You are on page 1of 12

TRƯNG CẦU Ý DÂN - LỊCH SỬ VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN Ở CÁC NƯỚC

CHÂU ÂU
1. DẪN LUẬN
Hiến pháp các nước dân chủ đều ghi nhận việc nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.
Quyền lực của nhân dân được thực hiện bằng hai hình thức, đó là dân chủ trực tiếp (direct
democracy) và dân chủ đại diện (representative democracy). Dân chủ trực tiếp đúng như
tên gọi của nó, là hình thức nhân dân trực tiếp quyết định các vấn đề, các công việc quan
trọng của quốc gia, của cộng đồng lãnh thổ; trực tiếp thông qua các đạo luật, trước hết là
Hiến pháp - đạo luật cơ bản của nhà nước, mà không qua một cá nhân hay tổ chức thay
mặt mình và ý chí đó có ý nghĩa bắt buộc phải thi hành. Hình thức biểu hiện cụ thể của
dân chủ trực tiếp như ứng cử, bầu cử, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trưng cầu ý dân....
Trong các hình thức dân chủ trực tiếp đó, trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ quan
trọng.

2. KHÁI NIỆM TRƯNG CẦU Ý DÂN


Trưng cầu ý dân là chế định pháp luật xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người. Ở La
Mã cổ đại từ năm 417 trước Công nguyên nhà nước đã biết hỏi ý kiến thần dân về một số
vấn đề của vương quốc. Đạo luật Valery và Horasy năm 449 trước Công nguyên, đạo luật
Publia năm 339 trước Công nguyên và sau đó là đạo luật Hortensia năm 287 trước Công
nguyên đã quy định về trưng cầu ý dân, quy định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị bắt
buộc đối với quốc vương và mọi thần dân[1]. Từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên khái
niệm referendum đã được phổ biến rộng rãi tại các vương quốc La Mã cổ đại, thậm chí
khái niệm referendum còn được thay thế cho khái niệm "luật".
“Trưng cầu ý dân” (referendum) có nguồn gốc từ tiếng Latin, có nghĩa là "điều cần phải
được thông báo". "Referendum" là sự bỏ phiếu của cử tri nhằm mục đích thông qua các
quyết định có tính chất quốc gia hoặc địa phương. Các quyết định được thông qua tại các
cuộc trưng cầu ý dân thường có hiệu lực cao hơn so với các đạo luật do nghị viện ban
hành. Không có bất kỳ đạo luật nào của nghị viện có thể tuyên bố hủy bỏ quyết định đã
được trưng cầu ý dân mà ngược lại, quyết định trưng cầu ý dân có thể bãi bỏ đạo luật của
nghị viện.
Như vậy có thể hiểu trưng cầu ý dân là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung
ương hoặc ở địa phương đưa phương án giải quyết vấn đề nào đó, dự án luật nào đó có
tầm quan trọng đặc biệt đối với cả nước hoặc địa phương để nhân dân cả nước hoặc ở địa
phương quyết định thông qua việc bỏ phiếu tán thành hay không tán thành. 
Có thể khái quát rằng có hai hình thức cơ bản để thực hiện quyền lực nhân dân là dân chủ
đại diện và dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, dân chủ trực tiếp
thường ít được các quốc gia sử dụng so với dân chủ đại diện. Mặc dù vậy, không phải
bao giờ ý kiến của các thiết chế đại diện cũng phản ánh được đúng đắn ý chí của người
dân. Ví dụ trường hợp ở nước Pháp năm 1946. Mặc dù 53% số dân biểu của quốc hội lập
hiến đã bỏ phiếu tán thành dự án Hiến pháp, nhưng khi đưa ra trưng cầu ý dân thì 53% cử
tri đã bác bỏ dự án này, và dự án hiến pháp này không có hiệu lực[2]
Như vậy có thể khẳng định rằng, sự tồn tại của hình thức trưng cầu ý dân đã bổ khuyết
cho những điểm chưa hoàn thiện của nền dân chủ đại diện, khiến cho những quyết định
quan trọng của chính quyền luôn phù hợp và phản ánh được ý chí của nhân dân. Bên
cạnh đó, trưng cầu ý dân góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm chính trị của người dân.
Như vậy, bản chất của trưng cầu ý dân là: nhân dân lập ra và trao quyền cho các cơ quan
nhà nước để thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước; một mặt, các cơ quan này
phải chịu sự giám sát của nhân dân và mặt khác, chỉ được thực hiện quyền lực trong giới
hạn cho phép. Trong nhiều trường hợp, nhà nước không được quyết định (đúng hơn là
không có thẩm quyền quyết định hoặc không cần thiết phải quyết định) mà để nhân dân
trực tiếp quyết định. Một trong các cách mà nhân dân trực tiếp quyết định là thông qua
trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân là một hình thức quan trọng trong việc thực hiện dân
chủ trực tiếp của nhân dân, là hình thức biểu hiện đỉnh cao của nền dân chủ. 

3. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CHẾ ĐỊNH TRƯNG CẦU
Ý DÂN Ở CÁC NƯỚC CHÂU ÂU
Quê hương của các cuộc trưng cầu ý dân là Thụy Sĩ. Sau chiến tranh thế giới lần thứ
nhất, chế định trưng cầu ý dân đã được ghi nhận trong hiến pháp của hàng loạt nước châu
Âu. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chế định trưng cầu ý dân đã có bước tiến dài
trong pháp luật và thực tiễn ở các nước phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay, trưng cầu ý
dân được tiến hành với mức độ khác nhau ở các nước trên thế giới.
Trưng cầu ý dân bắt đầu được định chế hóa vào thế kỷ XVI ở Thụy Sĩ, nhưng mãi sau
năm 1830, khi các bang trao quyền phán quyết hiến pháp của mình cho nhân dân, định
chế này mới được sử dụng rộng rãi và thường xuyên ở đây. Hàng năm Nghị viện họp
nhiều lần nhưng các quyết định do các nghị sỹ thông qua đều không có hiệu lực ngay mà
chỉ có hiệu lực sau khi đã thông báo cho Hội nghị nhân dân (Nghị viện tại các bang của
Thụy Sĩ) và được hội nghị nhân dân tán thành. Trong nhiều thế kỷ qua, các Hội nghị
nhân dân đã trở thành cơ quan quyền lực cao nhất của Thụy Sĩ[3]. Gần đây nhất, ngày
30/11/2014, Thụy Sĩ đã tổ chức cùng lúc ba cuộc trưng cầu ý dân về các vấn đề tăng dự
trữ vàng trong nước, hạn chế người nhập cư và bãi bỏ ưu đãi thuế cho người nước ngoài
giàu có.
Thụy Sĩ là nước quy định về trưng cầu ý dân khá cụ thể trong Hiến pháp. Điều 136 Hiến
pháp Thụy Sĩ quy định: Mọi công dân nam và nữ của Thụy Sĩ tròn 18 tuổi trở lên, nếu
không bị hạn chế về năng lực hành vi đều có các quyền và nghĩa vụ như nhau về chính
trị: tham gia bầu cử Nghị viện, đưa ra sáng kiến về trưng cầu ý dân và ký vào bản thu
thập chữ ký trưng cầu ý dân. Hiến pháp Thụy Sĩ dành cả chương 2 để quy định về thủ
tục, trình tự tiến hành trưng cầu ý dân. Điều 138 Hiến pháp quy định Hiến pháp sẽ được
sửa đổi nếu có ý kiến đề nghị của 100.000 cử tri. Khi đã thu thập được 100.000 chữ ký cử
tri về đề nghị sửa đổi Hiến pháp thì cần phải tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến
pháp. Hiến pháp cũng quy định về trưng cầu ý dân bắt buộc (Điều 140), đó là những vấn
đề như: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; Gia nhập tổ chức an ninh tập thể hay các tổ chức,
cộng đồng trên quốc gia; ban hành các đạo luật tạm thời, tức là các đạo luật không có cơ
sở Hiến pháp và chỉ có hiệu lực không quá 1 năm; sáng kiến sửa đổi Hiến pháp Liên
bang; sáng kiến sửa đổi một phần của Hiến pháp Liên bang khi có đề nghị của cử tri
nhưng Nghị viện không đồng ý với đề nghị đó; về vấn đề có sửa đổi toàn diện Hiến pháp
hay không khi còn có bất đồng ý kiến giữa các Viện của Nghị viện.
Các cuộc trưng cầu ý dân không mang tính chất bắt buộc cũng được quy định trong Hiến
pháp Thụy Sĩ (Điều 141). Đó là trưng cầu ý dân theo đề nghị của 50.000 cử tri hay 8 Hội
nghị nhân dân về các đạo luật của Liên bang; về các đạo luật tạm thời của Liên bang có
hiệu lực trên 1 năm; Các quyết định của Liên bang được thông qua theo quy định của
Hiến pháp hoặc của luật; Các điều ước quốc tế có hiệu lực lâu dài, quy định về gia nhập
tổ chức quốc tế, về nhất thể hóa pháp luật. Nghị viện Liên bang cũng có thể quyết định
trưng cầu ý dân về các điều ước quốc tế khác. Kết quả trưng cầu ý dân cần dựa vào sự
đồng ý của đa số phiếu cử tri.
Sau Thụy Sĩ, Pháp cũng là một nước mà pháp luật về trưng cầu ý dân được quy định một
cách rộng rãi. Điều 89 Hiến pháp Cộng hòa Pháp quy định tổ chức trưng cầu ý dân về dự
thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Việc trưng cầu ý dân về hiến pháp sẽ được tiến hành
nếu như những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thông qua theo sáng kiến của các nghị
sỹ tại Quốc hội. Còn nếu những sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thông qua theo sáng
kiến của Tổng thống thì có khả năng tiến hành trưng cầu ý dân và cũng có khả năng Nghị
viện biểu quyết tại phiên họp chung của Thượng viện và Hạ viện[4].
Trưng cầu ý dân có thể do Tổng thống quyết định theo đề nghị của Chính phủ hay theo
đề nghị chung của hai viện Quốc hội nhưng chỉ trong phạm vi hẹp các vấn đề theo quy
định được sửa đổi tại Điều 11 Hiến pháp 1995. Đó là những vấn đề về tổ chức quyền lực
công, cải cách chính sách kinh tế-xã hội và công vụ, phê chuẩn những điều ước quốc tế
có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tại Pháp các cuộc trưng
cầu ý dân địa phương chỉ có thể được tiến hành trong hai trường hợp. Một là, sự nhượng
bộ, sáp nhập hay trao đổi lãnh thổ quốc gia không thể được thực hiện nếu không được sự
đồng ý của cư dân sinh sống trên lãnh thổ đó (trên cơ sở của điều khoản này của Hiến
pháp năm 1962 đã tiến hành trưng cầu ý dân tại Algeria, năm 1974 tại quần đảo Comore,
năm 1976 tại đảo Majotte) [5]. Hai là, trưng cầu ý dân tiến hành khi sáp nhập các đơn vị
hành chính. Mặc dù ở Pháp người ta không chuộng hình thức trưng cầu ý dân địa phương
nhưng chính các cuộc trưng cầu ý dân địa phương lại hay được tổ chức (theo thống kê thì
mỗi năm ở Pháp tổ chức bình quân 7 cuộc trưng cầu ý dân địa phương).
Theo Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, trưng cầu ý dân chỉ được tiến hành ở 2 hay
một số tiểu bang và chỉ diễn ra khi có sự thay đổi ranh giới giữa các tiểu bang và thành
lập tiểu bang mới[6]. Sự thay đổi đó do luật của liên bang quy định nhưng trước khi ban
hành luật phải tổ chức trưng cầu ý dân ở các tiểu bang hay ở vùng lãnh thổ dự kiến thành
lập tiểu bang mới. Cử tri cần trả lời một cách rõ ràng cho câu hỏi: đồng ý duy trì ranh giới
cũ hay không, đồng ý thành lập tiểu bang mới hay không. Ở Đức không bao giờ tiến hành
trưng cầu ý dân trên toàn lãnh thổ liên bang[7].
Pháp luật Italia quy định: để tiến hành trưng cầu ý dân cần phải thu thập được 500 ngàn
chữ ký cứ tri. Trưng cầu ý dân cũng được tiến hành nếu có đề nghị của 5 trên tổng số 20
hội đồng tỉnh[8]. Theo khoản 2, Điều 75 Hiến pháp Italia, không được đưa ra trưng cầu ý
dân các dự án luật về thuế, về ngân sách, về ân xá, đại xá, về phê chuẩn điều ước quốc tế.
Ở Anh, dưới học thuyết “chủ quyền nghị viện”, nên ở đất nước này, trưng cầu ý dân rất
hiếm khi được tổ chức. Năm 1975, lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh mới áp dụng chế
định trưng cầu ý dân. Khi đó cử tri nước Anh tham gia trưng cầu ý dân về duy trì chế độ
thành viên của Anh trong Cộng đồng châu Âu. Năm 1979 người Anh tiến hành đồng thời
hai cuộc trưng cầu ý dân (trên cơ sở một đạo luật riêng về việc này) - hai cuộc trưng cầu
ý dân địa phương: tại xứ wel và Scotland,về vấn đề tự trị của hai vùng này[9]. Gần đây
nhất, một cuộc trưng cầu ý dân độc lập được tổ chức tại Scotland vào ngày 18/9/2014, để
người dân quyết định về việc có đồng ý để Scotland độc lập và ly khai Vương quốc Liên
hiệp Anh và Bắc Ailen. Và kết quả là 55,30 % cử tri đã bỏ phiếu chống và 44,70 % cử tri
bỏ phiếu thuận[10].
Trưng cầu ý dân là chế định mới của pháp luật Liên bang Nga. Trình tự tiến hành trưng
cầu ý dân ở Liên bang Nga được xác định trong Hiến pháp Liên bang Nga và trong Luật
liên bang "Về trưng cầu ý dân của Liên bang Nga”. Trưng cầu ý dân ở Liên bang Nga
tiến hành trên toàn bộ lãnh thổ Nga theo nguyên tắc bình đẳng, phổ thông, tự do thể hiện
ý chí và trực tiếp, bỏ phiếu kín. Mọi công dân Nga tham gia bỏ phiếu trưng cầu ý dân
phải có đủ những điều kiện như thực hiện quyền bầu cử (đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi
đầy đủ...).
Tháng 3 năm 1991, cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô đã
diễn ra. Nội dung của cuộc trưng cầu ý dân liên quan đến một trong những vấn đề tối
quan trọng của đời sống Nhà nước: Duy trì trên lãnh thổ Liên Xô một cộng đồng các
quốc gia độc lập và lập ra chức Tổng thống Liên bang Nga. Tháng 4 năm 1993 đã có
cuộc trưng cầu ý dân toàn Nga để làm rõ vấn đề: "Ông (Bà) vị có tin tưởng ở Tổng thống
Nga B.N. Elsin hay không?", "Ông (Bà) có đồng tình với chính sách xã hội do Tổng
thống Liên bang Nga và Chính phủ Liên bang Nga thực hiện hay không?" "Ông (Bà) thấy
có cần phải bầu cử Tổng thống Liên bang Nga trước thời hạn hay không?", "Ông (Bà) có
thấy cần phải tiến hành bầu cử trước thời hạn các đại biểu Duma Quốc gia hay không?".
Ngày 5 tháng 5 năm 1993 Ủy ban trung ương trưng cầu ý dân toàn Nga đã công bố kết
quả trưng cầu ý dân: Vấn đề thứ nhất và thứ hai quyết định đã được thông qua vì đã có
trên 50% công dân tham gia bỏ phiếu tán thành. Vấn đề thứ ba và thứ tư quyết định
không được thông qua vì chưa đến 1/2 số cử tri tham gia bỏ phiếu tán thành[11]. Tháng
12 năm 1993 tiến hành trưng cầu ý dân toàn Nga về dự thảo Hiến pháp Liên bang Nga.
Đây là cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga. Người dân
Nga đã đánh giá cao và đã đồng ý với Dự thảo Hiến pháp do Tổng thống đưa ra. Đã có
58.187.775 cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu và đa số (32.937.630 người (tức 58,4%) ủng
hộ việc thông qua Hiến pháp[12]. 
Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định phải ban hành Luật về trưng cầu ý dân.
Ngày 10 tháng 10 năm 1995 Tổng thống đã ký Lệnh ban hành Luật "Về trưng cầu ý dân
của Liên bang Nga"[13] trong đó quy định trưng cầu ý dân của Liên bang Nga là việc
toàn dân biểu quyết về các dự luật, về các đạo luật đã có hiệu lực và về các vấn đề khác
có ý nghĩa quan trong đối với đất nước. Trưng cầu ý dân cùng với chế độ bầu cử tự do là
biểu hiện cao nhất, trực tiếp của quyền lực nhân dân. 
Tại các nước trong khối Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ cũng đã thực
hiện chế định trưng cầu ý dân. Ví dụ khá điển hình là Ucraina. Theo Hiến pháp và Luật
trưng cầu ý dân toàn Ucraina và trưng cầu ý dân địa phương được ban hành năm 1991,
trưng cầu ý dân toàn Ucraina do Hội đồng Tối cao và Tổng thống ấn định nhưng phải dựa
trên cơ sở sáng kiến của nhân dân. Các cuộc trưng cầu ý dân địa phương có thể do Hội
đồng địa phương quyết định. Để trưng cầu ý dân toàn quốc thì trong thời gian tối thiểu 3
tháng phải thu thập được ít nhất 3 triệu chữ ký tại 2/3 số tỉnh và các đơn vị tương đương
cấp tỉnh như Crưm, Kiev và Sevastopol, trong đó mỗi nới thu thập ít nhất 100 ngàn chữ
ký. Chữ ký ủng hộ kiến nghị trưng cầu ý dân địa phương cần phải thu thập không quá 1
tháng.
Các vấn đề về thay đổi lãnh thổ Ucraina, sáp nhập Ucraina vào liên bang hay đại liên
bang nào đó chỉ có thể được quyết định thông qua trưng cầu ý dân toàn quốc; vấn đề về
thay đổi ranh giới của các đơn vị hành chính-lãnh thổ chỉ có thể giải quyết thông qua
trưng cầu ý dân địa phương. Gần đây, trưng cầu ý dân ở Cộng hòa tự trị Crưm đã diễn ra
vào ngày 16 tháng 3 năm 2014, lãnh thổ mà thuộc về nước Ucraina. Cuộc trưng cầu ý dân
về việc Crưm có li khai khỏi Ucraina để sáp nhập với Nga hay không. Khoảng 1,5 triệu
cử tri có quyền đi bầu có 2 lựa chọn (bằng tiếng Nga, Ucraina, và krymtatar)[14]: “1.
Ông (bà) có muốn Crưm thống nhất với Nga?”; “2. Ông (bà) có muốn Crưm là một phần
của Ucraina theo hiến pháp của Cộng hòa Crưm vào năm 1992?” Như vậy, không có sự
lựa chọn giữ nguyên Crưm với hiến pháp hiện thời, hay với nhiều quyền tự trị hơn[15].
Theo thông tấn xã Nga RIA Novosti, có 96,77 % (khoảng 1,233 triệu) phiếu đồng ý nhập
vào Nga. Số người đi bầu là 83,1%[16]
Kết quả, Hội đồng dân tộc Crưm Tatar tuyên bố, cuộc trưng cầu ý dân này là bất hợp
pháp, và kêu gọi dân chúng Crưm Tatar tẩy chay cuộc bầu cử[17]. Ucraina và các quốc
gia phương Tây cũng cho rằng đây là cuộc trưng cầu ý dân là bất hợp pháp, chính quyền
ở Crưm đã vượt qua thẩm quyền mà hiến pháp cho phép họ. Đại hội đồng Liên Hợp
Quốc đã thông qua một nghị quyết coi cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Ucraina tại
Crưm là vô giá trị[18].
Nhìn chung, từ nửa sau thế kỷ XX, trưng cầu ý dân được sử dụng ngày một nhiều hơn và
không chỉ liên quan đến việc sửa đổi hiến pháp (ví dụ như ở Tây Ban Nha, Ba Lan, Thụy
Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ) mà còn về vấn đề độc lập dân tộc (ví dụ ở Armenia, Bosnia, Croatia,
Estonia, Litva, Latvia, Marcedonia, Moldavia, Ucraina), cải cách nhà nước (ví dụ ở Pháp,
Hy Lạp, Ba Lan, Anh, Ý) hay những vấn đề quan trọng khác đối với xã hội như phê
chuẩn công ước quốc tế và chấp nhận gia nhập tổ chức quốc tế (ví dụ ở Đan Mạch, Na
Uy, Pháp, Anh khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, Ba Lan, Malta, Séc, Estonia,
Síp, Latvia, Litvia, Slovakia, Slovenija khi gia nhập Cộng đồng Châu Âu), vấn đề cho
phép ly dị, thụ tinh trong ống nghiệm (Italia), cho phép nạo phá thai (Italia[19], Ireland,
Bồ Đào Nha), các vấn đề môi trường (ví dụ xây nhà máy điện hạt nhân, đường cao tốc
v.v. )
Chẳng hạn Italia đã tổ chức trưng cầu ý dân hủy bỏ Luật về thụ tinh trong ống
nghiệm[20]. Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trong hai ngày đã thất bại vì số cử tri tham gia
bỏ phiếu quá ít: chỉ có 25,9% số cử tri tham gia bỏ phiếu trong khi pháp luật quy định
phải là 50%+1 cử tri tham gia bỏ phiếu. Pháp luật Italia về cấm thụ tinh ống nghiệm được
ban hành năm 2004 được coi là bảo thủ nhất ở châu Âu. Luật cấm cho tinh trùng, trứng
và nghiên cứu thụ thai ống nghiệm. Dư luận phản đối vì hiện tại dân số Italia đang có xu
hướng giảm. Tuy nhiên khi trưng cầu ý dân hủy đạo luật này thì lại không thành công.
Báo chí Italia cho rằng nguyên nhân đầu tiên của hiện tượng này là có sự can thiệp của
nhà thờ, nơi có quan điểm ủng hộ luật cấm thụ thai ống nghiệm[21].
Bồ Đào Nha cũng tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề nạo thai. Cuộc trưng cầu ý dân này
được tiến hành theo quyết định của Nghị viện. Chính phủ Bồ Đào Nha có chủ trương
không cho phép nạo thai và chủ trương này gặp sự phản đối của Nghị viện. Trong phiếu
trưng cầu ý dân có ghi nội dung: "Ông (Bà) có đồng tình với việc cho phép phụ nữ có
thai trong 10 tuần đầu có quyền phá thai tại cơ sở chuyên môn y tế mà không còn bị coi
là bất hợp pháp?". Pháp luật hiện hành của Bồ Đào Nha chỉ cho phép phụ nữ được quyền
phá thai nếu điều đó đe dọa tính mạng và sức khỏe của người phụ nữ hoặc nếu như người
phụ nữ đó mang thai do bị hiếp dâm. Trong các trường hợp khác việc phá thai bị cấm. Có
lẽ đây là một trong những đạo luật hà khắc nhất ở châu Âu. Điều đó dẫn tới tình trạng
hàng năm có từ 20 ngàn đến 40 ngàn ca phá thai lậu (mà dân số Bồ Đào Nha chỉ có 10
triệu người), hầu như các trường hợp phụ nữ xin phép Tòa án cho phá thai đều không
được. Tháng 2 năm 2007, cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra và kết quả đồng tình chỉ là
khoảng 40%, thấp hơn mức tối thiểu 50% cần thiết để kết quả trưng cầu được công nhận.
Tuy nhiên, có tới 59,3% trong số những người bỏ phiếu ủng hộ việc thay đổi luật hiện
tại[22].
Từ lịch sử của pháp luật về trưng cầu ý dân ở châu Âu, chúng ta có thể thấy xu thế phát
triển của các nền chính trị dân chủ là thực hiện và mở rộng dân chủ trực tiếp. Trong tuyên
ngôn thế giới về quyền con người của Liên Hợp Quốc năm 1948 tại khoản 3, Điều 21 có
qui định “Ý chí của nhân dân là cơ sở của quyền lực chính phủ”. Brian Beedham đã viết:
sự khác nhau giữa chính trị ngày nay với chính trị của thế kỷ tới (tức là thế kỷ XXI –NV)
dường như là sự thay đổi “nhân dân muốn gì” trong nền dân chủ, là sự luân phiên từ dân
chủ đại diện sang dân chủ trực tiếp.
Viện nghiên cứu về sáng kiến nhân dân và trưng cầu ý dân Châu Âu (The Initiative and
Referendum Institute Europe) cũng cho rằng, hơn bao giờ hết, sáng kiến nhân dân và
trưng cầu ý dân đang giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị ở khắp các nước
Châu Âu và trên toàn thế giới. 

4. KẾT LUẬN
Như vậy, trưng cầu ý dân là vấn đề phức tạp và hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Trên thế
giới hiện nay, chế định này cũng chưa thực sự được áp dụng một cách rộng rãi. Vị trí, vai
trò của dân chủ trực tiếp nói chung và của trưng cầu ý dân nói riêng trong đời sống chính
trị của mỗi quốc gia như thế nào, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như các
điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí, trình độ chính trị, trình độ
pháp lý, thói quen thực hiện dân chủ của người dân trong từng nước; phụ thuộc vào sự
tác động của các quốc gia khác trong khu vực và thế giới... Tuy nhiên, có thể khẳng định
rằng, khi dân chủ càng phát triển, thì càng tạo điều kiện mở rộng và phát huy trưng cầu ý
dân. Ngược lại, ở đâu và nơi nào quan tâm và chú trọng dân chủ trực tiếp cũng như trưng
cầu ý dân, thì ở đó, nền dân chủ mới thực sự phát triển và chế độ chính trị ở đó mới thực
sự mang bản chất của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Việt Nam không có bề dày truyền thống về trưng cầu ý dân, nhưng hiện nay đã có những
điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy dân chủ trực tiếp, trong đó trưng cầu ý dân là một
chế định không thể không được luật hóa. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa
XIII đã đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, đã giao cho Hội Luật gia Việt Nam xây
dựng dự án Luật trưng cầu ý dân và dự kiến sẽ trình ra Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp
giữa năm 2015. Chúng ta hy vọng rằng, khi luật được ban hành và đi vào cuộc sống sẽ là
căn cứ pháp lý, là công cụ để phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân Việt Nam.
                                                                                               NCS. THS. HỒ THỊ NGA

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Đinh Ngọc Vượng (2006), trưng cầu ý dân theo pháp luật một số nước trên thế giới,...
2. Bàn về chế định trưng cầu ý dân / Đinh Ngọc Vượng // Nghiên cứu lập pháp. Văn
phòng Quốc hội, Số 8/2005, tr. 11 – 16
3. Chế định trưng cầu ý dân trong pháp luật Việt Nam / Đinh Ngọc Vượng // Nhà nước
và Pháp luật. Viện Nhà nước và Pháp luật, Số 1/2006, tr. 3 – 6
4. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân trong dự thảo Luật trưng cầu ý dân / Đinh Ngọc
Vượng // Nhà nước và Pháp luật. Viện Nhà nước và Pháp luật, Số 11/2006, tr. 48 – 51
5. Bộ nội vụ (2006), tờ trình số 3402/TTr-BST ngày 13/9 của Bộ nội vụ trình Chính phủ
về dự án Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Hà Nội.
6. Мишин А.А. Конституционное государственное право зарубежных стран:. М.,
«Белые альвы», 1996. С. 240.
7. Конституционное устройство европейских государств. Либерец 1996 год. З.
Валек.
8. Чиркин В.Е. Конституционное право зарубежных стран М., «Юрист» 1998. С.
349.
9. Конституционное право зарубежных стран. / Под ред. Б.А. Страшуна. М., «
БЕК», 1996. С. 453
10. Мишин А.А. Конституционное государственное право зарубежных стран:. М.,
«Белые альвы», 1996. С. 240.
11. Комарова В.В. Формы непосредственной демократии в России М.  «Ось-89»,
1998  С. 26.
[1]2. Федеральный конституционный закон от 10 октября 1995 г. «О референдуме
Российской Федерации»// СЗ РФ. 1995. №42. Ст. 3921.
[1]3. Der Stimmzettel für das Krim-Referendum, Wiener Zeitung am 15. März 2014
[1]4. Richard Balmforth: No room for 'Nyet' in Ukraine's Crimea vote to join Russia.
In: Reuters, 11. März 2014.
[1]5. “Krim-Referendum: 96,77 Prozent stimmen für Wiedervereinigung mit Russland –
Endergebnis”
[1]6. “Crimean Tatar Leader Tells People To Stay At Home, Avoid Confrontations
17.  “Scottish referendum: Scotland votes no to independence”. BBC News 9, 2014.
[1]8. Low turnout sinks Italy fertility referendum - Reuters, 13.06.2005/
------------------------

[1] Мишин А.А. Конституционное государственное право зарубежных стран:. М.,


«Белые альвы», 1996. С. 240.
[2] Bộ Nội vụ (2006), Tờ trình số 3402/TTr-BST ngày 13/9 của Bộ Nội vụ trình Chính
phủ về dự án Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, ph−ờng, thị trấn, Hà Nội.
.
[3] Конституционное устройство европейских государств. Либерец 1996 год. З.
Валек.
[4] http://www.podrobnosti.ua/society/2005/06/05/217440.html
[5] Чиркин В.Е. Конституционное право зарубежных стран М., «Юрист» 1998. С.
349.
[6] http://democracy.ru/english/library/laws/bg_law_eng/
[7] Конституционное право зарубежных стран. / Под ред. Б.А. Страшуна. М., «
БЕК», 1996. С. 453
[8] Мишин А.А. Конституционное государственное право зарубежных стран:. М.,
«Белые альвы», 1996. С. 240.
[9] http://www.irishstatutebook.ie/ZZA12Y1994.html
[10]  “Scottish referendum: Scotland votes no to independence”. BBC News 9, 2014.
[11] Комарова В.В. Формы непосредственной демократии в России М.  «Ось-89»,
1998  С. 26.
[12] PGS, TS. Đinh Ngọc Vượng, tlđd, tr 45
[13] Федеральный конституционный закон от 10 октября 1995 г. «О референдуме
Российской Федерации»// СЗ РФ. 1995. №42. Ст. 3921.
[14]  Der Stimmzettel für das Krim-Referendum, Wiener Zeitung am 15. März 2014
[15]   Richard Balmforth: No room for 'Nyet' in Ukraine's Crimea vote to join
Russia. In: Reuters, 11. März 2014.
[16]   “Krim-Referendum: 96,77 Prozent stimmen für Wiedervereinigung mit Russland –
Endergebnis”
[17]      “Crimean Tatar Leader Tells People To Stay At Home, Avoid Confrontations
[18]   http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/167642/lhq-khong-cong-nhan-trung-cau-dan-y-tai-
crum.html
[19] Trước đây Italia không cho phép phá thai vì quan niệm phá thai là hành vi giết
người. Tuy nhiên đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình của phụ nữ yêu cầu phụ nữ có quyền phá
thai. Sau đó, việc phá thai đã được Chính phủ cho phép, với điều kiện thai nhi trong bụng
mẹ ở giai đoạn chưa hình thành người nên không phải hành vi giết người.
[20] http://www.rec.gov.by/refer/refer1996.html
[21] Low turnout sinks Italy fertility referendum - Reuters, 13.06.2005/
[22] http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/bo-dao-nha-se-hop-phap-hoa-viec-pha-thai-
344413.html

You might also like