You are on page 1of 8

1*

GỬI ANH MƯỜI CÚC VÀ CÁC ĐỒNG CHÍ NAM BỘ


Ngày 7 tháng Hai 1961

Các đồng chí thân mến,

Vừa qua, Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng cho phong


trào cách mạng miền Nam. Để có sự nhất trí hơn nữa trong
nhận định, tôi trình bày thêm với các đồng chí một số ý kiến.

Trước hết, tôi muốn nói rõ thêm những suy nghĩ về con đường
tiến lên của cách mạng miền Nam, vì trước kia cũng như hiện
nay tôi có trách nhiệm đề đạt ý kiến về vấn đề này. Khi còn ở
miền Nam, trong những lần thảo luận về đường lối cách mạng
miền Nam với các đồng chí, tôi đã nhận định rằng cách mạng
miền Nam không tiến hành bằng cách trường kỳ đấu tranh vũ
trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, tiến lên dùng lực lượng
quân sự giải phóng toàn bộ đất nước như Trung Quốc đã làm,
mà đi con đường của Việt Nam, nghĩa là có khởi nghĩa bộ
phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng
khởi nghĩa, chủ yếu dùng lực lượng chính trị có phối hợp với
lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân. Ở
đây, lực lượng chính trị đóng vai trò chính, có sự tham gia
của lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang trong một mức
độ nhất định, gần như trong Cách mạng Tháng Mười Nga
năm 1917 hoặc như Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của ta.
Vì thế, ta tạm dùng khái niệm đấu tranh theo "đường lối hòa
bình". Chúng ta quan niệm rõ ràng là phải tiến tới khởi nghĩa
bằng lực lượng chính trị là chính, có lực lượng vũ trang phối
hợp, trên cơ sở đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống
nhất, mà nòng cốt là công, nông, binh liên hiệp. Chúng ta không
hiểu khái niệm "hòa bình" với một nội dung nào khác, mà
phải hiểu nó đúng theo phương pháp cách mạng mà chúng
ta đã bàn với nhau. Trong khi nhấn mạnh phương hướng
tiến tới khởi nghĩa bằng lực lượng chính trị là chính, có lực
lượng vũ trang phối hợp, tôi còn nêu ý kiến phải nắm vững
hơn nữa việc xây dựng lực lượng vũ trang. Hồi ấy, có đồng
chí đề nghị không nên đấu tranh vũ trang vì sợ rằng dùng lực
lượng vũ trang sẽ có hại cho việc đấu tranh đòi các quyền tự do,
dân chủ. Nhưng tôi đã trình bày, đã nói rõ sự cần thiết phải
xây dựng lực lượng vũ trang. Kết quả là sau các lần họp bàn
đó, ta đã mở rộng lực lượng vũ trang ở miền Tây Nam Bộ và
2
đưa đồng chí X * về miền Đông để xây dựng cho được một
tiểu đoàn ở đây trong vòng một năm. Tôi có đề nghị ngoài này
trang bị cho tiểu đoàn ấy, và tôi cũng đề ra rằng ở nông thôn
có thể dùng đấu tranh vũ trang để giúp sức cho đấu tranh chính
trị, còn ở rừng núi thì có thể phát động chiến tranh du kích.

Ra ngoài này, thấy có sự chậm trễ trong việc xây dựng tiểu đoàn
nói trên cũng như trong việc xây dựng căn cứ, nên tôi đã nhiều
3
lần trao đổi ý kiến với anh Hai Đ *. Sở dĩ tôi phải nhắc lại như
vậy, vì sau này có một số đồng chí cho rằng do sai lầm trong
việc định phương hướng cách mạng theo "con đường hòa
bình", nên đã làm chậm sự phát triển của cách mạng miền
Nam. Sự thật không phải như vậy. Chúng ta có nói đến "con
đường hòa bình", nhưng căn cứ vào nội dung các lần thảo luận
thì kết quả là ta vừa đẩy mạnh được xây dựng lực lượng chính
trị, vừa xây dựng được lực lượng vũ trang ở miền Trung, miền
Tây và miền Đông Nam Bộ, quy mô phổ biến là đến trung đội,
có nơi đến đại đội; riêng ở miền Đông thì đến tiểu đoàn. Như
vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đã chủ trương đúng.
Khi địch tăng cường khủng bố phong trào miền Tây, ở ngoài
này, chúng tôi nhận định là không phải địch mạnh; trái lại, mấy
năm qua chúng đã thất bại lớn về chính trị. Trước đây, chúng ta
đã chủ trương đánh mạnh bọn ác ôn để giúp sức cho phong trào
cách mạng tiến lên; chúng ta đã nhất trí và đã làm như vậy. Kết
quả của phong trào chứng minh phương hướng ấy là đúng. Sau
khi phong trào phát triển nhờ có hoạt động vũ trang, thì lại nổi
lên ý kiến cho rằng cách mạng miền Nam phải tiến lên theo
quy luật đấu tranh vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị
như kiểu Trung Quốc. Tôi đã nhắc rằng các đồng chí phải
kiên trì phương hướng dựa vào lực lượng chính trị và đấu tranh
chính trị là chính để tiến tới tổng khởi nghĩa, đồng thời mở
rộng căn cứ địa, ra sức xây dựng lực lượng vũ trang để đẩy
phong trào cách mạng tiến lên.

Nhưng sau khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 11 tháng Mười
một 1960 ở Sài Gòn, chúng tôi thấy ý kiến nắm thời cơ tiến
lên tổng khởi nghĩa được nhấn mạnh; trái lại, chủ trương xây
dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa thì không được
quán triệt đầy đủ. Trong các báo cáo của Nam Bộ gửi ra, rất
ít nói đến việc xây dựng căn cứ, đồng thời thanh minh rằng
không phải do sợ khó khăn mà do nhận thấy việc xây dựng
căn cứ không có ý nghĩa quan trọng lắm đối với cách mạng
miền Nam.

Riêng tôi, trong mấy năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ,
tuy biết xây dựng căn cứ là quan trọng, nhưng vẫn chưa nhận
rõ vị trí chiến lược của nó. Chính vì xem nhẹ việc xây dựng
căn cứ, cho nên mặc dầu quân số không ít, Nam Bộ vẫn
không xây dựng nổi trung đoàn, sư đoàn, không tiêu diệt
được sinh lực lớn của địch. Khi ra Bắc và qua nghiên cứu
kinh nghiệm cách mạng của một số nước anh em, tôi càng thấy
rõ vấn đề xây dựng căn cứ địa, xây dựng thực lực của ta, tiêu
diệt lực lượng của địch có tầm quan trọng đặc biệt làm thay
đổi hẳn tương quan lực lượng, bảo đảm cho cách mạng thành
công. Thí dụ như trong cách mạng Nga, sau khởi nghĩa vũ
trang, phải tiến hành chiến tranh suốt ba năm để quét sạch lực
lượng phản động mới giành được toàn thắng. Ở Trung Quốc
thì lập căn cứ nông thôn, đánh lâu dài, lấy tiêu diệt sinh lực
địch làm chính, rồi tiến lên đánh chiếm thành thị. Ở Việt
Nam, sau khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, phải
kháng chiến chín năm, đánh trận quyết định ở Điện Biên Phủ,
làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh, chúng ta mới giành được
thắng lợi. Nhưng vì ta chưa mạnh tuyệt đối, và trong điều kiện
quốc tế lúc bấy giờ, chúng ta chỉ mới giải phóng được nửa nước.
Ở Lào hiện nay, tuy Pathét Lào cùng với lực lượng đảo chính
đã thành lập Chính phủ trung lập, nhưng cách mạng Lào còn
gặp khó khăn kéo dài vì lực lượng địch chưa bị tiêu diệt, phản
động trong nước và đế quốc bên ngoài còn câu kết với nhau để
chống phá quyết liệt nữa. Phương hướng của cách mạng Lào
trong thời kỳ này cũng là xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng
chính trị và lực lượng quân sự, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch,
tiến tới kết hợp khởi nghĩa với công kích, giải phóng cả nước.

Cách mạng miền Nam không thể phát triển ngoài quy luật
chung ấy. Hình như các đồng chí chỉ thấy có một khả năng,
khởi nghĩa xong là cách mạng thành công; không phải đi
đường xa, không phải chiến đấu lâu dài, không cần xây dựng căn
cứ, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh. Muốn đi nhanh,
nhưng đi chệch đường thì cách mạng sẽ kéo dài. Xét cho cùng,
cách mạng là do tương quan lực lượng quyết định; trong tương
quan đó, lực lượng của ta gồm có lực lượng chính trị và lực
lượng vũ trang. Hiện nay, về lực lượng chính trị thì có thể nói ta
chiếm ưu thế tuyệt đối so với Mỹ - Diệm. Nhưng về lực lượng
vũ trang thì ta kém hơn địch nhiều. Chúng ta chưa đủ lực
lượng làm chủ Tây Nguyên, một địa bàn trọng yếu đóng vai trò
xương sống chiến lược của toàn bộ chiến trường miền Nam.
Chúng ta cũng chưa làm chủ được đồng bằng Nam Bộ, đồng
bằng Khu 5, kể cả các thị trấn. Trong tình hình đó, nếu có điều
kiện thuận lợi cho phép khởi nghĩa thành công, làm chủ thành
thị, thì chúng ta cũng không thể giữ được mà phải rút ra để chiến
đấu lâu dài. Chỉ khi nào ta tiêu diệt được nhiều sinh lực địch,
làm chủ hoặc có điều kiện làm chủ các vùng chiến lược thì
cuộc tổng khởi nghĩa và tổng công kích mới chắc chắn giành
được thắng lợi.

Một điều cần khẳng định là cách mạng miền Nam không chỉ
đối phó với chính quyền và quân đội của Diệm mà phải đối phó
với cả đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ ở Đông Nam Á. Nếu bọn
phản động bên trong còn ít nhiều thực lực thì kẻ thù bên ngoài
sẽ tiếp sức cho bọn tay sai, xây dựng lại thực lực của chúng
để chống phá cách mạng lâu dài. Phải đánh tan lực lượng bên
trong mới có điều kiện ngăn chặn sự can thiệp của bên ngoài.
Cố nhiên, không nhất thiết phải hoàn toàn tiêu diệt hết sinh lực
địch thì cách mạng mới có điều kiện thắng lợi. Điều quan
trọng là phải tiêu diệt được một bộ phận lớn lực lượng địch, do
đó làm tan rã các bộ phận khác; đồng thời phải xây dựng thực
lực của ta thật mạnh để có đủ điều kiện làm chủ tình thế. Xuất
phát từ tình hình hiện nay và kinh nghiệm trước đây của
cách mạng, chúng ta đề ra chủ trương đánh địch bằng cả hai
lực lượng chính trị và quân sự, tiến tới tổng khởi nghĩa, tổng
công kích để giải phóng miền Nam. Ta phải phát động quần
chúng đấu tranh chính trị, phát triển lực lượng chính trị, xây
dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch cả
về chính trị và quân sự, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan
trọng là tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới khởi nghĩa giành chính
quyền.

Phải có thực lực, đồng thời chúng ta cũng phải biết nắm thời cơ,
bất ngờ tiến công địch, khởi nghĩa từng phần, đánh thắng địch
từng bước, tiến lên đánh thắng địch trên toàn chiến trường,
khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền. Làm được như vậy mới
là đúng.

Hiện nay, ta và địch đang giành nhau ba vùng quan trọng: Tây
Nguyên, nông thôn đồng bằng và thành thị. Vùng Tây Nguyên
là xương sống chiến lược, là địa bàn để ta tiến lên tiến công
địch, đồng thời là căn cứ để ta xây dựng và bảo vệ lực lượng
cách mạng. Nông thôn đồng bằng là chỗ dựa chính để xây
dựng thực lực cách mạng. Thành thị là đầu não của địch, là
hang ổ cuối cùng của chúng. Xét về chiến lược, trong ba vùng
đó, Tây Nguyên có vị trí rất quan trọng. Để đối phó với mọi
tình huống khó khăn, phức tạp, chúng ta phải xây dựng cho
được căn cứ ở Tây Nguyên. Việc này tôi đã bàn nhiều với các
đồng chí ở Khu 5. Về phía địch, chúng cũng quyết chiếm lấy
Tây Nguyên. Chắc các đồng chí đã thấy điều đó. Các cuộc cách
mạng ở Nga, Trung Quốc, Cu Ba, Lào, cũng như cách mạng
Việt Nam ta ở giai đoạn trước, đã cho chúng ta nhiều bài
học về phương pháp cách mạng. Kinh nghiệm cho thấy rằng,
muốn làm cho cách mạng bùng nổ, phải biết tạo ra và sử dụng
sức mạnh bột phát của phong trào quần chúng để áp đảo quân
thù. Song từ sức mạnh ấy phải nhanh chóng xây dựng một cách
có căn cơ thực lực cách mạng, cả chính trị và quân sự, coi đó là
chỗ dựa cơ bản nhất, quyết định thắng lợi cuối cùng của cách
mạng.

Hiện nay, ta có điều kiện xây dựng thực lực cách mạng, và phải
qua chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch để củng cố và phát triển
thực lực của ta. Trong năm nay, Trung ương sẽ giúp xây dựng
12 tiểu đoàn cho cả Khu 5 và Nam Bộ. Các khung cán bộ sẽ
do Trung ương đưa vào, còn chiến sĩ thì tuyển lựa tại chỗ.
Riêng đối với Nam Bộ, ngoài này sẽ cung cấp đủ cán bộ cho 6
tiểu đoàn và 1 tiểu đoàn gồm cả cán bộ và chiến sĩ. Sắp tới, ta
phải phát triển gấp đôi, tạo ra một bước chuyển đáng kể về lực
lượng quân sự.

Một điều quan trọng nữa là phải bảo đảm tiếp tế hậu cần. Phải
có lực lượng để sản xuất tự túc lương thực. Đồng thời phải tìm
thêm nguồn cung cấp lương thực khác nữa. Về vũ khí, ngoài
phần đưa từ miền Bắc vào, trong đó phải cố gắng mua một
phần quan trọng, nếu mua được cả vũ khí hạng nặng thì càng
tốt. Tôi tin rằng các đồng chí sẽ có cách làm được.

Chúng ta phải tiến mạnh, nhưng phải vững chắc, phải bảo
đảm toàn thắng. Phải nhận rõ tính chất lâu dài của sự nghiệp
cách mạng miền Nam, đồng thời phải biết tranh thủ thời gian.
Cách mạng là khó khăn, phức tạp; phải luôn luôn nắm vững
quy luật ấy để chiến đấu và chiến thắng.

Các đồng chí có ý kiến gì xin trả lời cho biết.


BA
Lê Duẩn: Thư vào Nam,

Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 31 - 38.

1* Tức đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (từ cuối
năm 1957 đến năm 1964).
2* Tức đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Khu trưởng Khu
miền Đông Nam Bộ.
3* Tức đồng chí Phan Văn Đáng, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương Đảng.

You might also like