You are on page 1of 13

NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN

Mục tiêu học tập:


1. Nêu được định nghĩa, khái niệm nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV).
2. Mô tả được tầm quan trọng của NKBV, các vi sinh vật gây nhiễm trùng, ổ chứa,
phương thức lây truyền, và các yếu tố ảnh hưởng đến NKBV.
3. Trình bày được các NKBV thường gặp, các biện pháp giám sát NKBV.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định, nhiễm khuẩn bệnh viện đang trở
thành một vấn đề toàn cầu. Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao chứng tỏ sự yếu kém trong
chất lượng của các dịch vụ y tế không những làm kéo dài thời gian lưu trú tại bệnh viện,
tăng chi phí điều trị mà còn gây ra nhiều stress, giảm hoặc mất chức năng của các cơ
quan quan trọng trong cơ thể dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mặt
khác, nhiễm khuẩn bệnh viện còn có thể xảy ra ở cả nhân viên y tế ở các cơ sở y tế thông
qua công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Mặc dù đã có sự tiến bộ vượt bậc trong Y học về chẩn đoán và điều trị cũng như
các phương pháp hiện đại nhằm tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh, nhiễm khuẩn bệnh viện
vẫn ngày một gia tăng với tỷ lệ nhiễm khuẩn chung khá cao từ 5-10%. Các yếu tố ảnh
hưởng đến sự phát triển của nhiễm khuẩn bệnh viện là vi sinh vật gây bệnh, tính nhạy
cảm của cơ thể, yếu tố môi trường và tính kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh. Mục tiêu
của việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, không lây
chéo cho người khác, không lây chéo ra ngoài cộng đồng và bảo vệ sức khoẻ cho nhân
viên bệnh viện.
I. KHÁI NIỆM VỀ NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN
1.1. Định nghĩa nhiễm khuẩn bệnh viện
Theo các tiêu chuẩn chẩn đoán của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (Center
for Diseases Control: CDC) thì nhiễm khuẩn bệnh viện là nhiễm khuẩn xảy ra do hậu quả
của nằm viện, nghĩa là:
+ Không có tình trạng ủ bệnh lúc nhập viện
+ Nhiễm khuẩn xẩy ra tối thiểu 48 giờ sau nhập viện
+ Chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng.

Thời gian nằm viện


48 giờ t
Vào viện Ra viện
Nhiễm khuẩn bệnh viện

105
Nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ là nhiễm khuẩn xảy ra lúc bệnh nhân nằm điều
trị tại bệnh viện mà kể cả những bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng sau khi ra viện mà
nguyên nhân của nó có nguồn gốc từ bệnh viện.
Trên thế giới, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện khắp nơi đều rất cao (đông Địa Trung
Hải 11,8%, Đông Nam Á 10%, Châu Âu và Tây Thái Bình Dương 7-9%) chứng tỏ công
tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện chưa có hiệu quả cao mặc dù đã có nhiều tiến bộ
trong công tác chăm sóc và liệu pháp kháng sinh.
Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện thay đổi tuỳ theo bệnh viện, thường cao ở những
bệnh viện tuyến trên và bệnh viện trung ương, điều này phản ánh tình trạng bệnh nặng
hơn và sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị.
Nhiễm khuẩn bệnh viện xảy ra trong môi trường hoạt động của bệnh viện, lây từ
thầy thuốc sang bệnh nhân, từ bệnh nhân sang thầy thuốc và giữa các bệnh nhân với
nhau. Các loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp là: nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn
đường tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn ở những bệnh
nhân mang ống thông.
1.2. Dịch tễ học nhiễm khuẩn bệnh viện
1.2.1. Tỷ lệ bệnh
Nhiễm khuẩn bệnh viện xảy ra từ 2 đến 10 % (trung bình 5%) nguời bệnh điều trị
ở bệnh viện. Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện thay đổi tùy theo bệnh viện, thường cao ở
những bệnh viên trung ương; điều này phản ánh tình trạng nặng hơn của chứng bệnh ở
người bệnh và việc sử dụng nhiều hơn những phương tiện chẩn đoán và điều trị dễ gây
chấn thương.
Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Trung bình
nhiễm khuẩn bệnh viện có tỷ lệ tử vong 1%, chi phí điều trị nhiễm khuẩn bệnh viện khá
lớn. Hơn nữa nhiễm khuẩn bệnh viện làm giảm năng suất lao động vì người bệnh phải
được điều trị thêm một thời gian.
1.2.1.1. Tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay trên thế giới.
Nhiễm khuẩn bệnh viện xảy ra ở khắp các bệnh viện trên thế giới. Tổ chức Y tế
thế giới ước tính ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu người trên thế giới mắc
phải nhiễm khuẩn bệnh viện. Các điều tra liên quốc gia do các nước và tổ chức Y tế thế
giới thực hiện cho thấy: Nhiễm khuẩn bệnh viện ở các nước Châu Âu và khu vực Tây
Thái Bình Dương từ 7,7% - 9%; tỷ lệ này cao hơn ở Trung đông và khu vực Đông Nam
Á: 11,8% và 10%. Trung bình có 5-10% bệnh nhân vào viện bị mắc nhiễm khuẩn bệnh
viện, trong đó tử vong khoảng 5%.

106
1.2.1.2. Tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện hiện nay ở Việt Nam
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, thống kê mỗi năm nước ta có 7,5
triệu bệnh nhân nhập viện với gần 8% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện. Như vậy, sẽ
có khoảng 600.000 trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện, chưa kể đến số nhân viên y tế bị
phơi nhiễm.
Theo báo cáo của Vụ Điều trị, Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện
chung trong 11 bệnh viện năm 2001 là 6,8%. Theo nghiên cứu của Sở Y tế thành phố Hồ
Chí Minh năm 2002 thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các bệnh viện trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh là 8,1%. Ở bệnh viện Việt-Đức Hà Nội qua 4 nghiên cứu điều tra
cắt ngang năm 2001, 2002, 2003 và 2004 cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 4,1%.
Báo cáo tháng 7 năm 2008 của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tiến hành
điều tra tại 19 bệnh viện, kết quả cho thấy có 5,7% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn từ bệnh
viện. Trong số 9.345 bệnh nhân được điều tra, có 535 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh
viện, chiếm 5,7%. Các nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp nhất gồm nhiễm khuẩn hô hấp
(55,4%), nhiễm khuẩn vết mổ (13,6%), nhiễm khuẩn tiết niệu 9,7%.
1.2.2. Ổ chứa các vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện
- Ở người: Nhân viên y tế, bệnh nhân và những người đến thăm là ổ chứa đầu tiên.
- Các động vật trung gian truyền bệnh: chó, mèo, chuột, bọ chét, tôm, cua, cá ...
- Đồ vật: các vật dụng, dụng cụ y tế, các thực phẩm nhiễm khuẩn.
- Môi trường vệ sinh bệnh viện, không khí bệnh viện...
Hầu hết nhiễm khuẩn bệnh viện xuất phát từ vi khuẩn sống trên cơ thể người bệnh,
nhân viên y tế và người thăm bệnh.
Khả năng gây bệnh của các tác nhân bị chi phối bởi các yếu tố: số lượng, độc lực,
sự thích ứng của tác nhân, tác động của môi trường và sự đề kháng của cơ thể nhiễm.
1.2.3. Sự lây truyền vi sinh vật trong nhiễm khuẩn bệnh viện
1.2.3.1. Lây trực tiếp
Trong bệnh viện, tay nhân viên y tế thường bị nhiễm bẩn tạm thời và thường là
môi giới truyền vi khuẩn từ người này đến người khác. Những nhân viên y tế khoẻ mạnh
thường mang các vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu vàng Staphylococcus aureus,
Streptococcus pyogenes, Salmonella enteritidis và truyền các vi khuẩn này cho người
bệnh.

107
Sơ đồ lây truyền trực tiếp trong nhiễm khuẩn bệnh viện
1.2.3.2. Lây qua dụng cụ
Các dụng cụ như nhiệt kế điện tử, ống thông, dây truyền dịch, bơm kim tiêm, dụng
cụ thay băng, thuốc men, các loại dịch chuyền tĩnh mạch, thức ăn, sữa, các loại dung dịch
uống có thể truyền các vi khuẩn gây nhiễm trùng bệnh viện cho người bệnh.
1.2.3.3. Lây qua không khí
Không khí trong bệnh viện, hệ thống thông khí có thể truyền các tác nhân như
M.tuberculosis, virus varicella-zoster, virus corona gây SARS, các loài nấm Aspergillus.
Bụi nước bị nhiễm bẩn có thể truyền các vi khuẩn Legionella

Các đường lây truyền của nhiễm khuẩn bệnh viện


1.2.4. Đối tượng của các nhiễm khuẩn bệnh viện
Ngoài các yếu tố tuổi, giới, bệnh nền, tình trạng dinh dưỡng tổng quát có ảnh
hưởng đến nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện. Những đối tượng có nguy cơ cao là:
- Những bệnh nhân được điều trị tại các khoa hồi sức cấp cứu, khoa ngoại bị
nhiễm khuẩn bệnh viện với tỷ lệ cao nhất.
- Ở những bệnh nhân bị phẫu thuật, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao gấp 2,4
lần so với người được điều trị nội khoa. Nguy cơ này ở bệnh nhân mổ cấp cứu cao hơn
1,4 lần so với người mổ chương trình..
- Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như AIDS, có thể làm bùng phát nhiễm
khuẩn mà nguyên nhân do vi khuẩn từ ruột do sự suy giảm chức năng của hệ thống miễn
dịch.

108
1.3. Hậu quả của nhiễm khuẩn bệnh viện.
Nhiễm khuẩn bệnh viện thật sự đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho
ngành y tế, ngoài việc không đảm bảo chất lượng điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân
nằm viện, không hoàn thành mục tiêu điều trị bệnh cho bệnh nhân, nhiễm khuẩn bệnh
viện còn gây ra:
- Kéo dài thời gian nằm viện, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC:
Center for Deseases control) trung bình thời gian điều trị kéo dài thêm từ 6 đến13 ngày.
- Tăng chi phí điều trị, theo báo cáo ở Mỹ: phải chi phí thêm 4 đến 5 tỷ USD/năm,
ở Đức 1,5 đến 2 tỷ Euro/năm.
- 1/3 số bệnh nhân tử vong có liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại Mỹ: tử vong
là 90000 trường hợp/năm.
- Tạo ra các chủng vi khuẩn có khả năng đề kháng, chi phí cho việc tìm kiếm
kháng sinh mới ngày càng tăng cao.
- Làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Nói một cách hình tượng và dễ hiểu là sự gia tăng các nhiễm khuẩn bệnh viện tại
các bệnh viện chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “5 tăng 2 giảm ở bệnh viện”:
- 5 tăng: tăng biến chứng và tử vong, tăng ngày điều trị, tăng sử dụng kháng sinh,
tăng kháng thuốc và tăng giá thành điều trị.
- 2 giảm: giảm chất lượng điều trị, giảm uy tín bệnh viện.

II. TÁC NHÂN GÂY NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN


Chúng ta có thể chia thành 3 nhóm tác nhân nhiễm khuẩn bệnh viện chính như
sau: Vi khuẩn 90%, Virus 8%, Nấm và Ký sinh trùng 2%
2.1. Vi khuẩn:
Các loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh đều có thể trở thành tác nhân gây
nhiễm khuẩn bệnh viện
2.1.1. Các loài vi khuẩn Gram dương.
2.1.1.1. Các cầu khuẩn gram dương:
Thường gặp nhất là các vi khuẩn tụ cầu, liên cầu ruột.
+ Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus): là tác nhân gây bệnh quan trọng. Vi
khuẩn này thường gây ra nhiễm trùng vết thương, vết bỏng và thông tĩnh mạch. S. aureus
được tìm thấy khắp nơi, ở da, tóc, tỵ hầu của người bệnh và nhân viên bệnh viện, ở tay
nhân viên bệnh viện, ở dụng cụ và ở hầu hết đồ vật tìm thấy ở bệnh viện. Nhiều chủng S.

109
aureus kháng thuốc được tìm thấy ở bệnh viện, chúng có thể gây nên những vụ dịch
nhiễm trùng ở những đơn vị chăm sóc tích cực. Chúng đề kháng với erythromycine,
clindamycine và aminoglycoside. Những chủng tụ cầu kháng Methicillin (MRSA:
methicillin resistance S. aureus) cũng là tác nhân gây nhiễm trùng bệnh viện gặp khá phổ
biến nhiều nơi trên thế giới.
+ Tụ cầu trắng (Staphylococcus epidermidis): Bình thường trên da lành của cơ thể
mang loại vi khuẩn này với mật độ khoảng trên 100 vi khuẩn/cm2. Loại này cũng có thể
gây viêm nội tâm mạc và nhiễm trùng máu. Những chủng S. epidermidis cũng mang
những gen đa đề kháng kháng sinh và có thể truyền những gen đó cho các chủng S.
aureus.
+ Liên cầu (Streptococcus).
- Liên cầu nhóm A (S. pyogenes): nhiễm vào cơ thể qua không khí, bụi. Chúng
gây nhiễm khuẩn sản khoa, viêm phổi, tinh hồng nhiệt…
- Liên cầu nhóm B (S. agalactiae): gây nhiễm trùng đường sinh dục, đường tiết
niệu và viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh... Truyền bệnh qua bàn tay, đồ vật, dụng cụ.
- Liên cầu nhóm D (S. faecalis) (Liên cầu ruột): Liên cầu ruột được biết từ lâu là
một tác nhân nhiễm khuẩn bệnh viện quan trọng về đường tiểu, nó là tác nhân có ý nghĩa
ở vết thương của những người bệnh điều trị với các cephalosporin. Đặc biệt nhiều chủng
S. faecalis đề kháng aminoglycoside như gentamicin và vancomycin, chúng thường gây
nhiễm trùng tiết niệu, bội nhiễm sau phẫu thuật bụng, gây nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm
khuẩn vết thương đường tiết niệu... Truyền bệnh tại chỗ bàn tay, bề mặt….
+ Phế cầu (S.pneumoniae): gây viêm phổi, nhiễm trùng tai mũi họng, viêm màng
não. Có khoảng 50% người mang vi khuẩn này ở đường hô hấp trên không có triệu
chứng lâm sàng. Truyền bệnh theo đường không khí.
2.1.1.2. Các trực khuẩn Gram dương:
Các trực khuẩn Gram dương cũng trở thành những tác nhân quan trọng nếu điều
kiện vệ sinh bệnh viện không đảm bảo, các bệnh do chúng gây nên trong nhiễm khuẩn
bệnh viện thường thuộc nhóm ngộ độc thức ăn, uốn ván sau phẫu thuật, sinh đẻ, hoại thư
sinh hơi...
2.1.2. Các loài vi khuẩn Gram âm.
Trong các loài vi khuẩn Gram âm gây nhiễm khuẩn bệnh viện thì các trực khuẩn
Gram âm đóng vai trò quan trọng nhất, bởi vì chúng phát triển sự kháng thuốc nhanh hơn
các cầu khuẩn Gram dương, trực khuẩn Gram âm trở nên kháng thuốc qua thu hoạch
plasmid R. Ngoài ra Enterobacter, Pseudomonas và Serratia còn có cơ chế đột biến
nhiễm sắc thể đề kháng các loại kháng sinh. Nhiều loài vi khuẩn gram âm gây nhiễm
khuẩn bệnh viện ở đường hô hấp, đường sinh dục, đường tiết niệu, nhiễm khuẩn vết

110
mổ… Các vi khuẩn đường ruột được coi là thủ phạm chính gây nhiễm trùng bệnh viện.
Trên thực tế hay gặp các loại sau:
+ Escherichia coli: gây tiêu chảy ở trẻ em, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm trùng
đường niệu và nhiễm trùng máu. E. coli thường tìm thấy trong nhiễm khuẩn bệnh viện ở
những bệnh nhân mà cơ chế bảo vệ bị suy giảm, sử dụng nhiều thủ thuật ở đường tiết
niệu.
+ Acinetobacter: có mặt ở đường sinh dục, tiết niệu, da, đất, nước, không khí.
Thường gây nhiễm khuẩn đường hô hấp (trong phòng hồi sức và phòng mổ) trên cơ địa
bệnh nhân suy giảm sức đề kháng, nằm lâu, sử dụng phương tiện hỗ trợ hô hấp kéo dài…
+ Serratia: một số loại như Serratia marcescens hay Serratia grimesii có thể gây
nhiễm khuẩn phổi, tiết niệu và máu. Serratia thường hiện diện ở đường hô hấp và đường
tiết niệu của bệnh nhân người lớn nằm viện.
+ Klebsiella: Có mặt ở đường hô hấp trên, ở phân, đường niệu. Klebsiella có nhu
cầu dinh dưỡng tối thiểu nên có thể tạo nên những ổ bệnh ở môi trường bệnh viện cũng
như ở người bệnh. Tùy theo giống khác nhau mà gây các nhiễm khuẩn tại những vị trí
khác nhau.
+ Pseudomonas: Trong đó giống Pseudomonas aeruginosa (Trực khuẩn mủ xanh)
là loại chính, hiện diện ở khắp nơi, có khả năng đề kháng thuốc sát khuẩn và kháng sinh.
Thường gây nhiễm trùng đường tiết niệu và là một trong những loại gây nhiễm trùng cơ
hội, hay gặp ở các trường hợp bỏng rộng.
2.2. Virus:
Chiếm 8% các tác nhân nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó :
Virus đường hô hấp như vius hợp bào đường hô hấp và virus cúm, gần đây virus
corona gây bệnh SARS (Severe Acute Respiratory Syndrom) là các tác nhân thường gặp
nhất gây nhiễm khuẩn bệnh viện.
- Các virus cúm: có tính biến đổi kháng nguyên mạnh nên kháng thể tạo ra sau khi
mắc dịch cúm này không bảo vệ được cơ thể khỏi vụ dịch cúm khác.
- Virus hợp bào đường hô hấp (Respiratory Syncytial Virus: RSV): lưu hành ở
nhiều nơi trên thế giới, lan truyền nhanh từ người sang người; gây bệnh đường hô hấp,
chủ yếu ở trẻ em, thường xảy ra vào mùa đông xuân.
- Coronavirus gây một bệnh mới về đường hô hấp là SARS
- Virus viêm gan B: Thuộc họ Hepadnaviridae, virus viêm gan B có sức đề kháng
cao, có thể tồn tại ở nhiệt độ phòng trong 6 tháng, ở 1000C trong 20 phút. Lây nhiễm
virus viêm gan B thường do tiêm, truyền máu.

111
- Virus viêm gan C: Thuộc họ Togaviridae, chứa RNA, có vỏ lipoprotein, sức đề
kháng cao như virus viêm gan B. Lây truyền chủ yếu theo đường máu qua tiêm truyền.
Có thể lây qua nội soi, thẩm phân máu, ghép cơ quan... ngoài ra còn lây theo đường tình
dục.
- Human immunodeficiency virus (HIV): Thuộc họ Retroviridae. HIV sống được
30 phút ở 560C, trong tế bào chúng có thể tồn tại được 3-14 ngày tùy theo nhiệt độ tế bào,
nhạy cảm với nước Javel 0,1%, nước oxy già, cồn và phenol. Tia Gamma và tia cực tím
không có tác dụng với HIV. Lây truyền HIV chủ yếu qua đường tình dục, tiêm truyền.
Cũng đã phân lập được virus này trong nước bọt.
2.3. Ký sinh trùng và nấm
- Nấm 1%: chủ yếu là nấm Candida, Aspergillus...
- Ký sinh trùng sốt rét 1% (họ Plasmodium) do muỗi Anopheles truyền. Cũng có
thể lây lan do truyền máu thiếu kiểm soát.
III. NHỮNG NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN THƯỜNG GẶP
3.1. Nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu chiếm khoảng 40% NKBV và thường do đưa dụng cụ vào
niệu đạo, bàng quang và thận. yếu tố thuận lợi cho nhiễm trùng ngược dòng là đặt ống thông
niệu đạo làm bất hoạt rào cản bình thường. Khảo sát cho thấy 10-15% bệnh nhân người lớn
được thông niệu đạo, trong đó nhiều trường hợp không cần thiết đặt. Đường tiết niệu là tiêu
điểm nhiễm trùng thuờng gặp nhất đưa đến nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Gram âm.
3.2. Nhiễm trùng vết thương
Phần lớn nhiễm trùng vết thương gây nên do vi khuẩn trực tiếp đưa vào mô trong
thời gian phẫu thuật. Thông thường vi khuẩn có nguồn gốc là khuẩn chí của người bệnh,
tuy nhiên nhân viên phẫu thuật có thê là nguồn gốc của nhiễm trùng, đặc biệt với liên cầu
A và S. aureus. Những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm trùng vết thương bao gồm loại
phẫu thuật, thời gian phẫu thuật, kỹ năng của thầy thuốc và sức khỏe cơ bản của người
bệnh. Phẫu thuật ở những vị trí bị nhiễm bẩn như ruột, cơ quan sinh dục nữ thường dễ bị
nhiễm trùng hơn là ở những vị trí vô trùng trước khi mổ. Phẫu thuật thời gian dài hoặc
phẫu thuật trong đó những mô chết, vật thể lạ hoặc bướu máu được lấy đi thường tăng tỷ
lệ nhiễm trùng vết thương. Những nhân tố thuận lợi khác bao gồm người lớn tuổi, tình
trạng dinh dưỡng kém, sự hiện diện của một tiêu điểm nhiễm trùng ở đâu đó, bệnh đái
đường, suy thận và điều trị corticosteroid.
Những vết thương không mổ gồm bỏng, loét do nằm, loét ở da do tắc ngẽn tĩnh
mạch hoặc động mạch cũng là vị trí của NKBV. Những vi khuẩn gây nhiễm trùng cũng
tương tự như ở vết thương mổ trừ nhiễm trùng bỏng thường do P. aeruginosa và nhiễm
trùng lóet ở vùng chậu cũng như những chi dưới thường do khuẩn chí ở ruột.

112
3.3. Viêm phổi
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường là nguyên nhân đưa đến tử vong ở NKBV
mặc dù về tỷ lệ nó đứng thứ ba sau nhiễm trùng đường tiểu và nhiễm trùng vết thương.
Những vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là trực khuẩn Gram âm và S. aureus, những vi khuẩn
này thường đến đường hô hấp dưới do từ họng hơn là qua đường máu. Viêm phổi bệnh
viện thường xảy ra ở các đối tượng sau:
- Người bệnh trớ mà phản xạ nôn và ho không hiệu quả
- Người bệnh có chứng bênh phổi hoặc suy tim xung huyết
- Người bệnh cần dùng dụng cụ hoặc hỗ trợ thông khí.
Sự lây truyền virus đường hô hấp ở bệnh viện cũng hay gặp đặc biệt ở khoa nhi,
nhưng trừ trường hợp cúm, hợp bào đường hô hấp, gần đây virus corona gây viêm phổi
cấp và suy hô hấp cấp tính nặng có tỷ lệ tử vong cao trên 10% bệnh nhân bị nhiễm trùng.
Nhân viên bệnh viện thường nhiễm virus hô hấp của người bệnh và sự lây lan do hít phải
hoặc tiếp xúc trực tiếp qua niêm mạc các giọt chất tiết có virus từ bệnh nhân khi săn sóc ,
khi tiếp xúc với người bệnh. Các phương thức lây khác như dùng các dụng cụ hổ trợ hô
hấp, qua tay...Biện pháp phòng ngừa sự lây nhiễm các virus hô hấp như SARS gồm phát
hiện và cách ly bệnh sớm, sử dụng biện pháp bảo vệ như dùng khẩu trang có lọc, mang
găng và các trang phục bảo vệ mắt, đầu khi săn sóc người bệnh.
3.4. Nhiễm khuẩn huyết
Mặc dù nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra ở bất cứ NKBV nào, nhưng ca-nuyn
huyết quản bị nhiễm bẩn là nguyên nhân thông thường và dễ phòng ngừa nhất của nhiễm
khuẩn huyết tiên phát ở bệnh viện. Nhiễm trùng do điều trị tĩnh mạch chiếm khoảng 5%
tổng số NKBV và 10% của tổng số cấy máu dương tính. Những vi khuẩn gây bệnh
thường gặp là S. epidermidis, S. aureus, trực khuẩn Gram âm và liên cầu ruột. Lúc dinh
dưỡng bằng dịch qua ống thông thì Candida cũng là tác nhân quan trọng. Vi khuẩn có thể
vào ở bất cứ vị trí nào khi có đường chuyền dịch, thường vị trí vào da lúc đặt Canuyn
hoặc những thủ thuật sau đó và vi sinh vật theo canuyn vào máu. dịch truyền có thể bị
nhiễm khuẩn gây nên nhiễm khuẩn huyết do một trong những vi khuẩn kém độc lực như
Enterobacter, Serratia, Citrobacter freundii, những vi khuẩn này có thể phát triển ở dịch
truyền chứa 5% glucose.
Nhiễm khuẩn huyết tạm thời sau những thao tác chẩn đoán hoặc điều trị ở miệng,
đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường sinh dục thường được người bệnh dung nạp tốt.
Tuy nhiên những người có bệnh tim hoặc van tim bẩm sinh có thể có nguy cơ viêm màng
trong tim lúc chịu những thao tác nói trên và cần được phòng ngừa bằng kháng sinh.

113
3.5. Nhiễm trùng các virus viêm gan B, C và HIV
Nhiễm trùng do virus viêm gan B và virus HIV liên quan không những người bệnh
và cả nhân viên y tế trong săn sóc bệnh nhân hoặc thao tác mẫu máu của người bệnh.
Người bệnh nhiều nguy cơ là người bệnh nhận chuyền máu hoặc chế phẩm máu hoặc
những bệnh nhân qua thẩm phân lọc máu. Việc xét nghiệm sàng lọc để loại trừ những
người cho máu bị nhiễm trùng các virus này cùng với việc xử lý máu trước khi chuyền để
loại trừ HIV làm giảm tỷ lệ viêm gan do virus B và C và HIV sau truyền máu. Sự lây
nhiễm HIV xảy ra cho nhân viên y tế do các tai biến kim tiêm hoặc các dụng cụ sắc nhọn
đâm vào tay trong quá trình lấy máu, mỗ xẽ..Nhiễm trùng HIV trong nhổ răng từ bác sĩ
đến người bệnh cũng đã được đề cập
Những biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng các virus viêm gan và HIV bao gồm:
3.5.1. Cần phổ biến ý thức phòng bệnh để giới hạn sự lây truyền do kim tiêm hoặc
tiếp xúc trực tiếp.
3.5.2. Dán nhãn hiệu và thao tác cẩn thận tất cả mẫu máu và mô của người bệnh.
3.5.3. Khuyến cáo nhân viên có nguy cơ nhiễm trùng nên tiêm phòng vacxin
3.5.4. Cần lưu ý những trường hợp nhiễm trùng HIV trong giai đoạn sớm các xét
nghiệm sàng lọc tìm kháng thể sè cho kết quả âm tính. Những mẫu máu nghi ngờ cần
được kiễm tra kỷ bằng tìm khánh nguyên hoặc axit nucleic của virus.
3.5.5. Tiêm ngay globulin miễn dịch viêm gan B và vacxin viêm gan B cho nhân
viên và người bệnh có nguy cơ đặc biệt viêm gan B như bị kim tiêm người bệnh viêm
gan B đâm vào da.
IV. KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN
4.1. Lịch sử kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, ở nhiều khoa sản tỷ lệ nhiễm khuẩn cao đến nỗi
người ta thấy nên để lại tại nhà tốt hơn ở bệnh viện. Năm 1860, Ignaz Phillip
Semmelweis (Hungari) đã nhận thấy mối liên hệ giữa nguyên nhân gây chết trong nhiễm
trùng hậu sản và nhiễm khuẩn vết thương, thấy mối liên hệ giữa sinh viên y làm việc ở
phòng giải phẫu thi thể hoặc các buồng bệnh nhiễm khuẩn với sự tăng của tỷ lệ nhiễm
khuẩn hậu sản. Ông cũng đã chứng minh nếu thầy thuốc sản khoa rửa tay kỹ trước khi đỡ
đẻ và áp dụng những biện pháp gần giống kỹ thuật vô khuẩn hiện nay thì có thể hạ thấp
tỷ lệ các biến chứng.
Ở nước ta, công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện đã có từ lâu, chủ yếu tồn tại ở
các đơn vị khử khuẩn, tiệt khuẩn, giặt là y tế của bệnh viện mà chưa thực sự được hệ
thống hóa lại thành một lĩnh vực chuyên khoa. Năm 1997, Bộ Y tế chính thức đưa Quy
chế chống nhiễm khuẩn vào trong Quy chế bệnh viện và quy định tại bệnh viện có thêm
Khoa chống nhiễm khuẩn trong hệ thống các khoa của bệnh viện. Từ đó công tác chống

114
nhiễm khuẩn bệnh viện thực sự được các bệnh viện quan tâm và đang từng bước hoàn
thiện, phát triển và hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
4.2. Mục tiêu kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện:
Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện là một công tác rất nặng nề, nó yêu cầu sự phối
hợp và cộng tác của tất cả các khoa phòng và nhân viên của bệnh viện. Công tác kiểm
soát nhiễm khuẩn bệnh viện nhằm đạt được các mục tiêu chủ yếu sau:
- Làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện ở người bệnh. Đảm bảo người bệnh
chỉ đến bệnh viện điều trị căn bệnh mà họ yêu cầu, không để bệnh nhân mang thêm một
bệnh mới hay nhiễm khuẩn bệnh viện.
- Chăm sóc đầy đủ những người bệnh bị nhiễm trùng lây truyền mạnh. Đảm bảo
cách ly hiệu quả, chăm sóc toàn diện và an toàn cho những bệnh nhân mắc các bệnh
truyền nhiễm có nguy cơ lây lan thành dịch lớn.
- Giảm đến mức tối thiểu nguy cơ nhiễm trùng ở nhân viên bệnh viện. Tránh nguy
cơ phơi nhiễm với các bệnh có nguy cơ lây lan từ người bệnh cho nhân viên y tế, giảm
yếu tố phơi nhiễm, xử lý tốt và hiệu quả những trường hợp nhân viên y tế phơi nhiễm với
các nhiễm khuẩn bệnh viện.
- Giảm nguy cơ gia tăng tính kháng kháng sinh của các vi sinh vật gây nhiễm
khuẩn bệnh viện và giám sát được mức độ nhạy cảm với kháng sinh của các vi sinh vật.
Kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, điều trị tốt tất cả các nhiễm khuẩn bệnh viện, thường
xuyên kiểm tra tính kháng thuốc của vi khuẩn, triệt để áp dụng đúng các nguyên tắc sử
dụng kháng sinh tại bệnh viện.
4.3 Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
4.3.1. Rửa tay
Bàn tay được xem là loại phương tiện chính để chuyển tải, phát tán mầm bệnh và
là nguồn gốc gây ra từ 40-70% những trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện. “Bàn tay
nhiễm khuẩn”, “bàn tay hữu trùng” bao gồm: tay của bệnh nhân, tay của thầy thuốc, tay
của người chăm sóc và thăm viếng. Bởi vậy vệ sinh tay là vấn đề cốt tử nhằm loại bỏ vi
khuẩn gây bệnh.
Vì vậy, nhân viên y tế cần tạo được thói quen rửa tay trong các thời điểm theo
khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới như sau:
- Trước khi đụng chạm vào người bệnh
- Trước khi tiến hành một thủ thuật vô khuẩn
- Sau khi tiếp xúc, phơi nhiễm với các dịch cơ thể
- Sau khi tiếp xúc, đụng chạm vào người bệnh

115
- Sau khi tiếp xúc, đụng chạm vào các vật dụng xung quanh người bệnh.
Tùy theo yêu cầu và mức độ vô khuẩn mà có các kỹ thuật rửa tay khác nhau:
+ Rửa tay thường quy: Áp dụng trước và sau khi khám, chăm sóc mỗi người bệnh,
trước và sau khi mang và tháo găng, sau khi tiếp xúc với dụng cụ, chất thải, trước khi ăn,
sau khi đi vệ sinh...
+ Kỹ thuật rửa tay khô: Áp dụng trong các trưòng hợp rửa tay thường quy và rửa
tay ngoại khoa và đặc biệt thích hợp trong các trường hợp sau :
+ Kỹ thuật rửa tay ngoại khoa: Trước khi tiến hành phẫu thuật, áp dụng đối với
phẫu thuật viên, kỹ thuật viên dụng cụ.
4.3.2. Đảm bảo kỹ thuật vô khuẩn, thực hiện nghiêm quy trình xử lý dụng cụ:
Thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn về xử lý dụng cụ kim loại, thủy tinh
dụng cụ nội soi tuần tự theo các bước:
- Cọ rửa dụng cụ sạch sẽ
- Khử khuẩn.
- Tiệt khuẩn dụng cụ.
4.3.3. Cách ly
- Cách ly người bệnh: đối với những người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ
có nguy cơ truyền bệnh cho người khác thì cho nằm ở phòng cách ly.
- Sử dụng hàng rào ngăn cách để cách ly các loại mầm bệnh (sử dụng găng tay,
khẩu trang, mũ, quần áo y tế ...).
- Bệnh nhân sử dụng dụng cụ riêng: bơm kim tiêm, ống thông, ống hút và đồ dùng
tư trang cá nhân.
- Hạn chế khách thăm.
4.3.4. Xử lý an toàn chất thải y tế.
Các chất thải y tế nguy hại là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi sinh
phục vụ cho người bệnh, có nhiều nguy cơ tiềm tàng gây hại cho nhân viên y tế và người
bệnh cũng như cộng đồng. Tất cả chất thải phải thực hiện phân loại để xử lý đúng theo
quy chế, không để lẩn các chất thải y tế với chất thải sinh hoạt, phân loại và đựng vào túi
có màu quy định theo quy chế. Mọi người khi tạo ra chất thải phải thực hiện việc phân
loại, thu gom vào nơi quy định đúng quy tắc chung theo quyết định số 43/2007/QĐ-BYT
ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Quy chế xử lý chất thải Y tế. Có
thể tóm tắt như sau:
- Phân loại đúng các loại chất thải y tế.

116
-Thùng đựng rác và chất thải phải đúng quy cách, có nắp đậy kín, để đúng nơi quy
định.
- Khi chuyên chở phải tránh vương vãi.
- Tránh rủi ro do các vật sắc nhọn gây ra.
- Phải xử lý chất thải hàng ngày theo đúng quy trình từ khâu phân loại thu gom
đến khâu cuối cùng;chôn lấp, thiêu huỷ.
4.3.5. Vệ sinh khoa phòng, ngoại cảnh hàng ngày và định kỳ.
- Duy trì tình trạng vệ sinh và cảnh quan sạch đẹp. Đảm bảo tình trạng khử nhiễm
trùng trong bệnh viện
- Cọ rửa, vệ sinh bề mặt các khoa phòng và toàn bệnh viện.
- Xử dụng hàng ngày các chất tẩy rửa có tính sát khuẩn.
- Vệ sinh ngoại cảnh thường xuyên.
Nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ là nguy cơ thường trực mà còn là thực tế xảy ra
hàng ngày hàng giờ ở khắp các cơ sở y tế. Việc phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện vừa
làm giảm sự chịu đựng, thiệt thòi của người bệnh, làm giảm sự tiêu tốn thời gian, công
sức, sự rủi ro của nhân viên, làm giảm gánh nặng chi phí tài chính cho Nhà nước và làm
cho môi trường bệnh viện trở nên an toàn hơn đối với xã hội, cộng đồng.

117

You might also like