You are on page 1of 12

Quan niệm của Phan Bội Châu về Dân Quyền

Phan Bội Châu (1867-1940)

Tiểu Sử Phan Bội Châu

Phan Bội Châu sinh vào tháng Chạp năm Ðinh Mão, tức là năm Tự Ðức thư 20 (1867), cha mẹ đặt tên là
Phan Văn San. Về sau, vì sợ phạm húy với Hoàng tử Vĩnh San, tức vua Duy Tân, con thứ của vua Thành
Thái, nên đổi lại là Phan Bội Châụ Bội-Châu có nghĩa là đeo ngọc.

Sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo, thân phụ ông là Phan Văn Phổ, một nhà nho chân chính rất trọng
chữ thanh cần. Thân mẫu ông là bà Nguyễn Thị Nhàn, một nữ sĩ được tiếng là người đức hạnh.

Phan Bội Châu quê ở xã Ðông Liệt, tỉnh Nghệ An. Năm lên 3 tuổi, ông phải theo cha mẹ về ở nơi quê của
nội tổ ở làng Ðan Nhiệm, tổng Xuân Liễm, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An.

Từ thuở bé, Phan Bội Châu đã được hấp thụ một nền giáo dục rất chặt chẽ nhờ vào sự đảm đang nuôi
nấng, dạy dổ của mẫu thân, nhưng phần lớn cũng nhờ vào sự nghiêm khắc của thân phụ, lúc bấy giờ
làm nghề dạy học.

Phan Bội Châu rất mực thông minh. Năm lên 6 tuổi được cho đi học, chỉ trong ba ngày, ông học he^'t
cuốn Tam Tự Kinh. Lên bảy tuổi học đến sách Luận ngữ, ông đã mô phỏng để làm cuốn Phan tiên sinh
luận ngữ, có ý mỉa mai chúng bạn nên bị phụ thân quở phạt. Năm 1874, ở Nghệ An có phong trào Văn
Thân, dù chỉ mới là một đứa bé lên tám, Phan Bội Châu cũng muốn noi gương của Trần Quốc Toản xưa
đã giúp Hưng Ðạo Vương để đại phá quân Nguyên ở Bến Chương Dương nêu cao lá cờ phá cường tặc
báo hoàng ân nên ông đã tụ tập bọn trẻ con lại để tập trận giả bằng những súng đạn do chính ông
làm ra.

Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương, Phan Bội Châu tổ chức Sĩ-tử Cần Vương đội. Nhưng
nhận thấy rằng công cuộc Cần Vương chỉ có thể đem lại kết quả tốt đẹp khi nào người lãnh đạo là một
nhân vật có chân khoa bảng xuất thân, nhất là phải có danh vọng, ông phải đành quay về với lối học cử
nghiệp.

Dù rất thông minh và hay chữ, Phan Bội châu thi Hương bao nhiêu lần vẫn trượt. Sở dĩ có chuyện lạ
như thế vì :

* Lối văn khoa cử không thích hợp với người đã có sẵn một tinh thần cách mạng. Do đó, Phan Bội Châu
không chịu ép mình trong khuôn khổ của trường quy.

* Nhà nghèo, ông thường làm bài mướn để lấy tiền tại trường thị Ðã có lần vì phạm húy, ông bị bôi tên
trong danh sách thí sinh trọn đời. Về sau, nhờ sự vận động của quan Tế-Tửu Trường Quốc Tử Giám là
Khiêu Năng Tĩnh, thầy học của ông, ông được đi thi lại. Khóa thi Hương năm Canh Tý (1900), ông thi đỗ
Thủ Khoa tại trường thi Nghệ An lúc bấy giờ ông đã 33 tuổi.

Năm 1901, ông có thi Hội nhưng không đỗ, ông cũng chẳng màng đến công danh nữa. Con đường cử
nghiệp đối với ông chỉ là phương tiện giúp cho ông mưu đồ việc lớn, chớ chí khí của nhà cách mạng lão
thành Phan Bội Châu đâu đã chịu gởi nơi trường khoa danh.

Tiếng tăm hay chữ và mảnh bằng Giải nguyên đã giúp Phan Bội Châu có uy tín trong việc lãnh đạo công
cuộc khởi nghĩa Cần Vương. Ông bắt đầu hoạt động mạnh trong nước.

Sau khi Phan Ðình Phùng mất, phong trào Cần Vương xuống dần và cơ hồ tan rã, Phan Bội Châu đã nối
chí nhà lãnh đạo tiền bối. Phan Bội Châu đứng ra kêu gọi dân chúng ở miền Thượng du khởi nghĩa.
Nhận thấy con đường cử nghiệp làm cho dân tộc đi đến chổ yếu hèn, Phan Bội Châu kêu gọi canh tân.
Ðể khích động lòng ái quốc của nhóm sĩ phu và nhân dân trong nước, ông đã viết ra tập Lưu cầu huyết lệ
tâm thư. Ông đã vào Nam ra Bắc để liên lạc với những nhà ái quốc trong nước để vận động cho cuộc
cách mạng có kết quả.

Lúc bấy giờ, những người cùng chí hướng với Phan Bội Châu ở miền Trung như Ðặng Nguyên Cản,
Ðặng Thái Thân, Trần Quý Cáp, Ngô Ðức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Nguyễn Cần, ở miền
Bắc có Nguyễn Thượng Hiền, Lê Ðại, Nguyễn Quyên, Lương Văn Can, ở miền Nam có Nguyễn Thần
Hiến, Trần Chánh Chiếu. Phan Bội Châu cũng đã lên tận Yên Thế xin gặp Hoàng Hoa Thám. Ðể cho
công cuộc Cần Vương được thống nhất, ông bàn với ông Tiểu La Nguyễn Văn Thành đồng tôn Kỳ Ngoại
Hầu Cường Ðể lên làm Hội Chủ.

Nhận thấy còn phải có sự viện trợ của ngoại bang trong việc cách mạng kháng Pháp, ông bàn với các
bạn cho ông được xuất dương.

Năm 1905, Phan Bội Châu xuống tàu, giả làm thương khách qua Tàu rồi sau đó sang Nhật.

Sau khi xuống tàu sang Hương Cảng rồi đến Nhật, Phan Bội Châu đến gặp Lương Khải Siêu, người lãnh
đạo công cuộc duy tân của Trung Hoa và sau cuộc chính biến phải lưu vong sang Nhật. Tại đây, Lương
Khải Siêu giới thiệu Phan Bội Châu với những vị chính khách Nhật như Bá tước Ðại Ôi và Khuyển
Dương Nghị. Hai vị này khuyên ông nên về nước mời Kỳ Ngoại Hầu sang Nhật. Sau đó ít lâu, ông lại
sang Nhật.

Năm 1906, Kỳ Ngọai Hầu Cường Ðể và nhiều du học sinh sang Nhật. Phan Bội Châu lại xin cho các du
học sinh vào học ở Chấn Võ Học Hiệu và Ðồng Vạn Thư Viện. Cũng trong năm ấy, ông Phan Chu Trinh
sang Hương Cảng và qua Nhật. Hai nhà cách mạng cùng họ Phan đã gặp nhau và luận bàn quốc sự. Dù
Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu có bất đồng ý kiến, nhưng cả hai đều rất quý mến nhaụ

Cuối năm 1906, Phan Bội Châu lại về nước một lần nữa để dọ đường hầu để chở khí giới về cho Hoàng
Hoa Thám ở Yên Thế.

Năm 1907, Phan Bội Châu lại trở sang Nhật. Sau khi ký thương ước với Pháp xong (năm 1908) chính
phủ Nhật đã ra lệnh trục xuất những nhà cách mạng Việt Nam ra khỏi lãnh thổ. Phan Bội Châu và các
đồng chí phải trở lại Trung Hoa hoạt động.

Năm 1912, do theo lời yêu cầu của các bạn, Phan Bội Châu qua Xiêm (Thái Lan) một thời gian. Cũng
trong năm này, cuộc cách mệnh Tân Hợi của Trung Hoa thành công. Từ Xiêm, ông trở lại Trung Hoa, lập
ra Việt Nam Quang Phục Hội chủ trương theo chính thể dân chủ.

Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc được thành lập, Phan Bội Châu được đốc quản tại Thượng Hải là Trần
Kỳ Mỹ và đô đốc Auq?ng Tây là Hồ Hán Dân giúp đỡ về tài chánh và tinh thần. Trong thời gian này, Phan
Bội Châu giữ chức quyền Tổng lý Việt-Nam-Quang-Phục Hội.

Năm 1913, nhân việc ném bom ở Thái Bình HàNoi Hotel, Hội đồng Ðề Hình của thực dân Pháp xử tất cả
14 án chém, Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể đứng đầu sổ.

Quân lính ở tỉnh thành Quảng Ðông gây biến, Long Tế Quang đem binh đến dẹp và nhậm chức đô đốc
Quảng Ðông. Vì ăn của lót của thực dân Pháp, Long Tế Quang bắt Phan Bội Châu giam vào ngục. Chính
trong thời gian bi giam giữ, ông đã viết ra tập Ngục Trung Thư Cuộc thương thuyết của Pháp và Long Tế
Quang chưa xong thì chiến cuộc Âu châu bùng nổ (1914-1918), Long tế Quang bị hạ, đảng cách mạng
Trung Hoa cứu Phan Bội Châu ra khỏi ngục Quảng Châụ

Năm 1914, Phan Bội Châu lập tại Quảng Châu một cơ quan lấy tên là Tâm Tâm Xã dùng làm nơi liên lạc
với những đồng chí và dự định viết sách gởi về nước để giục lòng yêu nước của đồng bào và tuyên
truyền tinh thần dân nước.
Trong tháng ba năm ấy, được biết tin toàn quyền Merlin sang công cán bên Nhựt, Phan Bội Châu liền
triệu tập các đồng chí quyết đón đường hạ sát Merlin. Phạm Hồng Thái được chọn thì hành việc này.
Quả bom ở Sa-Ðiện nổ, tuy không giết được Merlin nhưng đã thức tỉnh được sự say ngủ của đồng bào
trong nước và gây một tiếng vang khắp thế giới đều biết.

Năm 1925, nghe theo lời Lý Thụy và Lâm Ðức Thụ, Phan Bội Châu gia nhập vào tổ chức Toàn thế giới bị
áp bức nhược tiểu dân tộc nhưng sau đó Lý Thụy và các đồng chí lập mưu bắt Phan Bội Châu nộp cho
thực dân Pháp để :

1. Tổ chức lấy được một số tiền thưởng (vào khoảng 15 vạn bạc) hầu có đủ phương tiện hoạt động.

2. Gây một ảnh hưởng sâu rộng trong việc tuyên truyền tinh thần ái quốc trong quốc dân.

Thế là Phan Bội Châu bị bắt tại Thượng Hải, bị giải về Hương Cảng rồi về Hải Phòng, sau cùng bị giam
tại nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội. Ðể tránh việc làm cho dư luận quá xôn xao về tin Phan Bội Châu bị bắt,
thực dân Pháp gắn cho ông cái tên tù quốc phạm là Trần Văn Ðức.

Hội Ðồng Ðề Hình nhóm xử ngày 25 tháng 11 năm 1925 dưới sự chủ tọa của viên giám đốc Brida, Ðốc lý
Hàno^.i là Dupuy và đại úy Bollie làm phụ thẩm, Boyer làm bồi thẩm và Arnoux Patrick làm lục sự. Hội
Ðồng Ðề Hình cử luật sư Bona ở Hànoi và luật sư Larre ở Hải Phòng biện hộ cho Phan Bội Châu.

Trước những lời lẽ buộc tội gắt gao của Hội Ðồng Ðề Hình, Phan Bội Châu ung dung và chẫm rãi đối đáp
một cách rõ ràng khúc chiết. Ðể bênh vực cho hành động hợp lý và quang minh chính đại của mình.

Sau khi hay tin Phan Bội Châu bi án tử hình, phong trào vận động ân xá cho ông nổi lên rầm rộ. Hội
Thanh Niên Việt Nam in ra bốn ngàn lá đơn gởi đến các cơ quan chính phủ Pháp, các sứ thần liệt quốc ở
Ba Lê, các tổ chức quốc tế yêu cầu can thiệp. Việt kiều ở Pháp họp đại hội bênh vực Phan Bội Châu, gởi
điện tín kháng nghị hoặc yêu cầu tới những cơ quan có liên hệ đến vụ án Phan Bội Châụ

Trước sự công phẩn của quốc dân, ngày 24/12/1925, Toàn quyền Varenne, sau khi đề nghị về Pháp,
quyết định xin ân xá cho nhà chí sĩ yêu nước. Sau khi được ân xá, Toàn quyền Varenne đưa Phan Bội
Châu về an trí ở miền sông Hương núi Ngự (Huế) gọi là để di dưởng tuổi già nhưng kỳ thật chúng định
giam lỏng ông.

Tuy nhiên, tấm lòng thiết tha yêu nước của ông không vì thế mà chịu lu mờ. Ông đã âm thầm nhận lãnh
chức Cố vấn của Việt-Nam-QuốcDDân Ðảng. Ðã có lần V.N.Q.D.DD định âm mưu đem ông trốn thoát ra
ngoại quốc nhưng không thành vì không sao thoát được sự dòm ngó của thực dân Pháp.

Năm 1940, khi phái bộ Nhật tiến vào Ðông Dương thì cũng chính là lúc thời cuộc đã chuyển sang giai
đoạn mới cho cuộc Cách mạng dân tộc. Tiếc thay, trong giờ phút nghiêm trọng của lịch sử này, nhà cách
mạng lão thành Phan Bội Châu đã lìa bỏ cõi đời theo tiền nhân về bên kia thế giới, lưu lại cho hậu thế
một tấm gương sáng và nổi niềm thương nhớ không nguôi.

Trước giờ sắp lâm chung, ông đã cố gắng lấy hết hơi tàn và góp nhặt thần trí, đọc lên một bài khẩu
chiếm có những lời lẽ thống thiết như sau :

Nay đang lúc tử thần chờ trước của


Có vài lời ghi nhớ về sau
Chúc phường hậu tử tiến mau.

Phan Bội Châu mất vào ngày 29/10/1940.

Nguồn: http://xuquang.com/dialinhnk/danhsi/pbcts.htm

Nguyễn Văn Hòa


Tiến sĩ, Giám đốc trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Huế
Tạp chí Triết học

Bài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội Châu về dân quyền, cũng như ý nghĩa của tư
tưởng dân quyền đó đôi với việc thực hiện quốc quyền , tức là quyền độc lập, tự chủ của dân tộc Việt
Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Tiếp đó, bài viết trình bày và phân tích tư tưởng của Phan Bội
Châu cho rằng: muốn thực hiện được quốc quyền, chế độ chính trị của Việt Nam khi đó phải chuyển từ
quân quyền sang dân quyền theo xu thế phát triển tất yếu của thời đại, với việc nâng cao dân trí thông
qua giáo dục.

Dưới ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng phương Tây, đặc biệt từ khi qua Nhật Bản và được chứng
kiến một nước có truyền thống Nho học do biết tiếp nhận và vận dụng những tư tưởng tiến bộ của
Phương Tây vào công cuộc duy tân mà trở nên hùng cường; được nghiên cứu và trao đổi về nguyên
nhân cách mạng xã hội, về chính thể của các nước, về tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, dân quyền,
dân trí và các biện pháp duy tân của Môngtexkiơ, Vônte, Rút xô..., ở Phan Bội Châu đã hình thành nên
một quan niệm mới - quan niệm về dân quyền. Quan niệm này chứa đựng một nội dung mới mẻ và
không kém phần phong phú, thể hiện mục đích thiêng liêng cứu nước, giải phóng dân tộc để đem lại tự
do, hạnh phúc cho dân, đem lại quyền lực cho dân, để cho người dân trở thành chủ thể của các quyền
lực trong xã hội.

Vấn đề dân quyền là vấn đề mới mẻ đối với các sĩ phu yêu nước Việt Nam trong những năm đầu của thế
kỷ XX. Bởi lẽ, ở thời điểm đó, dân quyền là cái chưa có trong kho tàng tư tưởng của dân tộc ta, mà phải
tiếp thu từ những trào lưu tư tưởng Âu Mỹ. Trước sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến, mà nòng cốt là
tư tưởng Nho giáo trong việc bảo vệ đất nước nửa cuối thế kỷ XIX và yêu cầu giải phóng dân tộc hồi đầu
thế kỷ XX, với lòng yêu nước nồng nàn, tài năng và sự mẫn cảm của mình, Phan Bội Châu đã tìm kiếm
và tiếp nhận những trào lưu tư tưởng phương Tây, đặc biệt là tư tưởng dân quyền - một thứ vũ khí tư
tưởng mới lạ trong thời đại "châu Á thức tỉnh" sau "giấc ngủ" quân chủ.

Dưới chế độ phong kiến, nửa thực dân, người dân Việt Nam chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ phục tùng vô
điều kiện yêu cầu của kẻ bề trên. Họ bị tước bỏ tất cả mọi quyền hành, họ chưa bao giờ là chủ thể của
quyền lực. Bằng sự trải nghiệm của mình, Phan Bội Châu cho rằng, không có dân quyền là một trong
những nguyên nhân khiến cho nhân dân ta sống trong tủi nhục, cay đắng, khốn khổ và tăm tối. Trong Tân
Việt Nam (1907), với sự khảo cứu lịch sử và hiện trạng của nước nhà, Phan Bội Châu đã vạch rõ: "Cái
nọc độc chuyên chế của bọn người hại dân ấp ủ đã hàng ngàn năm nay từ bên Trung Quốc lây sang
nước ta, đến nỗi một tên độc phu (vua) và vài vạn kẻ dung nhân (quan) làm cá thịt trăm họ dân ta. Thế
mà dân ta ngu ngốc khờ dại, không biết giành dân quyền, giữ quốc mệnh, chỉ ngày đêm lo hết lòng hết
sức đem máu mỡ của mình cung đơn cho bọn độc phu, dung nhân uống nuốt? Than ôi! Thật đáng
thương thay".(1)

Sự lạc hậu và bất cập của hệ tư tưởng phong kiến, sự thoái hoá của vua quan nhà Nguyễn, sự bắt
chước chế độ chuyên chế của nhà Thanh là những chướng ngại lớn trên con đường đấu tranh giành độc
lập cho dân tộc, giành lấy chủ quyền về tay nhân dân. Sự ngự trị của chế độ chính trị cũ kỹ đó cần phải
thay thế bằng thể chế chính trị mới mà trong đó người dân có quyền. Theo Phan Bội Châu, dân tộc Việt
Nam đã phải trải qua hàng thế kỷ dưới chế độ phong kiến và thực dân nửa phong kiến, đã sống một cuộc
sống không có tự do là bởi cái nọc độc chuyên chế đã đầu độc và giết chết dân quyền. Khi dân không có
quyền thì cũng có nghĩa là, họ chỉ là một thứ công cụ để phục tùng quyền lực và ý chí của kẻ khác. Trong
khi đó, theo yêu cầu của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và canh tân đất nước thì quyền lực
phải thuộc về nhân dân, tức là người dân phải có quyền. Dân quyền vừa là mục đích hướng tới, vừa là
điều kiện để huy động sức mạnh của toàn dân, để giải phóng và phát huy mọi năng lực sáng áo của con
người.

Đấu tranh để giải phóng dân tộc, để giải phóng con người thoát khỏi sự áp bức, để xem lại quyền cho
người dân luôn là điều răn trở, thôi thúc trong Phan Bội Châu. Ngay trong Việt Nam quốc sử khảo (1908),
Phan Bội Châu đã dành không ít tâm tuyết để bàn về mối quan hệ giữa dân quyền và quốc quyền, về
mầm mống dân quyền ở nước ta, về dân quyền ở nước ta bị hao mòn, về mối quan hệ giữa dân quyền
và dân trí với nội dung khá phong phú. Tuy vậy, khái niệm "dân quyền" chưa được Phan Bội Châu định
nghĩa một cách rõ ràng, có chăng chỉ là sự luận giải của ông về nữ quyền. Trong một tác phẩm về vấn đề
phụ nữ, Phan Bội Châu dành một chương bàn về nữ quyền. Trong đó, ông viết: "Nữ quyền nghĩa là
quyền của người đàn bà con gái, cũng như nam quyền nghĩa là quyền của người con trai. Nhưng, xét
cho đến gốc chân lý, thẳm cho tới nguồn triết học thì nữ quyền với nam quyền tất cả thâu nạp vào trong
hai chữ "nhân quyền". Nhân quyền nghĩa là quyền của người mà cũng nghĩa là quyền làm người. Rằng
quyền của người tức là các quyền đó là người thời đáng được, rằng quyền làm người tức là đã một con
người tất cả các quyền được làm con người mà không phải làm trâu ngựa. Con trai là người, con gái
cũng là người, ở trong hai chữ "quyền người" đã bao bọc cả rồi không phải phân biệt nam quyền nữ
quyền, nếu phân biệt nam quyền nữ quyền cũng là dư".(2)

Theo cách lập luận trên của Phan Bội Châu, có thể hiểu rằng, dân quyền là quyền của người dân; người
dân có quyền đó là lẽ tất yếu, đã là con người dù nam hay nữ đều có quyền làm người và đó cũng chính
là giá trị của con người. Do đó, không có dân quyền, hay nói cách khác, không có quyền làm người thì
con người mất hết giá trị, con người không còn là con người mà trở thành trâu ngựa. Sự phân biệt nam
quyền hay nữ quyền là không cần thiết, bởi là người tất phải có quyền, người dân phải có quyền, tất cả
mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Phan Bội Châu cho rằng: "Mọi thứ dân quyền đều
được bình đẳng".(3) Chứ đâu phải chỉ có vua, cha, chồng mới có quyền, còn những người khác thì
không có quyền. Quan điểm này chẳng những khác hẳn quan điểm của Nho giáo về tam cương vốn đã
in dấu ấn đậm nét trong tâm thức của mọi người, mà còn có tác động thức tỉnh nhân dân ta đứng lên đấu
tranh xoá bỏ dấu ấn đó, đứng lên đấu tranh phá bỏ sự áp chế vô lý đương thời để giành lại quyền làm
người của mình.

Trân trọng và đề cao quyền làm người, quyền của người dân là một trong những biểu hiện sinh động
trong quan niệm của Phan Bội Châu về dân quyền. Đồng thời, ở đây cũng cho chúng ta thấy rõ sự
chuyển biến tích cực trong tư tưởng của Phan Bội Châu, ông đã vượt qua hệ tư tưởng phong kiến để
tiếp nhận những giá trị tiến bộ trong các trào lưu tư tưởng phương Tây nhằm phát huy và tập hợp sức
mạnh của mọi người dân hướng vào sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và canh tân đất nước.
Hướng đến mục đích đó, Phan Bội Châu nhận thức được rằng, dân quyền có quan hệ với quốc quyền,
dân quyền có quan hệ với sự thịnh suy và sống còn của đất nước.

Theo Phan Bội Châu, dân quyền trở thành tiêu chí quan trọng nhất để xem xét nước còn hay mất, nước
mạnh hay yếu, giá trị của người dân cao hay thấp, người dân còn hay mất. Ngay những dòng đầu tiên
luận giải về mối quan hệ giữa dân quyền và quốc quyền, Phan Bội Châu viết: "Theo công pháp vạn quốc
đã định, được gọi là một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền. Thiếu một trong ba cái ấy
đều không đủ tư cách làm một nước. Trong ba cái đó thì nhân dân là quan trọng nhất. Không có nhân
dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập; nhân dân còn thì nước còn; nhân dân mất thì
nước mất. Muốn biết nhân dân còn mất như thế nào thì phải nhìn xem cái quyền của nhân dân còn mất
như thế nào. Dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng, mà nước cũng mạnh. Dân quyền
bị xem nhẹ, thì dân bị coi khinh, mà nước yếu. Dân quyền hoàn toàn mất thì dân mất, mà nước cũng
mất".(4)

Như vậy, dân quyền chẳng những là tiêu chí mà còn là hạt nhân chi phối các yếu tố cấu thành một nước,
trong đó nhân dân là cái quan trọng. Cái quan trọng đó còn hay mất lại phụ thuộc vào dân quyền. Điều có
ý nghĩa sâu sắc nhất ở đây chính là Phan Bội Châu đã xác định rõ vai trò và vị trí của dân quyền đối với
vận mệnh của đất nước. Đó là điều mà hầu hết các nhà Nho yêu nước cùng thời với Phan Bội Châu
không dễ gì có thể nhận thức được. Bởi theo họ, dân là gốc của nước, nhưng để đi sâu hơn xem cái gốc
đó còn hay mất thì họ gặp phải những khó khăn nhất định. Những khó khăn đó đã ngăn cản họ, không
cho họ đi đến nhận thức được vấn đề một cách đúng đắn. Còn Phan Bội Châu đã vượt lên trên những
khó khăn đó để tiếp tục đi sâu và làm rõ vấn đề: "Dân còn hay mất là tuỳ thuộc vào dân quyền". Đây là
một trong' những biểu hiện sinh động khác về chất so với hệ tư tưởng phong kiến. Điều này đã được
Phan Bội Châu chỉ rõ như sau: "Trong đời này nếu không có ông Mạnh Tử thời cái nghĩa "Dân quý"
không sáng tỏ ra; nếu không có ông Lư Thoa thời cây cờ "Dân quyền" ai dựng lên được. Nước ta mấy
nghìn năm nay, quyền vua ngang dọc, quyền quan cũng theo đó mà tăng lên, lớn nhất không ai bằng một
người, hèn nhất không ai bằng trăm họ. . . , việc đáng thương đáng buồn cho thế đạo, còn có gì hơn cái
ấy nữa".(5) Điều đó có nghĩa là, chỉ có vất bỏ ngọn cờ quân chủ, nắm lấy ngọn cờ dân quyền thì mới
nhận thức được rằng, dân chẳng những là gốc của nước, mà còn là chủ của nước.

Nhận thức mới mẻ trên có tác dụng thức tỉnh, giác ngộ mọi người, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc,
phát huy tính tích cực, tự giác của mỗi con người vào trong mọi hoạt động chính trị, xã hội. Bởi thế, quan
tâm đến dân quyền luôn là nội dung chủ yếu, là vũ khí mới lạ trong đường lối hoạt động của Phan Bội
Châu.

Trong hoàn cảnh của nước ta lúc bấy giờ, dân quyền là một điều mới mẻ, là một giá trị nhân đạo có sức
hấp dẫn, lay động, cổ vũ mọi người đứng lên đấu tranh nên cần phải đem "hai chữ "Dân quyền" mà hò
hét trong nước, như một tiếng sấm vang, làm cho bao nhiêu giấc mơ phải tỉnh dậy, mà dân ta từ nay dần
dần mới biết mình có quyền". Thức tỉnh và giải thoát mọi người thoát khỏi ngực tối dã man, thoát khỏi
thân phận trâu ngựa để tiến bước trên con đường đi tới văn minh, tự do, "dân là chủ nước, nước là của
dân" là nhiệm vụ cơ bản của sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.

Trước thực tiễn của phong trào đấu tranh của nhân dân ta trong những năm đầu thế kỷ XX, Phan Bội
Châu là một trong những người đầu tiên sớm nhận thức được hệ tư tưởng phong kiến đã hết vai trò lịch
sử và là chướng ngại trên con đường tiến lên của dân tộc, ngọn cờ quân quyền cần phải hạ xuống để
dương cao ngọn cờ dân quyền. Trong Việt Nam quang phục quân phương lược (1912), Phan Bội Châu
đã tuyên bố và chỉ rõ cho mọi người thấy rằng: "Phải xoá bỏ chính thể quân chủ, vì đó là một chính thể
rất xấu xa . . . Chính thể Dân chủ cộng hoà là một chính thể rất tốt đẹp . . Quyền bính của nước nhà là
của chung toàn dân do nhân dân quyết định. Những dấu vết độc hại của chính thể chuyên chế không còn
nữa. Rạng rỡ thay dân tộc Việt Nam ta! Trên mặt địa cầu, Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường,
hoàn toàn tự do! Đó là một tôn chỉ tôi quan trọng" (7)

Với những bằng chứng cụ thể và sinh động của một số nước phương Tây, Phan Bội Châu đã chứng
minh cho mọi người thấy mối quan hệ mật thiết giữa dân quyền và quốc quyền. ông viết: "Nhật, Anh,
Đức, Pháp, Mỹ đều là những cường quốc, tức là đều là những nước mà dân quyền được đề cao. Hình
pháp, chính lệnh, thuế khoá, tiêu dùng đều do nghị viện quyết định, mà nghị viện thì đều do nhân dân tổ
chức nên, Chính phủ không được can thiệp vào. Hàng năm đến kỳ nghị viện họp, các nghị viên tụ tập
đông đủ, Chính phủ phải trình bày dự án trước nghị hội. Nghị hội tức là nhân dân. Những điều nhân dân
cho là phải, chính phủ không thể không làm; những điều nhân dân cho là trái, chính phủ không được
làm”.(8)

Theo Phan Bội Châu, dân quyền không thể tồn tại biệt lập với quốc quyền mà trái lại, giữa chúng có mối
quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, trong đó dân quyền luôn được ông đề cao. Theo ông, quốc quyền
không phải là một cái gì siêu tự nhiên mà thực chất là quyền lực của dân; dân tạo nên quốc quyền; "hình
pháp, chính lệnh, thuế khóa... đều do nghị viện quyết định, mà nghị viện đều do nhân dân tổ chức nên";
dân uỷ quyền cho nghị viện để thực thi quyền lực của mình - dân quyền; có dân quyền thì mới có quốc
quyền; quốc quyền phải là công cụ để phục vụ dân; dân lập ra quyền lực công cộng để bảo vệ cho cuộc
sống của mình, làm chỗ nương tựa cho mình. Quan hệ giữa trách nhiệm và quyền lợi của nhân dân với
chính phủ là quan hệ hai chiều, có đi và có lại, chứ không phải quan hệ một chiều khắc nghiệt như quan
hệ vua với tôi trong học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo từ Đổng Trọng Thư trở đi. Bởi vậy, Phan
Bội Châu cho rằng: "Chính phủ phải dựa vào nhân dân để mà được yên, nhân dân cũng nhờ vào chính
phủ mà có giá trị. Nhân dân có nghĩa vụ giám đốc chính phủ. Nhân dân mà làm tròn nghĩa vụ của mình
thì chính phủ không dám làm sai; chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ nhân dân. Chính phủ mà làm tròn nghĩa
vụ của mình, thì nhân dân không đến nỗi mất chỗ nương tựa. Chính phủ tức là chỉ đại biểu cho cả nước
mà thôi. Còn cái căn bản, cái then chốt thì toàn là ở dân". (9)

Như vậy, dân quyền là cái cốt lõi, là cái cơ sở, là cái then chốt của quốc quyền, quyền lực của nhà nước
phải là quyền lực của dân. Thể chế cộng hòa chỉ có được khi người dân là người chủ tối thượng của nhà
nước. Chính phủ trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhân dân
để cho dân quyền được tôn trọng mà không bị thoái hóa, biến chất trở thành quyền lực độc đoán của một
số cá nhân. Quyền lực nhà nước phải tập trung thì nhà nước và chính phủ, tức là cả cơ quan lập pháp
và hành pháp mới thực hiện được nghĩa vụ của mình đối với dân; còn dân phải có nghĩa vụ kiểm tra nhà
nước, giám đốc chính phủ. Chỉ có thực hiện những nghĩa vụ đó thì quốc quyền và dân quyền mới được
đảm bảo. Bởi vì, xét về thực chất, dân quyền là cơ sở, nền tảng của quốc quyền, còn nhà nước không có
quyền mà chỉ là thực hiện sự ủy quyền của dân.

Theo Phan Bội Châu, trong việc giải quyết mối quan hệ giữa chính phủ và nhân dân thì nhân dân là cái
cơ bản và then chốt. Do đó, nhân dân phải có trách nhiệm giám sát hoạt động của chính phủ, có như vậy
dân quyền mới được tôn trọng và đề cao. Phan Bội Châu cho rằng: "Bao nhiêu việc chính trị đều do công
chúng quyết định. Thượng nghị viện phải đợi Trung nghị viện đồng ý, Trung nghị viện phải đợi Hạ nghị
viện đồng ý mới được thi hành. Hạ nghị viện là nơi đa số công chúng có quyền tài phán việc của Trung
nghị viện và Thượng nghị viện. Phàm nhân dân nước ta không cứ là sang hèn, giàu nghèo, lớn bé đều
có quyền bỏ phiếu bầu cử. Trên là vua nên để hay nên truất; dưới là quan nên thăng hay nên giáng, dân
ta đều có quyền quyết đoán cả".(10) Ở đây, có thể thấy rằng, mặc dù Phan Bội Châu chưa nêu lên được
cơ chế để thực hiện mối quan hệ giữa dân quyền và quốc quyền, giữa nhà nước và nhân dân, giữa nhân
dân và chính phủ một cách rõ nét, vì nền kinh tế - xã hội của nước ta lúc bấy giờ chưa đủ điều kiện để
làm cơ sở cho việc thực hiện cơ chế đó, nhưng qua những gì đã được trình bày ở trên cũng khiến chúng
ta phải thán phục trước những yếu tố tích cực, tiến bộ trong quan niệm của Phan Bội Châu về dân
quyền.

Kể từ năm 1905 trở đi, tôn trọng và đề cao dân quyền luôn là vấn đề được Phan Bội Châu quan tâm, bởi
lẽ đây chẳng những là vũ khí mới lạ đối với Phan Bội Châu, mà còn là khát vọng cháy bỏng của dân tộc
Việt Nam, là yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Dân tộc phải độc
lập, quyền lực phải thuộc về nhân dân. Tư tưởng đó đã phát huy và tập hợp được sức mạnh của đông
đảo quần chúng nhân dân hướng vào phục vụ cho sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc và canh tân
đất nước.

Theo Phan Bội Châu, dân quyền không tồn tại biệt lập với dân trí mà trái lại, dân quyền và dân trí có mối
quan hệ mật thiết với nhau. Phan Bội Châu cho rằng: "Dân quyền được tôn trọng là do dân trí đã lên
cao... Nền cộng hòa của nước Pháp, nước Mỹ là do dân trí mà có; nền lập hiến của Nhật, Anh, Đức cũng
do dân trí mà ra".(11) Nghĩa là, nâng cao dân quyền phải đi đôi với nâng cao dân trí. Người dân phải hiểu
và biết sử dụng quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát chính phủ, phải biết đề xuất các ý kiến với nhà
nước để điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa chính sách cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, phù hợp với
yêu cầu chính đáng của mình. Đành rằng, "đã có tai thì có quyền nghe, đã có mắt thì có quyền dòm, đã
có miệng thì có quyền nói, đã có tay chân thì có quyền hành động. Nhưng mà lại có một cái quyền rất là
cao quý tức là cái quyền thẩm phán. Vị thần óc bảo rằng phải là phải. Vị thần óc bảo rằng trái là trái, điều
gì trái chúng ta nên tránh, điều gì phải thì chúng ta phải nghe theo. Vị thần óc đó là một chúa tể cho trong
toà pháp luật, người ta tự do ở trong pháp luật, ấy là chân chánh tự do; Người ta tự do ở ngoài vòng
pháp luật ấy thì không phải là chân chánh tự do".(12) Nghĩa là, tự do là nhận thức được cái tất yếu và
hành động theo cái tất yếu, vì thế mỗi bước tiến của nhận thức con người cũng chính là một bước tăng
tiến của sức mạnh và quyền lực của con người. Nhận thức rõ vấn đề này, Phan Bội Châu đã từng thốt
lên rằng: "Than ôi! Dân trí có công với dân quyền lớn vậy thay!".(13)

Theo Phan Bội Châu, dân quyền phải dựa vào dân trí. Người dân cho dù có quyền lực nhưng không có
tri thức thì làm sao đủ điều kiện để nhận thức, để bàn luận, để đề xuất để kiểm tra? Nếu có thì cũng chỉ là
hình thức mà thôi. Dân quyền phải gắn chặt với dân trí. Đó là yêu cầu vừa có tính cấp thiết, vừa có tính
lâu dài. Do đó, nâng cao dân trí là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong tư tưởng của Phan Bội
Châu. Dân quyền sẽ được đề cao trên cơ sở nâng cao dân trí. Trước thực trạng của dân trí nước nhà,
Phan Bội Châu cho rằng cần phải nhanh chóng xóa bỏ hủ tục, đổi mới giáo dục, xóa bỏ tính ỷ lại, xây
dựng "não chất độc lập", xóa bỏ sự ngu dại, sự nghi kỵ, sự chia lìa, xây dựng niềm tin trên cơ sở khoa
học để cùng hợp lực bàn tính, thực hiện những công việc chung, đấu tranh vì lợi ích chung. Bởi vì, thực
tế cho thấy, không thể có dân quyền thực sự khi người dân chưa thoát khỏi sự mê muội và tăm tối về trí
tuệ; trình độ dân trí thấp kém thì khó mà tôn trọng và đề cao dân quyền; trình độ dân trí thấp kém thì
người dân khó mà sử dụng một cách chủ động và tối đa quyền lực của mình.

Quan điểm dân quyền nói trên thể hiện yêu cầu cần phải giải phóng mọi người thoát khỏi hệ tư tưởng
phong kiến, thoát khỏi nạn "óc đói"; thức tỉnh mọi người, nâng cao trình độ và sự giác ngộ cho mọi
người; chủ động tiếp thu những giá trị tinh hoa của nhân loại, đặc biệt là tư tưởng dân chủ và dân quyền
của phương Tây. Quan điểm này còn thể hiện sự chuyển biến tích cực mới mẻ trong tư tưởng của Phan
Bội Châu, từ quân chủ sang dân chủ, từ quân quyền sang dân quyền, từ tôn quân sang tôn dân. Và, ở
một mức độ nào đó, xét theo khuynh hướng phát triển, có thể nói, từ xã hội thần dân sang xã hội công
dân.

Dân quyền gắn liền với dân trí, vì vậy nâng cao dân trí là yêu cầu sống còn của dân tộc và là xu hướng
phát triển tất yếu trên con đường đi đến văn minh, phú cường. Quyền lực của nhà nước thực chất là
quyền lực của dân. Bởi thế, pháp luật của nhà nước nếu không dựa vào trí tuệ thì chỉ là cưỡng bức thô
thiển và không thể tồn tại lâu dài được. Nếu không dựa trên trình độ dân trí thì dân quyền chỉ là hình
thức, pháp luật của nhà nước chỉ là sự áp đặt từ bên trên và bên ngoài chứ không phải do nhu cầu nội tại
của mỗi người dân trong đời sống xã hội. Theo Phan Bội Châu, hình pháp văn minh phải dựa vào giáo
dục, dựa vào trình độ dân trí thì mới lâu bền và tạo được sự tự giác từ bên trong. ông viết: "Giáo dục
cũng là cái gốc để gây dựng nền chính trị. Thuế khoá, hình pháp mọi sự đều do đó mà định". (14) Hoạt
động chính trị phải dựa trên tri thức, nâng cao trình độ học vấn của người dân là cơ sở vững chắc để xác
lập vị thế, sự sống còn, sự giàu mạnh của đất nước cũng như của mỗi người dân. Phan Bội Châu viết:
"Phàm người trong một nước mà giàu mạnh được có thể cùng thế giới tranh đua, giành sự sống còn, tất
phải lấy giáo dục làm cơ sở." (15)

Tư tưởng của Phan Bội Châu về vấn đề dân quyền cần trí tuệ, dân quyền phải đồng hành với dân trí, thể
hiện tầm nhìn chiến lược của ông trong việc xây dựng thực lực phục vụ cho sự nghiệp cứu nước, giải
phóng dân tộc. Phan Bội Châu cho rằng, dân trí lên cao thì dân quyền được tôn trọng, dân quyền được
tôn trọng thì nước mạnh. Điều đó có nghĩa là, dân trí cao thì nước mạnh, dân trí thấp thì nước yếu.
Tương đồng với tư tưởng đó, sau này, Hồ Chí Minh có quan điểm: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".

Dân quyền, dân trí, văn minh của nước nhà là một thể thống nhất không thể chia cắt và có mối quan hệ
mật thiết với nhau. Nước Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình.

Trí tuệ cần phải được nâng lên thông qua con đường giáo dục. Bởi vì, "dân là chủ nước, nước là của
dân". Với khẳng định đó, Phan Bội Châu tin tưởng rằng: "Sau khi duy tân rồi, thì dân trí sẽ mở mang, dân
khí sẽ lớn mạnh, dân quyền sẽ phát đạt; vận mệnh nước ta do dân ta nắm giữ".(16) Nâng cao dân trí
cũng là giải pháp để đòi lại dân quyền. Vậy làm thế nào để nâng cao dân trí? Theo Phan Bội Châu, giáo
dục là cái gốc để gây dựng nền chính trị, là khuôn đúc người, là biện pháp hữu hiệu nhất, là phương
thuốc tốt nhất để nâng cao trình độ dân trí. Vì thế, xã hội phải quan tâm đến giáo dục, giáo dục là quyền
được học của người dân. Phan Bội Châu viết: "Mọi việc mà dân ta cần học đều mời thầy, mở trường để
cho người nước ta bất kỳ giàu nghèo sang hèn, trai gái hễ từ năm tuổi trở lên, thì vào học ở trường ấu trĩ
viện; để chịu sự giáo dục của bậc ấu trĩ; tám tuổi trở lên, thì vào học ở trường tiểu học, để chịu sự giáo
dục của bậc tiểu học; mười bơn tuổi trở lên, thì vào học ở trường trung học, để chịu sự giáo dục của bậc
trung học; đến tuổi mười tám thì tài chất đã khá, thì vào trường cao đẳng, để chịu sự giáo dục của
trường cao đẳng chuyên nghiệp". (17)

Nhận thức được rằng, tri thức đem lại quyền lực và sức mạnh cho con người, còn học tập được coi là sự
tạo lập quyền lực của người dân, Phan Bội Châu cho rằng, mọi người trong nước ai cũng phải đi học, chi
phí học tập cho mọi người đều do nhà nước và xã hội gánh chịu; nội dung giáo dục phải gắn với cuộc
sống, phải hướng đến bồi dưỡng lòng yêu nước, khai dân trí, giúp dân quyền. Giáo dục phải giúp cho
con người làm chủ vận mệnh của nước nhà, chứ không phải giống như nền giáo dục đương thời mà
thực dân Pháp thực hiện ở nước ta nhằm biến người dân Việt Nam thành những con trâu, con ngựa
ngoan ngoãn những tên nô lệ mắt mù, tai điếc, chân tay tê liệt, những kẻ chỉ biết cúi đầu phục tùng.
Quan niệm này của Phan Bội Châu không những có tác dụng lay động, thức tỉnh nhân dân ta, mà còn
dấy lên các phong trào Duy tân, Đông du hoạt động khá sôi nổi ở nước ta, trong hai thập niên đầu của
thế kỷ XX. Nó còn đáp ứng được khát khao cháy bỏng về một nước Việt Nam mới do người Việt Nam
làm chủ.

Theo Phan Bội Châu, dân quyền là quyền lực và nhu cầu của người dân, là giá trị của con người cần
phải được khẳng định bằng các văn bản nhà nước nhằm đảm bảo và tăng cường hiệu lực thực hiện. Do
đó, Phan Bội Châu thấy rằng, cần phải có một bản Hiến pháp của nước Việt Nam. Năng 1929, ông đã
soạn thảo xong bản Hiến pháp đó. Tiếc rằng, bản Hiến pháp này được soạn thảo trong điều kiện nước
nó chưa giành được độc lập. Song, điều đáng nói ở đây chính là sự nhạy cảm trong tư duy chính trị -
pháp lý của Phan Bội Châu so với những người cùng thời ông. Tóm lại, mặc dù có những hạn chế nhận
định, nhưng quan niệm của Phan Bội Châu về dân quyền chứa đựng một nội dung kỳ phong phú và đặc
sắc. Quan niệm đó góp phần đưa trình độ nhận thức của dân tộc ta chuyển biến và phát triển lên mà
bước mới, đồng thời để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

(1) Phan Bội Châu. Toàn tập, t.2. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990, tr.89.

(2) Phan Bội Châu. Sđd., t.4. tr.89.

(3) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.261.

(4) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.286.

(5) Phan Bội Châu. Sđd., t.4. tr.32.

(6) Phan Bội Châu. Sđd., t.4. tr.32.

(7) Phan Bội Châu. Sđd., t.3. tr.135.

(8) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.357.

(9) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.387.

(10) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.255 - 256.

(11) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.391 - 392.

(12) Phan Bội Châu. Sđd., t.4. tr.60.

(13) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.392.

(14) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.261.

(15) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.525 - 526.

(16) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.255.

(17) Phan Bội Châu. Sđd., t.2. tr.262.

Nguồn: Tạp chí Triết học

Quan niệm của Phan Bội Châu về bản tính của con người
Nguyễn Văn Hòa
Tạp chí Triết học

Trong truyền thống tư tưởng của dân tộc Việt Nam, vấn đề con người luôn gắn liền với vấn đề dân tộc.
Đặc biệt, mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy thì sự cố kết đó càng trở nên bền chặt hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, con
người là yếu tố quyết định trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối và phát
huy truyền thống đó, Phan Bội Châu - nhà tư tưởng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong khoảng hai
chục năm đầu của thế kỷ XX đã để lại dấu ấn khá đậm nét về vấn đề con người trong lịch sử tư tưởng
của dân tộc. "Cùng thời với Phan Bội Châu, không thấy ai đả động tới vấn đề con người nhiều bằng Sào
Nam, riêng điều ấy cũng chứng tỏ rằng tư tưởng của cụ Phan rõ cao hơn tư tưởng nhiều bạn đồng chí
của mình".

Một nội dung có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề con người là vấn đề bản tính của con người. Vấn đề
này đã được đặt ra từ thời cổ đai. Là nhà Nho yêu nước thấm nhuần truyền thống nhân nghĩa của dân
tộc, Phan Bội Châu cơ bản nhất trí với quan điểm của Mạnh Tử về vấn đề bản chất của con người, đó là:
"Bản tính con người là thiện", là "thiên lương". Tuy thống nhất với Mạnh Tử như vậy, nhưng không phải
Phan Bội Châu không có cách kiến giải độc đáo riêng của mình về vấn đề đó. Khi đưa ra căn cứ để lý
giải tính bản thiện của con người, Phan Bội Châu cũng nêu ra bốn thuộc tính bẩm sinh vốn có hay bốn
đầu mối của thiện, đó là: lòng thị phi (biết phải, trái), lòng tu ố (biết hổ thẹn), lòng tự nhượng (biết cung
kính), lòng trắc ẩn (biết xót thương). Bốn thuộc tính đó được gọi là "tứ đoan", hay "thiện đoan” để giải
thích bản tính của con người. Điều đáng quý là cách lý giải của Phan Bội Châu chứa đựng một tấm lòng
yêu nước thiết tha, một khát vọng cháy bỏng vì độc lập, tự do cho đất nước, một niềm tin mãnh liệt vào
lương tâm và trí tuệ của con người Việt Nam mỗi khi nó được đánh thức bởi nghĩa lớn của quốc gia. Ở
Phan Bội Châu, bốn đầu mối của thiện luôn luôn hướng đến nghĩa lớn. Bởi thế, vì một lý do nào đó mà
chúng ta đau thương nhất, vì lòng thiện mất thì nghĩa lớn không thành và nước sẽ mất. Phan Bội Châu
viết: “Vì lợi ích chăm đua riêng để quên người khác mà lòng thị phi chế! Vì cầu an nhịn nhục mà lòng tu ố
chết. Tranh nhau từng sợi tơ tóc mà lòng tự nhượng chết. Quên cái vạ chủng tộc mà lòng trắc ẩn chết.
Mà mỗi khi lòng đã chết rồi thì đoàn thể làm sao có thể kết được? Nghĩa lớn làm sao có thể nêu cao
được? Quyền công do lợi riêng mà phá hoại. Cái lo xa do lợi gần nước mắt che đậy".

Theo Mạnh Tử, bản tính của con người là thiện, vì ai cũng có tâm. Tâm là cái chủ đạo điều khiển mọi
hành vi của con người. Tâm ta tỏ là nhờ có "lương năng" (cái người ta sinh ra không cần học mà hay và
"lương tri " (cái người ta sinh ra không cần suy nghĩ mà biết). Do đó, con đường, biện pháp và mục đích
của nhận thức là tận tâm, tri tính, tri thiên. Còn đối với Phan Bội Châu thì sao? Ông không đề cập đến
"lương tri, lương năng" mà nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục, rèn luyện, đến sức mạnh của sự đoàn
kết vì lợi ích chung của dân tộc, để tồn tầm dưỡng tín. Phan Bội Châu cho rằng chữ "tâm" phải luôn luôn
đi liền với chữ “đồng” và điều cốt yếu của tâm là đồng lòng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ông nhắc nhở mọi người rằng: "Chữ "tâm" cốt phải ai ai cũng đồng". Đồng tâm vì nghĩa lớn của dân tộc
trở thành một yêu cầu ghi lòng tạc dạ đối với mọi người Việt Nam và hơn thế nữa, ai ai cũng phải có
tránh nhiệm vun đắp cho sự đồng tâm đó.

Theo Mạnh Tử, bản tính của con người được toát ra 'từ các hành vi xử sự lấy nhân, nghĩa, lễ, trí làm
gốc. Bốn chuẩn mực này là cái vốn có do trời phú cho nên còn gọi lả "thiên lương". Phan Bội Châu cũng
thừa nhận bốn chuẩn mực đó có trong nhân tính. Nhưng đối với Phan Bội Châu, phạm trù "nhân" không
chỉ là yêu thương người, coi người như mình, tôn trọng nguyên tắc của xã hội, mà còn bao chứa nhiều
mặt, nhiều yếu tố phong phú và mang một ý nghĩa tích cực, sâu sắc. Bởi lẽ , lòng yêu thương con người
phải hướng đến lòng yêu nước thương nòi. Lông yêu nước chẳng những là phẩm chất cao quý của con
người mà còn là trách nhiệm và mục đích của mọi suy nghĩ và hành động của con người. Trong "Hoà lệ
cống ngôn" (1907), Phan Bội Châu viết: "Lấy nhiệt thành làm chính, lấy yêu nước làm mục đích, nhóm
họp đoàn thể, trao đổi tri thức, phục tùng công lý, sứa đạo đức công dân, lập giao ước công dân, xướng
quyền lợi công dân, giúp đỡ nhau, thương yêu nhau, không ghét nhau, không lừa dối nhau, không khinh
khi nhau”.

Trong tác phẩm "Tạp ký", ông còn tiếp tục vạch rõ lòng yêu nước thương nòi là mục đích, bởi nó là
nguồn gốc của tự do, độc lập, bình đẳng và tự cường. Như chúng ta đã biết, vấn đề tự do, bình đẳng là
mục tiêu của giai cấp tư sản đã nêu lên nhưng không thực hiện được. Ở đây, Phan Bội Châu đã đưa ra
mục tiêu đó và cho rằng nó trở thành yêu cầu và khát vọng không thể thiếu được trong mỗi con người
Việt Nam. Điều đó chứng tỏ rằng trong khi phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, Phan Bội Châu
còn biết tiếp thu những yếu tố tích cực trong các trào lưu tư tưởng phương Tây, trong đó có tư tưởng tự
do và bình đẳng. Sẵn có một tấm lòng yêu nước thiết tha, Phan Bội Châu đã sớm có cảm tình và say mê
với những tư tưởng của Môngtexkiơ và Rútxô.

Đối với Phan Bội Châu, lòng yêu nước không phải là một cái gì hư vô, trừu tượng, mà nó được bắt
nguồn từ những cái rết gần gũi, rất cụ thể và rất đỗi chân thật đối với mỗi người. Chính ông dã tự đặt câu
hỏi và trả lời câu hỏi đó một cách tự nhiên và giản dị như mạch sống của chính mình: "Ôi! Nước là gì? Là
họp người mà thành, họp ức triệu người lại mà thành.

Yêu nước là tính gì? Là suy cái lượng yêu mình, yêu nhà mà thành vậy.
Nước còn thì nhà còn, nước mất thì nhà mất. Nước vốn là đầu não của mình ta, nền tảng của ta vậy...

Người biết có mình thì ắt yêu mình, yêu nước tức là cái hình ảnh yêu mình phóng đại ra vậy.

Người đã có mình, có nhà thì đều có trách nhiệm yêu nước”.

Như vậy, yêu người là cơ sở nền tảng của yêu nước, yêu mình, yêu nhà. Chúng gắn bó chặt chẽ với
nhau, hoà nhập vào nhau một cách tự niên. Chúng vừa đồng nghĩa với nhau, lại vừa là nguyên nhân và
kết quả của nhau. Vì thế, triết lý của cuộc sống là nước mất thì nhà tan, cứu nước cũng là cứu nhà và
cũng là tự cứu lấy mình, giải phóng dân tộc thoát khỏi gông xiềng nô lệ cũng chính là tự giải phóng cho
mình. Lòng yêu thương con người đến mức như thế quả là đặc sắc và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao
cả trong truyền thống dân tộc Việt Nam. Quan điểm này có tác dụng kích thích tính năng động chủ quan
của mỗi con người và củng cố thêm những giá trị bền vững, những tinh hoa vun đắp nên qua hàng ngàn
năm lịch sử của dân tộc.

Từ lòng yêu thương phát triển thành lòng yêu nước thương nòi cũng là vì nghĩa cả của dân tộc. Phan Bội
Châu viết: "Hiểu được nghĩa đồng bào thì quốc gia càng thêm đầy đủ, mà ngày càng mạnh thêm. Đã biết
đồng quốc là đồng bào thì biết hạnh phúc của người cùng nước, tức là hạnh phúc của đồng bào ta, tức
là hạnh phúc của bản thân ta. Hạnh phúc của bản thân ta, chỉ khi nào tất cả đồng bào đều sung sướng,
khi đó mới có thể nói hạnh phúc chân chính của ta được. Vì cả đồng bào mà mưu hạnh phúc thì dù có hy
sinh bản thân cũng không nên tiếc. Không phải như thế lả không thương tiếc thân ta, mà chính ra rất
thương tiếc thân ta đấy. Vì hạnh phúc đã khắp đồng bào thì bản thân ta khoái lạc và vinh quang mới rất
mực vậy. Bởi thế cho nên những người đã rất yêu bản thân thì rất yêu đồng bào, mà đã rất yêu đồng bào
tất yêu quốc gia, mà đã thật yêu quốc gia tất hy sinh vì quốc gia mà bỏ hết sự tư lợi của mình, đem hết
sức mình ra bảo vệ tổ quốc. Nghĩa đồng bào thực là nguyên khi của quốc gia vậy. Ở đây, yêu nước là
yêu đồng bào, yêu mình, lợi ích của quốc gia phải gắn liền với lợi ích của đồng bào và của bản thân. Như
vậy, trong quan niệm của Phan Bội Châu, con người vừa có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Tổ quốc và
đồng bào, lại vừa tự ý thức được về mình - để tự mình quan tâm và giải quyết những vấn đề do cuộc
sống đặt ra, tự mình vươn lên thích ứng với hoàn cảnh.

Coi trọng nhân nghĩa là đạo lý truyền thống Việt Nam. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa của giá trị truyền thống
đó, Phan Bội Châu, một mặt, khuyến khích mọi người làm những điều nhân ngay đối với mình, đối với
gia đình và đối với xã hội, mặt khác, ông còn khuyên mọi người phải có trách nhiệm thực hiện tốt nghĩa
vụ của mình vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của dân tộc, trong đó có cả gia đình và cá nhân. Người có
nghĩa lớn là người dám chấp nhận hy sinh cho sự sống còn của dân tộc. Đối với Phan Bội Châu, nghĩa
đồng bào chẳng những là nguyên khí của quốc gia mà còn là thiên chức của con người Việt Nam. Đó là
vốn quý của con người Việt Nam và là một trong những nguồn cội tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt
Nam.

Nhân tính là yêu nước, nhân tính là nghĩa đồng bào, nhân tính là trí tuệ , nhân tính là bình đẳng. Ngay
trong tác phẩm "Tạp ký", Phan Bội Châu đã giải thích sự bình đăng là một thuộc tính tự nhiên vốn có của
con người, nên mọi người sinh ra đều có địa vị như nhau, do đó, không ai được tự đặt mình lên trên
người và phân biệt đối xử giữa các hạng người. Ông viết: “Trời sinh ra người, có hình thể như nhau, có
tính tình như nhau, ta không dám cậy mình là thánh thần mà bỏ những lời nói hay của người, ta không
dám cậy khôn ngoan mà bỏ những nết tốt của người. Đấy là bụng nghĩ bình đẳng đã có mầm mống rồi
đấy, duy người ta giẫm đạp lên mà không biết đấy thôi".

Như vậy, ta thấy rằng, tư tưởng trên của Phan Bội Châu đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của quan niệm dân
chủ tư sản phương Tây.

Theo Phan Bội Châu, nguồn gốc và tôn chỉ của tự do là lòng yêu nước thương nòi. Vì thế, tự do là lẽ
phải, là nhu cầu chính đáng của con người, tự do là cái lý mà không một thế lực nào có thể ràng buộc và
ngăn cản nổi.

Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được tự do vì đó là một việc làm đầy nhân tính và hợp với đạo lý.
Còn những kẻ đi tước đoạt tự do của người khác thì sớm hay muộn sẽ bị tiêu diệt vì đó là những kẻ nát
nhân tính, phi đạo lý. Với Phan Bội Châu, tự do vừa là đạo lý, vừa là khát vọng của con người, nên lẽ
đương nhiên là người Việt Nam không bao giờ chấp nhận làm thân phận của kẻ nô lệ, mà trái lại, phải
vùng dậy đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Có thể nói rằng tư tưởng về tự do như vậy đã góp phần
thắp sáng lên niềm tin mãnh liệt và tinh thần quật cường của dân tộc, vào sức mạnh của chính nghĩa và
làm bùng lên khát vọng tự do vốn âm ỉ, nung nấu trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Tuy nhiên,
do ảnh hưởng của Nho giáo nên Phan Bội Châu thường nhấn mạnh tự do là hành động theo các quy tắc,
chuẩn mực đạo đức - gần với khuôn phép của lễ giáo phong kiến.

Đến đây, chúng ta có thể thấy rõ nội hàm của khái niệm "thiên lương" trong quan niệm của Phan Bội
Châu không chỉ bó hẹp trong chuẩn mực nhân, nghĩa, lễ , trí, mà nó được mở rộng, đào sâu và được
nâng lên bởi các chuẩn mực giá trị mới trên cơ sở tiếp thu những yếu tố tích cực của tư tưởng tư sản
phương Tây, của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam và của Nho giáo. Bên cạnh con người cộng
đồng, còn có con người cá nhân. Giữa con người cộng đồng và con người cá nhân có quan hệ mật thiết
với nhau. Quan niệm này đã có ý nghĩa tích cực trong việc phát hiện và huy động sức mạnh vốn có của
con người Việt Nam vào sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc. Song, đáng tiếc là Phan Bội Châu chưa
đủ điều kiện để vươn lên tiếp nhận ánh sáng của quan điểm macxít về bản chất của con người, mà trong
"Luận cương về phoiơbắc", C.Mác đã viết: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà
những quan hệ xã hội”. Phan Bội Châu chưa lý giải được bản chất xã hội của con người, chưa vạch ra
được nguyên nhân xã hội là nguyên nhân sâu xa nhất, cơ bản nhất tạo ra nỗi bất hạnh của con người,
hay chưa thấy đấu tranh giai cấp là để đi đến giải phóng loài người thoát khỏi áp bức và là một trong
những động lực thúc đây sự phát triển của xã hội có giai cấp. Cũng qua đầy, chúng ta nhận thấy: "Thuyết
thiên lương của Phan Bội Châu phản ánh lòng tin mãnh liệt vào tinh thần dân tộc của đồng bào, vào khả
năng cách mạng của nhân dân. Nhưng đây cũng là một nhược điểm của Phan Bội Châu: cụ không biết
hay không muốn biết rằng nếu có những tầng lớp xã hội triệt để yêu nước và cách mạng nào cũng có
những tầng lớp xã hội khác lừng chừng đối với kẻ xâm lược, và lại còn kẻ dù là người Việt Nam vẫn ôm
chân bọn thực dân ngoại quốc. Cụ không biết giai cấp và đấu tranh giai cấp là gì, quan hệ với cuộc cách
mạng giải phóng dân tộc như thế nào, cho đến đỗi cụ cho rằng bọn Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân "cũng
còn có lương tâm yêu nước". Dưới góc độ ấy thuyết ‘thiên lương" trở thành hàm hồ, nguy hiểm". Chính
điều này đã được Phan Bội Châu thừa nhận trong "Lời tự phán": Đối đãi với người quá chừng thật,
thường bảo trong thiên hạ không một người nào không tin được. Đó là tội vì không cơ cảnh quyền thật”.

Những hạn chế trên đây không làm mất đi nét riêng biệt đặc sắc trong tư tưởng của Phan Bội Châu về
bản tính của con người. Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là truyền thống nhân nghĩa của dân
tộc, trên cơ sở tiếp thu những yếu tố tích cực trong các trào lưu triết học phương Tây, P han Bội Châu
cho rằng, bản tính con người là "thiên lương". Hàm chứa trong khái niệm "thiên lương" là những dấu hiệu
cơ bản mà ở đó, ngoài dấu hiệu trước đây Nho giáo đã từng nêu lên, còn có những dấu hiệu mới như tự
do, bình đẳng... Tất cả những dấu hiệu đó đều thấm đượm chủ nghĩa yêu nước, đều hướng tới một mục
đích chung là khơi đậy và phát huy nguồn sức mạnh của con người Việt Nam vào sự nghiệp cứu nước
giải phóng đồng bào. Bởi vậy "thiên lương" ở đây vừa mang đậm giá trị truyền thống, lại vừa phong phú
và hiện đại hơn so với quan niệm trước đây.
Nguồn: Tạp chí Triết học

You might also like