You are on page 1of 4

HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA

_Vũ Trọng Phụng_


Văn học hiện thực phê phán nổi lên đầu thế kỉ XX đã trở thành một trào lưu văn học
được rất nhiều tác giả quan tâm. Các tác phẩm trong phong trào này đã giúp vẽ lên một
bức tranh toàn cảnh của xã hội rối ren bấy giờ. Trong đó, Vũ Trọng Phụng được đánh giá
là tác giả nổi bật nhất. Tác phẩm “Số đỏ” của ông vẫn có sức sống mãnh liệt đến tận bây
giờ. Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia trong tác phẩm, ta sẽ thấy rõ phong
cách văn chương của tác giả, đồng thời thấu hiểu hơn xã hội phong kiến thực dân nửa
phong kiến.

Vũ Trọng Phụng được tôn trọng nhắc tới là “ông vua phóng sự của đất Bắc Kì”. Ông có
một công trình đồ sộ về tiểu thuyết, phóng sự với các tác phẩm bất hủ như: “Cạm Bẫy
Người” (1993), “Giông tố” (1936),… Các tác phẩm của ông đậm chất trào phúng, phê
phán xã hội bấy giờ với những thói hư, tật xấu, con người giả tạo, chạy theo bề ngoài.
Tiểu thuyết “Số đỏ” được đánh giá là tác phẩm nổi bật nhất của Vũ Trọng Phụng trong
suốt đời cầm bút. Qua lăng kính của nhà văn, bối cảnh xã hội được phơi bày. Đặc biệt
đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” đã nêu lên được những nét chủ đạo của câu
chuyện và thấy được bút pháp trào phúng đặc sắc của tác giả Vũ Trọng Phụng. 

Nội dung chính của đoạn trích xoay xung quanh cái chết và đám tang của cụ cố tổ. Nó
hiện lên như một màn hài kịch với những tình huống, nhân vật đáng phê phán. Các tình
tiết và các bộ mặt khác nhau trong đám ma được tác giả thêu dệt lại, khiến một đám ma
đau thương trở thành một đám ma đáng cười xót xa. Chính cái chết của cụ tổ cho thấy
đây là một cái chết vừa đáng cười vừa đáng khóc.

Theo lẽ thường, “tang gia” là việc gia đình có người mất, là một sự kiện buồn thương, ai
oán. Còn “hạnh phúc” lại là niềm vui sướng, cảm xúc khi gặp chuyện vui. Đặt hai từ
tưởng chừng đối nghịch nhau, tác giả đã làm nổi bật bi kịch của câu chuyện. Tác giả
châm biếm thói đạo đức giả, suy đồi đến cực độ của một bộ phận người được xem là bề
trên ở xã hội bấy giờ. Cha chết, ông chết mà “bọn con cháu vô tâm ai cũng sung sướng
thỏa thích”. “Cái chết của ông già hơn 80 tuổi” đã làm cho nhiều người sung sướng
lắm”.Ai cũng chỉ nghĩ đến cái lợi cho mình, không quan tâm tới người thân quen nhất của
mình đã ra đi mãi mãi. Như vậy, đoạn trích tưởng như lố bịch của cuộc sống đời thường,
nhưng ở hoàn cảnh này lại rất hợp lý. Những tiếng khóc, sự “báo hiếu” của con cháu thực
chất là sự khoe giàu sang với thiên hạ, thể hiện đẳng cấp của tầng lớp thượng lưu “dỏm”.
Bằng ngòi bút trào phúng, đả kích, châm biếm của tác giả, các nhân vật được hiện lên rất
đáng cười. Đó là những tiếng cười ra nước mắt, đáng lên án và phê phán.
Để giúp cho độc giả thấy được hạnh phúc của gia đình khi cụ tổ mất, tác giả Vũ Trọng
Phụng đã đi sâu vào khắc họa từng nhân vật. Qua đó, giúp ta thấy được họ không phải
đang xót thương đau buồn mã đã biến đám ma của cụ cố tổ vào mục đích riêng của bản
thân.

Trước hết, tác giả miêu tả chi tiết nhân vật Cụ cố Hồng – con trai cả của cụ tổ. Là con
trai, đúng ra phải xót xa, buồn bã khi cha mất thì ở đây, nhân vật này lại “rất sung
sướng”. Bởi lẽ lão ta cho rằng đây là một cơ hội để mình tỏ ra già yếu khi lo cho cái chết
của cha. Nhân vật này đã làm nổi bật được những sự lố lăng mà ngu dốt, ham danh trong
xã hội phong kiến. Đó là thể hiện mình đã lao lực, già yếu đi vì phải gánh vác chuyện gia
đình.

Bên cạnh cụ cố Hồng, nhân vật Văn Minh và TYPN cũng tỏ ra vui mừng khôn xiết trước
cái chết của ông nội. Với họ, đây chính là một cơ hội để họ đưa nền văn minh Á-Âu vào
quảng cáo ở trong đám tang. Thật đau lòng thay, một đám ma đáng ra phải rất tang
thương, lặng lẽ thì nay lại được con cháu biến thành một phiên chợ để quảng cáo, kinh
doanh, trục lợi. Hay chính bà Văn Minh thì lại vui mừng tột độ vì đây là dịp để “chưng
diện” “đồ xô gai tân thời”, “cái mũ mấn trắng, viền đen”. Ông mất, không những không
xót xa mà còn nghĩ đến việc làm đẹp, thể hiện với người ngoài.

Trong đoạn trích, tác giả còn nói về cô Tuyết, đến đám ma nhưng lại mặc bộ y phục ngây
thơ. “Cái áo voan mỏng trong coóc-xê, hở cả nách cả vú”. Đọc đến đây, chúng ta tưởng
như tác giả tả hơi quá, nhưng không. Sự lẳng lơ của nhân vật này không chỉ được thể hiện
cách ăn mặc mà còn thể hiện ở cả tính cách. Cô ta mang một vẻ mặt buồn bã, tưởng
chừng buồn vì ông nội nhưng sự thật lại là nỗi nhớ người tình. Trớ trêu thay, cái tưởng
chừng là vậy mà lại không phải vậy.

Hết đến cô Tuyết lại đến cậu Tú Tấn, vui mừng vì cái máy ảnh đã được đem ra sử dụng.
Bởi lẽ chiếc máy ảnh này cậu ta mua đã lâu mà không dùng. Cậu ta ngỗ nghịch, dẫm đạp
lên các ngôi mộ để chụp ảnh, tạo kiểu như một nhà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trong
đám tang của ông mình.

Hay chính ông Phán Mọc Sừng vui mừng vì cái sừng trên đầu mình được hưởng thêm
tiền sau khi đám ma xong. Trong khi đó, Xuân Tóc Đỏ thì danh tiếng lại càng nhiều hơn
và càng được nhiều người tôn trọng vì đã có công trong cái chết của cụ Tổ.

Không chỉ có những người nhà của cụ cố tổ sung sướng ra mặt mà còn những người ở
ngoài cũng góp một phần vào niềm hạnh phúc của gia đình khi đang có tang. Là đám ma
nhưng lại có kiệu bát cống, có lợn quay che lọng như thế khác nào một đám rước? Hay có
cả kèn ta, kèn tây sự lố lăng của sự “âu hóa”. Hay tại chính đám ma này cũng là cơ hội
cho những “nam thanh nữ tú” “chim cò” nhau. 

Mặc dù ở những phần đầu, tác giả đã khắc họa nên cảnh đám tang nực cười, nhưng sự
đáng phê phán ấy còn được nhấn mạnh trong cảnh đưa đám “gương mẫu”. Không khí
đám tang hỗn loạn, nhố nhăng như hội rước. Nó được tổ chức rất linh đình, kết hợp cả ta
lẫn Tàu, Á với Âu để mỗi người được khoe khoang sự giàu có một cách hợm hĩnh. Đó là
thói đua đòi, chạy theo lối “văn minh” rởm đời.

Trong đám tang, các nhân vật hiện lên vô cùng lố lăng. Các bà, các cô thì đua nhau mặc
“đồ xô gai tân thời”, quần áo lượt là, hở hang, kệch cỡm. Xuân Tóc Đỏ, kẻ giả thượng
lưu thì được tôn vinh, chào đón trịnh trọng vì đã “có công” khiến cụ tổ chết. Cậu Tú thì
say mê chụp ảnh, nhảy lên hết ngôi mộ này đến ngôi mộ khác, mặc kệ thuần phong mỹ
tục. Sư cụ Tăng Phú vênh váo, nghĩ rằng mình có công lớn vì đã “lật đổ giáo phái”. Đám
con cháu hiện lên như các nhà đạo diễn, biên kịch, diễn viên,… tài ba. Đám ma “cứ đi”,
còn người tham dự thì cứ “chim nhau, tình tứ với nhau”. Thật là một đám ma “gương
mẫu” bấy giờ, lột tẩy toàn bộ sự thối nát, đồi bại của xã hội đua theo cái bề ngoài.

Không chỉ trong lúc đưa đám, cảnh hạ huyệt cũng được Vũ Trọng Phụng khắc họa rất kĩ
càng. Cậu Tú tân dàn dựng, chỉ đạo việc chụp hình một cách vô cùng giả tạo, vô văn hóa.
Miễn sao cậu ta chụp được những kiểu ảnh đẹp nhất, còn lại không quan tâm đến đạo
đức. Cụ cố Hồng giờ đây kêu khóc, ho, mếu, khạc nhổ,… tỏ ra đau đớn tột cùng vì cái
chết của cha. Ông Phán thì “oặt người”, khóc ngất đi với tiếng khóc không thể giả tạo
hơn: “Hứt! Hứt! Hứt”. Thế nhưng ông ta cũng không quên việc làm ăn bí mật: “dúi
nhanh vào tay Xuân Tóc Đỏ một cái giấy bạc năm đồng gấp làm tư”. Tất cả hiện lên, như
một màn kịch vô cùng lố lăng, kệch cỡm, đồi bại của cả một xã hội thối nát, một xã hội
thượng lưu nhưng thực ra lại là cặn bã trước năm 1945. Vở kịch đó diễn đạt đến độ tác
giả phải cảm thán: “Người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu
không gật gù cái đầu.” 

Với giọng văn đậm chất trào phúng, cách miêu tả tài tình, xây dựng tình huống truyện
độc đáo, Vũ Trọng Phụng đã giúp người đọc thấy được hiện thực xã hội lúc bấy giờ.
Đoạn trích đã tạo ra tiếng cười ra nước mắt, vừa đáng cười vừa đáng thương của một bộ
phận trong xã hội ấy. Đạo đức suy thoái, “âu hóa” lố bịch, con người giả tạo, xã hội thối
nát. Đó là tất cả những gì ta cảm nhận được thông qua đoạn trích. Đồng thời, sự thấu hiểu
của Vũ Trọng Phụng với xã hội, nỗi bức bối của tác giả với thời cuộc cũng được khắc
họa thông qua từng câu chữ, cho thấy cái nhìn nhân sinh của tác giả.

You might also like