You are on page 1of 18

Trần Hữu Quang XHDS

Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội, số 4 (140), 2010, trang 10-23.
 

Hướng đến một khái niệm khoa học


về xã hội dân sự 
Trần Hữu Quang*
TÓM TẮT
Ở Việt Nam gần đây, cách hiểu về khái niệm "xã hội dân sự" thường chịu ảnh
hưởng bởi những định nghĩa của một số tổ chức quốc tế. Khái niệm này có lúc
được hiểu như đồng hóa với các hiệp hội và tổ chức xã hội, có lúc được coi
như một mô hình tổ chức xã hội dân chủ, tốt đẹp, và lý tưởng, nhưng cũng có
những tác giả lại coi đây như một "khu vực thứ ba", hoặc như một "đối tác"
của nhà nước. Bài viết này đưa ra một quan niệm khoa học về "xã hội dân sự",
xét như một khái niệm khoa học có thể và cần được sử dụng trong việc phân
tích lý thuyết đối với thực tiễn xã hội Việt Nam ngày nay.
 
 
Trước đây tại các nước xã hội chủ nghĩa, thuật ngữ "xã hội dân sự" hầu
như rất hiếm khi được các nhà khoa học xã hội nhắc tới. Ngay cả ở Nga, mãi
cho tới cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, giới nghiên cứu mới bắt đầu
đề cập tới khái niệm này (xem Narozhna, 2004).
Ở Trung Quốc, thuật ngữ "civil society" thường được dịch là "xã hội công
dân". "Xã hội công dân đang dần có một vai trò quan trọng trong đời sống xã
hội Trung Quốc và nó cũng là một chủ đề thu hút sự thảo luận rộng rãi trong
giới học thuật của nước này" (xem Phùng Thị Huệ, 2007, tr. 25). Chen Kuide,
một tác giả người Trung Quốc, định nghĩa "xã hội công dân bao gồm cả 'các xí
nghiệp tư, các đại học, báo chí, công đoàn, giáo hội, và tất cả các tổ chức đứng
độc lập với guồng máy nhà nước'."[1]
Nhưng ở Trung Quốc cũng có một quan niệm khác về xã hội công dân so
với định nghĩa của Chen Kuide : "'Xã hội công dân' – một bộ phận nằm ngoài
nhà nước và thị trường, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối người
dân. Với cách thức tổ chức nhỏ gọn, linh hoạt cũng như có khả năng huy động
sáng kiến và nguồn lực của người dân nhằm phục vụ xã hội, 'xã hội công dân'
có tầm quan trọng chiến lược trong quá trình tìm kiếm 'con đường trung dung',
hay cách thức tránh sự quá phụ thuộc vào Nhà nước và thị trường để giải quyết
các vấn đề kinh tế-xã hội nghiêm trọng đang tồn tại hiện nay. (…) Từ những
thay đổi quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội do các biện pháp
cải cách mang lại, các tổ chức công dân ở Trung Quốc bắt đầu phát triển nhanh
trong thập niên 80 của thế kỷ XX. Các tổ chức công dân vốn bị kiểm soát triệt
để nhằm phục vụ mục tiêu của nhà nước trước cải cách, đến nay đã bắt đầu có
được sự tự chủ tương đối và hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy các lợi ích của
xã hội" (Phùng Thị Huệ, 2007, tr. 25 và 29).
Do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong vòng 20 năm qua, nên nhiều nhà
nghiên cứu Trung Quốc cho rằng sự thay đổi về cấu trúc của xã hội chính là kết
quả của những cuộc cải tổ trong lĩnh vực kinh tế (Li Peilin, 2008, tr. 85).
Rebecca Moore cho rằng "những thay đổi gần đây trong mối quan hệ giữa nhà
nước và xã hội ở Trung Quốc, trong đó có sự trỗi dậy của các hiệp hội hoặc tổ
chức xã hội mới (shehui tuanti) phần lớn đều là sản phẩm của những cải cách
kinh tế vốn được khởi xướng bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bắt
đầu từ cuối thập niên 1970" (Moore, 2001).[2]
Tình hình ở Việt Nam, nhìn một cách tổng quát, do bối cảnh lịch sử chính
trị-xã hội, cũng phần nào tương tự như tình hình ở Trung Quốc (xem thêm
Nguyễn Ngọc Giao, 2009). Sau hai bài viết điểm lại một số quan niệm cổ điển
cũng như một số quan niệm đương đại trên thế giới về khái niệm xã hội dân sự
(xem Trần Hữu Quang, 2009a và 2009b), trong bài này, chúng tôi muốn điểm
lại một số quan niệm về xã hội dân sự ở Việt Nam trong những năm gần đây,
và sau đó thử đề xướng một quan niệm xã hội học về xã hội dân sự.
1. Những quan niệm về xã hội dân sự ở Việt Nam
Ở Việt Nam, có tác giả thì cho là xã hội dân sự đã có từ lâu, nhưng cũng có
tác giả lại cho rằng xã hội dân sự chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Đặng Ngọc
Dinh viết như sau : "Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy xã hội dân sự đã tồn
tại ở Việt Nam từ rất lâu. Nói nôm na, đó là các tổ chức xã hội nằm ngoài nhà
nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia
đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích
chung. Như vậy, thành phần quan trọng của xã hội dân sự là các hội, hiệp hội
trong dân chúng, trong làng xóm, mang tính chất liên kết cộng đồng" (Đặng
Ngọc Dinh, 2006, tr. 14).
Nhưng Nguyễn Quân thì lại cho rằng "ở Việt Nam, xã hội công dân hầu
như chưa xuất hiện dù đã có mấy chục năm thuộc địa 100% ở Nam Kỳ, chế độ
cộng hòa phụ thuộc Mỹ cũng như những thập niên xây dựng xã hội chủ nghĩa ở
miền Bắc" (Nguyễn Quân, 2006).
Xã hội dân sự đã có mặt ở Việt Nam từ khi nào, với hình hài thế nào, các
loại hội trong làng xã cổ truyền có nằm trong khái niệm xã hội dân sự hay
không... đó là những vấn đề thuộc về một chủ đề khác nằm ngoài tiêu điểm của
bài này. Tuy nhiên, ít ra chúng ta có thể đồng ý với một nhận xét chung như
sau : "Kể từ khi đổi mới, nhất là từ cuối những năm chín mươi đến nay, cùng
với sự lớn mạnh của thị trường và những điều chỉnh của nhà nước, xã hội dân
sự bắt đầu phát triển mạnh mẽ với nhiều tổ chức ra đời" (Lê Bạch Dương,
2008).
Nguyễn Thanh Tuấn nhận định như sau : "Ở Việt Nam, cho đến nay, mặc
dù các văn kiện Đảng và nhà nước chưa trực tiếp nêu khái niệm 'xã hội dân sự'
hay 'xã hội công dân', song trên thực tế, ở mức độ nhất định, Đảng và nhà nước
đã bước đầu chú ý đến việc xây dựng các thể chế và cơ sở pháp lý của xã hội
dân sự. (…) Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế đã, đang thúc
đẩy sự hình thành, phát triển nhiều ý kiến, thậm chí luồng tư tưởng khác nhau
trong xã hội về vai trò của các tổ chức dân sự trong mối quan hệ với Đảng
Cộng sản và nhà nước pháp quyền" (Nguyễn Thanh Tuấn, 2007). Trần Ngọc
Hiên cũng đưa ra một nhận xét tương tự : "Trên thực tế, hiện nay đã hình thành
rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự như các hội, các ngành kinh tế, các lĩnh vực
khoa học và công nghệ, các lĩnh vực dịch vụ. Sự thực, một khuôn mặt xã hội
dân sự kiểu mới ở nước ta đang hình thành, có thể coi đó là bước tiến của nền
dân chủ, khác về bản chất với xã hội trước đổi mới. Tuy vậy, về mặt thể chế,
phạm trù xã hội dân sự chưa được xác định trong văn bản, tức là chưa dám đặt
viên gạch thứ ba (là xã hội dân sự) tạo cơ sở đầy đủ cho mối quan hệ thể chế
kinh tế chính trị nước ta" (Trần Ngọc Hiên, 2008).
Về yêu cầu hình thành xã hội dân sự, hầu hết các tác giả đều nhấn mạnh
tới điều này như một yêu cầu cấp thiết đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Phan
Xuân Sơn nói như sau : "Chúng ta từ lâu nêu khẩu hiệu : 'Dân biết, dân bàn,
dân kiểm tra', 'Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ'... Nhưng nếu dân chỉ là
những cá thể đơn độc thì không thể biết, bàn, cũng chẳng thể kiểm tra, làm chủ.
Nếu người dân tập hợp lại trong các hội đoàn của xã hội dân sự thì chính những
hội đoàn đó sẽ luôn ở thế cân bằng với nhau, phối hợp với nhau, kiểm soát
nhau và cân bằng với cả nhà nước. (...) Thiếu xã hội dân sự thì quyền lực nhà
nước tuột khỏi tay dân, nhà nước có nguy cơ tha hóa. (...) Tôi nghĩ đảng cầm
quyền mạnh thì không nên chỉ lo kiểm soát xã hội, ngược lại luôn cố gắng kéo
nhân dân vào quá trình kiểm soát quyền lực, động viên nhân dân vào quá trình
thực thi quyền lực" (Phan Xuân Sơn, 2006).
Tôn Thất Nguyễn Thiêm viết : "Có thể nói như nhận định của Joseph
Schumpeter (Capitalism, Socialism and Democracy, Peter Smith Publishers,
1984) là ‘tính đối trọng’ giữa nhà nước và xã hội công dân trong chế độ tư bản
tương tự như sự ‘cân bằng giữa mã lực của chiếc xe và sức chận của cái phanh :
xe chạy nhanh mà không có phanh tốt thì dễ toi đời’. Và ‘tuyệt chiêu’ của tư
bản là nhà nước và xã hội công dân hoạt động tương tác với nhau : cái này
phóng nhanh quá thì cái kia đạp phanh và cái kia chậm quá thì cái này lại rồ
máy tăng ga’. Nói cách khác, Nhà nước và xã hội công dân vừa thúc đẩy tính
năng động của nhau vừa làm đối lực cho ‘sức mạnh’ của nhau !" (Tôn Thất
Nguyễn Thiêm, 2006).
Một bài viết về khái niệm xã hội dân sự trên tạp chí Cộng sản cũng khẳng
định rằng "dưới chủ nghĩa xã hội, kể cả trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội, cũng cần phải xây dựng xã hội dân sự" (xem bài "Xã hội dân sự", 2007,
xem thêm Trần Hữu Quang, 2005).
Có thể nói cho đến nay, hầu hết các ý kiến về xã hội dân sự trong giới học
thuật ở Việt Nam đều nhìn nhận vai trò quan trọng và cần thiết của thực thể
này. Thế nhưng cần hiểu thế nào là "xã hội dân sự" ?
Phần lớn những bài viết xuất hiện trong thời gian qua thường có xu hướng
thiên về lối định nghĩa coi xã hội dân sự như một mô hình tổ chức xã hội dân
chủ, tốt đẹp, và lý tưởng. Bài vừa dẫn trên đây trong tạp chí Cộng sản cho rằng
xã hội dân sự "là xã hội của những con người tự chủ, giàu tính người, đoàn kết
thúc đẩy phát triển và thực hành quyền lợi cộng đồng, chứ không phải những
con người cá nhân vị kỷ, nô lệ cho kinh tế thị trường, nô lệ cho nhu cầu hám lợi
của mình và của người khác" (bài "Xã hội dân sự", 2007). Trong một bài phát
biểu, cựu chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng nói rằng : "Tiến đến xã hội
pháp quyền cũng là tiến đến một xã hội công dân với đặc tính chủ quản, tự tổ
chức rất cao của nhân dân. Khi ấy nhà nước sẽ nhỏ đi, đúng như Mác nói là
'nhà nước nửa nhà nước'" (Nguyễn Văn An, 2007). Phan Xuân Sơn cũng cho
rằng "xã hội dân sự bản tính hướng tới chân thiện mỹ, là minh bạch, công khai,
công bằng nên khả năng giám sát, đối trọng cao, hạn chế được tiêu cực, tham
nhũng" (những chỗ nhấn mạnh là do chúng tôi, THQ) (Phan Xuân Sơn, 2006).
Võ Khánh Vinh cũng có một cái nhìn mang tính chuẩn tắc (normative) về
xã hội dân sự, coi "xã hội dân sự" là một mô hình xã hội lý tưởng, ở trình độ
cao, trong đó có những chuẩn mực nhất định cần đạt tới, coi xã hội dân sự là
một "nguồn lực xã hội", là "vốn xã hội" (Võ Khánh Vinh, 2008, tr. 24-25).
Nhưng điểm đáng lưu ý ở đây là dường như ông rơi vào quan điểm duy kinh tế
khi cho rằng "kinh tế thị trường, phát triển kinh tế thị trường tạo lập ra cơ sở
nền tảng, đặc biệt là nền tảng kinh tế cho sự ra đời và vận hành của xã hội dân
sự", và nhất là khi nhấn mạnh rằng "việc chuyển đổi nhanh chóng đất nước
chúng ta đến nền kinh tế thị trường văn minh, hiện đại là tiền đề, điều kiện
quan trọng nhất cho sự hình thành, vận động và phát triển xã hội dân sự"
(những chỗ nhấn mạnh là do chúng tôi, THQ) (Võ Khánh Vinh, 2008, tr. 24 và
32). Có lẽ quan điểm này cũng tìm được sự đồng thuận nơi một số tác giả khác,
chẳng hạn Đặng Ngọc Dinh viết như sau : [một xã hội phát triển, trong đó tôn
trọng vai trò xã hội dân sự] sẽ phát triển "song hành với quá trình phát triển thị
trường đích thực. Khi có thị trường đích thực thì sẽ có tư pháp độc lập, khi đó
có nhà nước pháp quyền đích thực và có thượng tôn pháp luật" (Đặng Ngọc
Dinh, 2006).
Cũng có nhiều tác giả đồng hóa xã hội dân sự với các hiệp hội và tổ chức
xã hội. Chẳng hạn, Nguyễn Thanh Tuấn quan niệm "xã hội dân sự là lĩnh vực
thuộc đời sống xã hội ; bao gồm các tổ chức đoàn thể, hiệp hội với quy chế dân
lập, hoạt động tự quản trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, để phản biện, giám
sát và phối hợp với nhà nước, nhằm đảm bảo và thực hiện dân chủ, quyền con
người, lợi ích cộng đồng…" (Nguyễn Thanh Tuấn, 2007).
Phùng Thị Huệ và Phạm Ngọc Thạch định nghĩa xã hội công dân là "tổng
hòa các tổ chức công dân hoặc quan hệ công dân ngoài khu vực nhà nước và thị
trường, với thành phần cơ bản là các tổ chức công dân, bao gồm các tổ chức
phi chính phủ, các tổ chức xã hội tự nguyện của công dân, các tổ chức cộng
đồng cư dân và các nhóm lợi ích hoặc các phong trào được tổ chức bởi sự tự
nguyện của công dân, hay còn gọi là 'khu vực thứ ba' giữa nhà nước và xã hội"
(Phùng Thị Huệ, 2007, tr. 26).
Khi quan niệm về xã hội dân sự, Đặng Ngọc Dinh nhấn mạnh đến tính chất
"diễn đàn" của xã hội dân sự và đưa ra một quan niệm tam phân về hệ thống xã
hội tổng thể (bao gồm nhà nước, thị trường, và xã hội dân sự), trong đó xã hội
dân sự là nơi phát huy các phẩm chất "đạo đức", "tính nhân văn" và "tính cộng
đồng". Ông viết : "Có thể coi xã hội dân sự là diễn đàn, là nơi mọi người bắt
tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. Xã hội dân sự hỗ trợ người dân thực thi
luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước
hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận thì xã
hội dân sự vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy khía
cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng." Ông nói thêm rằng
"không nên cực đoan hiểu xã hội dân sự là đối lập với chính quyền, hoặc chính
quyền có thể bao trùm hết mọi việc của người dân cho nên không cần xã hội
dân sự. Có thể nói xã hội dân sự và chính quyền là bổ sung cho nhau" (Đặng
Ngọc Dinh, 2006).
Tác giả Tương Lai thì hình dung xã hội dân sự như một "đối tác" của nhà
nước, và nhấn mạnh đến khía cạnh tham gia và "phản biện" của người dân đối
với nhà nước : "Xã hội dân sự là đối tác bình đẳng của nhà nước chứ không
phải là cái đuôi của nhà nước, về thực chất là tạo điều kiện để người dân thực
sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện chính sách và giám sát nhà nước,
thực hiện phản biện xã hội đối với nhà nước, kể cả đối với phẩm chất và hành
vi của viên chức nhà nước" (Tương Lai, 2005).
Cũng tương tự như Phùng Thị Huệ và Phạm Ngọc Thạch (đã dẫn trên), Lê
Bạch Dương quan niệm xã hội dân sự như một "khu vực thứ ba", bên cạnh nhà
nước và thị trường – cả ba cấu thành nên xã hội tổng thể. Ông viết : "Một xã
hội muốn phát triển được phải dựa vào sự phát triển của ba khu vực: một là khu
vực nhà nước; hai là nền kinh tế thị trường. Ngoài hai khu vực trên, còn có một
khu vực thứ ba bao gồm các tổ chức, các nhóm, các hình thức liên minh, liên
kết xã hội, không nằm trong cấu trúc thiết chế của nhà nước, cũng không phải
thuộc khu vực kinh tế tư nhân chạy theo lợi nhuận. Đây là khu vực mà trong đó
những nhóm cá nhân tự nguyện tham gia với những mục đích hướng tới phục
vụ cho các lợi ích của nhóm và của xã hội. Đó chính là xã hội dân sự" (Lê Bạch
Dương, 2008).
Tuy nhiên đáng chú ý là có một số tác giả khi đề cập tới khái niệm xã hội
dân sự, còn đặc biệt nhấn mạnh tới mối quan hệ chặt chẽ với khái niệm nhà
nước pháp quyền, như Trần Ngọc Hiên, Nguyễn Trung, Tương Lai. Trần Ngọc
Hiên phân tích như sau : "Ở đâu có kinh tế thị trường thì ở đó phải có nhà nước
pháp quyền và xã hội dân sự. Ba bộ phận đó cấu thành hệ thống của một thể
chế kinh tế chính trị, mà sự hoàn thiện của hệ thống thể chế hoàn toàn chỉ dựa
vào sự liên hệ tương tác với nhau giữa ba bộ phận. Đó chính là quá trình phát
triển chế độ dân chủ. Không hình thành hệ thống với ba bộ phận và không có
quy chế liên hệ tương tác thì thể chế kinh tế chính trị chỉ dừng lại ở mong muốn
chủ quan, kinh tế thị trường sẽ trở nên hoang dại. Thể chế nhà nước sẽ sa vào
quan liêu, tham nhũng nặng nề." Ông còn nói rõ yêu cầu cần "từng bước tổ
chức lại bộ máy theo đúng tính chất nhà nước pháp quyền của dân", bởi lẽ theo
ông, "vai trò kiểm soát của xã hội dân sự đối với nhà nước là nhân tố rất quyết
định" (Trần Ngọc Hiên, 2008).
Nguyễn Trung cũng gắn liền khái niệm xã hội dân sự với khái niệm nhà
nước pháp quyền : "Nhưng để nuôi dưỡng, tiếp tục làm giàu và phát triển vốn
xã hội đã sẵn có, thì còn phải đồng thời phát triển nhà nước pháp quyền và xã
hội công dân (còn gọi là xã hội dân sự), điều kiện không thể thiếu cho việc
nâng cao phẩm chất công dân. Đối với những nước đang phát triển tìm đường
đi lên, việc phát triển vốn xã hội trên cơ sở phát triển nhà nước pháp quyền và
xã hội công dân là bảo đảm tốt nhất loại bớt những hiện tượng hoang dã trên
con đường hướng tới tương lai, là cách trả giá ít nhất những cái giá phải trả
trong quá trình này, và là cách sử dụng tối ưu nhất, tiết kiệm nhất mọi nguồn
lực có thể huy động được. (...) Có thể nói dứt khoát, tìm con đường phát triển
từ nghèo nàn lạc hậu lên hiện đại cho một quốc gia trên cơ sở phát huy vốn xã
hội, nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là con đường tiệm tiến, mang
nhiều tính xã hội chủ nghĩa nhất" (Nguyễn Trung, 2006).
Quyển Từ điển xã hội học xuất bản năm 1994 cũng đã gắn khái niệm xã
hội dân sự đi đôi với khái niệm nhà nước pháp quyền. "Xã hội công dân" là
"một thành tựu to lớn của sự phát triển lịch sử của con người", là "xã hội trong
đó các công dân là chủ thể của xã hội và do đó của nhà nước, nhà nước phục
tùng lợi ích của công dân mà không phải ngược lại". "Những yếu tố cấu thành
[xã hội công dân] là : sở hữu của các công dân với tư cách cá nhân, các quyền
tự nhiên của con người và các quyền tự do cá nhân của công dân, chế độ dân
chủ về mặt chính trị và nhà nước pháp quyền." Xã hội công dân được xem như
"đối lập với xã hội toàn trị" (Nguyễn Khắc Viện, 1994, tr. 326-330).
Cũng có tác giả tuy có gắn khái niệm xã hội dân sự với khái niệm "nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", nhưng lại hoàn toàn bỏ quên những mối
quan hệ biện chứng phong phú giữa nhà nước với xã hội dân sự và chỉ nhấn
mạnh tới vai trò "điều tiết" hay "giữ vững kỷ cương pháp luật" của nhà nước
đối với xã hội. Lê Văn Quang viết như sau : "Quan hệ giữa nhà nước với xã hội
dân sự là quan hệ giữa hệ thống thiết chế điều tiết với khách thể của sự điều tiết
ấy; đồng thời, đó còn là quan hệ giữa bản thân thiết chế với cơ sở xã hội của
thiết chế ấy. (…) Quan hệ giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với đời
sống xã hội dân sự, một mặt, được thực hiện trực tiếp thông qua quan hệ giữa
các cơ quan chính quyền nhà nước với các công dân ; mặt khác, là quan hệ giữa
nhà nước với các định chế xã hội. (…) Xét đến cùng, quan hệ giữa nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đời sống xã hội dân sự thực chất là quan hệ giữ
vững kỷ cương pháp luật với phát huy cao nhất quyền dân chủ của quần chúng
nhân dân" (Lê Văn Quang, 2004).
Nhìn chung lại, chúng tôi nhận thấy nhiều quan niệm về xã hội dân sự ở
Việt Nam gần đây thường bị ảnh hưởng bởi các định nghĩa của các tổ chức
quốc tế đương đại (điển hình nhất là thường giản lược hóa và vì thế đồng hóa
xã hội dân sự với các "tổ chức xã hội dân sự" [CSO] hay các tổ chức phi chính
phủ [NGO]), và từ đó vô hình trung tầm thường hóa khái niệm này và tước bỏ
đi nội dung biện chứng phong phú của khái niệm này xét trong mối quan hệ với
nhà nước – vốn đã từng được khai triển nơi các tác giả cổ điển. Ngoài ra, không
ít quan niệm cũng rơi vào xu hướng huyền thoại hóa hay công cụ hóa khái niệm
này – tương tự như những quan niệm mà chúng tôi đã lược thuật trong bài
trước (xem Trần Hữu Quang, 2009b).
Như vậy, trong khuôn khổ học thuật khoa học xã hội, vấn đề cần thiết là
chúng ta cần xác định lại thế nào là "xã hội dân sự", xét như một khái niệm
khoa học có thể được sử dụng trong một công cuộc phân tích lý thuyết đối với
thực tiễn xã hội Việt Nam ngày nay.
2. Thử xác định một khái niệm xã hội học về xã hội dân sự
Trong quyển Sociologie de l'Etat (Ed. Grasset, 1979), Bertrand Badie và
Pierre Birnbaum đã đưa ra hai mô hình xã hội dân sự tiêu biểu đối lập nhau, đó
là mô hình nhà nước cai quản xã hội dân sự (mô hình Pháp), và mô hình xã hội
dân sự tự tổ chức, nơi mà nhà nước chỉ có mặt ở mức độ tối thiểu (mô hình
Anh-Mỹ). Theo Lochak, tuy lược đồ này tỏ ra có triển vọng vì nó có thể gợi lên
nhiều ý tưởng mới, nhưng rất tiếc hai tác giả trên lại không đưa ra được một
định nghĩa rạch ròi về xã hội dân sự để khả dĩ tiếp tục đào sâu sự phân tích
(Lochak, 1986, tr. 67).
Trước khi thử cố gắng xác định một khái niệm xã hội học về xã hội dân sự,
chúng tôi cho rằng cần giải tỏa một số quan điểm ngộ nhận có liên quan tới
khái niệm xã hội dân sự.
Trước hết là ngộ nhận trong nhận thức về bản chất của thị trường, cho rằng
thị trường là một lĩnh vực hoàn toàn độc lập, nằm ngoài chính trị, chỉ tuân theo
những qui luật riêng của nó, được điều hành bởi "bàn tay vô hình", vì thế nhà
nước nhất thiết không được can thiệp vào. Từ đó, ý niệm về một thị trường độc
lập và tự điều tiết được trường phái tự do chuyển sang thành ý niệm về sự độc
lập và khả năng tự điều tiết của xã hội dân sự đối với nhà nước. Trong lịch sử,
quả là sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa khởi phát từ quá
trình hình thành thị trường. Thế nhưng những quyền như quyền tự do sản xuất
(laisser-faire, "để cho làm"), quyền tự do buôn bán (laisser-passer, "để cho đi
qua", cũng tương tự như việc bãi bỏ những qui định "ngăn sông cấm chợ" ở
Việt Nam trước đây), quyền tự do sử dụng tài sản, quyền tự do hợp đồng (hay
khế ước) hay nói chung nền mậu dịch tự do hoàn toàn không phải là những cái
tự nhiên mà có hoặc tự động xuất hiện, mà tất cả đều là sản phẩm của những
hoạt động của nhà nước (Lochak, 1986, tr. 49).
Karl Polanyi trong công trình nổi tiếng The Great Transformation (1944)
viết rõ như sau : "Lịch sử kinh tế cho thấy rằng sự nổi lên của các thị trường
quốc gia hoàn toàn không phải là kết quả của sự giải thoát tiệm tiến và tự phát
của lĩnh vực kinh tế ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Ngược lại, thị
trường là kết quả của một sự can thiệp có ý thức và thường mang tính chất bạo
lực từ phía chính quyền vốn áp đặt tổ chức thị trường lên xã hội nhằm vào
những mục tiêu phi kinh tế" (Polanyi, 2001, tr. 258).
Trước đó, chính Antonio Gramsci cũng từng nêu một nhận xét phần nào
tương tự để phê phán quan điểm của trường phái tự do kinh tế : "Chúng ta buộc
phải thừa nhận rằng hệ thống mậu dịch tự do chính nó cũng là một sự 'điều tiết
hóa' [réglementation] mang dấu ấn của nhà nước, do các luật lệ và sự cưỡng
chế đưa ra và duy trì : đây là kết quả của một ý chí có ý thức về các mục tiêu
của mình, chứ không phải là sự biểu hiện bột phát, tự động của sự kiện kinh tế.
Như vậy, hệ thống mậu dịch tự do là một chương trình chính trị (programme
politique) nhằm mục tiêu thay đổi nhân sự lãnh đạo của một nhà nước và thay
đổi chương trình kinh tế của chính nhà nước, nghĩa là thay đổi sự phân phối thu
nhập quốc dân – nếu nó thắng thế" [tức là nếu trường phái tự do kinh tế lên
nắm chính quyền – chú thích của chúng tôi, THQ] (Gramsci, 1975, tr. 469).
Ngộ nhận thứ hai là ngộ nhận trong sự phân biệt giản lược giữa công và tư,
cũng như trong sự phân biệt máy móc giữa lĩnh vực chính trị với lĩnh vực kinh
tế. Cao Huy Thuần phân tích như sau : "Chủ nghĩa tư bản tràn vào câu hỏi đó
[thế nào là công, thế nào là tư, đâu là biên giới giữa công và tư] để tách biệt
hoạt động kinh tế, hoạt động thương mại ra khỏi lĩnh vực công, lĩnh vực nhà
nước, và tuyên bố : lĩnh vực kinh tế không phải là lĩnh vực của nhà nước, đó là
lĩnh vực của tư nhân, do đó thị trường thuộc vào xã hội dân sự. Song song với
xác quyết đó, chủ nghĩa tự do đưa ý thức hệ vào ngay, quả quyết rằng tự do
cạnh tranh mang lại cho xã hội dân sự khả năng tự điều tiết – với điều kiện là
không được có một can thiệp nào ngoài can thiệp kinh tế vào những trao đổi
kinh tế. Nghĩa là nhà nước không được can thiệp. Nói như vậy, các lý thuyết
gia của chủ nghĩa tự do mô tả đúng một thực trạng mới, khuynh hướng mới,
diễn ra trước mắt mọi người, nhưng họ không phải chỉ mô tả, họ còn nâng sự
mô tả lên thành nguyên tắc, quy luật, như thử phát xuất từ bản chất của sự vật,
của thiên nhiên, của chân lý muôn đời. Từ đó, nhà nước là xấu, vì cưỡng bức ;
xã hội dân sự là tốt, vì tự do. (...) Đứng về mặt nhận thức khoa học, không có gì
lầm lẫn cho bằng, bởi vì không thể vạch ra biên giới giữa nhà nước và xã hội
dân sự cũng như không thể vạch ra biên giới giữa chính trị và phi chính trị"
(Cao Huy Thuần, 2004).
Như Hegel và Marx đã nói, trong các chế độ phong kiến và tiền tư bản chủ
nghĩa, toàn bộ xã hội đều thuộc về nhà nước, thuộc về lĩnh vực chính trị ; sau
đó, với sự ra đời của xã hội tư bản chủ nghĩa, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn
hóa, tôn giáo... dần dà tách ra khỏi lĩnh vực chính trị. Nhưng, theo Danièle
Lochak, nếu từ đó mà suy ra rằng có một sự khác biệt về bản chất giữa cái gì
thuộc về chính trị và cái gì không, thì đó là một "huyền thoại". Lochak viết như
sau : "Hẳn nhiên, không phải tất cả mọi chuyện đều mang tính chất chính trị,
nhưng chính trị là một chiều kích cấu thành nên các cộng đồng con người, thấm
nhiễm vào toàn bộ đời sống xã hội, kể cả đời sống hàng ngày của chúng ta, và
do đó sẽ là hão huyền nếu có tham vọng tách nó riêng ra khỏi những cái khác.
Vì không thể vạch ra được cái ranh giới ấy, nên việc định nghĩa xã hội dân sự
như toàn bộ các mối quan hệ phi chính trị là một định nghĩa sai lầm về mặt khái
niệm" (Lochak, 1986, tr. 70).
Ngộ nhận thứ ba là cho rằng xã hội dân sự là một dạng tổ chức, một
phương thức tổ chức xã hội nhất định, hay một mô hình xã hội nhất định. Quan
niệm này đã lầm lẫn giữa một khái niệm trừu tượng được dùng để phân tích
hiện thực xã hội, với một lý tưởng xã hội mà người ta nỗ lực vươn tới, và vì thế
đã làm cạn kiệt nội hàm mang tính phân tích học thuật của khái niệm xã hội
dân sự và biến nó thành một thứ ước mơ hay thậm chí một thứ huyền thoại.
Nếu người ta biện minh rằng dù sao thì vẫn có thể sử dụng khái niệm xã hội
dân sự như một "mô hình xã hội lý tưởng" để phê phán hiện thực xã hội, thì e
rằng đây chỉ là một sự phê phán đặt nền tảng trên sự ước mơ (cho dù hết sức tốt
đẹp !), chứ chưa phải là một sự phê phán thực thụ dựa trên vũ khí của sự phân
tích duy lý.
Thường đi đôi với ngộ nhận trên đây là ngộ nhận thứ tư quan niệm về xã
hội dân sự như một định chế (institution) hay một tác nhân xã hội (social
actor), từ đó mặc nhiên biến xã hội dân sự vốn là một khái niệm phức hợp dung
chứa nhiều quan hệ xã hội, nhiều giai cấp, tầng lớp và nhiều định chế xã hội
khác nhau, thành một "đối tác" (của nhà nước), một "lực lượng đối trọng" (với
nhà nước và/hoặc thị trường), hoặc một tổ chức "trung gian" (giữa nhà nước
với cá nhân) – làm như thể "xã hội dân sự" là một khối người đồng dạng, đồng
quan điểm, bình đẳng và phi giai cấp !
Gordon Marshall nhận xét rằng hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về
xã hội dân sự, tuy nhiên người ta thường đồng ý về những đặc trưng chính sau
đây của khái niệm xã hội dân sự : (a) khái niệm này nói về đời sống công cộng
(public) hơn là đời sống riêng tư (private) hay sinh hoạt gia đình ; (b) nó nằm
ngoài gia đình và nhà nước ; và (c) nó tồn tại trong khuôn khổ nhà nước pháp
quyền (rule of law) (Marshall, 1998, tr. 74). Chúng tôi muốn bổ sung thêm một
đặc trưng thứ tư : đó là việc định nghĩa khái niệm xã hội dân sự nhất thiết
không thể tách rời khỏi mối quan hệ với nhà nước.
Nếu đồng ý với những đặc trưng trên, thì chúng tôi cho rằng lý thuyết của
Antonio Gramsci về xã hội dân sự cho đến nay vẫn là một lý thuyết hữu hiệu và
có nhiều triển vọng nhất đối với việc phân tích các mối quan hệ giữa nhà nước
với xã hội trong các hệ thống xã hội đương đại, kể cả ở Việt Nam. Mặc dù
Gramsci triển khai các ý tưởng này khi phân tích đối tượng xã hội tư bản chủ
nghĩa, nhưng khung lý thuyết của ông về nhà nước và xã hội dân sự vẫn hoàn
toàn có thể được vận dụng một cách xác đáng và phong phú để phân tích xã hội
Việt Nam ngày nay, vốn vẫn còn là một xã hội có giai cấp.
Xuất phát từ lý thuyết của Gramsci,[3] chúng tôi cho rằng có thể phát triển
một định nghĩa tóm tắt về xã hội dân sự bao gồm các vế như sau (định nghĩa
mà chúng tôi đề xuất sau đây không hoàn toàn giống với định nghĩa của
Gramsci):
(a) Xã hội dân sự là một khái niệm được dùng để chỉ không gian xã hội
công cộng nằm ngoài nhà nước và ngoài lĩnh vực riêng tư của cá nhân và gia
đình, bao gồm tổng thể các định chế độc lập tương đối với nhà nước và các
hoạt động tự nguyện trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục,
truyền thông đại chúng, tôn giáo, xã hội... (tức bao gồm cả thị trường, các
doanh nghiệp, và các đảng phái chính trị).
(b) Xã hội dân sự và nhà nước cấu thành hệ thống xã hội tổng thể của một
nhà nước/quốc gia (tức nhà nước hiểu theo nghĩa rộng), trong đó nhà nước
(hiểu theo nghĩa hẹp) là nơi thực hiện chức năng cưỡng chế, và xã hội dân sự là
nơi thực hiện sự thống lãnh (hegemony) hay lãnh đạo về mặt văn hóa-tư tưởng
của giai cấp thống trị bằng cách tạo ra sự đồng thuận (consensus) nơi các giai
cấp và tầng lớp khác trong xã hội. Vì thế, xã hội dân sự có những mối quan hệ
ít nhiều chặt chẽ và hữu cơ với nhà nước. Nhưng đồng thời, nó cũng có tính
độc lập tương đối, bởi lẽ nếu không tạo ra được sự đồng thuận nơi xã hội dân
sự, nhà nước sẽ không còn giữ được sự thống lãnh tư tưởng, và vì thế tất yếu sẽ
mất đi tính hợp thức (hay tính chính đáng, legitimacy) của mình và chỉ còn nắm
được sự cưỡng chế mà thôi.
(c) Xã hội dân sự là nơi luôn luôn xuất hiện những xung đột về lợi ích, và
do đó là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh trên bình diện kinh tế cũng như trên
bình diện văn hóa-tư tưởng giữa các nhóm và các tầng lớp xã hội với nhau,
cũng như giữa giai cấp thống trị với các giai cấp và tầng lớp bên dưới.
(d) Hình thái xã hội dân sự chỉ xuất hiện khi ra đời hình thái kinh tế-xã hội
tư bản chủ nghĩa, trong khuôn khổ của hình thức nhà nước hiện đại tương ứng
là nhà nước pháp quyền. Do đó, xã hội dân sự chỉ thực sự tồn tại khi xác lập
được một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa và lành mạnh.
Định nghĩa trên đây về xã hội dân sự, theo chúng tôi, không phải là một
định nghĩa chính trị học hay luật học, mà là một định nghĩa xã hội học chính trị
hay triết học chính trị. Định nghĩa này coi xã hội dân sự như một khái niệm
phân tích (concept analytique), tức là nó mang tính trừu tượng và trung tính
(neutre), không bao hàm những giá trị hoặc những phán đoán về giá trị. Nói
cách khác, thuật ngữ này chỉ có thể được sử dụng để khảo sát và mổ xẻ mối
quan hệ giữa nhà nước với xã hội, chứ tuyệt nhiên không thể được dùng như
một ngọn cờ hay một khẩu hiệu hiệu triệu, bởi lẽ, chúng tôi xin lập lại, nó chỉ là
một khái niệm phân tích chứ hoàn toàn không phải là một mô hình xã hội lý
tưởng nào đó. Mặt khác, thiết tưởng cũng cần nhắc lại điểm lưu ý của Gramsci
khi ông nhấn mạnh rằng sự phân biệt giữa khái niệm xã hội dân sự với khái
niệm nhà nước là một "sự phân biệt mang tính phương pháp luận" và cần tránh
rơi vào một "sự phân biệt máy móc" mang tính giản lược.
Đến đây, chúng ta cũng có thể phân biệt giữa xã hội dân sự với xã hội
công dân.[4]
Định nghĩa về xã hội dân sự mà chúng tôi đề xuất trên đây có thể được
hiểu như bao hàm cả hai nghĩa : (a) "xã hội dân sự" theo nghĩa hẹp, hay nói
đúng hơn là theo nghĩa của Hegel, nhấn mạnh tới tính chất cộng đồng cá nhân
hay "con người"; và (b) "xã hội công dân", nhấn mạnh tới tính chất cộng đồng
công dân của một nhà nước/quốc gia (citizen, citoyen, hay Bürger).
Xét về mặt luật pháp, "xã hội dân sự" (theo nghĩa hẹp) là nơi chịu sự chi
phối của những đạo luật liên quan tới lĩnh vực dân sự, hay nói chính xác hơn là
lĩnh vực tư pháp (droit privé, đối lập với công pháp, droit public), tức lĩnh vực
quan hệ giữa các thể nhân và pháp nhân với nhau (như Luật dân sự, Luật
thương mại, Luật lao động...). Khi nói tới khái niệm "xã hội công dân", người
ta chú trọng tới vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa cộng đồng con người có tư
cách công dân đối với nhà nước/quốc gia, nhưng nội dung này vẫn nằm trong
khuôn khổ định nghĩa tổng quát về xã hội dân sự (theo nghĩa rộng) mà chúng
tôi đã nêu trên.
Đứng trên bình diện cá nhân, có thể nói rằng mỗi con người chúng ta đều
luôn luôn phải đảm nhiệm ba tư thế khác nhau trong cuộc sống của mình : (a)
tư thế thành viên của một gia đình (tư thế này thuộc lĩnh vực đời sống riêng
tư) ; (b) tư thế một người lao động (tìm kế sinh nhai), một khách hàng (khi đi
chợ chẳng hạn) hay thành viên của một tổ chức, hiệp hội, đoàn thể (đây là lĩnh
vực đời sống công cộng) ; và (c) tư thế công dân (thuộc về một nhà nước/quốc
gia, và xét trong mối quan hệ với nhà nước/quốc gia). Ngay như một công chức
nhà nước chẳng hạn, sau giờ làm việc ở công sở, cá nhân anh ta/chị ta vẫn phải
đảm nhiệm hàng ngày cả ba tư thế này : vẫn phải đi chợ, đi đón con, và cũng
không hề được miễn trừ nghĩa vụ công dân của chính mình đối với nhà nước.
Cả hai tư thế b và c đều diễn ra trong lòng xã hội dân sự.
Thay lời kết
Khi phân tích về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với nhà nước pháp
quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam, Trần Ngọc Hiên nhận xét rằng đường lối
chuyển sang kinh tế thị trường vào năm 1986 đã "đặt viên gạch đầu tiên" cho
mối quan hệ này, sau đó là "viên gạch thứ hai" với việc xác định ý tưởng về
nhà nước pháp quyền vào năm 2001 (qua văn kiện Đại hội IX của Đảng),
nhưng cho đến nay vẫn "chưa dám đặt viên gạch thứ ba (là xã hội dân sự)" để
"tạo cơ sở đầy đủ cho mối quan hệ thể chế kinh tế chính trị nước ta" (Trần
Ngọc Hiên, 2008).
Trong khuôn khổ lý thuyết về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự,
chúng tôi cho rằng, ngay từ năm 1986, công cuộc "đổi mới" thực chất đã là một
bước ngoặt đánh dấu một tiến trình hoàn toàn mới trong mối quan hệ giữa nhà
nước với xã hội dân sự – tuy mới chỉ là những thay đổi chủ yếu giới hạn trong
lĩnh vực kinh tế. Lúc ấy, các định chế và các hoạt động kinh tế được dần dà trao
trả lại cho lĩnh vực dân sự (thừa nhận quyền tự do kinh doanh, bãi bỏ những
biện pháp ngăn sông cấm chợ, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...). Tuy
nhiên, kể từ đó tới nay, nhiều định chế văn hóa và xã hội khác vẫn còn chủ yếu
nằm trong sự quản lý và vận hành trực tiếp của nhà nước, tức là vẫn chưa được
dân sự hóa, chưa được trao trả cho lĩnh vực dân sự, mặc dù cũng đã có những
chủ trương như chủ trương mang tên "xã hội hóa" chẳng hạn.
Cần lưu ý ngay rằng khái niệm "dân sự hóa" mà chúng tôi đề cập ở đây
hoàn toàn không tương ứng với khái niệm "tư nhân hóa" (mặc dù nội hàm của
khái niệm "dân sự hóa" có thể bao hàm những biện pháp tư nhân hóa, nghĩa là
để cho tư nhân được quyền tham gia hoạt động, đầu tư...). Nêu vấn đề "dân sự
hóa" ở đây có nghĩa là đặt lại vấn đề về cấu trúc và về nội dung hoạt động của
các định chế xã hội (hiểu theo nghĩa xã hội học, social institution) (xem thêm
Trần Hữu Quang, 2005, Cao Huy Thuần, 2001) : nhà nước hay chính quyền
ngày nay không phải và không thể là chủ thể của mọi hoạt động xã hội, mà trái
lại, trong định chế nhà trường chẳng hạn, chính thầy giáo mới là chủ thể của
công việc giảng dạy[5], hay trong định chế bệnh viện, chính bác sĩ mới là chủ
thể của công việc chữa trị cho bệnh nhân.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nhà nước hoàn toàn không can dự gì
tới những lĩnh vực như giáo dục và y tế ; ngược lại, nhà nước (trong thời hiện
đại) luôn luôn phải đảm đương trách nhiệm của mình đối với quyền được học
tập và được chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thông qua việc dành thích đáng
tỷ lệ ngân sách quốc gia cũng như cung ứng những điều kiện cần thiết khác như
chính sách, luật lệ, đất đai... cho những lĩnh vực này. Tuy vậy, nhà nước lại
không phải và không thể là người đứng ra trực tiếp dạy học hay chữa bệnh cho
người dân, mà chính nhà trường và bệnh viện mới là những định chế đảm
đương những công việc này. Trường công hay bệnh viện công, tuy là những
đơn vị của nhà nước, nhưng không phải vì thế mà có thể coi chúng như là
những đơn vị nằm trong bộ máy hành chính nhà nước. Nhà trường hay bệnh
viện không phải là những tổ chức thuộc về định chế chính trị giống như chính
phủ, ủy ban nhân dân, các bộ, các sở, tòa án... mà là thuộc về định chế giáo dục
và định chế y tế.
Chính vì không phân biệt rạch ròi giữa chức năng cai trị (hay cai quản,
hay nói theo ngôn từ chính thống hiện nay là chức năng "quản lý nhà nước" của
các bộ, các sở) với các chức năng chuyên môn nghề nghiệp vốn thuộc về các
định chế xã hội và văn hóa (tức thuộc về lĩnh vực xã hội dân sự) mà lâu nay
vẫn còn tồn tại dai dẳng hiện tượng "nhà nước hóa" hay "hành chính hóa" nơi
hầu hết các tổ chức văn hóa, giáo dục, xã hội, kể cả các đoàn thể và hiệp hội.
Đặc trưng của tình hình này cũng gần giống y hệt như tình hình các doanh
nghiệp quốc doanh và tập thể thời bao cấp, đến khi "đổi mới" mới đặt ra yêu
cầu tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sản xuất-kinh doanh
nơi các bộ và các sở, hay yêu cầu phân biệt rạch ròi giữa cơ quan chủ quản với
các đơn vị trực tiếp sản xuất-kinh doanh.
Cuối cùng, liên quan tới thực tiễn xã hội Việt Nam ngày nay, chúng tôi
muốn nói tới hai hệ luận trong số nhiều hệ luận có thể diễn dịch từ định nghĩa
mà chúng tôi đề xuất trên đây về khái niệm xã hội dân sự.
(a) Nếu đạt được sự đồng thuận cao, thì các hoạt động của xã hội dân sự sẽ
thúc đẩy mạnh mẽ việc huy động các năng lực, các sáng kiến và các khả năng
khởi xướng hết sức đa dạng của các tầng lớp xã hội vào quá trình phát triển đất
nước, và từ đó sẽ mặc nhiên tăng cường cho sức mạnh và tính hợp thức của
chính nhà nước, cũng như củng cố cho sự đoàn kết quốc gia. Nhưng điều cần
nhấn mạnh là sự đồng thuận này chỉ có thể đạt được nếu xác lập được sự
"thống lãnh" (hegemony) hay sự "lãnh đạo" về mặt văn hóa-tư tưởng đối với xã
hội dân sự, bằng cách chủ động thiết lập những điều kiện pháp lý và mở ra
những điều kiện thực tế thuận lợi cho các định chế của xã hội dân sự cũng như
các loại hoạt động tự nguyện đa dạng được tự do hoạt động. Nguy cơ của tình
trạng đánh mất sự "thống lãnh" này là chỉ còn lại sự "cưỡng chế" thuần túy của
bộ máy nhà nước đối với xã hội. Sự phát triển lành mạnh và sôi động của đời
sống xã hội dân sự chính là thước đo của tính hợp thức hay tính chính đáng
(legitimacy) của nhà nước.
(b) Vì xã hội dân sự là một khái niệm trừu tượng và phức hợp, chứ không
phải là một định chế hay một tổ chức có hình hài cụ thể theo một mô hình nhất
định nào đó, và vì khái niệm này gắn liền hữu cơ với khái niệm nhà nước pháp
quyền, nên nếu thực sự muốn phát triển một xã hội dân sự lành mạnh, điều tiên
quyết và mấu chốt là làm sao xây dựng cho được một nhà nước pháp quyền.
Bởi lẽ, suy cho cùng, chỉ có trong khuôn khổ hình thức nhà nước pháp quyền
theo đúng nghĩa của từ này thì mới có xã hội dân sự.
T.H.Q.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Cao Huy Thuần. 2001. "Định chế : cái 'đã' và cái 'đang' ", Tạp chí Thời đại,
số 5, tr. 1-8.
2.    Cao Huy Thuần. 2004. "Xã hội dân sự ?", Tạp chí Thời đại mới, số 3,
www.tapchithoidai.org/ThoiDai3/200403_CHThuan.htm.
3.    Đặng Ngọc Dinh. 2006. "Đừng sợ xã hội dân sự !", Tuổi trẻ cuối tuần, 21-
5-2006, tr. 14-15.
4.    GRAMSCI Antonio. 1975. Gramsci dans le texte (François Ricci, Jean
Bramant, Dir.), traduction de J. Bramant, G. Moget, A. Monjo, F. Ricci,
Paris, Ed. Sociales.
5.    HJOLLUND Lene, Martin Paldam, Gert Tinggaard Svendsen. 2001.
"Social capital in Russia and Denmark : A comparative study",
www.gov.si/zmar/ conference/2001/pdf-konf/17-paldam.pdf.
6.    Lê Bạch Dương. 2008. "Xã hội dân sự khỏe, nhà nước khỏe", Pháp luật
TPHCM, 23-4-2008.
7.    Lê Văn Quang. 2004. "Quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa và đời
sống xã hội dân sự", Tạp chí Triết học, tháng 3-2004.
8.    LI Peilin, Guo Yuhua, Liu Shiding. 2008. "La sociologie chinoise face à la
transition sociale", in Laurence Roulleau-Berger, Guo Yuhua, Li Peilin, Liu
Shiding (Dir.), La nouvelle sociologie chinoise, Paris, CNRS Editions.
9.    LOCHAK Danièle. 1986. "La société civile : du concept au gadget", in
Jacques Chevalier et al., La société civile, Paris, Presses Universitaires de
France, pp. 44-75.
10. MARSHALL Gordon (Ed.). 1998. A Dictionary of Sociology, Oxford, New
York, Oxford University Press.
11. MOORE Rebecca R. 2001. "China's fledgling civil society: a force for
democratization?", World Policy Journal, Vol. 18, No 1, pp. 56-66.
12. NAROZHNA Tanya. 2004. "Civil Society in the Post-Communist Context:
Linking Theoretical Concept and Social Transformation", Demokratizatsiya,
Spring 2004.
13. Nguyễn Khắc Viện (chủ biên). 1994. Từ điển xã hội học, Hà Nội, Nxb Thế
giới.
14. Nguyễn Ngọc Giao. 2009. "Xã hội dân sự, Trung Quốc và Việt Nam", Tạp
chí Thời đại mới, số 15,
www.tapchithoidai.org/ThoiDai15/200915_NguyenNgoc Giao.htm.
15. Nguyễn Quân. 2006. "Vốn xã hội – nguồn lực hay cản trở ?", Tạp chí Tia
sáng, 8-5-2006.
16. Nguyễn Thanh Tuấn. 2007. "Xã hội dân sự : từ kinh điển Mác-Lênin đến
thực tiễn Việt Nam hiện nay", Tạp chí Cộng sản, số 12 (132).
17. Nguyễn Trần Bạt. 2007. "Bàn về xã hội dân sự", 15-8-2007,
www.triethoc.com. vn/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-
Phap/Ban_ve_xa_hoi_dan_su.
18. Nguyễn Trung. 2006. "Bàn về Vốn xã hội", Tạp chí Tia sáng, 22-4-2006.
19. Nguyễn Văn An. 2007. "Xã hội dân sự trong mắt chuyên gia", Pháp luật
TPHCM, 31-12-2007.
20. Phan Xuân Sơn (Nghĩa Nhân phỏng vấn). 2006. "Xã hội dân sự yếu thì nhà
nước yếu", Pháp luật TPHCM, 21-6-2006, tr. 3.
21. Phùng Thị Huệ, Phạm Ngọc Thạch. 2007. "Xã hội công dân Trung Quốc :
cơ sở hình thành và môi trường chính sách", Tạp chí Triết học, số 7 (194), tr.
25-36.
22. POLANYI Karl. 2001. The Great Transformation. The Political and
Economic Origins of Our Time (1944), Boston, Beacon Press.
23. Quý Đỗ. 2006. "Thế nào là 'xã hội công dân' ?", Tạp chí Tia sáng, 8-5-
2006.
24. ROULLEAU-BERGER Laurence, Guo Yuhua, Li Peilin, Liu Shiding
(Dir.). 2008. La nouvelle sociologie chinoise, Paris, CNRS Editions.
25. Tôn Thất Nguyễn Thiêm. 2006. "Vốn xã hội nhìn từ tương quan giữa ba
giác độ: nhà nước, thị trường, xã hội dân chính", Tạp chí Tia sáng, 12-7-
2006.
26. Trần Hữu Quang. 2005. "Phát triển các định chế xã hội : Một trong những
tiền đề xã hội của quá trình phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh", Tạp chí
Khoa học xã hội, số 11 (87), tr. 20-26.
27. Trần Hữu Quang. 2009a. "Một số quan niệm cổ điển về xã hội dân sự", Tạp
chí Khoa học xã hội, số 07 (131), tr. 3-16.
28. Trần Hữu Quang, 2009b. "Một số quan niệm đương đại về xã hội dân sự",
Tạp chí Khoa học xã hội, số 12 (136), 2009, tr. 13-23.
29. Trần Ngọc Hiên. 2008. "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với
nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta", Tạp chí Cộng sản, số 10
(154).
30. Tương Lai. 2005. "Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự", Tạp chí Nghiên
cứu lập pháp, 11-2005.
31. Võ Khánh Vinh. 2008. "Một số vấn đề lý luận về xã hội dân sự", tạp chí
Khoa học xã hội, số 04 (116), tr. 21-35.
32. "Xã hội dân sự". 2007. Tạp chí Cộng sản, số 12 (132).
 

* PGS.TS. xã hội học, Trung tâm Thông tin, Viện Phát triển Bền vững vùng
Nam bộ.
[1] Theo Ma Shu Yun, bài viết trong China Quarterly, số 137, 1994 (dẫn lại
theo Quý Đỗ, 2006).
[2] Khi bàn luận về việc làm sao xây dựng lại vốn xã hội ở Nga nói riêng và ở
các nước Đông Âu nói chung sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ
sụp đổ, Robert Putnam từng cho rằng phải mất hàng thế kỷ, nhưng cũng có một
số tác giả khác cho rằng chỉ cần vài chục năm (xem Lene Hjollund, 2001).
[3] Lý thuyết của Gramsci về xã hội dân sự cũng đã được một số tác giả đương
đại ít nhiều vận dụng trong các công trình nghiên cứu của mình, chẳng hạn như
P. Ramasamy, "Civil Society in Malaysia: An Arena of Contestations?", in Lee
Hock Guan (Ed.), Civil Society in Southeast Asia, Singapore, Institute for
Southeast Asian Studies, 2004 ; Muthiah Alagappa (Ed.), Civil Society and
Political Change in Asia: Expanding and Contracting Democratic Space, Palo
Alto, Stanford University Press, 2004 ; Ingrid Landau, "Law and Civil Society
in Cambodia and Vietnam: A Gramscian Perspective", Journal of
Contemporary Asia, Vol. 38, No. 2, May 2008.
[4] Theo chúng tôi, thuật ngữ "xã hội dân sự" tương ứng với civil society (trong
tiếng Anh), société civile (Pháp) và Zivilgesellschaft (Đức) ; còn "xã hội công
dân" thì tương ứng với civic society (tiếng Anh), société civique hay société des
citoyens (Pháp) và Bürgergesellschaft (Đức).
[5] Xem thêm Trần Hữu Quang, "Hai căn bệnh trong giáo dục", Tuổi trẻ, 24-2-
2008, tr. 7.

You might also like