You are on page 1of 24

Lời giới thiệu

Đời mỗi con người phát triển và đi trên một con đường hình pa ra bôn. Sinh ra
từ khi cất tiếng khóc chào đời đã phải tập bò để tìm cách leo trên con đường ấy.
Thế rồi cuộc đời từng ngày lớn nên, học hành, làm việc, bươn trải bốn phương
làm sao cố để leo lên tới đỉnh pa ra bôn mà không gặp trở ngại nào trên đường
đi. Rồi khi ta lên đến đỉnh, ngoảnh lại đã thấy hết 50 năm với biết bao vất vả,
hạnh phúc, vui buồn, sung sướng, và cả khổ đau...khi ấy ta hét lên: đỉnh cuộc
đời là đây rồi!!! Nhưng chợt nhìn xuống phía bên kia (nửa pa ra bôn còn lại),
quy luật sinh tồn ta vẫn phải đi thôi. Nhưng lúc leo lên chậm bao nhiêu, thì lúc
đi xuống nhanh bấy nhiêu. Vì thế mà ta thường muốn hai bên đường xuống có
nhiều cây cối để ta vịn vào mà ngoảnh lại rồi tiếc nuối những ngày ở đỉnh sao
mà ít thế. Nhưng cuộc đời là quy luật muôn thủa: Ta không xuống thì ứ hết
đường đi à??? Vậy hãy tranh thủ từng phút, đi đều đều, chầm chậm, thật vui vẻ
để đi về phía chân pa ra bôn, sao cho đường pa ra bôn được vẽ lên đẹp và đối
xứng nhất, thì ta mới thấy khỏi xót xa, ân hận bởi những năm tháng không sống
hoài, sống phí...

Chuyện của tôi và quê hương tuổi thơ tôi!


Chương I
Chuyện của tôi
Ngày ấy ở một làng quê xa xôi có một sinh linh nhỏ bé chào đời, tại trạm xá
thôn an cố, nó khóc ré lên trong tay của Dì Thanh là bà đỡ hồi ấy, như báo hiệu
một bình minh của sự sống. Thế rồi ngày ngày cậu bé cứ vô tư lớn lên, vui chơi,
học hành trong sự thiếu thốn vật chất của làng quê Việt Nam bấy giờ. Ngày xưa
cậu bé chỉ mong đến hè được đi cắm trại thiếu nhi ở quê: vừa vui vừa hào hứng.
Nhất là buổi trưa cả trại ngồi quây quần ăn cơm. Chao ôi những con tôm rảo
mọng muối cắn vào đến đâu ngọt đến đấy. Ai cũng ních đầy bụng 5, 6 bát cơm.
Ăn xong chống tay ra sau vừa thở vừa thích. Rồi cứ như vậy mà lớn lên, hết cấp
1, cấp 2, đến cấp 3. Tuổi thơ vô tư với những ngày đi bộ 7 cây số. Bụng đói meo
mà vẫn ham mò từng quả trứng vịt đẻ rơi dưới nước của mấy lều vịt bên đường.
Nhớ những lần chạy hủi ngã chồng lên nhau, vừa sợ, vừa buồn cười. Nhớ những
hôm mệt quá nghỉ trong lò rèn vạn đồn, nhìn cái mũi đỏ au của ông thợ rèn cu
chỉnh luôn miệng đọc: ăn gà! ăn gà... Có hôm ông ta đuổi cả bọn chạy thục
mạng vừa sợ vừa buồn cười... Đó là quê hương tuổi thơ tôi cái sinh linh bé nhỏ
ngày nào ấy. Nay đã bước vào tuổi 64 với bao biến cố, sóng gió, vui buồn, hạnh
phúc và khổ đau... nhưng đầy hoài niệm!
Chương II
Chuyện về quê hương tuổi thơ tôi
1. Quê hương tuổi thơ tôi là gì nhỉ?
Phải chăng đó là cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre xanh gọi gió trưa hè oi ả,
cánh đồng lúa xanh mướt tận chân trời, là ngôi chùa cổ kính lấp sau những rặng
nhãn lồng sum xê lá. Hay là những trò chơi ăn quan, những con cù quay tít,
những cánh tay nhỏ gầy thoăn thoắt trên nắm chuyền, những trò chơi đóng giả
vợ chồng diễn kịch cười đến bể bụng...và vân vân... Tất cả những điều ấy đã
được các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sỹ, ca sĩ thể hiện trên những áng văn, tứ
thơ, những bản nhạc, bài ca bất hủ mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng biết
đến. Vậy thì còn gì để ta kể và viết đây? Theo tôi nghĩ ngoài nhưng định nghĩa
trên mang tính điển hình chung cho quê hương Việt Nam mà ai sinh ra và lớn
lên đều có thể thấy rõ những hình ảnh đó. Còn nếu đi sâu vào tâm khảm mỗi con
người mà viết lên hết những kỷ niệm về quê hương thì có lẽ xếp chữ kín cả vỏ
trái đất cũng không hết. Vì với mỗi người có kỷ niệm nào giống kỷ niệm nào
đâu. Mỗi các bạn hãy thử viết và kể về một kỷ niệm nào đó của mình về quê
hương tuổi thơ của các bạn mà chưa ai biết đến.
2. Chuyện hát chèo
Tôi sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, mồ hôi mặn chát hạt gạo, tiếng hát
chèo làm mát nồi cơm chiều. Hồi còn bé tôi mê hát chèo lắm. Ngồi nấu cơm
khói rơm cay xè cả mắt, mà tôi tay cời rơm, miệng vẫn say sưa hát chèo. Chả
biết câu nào mà cứ nghĩ gì hát nấy, miễn là đúng làn điệu thôi. Hàng xóm nghe
khen hay như đoàn chèo Thái Bình. Tôi thích lắm! Ngày nào vào bếp tôi cũng
hát say sưa. Hồi xưa ở Thái Bình, xã nào cũng có một đội chèo. Lúc ấy làm gì
có loa như bây giờ. Tôi nhớ trên sân khấu họ treo các micro trên dây. Diễn viên
đi đến đâu thì micro chạy đến đó. Thế mà người xem vẫn im phăng phắc ngồi
nghe. Đoàn chèo xã tôi đã hay, nhưng có lẽ tôi vẫn mê nhất là đoàn chèo xã
Thụy Hồng - lúc đó nó được ví như đoàn chèo của huyện vậy. Mỗi lần đoàn
chèo Thụy Hồng về diễn là tôi xin bằng được mẹ cho 2 hào mua vé. Nhưng khi
thấy người quen ở đoàn chèo vào thăm mẹ (chả mẹ tôi là người Thụy Hồng), thì
tôi tìm cách xin bằng được vé xem chèo - thế là có 2 hào mua quà. Chao ơi tôi
chỉ dám mua có 1 hào thôi mà đã thấy xa sỉ lắm rồi. Một hào 5 xiên lạc hoặc 5
xiên hạt mít luộc các bạn biết không? Tôi phải chọn mua hạt mít luộc nó to ăn
lâu hết hơn. Ngồi xem hát chèo cẩn thận bóc từng hạt mít, cắn dè từng tý một, vị
ngòn ngọt của chất bột tan trên đầu lưỡi sao mà nhanh tan thế... Tuổi thơ đẹp
một cách ngây thơ như vậy đấy, sao mà vị ngọt nhè nhẹ của hạt mít nó còn đọng
mãi đến bây giờ.
3. Chuyện cái cối xay lúa
Có gì sướng bằng ăn gạo phiếu thời bấy giờ đâu. Cái cảnh xay lúa, giã gạo giằng
co với cái cối, dậm chân, dậm tay với cái chày giã gạo giữa trưa hè oi ả thì
không thể bao giờ quên được. Tôi nhớ ngày ấy buổi chiều khi đi học về được
giao xay 2 thúng thóc. Muốn nhanh xong, tôi thường hay đổ đầy lùm lùm cối
với hy vọng trong thúng còn ít thì xay sẽ nhanh hết thóc. Nhưng cái tư tưởng trẻ
con ấy làm tôi kéo tay ngõng nặng lặc lè, tưởng nhanh lại hóa chậm. Bây giờ
nghĩ lại thấy sự ngây thơ thời con trẻ sao mà đáng yêu vậy.
4. Chuyện quả thị
Kỷ niệm quê hương tuổi thơ chuyện quả thị. Nhớ lại chuyện tấm cám: bà cụ nói
với tấm tròng quả thị rằng: bà chỉ để ngửi chứ bà không ăn. Nhớ hồi bé đi học
bạn nào chả có một cái túi bằng dây cói hay dây gai, bên trong đựng một quả thị
to, vàng ươm, mùi thơm Ngan ngát tỏa quanh góc học tập. Hồi ấy tôi thường
được bà ngoại đan cho cái túi thị bằng gai vó vạn đồn, nó vừa bền vừa đẹp lại

3
nhẹ, gọn. Mỗi lần mẹ đi chợ về mua cho quả thị to, tôi cho vào túi, cẩn thận kéo
túm đầu túi lại, treo trên cái đinh cạnh bàn học. Mỗi lần đi vào góc học tập tôi
đều ngẩn ngơ ngắm thị... Ngắm hoài, hít hoài không biết chán. Nhưng rồi quả
thị cứ dần dần chín mọng và như có vẻ sắp nẫu ra. Thôi có lẽ tôi phải ăn thị thôi.
Cầm quả thị cấu 1 góc nhỏ trên vỏ của nó, rồi từ từ đưa miệng lên hút nhẹ từng
tí một. Cái nước sền sệt bột thị, vừa thơm, vừa ngọt chát, làm tôi không thể quên
nổi. Mút hết nước thị, vỏ thị xẹp xuống, tôi bóc vỏ ra và nhặt từng hạt thị mút và
gặm lấy, gặm để. Nhưng có lẽ khó quên nhất vẫn là việc thử nhai cái hạt thị ấy.
Chao ôi! Cắn một cái, nó vỡ ra một miếng nhỏ như đầu ngón tay, rồi tôi cầm
cho vào miệng nhai cái miếng vỡ ấy - không mùi, không vị, chỉ thấy bột nhỏ
như gạo tấm trong miệng lưỡi, rồi tôi cũng phải nuốt xuống bụng. Thật là một
kỷ niệm đẹp, tôi không bao giờ quên được! Tôi định chỉ để làm của riêng mình
và chỉ để ngửi, chứ tôi không dám ăn nữa. Và nay mang ra kể cho các bạn cùng
trang lứa mong sự sẻ chia, đồng điệu. Câu chuyện cắn hạt thị này, nếu giờ cho
cắn sụn sườn chắc là bay hết răng. Nếu giờ tôi có mang chuyện này ra kể cho lũ
trẻ, thì biết đâu chúng chả bảo: chuyện cổ tích ấy chúng cháu đọc trong sách
giáo khoa lâu rồi, chuyện tấm cám phải không ông? Có lẽ tôi chỉ còn biết gật
đầu, cười và lấy tay dụi mắt... Các anh chị, các bạn có lẽ hiểu chuyện sẽ hiểu
cho người kể chuyện rằng: chuyện thật 100%.
5. Chuyện ăn khoai trong nồi cám lợn
Ai còn nhớ món này không? Nhớ nồi cám lợn vẫn nồng mùi thơm. Cái ngày xưa
ấy đói cơm, quần thì thủng đít áo sờn rách vai, dép lê, cặp cói học bài. Mở nồi
cám lợn thấy khoai mừng thầm làm luôn mấy củ điểm tâm. Nhất là đến buổi tan
tầm ...đói meo năm mươi năm trước. Cảnh quê vẫn nghèo, cuộc sống gieo neo
cơ hàn. Cơm no mấy bữa mùa màng.
Tháng ba ngày tám khoai lang độn bừa. Nhớ nồi cám lợn ngày xưa, bao nhiêu
năm trước vẫn chưa phai mờ gắn liền kí ức tuổi thơ. Nhớ nồi khoai cám ...bây
giờ vẫn ngon! (đây cũng là ký ức rất khó quên của bọn mình, bác L nhỉ?!) Khoai
trong nồi cám toàn khoai gầy, gầy như chính sự gầy guộc, thiếu ăn của chúng
mình ngày xưa vậy. Thế mà răng giả giờ kén ăn. Thấy gà nó bảo: sao nay lại gà?
Ước gì cho đến ngày xưa đê nồi cám lợn ta mò ta xơi.
6. Chuyện ngày đầy tháng Chuyện ngày đầy tháng
Tôi xin kể để các bạn nghe câu chuyện có thật 100% về ngày đầy tháng của tôi ở
tuổi 64 này. Trong diện tích một vỏ trái đất viết đầy các kỷ niệm tuổi thơ của
loài người bằng những câu chuyện khác nhau. Trong đó có câu chuyện đầy
tháng của tôi mà tôi tin rằng đó là chuyện độc nhất vô nhị dưới gầm trời này.
Chả là sau cái năm rời Công ty Hồng Hà, về hưu, tôi tới làm việc tại công trình
khách sạn 21- Hàng Thùng. Ở đấy môi trường làm việc xa lạ lúc đầu dần dần
thay thế bằng sự thân tình, hiểu biết, và quý mến lẫn nhau. Họ hay gọi tôi bằng
"Cụ" một cách thân mật. Không biết có phải do mái tóc trắng như cước của tôi
hay vì lý do gì. Gì thì gì vẫn thấy thân mật và gần gũi. Một hôm cậu tư vấn giám
sát đòi xem chứng minh thư của tôi. Tôi chả hiểu gì cả. Đùng một cái, cách ngày
sinh của tôi một tuần, mấy anh quản lý dự án, tư vấn, và các nhà thầu khác, nói
rằng họ sẽ tổ chức sinh nhật cho tôi. Cha ơi! Khi 50 tuổi tôi có tổ chức lần sinh
nhật cuối rất hoành tráng ở cơ quan cũ và nói rằng: quê tôi ngoài 50 là vào tổ
các cụ rồi. Từ năm sau sinh nhật gọi là mừng thọ và chỉ làm trong gia đình cho
ấm cúng. Nay anh em tổ chức thế này biết tính làm sao? Cũng mở ngoặc là: theo
sách trời năm nay tuổi 64 của tôi sẽ có nhiều biến cố và sóng to, gió lớn...vì vậy
tôi cũng đồng ý cùng anh em tổ chức sinh nhật. Buổi tiệc thật vui vẻ và ấm
cúng, gửi gắm nhiều tình cảm ấm áp, chân thành. Nhưng có lẽ điều này mới làm
tôi ngỡ ngàng và bất ngờ vì cuối tiệc anh trưởng ban quản lý dự án tuyên bố
rằng: 20/5 tới chúng ta sẽ tổ chức đầy tháng cho "Cụ". Cứ tưởng rằng rượu nói
như nói đùa thôi, ai ngờ gần đến ngày 20/5 tôi mới biết câu chuyện tổ chức đầy
tháng cho tuổi 64 là có thật.
Đêm đêm nằm nghĩ hay là đây cũng là một biến cố 64? Tôi không thể cắt nghĩa
được các cụ ta xưa làm đầy tháng cho các con là ý nghĩa gì? Sao không phải là
đầy 2 tháng... Có lẽ tạm hiểu là: con sinh ra đã có ngày, có tháng, nay đủ tháng
rồi, thì làm đầy tháng thôi. Ngày xưa đầy tháng 1 tuổi, các con chỉ nằm bú no

5
sữa rồi ngủ. Việc cúng bái tổ tiên, ông bà, và trời phật do bố mẹ lo. Nay đầy
tháng cho tuổi 64 mình cùng anh em lại xắn tay vào cùng chuẩn bị tiệc. Điều
làm tôi cảm động hơn cả là ông chủ khách sạn hơn tôi những 10 tuổi, còn gửi cả
bia và rượu ngoại tới mừng. Chuyện thật như đùa! Hôm ấy nhà ông ta có giỗ.
Thế mà hai giờ chiều xong việc nhà, ông ấy vẫn đến ngồi uống rượu với anh em
chúng tôi và hàn huyên đủ chuyện trên giời dưới bể. Thật là cảm động và không
sao hiểu nổi. Rằng tôi đã từng có một ngày đầy tháng tuổi 64 thật đẹp và chứa
đầy cảm xúc khó tả. Các bạn ơi! Cắn hạt thị mà kể ra, các bạn còn nói là mình
vẫn cắn thường xuyên, ăn vụng khoai trong nồi cám lợn, mà khi kể lại mấy chị
em bên nhà vợ còn nói chuyện đó trước đây bọn chị còn giành nhau ăn mà.
Nhưng có lẽ làm đầy tháng ở tuổi không phải là “Tuổi một” này thì có lẽ tôi
chưa từng thấy ngoài tôi ra. Cuộc đời thật có ý nghĩa khi ta có những kỷ niệm
đẹp một cách hiếm hoi vậy...
Chuyện nước Nga của tôi
Chương I
Chuyến bay đầy cảm xúc đưa chúng tôi tới thiên đường
Ngày ấy, vào năm 1981, tôi đang công tác tại một công ty lớn của Bộ Xây dựng
tại Hà Nội. Công việc không vất vả nhưng đói lắm. Có lẽ đó cũng là cái đói
chung của thời kỳ bao cấp đầy khó khăn bộn bề. Lúc đó, ngoài việc đi làm thì
chỉ còn nghĩ đến bữa ăn mà thôi. Mỗi lần được về quê là tôi tranh thủ tha lên Hà
Nội đủ thứ: nào là hành, tỏi, gạo, mắm, dưa cà, rau quả, thậm chí cả cái rế để nồi
cơm... Tóm lại là thứ gì có thể mang đi được là tôi tha đi tất. Chứ cảnh chờ đợi
đến kỳ mua tem phiếu thì chẳng khác gì chờ nổ lương hiện nay. Cái đói len lỏi
vào cả giấc ngủ, giấc mơ tôi hàng ngày. Rồi mùa thu năm 1981 ấy đã đến, nó
làm thay đổi cả thế giới quan và cuộc sống của tôi sau này. Ngày mà công ty cử
một đoàn cán bộ kỹ thuật chúng tôi đi sang Liên Xô làm việc theo hiệp định hợp
tác lao động Việt Nam - Liên Xô. Lúc đó đường tương lai ở công ty của tôi khá
rộng mở vì tôi là cán bộ đoàn đang nổi thời đó. Chúng tôi cứ lăn tăn, suy nghĩ
mãi, rồi mấy đứa cũng quyết định đi để cho biết, và quan trọng là giải quyết
khâu "đói". Thủ tục công ty lo cho hết. Còn chúng tôi được gọi đi tập trung tại
dốc Vân để học chính trị và các quy định khi đi lao động hợp tác tại Liên Xô.
Sau nửa tháng học tập rồi cũng đến ngày chúng tôi được đưa ra sân bay. Bỏ lại
phía sau bao dự định dang dở, bao kỷ niệm, bạn bè và người thân... Tâm trạng
mọi người thật khó tả. Điều này thể hiện rõ trên gương mặt từng người, hồi hộp
lúc chờ đợi làm thủ tục, lo âu. Vừa muốn nhanh chóng lên máy bay, vừa muốn
thời gian chầm chậm lại chút để mọi người thả dần ký ức về với quê hương. Vì 5
năm nữa cơ mà, có phải lúc nào thích cũng về được đâu. Lần đầu tiên tôi được
làm thủ tục đi máy bay. Chao ôi! Sao mà phức tạp vậy, hết vòng ngoài, đến
vòng trong. Nhưng có lẽ điều đó còn dễ chịu hơn nhiều so với việc xếp hàng cả
buổi mua vé xe đi Hà Nội - Thái Bình. Giờ có kể lại cũng chả ai tin. Hai tiếng
đồng hồ làm thủ tục, chúng tôi lên máy bay. Ở cửa thang, ngoái đầu nhìn lại quê
hương lần nữa, tạm biệt các bác nông dân Sóc Sơn đang làm đồng xa xa kia nhé,

7
chúng tôi đi khám phá thiên đường đây. Máy bay cất cánh, cảm giác lần đầu tiên
mình được bay trên không trung, chắc không ai quên được - tai ù đi, đầu óc
chống chếnh, như thực, như mơ. Mà tại sao không có đường nhưng nhiều lúc
thấy xóc và gằn vậy? Chả khác gì đi trên đường liên tỉnh quê tôi cả. Khi không
thấy ù tai và xóc nữa là lúc máy bay đã đạt độ cao trên 10,000 mét rồi. Tôi thấy
máy bay như đứng yên một chỗ, cái cảm giác bình an như đang đứng ở thiên
đường làm tôi dễ chịu hẳn. Mọi người bắt đầu đi vệ sinh, gật đầu chào nhau,
miệng mỉm cười mãn nguyện. Thế là đã ở thiên đường rồi sao? Sau khi tĩnh tâm
lại, chúng tôi ngồi trở lại ghế máy bay, nhắm mắt lại, lim dim nghĩ???
Tiếp theo, các cô tiếp viên hàng không bắt đầu phục vụ bữa ăn đầu tiên trên máy
bay. Một khay đồ ăn riêng cho mỗi người, nhìn khay đồ ăn, tôi mới cảm nhận
thấy thiên đường của mình đã bắt đầu. Cả đời tôi cho đến lúc này đây, chưa một
lần tự tay cầm cả cái đùi gà béo ngậy xé từng miếng để ăn. Từng miếng thịt đùi
gà chấm muối, cho vào miệng, nhai từ từ và nuốt xuống bụng. Thịt trôi đến đâu,
cảm thấy như thiên đường hiện ra đến đó. Có lẽ cái cảm giác này chỉ xuất hiện
hiếm hoi từ thế hệ lứa tuổi chúng tôi về trước mà thôi. Với lứa tuổi thanh niên,
đang tuổi ăn, tuổi lớn, suốt bao năm thời trẻ lam lũ giữa đồng quê Việt Nam -
vừa học, vừa làm, bụng đói, chân đất, mắt toét (hạt đi mắt to như hạt cơm nguội,
nhiều khi không buồn dụi đi). Nay được một bữa ăn thịnh soạn thế này, ai chả
thấy cảm xúc dâng trào. Đường bay từ Việt Nam đến Liên Xô phải nghỉ tại Ấn
Độ, Pakistani, rồi mới đến sân bay Mat-co-va. Trên máy bay chúng tôi được ăn
ba bữa ngon như vậy. Rồi sân bay quốc tế matcova xuất hiện khi máy bay hạ
cánh, kết thúc hành trình bay đưa chúng tôi đến với thiên đường mơ ước.
Chương II
Cảm xúc đầu tiên nơi thiên đường hoa lệ
Rời máy bay, bước vào nhà ga-ce-re-me-te-vo-2, tôi như sững sờ bởi sự mênh
mông bát ngát của một nhà ga quá rộng lớn, dưới tầm mắt của tôi vừa mới vượt
khỏi lũy tre làng chưa bao lâu. Từng tốp người nhỏ bé, gày gò và đen nhẻm
chúng tôi tay xách, nách mang, đi giữa những ông tây to lớn, trắng lõm là trong
cái sân ga rộng lớn ấy, tôi mới cảm thấy hết sự vĩ đại của nước Nga - Xô Viết.
Sự vĩ đại ấy hôm nay tôi mới tận tay sờ vào, chạm vào... Chúng tôi được những
người Nga (mà sau này tôi mới biết đó là những người bảo mẫu do nhà máy cử
đến đón chúng tôi), hướng dẫn lên xe. Tưởng rằng được về nhà máy luôn, ai dè
họ đưa chúng tôi tiếp tục ra sân bay nội địa và bay tiếp một chặng đường khoảng
2,000km nữa mới về đến thành phố mà chúng tôi sẽ làm việc 5 năm tới. Đó là
thành phố không to, nằm bên bờ sông Von-ga xinh đẹp và thơ mộng, nước chảy
êm đềm chứ không cuồn cuộn như sông Hồng nhà mình. Đó là thành phố
Atstrakhan nằm ở cuối hạ lưu sông Von-ga. Khi chuyển sang máy bay nội địa,
chúng tôi mới cảm thấy mệt, ai cũng ngủ li bì. Rồi máy bay hạ cánh, chúng tôi
bừng tỉnh và xuống máy bay. Họ chở chúng tôi tới một nhà tắm công cộng to
đùng. Qua anh phiên dịch, họ yêu cầu chúng tôi cởi hết quần áo ra, của ai để
riêng và ghi tên vào. Chẳng hiểu mô tê gì cả, chúng tôi ai cũng làm theo như
một cái máy. Qua anh phiên dịch chúng tôi biết là mình phải đi tắm tẩy trần, khử
trùng, thay quần áo mới, rồi mới được về nơi ở. Cả đoàn chia thành nhiều tốp
trần trụi như nhộng, khúm lúm, tay ấp, mắt ngáo ngơ nhìn nhau đi vào buồng
tắm. Trong phòng tắm to và rất nhiều vòi sen, hơi nóng bốc lên mù mịt, mọi
người thấy tự tin hơn khi tắm. Tôi thấy hình như mình đang được tắm rửa tẩy
trần trước khi bước vào chốn bồng lai, tiên cảnh vậy. Chợt trong đầu tôi nghĩ
không hiểu nam phải tắm, vậy nữ có tắm không nhỉ? Không hiểu họ cũng thực
hiện những động tác như chúng tôi thì họ có ngượng nghịu như chúng tôi không
nhỉ? Cảm giác của họ thế nào nhỉ? Nghĩ đến đây thôi là mặt tôi đã đỏ ựng lên
rồi. Thật vớ vẩn, có thôi nghĩ vẩn vơ đi không cái cậu thanh niên 23 tuổi miệng
còn hơi sữa này. Các bạn gái hãy lượng thứ cho cái suy nghĩ trẻ con ấy nhé.
Xong viêc tắm tẩy trần, mặc quần áo mới do nhà máy cấp, chúng tôi lên xe về
ốp nhận phòng ở. Đây là mái ấm mà chúng tôi sẽ gắn bó suốt 5 năm trời. Vì vậy
nó vô cùng quan trọng với mỗi người. Ốp của chúng tôi là ngôi nhà 5 tầng mới
xây, sơn ngoài nhà màu đỏ nhạt. Hình như họ xây riêng cho người Việt đến đây
lao động một khu riêng - có đầy đủ phòng tập thể thao, sân bóng đá, bóng

9
chuyền, nhà ăn, hội trường và cả một bộ đàn trống nữa mới hoành tráng chứ.
Nói chung chả thiếu gì cả. Ốp chúng tôi ở cách thành phố 30km, cách thị trấn
6km, cạnh ngôi làng Nga cũng chả khác mấy làng Việt mình, chỉ là không có
cây đa, giếng nước, sân đình, bờ ao, khóm tre và cánh đồng lúa vàng trải đến tận
nơi chân trời mà thôi. Bữa ăn đầu tiên của chúng tôi tại nhà ăn của ôp.
Cha mẹ ơi! Cơm gì mà sống không ra sống, cháo không ra cháo, hình như họ
luộc gạo. Tôi cảm thấy phí cả công người trồng lúa, một nắng, hai xương mới có
hạt gạo trắng ngần hôm nay. Nếu là nồi cơm vùi tro bếp, mở ra thơm phức, ăn
với canh cua đồng, hoặc canh cá rô đồng nấu cải trứng cá nổi đầy mặt bát, ních
5, 6 bát cơm thì sướng phải biết. Nay chỉ một nuôi gạo luộc với khoanh giò,
hoặc miếng thịt gà to như bàn tay, ăn vèo một cái đã hết veo. Mỗi bữa chỉ có vậy
với một đĩa canh cải không người lái ăn với bánh mì đen (gọi là món thứ nhất),
và một cốc smetan hoặc nước hoa quả (gọi là món thứ 3). Với 3 món ấy thanh
niên chúng tôi ăn đánh tõm một cái là hết mà bụng vẫn đói meo. Có đứa còn
nghĩ thiên đường chỉ có ở trên trời hay sao? Còn thiên đường phương tây này
cũng đói như phương đông à? Lại vấp phải bệnh đói triền miên. Những ngày
đầu chúng tôi đói lắm, mà chưa có tiền, nhìn vào quầy căng tin thèm rỏ dãi ra
như khi đi học về chờ cơm đói vàng mắt. Mới sang ai cũng ngáo ngơ như gà con
lạc mẹ vậy. Chúng tôi đành nhờ anh phiên dịch bán hộ mấy thứ mang từ Việt
Nam sang để lấy tiền giải quyết cái bụng đã. Trước tiên phải mua bao thuốc lá
hút cái đã cho bõ cơn thèm. Sau là mua cái bánh mì gối to như gối mây mà bố
tôi hay gối đầu, và mua thêm một kg đường. Mỗi thằng ăn hết cả nửa cái bánh
mì chấm với đường trong tích tắc. Thế mới gọi là no chứ. Quả thật khoảng mươi
ngày sau thì câu chuyện đói dần dần không xuất hiện nữa. Cũng chẳng thấy ai đi
mua bánh mì chấm với đường nữa, lúc này có tí tiền mọi người nghĩ đến việc
mua chai rượu, con gà về nhâm nhi vói nhau rồi, thiên đường dần hiện ra rồi
đấy. Sau này tôi mới hiểu ở nhà ăn toàn rau với cơm độn phải ăn thật nhiều mới
đầy cái bụng, nay ăn đủ chất nhưng lượng ít, rỗng ruột mấy ngày đầu nên thấy
đói vậy thôi. Sau này đủ chất rồi mọi người đã có da, có thịt, cái đói chạy đi đâu
mất. Có lẽ cái cảm giác đầu tiên khi đặt chân tới thiên đường nó đẹp mộng mơ
như vậy đấy. Với tôi mãi mãi không bao giờ quên được.
Chương III
Làm việc và kiếm tiền: một hành trình có cả mồ hôi; nước mắt và cả máu nữa
Những tháng ngày làm việc và kiếm tiền - một hành trình ngấm cả mồ hôi và
nước mắt. Sau 3 tháng học tiếng Nga (với mức học bổng chỉ 70 rúp), chúng tôi
cũng đã kết thúc thời gian vô tư, thoải mái, và vỗ béo bản thân. Ngày đi làm đầu
tiên trong nhà máy đã bắt đầu. Mấy trăm con người chúng tôi được phân về làm
việc ở các nhà máy khác nhau, trong cụm công nghiệp sản xuất bê tông tấm lớn
phục vụ việc lắp ghép các tòa nhà 3 đến 5 tầng cho tổng cục lúa gạo Astrakhan.
Mặc dù đã làm trong ngành xây dựng, nhưng tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng trước
hệ thống máy móc, thiết bị, và công nghệ xây dựng của Liên Xô thời đó. Một
dây chuyền khép kín hoàn toàn - từ khâu sản xuất cốt thép, cung cấp vật liệu,
trộn và đổ bê tông, bảo dưỡng, thu xếp sản phẩm... đều do máy móc thực hiện,
con người chỉ ấn nút điện, điều khiển các động tác, việc sử dụng tay là vệ sinh
cuối ca (việc này khá mệt đấy), hoặc các việc máy không thể làm. Nhà máy sản
xuất 3 ca liên tục, vì vậy ngày nghỉ cũng quay vòng, được cái là mỗi tuần có tới
2 ngày nghỉ là hạnh phúc rồi. Kỷ luật lao động ở nhà máy rất nghiêm. Không có
chuyện chốn đi chơi hay trà lá tùm lum được đâu vì anh rời dây chuyền là các
khâu khác ứ lại, rất nguy hiểm. Mỗi ca chỉ có một giờ nghỉ cả nhà máy để ăn ca.
Tôi nhớ có lần đi ăn ca về nằm trên buồng trộn bê tông (nơi làm việc chính của
tôi) định nghỉ một lát, nhưng ngủ quên đi. Đến giờ người phụ trách đổ bê tông
không thấy cấp bê tông, họ gọi ầm loa nên, tôi hoảng hốt bật máy và băng
chuyền cấp vật liệu. Mải miết khi máy đầy, ngừng cấp, mà tôi quên ngắt băng
chuyền. Chao ơi! Sỏi ứ đầy băng chuyền tràn xuống nền nhà cả núi, vừa bịt cái
mõm chó chống bụi vùa hì hục xúc sỏi lên băng chuyền, mệt đứt cả hơi. Chả
khác gì sau này tôi làm việc tại nhà máy dệt sợi, nhìn mấy cô mải đi tán gẫu, lúc
về brac đầy các cuộn sợi, vừa gỡ vừa khóc, nhìn thương thương, tội tội thế nào
ấy. Hồi ấy chúng tôi chăm chỉ làm việc lắm, vì không làm thì lấy đâu ra tiền mà

11
mua hàng đóng thùng? Lúc đó làm gì có chợ búa, buôn bán gì đâu, sang mang
được ít hàng phải bán chui, bán lủi, hoặc bán cho tây ở nhà máy, an ninh Nga họ
vồ được thì đủ thứ phiền. Vì vậy chúng tôi chỉ mong tới ngày nhận lương để có
tiền dành dụm mua hàng gửi về quê hương cho gia đình. Lúc thì gửi thùng 10kg
qua bưu điện sau này mới tích trữ để đóng thùng. Còn nhớ cái ngày tôi về phép
nhìn mẹ mặc cái áo may bằng vải bọc vỏ thùng tôi gửi bưu điện về, buồn ứa
nước mắt, hỏi nhiều vải gửi về thế sao không may, mẹ nói để dành, mặc thế này
tốt chán rồi.
Rồi ngày tháng cứ vậy qua đi chúng tôi ôm nỗi nhớ quê vào giấc ngủ, còn khi
tỉnh dậy là cặm cụi làm việc, tan ca lấy thể thao, văn nghệ làm nguồn vui. Thi
thoảng có phim Ấn Độ hay thì rủ nhau tới thị trấn hoặc vào thành phố xem. Lúc
đó mọi người chỉ thích xem phim Ấn Độ thôi vì nó dễ hiểu. Tiếng biết ít nên
chúng tôi cũng chẳng thiết tha xem phim lắm. Mỗi tháng tôi cố gắng gọi điện
thoại về Việt Nam cho gia đình một lần. Thời đó muốn gọi điện phải ra bưu điện
đăng ký trước, rồi họ hẹn ngày mới quay lại để gọi. Có khi mất cả buổi chầu
chực mới có mấy phút nói chuyện với người nhà, mà khi vào ca bin thì mừng
mừng, tủi tủi, định nói gì lại quên hết cả. Lại nói về chuyện yêu đương, lúc ấy
toàn trai tơ là chính. Tuổi đời 23, 24 đang tuổi ăn, tuổi lớn, được vỗ béo lâu nay,
ai mà chả thích có bạn gái. Ở trong thành phố cách chỗ chúng tôi 30km có một
ốp nữ dệt len. Họ được ở thành phố, trên tòa nhà 9 tầng, trong bố trí kiểu căn hộ
chung cư (có 2 phòng ngủ và phòng bếp riêng biệt), có thang máy, nhưng xung
quanh vẫn có hàng rào, cổng bảo vệ nghiêm ngặt. Thời ấy nam, nữ đến chơi với
nhau có thoải mái như thời kỳ sau này đâu. Tối đến chơi ốp nữ, 10 giờ là phải ra
về rồi. Lạng quạng đội Cờ Đỏ bắt được thì mai bạn gái lại khổ vì kỷ luật. Nhiều
anh chơi cố qua giờ giới nghiêm không kịp ra phải trốn lên tầng hầm mái thu lu
ngắm chim bồ câu ngủ dày đặc trên đó, phải chờ đội Cờ Đỏ về rồi mới vội vàng
chạy xuống trèo hàng rào ra ngoài. Hàng năm đến ngày Tết Nguyên Đán, chúng
tôi được đổi ca cho mấy anh bạn Tây để nghỉ đêm giao thừa và ngày mồng Một
Tết. 8giờ tối là giờ giao thừa, các ốp nam - nữ tổ chức chung tại hội trường, giao
thừa chẳng nghe tiếng pháo, không có lời chúc tết của Chủ tịch nước, nhưng chỉ
sau lời phát biểu của đơn vị trưởng là tiếng khóc nức nở như dàn đồng ca cứ tự
nhiên vỡ òa ra. Thế mới thấy quê hương quan trọng nhường nào trong tâm thức
của những người con xa xứ. Rồi từng năm một cứ thế trôi qua ngày ngày đi làm.
Đến ngày nghỉ chúng tôi bắt đầu chuẩn bị đi gom hàng cho kỳ đóng thùng sắp
tới. Chúng tôi mua đủ thứ, thượng vàng, hạ cám, từ xoong, nồi, bát, đĩa, môi
thìa...đến nồi áp suất, bàn la, máy khâu, vải vóc, thuốc men, nhưng có lẽ quan
trọng và nhất định phải có là một hay hai cái tủ lạnh, cái xe máy. Đó là cái gốc
của thùng hàng. Mỗi người có một xuất thùng (thùng 4; 5; 6) tùy mỗi người
đăng ký. Những ngày đóng hàng vui như ngày hội ấy. Có lẽ đã đi Nga, đã đóng
thùng, thì chẳng ai quên được ký ức ấy (nhất là các bạn gái). Việc đóng thùng
rồi cũng kết thúc, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm chờ đợi ngày trở về. Lúc này
đây tôi cảm thấy tâm trạng thật khó tả, bao nhiêu ký ức ùa về, buồn, vui, muốn
về quê, nhưng cũng muốn ở lại. Sự khát khao ngày trở về và sự giằng níu của
nước Nga xinh đẹp đan xen lẫn lộn... Chào nước Nga - Xô Viết nhé. Nếu còn
duyên sẽ gặp lại.
Chương IV
Phần 1 - Thành phố Kypck- nước Nga duyên gặp lại
Nơi đây đã làm thay đổi vận mệnh cuộc đời tôi. Kypck là thành phố lịch sử của
nước Nga trong đại chiến thế giới 2. Thành phố nằm trải dài trên sườn đồi, nhỏ
nhưng xinh đẹp. Tôi là đội trưởng dẫn đoàn 50 con trai của Bộ Công nghiệp nhẹ
sang làm việc tại nhà máy sợi hóa Kypck. Có lẽ đây là đoàn duy nhất làm công
nhân dệt sợi là con trai tại nhà máy này. Không biết có phải vì thế mà các cô gái
quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn không? Đoàn chúng tôi được ở tại ốp 2 tầng
riêng biệt, ẩn mình trong rừng cây xen kẽ với các ngôi nhà tập thể của người
Nga, thực tình lúc đầu tôi hơi chạnh lòng vì nó cũ và đỏ quạch chẳng khác gì cái
lò gạch cả. Nỗi buồn man mát ấy cũng qua đi nhanh vì một đống việc cùng nhà
máy lo xắp xếp cho anh em. Thời kỳ 87 ở Liên Xô đã có nhiều biến động rồi vì
vậy chuyện làm ăn của chúng tôi cũng dễ dàng hơn lúc còn ở Astrakhan. Kỷ luật

13
lao động trong nhà máy vẫn vậy thôi, nhưng mọi người có thể đi chợ bán đồ dễ
dàng hơn. Các chú gà Việt ốp tôi chỉ ngáo ngơ ngày đầu, sang ngày thứ hai đã
dám bán hàng cho tây quanh ốp rồi, mặc dù chả biết tí tiếng gì cả, cứ múa may
một lúc mà cũng bán được hàng. Tranh thủ thời gian học tiếng, họ bán đồ mang
từ Việt Nam sang. Có tiền rồi nhưng anh em ăn tiết kiệm lắm, chỉ cá hộp, trứng
gà, bắp cải, cá chép kho...vì những thứ đó rẻ lắm. Ai cũng muốn có tí tiền thì
mua Ngay đồ gửi bưu điện về cho bố mẹ, vợ con. Ở nhà lúc này trứng còn chả
được ăn thoải mái, cái gì cũng thiếu. Công cuộc mưu sinh đã bắt đầu. Các anh
con trai thì năng động hơn, họ mầy mò đi kiếm hàng bằng đủ cách mang ra chợ
bán, còn nữ thì chỉ có một số thôi, đa phần còn lại cần mẫn làm việc trong nhà
máy mong từng tháng lương chắt chiu để cố có thùng hàng gửi về. Mà càng
những năm sau này hàng hóa bên Nga càng hiếm, càng khó mua. Các vùng
ngoại ô, các huyện của thành phố hầu như chả nơi nào thiếu mặt người Việt
Nam cả. Có bao nhiêu hàng có thể mua được và đóng thùng chuyển về Việt
Nam được là chúng tôi mua hết. Nhiều lúc tôi thắc mắc rằng nếu cứ tiếp tục hết
hàng thế này thì người Nga lấy gì mà mua nhỉ? Nước Nga vĩ đại của tôi đâu rồi?
Khi đi làm và buôn bán, có tiền rồi, hàng hóa khan hiếm, làm sao để chuyển
được tiền về nước đây? Rồi những người Việt thông minh cũng biết quy ra
vàng. Ở Nga khi đó chỉ dùng chủ yếu vàng tây, thế là các nhà kim hoàn Việt
sang lao động có Ngay công việc mới, họ phân kim để lấy vàng nguyên chất, rồi
chế thành nhẫn, vòng, thậm chí còn đúc cả vàng thành hình miếng gang trong
bàn là để thay thế cho miếng gang thật của bàn là, rồi đóng cả trăm cái bàn là
như vậy về nước. Mạo hiểm quá, nhưng đó là con đường cuối cùng rồi. Vì thế
mới hiểu tại sao các quầy hàng vàng có thời gian lúc nào cũng sạch bách nhẫn.
Về sau họ phải quy định mỗi người một lần chỉ được mua môt đôi nhẫn, vợ
chồng Nga cưới nhau cũng chỉ được mua vậy thôi. Chúng tôi thì ranh hơn, mua
một vòng lại lộn xuống dưới xếp hàng mua tiếp mà đố tây nào phát hiện ra vì ai
chả giống ai. Dịch vụ chuyển tiền đô la về nước lúc đó chưa phát triển và mọi
người cũng chưa quen, nên chuyển vàng vẫn là cách an toàn nhất, đặc biệt là con
gái ai chả muốn có cái nhẫn, cái vòng vàng đeo vào tay, của đi theo người mà.
Thủ đô chế tác vàng bấy giờ là thành phố Arion - nơi biến vàng tây thành vàng
ta. Và các bạn biết không: Ngoài nguồn nhẫn còn một nguồn quan trọng (nguồn
này mới nhiều) nó khủng hơn ta tưởng - xin phép không tiện nói ra. Giống như
chuyện khò tiếp điểm lấy bạch kim, bỏ đồng vậy. Cái chữ các chú cứ phá hình
như đã ứng nghiệm vào liên bang Xô Viết. Cuối những năm 80, Liên Xô đã rệu
rã, để đầu thập niên 90 thì tan rã hoàn toàn, chúng tôi ngỡ ngàng, hoang mang
vô cùng, không biết rồi mọi việc sẽ đi về đâu? Nhất là đảng viên như tôi. Phải
nói rằng người Việt rất nhạy bén, thời kỳ này lại là thời gian mà những người
làm ăn phất lên như diều gặp gió, buôn bán thành hội, thành phường. Họ có đầy
đủ nơi bán hàng, nơi chứa hàng, bán buôn, bán lẻ chả khác gì chợ Đồng Xuân.
Cám ơn Liên Xô và nay là nước Nga đã cho anh em Việt cơ hội bung ra làm
giầu cho gia đình, đất nước Việt. Họ đã có cả nhà máy, siêu thị, trung tâm
thương mại tại Nga, để nay anh em người Việt còn chỗ làm ăn, sinh sống tại
Nga. Và thật tự hào có những Nhật Vượng đang từng ngày làm giầu cho đất
nước.
Chương IV
Phần 2 - Kypck tình yêu và nỗi nhớ
Ở Phần 1 của chương 4, Tôi đã mô tả chi tiết về hành trình đi kiếm tiền đầy gian
khổ, nhọc nhằn thấm đậm mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa các bạn tôi ở Kypck
cũng như ở Liên Xô nói chung thời bấy giờ. Hy vọng các con cháu chúng ta sau
này được hưởng một chút thành quả ấy, chúng đừng bao giờ quên con đường
làm ăn kiếm tiền của bố mẹ, ông bà chúng đã phải trả bằng máu (thậm trí cả tính
mạng mình) bởi bọn Hôligân Nga đầy máu lạnh. Chúng cướp tiền hàng, còn giết
người vứt vào rừng thông băng tuyết, cấp đông 5-6 tháng đến khi băng tan mới
phát hiện ra. Chúng lao vào tận nhà giết hại những người bạn của tôi (Mà anh ta
chỉ là người hàng ngày đi đẩy xe cơm bán rong lấy tiền nuôi mấy đứa con Nga
gốc Việt và bà vợ người Nga chứ có làm nên tội tình gì đâu). Còn chuyện bị
cướp hàng trên tàu rồi nó đánh cho xứt đầu mẻ trán thì xảy ra thường xuyên.

15
Vừa mất cả vốn liếng lẫn lãi, lại còn băng bó máu me. Tức phát khóc lên nhưng
chẳng sợ, mấy ngày sau họ lại đi lấy hàng trên Maxcơva. Không đi thì lấy gì mà
ăn! Một số nhà bán buôn (Đôm 5) và một số Ốp khác ở Maxcơva, thì cứ thỉnh
thoảng nó lại tập kích và nhanh chóng cướp đi nhưng (Rip Nomat) chứa đầy tiền
Dolla. Công sức một thời gian dài đi tong như bọt bể gặp sóng cuộn. Thế là lại
làm lại từ đầu … Bao nhiêu là cơ cực một thời, kể ra cả buổi không hết. Mỗi
chúng ta tự hồi tưởng nhớ lại chuyện của mình một thời vàng son oanh liệt trên
hành chình đi kiếm tiền mưu sinh đầy gian khó lúc bấy giờ. Tôi giải thích thêm
để anh Đông Nguyễn hiểu trong chia sẻ của anh rằng: Vàng Tây Nga rất đẹp,
nhưng ở Việt Nam lúc đó chỉ giao dịch từ nhà cửa, đất đai xe máy bằng vàng ta
thôi. Chẳng nhẽ mang cả vốc Nhẫn về à. Họ chấp nhận phí phân kim nhưng
chắc chắn và an toàn. Hơn nữa như tôi đã chia sẻ các đại gia còn đúc vàng trong
bàn là cơ mà. Vàng từ nguồn bí mật còn nhiều gấp trăm lần vàng từ nhẫn tây.
Tôi không buôn bán gì, nhưng biết tiếng và đã từng đi áp tải hàng một số lần tôi
hiểu cái chợ Đồng Xuân thu nhỏ tại Đôm Năm, cơ man nào là hàng hóa, thượng
vàng hạ cám không thiếu thứ gì cả thậm chí cả quán nước bao thuốc, mớ rau,
cân thịt…Họ ăn ngủ ngay trên các bao tải hàng vải, quần áo, gối đầu trên các
cặp tiền Dolla.
Những kỉ niệm đấy ai mà quên được vì nó trong sáng và đẹp như một bức tranh.
Chuyện của chúng tôi là như vậy đấy. Thời kì này các Op không có rào chắn
xung quanh riêng biệt nữa, mà ở xen kẽ với người Nga. Việc đế thăm nhau
không khó khăn như thời kì tôi còn ở Astrakhan. Cậu chuyện tình cảm (Kể cả
tình cảm nam nữ) cũng thoải mái và dễ chịu hơn rồi. Với tôi công việc hàng
ngày phải giải quyết đủ thứ chuyện, nào là đơn đổi ca, đơn xin nghỉ, xin cấp visa
đi các thành phố, rồi chuyện giải quyết kỷ luật lao động với các trưởng ca, giải
thích thắc mắc tiền lương mỗi lần cuối tháng… Chuyện dẫn công nhân đi “San
chát”, khám bệnh mới phức tạp và rắc rối. Cũng lạ, ai đi khám bác sĩ cũng phải
bắt cặp nhiệt độ cái đã. Nếu trên 37OC là cầm chắc vài ngày nghỉ ốm trở lên, còn
nhiệt độ bình thường thì khó mới được nghỉ. Nhiều lần tôi thấy các cô gái mệt
mướt ra mà không được nghỉ vì nhiệt độ dưới 37OC. Họ vừa mếu máo quay về
xưởng làm việc nhìn thật tội. Chuyện yêu đương của tôi cũng gian nan và lận
đận lắm. Mãi đến trước khi về nước ba tháng mới gặp được bà xã nhà tôi bây
giờ. Về Việt Nam là cưới luôn. Có lẽ dù sao tôi cũng phải cảm ơn Kypck đã cho
tôi một gia đình gần 30 năm nay yên ổn, và những đứa con trai sáng láng thông
minh. Nếu tôi không quay trở lại nước Nga thì có lẽ gia đình của tôi hiện nay sẽ
là một gia đình khác rồi (vợ khác, con khác). Đúng là duyên phận chỉ có ông trời
mới hiểu được. Chương này tôi chỉ muốn gợi mở những kí ức mà ai soi vào đó
cũng có thể thấy một phần của mình.
Chương 5
Chạy loạn – những chuyến bay lịch sử trên hành trình trở về
Thôi có lẽ tạm gác lại cái chuyện làm ăn bi hùng ngày ấy, chúng ta hãy nói về
những điều tốt đẹp hơn, về tình người trong vô tận sâu thẳm tâm hồn của những
người con xa xứ, thành phố Kypck có tới 4,5 ÔP nữ ở cả sợi hóa và dệt kim, nữ
có tới cả ngàn người. Hàng ngày đa số họ cần mẫn đi làm trong nhà máy, một số
ít rảnh rỗi thì đi chợ buôn bán lặt vặt kiếm đồng ra đồng vào. Tối về túm 5 chụm
3 tán gẫu, buồn thối ruột gan. Thỉnh thoảng ở ỐP 6 anh Trượng có thuê một số
băng cải lương ở Maxcơva, mở xem tại hội trường tầng 1, con gái kéo đến xem
đông kín cả phòng, ai cũng một cái khăn mùi xoa ướt đẫm nước mắt. Họ đói văn
hóa Việt đến như vậy đấy. Kypck thì nhiều con gái ít con trai. Ngoài trường năm
ÔP giầy da, ắc quy mỗi nơi có mấy chục người con trai, mà cũng sắp hết hạn về
nước rồi, chỉ có chúng tôi 50 ông già (Như các bạn nữ thường gọi yêu vậy) là
còn thời gian dài ở lại lâu hơn. Có những thành phố chỉ có con trai, cứ ngày nghỉ
là họ kéo tới khu Kypck tìm bạn, tìm đồng hương. Rồi cứ thế cả loạt mối tình nở
hoa kết trái. Các cô gái hàng ngày vẫn phải đi làm ca, hết giờ về lo cơm nước
tiếp bạn, cũng tất bật đấy, nhưng chắc ai cũng thấy vui vì có chỗ để hàn huyên
tâm sự, dạo chơi lúc rảnh rỗi. Chỉ cần nhìn các cô gái ngày nghỉ đứng thẫn thờ
nhìn ra cửa sổ mắt bâng khuâng nhìn về xa xăm là đủ thấy các cô ngóng bạn tới
chừng nào. Còn chúng tôi thì ở gần lắm, chỉ đi bộ một loáng là tới các bạn nữ.

17
Các cụ xưa nói “Nhất cự ly nhì cường độ” mà chúng tôi lại có cả hai, thật là
thiên thời địa lợi, nhân hòa. Chúng tôi được ông trời ban phước lành, ở nơi xa
quê, nỗi buồn nhớ quê luôn canh cánh bên lòng thế này mà hàng ngày được tiếp
xúc trò chuyện với các cô gái bất cứ lúc nào thì quả là một hạnh phúc. Chúng tôi
đến với nhau đâu phải tình yêu đôi lứa, mà đến với nhau bằng tình cảm anh em
chân tình làm cùng một xưởng, một nhà máy. Hàng ngày làm việc cùng nhau,
giúp nhau thu “B rắc” những lúc bã bựa, ngồi tán gẫu cùng nhau giờ ăn ca, cười
nói rôm rả cùng nhau mỗi khi tan ca rời nhà máy, hoặc mua đồ đóng hàng giúp
nhau (vì con trai chúng tôi thường hay đi các huyện xa tăm hàng)
Chương 4 - Tôi đã nhắc khá chi tiết và chỉ giành riêng cho Kypck. Mỗi sự kiện
đều mang dấu ấn mà bất kỳ ai cũng có thể hình dung ra những năm tháng sống
làm việc – bươn trải kiếm tiền – và gắn kết trong quan hệ tình cảm giữa con
người, cộng đồng trong những năm tháng quê hương. Còn rất nhiều câu chuyện
cảm động khác, cả chuyện riêng tư của từng người cụ thể, nếu viết hết thì có lẽ
một cuốn tiểu thuyết cũng không chứa hết được. Các bạn có thể chia sẻ bằng
những bài viết riêng biệt để bổ sung cho trang Kypck thêm sống động và phong
phú. Vì đó là ngôi nhà chung để chúng ta hoài niệm về quá khứ, tâm sự về hiện
tại và hướng tới tương lai hạnh phúc buổi xế chiều … Như chuyện anh bạn tức
khí (khi chống lại thanh niên Nga trêu chọc bạn gái mình) đã rút dao đâm chết
người Tây ngay tại đó, để tất các Ốp chúng tôi bị phong tỏa còn nghiêm ngặt
hơn phong tỏa Covit bây giờ. Công an gác vòng trong, vòng ngoài. Chúng tôi là
con trai còn đỡ sợ nhưng các bạn nữ được một phen hú vía, cả tuần ăn không
ngồi rồi, chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong Ốp của mình. Hay chuyện đấu tranh
đòi quyền lợi cho anh em công nhân nổi tiếng nước Nga lúc bấy giờ. Đại sứ
quán phải về giải quyết và cái đúng đã được bảo vệ. Cuộc sống làm ăn, lao động
các Ôp trở lại bình yên, những năm tháng cuối cùng trước khi rời nước Nga (Xô
Viết). Những chuyện như vậy có đượm chút buồn, nhưng quan trọng là sự gắn
kết tình cảm cảm động mãi cho đến bây giờ và mọi người mãi yêu thương nhau,
hòa thuận các sự cố động trời ấy.
Và những chuyện tìm hiểu công dụng và giá trị của những tấm “Niken” đã một
thời là niềm vui và đam mê của không biết bao người Việt. Rồi nhưng đám cưới
của đôi bạn trẻ nào đấy chứa đầy cảm xúc, hôm trước giết lợn mấy chục mâm
tiết canh lòng lợn “cả Tây cũng thử ăn tiết canh mới thú vị chứ” và cả đoàn xúm
vào nấu nướng chuẩn bị hội trường cho hôm sau tiệc cưới diễn ra hoành tráng,
vui vẻ, đầm ấm. Thời kì ấy tôi chẳng buôn bán gì, vì buôn là mất cả vốn lấn lãi,
như câu chuyện một xe tải rượu giả mua chung với anh bạn trong Ốp, tưởng
trúng quả lớn, ai ngờ đó là một ô tô các chai nước máy đóng nắp như thật. Hết
vốn tôi chừa và thề không bao giờ đi buôn nữa. Suốt ngày đàn ca sáo nhị với
mới anh bạn Nga và bộ đàn trống đi phục vụ đám cưới, say xưa nghiệp hát tới
mê mẩn, suýt nữa ra về Việt Nam tay trắng “không trâu nghé” … Chờ hút điếu
thuốc. Còn cả ngàn câu chuyện khác không viết ra, các bạn tiếp bút nhé. Ngày
trở về rồi cũng phải đến, từng đoàn từng đoàn thay phiên tạm biệt nhau (Ai đi
trước về trước, ai đi sau về sau, bộ đội về sau lốt) Câu chuyện chia ly kể ở người
về lưu luyến chân tình, những cái vẫy tay, những giọt nước mắt quyệt ngang tạm
biệt nước Nga thân yêu, một thời để nhớ, để hôm nay sau ba bốn chục năm, các
bố mẹ các ông bà chúng ta ngồi hoài niệm với con cháu mong tìm lại những nụ
cười trên khóe mắt điểm nhăn. Chuyện trở về của những đoàn vào năm 1992
thật là những chuyến bay lịch sử nếu gọi đó là cuộc di tản cũng chẳng quá chút
nào.
Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga như một thùng thuốc súng, mọi người bàng
hoàng, ngơ ngác như đàn gà lạc mẹ, mỗi người Nga mang trong mình một suy
tư khác nhau, nhất là những người cộng sản Nga, họ gần như mất phương hướng
hoàn toàn. Là một đảng viên nhìn những tấm thẻ đảng chất như núi ở quảng
trường Đỏ do các đảng viên cộng sản Nga ném đi, nhìn những bức tượng là một
thời là biểu tượng của Liên Xô, nay cẩu hạ xuống nằm chỏng chơ, tôi không chỉ
cảm thấy xót xa thôi mà còn buồn tủi và chỉ nghĩ rằng mọi chuyện như đùa như
mơ. Lúc bấy giờ các chi bộ Việt Nam ở Nga được thông báo rút vào hoạt động
bí mật, họp cũng chỉ nói không có biên bản, không ghi nghị quyết lưu lại làm gì.

19
Xót xa quá cho một thời kỳ vĩ đại của đất nước Liên Xô bao la chiếm diện tích
1/6 địa cầu chỉ là còn một bảng tráng ca rồi mai sau sẽ ra sao đây. Tôi nên về
hay ở lại tiếp… Lúc đó tất cả các nhà máy xí nghiệp, người Việt Nam hết hạn
lao động (kể cả chưa hết hạn) đăng kí về nước rất đông, rất gấp, nước Nga giờ
chỉ là nước Nga không thuộc Liên Xô nữa vì vậy sân bay xe Xe-re-me-te-vo-2
gần như ngày nào cũng đặc kín người Việt trên hành trình trở về quê hương.
Mỗi chuyến bay như một hành trình lịch sử, được ngồi trên máy bay là cảm thấy
như quê hương đang hiện hữu trước mắt rồi, cảm giác mãn nguyện ấy khiến tôi
nhớ tới mỗi lần đầm đìa mồ hôi lách qua dòng người vây kín lỗ chỗ bán vé ô tô
Hà Nội - Thái Bình, trên tay cầm được tấm vé sau cả buổi trầu trực xếp hàng từ
sớm, của thời kì những năm 80 thế kỉ trước. Một cảm giác khó tả lắm, nhưng
mừng và thấy mình oai lắm vì đã làm một việc lớn trong ngày. Lúc ấy là đội
trưởng, tôi thường bị nhà máy điều đi dẫn đoàn về nước nhiều lần (vì tôi là nam
lại không say xe).
Từng đoàn xe của các thành phố đến cửa nhà ga, sân bay và từng đoàn người ùa
xuống, lấy hàng và vội vã đi theo các phụ trách người Nga, người Việt hướng
dẫn vào nhà chờ sân bay. Đoàn nào cũng muốn đứng chỗ ngon để được vào
phòng kiểm tra hàng hóa trước. Ai cũng một xe đẩy lặc lè đồ, gương mặt người
nào người ấy bã bựa vì vừa ở xe xuống sau mấy trăm cây trên đường bộ, thêm
vào đó là tâm trạng chờ đợi hồi hộp cho việc kiểm tra hàng hóa. Các vali, thùng
hàng được xếp đồ đầy căng, không còn nhìn thấy góc cạnh nữa, cái nào cũng
được dán giấy ghi thông tin cá nhân ba mặt, ngoài ra còn được chằng bọc cẩn
thận bằng dây sợi, dây dù đan ô vuông bọc quanh kiểu như túi đựng thị ngày
xưa. Họ cố nhét cho đầy để làm sao ít vali nhất, về nhà đỡ thất lạc. Tôi quan sát
rất nhiều cô gái tay còn đeo mấy cái nhẫn cái vòng bằng vàng ta Arion. Vì là
những chuyến bay trở về tạm biệt nước Nga nên có tiền, cái gì tha được về thì
họ tha về hết có tiền cước là gửi được hàng. Rồi cửa khu chờ kiểm hàng cũng
đến giờ mở cửa. Ai có vé thì được vào, người tiễn là ở ngoài. Các cô gái bắt đầu
lo lắng vì lúc này chỉ có một mình thôi, không có người thân bên cạnh giúp đỡ
nữa rồi, ánh mắt cô nào cũng như vô cảm nhìn về xa xăm, chắc họ chỉ nghĩ đến
việc bao giờ vali của mình được gắn thẻ và đặt trên băng chuyền thì lúc đó có lẽ
mới gọi là thoát nạn. Mấy viên cảnh sát sân bay mắt nhìn lạnh như ánh thép, tay
lăm lăm dùi cui.
Người thân đứng ngoài hàng rào ngăn cách thì người nào cũng muốn mình gần
hàng rào nhất để chỉ đạo các cô gái lúc kiểm hàng, vì thế có lúc tạo nên cảnh
chen lấn xô đẩy, và cảnh sát ra tay, những chiếc dùi cui vung lên và vụt xuống
tới tấp xuống đám đông hỗn độn. Tôi cùng các cán bộ phiên dịch khác và phụ
trách người Nga được phép vào phòng chờ kiểm hàng để làm nhiệm vụ giải
quyết các sự việc xảy ra của đoàn mình. Vì vậy tôi cũng có thể hướng dẫn, giúp
được một số việc lặt vặt mà các cô gặp phải. Khổ nhất là vali, thùng hàng nào
soi xong bị yêu cầu tháo ra kiểm tra. Chao ôi, lúc đóng đồ vào buộc thắt gọi
gàng sao mà đẹp thế, khi tháo ra (Có cô cuống lên cắt đứt cả túm lưới), thùng
kiểm tra xong lúc xếp lại vừa nhồi vừa nhét cũng không hết hàng, không đóng
được khóa vali, cô nào cắt túi lưới thì lúc buộc còn khổ hơn nhiều không nhanh
người ta kiểm người khác thì mình bị hất ra ngoài buộc xong lại chờ… Nhìn các
cô gái đơn phương độc mã, vội vội vàng vàng lo hàng hóa tôi chạnh lòng và
buồn lắm. Khi gần hết giờ kiểm hàng, bạn nào vào trong rồi thì hớn hở, cười
rạng rỡ giơ tay vẫy chào người ở lại. Có lẽ lúc này họ chưa có tâm trạng nghĩ về
việc sắp được gặp người thân ở Việt Nam mà chỉ vui mừng hãnh diện vì đã
được kiểm hàng và vào trong, có nghĩa là đã cầm chắc một chỗ trong hành trình
trở về. Hàng dài những người còn đang đợi kiểm hàng thì bồn chồn lo lắng ra
mặt. Nhất là cuối giờ họ mở thêm quầy kiểm tra, các cô gái nhao sang quầy mới
cùng một lúc, người, hàng hóa chen chúc hỗn loạn, có người chậm chân đứng
sau hàng mới thấy mình còn cả sau những hàng cũ định quay lại thì chỗ của
mình bị người khác đẩy lên rồi lại phải xuống cuối hàng. Tưởng nhanh hóa ra
chậm. Càng về cuối giờ cái dòng người thân đưa tiễn ở ngoài càng sốt ruột, càng
hỗn độn rồi họ tìm cách lọt vào trong một người vào được rồi đến hai người, ba
người khi ào vào đông, cảnh sát đuổi ra người xô, người đẩy, chỗ khác lại chạy

21
vào, thế là rùi cui lại tới tấp vung lên… Cảnh sát họ giờ cũng chỉ đi làm kiếm
tiền, nhưng có lẽ chỉ còn là nhiệm vụ, ngày công và lương tháng thôi, làm gì còn
như các bà mẹ Nga lúc mới sang lúc nào cũng tươi cười tay vẫy miệng nói “
Việt Nam REPOU” và bập bẹ tiếng Việt : “Việt Nam! Xin Chào!”, miệng cười
phúc hậu …
Rồi cuối cùng chuyến bay cũng hoàn thành, mọi người lên máy bay người ở lại
thì chậm chạp ra về không ồn ã vội vàng như lúc đến. Kết thúc một ngày căng
thẳng bằng một sự yên lặng là thường của nhà ga sân bay. Để rồi ngày mai, ngày
kia lại có một chuyến bay như thế… Chỉ đến khi có chuyến bay chở hàng từ
Việt Nam sang (do người Việt Nam ở Nga thuê hay mua gì đó phục vụ việc vận
chuyển buôn bán hàng hóa của họ), yêu cầu sứ quán cho phép được chở người
Việt Nam về nước chiều ngược lại thì lúc đó tình hình sân bay có thêm chuyến
mới được dịu xuống. Chúng ta ra đi vì đất nước còn khó khăn, chúng ta đói
nghèo đến làm việc nơi xứ người, khi tạm đủ trở về còn khó khăn vất vả hơn lúc
đi. Tôi kể chi tiết hành trình này để các bạn về nước năm 1992 hồi tưởng một
thời để nhớ. Ai có câu chuyện nào trên chuyến bay đó hãy chia sẻ trên nhóm
nhé.
Chương cuối:
Lời mở đầu cũng để cho lời kết của cuốn hồi ký nước Nga trong tôi
Các bạn biết không tôi và người yêu tôi (Bà xã bây giờ) cũng về trên chuyến bay
của người Việt Nam điều hành thời ấy (Vào cuối tháng 10 năm 1992). Các anh
các bạn đội trưởng phiên dịch lúc ấy lên tận sân bay tiễn chúng tôi, có người cứ
khuyên tôi ở lại, thậm trí còn bảo để cho người yêu cân hàng vào trước rồi mình
vẫy tay chào và nói rằng “Anh ở lại nhé”. Thoáng trong suy nghĩ tôi thấy không
ổn phải về thôi, không biết mẹ mình ở nhà tình hình ra sao rồi. Vả lại tôi chẳng
buôn bán gì, sống thế nào khi ở lại, lo ăn hai bữa thì không khó, còn làm kinh tế
bằng việc đi buôn bán ở Nga thì tôi chịu. Và có lẽ sau một phút các ý nghĩ “Ở-
VỀ” đan xen, thì tôi đã quyết định trở về Việt Nam đến nay tôi có thể khẳng
định đó là một quyết định đúng đắn. Lúc ấy nếu tặc lưỡi ở lại thì giờ cuộc đời tôi
không biết đặt chỗ nào? Tôi về trên chuyến bay đó, đến Nội Bài được thông báo
mẹ đã mất gần một tháng rồi. Đau khổ ân hận vì trước đó một tháng tôi đã quyết
định về nhưng không lấy nổi vé sách vali lên sân bay chờ bà phụ trách liên hệ
xem có ai bỏ vé không, nhưng vô vọng. Có lẽ đó là định mệnh, Astrakhan về thì
bố mất được mấy tháng, ở Kypck về thì mẹ mất mới đầy tháng. Bà thầy bói nói
với tôi từ năm 1980 tôi là trưởng nhưng bố mẹ mất không gặp được đâu. Tôi đã
kể chuyện này với bố mẹ và mọi người từ những lúc ấy, nhưng không ai tin lắm.
Đúng là cái số nên tôi phải đi Nga hai lần. Và cũng vì cái số tôi quyết định về
đúng thời điểm, vậy nên cuộc đời như đã lật sang trang khác. Hôm nay có thể
ngồi đây an nhàn suy tư và hồi tưởng lại nước Nga một thời cũng âu là cái số
trời định. Và bắt tôi phải về nước trong chuyến bay ấy mới đúng mệnh trời.
(Nếu ai đã xem bài Chỗ Đời của tôi trên Facebook thì có thể hình dung ra điều
này). Câu chuyện hồi ức nước Nga thời kì 1981-1992 cũng đã đến hồi kết. Khép
lại 5 chương của hồi kí. Tôi chỉ muốn kết đôi điều từ tâm khảm mình sau hơn 11
năm sống bên Nga rằng:
1. Mỗi chúng ta thời ấy nay đã là bố mẹ ông bà của đàn con cháu khỏe mạnh,
thành đạt, chúng sống khắp thế giới này (người trong nước, đứa nước ngoài …)
Các bố mẹ, ông bà hãy sống thật tươi vui, hạnh phúc khi quỹ thời gian của mỗi
chúng ta còn không nhiều. Đó là quyền mà tuổi già chúng ta được hưởng.
2. Lời nhắn tới các con, các cháu của chúng ta là : Dù đã hoặc đang đi học,
hay đi làm, ở trong nước hay nước ngoài, ông mong các cháy hãy nhớ :
* Hôm nay ta nhấn một nút chuột là có thể ôm cả thế giới vào lòng mình,
không còn cái cảnh thèm xem một vở cải lương để được khóc đẫm hội trường,
trên những cuốn băng thu lại vừa mờ vừa xèn xẹt mà vẫn thấy mê mẩn cả người
của thế hệ ông bà của các con, các cháu.
* Hôm nay chỉ cần mấy động tác trên điện thoại ở cách xa cả vạn cây số các
con các cháu có thể chuyển ngay tiền qua tài khoản về cho ông bà bố mẹ mình.
Họ có tiền rồi không cần đi rút, muốn mua gì cũng có tại Việt Nam, mà thanh
toán chỉ cần chìa thẻ ra mà hàng về tới tận nhà mình cũng không cần phải mang

23
vác. Nhưng đừng bao giờ quên khi xưa ông bà, bố mẹ các cháu phải tha lôi từ
cái thìa, cái muôi, cái dĩa, cái bát, cái xoong cái nồi…đóng thùng hoặc xách tay
vượt cả mất ngàn cây số mới về tới Việt Nam.
* Hôm nay nhấn nút gọi, ở Nga hay Mỹ các cháu có thể nói chuyện hàng giờ
với bố mẹ, ông bà, mặt đối mặt nhau, nhìn thấy cả tâm trạng của nhau trên điện
thoại, trong khi đó cách đây 40 - 50 năm bố mẹ, ông bà các cháu phải đăng ký
và chờ đợi gọi điện 1, 2 ngày mới nói được với nhau mươi phút. Ước mơ lúc
đấy chỉ mong có cái điện thoại bàn để ở đầu tầng thôi cũng đã là xa xỉ lắm rồi.
Hãy tôn trọng quá khứ của ông bà bố mẹ và tạo mọi điều kiện tốt nhất của ông
bà bố, mẹ mình được vui vẻ, gặp gỡ bạn bè…Có lẽ đó nguồn hạnh phúc lớn nhất
của các ông các bà ở cái tuổi đang đi qua sườn dốc bên kia của cuộc đời. Câu
chuyện kết thúc, chúc các bố mẹ, các ông bà luôn vui trẻ hạnh phúc, xum vầy
bên đàn con cháu.
Tái bút: Các bạn nên đọc thêm ở cuối truyện bài viết “Chỗ Đời’ tôi đã đăng trên
Facebook (Xin gửi tặng nhóm cuối cuốn hồi kí này) Xin cám ơn tất cả đã đọc
hồi ký của tôi. Đây là nguồn động viên và là niềm vui lớn nhất để tôi hoàn thành
đến dòng cuối.
Thành thật xin lỗi các bạn những chuyến bay lịch sử diễn ra vào khoảng thời
gian cuối năm 1991và đầu năm sau 1992, sau khi có máy bay tư nhân vào tháng
3 năm 1992 thì tình hình dịu đi. Đánh máy xong không kiểm tra lại. Thông cảm
cho mình nhé.

You might also like