You are on page 1of 7

CÔNG NGHỆ THAY GỐI CẦU BẰNG ỐNG CHỐNG CHỊU LỰC

PGS.TS Đặng Gia Nải


Viện KH&CN GTVT, Bộ GTVT

Việc thi công thay gối cầu bằng các công nghệ truyền thống ít nhiều đều có những hạn
chế khi áp dụng vào thực tiễn của nước ta. Để khắc phục các tồn tại đó, gần đây Viện khoa
học và công nghệ giao thông vận tải (KH&CNGTVT) đã nghiên cứu và áp dụng thành
công công nghệ nâng dầm thay gối cầu bằng hệ kích tựa trên ống chống chịu lực trong
điều kiện vẫn đảm bảo giao thông bình thường tại cầu Phủ và cầu Ghép. Kết quả nghiên
cứu này đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực và mở ra triển vọng lớn trong việc
duy tu bảo dưỡng cầu, đặc biệt là đối với các cầu yếu ở nước ta.

Hiện nay ngành GTVT nước ta đang khai thác sử dụng một số lượng lớn cầu cũ, trong đó có
khá nhiều cầu bê tông cốt thép (BTCT) đã được xây dựng từ lâu. Để khai thác các cầu này,
cùng với việc duy tu bảo dưỡng hàng năm, công tác thay gối cầu cũ bằng thép và cao su cũng
đồng thời được thực hiện. Thay gối cầu cũ là công việc nhìn chung không phức tạp về mặt kỹ
thuật nhưng lại là một khâu khó khăn và có khi trở thành bất khả kháng vì phải có giải pháp
công nghệ phù hợp để đảm bảo giao thông bình thường trong quá trình thi công thay gối cầu.
Trong một số trường hợp nếu không thực hiện được, các cơ quan quản lý phải chấp nhận hiện
trạng cầu khai thác trong điều kiện nhịp dầm kê lên các gối hỏng (gối cầu hỏng là yếu tố tạo
nên các chuyển vị cưỡng bức, và là nguyên nhân gây nứt hệ dầm mặt cầu và những hư hỏng
cục bộ khác).

Thông thường khi cầu đã được đưa vào sử dụng thì toàn bộ nhịp cầu đã là một hệ thống kết
cấu làm việc không gian nội siêu tĩnh. Để phù hợp với nguyên lý làm việc, về nguyên tắc phải
đảm bảo không có sự xuất hiện chuyển vị cưỡng bức cục bộ ở bất kỳ một vị trí kết cấu nào.
Vì vậy, việc thay thế một hoặc nhiều gối trong phạm vi một nhịp cầu cần phải nâng toàn bộ
một đầu nhịp (hoặc cả hai đầu nhịp) lên cùng cao độ như nhau để không gây biến dạng hoặc
nếu có xuất hiện biến dạng thì cũng chỉ nằm trong giới hạn cho phép. Cho tới nay,việc thay
gối cầu thường được thực hiện bằng các giải pháp công nghệ truyền thống sau:

 Giải pháp áp dụng nguyên lý đòn bẩy: Hệ thống đòn bẩy được hình thành từ các
thanh dầm làm đòn gánh đặt trên các dầm đối xứng của hai nhịp qua tim trụ cầu. Để có
độ cứng cao, những dầm gánh này được hàn các gờ tăng cường và một đầu dầm gánh
được liên kết cứng với dầm cầu thông qua neo liên kết. Khi kích hoạt động nâng một
đầu dầm gánh thì đồng thời cũng nâng một đầu của dầm đối xứng lên để tháo gối cầu
cũ. Quy trình nâng dầm phải đảm bảo nguyên tắc: Số lượng kích phù hợp với số lượng
dầm và khi nâng phải nâng đồng thời toàn bộ dầm.

Ưu điểm chủ yếu của giải pháp công nghệ này là hệ thống trang thiết bị đơn giản, phù hợp với
trình độ công nghệ của các đơn vị quản lý duy tu, bảo dưỡng địa phương. Tuy nhiên hạn chế
của nó là khi thi công phải tuyệt đối cấm xe qua cầu. Điều này gây nhiều phiền toái, ảnh
hưởng trực tiếp đến hoạt động giao thông trên đường, đặc biệt là đối với các tuyến quốc lộ
xung yếu.
 Giải pháp sử dụng kích nâng cánh dầm: Toàn bộ kích được đặt trên xà mũ trụ giữa
khoảng hở của hai dầm kề nhau. Để truyền lực kích lên dầm, bố trí kết cấu đỡ cánh
bằng thép hình chữ I hoặc U và thép tấm với các gờ tăng cường. Quy trình nâng dầm
cũng theo nguyên tắc của giải pháp nguyên lý đòn bẩy.

Giải pháp sử dụng kích nâng cánh dầm khá phù hợp với những cầu nhỏ. Những ưu điểm của
giải pháp này thể hiện ở chỗ: Sử dụng tối đa khả năng chịu lực của trụ để truyền lực kích, chi
phí vật tư thấp, giảm thời gian thi công, bảo đảm thông thoáng dòng sông cho giao thông
thủy. Tuy nhiên hạn chế chủ yếu của giải pháp là không đảm bảo tối đa theo yêu cầu ổn định
và an toàn công trình, đặc biệt là đối với những cầu khẩu độ lớn.

 Giải pháp sử dụng kích dẹt (kích đĩa): Đây là giải pháp được xem là tiên tiến vào
thời điểm hiện nay. Nguyên lý công nghệ có thể tóm tắt như sau: Các kích dẹt được chế
tạo dạng đĩa có đường kính thông dụng 30cm, bề dày của kích 3cm, công suất nâng
dầm của kích 50-70T; chế độ vận hành của kích theo nguyên tắc hệ thống, mỗi hệ
thống từ 5 đến 10 kích dùng chung một tổng bơm thuỷ lực. Kích hoạt động theo
nguyên lý: Dưới tác dụng của áp lực dầu, 2 mặt của kích phồng lên tạo ra hành trình
của kích, vì vậy độ lớn hành trình thông thường chỉ từ 1đến 2cm. Để nâng dầm, các
kích được đặt trong phạm vi quãng hở trước gối cầu sao cho kích nằm trên đường tim
dầm, với vị trí được xác định bảo đảm không gây tác động bất lợi do lực cục bộ nảy
sinh trong quá trình nâng dầm.

Nhìn chung giải pháp công nghệ sử dụng kích dẹt có nhiều ưu điểm so với các giải pháp
truyền thống khác. Lợi thế của nó thể hiện ở chỗ: Trang thiết bị đặc chủng gọn nhẹ; thao tác
công nghệ đơn giản và giải quyết được yêu cầu thông xe trên cầu trong quá trình thi công kích
nâng dầm. Tuy nhiên giải pháp này chỉ phù hợp với những cầu nhỏ có diện tích đặt gối rộng,
đặc biệt là tim gối đặt xa về phía trong so với bề mặt thân trụ để có đủ khoảng cách đặt kích
với điều kiện khi kích vận hành trọng lực không gây tác động phá huỷ cục bộ kết cấu trụ, vì
vậy cần phải tính toán xác định vị trí đặt kích hợp lý trên bề mặt mũ trụ. Do tính đặc thù này
nên công nghệ được áp dụng nhiều ở các tỉnh phía Nam vì các cầu có khẩu độ nhịp nhỏ (
24,7m) và được xây dựng với diện tích mũ trụ rộng, phù hợp với các yêu cầu của công nghệ.
Ngược lại ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là những cầu trên các tuyến quốc lộ trọng yếu, công
nghệ này không thể áp dụng được vì vị trí gối cầu cũ đặt quá gần mép thân trụ, có khá nhiều
cầu trọng tâm kích đĩa rơi ra ngoài khu vực mũ trụ.

**

Qua các giải pháp công nghệ truyền thống trên cho thấy, mặt này, mặt khác chúng đều có
những hạn chế. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, năm 1999 Viện KH&CN GTVT đã được Bộ
GTVT giao thực hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ thi công thay gối cầu cao su cho cầu dầm
giản đơn ở Việt Nam”. Thực hiện đề tài, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra một giải pháp mới
- Giải pháp nâng dầm bằng ống chống chịu lực Hệ thống trang thiết bị của công nghệ này
bao gồm các bộ phận chủ yếu: Hệ thống các cụm kích nâng với các tổng bơm, hệ thống ống
chống chịu lực và các kết cấu liên quan khác.

1. Về các thông số kỹ thuật :

Các thông số kỹ thuật của hệ thống thiết bị được tính toán, xác định trên cơ sở xem xét các
yếu tố gây tác động trực tiếp. Khi tính công suất kích nâng, lấy tổ hợp tải trọng gồm tĩnh tải
dầm và hoạt tải đoàn xe được phép qua cầu. Độ lớn đường kính ống chống và chiều dày ống
được xác định từ kết quả tính toán phản lực kích. Kết quả tính toán cho thấy:

- Đối với nhịp dầm BTCT khẩu độ nhỏ ( 24 m): Công suất kích nâng 50-70T/kích, hành
trình tối đa của kích 5cm, đường kính ngoài của ống chống bằng thép 130mm, chiều dày của
ống chống 12-15mm.

- Đối với nhịp dầm BTCT khẩu độ lớn (30-40m): Công suất kích nâng 100T, hành trình tối đa
của kích 5cm, đường kính ngoài ống chống bằng thép 245mm, chiều dày của ống chống
22,5mm.

2. Về kết cấu công nghệ:

Hệ thống kết cấu ống chống và kích được bố trí theo từng cụm. Mỗi cụm bao gồm một số
lượng ống chống, kích và một tổng bơm thuỷ lực. Số lượng ống chống được bố trí phù hợp
với số lượng dầm của nhịp cầu. Các ống chống được đặt trên bệ trụ (xem hình 1). Trong
trường hợp bệ trụ không đủ diện tích thì phải mở rộng bề mặt bằng kết cấu thép hình chữ I.
 

Hình 1: Giải pháp nâng dầm bằng ống chống chịu lực

Trên đỉnh các ống chống đặt các đế kích bằng thép. Kết cấu đế bảo đảm kín khít với bề mặt
ống chống. Trên đế đặt các kích nâng. Trục đứng của kích trùng với tim bụng dầm. Theo
nguyên tắc cấu tạo như trình bày thì khi tổng bơm hoạt động, các kích trong cụm cùng làm
việc. Ở mố cầu chỉ cần đặt một cụm, nhưng ở trụ đặt hai cụm để khi làm việc hai đầu nhịp cầu
đối xứng qua trụ cùng đồng thời nâng lên, qua đó đảm bảo không có sự chênh lệch cao độ mặt
cầu quá mức ở vị trí khe co giãn và nhằm đáp ứng sự êm thuận tương đối cho các phương tiện
giao thông qua cầu.

Quá trình thao tác vận hành công nghệ thường được thực hiện bắt đầu từ mố đến từng trụ và
cho đến mố cuối cùng. Để đáp ứng yêu cầu ổn định cao và lắp ráp thuận tiện, kết cấu ống
chống được tăng cường bằng hệ giằng ổn định ngang. Khi chuẩn bị đặt ống lên bệ cần đo đạc
điều chỉnh ống đúng vị trí thẳng đứng. Ống chống được chế tạo thành các môđun có chiều dài
nhỏ (20cm, 50cm, 100cm và 200cm). Chiều dài ống được xác định theo chiều cao trụ. Việc
nối các môđun ống thông qua các mặt bích bắt bulông liên kết. Trong một số trường hợp khi
trụ quá cao, việc áp dụng công nghệ ống chống tựa trên bệ thường không đạt độ tin cậy về
tính ổn định do chiều dài tự do chịu nén của ống lớn, có thể đặt kích lên giá thép. Giá thép để
đặt kích được cấu tạo bằng kết cấu thép hình dạng thẳng góc và tam giác. Việc liên kết giá
vào thân trụ thông qua việc căng ép các thanh căng dự ứng lực (xem hình 2).

Hình 2: Giải pháp đặt ống chống chịu lực trên giá thép

Số lượng thanh căng dự ứng lực được xác định trên cơ sở xem xét ảnh hưởng trực tiếp của lực
kích khi nâng dầm G và tĩnh tải giá đỡ P. Trên hình 3 biểu diễn sơ đồ làm việc của kết cấu giá
đỡ.
Hình 3: Sơ đồ làm việc của kết cấu giá đỡ

Trong tính toán cần giải quyết được hai vấn đề chủ yếu là ép mặt bằng ma sát và chống lật.
Để giữ tiếp xúc giữa hai bộ phận kết cấu bề mặt trụ và giá thép, cần tăng cường phản lực V
với điều kiện:

V = R. f > G + P

(trong đó: R là tổng lực căng bó cáp, f là hệ số ma sát giữa thép và bê tông).

Để chống lật, phản lực R cần tạo nên mô men chống lật với điều kiện:

MR > MG+P

Từ hình 3, phản lực R được xác định trên cơ sở giả thiết lấy cân bằng mômen tại B như sau:

R.h – G.a1 – P.a2 = 0 hay R =

Từ công thức này có thể tính được số lượng thanh thép cường độ cao: R

n = ––––––

Ft. tt

(Trong đó: Ft là diện tích mặt cắt thanh thép cường độ cao,tt là cường độ chịu kéo của thanh
thép cường độ cao).

3. Kết quả áp dụng:

Trong các năm 2000 và 2002 Viện KH&CN GTVT được Cục đường bộ Việt Nam nhất trí
cho áp dụng công nghệ này để thay toàn bộ gối cầu cao su bị hỏng cho cầu Phủ và cầu Ghép
trên tuyến quốc lộ 1A thuộc 2 tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hoá với số lượng 9 nhịp dầm BTCT. Để
triển khai các dự án, Trung tâm KHCN bảo vệ công trình và phương tiện vận tải thuộc Viện
đã chế tạo 90 gối cầu cao su cốt bản thép Neopren theo 22TCN 217-94 và dây chuyền công
nghệ kích nâng dầm với các thông số kỹ thuật như đã trình bày ở trên. Từ những bài học kinh
nghiệm thu được ở cầu Phủ, đến cầu Ghép hệ thống thiết bị công nghệ đã được cải tiến hơn:
Từng cụm kích làm việc theo cơ chế vận hành thống nhất thông qua một máy bơm thuỷ lực (ở
cầu Phủ các kích làm việc độc lập). Kích được cấu tạo thêm chốt hãm và có thể giữ được
trạng thái chịu tải trọng đoàn xe qua cầu an toàn (ở cầu Phủ phải sử dụng nêm đai an toàn).
Với những thông số kỹ thuật được cải tiến đã tạo nên những khả năng và thuận lợi như: Thao
tác công nghệ đơn giản do các kích vận hành theo cùng áp lực như nhau và không nảy sinh sự
chênh lệch đáng kể về cao độ giữa các dầm, vì vậy đáp ứng yêu cầu tối đa về an toàn công
trình. Mặt khác với chốt hãm an toàn cho phép các loại phương tiện giao thông qua cầu bình
thường trong suốt quá trình thi công và thời gian 12 giờ trước khi hạ dầm xuống vị trí thiết kế
trên lớp Sikadur tạo dốc dọc và ngang đã thi công trước đó. Giải pháp công nghệ được áp
dụng ở cầu Ghép trên thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế và xã hội. Điều đó
được thể hiện ở chỗ: Thời gian thi công nhanh (ở cầu Phủ thi công 30 gối trong 40 ngày và ở
cầu Ghép là 60 gối trong 60 ngày); cơ chế vận hành thiết bị tiên tiến, phù hợp với đặc điểm
xây dựng công trình; không phải làm đường tránh và phân luồng giao thông gây tốn kém; cho
phép thi công không gây ách tắc giao thông trên cả đường bộ lẫn đường thủy.

Biên tập: Đặng Ngọc Bảo

You might also like