You are on page 1of 3

NGÀY ĐẦU ĐÁNH PHÁP Ở CAO SU MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Đại tá THÁI QUANG SA27


Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Nó lùng bắt Tây, công nhân nghe nói đi bắt Tây là thích lắm nên tìm
bắt Tây về nộp cho Nhật. Nhưng công nhân cao su chúng tôi không có ai trả lương nên đói quá. Nhật
cũng không phát lương. Công nhân tự quản nên tự phá kho chia cho nhau.
Ngày 23 tháng 5, anh Lê Đức Anh xuống gặp anh Khương ở Quản Lợi. Còn bên này Xa Cam, Xa Cát, Xa
Trạnh (Quận lỵ là Hớn Quản) có anh Trung lên. Tập hợp lại đi biểu tình, kéo nhau rầm rộ đi bắt, nhốt Tây.
Lúc đó tôi còn nhỏ thì chỉ chạy theo.
Cũng trong ngày, anh Trung đến tuyên bố cách mạng và thành lập Giải phóng quân. Anh Trung chia hai
lực lượng: Cảm tử quân thì đi đánh giặc, số còn lại giữ địa phương. Dân cũng hăng hái tham gia gọi là  Việt
Nam mới.
Ba giờ chiều nay (25-3-2003) tôi xin đến thăm anh Lê Đức Anh. Tôi báo tin: tôi đã tìm được cháu anh
Nhuận và làm việc với Tỉnh uỷ Bình Phước để làm thủ tục truy tặng liệt sĩ cho anh Nhuận. Tôi là người
được anh Anh giác ngộ và dìu dắt. Sau khi tôi được kết nạp Đảng, anh Anh chỉ đạo tôi hoạt động trong
phong trào công nhân cao su; anh Nhuận là người mà tôi vận động, giới thiệu với tổ chức, anh chiến đấu
dũng cảm, hy sinh đã lâu nhưng bây giờ mới làm xong các giấy tờ xác minh cần thiết để đề nghị truy tặng
liệt sĩ. Vừa rồi tôi lên tỉnh Bình Phước làm việc này. Lên đó tôi dự đám giỗ anh Tỵ hy sinh ở trận đánh cầu
Bếc Súc.
Cũng tại Bình Phước, tôi đã tìm được bốn, năm anh em người dân tộc Stiêng hồi đó xung vào đơn vị  Việt
Nam mới  do anh Lê Đức Anh tổ chức và chỉ huy. Gặp được anh Khang, phân đội phó, anh Tư Nhíp (hồi
kháng chiến chống Pháp anh Nhíp ở ga Xa Cát lo gạo, kho tàng về cho mình), gặp chị Út Đỏ từng vào Xa
Cát vận động bà con thu gom; anh Mỳ và anh Ngân (công an). Hồi đó phải ăn cơm khô vì nó không cho
nấu cơm, mà lấy cơm về hấp lại. Đồng đội chiến đấu cũ gặp nhau, ngồi bồi hồi nhớ lại chị Nhi vợ anh Nhu
(cả hai người đã hy sinh, chị hy sinh ở chiến khu Đ). Trên Bình Phước hiện còn Sáu Sang, Ba Phước; còn Lê
Văn Bốn em ruột của anh Tỵ thì hiện ở Lộc Ninh.
Chúng tôi nhớ rằng đánh Hớn Quản, Xa Cam, Xa Cát, xong về mới thành lập chi đội. Buổi làm mít tinh anh
em đắp một mộ đất tại Tân Khai. Hôm làm lễ thành lập, anh Lê Đức Anh mặc bà ba, có quận giấy tròn ở
túi quần, anh cứ đi tới lui suy nghĩ để lên phát biểu.
Sau khi bị ta đánh Xa Cát, quân Pháp mới quay lại đánh và đốt Tân Khai. Chúng bắt được và chặt đầu anh
Chín Thu. Gạo nó đổ xuống giếng, mấy hôm sau ta quay về vớt lên đã thối nhưng phải phơi để nấu ăn,
không ăn thì chết đói. Lúc đó tôi và anh Sáu nằm ở ngoài chòi.
Còn chuyện ta cử người đi đón số anh em ở Thái Lan về. Một bộ phận đi lạc đường nên chỉ đón được ít
người, do anh Duyệt phụ trách (anh Duyệt là đảng viên hoạt động ở Thái Lan), anh có mang theo hai, ba
khẩu súng cacbin về.
Giai đoạn anh Sáu Nam ở Lộc Ninh, anh kết nạp Đảng ông Cứng (lái xe), ông già Tỵ, ông Ba Đèn, ông
Phước, ông Lộc (người làm thợ nguội, người bưu điện).
Trong Chi bộ Đảng cao su đã nói truyền miệng: nước Nam ta có một người rất giỏi, không phải là Bảo Đại
mà người đó đang đi khắp thế giới để vận động các nước giúp chúng ta. Đó là ông Nguyễn Ái Quốc.
Tôi không thể quên hồi đó, đôi giày bát kết của anh Anh đi mãi rách ra rồi. Đi trong rừng vấp vào cây chảy
máu, băng lại, đi lại vấp vào đá lại cháy máu. Anh bảo - Thôi cứ đi kẻo không kịp họp. Có lần đói quá, mua
được quả trứng và một cái bánh tráng. Về đến suối lưộc trứng cắt đôi, hai người cuốn nửa quả trứng vào
bánh tráng, ăn xong ngủ lấy sức mai đi. Có những anh em hy sinh vì bom đạn địch, có những anh em chết
vì sốt rét; chôn ở rừng cao su, về sau cũng không tìm được. Nhiều anh em hy sinh về sau không tìm được
thân nhân vì hồi đó anh em từ các miền quê đến, thấy quân Pháp xâm lược, bắn giết thì cứ tình nguyện
sung vào đơn vị võ trang gần nhất, rồi cùng nhau xông ra đánh giặc. Có chị tên Liên chết, vì giặc càn tới,
anh em chưa kịp chôn, tạm để chị bên bờ suối nơi bãi trồng rau rồi lao ra đánh giặc đã, khi trở về thì hổ
tha mất xác. Trung đội của Bẩy Quỳ có mấy người Nhật tự nguyện đầu quân, về sau cũng hy sinh hết.
Trong đó có anh Xa Cai lấy được chị Quỳ có con, giờ chị Quỳ còn sống, anh ấy sau cũng hy sinh.
Tổ liên lạc của chi đội có bốn người tên là Bề, Quê, Hơn, Ron, có thư từ gì thì tổ này chuyển giữa anh Anh
và anh Năm Thi. Về sau bốn anh này cũng hy sinh, những năm vừa qua anh em đi tìm hoài nhưng không
thấy hài cốt.
Hôm rồi tôi còn gặp được anh Nguyễn Đình Kính, anh Kính của Bến Cát, chứ không phải Kính bị ông
Nguyễn Bình "xử" đâu. Rồi gặp được cả các anh: Khiêm, Chủ, Nại đều là các thành viên của Chi đội 1 năm
xưa. Tôi còn sưu tầm được tấm ảnh anh Lê Danh Cát đánh đoàn xe lửa được thưởng Huy chương do anh
Bẩy Cọp trao... 

ANH LÀ NGƯỜI SỐNG CÓ TRƯỚC CÓ SAU 


 NGUYỄN VĂN HỘI29
Tôi đã viết khoảng vài trăm trang xung quanh anh Lê Đức Anh. Đấy là chưa kể những chuyện liên quan tới
đại đội của chúng tôi được thành lập từ hôm đầu, rồi đến Chi đội 1, đến Trung đoàn 303 và 301. Cái khúc
đó là năm 1945. Tôi ở ba năm với anh ấy! Nhưng đến giải phóng 1975 hai anh em gặp nhau luôn. Chúng
tôi cũng thường xuyên trao đổi thư từ rất thân thiết.
Anh Lê Đức Anh là người sống có trước có sau, trên tình cảm bạn chiến đấu. Nói tóm lại là anh rất chịu
khó nghe, và khi thấy đúng thì anh biến thành nhận thức của mình.
Lúc đó, giữa năm 1947, anh làm Chính trị viên chi đội. Trước khi về đại đội, chúng tôi là bộ đội khung của
Khu 7 mà anh Lê Đức Anh là người có công trong việc xây dựng thành lập, đại đội mà nòng cốt là công
nhân cao su, vào khoảng 1942-1943 kết hợp với bên Thuận Lợi, Phú Riềng. Tôi lúc đó chỉ là chỉ huy trung
đội, sau nhập vào đơn vị của Thuận Lợi rồi Hớn Quản, Xa Cam, Xa Cát của anh Lê Đức Anh.
Đến ít ngày sau, vào khoảng 20-12-1945, địch đánh vào chiến khu Thuận Lợi, mà sau này là chiến khu Đ.
Có thể nói tiền thân của chiến khu Đ là chiến khu Thuận Lợi của ông Vũ Đức, ông có rất nhiều công xây
dựng chiến khu này.
Địch tấn công từ nhiều phía - từ Bà Rá tấn sang, từ Khổng Lợi vượt sông Bé đánh tới. Rồi, đặc biệt có một
cánh quân từ Buôn Ma Thuột xuống. Bọn tôi lúc đó được lệnh của ông Bình là rút từ Thuận Lợi về giữ
chiến khu Tân Uyên, tức là Khu 7 Tân Uyên, chiến khu của ông Nguyễn Bình. Chúng tôi mới họp nhau lại,
trong đó có tăng cường một số bộ đội của Chi đội 1, lúc bấy giờ của Huỳnh Kim Trương có khoảng một
trung đội, có một trung đội của Chi đội 10 của Huỳnh Văn Nghệ tập họp lại, và chúng tôi có một đại đội
khoảng 500 người, trong đó lực lượng của anh Lê Đức Anh có 3 cây súng lớn, 1 khẩu 13,2 ly, 1 khẩu 12,7 ly
và 7 - 8 khẩu trung liên Brem hay Fm gì đó... Phải nói rằng với những cán bộ cũ anh Lê Đức Anh nhớ lâu
lắm, anh ra ngoài Hà Nội xin cho anh Nghiệp tiếp tục được công tác không nghỉ hưu, anh Anh là người rất
tình nghĩa. Chẳng hạn chuyện tìm mộ anh Lê Danh Các, Đại đội trưởng đầu tiên của Chi đội 1 cũng vậy;
anh nhắc tôi bao lần đi tìm, cuối cùng cũng tìm được.
Đầu tháng 12-1945, đánh trận phục kích quân địch cơ động từ Buôn Ma Thuột đến chiến khu Thuận Lợi.
Chúng tôi tập hợp tất cả khoảng 800 người. Đây là trận đánh phục kích quân Pháp đầu tiên của Nam Bộ.
Khi đó địch đổ bộ vào Nha Trang rồi chiếm Buôn Ma Thuột, cả binh đoàn Lơcléc xuống đánh chiến khu
Thuận Lợi, cho nên có thể nói đây là một trận đánh rất thành công. Cho nên người ta cứ đồn thổi là ông
Nguyễn Bình định bắt ông Lê Đức Anh vì bỏ Thuận Lợi, nhưng thực chất là không phải, mà tôi biết chắc
chắn rằng trận Thuận Lợi địch thiệt hại rất lớn. Chúng tôi đánh từ sáng đến chiều. Anh em dũng cảm lắm,
có những anh trèo lên cây ném lựu đạn xuống; cuối cùng địch hùng hổ như vậy phải rút chạy về phía sau,
ba ngày sau mới dám tiến công trở lại, còn ta ba ngày có điều kiện cơ động lực lượng: cánh quân Nam
Tiến của ông Minh thì hành quân ra hướng Nha Trang; cánh ông Vũ Đức thì rút về Khu 8, còn đơn vị chúng
tôi thì kéo quân về để bảo vệ tổng hành dinh của ông Nguyễn Bình.
Chúng tôi về Tân Uyên tức Bình Mỹ, có nhiều lực lượng lắm, chúng tôi chỉ là một lực lượng bảo vệ khung
gọi là Bình Mỹ phía Suối Cầu, chặn địch từ đường 13 vào, đi Bến Cát rẽ bên phải rồi đi chỗ Phú Hoà vào.
Chúng tôi chỉ bảo vệ một mặt phía bắc. Còn phía Tân Uyên từ Đồng Nai, rồi Thủ Dầu Một vào, hai ba phía
kia mà. Lúc đó là sau Tết, vào tháng 1-1946.
Rồi sau đó, địch dùng cả hải, lục, không quân để đánh Tân Uyên. Mình chưa kịp xây dựng thành trận địa,
mà địch đánh từ sáng đến chiều, một cánh quân địch từ Thủ Dầu Một đánh quặp từ phía sau lưng chúng
tôi. Khi chúng tôi về Làng An thì quân địch biết được lực lượng này là Quân khu bộ nên binh đoàn Mũ đỏ
cứ bám theo đánh suốt. Đánh xong Tân Uyên, một tháng sau nó đánh Làng An, cách Tân Uyên dọc theo
sông Đồng Nai khoảng 10 km. Khi địch đánh Làng An, chúng tôi lại rút lên 10 km nữa, đến Thường Lang
địch lại đánh. Hành quân cả đêm tới sáng sớm hôm đó, đói quá, tôi và anh Anh mua được hai bát phở,
chưa kịp ăn thì quân chúng đã tới, tiếng súng nổ rất rát. Hai chúng tôi chạy ra tổ chức đánh chặn chỗ cầu
ông Cộ để Quân khu bộ của ông Bình rút về An Thành, bên kia sông Sài Gòn được an toàn. Sau trận đó
ông Nguyễn Bình thưởng cho anh Lê Đức Anh năm trăm đồng tiền Đông Dương.
Lúc đó chuyện này xảy ra: Ông Bình chủ trương thương lượng với Pháp trên một chiều tàu của Pháp trên
sông Đồng Nai. Ông Bình cũng không trực tiếp đi thương lượng mà giao cho ông Phạm Thiều (người Diễn
Châu, lúc đó là Chủ nhiệm Chính trị, sau này là Giáo sư, Chủ tịch Chợ Lớn) làm Trưởng đoàn, Huỳnh Văn
Nghệ làm Phó đoàn. Có hai người là anh Anh và Trần Xuân Độ (là Chính uỷ Khu 7) không đồng ý với ông
Bình: mình là địa phương không được tự ý thương lượng với Pháp, cấp chính phủ mới có quyền thương
lượng. Nay mình tự ý, bọn xấu nó sẽ loan tin Việt Minh có hai chính phủ.
Ông Bình lại dùng Võ Bá Nhạ, nguyên chủ cao su làm Chánh Văn phòng. Vì anh Lê Đức Anh biết rõ người
này ở Thủ Dầu Một là tư sản, cơ hội lắm. Nó cũng rất biết là có anh Anh ở đây thì nó không làm ăn gì
được. Nó mới xúi ông Bình trị anh Anh. Nhưng Lâm Thái Hoà làm Tham mưu trưởng cho ông Bình thì thân
tôi, phi ngựa ra nói: - Tao thấy ông Bình ký giấy bắt Lê Đức Anh rồi đấy. Tôi hỏi "Vậy à, lý do gì?". " Tao
không biết - nhưng mà ký rồi". Lập tức tôi tới gặp Lê Đức Anh, lúc đó đã 6 giờ chiều rồi, mới bảo: - Này ông,
chuyện gì để ông Bình bắt. Ký lệnh rồi đấy, tay Hoà nói với tôi là ông Bình ký rồi đấy. Anh Anh đứng suy
nghĩ, cuối cùng anh mới mượn được cái xe bò của một ông già có hai con bò, từ chỗ chúng tôi đến khu bộ
chỗ ông Bình chừng hơn 5 cây số đường rừng. Anh đi từ 7 giờ đến 9 giờ thì về, và anh nói với tôi: - Ông
Bình bảo là: "Đúng! Tôi có lệnh bắt anh thật, nhưng bây giờ đã lên đây thì về làm việc, tôi không bắt nữa".
Thế mới thấy là lúc bấy giờ anh Anh chỉ hơn tôi 5 tuổi, anh 25 còn tôi 20; vậy mà anh nắm được đặc tính
của Nguyễn Bình là "Giang hồ lãng tử, anh hùng cá nhân". Nhưng anh Anh có một cái tốt là anh im lặng,
coi như chuyện đã qua.
Tôi thấy anh Anh hơn người ở chỗ hai lần tôi nói như thế, mà anh lại nói: "Ừ ! Hai lần anh ấy định bắt tôi
như thế, nhưng tôi chẳng thù hận gì anh ấy cả, mà tôi cứu anh ấy ba lần". Trường hợp nào nữa thì các anh
tìm hiểu thêm, nhưng tôi kể ở trên cũng đủ ba lần anh ấy đánh giải vây cho ông Bình rồi.
 Thời đó ăn ở cực khổ, lúc rảnh chúng tôi vẫn ngồi bắt con ghẻ cho nhau, ghẻ kềnh ghẻ càng. Lúc ngồi bắt
cái ghẻ, anh nói với tôi: "Tôi đang học năm thứ tư ở Huế thì được kết nạp Đảng, tôi là học trò". Tức là năm
1937 anh ấy được giác ngộ, năm 1938 kết nạp Đảng. Lúc ngồi bắt ghẻ cho nhau, anh ấy nói chuyện chơi
thế thôi, chứ có phải nói để làm Chủ tịch nước như bây giờ đâu. Nên giờ tôi nhớ thì nói lại để bảo vệ cái
đúng cho anh ấy.
 Tôi biết anh từ tháng 12-1945, cho tới tháng 6-1946, lúc đó đã có chỉ thị giải tán Đảng rút vào hoạt động
bí mật. Ở trong Nam từ tháng 12-1945 đến tháng 6-1946, phải đến nửa năm không hoạt động gì. Tôi lúc
đó cũng chưa là đảng viên, nhưng tôi được biết anh Lê Đức Anh là Tỉnh uỷ viên của Thủ Dầu Một. Còn tôi
mãi sau này mới được anh Lê Đức Anh chuẩn y kết nạp vào Đảng, rồi rèn luyện phấn đấu là Huyện uỷ viên
của hai huyện Hớn Quản và Lộc Ninh, tức là Bình Long và Long Định. Giờ Bình Long thuộc Thủ Dầu Một,
còn Long Định lại thuộc Bình Phước...
Tôi nghĩ, Đảng ta đào tạo được một người mà từ cán bộ đại đội, không vượt qua cấp nào, cứ tuần tự từng
bậc mà lên, lăn lộn suốt cả ba cuộc trường chinh: đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Pôn Pốt, rồi được tín nhiệm
bầu lên cương vị cao nhất như anh Lê Đức Anh là hiếm.
 

You might also like