You are on page 1of 21

MẬT MÃ TRONG CÁC CUỘC CHIẾN TRANH

CHỐNG PHÁP VÀ MỸ Ở VIỆT NAM

PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

Dịch bởi: Đinh Thị Diệu Linh

Tóm tắt nội dung


Từ khi Việt Nam tuyên bố Độc Lập vào ngày 2/9/1945, đến khi thoát khỏi chế độ
thuộc địa và thật sự trở thành một quốc gia độc lập thống nhất vào ngày 30/4/1975,
đất nước đã trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ trường kỳ và khốc liệt.
Mục đích của bài viết này là để xem xét vai trò của mật mã học trong hai thời kỳ
chiến tranh đó. Mặc dù đối phương được trang bị những công nghệ tối tân vượt trội,
nhưng những chuyên gia về tình báo thông tin liên lạc của Mặt trận Việt Minh (Việt
Minh), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) và Chính
phủ Việt Nam - Việt Nam dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã có những thành công
đáng kể không chỉ trong việc bảo vệ thông tin liên lạc của Việt Nam, mà còn thu
và đọc được những tin bí mật mang tính chiến thuật và chiến lược của đối phương.
Có thể nhiều người sẽ khá ngạc nhiên và thú vị, nhưng trong những cuộc chiến này,
có một sự cân bằng giữa các bên. Nhìn chung, mật mã học và thiết kế giao thức
đã đạt mức độ an toàn cao cho những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở mức trung
ương. Tuy nhiên việc áp dụng cho thông tin liên lạc chiến lược trên chiến trường lại
không hề dễ dàng và thực tế là đã xảy ra nhiều sai lầm từ tất cả các bên.

"Bạn bè của chúng ta ... ngưỡng mộ về sự quyết đoán và hy sinh của một
đất nước, dân tộc nhỏ nhưng dám đứng lên chiên đấu với một đế quốc thuộc
địa ... Trận chiến của chúng ta tựa như câu chuyện David chống lại Goliath
trong Kinh thánh." - Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước, 2013 [5].)

1 MỞ ĐẦU
Liệu mật mã học trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ ở Việt Nam1 có liên
quan gì đến mối quan tâm của những người làm trong ngành bảo mật thông tin ở thế kỷ
XXI hiện nay? Mật mã học cơ bản, thuật toán tiêu chuẩn mã hóa dữ liệu DES của Mỹ
và đặc biệt mạng Internet đều xuất hiện sau giai đoạn 1945 - 1975. Vì thế, có rất nhiều
lý do để kể lại câu chuyện này vào thời của chúng ta.

Đầu tiên là, những chiến thắng của một dân tộc lạc hậu về công nghệ đối với hai
cường quốc lớn mạnh với nền công nghiệp tiên tiến là những sự kiện nổi bật và đặc trưng
của thế kỷ XX, đã làm cho rất nhiều quốc gia và đất nước trên thế giới phải ngạc nhiên.
Những từ và cụm từ quan trọng: Chiến tranh ở Việt Nam, tình báo tín hiệu, bảo mật thông tin
1 Bài viết này là bản mở rộng hơn rất nhiều của bài phát biểu mời của Neal Koblitz tại Hội nghị quốc
tế thường niên về Lý thuyết và Ứng dụng của Mật mã học và Bảo mật thông tin năm 2016 (Asiacrypt
2016) diễn ra tại Hà Nội

1
2 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

Sự thất bại của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào mùa xuân năm 1954 đã đánh
dấu sự khởi đầu trong việc chấm dứt chủ nghĩa thực dân Pháp. Đó cũng là một động lực
đối với các dân tộc khác, đặc biệt ở Bắc Phi, khi họ đang chịu ách thống trị của thực
dân Pháp và cuối cùng cũng giành được độc lập chỉ sau một vài năm. Cũng giống như
vậy, đó là sự thất bại và phải rút quân đội của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày
30 tháng 4 năm 1975 - đó là lần đầu tiên mà Mỹ hoàn toàn bị thất bại trong một cuộc
chiến. Điều này đã khuyến khích những dân tộc khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực
Mỹ La tinh đang đấu tranh chống lại quyền bá chủ của Mỹ.

Một giải thích đơn giản cho chiến thắng của Việt Nam chính là dân tộc Việt Nam có
truyền thống gần 2000 năm lịch sử về chống giặc ngoại xâm và xâm lược, từ cuộc nổi dậy
chống lại sự thống trị của Trung Quốc do Hai Bà Trưng khởi nghĩa vào năm 40 sau Công
nguyên. Tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập cùng tư tưởng mang tính chiến lược
kiên định của những người lãnh đạo như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã đưa Việt
Nam vượt qua những cỗ máy quân sự tân tiến với sức công phá khủng khiếp.

Đưa ra phân tích như trên, mọi người có lẽ nghĩ rằng nếu chúng ta nhìn về mặt công
nghệ của cuộc chiến, và đặc biệt là về tình báo thông tin liên lạc, Pháp và Mỹ phải có
chuyên gia và thiết bị tân tiến vượt trội và vượt xa so với mặt trận Việt Minh, Mặt trận
Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuy nhiên, bản chất của vấn đề này còn phức tạp hơn rất nhiều. Trong cả hai cuộc chiến
tranh chống Pháp và Mỹ, như chúng ta sẽ thấy, có một sự đối xứng bất ngờ giữa các bên,
cả về tình báo thông tin tín hiệu (SIGINT) lẫn bảo mật thông tin liên lạc (COMSEC).
Đã có nhiều thành công và thất bại của tất cả các bên.

Có lẽ bài học rút ra được từ SIGINT và COMSEC trong các cuộc chiến tranh chống
chế độ thuộc địa ở Đông Dương thì con người là yếu tố mang tính chất quyết định, còn
công nghệ kỹ thuật chỉ là yếu tố thứ yếu. Liệu điều đó vẫn còn đúng với thực tiễn hiện
nay của mật mã học? Thật vậy, nếu chúng ta có thể trích dẫn một đoạn từ quyển sách
cổ điển nghìn trang “Security Engineering” của Ross Anderson [1], ta thấy rằng nhân tố
con người vẫn là trung tâm đối với an ninh mạng trong thời đại Internet, giống như con
người vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với bảo mật thông tin liên lạc trong các cuộc
chiến tranh trước đó.

Lý do thứ hai mang tính chất lịch sử hơn, đó chính là chiến thắng này ẩn chứa bài
học về đức tính khiêm tốn. Từ thời kỳ cổ đại, sự cần thiết của phẩm chất này đã được
hiểu cặn kẽ là cần thiết để có thể phát triển về mặt trí tuệ và khoa học. Trong Chương
13, Hồi 8-12 của cuốn kinh “Bhagavad Gita”, một trong những phẩm chất đạo đức cần
thiết cho việc học hỏi thì đầu tiên chính là Amaanitvam, trong tiếng Phạn nghĩa là tính
khiêm tốn. Tuy nhiên, trong thời đại tự quảng cáo và cường điệu hóa hiện nay, trong
cuộc chạy đua điên cuồng để xin nhận tài trợ và công bố bài báo, nhiều tổ chức nghiên
cứu khoa học – bao gồm cả chúng ta – thường quên mất bài học của lịch sử, cho nên
cần được nhắc lại. Những nhà mật mã học sẽ thất bại nếu họ đánh giá quá cao sự thông
minh của mình mà quên đi bài học của lịch sử.

Lý do ý nghĩa thứ ba là câu chuyện của mật mã học ở Việt Nam trong thời kỳ chiến
tranh còn ảnh hưởng tới chúng ta hiện nay. Một trong những động lực để những nhà
nghiên cứu trong lĩnh vực này chính là niềm tin rằng mật mã học có một tiềm năng rất
lớn bảo vệ bên yếu thế – những con người bình thường – trước những tổ chức quyền lực
của chính phủ và các tập đoàn khổng lồ. Đây chắc chắn là một trong những quan điểm
của những nhà tiên phong về mật mã học hiện đại như Whit Diffie và David Chaum,
và chúng ta cũng có thể nhìn thấy điều đó trong ở Phil Zimmerman (nhà sáng tạo phần
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 3

mềm Pretty Good Privacy) và John Gilmore (người sáng lập tổ chức Electronic Frontier
Foundation). Từ cách nhìn lạc quan này, ta thấy mật mã học như một cú bắn súng cao su
mà cậu bé David đã dùng để hạ gục gã khổng lồ Goliath. Và theo câu nói của bà Nguyễn
Thị Bình (người dẫn đầu phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt
Nam tại Hội nghị Paris về Hòa bình trong những năm 1969-1973), không có một ví dụ
nào minh chứng cho trận đánh David - Goliath thời hiện đại rõ hơn bằng các cuộc chiến
tranh Việt Nam chống lại Pháp và Mỹ.

Hình 1: Bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris về Hòa bình năm 1969.

Cuối cùng, lý do thứ tư có liên quan đến câu chuyện này là mật mã học hiện đại bị
Hoa Kỳ áp đảo, và rất nhiều nước trên thế giới chỉ việc đi theo Hoa Kỳ và lấy mật mã từ
họ về áp dụng. Điều này thật là đáng tiếc! Các tài liệu của Edward Snowden chỉ ra nguy
cơ trong hành động này, điều cần thiết phải có những chuyên gia riêng và sự phát triển
thương mại về mật mã học ở các quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, việc nghiên cứu lịch
sử mật mã học từ thời kỳ sơ khai, tồn tại ở các vùng khác nhau trên thế giới, như Châu
Á là rất cần thiết. Nhận thức được yếu tố lịch sử có thể giúp cho con người ở các quốc
gia đang phát triển ngày nay có thêm sự tự tin cần thiết để thoát khỏi sự phụ thuộc vào
những tri thức và sản phẩm của nước ngoài.

2 CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP (1945 - 1954)


VÀ THỜI KỲ 1954 – 1960
2.1 Những năm đầu
Từ những ngày đầu tiên, sự lãnh đạo ở Hà Nội đã gắn liền với tầm quan trọng to
lớn của tình báo thông tin liên lạc. Theo lịch sử của Chính phủ Việt Nam được dịch bởi
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ [18], tổ chức mật mã đầu tiên thuộc Bộ Tổng tham mưu
Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập vào ngày 12/9/1945, chỉ mười ngày sau
Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, đã chứng tỏ sự quan
tâm đặc biệt của chính quyền Việt Nam vào mật mã học.

Tại thời điểm đó, trình độ mật mã ở Việt Nam còn hạn chế. Theo lịch sử Ban Cơ Yếu,
hệ thống mật mã mà Việt Nam sử dụng cuối năm 1945 và đầu năm 1946 không hơn gì
đáng kể mật mã Caesar. Cụ thể là, họ sẽ xét văn bản tiếng Việt tương ứng với những chữ
cái trong một bảng chữ cái Latin, bỏ đi các dấu và gộp nhiều chữ cái lại thành một như
4 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

a, â, ă (đây là những chữ cái riêng biệt trong tiếng Việt). Sau đó, họ sẽ đánh số các chữ
cái và dịch đi theo một đại lượng cố định (trong ví dụ minh hoạ (Ban Cơ Yếu (n.d.)2 ,
khoá Caesar này là 10). Dãy các số thập phân sẽ là bản mã.

Sau đó, vào ngày 10/4/1946, các cục trưởng được lệnh sử dụng một hệ thống mã hóa
kép tốt hơn, mặc dù vẫn còn thô sơ và đơn giản. Đầu tiên, họ sẽ bắt đầu chu trình mã
hóa: thay những chữ cái và dấu khác nhau bằng tổ hợp các chữ cái La tinh; ví dụ, từ “Lê
Thái” sẽ trở thành LEETHAIS. Sau đó, họ sẽ chuyển cụm từ đó sang các số sử dụng một
hoán vị ngẫu nhiên cố định của các số từ 0 đến 22 (trong đó có 3 chữ cái của bảng chữ
cái La tinh không được sử dụng). Cuối cùng, họ sẽ mã hóa những chữ số thập phân với
một khóa Vigenère có độ dài là 5 (nghĩa là, một số thập phân có 5 chữ số). Các chữ số
thể hiện thông điệp được chia thành các khối có độ dài 5 và khóa sẽ được cộng vào theo
từng chữ số với modulo 10.

Đây là hệ thống mã rất yếu so với trình độ mật mã thế giới năm 1946 và cũng rất yếu
so với các hệ thống mật mã mà người Việt Nam sử dụng trong cuộc chiến tranh chống
Mỹ. Tầng thứ hai của hệ mã có thể dễ dàng bị gỡ, dẫn tới hệ thống mã hóa đó còn yếu
hơn cả khi so sánh với mã hóa Vigenère thông dụng với khóa 5 ký tự - ở đó việc phá khoá
qua cách phân tích tần số cần xem xét một lượng tương đối các bản mã. Trước hết, có sự
mập mờ trong việc giải mã của người nhận, bởi lẽ sau bước chuyển ngược phương thức
mã hóa Vigenère, thì các ký tự 211 có thể bị đọc hiểu thành 2 11 hoặc 21 1. Nghiêm trọng
hơn, phép phân tích tần số đối với hệ mã này còn dễ hơn là đối với mã hóa Vigenère tiêu
chuẩn, bởi ở mỗi vị trí (sau bước hoán vị và trước bước chuyển mã Vigenère), ta có thể
dự kiến là số 1 sẽ có số lần xuất hiện vượt trội và tiếp đó là số 2.

Một kết luận có thể rút ra được từ bản chất nghiệp dư của mật mã Việt Nam năm
1946 chính là trong một khoảng thời gian ngắn, Việt Minh đã không nhận được sự viện
trợ đáng kể nào về lĩnh vực này từ phía Mỹ, mặc dù Việt Minh và Mỹ đã có một thời gian
ngắn là đồng minh trong chiến dịch đánh đuổi Phát xít Nhật. Đầu năm 1945, Cơ quan
Tình báo Chiến lược (OSS) của Hoa Kỳ (tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương -
CIA) đã cử một nhóm, dẫn đầu bởi Đại tá Archimedes Patti, đến làm việc với mặt trận
Việt Minh, giúp đỡ Việt Minh thiết lập một hệ thống tình báo để báo cáo lại những động
thái của phát xít Nhật [12]. Đại tá Patti đã gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, và đạt
được sự hợp tác toàn diện. Mỹ nhanh chóng có được một lượng lớn thông tin chiến thuật
mà các đồng minh đã sử dụng để chống lại người Nhật. Mọi người có lẽ trông đợi rằng
một phần của việc hợp tác, thu thập thông tin tình báo sẽ là việc đào tạo những kiến thức
mật mã cơ bản cho Mặt trận Việt Minh. Điều đó đã không xảy ra, bởi nếu có, Việt Minh
đã ở một vị thế hoàn toàn khác khi thiết lập ngành mật mã chỉ vài tháng sau đó. Thực tế
có vẻ là, người Mỹ đã giúp Việt Minh ít hơn rất nhiều so với những gì Việt Minh giúp Mỹ.

Từ cuộc phỏng vấn với Đại tá Patti năm 1981, chúng ta có thể nhận ra những lý do
về địa chính trị đã khiến người Mỹ không sẵn sàng giúp Việt Minh về mật mã. Về phía
Mỹ, họ chỉ muốn một quan hệ đồng minh tạm thời cho tới khi Phát xít Nhật hoàn toàn
bị tiêu diệt. Chính vì thế, thượng cấp của Patti trông đợi là phía Việt Minh chỉ đơn giản
yêu cầu tài chính để đổi lấy việc cung cấp thông tin về tình hình của Nhật, và họ sẵn
sàng chấp thuận điều đó. Nhưng họ đã rất ngạc nhiên khi Patti cho biết Việt Minh rất
sẵn lòng giúp đỡ quân đội Mỹ mà không cần trả một đồng nào. Về phía Việt Nam, chủ
tịch Hồ Chí Minh muốn thiết lập một quan hệ đồng minh lâu dài với người Mỹ để chống
lại thực dân Pháp, bởi vì năm 1945, Mỹ chính thức đứng ở vị trí trung lập (những mệnh
lệnh giao cho Patti không phải là giúp Pháp trở lại xâm lược, nhưng cũng không phải là

2 Ban Cơ Yếu n.d. Cơ Yếu Công An Nhân Dân Biên Niên Sự Kiện (1945–1985)
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 5

đối đầu trực diện với Pháp). Về cơ bản Việt Minh đã giúp Mỹ rất nhiều với mong muốn
rằng chính quyền Mỹ sẽ giúp đỡ và hỗ trợ Việt Minh trong việc giải phóng và độc lập dân
tộc. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã không những không giúp đỡ, viện trợ cho Việt Minh mà
còn quay lại ủng hộ Pháp; vào cuối cuộc chiến tranh chống Pháp năm 1954, tổ chức kế
nhiệm OSS là CIA đã bay tới tiếp tế cho lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ. Năm 1945,
Hoa Kỳ gấp rút chuẩn bị quân sự cho thời kỳ Chiến tranh lạnh, và với tình hình như
thế, họ dường như đã không hề đưa ra sự giúp đỡ về mật mã học cho bất kỳ một tổ chức
cộng sản nào.

Trong những ngày đầu của thời kỳ này, sự yếu kém về mật mã của Việt Minh đã dẫn
đến việc lộ một lượng thông tin bí mật vào tay người Pháp. Trong Hội nghị Pháp - Việt
diễn ra tại Fontainebleau, Pháp từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1946 (khi hai bên không đạt
được hiệp ước hoà bình), phía Pháp đã đọc được một số thông điệp ngoại giao dưới mã
hóa yếu của Việt Nam. Trong cùng khoảng thời gian đó, phía Pháp cũng có được thành
công tương tự tại Hội nghị tổ chức ở Đà Lạt. Theo Christopher Goscha ([9], tr.813), một
chuyên gia nổi tiếng về thời kỳ chiến tranh chống Pháp.
Sử dụng liên lạc bằng sóng radio thường chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn. Người
Pháp đã cử một số chuyên gia về phá mã giỏi nhất đến Đông Dương nhằm
phá mã và thu thập thông tin nội bộ của đối phương, rồi báo cáo với lãnh
đạo của phía thực dân tại thuộc địa và ở Pháp. Trong khi đó những nỗ
lực của Việt Nam trong ngoại giao lại bị cản trở trên mặt trận công nghệ,
do thiếu các kỹ thuật, thiết bị và đào tạo cần thiết cho việc mã hóa. Điều
này đặc biệt đúng trong khoảng thời gian đầu của cuộc chiến tranh, khi
phương pháp và bảng mã hóa của Việt Nam vẫn còn thô sơ, những người
điều khiển sóng còn thiếu kinh nghiệm, thường hay nóng vội và chọn cách
đơn giản truyền thẳng thông tin chưa được mã hóa. Chính vì thế, người
Pháp đã có thể đọc được rất nhiều thông tin của Chính phủ Việt Nam –
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong hội nghị tại Đà Lạt, và trong cả hội
nghị Fontainebleau.
Tuy nhiên, Việt Nam đã cố gắng tăng cường, nghiên cứu tìm tòi để cải thiện kiến
thức về mật mã. Đặc biệt, họ đã nghiên cứu quyển sách Eléments de cryptographie viết
bởi Đại úy Roger Bandouin, một quyển sách giáo khoa toàn diện được xuất bản ở Paris
năm 1939. Năm 1948, Việt Minh đã xuất bản sách hướng dẫn mật mã học, để đào tạo
những nhân viên mật mã, được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp.
Quyển sách mang tên Mật mã đại cương và được soạn bởi Hoàng Thành. Hiện cuốn
sách đang được trưng bày trong Bảo tàng Mật mã học ở Hà Nội.

Một số bằng chứng cho thấy sự phát triển vững về mật mã ở mức trung ương Việt
Minh đã không thực sự được áp dụng rộng rãi cho tất cả các cán bộ trong lĩnh vực này.
Một cuộc triển lãm đặc biệt ở Bảo tàng Công An Hà Nội đã miêu tả cảnh những chiến
sĩ của Việt Minh đã làm nổ tung con tàu Amyot d’Inville của Pháp vào ngày 27 tháng 9
năm 1950, từ đ đã ngăn chặn một cuộc tấn công quan trọng của Pháp vào vùng Thanh
Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh, vùng giải phóng ở miền Trung của Việt Nam. Phần triển lãm
còn bao gồm những tài liệu chỉ dẫn gốc miêu tả cách mã hoá mà họ đã dùng: mã khóa
Vigenère với khóa 5 ký tự. Từ khóa TINHA đã được hiển thị ở trên cùng, với những chữ
cái đã được chuyển dịch ở bên dưới. Một đoạn tin mẫu gồm 17 ký tự được thêm bởi OOO
nhằm chia thành các cụm gồm 5 ký tự rồi được mã hóa. Kết quả là, bản mã cuối cùng
được đóng khung hình chữ nhật trong hình dưới đây. Nhưng kinh ngạc thay! Cụm từ đầu
tiên trong đoạn mã hóa truyền tin lại chính là từ khóa TINHA dùng để m hoá. Và thậm
chí mọi cụm từ đều được cách đều cẩn thận, vì thế độ dài của từ khóa được khẳng định
không chút nghi ngờ. Chí ít là theo cách này thì họ không có bất cứ khó khăn nào trong
6 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

việc... trao đổi khóa.

Hình 2: Từ khóa TINHA là cụm từ đầu tiên trong mã hóa.

Trước khi chúng ta có thể cười vào việc vi phạm nguyên tắc Kerckhoff của Việt Minh,
chúng ta phải thừa nhận là cuộc tấn công vào con tàu của Pháp là một trong những
thành công tuyệt vời của tác chiến du kích bí mật.

Vậy tại sao mặc dù Việt Minh sử dụng những phương pháp mật mã lạc hậu nhưng
lại vẫn không bị phát hiện và bị phá? Có thể là do người Pháp thậm chí còn không bắt
được thông tin liên lạc của Việt Minh, nên mã yếu hay không mã cũng có tác dụng như
nhau. Hoặc có thể người Pháp bắt được thông tin liên lạc nhưng cũng quá yếu trong việc
phá mã Vigenère, ngay cả khi có khoá. Có điều dường như chắc chắn, là ở tầng dưới, cả
quân Việt Nam và Pháp đều khá bị cô lập và do đó không tiếp cận được những kiến thức
mật mã như ở các cơ quan đầu não.

2.2 Vai trò của Liên Xô và Trung Quốc


Trong bất kỳ trường hợp nào, theo lịch sử (NSA 2014 [18]), chỉ một vài tháng sau
đó, vào tháng 11 năm 1950, Việt Nam đã cử những chuyên gia mật mã sang Trung Quốc
tập huấn trong sáu tháng, nhờ đó trình độ kỹ thuật của họ được nâng lên đáng kể. Đối
với Việt Nam tại thời điểm đó, kinh nghiệm của Trung Quốc là một hình mẫu tốt cho
Việt Nam bởi vì Cộng sản Trung Quốc đã chiến thắng một chế độ do phương Tây hậu
thuẫn theo dạng chiến tranh du kích mẫu mực.

Tuy nhiên, trong thông tin liên lạc còn có một điểm khác biệt quan trọng. Người
Trung Quốc phải trước tiên dịch hoặc chuyển sang một bảng chữ cái tiêu chuẩn trước khi
mã hóa. Nhưng tiếng Việt được chuyển thể từ bảng chữ cái của La tinh, do đó có thể mã
hóa được trực tiếp, với điều kiện là đã có một số thay đổi thích hợp. Theo như miêu tả
trong “Vietnam: A SIGINT Paradox” (NSA 2007 [19])
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 7

Tiếng Việt không thể truyền đi bằng cách sử dụng mã khóa Morse chuẩn
thông dụng được bởi những chữ cái âm tiết đặc biệt và hệ thống dấu của
nó. Những nhà nghiên cứu về ngôn ngữ mật mã [NSA] đã phải tìm hiểu hệ
thống được tạo ra bởi người Việt để chuyển tải những tính chất này sang
mã Morse trước khi xử lý một bản dịch cụ thể. Ví dụ, nguyên âm u và o
xuất hiện như những chữ cái bình thường hoặc với móc hoặc mũ. Để hiểu
được chữ u có móc, thì người truyền tin đã gửi những chữ cái uw. Chữ w
không xuất hiện trong bảng chữ cái tiếng Việt, vì thế chữ cái đó có một
vai trò đặc biệt.

Bài báo này tiếp tục đề cập đến điều này bởi sự xuất hiện của ươ khá thường xuyên,
vì thế những người chỉnh sửa mã Morse tiếng Việt thường rút gọn uwow thành wow.

Trong thập niên 1950, viện trợ nước ngoài về bảo mật thông tin liên lạc của Việt Nam
phần lớn là từ phía Trung Quốc. Cuối thập niên 50, Liên Xô bắt đầu thay thế Trung Quốc
trở thành nguồn cung cấp tư vấn về mật mã, dù Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên
những mặt khác, đặc biệt là phòng không. Theo ước tính của tình báo Mỹ (Hanyok 2002,
tr.261), từ năm 1965 đến năm 1973 có hơn 5000 cố vấn Trung Quốc bị giết hoặc bị thương
bởi các cuộc không kích của không quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Tham mưu trưởng
không quân Hoa Kỳ Curtis LeMay đã từng có câu nói nổi tiếng rằng ông ta muốn "ném
bom đưa họ [người Việt Nam] quay trở về Thời kỳ Đồ đá" và thậm chí là những cố vấn
nước ngoài giúp đỡ Việt Nam cũng thường trở thành nạn nhân trong các cuộc không kích.

Merle Pribbenow, chuyên gia đã nghỉ hưu của CIA về ngôn ngữ tiếng Việt [21] đã
miêu tả về lịch sử sự viện trợ của Liên Xô đối với Việt Nam về tình báo. Đáp lại yêu cầu
từ Hà Nội, trong hai năm 1959 - 1961, Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) đã viện
trợ tiền, thiết bị và đào tạo về tình báo qua sóng radio và các thông tin liên lạc bảo mật
cho phía Việt Nam. Đề án đầy triển vọng và thành công này được gọi là “Vostok” theo
tiếng Nga và là “Phương Đông” theo tiếng Việt. Theo ông Pribbenow, Ủy ban KGB đã
cung cấp “thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Công An để thành lập một mạng lưới thông
tin liên lạc an toàn rộng lớn trên toàn miền Bắc Việt Nam, và từ đó mở rộng xuống miền
Nam Việt Nam để hỗ trợ cho cuộc chiến tranh ở đó.”

Bài báo của Pribbenow [21] mô tả những căng thẳng và nghi ngờ trong mối quan hệ
giữa Việt Nam với cả Liên Xô và Trung Quốc, mà phần lớn là do bất đồng giữa Liên Xô
và Trung Quốc, đỉnh điểm vào thập niên 1960. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Việt
Nam đã cố gắng rất nhiều để giữ vị trí trung lập giữa hai cường quốc. Điều đó quả thật
không hề dễ dàng, bởi vì cả Liên Xô và Trung Quốc đều thỉnh thoảng lợi dụng Việt Nam
như một con bài trong những bất đồng giữa hai bên. Trong thời kỳ cách mạng Văn hóa
ở Trung Quốc, một số đơn vị Hồng vệ binh còn chặn những chuyến tàu vận chuyển hàng
cứu trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam khi quá cảnh qua Trung Quốc. Phía Liên Xô
cũng đã gây ra một số vấn đề, như lợi dụng những bất đồng nội bộ trong Đảng Cộng sản
Việt Nam nhằm chuyển mục tiêu, lập trường của Đảng sang đối đầu, chống lại Trung
Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ việc thay đổi như vậy không hề đem lại lợi ích
nào cho Việt Nam.

Theo Pribbenow [21] , chính căng thẳng và nghi ngờ trong quan hệ đồng minh giữa
Việt Nam với Liên Xô và giữa Việt Nam và Trung Quốc đã khiến cho Việt Nam tránh
sự phụ thuộc vào cả Trung Quốc và Liên Xô, mà tự mình đã phát triển những ý tưởng
và tài liệu mật mã. Chính điều này đã làm cho công việc phá mã của Pháp và Mỹ trở
nên khó khăn hơn. Cho tới nửa cuối của cuộc chiến tranh chống Pháp, trình độ thông tin
tình báo và mật mã Việt Nam đã ở một trình độ mới, phát triển nhanh một cách đáng
8 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

ngạc nhiên đối với một lực lượng đấu tranh du kích ở một đất nước vẫn còn nghèo khó.
Theo Goscha ([9], tr. 829-830):

Một điều rõ ràng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ áp đảo Pháp với
những khẩu súng lớn và những làn sóng người tấn công; một lý do chính
cho thắng lợi [tại Điện Biên Phủ] chính là thành công trong việc tổ chức
và thực hiện một cuộc chiến tranh toàn diện, phối hợp các lực lượng, lần
lượt dựa vào khả năng khống chế không gian và thời gian thông qua sóng
liên lạc của họ. Trong lịch sử thế kỷ XX, chưa từng có một chiến tranh
giải phóng thuộc địa nào mà có một sự áp dụng công nghệ như một trận
chiến hiện đại như vậy. Không nơi đâu kể cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng
An-giê-ri chống lại Pháp để đòi lại độc lập dân tộc hay Đảng Cộng hòa
ở Indonesia đấu tranh vũ trang chống lại Hà Lan từng sử dụng thông tin
liên lạc mạnh mẽ như vậy.
Từ những thành tựu về công nghệ, chúng ta thấy rằng cho tới cuối của cuộc
chiến tranh, Việt Nam dân chủ Cộng hòa, ít nhất là ở miền Bắc, không còn
là một đội quân du kích nghèo, với thể lực yếu và hoạt động rời rạc, nhỏ
lẻ, không có kế hoạch và tổ chức nữa. Việt Nam dân chủ Cộng hòa cũng
không còn là một chính phủ không có người đứng đầu và rời rạc, thông
tin liên lạc giúp họ tổ chức hình thành bộ máy quân đội và nhà nước, mặc
dù Việt Nam vẫn còn thô sơ, thất thường và bị phân chia ra thành nhiều
vùng miền. Thực dân Pháp đã từng nhiều lần phá khóa của Việt Nam và
bắt giữ hàng nghìn người cộng sản, tuy nhiên Pháp không thể ngăn chặn
được Việt Nam truyền tin liên lạc bằng mọi cách. Những nghiên cứu về
mạng lưới thông tin liên lạc của Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã cho thấy
một cách thức độc đáo mà Việt Nam liên kết Nhà nước và Quân đội qua
thời gian và không gian bằng cách chuyển tiếp thông tin liên lạc, cần thiết
cơ bản cho sự sống còn của dân tộc, thể chế hóa, tính hợp pháp của một
quốc gia và giữ vững quyền lực.

Cho tới thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, những nhà mật mã học người
Mỹ cũng đã đánh giá cao về trình độ mật mã học của Việt Nam. Theo lịch sử được công
bố (NSA 2007 [19]) kết luận, “Vào năm 1961, những nhà phân tích trong NSA đã biết
rằng những đối thủ của họ rất giỏi trao đổi mật mã và họ ngạc nhiên đối với sự tiến bộ
về trình độ mật mã của miền Bắc Việt Nam.”

2.3 Mật mã của Pháp ở Việt Nam (1945 – 1954)


Dựa trên các tài liệu trong kho lưu trữ của quân đội Pháp, chúng tôi đánh giá hiệu
quả sử dụng mật mã trong thời kỳ này của Pháp và Việt Minh có nhiều điểm tương đồng.
Mặc dù Pháp đã sử dụng một số thiết bị tương đối hiện đại, như M-209 được phát triển
bởi Hoa Kỳ trong Thế Chiến thứ II, nhưng trên thực tế họ nói chung cũng không hơn gì
Việt Minh; cả hai bên đều lo lắng về vấn đề đào tạo kém chất lượng và sử dụng nhẫm
lẫn trong các hệ thống.

Giống như mật mã của Việt Minh, các hệ thống của Pháp về cơ bản là các biến thể,
phiên bản khác của mật mã Vigenère. Trong những năm đầu của cuộc chiến tranh, những
thông tin liên lạc bí mật của Pháp thường bị nắm bắt và giải mã (thực tế là nhiều khi
nó còn không được mã hóa), nhưng cho tới cuối của cuộc chiến, bảo mật thông tin liên
lạc của họ đã được tăng cường đáng kể.
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 9

Điều khôi hài là Blaise de Vigenère là người Pháp ở thế kỷ XVI, được biết đến là
người sáng tạo ra nhiều bước đột phá lớn về mật mã. Vậy mà nhìn qua thì tưởng chừng
như người Pháp không hề có bất kỳ một tiến bộ nào trong lĩnh vực này sau 400 năm.
Nhưng trên thực tế, vấn đề chính là họ đã không áp dụng được kiến thức lý thuyết vào
thực tiễn, ít nhất là ở Việt Nam, với ba lý do sau.
Lý do đầu tiên là, trong khoảng giữa thế kỷ XX, Việt Nam là một thuộc địa tiền đồn
phía xa của đế quốc Pháp; Hà Nội nằm ở rất xa so với Paris theo mọi nghĩa. Hơn nữa,
mặc dù trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh, Pháp đã cử một số nhà mật mã được
đào tạo bài bản để sang Việt Nam nhằm phá khóa những thông tin liên lạc về ngoại giao,
nhưng phần lớn thời gian những người chuyên gia được cử đi sang ở Việt Nam đều không
phải là những người Pháp giỏi nhất.

Lý do thứ hai là, trong những năm đó, quá trình vận hành một hệ mã hóa mạnh bằng
máy tính còn mất nhiều thời gian. Một tài liệu của quân đội Pháp (Centre historique
des archives [7], ghi ngày 7/12/1953) – chỉ 3 tháng trước chiến dịch Điện Biên Phủ - đã
cho kết quả một thử nghiệm so sánh thời gian cần thiết để mã hóa một bản tin trong đó
sử dụng sáu quy trình mã hóa khác nhau. Thời gian lâu nhất để mã hóa là 44 phút, và
nhanh nhất là 17 phút. Từ đó, họ kết luận, quy trình mã hóa nhanh nhất nên được áp
dụng và sử dụng. Chú ý rằng kết luận này chỉ dựa trên sự so sánh về tốc độ mã hóa, mà
không hề dựa trên so sánh về tính bảo mật của mã hóa.

Lý do thứ ba là, lỗi của con người khi sử dụng mã hóa và việc họ khiên cưỡng tuân
theo các quy định đã tạo ra nhiều rắc rối cho các nhà chức trách Pháp. Một tài liệu ngày
11 tháng 12 năm 1953 (Báo cáo kết thúc nhiệm vụ của tướng Babet, cũng trong Centre
historique des archives [7]) đã phàn nàn về sự khinh suất và những sai lầm nghiêm trọng
đi ngược lại với những quy tắc bảo mật đã góp phần dẫn đến một cuộc tấn công bất ngờ
(“coup de main”) của Việt Minh.

Những cán bộ chỉ huy quân sự của Pháp nhận thức và thừa nhận rằng, hầu hết những
gì họ hy vọng chỉ là sĩ quan của họ có thể sử dụng một loại mật mã rất yếu. Họ thậm chí
còn tạo ra một thuật ngữ cho điều đó, camouflé (“camouflaged”), nghĩa là nó không phải
là một văn bản thường nhưng cũng chưa phải là văn bản được mã hóa. Mã hóa thực sự
chỉ được sử dụng cho những tài liệu ngắn, hoặc tài liệu bí mật tối cao.

3 CHIẾN TRANH CHỐNG MỸ (1961 – 1975)


Trong khi nghiên cứu về lịch sử của mật mã học thời chiến tranh, chúng ta cần
phải phân biệt rõ những loại câu hỏi khác nhau:

• Tấn công (SIGINT). Trình độ tình báo thông tin tín hiệu ở hai bên như thế nào?
Đối thủ có khả năng chặn và đọc tín hiệu của đối phương hay không?

• Phòng thủ (COMSEC). Trình độ lý thuyết và thực hành về mật mã học của cả hai
bên?

• Thông tin liên lạc chiến lược, thường diễn ra giữa các trung tâm chỉ huy và các căn
cứ trọng yếu. Đó là các thông tin cần mức bảo mật rất cao và thường không quá
quan trọng về độ trễ thời gian (độ an toàn đặt lên trước hết). Câu hỏi đặt ra là
xem xét tính bảo mật, an toàn của các thông tin liên lạc chiến lược của các bên
trong chiến tranh.
10 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

• Thông tin liên lạc chiến thuật, bao gồm thông tin liên lạc trong thời gian thực (yếu
tố thời gian là quan trọng) trong khi chiến dịch xảy ra và trong suốt quá trình
chuẩn bị cho chiến dịch. Vậy tính an toàn, bảo mật của thông tin liên lạc đó như
thế nào?

3.1 COMSEC của Mỹ và SIGINT của Việt Nam


Brian Snow bắt đầu làm việc ở NSA từ năm 1972, và cuối cùng trở thành Giám đốc
Kỹ thuật về mảng Phòng thủ Bảo mật thông tin liên lạc (sau đó được gọi là Cục An ninh
Thông tin (IAD) ở NSA). Khi trả lời các câu hỏi về quy định ở NSA về bảo mật thông tin
liên lạc (COMSEC) trong chiến tranh ở Việt Nam (Snow 2015 [24]), ông đã nhấn mạnh
rằng IAD luôn phân tích và làm theo những phương án xấu nhất, không phải những tình
huống giả định. Họ có lẽ đã không gặp sai lầm là đánh giá thấp những kỹ năng phá mã
của Việt Nam. Mặc dù không có bất kỳ một thông tin chính thức nào về sự giúp đỡ của
Liên Xô hoặc Trung Quốc đối với Việt Nam trong phá mã hay khả năng tự phát triển
lên đến trình độ cao về tình báo và bảo mật thông tin, những nhà bảo mật thông tin liên
lạc ở NSA không hề đánh giá thấp trình độ mật mã của Việt Nam và luôn tính đến tình
huống xấu nhất. Chính bởi vậy, trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, NSA luôn xác
định dùng công nghệ mật mã cao cấp nhất, bất kể trình độ mật mã của Việt Nam đang
đạt đến trình độ nào. Do đó, khả năng Việt Nam có thể phá được lớp bảo mật thông tin
chiến lược của Mỹ là rất ít, vì kỹ thuật đòi hỏi cho việc này rất cao.

Hình 3: Thiết bị mã hóa NESTOR của NSA.

3.1.1 Sự khó khăn trong việc sử dụng bảo mật cho thông tin liên lạc.
Trong khoảng năm 1965, Mỹ đã bắt đầu tận dụng một thiết bị mã hóa – NESTOR
được phát triển bởi NSA cho mục đích sử dụng trong chiến tranh cho thông tin liên lạc
trên chiến trường. Tuy nhiên, NESTOR hoạt động không tốt trong thời tiết nóng ẩm ở
miền Nam Việt Nam. Thực tế, hầu hết các thông tin liên lạc trong chiến trường của Mỹ
không được mã hóa hoặc được “mã hóa” bằng cách dùng những biệt ngữ, thuật ngữ, tiếng
lóng hoặc các từ ngữ thay thế, v.v. Mặc dù nhiều sĩ quan và quân lính trong quân đội
Mỹ đều tin rằng người Việt Nam sẽ không bao giờ có thể hiểu được những trao đổi chứa
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 11

biệt ngữ của Mỹ và những mã khóa đơn giản đó, nhưng trên thực tế, Mặt trận Dân tộc
Giải phóng miền Nam Việt Nam (NLF) đã thường khai thác được một số thông tin liên
lạc chiến thuật có tính bảo mật thấp từ phía quân đội Mỹ.

Trong một quyển sách năm 1982 viết bởi Charles R. Myer, Tướng chỉ huy quân đội
Mỹ (những mục về mật mã được in lại trong Cryptologia (Myer 1989) [17]), ông đã kể
lại một cuộc đột kích vào một căn cứ của NLF ngày 20 tháng 12 năm 1969 dẫn đến việc
bắt giữ 12 lính du kích, thu được một lượng lớn tài liệu và thiết bị thông tin liên lạc.
Sau khi kiểm tra thiết bị và "thẩm vấn" (theo Myer) những tù binh, chính phủ Mỹ nhận
thấy rằng cùng với sự giúp đỡ của “các nhà ngôn ngữ học về Tiếng Anh – [đã từng là]
những phần tử quan trọng trong Việt Cộng và các đơn vị ở miền Bắc Việt Nam”, họ có
thể “theo dõi và khai thác hầu hết tất cả những thông tin liên lạc bằng giọng nói không
được bảo mật của người Mỹ hoặc được mã hóa thủ công bằng mã Morse.” Còn những tài
liệu thu thập được có chứa “nhiều hướng dẫn về những phương thức đánh chặn thông tin
và những bản đánh giá chi tiết về các phương thức giao tiếp và những lỗ hổng bảo mật
có thể lợi dụng của phía quân đội Mỹ và các đồng minh.”

Khi Đại tướng Creighton Abrams, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam được báo
cáo về vấn đề này, ông đã nói rằng, “Điều này thật sự quá kinh ngạc, về sự chi tiết, sự
chính xác tuyệt đối và sự chuyên nghiệp tuyệt vời của nó. Những người này, họ đang đọc
thư của chúng tôi, và đồng nghĩa với việc tất cả mọi người sẽ biết được thông tin.” Sau
đó, ông đã ra lệnh Quân đội Mỹ bắt buộc phải tăng cường khả năng bảo mật thông tin
của họ. Dù vậy, quân đội Mỹ trên chiến trường tỏ ra miễn cưỡng trong việc sử dụng các
biện pháp bảo mật mạnh cho việc trao đổi thông tin chiến tranh, một phần là bởi vì
những khó khăn lớn mà họ gặp phải với những thiết bị mã hóa NESTOR KY-8, KY-28
và KY-38. Myer kết luận rằng:

Bảo mật tín hiệu, đặc biệt là trong phát thanh và truyền sóng radio, cũng
là một vấn đề chính trong suốt thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam... Tất cả
những người dùng các phương tiện liên lạc đều ít hay nhiều cảnh giác được
về điểm yếu của họ đối với việc đánh chặn, phân tích và giải mã của đối
phương, và sự cần thiết của việc mã hóa và xác thực. Khoảng cách giữa
việc biết và việc ứng dụng là rất lớn, và ở Việt Nam, nhiều lúc khoảng
cách này dường như là một vấn đề nan giải.

Về vấn đề xác thực, Myer giải thích rằng có rất nhiều “tình huống được ghi chép lại”
về những bức điện giả mà NLF gửi đi. “Trong một trường hợp, NLF đã thâm nhập được
đường dây điện thoại nội bộ của một căn cứ phòng thủ và chuyển hướng lực lượng dự bị
ra khỏi vùng mà họ sắp tấn công.”

Myer cũng kể về một trường hợp khi mà một điện tín viên của Mỹ tháo nắp bên
ngoài của máy NESTOR KY-8 để thông gió và làm mát (vì thiết bị này thường quá
nóng và hoạt động không tốt khi nhiệt độ cao). “Điều này đã làm tăng khả năng hoạt
động của máy KY-8 nhưng đã vi phạm bảo mật an ninh, làm lộ thiết bị và tạo cơ hội
cho đối phương thu chặn những tín hiệu tình báo.” Việc gợi mở rằng Mặt trận Dân tộc
Giải phóng miền Nam Việt Nam chắc hẳn đã tận dụng lợi thế của một kênh bên trong
NESTOR thật đáng "ngạc nhiên", theo lời của đại tướng Abrams. Thử tưởng tượng xem
một nửa thế kỷ trước, trong một cuộc bao vậy du kích ẩn sâu trong những khu rừng
nhiệt đới nóng ẩm ở miền Nam Việt Nam, một đơn vị SIGINT của Mặt trận Dân tộc
Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có thể bắt được thông tin một kênh của thiết bị mã
hóa của NSA, và bắt được những thông tin liên lạc chiến thuật được mã hóa của Hoa Kỳ.
12 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

3.1.2 Người tình báo

Như đã đề cập ở trên, người Việt Nam không thể phá mã những mật mã mạnh mà Mỹ
hay RVN sử dụng cho những thông tin liên lạc chiến lược (RVN viết tắt cho Việt Nam
Cộng hòa, tên của chính phủ ở miền Nam, duy trì quyền lực dưới sự bảo hộ của Mỹ).
Thay vì thế, người Việt đã khắc phục tất cả mọi vấn đề bằng cách xây dựng một mạng
lưới rộng lớn với những tình báo viên tinh nhuệ bí mật có quyền truy cập vào nguồn
thông tin chiến lược, chiến thuật của quân đội Việt Nam Cộng hoà và các hệ thống bảo
mật, thậm chí cả hệ thống tình báo của Mỹ, đặc biệt là tổ chức CIA.

3.1.3 Phạm Xuân Ẩn (1927 -2006)

Sau Thế Chiến thứ II, Hoa Kỳ trở thành một đối thủ hùng cường không chỉ với Liên
Xô, mà còn đối với các lực lượng giải phóng cánh tả trên toàn thế giới. Đặc biệt, đầu
những năm 50, Hoa Kỳ đã tham gia rất nhiều vào việc hỗ trợ người Pháp tiền và thiết
bị tại Việt Nam. Những người lãnh đạo ở Hà Nội đã dự đoán rằng một khi họ đánh bại
người Pháp, họ có lẽ sẽ phải thương thuyết với người Mỹ, những người sẽ không ngồi
yên và cho phép Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hiệp định
Geneva năm 1954 đã quy định về cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc sẽ được tổ chức vào
năm 1956 để xác định các thành phần trong chính phủ của Việt Nam độc lập thống nhất.
Tuy nhiên, tình báo Hoa Kỳ đã dự đoán Hồ Chí Minh sẽ thắng với 80% tổng số phiếu
bầu trong cuộc bầu cử (Eisenhower 1965 [8]). Cuộc bầu cử đó đã không bao giờ được tổ
chức.

Mặc dù vào năm 1946, Hồ Chí Minh đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Truman giúp đỡ cho
nền độc lập của Việt Nam, đầu những năm 1950, nhà lãnh đạo Việt Nam đã không ngây
thơ để tin rằng người Mỹ sẽ để họ thống nhất đất nước thông qua cuộc tổng cử. Thay
vào đó, họ đã biết rằng họ sẽ phải dự tính tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay sau
cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ xác định điều rất quan trọng để Việt Nam chuẩn bị
cho cuộc chiến là phải bằng cách có được một nguồn thông tin chính xác về tư duy chiến
lược và chiến thuật của Mỹ. Họ đã chọn một người trẻ luôn ủng hộ Việt Minh – Phạm
Xuân Ẩn cho nhiệm vụ này. Phạm Xuân Ẩn từ đó trở thành một điệp viên tình báo nổi
tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam.

Năm 1953, Phạm Xuân Ẩn được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam dưới sự chủ
tọa của Lê Đức Thọ (người được trao giải Nobel Hòa Bình 20 năm sau đó cùng với Henry
Kissinger vì đàm phán thỏa thuận hòa bình Paris; nhưng ông đã từ chối giải thưởng này).
Phạm Xuân Ẩn được rút khỏi bất cứ hoạt động nào có thể làm tiết lộ về sự có cảm tình
với cộng sản. Vào năm 1957, ông được đưa tới Hoa Kỳ để học chuyên ngành báo chí. Sau
đó, ông quay trở lại Sài Gòn với tư cách là một nhân vật quan trọng cho truyền thông
Hoa Kỳ. Đặc biệt là trong những năm quan trọng của chiến tranh, khi mà ông làm việc
cho tạp chí Time, ông đã lấy được lòng tin của những nhân vật cao cấp của CIA cũng
như những nhân vật cao cấp trong chính phủ miền Nam Việt Nam.

Công việc của ông với vai trò là một tình báo bí mật làm việc cho Cơ quan tình báo
của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam - Việt
Nam dân chủ Cộng hòa trong 15 năm, từ năm 1960 đến năm 1975. Trong khoảng thời
gian bí mật này, ông đã được nhận 16 huy chương cho những hoạt động xuất sắc, phi
thường. Trong một lần, sau khi nhận được báo cáo của Phạm Xuân Ẩn, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bây giờ chúng ta đang đứng trong phòng
tác chiến của quân đội Mỹ”. Sau chiến tranh, vào năm 1976, Phạm Xuân Ẩn được phong
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 13

tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam". Sau đó, ông được
trao hàm Thiếu tướng, và khi ông mất năm 2006, tang lễ của ông được tổ chức theo nghi
lễ của anh hùng chiến tranh. Để biết thêm thông tin về cuộc đời của ông, bạn đọc có thể
đón đọc hai quyển sách bằng Tiếng Anh ("The Spy Who Loved Us: The Vietnam War
and Phạm Xuân Ẩn’s Dangerous Game" (Berman 2007 [4] ), "Perfect Spy: The Incredi-
ble Double Life of Phạm Xuân Ẩn, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist
Agent" (Bass 2009) [3] ), đều nói về ông như một điệp viên tình báo lão luyện và thành
công nhất ở thế kỷ XX ở bất kỳ một đất nước nào.

Chúng ta sẽ còn trở lại câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn khi bàn về mã hóa của phía
Việt Nam.

Hình 4: Ảnh bên trái: Phạm Xuân Ẩn (bên trái) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Ảnh
bên phải: Nguyễn Đình Ngọc

3.1.4 Nguyễn Đình Ngọc (1932 - 2006)

Nguyễn Đình Ngọc là một nhà toán học hoạt động bí mật ở Sài Gòn và được trao
hàm Thiếu Tướng (trong Công An, không phải trong Quân đội). Ông có rất nhiều bằng
toán học và kỹ sư (tất cả đều từ Pháp). Vào những năm 80, ông đã giúp tổ chức một số
buổi tọa đàm về Đại số, Topology và nhiều mảng khoa học khác.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Nguyễn Đình Ngọc là người thông thạo
tiếng Anh và tiếng Pháp (năm 1983, ông là phiên dịch viên cho buổi nói chuyện đại chúng
đầu tiên bằng tiếng Anh mà Neal Koblitz tổ chức ở Việt Nam), được biết đến rộng rãi
trong cộng đồng người nước ngoài ở Sài Gòn và từ đó thu thập được những thông tin
tình báo quý giá từ họ. Một người em trai của ông cũng có quân hàm cao trong Quân
đội của Việt Nam Cộng hòa. Chúng ta không biết liệu rằng có phải Nguyễn Đình Ngọc
đã sử dụng kiến thức về toán học và kỹ sư của ông để làm vững mạnh mật mã học của
người Việt. Và chúng ta thậm chí cũng không rõ là liệu ông đã tự mã hóa những báo
cáo của riêng ông. Theo một nguồn tin (Phượng 2016 [20]), ông có thể đã có một liên
lạc cá nhân ở Sài Gòn (một tình báo khác) mà ông thường gửi những báo cáo của ông
qua giọng nói, và rồi, người đó sẽ chịu trách nhiệm truyền những thông điệp đó về Hà Nội.

Có rất rất nhiều tình báo thông minh, tài giỏi khác hoạt động và làm việc cho Mặt
trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam - Việt Nam Dân
chủ cộng hòa. Đối với người Việt Nam, phương thức chính để thu thập những thông tin
tình báo chiến lược chính là thông qua mạng lưới dày đặc các tình báo bí mật, không
phải là thông qua bất kỳ phân tích phá mã của những mật mã trình độ cao mà người
14 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

Mỹ sử dụng cho những thông tin liên lạc chiến lược.

3.2 COMSEC của Việt Nam và SIGINT của Hoa Kỳ


3.2.1 Mã hóa của Việt Nam
Merle Pribbenow, người đã từng viết bản báo cáo (Pribbenow 2014 [21] ) như đã đề
cập ở trên, nghỉ hưu năm 1995 sau 27 năm làm việc cho cơ quan CIA với tư cách là một
chuyên gia về ngôn ngữ tiếng Việt. Trong một thư điện tử (Pribbenow 2016b [23]) ông
đã tóm tắt về tình trạng mã hóa của Việt Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ
như sau:

Miền Bắc Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia mật mã và điện tín viên...
trong những năm đầu 60 ... để nâng cấp bảo mật thông tin liên lạc của họ
ở miền Nam. Người Việt đã sử dụng nhiều hệ thống khác nhau trong suốt
thời gian chiến tranh, và đã nâng cấp hệ thống mã hóa của họ nhiều lần.
Cho tới cuối cuộc chiến, ít nhất họ đã sử dụng một hệ thống mã hóa kép,
bao gồm việc sử dụng một số mã hóa thay thế từ trong một quyển sách
mã hóa và sau đó tiếp tục chuyển đổi thông điệp đã được mã hóa thông
qua việc sử dụng mã đệm một lần (one-time pad).

Trong một cuộc điện thoại sau đó, ông có nói thêm: “Người Việt Nam đã sử dụng cả
mã Morse và giọng nói cho những đoạn mã hóa, đọc các từ tiếng Việt qua sóng radio để
diễn đạt các chữ cái, giống như cách sử dụng của quân đội Mỹ cho Alpha, Bravo, Charlie,
cho A, B, C, ...”

Tại nơi trưng bày của Bảo tàng Mật mã ở Hà Nội đã cho chúng ta thấy một số chi
tiết. Người Việt Nam đã sử dụng ba kỹ thuật chung trong suốt ba thập kỷ của chiến
tranh, ký hiệu là KTA, KTB và KTC (trong đó KT được viết tắt cho Kỹ Thuật). KTA
là một chu trình mã hóa tiện lợi dựa trên giao hoán và thay thế, trong khi những biến
thể khác của KTB và KTC sử dụng một số loại mã hóa kép. Những năm đầu chiến tranh
chống Mỹ, KTC được sử dụng; cho tới cuối cuộc chiến, người Việt sử dụng KTC-5, số 5
để chỉ độ dài của từng đoạn mã.

Trong bước đầu tiên của KTC-5, một từ sẽ được mã hóa sử dụng một quyển từ điển
tra cứu; bản sao của một quyển từ điển dạng đó đang được trưng bày ở Bảo tàng. Quyển
từ điển có thể được gửi tới nhiều người cùng sử dụng, và nếu quân đội Mỹ phát hiện
được, nó lập tức được thay thế bằng phiên bản khác. Trong bước thứ hai, đoạn thông
điệp cần mã hóa sẽ được mã hóa sử dụng mã đệm một lần (one-time pad). Mã đệm được
ghi như một quyển sách, chỉ được chia sẻ giữa hai người sử dụng, được in chữ rất nhỏ, và
đòi hỏi người dùng sử dụng kính lúp để đọc. Quyển sách rất nhỏ đó có thể dễ dàng tiêu
hủy trong trường hợp nguy hiểm. Để in những quyển sách như thế này đã vượt quá khả
năng của các nhà in của Việt Nam, và vì thế Liên Xô đã in chúng.

Phương thức dùng từ điển tra cứu đặc biệt phù hợp cho người Việt Nam, bởi vì trong
tiếng Việt, tất cả các từ đều được cấu tạo tự nhiên từ các tiếng. Ví dụ, một từ tiếng Anh
là “attack” nhưng trong tiếng Việt là “tấn công”. Bước một là, sử dụng từ điển như được
trưng bày tại Bảo tàng Mật mã, để chuyển từ “tấn” thành cụm “afbhv” và “công” thành
cụm “wxess”, dẫn đến một mã hóa 10 ký tự cho một từ “attack” – tấn công, và sau đó
tiếp tục chuyển đổi đoạn mã hóa sử dụng đệm một lần trong bước thứ 2.
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 15

Từ những nguồn tin của chúng tôi 3 , rõ ràng là quân đội Mỹ không bao giờ có thể
đọc được các mã hóa theo chu trình KTC.

3.2.2 Mực vô hình và một số câu hỏi

Trong những năm 1960 - 1975, khi Phạm Xuân Ẩn gửi những thông tin bí mật từ
các nguồn cao cấp của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, trong tổng số 45 liên lạc viên hoạt
động chuyển tin cho ông, 27 người đã bị bắt và giết – và có lẽ bị tra tấn trước khi họ bị
giết. Tuy nhiên kẻ thù chưa bao giờ tìm ra được nguồn của những thông tin đó ở đâu.
Mọi người có lẽ chắc chắn sẽ nghĩ rằng điều này có nghĩa là tất cả những thông tin của
ông đều được mã hóa rất mạnh. Tuy nhiên, chúng ta được biết rằng, việc mã hóa mạnh
ở Việt Nam là một quá trình rất lâu và chậm, nên điều này là không thể.

Theo những nguồn tin (Berman 2007 [4], Bass 2009 [3], Tư Cang 2016 [25], Phượng
2016 [20]), thực tế diễn ra như sau. Phạm Xuân Ẩn đã sử dụng mực vô hình làm từ bột
gạo để viết những báo cáo của ông lên giấy, rồi ông cuốn tờ giấy đó xung quanh các cuộn
trứng. Trong chợ, ông sẽ đưa trứng cuộn đó cho người liên lạc thứ nhất, một phụ nữ
ẩn danh dưới tên Nguyễn Thị Ba, người cũng đã sống sót qua cuộc chiến tranh và vào
năm 1976, bà được phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”.
Những liên lạc viên khác sẽ lấy và chuyển những tin nhắn tới căn cứ của NLF ở địa đạo
Củ Chi, không xa Sài Gòn. Ở đó tình báo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt
Nam (NLF) sẽ áp dụng phương pháp dùng cồn rượu i-ốt để làm cho mực nổi lên, và rồi
viết lại những đoạn chữ ra mực nhìn thấy thông thường thành hai phần. Một phần là
một báo cáo tương đối ngắn gọn và cần được gửi đi gấp; phần còn lại bao gồm những
báo cáo dài hơn và những báo cáo ít khẩn cấp hơn. Đoạn đầu tiên sẽ được đưa tới một
đài phát thanh và được gửi đi bằng đường sóng radio đã được mã hóa mạnh tới trung
tâm chỉ huy của Mặt trận ở Cam-pu-chia. Phần thứ hai sẽ được chuyển tới những nhà
lãnh đạo ở Hà Nội bằng đường bộ.

Điều này cũng đặt ra một câu hỏi thú vị. Tại sao tình báo của Hoa Kỳ và Việt Nam
Cộng hòa đều không thể tìm ra nguồn của những bản báo cáo chưa được mã hóa từ
những liên lạc viên bị bắt giữ? Phải chăng họ không nghĩ tới rằng NLF đang gửi tin bằng
mực vô hình? Ngược lại, theo Pribbenow (2016b [23]), “Cơ quan CIA và miền Nam Việt
Nam biết rất rõ những người cộng sản Việt Nam gửi những mẩu tin cho liên lạc viên
đều được viết bởi mực vô hình và các đoạn tin đó thường không được mã hóa. Điều này,
người Pháp cũng biết rõ thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh đối đầu với Mặt trận Việt Minh.”

Một câu trả lời cho điều kỳ bí này (Phượng 2016 [20]) có thể là những người liên lạc
có thể dễ dàng hủy đi những thông tin bằng nhiều cách khi họ có nguy cơ bị bắt. Đây
chỉ là một phần của lời giải thích. Tuy nhiên, thời gian, địa điểm, và tình huống của việc
bắt giữ những liên lạc viên thường khác nhau, và điều này thật khó để tin rằng trong tất
cả 27 trường hợp, họ đều có thể hủy đi tất cả những thông tin.

Một lời giải thích khác cho điều này, đầu tiên là, phần thông tin đặc biệt nhạy cảm
có lẽ chưa bao giờ bị lọt ra ngoài. Đó là phần thông tin đã được gửi đi bằng đường bộ từ
Củ Chi tới những căn cứ ở gần. Phần thứ hai là những thông tin khá quan trọng theo lẽ
tự nhiên, thường ít chỉ đích danh một nguồn cụ thể nào đó – bàn luận về các cuộc xung
3 Pribbenow (2016a) đã nói điều này một cách trực tiếp, mọi người đã biết những thông tin này qua

các nguồn khác nhau của NSA (Johnson 1995, Hanyok 2002, NSA 2007, Borrmann et al. 2013), cho biết
rằng phía Mỹ chưa bao giờ phá được mật mã cao cấp mà phía Việt Nam sử dụng cho những thông tin
chiến lược của họ. Tuy nhiên ông cũng cho biết rằng đối với những thông tin không được mã hóa hoặc
mã hóa yếu, phía Mỹ đã thành công trong việc can thiệp, phân tích lưu lượng, định hướng thông tin.
16 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

đột và thay đổi về việc thiết lập nền chính trị và quân sự của Việt Nam Cộng hòa, những
đánh giá tổng quan và kế hoạch của người Mỹ, căng thẳng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ
- Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, những nhạy cảm trong chính trị và quân sự, và tương
tự như thế. Những thông tin như thế có thể được tìm vết từ nhiều nguồn khác nhau, và
tình báo Mỹ đều biết rõ quân đội Việt Nam Cộng hòa và các cơ quan tình báo đầy rẫy
các điệp viên.

3.2.3 Thế lưỡng nan trong việc mã hoá thông tin chiến thuật.

Theo Pribbenow (2016a [22]), NSA của Mỹ và các chi nhánh mật mã của Lục Quân,
Hải Quân và Không Quân chưa bao giờ phá được bất kỳ mã khóa trình độ cao nào mà
người Việt sử dụng cho thông tin liên lạc chiến lược. Tuy vậy, những thông tin liên lạc
chiến thuật của Việt Nam đều hoặc chưa được mã hóa hoặc được mã hóa yếu thì rất dễ
dàng cho NSA nắm bắt và đọc.

Vấn đề của Việt nam chính là quá trình mã hóa còn rất chậm, vì thế nó không thể
được sử dụng trong trường hợp (1) một lượng cực lớn thông tin cần được gửi đi, ví dụ
như trong năm 1967-1968, khi mà nguồn nhân lực và vũ khí được vận chuyển vào phía
miền Nam chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân hoặc (2) thông tin cần được gửi đi
rất nhanh, trong điều kiện bị đối phương không kích. Theo lịch sử của NSA Mỹ (Hanyok
2002, Chương 6 và 7 [10]), báo cáo chỉ ra hai lĩnh vực chính mà người Mỹ có ưu thế về
chiến thuật từ việc phân tích và giải mã thông tin từ phía Việt Nam. Đầu tiên, bắt đầu
từ năm 1967, họ đã có thể dự đoán chính xác số lượng và địa điểm của lực lượng giải
phóng di chuyển vào miền Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Cùng thời điểm đó, qua
phân tích tình báo thông tin tín hiệu, Mỹ nắm được lợi thế chiến lược trong chiến dịch
chính sẽ diễn ra ở khu vực Tây Nguyên, trước khi diễn ra Chiến dịch Tết Mậu Thân,
đặc biệt là trận dánh tại Đắk Tô đã kéo dài trong suốt tháng 11 (Borrmann et al. 2013,
tr.40-42 [6]). (Thực tế, những sĩ quan của NSA Mỹ thừa nhận rằng, bắt đầu từ khoảng
hai năm trước đó, họ đã có thể biết được ngày, mục tiêu và những cứ tụ điểm mà quân
giải phóng của NLF tấn công thông qua một sự tổng hợp về những phân tích kỳ công về
mật độ truyền tin và phương hướng thông tin của đối thủ (Hanyok 2002, tr.539 [10]).)

Thứ hai là, trong chiến dịch không kích, những người điều khiển, ngăn chặn tín hiệu có
thể cảnh báo máy bay thả bom của Mỹ về các mối đe dọa từ lực lượng phòng không của
miền Bắc Việt Nam. Cho tới cuối những năm 60, phòng thủ trên không là một mạng lưới
dày đặc, rộng lớn gồm các trạm theo dõi và cảnh báo trên không (trực quan và radar),
pháo phòng không (AAA) và các tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) và MiG. Một mạng
lưới thông tin liên lạc được điều hành thông qua sở chỉ huy phòng không tại Sân bay Bạch
Mai ở Hà Nội. Như đã giải thích trong lịch sử NSA (Hanyok 2002, tr. 237 [10]), “hầu hết
các thông tin chuyển qua hệ thống thông tin liên lạc đều sử dụng hệ thống mã hóa hoặc
mã hóa cấp thấp hoặc bằng ngôn ngữ đơn giản. Gửi trực tiếp thông tin liên lạc thông
qua hệ thống phòng không là do nhu cầu cần nhận thông tin nhanh, gấp.” Sau một vài
năm không kích, SIGINT của Mỹ đã trở nên rất hiệu quả trong việc phân tích thông tin
liên lạc phòng không Hà Nội và sử dụng dữ liệu đó để giúp máy bay ném bom Mỹ vượt
qua hệ thống phòng không của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã cố gắng để bắn hạ nhiều
máy bay ném bom của Hoa Kỳ, nhưng họ có thể sẽ bắn rơi nhiều hơn nữa nếu như họ
mã hóa những thông tin liên lạc trên không của họ. Thật đáng tiếc, điều này là không thể.

Trong suốt chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 và trong cuộc chiến tranh trên không,
SIGINT của Mỹ đã giúp Hoa Kỳ giảm nhiều tổn thất và thương vong hơn, nhưng tất
nhiên điều này không làm thay đổi kết quả của cuộc chiến.
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 17

3.3 Kết luận: Một sự tương xứng ngạc nhiên


Như trong phần mở đầu chúng ta đã bàn luận về một quan điểm chung về cuộc chiến
tranh của Mỹ ở Việt Nam, mặc dù có ưu thế vượt trội về công nghệ, nhưng người Mỹ
vẫn thua trong cuộc chiến này bởi vì “trái tim và ý chí” nằm ở phía đối phương. Trước
quan điểm về sự yếu kém về công nghệ của Việt Nam, có một điều đáng ngạc nhiên chính
là trong một lĩnh vực quan trọng của công nghệ quân sự - bảo mật thông tin liên lạc và
tình báo thông tin tín hiệu – cả hai bên đều khá tương xứng. Ở cả hai bên, COMSEC
hoạt động tốt cho những thông tin liên lạc chiến lược, nhưng lại không đủ khả năng cho
những thông tin liên lạc chiến thuật. Nhìn chung, người Việt Nam có những thành công
và thất bại tương tự như người Mỹ.

Các thiết bị mã hóa NESTOR của người Mỹ được chế tạo tốt để đạt được chức năng
mã hóa mong muốn; những thiết bị đó hoạt động ổn định khi được thử nghiệm tại Fort
Meade. Tuy nhiên, chính các thiết bị này lại làm việc kém hiệu quả trong khí hậu thời
tiết nóng, ẩm ở miền Nam Việt Nam. Hệ thống mã hóa kép của Việt Nam lại được thiết
lập tốt và nó dường như chưa bao giờ bị phá. Tuy vậy, hệ thống mã hóa quá phức tạp,
đòi hỏi thời gian mã hóa dài, trong khi đó những thông tin liên lạc chiến thuật cần được
mã hóa và giải mã nhanh - tức thời, do đó những thông tin chiến thuật thường không
được mã hóa .

Hơn thế nữa, chúng ta nhận thấy yếu tố con người luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng
trong phương thức bảo mật thông tin liên lạc tốt – sự tự mãn và chủ quan của các chỉ
huy người Mỹ ở Việt Nam đã luôn nghĩ rằng các nhà ngôn ngữ học của Mặt trận Dân tộc
Giải phóng miền Nam Việt Nam (NLF) sẽ không bao giờ có thể hiểu được những trao đổi
chứa nhiều thuật ngữ quân sự và các từ mã thông thường, sự thiếu sót của Việt Minh khi
chuyển tin đã đính kèm từ khóa quan trọng nhất vào trong cụm đầu tiên của bản mã. Nhìn
lại, độ chênh lệch lớn giữa trình độ hiểu biết về mật mã tại các trung tâm căn cứ chỉ huy
và thực tế triển khai chiến thuật trên chiến trường không hề làm chúng ta ngạc nhiên, bởi
chúng ta nhận ra được sự chênh lệch giống nhau trong thế giới hiện đại của an ninh mạng.

Có một lý do cơ bản tại sao mật mã đôi khi thường được dùng để tăng độ khó. Mật
mã học, giống như là toán học thuần túy, là trung tâm đầu não – không cần đầu tư lớn về
tài chính vào đây. Để có mật mã tốt, bạn không cần phải giàu, bạn chỉ cần thông minh.
Trong toán học, hay ngay cả trong những điều kiện khó khăn đến không thể tưởng tượng
được trong các cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, Việt Nam đã có một truyền thống lâu dài
(Koblitz 1979, 1990 và 2011 [14, 15, 16]), tiêu biểu là các nhà toán học nổi tiếng như Lê
Văn Thiêm, Hoàng Tụy và Ngô Bảo Châu với Giải thưởng Fields. Với giá trị cao mà văn
hóa Việt Nam đặt vào tư tưởng thuần túy, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ có thể tạo
ra những bản mã mà NSA không thể phá.

4 MỘT CÂU CHUYỆN LẠ VỀ ĐẠO ĐỨC GIỮA


NHỮNG NGƯỜI MỸ ĐIỀU KHIỂN SIGINT
Trong một chú thích trong cuốn sách của ông về Nixon và Kissinger (Hersh 1983 tr.
628-629 [11]), nhà báo người Mỹ Seymour Hersh kể về một câu chuyện đáng chú ý mà
ông ghi được từ các cuộc phỏng vấn với các phi công Mỹ trước đây. Câu chuyện lại một
lần nữa kể lại (chỉ có một vài chi tiết được bổ sung) trong một phần của báo cáo NSA
được công bố (Hanyok 2002, tr. 418 [10]).
18 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

Hình 5: Lê Văn Thiêm (ảnh bên trái), Hoàng Tụy (ở giữa), và Ngô Bảo Châu (bên phải
ngoài cùng).

Trong khi Lực lượng Không quân Hoa Kỳ (USAF) rải bom đêm Giáng sinh ở Hà Nội
năm 1972, có hai trạm đơn vị tình báo lớn của quân đội Hoa Kỳ - một ở Udon, Thái Lan
và trạm còn lại ở Okinawa, Nhật Bản – đã tiến hành một cuộc biểu tình “nil heard” trong
suốt 36 tiếng đồng hồ. “Nil heard” theo thuật ngữ của USAF được hiểu là “I hear nothing”
(tôi không nghe thấy gì hết), nghĩa là “những người chuyển tin sẽ tuyên bố rằng họ không
hề nghe thấy một truyền phát từ trạm mà họ được chỉ định để sao chép” (Hanyok 2002,
tr.418 [10]).

Theo Hersh giải thích, từ điểm mấu chốt của tình báo Mỹ, họ biết rằng, sau tuyên
bố của Kissinger vào tháng 10 năm 1972 “Hòa bình đã nằm trong tay”, Hà Nội bắt đầu
rút lực lượng không quân (cả máy bay MiG), và thành phố đang chuẩn bị cho lễ kỉ niệm
lớn về hòa bình. Tuy nhiên, trong tình thế đó, Nixon và Kissinger đã quyết định quay
trở lại không kích – có lẽ là để ép Việt Nam thực hiện một số nhượng bộ vào phút chót
trong thỏa thuận hòa bình – điều này đã khiến họ cực kỳ tức giận. Họ rất phẫn nộ trước
vụ đánh bom của Hoa Kỳ vào người dân, vì thế họ từ chối thông báo tín hiệu của các
trạm này cho lực lượng Không Quân của Mỹ. Như đã đề cập trước đó, SIGINT lúc đó
của USAF là một chiến lược quan trọng để ngăn chặn lực lượng phòng không của Việt
Nam trong việc bắn hạ các máy bay thả bom của Mỹ. Hành động này của họ đã giúp các
trạm AAA và SAM bảo vệ Hà Nội.

Theo nguồn tin của Hersh, một thời gian sau đó có phiên tòa bí mật xét xử những
người biểu tình đã được tiến hành tại Đài Loan (nhưng USAF cho đến ngày nay vẫn từ
chối xác nhận và giữ thông tin về vụ việc, vấn đề này).

Neal Koblitz gợi nhớ về chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam vào năm 1978,
chỉ ba năm sau khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ. Ông và vợ Ann đã rung động và buồn
cảm trước tình cảnh mà họ chứng kiến ở khu phố Khâm Thiên, một sự đổ nát, sụp đổ
hoàn toàn của các căn nhà bởi bom Mỹ rải xuống vào đêm Giáng sinh năm đó. Vào ngày
26 tháng 12 năm 1972, 283 người dân đã chết trên con phố Khâm Thiên. Đó là một trong
nhiều hành động tàn ác khủng khiếp của USAF.

Hành động phản kháng của những sĩ quan điệp báo của USAF đã phần nào giúp cho
số người thiệt mạng trong các cuộc ném bom của Không Quân Mỹ giảm đi rất nhiều.
Những người làm việc SIGINT đã phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: cứu giúp
các phi công USAF ra khỏi pháo phòng không và các tên lửa đất đối không, hoặc giúp
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 19

bảo vệ người dân Hà Nội vô tội khỏi bom mìn. Và cuối cùng, họ đã chọn quyết định thứ hai.

Có rất nhiều sự quan tâm trong những năm gần đây – đặc biệt từ những tiết lộ của
Edward Snowden – về các vấn đề đạo đức và luân lý liên quan đến tình báo thông tin
liên lạc. Bản thân Snowden thường được nhìn nhận như là một ví dụ hiếm hoi về lòng
can đảm của một người làm việc ngay trong “lòng địch”. Từ đó, chúng ta biết rằng trước
đây, đã có nhiều tiền lệ của những người dám đưa ra những quyết định táo bạo, có nguy
cơ rủi ro rất lớn. Gần một nửa thế kỷ sau vụ đánh bom đêm Giáng sinh ở Hà Nội, chúng
ta nên tạm dừng một chút để cảm ơn chân thành đến một số người làm SIGINT, những
người đã dám thể hiện lòng nhân đạo và sự can đảm tại một thời điểm khi sự tàn bạo
khủng khiếp đang được thực thi để chống lại những con người vô tội.

Hình 6: Phố Khâm Thiên ngay sau vụ đánh bom đêm Giáng sinh của Không quân Hoa
Kỳ. Chúng ta đã hiểu Đại tướng Curtis LeMay khi nói “đánh bom cho chúng quay trở lại
Thời kỳ Đồ đá.”.

VỀ CÁC TÁC GIẢ


Phan Dương Hiệu nhận học vị Tiến sĩ về Mật mã học tại Đại học Sư Phạm Paris
(École Normale Supérieure) vào năm 2005. Hiện nay, ông đang là giáo sư tại Viện nghiên
cứu XLIM, Đại học Limoges, Pháp. Nghiên cứu của ông tập trung vào việc thiết lập các
sơ đồ mã hóa. Từ năm 2013, ông là thành viên Hội đồng định hướng của Asiacrypt, ông là
đồng chủ tịch (cùng giáo sư Ngô Bảo Châu) của hội nghị Asiacrypt 2016 tại Hà nội. Ông
đã tham gia các ủy ban chương trình của nhiều hội nghị quốc tế, trong đó có Eurocrypt,
Asiacrypt, và PKC.

Neal Koblitz nhận học vị Tiến sĩ về Toán học tại Đại học Princeton vào năm 1974,
và từ năm 1979, ông làm việc tại Đại học Washington. Ông là người phát minh ra Mật
20 PHAN DƯƠNG HIỆU VÀ NEAL KOBLITZ

mã đường cong Hyperelliptic và là người đồng phát minh ra Mật mã đường cong elliptic.
Trong những năm gần đây, nghiên cứu của ông (cùng với Alfred Menezes) chủ yếu tập
trung vào các bài phê bình về sự áp dụng sai toán học trong mật mã học. Neal Koblitz
và vợ ông Ann đã hợp tác với Viện Toán học Hà Nội và Hội Phụ nữ Việt Nam trong hơn
30 năm qua.

LỜI CẢM ƠN
Chúng tôi chân thành cảm ơn Thomas Bass, Larry Berman, Christopher Goscha,
Trần Kim Phượng, Merle Pribbenow và Brian Snow về những nghiên cứu và thông tin
hữu ích và Ann Hibner Koblitz và Alfred Menezes đã cùng hỗ trợ biên tập. Tất nhiên,
các quan điểm được nêu ra và bất kỳ lỗi nào đều là trách nhiệm của các tác giả.

Tài liệu
[1] Anderson, R. J. 2008. Security Engineering: A Guide to Building Dependable Dis-
tributed Systems, 2nd ed., Wiley.

[2] Ban Cơ Yếu (Cryptographic Bureau). n.d. Cơ Yếu Công An Nhân Dân Biên Niên
Sự Kiện (1945–1985) (History of the Cryptographic Section of the People’s Police,
1945–1985).

[3] Bass, T. A. 2009. The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Phạm Xuân Ẩn’s
Dangerous Game, Public Affairs.

[4] Berman, L. 2007. Perfect Spy: The Incredible Double Life of Phạm Xuân Ẩn, Time
Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent, Smithsonian.

[5] Bình, N. T. 2013. Family, Friends, and Country, translated by L. Borton, Tri Thức
Pub. House.

[6] Borrmann, D. A., W. T. Kvetkas, C. V. Brown, M. J. Flatley và R. Hunt. 2013 The


History of Traffic Analysis: World War I - Vietnam, Trung tâm Lịch sử Mật mã,
NSA.

[7] Trung tâm Dữ liệu Lịch sử - Centre historique des archives, Service Historique de
la Défense, Vincennes, Pháp. "Archives de Indochine: la sous-série GR 10H (1867-
1956)," "3ème bureau," "Servie du Chiffre" GR 10 H 326 và "Tranmission et Chiffre"
GR 10 H 3315-3316.

[8] Eisenhower, D. D. 1965. The White House Years: Wagging Peace 1956-1961, Dou-
bleday and Co.

[9] Goscha, C. 2012. Comparative Studies in Society and History, 54 (4):798-831.

[10] Hanyok, R. J. 2002 Spartans in Darkness: American SIGINT and the Indochina War,
1945-1975, NSA, có tại http://fas.org/orp/nsa/spartans/

[11] Hersh, S. 1983. The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House, Summit
Books.

[12] Interview with Archimedes L. A. Patti. 1981. http://openvault.wgbh.org/


catalog/vietnam-bf3262-interview-with-archimedes-l-a-patti-1981
MẬT MÃ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH CHỐNG PHÁP VÀ MỸ 21

[13] Johnson, T. R. 1995. American Cryptology during the Cold War, 1945-1989; Book
II: Centralization Wins, 1960-1972, NSA.
[14] Koblitz, N. 1979. Một chuyến thăm Hà Nội, The Mathematical Intelligencer, 2 (1):38-
42.
[15] Koblitz, N. 1990. Cuộc phỏng vấn với Giáo sư Hoàng Tụy, The Mathematical Intel-
ligencer, 12 (3):16-34.
[16] Koblitz, N. 2011. Cuộc phỏng vấn với Giáo sư Ngô Bảo Châu, The Mathematical
Intelligencer, 33 (1):46-50.
[17] Myer, C. R. 1989. SIGINT của Việt Cộng và COMSEC của Hoa Kỳ ở Việt Nam,
Cryptologia, 13 (2):143-150.

[18] NSA và Trung tâm Lịch sử Mật Mã. 2014. Essential Matters: History of the Cryp-
tographic Branch of the People’s Army of Vietnam 1945-1975, được dịch từ bản của
chính phủ Việt Nam năm 1990, có sẵn tại Amazon.
[19] National Security Agency. 2007. Vietnam: A SIGINT paradox (Part I), de-
classified and approved for release on 27 February 2007, https://www.nsa.
gov/news-features/declassified-documents/crypto-almanac-50th/assets/
files/Vietnam_A_SIGINT_Paradox_Part_I.pdf
[20] Phượng, T. K. 2016. Personal communications with first author, August 2016.
[21] Pribbenow, M. L. 2014. The Soviet-Vietnamese Intelligence Relationship during the
Vietnam War: Cooperation and Conflict.
[22] Pribbenow, M. L. 2016a. Personal communications with second author, February
2016.
[23] Pribbenow, M. L. 2016b. Email to second author, 1/9/2016.

[24] Snow, B. 2015. Tháng 10 năm 2015.


[25] Tàu, N. V. (Tư Cang). 2016. Interview by L. Berman, July 2016.

You might also like