You are on page 1of 16

TẬP VIỆN THÁNH TÂM – DÒNG TÊN VIỆT NAM

CON NGƯỜI và Ý CHÚA

Bài viết tổng kết môn học


Thần Học Thiêng Liêng

Tập sinh thực hiện


Phanxicô Xaviê Phan Gia Khuê

Hướng dẫn
Đaminh Phạm Minh Thắng, S.J.

Tháng Năm, 2020


MỤC LỤC

GIỚI THIỆU .......................................................................................................................................................................iv

CHƯƠNG 1......................................................................................................................................................................... 1
Cùng Đích Của Con Người Là Thi Hành Ý Chúa ...................................................................................................... 1
CHƯƠNG 2......................................................................................................................................................................... 2
Vấn Đề Thánh Ý Chúa ....................................................................................................................................................... 2
1. Hình Ảnh Về Thiên Chúa................................................................................................................................... 2
2. Các Cách Hiểu Khá Trái Ngược Về Ý Chúa ................................................................................................... 4
3. Tính Ưu Tiên Nhưng Không Bắt Buộc ............................................................................................................ 6
CHƯƠNG 3......................................................................................................................................................................... 8
Thuận Theo Ý Chúa Và Tự Do Của Con Người ......................................................................................................... 8
CHƯƠNG 4......................................................................................................................................................................... 9
Thực Hành Đời Sống Thuận Theo Ý Chúa .................................................................................................................. 9

TỔNG KẾT........................................................................................................................................................................ 11
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................................................................. 12

iii
GIỚI THIỆU

“Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi,


vì đó là hoan lạc của lòng con.
Con hướng lòng quyết thực thi thánh chỉ,
mãi mãi cho đến cùng.”
Thánh Vịnh 118 (119), 111-112

Trong suốt dòng lịch sử linh đạo Kitô giáo, ý muốn của Thiên Chúa là nguyên lý tối thượng
cho mọi thực hành và lựa chọn. Hầu như chưa bao giờ người ta nêu lên một nghi vấn nào về nguyên
lý này. Thế nhưng, trong hoàn cảnh hậu hiện đại (post-modern condition), khi những suy tư của
chúng ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa hiện sinh, thì dù muốn hay không, nỗi ám ảnh
thèm khát về một sự tự do tuyệt đối của cá thể, ít nhiều cũng trở thành một đòi hỏi khiến nhiều
người phải đặt lại vấn đề về ý Chúa, tức là về một ý muốn nào đó can thiệp cách trực tiếp vào tự do
của con người.

Karl Rahner, một thần học gia uy tín của Dòng Tên, trong một tác phẩm nhỏ (nhưng mang
tầm vóc lớn) được thực hiện vào những năm cuối đời của ông, đã nói những lời quyết định như vầy:

Không có Thiên Chúa, chúng ta sẽ trôi dạt vật vờ trong việc sử dụng tự do và khả năng quyết
định, chúng ta sẽ mãi mãi mông lung và rốt cuộc rơi vào tình trạng buồn tẻ tuyệt vọng. Thực
vậy, vì tất cả những cái có thể lựa chọn được, suy cho cùng, là cái hữu hạn và luôn bị một cái
khác giới hạn (thậm chí hoàn toàn có thể thay thế) và vì thế chúng sẽ mãi mãi ở trong tình
trạng “cái nào cũng như cái nào”. 1
Ý Chúa và tự do của con người, đối diện với sự căng thẳng này, có những người rời bỏ đi

trong bất mãn, có người lại tìm thấy niềm hy vọng và ý nghĩa cho cuộc đời mình. Bài viết sau đây sẽ
cố gắng nêu lên những khía cạnh căn bản liên quan đến vấn đề này. Vì giới hạn của không gian trình
bày, cũng như giới hạn của người viết, những vấn đề được nêu ra không hẳn sẽ được giải quyết thấu
đáo. Và dù sao, chúng ta không có một ý muốn chung chung của Thiên Chúa cho toàn thể loài
người, mà ý muốn ấy là cá vị cho từng cuộc đời, và vì thế, nó chỉ có thể được giải quyết trọn vẹn
trong kinh nghiệm của từng cá nhân.

1
Karl Rahner, Tâm sự của thánh Inhã Loyola với một Giêsu hữu hôm nay, (Bùi Quang Minh dịch và giới thiệu,
Antôn & Đuốc Sáng, 2009), p. 32.

iv
CHƯƠNG 1
Cùng Đích Của Con Người Là Thi Hành Ý Chúa

Trong số những di sản quý giá mà thánh Inhã Loyola để lại, chúng ta tìm thấy lời cầu
nguyện xúc động sau đây:

“Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại. Dạy con phụng sự Chúa như Ngài đáng được
phụng sự; để cho đi mà không tính toán; để chiến đấu không màng thương tích; để lao nhọc mà
không tìm nghỉ ngơi; để hiến thân mà không tìm kiếm phần thưởng nào khác hơn là được biết
con đang thi hành ý muốn của Ngài.” 2
Trong lời cầu nguyện trên, bên cạnh những tâm tình tha thiết, chúng ta thấy hiện lên một
khao khát sâu xa, mà hoàn toàn có thể nói rằng, đã gồm tóm đầy đủ cùng đích của đời sống Kitô
giáo: thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thật ra, chưa cần phải tiến vào địa hạt của thần học, thì kết

luận tương tự cũng có thể được nêu ra trong phạm vi thuộc lãnh vực triết học. Thật vậy, nguyên tắc
triết học chỉ ra rằng mỗi tác nhân thì vận hành cho một mục đích, đặc biệt là một tác nhân trí tuệ,
chẳng hạn, chúng ta không thể làm ra một cái gì mà chúng ta không biết nó dùng để làm gì. Như
vậy, đối với một cái gì được tạo ra, thì ý muốn của tác nhân tạo thành nó, do đó, chính là ý nghĩa cho
sự hiện hữu của nó. Đến lượt mình, bởi con người là một thụ tạo, nên ý muốn của Đấng Tạo Dựng
là ý nghĩa tối hậu cho sự hiện hữu của con người, hay có thể dùng cách diễn đạt khác trong cụm từ:
mục đích vì đó mà nó được dựng nên. Và cũng vì vậy, thụ tạo càng sống gần với mục đích mà nó
được dựng nên bao nhiêu, tức là thuận theo ý muốn của Đấng Tạo Dựng, thì nó càng trọn vẹn bấy
nhiêu trong ý nghĩa hiện hữu của mình 3. Chính vì thế, thánh Inhã đã hoàn toàn có lý khi nhận ra
rằng, được biết mình đang thi hành ý muốn của Chúa là phần thưởng quan trọng hơn tất cả.

Tuy nhiên, nếu như kết luận này đã khá rõ ràng và không có gì cần tranh cãi thêm, thì lại có
những chất vấn nảy ra xung quanh vấn đề này, từ bên ngoài cũng như chính trong lòng thế giới Kitô
giáo: Thực sự có một cái gì được gọi là thánh ý Chúa? Con người có thể thực sự biết được ý muốn
của Chúa? Liệu có phải là một sút kém khó lòng chấp nhận, khi dường như con người bị tước đoạt
sự tự do trong ý niệm về một ý muốn can thiệp nào đó?

2
St. Inhã Loyola, Kinh Quảng Đại.
3
Tôi muốn nhấn mạnh, việc thuận theo ý muốn của Đấng Tạo Dựng, tự nó mang giá trị cùng đích đối với thụ
tạo, chứ không hệ tại ở nội dung ý muốn đó là gì.

1
CHƯƠNG 2
Vấn Đề Thánh Ý Chúa

1. Hình Ảnh Về Thiên Chúa

Trước hết, câu hỏi về sự tồn tại của ý Chúa liên quan trực tiếp đến hình ảnh về Thiên Chúa,
Ngài là một ngôi vị hay không có ngôi vị? Vì hiển nhiên một hữu thể không có ngôi vị thì cũng
không có ý muốn. Vấn đề đầu tiên cần phải được đặt ra ở đây là một thực tế dường như mâu thuẫn
nhau về hình ảnh của Thiên Chúa: Đấng bất biến và đồng thời cũng là Đấng hiện diện và tham dự
vào những vấn đề của con người. Làm thế nào để có thể cùng một lúc là Đấng Tuyệt Đối vừa bất
biến, vừa như một ngôi vị có khả năng thay đổi? Vì hiển nhiên là nếu phủ nhận sự bất biến và vĩnh
cửu của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phủ nhận chính bản tính của Ngài. Trái lại, nếu phủ nhận
sự hiện diện gần gũi và mối tương quan ngôi vị của Thiên Chúa đối với con người và với thế giới, thì
chúng ta kết luận rằng Thiên Chúa chẳng can hệ gì đến đời sống chúng ta, chẳng hạn, Ngài có thể bị
ảnh hưởng bởi những lời cầu nguyện của chúng ta không? Và rốt cuộc, chúng ta giống như những
người theo thuyết Tự nhiên thần luận, vì một Thiên Chúa tiền định như vậy thực sự không thể có
tương quan và sự đáp trả đối với những thực tại của con người.

Một số học giả đã cố gắng lý giải tại sao hai đặc tính này của Thiên Chúa, dù trái ngược
nhau nhưng không trực tiếp loại bỏ nhau. Cụ thể, Vincent Brummer viết:

Một Thiên Chúa bất biến tuyệt đối sẽ giống với Đấng Tuyệt Đối của thuyết tân Plato (một
“Hữu Thể Siêu Việt” tách biệt, thuộc thế giới bên kia) hơn là giống với một Đấng hiện diện
ngôi vị như Kinh Thánh đã trình thuật về Ngài, và như thế không có một loại hiện hữu nào với
Đấng mà chúng ta có thể có sự tương quan ngôi vị. 4
Đồng thời, khi nhấn mạnh về quan điểm liên vị của Thiên Chúa như vậy mà không hoàn
toàn phủ nhận tính bất biến thần linh, ngoại trừ trong một số phương diện cụ thể, ông (Vincent
Brummer) nói thêm:

Thật sự là thiếu xót nếu tiền giả định một thế giới không tiền định, nơi mà những sự kiện gồm
các tác nhân hai chiều và tác nhân ngôi vị có thể tồn tại. Nhưng chúng ta cũng phải tiền giả
định rằng Thiên Chúa là một tác nhân ngôi vị, Đấng có khả năng phản ứng thực sự với những
biến cố bất ngờ và những hành động tự do mà con người thực hiện, cũng như những đề nghị
mà họ dành cho Ngài…. Rõ ràng, một mặt Thiên Chúa là một ngôi vị, và do đó có thể thay đổi
trong một số phương diện nào đó (ngài thực sự phản ứng lại những biến cố bất ngờ và những

4
Vincent Brummer, What are we doing when we pray? – A Philosophical Inquiry, (London: SCM Press, 1984),
35.

2
hoạt động của con người), và mặt khác cũng khẳng định rằng Thiên Chúa bất biến trong một
số phương diện nhất định khác: Chúng ta có thể tin vào Ngài để luôn trung thành với những
đặc tính của Ngài. 5
Sự thay đổi, sự giống nhau, sự khác nhau và bất biến, tất cả đều là những ý niệm chưa hoàn
chỉnh nằm trong giới hạn của thời gian. Nhưng vì Thiên Chúa là Đấng vượt lên trên thời gian, đối
với Ngài, mọi lúc đều là hiện tại, nên ý muốn của Ngài, do đó, vừa là hằng số trong vĩnh cửu, vừa là
biến số trong lịch sử. Chắc chắn, Thiên Chúa là Đấng bất biến (ít nhất là trong một vài phương
diện nào đó: trong ân sủng, tình yêu, sự trung tín), và nếu thay đổi là một tính chất, thì tính chất đó
cũng sẽ không thể thiếu đối với Thiên Chúa – Đấng không thiếu gì. Vì nếu Thiên Chúa không thể
thay đổi trong bất kỳ phương diện nào, thì Ngài chỉ là một nguyên lý vận hành nào đó chứ không là
một ngôi vị.

Khuôn mẫu về một Thiên Chúa phi ngôi vị có thể được xem là quan điểm của những người
theo thuyết Tự Nhiên Thần Luận (Deism). Theo đó, Thiên Chúa như một người thợ làm đồng hồ
siêu phàm; nghĩa là sau khi tạo ra thế giới, Ngài bỏ mặc nó, không còn bận tâm hay có bất kỳ liên
quan nào đến tiến trình phát triển của nó, mà để nó tự vận hành bởi những nguyên lý đã thiết lập
sẵn, giống như một cái đồng hồ đã lên dây cót. Rõ ràng, đây là một khuôn mẫu về Thiên Chúa khó
lòng chấp nhận. Vì theo đó, sự vận hành tuyệt đối bởi những nguyên lý ngụ ý về một thế giới tất
định, nơi ý chí và tự do của con người hoàn toàn không tồn tại. Điều này rất trái ngược với kinh
nghiệm thực tế của chúng ta.

Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng, dù sao ý niệm về một Thiên Chúa ngôi vị vẫn là điều dễ
dàng đón nhận hơn. Vấn đề là chúng ta phải hiểu ý niệm “ngôi vị” đó như thế nào, khi nó được quy
gán cho Thiên Chúa? Để khép lại vấn đề này, chúng ta sẽ lược qua những nhận định của một học
giả sau đây, ông viết:

Thiên Chúa có phải là một “ngôi vị” không? Ở đây chúng ta không hỏi vấn đề về Thiên Chúa
Ba Ngôi, liệu rằng có hay không Ba Ngôi Vị trong một Thiên Chúa? Nhưng thay vào đó chúng
ta đặt vấn đề rằng: Thiên Chúa có là một Hữu Thể tách biệt giữa các hữu thể? Nếu hỏi theo
cách này, thì câu trả lời “dĩ nhiên là không. Thiên Chúa không phải là một ngôi vị bởi vì Thiên
Chúa không phải là bất kỳ một thứ hay một hữu thể nào.” Nhưng nếu danh từ ngôi vị được đề
cập cách loại suy, thì câu trả lời phải khác đi. Liệu cái Thực Tại mà chúng ta gọi là “Thiên
Chúa” có những phẩm chất mà chúng ta cũng quy gán cho các ngôi vị hay không? Có, trong
mức độ mà chúng ta hiểu các ngôi vị như là những trung tâm của sự thông minh, tình yêu, lòng
thương xót, lòng trung thành và đặc biệt khả năng tương quan. Những gì mà chúng ta hiểu về
danh từ “Thiên Chúa” chắc chắn cũng phải nhận thức theo những phẩm chất này. Nói cách

5
Ibid., 39-40.

3
khác, sẽ tốt hơn khi quy “ngôi vị” cho Thiên Chúa hơn là xem Thiên Chúa như là một cái gì đó
phi ngôi vị, một sức mạnh vũ trụ không thể nhận thức được. Đó không phải là Thiên Chúa của
Cựu Ước và Tân Ước, cũng không phải của truyền thống và kinh nghiệm thường ngày của Kitô
giáo. Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng việc quy gán ngôi vị cho Thiên Chúa luôn luôn là
loại suy… Thiên Chúa như một ngôi vị, nhưng Ngài cũng rất khác với một ngôi vị. Cuối cùng,
mạc khải của Thiên Chúa trong ngôi vị Đức Giêsu Kitô tạo ra sự hài hòa cho sự nhìn nhận tính
ngôi vị của Thiên Chúa. Không đâu diễn tả tình yêu, lòng thương xót, sự trung tín và mối liên
hệ mật thiết của Thiên Chúa với chúng ta cách tràn đầy hơn nơi chính Đức Kitô. 6

2. Các Cách Hiểu Khá Trái Ngược Về Ý Chúa

Một số tác giả có quan điểm truyền thống, chẳng hạn Karl Rahner, cho rằng Thiên Chúa có
một ý định rõ ràng cho con người, điều này được hiểu một cách căn bản trong ý nghĩa của ơn gọi cá
vị hay kế hoạch cuộc đời, mà mỗi người phải tìm kiếm, nhận ra và thi hành. Rahner đã diễn tả lập
trường này khi cha cho rằng:

Không tín hữu nào có thể nghi ngờ một Thánh Ý cá vị như vậy lại không tồn tại, vì đó là một
tiền giả định cần thiết của niềm tin vào sự mặc khải tự do của Thiên Chúa về chính Ngài. Hội
Thánh luôn đón nhận cả phương diện thực hành lẫn lý thuyết về khả thể của những ơn gọi cá vị
như vậy - ví dụ, trường hợp của thánh Catherine thành Siena và thánh Margaret Mary, những
người được Thiên Chúa mặc khải sứ mạng rõ ràng như là Thánh ý Ngài thôi thúc họ, những
điều ấy họ không thể nhận biết nếu không được mặc khải. Quan điểm rõ ràng của chúng ta về
điều này là Thánh Inhã đã nghĩ về ơn gọi cá vị này như một điều bình thường đối với những
người thực hiện đầy đủ tiến trình Linh Thao - và không chỉ dành riêng đối với những trường
hợp thần bí hiếm hoi như vậy. 7
Tuy nhiên, cũng có những tác giả chọn lựa quan điểm trái ngược với quan điểm trên. Họ
phản đối ý kiến cho rằng thánh ý Chúa là một cái gì “sẵn có” và được xác định một cách rõ ràng:

Thánh Ý Chúa dành cho chúng ta, điều mà chúng ta phải tìm kiếm và nhận ra, không phải là
một thực tại được viết ra, được cố định và làm sẵn trước mắt chúng ta và không thông qua
chúng ta; nó không phải là một điều được dựng sẵn mà chúng ta chỉ cần khám phá, như một
người khám phá ra một kho báu đã được giấu trong vườn, để lệ thuộc vào nó cách thụ động. 8
Quan điểm sau đối nghịch với quan điểm trước, khi phủ nhận bất kỳ một ý muốn cụ thể
hay nghiêng chiều nào của Thiên Chúa đối với con người. Nói cách khác, như thể Thiên Chúa
không thiên vị bất kỳ hạng người nào, mà đơn giản Ngài để mọi sự cho mỗi người tự do quyết định
về những hành động mà mỗi người thực hiện, miễn là điều đó được chấp nhận và phù hợp với luân

6
Richard McBrien, Catholicism, (London: Geofrey Chapman, 1994), 349-350.
7
Karl Rahner, The Ignatian Process for Discovering the will of God in An Existential Situation, (The Institute of
Jesuit Sources, St. Louis), 283.
8
Francesco Rossi de Gasperis, Ignatius of Loyola – The Man of the Experience of God, Centrum Ignatianum
Spỉitualitatis, vol. 24 , (1993), 35-36.

4
lý, tùy vào hoàn cảnh riêng của mỗi người. Quan điểm này nhắm đến phương diện mục đích tổng thể

của Thiên Chúa hơn là về phương diện của thánh ý cá vị rõ ràng của Thiên Chúa dành cho mỗi
người. Chúng ta nhận thấy rõ ràng sự ảnh hưởng của triết học hiện sinh trong lập trường này:

Dù là nam hay nữ, dù đơn thân hay đã lập gia đình, là y tá, nhân viên xã hội, nội trợ, một nghệ sĩ
hay tu sĩ…. Những sự phán đoán này Thiên Chúa để lại cho chúng ta. Ở đây, chúng ta không
nỗ lực tìm kiếm một kế hoạch còn ẩn khuất bằng phương pháp khám phá, nhưng là nỗ lực thực
hiện chọn lựa sáng tạo nhất mà chúng ta có thể thực hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thiên
Chúa ban cho chúng ta một “chi phiếu trống” hơn là một chi phiếu chỉ chờ chúng ta ký vào.
Khi chúng ta nói: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”, Ngài trả lời: “Ta ban cho con món quà
là tự do và khả năng suy xét. Con phải biết rằng ta muốn sự sống cho con. Hãy là tất cả những gì
con có thể là. Hãy làm tất cả những gì con có thể làm. Ta ban cho con, Con của Ta như một
kiểu mẫu, và Ta ban cho con Thần Khí của Chúng ta. Hãy chọn lựa và quyết định bất kỳ điều gì
tốt cho con.” 9
Cả hai quan điểm trên đây đều gặp phải sự phản đối rõ ràng. Cụ thể, quan điểm đầu tiên với
một bản kế hoạch được làm sẵn thì dẫn đến hệ quả cũng gần tương đồng với thuyết tiền định, xem

Thiên Chúa như một “người điều khiển con rối” thiêng liêng, giả thiết rằng Ngài kiểm soát mọi
thứ, thậm chí cả ý muốn và hành động của con người, xác định trước tất cả những sự kiện. Hơn nữa,
như đã nói, vì Thiên Chúa là Đấng vượt lên trên thời gian, nên ý muốn của Ngài, do đó, vừa là hằng
số trong vĩnh cửu, vừa là biến số trong lịch sử, và vì vậy quan điểm về một bản kế hoạch là không cần

thiết. Quan điểm “một chi phiếu trống” thì dường như nhắc nhớ rằng Thiên Chúa không nghiêng

chiều về bất cứ điều gì. Và nếu Thiên Chúa dường như không thiên vị bất cứ điều gì, thì điều này

ngụ ý rằng chúng ta hoàn toàn “có một đôi tay tự do” đối với sự lựa chọn của chúng ta, giả định rằng

mọi lựa chọn đều phù hợp luân lý và tốt lành với mỗi người, rốt cuộc chẳng có gì cần phải nhận
định và xác chuẩn, đúng hơn việc thực hiện toàn bộ tiến trình lựa chọn theo thánh ý Chúa là vô
nghĩa. Một trong số những người đưa ra phản đối tương tự là Toner, một học giả uy tín về các đề tài
nhận định thánh ý Chúa theo linh đạo Inhã, ông viết:

Trong những tình huống chọn lựa nào mà người nhận định cần phải biết rằng mỗi chọn lựa
đều làm vinh danh Thiên Chúa ngang nhau và không có cái nào đem lại vinh danh Thiên Chúa
hơn cái nào? Nếu trong tình huống như vậy có thể xảy ra ở trường hợp cụ thể, thì Thánh Inhã
không quả quyết rằng Thiên Chúa có bất cứ ý định ưu tiên nào về sự tự do chọn lựa của con
người giữa những chọn lựa như vậy. Nếu vậy, nhận định theo Thánh Inhã sẽ bất khả thi, bởi vì
sự chọn lựa điều này hơn điều khác sẽ không mang lại tình yêu dành cho Thiên Chúa hoặc đạt
được cùng đích của đời sống con người. Một số tác giả có thể muốn viện chứng rằng Thiên
Chúa muốn con người dùng sự tự do và chịu trách nhiệm với hậu quả của sự tự do đó - hãy nhớ
rằng không có bất cứ điều nào cũng làm vinh danh Thiên Chúa hơn những điều khác. Điều đó

9
Thomas Hart, The Art of Christian Listening, (N.Y.: Paulist Press, 1980), 72.

5
có thể đúng như vậy, nhưng điều cũng đúng là Thiên Chúa không quan tâm đến chọn lựa nào
được thực hiện. Như vậy sẽ không có Thánh ý Chúa để nhận định. 10

3. Tính Ưu Tiên Nhưng Không Bắt Buộc

Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận sự thật về một ý muốn “ưu tiên” nào đó của Thiên
Chúa. Vì nếu không, tạo dựng của Ngài sẽ biến dịch một cách vô hướng trong vô số những khả thể
chọn lựa “cái nào cũng như cái nào”, điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với bản chất của Ngài là “An-pha
và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” 11. Để nhấn mạnh về tính ưu tiên này,
cha Rahner nói:

Trong phạm vi tự do của tôi và trong phạm vi những khả thể của tự do ấy, Thiên Chúa, Đấng
vô cùng tự do đối với mọi khả năng của tôi, đã ghi dấu chính điều này thay vì điều kia với tình
yêu đặc biệt của Ngài. Khác với cái kia, Ngài làm cho cái này quy hướng về Ngài một cách tỏ
tường, để nó không trở thành điều đối nghịch với Ngài, nhưng ngược lại, để nó yêu Ngài và để
nó được Ngài yêu mến và hiểu như thế, nó tự bày tỏ như là “ý của Thiên Chúa”. 12
Bên cạnh đó, Thiên Chúa phải có một “thánh ý mang tính ưu tiên nhưng không bắt buộc”
dành cho mỗi người. Đây là quan điểm của Toner. Thay vì đề cập dưới dạng một “kế hoạch” hoàn
toàn thánh thiêng mà một cá nhân được mời gọi phải khám phá và hoàn tất trong sự phức tạp của
chính nó, thì Toner xác định thánh ý Chúa theo một tiến trình hành động cụ thể mà Thiên Chúa
muốn dành cho một người ở đây và ngay lúc này mà không đòi hỏi hay bắt buộc một người thực
hiện nó. Tóm lại, theo quan điểm này, thánh ý Chúa là một hành vi cụ thể được hoàn thành một
cách tự do trong đời sống của mỗi người, đơn giản bởi vì một người tin rằng nó làm vinh danh
Thiên Chúa hơn và đó là điều Thiên Chúa mong muốn. Vì vậy, không thể giả sử một điều gì đó
được thiết lập bởi Thiên Chúa mà độc lập và không liên quan đến sự tự do của chúng ta. Giả thiết
rằng ý định ưu tiên của Thiên Chúa ở đây và bây giờ là dành cho một người, thì nó sẽ đương nhiên
phụ thuộc và bị ràng buộc rất nhiều bởi sự đáp trả tự do trước đó của một người đối với lời mời gọi
tình yêu không ngừng của Thiên Chúa trong lịch sử cụ thể của chính người ấy. Khi đó, Toner diễn

10
Jules Toner, Discerning God’s will – Ignatius of Loyola’s teaching on Christian Decision Making, (The
Institute of Jesuit Sources, St. Louis, 1991), 30.
11
Kh 22, 13. Ngoài ý niệm về tính toàn thể, chúng ta nhận thấy hàm chứa một sự biến dịch có hướng trong mặc
khải này.
12
Karl Rahner, Tâm sự của thánh Inhã Loyola với một Giêsu hữu hôm nay, op.cit., 32.

6
tả điều này: “Thánh ý Chúa ở bước kế tiếp phụ thuộc vào điều được được tự do lựa chọn ở ngay thời

điểm hiện tại”. 13

Một điểm khác cần được làm sáng tỏ ở đây là thuật ngữ “không bắt buộc”. Khi nói về tính
“không bắt buộc”, nó có ý muốn nói rằng chúng ta không bắt buộc phải làm theo thánh ý “ưu tiên”
của Thiên Chúa. Ở đây, không có sự đòi buộc luân lý hay bắt buộc chọn điều tốt hơn. Chúng ta đề
cập đến vấn đề này bởi vì một vài tác giả tin, hay ít nhất hàm ý, rằng con người bắt buộc phải chọn
“sự ưu tiên” của Thánh ý Chúa theo luân lý. Chẳng hạn, Alphongso nói:

Nếu cả hai lựa chọn trong một tình huống cụ thể được đưa ra là thực sự tốt thì về mặt luân lý
chúng ta không tự do để chọn lựa điều này hay điều kia - Điều này tương đương với một người
trong Cựu Ước, được hướng dẫn bởi tiêu chí luân lý: đúng - sai, tốt - xấu. Không, đối với tôi
như là một người của Tân Ước có một lời mời gọi cho “tình yêu lớn hơn”, đó là lời mời gọi của
Đức Giêsu cá vị, độc nhất và riêng biệt đối với tôi. Và tiêu chí để nhận định về lời mời gọi độc
nhất và riêng biệt không gì khác hơn là “ơn gọi cá vị” của tôi. Sau khi nhận định tiêu chí này
bằng ơn gọi cá vị, nếu tôi bước theo lời mời gọi, thì tôi đang sống một mối tương quan tình yêu
cá vị sâu xa với Thiên Chúa. Ngược lại, nếu tôi phớt lờ và khước từ nó trong thực tế, thì tôi
không chỉ vi phạm luật lương tâm giống như kiểu vi phạm luật lệ giao thông hoặc nội quy;
nhưng thực ra tôi còn đang phản bội lại một tình yêu cá vị. 14
Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng, việc không chọn lựa cho thánh ý “ưu tiên” của Thiên
Chúa, nhưng chỉ đơn thuần chọn lựa những “điều tốt” hoặc có thể chấp nhận được, bất kể tính độc
nhất của chúng ta, thì rõ ràng ảnh hưởng đến mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Tuy
nhiên, chúng ta cũng cảm thấy rằng một tình huống nhận định thì khác với một tình huống luân lý.
Trong tình huống luân lý có sự bắt buộc làm điều lành tránh điều dữ, còn trong tình huống nhận
định thì không có sự bắt buộc phải chọn điều tốt hơn so với điều tốt. Theo nghĩa này, chúng ta có
thể hiểu rằng thánh ý “ưu tiên” của Thiên Chúa mang tính “không bắt buộc”.

13
Jules Toner, Discerning God’s will – Ignatius of Loyola’s teaching on Christian Decision Making, op.cit., 28.
14
Herbert Alphonso, The Personal Vocation – Transformation in Depth Through the Spiritual Exercises,
Centrum Ignatium Spiritualitatis, (Rome: 1993), 59-60.

7
CHƯƠNG 3
Thuận Theo Ý Chúa Và Tự Do Của Con Người

Vốn là một thụ tạo, bị chi phối bởi những tương tác thụ tạo và bị giới hạn trong thế giới thụ
tạo, con người không thể hiểu sự tự do được gán cho mình theo đúng nguyên nghĩa của nó, tức là

không bị ràng buộc bởi điều gì. Cũng vì vậy, ý niệm về tự do có một trường nghĩa rất rộng, và nó

hoàn toàn có thể được định nghĩa một cách khác nhau trong mỗi lãnh vực khảo cứu riêng biệt, nên
trước hết, tôi muốn thống nhất về ý niệm này trong diễn giải sau đây: Tự do không phải là sự tùy ý
chọn lựa, mà là khả năng để chọn điều đưa ta đến cùng đích đời mình. Bởi vì hoàn toàn vô nghĩa
nếu những chọn lựa của ta chẳng đóng góp gì vào ý nghĩa sự hiện hữu của ta.

Như vậy, nếu việc thuận theo ý Chúa là cùng đích của hiện hữu người, và tự do của con
người là để hướng đến cùng đích hiện hữu của nó, thì hiển nhiên hai yếu tố này không thể mâu
thuẫn nhau, mà ngược lại, chúng bổ trợ lẫn nhau: tự do để thuận theo ý Chúa, và thuận theo ý Chúa

để tự do.

Kết luận tương tự cũng có thể được rút ra khi chúng ta thử viện dẫn những lập luận sau đây:
Điều tốt là đúng và điều xấu là sai. Nếu một người có đủ khả năng và tự do để làm mọi điều, anh ta
sẽ không bao giờ chọn làm điều sai. Mọi thứ sai trái và tai ác đều xuất phát từ sự yếu đuối và nô lệ.
Mà Thiên Chúa là nguyên lý của sự tốt lành, nên tự do của một người, cái được thể hiện qua khả
năng chọn lựa điều tốt của anh ta, không thể mâu thuẫn với sự tốt lành của Thiên Chúa. Do đó, ý
muốn luôn luôn tốt lành của Thiên Chúa không bao giờ là một cản trở với tự do thực sự của con
người. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là Đấng-luôn-luôn-lớn-hơn, nên sự lệ thuộc của ý chí vào Ngài
không thể là một sút kém.

8
CHƯƠNG 4
Thực Hành Đời Sống Thuận Theo Ý Chúa

Sau khi đã thảo luận khá nhiều trong phương diện lý thuyết, giờ chúng ta cần phải xem xét
đến vấn đề có tính thực dụng hơn, dù ít thú vị, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống, tức là
trong phương diện thực hành. Chúng ta sẽ đưa ra một vài đề nghị liên quan đến những nguyên tắc
để thuận theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. 15

1. Cần phải rèn mình thuận theo ý Chúa vốn được biết tới ngang qua những quy tắc và
luật lệ. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi cố gắng làm vui lòng Chúa với những việc
tự ta lựa chọn, và không đếm xỉa gì tới những luật lệ mà Ngài đã đặt trực tiếp lên ta
hay ngang qua các vị đại diện của Ngài. Những điều trước hết ta cần phải tuân thủ tận
tâm là những điều răn của Thiên Chúa, luật của Giáo Hội, những lệnh truyền của bề
trên, và bổn phận thuộc bậc sống của ta.
2. Thần Khí không chỉ tác động nơi mỗi người chúng ta qua Giáo hội, qua những người
có thẩm quyền, qua những người có ơn lãnh đạo thiêng liêng, qua những biến cố lịch
sử, nhưng Ngài còn hoạt động trong tâm hồn mỗi người, trong suy nghĩ và tình cảm
của họ; Ngài dẫn dắt và hướng dẫn trực tiếp mỗi người – mặc dầu đôi lúc vẫn cần sự
trợ giúp của người khác trong việc nhận ra và đáp trả. 16
3. Mọi sự Thiên Chúa muốn cách chắc chắn và trực tiếp đều tốt cho ta, kể cả trong
những lúc điều đó mang đến nỗi đau và khốn khổ. Đối diện với những căn bệnh nan
y, cái chết của những người thân yêu, thái độ của người Ki-tô hữu chỉ là: “Nguyện Ý
Cha thể hiện”. Và nếu tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa đủ lớn để lên cao
hơn một sự tuân phục bình thường, và trong đau khổ hay buồn sầu đều dâng lên
Chúa lời cảm tạ, chúng ta sẽ vươn đến một tầm mức cao của việc phó thác vào ý Chúa.
4. Có sự khác biệt giữa điều Thiên Chúa muốn và điều Ngài cho phép (xảy ra). Thiên
Chúa sẽ không bao giờ muốn điều dữ cho ta, là điều Thiên Chúa không thể mong
muốn. Nhưng với sự tốt lành và khôn ngoan vô cùng, Thiên Chúa biết cách để
chuyển sự dữ Ngài cho phép thành sự lành, và đó là lý do tại sao Ngài cho phép sự dữ.

15
Cf. Jordan Aumann, Spiritual Theology, 375 - 376.
16
Cf. Jules Toner, A Commentary on Saint Ignatius’ Rules for the Discernment of Spirits, (The Institute of Jesuit
Sources, St. Louis, 1982), 1.

9
Vì vậy, chúng ta phải phấn đấu để thấy nơi sự bất công của loài người có sự công bình
của Thiên Chúa, vốn phạt ta vì tội lỗi ta, và thấy được cả sự nhân từ của Người, vốn
cho ta cơ hội để chuộc lỗi.
5. Bước đầu tiên và cơ bản nhất để đi tới sự hòa hợp ý muốn của một người với ý Chúa là
tránh hết sức có thể mọi tội lỗi, dù nhỏ đến mức nào. Nhưng cần phải làm gì nếu ta
rơi vào một tội nghiêm trọng? Cần phải phân biệt hai khía cạnh của tội: sự xúc phạm
chống lại Thiên Chúa và sự nhục nhã nơi người tội nhân. Yếu tố đầu tiên cần phải
khước từ hoàn toàn, và không ai có thể hối lỗi về nó cách đầy đủ. Yếu tố thứ hai có
thể chấp nhận với sự ăn năn và lòng tri ân bởi vì sự nhục nhã của một người ngang
qua tội lại là một phương thế để học biết ý nghĩa của luật Chúa.
6. Linh hồn nào mong ước đạt được sự phó thác hoàn toàn vào ý Chúa phải sẵn sàng
thực tập những lời khuyên Phúc Âm. Những tu sĩ tuyên các lời khấn sẽ thực hành
một vài lời khuyên nào đó trong đời sống hàng ngày. Các giáo dân không được mời
gọi để làm điều này, nhưng họ nên tuân giữ tinh thần của các lời khuyên Phúc Âm và
thực hiện chúng trong thực tế khi những bổn phận thuộc bậc sống của họ cho phép.

Chúng ta không biết Thiên Chúa đã định điều gì cho ta trong tương lai, nhưng chúng ta
biết được một vài điều chắc chắn: ý muốn Thiên Chúa là nguyên nhân tối cao của mọi sự; thiên ý tự
bản chất là tốt và có lợi; mọi sự, dù thuận lợi hay bất lợi, đều mang lại ích lợi cho những người yêu
mến Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta nên luyện tập một sự bình tâm thánh thiện, không ước muốn
sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống trường thọ hơn
sống đoản mệnh và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn điều gì dẫn
đưa chúng ta hơn tới cùng đích vì đó chúng ta được dựng nên. 17

Nếu ý Chúa là nguyên nhân tối cao của mọi điều xảy ra, và nếu ý Chúa là tuyệt đối tốt lành,
thánh thiện, khôn ngoan, và quyền năng, thì càng trở nên thuận theo ý Chúa, chúng ta càng chắc
chắn về việc không có điều gì xấu xa có thể xảy ra với ta. Những sự dữ Thiên Chúa cho phép sẽ góp
phần cho lợi ích lớn lao hơn của ta nếu ta biết cách tận dụng chúng theo cách Chúa muốn.

17
St. Inhã Loyola, Linh Thao, số 23.

10
TỔNG KẾT

Như vậy, chúng ta vừa lược qua một vài vấn đề chính liên quan đến thánh ý Chúa, và tương
quan của nó đối với tự do con người. Cùng đích hiện hữu của con người là thi hành ý Chúa; ý muốn
của Thiên Chúa không mâu thuẫn và cản trở sự tự do của con người; Thiên Chúa có một ý muốn
ưu tiên nhưng không bắt buộc, theo đó, con người hoàn toàn có thể tự do cùng Ngài vẽ nên bức
tranh của cuộc đời mình. Đó là những kết luận căn bản chúng ta có thể rút ra trong địa hạt lý
thuyết. Bài viết này không trình bày nhiều về những nguyên tắc trong thực hành, vì thiết nghĩ rằng,
chúng ta đã sẵn có những phương thế rất hữu hiệu để giúp tìm thấy thánh ý Chúa trong đời sống,
đặc biệt là theo phương pháp của thánh Inhã Loyola, người được xem là bậc thầy về phân định 18.

Về phương pháp nhận định theo thánh Inhã, xin tham khảo các học giả nổi bật như Karl Rahner, Jules Toner,
18

George Aschenbrener, John English, Thomas Green,…

11
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Alphonso, Herbert. 1993. The Personal Vocation – Transformation in Depth Through the Spiritual
Exercises, Centrum Ignatium Spiritualitatis. Rome.

Auman, Jordan. n.d. Spiritual Theology.

Bautista, Ramon Ma. Luza. 1997. Ignatian Prayer and Ignatian Discerment. London: Heythrop
college.

Brummer, Vincent. 1984. What are we doing when we pray? – A Philosophical Inquiry. London:
SCM Press.

Gasperis, Francesco Rossi de. 1993. Ignatius of Loyola – The Man of the Experience of God, Centrum
Ignatianum Spiritualitatis. Vol. 24.

Hart, Thomas. 1980. The Art of Christian Listening. N.Y.: Paulist Press.

McBrien, Richard. 1994. Catholicism. London: Geafrey Chapman.

Rahner, Karl. 2009. Tâm sự của thánh Inhã Loyola với một Giêsu hữu hôm nay. Translated by Bùi
Quang Minh. Antôn & Đuốc Sáng.

—. n.d. The Ignatian Process for Discovering the will of God in An Existential Situation. The Institute
of Jesuit Sources, St. Louis.

Toner, Jules. 1982. A Commentary on Saint Ignatius’ Rules for the Discernment of Spirits. The
Institute of Jesuit Sources, St. Louis.

—. 1991. Discerning God’s will – Ignatius of Loyola’s teaching on Christian Decision Making. The
Institute of Jesuit Sources, St. Louis.

12

You might also like