~p trung dAu tu xay d\rI1g, phat triSn cac co sa

giao due cong l~p bao dam tirng biroc hoan thanh muc tieu ph6 c~p; tang s6
hrong hoc sinh diroc hoc 2 buoi/ngay.
Nang cao chat hrong giao due nghe nghiep, ty l~ va ch~t hrong lao dQng
qua dao tao; thuc hien co hieu qua dS an day nghe cho lao dQng nong thon d~n
nam 2020. Chu trong dao tao nguon nhan hrc ch~t hrong cao, hQi nh~p. Dao tao
nghS co di~n tu c~p dQ qu6c t~, cong nghe 0 to c~p dQ ASEAN. DAy manh cong
tac xa hQi hoa giao due, dao tao va day nghe.
c. Khoa hoc - cong ngh¢: Chu trong phat triSn va irng dung thanh nru khoa
hoc cong nghe phuc vu phat trien KT-XH va qu6c phong - an ninh. DAy manh
dAu tu xay dung co sa ha tAng khoa hoc cong nghe: Trung tam giao dich cong
nghe thuong ~ .uyen, Trung tam Cong nghe Sinh hoc va Cong nghe Thirc pham.
TriSn khai dam bao ti~n dQ' cac dS tai, du an theo phirong tlnrc tuyen chon, xet
chon, H6 tro doanh nghiep phat triSn tai sansa hiiu tri tue.
d. Thong tin - truyen thong: DAy manh cong tac thong tin, tuyen truyen,
cong khai, minh bach chu truang, chinh sach cua Dang, Nha mroc va cua Thanh
ph6; kiSm soat t6t thong tin mang, Phat trien ha tAng cong nghe thong tin, mang
lucri biru chinh viSn thong. TriSn khai cac giai phap thirc hien dS an s6 hoa
truyen hinh, phat song truyen hinh mij.t d~t d~n nam 2020 theo lQ trinh. Hoan
thanh co sa du lieu, h~ th6ng thong tin quan trong, cac dich vu cong tnrc tuy~n
mire dQ 3, mire dQ 4. Ti~p tuc ra soat, cong nhan khucong nghiep cong nghe
thong tin t~p trung. Xay dung va triSn khai thuc hien Chuang trinh cong nghe
thong tin Thanh ph6 giai doan 2016-2020.
e. Y ti: Nang cao chat hrong cong tac kham chua benh va cham soc sire
khoe n~uai dan. Quan ly chat c~e ch~t,hrong hoat dQng kham chua b~nh.,Mo
rQng doi tUQ'Ilg tham gia bao hiem y teo Nang cao hi~u qua cong tac y te dg
phong, chu dQng phong, ch6ng djch b~nh. DAu tu phat triSn h~ tAng nganh y t~,
t~p trung dAu tu hoan thanh 4 b~nh vi~n: Soc San, Quac Oai, Phu Xuyen, B~nh
vi~n Tam thAn My Duc; dAy nhanh ti~n dQ xay dl,l'l1g b~nh vi~n: Dong Anh,
Xanh Pon, Nhi, Me Linh, 'Thanh Nhan, Ph\l San; Ba Vi, ...Thgc hi~n hi~u qua DS
an' thu hut ngu6n 19c y, bac- sy va DB an phat-tri~n cac lInh Vl)'C miii nhQn y t~
Thu do. Tang cuang hgp mc vm cac b~nh vi~n dAu nganh cua Trung uang, cac
qU6c gia khac va t6 chuc qu6c t~. Khuy~n khich phat triSn y te ngoai cong l~p va
hinh thuc hqp tac cong - tu.
Tang cuang quan ly nhil. nucrc vS san xu~t, nh~p khAu, lUll thong, cung Ung
thu6c chua b~nh va linh vgc hanh nghS y dugc tu nhan. Cling c6 m~g lucri luu
thong, phan ph6i va cung Ung thu6c. Tang cuang thanh tra, kiSm tra ch~t IUQ1lg
v~ sinh an tom1 thgc phAm.
I Dam bao an sinh xii h9i:
Tang cuang giai quy~t vi~c lam. Hoan thanh quy ho~ch m~ng lucri trung
tam djch V\l vi~c lam. Thgc hi~n dAy du, kip thai che dQ chinh sach vcri d6i
tuQ1lg bao trg xa hQi, nguai co cong v6i cach m~g. Ban hanh tieu chi hQ ngheo
(m&i) giai do~n 2016-2020; thgc hi~n cac giai phap giam ngheo, dam bao an
sinh xa hQi. Giai quy~t co hi~u qua cac v~n d~ xa hQi buc xuc, t~ n~n xa hQi.

TiSp tuc thirc hien co chS h6 tro thea DS an thi diSm cai nghien tv nguyen tai
cac Trung tam chua benh - giao due - lao dQng xii hQi va Chuang trinh diSu tri
Methadone. TiSp tuc thirc hien chinh sach khuyen khich, h6 tro hoa tang dSn
nam 2020.
3.3. Cong tdc quy hoach, quiin lj tr(it t/!', xay dung i/o thj, tai nguyen
va ciii thifn chat lU,!ng moi truang
Hoan thanh phe duyet cac quy hoach chung va quy hoach phan khu con lai,
TiSp tuc ra soat, sua d6i, diSu chinh cac van ban quan I;' d~u tu xay dung, quan
I;' ha t~g ky thuat do thi. TriSn khai phat trien khu vue do thi doc hai ben true
duong Nhat Tan - NQi Bai thea co chS diroc Thu nrong Chinh phu phe duyet,
Phat trien mang hroi giao thong hien dai, trien khai xay dung cac cong trinh
giao thong, t~p trung tuyen dirong s~t Nhen - Ga Ha NQi. Ph3i hop voi BQ Giao
thong V~n tai trien khai cac tuyen dirong s~t do thi, hom thanh va dua VaG v~
hanh tuyen Cat Linh - Ha Dong, nut giao c~u Thanh Tri.
TiSp tuc thuc hien cac muc tieu dam bao tr~t tv xay dung va van minh do
thi, dam bao tr~t tv, 10' cirong an toan giao thong, han chS un t~c, tai nan giao
thong; xdy dung cac c~u virot, cai tao, xay dung lai cac c~u ySu.
TiSp tuc chon nam 2016 la 'Warn trdt tif va van minh do thi". Tang cirong
kiem tra, giam sat xay dung theo quy hoach va gi~y phep xay dung, Thirc hien
co hieu qua viec khai thac, su dung h6 mroc, cong vien, viron hoa, san choi, cay
xanh, h~ thong chieu sang. Nang cao ch~t hrong xii hQi hoa cac dich vu do thi.
Mo rong mang hroi c~p mroc sach t~p trung tai cac quan, huyen: Nam Tir Liem,
B~c Tir Liem, Thanh Tri, Gia Lam va mQt s3 khu V\IC thuoc cac huyen: Soc San,
Me Linh, Hoai Dire, Dan Phuong, Thanh Oai, Chuang My.
Tang cirong kiem tra, giam sat, xu 1;' cac sai pham trong qua trinh tlnrc
hien quy hoach, kS hoach sir dung d~t, giao d~t, cho thue d~t, chuyen muc dich
su d\lng d~t, cac dv an sir d\lllg d~t nhung ch~ triSn khai, dS hoang hoa. TiSp
t\lC thvc hi~n kS ho~ch phat triSn nha a giai do~ 2016 - 2020; phat triSn nha a
xii hQi ph\lC V\l d3i tugng thu nh~p th~p; ra soat chuySn d6i cac dv an nha a
a
thuang m~i sang nha xii hQi...Tang cuang cong tac quan 1;' ho~t dQng khai thac
khoang san, chu dQng phong, ch3ng va xir 1;' nghiem cac ho~t dQng khai thac
khoang san trcii phep.
Hoan thanh dv an cai t~o h~ th3ng thoat nu6c nh~m cai thi~n moi truang
giai do~ 2; cai t~o, xay d\Illg h~ th3ng thoat nu6c luu V\IC song Nhu~. Xu 1;'
mQt s3 diSm ung ng~p C\lC bQ trong khu V\IC nQi thanh. TriSn khai d~u tu Nha
may xu I;' nu6c thai Yen xa. Hom thanh xay d\Illg tr~ xu 1;' nu6c thai C\lffi
cong nghi~p Binh Phu va Phu Thi. TriSn khai xay d\Illg tr~ xir Iy nu6c thai t~i
06 c\lm cong nghi~p: NgQc Hoa, NgQc San (Chuang My), Phu Thjnh (San Tay),
Lien Phuang (Thuang Tin), Lien Ha (Dan Phugng) va c\lm cong nghi~p thj trk
Phuc ThQ (Phuc ThQ). TiSp tl,lc d~u tu, hoan thanh cac cong trinh xu Iy rac thai,
nuac thai t~i khu xu 1;' ch~t thai r~ Nam San (Soc San) va Xuan San (thi xii San
Tay), cac huy~n: Chuang My, Hom Duc, ...Day m~ xii hQi hoa d~u tu xu Iy rac
I
. '

thai tren dja ban cac huy~n ngo~i thanh.

6
3.4. An ninh, quac phbng va cdc hO(lt dVng dai ngoai
Dam bao an ninh, an toan tuyet d6i cac su kien: Dai hQi Dang toan qu6c lfut
thir XII, b~u cu dai bieu Quoc hQi va HDND cac c~p nhiem kY 2016 - 2021. Tang
cuong quan ly nha mroc vS an ninh tr~t tv, nh~t la quan ly nhan khsu, quan ly
lao dQng, quan ly cac co sa kinh doanh, dich vu co diSu kien vS an ninh tr~t tv,
quan ly vii khi, v~t lieu n6, ...D~y manh cuoc d~u tranh phong chong cac loai tQi
pham, t~ nan xii hQi. Chu trong dam bao an ninh nong then, khong dS xay ra
"diSm nong" vS an ninh, tr~t tv an toan xii hQi.
TiSp tuc tang cirong cling c6 tiem hrc qu6c phong, xay dung khu vue
phong thu thanh ph6 Ha NQi ngay cang virng chac, T~p trung xay dung hrc
hrong vii trang ngay cang virng manh. Duy tri nghiem chS dQ sfut sang chien
d~u, tim kiem ciru nan, nang cao ch~t hrong huan luyen, xay dung hrc hrong,
giao due an ninh quoc phong, dQng vien tuySn quan, cong tac phong khong nhan
dan, di@n t~p khu vue phong thu, phong chong khung b6, thirc hien t6t chinh
sach h~u phirong quan dQi, d6i ngoai quan sir. Tang cuong co sa v~t chat,
phirong tien cong tac tim kiem ciru hQ, ciru nan, phong chong chay n6 cho luc
hrong vii trang BQ Tu l~nh Thu do cung cac hrc hrong khac dam bao an ninh
chinh tri, tr~t tv an toan xii hQi tren dia ban thanh ph6 Ha NQi.
Tang cuong tuyen truyen, huang dful cac co sa, khu dan cir thuc hien cac
quy dinh vS phong, chong chay n6. Thuong xuyen kiem tra, kiem .soat cong tac
phong chong chay n6, d~c biet la cac khu vue co nguy co cao vS chay n6 va co
bien phap xu ly manh cac diSm vi pham.
Hoan thien hanh lang phap ly cho hoat dQng d6i ngol;li. Chu tr<;mg cac ho~t
dQng hqp tac qu6c tS vS khoa hQc va cong ngh~, xuc tiSn d~u tu, thuang ml;li,
quang ba du lich. D~y m~nh cong tac d6i ngol;li, tang cUOng tuyen truySn, quang
ba, giai thi~u vS Thu do vai b~ be qu6c tS. Chu dQng ph6i hqp ch~t che vai cac
bQ, nganh Trung uang trong nhUng v~ dS lien quan dSn co chS, chinh sach d~c
thil cua Thanh ph6. Thvc hi~n t6t cac nQi dung, dv an hqp tac, giao lUll kinh tS,
van hoa vai cac tinh, thanh ph6 trong ca nuac.
3.5. Ciii cach hanh chinh; phbng, chang tham nhung, liing phi; giiii
quyit khiiu n(li, t8 cao
TiSp tl,lc thvc hi~n hi~u qua cong tac cM cach hanh chinh, tl;lo buac chuySn
biSn m~nh vS kY lu~t, kY cuang, Ythuc, trach nhi~m, ch~t luc,mg ph\lc V\l nhan
dan cua dQi ngii can bQ, cong chuc. D~y ml;lnh Ung d\lng cong ngh~ thong tin
trong ho~t dQng cua cac co quan nha nuac. Ra soM, chinh sua va b6 sung cac co
chS, chinh sach theo huang minh bl;lCh, thong thoang, phil hqp vai cac Lu~t va
Nghi dinh mai ban hanh.
Tang cUOng cong mc d~u tranh phong, ch6ng quan lieu, tham nhiing, lang phi,
d~c bi~t trong cac linh V\fC quan ly d~t dai, d~u tu xay d\lllg, quan ly v6n, tai san
cua Nha nuac. x~ ly kip thm, n~iem minh c~c u;remg ,hqp ~i phJ;ll11. N~g cao
hi~u qua giai quyet khieu n~i, to cao; h~n che thap nhat khieu ki~n, khieu nl;li
dong nguai.

7
3.6. Tich cue thong tin tuyen truyen, tlay manh phong trao thi dua yeu
nutrc, cac hoat dong cao diSm chao rmrng Dai hQi Dang toan quoc l~n tlur XII,
chao mirng cuoc b~u cir dai bieu Quoc hQi va I-IDND cac c~p nhiem ky 2016­
2021. Nang cao chat hrong cac hoat dQng quan 1:9' nha mroc vS bao chi, xu~t ban,
thong tin tren h~ thong bao di~n nr, mang xa hQi va cong tac thong tin d6i ngoai,
d~c bi~t thong tin tuyen truyen viec xu 1:9' nhtrng v~n dS bao chi phan anh va du
luan quan tam.
3.7. TriJn khai xay dung cdc chuang trinh, ki hOf}ch thuc hien Nghi
quyet Dai hQi Dang toan quoc l~ thir XII, Dai hQi Dang bQ Thanh ph6 l~ thir
XVI; xay dung va triSn khai thuc hien KS hoach phat triSn KT-XH va KS hoach
d~u tu cong trung han giai doan 2016 - 2020. Chuan bi va t6 chirc t6t b~u cu dai
bieu Qudc hQi va I-IDND cac c~p nhiem ky 2016 - 2021.
Di~u 2. Giao UBND Thanh ph6 t6 chirc thuc hien Nghi quyet,
Giao Thirong true lIDND Thanh phc, cac Ban, cac T6 dai bieu, dai biSu
I-IDND Thanh ph6 va dS nghi Uy ban MTTQ Thanh ph6 giam sat viec triSn khai
thuc hien Nghi quyet nay.
lIDND Thanh ph6 keu goi cac cing lap nhan dan, cac 19c hrong vii trang,
cac c~p, nganh, MTIQ va cac doan thS Thanh ph6 nB 19c ph~ d~u thi dua hoan
thanh thang loi kS hoach phat triSn KT-XH nam 2016 cua thanh ph6 Ha NQi.
Nghi quyet nay da duoc HQi d6ng nhan dan thanh ph6 Ha NQi khoa XIV,
ky hop tlnr 14 thong qua ngay 01 thang 12 nam 2015.1.",

Nui nh(in:
- Uy ban Thuong V\I Qu5c hQi;

- Chlnh phu;

- Ban cong tac dai bi~u cua UBTVQH;

- VP Qu5c hQi; VP Chfnh phu;

• Cac b{\, nganh Trung irong;


• Doan Dai bi~u Qu5c hQi Ha NQi;
• TT Thanh uy, HDND, UBND, UBMTTQ TP;

- Cac vi dai bi~u HDND TP;

- Cac Ban Dang Thanh uy;

• VP TV, VP Doan DBQH&HDND, VP VBND TP;

- Cac sa, ban, nganh, doan the TP;

- IT HDND, VBND cac quan, huyen, thj xii;

N guy~n Thj Bleb NgQe


• Cac co quan thong tan bao chi;
- LUll: VT.I'Ii­
(/'

You might also like