You are on page 1of 5

Lý do Thụy Điển kiên trì với

'miễn dịch cộng đồng'


Dù các kết quả mới công bố đang "phản bội" chiến
lược miễn dịch cộng đồng, Thụy Điển dường như
không muốn thay đổi con đường đã chọn.
Từ ngày 13 đến 20/5, Thụy Điển ghi nhận tỷ lệ người
chết trung bình hàng ngày trên một triệu dân là
6,08, trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong bình quân
đầu người cao nhất thế giới, theo báo cáo của Our
World in Data công bố ngày 20/5 trên Telegraph. Xếp
sau Thụy Điển là Anh, Bỉ và Mỹ với tỷ lệ tử vong lần
lượt là 5,57, 4,28 và 4,11.
Cơ quan Y tế Thụy Điển hôm 20/5 công bố nghiên
cứu cho thấy kháng thể nCoV xuất hiện trong 7,3%
số mẫu xét nghiệm được chọn ngẫu nhiên từ người
dân ở thủ đô Stockholm, khu vực bị Covid-19 ảnh
hưởng nặng nhất tại nước này, vào tuần cuối cùng
của tháng 4. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với dự
đoán của giới chức Thụy Điển về mức độ đạt miễn
dịch cộng đồng của quốc gia này. 
Trước đó hai ngày, số liệu do Cơ quan Thống kê
Thụy Điển công bố cho thấy nước này ghi nhận
10.458 người chết vì các lý do khác nhau trong tháng
4, mức cao nhất kể từ tháng 12/1993, thời điểm có
nhiều đợt bùng phát dịch cúm bất thường khiến
11.057 người chết.
Thụy Điển đã ghi nhận gần 33.000 người nhiễm và
gần 4.000 người chết vì nCoV. Con số này tuy thấp
hơn nhiều so với Italy hay Anh, nhưng lại cao hơn Bồ
Đào Nha và Hy Lạp, hai quốc gia có dân số tương
đương Thụy Điển. Số liệu này cũng cao hơn rất nhiều
so với các quốc gia láng giềng Bắc Âu với số ca
nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11.200 và 561 ở
Đan Mạch, hơn 8.300 và 235 ở Na Uy, hơn 6.500 và
306 ở Phần Lan. 

Một nhà hàng ở thủ đô Stockholm vẫn đông khách hôm 8/5. Ảnh:
AFP.
Nhiều nhà quan sát quốc tế và các nhà phê bình ở
Thụy Điển cho rằng những kết quả đáng thất vọng
trên là do Thụy Điển khăng khăng theo đuổi chiến
lược miễn dịch cộng đồng.
Không giống như phần còn lại của châu Âu hay
những "hình mẫu" chống dịch của thế giới như Hàn
Quốc, Thụy Điển chọn cho mình con đường riêng khi
không phong tỏa hay thực hiện chiến dịch xét nghiệm
rộng khắp. Chính sách của quốc gia này là cố gắng
làm chậm tốc độ lây nhiễm bằng cách khuyến khích
người dân thực hiện các biện pháp cách biệt cộng
đồng một cách tự nguyện, nhưng không áp đặt lệnh
phong tỏa hay yêu cầu các cửa hàng, doanh nghiệp
đóng cửa.
Dù một số hạn chế được áp dụng như cấm tụ tập
nhóm quá 50 người hay làm việc từ xa, cuộc sống
của người dân Thụy Điển không có nhiều thay đổi so
với trước. Mọi người vẫn thoải mái ra ngoài và giao
tiếp với nhau, trong khi trường tiểu học, các hiệu làm
tóc và trung tâm mua sắm vẫn mở cửa.
Tuy tỷ lệ tử vong cao, khoảng 70% người dân Thụy
Điển vẫn ủng hộ chính sách chống Covid-19 của
chính phủ, theo Tae Hoon Kim, nhà phân tích kinh tế
và địa chính trị Hàn Quốc đang sống tại Stockholm.
"Thực tế không có nhiều cuộc tranh luận hay phản đối
chiến lược này", Kim nói.
Theo Kim, nhiều người Thụy Điển cho rằng số người
chết vì nCoV cao không phải do chiến lược chống
dịch, mà là do những thiếu sót về mặt kinh tế - xã
hội.  
Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân Thụy Điển không
hoài nghi về chiến lược chống dịch của chính phủ.
Nhà phân tích Kim cho biết một trong những đáp án
nằm ở mức độ tín nhiệm cao của người dân dành
cho chính quyền. "Mức độ minh bạch của chính phủ
và tư duy làm việc hiệu quả đã khiến người dân đặt
niềm vào giới chức và các chuyên gia của họ", Kim
nhận định.
Nhưng chuyên gia này cho rằng đáp án đó đúng
nhưng chưa đủ, bởi nhiều quốc gia khác như Na Uy,
Đan Mạch hay Phần Lan cũng nổi tiếng với mức độ
tín nhiệm của người dân cao. 
Theo nhà phân tích người Hàn Quốc, lý do thứ hai có
thể là những người chết vì nCoV ở Thụy Điển chủ yếu
tập trung vào nhóm người nhập cư nghèo nhất, như
cộng đồng người Somalia, vốn không có nhiều tiếng
nói trong xã hội.
Thụy Điển có cách nhận thức rất khác về cuộc khủng
hoảng hiện tại có thể là lý do thứ ba, theo Kim. Thay vì
xem Covid-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia hay
cuộc chiến với "kẻ thù vô hình", người dân Thụy Điển
dường như có xu hướng chỉ xem đây là vấn đề sức
khỏe cộng đồng nghiêm trọng. 
"Covid-19 được xem như một vấn đề đòi hỏi cần tuân
thủ cẩn thận các quy tắc mà các chuyên gia y tế đặt
ra, chứ không phải vấn đề sống còn cần kêu gọi tạm
dừng các quyền tự do của người dân vì lợi ích quốc
gia. Bất kỳ khi nào một nhà phân tích như tôi chỉ trích
chiến lược của Thụy Điển, phản ứng nhận được sẽ là
bạn có phải chuyên gia khoa học đâu", Kim chia sẻ.
Ngoài ra, Kim cho hay điều tạo sự khác biệt của Thụy
Điển còn liên quan tới yếu tố lịch sử. Quốc gia này
chưa từng trải qua một cuộc khủng hoảng hay tình
trạng khẩn cấp quốc gia trong hơn 100 năm qua. Kể
từ cuộc đình công tập thể vào tháng 9/1909, Thụy
Điển chưa từng chứng kiến xung đột xã hội nghiêm
trọng nào. Thụy Điển cũng không tham gia bất kỳ
cuộc tranh chấp vũ trang nào kể từ những năm 1810. 
"Một lời kêu gọi đoàn kết để đương đầu với nghịch
cảnh quốc gia từ lâu đã không xuất hiện trong văn
hóa tập thể ở Thụy Điển", Kim chia sẻ.
Theo Kim, việc thiếu kinh nghiệm đối phó với các cuộc
khủng hoảng quốc gia có thể giải thích tại sao Thụy
Điển bình thản với Covid-19, thay vì cảm giác nguy
cấp như nhiều nơi khác. Đó cũng là lý do khiến cơ
quan y tế công cộng Thụy Điển không mấy e ngại với
ý tưởng miễn dịch cộng đồng. 
"Trong khi các quốc gia khác xem miễn dịch cộng
đồng là một thử nghiệm nguy hiểm, giới chức y tế
Thụy Điển coi nó như một loại thuốc kê đơn. Nó có
thể không hiệu quả 100% và có thể gây tử vong như
bất kỳ trường hợp y khoa nào. Nhưng về lâu dài, nó
có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của nCoV
mà không gây ra gián đoạn xã hội", Kim nói.

Ảnh của Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển, được
treo trên cửa một nhà hàng ở thủ đô Stockholm. Ảnh: AFP.
Nhà phân tích người Hàn Quốc này cho rằng đây là lý
do chính phủ và giới chức y tế Thụy Điển phủ nhận
việc theo đuổi miễn dịch cộng đồng một cách nửa
vời, khi chỉ bác bỏ với báo chí nước ngoài. 
"Một người nước ngoài sống ở Thụy Điển như tôi
hoàn toàn không thấy an tâm với chiến lược này.
Stockholm sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược đó trong
bao lâu là điều khó đoán, nhưng chừng nào họ còn
nhìn nhận về Covid-19 theo cách hiện tại, việc từ bỏ
chính sách này dường như là không thể", Kim nói.

You might also like