You are on page 1of 3

NHỮNG YÊU CẦU CƠ BẢN TRONG XÂY DỰNG VÀ GIỮ GÌN

TINH THẦN ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT CỦA


TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
TS. Nguyễn Thế Hùng
Giảng viên chính khoa Lý luận cơ sở

Trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, với không ít khó khăn,
thách thức, song dù trong hoàn cảnh nào, thì đội ngũ cán bộ, giảng viên trường
Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội vẫn luôn nỗ lực cố gắng, đoàn
kết nhất trí, đồng tâm, hiệp lực, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
được giao. Mọi cán bộ, giảng viên đều nhận thức được: Đoàn kết là vấn đề có
tính chiến lược, quyết định mọi thành công. Đây cũng chính là bài học sâu sắc
mà thực tiễn của trường trong nhiều năm qua đã chứng minh. Mỗi khi nội bộ
chưa thống nhất về tư tưởng, về chủ trương, về lợi ích thì không thể có sự đoàn
kết nhất trí cao, đồng nghĩa với nó là sự bất ổn và tạo nên lực cản kìm hãm sự
phát triển chung của nhà trường. Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp nối bề dày
truyền thống đoàn kết tốt đẹp và quý báu của Trường, vượt khó vươn lên để
khẳng định thương hiệu của một cơ sở đào tạo có uy tín, thì cần phải thực hiện
được các yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, để xây dựng khối đoàn kết, thống nhất, yêu cầu trước hết là
phải tôn trọng và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Thực tế, mọi sự rạn
nứt, mất đoàn kết trong nội bộ đều bắt nguồn từ sự buông lỏng nguyên tắc tập
trung dân chủ và không chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, không thường
xuyên tự phê bình và phê bình. Vì vậy, muốn đoàn kết và thống nhất thật sự
trong tư tưởng và hành động, nhất định phải phát huy dân chủ và mở rộng dân
chủ. Tuy nhiên, dân chủ không thể tách rời tập trung nghiêm túc mà phải gắn
chế độ lãnh đạo tập thể với cá nhân phụ trách; đồng thời, chống tập trung quan
liêu, dân chủ quá trớn, chống những tư tưởng và hành động cơ hội chủ nghĩa vô
nguyên tắc. Bên cạnh đó, phải chống tình trạng dân chủ hình thức, thống nhất
một chiều, thiếu sự tranh luận, thảo luận thấu đáo hoặc hiểu không đúng nguyên
tắc này, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ và chống dân chủ giả hiệu “miệng nói dân
chủ nhưng thực chất là quan chủ”.
Thứ hai, xây dựng khối đại đoàn kết ở Trường cần có sự đồng thuận trên
dưới một lòng, từ người đứng đầu là đồng chí hiệu trưởng, cùng các đồng chí
trong ban giám hiệu đến các trưởng, phó phòng, khoa; từ giảng viên đứng trên
bục giảng đến cán bộ phục vụ lao công đều chung một mục tiêu xây dựng nhà
trường lớn mạnh. Thực tiễn cho thấy, ở đâu mất đoàn kết thì ở đó nội bộ bị phân
tán, mất đi mọi tiềm năng và thế mạnh, đội ngũ cán bộ ly tán, phân hóa, chia rẽ.
Ở đâu mất đoàn kết là ở đó gần như toàn bộ thời gian và trí tuệ của những người
lãnh đạo, quản lý phải tập trung vào việc xử lý hoặc lo đối phó lẫn nhau. Do vậy,
cần bảo đảm công bằng và bình đẳng cho mọi thành viên nhà trường trong việc
thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như trong quyền lợi chính trị, quyền lợi
kinh tế. Nhà trường cần chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các
cán bộ, giảng viên, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể của các
khoa, phòng và lợi ích chung của toàn trường.

Thứ ba, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách
tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất. Luôn nêu cao tính
trách nhiệm, tinh thần xây dựng, không né tránh khuyết điểm, không đoàn kết
một chiều, không đoàn kết hình thức theo kiểu “Bằng mặt mà không bằng lòng”.
Mỗi cán bộ, giảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải
gương mẫu “tự soi, tự sửa”, giúp đồng chí “tự soi, tự sửa”, để mỗi người có tinh
thần trách nhiệm hơn trong hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên
cạnh việc phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng
đầu, các tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn thanh niên, hội
Cựu chiến binh đều phải tạo cơ chế, cơ hội để mọi người phát huy tinh thần đấu
tranh góp ý trực tiếp hoặc gián tiếp qua người đại diện với mục tiêu vì cái chung.
Sự trao đổi thẳng thắn đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm, giúp nhau khắc
phục khuyết điểm, tự vươn lên hoàn thiện bản thân. Những hành vi lợi dụng
danh nghĩa đấu tranh phê bình để mưu cầu lợi ích riêng, làm ảnh hưởng đến uy
tín, danh dự của người khác, làm ảnh hưởng tới khối đoàn kết trong tập thể nhà
trường, cần phải cực lực phản đối và đặc biệt cần lên án những trường hợp đơn
thư nặc danh, vượt cấp.
    Thứ tư, cần phải có môi trường sống và làm việc với tinh thần cởi mở, tin
cậy lẫn nhau, có sự bao dung rộng lượng, luôn tạo cơ hội cho mọi người có điều
kiện phát triển, qua đó để mọi người luôn cảm thấy tình thân ái của những người
xung quanh, cảm nhận nhà trường như tổ ấm thứ hai của mình. Đội ngũ cán bộ
lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải thể hiện đủ phẩm chất đạo đức và năng
lực công tác; luôn thống nhất giữa nói và làm; có vai trò tiên phong, nêu gương,
đi đầu trong mọi lĩnh vực, thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết. Tăng cường
công tác tạo môi trường cảnh quan của nhà trường xanh, sạch, đẹp, đồng thời
quan tâm xây dựng môi trường sinh hoạt đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh
cho cán bộ, giảng viên và học viên bằng nhiều hình thức tổ chức giao lưu đa
dạng, phong phú: Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các diễn đàn trao đổi theo
chủ đề, chuyên đề có ý nghĩa thiết thực đến đời sống hàng ngày. Thông qua các
loại hình tổ chức sinh hoạt tập thể như vậy, mọi người có điều kiện gần gũi, hiểu
nhau hơn, chia sẻ tình cảm, chia sẻ những khó khăn thuận lợi với nhau nhiều hơn
và từ đó mà tinh thần đoàn kết gắn bó với nhau sẽ càng tốt hơn.

Thứ năm, tăng cường và đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra và giám
sát, mở rộng trong kiểm tra và giám sát. Trong kiểm tra phải có trọng tâm, trọng
điểm với tinh thần quyết tâm cao, bản lĩnh vững vàng, giữ vững nguyên tắc
“không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong nhiệm kỳ và hằng năm để sớm
phát hiện những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, những biểu
hiện đoàn kết hình thức, giả hiệu, “bằng mặt không bằng lòng”. Khắc phục triệt
để tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, độc đoán, coi thường ý kiến người khác,
coi thường quần chúng. Nếu phát hiện cán bộ, giảng viên thiếu rèn luyện đạo
đức cách mạng, sa vào cá nhân chủ nghĩa, độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo
cánh, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ thì phải kịp thời tiến hành kiểm điểm làm
rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm, để củng cố sự đoàn kết
thống nhất. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết nội bộ, những việc
lợi dụng bất đồng ý kiến, mâu thuẫn trong nội bộ dẫn đến nguy cơ “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” làm tan rã khối đoàn kết thống nhất./.

You might also like