You are on page 1of 3

Bàn về hai chữ Hán và hai chữ Nôm

AN CHI

http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/an-chi-ban-ve-2-chu-han-va-2-chu-
nom.html

Trần và càn không phải là những chữ kỵ huý.

Trong bài Một bản dịch Nôm đầu đời Lý: Bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, đăng
trên tạp chí Hồn Việt số 33 (3.2010), GS Nguyễn Tài Cẩn khẳng định:

“Trong phần kinh bằng chữ Hán, rõ ràng có 3 chữ kị huý liên quan đến 3 triều đại:
“Xin nói ngay: đó là 3 chữ LỢI, TRẦN và CÀN.
( …)
“– Chữ TRẦN: 2 lần khắc theo tự dạng ĐÔNG + VĂN ( ở trang 42/b và 43/a) là cách kị huý
biểu thị sự tôn trọng giai đoạn dòng họ nhà TRẦN đang cầm quyền.
“– Chữ CÀN: lại là một vết tích kị huý khoảng đầu thế kỷ XI đời nhà Lý …
“Sở dĩ phải kiêng huý cách phát âm CÀN là vì năm 1035 vua Lý Thái Tông đã phong tước
vương riêng cho một mình hoàng tử Lý Nhật Trung và từ đấy hoàng tử được mang tước hiệu đặc
biệt là PHỤNG CÀN VƯƠNG. Cũng từ đây sự tín nhiệm của Lý Thái Tông đối với PHỤNG
CÀN VƯƠNG càng ngày càng gia tăng: hễ vua phải thân chinh đi đánh đâu xa là PHỤNG CÀN
VƯƠNG thường được chỉ định giao giữ chức “lưu thủ Kinh sư”, lo lắng an ninh, chống bạo loạn.
“Triều đình kính nể, sư sãi kính nể chuyện kiêng kị tên huý CÀN được khắc 3 lần vào văn bản
của bộ kinh PHẬT THUYẾT là một chuyện đáng chú ý (…) .”

Trở lên là lời khẳng định của GS Nguyễn Tài Cẩn về ba chữ kỵ huý, còn sau đây là lời của ông
căn cứ vào chữ CÀN để khẳng định thời điểm ra đời của bản kinh Phật thuyết:

“Định niên đại của chữ huý CÀN như vậy, theo ý chúng tôi, cũng là gợi lên hướng xác định niên
đại của toàn bộ bộ kinh. Có chữ CÀN kị huý tức là có việc dịch kinh, in kinh. Chữ CÀN đã gắn
với khoảng đầu thế kỉ XI thì toàn bộ bản kinh cũng vậy. Đây phải là một bản kinh cổ, cơ bản
dịch đầu đời Lý, kể cả phong cách kị huý.”

Lời của GS Nguyễn Tài Cẩn thì chắc nịch như trên nhưng rất tiếc rằng chẳng những nó không có
cơ sở mà lại còn sai lầm nữa. GS nói đến phong cách kỵ huý đầu đời Lý nhưng đời Lý làm gì đã
có kỵ huý mà có phong cách! Chẳng phải là nhà kỵ huý học Ngô Đức Thọ đã viết: “Từ kết quả
khảo sát trên đây, với những cứ liệu văn khắc trên bia chuông đời Đinh - Lê và đời Lý, chúng ta
có cơ sở để kết luận: từ đời Lý trở về trước, ở nước ta chưa có định lệ viết kiêng huý.” (Nghiên
cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại, Nxb Văn hoá, 1997, tr.37).

Cứ cho là nhà kỵ huý học của chúng ta chưa phát hiện đươc lệ kiêng huý ở thời Lý và GS
Nguyễn Tài Cẩn là người tìm thấy trường hợp đầu tiên thì cũng làm sao có được phong cách viết
kiêng huý với chỉ một trường hợp? Huống chi, CÀN chỉ là một yếu tố trong tước hiệu của hoàng
tử Lý Nhật Trung chứ có phải “tên cúng cơm” của ông ta đâu mà kiêng huý? Thế mà GS còn đi
quá xa nên mới viết thêm ở một đoạn sau:

“Rất có thể năm 1035, khi hoàng tử Lý Nhật Trung được phong tước PHỤNG CÀN VƯƠNG,
ông đã được giao cho tổ chức việc dịch kinh, in kinh, nên các nhà sư kính nể, đã đưa chữ CÀN
của ông vào kị huý trong bản kinh.”

Nếu các nhà sư hiểu rõ lệ kiêng huý thì đời nào họ lại kiêng một chữ trong tước hiệu. Rồi thì
năm được giao việc dịchkinh, in kinh cũng đâu có nhất thiết trùng với năm được phong tước. Sao
không phải là 1037 hay 1039?

Đến như chữ TRẦN là tên một triều đại thì sao lại có thể nói đến chuyện kỵ huý?
Nhưng cái điểm mấu chốt mà chúng tôi muốn nêu lên để mạn phép bác bỏ các ý kiến trên đây
của GS Nguyễn Tài Cẩn là: Chữ CÀN và chữ TRẦN trong bản Phật thuyết, mà GS đã đưa tự
dạng phóng to ra để làm bằng, chỉ là những chữ thông thường trong kho Hán tự chứ tuyệt đối
không phải là những chữ kiêng huý.

𢽬
Chữ TRẦN

Thật vậy, chữ CÀN thông dụng là 乾 nhưng trong bản Phật thuyết thì lại khắc thành 乹 tại các
trang 11-b, 18-a và 34-a. GS Nguyễn Tài Cẩn khẳng định rằng 乹 là một chữ kỵ huý. Chúng tôi
xin thưa rằng 乹 là tục dạng của chữ乾, như đã ghi nhận rõ ràng trong Khang Hy tự điển : 乹, 俗
乾字 (乹, tục 乾tự). Vấn đề đã quá rõ ràng.

Còn chữ TRẦN thông dụng là 陳 nhưng trong bản Phật thuyết thì lại khắc thành 𢽬 tại các
trang 42-b và 43-a. GS Nguyễn Tài Cẩn khẳng định rằng đây là cách kỵ huý biểu thị sự tôn trọng
giai đoạn dòng họ nhà TRẦN đang cầm quyền.

Chúng tôi cũng xin thưa rằng đây không phải là một chữ kiêng huý. Và bên phải của nó cũng
không phải là chữ VĂN như GS khẳng định mà là chữ PHỐC. Khang Hy tự điển xếp X vào bộ
PHỐC攴,viết theo dạng 攵 (nên GS mới ngỡ là chữ VĂN) và giảng như sau:

敶或 作 𢽬,通作陳 (敶 hoặc tác 𢽬, thông tác 陳),


nghĩa là “chữ 敶 cũng viết là 𢽬, thường viết thành 陳”.

Vậy 陳 là một chữ thông dụng còn 𢽬 là dạng lược bớt của cái chữ gốc là 敶, chứ tuyệt nhiên
không phải là một chữ kiêng huý.

Tóm lại, trừ chữ LỢI đích xác là một chữ kiêng huý (nên chúng tôi không thảo luận ở đây) còn
hai chữ TRẦN và CÀN thì dứt khoát chỉ là những chữ bình thường. Có nhiều văn bản xưa hay
dùng những chữ lạ kiểu đó; nếu ta không nắm được mà cứ cho là chữ kiêng huý thì rất dễ đi đến
kết luận sai lệch.
Cu thể là, ở đây, GS Nguyễn Tài Cẩn cho rằng CÀN là một chữ kiêng huý đời Lý nên đã đẩy
thời điểm ra đời của Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh lên đến thế kỷ XI.

GS cũng cho rằng chữ TRẦN là một chữ kiêng huý biểu thị sự tôn trọng giai đoạn dòng họ nhà
TRẦN đang cầm quyền.

Cả hai kết luận này đều sai.

You might also like