You are on page 1of 8

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI THI KẾT THÚC HỌC PHẦN

MÔN:
LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

ĐỀ BÀI : Số 06
“Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về
quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự tại giai đoạn xét
xử sơ thẩm, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị?”

Họ và tên : Trần Thị Thảo


Mssv : 430648
Lớp : N03-TL4

Hà Nội, 2021

1
MỤC LỤC:
MỞ ĐẦU:.................................................................................................................................... 1

NỘI DUNG:................................................................................................................................ 1

1. Các quy định pháp luật hiện hành về quyền định đoạt của đương sự trong giai đoạn
XXST.......................................................................................................................................... 1

1.1 Quyền tự định đoạt của đương sự trong thay đổi, bổ sung và rút đơn yêu cầu...................3

1.2 Quyền tự định đoạt của đương sự trong thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự......................2

1.3 Quyền tự định đoạt của đương sự trong cung cấp chứng cứ, chứng minh..........................3

2. Thực tiễn áp dụng quyền tự định đoạt của đương sự trong giai đoạn XXST...........................5

3. Một số kiến nghị giúp nâng cao hiệu quả thực thi quyền tự định đoạt của đương sự trong
giai đoạn XXST........................................................................................................................... 4

KẾT LUẬN:................................................................................................................................ 5

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:....................................................................................6

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT:

XXST Xét xử sơ thẩm

CBXXST Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

BLTTDS Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

PLTTDS Pháp luật tố tụng dân sự

HĐXX Hội đồng xét xử

2
MỞ ĐẦU:
Quyền tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản xuyên suốt quá
trình tố tụng dân sự. Trong mọi giai đoạn của quá trình tố tụng, quyền tự định đoạt luôn
được đề cao và đảm bảo thực hiện hiệu quả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
đương sự. Ở giai đoạn XXST, quyền tự định đoạt của đương sự được thể hiện một cách rõ
nét, pháp luật dân sự không hạn chế mà ngược lại tạo điều kiện thuận lợi để đương sự vận
dụng tối đa quyền tự định đoạt ngay cả khi đã mở phiên tòa xét xử. Để đi sâu tìm hiểu nội
dung của nguyên tắc này và có một cái nhìn khách quan, tổng thể hơn nữa các quy định
pháp luật hiện hành về quyền định đoạt của đương sự trong giai đoạn XXST, em xin phép
nhận đề bài số 06 làm bài thi kết thúc học phần.
NỘI DUNG:
1. Các quy định pháp luật hiện hành về quyền định đoạt của đương sự trong giai đoạn
XXST.
Kết thúc giai đoạn CBXXST vụ án dân sự nhưng toà án không ra một trong các quyết
định: Công nhận sự thoả thuận của các đương sự, đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án
dân sự thì Toà án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Giai đoạn XXST cũng bắt đầu từ đây
khi mà phiên tòa sơ thẩm được diễn ra với hoạt động xét xử của Tòa án. Quyền tự định đoạt
nói chung được quy định tại Điều 5 BLTTDS. Theo đó, nó là quyền của đương sự trong
việc tự quyết định về quyền, lợi ích của họ và lựa chọn biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền,
lợi ích đó1. Tại phiên tòa sơ thẩm, tồn tại quyền tự định đoạt của đương sự trong một số hoạt
động như sau:
1.1 Quyền tự định đoạt của đương sự trong thay đổi, bổ sung và rút đơn yêu cầu.
Theo Điều 244 BLTTDS, đối với việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên
tòa sơ thẩm thì sẽ chỉ được Tòa án chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung không vượt quá
phạm vi yêu cầu ban đầu. So với trước khi mở phiên tỏa quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu
của đương sự tại phiên tòa đã bị hạn chế đi nhiều, chỉ là quyền tương đối. Việc pháp luật
giới hạn quyền tự định đoạt trong việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự là hợp lý. Để
tới được bước XXST các chủ thể tham gia vụ án đã trải qua nhiều quy trình, thủ tục pháp lý
phức tạp, tiêu tốn thời gian tiền bạc và sức lực, nhưng đến khi mở phiên tòa đương sự mới
có những thay đổi, yêu cầu mới sẽ gây khó khăn cho HĐXX trong việc phải nghiên cứu,
xem xét, đánh giá chứng cứ, pháp luật áp dụng. Mặt khác, việc kéo dài thời gian tố tụng
cũng gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Vậy nên, ở giai
đoạn này, quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự bị hạn chế nhằm đảm bảo việc giải
quyết được thực hiện nhanh chóng, đúng đắn hạn chế việc các đương sự lạm quyền, gây khó
khăn cản trở hoạt động xét xử của Tòa án.

1
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng dân sự, 2020, Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, tr.46-47.
3
PLTTDS hạn chế quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự thông qua điều kiện
“không vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu”. Vậy cần phải hiểu như thế nào là “vượt quá
phạm vi yêu cầu”? Hiện nay, BLTTDS vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định này, nên
có khá nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau xoay quanh về vấn đề này. Việc pháp luật chưa
có quy định rõ ràng về vấn đề này rất sẽ dẫn đến việc thiếu tính thống nhất trong áp dụng
pháp luật, mỗi một tòa án sẽ có những cách áp dụng khác nhau có thể sẽ làm ảnh hưởng đến
quyền tự định đoạt của đương sự cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Đối với việc rút yêu cầu của đương sự tại phiên tòa xét xử, đây là hành vi mà đương sự
tự quyết định một cách tự nguyện, thể hiện việc đương sự không còn muốn Tòa án giải
quyết vụ việc của mình và việc rút đơn tại phiên tòa có thể được HĐXX chấp nhận và ra
quyết định đình chỉ. Trong trường hợp vụ án dân sự các bên đương sự có các yêu cầu khác
nhau mà mỗi một bên rút toàn bộ yêu cầu của mình thì sẽ dẫn đến hệ quả thay đổi địa vị tố
tụng2. Tuy nhiên, PLTTDS chưa có quy định cụ thể về trường hợp vụ việc có nhiều nguyên
đơn và có nhiều yêu cầu mà họ chỉ rút một phần yêu cầu thì thế nào. Trên thực tế, Tòa án sẽ
đình chỉ xét xử yêu cầu của những đương sự đã rút một phần và vẫn tiếp tục giải quyết yêu
cầu của những đương sự còn lại.
Ngoài ra, theo PLTTDS không chỉ có nguyên đơn mà bị đơn, người có quyền và nghĩa
vụ liên quan cũng có quyền thay đổi, bổ sung và rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Quy
định như vậy là phù hợp, vì khi có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì bản thân bị đơn,
người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có vai trò giống như nguyên đơn, có yêu cầu hợp
pháp đòi hỏi Tòa án xem xét để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nên bị đơn,
người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng có quyền quyết định đối với yêu cầu của mình
giống như nguyên đơn.
1.2 Quyền tự định đoạt của đương sự trong thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm, hòa giải không còn là thủ tục bắt buộc phải được tiến hành
nhưng đương sự vẫn có quyền tự hòa giải nếu muốn. Theo Điều 246 BLTTDS, HĐXX sơ
thẩm phải hỏi đương sự xem họ có thỏa thuận với nhau hay không. Nếu đương sự thỏa
thuận được với nhau thì HĐXX phải ra ngay quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương
sự. Nếu như không đảm bảo thủ tục hỏi này thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt
của đương sự. Quy định này là hợp lý xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự, các bên
đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp dân sự ở bất kỳ một giai
đoạn nào trong TTDS. Tuy nhiên, trên thực tiễn, có trường hợp HĐXX đã vào phòng nghị
án thì các đương sự lại thỏa thuận được với nhau và khi HĐXX quay trở lại phòng để tuyên
án thì các đương sự lại yêu cầu công nhận sự thỏa thuận của họ. Đối với trường hợp này,

2
Xem thêm Khoản 2 Điều 217, Điều 245 BLTTDS năm 2015.

4
BLTTDS và các văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc HĐXX chỉ có
thể tuyên án và các đương sự sẽ lại phải kháng cáo lên cấp phúc thẩm 3. Việc thiếu quy định
trong vấn đề này gây ra việc HĐXX lúng túng và thực thi pháp luật một cách cứng nhắc,
thiếu linh hoạt làm rườm rà quá trình giải quyết vụ án dân sự, ảnh hưởng đến quyền tự định
đoạt của đương sự.
Hơn nữa, để các đương sự có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự
thì cần thiết phải cho họ thời gian giống như ở thủ tục hòa giải. Song PLTTDS vẫn chưa có
quy định về vấn đề hoãn hay tạm dừng phiên tòa sơ thẩm để các đương sự có thêm điều kiện
để thỏa thuận về việc giải quyết vụ việc. Và ví dụ các đương sự đều cùng đề nghị HĐXX
cho họ thêm thời gian để thỏa thuận, thương lượng thì vẫn không có căn cứ để hoãn hay tạm
dừng phiên tòa. Như vậy thì Tòa án vẫn ra bản án, đương sự muốn công nhận sự thỏa thuận
của họ phải thực hiện kháng cáo, gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
1.3 Quyền tự định đoạt của đương sự trong cung cấp chứng cứ, chứng minh.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 96 BLTTDS, sau thời hạn chuẩn bị XXST, đương sự
vẫn có quyền cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền cung cấp chứng cứ của
đương sự chỉ được Tòa án chấp nhận nếu có lý do chính đáng và đương sự phải chứng mình
được điều này. Như vậy, nhằm đảm bảo cho hoạt động tranh tụng, việc chấp nhận chứng cứ
được giao nộp muộn của đương sự là khá hạn hữu. Mặc dù là hạn hữu nhưng việc pháp luật
có quy định như vậy là hết sức hợp lý vì thực tế, thực tiễn luôn diễn ra đa dạng và thực sự
tồn tại những trường hợp do những nguyên nhân khách quan mà đương sự và các đương sự
thực sự không thể cung cấp ngay chứng cứ cho Tòa án trong giai đoạn CBXX sơ thẩm.
Đồng thời, nếu không chấp nhận cho đương sự cung cấp chứng cứ muộn khi có lí do chính
đáng thì phán quyết của tòa án sẽ không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.
2. Thực tiễn áp dụng quyền tự định đoạt của đương sự trong giai đoạn XXST.
Nhìn chung, trong thực tiễn xét xử vụ án dân sự, các Toà án trên cả nước đã thực hiện
khá tốt việc đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự trong giai đoạn XXST. Việc áp dụng,
thực thi triệt để nguyên tắc quan trọng này là vô cùng ý nghĩa, đề cao sự tự do ý chí, tự do
thoả thuận giữa các đương sự, từ đó vụ án sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp
thời hợp tình hợp lý, giảm tải áp lực cồng kềnh cho cơ quan Toà án và tiết kiệm thời gian,
chi phí cho các chủ thể tham gia vào giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải
quyết vụ án dân sự vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế trong việc thực hiện quyền định đoạt
của đương sự.
Thứ nhất, về phía đương sự, do đương sự thiết hiểu biết pháp luật hoặc hiểu biết không
đầy đủ các quy định của pháp luật cộng thêm việc thiếu điều kiện để được tư vấn, phổ biến
về thủ tục tố tụng nên họ đã vô tình bỏ qua quyền này của mình, mà có sử dụng quyền này
thì việc sử dụng cũng là không được triệt để không mang tới hiệu quả cao trong giải quyết
vụ án dân sự. Về phía cơ quan tiến hành tố tụng, có không ít cơ quan, người tiến hành tố
3
Nguyễn Thị Tuyết, “Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự và thực tiễn thực hiện tại các
Toà án tại tỉnh Bắc Ninh”, PGS. TS. Phan Hữu Thư hướng dẫn, 2019, tr.30.
5
tụng chưa thực sự bảo đảm, tạo điều kiện, hướng dẫn hết quyền quyết định và định đoạt của
đương sự làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của chủ thể này4.
Thứ hai, hiện nay có không ít Toà án do sai sót trong việc nghiên cứu vụ việc, vi phạm
thủ tục tố tụng dân sự làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của các đương sự. Đơn cử như
các trường hợp Toà án không xem xét hết các yêu cầu cần thay đổi hay bổ sung của đương
sự mà đã bác bỏ, hay chấp nhận những yêu cầu thay đổi, bổ sung mà vượt quá phạm vi yêu
cầu ban đầu. Hay trường hợp đương sự đã rút yêu cầu tại phiên toà sơ thẩm và được Toà án
chấp nhận song sau khi có bản án sơ thẩm, Tòa án không đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu
đó, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Thứ ba, hiện nay xuất phát từ sự quy định còn chưa rõ ràng của pháp luật dẫn đến mỗi
một toà án có những quan điểm xét xử khác nhau, không đạt được sự thống nhất trong tư
tưởng. Và khi mà xét xử nhận định một vấn đề thiếu một căn cứ xác đáng vô hình trung đặt
Toà án vào tình thế lúng túng, áp dụng pháp luật một cách chủ quan có thể sẽ làm ảnh
hưởng đến quyền tự định đoạt của đương sự.
Thứ tư, trong thực tiễn vẫn xuất hiện trường hợp Tòa án còn xác định sai tư cách làm
ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự định đoạt của đương sự. Việc xác định đúng tư cách
của đương sự là tiền đề để đương sự có thể sử dụng quyền tự định đoạt của mình, được pháp
luật ghi nhận trong quá trình giải quyết vụ án. Thực tiễn xét xử cho thấy, không ít trường
hợp Tòa án đã xác định sai tư cách đương sự dẫn đến án sơ thẩm bị hủy, trực tiếp xâm phạm
đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trong đó có quyền tự định đoạt.
3. Một số kiến nghị giúp nâng cao hiệu quả thực thi quyền tự định đoạt của đương sự
trong giai đoạn XXST.
Thứ nhất, PLTTDS cần thiết phải bổ sung các điều luật giúp hướng dẫn, giải thích rõ
ràng các vấn đề mà BLTTDS vẫn đang quy định một cách chung chung. Đối với quyền thay
đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự cần thiết phải bổ sung thêm quy định hướng dẫn, giải
thích thế nào là “việc thay đổi, bổ sung yêu cầu mà không vượt quá phạm vi yêu cầu của
đương sự”. Để từ đó đương sự có căn cứ thực hiện quyền này mà không phải phân vân, đắn
đó đồng thời Toà án cũng sẽ không gặp lúng túng trong việc áp dụng pháp luật. Bên cạnh
đó, cần thiết phải bổ sung thêm quy định về hoãn, tạm dừng phiên toà để các đương sự có
thời gian, điều kiện thực hiện tốt quyền tự định đoạt của mình trong thoả thuận giải quyết vụ
án. Đồng thời, nên bổ sung thêm quy định về công nhận thoả thuận giải quyết vụ án của
đương sự trong mọi giai đoạn của phiên toà sơ thẩm. Vì thực tế diễn ra trường hợp trước khi
toà tuyên án các bên đã yêu cầu HĐXX công nhận sự thoả thuận song bản án vẫn có hiệu
lực và các bên muốn được công nhận thoả thuận thì phải kháng cáo lên Toà án cấp phúc
thẩm, điều này là rất mất thời gian và gây tốn kém.
4
Nguyễn Quang Hiền, “Nguyên tắc quyền quyết định và quyền tự định đoạt của đương sự trong TTDS VÀ TTHC”,

Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17(249)/Kỳ 1, tháng 9/2013, tr.32-33.

6
Thứ hai, cần tăng cường bồi dưỡng về cả đạo đức lẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ nhất là Thẩm phán, thư ký và VKS. Đây là lực lượng cốt cán góp phần làm sáng
tỏ vụ án dân sự và thực thi pháp luật một cách đúng đắn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của đương sự
Thứ ba, cần đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý đối với các đương sự để họ có thể nhận thức được
tầm quan trọng của việc thực hiện quyền và thực hiện quyền tự định đoạt của mình sao cho
hiệu quả. Hoạt động hỗ trợ pháp lý của luật sư và trợ giúp viên pháp lý đối với đương sự có
ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ việc dân sự, đảm bảo việc thực hiện các quyền,
nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng dân sự. Người dân ngày càng nhận thức được tốt vị trí,
vai trò quan trọng của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong việc giải quyết vụ việc dân sự.
Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm sát và xử lý vi phạm trong giải
quyết vụ án dân sự. Trên thực tiễn không phải là không có những trường hợp các cán bộ
trong Toà án có hành vi tiêu cực làm sai lệch hướng giải quyết vụ án hay do chuyên môn
không tốt mà vi phạm quy định về trình tự thủ tục tố tụng. Chính vì vậy, song song với việc
áp dụng pháp luật là cơ chế giám sát quá trình áp dụng pháp luật.
KẾT LUẬN:
Có thể thấy, quyền tự định đoạt của đương sự là nguyên tắc chủ đạo xuyên suốt các giai
đoạn tố tụng kể cả khi đã mở phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều hạn chế như
đã kể ở trên chứng tỏ việc thực hiện nguyên tắc này trong giải quyết vụ án dân sự vẫn chưa
đạt hiệu quả tốt. Chính vì thế, để khắc phục hạn chế đòi hỏi phải có sự quyết tâm thực hiện
đồng bộ, toàn diện cả từ phía người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng để đảm bảo
nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự được hiệu quả tốt, đảm bảo quyền và lợi ích
hợp pháp cho đương sự.

7
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 Văn bản pháp luật:
1. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
2. Bộ luật dân sự năm 2015.
 Giáo trình:
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng dân sự, 2020, Hà Nội, Nxb
Công an nhân dân.
 Tạp chí khoa học, luận văn:
1. Nguyễn Quang Hiền, “Nguyên tắc quyền quyết định và quyền tự định đoạt của
đương sự trong TTDS VÀ TTHC”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17(249)/Kỳ 1,
tháng 9/2013.
2. Nguyễn Thị Tuyết, “Nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân
sự và thực tiễn thực hiện tại các Toà án tại tỉnh Bắc Ninh”, Luận văn thạc sĩ, PGS.
TS. Phan Hữu Thư hướng dẫn, 2019.
3. Phạm Thị Minh, “Đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự và
thực tiễn thực hiện tại các Tòa án trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Luận văn thạc sĩ
luật học, TS. Nguyễn Công Bình hướng dẫn, 2017.
4. Nguyễn Anh Đức, “Quyền tự định đoạt của đương sự và thực tiễn áp dụng tại các
Tòa án nhân dân ở tỉnh Sơn La”, Trang thông tin điện tử tòa án nhân dân tỉnh Sơn
La, 2017.

You might also like