You are on page 1of 10

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ II

Môn: Tiếng Việt


I. ĐỌC TIẾNG
1.Ôn lại các bài tập đọc .Trả lời câu hỏi và nêu Nội dung bài.
- Cuộc chạy đua trong rừng : đoạn 4 (Ngựa Con rút ra bài học gì?)
- Buổi học thể dục: đoạn 2 (Tìm những chi tiết nói lên quyết tâm của Nen-li?)
-Gặp gỡ ở Lúc- xăm- bua: đoạn 2 ( Em muốn nói gì với các bạn học sinh trong câu chuyện này?)
- Bác sĩ Y- éc – xanh : đoạn 3 ( Những câu nào nói lên lòng yêu nước của bác sĩ Y- éc – xanh?)
- Người đi săn và con vượn: đoạn 3,4 ( Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì?)
- Cóc kiện trời: đoạn 3 (Theo em, Cóc có những điểm gì đáng khen)
- Sự tích chú Cuội cung trăng: đoạn 1 ( Chú Cuội dùng cây thuốc vào việc gì?)

II. ĐỌC HIỂU


ĐỀ 1

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Nhím con kết bạn
Trong một khu rừng nọ có một chú Nhím chỉ sống một mình, rất nhút nhát nên chú không quen biết
bất kì một con vật nào khác sống trong rừng.
Vào một buổi sáng đẹp trời, nhím con đi kiếm quả để ăn. Bỗng một chú Sóc nhảy tới và nói:
- Chào bạn! Tôi rất vui sướng được gặp bạn.
Nhím con bối rối nhìn Sóc, rồi quay đầu chạy trốn vào một bụi cây. Nó cuộn tròn người lại mà vẫn
run vì sợ.
Ngày tháng trôi qua, những chiếc lá trên cây bắt đầu chuyển màu và rụng xuống.
Nhím con quyết định phải mau chóng tìm một nơi an toàn và ấm áp để trú đông.
Trời ngày càng lạnh hơn. Một hôm nhím con đang đi tìm nơi trú đông thì trời đổ mưa. Nhím sợ hãi
cắm đầu chạy.
Bỗng nó lao vào một đống lá. Nó chợt nhận ra sau đống lá là một cái hang “Chào bạn!”. Một giọng
ngái ngủ của một chú nhím khác cất lên. Nhím con vô cùng ngạc nhiên.
Sau khi trấn tĩnh lại. Nhím con bẽn lẽn hỏi:
- Tên bạn là gì?
- Tôi là Nhím Nhí.
Nhím con run run nói: “Tôi xin lỗi bạn, tôi không biết đây là nhà của bạn”.
Nhím Nhí nói: “Không có hề gì. Thế bạn đã có nhà trú đông chưa? Tôi muốn mời bạn ở lại với tôi
qua mùa đông. Tôi ở đây một mình buồn lắm.
Nhím con rụt rè nhận lời và cảm ơn lòng tốt của bạn. Cả hai thu dọn và trang trí chỗ ở gọn đẹp.
Chúng rất vui vì không phải sống một mình trong mùa đông gió lạnh.
(Trần Thị Ngọc Trâm)
Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:
- Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời mà em chọn.
- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.
Câu 1: Vì sao Nhím con lại không quen biết bất kì loài vật nào trong rừng? (0,5 điểm)
A. Vì Nhím xấu xí nên không ai chơi cùng.
B. Vì Nhím chỉ ở trong nhà, không ra ngoài bao giờ.
C. Vì Nhím sống một mình, không có ai thân thiết.
D. Vì Nhím nhút nhát, luôn rụt rè, sợ sệt.
Câu 2: Ba chi tiết nào dưới đây cho thấy Nhím con rất nhút nhát? (0,5 điểm)
A. Khi được Sóc chào, Nhím chạy trốn vào bụi cây, cuộn tròn người lo sợ.
B. Mùa đông đến, Nhím mau chóng tìm một nơi an toàn và ấm áp để trú rét.
C. Thấy trời bỗng đổ mưa, Nhím sợ hãi cắm đầu chạy.
D. Nhím con đồng ý ở lại trú đông cùng với Nhím Nhí.
Câu 3: Vì sao Nhím Nhí mời Nhím con ở lại với mình qua mùa Đông? (0,5 điểm)
A. Vì Nhím Nhí ở một mình rất buồn.
B. Vì Nhím Nhí biết Nhím con chưa có nhà trú đông.
C. Vì Nhím Nhí và Nhím con là bạn thân.
D. Vì Nhím Nhí biết Nhím con ở một mình rất buồn.
Câu 4: Nhím con cảm thấy như thế nào khi ở cùng Nhím Nhí? (0,5điểm)
A. Nhím con cảm thấy rất vui khi có bạn.
B. Nhím con cảm thấy yên tâm khi được bảo vệ.
C. Nhím con vẫn cảm thấy lo sợ.
D. Nhím con vẫn cảm thấy buồn lắm.
Câu 5: Câu chuyện cho em bài học gì? (1,0 điểm)
Câu 6: Lớp học của em có một bạn mới từ trường khác chuyển đến. Để giúp bạn hoà nhập với các
bạn trong lớp, em sẽ làm gì? (1,0 điểm)
Câu 7: Dấu hai chấm trong đoạn văn sau dùng để làm gì? (0,5 điểm)
Nhím con bẽn lẽn hỏi:
- Tên bạn là gì?
- Tôi là Nhím Nhí.
A. Báo hiệu lời giải thích cho một sự việc.
B. Báo hiệu lời nói của nhân vật.
C. Báo hiệu phần chú thích.
D. Báo hiệu từ ngữ được dùng với nghĩa đặc biệt.
Câu 8: Gạch dưới bộ phận trả lời cho câu hỏi “Vì sao” trong câu dưới đây. (0,5 điểm)
“Nhím Con và Nhím Nhí rất vui vì chúng không phải sống một mình suốt mùa đông giá lạnh.”
Câu 9: Viết 1 câu sử dụng biện pháp nhân hoá để nói về: (1,0 điểm)
a) Chiếc lá:
b) Bầu trời:
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)
Lao xao
Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở hoa trắng xóa. Hoa dẻ từng chùm
mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò
vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao.
Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.
II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)
ĐỀ 2
1. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:
Ong Thợ
Trời hé sáng, tổ ong mật nằm trong gốc cây bỗng hóa rộn rịp. Ong thường thức dậy sớm, suốt ngày
làm việc không chút nghỉ ngơi. Ong Thợ vừa thức giấc đã vội vàng bước ra khỏi tổ, cất cánh tung
bay. Ở các vườn chung quanh, hoa đã biến thành quả. Ong Thợ phải bay xa tìm những bông hoa vừa
nở. Con đường trước mắt Ong Thợ mở rộng thênh thang. Ông mặt trời nhô lên cười. Hôm nào Ong
Thợ cũng thấy ông mặt trời cười. Cái cười của ông hôm nay càng rạng rỡ. Ong Thợ càng lao thẳng
về phía trước.
Chợt từ xa, một bóng đen xuất hiện. Đó là thằng Quạ Đen. Nó lướt về phía Ong Thợ, xoẹt sát bên
Ong Thợ toan đớp nuốt. Nhưng Ong Thợ đã kịp lách mình. Thằng Quạ Đen đuổi theo nhưng không
tài nào đuổi kịp. Đường bay của Ong Thợ trở lại thênh thang.
Theo Võ Quảng.
2. Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:
Câu 1: Tổ ong mật nằm ở đâu?
A. Trên ngọn cây.
B. Trên vòm lá.
C. Trong gốc cây.
D. Trên cành cây.
Câu 2: Tại sao Ong Thợ không tìm mật ở những khu vườn chung quanh?
A. Vì ở các vư ờn chung quanh hoa đã biến thành quả.
B. Vì ở c ác vườn chung quanh có Quạ Đen.
C. Vì ở các vườn chung quanh hoa không có mật.
D. Vì Ong Thợ không thích kiếm mật ở vườn xung quanh.
Câu 3: Quạ Đen đuổi theo Ong Thợ để làm gì?
A. Để đi chơi cùng Ong Thợ.
B. Để đi lấy mật cùng Ong Thợ.
C. Để toan đớp nuốt Ong Thợ.
D. Để kết bạn với Ong Thợ.
Câu 4: Trong đoạn văn trên có những nhân vật nào?
A. Ong Thợ.
B. Quạ Đen, Ông mặt trời
C. Ong Thợ, Quạ Đen
D. Ong Thợ, Quạ Đen, Ông mặt trời
Câu 5: Ong Thợ đã làm gì để Quạ Đen không đuổi kịp?
A. Ong Thợ quay lại định đớp nuốt Quạ Đen.
B. Ong Thợ nhanh nhẹn lách mình tránh Quạ Đen.
C. Ong Thợ bay trên đường bay rộng thênh thang.
D. Ong Thợ bay về tổ.
Câu 6: Em có suy nghĩ gì về hành động, việc làm của Ong Thợ khi gặp Quạ Đen?
Viết từ 1 câu nêu suy nghĩ của em:
Câu 7: Câu nào dưới đây có hình ảnh nhân hóa?
A. Ông mặt trời nhô lên cười.
B. Con đường trước mắt Ong Thợ mở rộng thênh thang.
C. Chợt từ xa, một bóng đen xuất hiện.
D. Nó lướt về phía Ong Thợ, xoẹt sát bên Ong Thợ toan đớp nuốt.
Câu 8: Trong câu “Ong Thợ phải bay xa tìm những bông hoa vừa nở.” Các từ chỉ sự vật trong câu
trên là:ong thợ, hoa…………………………….
Câu 9: Đặt một câu theo mẫu câu: Ai làm gì?
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)
Mùa thu trong trẻo
Trong hồ rộng, sen đang lụi tàn. Những chiếc lá to như cái sàng màu xanh sẫm đã quăn mép, khô
dần. Họa hoằn mới còn vài lá non xanh, nho nhỏ mọc xòe trên mặt nước. Gương sen to bằng miệng
bát con, nghiêng như muốn soi chân trời. Tiếng cuốc kêu thưa thớt trong các lùm cây lau sậy ven
hồ…
Nguyễn Văn Chương
II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

ĐỀ 3
 Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)
Cây gạo
Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn
khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn
ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen,… đàn
đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên, lượn xuống. Chúng gọi nhau, trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi
nhau, ồn mà vui không thể tưởng được. Ngày hội mùa xuân đấy!
Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với
dáng vẻ xanh mát, trầm tư. Cây đứng im, cao lớn, hiền lành, làm tiêu cho những con đò cập bến và
cho những đứa con về thăm quê mẹ.
Theo Vũ Tú Nam
Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi dưới đây:
Câu 1: Mục đích chính của bài văn trên là tả sự vật nào?
a. Tả cây gạo.
b. Tả chim.
c. Tả cây gạo và chim.
Câu 2: Bài văn tả cây gạo vào thời gian nào?
a. Mùa hè.
b. Mùa xuân.
c. Vào hai mùa kế tiếp nhau.
Câu 3: Câu: “Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi.” thuộc mẫu câu nào?
a. Ai làm gì?
b. Ai thế nào?
c. Ai là gì?
Câu 4: Bài văn trên có mấy hình ảnh so sánh?
a. 1 hình ảnh.
b. 2 hình ảnh.
c. 3 hình ảnh.
Câu 5: Trong câu “Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim.” tác giả nhân hóa cây gạo bằng
cách nào?
a. Dùng một từ chỉ hoạt động của người để nói về cây gạo.
b. Gọi cây gạo bằng một từ vốn dùng để gọi người.
c. Nói với cây gạo như nói với con người.
Câu 6: Đặt câu hỏi cho bộ phận được in đậm trong câu sau:
Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)
Giáo viên đọc cho học sinh nghe – viết
Cuộc chạy đua trong rừng
Ngày mai, muông thú trong rừng mở hội thi chạy để chọn con vật nhanh nhất. Ngựa Con thích lắm.
Chú tin chắc sẽ giành được vòng nguyệt quế. Chú sửa soạn không biết chán và mải mê soi bóng
mình dưới dòng suối trong veo. Hình ảnh chú hiện lên với bộ đồ nâu tuyệt đẹp, với cái bờm dài
được chải chuốt ra dáng một nhà vô địch…
II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

ĐỀ 4
Tình bạn
Tối hôm ấy, mẹ đi vắng, dặn Cún trông nhà, không được đi đâu. Chợt Cún nghe có tiếng kêu ngoài
sân:
- Cứu tôi với!
Thì ra Cáo già đã tóm được Gà con tội nghiệp.
Cún con sợ Cáo nhưng lại rất thương Gà con. Cún nảy ra một kế. Cậu đội mũ sư tử lên đầu rồi hùng
dũng tiến ra sân. Cáo già trông thấy hoảng quá, buông ngay Gà con để chạy thoát thân. Móng vuốt
của Cáo cào làm Gà con bị thương. Cún liền ôm Gà con, vượt đường xa, vượt đêm tối, chạy một
mạch đến nhà bác sĩ Dê núi. Bác sĩ nhanh chóng băng bó vết thương cho Gà con. Gà con run rẩy vì
lạnh và đau, Cún liền cởi áo của mình ra đắp cho bạn. Thế là Gà con được cứu sống. Về nhà, Cún
kể lại mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ liền xoa đầu Cún, khen:
- Con đúng là Cún con dũng cảm! Mẹ rất tự hào về con!
Theo Mẹ kể con nghe
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (6 điểm)
Dựa vào nội dung bài đọc trên, khoanh tròn vào các chữ cái trước ý trả lời đúng hoặc làm
theo yêu cầu của mỗi câu hỏi.
Câu 1: Thấy Gà con bị Cáo già bắt, Cún con đã làm gì? (0,5đ)
A. Cún con đứng nép vào cánh cửa quan sát.
B. Cún con không biết làm cách nào vì Cún rất sợ Cáo.
C. Cún nảy ra một kế là đội mũ sư tử lên đầu rồi hùng dũng tiến ra sân.
Câu 2: Vì sao Cáo già lại bỏ Gà con lại và chạy thoát chân? (0,5đ)
A. Vì Cáo nhìn thấy Cún con.
B. Vì Cáo già rất sợ sư tử.
C. Vì Cáo già rất sợ Cún con.
Câu 3: Thấy Gà con đã bị thương, Cún con đã làm những gì để cứu bạn? (0,5đ)
A. Cún ôm gà con, vượt đường xa, đêm tối để tìm bác sĩ Dê núi.
B. Cún cởi áo của mình ra đắp cho bạn.
C. Cún con sợ Cáo và không làm gì để cứu bạn.
Câu 4: Câu: “Cún liền cởi áo của mình ra đắp cho bạn.” Thuộc kiểu câu gì? (0,5đ)
A. Ai - làm gì?
B. Ai - thế nào?
C. Ai - là gì?
Câu 5: Trong câu: “Cún liền ôm Gà con, vượt đường xa, vượt đêm tối, chạy một mạch đến nhà bác
sĩ Dê núi”. Tác giả sử dụng cách nhân hóa nào? (0,5đ)
A. Dùng từ chỉ người cho vật.
B. Dùng từ hành động của người cho vật .
C. Dùng từ chỉ người và hành động cho vật.
Câu 6: Vì sao Cún cứu Gà con (0,5đ)
A. Cún ghét Cáo
B. Cún thương Gà con
C . Cún thích đội mũ sư tử
Câu 7: Viết một câu có sử dụng biện pháp nhân hóa để nói về Cún con trong bài. (1đ)
Câu 8: Câu chuyện trên muốn khuyên chúng ta điều gì? (1đ)
Câu 9: Đặt dấu hai chấm,dấu phẩy, dấu chấm vào chỗ thích hợp trong câu dưới đây: ( 1đ)
Vịt con đáp
Cậu đừng nói thế chúng mình là bạn mà
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (4 điểm – 15 phút)
- Giáo viên đọc cho học sinh viết bài: Dòng suối thức (TV 3 tập 2/trang 137)
II. Tập làm văn (6 điểm – 35 phút)

ĐỀ 5
Đọc thầm bài văn sau:
Bản Xô-nát ánh trăng
Vào một đêm trăng đẹp, có một người đàn ông đang dạo bước trên hè phố. Ông bỗng nghe thấy
tiếng đàn dương cầm ấm áp vọng ra từ căn nhà nhỏ cuối ngõ. Ngạc nhiên, ông đi đến bên cửa sổ và
lắng nghe. Chợt tiếng đàn ngừng bặt và giọng một cô gái cất lên:
- Con đánh hỏng rồi. Ước gì con được một lần nghe Bét-tô-ven đàn.
- Ôi, giá mà cha có đủ tiền để mua vé cho con.
Nghe thấy thế, người đàn ông gõ cửa vào nhà và xin phép được chơi đàn. Cô gái đứng dậy nhường
đàn. Lúc này người khách mới nhận ra cô bị mù. Niềm xúc động trào lên trong lòng, từ tay ông,
những nốt nhạc kì diệu, lấp lánh vang lên.
Hai cha con lặng đi rồi như bừng tỉnh, cùng thốt lên:
- Trời ơi, có phải ngài chính là Bét-tô-ven?
Phải, người khách chính là Bét-tô-ven - nhà soạn nhạc vĩ đại. Ông đã từng biểu diễn khắp châu Âu
nhưng chưa bao giờ chơi đàn với một cảm xúc mãnh liệt, thanh cao như lúc này.
Rồi dưới ánh trăng huyền ảo, tràn ngập, trước sự ngạc nhiên, xúc động của cô gái mù, Bét-tô-ven đã
đánh một bản đàn tuỳ hứng. Âm thanh tuôn chảy dạt dào, rực sáng, ca ngợi những gì đẹp đẽ nhất.
Ngay đêm đó, bản nhạc tuyệt tác đã được ghi lại. Đó chính là bản xô-nát Ánh trăng.
(Theo Tạp chí âm nhạc, Hoàng Lân sưu tầm)
Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng:
Câu 1: Đang đi dạo dưới ánh trăng, Bét-tô-ven nghe thấy gì?
a. Tiếng đàn dương cầm vọng ra từ căn nhà cuối phố.
b. Tiếng hát vang lên từ căn nhà cuối phố.
c. Tiếng ai chơi đàn dương cầm bản xô-nát Ánh trăng từ căn nhà cuối phố.
Câu 2: Đứng bên cửa sổ lắng nghe tiếng đàn, Bét-tô-ven tình cờ biết được điều gì?
a. Cô gái đánh đàn ước được đi du lịch nhưng không có tiền.
b. Cô gái đánh đàn ước được một lần nghe Bét-tô-ven chơi đàn nhưng không đủ tiền mua vé.
c. Cô gái đánh đàn ước sẽ chơi đàn giỏi như Bét-tô-ven.
Câu 3: Những từ ngữ nào được dùng để tả cảm xúc và tiếng đàn của Bét-tô-ven?
a. Niềm xúc động trào lên trong lòng, cảm xúc mãnh liệt, thanh cao.
b. Những nốt nhạc kì diệu, lấp lánh.
c. Tiếng đàn réo rắt, du dương.
d. Âm thanh tuôn chảy dạt dào, rực sáng, ca ngợi những gì đẹp đẽ nhất.
Câu 4: Nhờ đâu Bét-tô-ven có được cảm hứng đế sáng tác bản xô-nát Ánh trăng (xuất phát từ đâu)?
a. Sự yêu thích của ông trước cảnh đẹp đêm trăng.
b. Sự mong muốn được nổi tiếng hơn nữa của ông.
c. Sự xúc động và niềm thông cảm sâu sắc của ông trước tình yêu âm nhạc của cô gái mù nghèo khổ
mà ông đã bất ngờ gặp trong một đêm trăng huyền ảo.
Câu 5: Qua câu chuyện "Bản xô-nát Ánh trăng", em hiểu Bét-tô-ven là một nhạc sĩ như thế nào?
II. LUYỆN TỪ VÀ CÂU
Câu 1: Nhạc sĩ là người chuyên sáng tác hoặc biểu diễn âm nhạc. Hãy tìm những từ có tiếng "sĩ" để
chỉ người sáng tác hay biểu diễn như vậy điền vào chỗ trống cho thích hợp.
a) Những người chuyên sáng tác thơ ca gọi là:...
b) Những người chuyên vẽ tranh nghệ thuật gọi là
c) Những người chuyên biểu diễn các bài hát gọi là ....
d) Những người chuyên sáng tác hoặc biểu diễn nghệ thuật gọi là:...
Câu 2: Âm nhạc là tên một ngành nghệ thuật. Trong dãy từ sau, những từ nào chỉ tên các ngành
nghệ thuật?
kịch nói, ảo thuật, xiếc, tuồng, nhiếp ảnh, dệt vải, điêu khắc, hội hoạ.
Câu 3: Đánh đàn là một hoạt động nghệ thuật. Trong dãy từ sau, những từ nào chỉ hoạt động nghệ
thuật?
đóng phim, múa, tạc tượng, ngậm thơ, may máy, biểu diễn, sáng tác.
Câu 4: Điền dấu phẩy vào những chỗ thích hợp trong đoạn văn sau:
"Bản xô-nát Ánh trăng" là một câu chuyện xúc động nói về nhạc sĩ thiên tài Bét-tô-ven. Trong một
đêm trăng huyền ảo ông đã bất ngờ gặp một cô gái mù nghèo khổ nhưng lại say mê âm nhạc. Số
phận bất hạnh và tình yêu âm nhạc của cô gái đã khiến ông vô cùng xúc động thương cảm và day
dứt. Ngay trong đêm ấy nhà soạn nhạc thiên tài đã hoàn thành bản nhạc tuyệt vời: bản xô-nát Ánh
trăng.
B. Kiểm tra Viết
Trước tình yêu âm nhạc của cô gái mù, Bét-tô-ven đã tấu lên một bản nhạc tuyệt diệu. Đặt mình vào
vai Bét-tô-ven, em hãy viêt một đoạn văn nói lên cảm xúc của mình lúc ngẫu hứng sáng tác bản xô-
nát Ánh trăng.
CÁC CÂU HỎI GỢI Ý TRONG BÀI TẬP LÀM VĂN
1. Kể về một người lao động.
- Người em muốn kể là ai? Họ bao nhiêu tuổi? Làm nghề gì?
- Công việc hằng ngày của họ là gì? Họ làm việc ra sao?
- Công việc đó đem lại lời ích gì?
- Em có thích công việc đó không?
- Tình cảm của em dành cho người đó?
Mẫu 1 :
Bác Sáu gần nhà em là một người nông dân hiền lành, lam lũ. Hằng ngày, bác thường
dậy rất sớm và đánh thức cả nhà. Đến khoảng sáu giờ sáng, sau khi đã qua loa, bác lại vác
cuốc ra đồng. Ngoài việc vun luống và làm cỏ cho ngô, khoai bác còn tới ruộng đắp lại bờ để
giữ nước cho lúa. Xong các việc ngoài đồng, bác trở về vườn tưới nước cho cây trái, phun
thuốc trừ sâu hoặc chiết cành. Công việc đồng áng bận rộn là thế vậy mà đàn lợn, gà và bò
của bác lúc nào cũng no căng bụng. Đôi tay bác lúc làm việc cứ nhanh thoăn thoắt, chẳng bao
giờ biết mỏi. Bác sắp xếp thứ tự công việc đâu ra đấy. Như để trả công cho bác đã sớm khuya
vất vả, vụ mùa nào bác cũng bội thu, cây trong vườn hoa trái sai trĩu trịt. Cuối năm ngoái, bác
Sáu còn vinh dự được nhận danh hiệu Nông dân tiêu biểu của làng xã. Em rất yêu quý và cảm
phục bác.
Mẫu 2:
Người mà em muốn kể là ông nội em. Ông em năm nay khoảng sáu mươi tư tuổi, ông làm
nghề bác sĩ. Ông có dáng người cân đối với khuôn mặt vuông, nước da màu nâu trông rất đẹp.
Ông là người rất nghiêm khắc. Khi ông đến bệnh viện, ông khoác chiếc áo trắng giản dị
nhưng trông ông rất đẹp. Hằng ngày ông khám, chữa bệnh cho mọi người. Từ sáng đến tối,
ông vẫn tận tụy với công việc của mình. Tất cả các bệnh nhân ông đều khám cẩn thận và hỏi
han chu đáo. Rất nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh và khỏe sau khi được ông điều trị. Với hàng
xóm, nếu ai bị ốm đau ông đều nhiệt tình sang khám giúp không kể đêm hôm. Vì vậy mọi
người luôn kính trọng và biết ơn ông. Mọi người luôn ca ngời ông là bác sĩ giỏi. Em rất yêu
quý ông. Em mong ông luôn làm tốt công việc của ông.
2. Kể về một ngày lễ hội ở quê em.
Gợi ý:
- Lễ hội em muốn kể là gì? Được tổ chức khi nào? Ở đâu?\
- Cảnh vật xung quanh như thế nào? Mọi người đến xem hội ra sao?
- Lễ hội bắt đầu bằng hoạt động gì?
- Có những trò chơi gì được tổ chức ( kéo co, đua thuyền, chơi cờ, đấu vật, ca hát, nhảy
múa,...). Em có tham gia trò chơi không?
- Cảm nghĩ của em về lễ hội đó như thế nào?
Kể về lễ hội ở quê em - Chọi trâu
Ở quê em có một hội lớn lắm. Đó là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải phòng, nổi tiếng trên
khắp các vùng miền cả nước. Nhân dân ta có câu: “Dù ai buôn đâu bán đâu, mùng chín tháng
tám thì về chọi trâu”. Vào ngày hội du khách khắp nơi đổ về xem hội rất đông. Trước khi bắt
đầu chọi trâu có một màn múa cờ truyền thống rất đặc sắc. Sau đó các cụ già làng dắt trâu ra
thế là bắt đầu một ngày hội chọi trâu. Con trâu thứ nhất là số 87. Con trâu thứ hai là số 89.
Con trâu số 89 là con trâu của làng em. Hai con trâu hùng hổ đánh nhau. Sau bao nhiêu trận
đấu quyết liệt là những tiếng reo hò của khán giả. Ông trâu số 89 của làng em đã chiến thắng.
Ông trâu ấy sẽ mang vinh quang, tự hào và cả sự sung túc cho làng em. Em rất thích hội chọi
trâu bởi hội chọi trâu chứng minh sự thịnh vượng của quê hương em.

Kể về lễ hội ở quê em - Trung thu


Hội Trung thu rước đèn họp bạn hồi năm ngoái thật là vui. Mẹ mua cho em một chiếc đèn
lồng hình con bướm. Tối hôm rằm tháng Tám, khi nghe thấy trống ếch dồn dập ngoài ngõ, em
vội xách đèn lồng ra nhập vào đoàn quân tí hon tiến về bãi cỏ rộng đầu xóm rồi quây thành
vòng tròn quanh bãi. Sau lời tuyên bố của chị phụ trách, chúng em xếp thành hàng dài đi
vòng quanh xóm, đi đầu là hai con rồng. Đèn rước đèn đèn đi đến đâu, tiếng trống vang lên
đến đó, làm cả xóm náo nhiệt lên như ngày hội lớn. Rước đèn được một vòng, chúng em quay
lại bãi cỏ để chuẩn bị phá cỗ. Tiết mục phá cỗ cũng không kém phần vui vẻ như khi rước đèn.
Chúng em vừa ăn bánh kẹo, hoa quả, vừa tiến hành văn nghệ. Khi ông trăng đã lên cao,
chúng em mới ra về. Ngày hội đó đã để lại cho em nhiều kỉ niệm khó quên.
3. Kể về một cuộc thi đấu thể thao
Gợi ý:
- Trận đấu đó là môn thể thao nào?
- Em đã tham gia hay chỉ xem thi đấu? Em đi xem cùng với những ai?
- Trận thi đấu được tổ chức ở đâu? Khi nào? Giữa đội nào với đội nào?
- Diễn biến của cuộc thi đấu như thế nào? Các cổ động viên đã cổ vũ ra sao?
- Kết quả của cuộc thi đấu ra sao?
- Cảm nghĩ của em về cuộc thi đấu như thế nào?
Mẫu 1:
Chủ nhật tuần qua, lớp em và lớp 3C đã tổ chức một trận thi đấu bóng đá thật hào hứng,
sôi nổi.
Sân bóng ở tại sân đình của làng. Đúng mười bốn giờ ba mươi, cả hai lớp đã tập trung vây
quanh sân bóng. Trận thi đấu diễn ra sôi nổi. Các cầu thủ hăng hái cướp bóng và dồn bóng về
phía cầu môn của đối phương, chúng em đứng xem với những tràng vỗ tay vang dội để động
viên các cầu thủ của lớp mình. Kết quả trận thi đấu đã đem lại niềm vui cho lớp chúng em, đội
bóng đá của lớp em đã ghi bàn thắng với tỉ số 5-3. Đây là kết quả luyện tập tích cực của cả đội
bóng trong thời gian qua.
Mẫu 2:
Chiều chủ nhật vừa qua, trường em tổ chức thi đấu môn cầu lông giữa các đội khối 5.
Chúng em là những cổ động viên nhiệt tình cho các đội. Mỗi đội gồm có hai cầu thủ một trai,
một gái. Đội của lớp 5B gồm có chị Hải Yến và anh Trung Thành, đội 5C có anh Phi Long và
chị Thùy Trang. Trận đấu diễn ra thật sôi nổi. Các tay vợt đều là những cầu thủ có kĩ thuật
cao và phối hợp chặt chẽ. Nhiều pha bỏ nhỏ hay đập mạnh của đội này luôn được đội kia đỡ,
đón và phản công lại thật tuyệt diệu. Đội 5B vừa nhích lên được 1 điểm thì bất ngờ bị một quả
bỏ nhỏ của chị Thùy Trang, chị Hải Yến lao tới nhưng đã muộn. Số điểm lại cân bằng. Trận
đấu cứ thế kéo dài… Sau phút nghỉ giải lao, hai đội lại tiếp tục trận đấu. Bằng một quả phát
bóng lắt léo, anh Trung Thành đã nâng điểm số của đội mình lên. Và tiếp theo sau chị Hải
Yến lại đem về cho đội mình một điểm nữa bằng một cú đập bật lưới. Trận đấu kết thúc trong
tiếng la hét rầm trời của những cổ động viên.
Lưu ý khi viết bài:
- Các con viết mỗi bài ít nhất 10 câu.
- Đầu mỗi đoạn lùi vào 1 ô
- Nhớ viết hoa tên riêng của người, địa danh.
- Lồng ghép các câu so sánh, nhân hóa để được cộng điểm.
- Khi viết kết hợp luyện chữ luôn nhé.
Chúc các con làm bài tốt nha!

You might also like