You are on page 1of 4

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ đời sau những kiệt tác văn học. Phần
lớn thơ ca của Người là để ca ngợi thiên nhiên hoặc kêu gọi nhân dân đồng lòng đứng lên kháng chiến. Nổi bật hơn cả là áng
văn nghị luận “Tuyên ngôn Độc lập”, một văn kiện mang tính lịch sử, chính thức khai sinh ra nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam. Được đánh giá là sự chuẩn mực của thể loại nghị luận, ngay từ đầu tác phẩm, Hồ Chí Minh đã viết rất cao tay, vừa
khéo léo, vừa kiên quyết lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.
“Hỡi đồng bào cả nước,
[...]
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”
Bản “Tuyên ngôn độc lập” ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Đó là khi Chiến tranh thế giới thứ hai đi đến
những ngày cuối cùng, phe Phát xít bị tiêu diệt, phe Đồng minh toàn thắng. Nhà cầm quyền Pháp tuyên bố Đông Dương là
thuộc địa của Pháp. Trên toàn quốc, nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền. Nhưng chính quyền non trẻ ấy lập tức phải đối
diện với âm mưu quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai của thực dân Pháp. Dưới tình hình hết sức căng thẳng đó, ngày
26/8/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Và ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Người đọc
bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới. Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận nhằm mục đích cơ bản là
tuyên bố quyền độc lập tự do của một quốc gia dân tộc trước cộng đồng quốc tế. Tuyên ngôn độc lập thường có bố cục ba
phần: mở đầu - nêu nguyên lí chung, phần tiếp theo - chứng minh cho nguyên lí ấy và phần tuyên ngôn.Tuyên ngôn độc lập
của Hồ Chí Mình đã tuân thủ đúng trật tự ba phần ấy, thể hiện bố cục chặt chẽ, lớp lang, thuyết phục. Tuy nhiên, bố cục bản
tuyên ngôn độc lập vừa mang tính quy ước chung vừa mang tính linh hoạt sáng tạo, vừa thể hiện tài nghệ cây bút sắc sảo
của Người. Nét đặc sắc này được thể hiện nổi bật ở phần mở đầu: vừa khéo léo mềm dẻo vừa thích đáng, ý nghĩa.
Đoạn văn mở đầu bằng câu văn hết sức mềm dẻo, khéo léo, thuyết phục: “Hỡi đồng bào cả nước”. Hồ Chí Minh mở
đầu bản Tuyên ngôn bằng một hô ngữ. Hô ngữ “hỡi” vang lên, trang trọng và thiêng liêng như trong một buổi lễ, nhưng lại rất
mực gần gũi, thân thương, ấm áp như một cuộc nói chuyện bình thường. Khi xưa với "Nam quốc sơn hà", Lý Thường Kiệt
mở đầu bằng "Sông núi nước Nam, vua Nam ở" hay như cụ Nguyễn Trãi trong “Bình ngô đại cáo” từng đề cập trước hết tới
"việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" đều cho ta thấy sự phân biệt rõ giới hạn quân - thần. Nhưng đến với Tuyên ngôn độc lập, vị
cha già kính yêu của dân tộc đã cất lên hai tiếng “đồng bào” trong giây phút trọng đại ấy. Không phải “nhân dân”, không phải
“mọi người” mà là “đồng bào” - là những con người con cùng một mẹ, chung cái bọc trăm trứng, chung một dòng máu đỏ da
vàng. Hai tiếng thiêng liêng ấy đã chạm đến cội nguồn của mỗi người con đất Việt, chạm đến tinh thần dân tộc chảy xuôi
trong huyết quản mỗi người dân đất này. Khoảnh khắc Bác cất hai tiếng ấy trên quảng trường Ba Đình lịch sử, không khí
bỗng trở nên đầm ấm, thân thương vô cùng.
Sức cuốn hút và tính thuyết phục của phần mở đầu được khẳng định rõ nét hơn cả qua việc trích dẫn hai bản Tuyên
ngôn độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789:
“Tất cả mọi người đều sinh ra
[...]
và phải luôn được bình đẳng, tự do về quyền lợi”
Hai bản Tuyên ngôn của hai cường quốc này đều đề cập đến quyền con người - quyền cơ bản của mọi người dân
trên Trái đất. Bằng việc trích dẫn chân lí đã được mình chứng qua hai thế kỉ của hai bản tuyên ngôn này, Bác đã bày tỏ thái
độ đề cao, trân trọng tư tưởng nhân quyền. Nhưng điều đặc biệt trong bản Tuyên ngôn độc lập của Người ấy là từ quyền bình
đẳng, tự do của con người, tác giả đã suy rộng ra quyền bình đẳng, tự do của các dân tộc trên thế giới. Tư tưởng nhân quyền
tư sản đã được thay bằng tư tưởng độc lập dân tộc. Phép suy lí rất logic, rất chặt chẽ, đầy tính thuyết phục này đã công bố tư
tưởng độc lập dân tộc lần đầu tiên trên thế giới. Như vậy, Người đã quốc tế hóa vấn đề độc lập tự do của dân tộc Việt Nam,
góp phần quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, bản Tuyên ngôn của Hồ Chí Minh
còn mang một ý nghĩa lịch sử khi đặt trong hoàn cảnh thực dân Pháp đang lăm le xâm lược trở lại nước ta. Nếu coi hai bản
Tuyên ngôn của Pháp và Mĩ là chân lí của nhân loại, không gì bác bỏ được thì không có lí do gì mà chính người Mĩ, người
Pháp lại đi ngược lại những chân lí của tổ tiên họ. Đây chính là cách lấy lí lẽ của dân tộc mà ràng buộc kẻ thù, đẩy họ vào thế
bị động. Tác giả Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: với kẻ thù ta phải khôn khéo và kiên quyết. Qua đó làm nổi bật tài năng bậc
thầy trong nghệ thuật lập luận, khẳng định chất trí tuệ sắc bén. Đồng thời, đặt ba cuộc cách mạng, ba nền độc lập, ba bản
tuyên ngôn ngang hàng nhau vừa khẳng định niềm tự hào dân tộc ngàn đời, vừa tạo vị thế đường hoàng cho Việt Nam trên
trường quốc tế. Thực tế là trong lịch sử dân tộc Việt, cụ Nguyễn Trãi cũng từng đặt ngang hàng các vương triều Việt Nam với
các vương triều phong kiến Bắc quốc:
"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương"
Như vậy, lời Tuyên ngôn của Bác đã tiếp nối truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc  ngàn đời, gợi lên mối dây lịch
sử từ ngày nay đến ngàn xưa. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt qua phạm vi trong nước nhỏ hẹp để vươn tới thế giới. , vượt
qua không gian thời gian để lắng đọng hồn thiêng sông núi. 
Câu kết khẳng định chắc nịch về nền độc lập dân tộc và cơ sở của nền độc lập ấy,  cũng khẳng định lại lần nữa về
sức hấp dẫn của văn bản chính luận này. Một câu văn ngắn gọn súc tích, giản dị mà mạnh mẽ đanh thép. "Lẽ phải" ở đây là
nhân quyền, dân quyền và là những sự thật không ai chối cãi được.  Lời khẳng định hùng hồn ấy đã tuyên bố tính tất yếu và
chính nghĩa của những chân lý, lập trường đã nêu trên.  Cơ sở pháp lý cho nền độc lập của dân tộc ta khẳng định vững chắc,
đặt nền móng cho lời tuyên ngôn độc lập với toàn quốc, với thế giới.
 Đoạn văn mở đầu hàm súc, ngắn gọn, tuy chưa đến một trang giấy nhưng chứa đựng tầm kiến văn rộng và tư tưởng
lớn của Hồ Chí Minh. Dẫn chứng được đưa ra thuyết phục dùng lời nói của đối phương để phản bác âm mưu của chúng,
dùng nghệ thuật gậy ông đập lưng ông tài tình, ngôn ngữ chính luận vừa giản dị, ấm áp, giàu ý nghĩa, vừa mạnh mẽ, trong
sáng, dễ hiểu kết hợp cùng lý lẽ đanh thép, tư duy lý luận sáng tạo suy rộng ra đưa quyền con người lên thành quyền dân tộc.
Cơ sở pháp lý cho nền độc lập của Việt Nam được khẳng định vững chắc, đặt nền móng cho lời tuyên ngôn với toàn dân tộc,
toàn thế giới.
Quả thực, sức hấp dẫn và thuyết phục của đoạn văn mở đầu Tuyên Ngôn Độc Lập là không thể chối cãi, được coi là
đoạn văn mở đầu mẫu mực của áng văn kiện có giá trị lịch sử lớn của toàn dân tộc, là áng thiên cổ hùng văn của thời kỳ đấu
tranh Hồ Chí Minh.
TÂY TIẾN
Đã có lời văn từng nhận xét: "Có lẽ đến Tây Tiến, Quang Dũng đã thể hiện được một bản lĩnh thơ đầy cá tính và bút
lực mạnh mẽ hơn người". Quả vậy, Quang Dũng với hồn thơ hồn hậu, phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa đã thể hiện rõ nét
được dấu ấn cá nhân của mình trong tác phẩm "Tây Tiến". Bài thơ đã xây dựng rất thành công bức tượng đài về người chiến
binh Tây Tiến hào hùng, hào hoa trên phông nền thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng. Trong đó, hình tượng người lính
với vẻ đẹp hào hùng, bi tráng được thể hiện nổi bật trong đoạn thơ sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,


Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

“Tây Tiến” được Quang Dũng sáng tác năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, sau một thời gian ông rời xa đơn vị và đồng
đội. Bài thơ là những dòng kỉ niệm, những dòng ký ức mà tác giả gợi về đoàn binh Tây Tiến một thời đã xa. Hình tượng người
lính vốn là hình tượng quen thuộc, điển hình trong các sáng tác văn học. Viết về người lính, các nhà văn, nhà thơ đều ca ngợi
họ như những biểu tượng rực rỡ nhất của tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, khát vọng hòa bình, độc lập và tự do. Với
Quang Dũng, hình tượng người lính cũng được miêu tả vô cùng nổi bật. Họ không chỉ là những người chiến sĩ cách mạng
dũng cảm, kiên cường, tràn đầy tinh thần yêu nước mà ở họ còn tỏa rạng một tâm hồn trẻ trung, lãng mạn, hào hoa. Đoạn
thơ thứ ba trong “Tây Tiến” đã làm nổi bật những vẻ đẹp ấy của người chiến sĩ trong máu lửa.
Người lính Tây Tiến được tô đậm với vẻ đẹp của khí phách oai phong lẫm liệt, sức mạnh phi thường dẫu hiện thực
chiến trường có muôn vàn những khó khăn, thiếu thốn
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Khắc tả chân dung của đoàn quân ra trận, Quang Dũng không hề né tránh hiện thực gian khổ thiếu thốn của cuộc
chiến đấu trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp cứu nước. Những chàng trai với cái đầu “không mọc tóc”, với nước da
xanh ngắt đâu phải là sản phẩm của trí tưởng tượng tạo nên sự li kì. Đó chính là hiện thực của những năm tháng chiến tranh
tàn khốc và đầy hiểm nguy với những trận sốt rét rừng liên miên đã gây nên bao nỗi ám ảnh cho những người lính. Thế
nhưng Quang Dũng không phải là người đầu tiên nói về điều này, thơ ca kháng chiến đã bao lần gọi tên căn bệnh “sốt rét
rừng”:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi
(“Đồng chí” - Chính Hữu)
Hay là những vần thơ của Nguyễn Đức Mậu:
Khói thuốc súng trộn vào áo trận
Cơn sốt rừng đo đạc tuổi hai mươi
(“Áo lính sư đoàn”)
Như vậy, Quang Dũng không hề che dấu những gian khổ, khó khăn mà người lính Tây Tiến phải gánh chịu. Chỉ có
điều dưới ngòi bút của ông, hiện thực gian khổ không được miêu tả trần trụi mà qua cái nhìn mang đầy màu sắc lãng mạn.
“Không mọc tóc” - cách dùng từ độc đáo này của tác giả đã đảo thế bị động thành chủ động, thể hiện tâm thế ngạo nghễ ở
những con người bản lĩnh, biết hóa rủi thành may, biến những khó khăn thành cơ hội. Hình ảnh “quân xanh màu lá” gợi cho
người đọc nhiều liên tưởng. Đó có thể là màu xanh của bộ quân phục người chiến sĩ, màu xanh của những vòm lá ngụy trang
và cũng có thể là màu xanh vì căn bệnh sốt rét rừng hằn in lên da đoàn quân Tây Tiến, như một nhà thơ đã từng viết:
Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật
Đâu còn tươi nữa những ngày qua
Dẫu hiểu theo cách nào, ta vẫn thấy rõ trong đó cái thiếu thốn gian khổ, cái khốc liệt dữ dội của chiến tranh. Vậy mà,
bất chấp tất cả những điều đó, những người lính Tây Tiến vẫn tỏa sáng với tư thế “dữ oai hùm”. Ba tiếng “dữ oai hùm” đặt ở
cuối câu thơ như một tiếng dằn mạnh mẽ, làm bật lên cái tráng trí anh hùng, khí phách, quật cường của những người lính Tây
Tiến. Hình ảnh của họ giống như hình ảnh con hổ nơi rừng thiêng oai phong lẫm liệt. Câu thơ như vút lên âm hưởng hào
sảng qua những thanh bằng, thanh trắc đặt cuối dòng thơ. Quang Dũng đã phát huy triệt để hiệu quả của biện pháp đối lập
giữa bề ngoài và nội tâm. Người lính Tây Tiến mang vẻ ngoài vừa tiều tụy, vừa can trường, vừa mang khí phách của một hiệp
sĩ. Viết về hiện thực gian khổ nhưng đó không phải là chủ đích của ngòi bút Quang Dũng. Nhà thơ đã thành công khắc họa
cái anh hùng, vượt lên cái bi của hoàn cảnh chính là cái tráng của người lính.
Thế nhưng cái oai phong, lẫm liệt, không quản gian khó kia chỉ là lớp vỏ bọc cho vẻ đẹp tâm hồn của những người
lính trẻ Hà thành mang giấc mộng anh hùng và niềm mơ lãng mạn:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Hình ảnh “mắt trừng” cho người đọc cảm nhận được ý chí lớn lao của người lính Tây Tiến. Họ ra trận với dáng dấp
của những vị đại trượng phu thuở trước, mang theo giấc mộng chiến đấu, giấc mộng lập công và lí tưởng anh hùng, “coi thái
sơn nhẹ tựa hồng mao”. Nhưng đằng sau vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài còn là những tâm hồn, những trái tim rạo rực khao
khát yêu đương. Những người lính Tây Tiến không chỉ là những người chiến sĩ anh hùng, quả cảm, dữ dằn, oai phong mà
còn là những chàng trai lắm mộng, nhiều mơ tràn trề khát vọng. Ở nơi biên cương xa xôi họ vẫn mơ về Hà Nội, về những
dáng kiều thơm yểu điệu, thướt tha. Trái tim họ vẫn đập những nhịp đập rạo rực yêu đương. Có một thời những câu thơ này
bị phê phán rất gay gắt nhưng thời gian càng lùi xa thì giá trị chân chính của thơ ca càng được khẳng định. Những người lính
Tây Tiến đâu phải những người mang nặng tư tưởng “mộng rớt” tiểu tư sản như người ta vẫn quy chụp cho họ. Câu thơ đã
miêu tả chân thực tâm hồn những người lính Tây Tiến. Chính nỗi nhớ ấy và tình yêu thương kia đã khiến cho tâm hồn họ
phong phú, giàu cảm xúc, tinh tế và nhân văn hơn. Cũng như hình ảnh “Mai Châu mùa em”, hình ảnh “Hà Nội dáng kiều
thơm” là nguồn cổ vũ, động viên đối với người chiến sĩ, như miếng nước ngọt với người bộ hành trên sa mạc. Một thoáng kỉ
niệm êm đềm, một chút mơ mộng xao xuyến cũng đủ tiếp thêm động lực cho người lính trong gian nan. Cùng viết về điều
này, nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước” từng khẳng định:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Vậy là những người lính ra trận vừa nung nấu trong ý chí lại vừa bồn chồn trong cảm xúc. Tình yêu đôi lứa, tình yêu
Hà Nội đã hòa cùng tình yêu đất nước trong lòng những người lính trẻ. Ở góc nhìn này, người đọc không chỉ nhìn thấy người
lính Tây Tiến toát lên vẻ hào hùng, dũng mãnh mà còn mang đậm vẻ hào hoa, lãng mạn.
Trên trang thơ của Quang Dũng, những người lính Tây Tiến không chỉ sống và chiến đấu anh hùng mà họ còn được
ngợi ca bởi tinh thần xả thân cứu quốc, bởi sự hi sinh cao cả được nhân dân và đất nước ngưỡng vọng:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Từ láy “rải rác” đặt ở đầu câu gợi cho người đọc nhiều cảm xúc: nơi biên cương xa xôi có những nấm mồ nằm rải rác.
Nói về cái chết đã là nỗi thương đau mà lại chết nơi biên ải xa xôi hoang lạnh thì còn còn nỗi đau nào lớn hơn thế. Tuy nhiên,
đọc thơ Quang Dũng, người ta không cảm thấy bị nhấn chìm vào cái bi lụy. Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào bi thương lại
được nâng đỡ bằng đôi cánh của lí tưởng, của tinh thần lãng mạn. Nói về cái chết, tác giả đã sử dụng những từ Hán Việt tạo
sắc thái trang trọng, làm giảm nhẹ đi những thương đau trong tâm hồn con người. Nếu câu thứ nhất tô đậm nét bi thì câu thứ
hai lại khắc sâu nét tráng. Cặp câu thơ tạo ra ý thơ đối lập. Trong cái hoang vu lạnh lẽo của sự chết chóc ấy, người ta lại thấy
nổi bật lên cái tráng chí ngút trời của người lính Tây Tiến: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Có ý kiến cho rằng câu thơ
như cái hất đầu đầy ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Quả đúng là vậy, câu thơ ngắt nhịp ¾ gân guốc. Những người lính
ra đi là chiến đấu, ra đi là quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Như vậy, hình tượng người lính có tiều tụy trong dáng vóc nhưng
lại chói ngời vẻ đẹp lí tưởng mang dáng dấp của người tráng sĩ thuở xưa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Đọc câu thơ Quang Dũng, ta liên tưởng đến những vần thơ của Thanh Tháo:
Chúng tôi đã đi chẳng tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc
Nhưng có một sự thật bi thảm, những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả mảnh chiếu để che
thân. Nhưng qua cái nhìn của Quang Dũng, họ lại được bọc trong những tấm áo bào sang trọng. Cái bi thương được vơi đi
nhờ cách nói giảm và cách sử dụng tinh tế những từ Hán Việt xen kẽ. Viết về cái chết của những người lính, nhà thơ đã sử
dụng cách nói giảm vô cùng tinh tế qua cụm từ “anh về đất”. Những người lính Tây Tiến chính là đang về với đất mẹ, đang
được mẹ đất ấp ôm vào lòng. 
Đứng trước sự ra đi của người lính Tây Tiến, dòng sông Mã cũng tấu lên khúc ca li biệt thống thiết: “Sông Mã gầm lên khúc
độc hành”. Động từ “gầm” được sử dụng trong câu thơ gợi cảm giác mạnh, thể hiện nỗi đau thương thống thiết tột cùng.
Tiếng gầm của dòng sông Mã, hay chính là tiếng gầm của con người. Nỗi đau của người và thiên nhiên như hòa quyện vào
nhau, tấu lên một khúc ca thương bi hùng, thống thiết. Trong sự diễn tả của Quang Dũng, cái bi đã được chuyển hóa thành
cái tráng hào hùng, cao hơn cái chết vẫn là sự sống sự bất tử.
Bài thơ đã cho ta thấy được những vẻ đẹp đáng quý trong chân dung người lính Tây Tiến. Đó là những anh chiến sĩ
Hà Thành hào hùng với khí phách oai phong lẫm liệt, tinh thần sẵn sàng xả thân cứu quốc song cũng rất đỗi hào hoa, phong
nhã và đầy lãng mạn. Quang Dũng đã rất dụng công xây dựng nên bức tượng đài bất tử về những anh lính vệ quốc đoàn
bằng thể thơ 7 chữ hiện đại mang dáng dấp thể hành,  ngôn ngữ thơ vừa quen thuộc, vừa độc đáo với hệ thống từ Hán Việt,
ẩn dụ so sánh, hình ảnh ước lệ đậm màu sắc phương Đông, thủ pháp tương phản đối lập mà tương xứng hài hoà, cảm hứng
lãng mạn và tinh thần bi tráng. Với “Tây Tiến”, Quang Dũng đã góp thêm vào bảo tàng văn học kháng chiến VN một chân
dung tuyệt đẹp về những người lính trên mặt trận -  con người Việt Nam đẹp nhất trong thời đại chiến tranh vệ quốc.
Đoạn thơ đã góp phần không nhỏ tạo nên sức sống vượt thời gian của “Tây Tiến”, trải qua bao nhiêu thăng trầm,
sóng gió nhưng Tây Tiến vẫn đọng lại trong lòng người đọc một ấn tượng không thể nào quên về một thi phẩm xuất sắc của
văn học Việt Nam
Tây Tiến biên cương mờ lửa khói
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy, con người ấy
Vẫn sống muôn đời với núi sông.

You might also like