You are on page 1of 9

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI TẬP HỌC KỲ


MÔN: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

ĐỀ 02: Một tập đoàn kinh tế của Nhật Bản muốn mở


rộng kinh doanh sang Việt Nam bằng các hình thức: xuất khẩu
hàng nông sản và đầu tư trực tiếp sản xuất sữa bò. Với tư cách
là một trong các luật sư của tập đoàn, anh(chị) được phân công
nghiên cứu về vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến các
hoạt động trên. Hãy làm 01 báo cáo thể hiện các nội dung tư vấn
trên

HỌ TÊN : Mạc Thanh Thảo


MSSV : 432927
LỚP : N01.TL01
NHÓM : 05

HÀ NỘI - 2021
MỤC LỤC

I. Bối cảnh và vấn đề pháp lý.......................................................................1

II. Tóm tắt câu trả lời....................................................................................1

III. Căn cứ pháp lý...........................................................................................1

IV. Phân tích....................................................................................................1

1. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông sản...................1

1.1. Các hình thức tranh chấp thường phát sinh trong hợp đồng
xuất khẩu nông sản..........................................................................................1

1.2. Phương thức thương lượng...........................................................2

1.3. Phương thức hòa giải....................................................................2

1.4. Phương thức trọng tài thương mại quốc tế..................................3

1.5. Phương thức tranh tụng trước tòa án quốc gia............................4

2. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp sản xuất sữa bò........5

V. Kết luận......................................................................................................6

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................7


1

BÁO CÁO PHÁP LÝ


Chủ đề: Nghiên cứu về vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động
xuất khẩu hàng nông sản và đầu tư trực tiếp sản xuất sữa bò.
I. Bối cảnh và vấn đề pháp lý
Để hướng tới mục tiêu mở rộng kinh doanh sang Việt Nam bằng các phương
thức: xuất khẩu hàng nông sản và đầu tư trực tiếp sản xuất sữa bò, tập đoàn đã có yêu
cầu nghiên cứu về vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan tới hai hoạt động trên. Do đó,
báo cáo pháp lý sẽ trình bày về hai nội dung chính sau đây:
(1) Phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xuất khẩu;
(2) Phương thức giải quyết tranh chấp lĩnh vực đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư
nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư.
II. Tóm tắt câu trả lời
Các phương thức giải quyết tranh chấp sẽ khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực xảy
ra tranh chấp và ý chí, lựa chọn của các bên. Đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng
thương mại quốc tế, cụ thể trong lĩnh vực xuất khẩu, có 4 phương thức có thể lựa
chọn: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Đối với lĩnh vực đầu tư quốc tế, tại Việt
Nam, tranh chấp thuộc lĩnh vực này được xử lý theo quy chế phối hợp trong giải quyết
tranh chấp đầu tư quốc tế, với ba phương thức: hòa giải, cơ quan tài phán trong nước,
trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền.
III. Căn cứ pháp lý
 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015);
 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015);
 Luật Trọng tài thương mại 2010;
 Luật Đầu tư 2020;
 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP;
 Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg;
 Công ước New York 1958.
IV. Phân tích
1. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông sản
1.1. Các tranh chấp thường phát sinh trong hợp đồng xuất khẩu nông sản
2

 Tranh chấp liên quan đến hiệu lực pháp lý của đơn chào hàng và thời điểm
ký kết hợp đồng;
 Tranh chấp liên quan đến cơ sở pháp lý của hợp đồng và địa vị pháp lý của
chủ thể hợp đồng;
 Tranh chấp liên quan đến nội dung của hợp đồng;
 Tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
1.2. Phương thức thương lượng
Phương thức thương lượng là việc các bên xảy ra tranh chấp có cùng thiện chí
tháo gỡ tranh chấp trong hợp đồng thương mại quốc tế, không có sự tham gia trung
gian của bên thứ ba và không có phán quyết đưa ra sau khi kết thúc thương lượng.
Việc thực hiện kết quả thương lượng phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh
chấp. Thương lượng không chịu sự ràng buộc của thủ tục tố tụng và có thể thực hiện
dưới dạng ngôn ngữ, ngầm hiểu, trực tiếp, gián tiếp, lời nói. Do đó, thương lượng được
ưu tiên lựa chọn khi các bên tranh chấp muốn giải quyết một cách đơn giản, nhanh
chóng, thuận tiện, ít tốn kém chi phí và bảo vệ uy tín của doanh. Tuy nhiên, doanh
nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi phương thức này không được đảm bảo thi hành
bằng cơ chế bắt buộc.
Có ba chiến lược thương lượng chính bao gồm: thương lượng cạnh tranh,
thương lượng giải quyết vấn đề, thương lượng nhân nhượng. Chiến lược thương lượng
cạnh tranh được sử dụng khi lợi ích của các bên có sự xung đột mạnh mẽ. Bên sử dụng
thương lượng cạnh tranh áp dụng phương pháp để khám phá hoàn cảnh của phía bên
kia và đồng thời để bên kia hiểu sai về hoàn cảnh của mình. Nếu các bên chỉ có mục
tiêu là thỏa mãn những nhu cầu quan trọng thì chiến lược thương lượng giải quyết vấn
đề sẽ được ưu tiên sử dụng bằng cách nâng cao số lượng các vấn đề để có thể mặc cả
trước khi phân chia lợi ích. Chiến lược thương lượng nhân nhượng dành cho bên mong
muốn có một sự thỏa hiệp để đạt thỏa thuận có lợi cho tất cả. Người tham gia thương
lượng là người có thẩm quyền trong nội bộ bên họ đại diện và có kiến thức, kinh
nghiệm phù hợp với chiến lược đề ra.
1.3. Phương thức hòa giải
Dựa vào tính độc lập, có thể chia hòa giải thành hai loại là hòa giải trong tố tụng
và hòa giải ngoài tố tụng. Hòa giải trong tố tụng là thủ tục thuộc quy trình tố tụng tòa
án hoặc trọng tài. Hòa giải ngoài tố tụng là phương thức giải quyết thông qua sự điều
3

phối của người thứ ba, được tiến hành khi có sự thỏa thuận của các bên và thực hiện
thông qua thủ tục tài phán tư. Các bên tự thỏa thuận quy tắc hoặc sử dụng các bộ quy
tắc hòa giải mẫu như quy tắc hòa giải của UNCITRAL 1980, quy tắc hòa giải của
VIAC. Hòa giải viên là các chuyên gia có đạo đức nghề nghiệp, kỹ thuật chuyên môn
và khả năng đàm phán, hỗ trợ cho các bên trong giải quyết tranh chấp. Phương thức
này được ưu tiên áp dụng bởi thủ tục linh hoạt, bảo mật và có khả năng thành công cao
bởi sự tham gia của bên thứ ba khách quan điều phối. Hòa giải ngoài tố tụng bao gồm
hai phương thức: hòa giải vụ việc và hòa giải quy chế. Trong hòa giải vụ việc, các bên
tự lựa chọn hòa giải viên, tự tổ chức, giám sát quy trình hòa giải, hòa giải viên hoặc
hội đồng các hòa giải viên sẽ giải tán sau khi kết thúc hòa giải. Đối với hòa giải quy
chế, việc hòa giải do một tổ chức hoặc một trung tâm trọng tài, trung tâm hòa giải
chuyên nghiệp tiến hành và được thực hiện theo quy tắc của cơ quan đó.
Để kết quả hòa giải thành ngoài tố tụng được công nhận, căn cứ theo Điều 418
BLDS 2015, người yêu cầu phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày
các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án
thụ lý đơn yêu cầu thì phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu để ra quyết
định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Quyết
định có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc
thẩm, tuy nhiên quyết định này có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái
thẩm.
1.4. Phương thức trọng tài thương mại quốc tế
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính chất tư và được thực
hiện dựa trên thỏa thuận của các bên. Phương thức trọng tài có sự tham gia của bên thứ
ba là trọng tài viên do các bên lựa chọn. Các bên cũng có thể quyết định sẽ thực hiện
phương thức trọng tài thông qua sự điều hành của tổ chức trọng tài quốc tế hoặc một
tòa trọng tài vụ việc. Các bên bị ràng buộc bởi quy tắc của trọng tài mà họ lựa chọn, do
đó, khi trọng tài đưa ra quyết định thì quyết định đó là cuối cùng và ràng buộc và có
thể thi hành tại tòa án quốc gia.
Phương thức trọng tài được sử dụng phổ biến trong các tranh chấp thương mại
quốc tế bởi các ưu điểm vượt trội của nó. Các trọng tài viên tham gia giải quyết tranh
chấp là các chuyên gia trong lĩnh vực xảy ra tranh chấp, các bên tham gia có thể lựa
chọn về quy trình và chi phí của việc giải quyết tranh chấp, do đó có thể khắc phục
4

được sự bất cập của phương thức tranh tụng trước tòa án. Phán quyết của trọng tài có
khả năng thi hành tại tòa án trong nước của nhiều quốc gia theo Công ước New York
và các tòa án có nghĩa vụ phải thi hành phán quyết trọng tài, trừ khi có những sai phạm
nghiêm trọng về thủ tục giải quyết bằng phương thức trọng tài, hoặc những vấn đề liên
quan đến tính trung thực của quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng
tài. Trọng tài còn ưu thế khi có khả năng giữ bí mật về quy trình và kết quả giải quyết
tranh chấp, từ đó đảm bảo được uy tín của các bên.
Về việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài, Việt Nam chỉ áp dụng
Công ước New York 1958 đối với việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết
định của trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ quốc gia là thành viên của Công
ước. Đối với phán quyết được tuyên tại lãnh thổ của quốc gia chưa ký kết hoặc chưa
tham gia Công ước, Công ước sẽ được áp dụng theo nguyên tắc có đi có lại.
1.5. Phương thức tranh tụng trước tòa án quốc gia
Phương thức tranh tụng trước tòa án quốc gia là phương thức tranh tụng truyền
thống, có tính thể thức và tính tổ chức cao với các quy định và thủ tục được thiết lập
chặt chẽ, do đó, các bên có thể ý thức được các giai đoạn cơ bản của quá trình tố tụng,
các bước trong từng giai đoạn tố tụng và thời hạn tương ứng kể từ khi vụ kiện được
đưa ra tòa hoặc ngay sau đó. Sau khi xem xét tranh chấp, cho dù một trong các bên
liên quan không thiện chí hợp tác thì phán quyết được đưa ra vẫn có giá trị pháp lý bắt
buộc với các bên. Các bên cũng sẽ được đảm bảo cơ hội để nhận đền bù các quyền lợi
đã được công nhận một cách hợp pháp. Tuy nhiên, do quy trình tố tụng có tổ chức rất
nghiêm ngặt do đó sẽ mất nhiều thời gian hơn và không linh hoạt, các bên cũng phải
tốn thêm chi phí để thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia tranh tụng.
Nơi khởi kiện thường là nơi cư trú của bị đơn để tạo thuận lợi cho việc tham gia tranh
tụng của bị đơn và tạo điều kiện thực thi phán quyết. Theo Luật Trọng tài thương mại
2010, nếu các bên đã có thỏa thuận trọng tài thì tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ kiện.
Nếu không có hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và quốc gia nơi khởi
kiện hoặc điều ước quốc tế khác có liên quan về việc công nhận và cho thi hành bản án
của tòa án nước ngoài về tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế thì sẽ dựa vào quy
định của pháp luật trong nước được quy định cụ thể tại BLTTDS 2015. Theo đó, các
bản án sau đây có khả năng được công nhận và thi hành tại Việt Nam:
5

 Bản án của tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó
và Việt Nam là thành viên;
 Bản án của tòa án nước ngoài mà nước đó và Việt Nam chưa từng là thành
viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và thi hành bản án của tòa án
nước ngoài nhưng được công nhận và thi hành trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
 Bản án của tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam công nhận và thi
hành.
2. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp sản xuất sữa bò
Tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư với chủ thể là nhà đầu tư nước ngoài và Chính
phủ thường có nội dung đa dạng và phức tạp, có thể bao gồm tranh chấp về thủ tục
thuê đất, tranh chấp về quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nước sở tại,...
Tại Việt Nam, vấn đề giải quyết tranh chấp được quy định tại khoản 4 Điều 14
Luật Đầu tư 2020: "Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có
thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được
giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có
thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.” Và theo đó nhà đâu tư nước ngoài có
thể sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bao gồm hòa giải, trọng tài và tòa án
quốc gia.
Theo Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành
kèm theo Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy chế 04), phải có sự phối hợp
và tham gia giải quyết tranh chấp giữa nhà nước, cơ quan nhà nước và nhà đầu tư nước
ngoài tại cơ quan tài phán thông quan ba giai đoạn: tiền tranh chấp, giải quyết tranh
chấp và hậu tranh chấp. Ở giai đoạn tiền tranh chấp, cơ quan có trách nhiệm sẽ tiến
hành giải quyết khiếu nại và tham vấn của nhà đầu tư nước ngoài, sau đó tiến hành
đàm phán/thương lượng trong hoảng thời gian 3-6 tháng.
Hòa giải trong lĩnh vực đầu tư được quy định tại Luật Hòa giải cơ sở (đối với
lĩnh vực dân sự) và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP (đối với hòa giải thương mại). Theo
đó, hòa giải trong ISDS phải trải qua 6 bước, bao gồm:
(1) Đánh giá tranh chấp dựa trên các quy định của pháp luật, cam kết quốc tế,
bao gồm cả việc xem xét kết quả đàm phán/ thương lượng không thành;
(2) Xây dựng phương án hòa giải;
6

(3) Xin ý kiến các cơ quan và trình phê duyệt phương án hòa giải;
(4) Chọn hòa giải viên và quy tắc hòa giải;
(5) Tiến hành hỏa giải với sự tham gia phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên
quan theo quy tắc hòa giải đã lựa chọn;
(6) Cơ quan chủ trì phối hợp với cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ giám
sát việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.
Phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại cơ quan tài phán trong
nước tồn tại nhiều vấn đề như hệ thống tư pháp và pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư
không đủ năng lực và chưa hoàn thiện hoặc tòa án Việt Nam không thể xét xử các vụ
việc hành chính liên quan đến an ninh quốc gia và quan hệ đối ngoại.
Trọng tài quốc tế là phương thức phổ biến trong giải quyết tranh chấp đầu tư
quốc tế, bao gồm ba hình thức sau:
(1) Trọng tài quy chế thành lập theo quy chế và giám sát bởi các trung tâm
trọng tài quốc tế như ICSID, PCA, ICC;
(2) Trọng tài vụ việc thành lập theo quy tắc trọng tài quốc tế (VD:
UNCITRAL);
(3) Cơ chế trọng tài đặc biệt.
Trọng tài ISDS phải dựa trên sự thỏa thuận trước đó của nhà đầu tư và Chính
phủ nước tiếp nhận đầu tư, thường được thể hiện trong BIT giữa nước tiếp nhận đầu tư
với nước mà nhà đầu tư nước ngoài có quốc tịch hoặc thỏa thuận được ghi nhận trong
hợp đồng đầu tư giữa Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
Phương thức trọng tài ISDS có thể tránh được sự nghi ngại của nhà đầu tư đối với sự
không chắc chắn của hệ thống nước tiếp nhận đầu tư, cho phép nhà đầu tư lựa chọn
phương thức khác ngoài hệ thống tư pháp của nước tiếp nhận đầu tư để tìm kiếm sự
bảo vệ trước các hành vi vi phạm của nước tiếp nhận đầu, nhà đầu tư cũng không phải
hoàn toàn phụ thuộc vào nước mình có quốc tịch để yêu cầu bồi thường do quan hệ
ngoại giao của các nước có nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến một nước không muốn đưa
ra yêu sách chống lại nước khác. ISDS cũng là động lực khuyến khích phát triển các
chính sách trong nước nhằm tạo thuận lợi, để thu hút đầu tư mới và duy trì đầu tư hiện
tại, bao gồm các chính sách có thể dự đoán được, nhất quán và minh bạch.
Sau khi tranh chấp được giải quyết, các bên sẽ tiến đến giai đoạn hậu tranh chấp
là giai đoạn thi hành phán quyết của trọng tài quốc tế theo một trong các cách sau:
7

(1) Yêu cầu sửa chữa, bổ sung phán quyết trọng tài;
(2) Thi hành thỏa thuận trọng tài hòa giải thành;
(3) Công nhận và thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam hoặc nước ngoài.
V. Kết luận
Dựa vào các phân tích trên, tập đoàn có thể cân nhắc lựa chọn phương thức giải
quyết tranh chấp phù hợp khi đàm phán hợp đồng.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hanoi Law University, International Investment Law Textbook,


Youth Publishing House, Hanoi (2017).

2. Hanoi Law University, International Trade and Business Law


Textbook, Youth Publishing House, Hanoi (2017).

3. ThS. Nguyễn Thị Anh Thơ, Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư
quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do thê hệ mới mà Việt Nam là thành
viên, địa chỉ truy cập: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?
tintucid=210433, truy cập ngày: 3/5/2021.

You might also like