You are on page 1of 8

Bộ trưởng Song Hào và những đóng góp

trước thềm Đổi mới



Dân trí
 Dù chỉ đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội
một nhiệm kỳ (từ năm 1982 đến năm 1987), Thượng tướng
Song Hào đã tạo dấu ấn lớn với phong cách chỉ đạo, điều
hành sâu sát, quyết liệt.
Một loạt chính sách về thương binh và xã hội được Bộ Thương binh và Xã hội nghiên
cứu, tham mưu ban hành trước thềm sự nghiệp Đổi mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần
thứ VI (năm 1986).
Nhấn để phóng to ảnh

Thượng tướng Song Hào, Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 1982 - 1987.
Vị Bộ trưởng mang quân hàm Thượng tướng

Ngày 23/4/1982, Hội đồng Nhà nước có Nghị quyết số 166-NQ/HĐNN bổ nhiệm
Thượng tướng Song Hào giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội - một Bộ
được giao trách nhiệm: “Quản lý thống nhất việc nghiên cứu và thực hiện các chính sách
đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên hoặc chuyển ngành, người về
hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động; công nhân, viên chức, quân nhân từ trần; cá nhân
và gia đình có công với cách mạng và các công tác cứu trợ xã hội khác trong phạm vi cả
nước, theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Đảng và Nhà nước,
nhằm chăm sóc mọi thành viên trong xã hội cần được bảo trợ, làm cho ai cũng có đời
sống vật chất và tinh thần ổn định để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc Việt Nam XHCN”.

Đây là thời kỳ kinh tế - xã hội đất nước gặp rất nhiều khó khăn, chưa có đường hướng
thoát khỏi sự trì trệ gay gắt, kéo dài. Cán bộ, công nhân viên chức, hàng tháng chỉ nhận
được một phần lương rất nhỏ, còn lại đều quy vào hiện vật thông qua chế độ cấp phát tem
phiếu và sổ gạo. Nhà nước phân phối vài chục mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như gạo,
thực phẩm, chất đốt, vải vóc, pin, cho đến các tiêu chuẩn phân phối được mua bổ sung
như xà phòng giặt, giấy dầu, xi măng, khung, săm, lốp xe đạp…

Thời điểm đó, hàng hóa không được mua bán tự do trên thị trường, không được phép vận
chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Toàn bộ nguồn cung cấp lương thực,
thực phẩm và nhu thiết yếu cuộc sống đều thông qua chế độ tiêu chuẩn tem phiếu có định
mức cho từng đối tượng, chỉ đáp ứng một phần cực nhỏ nhu cầu sinh tồn của một con
người, cho nên mới tạo nên “cái đói dai dẳng, thiếu thốn trường kỳ tháng này qua năm
khác”.

Với cán bộ, viên chức, người lao động còn gặp khó khăn như vậy, đối với hàng chục vạn
thương, bệnh binh sinh sống tại các trại thương binh (sau này là trung tâm điều dưỡng
thương binh) còn khó khăn gấp bội. Đa phần thương bệnh binh đều mang trong mình
những vết thương, bệnh tật triền miên nhưng lại thiếu thuốc điều trị, khẩu phần ăn sụt
giảm, tác động đến sức khỏe, tâm lý khá nặng nề.

Là một sỹ quan cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam cấp bậc Thượng tướng, Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Năm 1976, sau Đại hội IV của
Đảng, ông Song Hào được bầu vào Ban chấp hành Trung ương và được Đảng, quân đội
phân công sang hoạt động dân sự, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rồi đảm
nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội. Sang phụ trách lĩnh vực mới, ông
Song Hào vẫn thường xuyên gắn bó mật thiết với quân đội, với các thương bệnh binh-
những người đồng chí, đồng đội từng kề vai, sát cánh tham gia nhiều chiến dịch suốt hai
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rồi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả
tại Lào và Campuchia.

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Song Hào (người đeo kính) trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
“Chính sách ban hành phải gắn với thực tiễn”

Tiếp cận nhanh với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thương binh và Xã hội, ông Song Hào
rất ưu tư trước hoàn cảnh sống khó khăn của các thương bệnh binh- những người đã anh
dũng trong chiến đấu, bỏ lại một phần máu thịt nơi chiến trường, nay đất nước hòa bình,
độc lập lẽ ra phải được hưởng các thành quả và phải được chăm sóc chu đáo.

Nắm bắt thực tiễn để chỉ đạo các đơn vị của Bộ nghiên cứu, tham mưu trình Hội đồng Bộ
trưởng (nay là Chính phủ) ban hành chính sách, Bộ trưởng Song Hào đã có rất nhiều
chuyến công tác thực tế đến từng trại thương binh ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, rồi
tháp tùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm hỏi, nắm bắt tình hình đời sống, sinh hoạt
của các thương bệnh binh tại các trại điều dưỡng.
Sau những chuyến đi thực tế, được tiếp xúc, lắng nghe nguyện vọng của các thương bệnh
binh, chính từ những chất liệu từ cuộc sống, Bộ trưởng Song Hào và tập thể Lãnh đạo Bộ
đã thống nhất, tập trung chỉ đạo nghiên cứu, cải cách việc thực hiện các chính sách
thương binh, liệt sĩ,  nhằm tháo gỡ những khó khăn thời kỳ đó với tinh thần “chủ động
nghiên cứu điều chỉnh chính sách dành cho thương bệnh binh, quân nhân phục viên, xuất
ngũ, trên cơ sở tính toán nguồn lực kinh tế hiện tại của đất nước”.

Giai đoạn ông Song Hào làm Bộ trưởng, các cán bộ dưới quyền đều cảm nhận và tuân thủ
một nguyên tắc do ông chỉ đạo: “Chính sách ban hành ra phải gắn với thực tiễn, bởi nếu
chính sách ban hành  mà không có khả năng thực hiện sẽ ảnh hưởng đến uy tín của
Đảng, Nhà nước và quân đội”. Đây là những kinh nghiệm được ông áp dụng thời kỳ còn
trong quân đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam có tổ chức kỷ luật nghiêm minh,
đoàn kết, thống nhất tạo sức mạnh chiến đấu và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang suốt
hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.

Nhấn để phóng to ảnh


Bộ trưởng Song Hào và phu nhân.
Từ tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Song Hào, các đơn vị chức năng của Bộ Thương binh
và Xã hội đã nghiên cứu, kịp thời tham mưu giúp Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết
định số 105/HĐBT ngày 25/6/1982 về  “Chế độ cung cấp hàng hóa và phụ cấp tạm thời
đối với thương binh, bệnh binh, quân nhân phục viên và gia đình liệt sĩ”.

Đó là các chính sách ưu tiên đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có
công với cách mạng, quân nhân phục viên hoặc chuyển ngành; công nhân, viên chức,
quân nhân về hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động. Đây được coi là bước đột phá trong
thực hiện chính sách hậu phương quân đội, thương binh, liệt sĩ, góp phần kịp thời tháo gỡ
khó khăn, bảo đời sống ổn định từng bước cho các đối tượng chính sách.

Với chính sách ban hành thời kỳ đó, các thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động
dưới 60% về sống với gia đình; bố, mẹ, vợ (hoặc chồng) và con liệt sĩ mất sức lao động
hoặc chưa đến tuổi lao động, trước đó được cung cấp lương thực, một số thực phẩm hàng
hoá khác, sau một thời gian ngưng trệ, do lượng hàng hóa thiếu thốn, khó khăn được tiếp
tục cung cấp trở lại theo tiêu chuẩn hiện hành với  giá cung cấp như dành cho công nhân
viên chức.

Đối với quân nhân phục viên, xuất ngũ trong thời gian 06 tháng đầu được cung cấp lương
thực theo tiêu chuẩn hiện hành ( ở thành phố, thị xã, được cung cấp một số thực phẩm,
chất đốt theo tiêu chuẩn người ăn theo với giá cung cấp như cho công nhân, viên chức,
quân nhân phục viên, chuyển ngành đang hưởng trợ cấp phục viên, chuyển ngành hàng
tháng). Quân nhân bị thương từ ngày 01/7/1982 trở đi thuộc diện hưởng trợ cấp thương
tật một lần; gia đình có liệt sĩ hy sinh từ ngày 01/7/1982 trở đi thuộc diện hưởng trợ cấp
tiền tuất một lần, được phụ cấp tạm thời bằng 100% mức trợ cấp đang hưởng. Các chính
sách ưu đãi thương binh, liệt sĩ, quân nhân phục viên, xuất ngũ… do Bộ Thương binh và
Xã hội ban hành đã góp phần ổn định trật tự xã hội, tháo gỡ những “điểm nóng”  tại các
trại điều dưỡng do thương binh kéo ra ngoài vi phạm pháp luật.

Những năm đầu thập niên 1980, Bộ trưởng Song Hào chỉ đạo tổ chức sản xuất các dụng
cụ chỉnh hình, lắp ráp chân tay giả; nghiên cứu chế thử các phương tiện lao động và sinh
hoạt chuyên dùng cho người tàn tật; hướng dẫn lựa chọn nghề nghiệp cho thương binh,
bệnh binh và người tàn tật; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng  những thành tựu khoa học tiên
tiến của thế giới về phục hồi chức năng cho thương binh và người tàn tật; chỉ đạo công
tác dạy nghề và tổ chức cho các thương binh, bệnh binh, người tàn tật không đủ sức khỏe,
được theo học các trường, lớp dạy nghề và các cơ sở sản xuất của người bình thường. Sau
khi được đào tạo, học nghề thương bệnh binh nhẹ được tạo điều kiện sắp xếp việc làm tại
các cơ sở sản xuất tập thể, cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.

Đây cũng là thời kỳ, ngành thương binh và xã hội cả nước mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp
nhận viện trợ từ các nước XHCN, như: Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan…
được bạn viện trợ, xây dựng và lắp ráp các xưởng chế tạo dụng cụ chỉnh hình phục hồi
chức năng dành cho thương bệnh binh và người tàn tật.

Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Thương binh và Xã hội nghiên cứu,
trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành và tổ chức thực hiện chính sách dành cho đối tượng
thương, bệnh binh và bộ đội phục viên, xuất ngũ, Bộ trưởng Song Hào còn đặc biệt chú
trọng chỉ đạo nghiên cứu nhóm chính sách xã hội đối với người già, trẻ mồ côi, người tàn
tật, lang thang, cơ  nhỡ… những đối tượng đặc biệt khó khăn phải dựa vào sự bảo trợ của
nhà nước và xã hội. Thống nhất tổ chức và chỉ đạo các địa phương thực hiện các mặt
công tác điều dưỡng và phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh, người có thương
tật và bị tàn tật nặng, nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề, nghiên cứu và giải quyết vấn đề
bảo hiểm xã hội cho những người lao động ở các tổ chức kinh tế tập thể. Quản lý, giáo
dục, dạy nghề, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho những người lang thang, lỡ lầm trở
về làm ăn lương thiện.

Bộ Thương binh và Xã hội thời Bộ trưởng Song Hào đã kiện toàn hệ thống tổ chức của
ngành từ trung ương đến cơ sở, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán
bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ làm công tác thương binh và xã hội, thực hiện chuyên
môn hóa đội ngũ cán bộ đó theo những quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Đảng và
Nhà nước. Cá nhân Bộ trưởng Song Hào luôn sâu sát chỉ đạo Sở Thương binh và Xã hội
các địa phương phối hợp chặt chẽ với các  sở, ngành liên quan trong tổ chức việc cấp
phát các khoản trợ cấp ưu đãi dành cho các đối tượng. Xây dựng chế độ và hướng dẫn
quản lý, sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác thương binh và xã hội
của ngành, tuyên truyền, giáo dục và phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ  thương
binh và xã hội trong các cơ quan nhà nước và nhân dân, tăng cường giáo dục chính trị, tư
tưởng tới các đối tượng thuộc ngành quản lý. Phát động  phong trào quần chúng chấp
hành chính sách, chăm lo đời sống, sắp xếp việc làm cho các đối tượng thương binh, gia
đình có công với cách mạng.

Kế thừa những tư duy đột phá trong nghiên cứu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện
chính sách thời kỳ Bộ trưởng Song Hào, sau này Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội
đã nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách đổi mới
mang tính đột phá về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, tiêu biểu như hai
chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1994: Pháp lệnh “Ưu đãi
người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt
động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và Pháp lệnh “Qui định danh hiệu
vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, cũng như các chính sách về bảo hiểm xã
hội, tạo việc làm và dạy nghề sau này phục vụ sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước, góp
phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thượng tướng Song Hào (1917 - 2004) tên thật là Nguyễn Văn Khương, quê xã Hào Kiệt
(nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sớm giác ngộ và tham gia cách
mạng từ năm 1936 khi mới 19 tuổi, năm 1937 ông được tổ chức Đảng tin tưởng giao phụ
trách tổ chức Ái hữu thợ thêu, Thanh niên dân chủ (sau này là Mặt trận phản đế) tại Nam
Định. Năm 1939 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Suốt chặng đường
hoạt động cách mạng hơn 50 năm vẻ vang, ông đã có rất nhiều đóng góp lớn cho Đảng,
Nhà nước, Quân đội và ngành lao động, thương binh và xã hội với nhiều dấu ấn lớn.
Minh Hoàng

You might also like