You are on page 1of 8

Lời Mở Đầu

Tòa lăng mộ Taj Mahal là một thành tựu văn minh Ấn Độ, một công trình
kiến trúc Hồi giáo ở Agra và được công nhận là một trong bảy kì quan thế giới
hiện đại. Bài trình bày của em được phát triển như sau : Giới thiệu chung về Ấn
Độ, nghệ thuật Ấn Độ nói chung và nghệ thuật kiến trúc Hồi giáo nói riêng, tập
trung phân tích Taj Mahal dưới sự ảnh hưởng của đạo Hồi
Ấn Độ là một trong bốn trung tâm văn minh Phương Đông cổ đại: Ấn
Độ,Ai Cập,Lưỡng Hà,Trung Quốc.Nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ được thể hiện rất
rõ nét ở các đền tháp,chùa chiền được xây dựng ở khắp Đông Nam Á mà tiêu biểu
hơn cả là Ăng-co Wat( Campuchia), hệ thống các tháp ở vương quốc Champa,
chùa Borobudur(Indonesia). Vì vậy, việc hiểu biết về nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ
rất cần thiết cho mỗi sinh viên Việt Nam –thuộc khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là
tòa lăng mộ Taj Mahal, một thành tựu văn minh của Ấn Độ, được liệt vào danh
sách các Địa điểm Di sản Thế giới của UNESCO năm 1983 và được miêu tả là
một "kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới".

Ấn Độ được là một tiểu lục địa đông dân, đa dạng chủng tộc, ngôn ngữ,
khí hậu, kéo theo cả sự đa dạng về văn hóa. Đất nước này có dãy Himalaya, nổi
tiếng với ngọn Chomolungma cao nhất thế giới (8848m) với hai con sông lớn là
sông Ấn và sông Hằng.

Thời cổ trung đại, Ấn Độ đã có một nền nghệ thuật phong phú đặc sắc thấm
đượm chất men tôn giáo. Để khẳng định sự tồn tại của mình, mỗi tôn giáo đều có
những công trình kiến trúc riêng. Đến đâu ta cũng có thể gặp những đền đài Hindu
giáo, tháp và chùa chiền của Phật giáo, rồi những thánh đường Hồi giáo nằm xen
kẽ cùng với vô số những đền đài của các giáo phái khác nhau. Đến thế kỉ XII,
những công trình kiến trúc Hồi giáo xuất hiện, và những công trình này đều mang
một nét chung là phản ánh thế giới tâm linh của người Ấn. Người xem có thể cảm
nhận một cách sâu sắc từ những công trình kiến trúc tôn giáo Ấn sự kết hợp hài
hòa giữa con người và thiên nhiên, sự kết hợp nhuần nhuyễn của những khát vọng
thánh thiện và những đam mê trần tục.

Thời Xuntan Đêli và thời Môgôn, cùng với việc đạo Hồi trở thành quốc
giáo, ở Ấn Độ đã xuất hiện những công trình kiến trúc mới xây dựng theo kiểu
Trung Á và Tây Á. Do kiểu cách của cầu nguyện và nghi lễ, giáo đường và lăng
tẩm là hai loại hình chính trong kiến trúc Hồi. Đặc điểm chung của lối kiến trúc
này là mái tròn, cửa vòm, có tháp nhọn. Có khi các công trình này còn kết hợp với
phong cách truyền thống của Ấn Độ như xây theo lối có bao lơn lộ thiên, có cột
chống thanh thoát…Và đặc trưng nhất là hoa văn trang trí đặm đặc phi hình tượng.
Đỉnh cao nhất của loại hình lăng mộ đồng thời cũng là kiệt tác vô song của kiến
trúc Ấn – Hồi là tòa lăng mộ Taj Mahal( Thời Môgôn ở Agra).

Khác với người Hindu hỏa thiêu xác chết, người Hồi lại mai táng. Taj
Mahal do vua Shal Jahan (gốc Ba Tư, lên ngôi năm 1627); trong tiếng Ba Tư Shah
Jahan (‫ )شاه‌جها‬có nghĩa là "chúa tể thế giới" cho xây để tưởng nhớ Hoàng hậu yêu
quý của ông, Mumtaz Mahal đã mất năm 1631. Những cuốn biên niên sử triều
đình thời kỳ đó chứa nhiều câu chuyện liên quan tới nỗi buồn đau của Shah Jahan
trước cái chết của Mumtaz; chúng chính là cơ sở của những câu "chuyện tình"
thường được cho là cảm hứng tạo nên Taj Mahal. Ví dụ, 'Abd al-Hamid Lahawri,
đã ghi chép rằng, trước khi bà chết vị hoàng đế có "hai mươi sợi râu bạc," nhưng
sau đó không còn sợi nào không bạc cả. Lúc đầu, nó có tên là Tat Bibica Rauza,
nghĩa là nơi chôn cất “ Nữ hoàng của trái tim”, sau này mới có tên là Taj Mahal,
tiếng BaTư có nghĩa là “ Vương miện của người Môgôn” .

Nó được xây dựng năm 1632, lăng chính được hoàn thành năm 1648, và
các công trình xung quanh cùng vườn cây hoàn thành năm năm sau đó. 24000 lao
động trong 22 năm trời đó cùng với gần như toàn bộ ngân khố của đất nước đã đổ
vào đây.Lăng này là kết hợp tài nghệ của các kiến trúc sư và thợ thủ công nhiều
nước: Nó được thiết kế do kiến trúc sư chính người Persia, Ustad Isa; tham gia
trang trí nội thất có GieronimoVereneo,người Ý và Austin De Bordeaux, người
Pháp. Thợ chuyên môn giỏi cũng được đưa về từ Bagdad, Constantinople và các
đô thị Hồi giáo khác.

Nhìn toàn cảnh, phức hợp Taj Mahal được bao quanh bởi một bức tường đá
sa thạch đỏ có bố trí lỗ châu mai ở ba cạnh. Mặt quay ra con sông không có tường
bao. Bên ngoài bức tường là nhiều công trình phụ trợ khác, gồm cả lăng mộ của
những người vợ khác của Shah Jahan, và một ngôi mộ lớn cho người hầu thân cận
của Mumtaz. Các công trình đó, chủ yếu được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ, nói
chung nhỏ hơn các ngôi mộ Môgôn cùng thời kỳ. Phía bên trong (vườn), bức
tường được xây mặt trước bằng những mái vòm với cột chống, một đặc điểm điển
hình cả các đền thờ Hindu sau này đã được tích hợp vào các thánh đường Môgôn.
Bức tường được đặt rải rác một số ngôi nhà nhỏ (chattris) mái vòm, và các công
trình nhỏ có thể từng được dùng làm nơi quan sát hay đài chiêm ngưỡng (như cái
gọi là Ngôi nhà Âm nhạc, hiện được dùng như bảo tàng). Cổng chính (darwaza) là
một cấu trúc kỷ niệm được xây chủ yếu bằng đá marble. Phong cách làm ta liên
tưởng tới phong cách kiến trúc Môgôn của các vị hoàng đế Môgôn trước đó. Cổng
mái vòm của nó phản ánh hình ảnh cổng mái vòm của ngôi mộ, và trên các vòm
cung pishtaq của nó được trang trí bằng những nét chữ viết. Cổng được trang trí
với các motif hoa lá theo kiểu phù điêu đắp nổi thấp và pietra dura (khảm). Những
vòm trần và những bức tường được trang trí các hình học phức tạp, như những
hình được tìm thấy tại các công trình xây bằng đá sa thạch khác trong phức hợp.

Taj Mahal được xây trên một khu đất rộng hình chữ nhật( dài 580m, rộng
304 m). Kiến trúc chính của khu lăng là một tòa lâu đài hình bát giác, xây trên
một cái nền cao bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ.Trên nóc tòa lâu đó, ở
chính giữa là một mái vòm lớn vươn tới chiều cao 75m, giống “ một trái đào
khổng lồ dâng lên trời xanh,dầy dầy, đầy đặn” chung quanh được trang điểm bởi
bốn mái vòm nhỏ hơn( theo quan niệm của đạo Hồi, số 4 và bôi số của 4 là thiêng
liêng ).Vươn lên từ bốn góc của thềm cao, lại có bốn tháp nhọn cao 40m như 4 cây
sáo đang tấu nhạc hay bốn cây bút đang đề thơ lên mây thắm “. Theo kiến trúc của
đạo Hồi, 4 tháp đó có ý nghĩa lan truyền lời tiên tri của thánh Allah đi khắp bốn
phương trời. Tất cả làm bằng đá cẩm thạch trắng như tuyết, một chất liệu đá cực kì
nhạy cảm với những thay đổi nhỏ nhất của ánh sáng , nó phản chiếu những sắc
màu biến hiện diệu kì của đất trời qua từng khoảnh khắc.Người Ấn đã gọi Taj
Mahal là “ viên ngọc trân châu của những đền đài Ấn Độ “ hoặc “ một giấc mơ
tiên hiện thành đá trắng”.
Trên cửa, trên tường và trên bức rèm quây chung quanh hai ngôi mộ được
đặt tại chính giữa gian phòng rộng lớn sáng sủa ở tầng hai là những trang trí tinh
xảo được làm bằng cách khảm 12 thứ đá quý nhiều màu sắc trên nền đá cẩm thạch
trắng.Người Hồi không vẽ người hay động vật, họ thường dùng những họa tiết
hình học, những mô típ hoa lá hoạc khắc những câu kinh Coran trong những chữ
viết Ả rập. Chữ viết có vai trò rất thứ yếu đối với người Ấn nhưng nghệ thuật viết
và thưởng thức chữ đẹp lại được người Hồi rất say mê, họ xem đó là một phương
tiện biểu cảm để truyền đạt thông điệp của Đấng Tối Cao. Bao quanh quan tài là
một tấm lưới bằng cẩm thạch chạm trổ như đăng ten, đặt thành một kiểu "bình
phong" bát giác. Ánh sáng chảy ra làm ngời lên bức ren thêu bằng đá. Đứng đây
mà ngắm, người ta có cảm tưởng, có lẽ con người không thể làm được cái gì tinh
tế hơn nữa. Theo một số nhà nghiên cứu về đạo Hồi, hai quan tài này chỉ là nơi
chứa đựng linh hồn của người chết, còn di cốt thật của Mahah và Giahan đặt trong
hai quan tài ở tầng dưới.

Nhưng nếu ta cứ bê nguyên cả Taj Mahal như thế ra khỏi khung cảnh thiên
nhiên thì có lẽ một nửa vẻ đẹp của nó đã bị mất đi. Taj Mahal nằm ở cuối một khu
vườn rộng lớn với những dãy dài những cây bách xanh sẫm, trên nền cỏ xanh
mênh mông, ở giữa là hồ nước xanh màu hồ thủy, sáng lấp lánh, với những bông
sen trắng,sen hồng cùng màu xanh thắm của bầu trời Ấn Độ cao vợi bên trên,toàn
bộ làm nổi bật tòa nhà kiêu hãnh trắng ngời ngợi và “ trong phút chốc khiến tất cả
những quan tâm cùng nhu cầu trần tục biến mất khỏi tâm hồn du khách”.

Đồ sộ mà vẫn thanh tú, nhẹ nhàng nhờ sự sắp xếp hài hòa của các bộ phận
và phong cách hoàn hảo trong quan hệ tương tác giữa mỗi bộ phận và tổng thể, Taj
Mahal trở thành biểu tượng của sự toàn mĩ. Nó là một trong bảy kì quan cổ đại nổi
tiếng thế giới. Nó tiêu biểu cho Ấn Độ, cũng như tháp Eiffel là linh hồn của Pháp
vậy.

Các hình ảnh minh họa:


Taj Mahal (nhìn toàn cảnh) Đường đi bên cạnh bể phản chiếu

Thánh đường Taj Mahal Sảnh vòm chính và pishtaq bên

Móng, vòm và tháp Hình chạm đầu mái


Phía trong Taj Mahal Đài tưởng niệm trong Taj Mahal

Hầm mộ của vua Shal Jahan Sàn Taj Mahal

và hoàng hậu Muztal Mahal


Tài Liệu Tham Khảo

1. Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu,…: Lịch sử văn minh thế giới,
NXB Giáo dục.

2. Lê Phụng Hoàng(Chủ biên), Nguyễn Thị Kim Dung,…:Lịch sử văn minh thế
giới, NXB Giáo dục

3. Mai Ngọc Chừ: Văn hóa Đông Nam Á, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

4. Nguyễn Tấn Đắc: Văn hóa Ấn Độ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

5. G.S Lương Duy TRứ(Chủ biên), Phan Nhật Chiêu, Phan Thu Hiền: Đại Cương
văn hóa Phương Đông, NXB Giáo dục.

6. http://vi.wikipedia.org/wiki/Taj_Mahal

You might also like