You are on page 1of 7

5 nguyên tắc ngầm đánh giá nhân viên mà sếp không bao giờ

nói với bạn


Trong 3 năm gần đây, khi tôi bắt đầu bước chân lên một nấc thang mới trong sự nghiệp: quản lý
một dự án với một nhóm nhỏ nhân viên, tôi nhận ra có những nguyên tắc mà sếp sẽ không nói
với bạn, hay như đó là một sự thỏa thuận ngầm với nhau để sếp sàng lọc ra những nhân viên thực
sự có tố chất phát triển tiếp.
Nếu bạn đang là một nhân viên, hãy nhận ra những điểm này sớm hơn để có thể cải thiện chính
bản thân bạn tốt hơn.
1. Sợi chỉ niềm tin
Luôn luôn sẽ có một sợi chỉ vô hình mang tên: "Niềm tin" giữa bạn và sếp. Niềm tin là cách sếp
của bạn cảm nhận và tin tưởng bạn bất cứ một điều gì trong công việc.
"Tháng vừa rồi bạn có đi muộn lần nào không?". Thực tế đi làm đúng giờ lại là nguyên tắc cơ
bản đầu tiên để có được lòng tin của cấp trên (và cả sự tôn trọng của đồng nghiệp dành cho bạn).
Nếu một công việc đơn giản như vậy mà bạn còn chưa nghiêm túc thực hiện được thì liệu sếp
của bạn có tin tưởng để giao cho bạn những việc lớn hơn không?
Sợi chỉ này còn rất mong manh qua những lần bạn cam kết công việc với sếp và không thể nộp
lại đúng hạn, hay những thiếu sót bạn mắc phải trong quá trình làm việc. Nếu sợi chỉ này bị đứt,
bạn phải mất rất nhiều thời gian sau đó để chứng minh - nối lại niềm tin với cấp trên. Do đó,
nguyên tắc đầu tiên là hãy đảm bảo bản thân bạn đang làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ với công
việc và công ty của bạn.
2. Đừng quăng khỉ sang vai sếp
Khi đi làm, bạn sẽ bắt đầu gặp những thử thách lớn dần trong công việc. Đừng phàn nàn với sếp
về việc bạn không biết giải quyết vấn đề này thế nào, hay bạn chỉ đang đơn giản nghĩ rằng sếp sẽ
luôn có cách vì họ có quyền quyết định mọi thứ? Nếu vậy thì bạn đang nhầm to và bạn đang
quăng "con khỉ" của mình sang vai sếp, trong khi lẽ ra đó là trách nhiệm của bạn.
Hãy tập cho mình thói quen trước khi đến với sếp, bạn đã chuẩn bị ít nhất ba phương án giải
quyết vấn đề đó, và chọn ra một hướng giải quyết rằng bạn nghĩ là hợp lí nhất. Trong đa số thực
tế, sếp rất cần kiến thức và sự hiểu biết của các nhân viên tiền tuyến hoặc các nhân viên đang
trực tiếp phải nhúng tay vào xử lý vấn đề. Sau đó, họ sẽ ra quyết định dựa trên các dữ kiện bạn
cung cấp, để tìm ra giải pháp tốt nhất dựa trên góc nhìn và kinh nghiệm của họ.
Với nguyên tắc này, bạn đang không chỉ giúp sếp mình tiết kiệm thêm thời gian mà bạn còn đang
tập cho chính mình tư duy để giải quyết công việc độc lập.
3. Tự trau dồi bản thân mỗi tuần
Trong một tuần làm việc, bạn sẽ có quá nhiều thứ phải làm và guồng quay công việc cứ lặp đi
lặp lại ngày này qua ngày khác. Hãy dành ra thời gian một/hai ngày ở lại công ty sau giờ làm
hoặc ngày cuối tuần của bạn để rèn luyện kĩ năng mới hoặc nhìn lại các công việc bạn đang làm.
Rèn luyện kĩ năng mới bao gồm cả các kĩ năng mềm hoặc các kiến thức chuyên sâu giúp bạn
nâng cao chuyên môn của mình hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đọc sách liên quan đến lĩnh
vực của mình, hay xem các video, khóa đào tạo, các diễn đàn chia sẻ kiến thức... có rất nhiều
cách trong thời đại 4.0 hiện nay để bạn cải thiện bản thân.
Hoặc ngay cả chính bản thân mình hiện tại, cứ hai tuần một lần, mình sẽ dành ra nửa ngày để
xem xét lại các công việc đang làm hiện tại. Có những gì có thể cải thiện hoặc thay đổi để tốt
hơn không? Việc làm này còn có ích cho công ty của bạn không? Bỏ nó đi liệu có giúp bạn tập
trung đúng vào những việc cần làm cho mục tiêu của công ty không? Hãy tập đặt ra cho mình
những câu hỏi trước giờ bạn chưa bao giờ từng nghĩ đến.
Sếp có thể giúp bạn định hướng phát triển sự nghiệp ở công ty nhưng bạn mới là người quyết
định bản thân và sự nghiệp của bạn phát triển như thế nào. Hãy ghi nhớ nguyên tắc này và dành
thời gian ra trau dồi nó. Học là việc cả đời mà!
4. Sẵn sàng đón nhận thử thách mới
Đi làm cũng như đi học vậy. Sau một khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ được sếp giao những
trọng trách lớn hơn như là dự án mới, công việc mới hay những buổi chia sẻ kiến thức với đồng
nghiệp.
Đối với những nhân viên có tầm nhìn ngắn hạn, họ thường có xu hướng né tránh hoặc xem nhẹ
việc này. Trên thực tế trong mắt sếp, đây là những bài kiểm tra để đo đạc trình độ kĩ năng, cũng
như mức độ trưởng thành của bạn trong công việc.
Đương nhiên, ban đầu bạn sẽ có thể có tâm lí lo sợ hoặc cảm thấy rất áp lực đối với những điều
mà mình chưa từng làm bao giờ. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh xem xét mục tiêu của vấn đề bạn đang
được giao là gì? Bạn có thể xử lý nó như thế nào, bao gồm cả việc bạn có thể nhờ sự trợ giúp tư
vấn từ mạng lưới bạn bè, đồng nghiệp của mình.
Vì tin tôi đi, chắc chắn sếp của bạn có những lí do và góc nhìn của mình để giao cho bạn thử
thách này; chứ thực sự chả đời nào, một người sếp đi giao cho nhân viên một công việc họ không
thể làm, như thế chỉ tốn thời gian của cả đôi bên.
Mấu chốt của nguyên tắc này là nếu bạn vượt qua được, bạn sẽ ghi một số điểm cực bự trong mắt
sếp và sự nghiệp của bạn sẽ được thăng tiến lên những nấc thang mới.
5. Không ai là không thể thay thế
Sau nhiềm năm đi làm, đây là nguyên tắc cuối cùng mà tôi nghĩ nên chia sẻ cho các bạn. Ngay cả
khi bạn có là công thần của công ty từ những ngày đầu thành lập hay bạn tự tin rằng vị trí của
mình là rất an toàn, quan trọng với công ty, vậy thì tôi xin kéo bạn trở lại với mặt đất bằng một
câu nói cay đắng: "Hãy tỉnh lại đi! Không ai là không thể thay thế".
Trong xã hội ngày nay, người giỏi thực sự nhiều! Do đó, hãy đừng bẫy bản thân bạn trong giấc
ngủ của kẻ chiến thắng, để rồi lơ đễnh đi bao công sức, tâm huyết bạn đã bỏ ra bấy lâu nay cho
sự nghiệp của bạn trong công ty.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nhân viên làm lâu năm cảm thấy bất mãn với công ty khi họ
cảm thấy bị đối xử không công bằng vì cảm thấy người mới vào thì lại có mức lương cao hơn họ.
Trong khi đó, họ lại không thực sự nhìn lại bản thân mình có tiến bộ gì hơn trong những năm
vừa qua hay không? Hay họ chỉ đang làm đi làm lại môt công việc qua từng năm, và cảm thấy
thỏa mãn với chính mình.
Và nếu điều này có thực sự xảy ra với bạn, hãy đón nhận nó với một tâm lý tích cực: Liệu bạn
còn những điều gì để hoàn thiện bản thân mình hơn không?
Hãy trao đổi thẳng thắn với sếp của bạn để nhận ra những vấn đề còn thiếu sót của bản thân. Đây
là cơ hội để bạn sửa sai và cải thiện hơn trước khi bước qua một trang sự nghiệp mới.
---
Lời cuối cùng, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều câu chuyện về việc nhân viên than vãn hay trách
sếp của tôi rằng: "Sao anh không chỉ cho em sớm hơn?".
Nhưng thực tế ở địa vị của cấp trên, sếp sẽ có những nguyên tắc và những luật ngầm không thể
nói ra trực tiếp với bạn được. Công sở cũng khốc liệt như chiến trường vậy.
Chỉ có những cá nhân hiểu rõ các nguyên tắc công việc này mới có thể tiếp tục bước tiếp trên nấc
thang sự nghiệp của họ.

9 nguyên tắc làm giàu của tỷ phú Warren Buffett


Không bao giờ vay mượn đề đầu tư và biết khi nào nên từ bỏ là những nguyên tắc
của huyền thoại đầu tư Warren Buffett... 
Warren Buffett, 87 tuổi, hiện sở hữu tài sản hơn 84 tỷ USD, theo thống kê của Forbes, là chủ tịch
kiêm CEO của công ty đầu tư Berkshire Hathaway. Theo Alice Schroeder - tác giả viết tiểu sử
nổi tiếng, Buffett cho biết thành công đáng kinh ngạc của ông là nhờ vào một số quy tắc chính
dưới đây.
1. Tái đầu tư lợi nhuận
Khi kiếm được khoản lợi nhuận đầu tiên, mọi người thường muốn tiêu ngay. Nhưng theo Buffett,
thay vì làm vậy, hãy tiếp tục đầu tư số tiền đó. Ngay từ thời trung học, Buffett và một người bạn
đã mua máy đánh bóng và đặt ở một tiệm cắt tóc. Khi kiếm được tiền lãi, họ tiếp tục mua thêm
nhiều máy mới cho tới khi mở rộng ra thêm 8 cửa hàng khác. Khi người bạn thôi hợp tác và bán
lại cổ phần, Buffett đã mua lại và dùng tiền đầu tư vào kinh doanh thứ khác.
Nhấn để phóng to ảnh

"Nếu như bạn đầu tư 1.000 USD với lợi nhuận 10%/năm, tức là bạn sẽ kiếm được 100 USD mỗi
12 tháng. Nếu bạn tiêu số tiền đó, nó sẽ ra đi mãi mãi và bạn sẽ luôn chỉ kiếm được 100
USD/năm. Nhưng nếu có thể tái đầu tư số tiền đó với tỷ suất lợi nhuận tương đương, thì sau năm
thứ 2, bạn sẽ không chỉ kiếm được 10% của 1.000 USD mà của 1.100 USD, tương đương 110
USD. Và tới năm thứ 10, bạn sẽ kiếm được 235 USD/năm".
2. Sẵn sàng khác biệt
Đừng bao giờ đưa ra quyết định dựa trên những gì mọi người đang nói hoặc đang làm. Khi bắt
đầu quản lý số tiền 100.000 USD của một số nhà đầu tư vào năm 1956, Buffett luôn được biết
đến là người khác biệt. Ông làm việc ở Omaha, chứ không phải tại Phố Wall và ông cũng không
nói với các đối tác rằng mình đang đầu tư ở đâu. Mọi người đều đoán rằng ông sẽ thất bại, nhưng
khi ông ngừng hợp tác 14 năm sau đó, 100.000 USD đã biến thành hơn 100 triệu USD.
Ben Graham - cha đẻ của thuyết đầu tư giá trị - từng nói rằng bạn không đúng khi những người
khác đồng ý với quan điểm của bạn, mà chỉ đúng khi các phân tích và số liệu của bạn đúng. Một
nhà đầu tư luôn phải tư duy độc lập và điều này đồng nghĩa rằng họ phải sẵn sàng để khác biệt
với đám đông.
3. Luôn thỏa thuận rõ ràng trước khi bắt đầu

Nhấn để phóng to ảnh

Buffett đã học được bài học quý giá khi còn là một đứa trẻ. Ông nội của Buffett đã thuê ông cùng
một người bạn dọn dẹp cửa hàng thực phẩm của gia đình sau một cơn bão tuyết. Hai người đã
mất 5 tiếng lao động vất vả nhưng sau đó chỉ được trả chưa tới 90 cent và phải chia đôi với nhau.
Warren Buffett thường không thương lượng. Ông luôn nói thẳng mức giá mình sẵn sàng trả để
thâu tóm một công ty.
4. Để mắt tới những khoản chi phí nhỏ
Buffett thường đầu tư vào các công ty được quản lý bởi những người quan tâm tới các khoản chi
phí nhỏ nhất. Ông từng mua một công ty mà chủ của nó đếm từng cuộn trong số 500 cuộn giấy
vệ sinh để kiểm tra xem có bị gian lận hay không.
Buffett cũng ngưỡng mộ một người bạn khi người này chỉ sơn một mặt tòa văn phòng của mình -
mặt quay ra đường. Bản thân Buffett cũng là người vô cùng tiết kiệm. Ông thường dùng phiếu
giảm giá khi mua đồ ăn tại cửa hàng McDonald's.
5. Hạn chế các khoản vay

Nhấn để phóng to ảnh

Buffett không bao giờ vay các khoản tiền lớn để đầu tư. Ông từng nhận được nhiều lá thư từ
những người từng nghĩ rằng khoản vay của họ nằm trong tầm kiểm soát nhưng rồi cuối cùng lại
chìm trong nợ nàn. Lời khuyên của Buffett cho họ là thỏa thuận với các chủ nợ để trả trong khả
năng của mình, sau đó khi đã hết nợ, dùng các khoản tiết kiệm có thể để đầu tư.
Warren Buffett thường nói ông không muốn ông hay Berkshire Hathaway rơi vào tình trạng phải
dựa vào ai đó về mặt tài chính. Sự ổn định về tài chính cũng như dữ trữ tiền mặt của Berkshire
Hathaway cho phép Warren Buffett nắm lấy nhiều cơ hội khi thị trường đi xuống - như từng xảy
ra vào năm 2008 khi đưa ra những khoản vay "cứu trợ" khổng lồ cho các công ty như Harley
Davidson, Goldman Sachs, và General Electric.
6. Luôn kiên định
Với sự kiên định và khéo léo, bạn có thể đánh bại những đối thủ lớn. Theo Buffett, một người sẽ
thường phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trong đời mình và điều họ cần làm là
luôn kiện định để vượt qua chúng.
7. Biết khi nào nên từ bỏ
Khi còn thiếu niên, Buffett từng tới trường đua và đánh cược nhưng thất bại. Để lấy lại tiền, ông
tiếp tục đặt cược vào cuộc đua khác và lại tiếp tục mất tiền. Khi đó, ông cảm thấy vô cùng tồi tệ
bởi đã lãng phí gần như thu nhập cả tuần của mình. Sau này, ông không bao giờ lặp lại sai lầm
đó.
Lời khuyên của Buffett là bạn không cần phải kiếm lại tiền theo cách đã mất nó. Nếu như nhận
ra phương pháp đầu tư ban đầu với một cổ phiếu thất bại, thì đã đến lúc bán hết và từ bỏ nó. Sau
đó, hay tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Tại Thung lũng Silicon, nhiều startup có phương châm:
Thất bại thật nhanh. Có nghĩa là nếu sớm thất bại thì bạn sẽ sớm nhận ra được nó, học hỏi được
từ đó và tiếp tục tiến lên.
8. Đánh giá các rủi ro

Nhấn để phóng to ảnh

Năm 1995, công ty của con trai Buffett - Howie bị FBI cáo buộc tội làm giá cổ phiếu. Buffett khi
đó đã khuyên Howie hình dung ra viễn cảnh tồi tệ và tốt đẹp nhất nếu tiếp tục ở lại công ty đó.
Sau đó, Howie đã nhanh chóng nhận ra những rủi ro phải chịu nếu ở lại vượt xa lợi ích có được,
và quyết định nghỉ việc ngay ngày hôm sau.
Warren Buffett có cách đánh giá các rủi ro rất khác so với các nhà đầu tư khác. Ở phố Wall và
các lớp học quản trị kinh doanh, rủi ro thường đồng nghĩa với sự biến động. Nhưng Buffett
không đồng tình với quan điểm này.
Ông cho rằng rủi ro đơn giản là khả năng mất đi khoản đầu tư ban đầu. Và nó không phải là thứ
mà nhà đầu tư có thể giảm thiểu bằng cách đa dạng hóa danh mục, quyền chọn hay các chiến
lược quản lý danh mục khác. Đối với Buffett, rủi ro là thứ chỉ dẫn đến hai lựa chọn: đầu tư hoặc
không.
9. Biết rõ ý nghĩa thực sự của thành công
Dù giàu có, nhưng Buffett không dùng tiền bạc làm thước đo của thành công. Năm 2006, ông đã
cam kết cho đi gần như toàn bộ tài sản của mình để làm từ thiện, chủ yếu qua tổ chức Bill &
Melinda Gates Foundation. Ông kiên quyết không tài trợ cho các công trình mang tên mình -
không có tòa nhà hay hội trường nào tên Warren Buffett cả.
"Khi bằng tuổi tôi, thành công đối với bạn sẽ được đo bằng việc có bao nhiêu người bạn muốn
thực sự yêu quý bạn. Đó là bài kiểm tra cuối cùng về việc bạn đã sống cuộc đời mình như thế
nào".
Theo VNeconomy.vn

You might also like