You are on page 1of 5

Việt Nam đang ở trong thời kỳ biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu tuổi dân số

Nguồn : http://gopfp.gov.vn/c/journal_articles/view_article_content?
groupId=18&articleId=2322830&version=1.0
Việt Nam đang ở trong thời kỳ biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu tuổi dân số và đã bước vào giai đoạn
cơ cấu “dân số vàng” nhưng cũng đồng thời bước vào giai đoạn “già hoá dân số” nên các chiến
lược và chính sách nhằm tận dụng và hiện thực các cơ hội trong giai đoạn “dân số vàng” cho
tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng. Nghiên cứu “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến
tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách” do Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và
Đầu tư) thực hiện năm 2015 với mục tiêu: (1) Phân tích giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” về mặt
kinh tế bằng việc áp dụng phương pháp “Tài khoản chuyển nhượng quốc gia” (NTA); (2) Đánh
giá tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số tới tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng
kinh tế ở cấp tỉnh và cấp ngành, cũng như tới năng suất lao động ngành; (3) Đánh giá tác động
của dịch chuyển lao động trong các ngành và giữa các ngành tới năng suất lao động các ngành và
toàn bộ nền kinh tế; và (4) Trên cơ sở các kết quả, đề xuất một số chính sách để tận dụng và hiện
thực hoá cơ hội trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong
thời gian tới.
Sử dụng phương pháp NTA với số liệu từ Điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) năm 2012 và
Bảng cân đối liên ngành (IO) năm 2012, nghiên cứu này ước lượng thu nhập từ lao động và tiêu
dùng của người Việt Nam và đánh giá tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số tới giai đoạn
“thặng dư” (khi thu nhập từ lao động lớn hơn tiêu dùng) và “thâm hụt” (khi thu nhập từ lao động
nhỏ hơn tiêu dùng) của toàn bộ nền kinh tế. Nghiên cứu cũng mô phỏng kịch bản thay đổi về
năng suất để kéo dài giai đoạn “dân số vàng” về mặt kinh tế trong giai đoạn 2014-2049. Tiếp đó,
sử dụng các mô hình định lượng, nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số
và lao động tới tăng trưởng kinh tế của toàn bộ nền kinh tế, của các tỉnh và các ngành, cũng như
tới năng suất lao động ngành. Cuối cùng, áp dụng phương pháp phân tích dịch chuyển tỷ trọng
(SSA), nghiên cứu đánh giá tác động của việc dịch chuyển lao động trong và giữa các ngành có
tác động như thế nào tới thay đổi năng suất ngành và toàn bộ nền kinh tế.
Kết quả
Thứ nhất, kết quả ước lượng từ phương pháp NTA cho thấy người Việt Nam tham gia lao động
khá sớm và bắt đầu có thu nhập từ lao động khi 14 tuổi. Theo vòng đời, thu nhập từ lao động sẽ
tăng nhanh từ 14 dến 31 tuổi; sau đó bắt đầu giảm dần tới năm 51 tuổi và giảm nhanh cho tới 70
tuổi và giảm tiếp đến tuổi 90 thì thu nhập từ lao động bằng 0. So với các nghiên cứu trước đó, xu
hướng không có sự khác biệt lớn, nhưng thu nhập từ lao động của các nhóm tuổi cao hơn các
năm trước đây. Về tiêu dùng, có thể thấy tiêu dùng của hộ gia đình cho y tế, giáo dục chiếm tỷ
trọng lớn, trong khi tiêu dùng của Chính phủ dù đã tăng lên trong những năm qua nhưng vẫn còn
rất khiêm tốn. Ước lượng với các số liệu của năm 2012 cho thấy “thặng dư vòng đời” của người
Việt Nam bắt đầu từ tuổi 23 và kết thúc ở tuổi 53, trong khi đó “thâm hụt vòng đời” xuất hiện ở
độ tuổi 0-22 và từ 54 tuổi trở lên.
Giả định cơ cấu thu nhập từ lao động và tiêu dùng bình quân đầu người theo từng độ tuổi của
năm 2012 được giữ nguyên và năng suất lao động cũng không thay đổi, biến đổi cơ cấu tuổi dân
số chỉ có tác động tích cực tới tỷ số hỗ trợ kinh tế cho tới năm 2018. Nói cách khác, theo phương
pháp NTA với những giả định đã nêu, Việt Nam chỉ có thể có “dư lợi dân số” tới năm 2018. Để
kéo dài thời gian “dư lợi dân số”, nghiên cứu đã tiến hành mô phỏng sự thay đổi phần đóng góp
của lao động trong tổng giá trị gia tăng (hay tổng thu nhập của lao động) và cho thấy nó phải
tăng ở mức 1,28%/năm trong suốt giai đoạn 2016-2049 thay vì 1%/năm như trong giai đoạn
2010-2012 thì khi đó giai đoạn mà tốc độ tăng của tỷ số hỗ trợ kinh tế lớn hơn 0 sẽ kéo dài tới
năm 2024 (thay vì năm 2018 như hiện tại). Bên cạnh đó, nếu giả định tốc độ tăng của tỷ số hỗ trợ
kinh tế sẽ chậm lại nhưng sẽ duy trì ở mức tối thiểu 0,6%/năm trong suốt thời gian còn lại (2025-
2049) thì “dư lợi dân số” lại có thể xuất hiện vào giai đoạn 2030-2042.
Thứ hai, phân tích tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số nói chung và cơ cấu tuổi của dân số
trong độ tuổi lao động nói riêng tới tăng trưởng kinh tế cho thấy chúng đều có tác động tích cực
tới tốc độ tăng GDP bình quân đầu người. Tuy nhiên, các tác động đó có sự thay đổi rõ nét cùng
với xu hướng già hoá dân số. Sử dụng kết quả dự báo dân số giai đoạn 2014-2049 của Tổng cục
Thống kê, nghiên cứu mô phỏng tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số tới tăng trưởng kinh tế
giai đoạn 2010-2049 và cho thấy nếu không thay đổi năng suất lao động thì biến đổi cơ cấu tuổi
dân số theo hướng già hoá sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP bình quân đầu, đặc biệt từ năm 2017 trở
đi.
Thứ ba, mô hình ước lượng tác động của biến đổi cơ cấu tuổi lao động tới tăng trưởng kinh tế
cấp tỉnh cho thấy, nếu dân số trong độ tuổi lao động tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP tăng
thêm khoảng 0,5%. Bên cạnh đó, số lượng lao động có việc làm ở các nhóm tuổi trẻ (15-59) tuổi
và cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) đều tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế các tỉnh: cứ tăng 1%
dân số có việc làm của nhóm tuổi từ 15-59 và nhóm từ 60 tuổi trở lên thì GDP sẽ tăng tương ứng
là 0,36% và 0,32%.
Thứ tư, mô hình ước lượng tác động của biến đổi cơ cấu tuổi lao động tới tăng trưởng kinh tế
ngành cho thấy, trong giai đoạn 2010-2012, tỷ lệ lao động trẻ có tác động tích cực tới tăng
trưởng ở hầu hết các ngành được nghiên cứu (ví dụ, trong ngành công nghiệp chế biến, nếu tỷ lệ
lao động ở các tuổi 15-34 và 35-55 cùng tăng 1% thì sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng của ngành
này tương ứng là 0,34% và 0,31%); tỷ lệ lao động cận già (56-60 tuổi) có tác động khác nhau tuỳ
theo ngành. Tỷ trọng lao động cao tuổi (từ 61 trở lên) không có tác động gì tới tăng trưởng các
ngành - một kết quả ngược với mô hình ước lượng chung cho toàn bộ nền kinh tế. Kết quả này
có thể lý giải bằng một thực tế là tỷ lệ người cao tuổi làm việc trong các doanh nghiệp chính thức
(có đăng ký kinh doanh) rất nhỏ và phần lớn họ làm ở khu vực phi chính thức (như tự làm hoặc
lao động không trả công trong hộ gia đình…) nên dù vẫn đóng góp cho nền kinh tế chung nhưng
lại không thấy được vai trò đối với tăng trưởng ngành khi tính tới khu vực chính thức.
Thứ năm, đóng góp của chuyển dịch cơ cấu lao động vào tăng trưởng năng suất lao động ngành
phần lớn là do tác động của sự di chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang các ngành có
năng suất cao hơn. Ví dụ, tính toàn bộ nền kinh tế thì năng suất trong giai đoạn 2001-2012 tăng
là 4,37 triệu (tức là năng suất lao động năm 2012 cao hơn 4,37 triệu đồng so với năm 2001) thì
đóng góp từ tăng trưởng nội bộ ngành là 2,32 triệu; từ chuyển dịch cơ cấu là 2,05 triệu, trong đó
từ yếu tố “tĩnh” (chuyển dịch cơ cấu lao động) là 2,18 triệu và từ yếu tố “động” (chuyển dịch cả
cơ cấu lao động và thay đổi năng suất lao động trong từng ngành) là 0,13 triệu. Đóng góp của
các ngành vào thay đổi năng suất lao động chung chủ yếu là từ ngành công nghiệp chế biến
(chiếm tới hơn 1/3). Kết quả cũng cho thấy, tuỳ theo từng ngành mà yếu tố “tĩnh” hay yếu tố
“động” sẽ quyết định năng suất của ngành.
Đề xuất chính sách
- Tăng năng suất lao động và tạo việc làm cho nhóm tuổi lao động với những công việc theo nhu
cầu và phù hợp với khả năng là định hướng quan trọng nhất nhằm phát huy hoạt động tích cực
của biến đổi cơ cấu dân số tới tăng trưởng kinh tế, đảm bảo “dư lợi dân số” sẽ kéo dài hơn, đặc
biệt trong bối cảnh dân số đang đi vào giai đoạn cuối của “quá độ dân số” với biểu hiện của một
dân số già ngày càng rõ nét.
Trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào thời kỳ “già hoá dân số” thì “thâm hụt” trong tương lai
của toàn bộ nền kinh tế có xu hướng tăng lên và phần lớn chịu tác động ngày càng tăng của
“thâm hụt” từ nhóm người cao tuổi. Do đó, nhà nước cần có các chính sách phù hợp để tận dụng
lao động lớn tuổi vẫn có khả năng lao động để góp phần tạo thêm thu nhập cho nhóm dân số này
cũng như làm giảm thiểu “thâm hụt” có thể có. Đồng thời, nhà nước cũng cần xây dựng một hệ
thống y tế phù hợp để đáp ứng với mô hình chăm sóc sức khoẻ cho nhóm dân số cao tuổi ngày
càng tăng ở Việt Nam.
-  Trong các ngành kinh tế, tỷ trọng lao động trẻ tuổi tham gia lực lượng sản xuất càng lớn thì
năng suất lao động cũng như tăng trưởng kinh tế các ngành có lao động trẻ tham gia nói riêng và
toàn bộ nền kinh tế nói chung càng được cải thiện. Điều này cho thấy cần tận dụng, phát huy và
hiện thực hoá sự đóng góp của nhóm lao động trẻ khi dân số trong tuổi lao động của Việt Nam
được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong vòng 15-20 năm nữa. Đào tạo nghề và hướng nghiệp cho lực
lượng này vào những ngành, nghề có tính cạnh tranh sẽ tạo việc làm bền vững ngay cả khi hội
nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng sâu rộng. “Học tập suốt đời” cần được coi là một chủ
trương quan trọng và hiện thực hoá bằng nhiều chương trình đa dạng để các nhóm dân số, đặc
biệt những người có ít cơ hội học tập ngay từ nhỏ, có thể tham gia và được đào tạo, bồi dưỡng kỹ
năng cần thiết cho công việc.
-  Dịch chuyển lao động đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi năng suất lao động của
ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung. Các ngành đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật trung bình hoặc
cao (như công nghiệp chế biến, chế tác…) thì việc dịch chuyển lao động trong ngành và với các
ngành khác sẽ giúp thay đổi năng suất lao động. Bản thân các ngành có năng suất cao cần tiếp
tục nâng cao năng suất thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ sản
xuất; sau đó, hỗ trợ các ngành khác theo hướng mở rộng chuỗi sản xuất và công nghiệp hỗ trợ để
có tác động lan toả. Đào tạo nâng cao kỹ năng, chuyên môn cùng với các chính sách phân bố lao
động hợp lý cho các ngành, đặc biệt các ngành có lợi thế so sánh, sẽ thúc đẩy tạo việc làm, tăng
năng suất lao động và tăng trưởng của ngành và từ đó tạo động lực tăng trưởng cho ngành kinh
tế. Đặc biệt, với nhóm lao động cao tuổi, kết quả ước lượng cũng cho thấy tỷ lệ lao động cao tuổi
có thể thúc đẩy năng suất lao động ở ngành này, nhưng cũng có thể kìm hãm năng suất lao động
ở ngành khác nên việc bố trí các công việc phù hợp với lao động cao tuổi hoàn toàn cải thiện
được tình trạng trên và hướng tới một xã hội “già hoá chủ động” trong tương lai.
Xét dưới góc độ ngành, năng suất lao động của ngành nông, lâm, ngư nghiệp luôn ở mức thấp
nhất so với ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Do tỷ lệ dân số sống ở nông thôn còn lớn và
sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của hàng chục triệu người nên
chiến lược, chính sách và chương trình cải thiện năng suất lao động ở nông thôn và trong lĩnh
vực nông, lâm, ngư nghiệp càng trở nên quan trọng. Bên cạnh các chương trình nông thôn mới
theo hướng cải thiện cơ sở hạ tầng thì việc chú trọng chuyển đổi cách thức sản xuất và tăng
cường hoạt động chế biến, tổ chức các chương trình đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu thị
trường… sẽ giúp tạo việc làm và cải thiện năng suất cho lao động khu vực kinh tế này, đặc biệt
là với nhóm lao động trẻ.
- Cơ chế và thể chế là yếu tố rất quan trọng để thực hiện các chính sách đề xuất ở trên. Dù các
yếu tố này không được tính đến trong các mô hình lượng hoá ở nghiên cứu này, nhưng kinh
nghiệm quốc tế và bằng chứng từ các nghiên cứu ở nhiều nước cho thấy đây là những yếu tố
quyết định, quan trọng nhất trong việc hiện thực hoá cơ hội từ cơ cấu “dân số vàng” thành “dư
lợi dân số”. Để làm được điều này, trước hết, cần thay đổi về mặt nhận thức. Cơ hội “dân số
vàng” đã tới nên cần đặt nó vào đúng vị trí trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Thừa nhận
đúng mức tầm quan trọng của vấn đề dân số này buộc chúng ta phải nhìn nhận các yếu tố có liên
quan theo một cách mới và có tính khoa học. Bên cạnh đó, năng lực hoạch định chính sách là yếu
tố cũng không kém phần quan trọng. Cơ hội dân số không tự động mang lại tăng trưởng kinh tế
cao mà nó cần được hiện thực hoá bằng một môi trường chính sách thuận lợi. Với Việt Nam,
việc hoạch định các chiến lược, chính sách, chương trình một cách đồng bộ, có định hướng dài
hạn cho tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội phải trở thành ưu tiên hàng đầu hiện nay. Bốn nhóm
chính sách lớn cần tập trung là kinh tế, giáo dục, y tế và quản trị nhà nước.
Nguồn: Bộ Kế hoạch Đầu tư (2015). Báo cáo nghiên cứu Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân
số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách. 

You might also like