You are on page 1of 4

“Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai


Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.” – Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm
Vần thơ như phảng phất từng dáng dấp, từng hơi thở của lớp thanh niên xung phong hăng hái
một thời. Bao nhiêu con người đã ngã xuống, bao nhiêu linh hồn đã hóa thân vào bạt ngàn đất
nước. Trên chiến trường khắc nghiệt nơi lằn ranh giữa cái sống và chết chỉ là một cái chớp mắt,
có những con người, tưởng như là mong manh, nhưng lại tiềm tàng sức sống luôn trực chờ trỗi
dậy. Đó chính là những cô gái mở đường, những cô thanh niên xung phong. Trong trang
truyện “Những ngôi sao xa xôi”, Phương Định – cô gái được khắc họa với vẻ đẹp tỏa sáng như
vì tinh tú dưới ngòi bút tài hoa của Lê Minh Khuê đã khơi gợi và để lại trong lòng bạn đọc biết
bao thế hệ những ấn tượng vô cùng sâu sắc, lâu phai.
“Chúng tôi có ba người. Ba cô gái. Chúng tôi ở một hang dưới chân một cao điểm.” Những câu
văn ngắn, hàm súc đã lột tả chân thực hoàn cảnh sống khắc nghiệt, đầy hiểm nguy của
Phương Định. Các cô sống dưới chân một cao điểm, tụ điểm của mọi sự hủy diệt. “Đường bị
đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân
cây bị tước khô cháy.” Con người bị đẩy đến cực hạn cuối cùng của bản thân. Không gian chiến
tranh sặc mùi thuốc súng, khói đạn, thiếu vắng gam màu xanh, gam màu của sự sống. Nơi đó
chỉ thấy thần chết luôn rình rập, luôn nhăm nhe tước đoạt đi sinh mạng con người. Không chỉ
phải sống trong không gian thiếu đi sự sống, Phương Định và đồng đội còn phải gồng mình đối
mặt với biết bao thách thức, gian khổ đầy nguy hiểm, khắc nghiệt. Công việc của tổ trinh sát
mặt đường là “Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp và hố bom, đếm bom chưa nổ
và nếu cần thì phá bom.” Ngay bên dưới tầm ngắm tử thần – khi ra-đa và máy bay chiến đấu
của quân thù như kẻ săn mồi luôn trực chờ vồ vập, các cô gái “chạy trên cao điểm cả ban
ngày.” Công việc đầy vinh quang nhưng lại vô cùng khắc nghiệt, họ phải đối mặt với cái chết và
giành giật lấy sự sống trong từng khoảnh khắc. Ngay khi kí tấm giấy vào trọng điểm của chiến
trường tức là họ đã hiến dâng sinh mạng của mình cho đất nước. Phương Định không tiếc, cô
lấy đó làm niềm kiêu hãnh, tự hào của mình. Cuộc sống của Phương Định tuy khắc nghiệt
nhưng đầy ắp tiếng cười, sự hồn nhiên của tuổi trẻ, những mơ mộng tươi đẹp tuổi hoa niên và
chan chứa trong tình đồng đội gắn bó, thương yêu.
Thời đại có thể luân chuyển, song có một điều vẫn không hề thay đổi ấy chính là sự hồn nhiên,
hay mơ mộng của tuổi trẻ sôi nổi. Và Phương Định cũng là một cô gái như vậy. Cô là cô gái Hà
Nội. Như Phương Định tự nhận xét, cô “là một cô gái khá”. Phương Định có ngoại hình ưa nhìn,
đáng yêu : “Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn.”
Các anh lái xe bảo : “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm !”. Nhận được tình cảm của nhiều anh
chiến sĩ, Phương Định lấy đó làm niềm vui, niềm tự hào nhưng cô lại điệu đà, rất kín đáo trong
việc biểu lộ tình cảm của mình đối với người khác. Tưởng như kiêu kì, nhưng thực tình Phương
Định luôn tin yêu, cảm phục đồng đội của mình : “Những người đẹp nhất, thông minh, can
đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.”
Sống và chiến đấu ngay trong trọng điểm của chiến trường đầy cạm bẫy, vậy mà Phương Định
vẫn giữ được những nét tính cách đáng yêu, đặc trưng của những cô gái trẻ. Cô hay mơ mộng,
mê hát, bịa ra lời mà hát. Những câu ngân nga, câu hát của Phương Định dường như đã chắp
thêm đôi cánh cho sự lạc quan, yêu đời của cô, để cô vững tâm, thêm tràn đầy niềm tin và
năng lượng giữa chốn sa trường nghiệt ngã vô cùng. Cô thích nhiều bài, thích dân ca quan họ,
rất mê Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô. Như người ta thường nói, “Tiếng hát át tiếng bom”.
Tiếng hát chính là tiếng lòng. Phương Định thật đáng yêu, cô có những nét tính cách đặc trưng
như bao cô gái trẻ khác, cũng hồn nhiên, vui tươi và thích mộng mơ.
“Ở đây, trên cao điểm đầy bom này cũng có mưa đá. Những niềm vui con trẻ của tôi lại nở
tung ra, say sưa, tràn đầy.” Cơn mưa đá tựa hồ đã làm dịu đi cái khắc nghiệt, oi ngạt của đất
trời Trường Sơn. Chỉ một cơn mưa đá, nhưng lại làm niềm vui, niềm lạc quan căng tràn trong
Phương Định. Thế rồi cơn mưa tạnh mất, chóng vánh. “Sao chóng thế ?” – câu hỏi tu từ gợi
nhiều nuối tiếc, lưu luyến. Trong tiềm thức mờ ảo dần trở nên rõ ràng và chân thực, cô tìm về
bên mẹ, cái cửa sổ, những ngôi sao to trên bầu trời Hà thành. Phương Định thấy “con đường
nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn trông như dòng sông
nước đen”. Qua lăng kính của người con đang nhung nhớ, mọi điều, mọi vật đều thật đẹp và
huyền ảo.
Nói như Tạ Duy Anh, thứ ánh sáng tỏa ra từ “Những ngôi sao xa xôi” là “ánh sáng trong trẻo,
dịu dàng và vô nhiễm.” Đó chính là ánh sáng lung linh tỏa ra từ vẻ đẹp của Phương Định và
đồng đội. Phương Định tựa như làn gió làm dịu mát đi cái khắc nghiệt của sa trường đầy lửa
đạn.
Nhưng nếu chỉ yêu đời và hay mơ mộng, thì đó chỉ là những cô thiếu nữ bình thường như bao
người, chưa phải là cô thanh niên xung phong. Còn Phương Định thì khác, cô can trường, dũng
cảm, không sợ hi sinh và có lí tưởng sống rất cao đẹp.
“Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo.” – Nhớ, Phạm Tiến Duật
Đối với những người chiến sĩ, sự mềm yếu mềm là điều tối kị. Với Phương Định cũng vậy, tuy
có vết thương chưa lành ở miệng đùi, nhưng cô không vào viện quân y. Đó là tinh thần trách
nhiệm cao của những người lính, người chiến sĩ. Họ thà nhận phần thiệt thòi về mình chứ quyết
không làm chậm đi tiến độ của công việc. Đáng quý và cao cả, đó là những từ rất đẹp mà
người ta giành cho Phương Định, cho lớp thanh thiếu niên xung phong ra trận thời kháng chiến
chống Mỹ.
“Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần”. Phá bom đã trở thành một điều không
thể thiếu trong cuộc sống của các cô gái tổ trinh sát mặt đường. Trong “Những ngôi sao xa
xôi”, có những chi tiết vô cùng xuất sắc đã được tác giả Lê Minh Khuê khắc họa chân thực, sinh
động đến từng cảm giác. Cái tài tình, đáng nể của nhà văn là ở chỗ làm bộc lộ rõ tâm lí của
nhân vật Phương Định trong một lần phá bom. Nghịch cảnh nơi sa trường đã nâng tầm sức
mạnh và ý chí con người. Nhưng Phương Định vẫn có những nét tâm lí rất con gái, rất nữ tính :
“Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các
anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.” Phương Định có
tinh thần dũng cảm, gan lì của cô thanh niên xung phong, lại mang dáng dấp đường hoàng của
một người chiến sĩ thực thụ. “Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp nhịp điệu.”, không
chỉ phải hứng chịu muôn nghìn lửa đạn rải thảm, và cái chết chỉ là một khoảnh khắc, con người
trong lúc phá bom còn phải đối mặt với những nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất của bản thân. Đó
chính là sợ cái chết – nỗi trăn trở muôn thuở của con người. Khi vỏ quả bom nóng – một dấu
hiệu chẳng lành và đã hai mươi phút trôi qua mà quả bom vẫn chưa nổ, Phương Định có nghĩ
tới cái điều đáng sợ ấy, “nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”. Ngay khi bị đẩy đến tột
cùng của nỗi sợ hãi, đối với cô cái chính vẫn là : “Liệu mìn có nổ, bom có nổ không ?” Và cũng
trong những giây phút đầy căng thẳng ấy, có một chi tiết vô cùng đặc sắc khác xuất hiện. Qua
đó, nhà văn Lê Minh Khuê đã lồng ghép những triết lí thâm trầm về cái sống – chết, về cuộc
đời. “Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng
hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu.” Trong những vận động
vĩnh hằng và thiên thu của vũ trụ, cuộc đời, thời gian của đời người giờ đây chỉ còn là những
khoảnh khắc, đối mặt với cái chết và giành giật từng hơi thở, sự sống. Phương Định sẵn sàng
hiến dâng sinh mạng của mình, nhưng cô phải sống, sống để làm một nốt trầm trong bản hùng
ca muôn đời của đất nước, sống có nghĩa cũng là minh chứng khẳng định ý nghĩa sự tồn tại
của bản thân mình.
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...” – Khúc bảy, Thanh Thảo
Ở cái tuổi đẹp nhất đời người, độ mười tám, hai mươi, họ đã sống và chiến đấu mà không tiếc
thân mình, họ sống cho vẹn tròn ý nghĩa của tuổi trẻ, sống để bảo toàn đất nước, để khẳng
định bản thân mình, nhưng chết cũng là chết cho đất nước. Đó là tâm thế của thế hệ trẻ trong
thời kháng chiến chống Mỹ. Gan lì, kiên cường và dũng cảm, đó chính là Phương Định, là
những cô thanh niên xung phong.
Cứng cỏi, can trường trên mặt trận là vậy. Nhưng khi quay về cuộc sống sinh hoạt thường
ngày, Phương Định mềm mại, dịu dàng và rất mực yêu thương đồng đội.“Những gì đã qua,
những gì sắp tới...không đáng kể nữa. Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về ?” Nho
và Thao một mình làm nhiệm vụ trên cao điểm, Phương Định lo lắng, sốt ruột, phấn khích,
mừng rỡ khi nghe tiếng súng các anh cao xạ. Phương Định yêu thương, quý mến Nho : “Tôi
muốn bế nó trên tay. Trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng.” Cô tin tưởng và nghe lời
chị Thao lì lợm, gan dạ trong chiến trường nhưng cũng có những nét tâm lí rất con gái là sợ
máu, sợ vắt. Khi Nho làm nhiệm vụ bị thương, Phương Định tất bật chăm sóc, sơ cứu cho bạn :
“rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than. Bông băng trắng.”, lại pha sữa cho bạn uống.
Cô ân cần, dịu dàng chăm sóc đồng đội thân yêu của mình trong hoạn nạn, khó khăn.
Cái đặc trưng của văn chương thời kháng chiến chống Mỹ là tính chất sử thi. Với “Những ngôi
sao xa xôi”, Lê Minh Khuê tập trung khai thác và ca ngợi nét đẹp phẩm chất của người chiến sĩ,
thế hệ thanh niên xung phong can trường, dũng cảm. Am hiểu về cuộc sống chiến đấu và có
tài miêu tả tâm lí nhân vật nữ đạt đến độ tinh tế, nhà văn đã khắc họa nên một nhân vật
Phương Định dũng cảm, kiên cường và thương yêu đồng đội. Ngôi kể thứ nhất tạo điều kiện
thuận lợi để tác giả bộc lộ tâm lí nội tâm của nhân vật một cách chân thực, sinh động. Đồng
thời, cách viết này còn tạo được sự đồng cảm sâu sắc giữa bạn đọc và nhân vật.
“Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.”
Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật cũng khắc họa hình ảnh những
chiến sĩ lái xe lạc quan, tin nghịch nhưng vô cùng quả cảm. Bụi trường chinh có thể làm cay
mắt người chiến sĩ, nhưng không thể dập tắt đi ý chí kiên cường và niềm lạc quan, tinh nghịch
của tuổi trẻ. Muôn vàn mất mát, hi sinh họ có thể tự mình gánh chịu, duy chỉ có công việc và
nhiệm vụ phải được bảo toàn. Họ đã sống và chiến đấu bằng mồ hôi và máu xương của mình,
họ can trường và mang trong mình vẻ đẹp phẩm chất sáng ngời tựa như những vì tinh tú trên
bầu trời.
“Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh” – Khoảng trời hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ
Phương Định ngời sáng như “Những ngôi sao xa xôi” trên trang văn Lê Minh Khuê. Cô là tượng
trưng tiêu biểu cho lớp thanh niên xung phong trong thời chiến. Họ là những người đáng yêu,
kiên cường và dũng cảm nhất. Cảnh “rừng gai lá sắc” có thể vùi dập đi những đóa lan rừng,
những quả bom có thể vùi dập đi những cô gái. Nhưng các cô thanh niên xung phong vẫn luôn
được khắc ghi trong lòng chúng tôi – những người đang sống.

You might also like