You are on page 1of 4

Cuộc đời của loài ong là những mùa hoa, cuộc đời của loài chim là những cuộc

hành trình, cuộc đời của những nhà văn là không ngừng trăn trở về hiện thực đời
sống để chưng cất, tinh lọc cho đời những trang hoa, tờ hoa, qua đó thức tỉnh tâm
hồn chúng ta hướng đến những giá trị chân thiện mỹ. Nhà văn Nguyễn Dữ đã ý
thức sâu thắm về sứ mệnh của nghề và tác phẩm ‘’Chuyện chức phán sự đền Tản
Viên’’ của ông đã đem đến cho văn học dân tộc những trang văn đẹp về đức tính
ngay thẳng chính trực, trong đó ấn tượng hơn cả là hình tượng nhân vật Ngô Tử
Văn.

Tác phẩm là một trong hai mươi câu chuyện trong ‘’Truyền kì mạn lục’’-tập truyện
mang màu sắc huyền ảo nhưng mang tiếng nói phê phán hiện thực sâu sắc, cảm
thông, bênh vực những con người bé nhỏ có số phận bi thảm, thể hiện tinh thần
dân tộc, niềm tự hào về nhân tài, văn hóa nước Việt, đề cao đạo đức nhân hậu
thủy chung và được Vũ Khâm Lân mệnh danh là ‘’thiên cổ kỳ bút.’’ Một trong
những nhân vật nổi bật nhất trong tập truyện chính là Ngô Tử Văn- chàng trai
thẳng thắn, chính trực, kiên quyết đấu tranh cho lẽ phải, thể hiện ở hành động
châm lửa đốt ngôi đền thiêng- sự châm ngòi nổ cho một cuộc chiến đấu giữa
chàng và hồn ma tên tướng giặc bại trận, giữa chính nghĩa và gian tà.

Ngay từ đầu, Nguyễn Dữ đã giới thiệu rằng Tử Văn là một người khảng khái cương
nghị. Điều này phần nào được minh chứng qua cuộc đối thoại của chàng với tên
Bách Hộ họ Thôi và cuộc đối chất ở Minh Tị. Dẫu cho hồn ma có dọa nạt, mắng mỏ,
Tử Văn vẫn điềm nhiên ngồi ngất ngưởng. Với bản tính rất kiên cường, chàng
không sợ những lời đe dọa, chàng luôn tự tin vào việc mình làm là chính nghĩa. Bởi
vậy, trong cuộc gặp gỡ với Thổ công, khi Thổ công nói sẽ giúp đỡ, cung cấp sự thật,
chứng cớ thì Tử Văn càng quyết tâm làm việc nghĩa tới cùng. Tử Văn bị bắt xuống
Minh ti rùng rợn với những tên quỷ Dạ Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh
ác, nhưng Tử Văn không hề sợ ma quỷ. Khi bị Diêm Vương buộc tội, Tử Văn kêu
oán, sau đó chàng vạch mặt tên bại tướng bằng lời lẽ cứng cỏi: "Nếu nhà vua
không tin lời tôi, xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi, không đúng như thế, tôi xin
chịu thêm tội nói càn". Qua cuộc đối chất ở âm phủ, Ngô Tử Văn hiện lên là một
người ngay thẳng, là người tiêu biểu cho kẻ sĩ nước Nam: cương trực, dũng cảm,
dám đấu tranh vì lẽ phải tới cùng.

Sở dĩ, hành động đốt đền của chàng xuất phát từ phẫn nộ, tức giận không chịu
được cảnh yêu tà tác oai tác quái hại dân. Trước khi đốt đền, chàng đã chuẩn bị kĩ
lưỡng: "tắm gội sạch sẽ, khấn trời". Điều này cho thấy hành động của chàng là
nghiêm túc, xuất phát từ ý thức trừ gian diệt bạo, hành động cẩn trọng, công khai,
lấy tấm lòng trong sạch và thái độ chân thành của mình để được trời đồng tình,
ủng hộ. Sau khi đốt đền, mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, chỉ có chàng vẫn điềm tĩnh
bởi chàng tin vào việc chính nghĩa mình làm. Ngô Tử Văn hiện lên là một trí thức
cương trực, là hình ảnh của kẻ sĩ vì dân.

Hành động của chàng đã khiến bản thân phải gặp nhiều khó khăn. Sau khi đốt đền,
Tử Văn bị hồn ma làm cho sốt rét, bị mắng mỏ, đe dọa, nhưng với bản tính cương
trực, dũng cảm, chàng không hề tỏ ra sợ sệt mà vẫn kiên nghị tìm lại lẽ phải, tự tin
vào hành động chính nghĩa của mình. Bởi vậy, trong cuộc gặp gỡ với Thổ công, khi
Thổ công nói sẽ giúp đỡ, cung cấp sự thật, chứng cớ thì Tử Văn càng quyết tâm
làm việc nghĩa tới cùng. Khi bị bắt xuống Minh ti rùng rợn với những tên quỷ Dạ
Xoa, đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác, Tử Văn vẫn điềm nhiên, không hề tỏ
ra khiếp sợ. Khi bị Diêm Vương buộc tội, Tử Văn không tỏ ra run sợ mà đòi được
phán xét minh bạch công khai, đối chất với hồn ma bằng lời lẽ đanh thép và không
chịu nhún nhường, để rồi cuối cùng lòng nghĩa khí của chàng đã thắng lợi vẻ vang.
Ngô Tử Văn chính là hình tượng tiêu biểu của kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên
quyết chống gian tà, là đại diện cho kẻ sĩ nước Việt.

Đặc biệt, lời bình cuối truyện của người viết càng tô đậm thêm vẻ đẹp của Ngô Tử
Văn: "Người ta thường nói: Cứng thì gãy, kẻ sĩ lo không cứng mà thôi, còn gãy,
không gãy là việc trời. Sao nên đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm?
Ngô Tử Văn là một chàng áo vải. Vì cứng cỏi mà dám đốt cháy đền tà, chống lại yêu
ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế nên được nổi tiếng và được giữ
chức vị ở Minh Ti, thật là xứng đáng. Vậy nên, làm kẻ sĩ không nên kiêng sợ sự
cứng cỏi". Lời bình ca ngợi tính cương trực, thẳng thắn của kẻ sĩ, tinh thần đấu
tranh chống cái ác, đề cao thêm sự cứng cỏi trong con người Ngô Tử Văn, cái cứng
cỏi vì chính nghĩa. Qua hình tượng Tử Văn, tác giả muốn nhắn nhủ đến chúng ta
rằng nếu đã muốn hành động vì lẽ phải, đừng nên lo lắng đến hậu quả mà thay đổi
tính cách của bản thân để chiều theo ý người đời, giống như chàng Tử Văn kiên
quyết đốt đền mặc cho người người phản đối.

Với cốt truyện được kết cấu đầy kịch tính có mở đầu, có xung đột, có phát triển, có
đỉnh điểm và có kết thúc, cách xây dựng nhân vật theo hai tuyến thiện và ác,
truyện đã phác họa thành công nhân vật Ngô Tử Văn cương trực, thẳng thắn, là
hình ảnh của kẻ sĩ nước Việt bất khuất, chính trực. Những yếu tố kỳ ảo dày đặc
như ma- thần, âm-dương khiến cho cuộc hành trình đấu tranh vì chính nghĩa của
Tử Văn lại càng thêm li kì, hấp dẫn.

Thông qua nhân vật Ngô Tử Văn, Nguyễn Dữ khéo léo thể hiện niềm tin vào công
lí, chính nghĩa thắng gian tà, thiện thắng ác, tinh thần đấu tranh bất khuất và đề
cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh. Trên thực tế, nền văn học
thế giới cũng có không ít hình tượng ‘’kẻ gàn với lý tưởng hiệp sĩ’’, nổi bật hơn cả
là hình tượng Don Quixote của nhà văn Cervantes. Alonso Quixano là một gã quý
tộc nghèo, tuy đã gần 50 tuổi nhưng do phát cuồng vì tinh thần hiệp sĩ trong các
truyện hư cấu nên ông đã tự sắm sửa cho mình một bộ giáp, lấy tên Don Quixote,
lên đường phiêu lưu, hành hiệp trượng nghĩa. Trên đường đi, Don Quixote đã gây
ra không ít phiền nhiễu cho những người xung quanh và cho cả chính mình. Gã giải
cứu cho một mục đồng khỏi bị chủ trói đánh, gã tranh cãi và ẩu đả với những
thương lái chỉ vì họ không chịu thừa nhận một người đàn bà nông thôn mà gã
thích là người đẹp nhất, gặp cối xay gió, gã tưởng là những tên khổng lồ tàn ác nên
lao vào chiến đấu. Người ta cho rằng niềm tin của lão là gàn dở, tinh thần đấu
tranh của lão là phi thực tế, giống như cách mà người ta phản đối hành động đốt
đền của kẻ sĩ họ Ngô kia. Nếu họ vì miệng lưỡi thế gian mà buông xuôi, đầu hàng
trước cái ác, thì lý tưởng của cuộc đời họ sẽ là gì? Nguyễn Dữ, hay Cervantes, có lẽ
đều tin rằng nếu đã đấu tranh vì chính nghĩa, thì nên kiên định, há chi lời ra tiếng
vào. Mỗi chúng ta đều có thể là một Ngô Tử Văn hay một Don Quixote, ở mặt này
hay mặt khác . Đã có một niềm tin, dù với nhiều người đó chỉ là ảo tưởng, thì hãy
làm hết mình để theo đuổi niềm tin ấy, bởi sống mà không có gì để tin, để phấn
đấu thì cuộc đời như vậy còn nghĩa lý gì nữa ?
Nhà văn Ai-ma-tốp đã khẳng định: ‘’Một tác phẩm nghệ thuật chân chính không
bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng.’’ Cũng như thế, dù Ngô Tử Văn chỉ là một cuộc
đời trong trang sách nhưng nhân vật ấy vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc
giả, bồi đắp cho chúng ta hướng tới giá trị nhân văn sâu sắc, hướng tới chính
nghĩa, lẽ phải, và tôi tin rằng hình tượng Ngô Tử Văn trong tác phẩm ‘’Chuyện chức
phán sự đền Tản Viên’’ sẽ luôn có chỗ đứng nhất định trong dòng chảy văn học
dân tộc.’’

You might also like