You are on page 1of 2

Ukraina "gây hấn" với Nga

Cuộc xung đột Nga-Gruzia và việc Ba Lan chấp nhận cho Mỹ triển khai một phần “lá chắn tên
lửa” trên lãnh thổ nước này dường như chưa phải là giới hạn cuối cùng trong căng thẳng giữa
Nga và phương Tây. Ukraina, quốc gia láng giềng của Nga, đang khao khát gia nhập Tổ chức
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gần đây liên tục có những động thái khiêu khích Mát-
xcơ-va.

Cuối tuần rồi, Ukraina tuyên bố sẽ tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.
Ngoài ra, Kiev còn cho biết sẽ mở cửa Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa cho các đối tác châu Âu
và những cường quốc khác. Theo Tổng thống Viktor Yushchenko, Ukraina phải bảo vệ chủ
quyền quốc gia thông qua hình thức an ninh tập thể, và có như vậy mới “ngăn chặn được các
hành động tương tự như ở Gruzia vừa qua”. Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa trước đây do
Ukraina và Nga hợp tác vận hành nhưng Quốc hội Nga hồi đầu năm nay đã quyết định rút ra để
phản đối việc Kiev nộp đơn xin gia nhập NATO.

Nhưng gây khó chịu nhất cho Mát-xcơ-va có lẽ là việc Kiev cố tình gây khó dễ cho Nga trong
cuộc chiến với Gruzia, một đồng minh thân cận của Ukraina. Ngày 15-8, ông Yushchenko cho
biết vừa đề nghị Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhanh chóng tái đàm phán về việc Nga thuê
cảng Sevastopol của Ukraina làm căn cứ cho Hạm đội Biển Đen. Hai ngày trước đó, Tổng thống
Yushchenko đã ký sắc lệnh yêu cầu Hạm đội Biển Đen phải xin phép Ukraina ít nhất 72 giờ
trước khi tàu chiến hoặc máy bay Nga đi ngang biên giới Ukraina. Trong “Cuộc chiến 5 ngày”
với Gruzia, Nga điều 4 tàu chiến của Hạm đội Biển Đen tới Gruzia và đánh chìm 1 tàu của
Gruzia (Tbilisi nói rằng có tới 3 tàu của họ bị đánh chìm). Kiev đòi Hạm đội Biển Đen phải xin
phép trước 10 ngày nếu muốn đưa những tàu chiến từ Gruzia trở lại Sevastopol. Bộ Ngoại giao
Nga gọi đây là “những bước đi chống Nga” trong khi Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích những quyết
định trên là “không nghiêm túc”. Theo thỏa thuận giữa hai nước, Nga có quyền sử dụng cảng
Sevastopol làm căn cứ cho Hạm đội Biển Đen cho tới năm 2017.

Quan hệ Nga-Ukraina bắt đầu “cơm chẳng làm, canh chẳng ngọt” từ sau cuộc Cách mạng cam
đưa phe thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev đầu năm 2005. Với lý do không đạt được thỏa
thuận về giá, Nga đã quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina đúng vào ngày đầu tiên của
năm 2006, làm rúng động cả châu Âu (Nga đáp ứng 1/4 nhu cầu khí đốt của châu Âu và Ukraina
là điểm trung chuyển quan trọng). Tháng 3 năm nay, Nga lại cắt giảm phân nửa lượng khí đốt
cung cấp cho Ukraina. Trong cuộc gặp người đồng cấp Ukraina hồi đầu tháng 6-2008, Tổng
thống Nga Medvedev cảnh báo Ukraina không được trục xuất Hạm đội Biển Đen ra khỏi
Sevastopol, đồng thời cho biết sẽ tăng gần gấp đôi giá khí đốt bán cho Ukraina từ đầu năm tới.
Mát-xcơ-va nói rằng việc tăng giá nhiên liệu là theo giá thị trường, trong khi Kiev và phương
Tây chỉ trích Nga sử dụng khí đốt như một thứ “vũ khí chính trị”.

LÊ DÂN (Theo AFP, BBC)

Nga sẽ ủng hộ Crimea độc lập ?


Quốc hội khu vực tự trị Crimea ngày 17-9 đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính quyền trung
ương Ukraina theo chân Nga và Nicaragua công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và
Abkhazia, hai tỉnh ly khai của Gruzia. Nghị quyết này không có giá trị pháp lý gì đối với Quốc
hội Ukraina, nhưng nó làm dấy lên lo ngại rằng “hiệu ứng độc lập” sẽ lan sang Ukraina, mà cụ
thể là tại Crimea, nơi đảng “Các khu vực” thân Nga chiếm đa số áp đảo trong cơ quan lập pháp.

Chính quyền Ukraina và phương Tây gần đây bày tỏ lo ngại Nga có thể hậu thuẫn Crimea tuyên
bố tách khỏi Ukraina như trường hợp Nam Ossetia và Abkhazia. Kiev tố cáo Mát-xcơ-va đang bí
mật cấp hộ chiếu Nga cho các công dân Ukraina sinh sống tại Crimea, và chuẩn bị khả năng can
thiệp quân sự trong trường hợp Crimea bị chính quyền trung ương Ukraina tấn công. Theo một
nhà ngoại giao Ukraina, Mát-xcơ-va có thể đã cấp giấy thông hành cho khoảng 180.000 người ở
Crimea.

Crimea nằm trên bán đảo cùng tên ở phía Bắc của Biển Đen, có diện tích 26.000 cây số vuông,
dân số khoảng 2,5 triệu người, trong đó dân gốc Nga chiếm hơn phân nửa và cộng đồng nói tiếng
Nga chiếm 80%. Crimea có cảng Sevastopol, nơi Hạm đội Biển Đen gồm 20.000 quân của Nga
đồn trú với chi phí thuê trung bình mỗi năm khoảng 93 triệu USD.

Bán đảo Crimea nói chung và Sevastopol nói riêng có vị trí vô cùng quan trọng đối với quân đội
Nga, do chỉ nằm cách eo biển Bosphore đi ra Địa Trung Hải bằng một ngày đi tàu. Các nhà phân
tích cho rằng nếu để mất căn cứ hải quân Sevastopol thì vai trò của Nga trên Biển Đen sẽ suy
giảm, khu vực Kavkaz trong tầm ảnh hưởng truyền thống của Nga sẽ không còn kiểm soát được,
và như vậy, hải quân Nga càng khó có thể vươn ra Địa Trung Hải cùng tranh hùng với các cường
quốc bên ngoài. Theo Hiệp ước Hữu nghị ký kết năm 1997 giữa Nga và Ukraina, Hạm đội Biển
Đen sẽ rời khỏi Sevastopol vào năm 2017. Và người ta tin rằng, dưới sức ép của Washington,
Kiev sẽ không cho phép Mát-xcơ-va tiếp tục thuê căn cứ hải quân này nữa.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quyết tâm gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
(NATO) của Ukraina có thể dẫn đến việc Nga không có con đường nào khác ngoài việc tìm mọi
cách duy trì sự hiện diện tại Sevastopol. Nếu Kiev xử lý không khéo léo thì kịch bản ở Nam
Ossetia có thể sẽ được lặp lại tại Crimea.

PHÚC NGUYÊN (Theo Reuters, Le Point, CRI)

You might also like