You are on page 1of 6

4.

Điều trị ung thư

Mỗi loại ung thư sẽ có các bước điều trị khác nhau. Nếu chẳng may bạn hay người thân bị
ung thư, các bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.  Các phương pháp điều trị ung thư nói
chung được gộp thành 3 nhóm chính:

 Các phương pháp điều trị chính thống (Conventional/ mainstream treatment): bao
gồm phẫu trị, xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, và liệu pháp
hormone. Các phương pháp điều trị này đều đã được thử nghiệm kĩ càng trên hàng trăm,
thậm chí hàng nghìn bệnh nhân, và được chứng minh về tính hiệu quả thông qua nhiều thử
nghiệm lâm sàng. Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị chính thống cũng được ghi
nhận đầy đủ. Dù các phương pháp này có thể không chữa khỏi ung thư hoàn toàn, ít nhất
bệnh nhân có được kết quả tốt nhất.
 Các phương pháp điều trị bổ sung (Complementary Therapy): được dùng cùng với
các phương pháp điều trị chính thống. Ví dụ dùng châm cứu để giảm đau. Không có bằng
chứng nào cho thấy các phương pháp điều trị bổ sung có thể chữa khỏi ung thư, nhưng chúng
có thể giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn và đối đầu với bệnh tật tốt hơn bằng
cách giảm đau, giảm stress và lo lắng, v.v.
 Các phương pháp điều trị thay thế (Alternative Therapy): đúng như cái tên, đây là
các phương pháp điều trị được dùng thay cho các phương pháp điều trị chính thống. Ví dụ
như vi lượng đồng căn (homeopathic medicine) và liệu pháp thiên nhiên (naturopathic
medicine) ở phương Tây, và thuốc nam/ bắc (Traditional Chinese medicine) và Ayurveda ở
phương Đông.

Ở đây mình sẽ chỉ tập trung vào các phương pháp điều trị chính thống và thay thế.

Các phương pháp điều trị chính thống:

Các phương pháp điều trị chính thống có thể được chia thành hai nhóm chính:

 Các phương pháp tại chỗ (local treatment): bao gồm phẫu trị (mổ) và xạ trị
 Các phương pháp điều trị toàn thân (systemic treatment): bao gồm hóa trị, điều trị
nhắm trúng đích, điều trị nội tiết, và điều trị miễn dịch

Các phương pháp tại chỗ chủ yếu dành cho ung thư giai đoạn sớm, chưa có di căn xa. Nếu đã
có di căn hoặc nghi có di căn tiềm tàng thì cần điều trị toàn thân. Các bạn có thể nghĩ về điều
trị ung thư giống như triệt cỏ dại vậy. Nếu chỉ có một cây thì cách đơn giản nhất là nhổ hoặc
đào lên (phẫu trị). Cẩn thận hơn, muốn biết chắc đã triệt tận rễ thì đổ nước nóng vào cái hố
vừa đào (xạ trị). Nhưng nếu cỏ đã mọc tùm lum khắp nơi, hoặc bạn nghi gốc rễ của cây cỏ
vừa nhổ đã lan ra khắp nơi, chỉ chờ mưa tới là lên ầm ầm, thì bạn phải phun thuốc diệt cỏ
toàn vườn (điều trị toàn thân).

 
Phẫu trị (mổ – Surgery)

Phẫu trị là phương pháp mổ để loại bỏ khối u ung thư nên chỉ thích hợp khi ung thư ở giai
đoạn đầu, còn khu trú. Nếu ung thư đã di căn thì phẫu trị chỉ có hiệu lực tạm thời, thậm chí
không có hiệu lực.

Quay lại ví dụ triệt cỏ ở trên, nếu bạn đào cái lỗ nhỏ xung quanh cây cỏ thì có thể lấy hết
phần rễ chính, nhưng rất có thể để sót vài mẩu rễ nhỏ. Cẩn thận thì phải đào cái hố to ra một
chút, và xem xét các vùng đất xung quanh xem có còn sót cái rễ nào không. Tương tự như
vậy, trong phẫu trị các bác sĩ thường sẽ phải cắt bỏ cả các mô xung quanh khối u để đảm bảo
lấy hết toàn bộ các tế bào ung thư. Đó là lí do tại sao một số bệnh nhân ung thư vú giai đoạn
sớm được phẫu thuật đoạn nhũ (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bầu ngực).

Xạ trị (Radiotherapy) 

Xạ trị là phương pháp dùng tia phóng xạ để diệt tế bào ung thư và làm teo nhỏ khối u. Xạ trị
làm tổn thương hay hủy hoại các tế bào được điều trị bằng cách khiến chúng không thể phát
triển và nhân lên.

Hóa trị (Chemotherapy)

Hóa trị là phương pháp truyền thuốc có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư vào cơ thế người
bệnh. Các loại thuốc này có khả năng ngăn cản quá trình phân chia của các tế bào bệnh, từ đó
làm giảm các tế bào ung thư mới hình thành. Phương pháp hóa trị nhắm vào các tế bào tăng
trưởng và sinh sôi nhanh, do đó cũng ảnh thưởng tới các tế bào thường sinh sôi nhanh như tế
bào nang tóc, tế bào đường ruột, tế bào máu v.v. Đó là lí do tại sao bệnh nhân điều trị hóa trị
thường gặp nhiều tác dụng phụ, hay bị rụng tóc, thiếu máu, gặp vấn đề về đường tiêu hóa,
v.v.

Mỗi hóa chất có một cơ chế hoạt động khác nhau nên hiện nay đa số các liệu pháp hóa trị sử
dụng nhiều thuốc cũng một lúc (hóa trị liệu kết hợp) thay vì sử dụng một thuốc (đơn trị) để
tránh nhờn thuốc (resistance). Kiểu như ra trận sử dụng bộ binh, pháo binh, không quân, hải
quân cùng lúc thì sẽ dễ thắng hơn là chỉ dùng một quân chủng.

Hóa trị có thể được dùng để làm nhỏ một bướu ung thư trước khi mổ hoặc xạ trị. Hóa trị cũng
có thể được dùng sau phẫu thuật hoặc xạ trị để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại
trong cơ thể. Việc có dùng hóa trị hay không, dùng lúc nào, và như thế nào sẽ do các bác sĩ
điều trị quyết định tùy thuộc vào đặc điểm của bệnh nhân, và mục đích điều trị.

Điều trị nhắm trúng đích (Targeted therapy)

Đúng như cái tên của nó, điều trị nhắm trúng đích nhắm vào một mục tiêu cụ thể – tế bào ung
thư, hoặc các tế bào/protein khác trong cơ thể giúp tế bào ung thư phát triển – dựa trên một số
‘dấu ấn sinh học’ (biomarker) có trên các tế bào này. Cơ chế hoạt động này rất khác với hóa
trị. Nếu như hóa trị giống như một quả bomb thả vào giữa làng, cho nổ banh xác cả người tốt
lẫn kẻ xấu (thà giết nhầm còn hơn bỏ sót), thì điều trị nhắm trúng đích như một dạng bomb
thông minh, hay một tay súng bắn tỉa lão luyện, chỉ nhắm vào kẻ nào có sẹo chữ thập trên
mặt chứ không đụng tới người thường. Nói như thế không có nghĩa là thuốc điều trị nhắm
trúng đích không có tác dụng phụ, tuy nhiên các tác dụng phụ này sẽ khác với tác dụng phụ
của hóa trị, tùy thuộc vào mục tiêu mà thuốc nhắm tới.

Liệu pháp miễn dịch (Cancer Immunotherapy)

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư mới nhất hiện nay, sử dụng bản thân hệ
miễn dịch của mỗi cá nhân để điều trị ung thư. Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các vi sinh
vật lạ, các tế bào bất thường. Nhưng các tế bào ung thư rất thông mình và có khả năng qua
mặt hệ miễn dịch. Bằng cách giúp các tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư (tìm ra tội
phạm ẩn náu trong dân), và tăng khả năng hoạt động của tế bào miễn dịch (cấp cho vũ khí tốt
hơn), các thuốc này sẽ giúp hệ miễn dịch của bản thân người bệnh tiêu diệt tế bào ung thư.
Lĩnh vực này còn khá mới mẻ nên số lượng thuốc đã được cấp phép trên thế giới mới chỉ đếm
trên đầu ngón tay, và giá thành thuốc khá cao. Nếu mình không nhầm thì một số thuốc này
cũng sắp được đưa vào thị trường Việt Nam.

Liệu pháp hormone (hormone therapy)

Một số bệnh ung thư có thể được điều trị bằng liệu pháp hormone, ví dụ như một số dạng ung
thư vú hay ung thư tuyến tiền liệt.

Các liệu pháp điều trị thay thế

Có rất nhiều bệnh nhân đi theo con đường điều trị thay thế vì tin rằng các liệu pháp này có
nguồn gốc thiên nhiên, đơn giản, hiểu quả, không gây tác dụng phụ, không gây hại. Mình
không nói rằng tất cả các liệu pháp này đều không hiệu quả, vì những gì chúng ta biết chỉ là
hạt cát so với những gì chúng ta chưa biết. Tuy nhiên, mình mong mọi người cân nhắc khi sử
dụng các liệu pháp điều trị thay thế.

Với bất kì loại dược phẩm nào muốn được lưu hành trên thị trường cũng cần phải thông qua
các bước kiểm duyệt và thử nghiệm chặt chẽ, từ Pha I (trên một nhóm nhỏ các tình nguyện
viên khỏe mạnh) qua Pha II (trên một nhóm nhỏ bệnh nhân, so với giả dược) và Pha III (trên
một số lượng lớn bệnh nhân, đa trung tâm, so sánh với điều trị tiêu chuẩn) để xác lập tính an
toàn và hiệu quả của thuốc. Các kết quả nghiên cứu đều được công bố rộng rãi trên các tạp
chí chuyên ngành uy tín và được các cơ quan chức năng kiểm duyệt, phê chuẩn theo tiêu
chuẩn nghiêm ngặt.

Đối với các phương pháp điều trị thay thế, rất khó để tìm ra các bằng chứng khoa học về tính
hiệu quả và an toàn của các phương pháp này vì gần như không có các công trình khoa học
nào được kiểm chứng và công bố rộng rãi. Do đó, việc dùng các phương pháp điều trị thay
thế thay vì dùng các phương pháp điều trị chính thống có thể đem lại ảo vọng, gây tốn tiền,
thậm chí gây hại cho bệnh nhân. Nếu bạn quyết định dùng phương pháp điều trị thay thế, hãy
hỏi người kê toa thuốc này cho bạn (và Google) một số câu hỏi trước khi quyết định:

 Phương pháp điều trị thay thế này tiêu diệt tế bào ung thư như thế nào (cơ chế hoạt
động)?
 Phương pháp điều trị thay thế này đã được thử nghiệm lâm sàng ở người chưa? Nếu
có, thử nghiệm đó được thực hiện như thế nào? Ở đâu? Trên bao nhiêu bệnh nhân? Được so
sánh với thuốc nào khác? Kết quả ra sao và đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành
nào?
 Cơ quan chức năng nào đã phê duyệt việc sử dụng phương pháp điều trị thay thế này?
Đối với dược phẩm, hai cơ quan có uy tín nhất là FDA của Mỹ và EMA của châu Âu.
 Thuốc này đã có mặt trên thị trường Việt Nam được bao lâu? Ngoài ở Việt Nam,
thuốc này còn được dùng ở thị trường nào khác hay không?

Nếu như câu trả lời xác đáng, có bằng chứng xác thực đã được công bố trên các tạp chí
chuyên ngành, trong hướng dẫn điều trị của Bộ Y Tế Việt Nam và các nước khác thì bạn cứ
an tâm sử dụng.

Còn nếu như câu trả lời cho những câu hỏi trên hết sức mơ hồ, kiểu thuốc này có nguồn gốc
tự nhiên, đảm bảo, đã dùng cho cả nghìn người, bao nhiêu người khỏi bệnh, v.v nhưng không
đưa ra được bằng chứng cụ thể như ai cấp phép và đảm bảo cho chất lượng của thuốc, tính
hiệu quả và an toàn của thuốc như thế nào, đã qua những thử nghiệm lâm sàng nào, v.v, thì
bạn nên suy nghĩ lại. Nếu lang băm nào nói ông ý đảm bảo chất lượng thuốc, nói 100% bệnh
nhân của ổng khỏi bệnh ung thư và không có tác dụng phụ thì các bạn cứ băm xác ông ý ra
còn chắc chắn hơn. Thuốc mà tốt như thuốc tiên thế thì lại chả mang đi xin giấy phép bản
quyền, bán cho các công ty dược đa quốc gia hoặc lập công ty hoành tráng mà giúp hàng
nghìn, hàng triệu bệnh nhân, thu hàng chục, hàng trăm triệu đô, thậm chí hàng tỉ đô mỗi năm,
ăn chơi tẹt ga chứ ngồi mốc đít ra đấy mà bốc thuốc hàng ngày cho vài chục ca bệnh.

Nếu bạn vẫn muốn thử thì mình chỉ có thể nói rằng bạn đã trở thành một trong những tình
nguyện viên tự nguyện đóng góp thân thể và tiền bạc cho một trong những cuộc thử nghiệm
lâm sàng đặc biệt nhất trong lịch sử y học:

 Không có điểm đầu và không có điểm cuối


 Không có thống kê số lượng và đặc điểm bệnh nhân
 Không có thống kê về hiệu quả điều trị và tính an toàn
 Không được bảo đảm về nguồn gốc và chất lượng thuốc
 Không được kiểm duyệt tại từng bước bởi các cơ quan chức năng

Nói túm lại ‘You are free to choose, but you are not free from the consequences of your
choice’.

Thực dưỡng chữa ung thư


Một trong những tin vịt được lan truyền đầy trên mạng trong thời gian gần đây là thực dưỡng
chữa ung thư.

Đầu tiên thực dưỡng là gì đã? Ngồi tra mãi mới ra từ tiếng Anh của nó là macrobiotic diet do
nhà triết học người Nhật George Ohsawa phát triển ra vào những năm 1920. Thực chất thì nó
là một phần của macrobiotic lifestyle/living (chả biết dịch là gì). Có một cái website George
Ohsawa Macrobiotic Foundation nhiều sản phẩm thương mại hóa phết. Sách, công thức nấu
nướng, tạp chí, trại hè, v.v. đủ cả. Rồi các học trò của Ohsawa cũng lập ra mấy tổ chức khác
nhau về thực dưỡng như Kushi Institute, rồi viết sách các kiểu.

Nói chung là xem một lúc thì hoa mắt, nhưng túm lại thì mục đích là hướng đến một chế độ
ăn và lối sống hòa hợp với thiên nhiên. Do đó, thực dưỡng tập trung chủ yếu vào ăn các loại
ngũ cốc (whole grains) và rau với mục đích cung cấp cho cơ thể chỉ vừa đủ chất để có thể
hoạt động bình thường chứ ko ăn quá nhiều dẫn đến thừa chất, và khuyến khích cơ thể tự
lành. Thường chế độ ăn của họ sẽ gồm một nửa là các loại ngũ cốc, ¼ là các loại rau, và ¼ là
súp làm từ rau, tảo biển, đậu, chick peas, đậu lawg (lentil) và đậu tương lên men (miso) (có
thể coi là high-carb, low fat diet). Những người theo trường phái này thường hạn chế ăn cá,
và được khuyến khích không ăn thịt, trứng, và các sản phẩm từ sữa, không uống rượu mạnh,
chỉ ăn khi đói, uống khi khát, ăn chậm nhai kĩ, v.v. Họ cũng nhấn mạnh việc sử dụng các sản
phẩm hữu cơ, tránh các chất tạo màu nhân tạo, các chất bảo quản, các đồ hộp, v.v. Nhưng
tuyệt nhiên ko thấy ai nói là chỉ được ăn gạo lứt, muối mè sống qua ngày để chữa ung thư
như một số bài báo ở Việt Nam đã viết cả.

Nếu áp dụng common sense thì một chế độ ăn cân bằng và một lối sống lành mạnh chắc chắn
là tốt cho sức khỏe. Nhưng chế độ ăn chưa bao giờ được dùng để điều trị ung thư. Chưa kể
nếu một chế độ ăn không đầy đủ dinh dưỡng sẽ không cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng
cho cơ thể. Với người thường đã khó, với bệnh nhân ung thư điều này càng nguy hiểm vì cơ
thể không đủ sức để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương pháp
điều trị đặc hiệu.  Tế bào ung thư chưa kịp chết thì người bệnh đã chết trước rồi.

Cho tới nay, không có bằng chứng nào chứng tỏ thực dưỡng có tác dụng điều trị ung thư hay
các bệnh mạn tính khác như tim mạch, tiểu đường. Điều này đã được các nhà khoa học đưa ra
từ cách đây mấy chục năm (các bạn có thể đọc ở đây, đây, và đây). Chưa có một báo cáo nào
về tác dụng của thực dưỡng tới việc điều trị ung thư được xuất bản trên các tạp chí khoa học
uy tín. Cũng chưa có thử nghiệm lâm sàng hay một công trình nghiên cứu quan sát
(observational studies) được tiến hành. Cả US và UK đều không khuyến khích sử dụng thực
dưỡng như một liệu pháp bổ trợ (complementary therapy) chứ chưa nói đến việc dùng thực
dưỡng như một liệu pháp thay thế (alternative therapy) cho điều trị ung thư. Chả hiểu thánh
PR nào khai quật ra quả thực dưỡng này và đã cho nó sống lại một cách thần kỳ nhờ các con
chiên cả tin share đầy trên mạng.

Ăn low-carb/ ketogenic diet để chữa ung thư

Một xu hướng khác dạo này cũng thấy một số người share trên mạng là ăn kiêng đường, low
carb/ ketogenic diet để chữa ung thư. Nếu được, mình rất muốn mời 2 chuyên gia về thực
dưỡng và low carb/ ketogenic diet ngồi đấu khẩu với nhau xem như thế nào vì 2 chế độ ăn
này khác nhau một trời một vực. Trong khi thực dưỡng là high-carb, low-fat thì ketogenic lại
là low-carb, high-fat. Điều này chỉ có nghĩa là một trong 2 trường phái này sai, hoặc cả hai
đều sai.

Trường phái low carb dựa trên giả thuyết rằng khối u ung thư sử dụng glucose làm nhiên liệu
chính để tăng sinh. Do đó, giải pháp để tiêu diệt khối u là ăn theo chế độ low carb & high
good fat (Ketogenic diet) để buộc cơ thể sử dụng nguồn nguyên liệu khác (ketones) và cắt đi
nguồn nhiên liệu chính của khối u. Theo National Cancer Institute của US thì hiện nay các
nghiên cứu về ketogenic diet mới chủ yếu tập trung vào độ an toàn và khả năng chịu đựng
của bệnh nhân, và mới chỉ thực hiện trên một số ít bệnh nhân glioblastoma (một dạng ung thư
não). Chưa có các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, hay trên các bệnh nhân ung thư khác nên
không thể kết luận liệu ketogenic có tác dụng điều trị ung thư hay không. Cancer Research
UK cũng ghi rõ hiện không có bằng chứng gì cho thấy việc cắt giảm carb giúp điều trị ung
thư cả.

Một biến thể của trường phái low-carb/ketogenic diet là không ăn đường để chữa ung thư.
Cái này thì khẳng định là sai 100%.

 Lại hóa sinh cơ bản 101. ‘Đường’ là một từ rất chung chung, chỉ một nhóm các hợp
chất carbohydrate hòa tan. Một số loại đường phổ biến nhất bao gồm:
 Monosaccharides: đường đơn giản như glucose và fructose trong rau quả.
 Disaccharide: đường phức tạp hơn một chút, ví dụ sucrose hay đường trắng
mà các bạn thường ăn (cấu tạo từ 2 phân tử glucose và fructose nối với nhau), lactose trong
sữa (cấu tạo từ 2 phân tử glucose và galactose nối với nhau), và maltose thường được tạo ra
khi lên men một số loại hạt (cấu tạo từ 2 phân tử glucose nối với nhau)
 Tất cả các tế bào trong cơ thể, dù là tế bào ung thư hay không, cũng đều dùng glucose
làm năng lượng. Sở dĩ người ta thấy khối u ung thư dùng nhiều glucose hơn vì các tế bào ung
thư phát triển nhanh hơn, nên cần nhiều năng lượng.
 Vấn đề là tất cả các thể loại carb bao gồm polysaccharide và oligosaccharide (tinh bột
như pasta, bánh mì, cơm, v.v.), khi vào cơ thể chúng ta đều được chuyển hóa thành đường
glucose, và được thẩm thấu vào máu để làm nguồn năng lượng cho cơ thể. Các tế bào sẽ
không phân biệt được phân tử glucose này là đến từ thìa đường bạn cho vào cốc café, hay đến
từ bát phở mới ăn. Thế nên kêu ăn đường nuôi tế bào ung thư, hay không ăn đường có thể
chữa ung thư là hoàn toàn vớ vẩn.
 Nếu cắt giảm tinh bột nói chung thì chúng ta quay lại ketogenic diet ở trên.

Túm lại là cho tới thời điểm này chưa có một chế độ ăn nào, dù là giàu thực phẩm chống oxy
hóa, thực dưỡng, ketogenic, thực phẩm giàu chất kiềm, hay bất cứ thứ gì khác, đã được
chứng minh là có tác dụng điều trị ung thư. Nên mong các bạn đừng bao giờ share mấy bài
báo linh tinh về mấy vụ này lên mạng xã hội nhé.

You might also like