You are on page 1of 54

Chương 1.

Lý luận chung về pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo hộ quyền


tác giả đối với tác phẩm sách

1.1. Khái niệm tác phẩm sách


Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên, từ “sách” được định nghĩa
như sau:
1) (Danh từ, ít dùng) Dạ lá sách (nói tắt)
2) (Danh từ) Tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in,
đóng gộp lại thành quyển. Sách khoa học – kĩ thuật. Sách giáo khoa. Nói có
sách, mách có chứng (thành ngữ).
3) (Danh từ, khẩu ngữ) Mưu, kế. Giở hết sách.
Nghiên cứu này xoay quanh “sách” ở nghĩa hiểu thứ hai.
Theo nghĩa hiểu thông thường, sách là một phương thức lưu trữ thông tin
dưới hình thức văn bản hay hình ảnh, thường bao gồm nhiều trang khác nhau,
được đóng lại thành quyển, có bìa sách bên ngoài bảo vệ. Trong lịch sử về bản
vật lý cho tập hợp lưu trữ thông tin, trước khi có sách đóng thành quyển, nhân
loại còn có sách tồn tại dưới dạng cuộn giấy. Ngày nay, ngoài sách giấy, người
đọc còn có thể tiếp cận với sách nói (tồn tại ở dạng âm thanh), hay sách điện tử
(tồn tại ở dạng điện tử).
Nội dung của sách chứa đựng các giá trị văn hóa tinh thần (các tác phẩm
sáng tác hoặc tài liệu biên soạn) thuộc các hình thái ý thức xã hội và nghệ thuật
khác nhau, được ghi lại dưới các dạng ngôn ngữ khác nhau (chữ viết, hình ảnh,
âm thanh, ký hiệu,...) của các dân tộc khác nhau nhằm để lưu trữ, tích lũy, truyền
bá trong xã hội.
Trong luật Việt Nam, khái niệm sách này được tiếp cận theo cách khác, sẽ
được làm rõ ở phẩn dưới.
1.2. Khái quát chung về quyền tác giả đối với tác phẩm sách theo
quy định pháp luật Việt Nam

a. Khái niệm

Thuật ngữ “copyright” xuất hiện lần đầu tại Châu Âu vào thế kỉ 16 và được
lưu lại trong các ghi chép của Stationers’ Company từ năm 1701 1. Các nhà in
Anh Quốc tại thời điểm đó gắn cụm từ “copy” lên các bản sao sách để khẳng
định bản sao của họ giống bản gốc và họ được tác giả cho phép phân phối các
bản sao đó.2 “Copyright” lúc này không phải quyền của tác giả mà thuộc về các
thành viên trong phường hội in ấn - những người liên quan đến quá trình phân
phối các bản sao bao gồm người đóng sách, người in sách và người bán sách. Do
đó, trong giai đoạn này, “copyright” chỉ được coi là quyền của bên in ấn và xuất
bản. “Copyright” chỉ bắt đầu được coi là quyền của tác giả khi Nghị viện Anh
ban hành Đạo luật Anne vào năm 1709.

Pháp luật các quốc gia hiện tại, bao gồm Việt Nam3 đều quy định quyền tác
giả là một loại quyền sở hữu, bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản,
được trao cho hai loại chủ thể là tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Các tác
phẩm do chính tác giả sáng tạo bằng trí óc và lao động của bản thân sẽ phát sinh
quyền tác giả ngay khi hình thành. Chủ sở hữu tác phẩm được độc quyền khai
thác, có quyền ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoặc cho phép người khác sử
dụng tác phẩm của mình. Ví dụ: tác giả của một bộ truyện có quyền đặt tên cho
tác phẩm, lấy bút danh hoặc tên thật của mình đề trên tác phẩm khi phát hành
hoặc yêu cầu bồi thường khi phát hiện hành vi sao chép bất hợp pháp.

1
Worshipful Company of Stationers and Newspaper Makers, gọi tắt là Stationers’ Company, được thành
lập năm 1403 và là phường hội ngành in ấn và xuất bản của London.
2
Lyman Ray Patterson (1968), Overview, Copyright in Historical Perspective (tr.4-5), Nashville:
Vanderbilt University Press.
3
Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với
tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Như vậy, ta có thể hiểu quyền tác giả là phạm vi các quyền của chủ sở hữu
quyền tác giả, tác giả đối với tác phẩm được pháp luật thừa nhận và bảo hộ.

b. Đặc điểm

Không chỉ sở hữu các đặc điểm chung của quyền sở hữu trí tuệ là tính vô
hình của các đối tượng bảo hộ; các đối tượng này chỉ được bảo hộ trong một thời
gian nhất định và còn được bảo hộ không chỉ tại nước sở tại – nơi tác giả sáng
tạo ra tác phẩm mà còn tại các nước thành viên các điều ước quốc tế về sở hữu
trí tuệ; quyền tác giả đối với tác phẩm sách còn mang các đặc điểm riêng sau:

- Đối tượng của quyền tác giả luôn mang tính sáng tạo và được bảo hộ
không phụ thuộc vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật

Sách là một đối tượng được bảo hộ của quyền tác giả và đây chính là thành
là quả của quá trình lao động sáng tạo, lao động trí óc của tác giả được thể hiện
bằng một hình thức nhất định; tác phẩm phải do chính tác giả trực tiếp thực hiện
mà không phải là sao chép hay đạo văn từ các tác phẩm khác, thì sẽ phát sinh
quyền tác giả, theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam
năm 2005 sửa đổi. Đồng thời, các tác phẩm này được bảo hộ không phụ thuộc
vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật; tuy nhiên, quyền tác giả cũng được bảo
hộ theo nguyên tắc chung của luật dân sự. Những tác phẩm có nội dung trái với
đạo đức xã hội, đi ngược lại lợi ích công cộng, bôi nhọ, xúc phạm danh dự vĩ
nhân, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá hay nhân phẩm của người khác; các
nội dung trái pháp luật, gây hại cho quốc phòng, an ninh… đều không được bảo
hộ, theo quy định tại Điều 8 của Luật SHTT VN năm 2005 sửa đổi về Chính
sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ.

- Quyền tác giả tập trung về việc bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm
Quyền tác giả chỉ giới hạn trong phạm vi thể hiện cụ thể của tác phẩm, có
nghĩa là nó chỉ được bảo hộ khi ở một hình thức nhất định mà không bao gồm
các ý tưởng của tác giả bởi chúng ta không thể nắm bắt hay không thể biết được
các ý tưởng nếu chúng không được thể hiện ra. Do đó, các ý tưởng để viết sách,
cách trình bày một cuốn sách chỉ dừng lại ở việc có các ý tưởng trong suy nghĩ
của tác giả mà chưa được thể hiện ra ngoài dưới một hình thức nhất định thì sẽ
không được bảo hộ bởi không có căn cứ để xác nhận hay công nhận. Như vậy,
theo khoản 1 Điều 6 Luật SHTT VN năm 2005 sửa đổi thì quyền tác giả phát
sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật
chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện,
ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. “Sự sáng
tạo của tác giả không chỉ đem lại cho tác giả quyền tác giả đối với tác phẩm mà
còn nhằm chống lại sự sao chép nó hoặc lấy và sử dụng hình thức trong tác phẩm
gốc đã được thể hiện.”4

- Hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động

Cơ chế bảo hộ tự động là một cơ chế đặc thù bảo hộ quyền tác giả theo quy
định chung của Công ước Berne. Đồng thời, theo quy định chung của Luật
SHTT VN năm 2005 sửa đổi tại khoản 3 Điều 5 có nêu: “Trong trường hợp điều
ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định
khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”,
và Việt Nam là một quốc gia thành viên của Công ước Berne; do đó, Luật SHTT
của Việt Nam cũng theo hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động,
được thể hiện tại khoản 1 Điều 6 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi về căn cứ phát
sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ.

4
Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (tr.36), Hà Nội: NXB Công an
nhân dân.
Quyền tác giả đối với sách sẽ được xác lập một cách tự động dựa trên hành
vi trực tiếp tạo ra tác phẩm của tác giả mà không yêu cầu chủ thể mang quyền
thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo hay đáp ứng các yêu cầu, thể thức nhất
định. Từ thời điểm tạo ra tác phẩm, tác giả được bảo hộ về mặt pháp lý và có các
quyền của người sáng tạo mà không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục đăng ký nào.
Đây là một loại quyền tự động phát sinh khi ý tưởng của tác giả đã được chuyển
thành một dạng thức cụ thể hay còn gọi là quyền “tuyên nhận” 5. Do vây, việc
đăng ký quyền tác giả không phải là căn cứ làm phát sinh quyền tác giả đối tác
phẩm mà nó có giá trị chứng minh khi xảy ra tranh chấp về quyền tác giả hay
khiếu nại, tố cáo.

- Quyền tác giả không được bảo hộ một cách tuyệt đối

Đối với các tác phẩm đã được công bố, phổ biến và tác phẩm không bị cấm
sao chụp thì để đảm bảo cho sự phát triển đồng đều của toàn xã hội, đồng thời
cũng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của công dân, pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt
Nam có quy định những trường hợp sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin
phép, trả tiền cho tác giả như: tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu
khoa học, giảng dạy của cá nhân; trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý
tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; trích dẫn tác phẩm
để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích
thương mại; sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên
cứu… Những hành vi trên đều là những hành vi sử dụng tác phẩm đã công bố
mà đều không vì mục đích thương mại mà vì mục đích phát triển văn hóa xã hội
chung, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tri thức cho người dân. Đồng thời,
những hành vi này không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng, khai thác bình
thường của tác phẩm, không xâm hại đến các quyền, lợi ích hợp pháp khác của
5
Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (tr.37), Hà Nội: NXB Công an
nhân dân.
tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, để có thể sử dụng tác phẩm mà
không cần phải xin phép, trả tiền thù lao thì ngoài những hành vi đã nêu ở trên,
người sử dụng còn phải thỏa mãn hai điều kiện khác là: tác phẩm đã được công
bố; và tôn trọng tác giả và quyền tác giả; việc tác phẩm khi được sử dụng phải
được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và thông tin tác giả.

Ví dụ: việc sử dụng tác phẩm nhằm mục đích tuyên truyền, cổ động; phục
vụ cho chính sách kinh tế, văn hóa, chính trị cho người dân ở vùng sâu, vùng xa;
cá nhân đọc truyện, nghe nhạc, xem phim để thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc,
hiểu biết khoa học, cuộc sống v.v. thì không bị coi là hành vi xâm phạm quyền
của tác giả và của chủ sở hữu quyền tác giả.

Chương 2. Pháp luật điều chỉnh vấn đề bảo hộ quyền tác giả đối với tác
phẩm sách ở Việt Nam

2.1. Tác phẩm sách

Đó là theo nghĩa thông thường. Luật Việt Nam không có quy định cụ thể
như nào được coi là sách, nhưng dựa trên Khoản 4 Điều 4 Luật Xuất bản 2012,
có thể hiểu sách sẽ bao gồm các tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hoá,
xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất
bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản
bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới
các hình thức như sách in, sách chữ nổi, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay
sách hoặc minh hoạ cho sách.

Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019,

“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm
khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự
(sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công
trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này
nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm
tác phẩm phái sinh.
3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải
do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép
từ tác phẩm của người khác.

4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại
khoản 1 Điều này.”

Nếu sách thoả mãn Điều 14 trên thì sẽ đủ tư cách để được bảo hộ quyền tác
giả.

2.2. Chủ thể của quyền tác giả đối với tác phẩm sách

a. Tác giả của tác phẩm sách

Điều 736 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về định nghĩa “tác giả” như sau:

“1. Người sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (sau đây gọi
chung là tác phẩm) là tác giả của tác phẩm đó.

Trong trường hợp có hai người hoặc nhiều người cùng sáng tạo ra tác
phẩm thì những người đó là các đồng tác giả.

2. Người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của người khác, bao
gồm tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng
tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn là tác giả của tác phẩm
phái sinh đó.”

Bộ luật dân sự 2015 không có quy định nào về vấn đề này.

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 cũng không quy định
rõ thế nào là tác giả, nhưng có khoản 3 Điều 14 quy định “Tác phẩm được bảo
hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo
bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.”.
như vậy, có thể hiểu “tác giả” là cá nhân, tập thể, tổ chức trực tiếp sáng tạo ra tác
phẩm bằng sức lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của
người khác.

b. Phân loại tác giả

i. Dựa vào số lượng người lao động sáng tạo để tạo ra tác phẩm
- Tác giả đơn nhất: là cá nhân bằng sức lao động trí tuệ của mình trực tiếp
sáng tạo ra tác phẩm mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
- Đồng tác giả: là nhiều cá nhân bằng sức lao động trí tuệ của mình cùng
nhau trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm mà không sao chép từ tác phẩm của người
khác.
Mỗi người trong số họ được gọi là đồng tác giả của tác phẩm. Trong trường
hợp này, những cá nhân này cùng nhau hưởng các quyển nhân thân cũng như
quyền tài sẩn của tác giả đối với tác phẩm.
Luật Việt Nam chưa có quy định chi tiết đẻ xác định mối liên quan giữa các
đồng tác giả với nhau đối với tác phẩm do họ tạo ra. Trong thực tế, khi xác định
quyền lợi mà mỗi đồng tác giả được hưởng, người ta thường dựa vào tính chất,
kết cấu của tác phẩm để xác định người này là tác giả định phần hay không định
phần.
Nếu tác phẩm có thể xác định được phần sáng tạo của từng người thì những
người tạo ra tác phẩm đó được gọi là đồng tác giả theo phần. Trong trường hợp
này, quyền lợi mỗi tác giả được hưởng sẽ được xác định tương ứng với phần tác
phẩm mà họ tạo ra.
Nếu tác phẩm do nhiều người tạo ra không thể xác định phần sáng tạo từng
người thì họ là đồng tác giả hợp nhất. Như vậy, mỗi đồng tác giả được cùng
hưởng quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm như nhau.
ii. Dựa vào nguồn gốc của tác phẩm
- Tác giả là những người tạo ra tác phẩm gốc: là những người, bằng sức lao
động trí tuệ của mình, tạo ra một tác phẩm với nội dung, chủ đề, tư tưởng, cách
thức thể hiển hoàn toàn mới.
- Tác giả tác phẩm phái sinh: Là những người tạo ra tác phẩm từ tác phẩm
của người khác đã được công bố, phổ biến, gồm:
- Tác giả dịch thuật: là người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ
khác. Khi chuyển ngữ tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, người
dịch phải sử dụng sức lao động sáng tạo dựa trên cơ sở tài năng, trí tuệ của mình.
Vì vậy, người dịch phải được thừa nhận là tác giả của tác phẩm dịch đó.
- Tác giả phóng tác: là người tạo ra tác phẩm theo phong cách sáng tạo của
riêng mình từ nội dung của một tác phẩm đã có
- Tác giả cải biên: là người sáng tạo ra tác phẩm bằng cách thay đổi hình
thức diễn đạt tác phẩm gốc.
- Tác giả chuyển thể: là người bằng lao động sáng tạo, chuyển tác phẩm từ
thể loại này sang thể loại khác.
- Tác giả biên soạn: là người từ các tác phẩm, các tài liệu khác để tạo ra tác
phẩm theo cách sắp xếp sáng tạo của riêng mình.
- Tác giả chú giải: là người làm rõ nghĩa một số từ, câu hoặc địa danh trong
tác phẩm đã có.
- Tác giả tuyển chọn: là người bằng lao động sáng tạo để tập hợp một cách
chọn lọc những tác phẩm của một hoặc nhiều tác giả thành tác phẩm tuyển tập
hoặc tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả dể tạo thành tác phẩm hợp
tuyển theo chủ đề nhất định.
iii. Dựa vào mối quan hệ lao động trong quá trình tạo ra tác phẩm
- Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả: là người bằng thời gian và
chi phí vật chất của mình để lao động sáng tạo và trực tiếp tạo ra tác phẩm, công
trình.
- Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả: là người bằng lao
động sáng tạo của mình để trực tiếp tạo ra tác phẩm, công trình theo nhiệm vụ
được giao hoặc theo hợp đồng.
Việc xác định tác giả như trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định
phạm vi quyền nhân thân và quyền tài sản của họ đối với tác phẩm.

2.3. Nội dung quyền tác giả

Mặc dù sách không được kể tên trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ
quyền tác giả được liệt kê trong Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi,
nhưng theo các khái niệm về sách đã được phân tích ở trên thì sách hoàn toàn là
một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo điểm a khoản 1 Điều 14
của Luật này. Do vậy, chủ thể quyền như tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả
đối với tác phẩm sách cũng có quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền
tài sản, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Điều 18.

Quyền tác giả là quyền năng mà pháp luật dành cho các đối tượng là tác giả
hoặc chủ sở hữu quyền tác giả đối với các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền
tác giả như các tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học. Nội dung quyền tác
giả được hiểu là một khái niệm hẹp nhằm xác định các quyền nhân thân và
quyền tài sản. Đây là các quyền độc quyền về cách thức và điều kiện khai thác
sử dụng tác phẩm và chủ thể quyền như tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả
được hưởng lợi ích theo phạm vi và mức độ phụ thuộc vào vị trí, vai trò của họ.
Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành có quy định là chủ thể quyền tác giả có
các quyền nhân thân và quyền tài sản.
a. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân đối với tác phẩm các quyền mang yếu tố tinh thần của chủ
thể đối với tác phẩm. Về bản chất, quyền nhân thân là quyền luôn gắn liền với
chủ thể nhất định mà không thể chuyển giao. Tuy nhiên, trong đó có những
quyền tuy được xác định là quyền nhân thân nhưng nó vốn dĩ lại là cơ sở để chủ
thể có các quyền đó thực hiện các quyền khác về tài sản, và vì thế, muốn thực
hiện các quyền về tài sản, người có quyền nhân thân phải chuyển giao quyền đó
cho chủ thể khác. Quyền nhân thân có thể chia thành hai loại: quyền nhân thân
không thể chuyển giao (quy định tại khoản 1,2,4 Điều 19 Luật SHTT), quyền
này được bảo hộ vô thời hạn và tồn tại vĩnh viễn cùng với tác phẩm; quyền nhân
thân có thể chuyển giao (quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật SHTT).

Quyền nhân thân gồm có các quyền sau:

- Quyền đặt tên cho tác phẩm (khoản 1 Điều 19 Luật SHTT), đây là một
quyền quan trọng của tác giả để khai sinh cho tác phẩm của mình. Việc đặt tên
cho tác phẩm, đặc biệt với đối tượng là sách, không chỉ nhằm cá biệt hoá, xác
định tác phẩm mà còn thể hiện dấu ấn cá nhân, tính sáng tạo của tác giả. Do đó,
quyền đặt tên cho tác phẩm là quyền luôn gắn liền với tác giả và không thể
chuyển giao cho người khác được.

- Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm (khoản 2 Điều 19 Luật
SHTT), tác giả có quyền tùy ý lựa chọn đứng tên thật hoặc sử dụng bút danh,
hoặc trong trường hợp không muốn sử dụng tên thật của mình, tác giả hoàn toàn
có thể sử dụng bí danh hoặc chủ động không đứng tên và để tác phẩm ở tình
trạng khuyết danh. Tuy nhiên, kể cả khi chỉ dùng bút danh, bí danh hay thậm chí
không đứngtên thì lợi ích, quyền lợi của tác giả đối với tác phẩm vẫn được bảo
vệ. Đồng thời, khoản 2 Điều 19 Luật SHTT cũng quy định rằng “... được nêu tên
thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố” do vậy sau khi tác phẩm được
công bố, tác giả chứng minh được tác phẩm là do mình sáng tạo, sẽ có quyền yêu
cầu người sử dụng tác phẩm phải thực hiện các nghĩa vụ đối với quyền của mình.

Đây là quyền thuộc nhóm quyền nhân thân không thể chuyển giao nên
không phải bất cứ chủ sở hữu quyền tác giả nào cũng có quyền này và không
đồng nghĩa với việc chỉ duy nhất tác giả mới có quyền nhân thân này. Căn cứ
theo quy định tại Điều 37, 38 Luật SHTT thì quyền đứng tên trên tác phẩm bao
gồm: chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả - tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ
sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm; chủ sở hữu quyền tác
giả là các đồng tác giả - các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật
chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm. Đặc biệt đối với đối
tượng được bảo hộ quyền tác giả là sách thì trường hợp có nhiều tác giả cùng
tham gia sáng tác là rất phổ biến, ví dụ như hai tác giả là Neil Gaiman và Terry
Pratchett cùng đứng tên tác phẩm “Good Omens” ; do vậy, ngoài các tác giả thì
các đồng tác giả cũng là một trong những chủ thể được phép đứng tên trên tác
phẩm cũng như có các quyền nhân thân tương ứng đối với tác phẩm mà mình
góp phần tạo nên.

-Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (khoản 4 Điều 19 Luật SHTT),
quyền này cho phép bảo vệ sự trọn vẹn của tác phẩm, và ngăn chặn người khác
sửa chữa, cắt xén hay xuyên tạc tác phẩm của mình bằng bất kỳ hình thức nào
gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Có thể nói, mục đích quyền
bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là để bảo vệ danh tiếng của tác giả tạo nên tác
phẩm, cũng được hiểu rằng đây là quyền bảo vệ sự tự do biểu hiện nội tâm của
tác giả mà không bị người khác can thiệp, chỉnh sửa, tác động vào. Không chỉ
vậy, đây còn là quyền bảo vệ mối liên hệ giữa tác giả và tác phẩm, những thành
quả lao động phản ánh tính cách, dấu ấn của các tác giả. Đồng thời mục đích của
quyền này còn là để bảo vệ mối liên hệ giữa tác giả và tác phẩm, những thành
quả lao động phản ánh tính cách, dấu ấn của các tác giả.

Vì vậy, chỉ có tác giả mới có quyền sửa đổi, bổ sung nội dung tác phẩm của
mình, đồng thời tác giả cũng có quyền cho phép người khác sửa đổi, bổ sung nội
dung tác phẩm. Do vậy, bất cứ người nào tự ý bổ sung, sửa đổi, cắt xén nội dung,
mà không được sự đồng ý của tác giả đều bị coi là xâm phạm quyền tác giả và
tác giả có quyền yêu cầu hộ chấm dứt hành vi, xin lỗi, hoàn lại sự toàn ven và
phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi đó gây ra thiệt hại về tinh thần và vật chất
cho tác giả. Qua đó, quyền này chống các hành vi cắt xén, thay đổi tác phẩm trái
pháp luật, gián tiếp bảo vệ quyền tài sản của người sáng tạo ra tác phẩm.

- Quyền công bố hoặc cho người khác công bố tác phẩm (khoản 3 Điều 19
Luật SHTT), việc công bố ở đây có thể hiểu là “việc phát hành tác phẩm đến với
công chúng với số lượng bản sao đủ để đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng
tùy theo bản chất của tác phẩm”, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực
hiện hoặc do cá nhân, tổ chức thực hiện mà được sự đồng ý của tác giả, chủ sở
hữu quyền tác giả. Đặc biệt đối với các tác phẩm là sách thì việc công bố tác
phẩm không bao gồm đọc trước công chúng tác phẩm văn học, phát sóng tác
phẩm văn học, nghệ thuật vì đây là các hành vi công bố, phổ biến, truyền đạt
không kèm theo bản sao tác phẩm.

Trong khi quyền quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền bảo vệ sự toàn vẹn
của tác phẩm là các quyền được pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế bảo hộ
vô thời hạn và không thể chuyển giao thì quyền công bố hoặc cho người khác
công bố tác phẩm là quyền có thể chuyển giao hoặc để lại thừa kế. Theo khoản 1
Điều 41 Luật SHTT quy định "Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số
hoặc toàn bộ các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này
theo thoả thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu quyền tác giả", do vậy, quyền
công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm được xác định là
quyền nhân thân có thể chuyển giao được cho người khác. Có thể thấy, quyền
công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm mang nhiều yếu tố “kinh
tế, tài sản” nhiều hơn so với việc gắn với yếu tố nhân thân, danh dự, uy tín của cá
nhân. Không chỉ vậy mà Điều 40 Luật SHTT cũng xác định rằng quyền công bố
tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm là một trong các quyền tác
giả được thừa kế theo quy định pháp luật. Có thể thấy, Luật SHTT Việt Nam
cũng như Luật Quyền tác giả Nhật Bản đều quy định đây là một trong các quyền
nhân thân có thể chuyển giao được và thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả là tác
giả (đồng tác giả) hoặc các đối tượng khác.

b. Quyền tài sản

Quyền tài sản là những quyền cho phép tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác
giả được hưởng những lợi ích vật chất phát sinh từ các tác phẩm mà tác giả, chủ
sở hữu quyền tác giả có quyền được hưởng. Pháp luật Việt Nam quy định nội
dung quyền này tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, bao gồm các quyền sau đây:

- Quyền làm tác phẩm phái sinh (điểm a khoản 1 Điều 20 Luật SHTT) là
quyền do tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của
mình để sáng tạo ra các tác phẩm mới hay còn gọi là các tác phẩm phái sinh, ví
dụ như các tác phẩm dịch thuật, tác phẩm chuyển thể, cải biên, phóng tác,…

Cũng giống như tác phẩm gốc, quyền tác giả của tác phẩm phái sinh là
quyền tự động, phát sinh ngay khi tạo ra tác phẩm, được pháp luật bảo hộ mà
không cần phải đăng ký. Tuy nhiên, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu
không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác
phẩm phái sinh; đồng thời, việc tạo ra tác phẩm phái sinh mà không có sự cho
phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm
tác phẩm phái sinh là hành vi xâm phạm quyền tác giả, trừ trường hợp chuyển
tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.

Các loại tác phẩm phái sinh như: tác phẩm dịch thuật là là tác phẩm phái
sinh được thể hiện bằng ngôn ngữ khác so với ngôn ngữ gốc trong tác phẩm gốc
thể hiện, tuy nhiên bản dịch phải sát nghĩa, chuyển tải đúng ý văn của tác giả; tác
phẩm chuyển thể là việc thay đổi hình thức thể hiện của tác phẩm đã có nhưng
vẫn giữ nội dung của tác phẩm gốc, ví dụ như chuyển thể một tác phẩm văn học
thành một vở kịch hoặc tác phẩm điện ảnh; tác phẩm cải biên là việc sửa đổi
hoặc biên soạn lại một phần nội dung, thay đổi hình thức thể hiện dựa trên một
phần hoặc toàn bộ tác phẩm gốc;…

- Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng (điểm b khoản 1 Điều 20
Luật SHTT) là quyền độc quyền thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả, do đó, chủ
sở hữu quyền tác giả có thể tự mình biểu diễn trực tiếp hoặc cho phép người
khác thể hiện thực hiện biểu diễn tác phẩm của mình. Việc biểu diễn ở đây được
hiểu là việc trình bày, thể hiện các tác phẩm theo hình thức, phương tiện nhất
định để truyền tải tới công chúng, ví dụ như thể hiện một cách trực tiếp thông
qua diễn viên để biểu diễn vở kịch, thông qua giọng hát của ca sĩ để truyền tải
bài hát hay thông qua giọng đọc để thể hiện bài thơ hay văn xuôi… Các tác
phẩm này cũng có thể được thể hiện gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình
hoặc các phương tiện kỹ thuật nào để công chúng có thể tiếp cận được. Có thể
thấy, chủ sở hữu quyền tác giả nắm trong tay quyền phân phối, phổ biến tác
phẩm của mình đến công chúng mà nếu các cá nhân, tổ chức muốn làm điều này
cần phải xin phép, trả phí theo quy định của pháp luật.

- Quyền sao chép tác phẩm (điểm c khoản 1 Điều 20 Luật SHTT):

Sao chép tác phẩm là việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện
hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hay tạm thời tác phẩm
dưới hình thức điện tử. Có thể thấy, hành vi sao chép không còn dừng lại ở việc
sao chép thủ công, truyền thống mà còn bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại
có thể sao chép một cách nhanh chóng, chính xác và có thể phân tán rộng rãi.

Đối với tác phẩm chưa được công bố thì sao chép tác phẩm là độc quyền
thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả. Trong trường hợp này chỉ có chủ sở hữu
quyền tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép mới được sao
chép tác phẩm. Nếu tác phẩm đã được công bố thì các tổ chức, cá nhân khác
muốn sao chép thì phải xin phép và được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác
giả. Tuy nhiên, pháp luật có những quy định trong việc hạn chế quyền của chủ sở
hữu trong vấn đề sao chép tác phẩm; do đó, các tổ chức, cá nhân có quyền sao
chép tác phẩm mà không phải xin phép hay trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả
hoặc cho chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp: tự sao chép một bản để
nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân chứ không nhằm mục đích thương
mại; sao chép một tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu,
thư viện khi đó không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công
chúng dưới bất kỳ hình thức nào kể cả có hay không mang mục đích thương mại.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân sao chép tác phẩm không được làm ảnh hưởng đến
việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của
tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; và phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc,
xuất xứ của tác phẩm.

- Phân phối hoặc nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm (điểm d khoản
1 Điều 20 Luật SHTT)

Phân phối là việc bán, cho thuê, cho mượn, chuyển giao bản gốc hoặc bản
sao tác phẩm bằng các hình thức phương tiện kỹ thuật mà qua đó công chúng có
thể tiếp cận được các sản phẩm. Đây là quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền
tác giả trong suốt thời hạn tác phẩm được bảo hộ mà không cần phân biệt tác
phẩm đã được công bố hay chưa, bởi xét về góc độ kinh tế, có thể nói đây là một
quyền tài sản quan trọng, nó mang lại lợi ích vật chất, mục đích kinh tế cho chủ
sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

Đối với quyền nhập khẩu bản sao tác phẩm, bản sao tác phẩm này được
định nghĩa tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một
số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT năm 2005 và Luật SHTT sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật SHTT năm 2019 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Đối tượng ở đây chính là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc
toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Trong khi đó việc
nhập khẩu được hiểu là hoạt động kinh doanh trên phạm vi quốc tế, đây là quá
trình trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia dựa trên nguyên tắc trao đổi và thỏa
thuận giữa các chủ thể với nhau, hoạt động này thông thường sẽ được diễn ra
theo hệ thống chặt chẽ. Như vậy, có thể hiểu việc nhập khẩu bản sao tác phẩm là
việc các tổ chức, cá nhân thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm
nước ngoài. Qua đó các chủ thể trong nước sẽ tiến hành nhập những bản sao của
tác phẩm từ các quốc gia khác thông qua thỏa thuận và sự đồng ý của chủ sở hữu
quyền tác giả của tác phẩm đó.

- Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến,
vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác
(điểm đ khoản 1 Điều 20 Luật SHTT). Đây là quyền độc quyền của chủ sở hữu
quyền tác giả, do đó, việc thực hiện quyền này có thể do chính tác giả thực hiện
hoặc chủ sở hữu quyền tác giả cho phép người khác thực hiện để truyền tải tác
phẩm đến với công chúng thông qua các phương tiện kỹ thuật tại bất cứ địa điểm
và thời gian nào.

- Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình
máy tính (điểm e khoản 1 Điều 20 Luật SHTT), đây là quyền độc quyền của tác
giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Nó là việc cho thuê sử dụng có thời hạn và có trả
phí, do chủ sở hữu quyền tác giả và bên sử dụng thoả thuận theo hợp đồng. Tuy
nhiên, trong trường hợp tác giả không phải là chủ sở hữu quyền tác giả thì họ
phải được nhận nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác khi tác phẩm
mà họ tự mình sáng tạo ra được người khác sử dụng.

- Quyền nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất từ việc cho người khác
khai thác sử dụng (Khoản 3 Điều 20 Luật SHTT)

Khái niệm tiền nhuận bút, tiền thù lao đối với quyền tác giả theo định nghĩa
tại khoản 14 và khoản 15 Điều 3 Nghị định 22/2018/NĐ-CP được quy định như
sau: "Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ
sở hữu quyền tác giả trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả không đồng
thời là tác giả; thù lao là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho chủ sở
hữu quyền tác giả; bên sử dụng cuộc biểu diễn trả cho người biểu diễn hoặc chủ
sở hữu cuộc biểu diễn. Theo đó, có thể thấy tiền nhuận bút, tiền thù lao được trả
cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm khi tổ chức, cá nhân xin phép khai
thác, sử dụng một hoặc một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại Khoản 1
điều này và khoản 3 Điều 19 Luật này."

Tiền nhuận bút, thù lao được xác định qua thỏa thuận giữa chủ sở hữu
quyền tác giả và tổ chức, cá nhân sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm và phải
tuân theo các nguyên tắc: việc trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải
bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công
chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước; mức tiền
nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định căn cứ vào thể loại, hình
thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất khai thác, sử dụng; các đồng chủ sở hữu
quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận về tỷ lệ phân chia
tiền nhuận bút, thù lao theo mức độ sáng tạo, phù hợp với hình thức khai thác, sử
dụng; mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định trong hợp
đồng bằng văn bản theo quy định pháp luật.

c. Phạm vi hưởng quyền của các chủ thể

Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc
toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ, bao gồm các
quyền sau: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao
chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền
đạt tác phẩm đến công chúng; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện
ảnh, chương trình máy tính. Chủ sở hữu quyền tác giả không phải lúc nào cũng
là tác giả, đó có thể là tổ chức giao nhiệm vụ cho tác giả, người được thừa kế,
người được chuyển giao quyền,... Tùy vào mối liên hệ với tác phẩm mà phạm vi
hưởng quyền của các chủ thể là khác nhau, cần phải xác định rõ chủ sở hữu
quyền tác giả ngay từ đầu để tránh phát sinh các tranh chấp sau này, đặc biệt khi
thực hiện việc chuyển giao quyền tài sản. Có thể xác định phạm vi hưởng quyền
của các chủ thể theo các trường hợp sau:

- Sách được tạo ra không dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng
giao việc

Tác giả sáng tạo ra tác phẩm sách và sử dụng thời gian vật chất, tài chính và
các điều kiện vật chất khác của chính bản thân mình là chủ sở hữu của tác phẩm.
Trong trường hợp này, tác giả được hưởng toàn bộ quyền nhân thân và quyền tài
sản đối với tác phẩm.

- Sách được tạo ra dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng giao
việc
Bên sáng tạo và bên giao việc có tồn tại mối quan hệ lao động động thông
qua hợp đồng lao động và thỏa thuận cụ thể về việc tạo ra tác phẩm. Trong
trường hợp này, bên sáng tạo là tác giả của sách nhưng chủ sở hữu quyền tác giả
đối với tác phẩm thuộc về bên giao việc. Tác giả vẫn được hưởng đầy đủ quyền
nhân thân đối với tác phẩm của mình, tuy nhiên toàn bộ quyền tài sản quy định
tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ do bên giao việc nắm giữ. Bên giao việc cũng
được hưởng quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác
phẩm theo Điều 39 Luật sở hữu trí tuệ.

- Quyền tác giả của sách đã được chuyển giao

Chủ sở hữu quyền tác giả có thể chuyển giao quyền tác giả thông qua
chuyển nhượng quyền tác giả hoặc chuyển quyền sử dụng quyền tác giả. Hợp
đồng chuyển nhượng quyền tác giả là hợp đồng chuyển giao một phần hay toàn
bộ quyền tác giả từ chủ thể này sang chủ thể khác. Hầu hết các quyền nhân thân
quy định tại Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ không thể được chuyển nhượng (đặt tên
cho tác phẩm, đứng tên thật hay bút danh trên tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của
tác phẩm). Chỉ quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác
phẩm và các quyền tài sản mới có thể chuyển giao. Chủ sở hữu quyền tác giả có
thể chuyển giao quyền theo các phần độc lập tùy theo mục đích và chủ thể được
chuyển giao sẽ trở thành chủ sở hữu mới của các quyền đó.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả là hợp đồng cho phép chủ
thể khác sử dụng tác phẩm trong một khoảng thời gian nhất định với trong phạm
vi các quyền được chuyển giao. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả
có thể là hợp đồng độc quyền hoặc không độc quyền. Hợp đồng độc quyền là
hợp đồng mà trong đó bên chuyển quyền (chủ sở hữu quyền tác giả) không được
chuyển quyền sử dụng cho chủ thể khác ngoài bên nhận quyền và cũng không
được sử dụng các quyền đã chuyển quyền sử dụng trong thời gian thỏa thuận.
Hợp đồng chuyển quyền sử dụng không độc quyền là hợp đồng cho phép chủ sở
hữu quyền tác giả được chuyển quyền đồng thời cho nhiều bên cùng một lúc và
chủ sở hữu vẫn có quyền khai thác tác phẩm. Khác với hợp đồng chuyển nhượng
quyền tác giả, bên nhận quyền trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền
tác giả không phải là chủ sở hữu mới của quyền mà chỉ được phép sử dụng theo
thời gian và phạm vi đã thỏa thuận. Các chủ thể này cũng không thể chuyển tiếp
quyền cho chủ thể khác nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu.

d. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả

Theo pháp luật Việt Nam, quyền tác giả sẽ phát sinh khi đó là tác phẩm
được sáng tạo bằng chính sức lực của tác giả và được thể hiện dưới một hình
thức vật chất nhất định, không phụ thuộc vào nội dung, chất lượng, hình thức,
phương tiện, ngôn ngữ, tình trạng công bố và tình trạng đăng ký. Hình thức vật
chất có thể hiểu là bất kỳ hình thức thể hiện nào mà qua đó công chúng thấy
được sự tồn tại của tác phẩm, đối với sách có thể là dưới dạng bản in, bản ghi
âm, dạng tập tin số. Thời hạn bảo hộ bắt đầu từ khi tác phẩm phát sinh quyền tác
giả. Trong thời hạn này chủ thể có quyền đối với tác phẩm được quyền khai thác,
sử dụng tác phẩm trong phạm vi hưởng quyền và được bảo vệ chống lại mọi
hành vi xâm hại quyền tác giả. Khi thời hạn bảo hộ kết thúc, tác phẩm sẽ thuộc
về công cộng và bất kì ai cũng có quyền sử dụng, khai thác mà không phải xin
phép hay trả tiền thù lao.

Quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật
hoặc bút danh trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm có ý nghĩa
quan trọng đối với tác giả. Các quyền đó bảo vệ mối liên kết giữa tác giả và tác
phẩm của họ, sự hiện thân cho tài năng của người viết. Thông qua quyền nhân
thân được trao, tác giả ghi dấu với công chúng bằng các tác phẩm mang bút danh
của mình và tạo lập danh tiếng, đồng thời bảo vệ tác phẩm khỏi việc bị xâm
phạm trái phép. Đây cũng là căn cứ để nhận thù lao của tác giả. Vì vậy, pháp luật
Việt Nam nói riêng và pháp luật về sở hữu trí tuệ trên thế giới nói chung đều quy
định thời hạn bảo hộ cho các quyền nhân thân kể trên là vô thời hạn.

Đối với quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản, căn cứ điểm b khoản
2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019), thời hạn
bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm sách là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi
năm tiếp theo năm tác giả chết. Trong trường hợp có đồng tác giả thì thời hạn
bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng qua
đời. Tương tự với tác phẩm khuyết danh, khi có thông tin về tác giả thì thời hạn
bảo hộ là suốt đời và 50 năm sau năm tác giả chết. Thời hạn 50 năm sau khi tác
giả qua đời là phù hợp với thông lệ quốc tế và Công ước Berne mà Việt Nam là
một thành viên. Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng Việt
Nam trong việc tiếp cận các tác phẩm nước ngoài. 

2.4. Biện pháp bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm sách

2.4.1. Chủ sở hữu tự mình bảo vệ

Chủ sở hữu có thể chống lại các hành vi xâm hại đến quyền lợi của mình
thông qua việc thực hiện quyền tự bảo vệ. Theo Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ
2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp
dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a. Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền
sở hữu trí tuệ;
b. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải
chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền
sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có
liên quan;

d. Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
mình.

Định nghĩa về “biện pháp công nghệ” có thể tìm thấy trong các hiệp định
mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA. Theo khoản 4 Điều 12.12, “biện
pháp công nghệ” có nghĩa là bất kỳ công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào mà
trong quá trình hoạt động bình thường của nó, được thiết kế nhằm ngăn ngừa
hoặc hạn chế các hành vi không được phép tác giả hoặc quyền liên quan đối với
tác phẩm hoặc các đối tượng được bảo hộ khác theo quy định của luật pháp
quốc gia. 

2.4.2. Các biện pháp bảo vệ của nhà nước

a. Biện pháp dân sự

Biện pháp dân sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo
thủ tục tố tụng dân sự trên cơ sở yêu cầu của chủ thể quyền SHTT hoặc tổ chức,
cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Các biện pháp dân sự bao gồm:
buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực
hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy hoặc buộc phân
phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa,
nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh
doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ
2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) cũng đưa ra căn cứ xác định mức bồi thường
thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm lợi nhuận bị mất, giá trị của
hàng hóa bị xâm phạm tính theo giá thị trường,...

b. Biện pháp hành chính

Biện pháp hành chính được cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính áp
dụng để cho các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Các
hành vi vi phạm hành chính đối với quyền tác giả được quy định tại Điều 211
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) và Nghị định số
131/2013/NĐ-CP. Tùy mức độ vi phạm mà các biện pháp sau đây có thể được áp
dụng: cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu hàng hóa giả mạo, đình chỉ hoạt động kinh
doanh, buộc tiêu hủy hoặc phân phối không nhằm mục đích thương mại, buộc
đưa ra khỏi lãnh thổ.

c. Biện pháp hình sự

Biện pháp hình sự được áp dụng cho các hành vi xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ được quy định là tội phạm. Những hành vi được coi là tội phạm khi có đủ
các yếu tố cấu thành các tội quy định trong Bộ luật Hình sự bao gồm: tội sản
xuất, buôn bán hàng giả; tội lừa dối khách hàng; tội xâm phạm quyền tác giả,
quyền liên quan; tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa
âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác.

Chương 3. Thực trạng bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm sách tại
Việt Nam và Nhật Bản

3.1. Thực trạng bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm sách tại Việt
Nam
3.1.1. Về sách giấy
Trước khi Việt Nam gia nhập công ước Bern, rất nhiều tác phẩm sách
truyện nổi tiếng trên thế giới đã được đến tay độc giả Việt Nam, dù là không có
bản quyền. Trong số này, không thể không kể đến Doraemon, Thuỷ thủ Mặt
Trăng, hay Bộ tứ TKKG.
Doraemon là một trường hợp rất đặc biệt: Bộ truyện đã được nhà xuất bản
Kim Đồng thương lượng và mua bản quyền thành công từ trước khi Việt Nam
gia nhập công ước Bern. Doraemon là một bộ truyện tranh Nhật Bản được viết
và minh hoạ bởi Fujiko Fujio, bút danh của bộ đôi Hiroshi Fujimoto và Motoo
Abiko. Câu truyện xoay quanh một chú mèo máy không có tai tên Doraemon
đến từ thế kỷ XXII để giúp một cậu bé tên Nobita Nobi. Truyện đã được dịch và
xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới bao gồm tiếng Việt của Nhà xuất bản
Kim Đồng.
Dù Doraemon hiện tại đã được xuất bản có bản quyền ở Việt Nam và trở
nên vô cùng phổ biến nhưng vào thời kì đầu, bộ truyện này đã được xuất bản ở
Việt Nam không có bản quyền. Doraemon được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất
bản lần đầu tiên từ cuối năm 1992 với sự tham khảo từ bản tiếng Thái, khi chưa
có sự cho phép của tác giả. Bộ sách lập tức trở thành sự kiện của ngành xuất bản
Việt Nam năm 1992 khi chỉ sau một tuần, bốn tập truyện Doraemon (mối tập
108 trang) đã bán hết 40.000 bản. Năm 1996, Nhà xuất bản Kim Đồng mới chính
thức thương lượng được bản quyền của Doraemon từ Nhà xuất bản Shogakukan.
Tác giả Fujimoto đồng ý chuyển toàn bộ số tiền bản quyền trong giai đoạn 1992
– 1996 vào Quỹ Học bổng Doraemon. Trải qua 24 năm hoạt động, đến nay đã có
không biết bao nhiêu em nhỏ hiếu học có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với
tri thức của nhân loại thông qua Quỹ học bổng Doraemon này. Doraemon mãi
mãi là một biểu tượng về văn hoá ở Việt Nam, là một phần không thể thiếu của
tuổi thơ biết bao thế hệ. Tác giả Fujiko F. Fujio còn được Bộ văn hoá thông tin
Việt Nam trao tặng huy chương “Chiến sĩ văn hoá” vào năm 1996 do đã đóng
góp vào công tác giáo dục trẻ em qua truyện Doraemon.
Con đường xuất bản có bản quyền của Thuỷ thủ Mặt Trăng tại Việt Nam
thì lắm gian truân hơn. Thuỷ thủ Mặt Trăng là bộ truyện tranh Nhật Bản, được
nghĩ nội dung và minh hoạ bởi Naoko Takeuchi. Câu chuyện kể về các chiến
binh thuỷ thủ cùng nhau chiến đấu để bảo vệ Trái Đất khỏi sự xâm lăng của
những thế lực xấu xa.
Cũng giống như Doraemon, Thuỷ thủ Mặt Trăng đã được xuất bản mà
không có bản quyền. Vào năm 1995, bộ truyện được dịch và vẽ lại, có nhiều chi
tiết khác với nội dung gốc, do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin phát hành. Đến
năm 2002, truyện một lần nữa được xuất bản dù không có bản quyền, lần này là
do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành, bản dịch từ bản truyện tranh tiếng Nhật.
Tác giả Naoko Takeuchi nổi tiếng là một người khó tính. Nhiều năm sau
khi bộ truyện kết thúc, bà vẫn tỉ mẩn vẽ lại từng trang truyện mà mình chưa ưng
ý, thậm chí còn “cập nhật” công nghệ cho từng chiến binh thuỷ thủ: nâng cấp
máy nhắn tin của các nàng lên điện thoại thông minh. Với sức nóng chưa bao giờ
hạ nhiệt của Thuỷ thủ Mặt Trăng, bà thường xuyên nhận được các lời chào mua
bản quyền của tác phẩm. Bà có quyền từ chối bán bản quyền chỉ đơn giản và vì
không thích; và một khi đã đồng ý bán, bà luôn có những yêu cầu rất cao cả về
nội dung và hình thức cho bất kì đơn vị nào muốn xuất bản các tác phẩm của bà.
Tại Việt Nam, với “tiền sử” “in lậu” tác phẩm để đời của bà không chỉ một, mà
còn tận hai lần, chưa kể hằng hà sa số các cơ sở in lậu nhỏ lẻ không thể tính xuể,
tác giả Naoko Takeuchi đã đưa ra vô cùng nhiều các yêu cầu cho phía Nhà xuất
bản Kim Đồng khi bên này ngỏ ý muốn một cách chính thức mua bản quyền
Thuỷ thủ Mặt Trăng. Các yêu cầu này có thể kể đến như: gửi bản thiết kế từ bìa
sách (cả bìa áo và bìa lót), đai sách, đến hiệu đính từng trang một, gửi bản dịch,
và cuối cùng còn gửi bản in thử cho bà duyệt trước khi sách được chính thức in
số lượng lớn để phát hành đến tay bạn đọc. Bắt đầu thương lượng từ năm 2011,
nhưng phải đến tận năm 2016, Nhà xuất bản Kim Đồng mới có thê chính thức
thông báo mình là đơn vị nắm giữ bản quyền Thuỷ thủ Mặt Trăng phiên bản
Shinsoban tại Việt Nam. Thực sự là, để bộ truyện tái ngộ độc giả Việt Nam, Nhà
xuất bản Kim Đồng đã thực sự phải trải qua một hành trình truân chuyên nhất từ
trước đến nay để thuyết phục tác giả Takeuchi Naoko và NXB Kodansa bán bản
quyền cho Nhà xuất bản Kim Đồng.
Dù trải qua muôn vàn khó khăn, ít ra là tính tới thời điểm bài này được viết,
Thuỷ thủ Mặt Trăng đã được đến tay bạn đọc Việt Nam một cách trọn vẹn và
hoàn hảo nhất. Toàn bộ 12 tập phiên bản Shinsoban được trình bày với hình thức
vô cùng đẹp mắt cũng như nội dung được dịch và biên tập cẩn thận chính xác
từng đến từng dấu chấm dấu phẩy đã được phát hành và được tái bản nhiều lần.
Không phải “tượng đài tuổi thơ” nào cũng có cơ hội tái ngộ độc giả Việt Nam và
có cái kết có hậu như thế: Bộ tứ TKKG là một ví dụ.
Bộ tứ TKKG là bộ truyện trinh thám Đức về một nhóm thiếu niên bốn
người chuyên đi giải đáp các bí ấn, “TKKG” là chữ cái đầu tiên của tên bốn
thành viên. Tác giả bộ truyện là Rolf Kalmuczak, với bút danh Stefan Wolf do
Nhà xuất bản Palikan, Hannover, Đức ấn hành lần đầu tiên vào năm 1979.
Ở Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành 70 tập đầu của bộ
truyện, lấy tên là Tứ quái TKKG, từ năm 1994-1996 - do nhà văn Bùi Chí Vinh
"Việt hóa" bằng cách viết lại toàn bộ, chỉnh sửa, cắt xén cũng như thêm thắt
nhiều chi tiết và nhân vật không có trong truyện- và ngưng việc phát hành không
bản quyền này sau khi Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam (tháng
10/2004). Năm 2009, Công ty TNHH Văn hóa Vàng Anh mua bản quyền bộ
truyện này, gồm cả phần truyện của nhà văn Stefan Wolf và phần tranh minh hoạ
của hoạ sỹ Reiner Stolte, lấy tên Bộ tứ TKKG và ra mắt độc giả Việt Nam vào
tháng 3 năm 2010. Tuy nhiên bộ này chỉ xuất bản được 8 tập rồi ngừng vì không
nhận được sự đón nhận của độc giả. Các thế hệ trẻ em đã lớn lên cùng với bản
“phóng tác” của nhà văn Bùi Chí Vinh, vì lí do này hay lí do khác, đã không ủng
hộ truyện có bản quyền 100% của Vàng Anh. Bìa 4 tập 8 vẫn có quảng cáo tập 9
sẽ phát hành ngày 29/04/2011, nhưng tập 9 này sẽ không bao giờ thấy ánh sáng
mặt trời, vì dù đến 30/01/2019, sau một thời gian dài kinh doanh thua lỗ, Công ty
TNHH Văn hóa Vàng Anh mới chính thức phá sản, nhưng Công ty đã ngưng
hoạt động phát hành sách từ rất lâu trước đó.

Trang xi nhê ghi đầy đủ thông tin bản quyền của Vàng Anh
Bìa 4 tập 8 Bộ tứ TKKG của Vàng Anh

Câu chuyện về Bộ tứ TKKG vẫn chưa kết thúc ở đây. Sách từng thuộc
quyền sở hữu của công ty Pelikan. Kể từ năm 2014, TKKG đã được chuyển giao
cho công ty Bassermann Verlag. Đến năm 2020, công ty Hanoibooks phát hành
phiên bản “phóng tác” không được đơn vị có quyền cho phép của nhà văn Bùi
Chí Vinh, lấy lại tên cũ Tứ quái TKKG. Nhà văn Bùi Chí Vinh, trả lời phỏng
vấn của phóng viên về sự kiện Tứ quái TKKG (xin phép được sử dụng tên này
để phân biệt với Bộ tứ TKKG có bản quyền của Vàng Anh) tái ngộ độc giả Việt
Nam, còn nói rằng: “Tôi hài lòng khi đơn vị phát hành giữ nguyên bản in đầu
tiên, và xcas động khi nhớ về những thành công của bộ truyện lúc ra mắt. […Có]
công ty sách cũng mon men làm lại với bản dịch đúng nguyên tác nhưng thất bại.
Các thế hệ độc giả trẻ đã quen với phong cách phóng tác vừa giang hồ, kỳ ảo,
vừa thơ mộng, lãng tử qua 70 tập.”.
Coi như là, vì Hanoibooks phát hành bản “phóng tác” của nhà văn Bùi Chí
Vinh chứ không phải bản gốc nên không phải mua bản quyền tác phẩm của nhà
văn Stefan Wolf, nhưng còn phần hình ảnh và tranh minh hoạ trên bìa và trong
ruột Tứ quái TKKG đâu được Hanoibooks mua bản quyền đâu?

Trang xi nhê của Tứ quái TKKG của Hanoibooks. Hoàn toàn không có tên
tác giả, hoạ sỹ minh hoạ, hay tên nhà xuất bản gốc

Đến thời điểm bài này được viết, phía Hanoibooks vẫn chưa đưa ra được
bất kì lời giải thích ổn thoả nào cho vấn đề này.
Ba ví dụ trên đây đều là về các trường hợp vi phạm bản quyền sách nước
ngoài. Vậy các tác giả trong nước thì sao?
Thần đồng Đất Việt là một bộ truyện tranh thiếu nhi Việt Nam do họa sĩ Lê
Linh sáng tác và phát hành bởi Công ty Phan Thị cùng với sự phối hợp của Nhà
xuất bản Trẻ tập truyện đầu tiên mang tên Pháp sư gọi bưởi được phát hành ngày
16 tháng 2 năm 2002. Kể từ tập 79, họa sĩ Lê Linh ngừng sáng tác truyện Thần
đồng Đất Việt, nhưng Phan Thị vẫn tiếp sáng tác bộ truyện cho đến tập 228 phát
hành tháng 7 năm 2019, cũng như cho ra mắt các ấn phẩm chuyển thể như Thần
đồng Đất Việt Khoa Học, Thần đồng Đất Việt Mỹ thuật và Thần đồng Đất Việt
Toán Học và Thần Đồng Đất Việt Hoàng Sa-Trường Sa. Tại phiên tòa xét xử tác
giả nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo trong bộ truyện ngày 3
tháng 9 năm 2019, họa sĩ Lê Linh được tuyên bố là tác giả duy nhất các hình
tượng nhân vật trên và yêu cầu chấm dứt việc sử dụng và tạo ra các sản phẩm có
sử dụng những nhân vật trên6. HĐXX kết luận rằng ông Lê Linh là tác giả duy
nhất của hình tượng các nhân vật trên, công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm,
có quyền sử dụng hình tượng bốn nhân vật này vào các hoạt động sản xuất kinh
doanh của mình nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả. Từ đó,
HĐXX buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể
khác nhau của cá hình tượng do ông Linh sáng tạo. HĐXX cũng buộc Công ty
Phan Thị công khai xin lỗi ông Lê Linh trên báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ trong
3 kỳ liên tiếp. Đồng thời, buộc Công ty Phan Thị thanh toán chi phí luật sư cho
nguyên đơn7.
Hôm 1-12, họa sĩ Lê Linh (tên thật Lê Phong Linh) đăng lên mạng xã hội
ảnh chụp tài liệu Công báo sở hữu công nghiệp số 392, tập A, quyển 3 của Cục
Sở hữu Trí tuệ vào tháng 11-2020. Trong tài liệu, có đơn yêu cầu cấp giấy chứng
nhận đăng ký mẫu nhãn hiệu "Lê Linh" từ công ty Phan Thị vào ngày 9-7-2010.
6
“Công nhận ông Lê Linh là 'cha đẻ' 4 nhân vật trong Thần đồng Đất Việt”. báo Tuổi trẻ. Ngày 3 tháng 9 năm
2019. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2019.

7
“Công nhận ông Lê Linh là 'cha đẻ' 4 nhân vật trong Thần đồng Đất Việt”. báo Tuổi trẻ. Ngày 3 tháng 9 năm
2019. Truy cập ngày 5 tháng 9 năm 2019.
Đến ngày 25-11-2020, tức hơn 10 năm sau, Cục Sở hữu Trí tuệ công bố đơn này
trong Công báo nhưng vẫn chưa cấp giấy chứng nhận. Luật sư Phạm Vũ Khánh
Toàn (Trưởng văn phòng Luật sư Phạm và liên danh), người đại diện cho họa sĩ
Lê Linh trong vụ kiện Thần đồng Đất Việt, phân tích: "Việc đăng ký nhãn hiệu
này giúp Phan Thị vin vào thương hiệu của Lê Linh để gán lên sách, trong khi Lê
Linh không phải là tác giả, khiến độc giả hiểu nhầm là Lê Linh có đóng góp,
tham gia vào quá trình làm sách sau đó". 8 Bà Nguyễn Thị Lan Nhã - giám đốc
điều hành công ty Phan Thị - cho biết vừa làm việc với đại diện Cục Sở hữu Trí
tuệ để làm rõ sự việc. Bà Lan Nhã cho biết: "Tài liệu Công báo tháng 11-2020 là
Cục cập nhật toàn bộ hồ sơ từ năm 2010 đến nay, cho nên họ đưa cả những hồ sơ
cũ lên. Tôi đã làm việc với Cục để hủy văn bản đó. Văn bản đó được nộp lên vào
năm 2010, từ trước cả phiên tòa về Thần đồng Đất Việt. Cục cho biết sẽ kiểm
tra lại và hủy văn bản đó".9

Hiện tại, câu chuyện về vấn đề bản quyền liên quan tới Thần đồng Đất Việt
vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ. Cụ thể như về vấn đề bản quyền của phim
Trạng Tí, dù đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định anh cùng nhà sản xuất đã
làm việc về việc chuyển thể truyện tranh Thần đồng Đất Việt với công ty Phan
Thị và tác giả. Thế nhưng, nói về dự án phim Trạng Tí, họa sĩ Lê Linh cho biết:
"Vấn đề phim cũng khá phức tạp, cần hỏi các luật sư cho chính xác. Tôi có lý do
riêng nên không muốn đề cập đến phim lúc này". Trên mạng xã hội, dư luận
quan tâm đến quyền lợi của Lê Linh khi Thần đồng Đất Việt được chuyển thể

8
“Bị Lê Linh phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu 10 năm trước, Phan Thị muốn huỹ đơn”, Tuổi trẻ Online, Mi Ly,
02/12/2020, https://tuoitre.vn/bi-le-linh-phan-doi-don-dang-ky-nhan-hieu-10-nam-truoc-phan-thi-muon-huy-
don-20201202095801209.htm?
fbclid=IwAR2dI_oZDky8MJH5smcHAVadjYl7aT_FqH0T4iO_o4LyzkcW5mdyelvQqCk, truy cập lần cuối ngày
09/12/2020
9
“Bị Lê Linh phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu 10 năm trước, Phan Thị muốn huỹ đơn”, Tuổi trẻ Online, Mi Ly,
02/12/2020, https://tuoitre.vn/bi-le-linh-phan-doi-don-dang-ky-nhan-hieu-10-nam-truoc-phan-thi-muon-huy-
don-20201202095801209.htm?
fbclid=IwAR2dI_oZDky8MJH5smcHAVadjYl7aT_FqH0T4iO_o4LyzkcW5mdyelvQqCk, truy cập lần cuối ngày
09/12/2020
1. Ảnh đăng trên trang cá nhân của ông Lê Linh
thành phim điện ảnh. Tính đến thời điểm bài này được viết, nhà sản xuất phim
Ngô Thanh Vân và công ty Studio68 - đơn vị sản xuất phim Trạng Tí chỉ cho
biết sẽ sớm phản hồi về vấn đề này, chưa đưa ra thông tin gì thêm.10

Thậm chí, trong lĩnh vực học thuật, vi phạm bản quyền tác phẩm vẫn diễn
ra ngày càng nhiều và càng phức tạp.

Cuốn sách Chim Việt Nam ra mắt tháng 05/2017, dày 1.200 trang, tổng hợp
về tất cả các loài chim sinh sống ở Việt nam. Cuốn sách là công trình nghiên cứu
khoa học công phu do cố GS Võ Quý (1929 - 2016) và người cộng sự trẻ là
10
“Bị Lê Linh phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu 10 năm trước, Phan Thị muốn huỹ đơn”, Tuổi trẻ Online, Mi Ly,
02/12/2020, https://tuoitre.vn/bi-le-linh-phan-doi-don-dang-ky-nhan-hieu-10-nam-truoc-phan-thi-muon-huy-
don-20201202095801209.htm?
fbclid=IwAR2dI_oZDky8MJH5smcHAVadjYl7aT_FqH0T4iO_o4LyzkcW5mdyelvQqCk, truy cập lần cuối ngày
09/12/2020
PGS-TS Nguyễn Lân Hùng Sơn thực hiện, được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
ấn hành.

Tuy nhiên, ngay khi ra mắt, cuốn sách này đã bị tố vi phạm bản quyền hình
ảnh do sử dụng nhiều bức ảnh của các tác giả Lê Mạnh Hùng, Bùi Đức Tiến,
Đặng Ngọc Sâm Thương mà không chú thích tên, không xin phép. Chính vì vậy
những tác giả trên đã làm đơn tố cáo. Khi nhận được phản ánh, tác giả Nguyễn
Lân Hùng Sơn thừa nhận sai sót, gửi lời xin lỗi tác giả vì đã sử dụng ảnh mà
không ghi cụ thể đầy đủ trích dẫn. Ông Sơn đã xin phép Nhà xuất bản Đại học
quốc gia Hà Nội cho dừng phát hành sách, xin chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện và
phát hành mới. Đồng thời, ông Sơn cũng đề nghị tác giả có ảnh minh họa trong
sách cho phép sử dụng ảnh minh họa, nhưng các tác giả đã không đồng ý. Theo
đó, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội đã quyết định thu hồi, tiêu hủy toàn
bộ sách Chim Việt Nam. Quyết định do Giám đốc - Tổng biên tập NXB ĐH
quốc gia Hà Nội, Phạm Thị Trâm ký ngày 25/8. PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn
chịu trách nhiệm thu hồi, bàn giao sách cho Nhà xuất bản ĐHQGHN theo thông
báo số 221/TB-NXB ngày 26/5/2017.11

Sách giáo khoa, sách bài tập ở Việt Nam cũng bị in lậu rất nhiều. Vào ngày
28/9, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hà Nam
đã có công văn số 19/BCĐ 389 thông báo đường dây nóng tiếp nhận thông tin
của phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học A Châu Giang và Trường
Trung học Cơ sở Châu Giang (thị xã Duy Tiên, Hà Nam) phản ánh sách giáo
khoa mua tại nhà trường là sách giả; đề nghị cơ quan chức năng xác minh làm rõ
nguồn gốc sách và xử lý. Sau đó, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương
mại và hàng giả tỉnh Hà Nam làm việc cùng đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt

11
“Sách Chim Việt Nam bị thu hồi và tiêu huỷ vì vi phạm bản quyền hình ảnh”, Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Hương
Mi, 09/09/2017, https://sohuutritue.net.vn/sach-chim-viet-nam-bi-thu-hoi-va-tieu-huy-vi-vi-pham-ban-quyen-
anh-d13092.html, truy cập lần cuối 09/12/2020
Nam, phát hiện trong số những sách được phản ánh có 3 cuốn là sách giả. Đó là
vở bài tập Ngữ văn 6 (tập 2); vở bài tập Toán 6 (tập 2) của Nhà xuất bản Giáo
dục Việt Nam 2020; Học Mỹ thuật lớp 2 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
2019. Vụ việc này nổi bật ở chi tiết, sách giả đã len lỏi vào tận nhà trường. Nếu
phụ huynh và học sinh tự đi mua sách ở ngoài mà mua phải sách giả, thì cũng là
một chuyện dễ chấp nhận hơn khi mà đã mua sách ở tận trường rồi mà vẫn
không “thoát” được sách giả.12 Được biết, một phụ huynh học sinh còn phản ánh,
“Nhà trường chỉ nói, riêng sách giáo khoa phụ huynh học sinh tự mua ở ngoài,
còn sách bài tập nhà trường sẽ bán cho phụ huynh học sinh. Chúng tôi ra bên
ngoài cũng không bao giờ mua được những cuốn bài tập này. Không có để mà
mua.”13

Những ví dụ trên đây đều là những trường hợp vi phạm bản quyền nổi cộm,
thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Còn vô cùng nhiều các trường hợp in
lậu sách, in sách giả của một số lượng rất lớn các cơ sở in ấn nhỏ lẻ, không thể
nào thống kê hết được.

Trên mạng xã hội, hay các sàn thương mại điện tử, còn tồn tại vô số các tài
khoản, trang công khai buôn bán sách lậu, sách giả, với giá cả nhiều khi còn đắt
hơn, còn chất lượng về hình thức và nội dung thì đương nhiên không thể bằng
sách có bản quyền.

Các tài khoản, trang trên mạng xã hội cố tình lấy tên cũng như ảnh đại diện
từ giống cho tới giống hệt trang chính thức của các nhà xuất bản, các công ty
sách. Điểm khác biệt giữa trang giả và trang thật nhiều khi chỉ là cái tích xanh
xác nhận. Các trang này đăng bài với nội dung “xả hàng tồn kho”, “giảm giá sập

12
“Xử lí nghiêm hành vi đưa sách lậu, sách giả vào trường học”, TTXVN/Vietnam+, Đại Nghĩa, 30/11/2020,
https://www.vietnamplus.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-dua-sach-lau-sach-gia-vao-truong-hoc/679631.vnp, truy cập
lần cuối 09/12/2020
13
“Vì sao khó kiểm soát sách giả trong trường học?”, VTV NEWS, Ban Thời sự, 26/11/2020, https://vtv.vn/xa-
hoi/vi-sao-kho-kiem-soat-sach-gia-trong-truong-hoc-20201126131303849.htm, truy cập lần cuối 09/12/2020
sàn”, với giá rẻ bất ngờ, nhiều khi giảm tới 70% so với giá bìa. Theo phía các
công ty sách, những quyển sách giả này có giá tiền in trên bìa cao hơn nhiều so
với giá bìa sách thật, dẫn đến việc người tiêu dùng cứ ngỡ giá tiền thấp hơn
nhưng thực ra thì chưa chắc. Những quyển sách giả này có chất lượng về nội
dung và hình thức rất thấp, sai chính tả nhiều, giấy mỏng, mực in rất dễ lem ra
tay. Người bị thiệt hại không chỉ có các đơn vị nắm bản quyền sách hay nhà xuất
bản, mà còn có cả người tiêu dùng. Cũng theo phía các công ty sách, lập một
trang mới trên mạng xã hội rất đơn giản, cứ báo cáo được một trang này thì sẽ có
trang mới mở ra, chỉ có nỗ lực từ phía các nhà xuất bản, các đơn vị nắm bản
quyền sách thì không thể nào xuể được.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 5 sàn thương mại điện tử lớn bán sách
online như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…, mỗi sàn này lại có hàng chục ngàn
nhà bán hàng, trong đó có sản phẩm sách. Như vậy, các trang thương mại điện tử
này chỉ có vai trò là một khu chợ, cung cấp các gian hàng. Và có rất nhiều những
cá nhân, đơn vị khác ở bên ngoài sẽ thuê những gian hàng này để bán các loại
sản phẩm. Cách thức hoạt động trên khiến cho sách được đưa vào các sàn giao
dịch một cách thiếu kiểm soát. Cũng bởi vậy, khi xảy ra việc bán sách lậu, sách
giả các sàn thương mại điện tử cho rằng: mình chỉ là đơn vị trung gian, cung cấp
nơi bán hàng chứ không lưu trữ ấn phẩm.14 Mâu thuẫn giữa các đơn vị nắm bản
quyền sách và các sàn thương mại điện tử ngày càng lên cao, ngày 04/09/2020,
Công ty TNHH Văn Hóa Sáng Tạo First News - Trí Việt nộp đơn khởi kiện sàn
thương mại điện tử Lazada (thuộc Công ty TNHH Recess – Alibaba) lên Toà án
nhân dân quận 1, TP.HCM, yêu cầu Lazada "tháo gỡ ngay toàn bộ thông tin liên
quan của các gian hàng bán sách giả bị phát hiện; có biện pháp quản lý, kiểm
soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn thương mại điện tử
14
“Sách giả tràn lan trên các trang thương mại điện tử”, VTV NEWS, Trung tâm Tin tức VTV24, 02/07/2019,
https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/sach-gia-tran-lan-tren-cac-trang-thuong-mai-dien-tu-
20190702144628921.htm, truy cập lần cuối 09/12/2020
Lazada và buộc các nhà sách, gian hàng bán sách phải chứng minh được nguồn
gốc hợp pháp của các quyển sách đang được mua bán". Về mức thiệt hại, First
News - Trí Việt cho biết chưa thể thống kê vì quá lớn. Được biết, trước khi khởi
kiện, First News – Trí Việt đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu các sàn thương
mại điện tử kiểm tra, quản lý việc buôn bán sách giả nhưng tình trạng không
được khắc phục.15

Từ những điều trên, ta có thể thấy, dù đã và đang có những chuyển biến tích
cực, nhưng “nạn” vi phạm quyền tác giả đối với sách giấy ở Việt Nam vẫn còn
diễn ra ngày càng nhiều, và ngày càng phức tạp.

3.1.2. Về sách nói và sách điện tử

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, người Việt Nam có thể tiếp
cận internet ngày càng dễ dàng. Được tiếp cận với internet là được tiếp cận với
kho tri thức đồ sộ của nhân loại, với những thông tin được cập nhật nóng hổi đến
từng giây. Thế nhưng, internet cũng là một môi trường thuận lợi để các hành vi
vi phạm quyền tác giả được diễn ra: ẩn danh và dễ tiếp cận.
Như đã nói ở trên, có tồn tại hành vi thu lợi nhờ vào bán sách giấy giả trên
các trang trên mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử. Phần này sẽ nói về
các hành vi phát tán sách nói và sách điện tử một cách trái phép.
Thời gian qua, những đầu sách từng gây đình đám trong các lĩnh vực kinh
doanh, tài chính, phát triển bản thân... được chuyển dạng thành sách nói. Nhiều
tác phẩm được đầu tư công phu nhằm thu hút bạn đọc. Tuy nhiên, những
“quyển” sách nói này đang ngang nhiên vi phạm bản quyền. Chỉ cần tìm từ khóa
“sách nói” trên Google sẽ cho hàng trăm nghìn kết quả. Trong đó đáng chú ý là
các trang web, mạng xã hội công khai bày bán về những “quyển sách số”. Chỉ

15
“Lazada bị First News- Trí Việt kiện vì bán sách giả ‘Muôn kiếp nhân sinh’, ‘Đắc nhân tâm’…”, Tuổi trẻ Online,
Mi Ly, 09/09/2020, https://tuoitre.vn/lazada-bi-first-news-tri-viet-kien-vi-ban-sach-gia-muon-kiep-nhan-sinh-
dac-nhan-tam-2020090908524123.htm, truy cập lần cuối 09/12/2020
cần mua một chiếc USB nhỏ gọn, giá khoảng 500.000 đồng, bạn có thể sở hữu
một kho tàng kiến thức đồ sộ với hơn 80 quyển sách nhiều thể loại được đọc, ghi
âm và sản xuất thành audio books, chép vào 1 chiếc USB và phát hành công
khai, bán tràn lan trên mạng Internet. Đa số những cuốn sách được ghi âm là
những cuốn bán chạy nhất của những đơn vị làm sách lớn như Nhà xuất bản Trẻ,
Kim Đồng, Alpha Books...
Trước đây, Alpha Books đi tiên phong trong việc phát hành sách nói bán
trên mạng với chỉ vài nghìn đồng một lượt nghe nhưng không thành công. Theo
lý giải của đại diện Alpha Books, lượt truy cập và doanh số quá thấp cộng với
tình hình sách lậu trên không gian mạng hiện nay, rất khó để đầu tư nhiều hơn
cho sách nói. Theo một đại diện Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị này chưa hề có bất cứ
giao dịch nào hay bán bản quyền sách nào cho bên thứ ba, do đó tất cả những sản
phẩm của nhà xuất bản phát hành lại dưới dạng sách nói đang tràn lan trên mạng
đều là “sách lậu”. Về vấn đề bảo vệ tác quyền trên không gian số, đại diện Nhà
xuất bản Trẻ cho rằng các biện pháp xử lý triệt để không hề dễ dàng bởi kể cả có
bị xóa kênh, xóa trang thì những người vi phạm rất dễ dàng lập ra kênh mới, rất
khó xác định ai là chủ sở hữu những trang mạng, website này.16
Thậm chí, còn tồn tại những trang Youtube về video sách nói chất lượng
cao và được đầu tư kỹ lưỡng. Với những video này, các kênh có thể kiếm tiền từ
quảng cáo, không cần phải bán USB như hình thức kể trên thì mới có thể thu lợi
bất chính. Cũng tương tự như hình thức kể trên, rất khó có thể chấm dứt triệt để
các trang này, vì lập một trang mới rất dễ dàng, và cũng khó có thể xác định ai là
chủ sở hữu trang.
Đấy là sách nói. Ở Việt Nam hiện tại còn có những trang công khai đăng
trọn vẹn nội dung của các quyển sách dưới dạng sách điện tử, dù ở Việt Nam đã
16
“Sách nói ngang nhiên vi phạm bản quyền trong không gian số”, Lao động thủ đô, Hữu Minh, 06/03/2020,
https://laodongthudo.vn/sach-noi-ngang-nhien-vi-pham-ban-quyen-trong-khong-gian-so-104314.html, truy cập
lần cuối 09/12/2020
có đơn vị nào nắm giữ bản quyền hay chưa. Những đầu sách này có thê là truyện
chữ hay truyện tranh, là sách giáo trình hay truyện kiếm hiệp, nhưng đều có điểm
chung là hướng tới thu lợi bất chính thông qua hành vi vi phạm quyền tác giả.
Chính những trang đăng tải sách không bản quyền như này đã gây rất nhiều khó
khăn cho các đơn vị khi ngỏ ý muốn mua bản quyền sách với phía đơn vị nắm
giử bản quyền và tác giả. Có những trường hợp, phía đơn vị giữ bản quyền đưa
ra hẳn một danh sách rất dài các trang đang đăng tải nội dung vi phạm bản quyền
của họ, từ đó từ chối lời đề nghị hợp tác từ phía các đơn vị của Việt Nam.
Thoạt nhìn thì có vẻ những trang sách lậu như này, tuy gây thiệt hại to lớn
không thể nào thống kê hết được cho các đơn vị làm sách, nhưng lại có lợi vô
cùng cho người đọc: được đọc sách mà không phải mất tiền. Thế nhưng, chuyện
sách lậu lưu hành tràn lan trên mạng lại gây ra rất nhiều tổn hại cho người đọc.
Những đầu sách lậu thường có chất lượng thấp, nhiều lỗi chính tả, mà người đọc
thường tặc lưỡi cho qua, “đằng nào cũng có mất đồng nào đâu”, đang giết dần sự
trong sáng của tiếng Việt. Không phải đầu sách nào cũng phù hợp cho mọi lứa
tuổi, nhưng không phải trang nào cũng có cơ chế quản lý tuổi của người đọc, và
nếu có thì cũng không hiệu quả. Vẫn còn rất nhiều đầu sách có nội dung vi
phạm pháp luật, tuyên truyền các thông tin sai lệch, làm hạ thấp trình độ văn hoá
của nước nhà. Những trang web đăng tải các đầu sách này thậm chí còn có thể
đánh cắp thông tin người dùng, từ đó thu lợi từ những thông tin này.
Theo Bộ Thông tin – Truyền thông, việc xuất bản và phát hành xuất bản
phẩm điện tử của các nhà xuất bản, cơ sở phát hành còn nhiều hạn chế. Lượng
đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử dù có tăng nhanh trong 2 năm lại đây,
nhưng số lượng vẫn còn thấp. Thị trường sách điện tử phát triển chậm, chưa đáp
ứng yêu cầu. Cũng có hiện tượng chưa nộp lưu chiểu hoặc nộp lưu chiểu chưa đủ
thời gian đã phát hành xuất bản phẩm điện tử. Việc nộp xuất bản phẩm điện tử
cho Thư viện Quốc gia Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, luật về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cũng còn thiếu
quy định về các liên kết trong xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Việc
ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc kiểm tra nội dung xuất bản phẩm điện tử
nộp lưu chiểu cũng chưa có quy định.17
Từ những điều trên, ta có thể thấy, thực trạng bảo hộ quyền tác giả về sách
tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn nhiều yếu kém, luật pháp điều chỉnh vấn đề
này còn nhiểu điểm cần hoàn thiện, ý thức tôn trọng quyền tác giả của người đọc
dù theo thời gian có được cải thiện nhưng vẫn là chưa cao, tình trạng xâm phạm
quyền tác giả vẫn còn diễn ra phổ biến… Những điều này nếu không được khắc
phục, trước mắt sẽ làm tổn hại đến các quyền mà các tác giả đáng ra được
hưởng, khiến cho các tác giả khó có thể tạo ra các tác phẩm sách chất lượng cao;
về lâu về dài sẽ làm cho văn hoá đọc ngày càng đi xuống, ảnh hưởng nghiêm
trọng đến trình độ dân trí nước nhà.

3.2. Thực trạng bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm sách tại Nhật
Bản

Sự xuất hiện của các đầu sách đến từ Nhật Bản không còn quá xa lạ đối với
người đọc khắp thế giới, có thể kể đến vài cái tên nổi bật như Murakami Haruki
với Rừng Na Uy, Kafka Bên Bờ Biển, 1Q84; Higashino Keigo với Phía Sau
Nghi Can X, Điều Kì Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya; hay các tiểu thuyết
ngắn (light novel) gắn liền với các bộ phim nổi tiếng những năm gần đây như
Your Name, 5 Centimet Trên Giây, v.v. Tuy nhiên đáng chú ý hơn cả là sức ảnh
hưởng rộng lớn của truyện tranh Nhật Bản, thường được gọi với tên "manga".
Chỉ tính riêng trong thị trường Nhật Bản, số lượng bán ra của manga lên đến 582
tỷ bản (2017). Trong năm tài chính 2020, theo số liệu thống kê của Oricon, bộ

17
“Khó quản lý sách trên sàn thương mại điện tử”, Thanh Niên Online, Trinh Nguyễn, 26/11/2020,
https://thanhnien.vn/van-hoa/kho-quan-ly-sach-tren-san-thuong-mai-dien-tu-1309055.html, truy cập lần cuối
09/12/2020
truyện Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba đứng đầu danh sách tiêu thụ với
82,345,447 bản, tiếp theo đó là Kingdom, One Piece, Haikyu!!, JUJUTSU
KAISEN với lượng bán ra cho mỗi bộ không dưới 6 triệu bản. Những bộ manga
nổi tiếng của Nhật Bản từ đầu những năm 1990 đã được các nhà xuất bản ở Hoa
Kỳ, Châu Âu, một số nước Châu Á mua bản quyền. Nổi bật nhất ở Việt Nam có
thể kể tới nhà xuất bản Kim Đồng với hàng loạt các bộ truyện gắn liền với tuổi
thơ của nhiều thế hệ như Bảy viên ngọc rồng, Gintama, Doraemon, v.v. Các bộ
truyện được mua bản quyền xuất bản tại Việt Nam luôn nhận nhiều sự đón đợi
của các độc giả và đạt lượng tiêu thụ lớn.

Đi kèm với sự yêu thích đến từ đông đảo độc giả trên khắp thế giới là tình
trạng vi phạm quyền tác giả đối với các bộ truyện manga. Các vi phạm này được
thể hiện chủ yếu qua hình thức in lậu hoặc đăng tải bất hợp pháp trên mạng. Chỉ
trong tháng 11/2019 đã có hơn 500 trang web đăng tải bất hợp pháp manga tại
Nhật Bản, và 10 trang web đứng đầu có lượt truy cập lên tới 65 triệu lượt mỗi
tháng. Một trong các trang web lậu đáng chú ý là Mangamura với hơn 100 triệu
lượt truy cập mỗi tháng trước khi bị gỡ bỏ vào tháng 4/2018, gây thất thoát hơn
300 tỷ yên Nhật (tương đương 2,75 tỷ đô la Mỹ) cho các nhà xuất bản 18. Trang
web này đã thực hiện việc đăng tải các bản scan lậu của nhiều bộ truyện nổi
tiếng ở thời điểm đó, bao gồm Attack on Titan và One Piece.

18
Japan bans pirated manga download with copyright control law, liên kết:
https://www.japantimes.co.jp/news/2020/06/05/national/crime-legal/pirated-manga-ban/, truy cập ngày
10/12/2020
Trang web Mangamura
Ở nước ngoài, không khó để bắt gặp bản dịch của các bộ truyện manga trên
các trang mạng xã hội. Các nhóm dịch thường
lấy bản scan lậu hoặc mua bản phát hành trực
tuyến của các bộ truyện rồi dịch sang ngôn ngữ
nước mình và đăng tải, gắn mác "phi lợi
nhuận". Kể cả trong trường hợp các nhóm dịch
này mua bản trực tuyến từ nhà phát hành chính
thức và đăng với mục đích phổ biến bộ truyện
tới nhiều người hơn thì đây vẫn là hành vi vi
phạm quyền tác giả, bởi những bản phát hành
trực tuyến được mua chỉ có thể sử dụng với
mục đích cá nhân và việc đăng tải không hề có
sự đồng ý của tác giả.

Theo báo cáo về vi phạm bản quyền ở


nước ngoài của Cục Văn hóa Nhật Bản năm
2013, mức thiệt hại đối với các tác phẩm của
nước này tại các thành phố lớn của Trung Quốc
(bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,
Trùng Khánh) là 560 tỷ yên Nhật (tương đương
5,6 tỷ đô la Mỹ). Trong báo cáo năm 2014 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công
nghiệp Nhật Bản, thiệt hại gây ra bởi các hoạt động đăng tải bất hợp pháp trên
mạng là xấp xỉ 2 trăm tỷ yên Nhật (tương đương 20 tỷ đô la Mỹ).

Các tác giả là người chịu nhiều ảnh hưởng từ các hoạt động in ấn, đăng tải
trái phép. Không chỉ gây thất thoát về mặt tài chính, họ cũng chịu nhiều áp lực
về tinh thần khi sản phẩm lao động sáng tạo của bản thân không được coi trọng.
Lời chia sẻ của tác giả
Shuuichi Asou trong tập 25
truyện Saiki Kusuo no Sai-nan
Tác giả của bộ truyện Saiki Kusuo no Sai-nan, Shuuichi Asou đã từng chia sẻ
về khó khăn của những người trong nghề đối với vấn đề này: "Gần đây, có nhiều
chuyện không vui xảy ra với ngành manga. Khi đi ăn với các đồng nghiệp, mọi
người chia sẻ nhiều về việc doanh số bán hàng liên tục đi xuống, các ấn phẩm
không thể xuất bản, hoặc là truyện của họ bị đăng tải bất hợp pháp trên các trang
web manga…"

Các hoạt động phát hành lậu cũng để lại hậu quả nặng nề cho độc giả. Thứ
nhất, họ không được tiếp cận với tác phẩm chất lượng tốt. Những bản dịch trôi
nổi đôi khi không đúng gây hiểu lầm đối với nội dung của tác phẩm. Tiếp theo
đó, khi tình trạng vi phạm quyền tác giả diễn ra quá mạnh mẽ, người đọc có thể
sẽ mất cơ hội được đọc những đầu sách bản quyền. Như đã nhắc đến ở phần
trước, bộ truyện Thủy thủ mặt trăng đã phải mất rất lâu mới được phát hành
chính thức ở Việt Nam do tiền sử in lậu của tác phẩm này để lại ấn tượng không
tốt cho tác giả.

3.1.1. Bảo hộ quyền tác giả tại Nhật Bản

Theo Điều 2 Luật Bản quyền của Nhật Bản, tác phẩm là sản phẩm diễn tả
suy nghĩ và cảm xúc một cách sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, học thuật,
hội họa hoặc âm nhạc. Thời hạn bảo hộ của một tác phẩm bắt đầu ngay từ khi
tác phẩm đó được tạo ra. Sau khi tác giả hoặc đồng tác giả cuối cùng qua đời,
tác phẩm vẫn tiếp tục được bảo hộ trong vòng 70 năm. Các tác phẩm không bắt
buộc phải đăng ký bảo hộ, trừ khi tác giả có nhu cầu nhượng quyền cho các bên
khác. Tác giả cũng không bắt buộc phải đăng ký bảo hộ tác phẩm để kiện các
hành vi vi phạm quyền tác giả.
Pháp luật Nhật Bản chia quyền tác giả ra hai loại là quyền nhân thân và
quyền tài sản. Quyền nhân thân bao gồm các quyền công bố tác phẩm, quyền
công bố tên tác giả, quyền giữ nguyên nội dung tác phẩm. Những quyền này chỉ
thuộc về tác giả và không thể chuyển giao cho ai khác, kể cả trong trường hợp
tác giả được thuê để viết tác phẩm. Ngược lại, quyền tài sản bao gồm quyền tái
bản, quyền phân phối, quyền dịch, quyền phổ biến với công chúng (?), quyền
triển lãm, quyền khai thác tác phẩm phái sinh, có thể chuyển nhượng cho người
khác sau khi tác phẩm được đăng ký bảo hộ.

Hai hình thức xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Nhật Bản bao gồm
xử lý dân sự và xử lý hình sự. Khi xảy ra hành vi vi phạm, người có quyền có
thể yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu bên vi phạm có các biện pháp cải
chính, yêu cầu bồi thường thiệt hại, đền bù cho lợi nhuận đã mất,v.v. Điểm nổi
bật trong xử phạt hành vi vi phạm quyền tác giả của pháp luật Nhật Bản là biện
pháp hình sự. Người xâm phạm bản quyền, quyền xuất bản hoặc các quyền liên
quan sẽ bị phạt tù trong thời hạn không quá 10 năm hoặc phạt tiền không quá 10
triệu yên Nhật, hoăc cả hai. Người xâm phạm các quyền nhân thân của tác giả
hoặc có dấu hiệu xâm phạm sẽ bị phạt tù không quá 5 năm hoặc phạt tiền không
quá 5 triệu yên Nhật. Pháp nhân xâm phạm quyền sẽ bị phạt tiền không quá 300
triệu yên Nhật.

Trên thực tế, Nhật Bản đã có nhiều giải pháp để bảo vệ quyền lợi của tác
giả. Tháng 7/2013, hưởng sự phát động của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công
nghiệp Nhật Bản, Ủy ban Chống vi phạm bản quyền Manga-Anime ra đời, bao
gồm 15 nhà xuất bản manga và công ty sản xuất anime lớn, tiếp theo đó dự án
Người bảo hộ Manga-Anime (MAGP) được khởi động. MAGP đã thực hiện
việc gỡ bỏ khoảng 580 tác phẩm bị đăng tải trái phép trên mạng trong vòng 5
tháng, đưa vào hoạt động trang web tổng hợp các nguồn xem Manga-Anime hợp
pháp và chiến dịch cảm ơn khán giả đã ủng hộ tác phẩm chính thống. Trong năm
2020, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Chống vi phạm bản quyền trực
tuyến nhằm thắt chặt việc quản lí bản quyền, cấm các hành vi tải xuống bất hợp
pháp manga, tạp chí, tài liệu học thuật. Luật mới cũng sẽ cấm các trang web lậu
cung cấp cho người dùng đường link để tải các thư mục torrent có chứa nội dung
vi phạm bản quyền.
3.3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác
giả đối với đối tượng sách và kinh nghiệm từ Nhật Bản

Có thể thấy trên thế giới, việc xâm phạm quyền tác giả đối với các đối
tượng là sách, đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ
của các công cụ tìm kiềm, mạng xã hội và sự đột phá công nghệ trong lĩnh vực
trí tuệ nhân tạo (AI), đang diễn ra rất phổ biến và khó kiểm soát. Như đã trình
bày trong phần trên, thực trạng xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam cũng đang
diễn ra hết sức tràn lan, khó ngăn chặn, và khó kiểm soát bởi các điều kiện kinh
tế xã hội còn thấp, nhận thức chung đang trong giai đoạn phổ cập; luật pháp về
vấn đề này còn chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh Internet ngày càng phát
triển; hay còn nhiều thách thức trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên
cạnh những chuyển tích cực, việc thực thi bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam vẫn
còn chưa thấy rõ hiệu quả, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả còn diễn
ra phổ biến, đặc biệt là trên môi trường Internet.

Do vậy, nhu cầu hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với sách
tại Việt Nam càng được chú trọng. Với nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, việc
hoàn thiện pháp luật về vấn đề này cần được quan tâm hơn bao giờ hết để có thể
đẩy mạnh hoạt động sáng tạo tại Việt Nam và mở ra một giai đoạn mới trong
tiến trình hội nhập quốc tế về bảo hộ quyền tác giả. Bên cạnh đó, nhu cầu này
còn xuất phát từ những vấn đề còn tồn tại trong pháp luật về quyền tác giả tại
Việt Nam cần được khắc phục như: hệ thống pháp luật cần sự thống nhất, tránh
những mâu thuẫn, trùng lặp, chồng chéo các văn bản với nhau; hay tồn tại những
nội dung về vấn đề bảo hộ quyền tác giả chưa thực sự phù hợp với đời sống xã
hội... Đồng thời, nhu cầu này còn xuất phát từ mục đích bảo vệ tác giả và chủ sở
hữu quyền tác giả, sao cho có thể hạn chế nhiều nhất sự xâm phạm các lợi ích
của họ.
3.3.1. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác
giả đối với đối tượng là sách truyền thống (sách in, sách giấy,…)

-Theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi bổ sung
năm 2009 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ), sách là một loại hình được bảo hộ
quyền tác giả. Mặc dù, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ
thuật yêu cầu các quốc gia ghi nhận nguyên tắc bảo hộ tự động đối với quyền tác
giả; tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả nên được ghi nhận là thủ tục bắt buộc
để xác lập quyền đối với một số loại tác phẩm mà nhu cầu khai thác thương mại
cao và thường ẩn chứa những tranh chấp, ví dụ như các đầu sách, truyện chữ,
truyện tranh được xuất bản rộng khắp với mục đích thương mại; đồng thời cơ
chế đăng ký, thông báo có thể diễn ra bằng hình thức online song song với các
hình thức khác. Bởi lẽ, hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều các tác phẩm
sách lậu được bày bán tràn lan, công khai khiến người tiêu dùng dễ dàng nhầm
lẫn và khó kiểm soát; hay việc xuất hiện các tác phẩm giống nhau do sự phát
triển của công nghệ và lan truyền thông tin nhanh chóng. Như vậy, nếu trên thực
tế xảy ra tranh chấp về quyền tác giả thì việc đăng ký có thể là một chứng cứ hữu
ích khi Tòa án giải quyết tranh chấp.

-Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam còn cần bảo đảm sự nhất quán khi
sử dụng các thuật ngữ trong luật. Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra thuật ngữ “chủ sở
hữu quyền tác giả” (Điều 36), theo đó, quyền tác giả mới là đối tượng của quyền
sở hữu chứ không phải tài sản trí tuệ (tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi
âm ghi hình, chương trình phát sóng). Ngoài ra, Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ quy
định dấu hiệu nhận diện chủ sở hữu quyền tác giả là những chủ thể có các quyền
tài sản được ghi nhận. Về bản chất, chủ sở hữu của quyền tác giả cũng chính là
chủ sở hữu tác phẩm nhưng với các quy định như hiện nay của Luật Sở hữu trí
tuệ thì dường như vấn đề trở nên khá rắc rối. Do đó, thuật ngữ chủ sở quyền tác
giả, chủ sở hữu quyền liên quan nên được đổi thành chủ sở hữu tác phẩm; chủ sở
hữu cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Điều này, giúp
bảo đảm tính thống nhất với quy định về quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể như
đối với sáng chế thì có tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế nên việc ghi nhận
tác giả của tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm sẽ là hợp lý hơn.

-Khi có một hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra, theo pháp luật
Việt Nam, chủ thể quyền có thể bảo vệ mình bằng cách áp dụng quyền tự bảo vệ
hoặc bằng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự được quy định lần lượt tại
Điều 198 và Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, và được quy định chi tiết tại
Bộ Luật Dân sự 2015, Bộ Luật Hình sự 2015 và nghị định 131/2013/NĐ – CP về
quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Có thể
thấy các biện pháp này đã phần nào thể hiện được vai trò của mình trong xử lý
hành vi vi phạm nhưng vẫn chưa thực sự răn đe để ngăn chặn các hành vi xâm
phạm tiếp tục. Về phần này, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ Luật Quyền
tác giả của Nhật Bản, khi họ quy định rất chi tiết và dẫn ra rất nhiều các hành vi
xâm phạm cụ thể; đồng thời, còn đưa ra các mức phạt nghiêm khắc cho các hành
vi xâm phạm này.

Ví dụ, tại Điều 119 Phần 8 về điều khoản xử phạt của Luật quyền tác giả
Nhật Bản có quy định “Người xâm phạm quyền tác giả, quyền xuất bản hoặc
quyền liên quan (ngoại trừ người tự sao chép tác phẩm hoặc cuộc biểu diễn với
mục đích sử dụng cá nhân trong khoản 1 điều 30 (Bao gồm trường hợp áp dụng
có sửa đổi tại khoản 1 điều 102. Áp dụng tương tự trong khoản 3.), người có
hành vi được xem là xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan theo qui
định khoản 3 điều 113 (Bao gồm quyền được xem là quyền liên quan theo qui
định khoản 4 điều 113. Áp dụng tương tự trong điểm 3 điều 120.2 sau đây.),
người có hành vi được xem là xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan
theo qui định khoản 5 điều 113, hoặc người được đề cập tại điểm 3 hoặc điểm 4
khoản 2 sau đây) bị phạt tù tối đa 10 năm hoặc phạt tiền tối đa 10 triệu yên hoặc
bị phạt cả hai.” Như vậy, đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, mức phạt
tiền là rất cao đồng thời có thể bị phạt tù nếu gây thiệt hại lớn cho chủ thể quyền;
có thể thấy đây là một biện pháp vừa xử lý vừa răn đe hiệu quả nhằm hoàn thiện
pháp luật một cách chặt chẽ và góp phần đẩy lùi các hành vi xâm phạm quyền
tác giả trong tương lai.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng có các quy định về xử phạt
hành chính, dân sự hay hình sự như chế tài hành chính cho hành vi xâm phạm ít
nhất là 15 triệu VNĐ và các hành vi gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu thì áp dụng
chế tài hình sự cả phạt tiền và phạt tù. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít các vụ việc
phải áp dụng chế tài hình sự và chỉ dừng lại ở việc buộc dỡ bỏ bản sao hoặc tiêu
hủy tang vật theo quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, hay chế tài hành
chính với mức tiền phạt còn thấp so với hành vi xâm phạm như buôn bán sách
lậu, in lậu và phân phối trên thị trường làm ảnh hưởng đến lợi ích người dùng và
do đó mà hững hành vi này vẫn tiếp tục diễn ra mà sau khi đã xử phạt. Vì vậy,
pháp luật Việt Nam về vấn đề này cần chú trọng và hoàn thiện hơn để có thể vừa
có thể xử lý hiệu quả vừa đủ sức răn đe tránh những thực trạng vẫn đang tiếp
diễn ngoài xã hội.

- Bên cạnh đó, Luật Quyền tác giả Nhật Bản còn đề cập đến các biện pháp
khác đối với các hành vi vi phạm như biện pháp phục hồi danh dự (Điều 115
Luật Quyền tác giả Nhật Bản), theo đó tác giả có thể yêu cầu người có hành vi
xâm phạm quyền tác giả của họ phải có các hành vi để đính chính hoặc tái khẳng
định danh tính để phục hồi danh dự và uy tín bị tổn hại của họ thay vì bồi thường
thiệt hại hoặc cùng với bồi thường thiệt hại; hay biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích
nhân thân khi tác giả chết (Điều 116 Luật Quyền tác giả Nhật Bản), theo đó sau
khi tác giả, thân nhân (Vợ chồng, con, cha mẹ, cháu, ông bà nội ngoại hoặc anh
chị em ruột của tác giả, người biểu diễn. Áp dụng tương tự sau đây trong điều
này.) có thể yêu cầu theo quy định điều 112 đối với người có hành vi hoặc người
có dấu hiệu vi phạm quy định điều 60 hoặc 101.3 liên quan đến tác giả; yêu cầu
theo quy định điều trên đối với người có hành vi sơ suất hoặc cố ý xâm phạm
quyền nhân thân tác giả, hoặc có hành vi vi phạm quy định điều 60, điều 101.3.
Đồng thời, Luật quyền tác giả Nhật bản còn đưa ra một điều luật về xâm phạm
của quyền tác phẩm đồng tác giả (Điều 117 Luật Quyền tác giả Nhật Bản), hay
biện pháp phòng vệ quyền lợi của tác phẩm khuyết danh hoặc ký danh (Điều 118
Luật Quyền tác giả Nhật Bản). Pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam có thể
học hỏi kinh nghiệm này từ pháp luật Nhật Bản để có thể hoàn thiện pháp luật
một cách đầy đủ và chặt chẽ hơn.

- Không chỉ vậy, Luật Quyền tác giả Nhật Bản còn ghi nhận một số điều
liên quan đến hoạt động cung cấp bản sao tài liệu; tuy nhiên, pháp luật cũng đưa
ra các trường hợp để giới hạn quyền như người sử dụng có thể sao chép cho mục
đích sử dụng cá nhân bằng máy sao chép tự động dùng nơi công cộng; hay một
số nguyên tắc và ngoại lệ về sao chép trong thư viện, theo Điều 31 Luật Quyền
tác giả Nhật Bản, quy định thư viện Quốc hội hoặc các cơ sở thư viện có mục
đích cho công chúng sử dụng tư liệu như sách, báo, văn kiện theo quy định của
Nghị định chính phủ trong các trường hợp sau, nếu không vì mục đích thương
mại thì có thể dùng các tư liệu như: sách, báo, văn kiện của thư viện… để sao
chép tác phẩm: sử dụng với mục đích nghiên cứu, khảo sát để cung cấp cho mỗi
người một bản sao của một phần tác phẩm đã công bố, ví dụ tại khu vực photo
của các thư viện trường đại học sẽ có thông báo về vấn đề bản quyền với hoạt
động sao chép trong thư viện và người photo phải chịu trách nhiệm về hành vi
của mình và phải tuân theo Luật Quyền tác giả Nhật Bản; sử dụng cho việc bảo
tồn tư liệu của thư viện; hay để đáp ứng yêu cầu của thư viện khác để cung cấp
bản sao của tư liệu với lý do như đã tuyệt bản nên khó có thể mua được tư liệu
đó (sau đây trong điều này gọi là tư liệu đã tuyệt bản). Không chỉ vậy, Luật
Quyền tác giả Nhật Bản còn quy định những điều luật cụ thể khác về vấn đề sao
chép trong trường học, cơ quan giáo dục; sao chép trong đề thi và đặc biệt là sao
chép các tác phẩm cho người khiếm thị, khiếm thính (lần lượt được quy định tại
Điều 35, Điều 36, Điều 37 Luật Quyền tác giả Nhật Bản) và một số trường hợp
khác.
Có thể thấy, pháp luật Nhật Bản quy định về vấn đề sao chép này rất rõ ràng,
chi tiết và được thể hiện trong các điều luật riêng, việc này sẽ giúp giải thích, áp
dụng dễ dàng hơn khi có hành vi vi phạm quyền tác giả xảy ra và giúp bảo hộ
quyền tác giả một cách hiệu quả hơn . Việt Nam có thể học hỏi một số kinh
nghiệm từ pháp luật Nhật Bản này để hoàn thiện và chặt chẽ hơn pháp luật về
bảo hộ quyền tác giả trong một số trường hợp đặc biệt dễ xảy ra hành vi vi phạm.
3.3.2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác
giả đối với đối tượng là sách điện tử trong môi trường Internet.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự đa dạng
của các thiết bị có khả năng truy cập Internet, sự gia tăng sử dụng Internet đã đặt
ra rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là quyền
tác giả. Mặc dù chính phủ các nước đã rất nỗ lực trong việc thiết lập khung pháp
luật quốc tế cung như hoàn thiện pháp luật trong nước cho việc bảo hộ các quyền
này trong môi trường số, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực thi quyền nhưng
rõ ràng là việc đảm bảo thực thi hiệu quả các quyền này trong môi trường số
không phải là vấn đề đơn giản.

- Trước hết, để có thể ngăn chặn và thực thi hiệu quả quyền tác giả đặc biệt
đối với loại hình sách điện tử, cần thiết ban hành văn bản pháp luật về bảo hộ
quyền tác giả trên môi trường Internet. Dễ nhận thấy, Việt Nam vẫn còn gặp
nhiều khó khăn khi giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ trong môi trường số, đặc
biệt là sự phổ biến và khó kiểm soát của các hành vi xâm phạm quyền tác giả
trên Internet, bởi những đặc thù riêng của môi trường này. Vì vậy, áp dụng các
văn bản hiện hành để giải quyết các hành vi vi phạm hay bảo hộ quyền tác giả
còn gặp nhiều khó khăn và không thực sự phù hợp. Cho nên, việc tiến hành xây
dựng, hoàn thiện và ban hành một khung pháp lý riêng để bảo vệ quyền tác giả,
quyền liên quan cho một môi trường đặc thù – Internet là một bước đi quan
trọng, là một giải pháp hiệu quả mang tính đột phá để thực thi hiệu quả pháp luật
về bảo hộ quyền tác giả hiện nay.

- Bên cạnh đó, chúng ta cần có những biện pháp hiệu quả để nâng cao ý
thức của người sử dụng và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như bằng cách
hoạt động tuyên truyền và giáo dục ý thức pháp luật về quyền tác giả, đặc biệt là
quyền tác giả đối với đối tượng sách đang diễn ra tràn lan trên các mạng xã hội,
trên môi trường Internet hay về các hình thức, các hành vi vi phạm và những thủ
đoạn tinh vi của bên vi phạm để mọi người nhận thức sâu hơn về vấn đề này và
tránh những trường hợp vô tình tiếp tay cho những hành phi phạm pháp này.
Đồng thời, chúng ta có thể tạo điều kiện cho mọi người tiếp xúc gần hơn với
pháp luật về quyền tác giả như tổ chức các tọa đàm, hội thảo, cuộc thi nhằm
nâng cao ý thức về quyền tác giả của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên
trong các cơ sở giáo dục. Ví dụ, vào ngày 9/8/ 2019 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn
ra hội thảo về Thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Hội thảo do Cục Bản
quyền tác giả (COV) phối hợp với Hiệp hội phân phối nội dung ở nước ngoài
của Nhật Bản (CODA) tổ chức. Tại hội thảo này, các đại biểu đã lắng nghe, thảo
luận về các quy định pháp luật và thực trạng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên
quan tại Việt Nam – Nhật Bản; các biện pháp chống vi phạm bản quyền trên
Internet tại Nhật Bản; các hoạt động ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền và xúc
tiến phân phối nội dung có bản quyền của CODA; các giải pháp nâng cao năng
lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Nhật Bản – Việt Nam.

- Không chỉ nâng cao về mặt ý thức mà công tác kiểm tra, phát hiện và xử
lý các hành vi vi phạm quyền tác giả trong môi trường Internet cũng cần được
chú trọng. Có thể thấy, trong những năm qua, với sự phát triển về mặt công
nghệ, thế giới số dường như không thể tách rời khỏi cuộc sống con người, và
chính trong thế giới này đang diễn ra tràn lan các hành vi xâm phạm quyền tác
giả rất khó kiểm soát, điển hình là trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter,
Instagram,v.v... với các bài viết, sách điện tử, đường link được chia sẻ mà không
có sự cho phép của tác giả. Chính vì vậy mà cần đẩy mạnh công tác thanh tra,
kiểm tra các đơn vị kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh nội
dung số nói riêng, công tác này góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm
phạm quyền tác giả trên môi trường Internet.

- Ngoài ra, vì môi trường Internet mang tính chất toàn cầu nên chúng ta cần
đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo hộ quyền tác giả đối với sách trên môi
trường Internet. Tiếp tục tăng cường hoạt động đào tạo các đội ngũ chuyên gia
về sở hữu trí tuệ tại nước ngoài như Anh, EU, Nhật Bản để rèn luyện, nâng cao
năng lực chuyên môn, từ đó hình thành một đội ngũ cán bộ chất lượng để thực
hiện các công việc về vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng,
đồng thời những cán bộ này sẽ tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm học hỏi từ các
nước tiên tiến để nâng cao năng lực đội ngũ các bộ nước nhà.

You might also like