You are on page 1of 190

TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO

TRUNG HOA

Phụ Lục
Nội Dung

Lưới Tương Giao ....................................................................................3


(I) Mạng lưới ngẫu duyên....................................................................3
(II) Sự xuất hiện mạng lưới sống........................................................14
(III) Mạng Toàn Cầu...........................................................................27
(IV) Pháp giới tính: chồng chập, giao thoa, và vướng mắc................40
Thiền và tranh chăn trâu :...................................................................56
Tranh 1 : Tìm trâu (tầm ngưu)........................................................57
Tranh 2 : Thấy dấu chân trâu (kiến tích) : ......................................57
Tranh 3 : Thấy trâu (kiến ngưu) : ...................................................58
Tranh 4 : Được trâu (đắc ngưu) :....................................................58
Tranh 5 : Chăn trâu (mục ngưu) : ...................................................59
Tranh 6 : Cỡi trâu về nhà (kỵ ngưu quy gia) : ................................60
Tranh 7 : Quên trâu còn người (vong ngưu tồn nhân)....................60
Tranh thứ 8 : Người trâu đều quên (nhân ngưu câu vong) .............62
Tranh 9 : Về nguồn (phản bản hoàn nguyên) : ...............................63
Tranh 10 : Thõng tay vào chợ (nhập thị) :......................................64
Cái gì là bản lai diện mục của Tâm?...................................................66
SUY TƯ THIỀN ...................................................................................83
Câu truyện thiền số 1 ......................................................................83
Câu truyện thiền số 2 ......................................................................95
Câu truyện thiền số 3 ....................................................................113
Câu truyện thiền số 4 ....................................................................127
Câu truyện thiền số 5 ....................................................................135
Câu truyện thiền số 6 ....................................................................145
Câu truyện thiền số 7 ....................................................................152
Câu truyện thiền số 8 ....................................................................159
Câu truyện thiền số 9 ....................................................................165
Câu truyện thiền số 10 ..................................................................178
Lưới Tương Giao
Hồng Dương

(I)
Mạng lưới ngẫu duyên.
Chắc ai cũng có lần chứng kiến một em bé ngồi khóc vì đã lỡ tháo đồ
chơi ra từng bộ phận rồi sau đó không thể lắp lại nguyên vẹn như cũ.
Hiện giờ, các nhà khoa học cũng ở trong tình trạng giống hệt. Với trí sai
biệt, suốt ba thế kỷ qua, tốn hao vô kể tiền tài và công sức, họ tiếp tay
nhau phân xẻ vũ trụ thành mảnh, cuối cùng đến nay lâm vào ngõ cụt,
không thấy manh mối làm thế nào để tiến phát, ngoại trừ tiếp tục “đếm
lên”, phân tán nhỏ thêm các mảnh.
Lực dẫn khởi mọi công trình nghiên cứu khoa học trong thế kỷ 20 là
nguyên lý quy giảm (Principle of reductionism). Theo nguyên lý này,
muốn thông hiểu thiên nhiên thời phải khai phá các thành phần của thiên
nhiên. Một khi thấu đạt thành phần, thời nắm bắt toàn thể sẽ không gặp
khó khăn.
Bởi thế nhiều thập niên qua quan điểm chung là muốn hiểu vũ trụ thời
phải hiểu nguyên tử và các siêu sợi (superstring); muốn hiểu sự sống
thời phải hiểu các phân tử; muốn hiểu tập tính con người thời phải hiểu
các gen cá nhân. Các hệ thống phương trình vi phân tuyến tính của vật lý
học cổ điển rất thích hợp với phép phân tích và tổng hợp như vậy. Có thể
phân chúng ra từng phần, mỗi phần đem giải riêng biệt, cuối cùng hợp
các lời giải riêng biệt thời có lời giải chung. Do đó, một hệ tuyến tính
hoàn toàn bằng tổng các phần của nó.
Kinh nghiệm cho thấy càng đếm lên, càng sai biệt, thời mức phức hợp
(complexity) càng gia tăng. Theo nghĩa toán học, phức hợp chẳng những
có nghĩa là phi tuyến tính mà còn có nghĩa bao gồm vô lượng phần tử
biến chuyển với nhiều số độ tự do (number of degrees of freedom).
Nghĩa là, không thể sử dụng hệ tuyến tính mà phải dùng hệ thống
phương trình vi phân phi tuyến tính (còn gọi là hệ động lực; dynamical
systems) để mô tả sự tương tác giữa vô lượng phần tử của một hệ phức
4
hợp. Toán học tánh phức hợp là toán hình học về các mẫu hình được
phân tích trong khung tôpô do Poincaré khởi xướng, như quỹ đạo hấp
dẫn kỳ dị (strange attractors), hình thể biến lập (fractals), chân dung pha
(phase portraits), ... Ngoài ra, phải áp dụng cơ học thống kê (statistical
mechanics) để tính phân bố xác suất trong chuyển động của vô lượng
phần tử vì không thể mô tả đầy đủ chi tiết sự vận chuyển của từng cá thể
phần tử. Cơ học thống kê cho phép thành lập những lý thuyết thâm sâu
về trật tự thế giới vĩ mô, khám phá sự hiện hữu những tính chất thiết yếu
của các hệ thống phức hợp mà không cần tìm hiểu chi tiết chính xác của
những chuyển động ngẫu nhiên phức tạp và bất quy tắc ở mức vi mô.
Càng ngày càng đông khoa học gia công nhận không có hiện tượng hay
biến cố nào hiện khởi độc lập riêng biệt. Họ khám phá nguồn gốc phát
sinh tánh phức hợp chính là mạng lưới gồm các giao liên nối kết và quan
hệ nhân quả giữa tất cả mọi sự mọi vật trong vũ trụ. Do đó họ tin rằng
mạng lưới phức hợp có một cấu trúc rất chính xác và tề chỉnh cần được
nghiên cứu tường tận vì liên quan mật thiết và ảnh hưởng sâu xa đời
sống con người. Con người cùng với mọi sự mọi vật là những mắt lưới
vừa là thành quả tác dụng của hết thảy các mắt lưới khác, vừa là nhân
hữu lực dự phần cấu tạo, bồi dưỡng, phát triển, và vận chuyển toàn thể
mạng lưới.
Trong những năm gần đây, nhờ sử dụng toán học biểu tượng những
mạng lưới trừu xuất từ pháp giới trùng trùng duyên khởi, nhiều định luật
toán học và nhiều mẫu hình có ý nghĩa được khám phá trong thế giới
hiện tượng và trong các sinh hoạt xã hội. Do toán học, các nhà xã hội
học, vật lý học, sinh học, và nhiều khoa học gia khác tìm thấy nhiều
quan hệ bất ngờ giữa những sinh hoạt xã hội và tác dụng của nhiều hiện
tượng tưởng như không liên can nhau: từ tế bào sống và hệ sinh thái toàn
cầu (global ecosystems) đến Internet và não bộ người. Sự nhận biết
những quan hệ này thuần túy phát xuất từ toán học mạng lưới, soi sáng
một số vấn đề bấy lâu chưa được giải quyết trong nhiều ngành khoa học
kể cả tâm lý học và xã hội học.
Toán gia Leonhard Euler được xem như là người khởi xướng toán học
mạng lưới vào năm 1736, khi ông chứng minh không thể có một con
đường chạy qua bảy chiếc cầu, mỗi cầu chỉ một lần, trên sông Pregel,
5
thành phố Konigsberg. Một biểu đồ ông phác họa kèm theo phần luận
chứng đã làm phát khởi cả một ngành toán học rộng lớn và rất quan
trọng. Đó là thuyết biểu đồ (graph theory), cốt lõi của thuyết mạng lưới
hiện nay.
Luận chứng của Euler tuy đơn giản và ưu mỹ, rất dễ hiểu ngay đối với
người không chuyên toán, nhưng chính cái lối nhìn của ông mới thực sự
làm nên lịch sử. Đối với ông, vùng bảy chiếc cầu ở Konigsberg hiện ra
như một biểu đồ (graph), nghĩa là một tập hợp gồm nút (nodes) nối lại
với nhau bởi những đường dây nối nút (links).
Các nút biểu diễn bốn vùng đất bị sông chia cách, đặt tên là A, B, C, và
D. Các đường dây nối nút là những chiếc cầu nối kết các vùng ấy với
nhau.
Lý do không có đường nào đi qua tất cả bảy chiếc cầu mỗi cầu chỉ một
lần là vì nút nào có một số lẻ đường dây nối thời nút đó phải là điểm
khởi đầu hay điểm cuối cùng của hành trình. Một con đường liên tục đi
qua hết thảy bảy chiếc cầu chỉ có thể có một điểm khởi đầu và một điểm
cuối cùng. Như thế, con đường này không thể hiện hữu trong một biểu
đồ có nhiều hơn hai nút với một số lẻ đường dây nối. Vì biểu đồ
Konigsberg có bốn nút với một số lẻ đường dây nối cho nên không thể
tìm ra con đường nói trên.
Nên lưu ý sự hiện hữu của con đường nói trên không tùy thuộc trí thông
minh suy lý của con người mà thật ra là một tính chất của biểu đồ. Với
cách bố trí các chiếc cầu như ở Konigsberg hồi đó, dẫu tài giỏi đến đâu
ta cũng không tìm ra được con đường nói trên. Dân chúng thành phố
Konigsberg đồng ý với Euler không còn thắc mắc về sự hiện hữu của
một con đường như vậy nữa và đến năm 1875 xây thêm một cầu mới nối
liền B và C, gia tăng số đường dây nối ở B và C lên thành bốn. Do đó
chỉ còn lại hai nút, A và D, với một số lẻ đường dây nối, trở thành điểm
khởi đầu và điểm kết thúc một hành trình qua tám chiếc cầu, mỗi cầu chỉ
đi qua một lần mà thôi.
Tóm lại, câu chuyện trên chỉ cho thấy trong cấu trúc của các biểu đồ hay
mạng lưới ẩn khuất những tính chất mà tác dụng có thể hạn chế hay tăng
gia khả năng giao liên tác động của chúng ta với chúng. Cấu trúc luôn
6
luôn ảnh hưởng trên tác dụng, chẳng hạn địa hình các mạng lưới xã hội
ảnh hưởng sự loan truyền tin tức hay lan tràn các bịnh truyền nhiễm.
Một trường hợp địa hình mạng lưới các trạm phát điện ảnh hưởng đến
tánh bền vững của sự truyền dẫn điện: Ngày 10 tháng tám, 1996, một lỗi
lầm trên hai đường dẫn điện ở Oregon, Hoa kỳ, làm phát khởi một dãy
hỏng máy điện qua các trạm phát như dòng thác đổ, tắt điện trong 11
tiểu bang ở Hoa kỳ và 2 tỉnh ở Gia nã đại, hơn 7 triệu nhà không điện
suốt 16 tiếng đồng hồ. Một thí dụ khác về ảnh hưởng của cấu trúc mạng
lưới trên tác dụng: Ngày 4 tháng năm, 2000, con sâu Love Bug, một
chương trình phá hoại máy tính tồi tệ nhất chưa từng thấy, bò lan khắp
thế giới qua Internet gây thiệt hại hàng tỉ Mỹ kim.
Bởi thế nghiên cứu sự hình thành cấu trúc của mạng lưới là then chốt để
thông hiểu thế giới phức hợp quanh ta. Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trên
các nút hay đường dây nối nút cũng đủ phát khởi nhiều khả năng mới từ
sau những cánh cửa ẩn kín. Hiện nay hết thảy mọi ngành khoa học
nghiên cứu hệ thống phức hợp đã bắt đầu quan tâm khảo sát sự hình
thành và biến chuyển cấu trúc và động lực của các mạng lưới tương
giao.
Ban đầu, các nhà toán học chỉ chú tâm khám phá và sắp hạng các loại
mạng lưới. Thí dụ: các mạng do nguyên tử tạo thành trong một tinh thể
hay các mạng lục giác do ong thiết lập làm tổ là những mạng lưới có sắp
đặt (ordered graphs). Nhưng về sau, vấn đề đặt ra là các mạng hiện khởi
như thế nào? Những định luật nào qui định địa hình, tướng dạng, và cấu
trúc của chúng? Phải đợi đến thập niên giữa thế kỷ 20, các vấn đề ấy mới
được giải quyết lần đầu tiên do bởi công trình xây dựng thuyết mạng
lưới ngẫu duyên (random networks) của hai nhà toán học Hungary, Paul
Erdos và Alfréd Rényi.
Hãy tưởng tượng tổ chức một buổi tiệc gồm khoảng một trăm thực
khách. Họ được chọn và mời là vì họ không quen biết bất kỳ ai trong
danh sách những người được mời dự tiệc. Khi rượu thịt dọn ra thời bầu
không khí xa lạ giữa họ đổi hẳn. Họ bắt đầu trò chuyện, làm quen với
nhau. Không bao lâu, có chừng từ ba mươi đến bốn mươi nhóm họp
thành, mỗi nhóm gồm độ hai hay ba người. Bây giờ đến kề tai một thực
khách nói cho người này hay rằng rượu chát đỏ đựng trong những chai
7
màu lục đậm không dán nhãn hiệu là thứ rượu rất quý và trăm lần ngon
hơn rượu đựng trong những chai có dán nhãn hiệu màu đỏ. Và yêu cầu
vị thực khách đó truyền tin này đến chỉ những người mà vị ấy mới làm
quen mà thôi. Chớ vội nghĩ rằng làm như thế thời chỉ có thêm hai hay ba
người nữa biết tin rượu quý cất ở đâu. Thực ra, khách thường chán nói
chuyện với một người và hay di chuyển nhập vào nhóm khác. Có những
nối kết xã hội giữa hai thực khách vừa gặp nhau trước đó nay ở trong hai
nhóm khác nhau. Kết quả là nhiều đường dây rất tinh tế bắt đầu nối kết
những người đang còn xa lạ. Chẳng hạn, Ất chưa bao giờ gặp Giáp tuy
cả Giáp và Ất đều quen Bính, như vậy tức có đường dây nối kết Ất và
Giáp qua Bính. Nếu Ất biết cái tin về rượu quý thời bây giờ Giáp cũng
có cơ may biết đến, vì do Bính nghe Ất nói rồi thuật lại. Với thời gian
trôi qua, các thực khách càng lúc càng vướng mắc nhau qua những nối
kết không thể xúc mạc tạo thành một mạng lưới quen biết tinh vi bao
gồm một số khá lớn thực khách. Giả thiết mỗi thực khách chuyển tin
rượu quý cho tất cả những người mình mới quen, thử hỏi trước khi tan
tiệc tin ấy có lan truyền khắp đủ mọi người dự tiệc hay không? Theo
Erdos và Rényi, chỉ cần ba mươi phút là đủ thời giờ để hình thành một
mạng lưới nối kết xã hội vô hình bao gồm hết thảy thực khách của buổi
tiệc. Nghĩa là, nếu mỗi thực khách làm quen với ít nhất một người, thời
trong thoáng chốc tất cả đều biết tin và tìm đến cạn hết những chai rượu
quý.
Thực khách trong buổi tiệc là nút và mỗi gặp gỡ giữa hai thực khách là
một đường dây nối nút xã hội. Xuất hiện với một số nút kết nhau qua
những đường dây nối nút, mạng lưới quen biết là một biểu đồ. Để tìm
hiểu bí ẩn của những mạng lưới lẩn xen vào cuộc sống hằng ngày của
chúng ta, các khoa học gia tìm cách triển khai thuyết biểu đồ, thường gọi
là thuyết mạng lưới (network theory), đặt trọng tâm nghiên cứu vào
những mẫu hình tương giao tác dụng giữa những cá thể. Máy tính kết
nhau qua dây điện thoại, phân tử trong cơ thể kết nhau qua tác dụng sinh
hóa, công ty và người tiêu thụ kết nhau qua giao dịch, tế bào thần kinh
kết nhau qua sợi trục (axon), máy phát điện kết nhau qua đường dây cao
thế, đảo kết nhau qua chiếc cầu, tất cả là những thí dụ biểu đồ. Một nhà
chuyên khảo mạng lưới khi nhìn vào bất cứ hệ thống thành phần kết liên
nào sẽ hình dung nó như là một mẫu hình trừu tượng, một biểu đồ, gồm
8
nút kết nhau qua những đường dây nối nút. Họ không quan tâm đến gốc
tích và thể tánh cá biệt của các nút mà chỉ chú trọng đến mẫu hình và cấu
trúc của mạng lưới các quan hệ, nhằm tìm cách khám phá tánh đồng nhất
của một số nhiều mạng lưới. Nói theo Phật giáo, những mẫu hình và cấu
trúc họ quán sát là những mạng trừu xuất từ mạng lưới bao la pháp giới
trùng trùng duyên khởi.
Vấn đề đơn giản hóa các mạng lưới thành những biểu đồ gặp nhiều khó
khăn thách đố. Tuy xã hội, Internet, tế bào, hay não bộ tất cả đều có thể
tượng hình bằng biểu đồ, nhưng biểu đồ của chúng đâu có giống nhau!
Khó mà tưởng tượng một sự dung hợp giữa một bên là xã hội con người,
trong đó sự làm quen và tìm bạn là do phối hợp những cuộc gặp gỡ ngẫu
nhiên với những quyết định có ý thức, và một bên là tế bào, trong đó các
định luật nhân quả tất yếu hóa học và vật lý học chi phối hết thảy mọi
tương tác phản ứng giữa các phân tử. Chắc chắn có sự sai biệt giữa các
qui luật cai quản cách phối trí các đường dây nối nút trong những mạng
lưới khác nhau. Vì mục đích của mọi khảo sát khoa học là phát hiện cách
giải thích đơn giản nhất để cắt nghĩa những hiện tượng vô cùng phức
tạp, cho nên các khoa học gia nỗ lực phát minh một mô hình chung để
miêu tả tất cả những mạng lưới phức hợp khác nhau.
Một lời giải toán học ưu mỹ miêu tả tất cả mọi biểu đồ phức hợp cùng
trong một khung ý niệm đã được Erdos và Rényi đề nghị. Nhận thấy các
hệ thống khác nhau tùy thuận những luật tắc dị biệt qui định sự hình
thành cấu trúc của chúng, Erdos và Rényi quyết định gạt bỏ mọi bất
đồng và chọn một giả thiết hết sức đơn giản là các nút nối kết nhau một
cách ngẫu nhiên. Như vậy dưới mắt của hai nhà toán học Hungary, biểu
đồ và thế giới biểu tượng đều có bản tính ngẫu nhiên, hoàn toàn ngược
lại với quan điểm của Albert Einstein (bạn thân của Erdos) cho rằng
“Thượng đế không chơi súc sắc với vũ trụ (God does not play dice with
the universe).” Nói cách khác, mọi mạng lưới trừu xuất từ pháp giới
duyên khởi không hình thành do ngẫu duyên, mà thường do một số định
luật cơ bản xác định và điều khiển.
Hãy trở lại câu chuyện buổi tiệc và tìm hiểu đặc tính của mạng lưới ngẫu
duyên. Ban đầu, biểu đồ gồm một số lớn nút cô lập. Sau đó các nút được
nối kết bởi những đường dây ngẫu duyên phỏng theo sự gặp gỡ tình cờ
9
giữa các thực khách. Khi một số đường dây nối kết được kẻ thêm, các
nút sẽ kết thành nhiều cặp. Tiếp tục thêm nữa thời không làm sao tránh
khỏi nối kết các cặp nút ấy lại với nhau tạo thành những quần tụ (cluster)
tập trung nhiều nút. Nếu kẻ thêm đến chừng mỗi nút có trung bình một
đường dây nối, thời đột nhiên hiện khởi một quần tụ khổng lồ duy nhất.
Nghĩa là, hầu hết mọi nút trở nên thành phần của một quần tụ đơn nhất,
từ bất kỳ nút nào làm khởi điểm ta có thể di chuyển đến một nút khác
thông qua những đường dây nối nút. Đó là lúc tin đồn về rượu quý có
thể lọt đến tai của bất cứ thực khách nào trong buổi tiệc. Hiện tượng đó
là sự xuất khởi (emergence) một bộ phận khổng lồ gồm đa số nút đối với
các toán gia, là một sự ngấm lọc (percolation) dẫn khởi một chuyển tiếp
pha (phase transition) đối với các nhà vật lý học, là sự hình thành một
cộng đồng đối với các nhà xã hội học. Mặc dầu ngành khác nhau đặt tên
khác nhau, nhưng tất cả đồng ý rằng khi chọn ngẫu nhiên nút trong một
mạng lưới để nối kết thành cặp thời một biến chuyển lớn đột khởi khi số
đường dây nối kết đạt trị tới hạn. Trước đó, các nút nối kết họp thành
quần tụ nhỏ cô lập, thực khách gặp gỡ quen biết trong vòng nhóm nhỏ
rời rạc. Sau đó, xuất hiện một quần tụ khổng lồ với sự tham dự của hầu
hết thực khách.
Mỗi người trên quả đất là thành phần của một mạng lưới rộng lớn, mạng
lưới xã hội thế giới hay mạng lưới nhân loại. Không một ai bị gạt bỏ ra
ngoài. Giữa hai người bất cứ ở đâu trên quả đất dẫu không quen biết
nhau vẫn có một đường dây nối kết họ lại với nhau. Cũng vậy, có một
đường dây nối kết bất cứ hai neuron (tế bào thần kinh) nào trong não bộ,
bất cứ hai công ty nào trên thế giới, bất cứ hai hóa chất nào trong thân
thể con người. Paul Erdos và Alfréd Rényi giải thích điều kiện nối kết
với bất cứ nút nào khác trong mạng là mỗi và mọi nút chỉ cần có một
đường dây nối. Cá nhân làm quen ít nhất một người, neuron có ít nhất
một đường dây nối với một neuron khác, hóa chất có khả năng tham gia
ít nhất một phản ứng trong thân thể con người, công ty giao dịch với ít
nhất một công ty khác. Một là ngưỡng (threshold) nối kết. Toàn mạng sẽ
phân tán thành nhiều quần tụ nhỏ rời nhau nếu các nút có trung bình ít
thua một đường dây nối; nếu có trung bình nhiều hơn một đường dây nối
thời cơ nguy mạng lưới phân tán có thể tránh được.
10
Trong thực tế, các nút thường có nhiều hơn một đường dây nối. Các nhà
xã hội học ước lượng mỗi chúng ta quen biết tên họ độ chừng từ 200 đến
5 000 người. Trung bình một neuron nối kết với hàng tá, có khi với cả
ngàn neuron khác. Mỗi công ty nối kết với hàng trăm hãng cung cấp và
khách hàng, nhiều công ty lớn nối kết với hàng triệu. Trong thân thể con
người, hầu hết các phân tử tham gia một số rất nhiều phản ứng, như
nước chẳng hạn, tham gia đến hàng trăm phản ứng. Theo thuyết mạng
lưới ngẫu duyên khi số trung bình đường dây nối của mỗi nút tăng quá
trị tới hạn, số nút bị gạt bỏ ra ngoài quần tụ khổng lồ sẽ giảm bớt theo
hàm số mũ. Nghĩa là, thêm càng nhiều đường dây nối thời càng khó tìm
ra những nút cô lập. Như thế các mạng lưới quanh ta rất dày đặc, không
nút nào thoát khỏi, trong đó mỗi nút nối kết với mọi nút.
Trước Erdos và Rényi, tiêu điểm của thuyết biểu đồ không phải là các
buổi tiệc, các mạng xã hội, hay các mạng lưới ngẫu duyên, mà hoàn toàn
là các biểu đồ tuần quy (regular graphs; ordered graphs; biểu đồ có sắp
đặt) có cấu trúc xác định. Đặc tính của biểu đồ tuần quy là nút nào cũng
có một số đường dây nối kết giống nhau. Thí dụ trong một mạng lưới
phẳng ô vuông do các đường trực giao tạo thành, nút nào cũng có bốn
đường dây nối. Hoặc trong mạng lưới lục giác tổ ong, nút nào cũng có
ba đường dây nối. Tánh tuần quy đó không tìm thấy trong những mạng
phức hợp hiện hữu như Internet hay tế bào.
Erdos và Rényi là những người đầu tiên khám phá, từ những mạng lưới
xã hội đến những mạng dây điện thoại, hầu hết những biểu đồ trong thực
tế đều không có tánh tuần quy và vô cùng phức tạp. Đứng trước bức
tường phức hợp khó vượt qua, hai ông thấy chỉ có cách duy nhất là giả
thiết mạng lưới hình thành ngẫu nhiên. Hai ông mở rộng cửa toán học
cho thấy một thế giới mới, một thế giới bình đẳng. Vì các đường dây
được thiết lập hoàn toàn ngẫu nhiên, nên mọi nút có cơ hội đồng đều tiếp
nhận một đường nối. Tuy nhiên, chớ tưởng lầm do ngẫu duyên mà có
nút tiếp nhận rất nhiều đường dây nối và có nút quá rủi ro không tiếp
nhận được đường nối nào cả. Cái thế giới ngẫu duyên hai ông đề xướng
tuồng như có tính cách vừa bất công vừa độ lượng. Thật ra không phải
vậy. Nếu là một mạng lưới rộng lớn thời mặc dầu các đường dây nối
thiết lập ngẫu nhiên, nút nào cũng tiếp nhận một số xấp xỉ như nhau.
11
Để thấy được điều đó, hãy phỏng vấn các thực khách sau buổi tiệc, hỏi
mỗi thực khách làm quen được bao nhiêu người tất cả. Rồi vẽ một tuyến
đồ (histogram) biểu diễn bao nhiêu thực khách làm quen k (k=1, 2, ... )
người trong suốt buổi tiệc.
Mô dạng của tuyến đồ được chứng minh là một phân bố Poisson [do
Béla Bollobhás, một môn sinh của Erdos, giáo sư tại Đại học Trinity
College, Anh quốc, 1982]. Nghĩa là có một chóp đỉnh nổi bật chỉ cho
thấy đa số nút đều tiếp nhận một số đường nối gần bằng số đường nối
của nút trung bình. Hai bên chóp đỉnh, sự phân bố giảm xuống rất nhanh,
cho thấy không có nhiều nút lệch xa nút trung bình.
Nếu áp dụng phân bố Poisson vào một xã hội 6 tỉ người thời kết quả là
số bạn bè quen thuộc của mỗi người trong đa số chúng ta xấp xỉ bằng
nhau. Như vậy, nếu ghép ngẫu nhiên những đường dây nối kết xã hội,
thuyết mạng lưới ngẫu duyên dự đoán tiến tới một xã hội “dân chủ”
trong đó tất cả chúng ta ai cũng là trung bình và rất ít kẻ lệch xa chuẩn
(norm) để trở thành quá xã giao hay vô cùng cô lánh. Mạng lưới ngẫu
duyên, một mạng lưới tương đồng với trung bình là chuẩn, quả là một
mạng tương giao lý tưởng.
Mãi đến gần đây để mô tả vũ trụ các tương giao, hầu hết toán gia không
tìm thấy cách gì khác hơn là đồng ý với Erdos và Rényi giả thiết các
mạng phức hợp hình thành trên cơ sở ngẫu duyên: các mạng phức hợp là
những mạng lưới ngẫu duyên. Thuyết mạng lưới ngẫu duyên được xem
như phát minh vào năm 1959 khi Paul Erdos đề nghị lời giải bài toán rất
nổi tiếng của thuyết biểu đồ, bài toán tìm số đường dây nối bé nhất nối
kết các nút của một biểu đồ để bất kỳ hai nút nào cũng được nối nhau.
Tưởng cần nhắc lại đây một số định nghĩa và kết quả quan trọng của
toán mạng lưới. Toán mạng lưới sử dụng tỉ số m/N để tiêu biểu một
mạng lưới gồm N nút và m đường dây nối, mỗi đường nối hai nút. Số
đường dây nối dính vào một nút gọi là độ của nút ấy. Để tính mỗi nút
trung bình có bao nhiêu đường dây nối, hãy cọng độ của tất cả nút, rồi
đem chia cho tổng số nút kể cả những nút không có đường dây nối. Gọi
k là số trung bình đường dây nối tại mỗi nút, ta có k = 2m/N; k gọi là độ
trung bình. Erdos và Rényi chứng minh một định lý nổi tiếng nay được
gọi là định lý Erdos-Rényi: “Xác suất xuất hiện của một bộ phận khổng
12
lồ đơn nhất gồm hầu hết mọi nút của mạng nhảy vọt từ 0 đến 1 khi tăng
tỉ số tiêu biểu m/N quá trị tới hạn 0.5.” Tại điểm này, k = 1. Theo Erdos
và Rényi, k = 1 là ngưỡng nối kết, nghĩa là mỗi và mọi nút chỉ cần có 1
đường dây nối thời sẽ nối với bất kỳ nút nào khác trong mạng. Một dạng
khác của định lý Erdos-Rényi: “Khi số đường dây nối ngẫu nhiên m lớn
hơn hay bằng (N/2)ln(N) với ln(N) là logarit tự nhiên của N, hay k ≥
ln(N), thời “hầu hết mọi” mạng lưới ngẫu duyên đều hoàn toàn nối kết.”
Giả thiết biểu đồ có 50 nút, mỗi nút là một thành phố chẳng hạn. Nếu
không tính toán, nhắm mắt nối mỗi thành phố với 49 thành phố kia thời
phải xây 1 225 đường. Nhưng theo Erdos, nếu nối một cách ngẫu nhiên
thời chỉ cần xây độ chừng 98 đường, nghĩa là 8 phần trăm số 1 225
đường, là đủ để nối kết hầu hết các thành phố với nhau. Erdos khám phá
số nút dẫu lớn bao nhiêu, chỉ cần một tỷ lệ phần trăm nhỏ các đường dây
nối ngẫu nhiên cũng đủ thắt nối kết hợp mạng lưới thành một toàn thể.
Tỷ lệ phần trăm ấy giảm thiểu rất nhanh khi mạng lưới bành trướng rộng
lớn thêm. [Công thức toán của tỷ lệ ấy là ln(N)/N]. Thí dụ: với 300 nút,
trong số gần 50 000 đường có thể nối chúng, chỉ cần 2 phần trăm là đủ.
Với 1 000 nút, tỷ lệ ấy bé thua 1 phần trăm. Với 10 triệu nút, tỷ lệ là
0.0000016.
Trở lại với mạng lưới xã hội 6 tỉ người trên mặt đất, thử hỏi số bạn bè
quen thuộc của mỗi người trung bình là bao nhiêu để hai người, bất kỳ là
ai, bất cứ ở đâu, một làm nghề đánh cá ở Bắc cực, một làm thủ tướng ở
Úc chẳng hạn, nối kết nhau? Theo Erdos và Rényi, tỷ lệ là 4 phần tỉ.
Nghĩa là, trung bình mỗi người chỉ cần quen biết 24 người là đủ để bất
kỳ hai người nào trên mặt đất nối kết nhau.
Sau đây là một thí nghiệm mô phỏng bài toán mạng lưới ngẫu duyên của
Erdos và Rényi. Tưởng tượng vung vãi một số nút áo trên nền nhà. Chọn
một cách ngẫu nhiên hai nút và nối chúng bằng một sợi dây. Lại chọn
ngẫu nhiên hai nút nữa và nối chúng bằng một sợi dây khác. Lúc đầu
những nút được chọn không thuộc cặp nào đã nối trước đó. Nhưng về
sau thế nào cũng chọn nhằm một nút đã kết cặp để nối vào một nút khác,
tạo thành một quần tụ ba nút. Nếu tiếp tục nối các cặp nút ngẫu nhiên
như thế, thời một lúc sau, các nút nối với nhau bắt đầu trở thành một
quần tụ rộng lớn. Trong thời gian thí nghiệm, lâu lâu thử nhấc lên một
13
nút bất kỳ và đếm xem có bao nhiêu nút khác cùng nhấc theo. Tất cả nút
cùng nhấc theo đó tạo thành cái gọi là một bộ phận của mạng lưới ngẫu
duyên. Cuối cùng, có những nút không nối với nút nào, trong khi số lớn
nối thành cặp, thành bộ ba, hay quần tụ lớn.
Khi tỉ số tiêu biểu vượt quá 0.5 thời một chuyển tiếp pha phát khởi, một
quần tụ khổng lồ đột nhiên xuất hiện. Chẳng hạn, nếu số nút n=10 000,
bộ phận khổng lồ sẽ đột khởi khi số đường dây nối đạt mức vào khoảng
m=5 000. Lúc bộ phận khổng lồ phát hiện, hầu hết mọi nút hoặc trực tiếp
hoặc gián tiếp nối lại với nhau. Nếu nhấc lên một nút, sẽ có cơ may nhấc
theo một loạt độ chừng 8 000 trong số 10 000 nút. Số đường dây nối
càng tăng thời số nút lẻ loi còn lại và số quần tụ riêng biệt càng giảm
thiểu vì nối nhau sáp nhập và bành trướng bộ phận khổng lồ.
Trên đây là đường biểu diễn chuyển tiếp pha của một mạng lưới ngẫu
duyên có 400 nút. Đường có dạng chữ S. Số nút trong quần tụ lớn nhất
lúc đầu tăng chậm, rồi tăng rất nhanh, rồi tăng chậm lại, tương ứng với
sự tăng của tỉ số tiêu biểu m/n. Sự tăng rất nhanh là dấu chỉ của hiện
tượng chuyển tiếp pha. Đường biểu diễn vọt cao lên với độ giốc gần
thẳng đứng khi tỉ số tiêu biểu vượt qua trị 0.5. Độ giốc đứng tại trị tới
hạn 0.5 tùy thuộc tổng số nút của mạng lưới. Khi số nút bé thời phần
giốc đứng của đường biểu diễn “cạn”, nhưng khi số nút tăng, chẳng hạn
từ 400 đến 100 triệu, thời phần giốc đứng dựng đứng thẳng hơn. Ví như
số nút tăng đến vô cực, thời khi tỉ số tiêu biểu vượt qua trị tới hạn 0.5, độ
lớn của bộ phận lớn nhất của mạng lưới nhảy vọt một cách gián đoạn từ
bé tí đến khổng lồ. Hiện tượng đột khởi được xem như là một chuyển
tiếp pha, giống trường hợp vô lượng phân tử nước đột nhiên đóng băng
thành nước đá khi nhiệt độ vừa giảm thấp dưới 0 độ bách phân.
Định lý Erdos-Rényi hết sức lợi ích trong sự tìm hiểu và chế ngự các
hiện tượng phức hợp như tánh bền vững của hệ sinh thái, động lực tính
của thị trường, và tổ chức phản ứng của hệ miễn dịch. Kết quả quan
trọng của định lý là khi tỉ số tiêu biểu m/n vượt quá 0.5, rất nhiều nút
bỗng nhiên được nối với nhau tạo thành một mạng rộng lớn trong hệ
thống. Sự đột khởi một bộ phận khổng lồ như vậy không có gì là huyền
bí mà chỉ là một tính chất tự nhiên và tất yếu của mạng lưới ngẫu duyên.
Theo Stuart Kauffman, nhà nghiên cứu nổi tiếng về nguồn gốc của sự
14
sống, mẫu hình tổ chức của hết thảy mọi hệ thống sống (living systems)
thường gọi là mạng lưới sống cũng đột khởi như vậy. Mạng lưới sống là
một hiện tượng chuyển hóa tự xúc tác (autocatalytic metabolism), một
mạng phản ứng tự duy trì, một xuất hiện tánh (emergent property), đồng
thời câu khởi như một chuyển tiếp pha khi tánh phức hợp của mạng các
hóa chất trước thời sinh vật và tương giao phản ứng giữa chúng đạt mức
tới hạn. Mạng lưới sống xuất hiện phức hợp và hoàn chỉnh, tiếp tục y
nhiên phức hợp và hoàn chỉnh.

(II)
Sự xuất hiện mạng lưới sống.
Đã từ lâu các khoa học gia chuyên về sự sống nhận thấy mẫu hình tổ
chức của các hệ thống sống luôn luôn là một mẫu hình mạng lưới. Tuy
nhiên không phải mạng lưới nào cũng là hệ thống sống. Mạng lưới là
một hệ thống phức hợp, được cấu thành bởi một số lớn thành phần (nút)
giao hỗ tác dụng một cách không đơn giản. Các hệ phức hợp không
những chỉ phức tạp mà thôi. Hoa tuyết phức tạp, nhưng chúng sinh xuất
từ những luật tắc đơn giản. Hơn nữa, cấu trúc hoa tuyết không thay đổi,
và kết tinh, từ khi hiện đến lúc tan không giống các hệ phức hợp thường
xuyên biến đổi theo thời gian. Nhưng sự biến đổi của hệ phức hợp khác
hẳn sự biến đổi hỗn độn của một dòng nước chảy cuồn cuộn trong một
lòng sông chật hẹp đầy thác ghềnh. Trật tự của hệ phức hợp xuất hiện
trong khoảng từ hoàn toàn trật tự của hoa tuyết kết tinh đến vô trật tự của
dòng nước lưu chuyển hỗn độn. Đó là biên duyên của hỗn độn, ở xa vị
trí cân bằng, thường gọi là “trên bờ hỗn độn” (at the edge of chaos).
Trong hệ thống phức hợp, toàn thể nhiều hơn tổng các thành phần. Ở
đây không nói theo nghĩa siêu hình học mà nói theo nghĩa thực dụng,
nghĩa là dù biết những tính chất của các thành phần và những luật tắc chi
phối sự giao hỗ tác dụng giữa chúng thời cũng chẳng dễ gì suy diễn tìm
ra những tính chất của toàn thể. Nhưng khi bảo toàn thể nhiều hơn tổng
các thành phần, thử hỏi cái gì có thêm nhiều nơi toàn thể mà không có
nơi các thành phần? Xuất hiện tánh (emergence) là câu trả lời. Thuyết hệ
thống phức hợp tìm cách giải thích sự xuất hiện một số hiện tượng vĩ mô
qua những giao hỗ tác dụng phi tuyến tính giữa các phần tử vi mô trong
hệ phức hợp mà không cần biết đến hết thảy mọi chi tiết của các tương
15
giao tương tác. Cơ học thống kê được sử dụng để giải thích xuất hiện
tánh tức sự xuất hiện những hiện thành thống kê tuần qui tương ưng với
sự xuất hiện các hiện tượng vĩ mô. Các luật thống kê phát biểu rằng
trong những phạm vi rộng lớn các hiện thành thống kê tuần qui có thể
xuất hiện ở mức vĩ mô, hầu như hoàn toàn không liên hệ với những chi
tiết chính xác của những chuyển động ngẫu nhiên phức tạp và bất qui tắc
đang vận hành ở mức vi mô.
Thuyết xuất hiện tánh (emergence theory) giải thích nguồn gốc phát sinh
những tính chất sinh học thiết yếu của các hệ thống sống không tùy
thuộc các chi tiết giao hỗ tác dụng giữa các thành phần của hệ. Đến nay
mọi chủ trương về nguồn gốc của sự sống không nương vào thuyết xuất
hiện tánh đều gặp nhiều khó khăn không giải quyết được. Thí dụ, trong
một bài viết đăng tập san Scientific American trong năm 1954, George
Wald, giải Nobel Sinh lý học 1967, đưa ra thắc mắc không hiểu làm thế
nào có thể xảy ra hiện tượng một tập hợp phân tử tụ hội đúng cách tạo
thành một tế bào sống. Theo Wald, sau vô số lần thử tụ hội theo cách
này hay cách khác, cuối cùng với thời gian, các phân tử thành tựu hình
thành một tế bào sống. Thời gian là yếu tố quyết định sự cải biến bất khả
thành khả năng, khả năng thành hoặc hữu, hoặc hữu thành thực tế.
Để phản bác ý kiến yếu tố thời gian, Robert Shapiro trong tập sách
Origins (Nguồn gốc) đã tìm cách trước hết tính trong lịch sử của trái đất
có bao nhiêu lần thử để tạo sự sống một cách ngẫu nhiên và thấy rằng
con số ấy vô cùng lớn: 25 nhân 10 lũy thừa 50 ( 25 đèo theo 50 zero).
Sau đó cần phải tính mỗi lần thử có bao nhiêu cơ duyên thành tựu. Ông
cho biết hai nhà thiên văn học, Fred Hoyle và N. C. Wickramasinghe, đã
tính xác suất thành tựu của mỗi lần thử là 1 phần của 10 lũy thừa 40 000.
Để thấy 10 lũy thừa 40 000 lớn như thế nào, hãy so sánh với số nguyên
tử Hydro hiện có trong vũ trụ là 10 lũy thừa 40 mà thôi. Như thế với xác
suất 1 phần của 10 lũy thừa 40 000, sự sống gần như không bao giờ có
cơ duyên sinh khởi.
Một số khoa học gia khác bảo đó là một sự phát sinh tự nhiên
(spontaneous generation). Nhưng nếu tính xác suất để một biến cố tự
phát như vậy xảy ra thời có thể so sánh xác suất tính được với cơ duyên
16
để một cơn lốc xoắn ốc thổi quét một bãi đồ phế thải góp nhặt các thứ
vật liệu ở đó tạo thành một chiếc Boeing 747!
Theo Stuart Kauffman, sự sống là một xuất hiện tánh, xuất hiện theo
cách thức một chuyển tiếp pha từ những hệ thống hóa chất xa vị trí cân
bằng bao gồm những chu kỳ xúc tác (catalytic cycles). Chất xúc tác
thông thường là enzim, là bất kỳ phân tử nào thôi xúc tốc độ của một
phản ứng hóa học mà không biến đổi hay bị tiêu thụ trong quá trình. Một
sinh vật là một hệ thống hóa chất có khả năng xúc tác sự tự tái sản xuất.
Kauffmann mô phỏng sự xuất hiện một hệ thống tự xúc tác bằng cách
thiết lập một biểu đồ phản ứng gồm nút là các polymer [hợp chất hóa
học gồm nhiều chất đơn phân (monomer); thí dụ: protein, phân tử RNA]
và đường dây nối là những phản ứng hóa học. Mỗi polymer có hai nghĩa:
vừa là quả vì là cơ chất hay sản phẩm của một phản ứng hóa học, vừa là
nhân vì là chất xúc tác trong một phản ứng khác. Trong thực tế hết thảy
mọi phân tử hữu cơ đều có hai nghĩa như vậy. Trypsin chẳng hạn, là một
enzim có chức năng phân cắt các protein ta ăn vào thành mảnh nhỏ
(nhân của sự phân cắt) đồng thời tự phân cắt nó ra mảnh nhỏ (quả của sự
phân cắt). Cũng thế, các protein và phân tử RNA là polymer cơ chất
(substrate; chất trên đó enzim tác dụng) hay sản phẩm của các phản ứng,
nhưng đồng thời tác dụng xúc tác các phản ứng khác.
Biểu đồ phản ứng được giả thiết gồm chỉ hai loại phản ứng, phản ứng
buộc thắt (ligation; kết liên nhau) và phản ứng phân cắt (cleavage; chia
phân ra). Thí dụ một polymer gồm bốn chất đơn phân abbb. Nếu xét trên
phương diện phản ứng buộc thắt thời nó có thể là kết quả buộc thắt a với
bbb, hay ab với bb, hay abb với b, như vậy nó hình thành ba cách khác
nhau, do ba phản ứng khác nhau. Nếu tăng độ dài của polymer thêm một
chất đơn phân, abbba, số phản ứng của polymer sẽ tăng: abbba có thể là
kết quả buộc thắt a với bbba, hay ab với bba, hay abb với ba, hay abbb
với a. Vì một polymer có độ dài L thường có L-1 liên kết cho nên nó có
thể hình thành từ những polymer bé hơn theo L-1 cách khác nhau. Nếu
xét trên phương diện phản ứng phân cắt, thời abbb có thể xem như kết
quả phân cắt a ra khỏi phía bên phải của polymer abbba. Nói tổng quát,
số phản ứng có khả năng sản xuất các polymer nhiều hơn số polymer.
17
Bây giờ giả thiết thêm rằng các phản ứng trong biểu đồ đều là phản ứng
có xúc tác, nghĩa là không xảy ra tự nhiên mà có sự thôi xúc của các
polymer trong hệ thống. Tựa trên phương pháp nối ngẫu nhiên các nút
của Erdos và Rényi, Stuart Kaufman ghép ngẫu nhiên với mỗi polymer
một số phản ứng mà polymer ấy có thể xúc tác. Tỷ số m/N (đường dây
nối/nút) tức tỷ số (phản ứng có xúc tác/polymer) tăng theo với sự gia
tăng mức phức hợp của các polymer trong hệ thống. Khi tỷ số ấy vượt
quá trị tới hạn thời một bộ phận khổng lồ gồm toàn phản ứng có xúc tác
đột khởi theo cách thức một chuyển tiếp pha, tạo thành cái gọi là tập hợp
phân tử tự xúc tác (autocatalytic set of molecules). Nghĩa là, mỗi phân tử
của tập hợp là sản phẩm của ít nhất một phản ứng được xúc tác bởi ít
nhất một phân tử khác của tập hợp. Do polymer này có thể xúc tác phản
ứng phát sinh polymer kia, các tập hợp tự xúc tác sinh khởi, tiến hóa với
thời gian, có khả năng xúc tác tập thể mạng lưới phản ứng hóa học và
tạo nhiều loài phân tử phức hợp, hết thảy đều nối kết qua một chuỗi phản
ứng. Bằng cách tiêu tán vật chất và năng lượng, hay nói vắn tắt là ăn và
bài tiết, chúng tự tổ chức và duy trì cấu trúc phức hợp của chúng mặc
dầu có một số bộ phận hiện đến và biến đi với thời gian. Ngoài ra, chúng
còn tự tái sản xuất nữa. Các đức tính tự xúc tác, tự tổ chức, tự duy trì, và
tự tái sản xuất là đặc tánh của sự sống.
Kết quả mô phỏng nói trên cho thấy sự xuất hiện của mạng lưới sống là
một tính chất của biểu đồ phản ứng, một mạng lưới ngẫu nhiên. Khi mức
phức hợp của hệ thống các hóa chất có trước thời sinh vật tăng gia vượt
quá ngưỡng phức hợp thời toán học chứng minh sự đột khởi của sự sống.
Trên quan điểm xuất hiện tánh, sự sống xuất hiện toàn thể, viên dung,
hoàn chỉnh. Sự sống không ở trong các phần tử cấu thành mà ở trong
những tính chất xuất hiện tập thể của cái toàn thể mà chúng tạo sinh.
Không có gì huyền bí về xuất hiện tánh (emergence) và toàn thể tánh
(holism) mặc dầu sự xuất hiện của sự sống có tính cách huyền diệu.
Không một sinh lực hay chất liệu nào có mặt trong cái toàn thể đồng thời
câu khởi và tự tái sản xuất. Tập thể hệ sống có một tính chất kỳ diệu mà
các thành phần của nó không có. Đó là khả năng tự tái sản xuất và tiến
hóa. Tập thể hệ sống linh hoạt, các thành phần chỉ là hóa chất.
Nhiều nhà sinh học cho rằng vì DNA và RNA cất giữ bền vững các
thông tin di truyền nên rất cần thiết để có tiến hóa. Nhưng nếu tiến hóa
18
cần khuôn DNA để tái bản và mã di truyền để sản xuất protein thời đây
đúng là bài toán vòng vo gà - trứng cái nào đến trước. Bởi vì không thể
có tiến hóa nếu không có những cơ chế tái bản hay sản xuất và những cơ
chế này chỉ xuất hiện khi có tiến hóa. Như vậy cần đặt câu hỏi: Nếu khởi
đầu sự sống là một tập thể tự xúc tác, thử hỏi làm thế nào sự sống có thể
tiến hóa mà không cần đến những biến hóa phức tạp của một bộ gen?
Mạng lưới nhị phân.
Để giải đáp thắc mắc trên, Kaufman khai triển thuyết mạng lưới nhị
phân (binary networks) để khảo sát sự phát triển và tiến hóa của hiện
tượng chuyển hóa tức của toàn thể các tiến trình vật lý và hóa học trong
một cơ thể (metabolism). Ta có thể hình dung mạng lưới nhị phân như
một mạng dây điện nối kết nhiều bỏng điện. Nút (bỏng điện) có thể là
các phân tử enzim, cơ chất, hay sản phẩm của các phản ứng hóa học. Giả
thiết giao hỗ tác dụng giữa các phân tử chỉ có hai cách: kìm hãm hay xúc
tác phản ứng sản xuất. Do đó mỗi bỏng điện ví như cái công tắc đóng-
mở, không điện hay có điện. Như vậy, nút nào trong mạng lưới nhị phân
cũng có hai khả năng, HỮU (ON) và KHÔNG (OFF). Các nút được nối
kết một cách rất phức tạp không như trong một mạng có sắp đặt. Các
mạng nhị phân còn gọi là mạng lưới Boole, theo tên của nhà toán học
người Anh George Boole đã sử dụng các phép toán nhị phân (yes-no, có-
không) vào giữa thế kỷ 19 để khai triển một logic ký hiệu thường gọi là
đại số Boole.
Kết quả kỳ lạ của sự tương giao đóng mở các nút không phải là một
trạng thái hoàn toàn hỗn độn mà ngược lại, là khả năng mạng lưới tự tổ
chức thành những mẫu hình hoạt động bền vững. Làm thế nào những
thao tác đóng-mở tuồng như ngẫu nhiên của mỗi nút cá biệt điều động
được toàn thể mạng lưới tự phối trí thành một cấu trúc bền vững hữu
hiệu? Nếu đây là mạng lưới gen của tế bào, thời thuyết Darwin không
thể giải đáp thỏa mãn vì thuyết này chủ trương những kiểu cơ thể mới
chỉ có thể sinh khởi do những đột biến ngẫu nhiên và sự chọn lọc tự
nhiên mà thôi. Theo Kaufman, nguyên do là các hệ thống phức hợp có
đặc tính tự động tổ chức thành những mẫu hình bền vững hữu hiệu. Ông
bảo: “Darwin không biết gì về tánh tự tổ chức.”
19
Sau đây là thí dụ một mạng lưới nhị phân đơn giản gồm 6 nút, hai đen
(ON; HỮU) và bốn trắng (OFF; KHÔNG).
Mỗi nút nối kết với ba nút kế cận. Mẫu hình HỮU-KHÔNG của mạng
nhị phân biến đổi gián đoạn từng bước. Các nút được móc nối theo thể
cách khả năng sắp đến của một nút do khả năng hiện tại của các nút kế
cận xác định theo một qui luật đóng-mở (a switching rule). Thí dụ, với
mạng nhị phân đơn giản trên, ta có thể tưởng tượng một qui luật đóng-
mở như sau: “Trong bước sắp đến một nút sẽ HỮU nếu hiện tại có ít
nhất hai nút kế cận HỮU, và sẽ KHÔNG trong những trường hợp khác.”
Nhìn hình sau đây ta sẽ có một ý niệm về trình tự biến thái của mạng
lưới đơn giản theo sự điều khiển của qui luật đóng mở.
Ba trình tự biến thái A, B, và C tùy thuộc trạng thái đầu và tuân theo qui
luật đóng-mở. Trình tự A dẫn đến một trạng thái bền vững với tất cả nút
đều HỮU sau hai bước biến đổi từ trạng thái A1 qua trạng thái A2, rồi
qua trạng thái bền vững A3. Trình tự B bước từ trạng thái B1 qua B2, rồi
dao động giữa hai trạng thái bổ sung B2 và B3. Trình tự C, với một trạng
thái bền vững ngay từ lúc đầu, lặp đi lặp lại một trạng thái hay mẫu hình
không thay đổi: nó tự tái sản xuất trong mọi bước.
Với hệ thống chuyển hóa tự xúc tác, tổng số đủ loại phân tử của mạng
lưới nhị phân có thể lên đến 1 000. Mỗi phân tử có hai khả năng, HỮU
(xúc tác) và KHÔNG (kìm hãm), do đó tổng số trạng thái khả hữu lên
đến 2 lũy thừa 1 000. Mỗi mẫu hình (pattern) hay trạng thái (state) được
xác định bởi 1 000 biến số nhị phân (HỮU-KHÔNG). Tập hợp hết thảy
trạng thái khả hữu tạo thành cái gọi là không gian trạng thái (state
space), trong đó mỗi điểm biểu tượng một trạng thái. Khi mạng lưới biến
đổi từng bước kế tiếp từ trạng thái trước sang trạng thái sau, điểm trạng
thái vẽ một quỹ đạo trong không gian trạng thái. Quỹ đạo của các trình
tự biến thái được phân hạng theo loại vùng hấp dẫn (attractors). Có thể
tưởng tượng một loại vùng hấp dẫn là một cái hồ và lưu vực vùng hấp
dẫn là vùng nước chảy vào hồ. Giống như một vùng núi có nhiều hồ,
một mạng lưới nhị phân có nhiều chu kỳ biến thái, mỗi chu kỳ lưu
chuyển trong lưu vực vùng hấp dẫn của nó.
Trong thí dụ mạng nhị phân 6 nút nói trên, trình tự C chỉ có độc nhất
một trạng thái bền vững không có lưu vực vùng hấp dẫn. Trạng thái này
20
chỉ đạt được khi nào mạng lưới khởi đầu từ đó. Vì gồm độc nhất một
trạng thái, nên chu kỳ biến thái có độ dài 1. Độ dài của một chu kỳ biến
thái là tổng số trạng thái bao gồm trong chu trình. Trình tự B dao động
nên liệt vào loại vùng hấp dẫn tuần hoàn (periodic attractor). Độ dài chu
kỳ biến thái ở đây là 2 vì bao gồm chỉ hai trạng thái bổ sung B2 và B3.
Trình tự A vì tiến đến một trạng thái bền vững nên liệt vào loại điểm hấp
dẫn (point attractor).
Kaufman và nhóm cọng sự ở Viện Santa Fe, New Mexico, đã dùng
mạng lưới nhị phân mô phỏng những hệ thống hóa chất và cơ thể vô
cùng phức hợp mà phương trình vi phân không thể miêu tả được. Trình
tự biến thái của những hệ thống phức hợp ấy được biểu diễn bởi những
quỹ đạo trong không gian trạng thái. Vì tổng số trạng thái khả hữu của
bất kỳ mạng lưới nhị phân nào cũng hữu hạn mặc dầu có thể vô cùng
lớn, cho nên mạng lưới bắt buộc phải quay trở lại một trạng thái đã trải
qua trước kia. Vào lúc đó, hệ thống tái diễn trình tự biến thái trước kia vì
tập tính của hệ thống hoàn toàn quyết định. Do đó, hệ thống sẽ lặp lại
mãi mãi vẫn một chu kỳ biến thái, mạng lưới nhị phân vẽ ra một quỹ đạo
trong lưu vực vùng hấp dẫn tuần hoàn. Bất kỳ mạng lưới nhị phân nào
cũng có ít nhất một lưu vực vùng hấp dẫn tuần hoàn. Nếu để tự nhiên
thời cuối cùng hệ thống sẽ vận hành mãi mãi trong một lưu vực vùng
hấp dẫn tuần hoàn nào đó. Theo kết quả của nhiều công trình nghiên
cứu, số lớn hệ thống sống như mạng gen, mạng miễn dịch, mạng tế bào
não, hệ thống các cơ quan, và hệ sinh thái, đều có thể biểu tượng bởi
những mạng lưới nhị phân với nhiều loại vùng hấp dẫn.
Trong một mạng nhị phân, độ dài của các chu kỳ biến thái có thể khác
nhau nhiều. Có những chu kỳ với độc nhất một trạng thái bền vững,
nhưng cũng có những chu kỳ với số trạng thái vô cùng lớn không tưởng
tượng được. Trong nhiều mạng, độ dài chu kỳ tăng theo hàm số mũ khi
số nút tăng. Kauffman đặt tên những vùng hấp dẫn có chu kỳ vô tận với
tỉ tỉ trạng thái khác nhau là vùng hấp dẫn hỗn độn (chaotic attractor).
Nếu chu kỳ biến thái bé, thời hệ thống vận hành có trật tự. Nhưng nếu
chu kỳ quá lớn thời hệ thống vận hành hỗn độn, không lường trước
được. Hỗn độn ở đây có nghĩa là trật tự bậc vô hạn, đối lại với hoàn toàn
trật tự là trật tự bậc thấp nhất. [Xem bài Hữu thể và Thời gian]
Để tìm hiểu quan hệ giữa hoàn toàn trật tự và hỗn độn trong các mạng
21
nhị phân, Kauffman khảo sát vô số mạng nhị phân phức hợp với nhiều
qui luật đóng-mở khác nhau, kể cả những mạng trong đó tại các nút khác
nhau, số (đường dây) tín hiệu vào khác nhau. Hai thông số, N, số nút, và
k, số trung bình (đường dây) tín hiệu vào tại mỗi nút, được sử dụng để
tóm lược sự vận hành của các mạng ấy. Sau 30 năm gia công tìm kiếm
điều kiện thuận lợi để động lực trật tự xuất hiện từ mạng lưới nhị phân,
ông trình bày những kết quả gặt hái được trong tập sách At home in the
universe do ông viết vào năm 1995.
Hãy tưởng tượng một mạng lưới nhị phân gồm N=80 000 bỏng điện,
mỗi bỏng (nút) trung bình nhận vào k tín hiệu (k đường dây nối) và được
kết hợp ngẫu nhiên với một qui luật đóng-mở (một hàm số Boole khả
hữu).
Khi k=1, mỗi bỏng điện nhận một tín hiệu vào từ một bỏng khác. Trình
tự biến thái của mạng biến đổi rất nhanh chuyển thành nhiều quỹ đạo với
chu kỳ rất ngắn, có chu kỳ gồm duy nhất một trạng thái. Trong mạng
xuất hiện một bộ phận khổng lồ đóng băng gồm những bỏng cố định
trong khả năng HỮU hay KHÔNG và nhiều đảo nhỏ gồm những bỏng
nhấp nháy giữa HỮU và KHÔNG. Đây là một mạng hoàn toàn trật tự,
lặp đi lặp lại một mẫu hình đông đặc không thay đổi, không vùng hấp
dẫn.
Ở đầu kia thang, k=N, mỗi bỏng điện nhận tín hiệu vào từ khắp tất cả
bỏng điện, kể cả chính nó. Trong trường hợp này, độ dài các chu kỳ biến
thái tính ra là 2 lũy thừa 40 000, bằng căn số bậc hai của số trạng thái
khả hữu 2 lũy thừa 80 000. Như thế quá dài, không thể quán sát hay
đoán định bất kỳ chu kỳ biến thái nào. Tuy nhiên nếu tính số vùng hấp
dẫn (=N/e, e=2,71828... là cơ sở của logarit tự nhiên) thời mạng sẽ có độ
30 000 vùng hấp dẫn. So với tổng số 2 lũy thừa 80 000 trạng thái khả
hữu thời số 30 000 quá bé. Bởi vậy có thể bảo đó là dấu hiệu của trật tự.
Đáng tiếc là khi mạng lưới bị nhiễu loạn đôi chút, chẳng hạn đổi khả
năng một bỏng điện HỮU thành KHÔNG hay ngược lại, thời sự tiến hóa
của mạng sẽ thay đổi đại quy mô không thể lường trước được. Những
trạng thái đầu tương tợ trở thành mỗi lúc mỗi dị biệt hơn, do đó lưu
chuyển theo những quỹ đạo càng lúc càng tách ra xa. Nhạy cảm đối với
điều kiện đầu mạng k=N là một mạng lưới hỗn độn. Hầu hết các mạng
22
nhị phân đều hỗn độn. Ngay những mạng trong đó k nhỏ hơn N nhiều,
k=4 hay k=5, sự vận hành cũng hỗn độn, không thể dự đoán được.
Khi k=2, trật tự tức thời kết tinh. Không gian trạng thái gồm tất cả 2 lũy
thừa 80 000 trạng thái khả hữu, tức vào khoảng 1 đèo theo 24 000 zero,
dồn nén lại trong một số vùng hấp dẫn, trung bình là ÖN=283. Chu trình
trong các lưu vực vùng hấp dẫn thường gồm một số nhỏ trạng thái,
nhưng cũng có khi thu gọn thành một điểm bền vững. Chẳng khác nào
mạng lưới rộng lớn bị ép vào trong một phần nhỏ xíu của không gian
trạng thái. Như vậy trong mạng lưới nhị phân k=2, động lực trật tự tự
phát đã thôi động dồn ép hệ thống vào một góc vô cùng bé của không
gian trạng thái, và giữ mãi ở đó.
Trong những mạng nhị phân k=2 trật tự biểu hiện theo nhiều cách khác
nhau. Những trạng thái đầu tương tợ trở thành càng tương tợ hơn, do đó
lưu chuyển theo những quỹ đạo hội tụ gần nhau hơn, và tập trung hệ
thống về cùng một vùng hấp dẫn. Những hệ thống như vậy không nhạy
cảm đối với điều kiện đầu nên không hỗn độn. Hệ quả là mạng lưới một
khi chuyển vào một lưu vực vùng hấp dẫn thời hầu như luôn luôn quay
trở lại lưu vực ấy dầu bị nhiễu loạn. Đó gọi là tánh nội cân bằng
(homeostasis), điều kiện cần để hệ thống là một mạng lưới có trật tự.
Mạng lưới có trật tự có thể trải qua một đột biến (mutation) như sửa đổi
cách đặt đường dây nối hay qui luật đóng-mở mà không trở thành hỗn
độn. Vùng hấp dẫn và lưu vực vùng hấp dẫn thay đổi rất ít và hệ thống
tiến hóa đều đặn. Cuối cùng, tuy có trật tự nhưng không hoàn toàn trật tự
đóng băng như các mạng k=1, mạng lưới k=2 đủ khả năng hành hoạt
như một hệ phức hợp.
Bernard Derrida và Gerard Weisbuch, giáo sư vật lý trạng thái rắn tại
École Normale Supérieure, Paris, cho biết trong trường hợp độ trung
bình k lớn hơn 2, có thể dùng một thông số gọi là P để chuyển một mạng
hỗn độn thành mạng có trật tự. Thông số thiên áp P (bias parameter) mô
tả khuynh hướng nhiều khả năng HỮU hay nhiều khả năng KHÔNG
trong hàm số Boole kết hợp với mỗi bỏng điện (qui luật đóng-mở).
Tóm lại, chỉ cần hai thông số, k và P, là đủ để điều khiển mạng lưới nhị
phân vận hành trật tự hay hỗn độn. Nếu bộ phận khổng lồ đóng băng
xuất hiện, thời mạng lưới ở trong chế độ trật tự. Nếu nó không xuất hiện
23
thời mạng lưới ở trong chế độ hỗn độn. Ngay giữa hai chế độ trật tự và
hỗn độn, ngay gần lúc chuyển tiếp pha, ngay trên bờ hỗn độn, có thể
xuất hiện những mạng phức hợp nhất, có trật tự đủ để bảo đảm tánh bền
vững, nhu nhuyễn, và luôn luôn đổi mới. Kaufman tin rằng chính luật
tiến hóa là nguyên nhân hệ thống phức hợp hiện hữu trên, hay trong chế
độ trật tự gần, bờ hỗn độn. Sự chọn lọc tự nhiên thiên vị và chi trì các hệ
thống sống trên bờ hỗn độn, bởi vì chúng có ưu điểm là điều hợp bền
vững với nhu nhuyễn, có khả năng thích nghi và tiến hóa.
Mô hình mạng lưới nhị phân được Kaufman áp dụng khảo cứu các hệ
gen của sinh vật. Mỗi gen là một nút nhị phân, có thể HỮU hay
KHÔNG. Khả năng HỮU hay KHÔNG của mỗi gen tùy thuộc hoạt
động điều tiết của một số gen khác. Phản ứng của mỗi gen khi nhận tín
hiệu vào được xác định bởi hàm số Boole, qui luật đóng-mở kết hợp
ngẫu nhiên với nó. Như vậy, hệ gen là một mạng lưới nhị phân trên bờ
hỗn độn.
Có hai cách nhiễu loạn mạng gen. Cách thứ nhất, nhiễu loạn tối thiểu là
do một nút nhị phân tình cờ chuyển từ HỮU qua KHÔNG hay ngược lại.
Do tánh nội cân bằng, đặc tính của mọi hệ sống, các chu kỳ biến thái của
mạng không bị lay chuyển bởi nhiễu loạn tối thiểu. Cách thứ hai, nhiễu
loạn thay đổi vĩnh viễn cấu trúc của hệ thống. Chẳng hạn, biến đổi mẫu
hình nối kết các nút hay thay đổi qui luật đóng-mở. Nhiễu loạn như vậy
xem như một đột biến trong hệ gen. Thường đột biến không mấy ảnh
hưởng tập tính của mạng gen ở trên bờ hỗn độn. Tuy nhiên một số ít đột
biến có thể xô đẩy quỹ đạo của mạng vào trong một lưu vực vùng hấp
dẫn khác, tạo một chu kỳ biến thái mới và một mẫu hình tập tính mới.
Do đó, Kaufman nghĩ rằng mạng gen, một mạng lưới nhị phân trên bờ
hỗn độn, có thể dùng làm mô hình của sự thích nghi tiến hóa.
Mô hình mạng lưới nhị phân trên bờ hỗn độn giải thích hiện tượng tế
bào biệt hóa (cell differentiation) trong quá trình phát triển cơ thể. Mặc
dầu hình dáng và chức năng sai khác, tất cả kiểu tế bào (cell type) trong
một cơ thể chứa những lệnh di truyền giống nhau. Vì vậy các nhà sinh
học cho rằng kiểu tế bào khác nhau không phải vì chứa gen khác nhau,
mà thật ra vì các gen trong tế bào có hoạt tính khác nhau. Nói cách khác,
trong tất cả tế bào cấu trúc mạng lưới gen giống nhau, nhưng trạng thái
24
(mẫu hình) hoạt động của gen khác nhau. Các trạng thái hoạt động của
gen tương ứng với các chu kỳ biến thái khác nhau trong mạng nhị phân
cho nên theo Kaufman các kiểu tế bào tương ứng với các chu kỳ biến
thái khác nhau, và do đó, với các vùng hấp dẫn khác nhau. Kiểu tế bào
trong cơ thể ví như vùng hấp dẫn trong mạng gen.
Quan điểm xem tế bào biệt hóa như những vùng hấp dẫn cho phép dự
đoán nhiều kết quả khá chính xác. Mỗi tế bào trong thân thể con người
chứa một mạng gen độ chừng 80 ngàn gen. Số trạng thái hoạt động khả
hữu của gen vô cùng lớn: 2 lũy thừa 80 000. Tuy nhiên, số vùng hấp dẫn
trong một mạng như vậy bằng Ö80 000=283. Do đó, theo Kaufman, một
mạng 80 000 gen biểu hiện 283 kiểu tế bào khác nhau. Số 283 ấy rất gần
số 256 tế bào biệt hóa tìm thấy trong thân thể con người.
Một trong những vấn đề khó giải quyết nhất trong sinh học là giải thích
chức năng của gen trong quá trình phát triển cá thể (ontogeny). Trong
con người, quá trình ấy bắt đầu là một gen đơn nhất, trứng thụ tinh hay
zygote. Zygote trải qua độ chừng 50 lần phân bào tạo ra vào khoảng 10
lũy thừa 15 (1 đèo theo 15 zero) tế bào cấu thành đứa trẻ sơ sinh. Cùng
một lúc, zygote biệt hóa hình thành chừng 260 kiểu tế bào trong thân
thể, như tế bào mô mềm của gan, tế bào thần kinh, tế bào hồng huyết
cầu, tế bào bắp thịt, ... Những kiểu tế bào khác nhau của phôi và những
quỹ đạo trong quá trình phát triển cá thể biểu thị tập tính của mạng gen
phức hợp. Mạng gen trong mỗi tế bào của bất kỳ cơ thể nào tuy là thành
quả của ít nhất một tỷ năm tiến hóa, nhưng trật tự xuất hiện (emergent
order) trong quá trình phát triển cá thể không do luật tiến hóa phát khởi.
Thuyết mạng lưới nhị phân thuyết minh trật tự xuất hiện là trật tự tự
phát, biểu hiện tánh tự tổ chức và tự điều chỉnh vô cùng phức hợp của
mạng lưới. Các mẫu hình bền vững tự phát giống như những vùng hấp
dẫn của một hệ động lực. Và chính do sự giao hỗ tác dụng giữa các vùng
hấp dẫn bền vững và không bền vững, giữa các hoạt động hợp tác và
cạnh tranh, mà các mẫu hình của sự biến đổi và các thời kỳ của trạng
thái ngưng nhiên có thể dần dần tiến hóa. Sự hình thành những mẫu hình
bền vững, theo Kaufman, là điều không thể tránh được, dẫu mạng lưới
lúc khởi đầu hỗn độn đến đâu. Sự giao hỗ tác dụng giữa các nút là động
lực xô đẩy mạng lưới tự tổ chức thành một cấu trúc có khả năng tồn tại.
25
Mô hình toán học mạng lưới nhị phân là một công trình nghiên cứu lợi
ích nhằm góp phần chứng minh chính do sự giao hỗ tác dụng phức tạp
giữa sự vật với nhau và với toàn thể tất cả sự vật trong vũ trụ mà mọi sự
vật xuất hiện luôn luôn mới toanh và không ngừng chuyển biến. Trên
quan điểm Phật giáo, mạng lưới nhị phân đó chỉ là tượng trừu xuất từ
một toàn thể cấu trúc duyên khởi tương do rộng lớn hơn: Pháp giới trùng
trùng duyên khởi. Đây là Pháp giới duyên khởi của Nhất thừa tức sự sự
vô ngại pháp giới hay Nhất chân pháp giới, “bao gồm vô biên thế giới,
mười thứ huyền môn tổng nhiếp vô lượng pháp môn, tức sự tức lý, tức
tánh tức tướng, tức tục tức chân, tức nhân tức quả, tức năng tức sở, tức
thánh tức phàm, tức đa tức nhất, tức chánh báo tức y báo, như lưới báu
của Đế thích, trùng trùng biểu hiện, chẳng phải thần thông làm thành,
vốn là pháp tánh như thế, kẻ mê gặp đâu đều chướng ngại, kẻ ngộ ngay
đó toàn hiển bày.” (Hoa nghiêm nhất thừa giáo nghĩa chương. Tuệ Sỹ
dịch)
Pháp Tạng dùng thí dụ Lưới báu của Đế thích (Nhân đà la võng) để điển
hình cho cách thế hiện hữa của vạn pháp trong Pháp giới Hoa nghiêm.
Hết thảy mọi pháp đều vừa Không vừa Hữu bởi vì theo nghĩa đồng thể
thời làm nhân sinh khởi, theo nghĩa dị thể thời sinh khởi do tương y
tương đối. Một sự vật duyên tất cả sự vật, tất cả sự vật duyên một sự vật,
trong một có tất cả, trong tất cả có một, một tức tất cả, tất cả tức một.
Ảnh hưởng giao tiếp của các loại pháp đối với mỗi pháp không giống
nhau, cái thời trực tiếp, cái thời gián tiếp qua một hay nhiều lớp, do đó
tác động cũng không giống nhau. Toàn thể các quan hệ phức hợp giữa
các duyên được thí dụ bằng một tấm ảnh lưới của trời Indra, mỗi mắt
lưới là một hạt ngọc. Hạt này hạt nọ phản chiếu nhau, chói sáng nhau,
lớp lớp không cùng tận. Trong mỗi pháp có nhiều pháp khác, trong
nhiều pháp khác lại trùng trùng điệp điệp vô số pháp khác nữa.
Cuộc giao thoa toàn diện của các luồng sáng biểu hiện những quan hệ hỗ
tương cấu thành mạng lưới Pháp giới có thể ví với chuyển động thu
nhiếp của ánh sáng laser dùng trong phép ghi ảnh toàn ký (holography).
Hết thảy luồng sáng laser di chuyển từ mọi phần của vật thể ta muốn
chụp ảnh đều thu nhiếp vào trong mỗi và mọi vùng nhỏ của tấm kính
ảnh. Do đó dù nhìn ảnh toàn ký trên bất cứ mảnh phần nhỏ nào của tấm
kính ảnh ta vẫn thấy hình ảnh toàn bộ của vật thể giống như khi nhìn nó
26
trên toàn cả tấm kính ảnh.
Giản đồ Feynman (Richard P. Feynman, giải Nobel Vật lý 1965 chung
với hai vật lý gia khác về công trình khai triển lượng tử điện động lực
học) có thể giúp ta có một ý niệm về trật tự thu nhiếp nằm trong chuyển
động phức tạp của các điện từ trường dưới dạng sóng ánh sáng. Sóng
ánh sáng chuyển động truyền dẫn khắp nơi và trên nguyên tắc, sự
chuyển động truyền dẫn đó thu nhiếp toàn thể không thời gian của vũ trụ
vào trong mỗi mỗi vùng. Khi ý niệm nhận biết khởi lên thời với một cặp
mắt tốt hay một kính viễn vọng là có thể thấy mọi sự vật thu nhiếp
phóng khai trở lại, tướng dạng hiện ra như những tượng trừu xuất từ toàn
thể hoàn chỉnh của vũ trụ.
Giản đồ Feynman là một cấu trúc gồm những đường thẳng biểu hiện
chuyển động của các sóng. Trước hết một sóng nhỏ phát ra từ một điểm
cố định P được vẽ ra như sau.
Các đường thẳng tuôn ra từ P cho thấy cách thức sóng truyền từ điểm ấy.
Sau đó một điểm bất kỳ Q, nơi gặp sóng nhỏ từ P lan đến, trở thành
nguồn phát khởi một sóng nhỏ khác, và cứ như vậy mà có sóng lan đến
điểm R, điểm này trở thành nguồn phát khởi một sóng nhỏ khác, v.v...

Điều đáng lưu ý ở đây là mỗi mỗi điểm thu nhiếp mọi sóng truyền đến từ
khắp hết thảy các điểm khác và đồng thời là nguồn phát khởi một sóng
với cường độ lớn hay bé tùy theo cường độ của làn sóng lan đến.
Nếu nhìn quá trình truyền dẫn sóng như một toàn thể, thời tất cả sóng
xuất phát từ một điểm A truyền dẫn đến một điểm B trải qua rất nhiều
bước chuyển tiếp trung gian, tạo thành một sóng tổng hợp tại B bao gồm
hết thảy các sóng truyền dẫn theo hết thảy mọi quỹ đạo khả hữu nối A
với B. Mặt khác, khi nhìn hình các đường thẳng tuôn ra từ P diễn tả trật
tựï phóng khai từ mỗi một điểm lan ra khắp toàn thể, đồng thời ta nhận
thấy các sóng từ toàn thể đổ dồn vào trong mỗi một điểm theo trật tự thu
nhiếp, như hình sau đây.
Như vậy chuyển động sóng là tổng hợp hai biến chuyển đồng thời và
nghịch chiều, thu nhiếp và phóng khai, cuốn lại và mở ra, co rút và giản
nở theo lý đồng nhất duyên khởi, không nhị nguyên tánh của Hoa
nghiêm.
Pháp Tạng giải thích chuyển động ấy như sau. “Hạt bụi không có tự
27
tánh. Khi bản chất lên trước và hoàn toàn thẩm thấu khắp mười phương,
thời đó là giản nở. Mười phương không có bản chất và hoàn toàn hiện
thành trong hạt bụi do duyên khởi, thời đó là co rút. ... ... ... Khi co rút,
mọi vật đều hiện thành trong một hạt bụi. Khi giản nở, một hạt bụi thẩm
thấu phổ cập khắp mọi vật. Giản nở là luôn luôn co rút, vì một hạt bụi
liên can mọi vật. Co rút là luôn luôn giản nở, vì mọi vật liên can một hạt
bụi. Đó là cắt nghĩa thế nào là giản nở và co rút một cách tự tại.” (Hoa
nghiêm nghĩa hải bách môn).

(III)
Mạng Toàn Cầu.
“Giả thử hết thảy thông tin chứa đựng trong máy tính khắp nơi được nối
kết ... Tất cả những thông tin giá trị nhất trong mọi máy tính của CERN
(Trung tâm Âu châu Nghiên cứu Hạt nhân) và trên thế giới sẵn sàng để
tôi và mọi người sử dụng. Thế là xuất hiện một không gian thông tin
toàn cầu đơn nhất.” Đó là mộng ước của Tim Berners-Lee khi ông làm
việc thảo chương tại CERN, Geneva, Thụy Sĩ. Chương trình điện toán
ông lập vào năm 1980 để nối kết máy tính hầu chia sẻ thông tin không
ngờ mười năm sau biến thành Mạng Toàn Cầu www (World Wide
Web), mạng lưới nhân tạo rộng lớn nhất từ trước đến nay. Mạng Toàn
Cầu là diện bộ của Internet, Internet là hình thù hóa thân của Mạng Toàn
Cầu, là một mạng máy tính nối kết qua những đường truyền dẫn điện.
Hầu giúp tìm kiếm dễ dàng tài liệu cất giữ với một bộ máy sưu cầu
(search engine) đơn giản, nội dung các trang Mạng (Webpage) được sắp
xếp theo thông liệu (information; tài liệu thông tin) chứ không theo vị trí
(location). Ted Nelson, giáo sư Đại học Brown, Hoa kỳ, là người đầu
tiên có ý kiến dùng máy tính thiết kế một hệ thống tổ chức thông liệu
mới mà ông gọi là siêu bản (hypertext). Ông có nhu cầu viết một quyển
sách về triết lý trên máy tinh trong đó ông muốn trình bày toàn bộ tư
tưởng của ông một cách có hệ thống. Theo ông siêu bản với những
đường dây nối (links) đi khắp mọi hướng mới có thể truy dụng tức thời
trên máy giám thị (monitor) những lời ông chú thích, kể cả bất kỳ bản
văn nào khác mà ông dẫn chứng.
28
Trong bản sách chữ in, câu, đoạn, chương, và trang nối nhau theo một
trật tự được quyết định không những bởi tác giả mà còn bởi cấu trúc vật
lý và thứ tự theo chuỗi của chính cuốn sách. Tuy có thể ngẫu nhiên lật
đến bất cứ trang nào và tình cờ đặt mắt nhìn vào bất kỳ đoạn nào, cuốn
sách chữ in mãi mãi bị giữ chặt trong khuôn khổ cố định ba thứ nguyên.
Không gian thông tin không bị hạn chế như vậy. Câu văn phô diễn một ý
niệm hay một chuỗi tư tưởng thường đính theo một mạng dấu hiệu đa
thứ nguyên chỉ nơi cất giữ những chú giải đầy đủ hay những luận chứng
biện minh để nếu cần thời móc ngay ra trên máy giám thị. Cấu trúc của
bản văn có thể ví với một mô hình phân tử phức hợp trong một không
gian nhiều thứ nguyên. Chữ và câu có thêm thứ nguyên thời giống như
thủy tinh với vô số khắc diện. Chúng có thể hiện ra dưới nhiều góc độ
khác nhau, đặt kề nhau hay chồng chập lên nhau.
Các mẫu thông liệu có thể sắp đặt lại theo thứ tự mới, câu văn có thể viết
lại dài hơn, và danh từ được định nghĩa ngay tại chỗ. Những đường dây
nối đó có thể do chính tác giả thêm vào khi “xuất bản” hay do độc giả
ghép thêm sau này. Vì có khả năng truy dụng tức thời bất kỳ bản văn
nào cho nên đường dây nối xem như hàm ý một bước nhảy. Với bước
nhảy, tất cả mọi bản văn đều xem như đồng thời câu khởi và sẵn sàng
ứng hiện trên máy giám thị nếu cần.
Song song với sự phát triển dung lượng các bộ nhớ chứa đựng thông liệu
và với sự truyền dẫn dữ liệu qua các vệ tinh thông tin, nhóm Berners-
Lee và đồng sự ở CERN khai triển siêu bản thành một môi trường thích
ứng với ngôn ngữ thính thị, biến siêu bản thành đa môi trường
(multimedia) [điện thị (video), thành âm (audio), và dữ liệu (data)], và
tạo ra một khổ siêu bản đặt tên là HTML (hypertext markup language;
ngữ pháp siêu bản) rất thích dụng. Ngữ pháp riêng của các máy tính có
thể chỉnh hợp để thích nghi với khổ siêu bản của toàn Mạng. Ngoài ra,
nhóm ấy còn thiết lập một thủ tục truyền chuyển siêu bản (hypertext
transfer protocol) gọi tắt là HTTP với mục đích hướng dẫn sự truyền
thông giữa những bộ máy tầm triển hồ sơ (browser) và các trạm cất giữ
tài liệu trên mạng (web servers). Họ còn đặt ra một mẫu địa chỉ tiêu
chuẩn gọi là URL (uniform resource locator; thiết bị định vị tài nguyên
nhất luật), một loại đường dây nối phối hợp thông tin trên thủ tục truyền
chuyển với thông tin trên địa chỉ của máy tính đang có yêu cầu truy
29
dụng. Thí dụ trên Mạng sử dụng thủ tục truyền chuyển HTTP một đường
dây nối URL có thể là:
http://www.ietf.org/rfc/rfc2396.txt
Đường dây nối URL này nêu rõ ba điều: (1) http tức ứng dụng thủ tục
truyền chuyển HTTP, (2) www.ietf.org tức địa chỉ máy tính đang có yêu
cầu truy dụng, và (3) rfc/rfc2396.txt tức con đường dẫn đến vị trí của
bản văn rfc2396.txt trong máy tính ấy.
Tóm lại, Mạng Toàn Cầu là một mạng lưới ảo, nút là các trang nhà
(Webpage) trưng bày hầu hết mọi thứ thông liệu như tin tức, hát bóng,
quảng cáo, chuyện tầm phào, địa đồ, hình ảnh, tiểu sử, sách, v..v.... Bất
cứ thứ gì có thể viết ra, vẽ hình, hay chụp ảnh đều có thể tìm thấy được
trong một nút của Mạng Toàn Cầu dưới một hình thức nào đó. Công
năng của Mạng là do các thiết bị URL cho phép click trên con chuột là
có thể di chuyển từ trang này sang trang khác. Nhờ các đường dây nối
URL mà ta có thể lướt (surf), định vị và xâu nối thông tin lại với nhau.
Do các đường dây nối này mà thu tập những tài liệu cá nhân biến chuyển
và do những click trên con chuột mà một mạng lưới thông tin khổng lồ
được bện thành. Nếu cắt bỏ các đường dây nối thời Mạng Toàn Cầu bị
hủy diệt, vô số cơ sở dữ liệu hóa thành vô dụng.
Do siêu bản hủy bỏ giới hạn của trang chữ in, cuộc sống trên mạng trở
nên độc lập đối với một vị trí nhất định vào một lúc xác định. Ngoài ra,
vị trí còn có thể truyền chuyển nữa. Ngồi tại một nơi mà vẫn có thể
chứng kiến trên Mạng cảnh hoạt động ồn ào náo nhiệt ở một nơi khác
như tuồng đang đứng tại đó. Có những việc của sở có thể làm ngay tại
nhà ngồi trước một máy tính cá nhân, không khác gì ngồi trong văn
phòng tại sở. Ngay định nghĩa thế nào là địa chỉ cũng đã thay đổi vì hiện
nay mang một ý nghĩa mới có tính cách như một số an sinh xã hội
(Social security number) chứ không còn là tọa độ trên một con đường.
Địa chỉ hóa thành ảo.
Hãy ví siêu bản với một tập hợp thông điệp co dãn, thun lại hay trương
ra tùy theo tác động của người đọc. Ý tưởng có thể khai phát và phân
tích ở nhiều mức độ chi tiết khác nhau. Ta có cảm giác hết thảy biểu
tượng khắp mười phương và nơi chín thế đều hóa hợp trong cùng siêu
bản, thứ tự thường xuyên thay đổi, và truyền đạt bất kỳ lúc nào, bất cứ ở
30
đâu, tùy thuận quyền lợi của người gửi và tánh khí của người nhận. Nói
cách khác, Mạng Toàn Cầu đã tạo ra một mô phỏng thực tại trên máy
tính, một thực tại ảo (virtual reality). Thực tại ảo là thực tại của chúng ta
vì chính cái khung ý niệm về các hệ thống biểu tượng phi không gian,
phi thời gian ấy là nơi ta y cứ để tạo lập các phạm trù và hoán khởi các
ảnh tượng, chính cái khung ý niệm ấy đã hình thành tập tính, nuôi dưỡng
vọng tưởng, và gây phiền não.
Nếu sống trở lại thời đại thông tin hiện nay, nữ hoàng Vũ Tắc Thiên
chắc chắn sẽ không cần đến thí dụ Sư tử vàng hay căn phòng đầy mặt
kính với ở chính giữa một ngọn đèn đốt sáng đặt bên cạnh một tượng
Phật của ngài Pháp Tạng. Vì lẽ cố nhiên nữ hoàng thừa thông minh để
biết cách tận dụng Mạng Toàn Cầu, để nhận thấy Mạng có nhiều tính
chất của lưới báu Đế Thích, và do đó thông đạt ý nghĩa viên dung của
Hoa nghiêm tông. Nhưng thế nào là lưới báu của Đế Thích? Hầu giải
thích ý nghĩa viên dung, Đỗ Thuận, khai tổ của Hoa nghiêm tông, đã
miêu tả lưới báu của Đế Thích trong Hoa nghiêm ngũ giáo chỉ quán như
sau, Tuệ Sỹ dịch:
“[T45n1867_p0513b09] Mạng lưới bằng các hạt châu của trời Đế Thích
được gọi là lưới của Nhân-đà-la. Mạng lưới của Đế Thích này được làm
thành bằng châu báu. Do ánh sáng của các hạt châu rọi suốt, lần lượt
hiện ảnh lẫn nhau, lẩn vào trong nhau, trùng trùng vô tận. Trong một hạt
châu mà đột nhiên đồng thời xuất hiện. Cứ mỗi hạt châu đều như vậy,
hoàn toàn không có đến hay đi. Nay hãy nhắm về phía tây nam, lấy một
hạt châu mà nghiệm. Ngay nơi một hạt châu mà đồng loạt hiện ảnh của
tất cả hạt châu. Hạt châu này đã như vậy, mỗi một hạt châu khác cũng
như vậy. Mỗi một hạt châu cùng một lúc đồng loạt hiện hết thảy hạt
châu đã vậy, mỗi một hạt châu khác cũng vậy. Như vậy trùng trùng vô
tận, không có biên tế. Có biên tế chính là bóng các hạt châu trùng trùng
không biên tế, thảy đều hiện trong một hạt châu, rỡ ràng xuất hiện trên
cao. Những cái khác không phương hại đến cái này. Khi ngồi trong một
hạt châu tức là ngồi trong hết thảy hạt châu, trùng trùng vô tận. Vì sao
vậy? Trong một hạt châu có tất cả toàn bộ hạt châu. Khi trong tất cả toàn
bộ hạt châu có một hạt châu, chính cái toàn bộ ấy cũng mang tất cả hạt
châu. Chuẩn theo đây mà tư duy về toàn bộ (nhất thiết).
31
Tất cả toàn bộ hạt châu đã lẩn vào trong một hạt châu mà hoàn toàn
không ra khỏi một hạt châu này. Một hạt châu lẩn vào trong tất cả hạt
châu mà hoàn toàn không dậy lên một hạt châu này.
Hỏi: Đã nói tất cả toàn bộ hạt châu lẩn vào trong một hạt châu mà hoàn
toàn không ra khỏi hạt châu này, làm sao lại có thể lẩn vào trong tất cả
hạt châu?
Đáp: Chỉ do không ra khỏi hạt châu này nên mới có thể lẩn vào tất cả hạt
châu. Nếu ra khỏi một hạt châu mà lẩn vào tất cả hạt châu, tức là không
thể lẩn vào trong tất cả hạt châu vậy. Vì tách ra ngoài hạt châu này bên
trong không có hạt châu nào khác nữa.
Hỏi: Nếu tách ra ngoài hạt châu này mà bên trong không có tất cả toàn
bộ hạt châu, vậy thì mạng lưới này được làm thành chỉ do bởi một hạt
châu; vậy sự kiện do nhiều hạt châu mà làm thành là thế nào?
Đáp: Chỉ do độc nhất một hạt châu mới bắt đầu từng hạt một để kết
nhiều hạt thành mạng lưới. Vì sao vậy? Vì do một hạt châu này độc nhất
làm thành mạng lưới. Nếu bỏ đi hạt châu này, toàn thể không có lưới.
Hỏi: Nếu duy độc nhất một hạt châu, làm sao có thể bắt đầu làm thành
lưới?
Đáp: Sự kiện kết nhiều hạt châu làm thành lưới, đó chính là duy độc nhất
một hạt châu. Vì sao vậy? Một chính là tổng tướng, có đủ sẵn cái nhiều
để làm thành. Nếu không có cái một, tất cả toàn bộ cũng không. Cho
nên, bằng một hạt châu mà làm thành mạng lưới vậy. Tất cả (nhất thiết)
lẩn vào một, chuẩn theo đây mà biết.”
Trong đoạn văn trên, có câu: “Do ánh sáng của các hạt châu rọi suốt, lần
lượt hiện ảnh lẫn nhau, lẩn vào trong nhau, trùng trùng vô tận. Trong
một hạt châu mà đột nhiên đồng thời xuất hiện. Cứ mỗi hạt châu đều như
vậy, hoàn toàn không có đến hay đi.” Trên Mạng Toàn Cầu cũng vậy.
Khi lướt Mạng, tất cả những trang hiện trên máy giám thị (monitor) xuất
khởi từ các trạm cất giữ tài liệu (servers) khắp nơi trên thế giới, có khi
nào mắt ta rời khỏi trang nhà trên màn ảnh của máy giám thị, tức hạt
châu mà ta chăm chú quan sát như một nhà chiêm bốc nhìn vào quả cầu
thủy tinh? Mỗi lần bắt buộc phải lướt Mạng, có phải ta thật sự chẳng bao
giờ đến hay đi?
32
Đặc biệt là Mạng Toàn cầu phản chiếu chẳng những tất cả hạt châu mà
còn cấu trúc các đường dây nối giữa các hạt châu, một cấu trúc “nhất đa
tương dung” hay “tương tức”. Các gói thông liệu tuy khác nhau nhưng
không rời nhau, vì chúng hỗ tương nhiếp nhập trong một không gian phi
không gian, trống rỗng và mỗi nút hay trang nhà phản chiếu toàn Mạng,
đúng như lời của Đỗ Thuận: “Tất cả toàn bộ hạt châu đã lẩn vào trong
một hạt châu mà hoàn toàn không ra khỏi một hạt châu này. Một hạt
châu lẩn vào trong tất cả hạt châu mà hoàn toàn không dậy lên một hạt
châu này.”
Đỗ Thuận còn nói: “Sự kiện kết nhiều hạt châu làm thành lưới, đó chính
là duy độc nhất một hạt châu. Vì sao vậy? Một chính là tổng tướng, có
đủ sẵn cái nhiều để làm thành. Nếu không có cái một, tất cả toàn bộ cũng
không. Cho nên, bằng một hạt châu mà làm thành mạng lưới vậy.” Mỗi
hạt châu là nhân của toàn thể mà đồng thời cũng là quả do toàn thể hạt
châu khác làm nhân. Trong toàn thể, nhân quả đồng thời. Như vậy, khi
lướt Mạng, bất cứ màn nào móc ra trên máy giám thị không phải chỉ “ở
trên” Mạng mà thật ra là toàn Mạng. Màn đó là hiện thân của tấm thảm
Mạng. Trong một mạng lưới không có trung tâm, bất cứ nút nào cũng là
trung tâm.
Mạng hình thành là do sự tự do đóng góp xây dựng của nhiều tài năng
khắp thế giới và do tương giao tác dụng rất tự do với hàng triệu người sử
dụng nó. Vì phần mềm được phân phát rộng rãi và bất cứ ai cũng có thể
tùy tiện ghép thêm nút vào Mạng rất dễ dàng chẳng tốn kém bao nhiêu
cho nên những người sử dụng đồng thời góp phần sản xuất kỹ thuật, uốn
nắn Mạng thích nghi với những nhu cầu riêng biệt. Hơn nữa, thời gian
cách biệt giữa tiến trình học hỏi bằng cách sử dụng và tiến trình sản xuất
bằng cách sử dụng, đặc biệt thu ngắn rất nhiều. Nghĩa là có một sự hồi
tiếp cải tiến giữa sự truyền bá và sự hoàn chỉnh kỹ nghệ, nguyên nhân
Mạng Toàn Cầu phát triển với một tốc độ khác thường. Số người sử
dụng tăng vọt từ 20 triệu trong năm 1996 lên 300 triệu vào năm 2 000.
Từ một số ít trang năm 1993 nhảy vọt lên hàng triệu trang năm 1998, và
cứ sáu tháng độ lớn của Mạng gia tăng gấp đôi.
Sự tăng trưởng của Mạng với một tốc độ không ngừng gia tăng là do tân
kỹ nghệ điện tử, máy tính, và viễn thông phát triển nhanh chóng, dẫn
33
khởi những vòng hồi tiếp khiến Mạng đã phức hợp càng phức hợp thêm.
Khi thông liệu thay đổi, các đường dây nối và tần số thăm viếng một số
dịch trạm (site) cũng thay đổi theo. Mạng biến thành một hệ sinh thái với
số thông liệu nhiều đến đỗi không máy sưu cầu tối tân ưu hạng nào có
thể sắp hạng số trang không ngớt tăng gia trên Mạng.
Ngoài tác dụng thông tin, Mạng còn là nguồn sanh lợi và cạnh tranh đối
với hết thảy mọi ngành thương mãi. Mạng cho phép thiết lập những cơ
sở giao dịch buôn bán trực tuyến (online) thường gọi chung là e-B, e tức
electronic (điện tử) và B tức business (giao dịch thương mãi). Các cơ sở
này thực hiện những dịch vụ không thực thể, như giải trí, du lịch, thông
tin, và ngân hàng, đồng thờiø buôn bán những hàng hóa nặng nề của
kinh tế tập truyền như xe hơi và máy tính. Mạng đã biến đổi lề lối giao
dịch thương mãi trong quan hệ với người cung cấp và người tiêu thụ,
trong phương pháp quản trị và điều hành, trong tiến trình sản xuất, trong
sự hợp tác với những hãng khác, trong cách xuất vốn và lượng định giá
cổ phần trong thị trường chứng khoán.
Mạng xuất hiện như là một hệ thống thông tin phức hợp có tác dụng giao
liên truyền chuyển những kinh nghiệm nhận thức và hành động của con
người, điều chỉnh và phối hợp hết thảy mọi thứ kiến thức bị chia chẻ và
phân tán trong không gian và thời gian. Hiện Mạng chứa ước chừng
hàng trăm triệu trang nhà đầy ắp thông liệu nối kết nhau một cách rất
hỗn tạp và tùy tiện cọng thêm rất nhiều cơ cấu truy nhập. Các trang
thông liệu chuyêån vận xoay vòng, trang thông liệu cung cấp trang thông
liệu tạo thành những vòng tự phản thân (self reflexive loops). Nghĩa là,
Mạng cung cấp những trang thông liệu, rồi đến phiên các trang thông
liệu trở lại tái thiết Mạng, Mạng trở lại cung cấp những trang thông liệu,
cứ xoay vần như vậy tương tợ một hệ thống sống liên tục tự tạo tự sinh
(autopoietic system). Các vòng tự phản thân không khép kín mà trái lại
mở đường cho những trang thông liệu giao liên vướng mắc với hệ thống
khác, mạng lưới khác. Do tương tác và biến đổi, các trang nhà không
ngừng tái xây dựng Mạng, nơi phát sinh chúng.
Tóm lại, Mạng Toàn Cầu là toàn thể hỗ tương giao thiệp đa thứ nguyên
giữa các trang nhà với trang nhà và giữa các trang nhà với Mạng. Mạng
và các trang nhà hỗ tương y tồn, hỗ tương nhiếp nhập. Mạng Toàn Cầu
34
đáng được xem là một thí dụ cụ thể biểu dương ý nghĩa tương giao và
nhất thể của Hoa nghiêm.
Bit: Không hay Bất không.
Sự phát triển Mạng Toàn Cầu bắt nguồn từ cuộc cách mạng phương
pháp khảo sát thế giới hiện tượng, nguồn gốc phát sinh văn hóa mạng
lưới (network culture). Thế giới không do những mối quan hệ tuyến tính
cấu thành mà là một hệ thống gồm vô số mạng lưới phức hợp tương tức
tương nhập. Thế giới không phải là một hệ thống máy móc mà là một
mạng lưới rộng lớn bao gồm vô số hệ sinh thái (ecosystem) hỗ tương
nhiếp nhập.
Sự xuất hiện văn hóa mạng lưới xảy ra đồng thời với cuộc cách mạng
thông tin (information revolution) phát xuất từ quan niệm thông tin là
bản chất của thực tại. Mở đầu bản tuyên ngôn (Manifesto) của cuộc hội
thảo về “Tánh phức hợp, Entropy, và Vật lý Thông tin” (Complexity,
Entropy, and the Physics of Information) do Viện Santa Fe, New
Mexico, Hoa kỳ. bảo trợ vào Xuân 1989, khoa học gia Wojciech Zurek
phỏng theo câu mở đầu Bản tuyên ngôn của Đảng Cọng sản (1848; A
spectre is haunting Europe – the spectre of communism) viết về cuộc
cách mạng thông tin như sau: “Quỷ thông tin đang quấy nhiễu các ngành
khoa học.” (The specter of information is haunting the sciences) Sau đó,
ôâng nhấn mạnh sự gia tăng tầm quan trọng của thông tin trong nhiều
ngành khoa học: “Nhiệt động học, phần lớn căn bản của cơ học thống
kê, thuyết lượng tử về đo lường, vật lý học về kế toán, và rất nhiều vấn
đề về thuyết hệ động lực, phân tử sinh học, di truyền học, và khoa học
máy tính, tất cả cùng chia xẻ một đề chung là thông tin.” Nhưng thử hỏi
đối với các nhà vật lý học thế nào là thông tin? Muốn hiểu thế nào là
thông tin, thời phải định nghĩa, nhưng muốn định nghĩa thời phải hiểu
thế nào là thông tin. Vậy bắt đầu từ đâu?
Các nhà vật lý học thường thi thiết những khái niệm mới một cách rất
thực tiễn. Vì toán là ngôn ngữ của vật lý học, và toán liên hệ số, cho nên
một thành tố chủ yếu của mọi lý thuyết vật lý là đo lường, sự ghép lượng
vào phẩm. Bởi thế các khái niệm mới đều được định nghĩa bằng cách mô
tả cách thức đo lường chúng. Định nghĩa như vậy gọi là định nghĩa khả
dụng (operational definition), không bắt buộc phải biết rõ vật đem đo
lường là cái gì. Thí dụ: Vào khoảng năm 1600 khái niệm nhiệt độ được
35
định nghĩa là đại lượng đo bằng một nhiệt kế. Sau đó một phần tư thiên
kỷ tức là vào giữa thế kỷ 19, nhờ sự hiểu biết thêm về nhiệt bằng thí
nghiệm, nhiệt độ được định nghĩa là độ đo tốc độ trung bình của các
phân tử.
Đơn vị đo lường thông tin trong thế giới hiện tượng là bit (binary digit;
chữ số nhị phân). Bit không màu sắc, kích thước, hay trọng lượng, và có
thể truyền dẫn với tốc độ ánh sáng. Bit là phần tử bé nhất của thông liệu.
Bit là một trạng thái của hữu: mở hay tắt, đóng hay cắt, lên hay xuống,
vào hay ra, đen hay trắng. Vì lý do thực dụng, ta xem bit biểu tượng sự
lựa chọn giữa hai chữ số là 1 hay 0. Ý nghĩa của 1 hay 0 là một vấn đề
khác. Mặc dầu bit là một khái niệm trừu tượng, nhưng vì không tránh
khỏi dùng vật liệu như giấy mực, chip vi tính, hay tế bào não để mã hóa,
cho nên một chuỗi bit là một tài nguyên vật lý. Có thể hình dung thế giới
các bit như một thế giới vô tướng châu biến hàm dung trong thế giới
hiện tượng gồm nguyên tử (hạt) và bức xạ (sóng).
Một tập hợp ký hiệu 0 và 1 có giá trị thông liệu chỉ khi nào tổ chức thành
những mẫu hình đặc thù riêng biệt. Ký hiệu xây dựng hạ tằng cơ sở,
thông liệu chuyên chở ý nghĩa. Trong buổi ban sơ của máy tính, một
chuỗi bit thường biểu tượng một thông liệu số. Nhưng trong vòng ba
chục năm nay, nhiều thứ thông liệu khác như thành âm (audio) và điện
thị (video) cũng đã được mã hóa nhị phân, biểu tượng bằng bit.
Để có một ý niệm về cách thông liệu trong thiên nhiên truyền qua mắt
dẫn đến não bộ, hãy nghĩ đến một máy chụp hình số tự (digital camera)
được chế tạo để mã hóa hình ảnh thành bit. Thiên nhiên biến đổi mọi thứ
thông liệu ta chú ý thành xung điện sai biệt trong không gian và thời
gian. Những xung điện này được chuyển tải đến mắt bởi các hạt photon
(quang tử), thực ra cũng là cơ cấu mã hóa nhị phân. Khi các xung điện
truyền đạt đến mắt, tức thời bị mắt mã hóa như do bởi cái máy chụp hình
số tự. Thông liệu cũng được mã hóa qua tai, mũi, lưỡi, và thân giống
như qua mắt rồi truyền chuyển đến não để được xử lý và ghi thâu. Bộ
não cũng vậy, bao gồm hết thảy các giao liên trao đổi tín hiệu giữa các tế
bào não, là một tiến trình xử lý thông liệu mã hóa rất công hiệu. Thông
liệu được xử lý không duy nhất trong bộ não mà trong tất cả mọi chất
sống. Thật vậy, môn phân tử sinh học mô tả các tế bào như nơi chứa
36
đựng thông liệu di truyền, sự sinh trưởng và tập tính các sinh vật như do
mã di truyền kiểm định.
Giống như trường hợp năng lượng, thông tin có thể mô tả bằng ngôn ngữ
toán học và xem như một sản vật có thể đo lường, mua bán, chế định, và
đánh thuế. Tuy nhiên, khác với năng lượng, thông tin có tánh chủ quan
(subjectivity). Không hoàn toàn ở trong một hệ thống vật lý, như năng
lượng chuyển hóa ở trong kẹo bánh, điện năng trong bình ắcquy, hóa
năng trong thùng xăng, động năng trong làn gió, thông tin còn có một
phần ở trong tâm thức. Hãy lấy số 14159265 làm thí dụ. Đối với ai chưa
từng làm quen với số pi thời số đó không có ý nghĩa gì cả. Nhưng đối
với các nhà khoa học thời đó là phần lẻ của một thông liệu khoa học
quan trọng.
Thông tin như chữ “sách” chẳng hạn, không những biểu dương một
thông điệp viết mà còn chỉ thị những ký hiệu tự mẫu s, a, ‘, c, h, dùng
viết chữ ấy. Vì vậy, thông tin xem như có hai nghĩa. Một, trong ngôn
ngữ hằng ngày, thông tin mang ý nghĩa của một thông điệp nào đó, và
hai, nó là ký hiệu có công dụng truyền chuyển thông điệp, ký hiệu có thể
là chữ cái, số, hay chuỗi 0 và 1. Theo nghĩa thứ hai, “công nghệ thông
tin” (information technology) là ngành kỹ thuật chuyên cất giữ, truyền
chuyển, phô bày, và xử lý ký hiệu, không cần biết đến ý nghĩa của
chúng.
Các thành phần chính yếu của khoa học thông tin, theo vật lý gia
Benjamin W. Schumacher, có thể lược giản thành một phương pháp ba
giai đoạn:
1.- Xác định một tài nguyên vật lý. Thí dụ một chuỗi lựa chọn nhị phân,
một chuỗi câu hỏi chỉ có hai cách trả lời: có hay không? đúng hay sai?
sấp hay ngữa? zero hay một? Claude E. Shannon, nhà khoa học sáng
thiết thuyết thông tin, tương hợp mỗi lựa chọn với một bit.
2.- Xác định một công việc xử lý thông tin có thể thực hiện với sự sử
dụng tài nguyên vật lý xác định trong giai đoạn 1. Thí dụ công việc phần
đầu là áp nén (compression) xuất liệu (output) từ một nguồn thông tin,
như bản văn trong một quyển sách chẳng hạn, vào trong một chuỗi bit,
37
và phần sau là khử áp (decompression) chuỗi bit ấy, tức phục hồi thông
tin nguyên thỉ áp nén trong chuỗi bit.
3.- Xác định một tiêu chuẩn về sự thành tựu công việc xác định trong
giai đoạn 2. Thí dụ: tiêu chuẩn bảo rằng xuất liệu sau khi khử áp phải
hoàn toàn trùng hợp với nhập liệu trước khi áp nén.
Như vậy câu hỏi căn bản của thông tin học là “Tối thiểu cần bao nhiêu
số lượng tài nguyên vật lý (giai đoạn 1) để thực hiện công việc xử lý
thông tin (giai đoạn 2) theo đúng tiêu chuẩn thành tựu (giai đoạn 3)?”
Câu hỏi này tuy không chuyển đạt hết tất cả những gì thuộc khoa học
thông tin nhưng có thể giúp ta nhận xét và phân tích những công trình
nghiên cứu thuộc lĩnh vực thông tin.
Ví như trong trường hợp áp nén dữ liệu (data compression), câu hỏi là:
“Tối thiểu cần bao nhiêu bit để chứa đựng thông tin do một nguồn nào
đó sản xuất?” Để giải quyết vấn đề này hầu giúp các kỹ sư điện thiết lập
những hệ thống viễn thông công hiệu, Shannon phát minh một cách đo
lường thông tin do một nguồn thông tin sản xuất và phổ biến ý kiến của
ông trong bài báo nổi tiếng “Thuyết toán học về truyền thông” (The
Mathematical Theory of Communication; 1948).
Áp dụng cách đo lường Shannon để đo ‘số lượng thông tin’ trong một
thông điệp thời không cần định nghĩa thế nào là ‘thông tin’, và ngay cả ý
nghĩa của thông điệp cũng không cần biết. Phương pháp đo lường của
Shannon áp dụng dễ nhất là vào các thông điệp gồm những chuỗi lựa
chọn giữa hai tương phản: đúng hay sai, sấp hay ngữa, 0 hay 1. Muốn đo
số lượng thông tin của một thông điệp do một nguồn sản xuất, hãy mã
hóa nhị phân thông điệp thành một chuỗi gồm toàn chữ số 0 và 1, rồi
đếm có bao nhiêu chữ số trong chuỗi ấy. Số chữ số đếm được ông định
nghĩa là số bit tối thiểu cần để chứa đựng xuất liệu từ nguồn. Biểu thức
toán học về số lượng thông tin nay được gọi là Shannon entropy và kỹ
thuật đo thông tin bằng cách đếm gọi là phép đếm bit (bit-counting).
Theo Shannon, sở dĩ dùng mã nhị phân trong phép đếm bit vì đây là
phương cách ít tốn kém nhất để đo số lượng thông tin. Mặc dầu rất công
hiệu trong việc truyền dẫn, chứa đựng, và xử lý dữ liệu nhị phân, bit và
phép đếm bit hoàn toàn không giải đáp những câu hỏi liên quan đến tánh
38
chủ quan của thông tin, đặc biệt là vấn đề ý nghĩa, ‘Các ký hiệu chuyển
đạt ý nghĩa của thông điệp đúng đến mức nào?’, và vấn đề hiệu nghiệm,
‘Thông điệp nhận được tác dụng trên hành vi hiệu quả như thế nào so
với ý muốn?’ Shannon chủ trương “những gì liên can ngữ nghĩa đều
không thích hợp với vấn đề kỹ thuật.” Chủ trương này rất thích hợp với
vật lý học luôn luôn gạt ra ngoài những vấn đề liên can tánh chủ quan.
Trong Tựa Nhận thức và Tánh Không, có đoạn Thầy Tuệ Sỹ đặt câu hỏi:
“Phục Hy phát hiện khái niệm nhị phân bằng hai hào. Ông chồng ba bit-
hào thành một quẻ; thu hoạch được tám quẻ. Rồi chồng nữa, ông có bộ
nhớ 6 bit-hào, nhận được 64 ký tự-quẻ, nói đủ để ghi tất cả mọi hiện
tượng, từ thiên nhiên, xã hội, con người. Ghi bất cứ cái gì mà con người
có thể suy nghĩ và tưởng tượng. Nhưng phát hiện của Phục Hy được thấy
là hữu ích cho việc bói toán hơn là hỗ trợ bộ óc của con người, như vi
tính ngày nay, tại sao?”
Và trả lời: “Người học Phật chỉ có thể nói: căn, cảnh, thức; ba sự hòa
hiệp xúc. Duyên xúc phát sinh thọ. Xúc dị biệt nên cảm thọ dị biệt.
Không cùng môi trường «thức ăn» thì không thể nhìn giống nhau được.
Hai bờ sông Ngân có hai chòm sao. Từ Đông hay Tây, nhìn lên đều thấy.
Ở bên này Thái bình dương nhìn lên, đó là Ngưu lang, người chăn bò, và
Chức nữ, cô gái dệt lụa. Và một thiên tình sử não lòng. Còn bên kia Đại
tây dương nhìn lên, đó là con thiên ưng và cây đàn bảy giây. Không có
dấu hiệu gì chứng tỏ con chim đang cố vượt sông Ngân để sang bờ bên
kia nghe đàn, mà được thấy là đang đi tìm trái tim của vị thần ăn cắp lửa.
Cách nhìn khác nhau vạch ra định hướng lịch sử khác nhau, và tạo dựng
những nền văn minh khác nhau.”
Đúng vậy. Nhà khoa học, triết học, và toán học Gottfried W. Leibniz
(1646-1716), người phát minh toán vi tích phân (Calculus) đồng thời và
độc lập với Newton cũng là người đầu tiên từ năm 1666 tìm cách sáng
chế một hệ thống ký tự phổ quát (characteristica universalis) trong đó
một logic hình thức (symbolic logic; calculus ratiocinator; luật tư duy)
chuyển dịch mọi phát biểu bằng lời nói thường có tính cách mơ hồ thành
những mệnh đề toán học chính xác, qui giảm hết thảy mệnh đề chân thật
của luận lý về ngôn ngữ của toán vi tích phân. Áp dụng phép đếm nhị
phân, ông chỉ sử dụng hai chữ số nhị phân 0 và 1 làm ký tự để thành lập
các biểu thức số học.
39
Leibniz tin tưởng trên nguyên tắc mọi vấn đề đều có thể giải quyết.
Trước hết, tạo một môi trường phổ quát trong đó các ý tưởng tương phản
có thể đồng thời câu khởi và tương hỗ. Hệ thống ký tự phổ quát tựa trên
một logic nhị phân là ngữ pháp có khả năng chuyển dịch tất cả khái niệm
và ý kiến bất đồng vào cùng một tập hợp ký hiệu. Điểm khác biệt với
ngôn ngữ thông thường là hệ thống ký tự phổ quát không phát âm và
không bị chất liệu nội dung hạn chế. Không nội dung và im lặng, ngữ
pháp nhị phân có thể chuyển đổi mọi mệnh đề có ý nghĩa thành những
thuật ngữ của logic vi tích phân, một hệ thống chứng minh những mẫu
hình luận chứng đúng hay sai, hoặc liên kết chúng thành một ma trận
(matrix). Do đó, các tiến trình tư duy trái nghịch có thể đồng thời diễn
biến cùng trong một môi trường. Mọi sự bất đồng về thái độ hay niềm
tin, một khi chuyển dịch qua ký tự tương ứng, có thể dẫn khởi những
phép diễn toán không vấp phải mâu thuẫn phi lý. Kết quả là logic vi tích
phân chỉ chỗ đúng sai của biện luận, ra ngoài những phát biểu mơ hồ,
những lối nhìn thành kiến.
Dạo ấy, Leibniz hay viết về những vấn đề thần học liên hệ đến người
Trung Hoa và thường trao đổi thư từ với các linh mục Dòng Tên truyền
đạo ở Trung Hoa đang nghiên cứu Kinh Dịch để tìm điểm tương đồng
giữa tín ngưỡng của người Trung Hoa và Thiên chúa giáo. Leibniz có tin
cho Joachim Bouvet, linh mục Dòng Tên người Pháp ở Bắc kinh biết
cách ông đếm bằng hai số 0 và 1. Chẳng bao lâu sau khi nhận được thư
trả lời kèm theo hình 64 quẻ kép trong Kinh Dịch của Bouvet cho biết có
sự tương quan giữa các quẻ ấy và phép đếm nhị phân của ông, ông đệ
trình Viện Hàn lâm Hoàng gia Khoa học (1703) bài “Giải thích số học
nhị phân chỉ dùng ký tự 0 và 1, kèm theo đoản bình về sự lợi ích của nó
và về sự nó giải thích ý nghĩa những hình tượng Trung Hoa thời cổ đại
đời vua Phục Hy” (Explication de l’arithmétique binaire, qui se sert des
seuls caractères 0 et 1, avec des remarques sur son utilité, et sur ce
qu’elle donne le sens des anciennes figures Chinoises de Fohy). Có đoạn
ông viết: “Điểm bất ngờ trong phép tính này là số học chỉ dùng 0 và 1
chứa đựng điều bí ẩn về các vạch của vua và triết gia thời cổ tên Phục
Hy ... ... ... Nhiều quẻ được cho là do ông vua ấy vạch ra, tất cả đều có
thể suy ra từ số học này.
40
Nhưng chỉ cần đưa ra đây hình của tám quẻ đơn gọi là Bát quái là những
hình cơ bản, và thêm vào đó lời giải thích, thật ra đã hiển nhiên, để hiểu
ngay một vạch liền ¾ có nghĩa là đơn vị hay 1 và một vạch đứt - - có
nghĩa là zero hay 0.
Người Trung Hoa đánh mất đi sự hiểu biết ý nghĩa của Bát quái hay
những vạch của Phục Hy, có thể hơn ngàn năm nay, và họ đã viết những
lời chú giải các quẻ, tìm kiếm tôi không biết ý nghĩa xa xưa nào, cho nên
bây giờ trở nên cần thiết đối với họ là có lời giải thích chân thật từ phía
người Âu châu.”
Ngoài ra, Leibniz gia công chế tạo máy tính thích hợp với ngôn ngữ nhị
phân có khả năng diễn toán trên các chuỗi số nhị phân theo qui tắc logic
hình thức nhưng không thành công. Mãi hơn hai thế kỷ sau nhờ những
công trình tiếp tục nghiên cứu những ý kiến của Leibniz do những tên
tuổi như Boole, Venn, Russell, Whitehead, Shannon, và nhiều nhân vật
khác nữa, logic hình thức mới có thể vận dụng để chứng minh bằng pháp
diễn dịch trong các mạch điện tử. Sau đó, John von Neumann áp dụng số
học nhị phân của Leibniz khai thiết máy điện toán số tự (digital
computer).

(IV)
Pháp giới tính: chồng chập, giao thoa, và vướng
mắc.
Tưởng cần nhắc lại đây một số tính chất đặc biệt của cơ học lượng tử
(quantum mechanics) trước khi bàn về khoa thông tin lượng tử (quantum
information). Lượng tử hay hạt có hai loại phẩm tính, tĩnh và động. Các
phẩm tính tĩnh có kích thước không thay đổi khi đo lường và dùng để
phân biệt các loại hạt. Ba phẩm tính tĩnh quan trọng nhất là khối, điện
tích, và đại lượng của spin. Trong số các phẩm tính động biểu trưng tánh
động của hạt có thể kể vị trí, xung lượng, và định hướng của spin.
Nền tảng của cơ học lượng tử là nguyên lý bất định Heisenberg được sử
dụng để xác định mức độ chính xác trong sự đo lường những phẩm tính
động của hạt chuyển động. Các phẩm tính động luôn luôn phát hiện
thành từng cặp bổ sung, chẳng hạn vị trí và xung lượng, năng lượng và
thời gian trong một tiến trình vật lý. Theo nguyên lý bất định, dẫu dụng
41
cụ, phương pháp, và người đo lường hoàn hảo đến mức độ nào đi nữa, ta
không bao giờ có thể đồng thời biết được chính xác cả hai phẩm tính bổ
sung của một hạt đang chuyển động. Theo Bohr, những phẩm tính biểu
trưng tánh động của lượng tử không thuộc bản tính tự nhiên của lượng tử
mà phát hiện từ toàn thể trạng huống trong đó công việc đo lường được
thực hiện. Hạt tự nó không có phẩm tính vị trí và xung lượng. Những
phẩm tính ấy thật ra là quan hệ giữa hạt và dụng cụ đo lường. Dẹp bỏ
dụng cụ đo lường thời những phẩm tính ấy cũng biến mất. Phẩm tính
động của hạt khả dĩ định nghĩa và quan sát được chỉ khi nào đặt hạt
trong quan hệ hỗ tương tác dụng với những hệ thống khác. Như vậy,
thay vì có vị trí và tốc độ được quan sát và định nghĩa riêng biệt, các hạt
có một trạng thái lượng tử (a quantum sate) tức một tổ hợp vị trí và tốc
độ.
Cơ học lượng tử thường không dự đoán một kết quả duy nhất của một
thí nghiệm. Nó trưng dẫn nhiều kết quả khác nhau, nêu rõ mỗi kết quả có
bao nhiêu cơ duyên thành tựu. Nghĩa là, nếu áp dụng cùng một phép đo
lường và khởi sự trong điều kiện ban đầu giống nhau để đo một số lớn
hệ thống tương tợ nhau [đây muốn nói là đo một hệ thống rất nhiều lần,
hệ thống tất nhiên không bao giờ ở yên trong cùng một trạng thái] thời
kết quả đo được sẽ là A trong một số trường hợp, B trong một số trường
hợp khác, v..v... Ta có thể dự đoán gần đúng bao nhiêu lần kết quả là A
hay B nhưng không thể dự đoán kết quả chính xác sau mỗi lần đo lường
được. Như vậy cơ học lượng tử thêm vào khoa học yếu tố ngẫu duyên
bất khả dự tri. Vì thế một số khoa học gia như Einstein chống đối cơ học
lượng tử, bảo rằng: “Thượng đế không chơi súc sắc”. Nhưng đa số chấp
nhận bởi cơ học lượng tử hoàn toàn phù hợp với thực nghiệm. Cơ học
lượng tử chi phối sự vận hành của các transistor và mạch tổ hợp là
những thành phần chính yếu của các thiết bị điện tử như tivi và máy tính,
đồng thời là nền tảng của hóa học và sinh học hiện đại.
Lượng tử ánh sáng (photon) cũng như lượng tử vật chất (thí dụ: electron)
có hai hành tướng, hạt và sóng. Trái với quan điểm của Niels Bohr cho
rằng không bao giờ có thể thấy photon tác dụng như hạt và sóng cùng
một lúc, năm 1992, các vật lý gia Nhật bản hoàn thành một thí nghiệm
do một nhóm vật lý gia Ấn độ thiết kế và quan sát được hiện tượng
photon tác dụng đồng thời như hạt và sóng. Như vậy, hành tướng phát
42
hiện là tùy theo trạng huống trong đó thí nghiệm được thực hiện. Nói
theo ngôn ngữ Phật giáo, lượng tử là một pháp hữu vi siêu việt và hàm
dung hai hành tướng sóng và hạt tương đãi đối nghịch. Đây là đặc tính
mâu thuẫn mà nhất thống của tánh Không của lượng tử.
Sóng chuyển động tuần hoàn và được xác định bởi hai phẩm tính: biên
độ diễn tả độ cao của sóng và pha diễn tả sóng ở vào thời kỳ nào của chu
kỳ chuyển động. Pha của sóng điều tiết hiện tượng hai sóng gặp nhau.
Nếu hai sóng đồng tần số tiếp xúc nhau với pha đồng nhất thời ta bảo
chúng “trùng pha” (in phase), với pha khác nhau nửa chu kỳ thời ta bảo
chúng “phản pha” (out of phase).
Khi hai sóng gặp nhau thời tổng hợp thành một sóng có biên độ bằng
biên độ của hai sóng cộng lại. Sự kiện biên độ các sóng gặp nhau bất kỳ
ở đâu cộng thành biên độ của sóng tổng hợp được gọi là nguyên lý
chồng chập (superposition principle). Nguyên lý này chỉ áp dụng trong
trường hợp biên độ không lớn và khi không áp dụng được thời gọi là
trường hợp phi tuyến tính (non linearity). Không có gì thêm hay mất đi
mọi khi sóng gặp nhau. Đặc biệt là khi một sóng truyền dẫn ra khỏi sóng
tổng hợp, biên độ của nó vẫn như trước khi gặp các sóng khác. Sóng
tổng hợp chỉ là một sự chồng chập sóng tạm thời.
Nguyên lý chồng chập quyết định rằng khi các sóng dao động cộng lại
thời biên độ của sóng tổng hợp tùy thuộc sự tương quan liên hệ giữa các
pha. Khi hai sóng trùng pha, đỉnh sóng gióng hàng với đỉnh sóng, đáy
sóng gióng hàng với đáy sóng tạo thành một sóng mạnh hơn với biên độ
lớn. Nếu biên độ của chúng bằng nhau (chọn làm 1 đơn vị) thời sóng
tổng hợp có biên độ bằng 2 đơn vị. Đây là trường hợp giao thoa xây
dựng. Khi chúng phản pha, đỉnh của sóng này gióng hàng với đáy của
sóng kia và nếu biên độ của chúng bằng nhau thời hai sóng hỗ giao
tương triệt, tổng hợp thành một sóng có biên độ triệt tiêu. Trường hợp
này gọi là giao thoa phá hủy. Nếu pha ở đâu đó trong khoảng giữa trùng
và phản pha thời biên độ tổng hợp nằm trong khoảng 0 và 2.
Ngẫu duyên và giao thoa, hai nét đặc thù của cơ học lượng tử được diễn
tả toán học bằng một hàm sóng do Schrodinger sáng thiết với mục đích
minh giải sự giao thoa của các hạt vật chất. Hàm sóng không mô tả hạt
mà thông tin về cơ duyên có thể tìm thấy hạt đâu đó tại nhiều vị trí khác
43
nhau. Bình phương biên độ của sóng tại bất kỳ chỗ nào cho biết xác suất
tìm thấy phẩm tính vị trí của hạt ở chỗ đó và dạng sóng thông tin cho
biết về tất cả phẩm tính khác. Hàm sóng chính là trạng thái lượng tử biểu
tượng vừa hiện tượng giao thoa của các hạt vừa tập tính ngẫu duyên của
chúng. Quan hệ giữa tính khả dự tri của hàm sóng và tính bất khả dự tri
của hạt tương tợ quan hệ giữa hai mệnh đề có vẻ mâu thuẫn nhau: “Xác
suất đồng tiền rơi ngữa là 50%, một đại lượng hoàn toàn khả dự tri” và
“Đồng tiền rơi xuống sau mỗi lần gieo không biết là sấp hay ngữa, đó
chính là một điều bất khả dự tri”. Hàm sóng có thể biểu trưng hai mệnh
đề tương phản như thế, quả là một sự kiện khác thường!
Tóm lại, hàm sóng không vận tải năng lượng như sóng nước hay sóng
âm, mà vận tải những khả năng, hay tiềm năng chồng chập tuyến tính
lên nhau. Nói theo Duy thức, hàm sóng là những làn sóng chủng tử tạo
nên thức a lại da, thức này hằng chuyển, tương tục bất đoạn.
Von Neumann là người đầu tiên đặt thành vấn đề nhưng không giải
quyết sự đo lường phẩm tính lượng tử. Ông cũng là người đầu tiên chỉ
cho thấy thuyết lượng tử dẫn khởi vai trò tâm thức của người quan sát thí
nghiệm. Ông cho rằng vật thể tự nó không có phẩm tính nếu quan sát
viên không chú tâm quan sát nó. Khái niệm then chốt trong sự đo lường
lượng tử là sự “sụp đổ của hàm sóng” phát hiện trong thí nghiệm với
màn chắn có hai khe: Một hạt đơn nhất như một photon hay một nguyên
tử natri khi truyền dẫn thời có dạng sóng, nhưng khi đến nơi thời có
dạng hạt. Theo nhóm Copenhagen do Bohr lãnh đạo, chính tác dụng
quan sát, hay đo lường, sóng làm nó sụp đổ thành hạt.
Hạt đơn nhất khi đi qua một khe tuồng như đồng thời biết được khe kia
bị che kín hay để hở, do đó cuối cùng chọn lựa kiểu hình vẽ ra trên màn
lân quang, một vùng điểm trắng hay kiểu hình sóng giao thoa. Nghĩa là,
nó ý thức được điều kiện chẳng những tại một khe mà khắp nơi trong
toàn thể thí nghiệm [Nên nhớ so với kích thước của hạt khoảng cách hai
khe vô cùng lớn]. Tánh nối kết phi cục bộ (non-local connection) này là
nét đặc thù trọng yếu của cơ học lượng tử. Bảo rằng A nối kết phi cục bộ
với B có nghĩa là (1) nối kết không qua trung gian môi chất nào giữa A
và B; (2) ảnh hưởng của sự nối kết không bị khoảng cách giảm thiểu;
ảnh hưởng vẫn giống nhau dẫu cách xa hàng vạn dặm hay chỉ một phần
44
rất nhỏ của một ly; và (3) có tánh tức thời, không bị tốc độ ánh sáng hạn
định.
Trong cơ học lượng tử, tánh nối kết phi cục bộ có tên gọi là pha vướng
mắc (phase entanglement). Mỗi khi hệ lượng tử A gặp hệ lượng tử B,
pha của chúng hỗn hợp: sóng của A sao một phần pha của nó vào trong
sóng của B và ngược lại. Sự trao đổi pha như thế nối kết vĩnh viễn hai hệ
thống A và B. Tánh pha vướng mắc nối kết hết thảy mọi hệ thống từng
gặp nhau một lần trong quá khứ thành một sắc sóng duy nhất, sự nối kết
không qua trung gian môi chất nào, không bị khoảng cách giảm thiểu
ảnh hưởng, và có tánh tức thời.
Nhằm tìm hiểu ý nghĩa toàn thể (holism) của trạng thái chồng chập và
vướng mắc, hãy lấy spin làm thí dụ. Spin là một tính chất vật lý chỉ được
đề cập trong cơ học lượng tử. Có những hệ thống như electron có spin
1/2 với hai trạng thái mà thôi, hoặc trạng thái spin “chỉ lên” spin up)
hoặc trạng thái spin “chỉ xuống” (spin down). Giả thiết hai hệ thống có
spin 1/2 cùng phát ra từ một nguồn, rồi sau đó lìa nhau theo hai ngả
đường ngược hướng. Dẫu ly cách bao nhiêu đi nữa, trạng thái spin của
toàn thể, nghĩa là trạng thái spin nối của hai hệ thống ấy hợp nhau, là
trạng thái chồng chập của hệ thống đầu có spin chỉ lên và hệ thống thứ
hai có spin chỉ xuống với hệ thống đầu có spin chỉ xuống và hệ thống
thứ hai có spin chỉ lên.
Trong trạng thái chồng chập, riêng mỗi hệ thống, không có hệ thống nào
ở trong trạng thái có spin chỉ lên hay spin chỉ xuống. Như vậy có nghĩa
là, tuy spin cục bộ (local spin) tức spin của riêng mỗi hệ thống là một
phẩm tính khả quan trắc (local observable), nhưng trong cách thế chồng
chập nó không có một độ đo chính xác mà chỉ với một xác suất bao
nhiêu phần trăm đúng. Spin toàn thể (total spin) của trạng thái chồng
chập mới có một độ đo xác định. Khi đo spin của một trong hai hệ thống
và biết kết quả thời xác suất đo spin của hệ thống kia biến đổi thành 1,
nghĩa là ta có thể biết chắc spin của nó là chỉ lên hay chỉ xuống.
Tánh chồng chập và pha vướng mắc là một thí dụ khoa học về pháp giới
tính là “tính bản nhiên của tất cả sự vật, nghĩa là của tất cả các chuyển
động và các hiện tượng trong vũ trụ. Tính bản nhiên ấy là tính “trùng
trùng duyên khởi”, nghĩa là tính ảnh hưởng dây chuyền của một sự vật
45
đối với tất cả sự vật, của tất cả sự vật đối với một sự vật. Ví như một con
cá nhỏ vẫy đuôi, tuy rung động rất ít, nhưng nếu có khả năng đo lường
chính xác, thì cũng có thể thấy ảnh hưởng cùng khắp bốn bể.” (Kinh Thủ
Lăng Nghiêm. Lời nói đầu. Tâm Minh Lê Đình Thám)
Vật lý gia John Stewart Bell chứng minh một định lý toán học xác nhận
rằng thực tại lượng tử phải phi cục bộ. Kết quả của định lý Bell không
tùy thuộc thuyết lượng tử, như vậy có nghĩa là một ngày kia nếu thuyết
lượng tử được nhận thấy không còn giá trị, không lợi ích nữa, và bị dẹp
bỏ, thời định lý Bell vẫn đứng vững và luôn luôn đúng. Nên nhớ rằng
định lý Bell buộc thực tại chứ không phải hiện tượng phải phi cục bộ.
Đo lường lượng tử là phương tiện vật lý gia sử dụng để tiếp xúc với thực
tại. Tất cả mọi đo lường lượng tử đều cấu thành bởi những nhảy lượng
tử, chẳng hạn như những chớp sáng lóe trên màn lân tinh. Các nhảy
lượng tử lên xuống từ thực tại lượng tử tạo thành những mẫu hình tồn tại
và tái diễn có tánh cục bộ, nghĩa là tương giao tác dụng qua trung gian
những môi chất trong không gian và thời gian. Do tánh pha vướng mắc
mà hiện thành một toàn thể hoàn chỉnh trong đó các lượng tử nối kết phi
cục bộ vận hành theo quy luật của hàm sóng.
Qubit: Không và Bất không.
Để tìm hiểu thông tin lượng tử, hãy đặt câu hỏi theo phương pháp ba giai
đoạn của Schumacher. Trong cơ học lượng tử, tài nguyên vật lý mới nào
thay thế chuỗi các bit? Công việc xử lý thông tin nào có thể thực hiện?
Những tiêu chuẩn thích hợp nào về sự thành tựu công việc xử lý thông
tin?
Về tài nguyên vật lý thời phải kể đến các trạng thái chồng chập, giống
như trường hợp con mèo của Schrodinger là sự chồng chập hai khả năng
sống và chết. Công việc xử lý thông tin có thể liên can đến sự vận dụng
tánh nối kết phi cục bộ tức pha vướng mắc. So với trường hợp thông tin
cổ điển, tiêu chuẩn về sự thành tựu tinh tế hơn nhiều bởi vì muốn gom
thu kết quả của một công việc xử lý thông tin thời phải quan sát, hay đo
lường, hệ thống. Nhưng trong cơ học lượng tử, hành động như vậy sẽ
biến đổi hệ thống, hủy diệt những trạng thái chồng chập đặc biệt chỉ hiện
hữu trong vật lý lượng tử mà thôi.
Tài nguyên căn bản của thông tin lượng tử gọi là bit lượng tử, quantum
46
bit, hay qubit (đọc là kiubit), danh từ do Schumacher đề nghị và được
cộng đồng vật lý gia chấp nhận vào thu 1992. Giống như bit là tượng
trừu xuất từ những nguyên lý của vật lý học cổ điển, qubit là tượng trừu
xuất từ những nguyên lý của cơ học lượng tử. Bit, đơn vị của thông tin
cổ điển, được miêu tả bởi trạng thái của nó, 0 hay 1. Cũng vậy, qubit,
đơn vị của thông tin lượng tử, được miêu tả bởi trạng thái lượng tử của
một hệ thống lượng tử hai thứ nguyên. Có hai trạng thái lượng tử của
qubit gọi là trạng thái cơ bản tương ứng với hai trạng thái 0 và 1 của một
bit cổ điển. Hai trạng thái cơ bản này thường được ký hiệu là |0> (đọc là
ket 0) và |1> (đọc là ket 1). Tuy nhiên, trong cơ học lượng tử, hạt nào có
hai trạng thái lượng tử khác nhau tất có một tập hợp gồm vô số trạng thái
chồng chập của hai trạng thái đó. Vì thế qubit có thể được miêu tả bởi vô
số trạng thái chồng chập của hai trạng thái cơ bản |0> và |1>. Biểu thức
của qubit có dạng:
a|0> + b|1>
a và b là phức số, một trong hai phức số này phải khác không. (Xem Bài
toán A lại da duyên khởi. Sách Tánh khởi và Duyên khởi. Hồng Dương).
Có thể nói vắn tắt, qubit là chồng chập 0 và 1, cũng như nói bit là trị số 0
hay 1.
Bất cứ hệ thống lượng tử nào có hai trạng thái như spin của electron hay
phân cực của photon đều là hóa thân của một qubit. Trong một qubit có
nhiều hơn một bit thông tin. Tuy nhiên khi đo qubit để thu lượm thông
tin thời chỉ đạt được chỉ một bit mà thôi.
Xin mở dấu ngoặc để giải thích sơ lược phân cực của photon liên hệ như
thế nào với qubit. Ánh sáng là những sóng ngang, thẳng góc (90 độ) với
chiều sóng truyền dẫn (chiều dọc), kết hợp dao động di chuyển của điện
trường và từ trường. Một bộ lọc sóng phân cực như kiến mát Polaroid
chẳng hạn, có công dụng phân cực ánh sáng, nghĩa là để ánh sáng truyền
xuyên qua kiến theo một chiều riêng biệt, chiều của trục truyền dẫn của
bộ lọc. Nếu chiều của trục bộ lọc thẳng đứng thời chỉ có ánh sáng phân
cực thẳng đứng truyền qua nguyên vẹn, còn ánh sáng phân cực nằm
ngang thời hoàn toàn bị chận lại. Ánh sáng của mặt trời hay của đèn điện
vì là hỗn hợp ánh sáng phân cực khắp mọi hướng khác nhau cho nên gọi
là ánh sáng thường, không có chiều phân cực nào đặc biệt. Mỗi photon
của ánh sáng phân cực có thể hình dung như có gắn một mũi tên chỉ
47
hướng phân cực của nó, thẳng góc với chiều truyền dẫn ánh sáng. Cơ
học lượng tử thường nói đến những photon phân cực theo hai chiều
thẳng góc với nhau và với chiều truyền dẫn của ánh sáng. Như vậy,
photon là trạng thái chồng chập của hai sóng phân cực, sóng phân cực
chiều đứng và sóng phân cực chiều ngang, cho nên được xem như hóa
thân của một qubit.
Thí nghiệm nào có thể tạo ra một qubit? Cách đơn giản nhất để tạo qubit
là dùng một bộ tách chùm tia (beam splitter). Bộ tách chùm tia không gì
khác là những đĩa thủy tinh dày độ hơn nửa phân, đường kính lớn trong
khoảng từ một đến hai phân, một mặt được phủ một lớp mỏng kim loại,
kim loại màu vàng, màu bạc, đủ mọi màu, hầu phản chiếu ánh sáng màu
sắc khác nhau. Bộ tách chùm tia có mặt hầu như khắp nơi, trong nhà,
trên xe, nó giúp kiểm soát các tia chớp laser vi tế trong các máy chơi
CD. Chức năng của nó là tách ra hai chiều một chùm tia sáng chiếu xiên
trên mặt nó: một tia truyền thẳng xuyên qua thủy tinh và tia thứ hai phản
chiếu trên nó như trên một mặt gương. Đặc điểm là nó bảo toàn năng
lượng của chùm tia, không biến chuyển phần nào ra nhiệt. Nó có tánh
đối xứng, nghĩa là tách chùm tia thành hai phần bằng nhau: tia truyền
thẳng và tia phản chiếu, độ sáng của mỗi tia bằng nửa độ sáng của chùm
tia chiếu tới nó.
Bây giờ đặt một bộ tách chùm tia nằm ngang song song với nền nhà.
Chiếu xiên một photon tới mặt bên trên của nó, mỗi photon giả thiết
chuyển tải một bit thông tin. Kết quả là sẽ có hai tín hiệu, một ở phía
trên, một ở phía dưới bộ tách. Tuy nhiên không một photon thứ hai hay
một bit thông tin thứ hai nào được tạo. Theo quy luật lượng tử, thông tin
hiện đang nằm trong trạng thái chồng chập của 1 và 0. Nếu đặt hai máy
dò, cái ở trên, cái ở dưới bộ tách, thời một trong hai máy dò sẽ phát hiện
thông tin nhưng không biết trước máy nào. Theo quy ước, nếu photon
hiện nơi máy dò phía trên thời có nghĩa là 1, hiện nơi máy phía dưới thời
có nghĩa là 0. Đó là đầu mối quan trọng để nhận ra một qubit ‘1 và 0’ đã
được tác thành. Nó được chuyển tải bởi hai chùm tia vi tế, cả hai cộng
lại vừa đủ năng lượng của một photon đơn nhất.
Để hợp hai chùm vi tế ấy lại thành một photon hãy dùng hai tấm gương
G1 và G2 phản chiếu hai tia của bộ tách thứ nhất, tia truyền thẳng và tia
phản chiếu, đến gặp nhau trên một bộ tách thứ hai. Ta có một giao thoa
48
kế với hai máy dò A và B như hình sau đây.
Công dụng của giao thoa kế là triển chuyển 1 thành 0 hay ngược lại,
đúng như công dụng của một cổng NOT (BẤT). [Các phần tử của mạch
logic gọi là cổng (gate) vì chúng kiểm soát dòng thông tin giống như
cổng đập nước kiểm soát dòng nước]. Vì bit chỉ có hai khả năng, nên
“BẤT” khả năng này tức là chọn khả năng kia. Như vậy, bộ tách chùm
tia thứ nhất có thể xem như “căn số bậc hai của BẤT”, bởi vì áp dụng
hai lần liên tiếp qua hai bộ tách, “căn bậc hai của BẤT” nhân “căn bậc
hai của BẤT”, hóa thành “BẤT” lại. “Căn bậc hai của BẤT”, một khái
niệm chỉ cơ học lượng tử mới có, là đối phần logic của khái niệm toán
học “căn bậc hai của –1”, còn gọi là số ảo “i”. Điều này chứng tỏ trong
tầng mức sâu thẳm có một sự liên hệ giữa vật lý (bộ tách chùm tia) và
toán học (ảo số). Theo quan điểm Duy thức, sự liên hệ ấy chính là thức,
a lại da thức.
Số ảo i tương ứng với góc quay 90 độ, do đó sựï so sánh với số ảo cho ta
hiểu tại sao một hình cầu có thể dùng để biểu tượng một qubit trong
không gian ba thứ nguyên.
Hình A: Một bit chỉ có thể có một trong hai trạng thái là 0 hay 1. Có thể
biểu diễn bit bởi một mũi tên chỉ xuống hay chỉ lên.
Hình B: Một qubit có rất nhiều trạng thái khả năng. Mỗi trạng thái có thể
biểu diễn bởi một mũi tên chỉ vào một vị trí trên một hình cầu. Bắc cực
tương ứng với 1, Nam cực với 0. Tất cả những vị trí khác là sự chồng
chập hai trạng thái 0 và 1.
Hình C: Một qubit khác với bit ở chỗ là có thể cất chứa những trị số ở
khoảng giữa 0 và 1, vì thế có thể cất chứa vô hạn số lượng thông tin.
Nhưng phải đo lường mới trích dẫn được thông tin cất chứa trong qubit.
Tuy nhiên, theo quy luật lượng tử, đo lường xóa bỏ hết thảy mọi thông
tin trong qubit ngoại trừ độc nhất một trong hai trạng thái, 0 hay 1, được
phát hiện. Kết quả đo qubit luôn luôn là một bit, 0 hay 1. Xác suất của
mỗi kết quả tùy thuộc “vĩ độ” của qubit. “Kinh độ” của qubit biểu tượng
pha, độ sai biệt tương đối giữa chu kỳ của hai sóng. Tại kinh tuyến
Greenwich với kinh độ zero, hai sóng trùng pha, bên kia nửa vòng quanh
hình cầu, kinh độ là 180 độ, hai sóng phản pha. Tóm lại, qubit được xác
49
định bởi hai số: vĩ độ chia thành phần tương đối và kinh độ miêu tả sự
sai biệt pha tương đối giũa hai trạng thái 0 và 1.
Sự khác biệt được chú ý đầu tiên giữa bit và qubit là khả năng cất chứa
thông tin. Một bộ ghi với hai bit (2-bit register) có thể cất chứa mỗi lần
chỉ một trong 2 lũy thừa 2 tức 4 số: 00, 01, 10, 11 tức theo phép biểu
diễn nhị phân, một trong bốn số thập phân: 0, 1, 2, và 3. Hai qubit cũng
cất chứa những số từ 0 đến 3 như bit. Tuy nhiên, vì hai qubit là trạng
thái chồng chập những trạng thái kê trên cho nên một bộ ghi với hai
qubit có thể cất chứa các số 0, 1, 2, và 3 cùng một lúc. Nếu gồm tám
qubit bộ ghi có thể cất chứa 2 lũy thừa 8 tức 256 số cùng một lúc. Khi số
qubit trong bộ ghi tăng lên 100, thời số cất chứa tăng lên 2 lũy thừa 100
tức độ chừng 10 lũy thừa 30 (số 1 đèo 30 zero) số cùng một lúc. Hiện tại
hay trong tương lai gần đây không thể có siêu máy tính nào có thể xử lý
số lượng thông tin lớn như vậy.
Trên đây trình bày các thí dụ về thông tin lượng tử theo đúng phương
pháp ba giai đoạn của Schumacher: Cần bao nhiêu qubit (tài nguyên vật
lý) để cất chứa một số lượng thông tin cổ điển (công việc xử lý thông
tin) hầu có thể trích dẫn thông tin cất chứa một cách xác thực (tiêu chuẩn
thành tựu).
Khả năng cất chứa vô lượng thông tin phát xuất từ trạng thái chồng chập
là nguyên nhân thúc giục các khoa học gia tìm cách sáng chế máy tính
lượng tử (quantum computer), một loại máy tính có khả năng cất chứa
cùng một lúc một số lượng thông tin vô hạn trong một số qubit tương đối
bé. Ngoài ra, hiện tượng chồng chập liên hệ tánh pha vướng mắc. Vướng
mắc là khả năng các hệ thống lượng tử hiển bày những tương giao giũa
những trạng thái trong một chồng chập. Vướng mắc cho phép hai hạt
chuyển vận như một, dẫu chúng cách xa bao nhiêu đi nữa. Nếu có hai
qubit vướng mắc, đo trạng thái của qubit này lập tức xác định được trạng
thái của qubit kia.
Các vật lý gia áp dụng khả năng tính này để tìm cách chuyển thông tin đi
xa và túc thời (teleportation) mà không bị đọc lén. Trước hết, họ dùng
một dụng cụ như bộ tách chùm tia tạo sự vương mắc giữa hai hạt, hai
photon A và B chẳng hạn, nhằm mỗi khi biến đổi trạng thái hạt A thời
trạng thái hạt B bất kỳ ở đâu cũng tức thời biến đổi theo. Sau đó tạo
50
trạng thái lượng tử cần truyền chuyển đi xa và tức thời nơi một photon
thứ ba, C, rồi tạo sự vướng mắc giữa hạt A và hạt C. Tức thời trạng thái
của B bị đổi thành trạng thái tạo nơi C, và trạng thái nguyên thỉ nơi C bị
hủy diệt. Một trạng thái biến mất tại một chỗ tức thời hiện ra tại một chỗ
khác!
Nhóm vật lý gia Đại học Innsbruck, Austria, là những khoa học gia đầu
tiên thành công dùng nguyên tử chuyển thông tin tức thời xuyên qua sợi
quang học (optical fiber) dài 800 mét đặt trong một cống nước dưới đáy
sông Danube nối liền hai phòng thí nghiệm ở hai bên sông. Tin này được
tường thuật đầy đủ trong tạp chí Nature, ngày 16 tháng 6 năm 2004, làm
phấn khởi các khoa học gia đang tìm cách sáng chế những siêu máy tính
vận chuyển tín hiệu tức thời trong đó tánh vướng mắc được sử dụng như
những mạch dây lượng tử.
John Archibald Wheeler, giáo sư Đại học Princeton, quan tâm đến vai
trò quan trọng của tâm thức trong vật lý học, đã nêu lên những thắc mắc
mà ông gọi là “Những câu hỏi thực sự rộng lớn” (Really Big Questions).
Năm câu trong số đó là nguồn cảm hứng của nhiều công trình nghiên
cứu vật lý học và triết học hiện đại: Tại sao lượng tử? (Why the
quantum?), Sự hữu đến như thế nào? (How come existence?), Hiện
tượng phát xuất từ bit? (It from bit?), Một vũ trụ tham gia? (A
“participatory universe”?), và Cái gì làm thành ý nghĩa? (What makes
“meaning”?)
Về câu hỏi “Hiện tượng phát xuất từ bit?” vật lý gia David Deutsch,
Viện Kế toán lượng tử, Đại học Oxford, không chấp nhận quan điểm
thông tin tạo ra thế giới hiện tượng. Trái lại, ông cho rằng cái thế giới
trong đó có cái gọi là thông tin (information) và những tiến trình gọi là
kế toán (computation) hiện chứa hay ít nhất sẵn sàng chứa những máy
tính phổ quát (universal computers). Trong bài “It from Qubit” ông giải
thích: “Thế giới là do qubit cấu thành. Mọi lời giải đáp câu hỏi trong
thiên nhiên một vật gì đó được quan sát là có hay không, thật ra là một
vật khả quan trắc nhị phân (Boolean observable). Mỗi vật khả quan trắc
nhị phân là thành phần của một qubit, hệ thống cơ bản đối với thực tại
vật lý nhưng xa lạ đối với kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta. ... ... Cái
mà ta tưởng chừng như một thế giới gồm các biến số chỉ có duy nhất
51
một trị số thật ra là thành phần của một thực tại rộng lớn hơn trong đó
câu trả lời đầy đủ câu hỏi có-không không thể nào chỉ là có hay không,
không thể nào là cả hai, có và không, đi song đôi, mà là một lượng tử
khả quan trắc, một vật thể có thể biểu tượng toán học bằng một ma trận
Hermite lớn.“
David Deutsch lưu ý chúng ta rằng mặc dầu theo thuyết thông tin cổ
điển dung lượng của qubit chỉ chuyển tải độc nhất một bit, nhưng trong
thiên nhiên không có hệ thống cơ bản nào tương ứng với một bit. Chỉ có
qubit mới hiện thành trong thiên nhiên. Theo ông, “bit, biến số nhị phân,
và kế toán cổ điển hết thảy đều là những phẩm tính xuất hiện (emergent)
hay gần đúng (approximate) của qubit.”
Nhân quả đồng thời.
Vì electron và photon đều xem như hóa thân của qubit cho nên thay vì
nói theo ngôn ngữ của thuyết thông tin lượng tử, ‘thế giới là do qubit cấu
thành’ ta có thể nói theo ngôn ngữ của thuyết lượng tử điện động lực
(quantum electrodynamics; thuyết về ánh sáng và vật chất, sau này sẽ
gọi tắt là QED), ‘mọi sự vật đều xác định bởi sự tương tác giữa các
electron (vật chất) với nhau và với các photon (năng lượng)’. Thế giới và
cả chúng ta tất cả đều do nguyên tử cấu thành, và nguyên tử gồm một hạt
nhân đặc sít ở giữa bao quanh bởi một đám mây electron. Electron là
tướng mạo của nguyên tử, và tương tác giữa nguyên tử và phân tử thật ra
là tương tác giữa các đám mây electron. Theo QED, electron tương tác
bằng cách trao đổi photon. Một electron phát ra một photon và chuyển
động “giựt lùi”, hay một electron hấp thu một photon và tiếp nhận một
“cái đá”. Mọi biến cố do tương tác giữa các electron đều có thể diễn tả
như vậy.
Đối với các thuyết lượng tử vấn đề nan giải là phải giải thích hiện tượng
vướng mắc, cái mà Einstein gọi là ‘tác động ma quỉ qua khoảng cách’
(spooky action at a distance). Khó khăn ở đây là phải cắt nghĩa làm thế
nào có sự nối kết tức thời và hai chiều giữa hai lượng tử vướng mắc pha.
QED giải thích như thế nào?
Trước hết tưởng cần nhắc đến thuyết điện từ động lực học của James
Clerk Maxwell (1864) được tóm tắt trong bốn phương trình, có thể dùng
52
để giải bất cứ bài toán điện và từ nào không liên can đến hiệu quả lượng
tử. Đặc biệt là các phương trình này chứa một hằng số ký hiệu là c tuy
xuất phát từ kết quả đo lường điện tính và từ tính của các điện tích di
chuyển hay đứng yên là những sự kiện không liên quan sóng và tốc độ
lớn, thế mà trị số đo được đúng là tốc độ của ánh sáng. Do đó, ánh sáng
được quan niệm là sóng điện từ truyền dẫn với tốc độ c bằng ba trăm
ngàn cây số mỗi giây.
Phương trình Maxwell có hai lời giải, lời giải sóng trễ (retarded wave)
mô tả sóng truyền dẫn đi tới trong thời gian từ quá khứ tới vị lai, và lời
giải sóng sớm (advanced wave) mô tả sóng truyền dẫn đi lùi trong thời
gian từ vị lai lùi vào quá khứ. Hai sóng này truyền dẫn ngược chiều thời
gian nhưng cùng một tốc độ, tốc độ ánh sáng trong không. Gọi là sóng
trễ vì nó đến nơi sau khi được phát ra, còn sóng sớm thời đến nơi trước
khi được phát ra. Sóng trễ phần nào có thể ví với các làn sóng lan rộng
đều khắp mọi hướng trong không trung từ một anten rađiô hay các sóng
nước lan rộng từ điểm một viên sỏi rơi xuống mặt hồ; sóng sớm phần
nào có thể ví với các làn sóng truyền tới anten rađiô từ khắp mọi phương
hay các sóng nước bắt đầu từ bờ hồ truyền dẫn cùng về một điểm là
trung tâm mặt hồ.
Từ trước đến nay không có thí nghiệm nào phát hiện sóng sớm và tất cả
sóng ánh sáng biết được đều là sóng trễ cho nên lời giải sóng sớm bị gạt
bỏ một bên xem như không lợi ích mặc dầu sóng sớm là một phần của
câu hỏi rộng lớn hơn: tại sao “mũi tên thời gian” trong khi hết thảy mọi
định luật cơ bản của vật lý học không phát hiện một chiều thời gian nào
đặc biệt?
Vào đầu năm 1941, trước một cử tọa gồm sinh viên và giáo sư Đại học
Princeton, trong đó có Einstein và Pauli, sinh viên cao học Richard
Feynman (có giáo sư hướng dẫn là John Wheeler và sau này là một trong
ba khoa học gia được Giải Nobel Vật lý 1965 vì có công khai phá QED)
trình bày và được tán đồng kết quả nghiên cứu đầu tay là sử dụng sóng
sớm để giải thích vì sao khi sóng phát ra vừa lìa khỏi electron thời
electron giựt lùi theo chiều ngược lại. Lối nhìn không phân biệt sóng trễ
và sóng sớm của Feynman là nhãn quan căn bản của thuyết thiết bị hấp
53
thu bức xạ Wheeler-Feynman (The Wheeler-Feynman absorber theory
of radiation).
Theo Wheeler và Feynman, sự phát sóng không làm electron giựt lùi
như cách giải thích “tác động và phản ứng” của vật lý học cổ điển.
Electron không tương tác với sóng do nó phát ra. Nó giựt lùi là do tác
động của một sóng sớm phát ra từ một electron khác khi electron này
hấp thu sóng trễ do nó phát. Thuyết Wheeler-Feynman mô tả hiện tượng
trao đổi photon giữa hai electron như sau. Electron A phát ra nhưng
không giựt lùi một nửa sóng (sóng trễ) truyền tới trong thời gian với tốc
độ ánh sáng. Sóng này khi được hấp thu, động lượng của nó làm giựt lùi
thiết bị hấp thu nó, một electron khác gọi là B. Kích động bởi chuyển
động giựt lùi, electron B phát ra một nửa sóng (sóng sớm) truyền lùi
trong thời gian đến electron A với tốc độ ánh sáng. Động lượng của sóng
này làm electron A giựt lùi khi hấp thu nó.
Theo thuyết tương đối hẹp, thời gian không hiện hữu đối với một
photon. Thời gian trao đổi photon là zero. Photon không phân biệt sự
truyền dẫn sóng tới hay lùi trong thời gian.
Thuyết Wheeler-Feynman chỉ đề cập các sóng điện từ. Vật lý gia John
G. Cramer, Đại học Washington, áp dụng thuyết ấy vào các sóng lượng
tử để mô tả sự tương tác giữa các hệ thống lượng tử. Phương trình sóng
Schrodinger sau khi được biến cải để chấp nhận những hiệu quả của
thuyết tương đối cũng có hai lời giải giống như trường hợp phương trình
Maxwell. Cramer dùng nó mô tả sự tương tác mà ông gọi là sự “giao
dịch” (transaction) giữa hai hệ thống lượng tử. Ông ví “giao dịch” như
cái “bắt tay” (handshaking) giữa hai hệ thống ở đâu đó trong không gian
và thời gian. Đó là cách ông dùng ngôn ngữ thông thường (không toán
học) để nói đến sự tương tác tức thời, nghĩa là xảy ra theo hai chiều
ngược nhau mà đồng thời. Tiếc rằng ông không học Duy thức để ví sự
tương tác tức thời với “Tam pháp triển chuyển, Nhân quả đồng thời”,
tổng hợp hai chuyển biến đồng thời và nghịch chiều, kàrana <= =>
kàrya.
Hình sau đây tóm lược cách Cramer giải thích sự “giao dịch” trong cơ
học lượng tử.
Trên hết: Một electron E dao động phát ra một hỗn hợp hai sóng ngược
54
chiều, gọi là “sóng đề nghị”: một sóng trễ và một sóng sớm. Sóng trễ
truyền tới vị lai cho đến khi gặp electron A hấp thu năng lượng nó
chuyển tải. Sự hấp thu làm A dao động và phát ra một sóng trễ mới hỗ
giao tương triệt với sóng trễ trước. Trong vị lai của A, tổng hiệu quả là
không có trường sóng trễ.
Ở giữa: Electron A cũng có phát ra một sóng sớm gọi là “sóng xác
nhận”, truyền lùi trong thời gian đến nguồn phát xạ E. Sóng xác nhận bị
E hấp thu, làm E giựt lùi và phát ra một sóng sớm mới truyền vào quá
khứ. Sóng mới này hỗ giao tương triệt với sóng sớm trước. Như thế,
không có bức xạ nào truyền lùi vào quá khứ trước lúc E phát ra sóng trễ
nguyên thỉ.
Dưới hết: Chỉ còn lại một cặp sóng nối kết nguồn phát xạ E và hệ thống
hấp thu A, cấu thành bởi nửa sóng trễ chuyển tải năng lượng dương
truyền tới vị lai và nửa sóng sớm chuyển tải năng lượng âm truyền lùi
vào quá khứ. Hai sóng này hỗ tương nhiếp nhập tạo thành sóng “giao
dịch”, truyền dẫn từ nguồn đến hệ thống hấp thu theo mũi tên thời gian.
Trên đây diễn tả quá trình các biến cố theo thứ tự trước sau. Nhưng
trong thực tế, quá trình biến cố là phi thời gian, tất cả đồng thời câu
khởi. Lý do: Tín hiệu vận chuyển với tốc độ ánh sáng hoàn tất tức thời
bất kỳ lộ trình truyền dẫn nào, thời gian truyền dẫn luôn luôn là zero.
Quả vậy, đối với tín hiệu ánh sáng mọi điểm trong Vũ trụ ở sít ngay bên
mọi điểm khác trong Vũ trụ. Trong khung quy chiếu của chúng thời gian
truyền dẫn là zero, và +0 = -0, cho nên không có sự phân biệt sóng
truyền dẫn tới hay lùi.
Trong Vũ trụ (tức trong không gian và thời gian), khi một electron dao
động nó đồng thời phát ra một sóng (trễ) truyền tới vị lai và một sóng
(sớm) lùi vào quá khứ. Bất kỳ ở đâu trong Vũ trụ các sóng ấy khi gặp
một electron khác sẽ làm electron này dao động và đồng thời bức xạ
trong cả hai chiều, truyền tới vị lai và lùi vào quá khứ. Kết quả là hiện
thành một mạng lưới sóng điện từ hỗ tương nhiếp nhập và hỗ giao tương
tác, phủ kín toàn thể Vũ trụ, tất cả do sự dao động của duy chỉ một
electron. Áp dụng phép tính xác suất sẽ thấy hầu hết các sóng tương hủy,
còn lại một số truyền trở về electron nguyên thỉ. Những gì quan sát được
gồm toàn sóng trễ lan truyền theo mũi tên thời gian, còn sóng sớm bất
55
khả quan trắc thời xác định vị trí tương đối của electron trong toàn thể
mạng lưới và biểu hiện qua phản ứng giựt lùi.
Điểm đặc sắc ở đây là electron giựt lùi đồng thời với khi bức xạ. Hiệu
quả rõ ràng nhất của các sóng sớm là nhiếp nhập mỗi mỗi electron vào
trong toàn thể mạng lưới điện từ phủ kín Vũ trụ. Nếu một electron trong
một phòng thí nghiệm trên quả đất trải qua một sự biến, phản ứng giựt
lùi của nó là bằng chứng các sóng liên hệ ngược (feedback waves) đã
được hấp thu, báo tin mọi hạt tích điện trong Vũ trụ cách xa quả đất bao
nhiêu đi nữa cũng đã biết tức khắc sự biến ấy, mặc dầu không tín hiệu
nào truyền chuyển qua lại giữa các hạt tích điện trong Vũ trụ nhanh hơn
tốc độ ánh sáng.
“Giựt lùi” là nói theo ngôn ngữ thông thường để diễn tả một đại lượng
gọi là tánh cản trở bức xạ của electron (radiation resistance). Electron
bức xạ mỗi khi tăng tốc độ vì bị đẩy, tuy nhiên năng lượng bức xạ không
nhiều như năng lượng dùng để đẩy nó. Cần năng lượng đẩy nó vì phải
chế phục tánh cản trở bức xạ của nó. Gọi là tánh cản trở bức xạ bởi vì
tánh này liên hợp với gia tốc phát sinh bức xạ. Theo cách giải thích
lượng tử tương tác trên đây, thời tánh cản trở bức xạ của electron là một
xuất hiện tánh (duyên khởi), kết quả tác dụng của tất cả sóng sớm phát ra
từ hết thảy mọi hạt tích điện trong Vũ tru đã hấp thu sóng trễ nó phát.
Như vậy mọi electron đều là vừa nhân vừa quả của toàn mạng lưới sóng
điện từ, hay nói theo Pháp Tạng, vừa Không vừa Hữu, vừa hữu lực vừa
vô lực.
Thế giới của electron và photon trong thuyết thiết bị hấp thu bức xạ có
thể xem như một mô hình toán học của Pháp giới Hoa nghiêm. Sóng
truyền tới vị lai hay lùi vào quá khứ diễn tả khái niệm thời gian quá khứ
và vị lai như cuộn tròn trong giây phút tức thời hiện tại, một cái hiện tại
vận hành bất tuyệt. Trong thế giới phi thời gian đó, tương tác giữa các
biến tượng cá biệt xảy ra tức thời, nghĩa là theo hai chiều ngược nhau và
đồng thời. Trong Hoa nghiêm nghĩa hải bách môn của Pháp Tạng có
những đoạn đồng ý nghĩa với khái niệm vận hành của sóng và hạt như
trình bày trên: “Hạt bụi ở gần và thế giới mười phương ở xa. Nhưng hạt
bụi không có thể chất nên nhiếp nhập khắp mười phương. Nói cách
khác, mười phương là tất cả phương của hạt bụi. Do đó ở xa luôn luôn là
ở gần ... Mười phương nhiếp thu trong một hạt bụi cho nên luôn luôn ở
56
gần mặc dầu ở xa, và hạt bụi phổ cập khắp mười phương cho nên luôn
luôn ở xa mặc dầu ở gần.”
“Hạt bụi không có tự tính. Khi thể chất hiện tiền và thấm nhập toàn
mười phương thời đó là duỗi ra. Mười phương không có thể chất và toàn
hiện trong hạt bụi do duyên khởi thời đó là co rút. Kinh (Hoa nghiêm)
nói: ‘Một quốc độ làm đầy cả mười phương, Mười phương nhập vào một
(quốc độ) cũng không dư thừa.’ Khi co lại, hết thảy sự vật hiện thành
trong một hạt bụi. Khi duỗi ra, hạt bụi thu nhiếp mỗi mỗi sự vật. Duỗi ra
luôn luôn là co rút, vì hạt bụi bao trùm mọi vật. Co rút luôn luôn là duỗi
ra vì mọi vật bao trùm hạt bụi.” 
(tập san Nghiên Cứu Phật Học - số 15)
H.D.

Thiền và tranh chăn trâu :


Trích trong Thiền tông Trung Hoa khảo luận,
của Hư Thân Huỳnh Trung Chánh

Tuy “ngộ” là nguồn hứng khởi của thiền tông, nhưng tu thiền đích thực
chính là tu giới, tức tu tâm, mà theo ngôn ngữ thiền thì công việc quán
sát từng động niệm của tâm để tu tâm gọi là “chăn trâu”. Mã Tổ hỏi
Thạch Củng: “Chú làm gì đây?”. Đáp: “Chăn trâu”. Lại hỏi: “Chăn như
thế nào?” Đáp: “Mỗi khi nó chạy a vào đồng cỏ, thì xỏ mũi kéo lui lại”.
Do chủ trương nầy, chư thiền sư đã diễn tả quá trình tu tập bằng những
bức tranh chăn trâu, mà người hành giả có thể nương vào đó để thâm
nhập đạo mầu. Tranh chăn trâu có nhiều loại, loại sáu bức cổ nhất đã thất
truyền, loại được truyền tụng nhiều nhất là 10 bức tranh chăn trâu kèm
theo thi kệ dẫn giải của thiền sư Quách Am. Để có một nhận định về quá
trình tu tâm, xin quý vị tự chiêm ngưỡng tranh, tụng kệ hướng dẫn và
suy gẫm. Các bài kệ dẫn giải, trừ bài 3 và 4, đều trích dẫn từ bản dịch
của hòa thượng Quảng Độ. Ngoài ra, tác giả mạo muội đóng góp phần lý
57
giải ngắn gọn bằng sự hiểu biết thô thiển của mình, tác giả rất mong
được những bậc cao nhân chỉ giáo, những điểm lầm lạc.

Tranh 1 : Tìm trâu (tầm ngưu)


Kệ :
Nước biếc non xanh nhuộm một mầu
Um tùm lối cỏ biết tìm đâu?
Hơi tàn chân mỏi, hồn hiu quạnh
Chiều xuống ve kêu gợi nỗi sầu.

Lý giải :

Hành giả biết tu là điều phục tâm, nhưng


tâm là cái gì? trốn ở đâu? làm sao ta tìm ra
được để điều phục? Hắn nhọc lòng tìm
tâm trong cuộc đời, trong chùa chiền,
trong rừng kinh điển, nhưng tâm là thứ
không có ngữ ngôn nào mô tả nỗi, nên
càng tìm kiếm bên ngoài, hắn càng phân vân chẳng biết đâu là đầu mốí!

Tranh 2 : Thấy dấu chân trâu


(kiến tích) :
Kệ : Ven suối bìa rừng in dấu chân
Hỏi tin hoa lá đứng tần ngần
Trời xa, ráng nhạt mờ sương khói
Núi thẩm rừng sâu một chiếc thân

Lý giải :

Nhờ kinh điển, thầy bạn hướng dẫn,


hắn bắt đầu hiểu là phải tự tìm kiếm
tâm ở bên trong. Tranh vẽ hành giả
hăng hái tìm trâu một mình không còn
cảnh bên ngoài. Vọng tâm (tức con
58
trâu) vô hình khó thấy bóng dáng, nhưng nhờ biết quan sát hắn bắt đầu
khám phá được những dấu vết mà con trâu tâm còn để lại trong cuộc
đời. Tâm tham, tâm sân, tâm thương ghét... biến dạng, nhưng dấu vết tai
hại, những đổ vở chua xót do nó gây ra vẫn còn lưu lại đâu đó. Đầu mối
của con trâu tâm đây rồi, sự nghiệp chăn trâu cũng bắt đầu từ đây.

Tranh 3 : Thấy trâu (kiến ngưu) :


Kệ : Trên cành ríu rít tiếng vàng anh
Liễu xanh nắng ấm gió mong manh
Bóng trâu thoáng thấy đâu dễ trốn
Đầu sừng rối rắm vẽ không thành.
(tác giả phỏng dịch)

Lý giải :

Đến đây, người hành giả, nhờ tiếp tục


quan sát mình đã thấy được phần nào
bóng dáng của vọng tâm, hắn có thể chợt thấy tâm sân, tham... của mình
còn chất chứa trong lòng, nhưng khi tâm tham, tâm sân đó khởi đầu xuất
hiện thì hắn chưa đủ khả năng khám phá để hóa giải ngay. Tranh vẽ trâu
chỉ mới thấy phần đuôi, còn phần đầu và sừng theo kệ của thiền sư
Quách Am rắc rối quá nên vẽ không thành.

Tranh 4 : Được trâu (đắc ngưu) :


Kệ : Trăm đường mới chộp được mi
Cứng đầu hăng tiết chưa qui thuận nào
Thoảng khi lỡ bước đồi cao
Mãi mê mây nỗi dạt dào buông lung
(phỏng theo Tuệ Sỹ)

Lý giải :

Trâu bao giờ cũng vậy, chẳng hề trốn


đi đâu, chỉ vì ta không biết quán sát,
59
nên tưởng là mất trâu và phải đi tìm. Trâu đã hiện nguyên hình nhưng
vẫn còn quen thói hoang đàng ngang bướng, do đó, phải dùng giây xỏ
ngàm, canh giữ nghiêm ngặt và dùng roi vọt trừng trị, thì mới tránh việc
sơ sẩy: trâu vuột giây vàm gây tai họa. Hành giả đã quán thấy niệm khởi
thì phải cố gắng cột “trâu tâm” một chỗ (giây vàm) không để tâm lăng
xăng loạn động, việc làm nầy phải được hỗ trợ bằng giới (roi), và sự
chuyên cần tinh tấn (tay cầm giây vàm, mắt đăm đăm nhìn)... Giai đoạn
xỏ mũi trâu và dạy dỗ trâu tuy chỉ mô tả bằng một bước tranh nhưng
những kẻ tu hành mấy mươi năm, mấy ai giữ tâm đứng yên một chỗ,
trong khi đó, chỉ một phút lơ là, thì vọng tâm đã vùng lên lăng xăng sinh
khởi như cũ. Nội dung kệ “đắc ngưu” câu 3 và 4, thiền sư Quách Am đã
nhắc nhở chúng ta điều đó.

Tranh 5 : Chăn trâu (mục ngưu) :


Kệ : Sợ quen đường cũ lại đi hoang
Từng phút, từng giây phải buộc ràng
Đến một ngày kia nên thuần thục
Tha hồ trời rộng bước thênh thang.

Lý giải :

Tuy vẫn cần dẫn dắt, giây vàm và roi


cầm tay, nhưng trâu tương đối đã thuần,
đầu không còn nhìn ngược xuôi toan tính
chuyện buông lung phá hại ruộng lúa của
người.
Sở ngộ của thiền sư Đại An núi Qui có lẽ tương ứng với giai đoạn cuối
cùng của bức tranh nầy. Thiền sư tuyên bố : “Sở dĩ Đại An nầy ở tại núi
Qui 30 năm, ăn cơm núi Qui, đại tiện núi Qui, mà không học thiền núi
Qui, vì chỉ làm công việc coi chừng trâu mà thôi. Nếu nó lạc đường hay
vào trong cỏ bèn lôi nó lại, nó ăn lúa mạ của người liền đánh đập nó.
Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành trắng đứng
trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi”. Ở đây, trâu tâm đã
thuần, đứng yên, nhưng chưa mềm mỏng để ung dung cỡi về nhà...
60
Tranh 6 : Cỡi trâu về nhà (kỵ ngưu
quy gia) :
Kệ : Cỡi trâu lững thững trở về nhà
Tiếng địch chiều thu tiển ráng xa
Bát ngát bốn bề hương trầm tỏa
Tri âm nào biết cõi lòng ta.
Lý giải :
Trâu hoàn toàn thuần phục thì giây vàm
và roi không còn cần thiết, mục đồng
thông thả ngồi trên lưng trâu thổi khúc sáo
đồng, an vui trở về nhà. Khi vọng tâm đã
được điều phục thì công phu và giới luật cũng không cần thiết nữa, chư
thiền sư có thể phát ra ngôn ngữ và hành động lạ lùng, tưởng như ra
ngoài giới luật, mà thật ra tâm họ vẫn an nhiên không vọng động. Cỡi
trâu về nhà nghĩa là trở về với chính mình, không còn nương vào ngoại
cảnh để điều phục tâm nữa, nên tranh vẽ chỉ có người và trâu, không
cảnh vật. Trở lại tranh số 5 mục ngưu, ta thấy còn vẽ ngoại cảnh vì trong
giai đoạn chế phục tâm nầy, hành giả cần phải nhập chúng và liên hệ với
xã hội..., có chung đụng thì hành giả mới giảo nghiệm xem tâm mình có
còn bị trần cảnh lung lạc không?

Tranh 7 : Quên trâu còn người


(vong ngưu tồn nhân)
Kệ : Cỡi trâu giờ đã đến nhà rồi.
Roi gác, trâu buông, ngủ thảnh thơi
Rực rỡ vừng hồng còn dệt mộng
Trong gian nhà cỏ, một mình thôi.

Lý giải :

Về nhà rồi, buông bỏ roi, giây vàm,


buông bỏ trâu, người mục đồng thảnh
thơi nằm ngủ. Do tâm khởi vọng nên
61
mới thấy được tâm, một khi tâm không khởi vọng nữa thì bóng dáng tâm
cũng biến mất. Nếu không khởi vọng mà bóng tâm vẫn còn, chỉ vì ta
chấp tâm vọng là “có” và chưa chịu buông bỏ nó. Trở về nhà tức quán
chiếu tự tâm, để thấy vọng tâm không thật nên buông bỏ thì bóng trâu
tâm đương nhiên mất dạng. Ta nên lưu ý là hành giả phải buông bỏ tâm
ác và cả tâm thiện nữa, vì thiện vẫn là vọng chớ chưa là chơn. Tổ Nam
Tuyền đi thăm trang trại dưới núi thấy trang chủ đã sẵn sàng chuẩn bị để
đón rước, hỏi lý do thì trang chủ thưa : “Hôm qua có thổ địa mách nên
biết hôm nay Hòa thượng đến”. Tổ Nam Tuyền than : “Thầy già họ
Vương nầy tu hành vô lực bị quỷ thần thấy tâm”. Thiền sư Đạo Ưng ở
Nam Phong được thiên thần cúng dường, nhưng lại bị tổ Động Sơn
khiển trách là vẫn chưa được kiến giải. Buổi chiều Đạo Ưng đến tham
vấn thì Động Sơn gọi : “Ưng am chủ”. Đáp “Dạ”. Động Sơn bảo :
“Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác là gì?”. Đạo Ưng trở về am ngồi lặng
lẽ, Thiên thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như thế mới thôi cúng
dường. Lắm khi con trâu tâm tưởng đã biến mất hẳn rồi, nhưng khi đối
cảnh, nhất thời cũng hiện trở ra. Xin đơn cử trường hợp Ngài Động Sơn
Lương Giới như sau : Một hôm tổ thấy cơm gạo bị rơi rớt tại nhà bếp,
nên cất tiếng rầy dạy đệ tử “Của đàn na thí chủ không nên hủy hoại”.
Ngài vừa dứt lời, bỗng có vị thần hiện ra, quỳ trước mặt. Ngài hỏi “Ông
là ai”. Thần thưa “Con là thần Thổ địa, trong ba mươi năm nay con chỉ
nghe tiếng nói của Ngài, nay nhờ Ngài rầy đệ tử mới thấy được Ngài,
nên vội xin yết kiến”. (Trong 30 năm, tâm tổ lặng lẽ an nhiên quỷ thần
không thấy được Ngài, khi tổ động tâm rầy đệ tử hủy hoại của tín thí,
quỷ thần mới thấy được)

Tranh nầy có lẽ phản ảnh đúng theo sở đắc và tâm trạng của Thần
Quang khi Ngài thỉnh cầu Đạt Ma tổ sư dạy “phép an tâm” : Đạt Ma bảo
“Đưa tâm đây ta an cho”, Thần Quang ngần ngừ rồi đáp “Con kiếm mãi
chẳng thấy tâm đâu”. Tổ dạy “Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi đó”.
Thần Quang liền ngộ đạo. (Thần Quang dày công tu tập không tạo
nghiệp, không khởi tâm thiện ác... nhưng bóng vọng tâm vẫn còn lảng
vảng chỉ vì chưa buông bỏ, và do đó tâm không an. Khi được Đạt Ma
hỏi, sư sực tỉnh nên quán sát kỹ, buông bỏ, bóng dáng vọng tâm biến
mất và được an tâm).
62
Tranh thứ 8 : Người trâu đều quên
(nhân ngưu câu vong)
Kệ : Trâu, người, nhà, cỏ thảy đều không?
Lồng lộng trời xanh tin chẳng thông
Sợi tuyết trên lò đang rực lửa
Đến được đấy rồi hợp tổ tông.

Lý giải :

Vọng tâm biến dạng thì chân tâm hiển bày.


Đây là chỗ mà chư tổ chứng ngộ, “kiến
tánh” thấy rõ bản lai diện mục vô thủy vô
chung, “bổn lai vô nhất vật”, là lãnh vực vô ngôn, không thể nghĩ bàn,
không mô tả được... nên chỉ tạm tượng trưng bằng một vòng tròn.
Tranh nầy có lẽ phản ảnh đúng theo sở ngộ của Ngài Huệ Năng. Khi
vừa nghe ngũ tổ giảng đến câu kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ, nhi sanh
kỳ tâm”, Ngài liền bạch với thầy mình : “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh
tịnh! Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt! Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy
đủ! Đâu ngờ tự tánh vốn chẳng lai động! Đâu ngờ tự tánh hay sanh vạn
pháp”.
Cũng chỉ nằm trong phạm vi bức tranh nầy thôi, nhưng chỗ sở đắc của
chư thiền sư có mức độ nông sâu rất rõ rệt. Thí dụ điển hình là câu
chuyện trình sở đắc của môn đồ Ngài Đạt Ma :
- Ni Tổng Trì đã thấy tự tánh một lần, rồi không thấy nữa, nên có thể
hiểu là mới đến ngưỡng cửa chớ chưa thật sự bước vào.
- Ngài Đạo Dục thực sự bước vào thấy được phần chân không nhưng
chưa thực sự tiếp xúc diệu hữu, nên cái thấy vẫn còn giới hạn ở chỗ “bốn
đại vốn không, năm ấm chẳng có...”
- Riêng Ngài Huệ Khả đã đạt đến chỗ cùng tột không thể nghĩ bàn nên
mới lặng lẽ lễ tổ Đạt Ma, rồi đứng qua một bên để trình sở đắc của mình.
Trong bộ tranh chăn trâu, tranh vẽ Vòng tròn thuở mới xuất hiện có
tên là “Vòng tròn Viên Giác”, sau mới đổi lại là “Người trâu đều
63
quên” cùng một lượt với sự xuất hiện của tranh 9 và 10. Xin xem phần
bổ túc trong dấu ngoặc nếu thấy cần thiết.
(Ghi chú sơ lược về sự xuất hiện tranh 9 và 10 : Tranh chăn trâu cổ xưa
nhất có 6 bức, rồi bổ túc thêm lần lần thành 10 bức do nhiều tu sĩ đại
thừa khác tông phái sáng tác. Dù sáu hay tám thì bức tranh chót cũng vẽ
một vòng tròn tượng trưng cho sự viên giác. Đến thế kỷ thứ 12, thiền sư
Quốc Ấn, giòng Lâm Tế cho rằng tranh chấm dứt với vòng tròn Viên
Giác dễ khiến cho thiền sinh lầm lẫn dừng lại nửa đường, nên mới sáng
tác thêm hai bức 9 và 10. Từ đó, tranh chăn trâu thiền tông mang một
sắc thái riêng, so với tranh chăn trâu đại thừa. Vòng tròn Viên Giác của
tranh xưa tượng trưng cho Pháp tánh, chân tâm diệu minh, là chân lý
tuyệt đối không thể nghĩ bàn, là cứu cánh tột cùng chư Phật mà bậc toàn
giác thể nhập. Thế nhưng, vì thiền tông chủ trương “thấy tánh thành
Phật”, tôn sùng quá khích thông điệp “kiến tánh”, nên có một số thiền
sinh đạt kiến tánh, dù chỉ trong nhất thời, cũng tự mãn là đã hoàn thành
sự nghiệp tu tập, và đó là một sự lầm lẫn lớn, vì sau khi “ngộ” (kiến
tánh) thì phải đến giai đoạn “sống thực” (nhập) với cái mình đã ngộ.
Đó là lý do thâm sâu mà Vòng tròn Viên Giác được cải sửa thành Vòng
tròn “trâu người đều quên”, kèm theo hai tranh 9 và 10).

Tranh 9 : Về nguồn (phản bản


hoàn nguyên) :
Kệ : Tìm lối quay về những uổng công
Nào biết xưa nay lý vốn không
Trước mắt bao la nhưng chẳng thấy
Hoa cười tươi thắm, nước mênh mông.

Lý giải :

Kiến tánh nghĩa là thấy rõ chân tâm từ


vô thủy đến nay vốn thanh tịnh, hồn
nhiên rổng lặng, không sanh không diệt,
rằng Phật, ta và pháp giới chúng sanh, hữu tình và vô tình đồng một thể
(tình dữ vô tình đồng viên chủng trí). Cổ đức thường mượn “hoa vàng
trúc biết” để chỉ cho chân tâm diệu minh, nhưng đúng ra thì vạn vật
64
muôn loài dù nhỏ nhoi ti tiện như côn trùng, như hòn sỏi, hạt bụi... tất cả
cũng đều là ảnh tượng của chân tâm cả. Cho nên “về nguồn” (tranh 9)
là về với thiên nhiên trời đất, “thỏng tay vào chợ” (tranh 10) là về
với chúng sanh, cả hai đồng mang ý nghĩa là hội nhập với chân tâm, với
chính mình.
Tóm lại, Về nguồn nghĩa là hội nhập hài hòa với trật tự thiên nhiên,
“vào rừng không khua lá, vào nước không quậy sóng (nhập lâm bất động
thảo, nhập thủy bất lập ba)”, tiếp xúc vạn vật bình thường mà cũng rất
trang trọng. Hành giả cũng thấy “núi chỉ là núi, nước chỉ là nước”,
nhưng vạn vật ở đây sinh động sáng ngời vì tất cả đều ảnh hiện từ chân
tâm diệu minh.
Đây có lẽ chính là điều mà Tổ Thanh Nguyên Duy Tín mô tả : “Sãi tôi,
ba mươi năm trước, khi chưa học thiền, thấy núi là núi, thấy nước là
nước; sau nhân theo bậc thiện tri thức chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng là
núi, thấy nước chẳng là nước. Rồi nay sau khi thể nhập chốn yên vui tịch
tĩnh y nhiên, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước”.
(Có vị cho rằng tranh Về nguồn có nghĩa là nhập pháp giới, nhưng thiết
nghĩ nhập pháp giới là cảnh giới của chư Đại Bồ Tát; trong phạm vi 10
bức tranh chăn trâu hành giả vẫn tiếp tục điều phục tâm nên chưa thông
dong tự tại đến mức đó)

Tranh 10 : Thõng tay vào chợ


(nhập thị) :
Kệ : Mình trần lem luốc cười ha ha
Ngất ngưởng rong chơi chốn chợ xa
Phép lạ thần thông không màng tới
Cây cỗi, cành khô khiến trổ hoa.

Lý giải :

Thõng tay vào chợ nghĩa là hội nhập với


thế tục, vào chỗ bụi trần mà không nhiễm
ô, tự tại nhưng lại rất bình thường mà
hòa hợp với kẻ thế tục : thân mật “đánh bạn với bạn hàng thịt, với bọn
65
trộm cắp, đỉ điếm”, họ và mình không khác, họ “đều là Phật kia mà”. Ở
đây người hành giả, tùy duyên tùy hoàn cảnh mà hội nhập vào giòng đời
để hóa độ người, vừa có cơ hội điều phục những vọng niệm vi tế còn sót
lại : “Tùy duyên tiêu cựu nghiệp. Nhậm vận trước xiêm y” (Tổ Lâm Tế).
Hành hoạt của nhị tổ Huệ Khả sau khi đắc pháp là thí dụ điển hình. Nhị
tổ ẩn hình dười dáng người hạ lưu cùng khổ, đánh bạn với bọn đầu
đường xó chợ một cách hồn nhiên vui vẻ. Có vị tu sĩ trách : “Ông là đạo
nhân sao như thế được?”. Tổ đáp : “Ta tự điều tâm ta, có gì dính líu đến
ông mà hỏi?”. Về sau, tổ bị vu cáo, bị tù tội và chết trong ngục tù, nhưng
lúc nào tổ cũng ung dung hội nhập vào cuộc đời, coi ngục tù là đạo tràng
để độ người và cũng để tiêu trừ nghiệp cũ của mình.

Tóm lược :Quá trình tu tâm phát họa bởi 10 tranh chăn trâu có thể phân
thành 3 giai đọan :
- Giai đoạn hướng ngoại “khiến Phật đi tìm Phật, dùng tâm để biết tâm”
(tổ Hy Vận) : thấy dấu vết của tâm, thấy lỗi thấy nghiệp của mình, và
dùng “giới” để điều phục tâm (tranh 1 đến 5).
- Giai đoạn hướng nội “đem tâm trở về với tâm” (tranh 6 và 7 : cỡi trâu
về nhà, quên trâu còn người) hầu đạt đến cứu cánh là sự kiến tánh, tức
thấy “tâm chính là vô tâm” (người trâu đều quên, tranh 8).
- Giai đoạn hướng ngoại hội nhập với thiên nhiên (tranh 9) và thế tục
(tranh 10) bằng “tâm bình thường” để thực sự sống với cái “tâm không
tâm”.
66

Cái gì là bản lai diện mục của Tâm?


*
Lê Huy Trứ
3/3/2016

Thiền Sư Bạch Vân An Cốc (zh. 白白輕白, ja. hakuun yasutani;) 1885-
1973 là một vị Thiền Sư Nhật Bản, là Thiền Sư đầu tiên giảng dạy ở Hoa
Kỳ. Xuất gia năm 11 tuổi, Sư tu tập dưới sự hướng dẫn của nhiều Thiền
Sư khác nhau. Sau khi làm thầy giáo (trường phổ thông) 16 năm, Sư
được Đại Vân Tổ Nhạc Nguyên Điền (ja. daiun sōgaku harada) nhận làm
môn đệ và được ấn chứng (1943.)
Sư đến Mỹ nhiều lần (1962-1969) và hướng dẫn nhiều thiền sinh Mỹ và
các nước khác tu tập. Những bài luận về Bích Nham Lục, Vô Môn
Quan và Thong Dong Lục của Sư rất được phổ biến. Phương pháp giảng
dạy của Sư được truyền bá rộng rãi ở Tây Phương qua quyển sách The
Three Pillars of Zen của Philip Kapleau (Việt ngữ: Ba Trụ Thiền).
Ngài viết thì Phật Tính, cũng đồng nghĩa với Pháp Tính (sa. dharmatā,
ja. Hosshō,) chính là cái mà người ta gọi trong Đại Thừa là tính Không
(sa. Śūnyatā.) Ông phát biểu: "Qua kinh nghiệm giác ngộ—nguồn gốc
của tất cả những giáo lý đạo Phật— người ta ngộ được thế giới của tính
Không. Thế giới này—chuyển động (motion,) không có trọng lượng (no
gravity,) vượt mọi cá thể (sắc, forms) —vượt khỏi trí tưởng tượng của
con người. Vì thế nên chúng ta không thể nào hiểu được và cũng không
thể nào tìm hiểu được cái tự tính chân thật của vạn vật, cái Phật Tính,
Pháp Tính của chúng. Vì tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra
được đều phải có màu sắc (observable forms) nên tất cả những gì chúng
ta tưởng tượng về Phật Tính tất nhiên là sai. Cái người ta có thể tưởng
tượng được chỉ là sự phản chiếu của Phật Tính —nhưng không phải Phật
Tính. Nhưng, mặc dù Phật Tính không thể diễn bày (Bất khả thuyết,)
không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghị,) chúng ta vẫn có thể tỉnh thức,
chứng ngộ được NÓ bởi vì chúng ta bản lai là Phật Tính."
67

Một thuật ngữ chỉ Phật Tính khác là Bản lai thành Phật (根本本佛), nhưng
ít phổ biến. Chủ ý có nghĩa là Phật Tính ở mọi nơi, tất cả chúng sinh xưa
nay vốn có Phật Tính. Khái niệm này thường thấy trong các bộ kinh và
luận của Đại Thừa, như trong Đại Thừa khởi tín luận và Viên Giác Kinh.
Tâm Thức
Từ trước đến nay không có một tôn giáo, triết học và tâm lý học nào
phân tích tâm đầy đủ rõ ràng như Phật Giáo.
Sau đây, tôi chỉ ‘điểm tâm’ để chúng ta có chút khái niệm đối chiếu giữa
Tâm Phật và Tâm khoa học.
Theo Wikipedia, Tâm Thức là dòng ý thức, gọi tắt là Tâm, chỉ trí tuệ
(wisdom) và ý thức (consciousness.) Tâm thể hiện trong các kết hợp của
tư duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn, và trí tưởng tượng; Nó bao
gồm tất cả các quá trình ý thức của bộ não. Đôi khi, trong một số ngữ
cảnh, nghĩa của từ tâm thức còn bao hàm hoạt động của tiềm thức của
con người. Các lý thuyết hiện đại, dựa vào hiểu biết khoa học về bộ não,
cho rằng tâm thức là một hiện tượng của bộ não và đồng nghĩa với ý
thức.

Chữ "tâm" (心) còn có nghĩa là tim (heart.) Theo Từ điển Hán Việt Thiều
Chửu, người đời xưa cho tim là vật để nghĩ ngợi, cho nên cái gì thuộc về
tư tưởng đều gọi là tâm, ví dụ "tâm cảnh" (心別), "tâm địa" (心不), “tâm
lý”, v.v. Cho nên, ngành khoa học nghiên cứu về các hiện tượng của
‘nhân tâm’ được gọi là tâm lý học.
Tâm (zh. xīn 心, en. mind, ja. shin, sa. citta, hṛdaya, vijñāna) là một
thuật ngữ quan trọng của Phật Giáo, đặc biệt với Thiền Tông, Tâm có
nhiều nghĩa:
Tâm được xem đồng nghĩa với Mạt-na (sa. manas, thức suy nghĩ phân
biệt) và Thức (sa. vijñāna). Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của
tâm trí.
68
Trong luận A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (zh. 阿 毗 達 磨 俱 舍 論, sa.
abhidharmakośa-śāstra), thường được gọi tắt là Câu-xá luận, nghĩa là
"Báu vật của A-tì-đạt-ma", tên khác là Thông minh luận (zh. 通 無 論), là
bộ luận quan trọng nhất của Thuyết nhất thiết hữu bộ, được Thế Thân
(sa. vasubandhu) soạn vào thế kỉ thứ 5 sau Công nguyên tại Kashmir, thì
tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó thế giới hiện tượng
xuất hiện.
Trong Duy Thức Tông, tâm được xem là A-lại-da thức
(sa. ālayavijñāna, còn được gọi là Tạng thức), gốc của tất cả mọi hiện
tượng tâm thức. Theo quan điểm này, thì toàn bộ vũ trụ này chính là
"tâm thanh tịnh." Nhiều quan điểm cho rằng tâm này chính là "vô thuỷ
vô minh," vô minh nguyên thuỷ của Phật Tính và là thật tại tối thượng
của tâm bất nhị nguyên.
Theo quan điểm Đại Thừa, Phật Tánh (zh. fóxìng 佛 性, ja. busshō, sa.
buddhatā, buddha-svabhāva) là thể bất sinh bất diệt của mọi loài. Theo
đó, mọi loài đều có thể đạt giác ngộ và trở thành một vị Phật, không bị
đời sống hiện tại đầy vô minh hạn chế.
Sự khác biệt giữa Tiểu Thừa (Phật Giáo Nguyên Thủy) và Đại Thừa là
quan điểm về Phật Tính có thường hằng trong mọi loài hay không? Tiểu
Thừa hầu như không nhắc đến Phật Tính, cho rằng không phải chúng
sinh nào cũng có thể thành Phật. Đại Thừa xem đạt Phật quả là mục
đích cao nhất, đó là sự thể hiện Phật Tính nằm sẵn trong mọi chúng sinh,
thông qua những pháp tu học nhất định. Chỉ vì cùng căn tánh nhưng lại
bất đồng mà hai tông phái này trở thành không đồng thanh để cùng
tương ứng lẫn không đồng khí để cũng tương cầu qua hàng thế kỷ, cho
đến bây giờ vẫn còn phân biệt nhị nguyên. Tôi học Phật online, không
phân biệt tiểu đại thấy hay thì học, thấy dở thì bỏ qua, thấy sai thì nói
sai, thấy đúng thì giải đúng. Pháp chỉ là phương tiện. Chúng sinh có
hiện hữu hay tận diệt, có Phật Tánh, thành Phật hay không thì vũ trụ này
cũng không vơi không đầy.
Theo Thiền Tông thì mỗi chúng sinh đều có Phật Tính, nhưng nói chung
thì không tự biết và cũng không sống với sự tự hiểu biết này như một
bậc giác ngộ, một vị Phật. Sự thức tỉnh này và sự sinh diệt, xảy ra trong
69
khoảnh khắc, từ sátna này đến sátna nọ. Nó là biểu hiện của sự đồng
nhất với Phật Tính và cũng chính là tôn chỉ của Thiền.
Tổng quát, người ta có thể phân biệt sáu loại tâm:
Nhục đoàn tâm (zh. 肉團心), trái tim thịt;
Tinh yếu tâm (zh. 精要心), chỉ cái tinh hoa cốt tuỷ;
Kiên thật tâm (zh. 堅 實 心), chỉ cái tuyệt đối, cái Chân Như của các
Pháp.
Chân Như (zh. 真 如, sa., pi. tathatā, bhūtatathatā) là một khái niệm quan
trọng của Phật Giáo Đại Thừa, chỉ thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn
sự. Chân Như chỉ thể tính ổn định, thường hằng, nằm ngoài mọi lý luận
nhận thức. Chân Như nhằm chỉ cái ngược lại của thế giới hiện tượng
thuộc thân thuộc tâm. Tri kiến được Chân Như tức là Giác ngộ, vượt
khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được cái nhất thể (oneness) của khách
thể (object) và chủ thể (subject.) Chân Như đồng nghĩa với Như Lai
Tạng, Phật tính, Pháp thân, Lòng Bồ Đề, Tri Kiến Phật.
Sau đây là một số thuật ngữ bao gồm từ Chân Như thường gặp:
Chân Như pháp giới (zh. zhēnrú făjiè 眞 如 不 界, ja. shinnyo hōkai) là
Pháp Giới của chân như. Vì Pháp Giới và Chân Như cơ bản hàm ý như
nhau nên đây chỉ là một cách gọi thể tính chân như mà chư Phật cảm
nhận được.
Chân Như tính khởi (zh. zhēnrú xìngqĭ 眞 如 性 起, ja. shinnyo shōki) chỉ
sự sinh khởi của mọi hiện tượng tùy thuộc hoặc nương vào Chân Như.
Chân Như tướng (zh. zhēnrú xiāng 眞如眞, ja. shinnyosō) chỉ tướng thứ
8th trong "Thập hồi hướng" theo pháp tu của hàng Bồ Tát. Giai vị mà
hàng Bồ Tát dùng trí huệ trung đạo để làm sáng tỏ tính chất hữu vô của
các pháp, và thấy các pháp đều là chân như pháp giới.
Chân Như vô vi (zh. zhēnrú wúwéi 眞 如 無 爲, ja. shinnyomui) là một
trong 6 pháp vô vi trong giáo lý Duy Thức. Chân Như là thể tính chân
thực của mọi hiện tượng. Chân Như được gọi là vô vi vì ý niệm rằng
ngay cả trí huệ giác ngộ của chư Phật tự nó vốn chẳng thực là chân Như,
bởi vì trí huệ giác ngộ được xếp vào những pháp hữu vi.
70

Ba loại tâm trên được dịch từ danh từ hṛdaya của Phạn Ngữ;
Tập Khởi Tâm (zh. 集 起 心, citta) là thức thứ 8th , A-lại-da thức
(sa. ālayavijñāna);
Tư Lượng Tâm (zh. 思量心) là thức thứ 7th , Mạt-na (sa. manas);
Duyên Lự Tâm (zh. 緣慮心) là thức thứ sáu, ý thức (sa. manovijñāna).
Tâm Sở
Ngoài ra còn có Tâm Sở (zh. 心 所, sa., pi. cetasika), hoặc Tâm sở hữu
pháp (sa. caittadharma), là những yếu tố phụ thuộc vào Tâm, gắn liền
với một nhận thức (sa. vijñāna) – nhận thức đây cũng được gọi là Tâm
Vương (sa. cittarāja), là hoạt động tâm thức chủ yếu – đang sinh khởi và
khởi lên đồng thời với nhận thức đó. Việc phân tích và hệ thống hoá các
tâm sở là một kỳ công của các Đại luận sư Ấn Độ. Các Tâm sở miêu tả
tất cả những khía cạnh tâm trạng mà ai cũng có thể tự khám phá, tìm
được nơi chính mình – có thể gọi là bản đồ tâm lý của con người.
Cách phân loại Tâm theo Thượng Toạ Bộ
Trong khi Kinh Tạng tóm thâu mọi hiện tượng của sự sống dưới Ngũ
Uẩn sắc, thụ, tưởng, hành, thức thì A-tì-đạt-ma của Thượng Toạ Bộ đề
cập 3 khía cạnh triết lý, phân tích tâm lý khi bàn đến những gì hiện hữu
(sa. bhava): Tâm (sa. citta), Tâm Sở và Sắc (sa. Rūpa.) Tâm Sở bao
gồm Thụ (sa. vedanā), Tưởng (sa. saṃjñā) và 50 Hành (sa. saṃskāra),
tổng cộng là 52 tâm sở. Trong số này, 25 có tính chất tốt lành (thiện và
trung tính về phương diện nghiệp), 14 là Bất Thiện (sa. akuśala) còn 13
bất định, nghĩa là có thể thiện, bất thiện hay trung tính tuỳ thuộc vào tâm
(thức) mà chúng tương ưng.
Cách phân loại Tâm theo Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ
Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin) chia các Tâm sở thành sáu
loại theo A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (sa. abhidharmakośa) của Thế Thân
(sa. vasubandhu) và A-tì-đạt-ma phát trí luận (sa.
abhidharmajñānaprasthāna-śāstra) của Già-đa-diễn-ni tử (sa.
71
kātyāyanīputra), tổng cộng là 46 tâm sở (thuật ngữ trong ngoặc là Phạn
ngữ sa):

Đại Địa Pháp


10 Đại địa pháp (zh. 大不不, sa. mahābhūmikā-dharma), chỉ mười tác
dụng tâm lý tương ưng và đồng sinh khởi với tất cả Tâm Vương:
Thụ (受, vedanā), thụ, lĩnh nạp. Có ba loại thụ, đó là: khổ thụ, lạc thụ,
phi khổ phi lạc thụ;
Tưởng (想, saṃjñā), tưởng, tưởng tượng, đối cảnh mà chấp tướng sai
biệt;
Tư (思, cetanā), ý định, ý muốn, tâm tạo tác;
Xúc (觸, sparśa): xúc, sự xúc đối do căn, cảnh và thức sinh ra;
Dục (欲, chanda), mong cầu vì đối ngoại cảnh;
Huệ (慧, prajñā, mati), trí huệ phân tích, đối với các pháp có sự phân
biệt, chọn lựa;
Niệm (念, smṛti), tâm niệm, ghi nhớ không quên;
Tác ý (作作, mānaskāra), tỉnh táo cảnh giác hay khiến cho tâm cảnh giác;
Thắng giải (勝勝, adhimokṣa), sự hiểu biết thù thắng, đối cảnh sinh ra tác
dụng ấn khả, thẩm định;
Tam-ma-địa (三三不) hoặc Định (不, samādhi), chính định, đẳng trì, tức là
định tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng.
Đại Thiện Địa Pháp
10 Đại thiện địa pháp (zh. 大善不不, sa. kuśalamahābhūmikādharma):
Tín (不śraddhā), lòng tin tưởng chắc chắn;
Cần (勤) hoặc Tinh tiến (精精, vīrya), siêng năng tu tập;
Xả (捨, upekṣā);
Tàm (無, hrī), tự thẹn;
72
Quý (愧, apatrāpya, apatrapā), biết sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ;
Vô tham (無貪, alobha);
Vô sân (無瞋, adveśa);
Bất hại (不害, ahiṃsā);
Khinh an (輕輕, praśrabdhi);
Bất phóng dật (不不不, apramāda).
Đại Phiền Não Địa Pháp
6 Đại phiền não địa pháp (大煩惱不不, kleśamahābhūmikā-dharma) là các
pháp gây phiền não, gây khổ, bao gồm sáu loại:
Si (癡) hoặc Vô minh (無無, moha, avidyā);
Phóng dật (不不, pramāda);
Giải đãi (懈懈, kausīdya), tâm trạng không tinh tiến, biếng nhác;
Bất tín (不不, āśraddya);
Hôn trầm (昏昏, styāna), tâm chìm đắm, lừ đừ, thiếu linh động, nhạy bén;
Trạo cử (掉掉, auddhatya), tâm xao động không yên.
Đại Bất Thiện Địa Pháp
2 Đại bất thiện địa pháp (大不善不, akuśalamahābhūmikā-dharma):
Vô tâm (無無, āhrīkya), không biết tự hổ thẹn về tội lỗi mình đã làm;
Vô quý (無愧, anapatrāpya, anapatrapā), tâm không biết sợ trước tội
quả, không biết hổ thẹn đối với người khác khi phạm tội.
Tiểu Phiền Não Địa Pháp
10 Tiểu phiền não địa pháp (小煩惱不不, parīttabhūmikā-upakleśa):
Phẫn (忿, krodha);
Phú (覆, mrakṣa), thái độ đạo đức giả, che giấu cái xấu của mình;
Xan (慳mātsarya), xan tham, ích kỉ;
73
Tật (嫉, īrṣyā), ganh ghét;
Não (惱, prādaśa), lo lắng, buồn phiền;
Hại (害, vihiṃsā), tâm trạng muốn hành động ác hại;
Hận (恨, upanāha), lòng hận thù;
Xiểm (諂, māyā), nói xạo, loè người;
Cuống (誑, śāṭhya), gian lận, dối gạt, lừa lọc;
Kiêu (憍, mada), tự phụ.
Bất Định Địa Pháp
8 Bất định địa pháp (不不不不, anityatābhūmikādharma), gọi là "bất định"
vì chúng có thể thuộc về dạng thiện hoặc bất thiện, tuỳ theo căn cơ của
Tâm Vương. Ví dụ như Tầm, là tâm sở suy nghĩ phân tích. Nó là tâm sở
tốt nếu Tâm Vương có gốc thiện – ví dụ như suy nghĩ, chú tâm về giáo
pháp của Đức Phật, diệt khổ – hoặc xấu, nếu Tâm Vương là một pháp
bất thiện, như suy nghĩ phân tích cách lừa gạt người… Bất định địa pháp
bao gồm tám loại:
Hối (悔, kaukṛtya), ăn năn, hối hận;
Miên (眠, middha), giấc ngủ;
Tầm (尋, vitarka), suy nghĩ, tìm hiểu dạng thô;
Tứ (伺, vicāra), suy nghĩ, tìm hiểu dạng tinh tế;
Tham (貪, rāga), tham mê, đắm mê;
Sân (瞋, pratigha), tức giận;
Mạn (慢, māna), kiêu mạn;
Nghi (疑, vicikitsā)
Cách phân loại Tâm theo Duy Thức Tông
Duy Thức Tông phân biệt 51 loại tâm sở. Đại sư Vô Trước (asaṅga)
phân chia 51 tâm sở này thành sáu loại trong Đại thừa a-tì-đạt-ma tập
luận (sa. abhidharmasamuccaya):
74
Biến Hành Tâm Sở
5 Biến hành tâm sở (遍遍, sarvatraga), năm loại tâm pháp lúc nào cũng
hiện hành xuất phát cùng với một Tâm Vương, gồm có:
Xúc (sparśa);
Tác ý (manaskāra);
Thụ (vedanā);
Tưởng (saṃjñā);
Tư (cetanā), tương ưng với tất cả tâm và tâm sở;
Biệt Cảnh Tâm Sở
5 Biệt cảnh tâm sở (別別, viniyata) năm loại tâm pháp xác định ngoại
cảnh:
Dục (chanda);
Thắng giải (adhimokṣa);
Niệm (smṛti);
Định (samādhi);
Huệ (prajñā), chỉ duyên (nương) theo các cảnh khác nhau mà sinh khởi.
Thiện Tâm Sở
11 Thiện tâm sở (善, kuśala):
Tín (śraddhā);
Tàm (hrī);
Quý (apatrāpya);
Vô tham (alobha);
Vô sân (adveṣa);
Vô si (amoha);
Tinh tiến (vīrya);
75
Khinh an (praśrabdhi);
Bất phóng dật (apramāda);
Xả (upekśā);
Bất hại (avihiṃsā).
Căn Bản Phiền Não Tâm Sở
6 Căn bản phiền não tâm sở (根根煩惱, mūlakleśa):
Tham (rāga);
Hận (pratigha);
Mạn (māna);
Vô minh (avidyā);
Nghi (vicikitsā);
Kiến (dṛṣṭi) cũng được gọi là Ác kiến.
Điểm thứ sáu là Kiến cũng thường được chia ra làm năm loại:
1. Thân kiến (身 見, satkāyadṛṣṭi): một kiến giải cho rằng thân thể
được tạo bằng ngũ uẩn là một cái "ta" (我), là "cái của ta" (我所);
2. Biên kiến (邊 見, antagrāhadṛṣṭi): một kiến giải liên hệ đến phiền
não, cho rằng cái "ta" được tạo bằng ngũ uẩn là một cái gì đó thường
còn, vĩnh viễn [thường kiến] hoặc ngược lại, là một cái gì đó bị đoạn
diệt, không có gì tiếp nối giữa hai cuộc sống con người [đoạn kiến];
3. Kiến thủ kiến (見 取 見, dṛṣṭiparāmarśa): kiến giải cho rằng một
kiến giải bất thiện hoặc ngũ uẩn, cơ sở xuất phát của kiến giải bất thiện
này là những điều tuyệt hảo. Kiến giải bất thiện trong trường hợp này là
Thân kiến, Biên kiến;
4. Giới cấm thủ kiến (戒 禁 取 見, śīlavrata-parāmarśa): là một kiến
giải cho rằng, những quy tắc xử sự sai hoặc những lời hướng dẫn tu tập
sai – như tự xem mình như con thú và bắt chước thái độ của nó –, hoặc
ngũ uẩn, cơ sở của những việc sai trái trên là điều hay nhất;
76
5. Tà kiến (邪 見, mithyādṛṣṭi): kiến phủ nhận cái gì thật sự tồn tại,
thêu dệt thêm vào những gì thật sự không có.

Tuỳ Phiền Não Tâm Sở


20 Tuỳ phiền não tâm sở (隨煩惱, upakleśa):
Phẫn (krodha);
Hận (upanāha), uất ức, tâm thù oán;
Phú (mrakṣa), che giấu tội lỗi, đạo đức giả;
Não (pradāśa), làm bực bội phiền nhiễu;
Tật (īrṣyā), ganh ghét vì thấy người ta hơn mình;
Xan (mātsarya), tham lam, ích kỉ;
Xiểm (māyā), giả dối, nói mình có những đức tính tốt mà thật ra thì
không có;
Cuống (śāṭhya), gian lận, dối gạt, lừa lọc;
Kiêu (mada), tự phụ;
Ác (vihiṃsā);
Vô tàm (āhrīkya), không tôn kính, không biết hổ thẹn về việc tội lỗi
mình đã làm;
Vô quý (anapatrāpya, anapatrapā), tâm không biết sợ trước tội quả,
không biết hổ thẹn đối với người khác khi phạm tội;
Hôn trầm (styāna), tâm chìm đắm, lừ đừ, thiếu linh động, nhạy bén;
Trạo cử (auddhatya), xao động không yên;
Bất tín (āśraddhyā);
Giải đãi (kausīdya), tâm trạng không tinh tiến, biếng nhác;
Phóng dật (pramāda);
Thất niệm (失念, muṣitasmṛtitā), chóng quên, không chú tâm;
77
Tán loạn (散亂, vikṣepa);
Bất chính tri (不正知, asaṃprajanya), hiểu biết sai.
Bất Định Tâm Sở
4 Bất định tâm sở (aniyata), bất định bởi vì các tâm sở này thay đổi giá
trị tuỳ theo các tâm vương. Chúng bao gồm:
Hối (kaukṛtya), hối hận;
Miên (middha), lừ đừ buồn ngủ;
Tầm (vitarka), suy nghĩ, tìm hiểu dạng thô;
Tứ (vicāra), suy nghĩ, tìm hiểu dạng tinh tế.
Cách phân chia như trên của Duy Thức Tông được xem là bước tiến
triển cuối cùng trong việc phân tích, phân loại các tâm sở và cũng là bản
phân loại tiêu chuẩn cho tất cả những trường phái Đại Thừa tại Trung
Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng.

Đức Phật đối thoại với A-Nan về Tâm


Đơn giản, tìm tâm thì tâm chạy, chạy tâm thì tâm theo. Chạy theo tiếng
gọi của con tim thì tim chạy; bỏ tim chạy lấy thân thì tim đeo đuổi theo
tới cùng. Đường nào cũng chết trong lòng một tí. Tương tự như trong
khoa học lượng tử khi quan sát đo đạt lượng tử thì nó là hạt (particle,
observable) khi không quan sát nó thì nó biến thành dạng sóng (wave,
invisible.) Đó là diệu ý của “Sắc tất thị Không; Không tất thị Sắc và
Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm.”
Trong Kinh Lăng Nghiêm đoạn Phật ‘dài dòng giảng về tâm cho bật
thượng thừa,’ trình bày bởi Thích Thiện Hoa. Đại khái, A-Nan không có
được những phương tiện như ta ngày này thay vì Google là biết tất cả về
Tâm.
Phật kêu A-Nan hỏi rằng: "Trong giáo pháp ta, ông ngưỡng mộ cái gì mà
phát tâm xuất gia?"
78
A-Nan thưa: "Vì thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường, con sanh lòng
hâm mộ và phát tâm xuất gia."
Phật hỏi: "Ông nói: Vì thấy 32 tướng tốt của Phật, sanh lòng hâm mộ;
vậy ông lấy cái gì để thấy, và lấy cái gì để hâm mộ?"
A-Nan thưa: "Con lấy mắt để thấy và dùng tâm hâm mộ."
Phật hỏi: "Ông nói: lấy con mắt để thấy và cái tâm hâm mộ, vậy ông có
biết cái tâm và con mắt ở chỗ nào không?
Ông từ hồi nào đến giờ, nhiều kiếp sanh tử luân hồi, cũng vì tâm và mắt!
Nếu ông không biết nó ở chỗ nào, thì không bao giờ hàng phục được
phiền não và trần lao. Cũng như vị quốc vương, bị giặc đến xâm chiếm,
đem binh dẹp trừ, nếu không biết giặc trú ngụ ở chỗ nào thì không bao
giờ dẹp được giặc."
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, không những một mình con hiểu, mà tất cả
chúng sanh cũng đều cho con mắt ở trên mặt, còn tâm ở trong thân."
Phật hỏi: "Ông ngồi trong giảng đường này, trước hết ông thấy cái gì?
Và vì sao ông thấy được cây cối ngoài vườn?"
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, con ngồi trong giảng đường, trước thấy
Phật cùng chư tăng, và nhờ mở các cửa, nên con nhìn ra ngoài, thấy
được cây cối, cảnh vật bên ngoài."
Phật hỏi: "Có ai ngồi trong nhà, không thấy các vật trong nhà, mà lại
thấy được cảnh vật bên ngoài không?"
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, người ngồi trong nhà, mà không thấy các
vật trong nhà, lại thấy cảnh vật bên ngoài là không có lý."
Phật nói: "Tâm ông cũng thế, nếu thật ở trong thân ông, thì trước hết nó
phải thấy tim, gan, ruột, phổi hoặc móng tay ra, tóc dài, gân chuyển,
mạch động ở trong, rồi sau do mở mắt, ông mới thấy đặng các cảnh vật
bên ngoài. Cũng như người ngồi trong giảng đường này, trước hết phải
thấy Phật cùng chúng tăng và những vật trong giảng đường, rồi sau dòm
ra ngoài, mới thấy núi sông cây rừng v.v. Vậy có ai trước thấy tim, gan,
ruột, phổi ở trong thân, rồi sau mới thấy các vật ở bên ngoài không? Nếu
không, thì ông nói: tâm ở trong thân là phi lý."
79
A-Nan bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, cứ theo lý luận trên thì con hiểu: Tâm
ở ngoài thân. Vì nếu ở trong thân, sao không thấy được các vật ở bên
trong, mà chỉ thấy cảnh vật bên ngoài. Vậy nên con biết tâm ở ngoài
thân. Cũng như cái đèn đốt ngoài nhà, nên chẳng sáng được trong nhà.
Nghĩa này đúng rồi, chắc không còn lầm lạc nữa."
Phật hỏi A-nan: "Cái tâm của ông, nếu ở ngoài thân, thì thân và tâm ông
không dính dấp với nhau. Vậy trong lúc tâm biết, thân phải không biết;
còn khi thân biết, thì tâm phải không biết. Cũng như ta với các thầy Tỳ
kheo, vì thân thể khác nhau, nên khi ta thọ trai, các thầy không no được.
Vậy ông thử xem cánh tay của ta đây, trong lúc mắt (thân) ông vừa thấy,
tâm ông có biết liền không?"
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, trong lúc con mắt vừa thấy, thì tâm con
liền phân biệt."
Phật hỏi: "Nếu mắt ông vừa thấy, tâm ông liền biết, thì thân ông và tâm
không thể rời nhau được. Như thế thì ông nói:Tâm ở ngoài thân cũng
không phải."
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, theo lời Phật bác: tâm không phải ở trong
thân, vì nó chẳng thấy được bên trong; cũng không phải ở ngoài thân, vì
mắt vừa thấy, tâm liền biết, rõ ràng tâm thân không rời nhau. Cứ theo lý
luận này, thì con hiểu: Tâm núp trong con mắt; cũng như con mắt của
người mang kiếng, nên chỉ thấy các cảnh vật bên ngoài, mà không thấy
được vật bên trong."
Phật hỏi A-Nan: "Nếu tâm con núp trong con mắt, cũng như con mắt
người mang kiếng; vậy tôi hỏi: Người mang kiếng trong khi họ thấy
cảnh vật, họ có thấy được cái kiếng mang đó không?"
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, thấy được."
Phật hỏi: "Nếu tâm ông cũng như con mắt người mang kiếng, thì vậy sao
người mang kiếng có thể thấy được cái kiếng mang, còn tâm ông sao
không thấy được con mắt của ông? Nếu tâm ông thấy được con mắt của
ông, thì con mắt của ông thành ra cảnh bị thấy, nó phải ở ngoài thân ông
mới phải. Nếu thân, tâm ngoài nhau, thì làm sao mắt ông vừa thấy, tâm
ông liền phân biệt được? Nếu tâm ông không thấy được con mắt của
80
ông, thì sao ông tỷ dụ như con mắt người mang kiếng? Thế nên ông
nói: Tâm núp trong con mắt, như con mắt người mang kiếng núp sau cái
kiếng cũng không phải."
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, bây giờ con nghĩ: Nhắm mắt thấy tối, là
tâm thấy trong thân (gan ruột); nhờ cửu khiếu, thất huyệt (các giác quan)
trống hở, nên mở mắt thấy sáng là tâm thấy các cảnh vật ngoài thân.
Chẳng biết nghĩa này có đúng không?"
Phật hỏi A-Nan: "Ông nói: Nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân vậy thì
khi ông thấy tối, cảnh tối đó có đối trước mắt ông hay không? Nếu cái
tối không đối trước mắt thì không thành cái nghĩa thấy. Còn có đối trước
mắt, thì thấy tối là thấy trước, sao ông lại nói thấy trong? Nếu ông cho
thấy tối là thấy trong thân (gan ruột) thì khi ở trong nhà tối không có ánh
sáng, ông thấy tối đó, cũng là thấy gan ruột của ông sao? Lại nữa, nếu
nhắm mắt thấy tối, ông cho là thấy trong thân, mở mắt thấy sáng là thấy
ngoài thân, vậy sao ông không thấy được cái mặt? Cái mặt ở ngoài, ông
mở mắt còn không thấy, thì khi nhắm mắt thấy tối, làm sao chắc là thấy
trong thân? Nếu ông thấy được cái mặt ông, thì con mắt với tâm hiểu
biết của ông, phải ở ngoài thân ông. Nếu tâm và mắt ở ngoài thân, thì nó
không phải là tâm mắt của ông rồi. Nếu ông cho tâm, mắt (ngoài thân
ông) đó cũng là ông, vậy thì nay ta thấy được mặt ông, thế thì ta đây
cũng là tâm, mắt của ông sao? Lại nữa, trong lúc con mắt ông biết, thì
thân ông cũng phải không biết, khi thân ông biết, thì con mắt ông phải
không biết (vì ông chấp nó rời nhau). Nếu ông cho cả hai đều biết, thì
một mình ông phải có hai cái biết (tâm), vậy khi tu hành chứng quả, ông
sẽ thành hai vị Phật sao? Thế nên phải biết: Ông nói: thấy tối là thấy
trong thân cũng không phải."
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, con thường nghe Phật dạy tứ chúng: Do
tâm sanh, nên các pháp mới sanh. Do các pháp sanh, cho nên tâm mới
sanh. Nay con suy nghĩ, thì cái suy nghĩ đó là tâm của con; tùy hòa hiệp
chỗ nào, thì tâm liền theo đó mà có, không phải ở trong, ngoài và chính
giữa."
Phật hỏi A-Nan: "Ông nói tùy hòa hiệp chỗ nào, thì tâm liền theo đó mà
có như thế thì cái tâm của ông không có thật thể. Nếu tâm ông không có
hình thể (tức là không có) thì lấy cái gì mà hòa hiệp? còn nó có hình thể,
81
thì ông thử lấy tay mặt đánh qua tay trái, ông liền biết đau. Vậy cái tâm
biết đau này, là từ trong thân chạy ra hay từ bên ngoài chạy vào? Nếu
ông nói: nó từ trong thân chạy ra, thì trước hết nó phải thấy gan ruột
trong thân của ông. Còn nếu nó từ ngoài hư không chạy vào, thì trước
hết nó phải thấy cái mặt của ông."
A-Nan thưa: "Con mắt thì thấy, còn cái tâm thì biết;"
Phật nói: "con mắt thì thấy, nghĩa đó không phải."
Phật hỏi: "Nếu con mắt thấy thì những người chết, con mắt vẫn còn, sao
họ không thấy vật? Nếu người chết, mà vẫn còn thấy vật, thì sao gọi là
người chết? Lại nữa, nếu cái tâm hiểu biết của ông có thật thể, thì có một
thể hay nhiều thể, ở khắp cả thân ông, hay không khắp cả thân? Nếu tâm
ông có một thể, và ở khắp cả thân, thì khi ông lấy tay đánh thử một chỗ
trên thân ông, đáng lẽ ra thân đều biết đau hết, vì tâm ở khắp cả thân và
đồng một thể. Nếu cả thân đều biết đau, thì cái đau đó lẽ ra không có ở
nhứt định chỗ nào. Nếu cái đau có chỗ ở nhứt định, thì ông nói: cái tâm
một thể và ở khắp cả thân cũng không phải. Còn nói tâm ông có nhiều
thể thì thành ra nhiều người; vậy cái nào là tâm của ông? Nếu tâm ông
không ở khắp thân thể, vậy ông đồng thời vừa đụng trên đầu, và cũng
vừa đụng dưới chân, khi ấy nếu đầu biết đau, thì chân phải không biết,
còn chân biết đau, thì đầu phải không biết. Nhưng thật tế thì, đầu và
chân của ông cả hai đều biết đau. Thế nên ông nói: tùy hòa hiệp chỗ nào,
thì tâm tùy theo đó mà có cũng không phải."
A-Nan bạch Phật: "Con nghe Phật cùng với ngài Văn Thù...khi luận
về thật tướng (chơn tâm), Phật dạy rằng: Tâm chẳng ở trong và cũng
chẳng ở ngoài. Nay con suy nghĩ: Nếu tâm ở trong thân, sao chẳng biết
được bên trong? Còn nói tâm ở ngoài, thì sao tâm lại biết đau? Như thế
thì tâm chắc ở chính giữa."
Phật hỏi: "Ông nói tâm ở chính giữa, vậy cái chính giữa là giữa thân hay
cảnh; nếu ở chính giữa thân, thì đồng thời với ở trong thân, như đã nói
trước. Nghĩa là: tâm phải thấy trước tim, gan, ruột, phổi ở bên trong.
Còn như ở về cảnh, thì có thể nêu (cái giữa) ra được, hay không nêu ra
được? Nếu không nêu ra được, thì đồng như không có; còn nếu ra được,
thì không thể nhứt định chỗ nào là chính giữa. Vì sao? Như người lấy cái
82
cây cắm chính giữa, nếu người ở phía đông thì xem thấy cây ấy cắm ở
phía tây; còn người ở phía nam, thì xem thấy cây ở phía bắc. Cái cây
cắm nêu đó đã không nhứt định chỗ nào là chính giữa, thì cái tâm của
ông cũng phải lôn lạo không định."
A-Nan thưa: "Con nói chính giữa không phải hai chỗ ấy. Như Phật
thường nói: con mắt đối với sắc trần, sanh ra nhãn thức. Một bên con
mắt thì có phân biệt, một bên sắc trần lại không phân biệt, cái thức sanh
chính giữa, đó là chỗ của tâm ở."
Phật hỏi: Ông nói: Tâm ông sanh chính giữa căn và trần cảnh hay không
gồm cả hai. Nếu gồm cả hai, thì căn với cảnh lộn lạo (căn không thành
căn, cảnh không thành cảnh; vì vừa biết mà cũng là không biết). Song
trần cảnh thì không có tri giác, còn căn lại có tri giác, hai bên đối lập
riêng khác, vậy lấy chỗ nào làm giữa. Còn như không gồm cả căn và
cảnh, thì tâm không thật thể. Vậy lấy cái gì làm chính giữa? Thế nên
phải biết: Ông nói tâm ở chính giữa cũng không phải."
A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, ngày trước con thấy khi Phật cùng với ông
Đại Mục Kiền Liên, Tu Bồ đề v.v. nói pháp, Phật có dạy rằng: Cái tâm
hiểu biết phân biệt, không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở
chính giữa, không ở chỗ nào cả; không dính mắc (vô trước) tất cả đó gọi
là tâm. Vậy nay con lấy cái không dính mắc đó làm tâm, chẳng biết có
hay được không?"
Phật hỏi: "Ông nói: lấy cái không dính mắc tất cả làm tâm. Vậy tôi hỏi
ông: tất cả các vật tượng trong thế gian này, nào là hư-không, thế-giới,
chim bay trên trời, cá lội dưới nước v.v. Vậy các vật tượng ấy có mà ông
không dính mắc (trước) hay là không, mà ông không dính mắc? Nếu các
vật tượng ấy không có, thì cũng như lông rùa, sừng thỏ: nó đã không,
thời có gì mà dính mắc. Nếu còn có cái không dính mắc thì ông không
thể nói rằng không dính mắc được. Vì cái gì không có hình tướng thì
không, còn cái gì có hình tướng là có. Nếu có hình tướng thì phải bị dính
mắc. Thế nên ông nói:không dính mắc tất cả làm tâm cũng không phải."
Tác giả: Lê Huy Trứ
83

SUY TƯ THIỀN
Câu truyện thiền số 1
"Ni Cô Chiyono đã tu học nhiều năm, nhưng vẫn chưa đạt được
gì cả. Một đêm, cô quãy đôi thùng xuống suối múc nước. Khi cô
gánh nước trở về tu viện, cô vừa đi vừa ngắm ánh trăng soi rọi
xuống mặt nước trong thùng. Bất thình lình, đòn gánh gãy đôi,
giây thùng đứt và thùng nước rơi xuống. Nước đổ ào ra, bóng
trăng tan biến - không còn - và Chiyono hoát nhiên giác ngộ. Cô
đã viết bài thơ:
"Bằng cách này hay cách khác,
tôi đã kềm giữ đôi thùng nước,
Mong rằng chiếc đòn gánh
dòn yếu kia sẽ không gãy
Bất chợt, giây đứt thùng văng,
Không còn nước trong thùng,
không còn trăng trong nước,
Tay tôi rỗng không, chẳng có vật gì,
Tâm tôi rỗng không, chẳng có vật gì".
Giác ngộ không hẹn mà đến, thật bất ngờ, thật đột ngột. Không có sự
tuần tự tiến trình tìm tới sự Giác Ngộ, bởi vì sự tuần tự thuộc về trí óc,
và Giác Ngộ không phải là sản phẩm của trí óc. Giác Ngộ vượt qua hàng
rào tư duy và nhận thức lô gích của trí óc. Vì thế, chúng ta không thể
tiến dần về Giác Ngộ, mà đơn thuần chúng ta nhảy một bước vọt vào
trong Giác Ngộ. Chúng ta không đi từng bước từng bước; không, không
có những từng bước đó. Một là chúng ta đại ngộ, hai là không. Không có
sự chứng đắc từng phần, từng mảnh. Chân Lý là Chân Lý hoàn toàn, là
viên mãn, tròn đầy. Chứng đắc là chứng đắc toàn diện. Hãy nhớ kỹ một
điều cơ bản là:" trí óc không thể nào suy lường hiểu thấu được Chân Lý.
Trí óc có thể làm công việc phân tích, suy luận, cân nhắc, v.v... những gì
chúng ta có thể chia chẻ ra được. Trí óc có thể hiểu tất cả những gì mà
chúng ta đem ra cân đong, đo lường, tính đếm. Vì thế, nếu chúng ta nghe
theo trí óc, chúng ta không bao giờ đạt tới Chân Lý viên mãn được.
84
Đó chính là điều mà ni cô Chiyono đã sai lầm. Chiyono đã tu học, đã tư
duy nhiều năm và đã bao năm trôi qua, cô vẫn chưa gặt hái được điều gì.
Không có một sự cố gì xảy ra cho cô cả.
Trí óc con người có thể nghiên cứu về Thượng Đế, về Giác Ngộ, về
Tuyệt Đối. Nó cũng có thể lừa bịp chúng ta là tất cả mọi sự việc trên đời
này đều đã được giải thích tường tận, đã cho ra một đáp số trọn vẹn rồi.
Ngay cả khi chúng ta nói chúng ta đã hiểu rõ ràng tất cả "về" Thượng
Đế, về Chân Lý, về Phật, về Chúa, chúng ta đã tự lừa dối mình vậy.
Trí thức viên mãn là trí thức không phải "về" một cái gì. Khi chúng ta
nói "về", thí dụ như tôi suy nghĩ "về" anh, suy nghĩ "về" cuộc đời, suy
nghĩ "về" tình yêu, v.v... chúng ta đã tự đặt mình trong thế nhị nguyên
đối đãi. Vì có cái này nên có cái kia, vì có anh nên có tôi, vì có đối tượng
nên có người suy nghĩ; chúng ta đang xoay vòng theo một vòng tròn như
con kiến bò theo miệng chén; chúng ta không bao giờ nhảy vào được
bên trong vòng tròn đó. Vì thế, khi một người nào đó nói rằng:" tôi đã
hiểu được chân lý, tôi đã hiểu được "Thượng Đế", hắn ta thực ra chẳng
hiểu được một tí gì cả.
Phật Tánh, Chân Lý, Thượng Đế, Chúa v.v... là trung tâm điểm; không
phải là chu vi, ngoại giới, không phải là cái bên ngoài. Chúng ta phải thể
nhập vào Chân Lý, chúng ta với Phật, với Chúa là một; đó là con đường
duy nhất, không có con đường nào khác.
Đó là lý do Chúa Giê Su đã nói:" Chúa là Tình Yêu - Tình Yêu viết hoa -
chứ không phải là sự ái nhiễm của nam nữ. Bạn không định nghĩa được
Tình Yêu, bởi vì bạn chưa hội nhập được vào tình yêu; bạn chưa là một
với tình yêu. Bạn có thể là một nhà nghiên cứu, một nhà tâm lý, bạn có
thể trở thành một học giả vĩ đại, nhưng bạn chưa bao giờ thể nhập vào
Tình Yêu, vào Chân Lý Tuyệt Đối.
Tình Yêu chỉ thực sự hiện diện khi bạn trở thành tình yêu. Ngay cả khi
người yêu bạn biến mất đi, tình yêu vẫn còn đó, bởi vì tình yêu đơn
thuần là tình yêu, không có chủ thể, không có đối tượng. Cả hai chữ "chủ
thể" và "đối tượng" đều là cái bên ngoài, là đối đãi. "Có cái này nên có
cái kia", "vì có anh nên tôi có mặt"; nếu còn có sự đối đãi, thì bạn đang
đánh mất thực tại.
85
Khi hai tình nhân đứng bên nhau, cả hai đều vắng bóng. Chỉ có Tình
Yêu hiện diện, chỉ có giai điệu Tình Yêu phát ra tiết tấu. Tình Yêu có
mặt khi bản ngã con người vắng bóng; Tri Thức có mặt khi đầu óc con
người chứa đầy ý niệm. Tri Thức thì thuộc về bản ngã, về cái tôi, và cái
tôi đó không thể nào xâm nhập được vào trung tâm điểm cả; nó chỉ là
chu vi, là vòng tròn ngoại giới. Với cái Tôi đầy ắp những quan niệm,
Kinh Thánh, Kinh Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư hay Kinh Koran, bạn mãi mãi
là một kẻ xa lạ.
"Ni cô Chiyono đã tu học nhiều năm... "
Ni cô đó đã tu học nhiều năm hay nhiều kiếp rồi. Bạn cũng đã tu học
nhiều năm hay nhiều kiếp rồi. Bạn đang chạy trên một vòng tròn. Bạn
tưởng rằng bạn đã tới đích, nhưng không, bạn đang di chuyển trên một
vòng tròn lập đi lập lại. Vòng tròn đó, người tín đồ Ấn độ giáo gọi là
"Samsara", có nghĩa là bánh xe, là vòng tròn. Bạn di chuyển, di chuyển
mãi và không bao giờ tới đích cả. Bạn không bao giờ thấy được cái vòng
tròn đó vì bạn chỉ biết một phần của vòng tròn đó mà thôi. Nó mãi mãi là
một con đường, một con đường vô tận. Đó là những gì đã xẩy ra cho bao
kiếp nhân sinh.
"Chiyono đã tu tập và tu tập, nhưng vẫn chưa đạt được chân lý". Vì sao?
Không phải vì chân lý, giác ngộ khó khăn, hóc buá, mà chính vì khi bạn
nỗ lực tìm hiểu nghiên cứu chân lý, bạn đã đi lạc hướng rồi. Bạn đã đi
trật đường rầy rồi. Điều đó cũng giống như khi một người nào đó muốn
đi vào căn phòng lại đâm đầu vào bức tường vậy. Vào căn phòng không
phải khó, nhưng phải vào qua cánh cửa, chứ không phải qua bức tường.
Nhiều người, rất nhiều người, khi họ bắt đầu cuộc hành trình, họ bắt đầu
bằng học hỏi, nghiên cứu, bằng kiến thức, thông tin, triết lý, hệ thống
hay lý thuyết. Họ bắt đầu từ "cái... về một cái... gì đó" cho nên họ đã va
mặt vào bức tường vậy.
"Hãy là Chân Lý, hãy là Tình Yêu". Nếu bạn muốn biết Tình Yêu. Nếu
bạn muốn biết Thượng Đế, hãy thiền định. Nếu bạn muốn thể nhập vào
vô tận, hãy lắng lòng cầu nguyện. Phải tự chính mình là Chân Lý, là
Tình Yêu; chứ không phải là người đang cầu nguyện, không phải là
người đang thu góp lại những gì người khác nhả ra và nhai lại. Hãy
buông bỏ tất cả chữ nghĩa, kinh điển. Chúng nó chỉ là những hàng rào,
86
những bức tường ngăn cản bạn nhảy vọt vào Bản Thể Tuyệt Đối. Cánh
cửa Chân Lý sẽ không bao giờ mở ra nếu bạn ôm đồm một mớ Kinh
Thánh, Kinh Vệ Đà, Kinh Koran, v.v... cũng như ni cô Chiyono đã tu
học nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt được gì.
Giác Ngộ là gì? Đó chính là sự tỉnh giác "Ta là Ai?. Giác Ngộ không có
gì liên quan với thế giới bên ngoài. Giác Ngộ không có gì liên quan đến
những gì người ta nói về nó. Những gì người ta nói đều lạc hướng hay
chỉ diễn tả được một phần của Giác Ngộ. "Bạn đang có mặt tại đây, ngay
phút giây này". Tại sao bạn phải đi tìm cầu nơi Kinh Thánh hay Kinh Vệ
Đà? Hãy nhắm mắt lại và bạn đang ở đây, trong niềm hoan lạc thiêng
liêng vô tận. Hãy nhắm mắt lại và cánh cửa đã mở. Bạn đang có mặt tại
đây, ngay phút giây này. Không cần phải hỏi ai hết, không cần một tấm
bản đồ chỉ dẫn. Trong thế giới nội tại, không có bản đồ, không cần có
bản đồ, bỏi vì bạn không đi về một hướng vô định.
Bạn đang có sẵn trong tâm một "nẻo về của ý".
Thực ra, bạn cũng không di chuyển gì cả. Bạn đang ở đây; bạn là mục
đích. Bạn không phải là kẻ tìm kiếm. Bạn chính là "Giác Ngộ"; bạn
chính là "Giải Thoát"; bạn chính là "Chân Lý". Khi bạn chạy rong tìm
kiếm cái bên ngoài, bạn là kẻ vô minh. Khi bạn quay ngược về bên trong
mình, bạn chính là sự Giác Ngộ. Điều khác biệt duy nhất chính là sự chú
tâm, sự quay ngược về.
Trong Kinh Thánh, danh từ "cải hoá" rất đẹp rất hay; nhưng nhiều người
vì đã hiểu sai nên đã sử dụng nó không đúng. Sự "cải hoá" không có
nghĩa là thay đổi một người Ấn Độ giáo thành một tín đồ Thiên Chúa,
cũng không phải biến một người Công Giáo thành một tín đồ Ấn Độ
giáo. "Cải Hóa" có nghĩa là quay lại. "Cải Hóa" có nghĩa là quay về
nguồn, quay về bên trong, quay về tâm linh.
Tâm thức của bạn như một dòng sông, có thể trôi về hai phiá, bên ngoài
hay bên trong; chỉ có hai phiá mà thôi, định hướng cho một dòng sông
tâm thức. Nếu tâm thức bạn quay ra bên ngoài thì nó sẽ trôi qua nhiều
đời, nhiều kiếp, và sẽ không bao giờ đạt tới mục đích; bởi vì mục đích
chính là cội nguồn mà bạn đã quay đi, bỏ lại sau lưng. Cội nguồn đó
không phải trước mặt, không phải là nơi mà bạn sẽ hướng tìm tới. Cội
87
nguồn chính là nơi mà bạn đã quay lưng. Nếu bạn có thể quay ngược về
điểm đầu tiên mà bạn đã xuất phát, bạn đã tìm thấy cội nguồn tâm linh
rồi vậy.
Đó, đó là vì sao mà Chiyono đã tu học nhiều năm mà vẫn chưa đạt được
gì, bởi vì cô đã chạy về phía trước tìm chân lý.
Còn một điều này nữa tôi muốn nói với bạn: "Đừng tìm kiếm Chân Lý
trong kinh điển". Kinh điển chỉ là những xác chết, những thây mạ Đời
sống là một đòng linh động, phát triển. Đi hỏi những xác chết về sự sống
thì thực đáng buồn cười thay, phải không? (ghi chú của người dịch: Câu
nói này có nghĩa là chúng ta không nên chấp trước vào văn tự chữ nghĩa,
dù đó là kinh điển, mà hãy thực nghiệm tâm linh để thể chứng; Sự và Lý
phải đi đôi, viên dung với nhau thì mới có thể đạt được giác ngộ; nếu
chấp vào một bên thì sẽ rơi vào kiến chấp, sơ cứng tâm linh). Thần
Krishna hay Chúa Giê Su cũng không thể giúp gì cho bạn - trừ phi chính
bạn là Krishna hay Chúa Giê Sụ Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ tìm thấy câu
trả lời trong kinh điển thì bạn đã sai lầm lớn rồi vậy. Câu trả lời sẽ không
bao giờ tìm thấy đâu, bạn ạ. Đó là lý do vì sao các triết gia, các học giả
cứ lẩn quẩn, loanh quanh với mớ chủ nghĩa, lý thuyết, hệ thống v.v... Họ
đã lạc hướng quá xa rồi.
Không, không có ai trả lời bạn được đâu. Đừng đi đến bất cứ ai để mong
được câu trả lời về giác ngộ, giải thoát. Nếu bạn tìm đến vị đạo sư thì tất
cả những gì ông ta làm là giúp bạn tìm ra chính bạn, tìm ra con người
thật của bạn. Không có một vị đạo sư nào giúp bạn có câu trả lời sẵn;
không có ai cho bạn cái chìa khóa đâu. Vị đạo sư chỉ giúp bạn quay về
bên trong, nhìn vào bên trong bạn. Tất cả là ở đó; kho tàng là ở đó; chìa
khóa là ở đó - bên trong con người bạn.
"Chiyono quãy đôi thùng cũ đầy nước... "
Chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng gánh cái đầu óc cũ kỹ đầy ắp những
học thuyết, quan niệm, chủ nghĩa của chúng ta ngày nay qua ngày khác.
Cái đầu óc đó đã cũ kỹ rồi, đã sơ cứng rồi, đã chết rồi.
Các thiền sư đã nói: "Qúa khứ không truy tìm, tương lai chưa kịp đến, an
trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời". Thực tại là đây, bạn đang có
mặt tại đây - nhưng giữa bạn và thực tại là bức màn tri thức. Những gì
88
bạn thấy, bạn thấy qua bức màn tri thức đó. Những gì bạn nghe, bạn
nghe qua bức màn tri thức đó. Chúa Giê Su đã nói với các tông đồ rằng:
"Nếu các người có tai để nghe, hãy nghe tạ Nếu các người có mắt để
nhìn, hãy thấy ta". Nhưng chúa Giê Su đã biết là các tông đồ đã mù và
đã điếc rồi vậy.
Những gì bạn nghe qua tri thức, những gì bạn thấy qua tri thức, những gì
bạn thấy qua tri thức đã bị tri thức tô mầu, thay đổi hay pha trộn. Tri
thức đã đánh lừa bạn, đã đưa bạn vào vùng ảo giác, mê hồn trận.
Chúng ta không thể nào đổi mới được với tri thức. Đừng tự lừa dối mình
hay người qua lớp vỏ tri thức. Vì thế, nếu bạn muốn làm một cuộc cách
mạng tư tưởng, trước hết phải nhìn lại rõ mình. Những người Cộng Sản
không thể nào làm cách mạng được, vì họ không bao giờ định tâm thiền
định. Chủ nghĩa Công Sản mà họ đang tôn thờ đó là sản phẩm của tri
thức. Họ không tin vào bất cứ một đấng thần linh nào, họ tin vào Karl
Marx hay họ tin vào Mao trạch Đông (bản sao cuối cùng của Marx);
nhưng họ tin. Những người Cộng Sản hay những tín đồ Ấn Độ giáo,
Công giáo và Hồi giáo thực giống nhau, bởi vì những người này đều
nhắm mắt tin theo những chủ nghĩa, giáo điều hay hệ thống thiết lập trên
nền tảng không vững chắc của tư duy và khái luận. Vì thế, trên thế gian
này, chỉ có tôn giáo nào dám lật đổ mọi giáo điều cũ rích, hệ thống tư
duy sai lạc để đưa con người quay trở về với bản thể, chân như, giác
ngộ; tôn giáo đó mới thực sự làm cuộc cách mạng vĩ đại nhất; tôn giáo
đó mới có thể làm một cuộc cách mạng chính xác, đúng đắn và toàn diện
nhất. Một khi bạn phá vỡ được thành trì kiến chấp, giáo điều, hệ thống,
buông xả được tri thức, bản ngã, thì lúc đó, bạn sẽ nhìn vạn vật vạn sự
trên cõi đời này khác hơn, xuyên suốt hơn, mới mẻ hơn. Vạn vật sẽ trở
nên tươi thắm, linh động. Bạn sẽ trở thành trẻ thơ trở lại. Mắt bạn ngây
thơ hơn, trong sáng hơn, vô tư hơn. Bạn sẽ nhìn vạn vật không xuyên
qua một bức màn che phủ nào. Cây cối xanh tươi và tiếng chim hót du
dương trên cành cây kia sẽ là điệu nhạc đời muôn thưở.
Cảm giác khinh an đó rất khác với cảm giác mê ly của những người say
ma túy. Aldous Huslley (một triết gia, tiểu thuyết gia, phê bình gia, nghị
luận gia người Anh) đã sai lầm khi sử dụng ma túy, tưởng rằng sẽ tìm
được cảm giác khinh an thoát tục. Thế hệ trẻ bây giờ nghiện cần sa ma
89
túy cũng vì tưởng rằng sẽ tìm được an nhiên giải thoát cho những bế tắc
khủng hoảng tâm linh. Dược tánh trong cần sa á phiện là độc dược. Nó
làm tê liệt trung khu não bộ, và gây ra những ảo giác mờ mịt, khoái cảm
bệnh hoạn cho người sử dụng nó. Hệ thần kinh của người sử dụng ma
túy không còn hoạt động nhạy bén được nữa, và dần dần nếu còn dùng
ma túy nhiều thì độc tố trong người càng tăng, mức độ khoái cảm càng
bị kích thích cao. Ma túy đã đẩy trí óc qua một bên và chiếm chỗ, và
những gì người sử dụng ma túy thấy và cảm giác họ kinh qua đều sai lạc
và bệnh hoạn.
Tri thức con người cũng độc hại như ma túy vậy. Nó ngăn che không
cho chúng ta nhìn rõ lại chính mình. Nó cũng tạo ra những ảo giác mê
lầm, đưa đến bệnh Ngã - Kiến chấp cho chúng ta.
Chỉ có Thiền Định mới có thể giết chết bịnh Ngã - Kiến chấp đó. Chỉ có
Thiền Định mới là liều thuốc giải độc tố tri thức của con người. Thiền
định giúp người ta khai phóng mắt trí tuệ. Thiền định có nghĩa là nhìn -
nhìn sâu vào bên trong.
Danh từ "Darshan" trong Ấn Độ giáo có nghĩa là "Nhìn" (looking at) - vì
thế, tín đồ Ấn Độ giáo định nghĩa "Thiền" là "Nhìn" - nhìn sâu vào bên
trong ta để tìm ra con người thật của chính mình.
Bạn hãy thử làm một thí nghiệm nhỏ này. Bạn vào phòng, đóng cửa lại,
và bắt đầu lấy giấy bút viết ra tất cả những ý tưởng nào chợt đến, chợt
đi, chợt thoáng qua trong đầu óc bạn. Hãy viết tất cả, bất cứ một ý nghĩ
nào vụt đến. Bạn đừng thay đổi chúng, đừng biến dạng chúng, vì bạn
không cần phải đưa mảnh giấy đó cho ai xem cả. Bạn cứ viết như vậy
trong vòng mười phút thôi và sau đó nhìn lại: đó là những gì bạn tư
tưởng, những gì bạn suy nghĩ. Nếu bạn nhìn kỹ, thì bạn sẽ nghĩ đó là tác
phẩm của một kẻ điên loạn, mắc bịnh thần kinh. Những ý tưởng lăng
xăng lộn xộn, không ăn nhập vào nhau, có cái thánh thiện, có cái ghê
tởm, có cái thuần lương, có cái qủy sứ, v.v... Đó, trí óc con người là thế
đó, là một cái hộp số chứa đầy những bí ẩn và phức tạp, và chúng ta lại
đi che dấu sự điên loạn rối ren đó đằng sau cái mặt nạ con người. Chúng
ta luôn luôn ẩn nấp, che dấu, không dám lộ diện con người thật của
chúng tạ Đằng sau cái bộ mặt người đó, chúng ta chỉ là một kẻ điên, một
người mắc bịnh thần kinh. Nhưng tại sao chúng ta lại đánh giá "tư
90
tưởng" quá cao như vậy? Phải chăng chúng ta đã say mê nó, đã nghiện
phải nó. Tri thức là ma túy, là một chất hóa học đầu độc con người.
Trong sự mê loạn đó, con người tưởng rằng có thể quên hết sự đời,
buông bỏ lo âu, bổn phận trách nhiệm, hoặc trở thành một mẫu anh hùng
lý tưởng nào đó. Đã ngủ quên trong mộng, con người lại chồng chất
thêm những cơn mộng huyễn hoặc phù dụ Ban đêm họ đã ngủ mợ Ban
ngày, họ cũng nằm mợ Những cơn mơ đó phủ vây con người và họ đắm
chìm trong đó, không thể thoát ra và có lẽ họ cũng không muốn thoát ra.
Con người đã tự giam hãm mình trong cái tù chật hẹp đó, để rồi thống
trách bi thương, để rồi đau khổ. Nhưng, mặc dù đã biết rõ như vậy, họ
cũng đã ở trong nhà tù tư tưởng đó quá lâu đến nỗi họ đâm ra quen thuộc
với nó, ôm ấp nó như ôm tình nhân, cũng giống như những tên tội phạm
vì ở tù quá lâu nên đâm ra sợ hãi thế giới bên ngoài, sợ hãi được trả lại
tự dọ Thật mâu thuẫn và chua chát, phải không? Biết ở tù là đau khổ, là
sợ hãi nhưng vẫn can tâm chịu đựng không muốn giải thoát. Cái sợ
"được trả lại tự do" đó bắt nguồn từ nỗi sợ hãi phải đối diện với cái mới,
trách nhiệm mới, nếp sống mới, con người mới, xã hội mới v.v... Sự lột
xác toàn diện khiến người ta đâm ra sợ hãi phải đối diện, phải chui đầu
ra khỏi cái vỏ sò, chui đầu ra khỏi nhà tù quen thuộc.
Con người đã bám víu lấy tri thức như cái bóng của mình; một khi đánh
mất nó đi, con người cảm thấy mất thăng bằng, không đứng vững.
Krishnamurti đã nói: "Con người cảm thấy như mất thăng bằng nếu
không suy nghĩ". Có lẽ con người cảm nhận là nếu không suy nghĩ thì họ
sẽ làm gì bây giờ?
Một bộ Óc bình thường có thể chứa đựng tất cả thư viện trên thế giới.
Trong cái đầu bé nhỏ của bạn, có 70 triệu tế bào thần kinh, mỗi một tế
bào có thể chứa đựng ít nhất là một triệu thông tin. Không có một cái
máy vi tính nào có thể so sánh nổi với bộ Óc con người. Bạn mang cả
một thế giới cồng kềnh trong cái đầu nhỏ bé của bạn, và lẽ dĩ nhiên, sức
chuyên chở có hạn, ngày nào đó bộ Óc bị quá tải sẽ nổ tung ra, văng hết.
Ni cô Chiyono đã tu học, đã tu học nhiều năm. Cô đã cố chế đầy thêm
nước vào thùng cũng như cô đã cố nhồi nhét tri thức vào đầu óc cô, và
vừa quẩy đôi thùng đầy nước, Chiyono vừa ngắm ánh trăng phản chiếu
xuống mặt nước trong thùng. Đó không phải là chuyện lạ. Không phải
91
chỉ riêng Chiyono mà chúng ta đây cũng vậy. Chúng ta không bao giờ
nhìn mặt trăng. Chúng ta luôn nhìn cái bóng của mặt trăng phản chiếu
xuống nước, phản chiếu trong tư tưởng, trong đầu óc chúng ta.
Danh từ Ấn Độ "Maya" có nghĩa là "Ảo Giác". Tất cả những gì ta thấy,
ta nghe đều là ảo giác; có nghĩa là chúng ta chỉ thấy bóng của mặt trăng
chứ không phải là mặt trăng thật. Những gì chúng ta thấy, chúng ta
nghe; chúng ta thấy nghe qua sự phản chiếu. Mắt chúng ta phản chiếu,
tai chúng ta phản chiếu. Tất cả giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đều là
những cái gương phản chiếu sự vật, đưa đến sự sai lầm, ảo giác.
Chân Lý không bao giờ xảy ra khi chúng ta chỉ biết nhìn cái bóng phản
chiếu trong gương; Chân Lý chỉ đến khi tấm gương bị đập nát đi, thùng
nước vỡ đi, nước không còn, sự phản chiếu biến mất.
Giác Ngộ đến thật đột ngột, bất thình lình. Giác Ngộ có thể ví như một
tai nạn xảy đến đột ngột. Chúng ta không thể đoán trước tai nạn sẽ xảy
ra lúc nào. Nếu chúng ta có thể biết chắc tai nạn sẽ xảy ra, thì đó là sự
sắp đặt, không phải là tai họa. Giác ngộ cũng vậy. Chúng ta không thể
sắp đặt chờ đón giác ngộ sẽ đến thế này thế kia. Không, không bao giờ
có chuyện như thế cả. Đột nhiên, chúng ta tỉnh thức; đột nhiên, chúng ta
giác ngộ. Thế thôi. Khi Bồ Tát Sĩ đạt Ta chứng đắc quả Phật, có phải
ngài vẫn là con người cũ không? Không, con người cũ không thể chứng
đắc. Con người cũ đã hoàn toàn chết đi, thành con người mới, một con
người hoàn toàn mới. Thái tử Sĩ đạt Ta, người đã từ bỏ cung vàng điện
ngọc, từ bỏ vợ đẹp con thơ, không còn nữa. Cái "Tự Ngã" của thái tử Sĩ
đạt Ta không còn nữa. Cái "Tri Thức" của Sĩ đạt Ta không còn nữa. Con
người cũ đã chết, cái thùng nước cũ đã vỡ. Bây giờ, là hoàn toàn một
con người mới, một cái tên mới, chúng ta gọi Ngài một cái tên mới -
Đức Phật - Bậc Giác Ngộ. Cái tên cũ "Sĩ đạt Ta" không còn thuộc về
người này nữa.
Nhưng hãy cẩn thận coi chừng! Khi tôi ví dụ giác ngộ cũng giống như
một tai họa bất ngờ, tôi không có ý nói là bạn không nên làm gì cả. Đó
không phải là ý nghĩa xác thực của lời tôi nói. Nếu bạn ngồi yên không
làm gì cả, lẽ dĩ nhiên tai nạn không xảy ra, giác ngộ không xảy ra. Ví dụ
tai nạn chỉ xảy ra cho những người chạy xe nhanh quá hay ẩu quá; cũng
vậy giác ngộ chỉ xảy ra cho những người công phu tinh tấn nhất. Nhưng
92
điểm khác biệt là thế này: cái hành động chạy xe nhanh không phải là cái
Nhân của tai nạn mà đó là cái Duyên đưa đến tai nạn; công phu tham
thiền miên mật không phải là cái Nhân của giác ngộ. Vì thế, Đức Phật
không thể nói khi nào giác ngộ sẽ đến với bạn. Có nhiều người đến hỏi
tôi như vậy, và tôi trả lời họ "sắp tới rồi". Câu trả lời đó chẳng có ý
nghĩa gì; "sắp tới" có thể sẽ là phút tới, có thể sẽ là ngày mai, có thể sẽ
xảy ra trong nhiều kiếp sau, vô hạn. Bạn không thể đoán trước được.
Bạn cứ việc làm, cứ việc tham thiền, cứ việc tu học. Đừng mong cầu,
đừng ngóng đợi, đừng trông chờ. Cái gì đến sẽ đến. Bạn cứ an nhiên sẵn
sàng trong tỉnh thức đón nhận cái gì đến với bạn. Vì nếu bạn không ở
trong tư thế sẵn sàng, nếu bạn mơ ngủ thì có thể điều kỳ diệu sẽ tới và
vụt tới, mất dấu. Ngay cả khi bạn sẵn sàng, bạn vẫn phải chờ đón. Bạn
không thể bắt buộc giác ngộ phải xảy ra, bạn cũng không thể mong giác
ngộ tới. Nếu bạn có thể bắt buộc, thì tôn giáo sẽ chẳng khác gì một môn
khoa học. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa tôn giáo và khoa học. Khoa
học có thể tạo ra những phản ứng hóa học, những kết quả vì nó tùy thuộc
vào nguyên nhân. Khoa học có thể tạo ra sự vật vì nó tìm ra được cái
nhân, ví dụ như: nếu bạn đun sôi nước lên 100 độ thì nước bốc hơi. Bạn
biết chắc chắn rằng khi nước đun sôi tới 100 độ thì nước tự nhiên sẽ bốc
hơi hay nếu bạn pha trộn hai nguyên tử oxy và hydro thì bạn sẽ tạo ra
nước (H20). Bạn có thể tạo ra những phản ứng hóa học bạn muốn. Khoa
học là môn học nghiên cứu tìm ra nguyên nhân vạn vật.
Tôn giáo thì khác, cơ bản rất khác, và tôn giáo không bao giờ trở thành
một môn khoa học theo nghĩa đơn thuần của danh từ "khoa học", bởi vì
tôn giáo đi tìm cái không cùng, cái không nhân, tôn giáo đi tìm sự
Chuyển Hóa Tuyệt Đối.
Bạn có thể hỏi ngược lại tôi rằng:"Nếu giác ngộ xảy ra đột ngột, không
biết trước được lúc nào giống như tai nạn xảy đến đột ngột như lời ông
nói thì cần gì phải thiền? cần gì phải tham cứu? Cứ đơn giản ngồi chờ nó
tới!" Không, sự chờ đợi của bạn không phải là sự chờ đợi biếng lười như
vậy. Sự chờ đợi của bạn phải là sự chờ đợi tích cực, tươi mát, sống động.
Bạn không nên ngồi chờ thụ động như một xác chết được; luôn luôn bạn
chờ đợi trong tỉnh thức, trong chánh niệm, sống động và tươi thắm. Chỉ
có trong trạng thái hồn nhiên tỉnh thức đó, điều kỳ diệu nhiệm mầu sẽ
xảy ra cho bạn. Có bao giờ bạn quan sát cuộc đời và nhận xét rằng vạn
93
sự vạn vật trên thế gian này đều vô thường, không chắc chắn, duy chỉ có
cái chết chắc chắn sẽ đến với tất cả chúng sanh hữu tình không? Tất cả
sự sự vật vật đều vô thường, không chắc thật! Tình yêu cũng vậy, không
có cái tình yêu bất tử. Chỉ có một điều chắc chắn: đó là cái Chết, và sự
chắc chắn thuộc về cái Chết, không phải thuộc về sự sống đâu, bạn ạ.
Nếu bạn đang đi tìm Sự Sống Vĩnh Cửu, hãy sống cởi mở, an nhiên,
bình dị ngay từ phút giây tỉnh thức này.
Tôi muốn kể cho bạn nghe về ni cô Chyonọ Trước khi xuất gia, Chiyono
là một giai nhân tuyệt sắc. Sắc đẹp diễm lệ của cô quyến rũ đến nỗi khi
cô muốn đi tu, đến nơi nào cô cũng bị từ chối vì các đại sư e ngại sắc
đẹp của cô sẽ làm các vị sư khác đắm nhiễm mê saỵ Cuối cùng, Chiyono
quyết định táo bạo là đốt phỏng gương mặt cô thành sẹo để không một ai
mơ tưởng nữa. Từ đó, Chiyono sống yên trong một tu viện. Cô đã tinh
tấn chiến đấu không ngừng với bản thân. Cô đã tu học tham thiền 10
năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm liên tục không mệt mỏi, và đột ngột, một
đêm kia, "kẻ lạ mặt" mà Chiyono đã cố công tìm kiếm đến gõ cửa nhà
cô.
"Bất thình lình, giây thừng đứt, thùng nước rơi,
Nước đổ ào ra, bóng trăng biến mất - và Chiyono hoát nhiên đại ngộ".
Chiyono đang ngắm bóng trăng - bóng trăng thật đẹp, vì chúng phản
chiếu cái Đẹp Tuyệt Đối. Thế gian này cũng rất đẹp vì nó là cái bóng
phản chiếu Thượng Đế, phản chiếu cái Đẹp Thiêng Liêng. Ngoài thế
gian, chúng ta không thể nào tìm ra cái Đẹp Tuyệt Đối. Những người đi
tìm cái Đẹp Tuyệt Đối hay Chân Lý không bao giờ nhầm lẫn cái Thật và
cái bóng phản chiếu. Anh ta không phủ nhận cái bóng, không chối bỏ
nó, nhưng anh ta không đắm nhiễm nó, không nhầm lẫn nó với cái Thật.
Anh ta mượn nó để tìm đến cái Thật, tìm thấy cái Thật.
"Chiyono ngắm bóng trăng phản chiếu trong thùng nước. Bỗng nhiên,
giây đứt, thùng rơi, bóng trăng biến mất".
Chiyono ngước mắt nhìn lên trời - vành trăng tròn thực sự đang ở trên
cao. Hoát nhiên Chiyono trực nhận rằng tất cả những gì cô ta thấy nghe
đều là ảo ảnh, sai lầm - vì cô ta thấy nghe qua tri thức.
94
Nhưng, hãy coi chừng. Đừng đi theo Chiyonọ Chiyono không phải là
bạn. Bạn không phải là Chiyonọ Cái hoát nhiên đốn ngộ đó sẽ không
xảy ra cho bạn đâu. Chiyono là Chiyono; bạn là bạn. Mục tiêu giải thoát
vẫn là một, nhưng không có phương cách nào giống phương cách nào;
không có sự đốn ngộ nào giống với sự đốn ngộ nào. Không ai có thể là
Chiyono thứ hai được. Thế giới không bao giờ lập lại. Chiyono chỉ sanh
ra một lần, và không bao giờ có một Chiyono nữa. Bạn không thể lập lại
hay bắt chước, vì bạn không phải là Chiyonọ Mỗi người tu tập một pháp
môn; mỗi người tự thân chứng lấy một cách.
Ngay hình tượng Đức Phật cũng vậy. Bạn có thể ngồi kiết già thiền định
như Đức Phật, dưới cội cây Bồ đề, y như Phật đã ngồi, mà thậm chí có
thể bạn ngồi hay hơn Phật nữa kìa, nhưng mãi mãi bạn không bao giờ trở
thành một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thứ hai. (bạn có thể thành Đức
Phật X, Đức Phật Y... nhưng không thể là Phật Thích Ca Mâu Ni).
Sự kiện Đức Phật Thích Ca ngồi dưới cội cây bồ đề là một sự kiện ngẫu
nhiên. Nếu Phật không ngồi ở đó mà đi thiền hành hoặc ngồi ở cội cây
khác thì Phật vẫn đạt ngộ như thường. Chỉ là một sự trùng hợp ngẫu
nhiên Đức Phật đến dưới cội cây bồ đề và thiền định. Hình tướng không
quan trọng; cây bồ đề không phải là nguyên nhân giác ngộ, cái dáng
ngồi kiết già không phải là nguyên nhân giác ngộ - đó chẳng qua chỉ là
những duyên đưa đẩy đến sự giác ngộ của Phật Thích Ca.
Đừng bao giờ mù quáng chạy theo bắt chước một ai, dù người đó là Đức
Phật. Không phải bạn ngồi kiết già như Phật mà bạn mà bạn có thể thành
Phật. Thực sự là chúng ta nên tu tập theo những lời dạy của Phật nhưng
chúng ta vẫn phải tự mình chứng đạt, tự mình tìm ra tự tánh chân thật tự
xưa của mình. Mỗi người chứng nghiệm một cách. Đức Phật, Lão Tử,
Mahavira, Krishna hay Zarathustra - không có ai gánh nước như
Chiyono mà giác ngộ. Trước và sau Đức Phật Thích Ca, không có ai
ngồi dưới cây bồ đề mà giác ngộ.
Vì thế, đừng đóng khung trong lề thói, trong kinh điển, v.v... Hãy tỉnh
thức và suy nghiệm! Đó là con đường duy nhất để thực hành, để chứng
đạt. Tỉnh thức trong từng sát na, tỉnh thức trong từng hành động, ý nghĩ.
"Bất thình lình giây thừng đứt,
95
Không còn nước, không còn trăng trong nước,
Tay tôi rỗng không, chẳng có vật gì,
Tâm tôi rỗng không, chẳng có vật gì".
Đó chính là những gì mà Đức Phật chứng ngộ; đó chính là định nghĩa
một vị Phật là gì.
"Không - vạn vật giai không".
"Không" không có nghĩa là không có gì, phủ định. "Không" có nghĩa là
"Có" - "Có" có nghĩa là "Không". "Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc,
Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc" (Sắc chẳng khác Không, Không
chẳng khác Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc)... (Bát Nhã Tâm
Kinh)
"Không" trong tay có nghĩa là suối nguồn giác ngộ trong taỵ Vạn vật
giai không, không có cái tướng của ta, không có cái tướng của người,
không có tướng chúng sanh, không có tướng lãnh thọ của chúng sanh
(Kinh Kim Cang).
Và một khi bốn tướng đó đều là Không thì bạn chạm tới bộ mặt thật của
Thiền rồi vậy.
Và Chiyono đã tìm ra: "Không Nước - Không Trăng"
"Tay tôi rỗng không
Tâm tôi rỗng không... "

Câu truyện thiền số 2


Theo truyền thống Thiền Nhật Bản ngày xưa, những tăng sĩ đi vân du
khắp nơi, nếu muốn ngủ trọ qua đêm ở một ngôi chùa hay tịnh xá nào,
đều phải thắng cuộc tranh luận tay đôi với vị sư thường trụ Ở đó. Nếu
không thắng được,vị du tăng đó phải đi, không được phép ở lại, dù chỉ
có một đêm.
Câu truyện xảy ra tại một ngôi cổ tự phía bắc Nhật Bản. Trụ trì ngôi
chùa đó là hai anh em một nhà sự Người anh rất thông thái, biện luận vô
cùng thiện xảo, còn người em lại ngớ ngẩn, lù khù và còn chột một mắt.
96
Một đêm nọ, có một vị du tăng đi ngang qua, muốn xin vào nghỉ tạm qua
đêm. Nhà sư anh, quá mệt mỏi vì đã học hành suốt ngày, nên sai nhà sư
em ra tiếp khách và tranh luận với vị du tăng theo truyền thống. Trước
khi nhà sư em đi ra ngoài, Sư anh dặn dò:
"Này, đệ đòi hỏi là phải tranh luận trong im lặng đó nhé. Đừng có nói,
kẻo đấu không lại người ta đó."
"Huynh yên tâm đi, để đó cho em!"
Độ một thời gian ngắn sau, vị du tăng xin gặp nhà Sư anh, vái chào và
xin ra đi. Ông ta đã bị khuất phục và hết sức tán thán tài hùng biện của
nhà Sư em.
Nhà Sư anh nói:
"Trước khi đi, xin Ngài thuật lại cho tôi nghe cuộc tranh luận thế nào?"
"Rất hay, tuyệt, vị du tăng trả lời, này nhé, trước hết tôi giơ một ngón tay
lên ý tượng trưng Đức Phật. Sư đệ của ngài đưa 2 ngón tay lên có nghĩa
là Đức Phật và Phật pháp. Tôi lại đưa 3 ngón tay lên có ý nói Tam Bảo
(Phật, Pháp, Tăng) số một. Sư đệ thông minh của ngài đưa nắm tay lên
dứ vào mặt tôi có ý nói là cả 3 (Tam Bảo) đều qui về một. Một là tất cả,
tất cả là một. Tuyệt, tuyệt, sâu xa, sâu xa, Đại Thừa, lý rốt ráo đại thừa
đấy. Tôi cam lòng bái phục."
Vị du tăng ra đi, rất hể hả như đã học được một điều gì tuyệt diệu.
Lát sau, nhà sư em vào gặp anh, dáng điệu còn có vẻ bực bội vô cùng.
Vị Sư anh nói:
"Ta biết là đệ đã thắng cuộc tranh luận này."
"Thắng cái gì, cái tên du tăng đó thật là thô lỗ hết sức, nếu đệ không nhớ
lời sư huynh dặn bảo là phải cố gắng nhẫn nại, nhã nhặn và lễ độ với
khách thì em đã cho hắn một bài học thích đáng rồi."
"Sao, đệ thuật lại cho ta nghe sự việc như thế nào?"
"Này nhé, khi hắn ta vừa thấy em, hắn liền đưa một ngón tay lên có ý
chế diễu em chột hết một mắt; em cố dằn cơn giận, đưa 2 ngón tay lên
khen là hắn có phước, đầy đủ 2 con mắt. Thế mà hắn lại có ý trêu ngươi
97
em nữa chứ, hắn đưa 3 ngón tay lên, có ý nói là em và hắn ta, hai người
nhưng chỉ có 3 con mắt thôi. Em bực quá, dơ nắm tay đấm lên dứ vào
mặt hắn có ý cho hắn biết là "Này, vừa phải thôi nghen, lộn xộn là ăn
đấm đó." Hắn chột dạ, có vẻ ngán nên vái chào rút lui có trật tự. Thiệt là
tăng sĩ gì mà thô lỗ hết sức!"
Nhà Sư anh trợn mắt, lắc đầu và ôm bụng lăn ra cười ngất.
"Ha ha ha! Ha ha ha!"

Qua câu chuyện vui trên, ta thấy tất cả những cuộc tranh luận thực ra đều
sai lệch, kệch cỡm, bởi vì không một ai có thể đạt tới chân lý qua tranh
luận cả. Những vị tăng sĩ Nhật Bản tranh cãi nhau, hơn thua nhau chỉ để
khoa trương tự ngã và cái giải thắng là "ngủ trọ qua đêm". Chỉ có một
đêm ngủ trọ thôi mà người ta hăng hái, hùng hổ tranh chấp với nhau.
Nhưng đó là truyền thống và người ta nhắm mắt tuân theo truyền thống.
Hàng ngàn năm qua, tại bất cứ một thiền viện Nhật nào, nếu bạn muốn
ngủ trọ qua đêm, bạn phải thắng cuộc - và sau đêm đó, sáng mai, bạn lại
khăn gói ra đi - nhưng nhiều người đã tự lừa dối mình rằng đã đạt tới
chân lý, giác ngộ qua cuộc tranh luận. Họ lấy sự hơn thua trong cuộc
tranh luận đó làm cái mốc đo tri thức và mức độ tu tập của họ.
Không, hoàn toàn không. Chân lý làm sao hiển hiện ra khi đầu óc bạn
chứa đầy tư tưởng phải đánh gục đối phương, phải thắng cuộc tranh luận
để chứng tỏ sở trường sở đắc của mình. Một khi bạn tìm cách làm sao để
thắng đối phương, bạn đã là một kẻ bạo lực, dù là bạo lực tư tưởng.
Tranh luận là bạo lực. Bạn có thể giết hoặc bị giết qua phương cách đó,
bạn không thể sống còn, và sự thực cũng bị giết chết qua phương cách
đó. Quả thực, bạn không đi tìm sự thực, bạn đi tìm chiến thắng dưới bất
cứ hình thức nào. Khi chiến thắng là mục đích, Chân lý phải hy sinh.
Khi Chân lý là mục đích, chiến thắng hay vinh quang phải dẹp bỏ - và
chân lý phải là mục đích, không phải là chiến thắng bởi vì nếu chiến
thắng là mục đích thì bạn là một chính trị gia rồi, không phải là một
người tôn giáo. Bạn là một kẻ bạo hành, đang tìm cách thống trị đàn áp
người khác. Bạn cũng chẳng khác gì những kẻ đi gieo rắc chiến tranh;
98
một là ta chết, hai là đối phương phải chết. Dù dưới dạng đấu tranh tư
tưởng, thì cơ bản vẫn là tranh đấu.
Chân lý không bao giờ trở thành một sự thống trị cả; Chân lý không bao
giờ hủy diệt một cái gì. Chân lý đưa đến "Tình Thương, Xả Kỷ, Khiêm
Tốn" chứ không đưa đến thất bại, vinh nhục hay bẽ bàng.
Những người đi tìm Chân lý thực sự sẽ không chấp nhận hình thức đấu
tranh. Họ không bao giờ mong muốn chiến thắng vinh quang phải thuộc
về họ, chứ không thuộc về người khác. Trong chân lý, con người gặp
nhau và trở thành một. Không có người chiến thắng, không có kẻ thất
bại. Trong chân lý, không có một ai bị đánh ngã. Trong chân lý, chân lý
là người thắng và chúng ta là người thua cuộc, mất mát. Mất cái gì?
Thua cái gì? Mất cái "tự ngã nhỏ hẹp, ích kỷ, mê mờ." Thua sự "Thương
Yêu Chân Thật". Nhưng nếu trong cuộc tranh luận, tôi là tôi, anh là anh,
không có một nhịp cầu thông cảm bắc ngang.
Làm sao bạn có thể hiểu biết và thương yêu người khác khi bạn đang
chống đối họ?
"Hiểu Biết" và "Thương Yêu" cần có sự đồng cảm, cần sự chia xẻ với
nhau. Hiểu Biết có nghĩa là chịu lắng nghe người khác, tôn trọng ý kiến
của họ, và chỉ khi nào bạn lắng nghe tư tưởng người khác, bạn sẽ nghe
được âm thanh của gió, của chim, của vạn vật vũ trụ. Vì thế, khi bạn
đang bàn thảo một vấn đề gì, đang lý luận một vấn đề gì, bạn thực sự
không có khả năng lắng nghe người khác, bạn chỉ giả vờ nghe nhưng
thực ra không thể nghe trọn vẹn những gì người khác nói, vì sao? Vì lúc
đó, đầu óc bạn đang quay cuồng làm việc để đấu trả lại người khác, khi
kẻ đó ngưng nói là bạn nhẩy tới tấn công ngaỵ Bạn đã chuẩn bị và sẵn
sàng ăn miếng trả miếng với họ.
Đúng vậy, bất cứ một cuộc tranh luận nào cũng không bao giờ mang lại
một sự thông cảm đoàn kết. Càng tranh cãi, bạn càng đi xa dần chân lý.
Bạn đã bị chia cắt làm đôi. Đó là lý do mà các triết gia, các luận sư
không thể nào đạt tới chân lý hoàn toàn. Họ chỉ chạm tới những mạnh vỏ
rời rạc của chân lý.
Ngày xưa, Chúa Giê Su đã đi du thuyết khắp nơi, nhưng tất cả những
người trọn vẹn đi theo Chúa lại là những người rất bình thường, tầm
99
thường, không có đến một người trí thức, không có đến một người học
giả nào. Không phải vì thời đó không có các nhà bác học trí thức, mà trái
lại, các vị học giả lừng danh thời đó không chấp nhận đường lối giáo hóa
của Chúa. Họ phản ứng dữ dội, họ muốn giết Chúa. Vì sao? Vì Chúa rao
giảng Tình Thương, rao giảng Hòa Bình. Chúa nói về Đức Tin trong
sáng, về Tình Yêu Nhân Loại; Chúa dạy con người làm cách nào nối kết
hai trái tim lại với nhau để chung sống hạnh phúc. Những gì Chúa rao
giảng đã đi ngược lại truyền thống xã hội thời đó. Các nhà học giả cảm
thấy khó chịu bất mãn, vì sao? Vì họ quen sống trong đấu tranh, trong tư
tưởng thắng bại, trong hào quang hãnh diện phỉnh phờ lường gạt tâm
thức họ. Tự ái bản ngã được vuốt ve mỗi khi họ tranh luận và thắng đối
phương. Vì thế, không làm sao họ chấp nhận được những lời giảng của
Chúa, và để bảo vệ "cái tôi" của họ, những kẻ học thức đó đã liên kết tìm
cách giết Chúa - và họ đã tìm được kẻ phản bội, Judas.
Những môn đồ của Chúa đều là những người bình thường; họ là những
người thợ làm giầy, thợ săn, câu cá, đốn củi, cô thợ may, chị làm bếp,
v.v... Chỉ có Judas là kẻ có học, một kẻ thông minh. Và kẻ thông minh
học thức đó đã phản bội, đã bán rẻ Chúa với giá 30 đồng bạc. Chúa biết
là nếu có phản đồ thì chỉ có Judas, vì sao? Vì trái tim chỉ có thể bị phản
bội bởi đầu óc. Chỉ có Lý Trí phản bội Tình Thương mà thôi.
Đó là điểm thứ hai tôi muốn nói với bạn, muốn nhắc cho bạn nhớ trước
khi tôi đi vào câu truyện là qua bức màn lô gích, qua mạng lưới tri thức,
qua tranh luận, bạn đã trở thành một kẻ xa lạ với mọi người; nhịp cầu
thông cảm giữa con người và con người đã gẫy. Làm sao bạn có thể đạt
tới Chân Lý khi bạn không thể hiểu người khác, khi đầu óc bạn chứa đầy
tư tưởng đấu tranh, bạo lực? Chính cái tư tưởng bạo hành đó đã hại bạn
rồi vậy.
Vì thế những cuộc tranh luận đều phù phiếm; chúng không hướng dẫn
bạn đi về đâu cả. Ngay cả khi bạn đã thắng và kết thúc cuộc tranh biện
thì kết quả thắng cuộc đó cũng chỉ là gượng ép mà thôi. Bạn có thể bịt
miệng người khác, làm cho đối phương im tiếng, không thể tranh cãi gì
được thêm nửa ngày hôm nay, nhưng chưa chắc kẻ đó đã chịu thua, chịu
khuất phục hoàn toàn. Trong thâm tâm, hắn ta sẽ nghĩ thầm rằng: "Ngày
hôm nay ta tạm thua ngươi, nhưng một ngày nào đó, ta sẽ đánh bại
100
ngươi." Hắn bị đánh bại ngày hôm nay nhưng không phải là sẽ bị thua
mãi mãi. Tuy nhiên, có hai việc khác nhau là nếu bạn thắng đối phương
bằng trái tim thì người đó sẽ chịu thua trong hoan hỷ, an lạc và cảm phục
(nên nhớ "Cảm Phục" khác nghĩa với "Khuất phục"). Người đó hoan hỷ
trong vinh quang của bạn; người đó chia xẻ với bạn sự hãnh diện sung
sướng; vì đó không phải là chiến thắng trong tranh đấu, không phải bạn
chiến thắng ai mà chân lý thắng; cả hai chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng
đều cùng san sẻ khúc khải hoàn ca Chân Lý. Không có người thắng kẻ
bại. Biên giới đã xóa mất, nhịp cầu đã bắc ngang, bạn và tôi tuy hai mà
một, tuy một mà hai.
Vì thế, một vị đạo sư, không bao giờ tranh biện với ai cả. Nếu thỉnh
thoảng, vị đạo sư ấy tỏ vẻ như tranh luận với bạn, thì chớ tưởng lầm nhé
- Ông ta chẳng qua chỉ là đang chơi chữ với bạn đó thôi! Ông ta đang
thử bạn đó. Nếu bạn nóng mặt, phản ứng liền, sợ bị thua thì bạn tự biến
mình thành nạn nhân của trò chơi chữ của ông ta rồi vậy.
Có nhiều vị thiền sư tỏ ra thích biện luận. Rất khó mà đánh bại được họ,
cũng không thể chơi chữ lại họ - nhưng thực ra, các vị thiền sư đó chỉ
mượn trò chơi chữ đó để giúp bạn hâm nóng lại tâm thức, giúp bạn tỉnh
cơn mê, giúp bạn rút chân ra khỏi vùng lầy chữ nghĩa.
Junnaid, một người Sufi, một thời học đạo với Sư Phụ, và vị thầy đó rất
ư là kỳ quặc, chuyên môn nói ngược lại những gì người khác nói, thí dụ
như bạn nói "ban ngày" thì ông ta nói "ban đêm", mặc dù trong lúc đó
đang là ban ngày. Tuy nhiên, Junnaid không màng cải chính lại lời Sư
Phụ. Junnaid chỉ giản dị, bình thản cúi đầu trả lời: "Dạ vâng, Sư Phụ, đó
là ban đêm."
Một ngày kia, Sư Phụ Junnaid gọi Junnaid lại và bảo:
"Này Junnaid, ngươi đã thắng. Ta không thể châm ngòi một cuộc tranh
luận nào với ngươi. Đức tin của ngươi thật sâu chắc, không lay động,
kiên cố. Và bây giờ, ta có thể bắt đầu thuyết giảng chân lý cho ngươi, vì
ngươi đã sẵn sàng tiếp nhận."
Một khi con tim nói lên tiếng nói chân thật của nó, bạn đã có đầy đủ khả
năng lắng nghe và tiếp nhận Sự Thật Tuyệt Đối.
101
Tôi lại kể cho bạn nghe một câu truyện nữa:
"Ngày kia tại một tiểu quốc nọ, vị Tể Tướng đương triều đột nhiên bị
bạo bệnh và từ trần. Vị Tể Tướng này rất tài ba lỗi lạc, khó ai sánh bằng.
Cả vương quốc bàng hoàng và lo lắng. Nhà Vua truyền lệnh phải tìm
gấp cho bằng được một người tài giỏi khác để trám vào chỗ trống của
quan Tể Tướng cho kịp xử lý mọi công vụ quốc gia.
Lịnh ban truyền ra, mọi người từ các quan đến thần dân đều đỏ mắt tìm
kiếm khắp nơi. Không có một hang cùng ngõ hẻm nào bị bỏ sót, và cuối
cùng họ kiếm được ba người để trình kiến nhà Vua.
Người thứ nhất là một nhà tân toán học, một khoa học gia lỗi lạc nhất
nước. Ông ta có thể giải đáp tất cả các bài toán hóc búa nhất trong nháy
mắt, chia chẽ ngọn ngành các phương trình hệ thống khoa học tân kỳ mà
khó có người nào hiểu thấu được.
Người thứ hai là một nhà triết học xuất chúng. Ông ta có thể bẻ gẫy mọi
luận thuyết, giải đáp những vấn đề siêu hình của thế gian không một
chút khó nhọc nào. Ông là người lỗi lạc nhất trong số các triết gia đương
thời. Từng lời nói, câu văn của ông được mọi người khen thưởng và trân
trọng cất giữ như một báu vật thiêng liêng. Ồ, Tạo Hóa còn được các
triết gia vẽ vời ra huống chi những chuyện khác. Họ ngụy tạo ra Thượng
Đế, họ tạo ra ngày mặc khải, họ tạo ra đủ thứ hệ thống, lý thuyết - nhưng
suy cho cùng, tất cả chỉ là bánh vẽ, họ chẳng có gì trong tay họ cả. Họ là
những người thợ sắp chữ rất tài tình khéo léo, kỹ xảo; họ là những người
chơi trò chơi chữ vô cùng độc đáo, đến nỗi chúng ta có cảm tưởng là
mọi điều họ nói đều căn bản, chắc chắn - nhưng thực tế là những lâu đài
xây trên cát mà thôi.
Người thứ ba là một người tôn giáo, một người có đầy đủ đức tin, sùng
bái và dâng hiến.
Ba người được tuyển chọn này tượng trưng cho ba góc độ tư tưởng và tri
thức.
Nhà bác học quan tâm đến những thử nghiệm, nghiên cứu, phân tích. Tất
cả mọi vấn đề phải được ông ta nghiên cứu tường tận, nếu không, ông
không chấp thuận. Sự thật theo ông là sự thực đã được kiểm chứng.
102
Vị triết gia là người tư duy lô gích. Nhà triết học làm việc bằng đầu óc,
chứ không phải trong phòng thử nghiệm. Bộ não của các triết gia chính
là phòng thí nghiệm.
Người tôn giáo thì không nhìn cuộc đời như một bài toán hay một vấn đề
cần phải mổ xẻ, phân tích hay lập luận. Đối với nhà tôn giáo, cuộc đời
không phải là một bài toán hay vấn đề; cuộc đời không có gì và cũng
không cần phải giải quyết; chỉ giản dị thôi, cuộc đời là để "sống, sống
thực thụ và thể nghiệm" trong đó.
Theo quan điểm tôn giáo, cuộc đời không phải là một vật thể. Khi bạn
thử nghiệm một vật gì, bạn hoàn toàn khác với vật đó, bạn là người làm
công cuộc thử nghiệm, và đối tượng của bạn là vật được thử nghiệm.
Nhưng khi bạn sống với cuộc đời, hòa mình nhập thể vào cuộc đời, bạn
là một với nó. Thế cho nên, nhà tôn giáo đã nói: "Trừ phi bạn phải hòa
nhập làm một với cuộc đời, bạn mới có thể hiểu ý nghĩa cuộc sống, nếu
không, bạn sẽ không bao giờ biết được sống là gì?"
Ba người đó được dẫn đến trình diện nhà Vua. Ngài nói:
"Được rồi, các người cứ tự nhiên nghỉ ngơi 3 ngày và đến ngày thứ 4 sẽ
là ngày thử thách, chỉ một cuộc thi mà thôi. Ai thắng sẽ được chọn
phong làm Tể Tướng, cận thần của ta vì kẻ đó thông minh tài trí nhất."
Ba người họ lui ra và bắt đầu suy nghĩ làm việc theo cách riêng của họ.
Ba ngày thôi quả là không đủ đâu vào đâu cả! Nhà khoa học bắt đầu
nghiên cứu những phát minh thử nghiệm mới để sau ba ngày sẽ trình lên
Đức Vua. Ai mà biết nhà Vua sẽ chọn thử nghiệm nào, vì thế ông ta
không tài nào ngủ được, và cũng nhất quyết không lãng phí thời gian cho
ngủ nghỉ. Nếu ông ta thắng, ông ta có cả một cuộc đời để ngủ, tội gì mà
ngủ lúc này? Ông ta không ngủ, không ăn vì nhiều việc phải làm quá
trước ngày thi đấu.
Vị triết gia nhà ta cũng thế; ông ta ngồi trầm tư mặc tưởng đến nhiều vấn
đề. Ông ta cũng không ăn, không ngủ, đi đi lại lại, ngồi đứng không yên.
Bao nhiêu vấn đề trên trời dưới đất gì gì đều được bác triết gia nhà ta lôi
ra mổ xẻ, nghiền ngẫm, phân tích hết.
103
Chỉ có nhà tôn giáo là an nhiên tự tại. Đến giờ ăn, ông ta ăn uống thoải
mái. Đến lúc ngủ, ông ta đánh một giấc an lành. Khi cần cầu nguyện
tụng kinh hay tham thiền, ông ta đều thực hành cẩn mật, đàng hoàng,
nghiêm túc. Ông ta thảnh thơi dạo chơi, ngắm hoa lá, trời mây, và cám
ơn trời đất đã ân sủng che chở cho ông; vì đối với một người tôn giáo,
không cần nghĩ tới tương lai và cũng chẳng có cuộc thi cuối cùng. Từng
giây phút hiện tại là cuộc thử thách, ta phải đối diện nó, chứ không phải
sửa soạn chờ đón thử thách ở tương lai.
Thấy như thế, nhà khoa học và vị triết gia lên tiếng: "Này, người làm gì
thế? Chỉ biết ăn, ngủ, cầu nguyện thôi sao? Phí thì giờ vô ích, hãy lo tìm
phương pháp giải quyết vấn đề đi chớ, sau này có cầu nguyện bao lâu
mà chẳng được."
Nhà tôn giáo chỉ cười, không trả lời; ông ta không phải là hạng người
thích tranh cãi.
Ngày thứ ba chầm chậm trôi qua. Ngày thứ tư đến. Ba thí sinh được mời
đến trình diện. Nhưng nhà khoa học không còn đủ sức đứng vững nữa.
Ông ta mệt quá, hai mắt cứ díu lại, không mở ra nổi, hai chân rã rời,
bước không vững. Còn nhà triết học lỗi lạc kia thì mơ mơ màng màng ở
đâu đâu. Ông ta không mệt lắm nhưng đầu óc như lãng đãng phiêu bồng
chốn nào, không tập trung được. Cái đầu như mớ bòng bong, rối tung
mù mịt lên, câu hỏi này chồng lên câu hỏi kia, vấn đề kia chẳng biết
nguyên nhân kết quả ở đâu, thế nào. Đã mấy lần ông ta muốn tháo lui vì
cảm thấy không chắc ăn, bối rối hẳn lên, nhưng nhà khoa học khuyến
khích: "Ấy, ta cứ thử xem, có sao đâu; nếu thắng, càng tốt, còn lỡ bị
thua, cũng chẳng sao, nhưng dẹp bộ mặt đưa đám của đằng ấy đi chớ, cứ
mạnh dạn lên."
Duy chỉ có nhà tôn giáo là bước tới vui vẻ, thoải mái, an nhiên. Ông ta
ca hát, tiến bước vững chãi trước nhà Vua.
Nhà Vua là một người túc trí đa mưu. Ông đã sắp xếp một cuộc thi tài trí
cho ba thí sinh. Vua sai người dẫn ba thí sinh vào một căn phòng, khóa
lại. Ổ khóa căn phòng đó là một cái ổ khóa số đậc biệt, không có chìa -
và người nào mở được cánh cửa thì thắng cuộc.
104
Nhà khoa học bắt đầu loay hoay tìm và viết ra hàng trăm bài toán để mở
khóa; ông triết gia thì nhắm mắt lại tư duy: "Chà, vấn đề này hóc búa
thật, chẳng phải chơi đâu, con số nào là con số mở khóa đây," vv và vv...
Nhà tôn giáo thì tự nhiên như không. Ông ta chẳng màng đến nhìn cái ổ
khóa, cũng chẳng bóp đầu bứt tóc suy tư gì cả. Ông đâu phải nhà toán
học nên chẳng biết toán mà làm, cũng không phải là triết gia để tìm hiểu
phân chia. Ông chỉ ngồi yên, cầu nguyện, hát lên một bài vinh danh
Thượng Đế và đứng lên đi.
Thời gian trôi qua. Một lát sau, nhà Vua bước vào phòng:
"Ô hay, hai người còn ở đây à? Người thứ ba đã đi ra ngoài từ lâu rồi."
"Nhưng sao hắn ta ra khỏi đây được? Cửa khóa mà... " Hai nhà toán học
và triết gia ngạc nhiên, lắp bắp hỏi.
"Nhưng cửa đâu có khóa," nhà Vua tủm tỉm cười hóm hỉnh trả lời.
Nhà toán học vùng chạy ra túm lấy áo nhà tôn giáo gặn hỏi. Ông này từ
tốn trả lời:
"Tôi chỉ ngồi yên và lắng lòng cầu nguyện. Chợt tôi nghe một tiếng nói
vang lên trong tôi: "Người đúng là một thằng khờ. Hãy đi đi và sẽ thấy.
Cửa không có khóa." Tôi đứng lên đi về phía cửa và quả thực, cửa
không có khóa."
Cuộc đời không phải là một bài toán đố. Nếu bạn tìm cách để giải đáp
bài toán thì bạn đã đánh mất cuộc đời rồi vậy. Cánh cửa cuộc đời luôn
mở rộng, không bao giờ khóa lại. Nếu cánh cửa bị khóa chốt thì nhà
khoa học đã tìm ra đáp số rồi. Nếu cánh cửa bị khóa chốt thì những nhà
triết học cũng lập ra hệ thống nào đó để mở cửa ra rồi. Nhưng cánh cửa
cuộc đời không hề bị gài chốt, vì thế chỉ có Niềm Tin mới có thể đẩy
cánh cửa ra mà thôi.
"Có anh em một nhà sư trụ trì một ngôi chùa phía bắc nước Nhật. Nhà
sư anh rất thông thái, nhưng nhà sư em thì lại ngớ ngẩn, còn chột hết
một mắt... "
Để hình thành một ngôi chùa, đền tháp, hay thánh đường, v.v... người ta
cần đến hai hạng người: một hạng thông thái và một loại ngớ ngẩn. Hạng
105
thông thái làm tu sĩ để dẫn dắt sai khiến đám ngớ ngẩn đi theo họ. Nếu
trên đời này không có đám người ngớ ngẩn thì cần gì có tu sĩ, cần gì xây
đền tháp, thánh đường? Và nếu hạng tu sĩ thông thái kia biến mất đi thì
sẽ không còn những tu viện nữa. Một tự viện, đền tháp, chùa chiền hay
thánh đường luôn cần có hai bộ mặt để tồn tại. Vì thế, bạn không thể nào
tìm thấy Phật hay Chúa nơi thánh đường hay chùa tháp đâu, bởi vì Phật
hay Chúa không bao giờ hiện hữu ở những nơi có hai bộ mặt đối đãi.
Những ngôi tu viện, đền tháp hay thánh đường là những phát minh của
bọn người thông thái tạo ra để khuynh loát lừa bịp những kẻ lù khù, ngớ
ngẩn, dễ tin. Tu sĩ là những người khôn khéo tinh ma nhất; họ tạo ra
nhiều giáo điều, hệ thống tín ngưỡng, cấm kỵ để hù dọa tín đồ; họ sử
dụng những danh từ ngôn ngữ khó hiểu để loè những kẻ ít học ngây thơ;
họ đưa ra những chương trình dự án có vẻ như bảo vệ săn sóc đời sống
tâm linh con người nhưng thực ra là lợi dụng vơ vét tiền bạc của tín đồ
vào túi họ. Họ là những kẻ thống trị nguy hiểm nhất, và những tín đồ tội
nghiệp kia là bọn người bị sai sử lợi dụng; tuy nhiên, với chiếc áo thầy
tu, với hàng rào kinh điển, tín điều, bạn không thể nào chạm đến chéo áo
của mấy lão thầy tu này được đâu. Bạn khó lòng lật tẩy họ được vì chính
những tín đồ ngây thơ mù quáng lại là người bênh vực bảo vệ mấy thầy
tu nầy*. (nếu bạn là một thầy tu chân chính thì sợ quái gì những lời
châm chích này, phải không?)
Nên nhớ kỹ điều này: Đức Phật không bao giờ sử dụng những ngôn từ
khó hiểu. Ngôn ngữ Ngài dùng để thuyết pháp hóa độ là ngôn ngữ Pàli
(một ngôn ngữ bình dân của Ấn) để cho tất cả mọi tầng lớp chúng sanh
đều có thể hiểu được. Phật nói rất giản dị, trong sáng; đưa ra những thí
dụ dễ hiểu, dễ thâm nhập, thực tiễn trong đời sống hàng ngày của con
người. Ngài gạt bỏ những hình thức cầu kỳ, những ngôn từ lập dị, những
phương thức rườm rà, để mọi người trở về với bản thể chân tâm, với vũ
trụ hàm linh thật mau chóng, xác thực và đúng đắn. Chúa Giê Su cũng
vậy, Ngài cũng dùng những hình ảnh ví dụ đơn giản, dễ hiểu. Chúa
không bao giờ dùng bất cứ một biệt ngữ tôn giáo nào. Mahavira, một
đạo sư của Ấn, khi giảng pháp cho tín đồ, cũng nói bằng ngôn ngữ bình
dân, thông thường.
106
Đức Phật và Mahavira không bao giờ sử dụng ngôn ngữ Sanskrist, vì
Sanskrist là ngôn ngữ của giáo sĩ Bà la môn. Sanskrist là ngôn ngữ khó
hiểu nhất, cổ xưa nhất của Ấn. Nghĩa chính của Sanskrist là "đánh bóng
lại, trau chuốt lại". Bọn giáo sĩ đã cố ý sử dụng ngôn ngữ khó hiểu, cầu
kỳ đó để loè những kẻ ít học; vì nếu bạn không hiểu thì bạn mới thán
phục những người thông thái, hiểu biết hơn bạn chứ! Một khi bạn không
hiểu, bạn sẽ cho là những ý nghĩ, những vấn đề các giáo sĩ đưa ra sâu xa,
mầu nhiệm, linh thiêng, người thường không tài nào thấu triệt được - và
từ sự thán phục đó, bạn dễ dàng thần tượng hóa và thần thánh hóa những
"tu sĩ thông thái bác học" đó. Trái lại, Đức Phật, một Đại Đạo Sư của
trời người, một đấng giáo chủ của một tôn giáo rộng lớn khắp thế giới,
một Đại Thánh Nhân, lại sử dụng ngôn ngữ bình dân của Ấn (ngôn ngữ
Pàli). Và Mahavira, một đạo sư nổi tiếng của Ấn, thì dùng ngôn ngữ
Prakrit, một hình thức ngôn ngữ còn phôi thai của Sanskrit, không có
văn phạm rắc rối, không có từ vựng nhiều.
Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện vui:
"Ngày kia, Mulla Nasruđin đi khám bịnh. Ông Bác Sĩ viết toa thuốc
bằng tiếng La Tinh và Hy Lạp. Ông ta viết tháu đến độ Mulla đọc không
được một chữ nào cả (Bác Sĩ nào cũng vậy!)
Mulla hỏi Bác Sĩ:
"Này Bác Sĩ, thôi thẳng thắn với nhau đi. Ông cứ nói bệnh của tôi, đừng
viết chữ La Tinh hay Hy Lạp gì cả, đọc chẳng được một chữ nào."
"Nếu ông khăng khăng muốn biết, thì tôi nói cho ông rõ là ông chẳng có
bịnh gì cả; ông chỉ có bịnh lười mà thôi" bác sĩ điềm nhiên trả lời.
Mulla nói:
"Được rồi, cám ơn. Thôi, bây giờ ông viết toa thuốc lại bằng tiếng La
Tinh hay Hy Lạp gì gì cũng được, để tôi đưa cho gia đình tôi xem."
Qua câu chuyện vui trên, ta thấy những bọn thông thái luôn tìm cách lừa
phỉnh mọi người. Đó cũng là lý do bọn này phản bội, quay lưng làm ngơ
hay chống trái lại Đức Phật, Chúa hay Mahavirạ Nếu bọn giáo sĩ này
cũng dùng những phương pháp giảng dạy dễ hiểu, bình dị và sống trung
thực chân chánh như các Thánh Nhân thì họ đâu còn chỗ đứng nữa. Họ
107
đâu còn được người khác tôn sùng ve vuốt nữa? Bọn giáo sĩ tự cho mình
là người có đủ khả năng hiểu được ngôn ngữ của Thượng Đế; mình là
người duy nhất làm gạch nối giữa con người và Thượng Đế. "Này, anh
muốn gì? Muốn cầu xin hay than thở với Thượng Đế hả? Có ta đây, ta sẽ
nói tiếng Sanskrist với Ngài, ta sẽ phúc trình lên Thượng Đế những gì
anh mong muốn, và anh phải "biết điều" đấy nhé. Chỉ có mình ta giúp
anh được thôi; chỉ có mình ta nói tiếng Sanskrist; Thượng Đế chỉ hiểu
Sanskrist mà thôi!" (và lẽ dĩ nhiên, "biết điều" có nghĩa là phải trả tiền
đấy, nhiều hay ít tùy theo lời cầu xin của bạn dài hay ngắn nữa đấy.)
"Có hai anh em nhà sư nọ trụ trì một ngôi chùa ở phía bắc Nhật Bản.
Nhà sư anh rất thông thái, còn nhà sư em thì lại ngớ ngẩn lù khù còn
chột một mắt nữa... "

Cái hình ảnh "một mắt" trong câu truyện biểu trưng cho cái gì nhỉ? Có
phải chăng là những kẻ dễ tin, ngây thơ thì luôn luôn chỉ có một hướng,
một bộ mặt mà thôi. Họ không bao giờ do dự, đắn đo, suy tư, thắc mắc
hay nghi kỵ. Đối với bất cứ một vấn đề gì, những kẻ tài trí thông minh
luôn luôn chia chẻ, phân tích, mổ xẻ nghiên cứu. Trong thâm tâm những
hạng người nầy, luôn luôn có sự dằng co, mâu thuẫn, xâu xé nhau. Cái
nào sai? Cái nào phải? Cái nào có lợi, cái nào không?
Những kẻ thông thái có học là những kẻ có hai bộ mặt - hai mắt. Và khi
ta nhìn kỹ những kẻ ngây thơ lù khù kia, ta lại thấy họ thánh thiện, trong
sáng hơn bọn bác học thông thái nhiều. Cái nét trong sáng, giản dị, hồn
nhiên đó toát ra từ tấm lòng chân thật thẳng thắn, không đắn đo nghi kỵ.
Còn hạng tài trí lịch lãm kia thì đã mất sự thánh thiện đó tự lâu rồi.
Họ là người đứng giữa trí tuệ và vô minh. Họ tưởng là họ tài trí hơn
người, song thực ra, họ lại là những kẻ ngu xuẩn và thua thiệt nhiều
nhất. Vì thế, đầu óc bọn thông thái bác học luôn bị căng thẳng, không
bao giờ được thư giãn an lạc.
Thánh Francis ngày xưa thường bị chế diễu là một thằng khờ, "một tên
khờ của Chúa". Song, nếu được là thằng khờ của Chúa còn diễm phúc
hơn là cái tiếng bác học của thế nhân. Vì sao? Vì cái "Ngã" kệch cỡm,
108
cái "Ngã" ích kỷ, đáng ghét của Francis không còn nữa, và Thánh
Francis được phong Thánh vì đã diệt trừ được cái "tôi" hợm hĩnh đó.
"Tên Khờ của Chúa!" Nếu bạn đã đọc những tác phẩm văn học lớn của
Dostoevsky, bạn sẽ hiểu hàm nghĩa của các chữ "Tên Khờ của Chúa".
Hầu hết trong các tác phẩm Dostoevsky đều có một nhân vật mang dáng
dấp một "thằng khờ của Chúa". Trong tác phẩm "Những Anh Em Nhà
Karamazov", tên khờ của Chúa có mặt. Tên khờ đó rất ngây thơ, bạn có
thể khuynh loát lừa bịp hắn. Ngay cả khi bạn lừa bịp hắn, hắn vẫn tin
bạn như thường. Tuy nhiên, bạn phải nhớ kỹ điều này: "Bạn có thể hủy
diệt con người hắn nhưng bạn không thể hủy diệt Niềm Tin của hắn - đó
chính là Nét Đẹp Tuyệt Đối Nhân Bản."
Riêng bạn, bạn sẽ phản ứng ra sao khi có kẻ lừa bịp bạn? Nếu bạn bị kẻ
nào đó lừa dối một lần, bạn có thể đâm ra nghi ngờ tất cả mọi người.
Cũng như con chim bị tên bắn một lần, nó sợ cả giây cung và bụi rậm.
Nếu bạn bị lừa dối hai lần, ba lần, bạn sẽ hoàn toàn tuyệt vọng, mất hẳn
niềm tin vào nhân loại.
"Một ngày kia, có một du tăng đi ngang qua chùa, muốn xin vào ngủ trọ.
Nhà sư anh quá mệt do học hành... "
Những người thông thái luôn luôn mệt mỏi bởi chữ nghĩa. Những người
lao động cũng mệt vì công việc nặng nhọc nhưng xong việc rồi, họ cảm
thấy thoải mái, khoẻ khoắn hơn - còn một khi bạn làm việc với chữ
nghĩa - những thứ chữ nghĩa rỗng tuếch - bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi.
Dòng sống luôn chảy về phía trước, dòng sống luôn linh động, tươi trẻ,
tràn đầy sinh lực. Nếu bạn làm việc trong vườn, tiếp xúc với cỏ cây hoa
lá, bạn sẽ đón nhận thêm luồng sinh lực mới, bạn không mất gì cả. Bạn
đi tản bộ dọc theo con đường xanh mát, bạn hấp thụ thêm tinh khí trời
đất, bạn đang sống từng phút giây; nhưng nếu bạn đóng cửa phòng, gầm
đầu vào chữ nghĩa, suy nghĩ và suy nghĩ; dòng sống đã ngưng chảy, đã
chết, và bạn chẳng còn gì ngoài sự lao nhọc tinh thần. Một người thông
thái luôn mệt mỏi. Một tên khờ luôn tươi trẻ, một thánh nhân cũng luôn
tươi trẻ. Tên khờ và vị thánh nhân thật có nhiều đặc tánh giống nhau.
"Nhà sư anh nói với sư đệ hãy ra ngoài tranh luận với vị sư khách,
nhưng dặn dò sư đệ là phải tranh luận trong im lặng... "
109
Vì sao? Vì sư huynh biết chắc rằng sư đệ mình là người ít học, không
biết nói gì, vì thế phải tranh luận bằng cử chỉ trong im lặng để không ai
có thể đoán biết được ý nghĩ. Đo dó, im lặng là vàng; nếu bạn là một kẻ
ngốc, nên im lặng - nhưng nếu bạn là bậc Thánh, bạn cũng nên im lặng
luôn.
Một người "Trí Tuệ" sẽ im lặng vì hắn ta biết rằng sẽ không thể diễn tả
sự hiểu biết bằng ngôn ngữ. Kẻ ngu cũng im lặng vì nếu lỡ nói ra điều gì
sẽ bị chê cười ngaỵ Kẻ ngu có thể lừa bịp mọi người bằng cách im lặng,
nhưng nếu hắn há miệng ra thì sẽ bị lật tẩy ngaỵ Nhà sư Anh biết sư đệ
mình ngớ ngẩn nên đã dặn phải đòi tranh luận trong im lặng để không bị
người khác biết cái tẩy ngu dốt của mình. Do đó, vị du tăng thông thái
kia đã bị đánh bại phải đi nơi khác vì đã lọt vào cái bẫy của nhà sư Anh.
Những người thông thái bác học đều mắc phải cái bịnh hay nói - nói rất
nhiều để phô trương cái giỏi cái hay của mình; cho nên khi không được
nói; họ không biết xoay sở thế nào? Đột nhiên, tất cả những năng kỹ sở
trường đó của họ biến mất. Trong im lặng, họ trở thành những con cừu,
con dê ngớ ngẩn, ngờ nghệch; ngớ ngẩn hơn cả những kẻ ngu thực sự.
Ngay cả kẻ ngốc cũng có thể đánh bại họ. Họ đã bị tách ra khỏi cái thế
giới chuyên môn của mình nên đâm ra lúng túng, khó xử. Thực tế, thật
khó khăn cho một người học thức phải giữ im lặng, không được nói gì
cả. Vị du tăng kia cũng vậy, ông ta phải đi tìm chỗ trọ khác, phải tìm
một nhà sư chịu tranh luận qua ngôn ngữ, qua học thức.
Những động tác, cử chỉ của chúng ta rất sống động. Khi chúng ta đưa tay
lên hay ngó ngoáy cái đầu, cả con người chúng ta cử động theo đó. Khi
chúng ta nhìn một người hay một vật nào, cả con người chúng ta chú
mục đến đối tượng đó. Khi chúng ta bước đi, chúng ta bước đi với cả
thân người chứ không phải chỉ có đôi chân di động. Nhưng đầu óc thì
khác, nó có thể hoạt động liên tục khi chúng ta ngồi yên hay nằm ngủ.
Vì thế, nếu chúng ta muốn tìm hiểu một người nào, đừng nghe những gì
hắn nói mà hãy nhìn kỹ những hành động của hắn: cách hắn ta vào
phòng thế nào, đóng cửa thế nào, ngồi ra sao, đi đứng, ăn uống, nhìn
ngó, v.v thế nào. Có nghĩa là chúng ta hãy quan sát mọi hành động của
hắn. Những cử chỉ của hắn sẽ nói rõ cho chúng ta biết bản chất của hắn,
110
tư cách của hắn. Qua đó, chúng ta biết rõ sự thật con người của hắn
không bị tô mầu hay phủ lên lớp vỏ tri thức nào.
Tôi đã thử nhiều người qua phương thức đó. Tôi nhìn hành động của họ
chứ không quan tâm đến những lời họ nói. Những người đó có thể cúi
đầu xuống chạm chân tôi để tỏ lòng kính ngưỡng, nhưng cả con người
họ toát ra cái mùi Bản Ngã to lớn đậm nét vô cùng, vì thế cái cử chỉ cúi
đầu chạm trán đó rõ thật vô dụng, giả trá. Những con người đó cố dấu
cái bản ngã của họ nhưng rõ ràng họ đang tự lừa dối mình, lừa dối
người. Họ không có sự thành thật nên không làm rung cảm được ai cả.
Soren Kierkegaard từng nói: "Trước kia, khi tôi bước vào nhà thờ, tôi
hay nói lắm. Tôi luôn nói chuyện với người này, hay than thở cầu xin
việc nọ việc kia. Nhưng rồi, tôi cảm thấy thật khờ khạo làm sao khi cứ lê
thê dài dòng than vắn thở dài nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với
Thượng Đế. Con người có cố tật là thích nói nhiều về mình hơn là lắng
nghe người khác nói, cho nên khi đến với Chúa, với Thượng Đế, con
người cũng đem cái tật xấu đó ra mà kể lể, hắn không cho Chúa có một
cơ hội nói chuyện với hắn; cho nên khi có dịp ta đứng trước Chúa, tốt
hơn hết là ta nên lắng nghe Chúa nói."
Và Kierkegaard không kể lể nữa, rồi dần dần ông ta không cầu nguyện
nữa. Ông ta chỉ vào thánh đường, ngồi yên lặng, ngồi thật yên lặng;
nhưng trong sự Tuyệt Đối Im Lặng kia, Tiếng Nói Nội Tâm bắt đầu lên
tiếng.
Khi bạn thực sự quay về lắng nghe "Tiếng Nói Nội Tâm", bạn sẽ đi vào
một thế giới hoàn toàn khác lạ cái thế giới mà bạn đang sống.
Kierkegaard không còn đi nhà thờ nữa. Có người đã hỏi: "Sao ông
không đi lễ nữa vậy?" Kierkegaard đã trả lời: "Bây giờ tôi đã hiểu nhà
thờ là gì; nó có nghĩa là Im Lặng và Lắng Nghẹ Và khi tôi đã làm được
hai việc đó rồi, nhà thờ đối với tôi không còn cần thiết nữa. Tôi có thể
im lặng và lắng nghe bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Những nơi cầu
nguyện luôn đông người quá, họ đến để phô trương bề ngoài, đến để tán
dóc, gặp gỡ nhau hơn là cầu nguyện. Họ làm phiền, quấy rầy tôi quá. Vì
thế, tốt hơn hết là hãy ngồi dưới gốc cây, dưới bầu trời, độc thoại và lắng
nghẹ"
111
Thượng Đế có mặt khắp mọi nơi, không phải chỉ ở tại thánh đường hay
đền thờ. Một khi tâm hồn chúng ta an tĩnh, không lăng xăng vọng động
thì Thượng Đế và chúng ta đã gặp nhau rồi vậy; không cần phải đến nhà
thờ thấy tượng Chúa hay vào chùa thấy tượng Phật mới là gặp Phật, gặp
Chúa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng thấu triệt được điều
đó; cái "Tự Ngã" rườm rà đã che dần đi nét hồn nhiên thánh thiện của
tâm hồn chúng tạ Để rồi từ đó, chúng ta luôn suy diễn hành động lời nói
người khác qua sự ức đoán của mình; nếu lệch lạc sai lầm ít thì dẫn đến
nghi kỵ, mất đoàn kết, không hòa hợp; nếu sai lệch nhiều thì đưa đến
xung đột va chạm nhau từ người và người rồi đến đoàn thể, xã hội, quốc
gia; cũng như vị du tăng và nhà sư chột mắt đã suy diễn cử chỉ của đối
phương qua trình độ tư duy và óc tưởng tượng của mình. Vị du tăng đưa
một ngón tay lên có ý nói tượng trưng cho Đức Phật, nhưng nhà sư chột
mắt lại nghĩ là người kia đang chế diễu sự khuyết tật của mình. Ông ta
đưa hai ngón tay lên tỏ vẻ lịch sự khen vị du tăng còn đủ hai mắt, nhưng
vị du tăng với trình độ Phật pháp cao lại cho là hai ngón tay tượng trưng
cho Đức Phật và Phật pháp... và cứ thế mà hai người suy đoán qua lại.
Khi ta nhìn một đóa hoa, tại sao ta không nhìn trực diện vào đóa hoa để
thấy nụ hoa, sắc hoa, mà ta lại lan man suy diễn "Ồ, đóa hoa này đẹp
như một người con gái xuân trinh", hay nhìn trăng tròn, ta lại tưởng
tượng thấy giống như gương mặt sáng rỡ của người yêu... Đóa hoa là
đóa hoa. Mặt trăng là mặt trăng. Ngón tay là ngón taỵ Đóa hoa không
phải là người đẹp. Mặt trăng không tình như người yêu, và ngón tay
không phải là Đức Phật.
Không có ai tượng trưng cho ai và cũng không có vật gì tượng trưng cho
một người nào đó. Mỗi người là hình ảnh của chính mình. Không có ai
là bản sao của ai cả. Khi bạn nói ngón tay tượng trưng cho Đức Phật thì
Phật là bản chính, còn ngón tay là bản sao của Phật rồi. Đức Phật không
chấp nhận cái hiểu sai lệch đó và tôi, tôi cũng không đồng ý tư kiến đó
của bạn.
Để tôi kể cho bạn nghe một câu truyện: "Ngày kia, có một người đàn
ông tìm tới Bayazid, một đạo sĩ Sifi và hỏi ông ta một câu hỏi. Bayazid
trả lời: "Hãy về đi và một năm sau ông hãy trở lại, bởi vì lúc này đây,
ông đang bị bịnh. Tâm hồn ông, đầu óc ông như là một mớ bòng bong
112
rối mù lên và tôi không thể trình bày diễn giải gì cho ông nghe được cả.
Ông sẽ không lãnh hội gì đâu với đầu óc hổ lốn như vậy. Vì thế, hãy về
đi và tập ngồi yên lặng, tĩnh tâm, thư thái. Một năm sau, hãy trở lại tìm
tôi; lúc đó nếu tôi thấy ông có thể nghe tôi nói, tôi sẽ nói - nếu không,
ông hãy đi tìm người khác."
Người đàn ông đó nghe lời, ra về và tập thực hành theo lời dạy của
Bayazid - nhưng rồi, anh ta cũng không trở lại tìm Bayazid nữa.
Có người thắc mắc nên hỏi: "Sao anh không tìm Bayazid? Anh ta trả lời:
"Bây giờ tôi không cần tìm hỏi Bayazid nữa; tôi đã hiểu những gì
Bayazid nói."
Đó là một nghịch lý, phải không? Chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng
khi nội tâm chúng ta chưa vững vàng thì dù chúng ta có chạy rong cố
tìm kiếm hay cầu xin, van lạy thì chúng ta cũng không thấu triệt được gì;
nhưng một khi chúng ta đã vững chắc sẵn sàng, nội tâm đã an tĩnh thì dù
chúng ta không hỏi, không cầu thì câu trả lời đã an bày sẵn rồi vậy.
Buồn thay! Hầu hết chúng ta đều không có khả năng sống trong hiện tại.
Chỉ có chư Phật mới có khả năng sống trong hiện tại và an trú trong
chánh niệm. Không có một ai hay rất ít, rất ít người có khả năng đó.
Chúng ta hay quay về truy tìm quá khứ, mở rộng tương lai và bỏ quên
hiện tại. Vì thế, chúng ta đã đánh mất mình mà không hay không biết.
... "Hắn đưa 3 ngón tay lên có ý nói là đệ và hắn, hai người có 3 mắt.
Lúc này đệ bực quá, không lịch sự nổi nữa, nên giơ nắm đấm lên đe dọa
"nè, nếu lộn xộn nữa thì ta sẽ đấm vỡ mặt đó." Hắn sợ quá, bỏ đi luôn."
"Nhà sư Anh phá lên cười."
Cái cười của nhà sư Anh có thể là nụ cười giác ngộ. Cái cười đó có thể
là sự chuyển hóa, là một sự thức tỉnh sâu xa mầu nhiệm.
Nhà sư Anh đã thấy cả hai phía rằng vị du tăng đó không hề có ý nghĩ gì
đối với sư đệ mình, và sư đệ dốt đặc cán mai của mình cũng không tài
nào hiểu nổi những gì sư du tăng kia ngụ ý. Cả hai người là hai con
đường ngược chiều, mỗi kẻ một hướng. Họ không bao giờ gặp nhau cả.
Nhà sư Anh cười vì đã thấy rõ tâm thức con người hoạt động mạnh mẽ
cỡ nào, nó có thể lèo lái con người hướng thượng hay hướng hạ, có thể
113
thành bậc Thánh, vĩ nhân hay thành một tên cùng đinh hèn hạ, một tên
đạo đức giả, đội lốt; có thể sống đúng đắn hay trái phạm đều do nó cả.
"Tâm là chủ. Tất cả đều do Tâm tạo."
Nhà sư Anh cười.
Nụ cười giác ngộ, nụ cười trọn vẹn.
Giây thừng đứt, thùng nước rơi.
Không còn nước trong thùng.
Không còn trăng trong nước.
"Tay ta rỗng không, chẳng có vật gì.
Tâm ta rỗng không, chẳng có vật gì."

Câu truyện thiền số 3


"Thiền sư Hakuin rất được mọi người trọng vọng kính nể vì phong cách
đạo đức thánh thiện của ông.
Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa của thiền sư
bỗng bị chửa hoang. Người ta không biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô gái
vô cùng tức giận và xấu hổ nên đánh đập tra khảo cô con gái về lai lịch
tình nhân của cộ Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng sau
cùng vì bị đánh đập dữ dội, cô tiết lộ đó là thiền sư Hakuin.
Tin xấu đồn ra nhanh chóng. Cha mẹ cô gái giận dữ, đùng đùng lên chùa
và mắng xối xả vào mặt Hakuin. Khi họ dứt lời, Hakuin chỉ thốt hai
tiếng "Thế à!"
Sau khi đứa bé chào đời, gia đình cô gái mang đứa bé quẳng cho Hakuin
nuôi. Trong thời này, Hakuin đã bị tai tiếng và nhiều người chê bai trách
móc ông đủ điều; nhưng Hakuin vẫn thản nhiên như không, dường như
câu chuyện kia chẳng có dính líu gì đến ông cả.
Hakuin chăm sóc đứa bé thật tử tế và bồng nó đi xin sữa khắp nơi.
Một năm sau, cô gái vì cảm thấy ray rứt hối hận nên đã thú thực với cha
mẹ là người cha đứa bé không phải là Hakuin mà là một chàng thanh
niên làm việc ở chợ cá. Cha mẹ cô ta vội chạy lên chùa dập đầu tạ lỗi với
Hakuin và xin mang đứa bé về.
114
Thiền sư Hakuin vẫn thản nhiên như không, thốt lên hai tiếng "Thế à!"
Đời sống thánh thiện là gì? Bạn định nghĩa trong sạch như thế nào?
Thực ra, những gì bạn định nghĩa "đạo đức, trong sạch, v.v... đều không
phải là sự trong sạch, đạo đức thực sự. Vì sao? Vì "Đạo Đức, Trong
Sạch" mà đặt trên một tiêu chuẩn nào thì không phải là Đạo Đức hay
Trong Sạch đúng nghĩa. Cái thứ đạo đức mà bạn đang nói đó chỉ là một
sự tính toán, đo lường, định mức - một sự tính toán luân lý mà thôi. Cái
thứ đạo đức đó không phải là đạo đức của bậc Thánh Nhân. Cái thứ đạo
đức có tiêu chuẩn, có tính tóan đó là thứ "đạo đức giả hiệu", là thứ "đạo
đức tối nghĩa".
Chúng ta cần phải luận bàn rõ ràng điểm này. Nếu bạn chịu khó suy nghĩ
sâu xa hơn nữa với Trí Tuệ, bạn sẽ hiểu một vị Thánh thế nào, một
người thông minh thế nào, một người có kiến thức thế nào. Nếu bạn hiểu
đúng đắn thì tất cả sự việc sẽ diễn biến đúng; nếu bạn hiểu sai thì vạn sự
đều sai.
Sự Thánh Thiện chân xác, vô tư như đứa bé con. Đầu óc một đứa bé con
thật trong sáng. Đứa bé không biết phân tích, chia chẽ. Đứa bé không
bao giờ tách rời và đánh giá sự kiện: đây là Chúa, đây là quỉ sứ; cái này
tốt, cái kia xấu, cái này đúng, cái kia sai, v.v và v.v - nhưng sự thánh
thiện đạo đức theo ý bạn là sự lựa chọn, đánh giá. Bạn đã làm một sự
phân chia ranh giới Thiện Ác rõ ràng, bạn đã chia cắt thực tại và sự chia
cắt đó không bao giờ dẫn đường bạn tới Chân Lý.
Sự Vô Tư Thánh Thiện chỉ nẩy mầm đơm bông khi hiện hữu không bị
chia cắt. Bạn đón nhận nó y như nó là. Bạn không chọn lựa, không chia
chẽ, không đánh giá một sự kiện nào. Bạn phải vượt lên trên ranh giới
chia hai đó, bạn phải vượt lên trên những định mức, tiêu chuẩn đặt ra bởi
đầu óc hẹp hòi thiên kiến của người đời thì bạn mới hy vọng nắm bắt
được Chân Lý Tuyệt Đối. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta phải dùng trí tuệ phân
biệt đúng sai nhưng đừng để bị dính mắc vào tư kiến phân biệt đó để tâm
tư, tầm nhìn chúng ta không bị đóng khung vào những tiêu chuẩn định
mức giả tạm. Sự việc này "đúng", "phải" là đúng phải như thế nào? Con
người kia hành động "sai", "trái" là sự sai trái ra sao? Có phải chăng là
do một số đông người chấp nhận đồng ý đó là giá trị luân lý xã hội thì
chúng ta cho hành động này là đúng theo góc độ đạo đức này, việc làm
115
kia sai theo góc độ luân lý kia v.v. và v.v... Những bảng giá trị định mức
đạo đức luân lý đó từ đâu phát sinh rả Có phải chăng cùng từ tư kiến chủ
quan của một vài người nào đó đề xướng ra và gặp may được mọi người
hoan nghinh công bố.
Để tôi kể cho bạn nghe một nghịch lý như sau:
"Khalil Gibran đã viết một câu truyện thật hay, thật tuyệt: "Có một vị tu
sĩ đang vội vã đi về phía nhà thờ. Ngay trên đường đi, ông ta bỗng thấy
một người đàn ông sắp chết. Người này bị mất máu nhiều, đang hấp hối;
có lẽ hắn bị kẻ nào đó tấn công quá nặng - hắn bị thương nhiều nơi, máu
me tràn lan.
Vị tu sĩ này đang gấp đi, ông ta phải đến nhà cầu nguyện đúng giờ, nhiều
tín đồ đang đợi ông ta giảng đạo. Nhưng ông ta là một con người đạo
đức (tôi nói ông ta "đạo đức" chứ không nói ông ta "thánh thiện"). Ông
ta tự nghĩ mình sẽ làm gì trong trường hợp này. Ông ta suy tính: "Tốt
hơn hết là phải cứu kẻ sắp chết này. Đó là những gì Chúa Giê Su đã dạy.
Nên quên nhà thờ đi, những con chiên đi; họ có thể đợi một chút mà -
nhưng kẻ này phải được giúp đỡ liền, nếu không hắn sẽ chết mất."
Và rồi ông tu sĩ này tiến đến gần người đàn ông hấp hối đó, nhưng ngay
phút ông ta nhìn tận mặt kẻ sắp chết, ông ta bỗng giật thót người lại,
bàng hoàng. Bộ mặt này nhìn có vẻ rất quen thuộc, có vẻ rất ư là tội lỗi.
Và ông tu sĩ này chợt nhớ là ở nhà thờ ông ta có một bức tranh vẽ tên
Tội Lỗi - và đúng rồi, đúng là người này rồi. Đúng là tên Tội Lỗi, chẳng
có ai khác đâu. Ông tu sĩ hốt hoảng chạy về phía nhà thờ.
Tên Tội Lỗi ngóc cổ dậy gọi lớn:
"Nè tên linh mục kia! Hãy nghe đây. Nếu ta chết, ngươi sẽ hối hận mãi
mãi đó nghen. Vì nếu ta chết đi, nếu tội lỗi không còn, thì Chúa nhà
ngươi sẽ ở đâu? Nếu cái Xấu mất hết, thì cái Tốt cũng không còn đất
đứng nữa! Nhà ngươi có mặt bởi vì có Ta, cái Tốt được nêu lên vì có cái
Xấu đối lập, Chúa hay Thượng Đế, Thánh Thần hiện hữu vì có Tội Lỗi
đứng kề bên! Hãy nghĩ kỹ đi!"
Ông linh mục dừng lại. Tên Tội Lỗi kia nói đúng, đúng thật. "Nếu tội lỗi
không còn thì địa ngục cũng đâu có. Và nếu không có sự sợ hãi thì ai sẽ
116
tôn thờ Chúa nữa? Tất cả những lời cầu nguyện, van xin thống thiết kia
đều bắt nguồn từ sự Sợ Hãi. Bạn sợ hãi, tình yêu của bạn đối với Thiên
Chúa cũng dựa trên sự sợ hãi tội lỗi và trừng phạt. Cái tốt đẹp của bạn
cũng được đo lường qua sự tội lỗi. Chúa, Thượng Đế hay Thánh Thần gì
gì đi nữa đều cần có tên tội lỗi này."
Tên Tội Lỗi lại lải nhải tiếp:
"Chúa cần ta đó! Tin ta đi, Chúa không thể nào không có ta. Tất cả thánh
đường, đền thờ sẽ sụp đổ và sẽ không còn một con chiên, một tín đồ nào
nếu không có ta. Và ngươi sẽ không tìm thấy một người tôn giáo nào
nếu ta không còn có mặt trên đời này. Ta dụ dỗ bọn chúng, ta mê hoặc
con người; qua sự dụ dỗ mê hoặc của ta, các ngươi trở thành những tên
đạo đức. Ngươi có bao giờ nghe là có một tên đạo đức nào lại không bị
lọt vào cạm bẫy của tội lỗi không? Tất cả đều bị ta dụ dẫn hết. Chính ta
tạo ra bọn chúng; chính ta tạo ra bọn đạo đức đó. Hãy quay lại đây!"
Ông linh mục do dự một chút, nhưng quả thực tên Tội Lỗi ranh ma này
có lý - và hắn có lý một cách rất "người". Ông ta lắp bắp: "Ông nói có lý
thật. Quả thực ông rất có lý. Chúng tôi sẽ ra sao, sẽ về đâu nếu không có
ông?" và vị linh mục kia vác tên Tội Lỗi lên vai cõng hắn tới nhà
thương. Ông ta đợi ở đó cho tới khi biết chắc rằng tên Tội Lỗi kia sẽ qua
được cơn nguy hiểm và sống sót - và một khi tên Tội Lỗi sống sót thì
nhà thờ, đền đài, các tu sĩ, các tôn giáo sẽ tồn tại.
Vị linh mục kia quả thực là một người đạo đức, nhưng không phải là
một người thánh thiện. Cuộc đời của ông ta là cả một chuỗi dài tính toán,
đo lường; và một khi bạn tính toán thiệt hơn thì bạn đã thua cuộc rồi
vậy; một khi bạn chia chẻ cuộc đời ra, biến nó thành một bài toán lô gích
thì không có cách gì bạn thắng cuộc được. Trận chiến giữa Ác và Thiện,
giữa Tội Lỗi và Đạo Đức đã quyết định - bạn là người thua cuộc.
Một con người trong sáng vô tư không phân biệt thánh phàm, thiện ác,
tốt xấu, tội lỗi hay đạo đức. Một con người trong sáng hoàn toàn sống
với sự thuần khiết nội tâm, không tính toán so đo. Người đó thật giản dị,
trung thực và thanh khiết. Người đó sống an lạc trong phút giây hiện tại,
lúc này, ngay bây giờ, chứ không trôi về quá khứ hay bay bổng theo
117
tương lai. Danh từ "Qúa Khứ" "Tương Lai" không có nghĩa lý gì đối với
người đó. Chỉ có phút giây Hiện Tại là quan trọng.
Nhưng cái Đạo Đức của bạn... Cái đạo đức của bạn đó được cấu tạo ra
bởi các vị tu sĩ và các tu sĩ đó sánh vai với tên Tội Lỗi; tên Tội Lỗi và
các tu sĩ không thể tách rời, họ cần có nhau để tồn tại. Vì thế, cái vỏ đạo
đức mà bạn đang đánh bóng đó không phải là sự thánh thiện, không phải
là sự trong sáng vô tư. Song, nếu hễ có người nào hành xử có vẻ đạo đức
theo cách bạn nghĩ thì bạn sẽ tôn sùng, vinh danh người đó ngaỵ Bạn sẽ
gọi người đó là vị thánh, là một người đạo đức. Những vị thánh, những
người đạo đức đó chẳng qua chỉ là những hình nộm được khoác áo qua
sự nhận xét đánh giá của bạn. Cái tiêu chuẩn, cái giá trị luân lý định mức
đó chỉ là cái vỏ che dấu sự sợ hãi, và sự trá hình đó thật khéo léo đến nỗi
bạn cũng bị đánh lừa, bạn tự lừa dối mình luôn.
Krishnamurti đã từng nhấn mạnh rằng không nên lựa chọn, không được
lựa chọn gì cả; một khi bạn thích tính toán lựa chọn, bạn đã sai lầm rồi
vậy. "Hãy nhận thức, hiểu biết, đừng chọn lựa so đo - ngay cả cái
"Không Chọn Lựa", cũng phải vứt bỏ luôn. Hãy đơn giản hiểu rằng,
những gì bạn chọn lựa so đo để hành xử đều phát xuất từ đầu óc tính
tóan của bạn. Cái thứ đầu óc đó chỉ có thể tạo ra những giấc mộng, chứ
nó không thể nào dẫn bạn tới Chân Lý được. Chân Lý luôn luôn hiện
hữu trước mặt chúng ta, không cần phải tạo ra. Chỉ cần chúng ta nhìn
thật trung thực, đúng đắn; một cái nhìn không phân biệt thì Chân Lý tức
thời hiện hữu.
Một con người trong sáng vô tư không phải là một chiến sĩ; người đó là
vị thánh; nhưng con người của đạo đức xã hội là một chiến sĩ, không
phải là thánh nhân. Dù đó là trận chiến nội tâm, bạn đang chiến đấu với
chính bạn chứ không phải với người nào khác thì trận chiến vẫn là trận
chiến; chỉ khác danh từ một chút là trận chiến bên ngoài hay trận chiến
bên trong mà thôi; thực nghĩa danh từ chiến đấu vẫn là một với thắng
bại, hơn thua, vẫn là ranh giới hai bờ đối đãi.
Con người của sự trong sáng thánh thiện đúng nghĩa không cần phải
chiến đấu, không cần phải đàn áp hay bao vây cái gì. Chẳng có cái gì
phải chiến đấu, chẳng có người nào cần phải đàn áp. Người đó đi đứng
118
an nhiên tự tại vượt Không - Thời Gian, không bị ràng buộc dính mắc
mà cũng không trói chèn ai cả. Tự Do Tuyệt Đối!
Nếu bạn thấu hiểu toàn triệt vấn đề, bạn mặc nhiên đón nhận mọi việc,
và thái độ đón chào đó dẫn đường bạn tới sự trong sáng toàn thiện, và sự
trong sáng đó cũng không cần được ai vinh danh bốc thơm cả.
Chân Lý mãi mãi vẫn là Chân Lý. Chân Thiện Mỹ mãi mãi là Chân
Thiện Mỹ. Dù có hay không có ai nhắc tới thì sự thực vẫn là sự thực,
không thay đổi. Tuy nhiên, đạo đức thì lại khác. Đạo đức thuộc về một
quốc gia; thánh thiện thì không biên giới. Đạo đức thuộc về một thời đại
nào đó; thánh thiện thì vô kỳ. Đạo đức thuộc về một xã hội nào đó, nhiều
môi trường xã hội khác nhau thì có nhiều mẫu đạo đức khác nhau -
nhưng thánh thiện thì chỉ có một. Dù bạn đi bất cứ nơi đâu, thánh thiện
vẫn chỉ là một; như mùi vị nước biển, chỉ có một vị là mặn, giáo lý đạo
Phật chỉ có một vị là vị giải thoát. Đức Phật, Chúa Giê Su, hay
Ramakrishna, những bậc Thánh vĩ đại này đều chỉ có mục đích là ban
vui cứu khổ cho chúng sanh. Nhưng con người của đạo đức thì lại khác.
Nếu họ là tín đồ Ấn Độ giáo thì cách hành xử của họ lại khác với người
đạo Hồi, khác với người đạo Thiên Chúa. Con người của đạo đức phải
theo những mẫu mã, luật lệ, qui ước của xã hội họ đang sống. Có nhiều
xã hội thì khuôn mẫu đạo đức cũng có cả triệu thứ. Xã hội thay đổi thì
khuôn mẫu đạo đức thay đổi. (ghi chú thêm của người dịch cho dễ hiểu:
Thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Trung Hoa, người dân lấy tôn chỉ đạo
đức của Đức Khổng Phu Tử làm kim chỉ nam xây dựng xã hội, qui chế.
"Tam Cương" ( quân, sư, phụ) và "Ngũ Thường" (nhân, nghiã, lễ, trí, tín
) là gốc đạo đức, là khuôn phép hành xử của người dân. Nhưng đến nay,
cơ chế thay đổi, xã hội thay đổi, cái khuôn mẫu đã được tôn trọng ngàn
năm đó đã thay đổi theo thời đại, theo quan niệm mới để phù hợp với
trào lưu tiến hóa của nhân loại).
Chân Thiện Mỹ thì vĩnh cửu - vượt Thời gian, Không gian, không giới
hạn bởi quốc gia, dân tộc, môi trường xã hội, v.v... Chân Thiện Mỹ vượt
qua tất cả những gì do con người định đặt, tạo tác.
"Thiền Sư Hakuin được mọi người xung quanh trọng vọng kính nể vì
phong cách đạo đức thánh thiện của ông."
119
Những người đó thực sự không biết gì cả; họ không biết rằng những lời
khen, tâng bốc đó không ảnh hưởng chút nào tới thiền sư Hakuin. Họ
cho rằng "Hakuin là một người đạo đức" nhưng thực ra, Hakuin không
phải mẫu người đạo đức theo cách nghĩ của họ. Hakuin là một người
thánh thiện, một người chân tịnh. Hakuin là một người tôn giáo, và hãy
nhớ sự khác biệt này - Hakuin là người đã đạt tới Chân Thiện Mỹ vĩnh
cửu; nhưng mọi người xung quanh Hakuin không thể nào thấu đáo được
sự khác biệt giữa đạo đức và sự thánh thiện vượt ra ngoài qui tắc đạo
đức luân lý đời thường. Người ta cũng có thể nghĩ rằng Hakuin là vị
thánh, nhưng Hakuin không phải là vị thánh theo quan niệm của họ.
Hakuin là bậc thánh, nhưng không phải là bậc thánh theo sự đánh giá
định mức của họ. Những tiêu chuẩn, qui tắc của người đời không thể áp
dụng vào thiền sư Hakuin. Bạn phải quăng bỏ đi những đánh giá phán
xét của bạn và chỉ "nhìn", nhìn bằng con mắt thứ ba, mắt trí tuệ, mắt nội
tâm thì bạn mới thấy được chân tướng một vị thánh.
"Một ngày kia, người con gái nhà gần chùa thiền sư Hakuin bị chửa
hoang. Cha mẹ cô ta giận dữ đánh đập cô ta để tra hỏi lai lịch cha đứa
bé, và cô ta đã nói đó là Hakuin. Bị cha mẹ cô gái mắng nhiếc thậm tệ,
Hakuin chỉ điềm nhiên thốt lên hai tiếng "Thế à!"
Thiền sư Hakuin không chấp nhận cũng không phủ nhận. Hakuin không
nói "Tôi không chịu trách nhiệm chuyện này". Hakuin cũng không nói
"Tôi chịu trách nhiệm chuyện này." Hakuin chỉ điềm nhiên thốt lên hai
tiếng không ăn nhập vào đâu hết "Thế à!"
"Thế à!" nghĩa là thế nào? Nó có nghĩa là một sự nhận chịu ngay cả khi
sự nhận chịu đó không cần thiết phải có. Bởi vì khi bạn nói "Tôi chấp
nhận" thì tận cùng thâm tâm của bạn không ưng chịu; bạn đã chối bỏ
nhưng bạn ép bụng mà nhận. Hakuin không nói "Có" cũng không nói
"Không". Hakuin không cần phải tranh cãi vô ích. Nếu người ta đã gán
cho ông cái tội như vậy, thì nếu càng biện hộ lại càng làm cho mọi người
nghi ngờ hơn. Hakuin không chọn lựa, không tranh cãi gì cả. Hãy nhớ
một điều là "nếu ta càng biện hộ tranh cãi thì càng nói lên sự sợ hãi,
khuyết điểm của ta vậy."
Nếu Hakuin chỉ là một vị sư bình thường, một người đạo đức bình
thường, một người được coi như là vị thánh, thì Hakuin sẽ chống trả tự
120
bào chữa ngay là ông không phải là cha đứa bé đó, rằng ông không hề
phạm tội, rằng ông trong sạch, rằng ông bị người ta vu oan v.v. và v.v...
ngay cả nếu ông có phạm tội, ông cũng không nhận. Một người đạo đức,
một người được mọi người tôn trọng như một vị thánh, sẽ phủ nhận
quyết liệt ngay nếu họ không phạm tội - nhưng Hakuin, thiền sư Hakuin
không hề bào chữa, không hề biện minh điều gì, cũng chẳng nói nói lời
gì ngoài hai tiếng "Thế à!"
Cái gì đã xảy ra trong tâm Hakuin? Không, không có gì cả. Hakuin chỉ
lẳng lặng nghe những lời buộc tội đó, chỉ điềm nhiên nghe những lời
khinh chê báng bổ đó, Hakuin không phản ứng cách này hay cách khác.
Ông không nói có cũng chẳng nói không. Nội tâm không xao động,
phong cách vẫn an nhiên tự tại, Thiền sư Hakuin đón nhận đứa bé với
tinh thần vô quải ngại, vô úy.
Một khi ta phản ứng, một khi ta nói cái này đúng, cái kia sai, cái này có,
cái kia không, thì ta đã bộc lộ sự sợ hãi của ta rồi. Chỉ có Sợ Hãi mới
đưa đến phản ứng chống trả lại. Còn tinh thần không sợ sệt, không khuất
lấp, không ngại ngần sẽ đưa đến bình tĩnh an nhiên trước nghịch cảnh.
Vì sao? Vì chính tinh thần vô quải ngại, vô úy đó mới là sức mạnh nội
tâm tuyệt đối, sức mạnh mãnh liệt của bậc siêu phàm, bậc đại Bồ Tát.
Còn chúng ta, nếu có ai xúc phạm một chút, nói dèm pha một chút là
chúng ta thấy khó chịu phản ứng ngay liền. Tại sao? Tại sao chúng ta lại
lo sợ mất thể diện quá vậy? Tại sao chúng ta phản ứng tức thời ngay
vậy? - có phải trong tâm chúng ta có điều gì khuất lấp, có tì vết gì
chăng? Vì thế một khi có ai chạm đến, vô tình hay hữu ý, chúng ta cảm
thấy đau nhói, khó chịu. Cổ nhân nói: "Thuốc đắng giã tật, sự thực mích
lòng." Sự thực làm người ta đau đớn khó chịu bởi vết thương còn đó,
còn rỉ máu. Chúng ta tự biết mình có tì vết nên hễ ai chạm đến thì chúng
ta không cười nổi, chúng ta phải la toáng lên nếu không muôn sự việc đổ
bể ra. Do đó những kẻ đạo đức giả, những kẻ đội lốt thánh nhân rất dễ
lừa bịp mọi người qua lớp áo đạo đức thánh thiện. Một khi họ đã tạo
được sự tin tưởng nơi mọi người rồi thì họ nói gì, chúng ta cũng biện hộ
cho họ là đúng, là phải hết. (Người ta thực quá ngây thơ đến độ tội
nghiệp!). Và khi chúng ta đã hoàn toàn tin tưởng rồi thì dù kẻ đó là kẻ
cắp hay một tên ba xạo thì chúng ta cũng tin kẻ đó là thánh nhân giáng
121
phàm độ thế. Lúc đó chúng ta không e dè nghi ngại gì kẻ đó nữa, có thể
đem hết tài sản tâm tư đặt vào con người đó.
Đúng vậy, một con người đạo đức giả hiệu luôn luôn tìm cách bảo vệ
chính mình, luôn luôn tìm cách phô trường bộ mã quân tử chân chính;
lúc nào hắn ta cũng phải che dấu bộ mặt thật của hắn dưới lớp áo sơn
phết mầu đạo đức hay huyền bí. Những kẻ đó không bao giờ dám vỗ
ngực lớn tiếng nói mạnh rằng: "Ồ, người ta phê bình tôi như vậy à?
Được rồi, tôi phải tự kiểm điểm lại xem tôi đã làm những gì và có lẽ
người ta phê bình tôi đúng đấy!"
Tham Lam, Sợ Hãi, Sân Hận, Si Mê... tất cả những tánh xấu đó đều cần
có bộ áo giáp che chắn bên ngoài. Trong tận cùng thâm tâm chúng ta,
chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta thật hèn nhát khi phải che dấu bộ
mặt thật chúng ta sau lớp áo giáp đó.
Một đứa bé khi mới sanh ra nào biết cái gì là tốt, cái gì là xấu. Nhưng nó
được cha mẹ dạy bảo phải biết phân biệt cái này cái kia. Nó sẽ bị phạt
nếu nó làm điều gì mà người lớn cho là sai trái - nhưng với lứa tuổi ngây
thơ kia, đứa bé không tài nào hiểu được rõ ràng tốt là phải thế nào, và
xấu là như thế nào mới là xấu! Tuy nhiên vì cha mẹ nó nói là xấu thì nó
phải tin đó là xấu, nếu không nó sẽ bị phạt đánh đòn. Nó phải nghe lời vì
cha mẹ nó có quyền uy, và dưới sự thống trị uy quyền đó, sự ngây thơ
trong trắng của đứa bé bị bóp méo, vặn vò, chèn ép. Đựa bé phải tạo cho
nó một chiếc áo giáp để tự bảo vệ. Nó đâm ra sợ hãi, mất tự nhiên khi bị
sai bảo làm việc gì vì nó biết sẽ bị phạt nếu nó làm không đúng, hoặc sẽ
được thưởng nếu người lớn cho là tốt, phải. Nó không còn tự nhiên nữa;
nó không còn trong sáng ngây thơ hoàn toàn như bản chất của nó. Người
ta đã nhồi nhét vào đầu óc trẻ thơ vô tư của nó một số quy luật, ước lệ,
khuôn mẫu của đạo đức xã hội và nó phải tùng phục, không được có ý
kiến.
Sự Ngây Thơ Trong Sáng của đứa bé đã bị "đầu độc" - và đứa bé vác lên
vai những khuôn mẫu, những qui ước xã hội nặng nề đó, rồi từ từ lớn
lên, nó đi vào cuộc sống với tâm trạng héo hon, nghi kỵ, ưu tư, với tâm
hồn đã cằn cỗi đóng khung. Nếu nó dám bất tuân, không phục, sống theo
ý muốn của nó tức thì nó sẽ bị xã hội lên án và trừng phạt. Có khi tội của
nó không quá đỗi nặng nề để bị xử phạt nhưng nó vẫn bị trừng phạt vì nó
122
dám sống theo ý nó, nó dám cãi lại không phục, nó dám sống cho nó.
Thế thì liệu sự trừng phạt đó có hoán chuyển nổi con người nó hay
không? Hay chỉ tạo ra những hậu quả ngược lại?
Bạn là Cha, là Mẹ. Bạn tự cho mình có quyền trừng phạt đứa con nếu nó
dám cãi lời. Cũng vậy, Tòa Án Đạo Đức Xã hội sẽ trừng trị kẻ nào dám
đi ngược lại bánh xe khuôn mẫu xã hội. Có khi nào bạn tự gẫm lại, nhìn
kỹ lại lòng mình tại sao bạn lại trừng phạt con bạn khi nó đi ngược lại ý
bạn, nó dám sống cho nó? Bạn viện dẫn lý do là bạn dạy dỗ nó, muốn nó
trở thành người thế nọ thế kia và bổn phận nó phải vâng lời, nhưng thực
ra không phải vì Tình Thương bạn dạy con cái mình mà chính Tự Ngã
của bạn đang được vuốt ve nếu con cái bạn dễ dạy, phục tùng. Khi nó
dám cãi lại thì bạn bị xốc ngay vì Tự Ngã của bạn bị va chạm nặng nề.
Nếu bạn xem lại những kinh sách cổ xưa như Cựu Ước, Kinh Koran hay
những kinh sách khác, bạn sẽ thấy hình ảnh Thượng Đế, Chúa như thế
nào. Trong Kinh Cựu Ước có câu: "Vâng lời là đạo đức; không vâng lời
là tội lỗi." - và những kẻ nào tội lỗi phải bị đày xuống hỏa ngục đời đời.
Nếu sự phục tùng vâng lời bị cưỡng ép đe dọa như vậy thì ngay từ lúc
đầu đứa bé đã học được một bài học vỡ lòng là: phải tính toán cái gì làm
được, cái gì không làm dược. Nó sẽ tìm cách chinh phục bạn, ve vuốt
bạn, làm sao trở thành một đứa bé ngoan để được thưởng. Đựa bé đã biết
đóng kịch, biết nói dối, biết che dấu lọc lừa. Nó đang bị đánh mất dần
bản tánh trung thực của nó. Để tự bảo vệ, đứa bé bắt đầu sống dưới hai
bộ mặt. Chúng ta cũng như đứa bé con này, luôn núp sau một nhãn hiệu,
một tên gọi.
Nhà bác học Pascal thường nói: "Thế giới này đầy dẫy những tên điên và
những đứa trẻ con bị rơi vào tay những tên cuồng loạn ngớ ngẩn đó.
Những đứa trẻ ngây thơ thánh thiện kia đã bị họ bóp méo, vo tròn và đầu
độc. Một số chạy trốn qua cửa sau và trở thành những tên tội phạm. Một
số chạy ra cửa trước và trở thành những nhà thông thái, kỹ sư, bác sĩ
v.v... Song, những nhà thông thái và những tên tội phạm có cùng một
tính chất "nổi loạn". Tên tội phạm nổi loạn chống lại những khuôn mẫu
đè nặng lên hắn nhưng hắn đi sai đường nên hắn trở thành tội phạm. Sự
nổi loạn của hắn đưa đến sự phá hủy, tiêu diệt. Còn các nhà thông thái
hay các vĩ nhân khác cũng nổi loạn nhưng nổi loạn đúng đường, theo
123
chiều hướng đập phá cái cũ, xây dựng cái mới; bộc lộ sự nổi loạn của họ
qua sự sáng tạo và cải thiện.
... "Cha mẹ cô gái rất giận dữ, tra khảo cô về lai lịch cha đứa bé. Lúc đầu
cô ta không nói, nhưng sau cô ta tiết lộ đó là Hakuin. Cha mẹ cô ta chạy
lên chùa và mắng xối xả vào mặt thiền sư Hakuin. Sư Hakuin vẫn điềm
nhiên nhẹ nhàng nói "Thế à!" "Khi đứa bé được sanh ra, nó bị cha mẹ cô
gái đem quăng bỏ cho Hakuin. Thời gian này, Hakuin đã bị tai tiếng dèm
pha rất nhiều, nhưng Hakuin chẳng quan tâm gì cả."
Đối với bực thượng nhân, những lời tâng bốc, khen thưởng hay những
lời châm biếm thóa mạ chẳng có tác động gì đến họ cả. Họ đã vượt ra
ngoài những lý luận dung tục tầm thường của người đời. Còn chúng ta,
chúng ta quan tâm quá đến dư luận; quan tâm quá đến ý kiến của người
khác. Tại sao dư luận lại quan trọng đối với chúng ta như vậy? Tõi sao
chúng ta lại lo lắng đến ý kiến suy nghĩ của người khác? Bởi vì chúng ta
không còn tự chủ được nữa. Từ nhỏ, người lớn đã tập cho chúng ta phải
cúi đầu tùng phục nên chúng ta cũng không còn biết mình là ai nữa.
Chúng ta lệ thuộc vào người khác quá nhiều, chúng ta coi trọng dư luận
quá nhiều. Nếu họ nói chúng ta đúng, tốt thì chắc chắn chúng ta như vậy.
Nếu họ nói chúng ta sai, xấu thì quả thật chúng ta sai, xấu, không trật
chút nào. Chúng ta tự biến mình thành nô lệ cho dư luận, nô lệ ý kiến
người khác. Chúng ta thiếu can đảm để có thể dám nói "Ý kiến của họ là
ý kiến của họ. Tôi là tôi, không ăn nhập dính dáng gì đến họ cả. Nếu tôi
không tốt thì dù họ có dấu diếm, sơn phết cho tôi thì tôi vẫn là một
người xấu. Nếu tôi tốt đẹp, dù họ có nói vạn lời đi chăng nữa thì sự thực
vốn không thay đổi. Dư luận là dư luận; tôi là tôi."
Quả thực, người nào tự biết mình rồi sẽ không bao giờ bị lay động bởi
những gì người khác nghĩ về họ.
"Như tảng đá vững chắc không lay động bởi sức gió,
Người trí không lay động bởi khinh chê yêu ghét của người thường."
(Kinh Pháp Cú).
Dư luận ý kiến người thường cũng giống như thời tiết thay đổi và không
bao giờ giống nhau. Sáng nay trời có mây đến trưa thì quang đãng. Lúc
này thì rực nắng chói chang, bây giờ thì lại mưa rồi. Thời tiết thay đổi
124
bất thường, dư luận người đời cũng biến đổi như chong chóng. Hãy nhìn
ông cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, mới vừa phút trước ông ta
là đỉnh cao thiên hạ, phút sau ông ta bị hạ bệ liền, chẳng còn gì hết. Ý
kiến thay đổi, những người từng thân cận ông quay lại chống đối ông
ngay tại chỗ - cũng chính những con người đó! Họ mới vỗ tay chào đón
ta, phút sau quay lại phỉ nhổ vào ta liền.
Thói thường tình đời là vậy: nhưng người đưa ta lên ngôi cao cũng chính
là những kẻ sẽ hạ ta xuống thấp trước nhất. Qui luật ngàn đời đó thật
chua chát, mai mỉa làm sao, phải không? Những người bốc thơm ta,
khen thưởng ta nhiều nhất cũng là những kẻ sẽ phản bội, quay mũi giáo
về ta trước nhất. Vì sao? Vì chính bản thân họ vốn là loại người phân
biệt, kỳ thị. Họ luôn đứng giữa hai bến bờ kựa chọn, và với tư tưởng sằn
có như vậy, họ sẽ chọn cái nào có lợi cho họ nhiều nhất, lẽ dĩ nhiên.
"Hakuin chăm sóc đứa bé thật tử tế. Sư đi khắp nơi xin sữa, thức ăn và
tất cả đồ cần dùng cho đứa bé. Một năm sau, mẹ đứa bé vì ăn năn hối
hận đã vu oan cho Hakuin, thú thực với cha mẹ rằng cha ruột đứa bé là
một tên bán cá ngoài chợ."
Quả tình, sư Hakuin đã chịu nhiều cay đắng. Sư có thể bị chửi rủa, mắng
nhiếc, khinh ghét, thậm chí có thể bị liệng đá vào người; - những người
mà trước kia đã từng dâng hoa cúi đầu đảnh lễ dưới chân Sư cầu xin ân
phúc - nhưng Sư Hakuin vẫn thản nhiên như không, ngày ngày bế đứa
bé đi xin sữa khắp nơi, mặc những lời nhiếc móc ngoài tai. Thiền Sư chỉ
chú tâm săn sóc đứa bé, một linh vật đáng thương đang bị bỏ rơi. Thiền
Sư ban rải tình thương vô phân biệt, tình thương của chư Phật cho đứa
bé. Thiền Sư chăm sóc đứa bé thật tử tế, trước sau như một, không thay
đổi.
Hối hận ray rứt vì thấy tăm tiếng của Thiền Sư bị tổn hại rất nhiều, vì
nghe những lời xầm xì chê bai nhiếc móc, vì thấy những cánh cửa đóng
sầm lại tàn nhẫn vào mặt Sư khi ngài bế đứa bé đi xin sữa hay thức ăn,
cô gái đã thú nhận rằng cha đứa bé là một anh bán cá ngoài chợ.
"Cha mẹ cô gái hối lỗi vội vàng chạy đến xin tạ lỗi với Thiền Sư và xin
mang đứa bé về. Thiền Sư Hakuin vẫn điềm nhiên thốt lên hai tiếng
"Thế à!"
125
Thật kính cẩn thán phục một bậc chân sư, một bậc đại Bồ Tát. Trong
vinh quang, hạnh phúc hay đau khổ thất bại, sống hay chết, bậc Thánh
nhân không hề rúng động, luôn luôn an trú trong tịch nhiên tự tại.
Hai tiếng vỏn vẹn "Thế à!" của Sư Hakuin bộc lộ trọn vẹn sự Tỉnh Thức
Chân Nguyên của bậc chứng đạo. Cuộc đời tặng ta cái gì, ta đón nhận
cái đó. Nó tặng ta đau khổ và chê bai nguyền rủa, hãy dang tay ôm tất cả
vào lòng. Nó tặng ta thành công hay hạnh phúc, hãy an nhiên đi đứng
thẳng lưng trong vầng hào quang đó.
Và nhớ là đừng khởi niệm phân biệt gì cả. Nếu ta khởi lên một vọng
niệm nào, tức thì ta bị mất thăng bằng ngay, và một khi đã mất thăng
bằng, thì lẽ dĩ nhiên ta sẽ bị té ngã xuống bất cứ lúc nào.
Sự thăng bằng nội tâm chính là bản nguyên thánh thiện. Khi ta giữ được
thăng bằng nội tâm, ta là bậc thánh. Khi ta không giữ được, để cho tâm
thức nghiêng ngả bên này bên kia, ta dễ vướng vào tội lỗi. Nhưng hãy
nhớ kỹ thế này, tội lỗi không chỉ thành hình khi ta hành động, mà nó đã
nẩy mầm ngay trong ta khi ta bị mất thăng bằng - có nghĩa là quan trọng
nhất đừng để bị loạn tâm, ý thức khởi lên phân biệt. Tội lỗi thành hình
ngay trong ý tưởng vừa loé lên chứ không đợi đến khi xuất phát ra hành
động.
"Tâm là chủ. Tâm tạo tác ra tất cả." Nếu Thiền Sư Hakuin nói: "Được
rồi. Bây giờ qúi vị đã biết sự thật rồi sao?" thì Hakuin cũng tầm thường
như bao kẻ phàm phu khác, vì nó có nghĩa là Sư đã chờ đợi cái giây phút
mà người ta sẽ tìm ra sự thật và sẽ tìm đến ông xin lỗi, v.v.. và v.v... Nó
có nghĩa là Sư Hakuin đã chờ đợi cả năm trời cái giây phút trong tương
lai đó, ông đã cố gắng che đậy cái ý nghĩ là: "Một ngày nào đó, sớm hay
muộn, họ sẽ tìm ra sự thật là ta không phải là cha đứa bé, họ sẽ ta lỗi với
ta, danh dự ta sẽ được phục hồi, v.v... " Nếu Hakuin không phải là thánh
nhân, ông ta chắc sẽ nghĩ và cầu nguyện các đấng thiêng liêng phù hộ
cho ông ta sớm được phục hồi danh dự. Dù Hakuin thản nhiên bên
ngoài, nhưng nội tâm ông ta đã đảo điên, mất thăng bằng rồi vậy.
Nhưng không, Hakuin không cầu nguyện cũng chẳng chờ đợi một cái gì.
Đứa bé đang bị bỏ rơi, Sư dang rộng vòng tay ôm nó vào lòng, săn sóc
nó, che chở nó, cho nó tình thương rộng lớn; đứa bé cần cha mẹ, Sư
126
thương nó hơn cha mẹ ruột thương con. Suối "Tình Thương Vô Ngã"
trong Sư Hakuin tuôn chảy chan hòa lên vạn vật, lên đứa bé trong từng
giọt sữa đi xin, trong từng miếng cơm đạm bạc. Năm tháng trôi qua, lớp
áo bốn mùa thay đổi, đứa bé lớn lên trong tình thương của Sư Hakuin -
và rồi, cha mẹ đứa bé đã tìm tới, tạ lỗi và xin mang đứa bé về. Sư
Hakuin vẫn điềm nhiên tọa thị trao đứa bé lại và cũng thốt lên vỏn vẹn
hai tiếng "Thế à!"
Nếu như là một người thường khác, thì họ sẽ cảm thấy đau khổ mất mát
vô cùng, vì một khi ta chăm sóc thương yêu một đứa bé, hy sinh cho nó
từng chút một, vui trong tiếng cười của nó, buồn trong tiếng khóc của nó
thì "Ái Hữu" trong ta cũng khởi lên sự dính mắc ràng buộc. Tình thương
ta ban cho nó bao nhiêu thì sự ràng buộc chiếm hữu trong ta cùng to lớn
lên từng đó. Một sợi giây ràng buộc, một sự liên kết vô hình thắt chặt lại
người cho và kẻ nhận.
Nhưng Sư Hakuin không mừng, không giận, không buồn; mọi biến cố
trong năm qua dường như không hề tác động ảnh hưởng gì đến Sư.
Nội tâm Sư Hakuin phẳng lặng như mặt nước hồ thu, không gợn một
mảy may sóng nào. Sư Hakuin có mặt trong cuộc sống, nhưng Sư là
người ngoài dòng đời phàm tục; "hoà nhưng không đồng". Bậc Bồ Tát
hòa hợp với chúng sanh để hóa độ nhưng không cùng một bản chất,
không bị nghiệp quả chuyển lôi. Nếu chúng ta có thể đi ngược dòng sinh
tử, có thể là người đứng ngoài hí trường thiên hạ thì sớm hay muộn gì
chúng ta cũng sẽ thấu triệt được "Không Nước - Không Trăng" - "Tay ta
rỗng không, tâm ta rỗng không.
Hai tiếng "Thế à!" đã nói lên tất cả những gì trong lòng Hakuin. "Thế à,
nếu là như thế thì được rồi."
Bậc Bồ Tát đón nhận mọi sự cố xảy ra không lựa chọn, không phản đối.
Và một khi không lựa chọn phân biệt thì không có nước, không có sự
phản chiếu, không vầng trăng, không bóng trăng.
Xách nước qua đây
Đai tre ải đứt,
Thùng vỡ đáy tung,
Nước ào ra hết.
127
Đâu còn đáy nước trăng trong,
Hư không còn lại tay không hững hờ.

Câu truyện thiền số 4


"Thiền Sư Mamiya là một đạo sư nổi tiếng. Nhưng trước kia khi ngài
còn cầu pháp dưới sự chỉ đạo của Sư Phụ, ngài đã bị chất vấn phải giải
đáp thế nào là "tiếng vỗ một bàn tay?" Mặc dù Mamiya đã ngày đêm gia
công thiền quán về câu hỏi đó, Sư Phụ vẫn không hài lòng và đã rầy
Mamiya: "Ngươi không chuyên tâm cần cầu tu học gì cả. Ngươi dính
mắc nhiều quá vào lợi dưỡng, danh vọng- và nhất là vào tiếng vỗ một
bàn taỵ Tốt hơn hết là ngươi nên chết quách đi cho xong."
Lần khác, Mamiya lên gặp Sư Phụ và khi được hỏi về công án đó,
Mamiya lăn quay ra đất, thẳng cẳng giả bộ như người chết.
Sư Phụ hé mắt nhìn hỏi:
"Ừ, ngươi đã chết rồi, vậy tiếng vỗ một bàn tay là thế nào?"
Mở mắt ra, Mamiya trả lời:
"Ồ, con vẫn chưa giải đáp được."
Sư Phụ hét lớn:
"Cái gì? Người chết không trả lời! Cút ngay!"
Thiền có một đường lối chỉ dạy rất độc đáo, riêng biệt gọi là Công Án.
Công án là một câu đố tối nghĩa, vô lý. Bạn không thể nào giải đáp nó
được. Càng cố công giải đáp công án, bạn càng đi vào bí đạo. Vị Sư Phụ
cứ nói: "Cố lên, cố lên, ngươi không chịu cố công tìm hiểu gì cả." Song,
ông ấy đang phỉnh gạt bạn đấy, vì sao, vì làm sao bạn có thể giải đáp
một câu đố vô nghĩa được. Công án là một bài toán không đáp số, một
trò chơi chữ vô nghĩa mà các Thiền sư dùng để thử tài trí đồ đệ của
mình. Công án đó không tùy thuộc vào sự nổ lực của người thiền sinh.
Dù bạn có chạy theo công án đó đến hụt hơi chết ngất đi nữa thì bạn
cũng không bao giờ tìm ra đựơc ẩn số của nó. Nhưng nếu bạn an nhiên
bình thản nghiền ngẫm nó như một trò chơi thú vị với tất cả tổng thể con
người bạn, bất chợt bạn sẽ bùng vỡ ý thức về nó.
128
Tiếng vỗ một bàn tay...
Âm thanh chỉ phát ra khi có hai vật chạm vào nhau, chứ chỉ có một vật
thì làm sao gây ra tiếng động được? Do đó, ngay trong câu hỏi. "Tiếng
vỗ một bàn tay", ta đã hiểu ngay đó là một câu hỏi vô lý vô nghĩa rồi,
nhưng thói thường, người ta hay dùng tri thức để khám phá, suy luận
một vấn đề; vì thế người đệ tử đã rơi đúng vào cạm bẫy của ông thầy.
Mamiya cũng vậy, đã gắng sức suy tư nghiền ngẫm về câu hỏi của Sư
Phụ, vì cho rằng phải có ẩn ý gì sâu kín bên trong, phải có sự bí mật nào
đó đằng sau câu hỏi; nhưng không ngờ công án đó chỉ là một xảo thuật
mà Sư Phụ Mamiya (cũng như các vị thiền sư khác) sử dụng để giúp đệ
tử rạch toang lớp màn tri kiến, phá vỡ thành trì ngôn luận, chọc thủng
mạng lứơi vô minh để khai phóng nội tâm, thoát khỏi cái vỏ tự ngã to
tứơng.
Toàn thể sự văn minh của con ngừơi đều nằm trong phạm vi Cái Tôi cả:
văn hóa, quốc gia, dân tộc, phong tục, tập quán, tôn giáo, vv. Tất cả
những giấc mơ vĩ đại, siêu quần đều qui tụ vào con ngừơi vì nó tự cho
rằng con ngừơi là động vật tối linh duy nhất đứng thẳng trên hai chân.
Con ngừơi không phải là thú vật, nó hoàn toàn khác hẳn, nó là độc nhất,
nó không thuộc vào thế giới loài thú. Vì thế, càng lúc cái Ngã càng bành
trứơng to ra, bao trùm lên tất cả và dẫn dắt con ngừơi xa rời thực tại,
đánh mất tâm linh, khiến họ mơ mơ hồ hồ, nhận thức sai lạc.
Điểm thứ hai là chúng ta là những kẻ chỉ biết bắt chước như con vẹt mà
thôi. Bắt chước thì dễ dàng hơn là phải có tính xác thực và có lập trường
riêng. Chúng ta bắt chước người này, tập theo phong cách người nọ; cả
cái xã hội này và những con người, văn hóa tập tục đều lập đi lập lại, tái
diễn liên tục. Tất cả đều bắt chứơc lẫn nhau. Chúng ta đựơc chỉ bày phải
xử sự thế này thế nọ, chúng ta phải sống theo hướng này hướng kia,
chúng ta phải suy nghĩ, phải ăn nói theo cách mà những người khác đang
hành động, vv. và vv. Những con người tôn giáo - mang danh tôn giáo -
những tu sĩ, những nhà thần học, họ cũng chỉ dẫn, bắt buộc chúng ta
phải bắt chứơc làm theo như Chúa, như Phật, như Krishna; không có
một ai bảo chúng ta là "Hãy là chúng ta". Không một ai cả. Không một
ai cho phép chúng ta sống cho chính mình, là tự chính mình. Không một
ai cho chúng ta cái tự do đó cả. Chúng ta không thể sống cho chúng ta
129
đựợc. Chúng ta là một phần tử của xã hội, là một phần tử của thế giới,
chúng ta phải bắt chước ngừơi khác, chúng ta phải sống y như người
khác đang sống. Chúng ta không còn và cũng không có tự do cá nhân để
hành xử theo ý hứơng của mình. Chúng ta không cõn là chúng ta nữa.
Thật kỳ cục và ngớ ngẩn làm sao! Ngày xưa, chính Đức Phật cũng đã bị
thiên hạ nói phải bắt chước giống như Rama, như Krishnạ Nhưng Đức
Phật đã không làm theo ý họ, vì thế Ngài đã thành một vị Phật. Đức Phật
giác ngộ vì Ngài không muốn trở thành một nạn nhân cuả sự bắt chước
ngu xuẩn, không muốn trở thành một nạn nhân cuả tư tưởng, cuả tập tục,
lề thói, của xã hội. Nếu chúng ta bắt chước ngừơi khác, chúng ta đã đánh
mất mình rồi còn gì! Tuy nhiên, chúng ta có dám cách mạng như Đức
Phật không? Có dám sống, dám nghĩ, dám làm như Ngài không?
Từ lúc chúng ta bắt đầu biết nhận thức, chúng ta đã bị uốn nắn theo
khuôn mẫu người lớn đặt để cho chúng ta - và đó là cái mà người ta gọi
là nhân cách. Nếu đứa trẻ nào sống đúng qui tắc khuôn mẫu như vậy, nó
sẽ đựơc ban thưởng xứng đáng; ngựơc lại, nó sẽ là đứa trẻ bất trị, có vấn
đề.
Thực sự, chúng ta đã bị tước đoạt quyền sống ngay từ lúc mới chào đời.
Cái gọi là Tự Do chỉ là một danh từ suông, rỗng tuếch và giả dối.
Người vợ không muốn người chồng sống theo ý muốn của anh ta. Người
chồng không cho phép người vợ tự do có ý kiến, tự do phát biểu, tự do
sống.
Không một ai muốn người khác sống cho họ, sống đúng theo ý họ cả;
bởi vì nếu người nào dám sống theo ý mình, người đó rất nguy hiểm.
Những qui ước, luật lệ, những phong tục, tập quán, lối xử thế, cách suy
nghĩ đều bị rập khuôn - mọi người đều phải đi đúng khuôn mòn lối cũ;
không đựơc đi trệch hướng. Người trước ta đi một bước trái, một bước
phải, ta cũng phải đi một bước trái, một bước phải. Người trước ta rớt
xuống hố, ta cũng phải lăn tòm theo. Ta đã được huấn luyện phải trở
thành con cừu kêu be be lê lết theo vết chân đằng trước. Không dám có ý
kiến, không dám làm khác đi; ta chỉ biết cúi đầu và phục tùng, cúi đầu và
phục tùng thật tội nghiệp đáng thương!
130
Dồn nén! Con người bị dồn nén; xã hội bị dồn nén; cả một thế giới bị ức
chế; và sự ức chế tâm lý đó đã tạo ra những bi kịch cùng bịnh tật cho con
người. Không một ai có đựơc một hạnh phúc thực sự cả; con người chỉ
có đau khổ, ray rứt và suy sụp toàn diện.
Freud (một triết gia người Áo) đã nói: "Nhân loại không còn và cũng
không có khả năng lãnh hội; và cũng không có hy vọng đựơc cứu độ".
Ông ta đã nhận xét đúng, cái phương cách, con đường mà nhân loại đang
đi tới đó, chỉ có đau khổ, ức chế và vô vọng. Không thấy một dấu hiệu
sống nào; không có một chút sinh lực nào; không có đến một tia sáng hy
vọng cỏn con nào. Và rồi những con người máy móc đó, những con
người giả hiệu đó, sau khi đến tận cùng bờ vực thẳm của cái gọi là
khuôn mẫu xã hội, sau khi bị dồn nén quá độ, đã bùng nổ ra như trái
bom và chống trả lại. Có kẻ bùng nổ và tìm cách hủy diệt người khác.
Có người đi theo các đạo sư hầu mong tìm ra một lối thoát; nhưng đáng
buồn thay, trong những đền thờ, thánh đừơng, chùa miễu, vv... họ lại gặp
những con người rập khuôn. Những nơi tôn nghiêm đó chỉ là những nấm
mồ hoang lạnh. Với Chúa, ta là con người thực sự; nhưng đứng trước
Đức Giáo Hoàng của Tòa Thánh Vatican, ta phải là một tên biết bắt
chước và phục tùng.
Chúa Giê Su không bao giờ là một phần tử của xã hội. Ngài vẫn là một
người đứng ngoài vòng xã hội. Tất cả những bậc chân sư, những người
tôn giáo thực thụ luôn luôn là những người lạ mặt, đứng ngoài vòng xã
hội. Nhưng các thánh đường, các chùa miễu, đền thờ là một phần của xã
hội, và các nhà tu sĩ không còn là người đại diện cho Tôn Giáo, đại diện
cho sự thánh thiện linh thiêng nữa; họ bây giờ đại diện cho tiền bạc,
danh vọng; họ đại diện cho nền kinh tế của xã hội. Càng xây những ngôi
thánh đường nguy nga vĩ đại, càng xây những đền đài chạm trỗ tinh vi,
càng bộc lộ cho người ta thấy nền kinh tế phồn vinh của đất nước đó, xã
hội đó _ song như một thiền sư đã nói: "Điện Phật to lớn nhưng Phật
trong không linh".
Karl Marx đã đúng khi ông ta nói tôn giáo đang nằm trong tay những
nhà tư bản hay những người trưởng giả phong kiến, những người
khuynh loát và có quyền lực. Tôn giáo giờ chỉ còn là một công cụ cho sự
khuynh loát thống trị. Marx đã nói đúng về bộ máy quyền hành của Tòa
131
Thánh La Mã Vatican hay tôn giáo cuả Mecca và Medina; nhưng Marx
đã sai lầm về Mohammed, về Chúa Giê Sụ Marx đã sai lầm vì không
thấu triệt đựoc hoàn toàn phong cách đạo đức của các bậc Chân Sự Các
đấng Giáo chủ khác xa với cái gọi là tôn giáo của xã hội.Mamiya sau
này trở thành một vị đạo sư nổi tiếng...
Nhưng hãy nhớ kỹ rằng chỉ những người nào là đệ tử chân chính thì mới
trở thành những đạo sư chân chính đựơc. Người nào chưa bao giờ làm đệ
tử, chưa bao giờ là người cầu đạo, chưa bao giờ học hỏi hiểu biết giới
luật kinh điển là gì, thì không bao giờ có thể thành thầy dạy người khác
đựơc. Trước khi ta muốn dạy người, ta phải học cho chính mình trước
đã. Nhưng moi. người đều muốn làm thầy người khác, muốn dạy bảo
người khác trước, muốn chứng tỏ cho mọi người biết ta đây ngon lành
tài giỏi hơn người chứ không muốn làm đệ tử, cho nên trên đời này có
quá nhiều những tên thầy rỗng tuếch, bịp bợm. Bạn cũng vậy, cái tự ngã
của bạn cũng muốn một bước thành thầy người khác, thành vĩ nhân,
thành thánh, nên bạn cũng trở thành một tên thầy kém tài đức _ nhưng
không những chỉ riêng mình bạn gặp nguy hiểm mà bạn còn dẫn dắt
nhiều kẻ khác vào đường cùng nữa. Một người mù dắt những kẻ mù
khác rơi tòm xuống hố.
Hãy nhớ rằng, cái bản ngã cuả ta bao giờ cũng muốn bành trứơng. Ta
không thể để mất một dịp may nào có thể lên mặt dạy dỗ kẻ khác; ta có
thể mất hàng ngàn cơ duyên học hỏi, nhưng ta không thể mất một dịp
may được dạy bảo kẻ khác. Có người nào đó hỏi ta một câu, có khi ta
cũng chẳng hiểu hoàn toàn ý câu hỏi đó, nhưng ta vẫn gân cổ lên trả lời
(sợ gì cơ chứ, chắc gì kẻ hỏi ta đã giỏi hơn ta) cho nên cái bãn ngã của ta
được vuốt ve,
được khoái chí khi chứng tỏ ta đây là kẻ hiểu biết, đầy kiến thức. Đó là
lý do trên đời này có lắm kẻ dậy người nhưng rất hiếm các bậc chân sự
Những người thầy đó có thể nói, có thể giảng đạo, thuyết pháp, có thể
tranh luận rất thiện xảo; họ có thể tạo ảnh hưởng đến mọi người, nhưng
họ không phải là những bậc Chân Sư có tu chứng thực, có kinh nghiệm
sống thực.
Muốn trở thành một bậc đạo sư thực thụ, muốn trở thành một vị thánh,
một vĩ nhân, một bậc chân sư, ta cần phải triệt để xả bỏ và khai phóng
132
toàn diện chấp Ngã và chấp Pháp - có nghiã là không thấy có cái ta đang
dạy người, đang thuyết pháp, không thấy có người để học, cũng không
thấy có những pháp môn, phương tiện thuyết giáo. Cái Thực chỉ hiển
hiện khi cái Giả đã bị hủy bỏ.
Mamiya sau này trở thành một vị đạo sư nổi tiếng; nhưng khi ông ta còn
tu học dưới sự hướng dẫn của Sư Phụ, ông ta bị buộc phải giải thích thế
nào là " Tiếng vỗ một bàn tay?"
Lúc đó, Mamiya đã không thể thấu suốt được ẩn ý của Sư Phụ khi ra
một câu hỏi vô lý như vậy. Mamiya cứ miệt mài vào công án đó như con
dê húc đầu vào tường đá, ngày này qua tháng nọ. Sư Phụ Ông cũng
không giải thích cho ông, vì có gì đâu mà giải thích; nhưng Mamiya vẫn
không nản chí bỏ cuộc vì Mamiya tuyệt đối tin tưởng vào Sư Phụ mình.
Khi Sư Phụ đưa ra công án. "Tiếng vỗ một bàn tay", chắc chắn phải có
gì trong đó. Dù công án đó khó giải thích, khó hiểu, vô nghĩa, phi lý đến
đâu đi nữa nhưng khi Sư Phụ nói thì chắc chắn có cái gì mà ta không
hiểu nổi. Mamiya tự nghĩ như vậy và miệt mài tư duy hành trì công án
mà Sư Phụ đã đề ra. Niềm tin mãnh liệt và sắt đá của Mamiya đối với Sư
Phụ chính là động lực giúp Mamiya nhẫn nại hành trì công án. Nhưng
Sư Phụ Mamiya vẫn không hài lòng, ông la rầy Mamiya: "Ngươi không
cố công tu học gì cả. Ngươi còn đắm nhiễm quá nhiều vào tiền bạc, vào
những lạc thú trần tục, nhất là vào tiếng vỗ một bàn taỵ Có thể may ra
ngươi chết đi, lúc đó ngươi mới thấy đựơc lời giải đáp."
Sư Phụ Mamiya nói thế có nghĩa gì? Vị thầy cố ý chỉ dẫn cho đệ tử thấu
đáo rằng không những ăn uống, tiền bạc, danh vọng là những thứ vật
chất cám dỗ đầy nguy hiểm mà cái tư tưởng bám viú ôm giữ lấy những
thứ đó cũng là trở ngại trên đường tìm giải thoát.
Mamiya đã bỏ nhà cửa, gia đình, vào tự viện sống đời tu sĩ, chỉ có ba
tấm cà sa, một bình bát khất thực, một cái đãy lọc nước và một manh
chiếu nhỏ ngủ qua đêm. Không còn gì quí báu xa hoa cả, thật quá đơn
giản, phải không? Nhưng nếu Mamiya chưa xả ly đựơc cái tư tưởng bám
víu vào cái Không đó cũng vẫn còn là chấp thủ. Vị Sư Phụ nói: "Ngươi
vẫn còn chấp vào tài sản, vật chất... " (thực ra, các tu sĩ đâu có vật chất
tài sản gì) - song, vị Sư Phụ đâu có phải nói cái vật chất tầm thừơng bên
ngoài, mà ông ta muốn nói đến cái tâm niệm, cái tư tưởng bám víu vào
133
ba tấm cà sa, vào cái chùa, vào cái danh hiệu tu sĩ, vv... Nếu ta tham đắm
vào thiền định; thiền định từ phương tiện trở thành cứu cánh. Nếu ta bám
víu vào cầu nguyện, tụng kinh; kinh điển trở thành chướng ngại, hàng
rào bao bọc lấy tạ Dù tham ngồi thiền, tham tụng kinh, tham làm việc
thiện, tham tu hành v.v... vẫn còn là tâm tham. Dù tham thiện khác xa
với tham bất thiện, tham vẫn là tham. Chính cái tâm tham đắm đó đưa ta
lộn lạo luân hồi trong ba cõi sáu đừơng. Chính cái tâm tham đắm đó cản
ngăn ta chứng đao..
Vì thế vị Sư Phụ đã nói: "Tiếng vỗ một bàn tay đã ràng buộc ngươi.
Ngươi đã cố công tìm cách giải thích nó cho bằng đựơc. Đừng tham
đắm, bám giữ như vậy. Chính ngươi đã ràng buộc ngươi. Có thể may ra
ngươi chết đi, lúc đó ngươi mới thấy đựơc lời giải đáp."
Nhưng Mamiya đã hiểu lầm câu nói của thầy mình. Vị Sư Phụ nói: "Tốt
hơn hết là ngươi nên chết đi" là chết cái tâm niệm ràng buộc, là chết cái
tư tưởng bám víu, là chết cái Tôi, cái Tự Ngã. Chính cái lúc mà ta chết
đi được cái tự ngã của ta thì ta sẽ hiểu được thế nào là Tiếng vỗ một bàn
tay.
Đó là cái chết của Đức Phật, cái chết của các bậc Thánh. Chết đi và
không bao giờ tái sanh lại. Đức Phật đã tận diệt, đã chết đi cái tâm tham
luyến vô minh; các bậc A La Hán cũng đã xả ly hoàn toàn tâm khát ái
đắm nhiễm. Một khi tâm niệm chấp thủ đã vắng bóng, ai sẽ là người tái
sanh do nghiệp quả?
Nhưng Mamiya, lúc ấy, chưa thấu triệt đựơc nên đã giả bộ thẳng cẳng ra
chết, và còn ngóc cổ lên nói: "Ồ, con chưa giải đựơc Tiếng vỗ một bàn
tay?"
Vị Sư Phụ hét lớn: "Cái gì? Người chết không trả lời! Hãy đứng dậy
cuốn xéo khỏi nơi đây!"
Đúng vậy. Người chết rồi làm sao trả lời đựơc? Nếu Mamiya đã chuyển
hóa đựơc vô minh thì cần gì phải giải đáp công án Tiếng vỗ một bàn tay?
Đó, chỗ vướng mắc của chúng ta là cái tâm chấp trứơc đó. Ta cứ đi tìm
những cái xa xôi, mờ ao? và quên đi cái thường hằng. Ta cứ lo lấp đầy
134
khoảng trống tri thức mà quên nuôi dưỡng chân tâm. Vì thế, ta đã tu tập
bao nhiêu năm mà vẫn còn cách đạo xa lắm, xa lắm.
Người dịch tạm mượn một đoạn trong kinh Kim Cang để giải rõ về công
án "Tiếng vỗ một bàn taỵ"
Phật cáo Tu Bồ Đề:
"Thị cố Tu Bồ Đề, chư Bồ Tát Ma Ha Tát ưng như thị sanh thanh
tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị,
xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".
(Dịch : Phật dạy Tu Bồ Đề:
"Thế nên Tu Bồ Đề, các vị Bồ Tát lớn nên như thế mà sanh tâm
thanh tịnh, không nên chấp nơi sắc, nơi âm thanh, nơi mùi
hương, khẩu vị, xúc chạm, pháp môn mà sanh tâm đắm chấp, nên
không chỗ trụ mà sanh tâm".)
Các pháp hữu vi đều là tướng giả hợp, duyên sanh. Có cái này nên có cái
kia, cái này diệt thì cái kia diệt; đã là tướng duyên hợp thì đâu phải là cố
định, là chân thật; cho nên Phật dạy các hàng Bồ Tát không nên để tâm
dính kẹt vào sáu trần, không dính mắc, không chỗ trụ thì mới có thể phát
hiện cái tâm thanh tịnh chân thật, không sanh không diệt.
Cũng vậy, Mamiya bị kẹt vào âm thanh, vào công án nên loay hoay mãi
mà chưa thể hóa giải nổi thế nào là Ba Động Vô Thanh.
Phải đẩy vạn sự vào hư không - nhưng hư không cũng còn là khái niệm,
cho nên cuối cùng chính khái niệm hư không cũng phải đập vỡ tan nốt đi
để cho thực tại bừng nở chan hòa. Cũng như có người tới hỏi một vị
Thiền Sư :
"Xin Thiền Sư cho biết Đạo là thế nào?
Vị Thiền Sư đáp:
"Ở ngay trước mắt ngươi."
"Sao đệ tử không nhìn thấy gì cho đệ tử cả?"
"Vì ngươi còn mãi nghĩ về bản thân ngươi."
135
"Thưa Thiền Sư, về phần Ngài thì sao? Ngài có thấy Đạo không?"
"Khi còn giữ cái nhìn đối đãi, phân biệt cái này là Ta, cái kia không phải
là Ta, thì cái nhìn còn ngụp lặn trong mê mờ chẳng thể thấy đựơc cái gì."
"Thưa Thiền Sư, khi đã có cái nhìn thuần thành không còn phân biệt Ta
với Không Ta nữa thì liệu có thấy Đạo hiển hiện không?"
"Khi đã không còn Ta và Không Ta thì còn ai là kẻ muốn nhìn Đạo
nữa."
Cũng như khi hỏi: Nếu có người đã ngồi chót vót trên một cột cao trăm
bộ, làm thế nào để có thể vượt xa hơn nữa bây giờ? Một Thiền Sư đã
đáp: "Người đó phải đạt tới giác ngộ để có thể cùng một lúc đứng ở cả
bốn phương trời." (trích trong Vào Thiền cuả Doãn Quốc Sỹ).
Lúc đó thì tay ta rỗng không chẳng có vật gì, tâm ta rỗng không chẳng
có vật gì...
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không,
Thử xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay Không Có Có Không là gì.
(Thiền Sư Từ Đạo Hạnh)

Câu truyện thiền số 5


"Thiền Sư Gutei hay giơ ngón tay trỏ lên mỗi lần Sư giảng về thiền.
Một thiền sinh trẻ khi thấy Sư giơ ngón tay trỏ lên thì cũng bắt chước
giơ theo như vậy; lâu dần thành thói quen. Một hôm, Sư Gutei nghe nói
đến chuyện như vậy, đến ngay thiền sinh đó nhằm lúc thiền sinh này vừa
đưa ngón trỏ lên. Sư liền nắm lấy ngón tay trỏ đó chặt nghiến, vứt đi.
Chàng thiền sinh đó la hét vang trời, chạy trối chết. Sư quát lớn, "Đứng
lại!" Chàng thiền sinh đó đứng sững, quay đầu lại.. Sư giơ ngón tay trỏ
lên. Thiền sinh bất giác theo thói quen, cũng giơ ngón tay trỏ của mình
lên. Nhưng đến khi nhìn xuống thì... Thiền sinh đại ngộ, sụp xuống lễ
Thầy."
136
Đó là một câu truyện thiền thật lạ và bạn có thể hiểu sai, méo mó về ý
nghĩa câu truyện trên; vì cái khó hiểu nhất cuả cốt truyện là phong cách
xử trí độc đáo của bậc giác ngộ.
Chúng ta thừơng có thói quen nhận xét và đánh giá người khác hay một
sự vật theo cảm quan của mình. Nhưng bậc giác ngộ thì hoàn toàn khác
hẳn. Người đó đứng ở một góc độ khác chúng ta, những con người phàm
tục. Nơi nào ngừơi đó có mặt, nơi nào người đó đặt chân tới, nơi đó hoàn
toàn mất dấu những khái niệm Ta-Người, Có-Không, Đựơc-Mất, Hơn-
Thua... Những thước đo giá trị, những bảng luân lý đạo đức, những bình
phẩm khen chê v.v... đều vắng bóng; bởi vì tất cả những thứ đó đều lồng
cái "Tôi" ở bên trong. Một cái "Tôi" được tô màu và đánh bóng. Người
đạt đạo không màng những thứ phù phiếm đó, và cũng không để tâm
mình dính bụi. Người đạt đạo sống thât đơn giản, không cầu mong,
không trông đợi.. Người đó không có nơi nào để đi, không có một mục
đích để đạt tới. Còn một nơi nào để đến, còn một mục tiêu nào đó để đạt
tới thì tâm hành giả vẫn còn dính mắc và tham cầu. Như khúc gỗ giữa
dòng sông, người đạt đạo không tắp vào bờ bên này, không trôi về bờ
bên kia; không có gì tốt cũng không có gì xấu đối với ngừơi đã giác ngộ.
Người đó sống trọn vẹn hồn nhiên, phóng khoáng trong cái Chân, Thiện,
Mỹ của dòng sống--nhưng chúng ta, chúng ta không thể sống trọn vẹn
đựơc như vậy. Tật xấu của con người tầm thường là luôn đánh giá sự
vật. Chúa khác với Quỷ, Thiện khác với Ác, Trong Sạch khác với Tội
Lỗi v.v. Luôn luôn có sẵn hai trận tuyến, hai bến bờ mà trong đó dòng
sông đời đang tuôn chảy..
Tôi có nghe một câu truyện ý nhị như sau:
"Ngày kia, có một ngừơi họa sĩ tài ba danh tiếng gặp lại người bạn bác sĩ
và mời ông ta dến phòng triển lãm tranh của mình để được bạn mình
đánh giá một tác phẩm vừa hoàn thành. Người họa sĩ đó đã nghĩ rằng tác
phẩm này đúng thật là tuyệt tác, là đỉnh cao nghệ thuật hội họa của ông.
Vì thế, với tài trí của ông bạn bác sĩ, chắc chắn ông sẽ đựơc nghe những
lời khen thưởng đích đáng, bổ ích.
Ông bạn bác sĩ đó đến phòng triển lãm tranh, ngắm bức tranh, ngắm tới,
ngắm lui, ngắm xuôi, ngắm ngược, hết bên này tới bên kia, gật gù, nhíu
mày suy nghĩ, rồi lại quan sát. Mười phút trôi qua, mười lăm phút trôi
137
qua, hai mươi phút. Người họa sĩ hơi sốt ruột, chần chờ, và cuối cùng lên
tiếng hỏi: "Thế nào bạn? Anh nghĩ sao về tác phẩm này?"
Ông bạn bác sĩ trả lời, giọng chắc nịch đắc ý:
"Tôi nghĩ là người này đã mắc bịnh phổi cấp hai rồi đấy!"
Ông họa sĩ: ! ! !
Đấy, không riêng gì chúng ta đâu nhé, cả cái ông bác sĩ học thức kia
cũng mắc cái bịnh đánh giá sự vật qua trung gian khái niệm giá trị.
Ông bác sĩ là người sống trong phòng thử nghiệm, bên cạnh những thuốc
men và bịnh tật. Trong đầu ông ta luôn luôn có sẵn những công thức hoá
học, những căn bịnh phải tìm hiểu, những vi trùng, vi khuẩn, v.v. và v.v.
Nhìn đâu đâu, ông ta cũng thấy vi trùng và bịnh tật; và những vi trùng và
bịnh tật đó đã trở thành máu xương trong ông, môt nửa con người của
ông. Vì thế, khi nhìn bức tranh, ông bác sĩ cũng phân tích, mổ xẻ, định
bệnh. Ông ta đã bị méo mó nghề nghiệp! Thiên nhiên trước mắt ông với
trời xanh, lá đỏ hoa vàng, nhưng ông ta không còn khả năng thưởng thức
cái Đẹp thiên nhiên đựơc nữa. Cái khiếu Thẩm Mỹ trong ông đã mất,
nhường chỗ cho một đầu óc xơ cứng vì khái niệm phân biệt chia chẻ.
Điều thứ hai khác biệt là người đạt đạo trực chỉ chân tâm, chứ không
mất thì giờ với những cái bên ngoài. Còn chúng ta, chúng ta lại quan tâm
đến cái vỏ bên ngoài. Đối với chúng ta, cái vỏ bên ngoài thật là giá trị.
Chúng ta đã giết chết linh hồn mình và giữ gìn cái thân xác. Nhưng
người giác ngộ thì hy sinh thân xác và không thể đánh mất tâm linh.
Người đó sẵn sàng chết đi cái thân tướng giả hợp này, không một chút
luyến tiếc song người đó trân trọng chú tâm gìn giữ chánh niệm từng
giây phút.
Đối với bậc giác ngộ, thân tướng này chỉ là một phương tiện hành đạo..
Khi nào cần phải xả ly, ngừơi đó sẵn sàng từ bỏ. Ngay cả phải cắt bỏ cái
đầu đi để chứng đạo, người đó cũng sẵn sàng cắt bỏ.
Krishna nói với Arjuna trong Phạm Thư rằng: "Đừng quan tâm tới
những thân xác. Chúng ta sanh ra, rồi lại chết đi không biết bao nhiêu
lần rồi. Cái chết không là gì cả; chẳng qua chỉ là một sự thay đổi, cũng
như một ngừơi nào đó cởi bộ quần áo ra hay rời căn nhà cũ để mặc vào
138
lớp áo mới hay vào căn nhà mới mà thôi. (như các Tổ Sư đã nói: "Sanh
như đắp chăn đông, Tử như cởi áo hạ." (chú thích của người dịch).
Đừng quan tâm tới cái thân tướng giả tạm bên ngoài. Hãy quay ngược
vào bên trong nội tâm; hãy chú tâm nhìn vào bên trong con người của
ngươi. Nhưng liệu Arjuna có hiểu đựơc ý tứ lời nói của Krishna không?
Thiền Sư Gutei còn hơn thế nữa.. Krishna còn nói chứ Gutei thì hành
động ngay, không nói.- và Arjuna, đệ tử của Krishna cũng khác xa đệ tử
của Guteị.
Hãy nhớ kỹ điều này: người thầy chỉ có thể hành động nhậm lẹ, chớp
nhoáng khi nhận xét kỹ đệ tử mình đã đạt tới một trình độ có thể lãnh
hội đựơc sự huấn thị đột xuất, và cơ duyên học hỏi cũng đã chín muồi để
có thể truyền dạy; người thầy phải ra tay hành động ngay, xuất kỳ bất ý,
không để cho cơ duyên may mắn đó vuột mất đi; tát một cái thật mạnh,
đạp một cú chết người, hay thậm chí chặt nghiến đi ngón tay của đệ tử
như Thiền Sư Gutei để giúp đệ tử một bước cuối cùng nhảy vọt vào chân
không, giác ngộ.
Nhưng không phải ai cũng lãnh hội đựơc như vậy đâu nghen. Người
thầy chỉ ra tay khi đệ tử đã thuần thục; nếu không, ông ta phải dùng lời
nói để dạy bảo. Hành động chỉ phát xuất khi cả hai đều sẵn sàng; không
một chút sơ hở, không đựơc vuột mất, chớp nhoáng, cấp kỳ, đúng thời
điểm. Tâm niệm ngừơi thầy và tâm niệm người đệ tử phải hợp nhất,
thông tri nhau; nếu không, chỉ hoài công vô ích. Người thầy truyền trao
hết tâm huyết cho trò, đệ tử cũng gởi trọn mạng sống và niềm tin tuyệt
đối lên thầy.. Nếu thầy bảo chết, đệ tử sẵn sàng chết ngay, không do dự.
Nếu cả hai được như thế thì mới có kết quả mỹ mãn tốt đẹp được. Ngày
xưa, có rất nhiều người đã đạt đạo chứng ngộ vì họ có niềm tin vững
chắc vào sư phụ của họ. Chính niềm tin sắt đá và nghị lực bền bỉ tham
thiền công án đó đã giúp họ đắc quả. Còn ngày nay, con ngừơi sanh ra
trong nghi kỵ, trưởng thành trong do dự, hiềm khích nên khó lòng đặt
chân tới ngưỡng cửa Chân Lý chứ đừng hòng nắm bắt được Chân Lý.
Trong đạo thì thầy không tin trò, trò nghi ngờ thầy, huynh đệ hiềm khích
báng bổ nhau, các tông phái thì chống đối lẫn nhau, sát phạt lẫn nhau;
còn ngoài thế gian thì cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh chị em xúc xiểm
nhau, tàn hại nhau để tranh danh đoạt lợi. Nét Đẹp Nhân Bản đã biến
139
mất. Cả một thế giới điên đảo vì quyền lực, danh lợi. Ngay từ ngày đầu
tiên chúng ta bú dòng sữa mẹ, chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng tham
vọng, nghi ngờ, sân hận và si mệ Bị ấp ủ, nuôi dưỡng và trưởng thành
trong một môi trường như vậy, thử hỏi làm sao chúng ta tránh khỏi được
sự hoen ố tinh thần?
Nhưng đường hướng tôn giáo thì trái ngựơc lại. Chúng ta phải tin tưởng
tuyệt đối và cũng được người khác tin tưởng lại như vậy. Người đệ tử
của Gutei thuộc hạng người tin tưởng tuyệt đối này, vì thế anh ta đã giác
ngộ.
Nào, bây giờ chúng ta bước vào câu truyện khác thường này.. Từng cử
chỉ, từng câu nói trong cốt truyện thật kỳ thú, đặc biệt.
"Thiền Sư Gutei hay giơ ngón tay trỏ lên mỗi lần Sư giảng về thiền."
Các Thiền Sư không bao giờ làm một chuyện gì vô ích, ngay cả khi chỉ
giơ một ngón tay lên. Từng cử chỉ, từng lời nói của các Thiền Sư đều
toát lên một ý nghĩa nào đó, một giá trị nào đó. Các Thiền Sư không bao
giờ làm một cử chỉ hay nói một lời nói vô bổ thừa thãi, phí thì giờ vô ích
cả. Tại sao Thiền Sư Gutei giơ một ngón tay lên mỗi lần Sư giảng về
thiền hay có ai hỏi về thiền? Tại sao? Nhưng không phải lúc nào Sư
Gutei cũng làm như vậy đâu; mà chỉ khi nào Sư giảng về thiền hay có ai
hỏi về thiền thì Sư mới làm như thế. Đó là tại vì Sư muốn chỉ bảo cho
chúng ta nhận thức "Vạn Pháp Qui Tâm" ( Một là tất cả; tất cả là một).
Mọi vấn đề khơi mào cũng vì chúng ta không thể là Một, không phải là
Một. Mọi rắc rối xảy ra chỉ vì chúng ta còn chia chẻ phân biệt quá. Sự
vật nào cũng bị chúng ta đem ra mổ xẻ cân đong, đo lường. Chúng ta là
sự phân tán, không hài hòa kết hợp.
Thiền Sư Gutei giảng về thiền; những lời nói chỉ là phụ, cái chính là
ngón taỵ Nếu ai nhận thức được, kẻ đó bước chân vào đạo; ai không
nhận thức ra thì dù có lễ lạy sói trán đi nữa cũng cách xa chân lý vạn
dặm.
Cũng như Đức Phật trên núi Linh Thứu giơ cành hoa sen lên cao và im
lặng. Tất cả chúng hội đều ngơ ngác, duy có ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm
140
cười thông ý. Đạo là vô ngôn - Không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả đạo,
để lý giải chân lý đựơc.
"Đạo khả đạo phi thừơng đạo; danh khả danh phi thừơng danh" ( Đạo
mà còn diễn tả thành lời được thì không phải đạo, danh mà còn gọi tên
được thì không phải danh- Lão Tử ). Nếu bạn nhìn thấu đựơc thì ngôn
ngữ đạo đoạn, không cần đến lời nói nữa.. Nhưng nếu bạn không có khả
năng thẩm thấu đó thì dù có nói vạn lời cũng vô ích.
Có nhiều tôn giáo, đạo phái khác nhau; có nhiều pháp môn, nhiều cách
thức hành đạo khác nhau nhưng phải tựu trung lại một điểm là: Vạn
pháp quy về Một, tức là quay về tìm lại cái Bản Tánh Chân Thật Thừơng
Hằng, cái Bản Lai Diện Mục, cái Vô Sinh, cái Chân Không Thường Hữu
của chúng sanh thì đó mới chính là Đạo.
Tụng kinh, lễ bái, tu thiền, trì chú, niệm Phật, niệm Chúa, v.v... đều qui
về nhất tâm thì mới mong chứng đạt được. Hành giả phải thực nghiệm
rằng người tu, pháp môn để tu, quả vị để chứng đều là giả danh, giả hợp;
phải thấy vạn pháp giai không, do nhân duyên hợp thì mới rốt ráo ba la
mật, mới đáo bỉ ngạn, đạt tới bờ bên kia giác ngộ đựơc.
Ý nghĩa đoạn văn trên rõ nét nhất trong bài tán tụng Đức Phật mà người
Phật tử thường lễ bái:
"Năng lễ, sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,
Ngã thử đạo tràng như đế châu,
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ."
Tạm giải: "Con đây lễ Phật, nhưng không thấy Phật là đối tượng đang
được lễ, không thấy con là người đang lễ; cả hai đều vắng bóng cái
Ngã." Khi đạt được cái Tánh Không vẳng lặng rốt ráo thì mối đạo vốn
vô ngôn vô tướng mới tỏ hằng, mới giao lưu cảm ứng. Lúc đó, trong ta
có Phật, trong Phật có ta; không biên giới, không hàng rào. Người tu khi
chứng nghiệm được "Ngã-Phật câu không; Hữu Vô giai vọng" thì nắm
bắt được cái tinh túy, cái cốt tủy của suối nguồn Chân Tâm trung trinh
thường hằng.
141
" Có một thiền sinh trẻ hay bắt chứơc Sư Gutei, giơ một ngón tay lên... "
Dĩ nhiên, chàng thiền sinh đó còn rất trẻ nên mới bắt chước người khác.
Có phải các trẻ con mới hay bắt chước người lớn, phải không? Nếu
người đã trưởng thành rồi thì đâu có còn bắt chước người khác nữa?
Nhưng thực ra, sự chín muồi của tâm thức không đặt trên số lượng tuổi
tác. Có rất nhiều người đã lớn tuổi nhưng vẫn chẳng kinh nghiệm được
gì. Nếu họ còn bắt chước người khác thì mãi mãi họ vẫn là một đứa bé
thơ, hiểu biết nông cạn, ngu ngơ khờ khạo đến tội nghiệp.
Vậy "Trưởng thành" là gì? Bạn hỏi tôi, tôi xin trả lời đó là "Sự Nhận
Thức biết rõ chính mình; chứ không phải là một kẻ bắt chước. "Trưởng
thành" có nghĩa là Ta phải là Ta, Ta chính thật là Ta, một con người trần
trụi, không một lớp sơn che phủ, không là cái bóng của kẻ khác. Người
bạn của ta có cái xe mới, ta cũng vội vàng tìm cách mua một cái xe khác;
ông hàng xóm xây nhà lại, ta cũng cố kiếm tiền xây nhà ta lại lớn hơn,
bà kia có cái hột xoàn, ta cũng đeo kim cương vòng vàng v.v... có nghĩa
là ai sao, ta vậy. Ta như cái bông vụ xoay, xoay mãi, không dừng nghỉ.
Hãy sống thật với chính mình. Hãy sống trung thực với cảm nghĩ của
chính ta, không nên che dấu, không nên dồn nén, không nên ức chế. Cái
quí nhất của con người là bản tánh trung thực và lòng can đảm. Chính
hai đức tính đó sẽ giúp con người thăng hoa đời sống và chuyển đổi
ngoại giới.
Bạn có sẵn hạt giống Giác Ngộ trong bạn. Nếu bạn chuyên tâm tưới tẩm
chăm bón nó, hạt giống đó sẽ đâm chồi nẩy lộc cao lớn thành cây, và
bạn sẽ hưởng được quả vị thơm ngon. Vậy tại sao bạn không lo chăm
bón hạt giống của chính mình mà lại đi bắt chước người khác, đi chăm
bón hạt giống người khác? Đúng là thả mồi bắt bóng, phải không?
"Có chàng thiền sinh trẻ thấy Sư Gutei giơ ngón tay trỏ lên mỗi lần
giảng về thiền, cũng bắt chước giơ ngón tay trỏ lên,... "
Chàng thiền sinh kia thấy Sư Phụ mình nổi tiếng được mọi người kính
trọng, cũng muốn được như vậy nên bắt chước Sư Phụ để được tiếng
thơm; nhưng chính Đức Phật, Chúa Giê Su hay Krishna không hề dạy
chúng sanh phải trở thành một bản sao của Phật, của Chúa, mà phải trở
142
thành chính mình - Phải là chính mình, không phải là hình bóng của ai
khác, dù người đó là Phật, là Chúa hay là các vị thánh nhân gì gì đi nữa.
Tìm một vị minh sư, đến với vị minh sư đó, hiểu những gì minh sư dạy,
uống cạn sự hiện hữu của minh sư, ăn trọn sự có mặt của minh sư càng
nhiều càng tốt, nhưng chớ có bắt chước ông ta, đừng làm kẻ bắt chước,
đừng làm điều ngu xuẩn đó, vì thật nguy hiểm. Sự bắt chước người khác
không giúp ta được gì mà trái lại còn gây nguy hiểm cho ta nữa.
"Sư Gutei nghe chuyện, đến gặp thiền sinh đó nhằm lúc anh chàng vừa
giơ ngón trỏ lên, Sư nắm lấy chặt nghiến vứt đi... "
Kinh khủng quá, tàn nhẫn quá, phải không? Sư Phụ gì mà ác độc qúa
vậy, nỡ cầm tay đệ tử chặt cụt đi một ngón? Nhưng thực ra, Sư Gutei là
một vị thầy đầy lòng bi mẫn.
Đấy, phương pháp giáo huấn đệ tử trong thiền tông độc đáo quái chiêu là
ở chỗ đó. Không tài nào hiểu thấu được nếu chính chúng ta không tu tập,
không tư duy quán chiếu tự tâm. Phát xuất từ Tâm Đại Từ, Đại Bi, Đại
Trí, những cú đấm, những cây gậy hay những câu la hét của các thiền sư
đều là những phương tiện thiện xảo giúp người đệ tử chóng khai ngộ.
Thiền Sư Gutei đã sử dụng độc chiêu cuối cùng để đẩy người đệ tử một
bước nhảy vọt vào vùng không gian bao la của tâm thức. Người đệ tử
không kịp phản ứng, không kịp suy nghĩ gì hết, chỉ một tích tắc thôi,
ngón tay đã rơi xuống đất... Cái đau thể xác đó thật tê tái điếng hồn, cái
đau tinh thần cũng to lớn không ngần và đột xuất thần kỳ, trong một giây
phút, hai nỗi đau đó hòa tan vào nhau và chuyển hóa. Người đệ tử đã
liễu đạo, chàng ta đã trưởng thành, không còn là một đứa bé con đi bắt
chước người khác nữa. Giây phút ngộ đạo đến chớp nhoáng, nhậm lẹ và
cũng có thể không xảy ra dù trải qua nhiều đời nhiều kiếp.
Ngón tay chỉ là một biểu tượng, một ví dụ điển hình. Chàng thiền sinh
đó bị một cú xốc bất ngờ; ngay lúc ý niệm chưa thành hình thì chàng ngộ
đạo, tâm niêm được tịnh hóa. Khi chúng ta còn kịp suy nghĩ, còn phản
ứng thì lúc đó ý thức trong chúng ta vẫn còn năng lực hoạt động và chi
phối, ví dụ như khi chúng ta nhìn một đóa hoa là mắt tiếp xúc với cảnh
trần, tức thì thức thứ 6 là Ý Thức xen vào phân biệt đây là hoa hồng chứ
không phải là hoa cúc, hoa huệ, màu đỏ này đẹp hơn màu vàng kia v.v...
143
và thức thứ 7 là Mạt Na Thức chấp trước dính mắc liền: "hoa hồng này
trong vườn ta đẹp hơn hoa của ông bà hàng xóm kia" hoặc chúng ta sẽ
khởi niệm "hoa này đẹp qúa ta phải hái về cắm trong phòng ta" v.v. và
v.v... nghĩa là một khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với
sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) là ý thức khởi lên phân biệt
dính mắc ngay và đưa đến tâm Ái, Thủ, Hữu (yêu thích cái gì là muốn
chiếm đoạt ngay để làm của riêng). Vì thế, Sư Gutei đã đánh ngay một
đòn chí mạng dù phải chặt đứt ngón tay của đệ tử hay thậm chí giết chết
người đệ tử mà giúp họ liễu đạo đựợc cũng còn giá trị gấp vạn lần sống
cả một đời mà ngu ngơ, ương ương dở dở, sống không lợi ích cho đời,
không đạt được gì cho mình thì kiếp sống đó thật dư thừa vô vị.
Người đệ tử bị một nhát dao chém tay đó của Sư Phụ trong lúc không
kịp đề phòng, không chuẩn bị, bất ngờ nhất, nên dòng ý thức ngưng hoạt
động- giữa cái cự ly mong manh ngắn ngủi đó, tâm thức chàng thiền
sinh như một tờ giấy trắng tinh, vô niệm - và chính cái trạng thái vô
niệm đó là Chân Tâm, là Đại Ngã. (chú thích thêm của người dịch:
"Trong kinh Pháp Bảo Đàn , Tổ Huệ Năng đã dạy Thượng Tọa Huệ
Minh:
"Này Huệ Minh, chẳng nghĩ việc lành không nghĩ điều dữ, chính trong
thời gian đó, "Cái Ấy" tức là tỏ thấy cái "Bổn Lai Diện Mục" của
Thượng Tọa Huệ Minh vậy."
"Cái Ấy", Đạo gia gọi là "Huyền quan, huyền chi hựu huyền, chúng diệu
chi môn." Trong ấy có cái mật diệu không nghĩ không lo, phẳng lặng
thường hằng, chí thanh chí tịnh, chí hư chí linh, tức là tánh tịch diệt vô
vi, hư tính bất muội vậy. Nho giáo gọi là "Thối tàng ư mật, là ẩn vị.
Trong ấy có cái yếu điểm không thấy không nghe, tức là chỗ tâm tồn ý
định, thị thính yên động qui chơn phục tễ, là chỗ chí thành chí thiện vậy.
Phật giáo dùng danh từ "Cái Ấy" mà chỉ cho cái tánh Bổn Lai. Trong ấy
có cái chơn thiệt không lành không dữ, không hình không trạng, không
tiếng không hơi, diệu diệu huyền huyền, bất sanh bất diệt, toàn trí toàn
năng, chí chơn chí mỹ, chí thiện, vô thượng, chánh đẳng chánh giác."
"Chàng thiền sinh chạy trối chết. Sư Gutei quát lớn: "Đứng lại!" Thiền
sinh đứng sững, quay đầu lại Sư Gutei giơ ngó trỏ lên, thiền sinh bất
144
giác, theo thói quen cũng giơ ngón trỏ lên, nhưng nhìn xuống thì... thiền
sinh đại ngộ, sụp xuống lễ Thầy."
Chàng thiền sinh đau điếng, chạy trốn; nhưng giật bắn người vì tiếng
quát lớn đầy uy mãnh của Sư Phụ "Đứng lại".
Khi chàng ta bất thần dừng phắt lại, toàn thể sự chú tâm của hắn quay
hẳn về âm thanh "Đứng lại". Ngón tay bị chặt đứt, máu vẫn chảy, cái đau
vẫn còn đó, nhưng tiếng quát "Đứng lại" đã thu hút tất cả sự chú tâm của
hắn nên hắn đã quên phứt đi ngón tay, máu và cái đau. Một khi tâm phân
biệt vắng bóng thì cái đau thể xác mất dấu. Ta cảm thấy đau vì ý thức
khởi lên phân biệt. Cái đau hiện hữu không phải trong thể xác mà chính
do ý thức cấu tạo.
Nếu bạn bị đau, phải nằm trên giường bịnh, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ tiếp
tục nghĩ về căn bịnh đang hoành hành cơ thể mình. Bạn đang nuôi
dưỡng nó. Bạn chú tâm về nó, lo lắng, suy nghĩ về nó. Chính cái tâm
trạng khắc khoải lo sợ đó đã nuôi lớn căn bịnh.
Tôi nghe nói như thế này: "Có một người bị bịnh tê liệt; ông ta đã không
đi đứng được suốt 15 năm quạ Một đêm kia, bỗng căn nhà ông bị bốc
cháy dữ dội, mọi người la cầu cứu om xòm, chạy ào ra cửa. Người đàn
ông đó trong lúc hãi hùng nhất, quên bẵng đi là mình bị tê liệt, theo bản
năng, đứng phóc dậy chạy bay ra cửa. Ra đến ngoài đường, người nhà
ông ta sau phút hãi hùng, hoàn hồn, chợt sững sờ "Ủa, sao ông chạy ra
đây được vậy? Ông bị tê liệt mà." Vừa nghe dến đây, ông ta té quị xuống
đất.
Chuyện gì xảy ra vậy? Ngay trong lúc tai nạn xảy đến bất ngờ, không
kịp phản ứng, người đàn ông đã quên hẳn đi cơn bịnh của mình nên toàn
thân ông ta đã nghe theo lời sai khiến của tâm thức: "Đứng lên chạy
ngay!" -và ông ta đã chạy được, nhưng khi người nhà nhắc lại căn bịnh
thì ông ta lại chuyển dòng ý thức về cơ thể nên ông ta không còn sức
chống đỡ nổi nữa.
Cũng vậy, người đệ tử cuả Gutei bị tiếng quát lớn "Đứng lại" của Sư
Phụ, dừng phắt lại, dòng tâm niệm dừng lại, cái đau dừng lại, hơi thở
dừng lại- ngay trong tích tắc đó, người đệ tử đã thoát ra được sức chi
phối của thể xác và tiếng quát lớn đó là một phép lạ nhiệm mầu giúp
145
người đệ tử tỉnh thức. Đây là lần đầu tiên, người đệ tử thấu triệt được
tâm thức và thân tướng giống như căn nhà và ánh đèn sáng bên trong.
Thân xác này giống như căn nhà tối om, nếu không có ánh sáng ngọn
đèn thì ta không thấy được gì bên trong căn nhà; cũng vậy, nếu không
tịnh hóa được nguồn tâm thì mây mù vô minh vẫn còn che phủ bản tâm.
Vì thế, ngừơi đệ tử kia đã sụp xuống lễ Sư Phụ: "Thầy đã cho con cơ hội
nhìn thấu được tầng lớp sâu kín nhất của bản thân con; cái Bất Tử Vĩnh
Hằng".
"Ngay lúc đó, người đệ tử ngộ đạo... "
Giác Ngộ là gì? Đó là sự liễu tri không thân, không tâm, là sự rỗng rang
tự tại không bị ràng buộc, không bị ý thức chi phối.. Một khi thẩm thấu
đươc Ta là ai?, bạn đã giác ngộ.
Thiền Sư Gutei đã chờ đợi cái giây phút tỉnh thức của người đệ tử này
nhiều năm rồi. Cũng đã nhiều năm, người đệ tử đã từng giơ ngón tay lên
như vậy. Thiền Sư đã đợi, đã đợi cơ duyên phải chín muồi, căn cơ đệ tử
phải thuần thục mới hạ thủ công phu chém một nhát cuối cùng.
Giây đứt, thùng rơi. Không còn nước trong thùng, không còn trăng trong
nước. Ảo ảnh tan biến, người đệ tử ngước nhìn vành trăng thực thụ trên
trời, chàng ta đã ngộ đạo.
Giác Ngộ chính là ta biết được chính ta, ta tìm lại được chính ta!

Câu truyện thiền số 6


"Thiền sinh Tokusan, chiều chiều thường vẫn đến nhà Sư Phụ là Thiền
Sư Ryutan để vừa đàm đạo vừa nghe Thầy giảng dạy. Một đêm đã khuya
lắm rồi mà Tokusan vẫn còn nhiều điều muốn hỏi Thầy..
Thiền Sư Ryutan bảo:
"Đêm đã xuống lâu rồi, sao ngươi không về ngủ đỉ"
Tokusan cúi đầu chào Thầy, vén màn cửa đi ra, nhìn bên ngoài rồi quay
lại nói:
"Sư Phụ, bên ngoài trời tối đen như mực. "
"Thì ngươi cầm cây nến này!"
146
Thiền Sư Ryutan cho Tokusan một cây nến để thấy đường; nhưng
Tokusan vừa cầm lấy cây nến thì Sư Ryutan thổi phụt tắt ngọn nến.
Ngay lúc ấy, Tokusan ngộ đạo."
Điều thứ nhất chúng ta cần hiểu cho thật minh bạch là chúng ta không
thể nào nghiên cứu học hỏi về Thiền. Điều đó không thể nào được. Bạn
có thể thâm nhập thiền, nhưng bạn không thể nghiên cứu thiền; vì thiền
không phải là một vật thể, một đối tượng để nghiên cứu tìm tòi. Thiền là
"đường lối sống, là phương pháp sống." Thiền là con đường đạo. Thiền
tùy thuộc vào cách sống của bạn.
Bạn không thể nắm bắt được cốt tủy Thiền Tông qua phương tiện kinh
điển, qua người khác. Không một ai có thể dạy cho bạn, và thiền cũng
không thể mang ra giảng dạy như một môn học được. Thiền không phải
là kiến thức được truyền trao từ người này sang người kia. Thiền là cuộc
sống, là dòng đời dang trôi chảy không ngừng. Bạn bơi trong dòng sông
đời, bạn uống cạn từng giọt nước; hít thở từng hương vị mà dòng sông
cuộc sống trao cho bạn; bạn mở rộng cõi lòng ra đón nhận cuộc sống,
đón nhận thiền - đó là những gì mà người đệ tử nên làm với Sư Phụ.
Câu truyện trên kể rằng "Tokusan đang học thiền". Ngay chính chỗ đó là
chỗ sai lầm của Tokusan cũng như của mọi người chúng tạ Cũng như có
vài đại học nêu bảng hiệu là "Đại Học Tôn Giáo". Không có một đại học
nào có thể dạy đạo cho bạn được. Họ có thể nói., có thể giảng về tôn
giáo, nhưng đó không phải là cốt lõi, là tinh túy, là hương thơm Tôn
Giáo, không phải là Đạo. Có rất nhiều triết thuyết, có rất nhiều đạo
thuyết, nhưng chung qui không phải là tôn giáo. Những giảng sư có thể
giúp bạn học Kinh Koran, Thánh Kinh, Kinh Vệ Đà; họ có thể nói về
Chúa, về Phật, về Krishna; bạn cũng có thể học hỏi thu thập được rất
nhiều điều hay, mới mẻ, bổ ích; nhưng bạn sẽ không bao giờ nắm bắt
được cái linh hồn của tôn giáo, bạn sẽ lạc mất đi cái cốt tủy của Đạo.
Tôi có nghe một câu truyện:
"Có một tu sĩ Thiên Chúa Giáo gởi một bộ Kinh Thánh cho người bạn.
Vị linh mục gói Kinh Thánh lại thật kỹ, thật đẹp. Ông ta đi ra bưu điện
gởi quà, và nhân viên bưu điện hỏi:
147
"Thưa Cha, có cái gì dễ vỡ trong này không ạ?"
Vị linh mục mỉm cười:
"Có, có Mười Điều Răn của Chúa!"
Tôn giáo thật tuyệt vời; thật mong manh dễ vỡ. Không một lớp vỏ nào
có thể bao bọc, bảo vệ được tôn giáo. Ngay lúc mà bạn chuyên chở nó
đi, nó đã héo úa rồi. Đạo sống trong con người. Đạo sống trong Đức
Phật, trong một vị thiền sự Đức Phật hay vị thiền sư đó không thể trao
truyền đạo, trao truyền cuộc sống cho bạn, mà chính bạn, bạn phải tự
sống lấy, tự chiêm nghiệm lấy thiền. Mỗi chúng ta là một thế giới nhiệm
mầu, không ai có thể sống hộ ta cả được.
Đạo giống như vầng thái dương ấm áp buổi sáng mùa xuân. Mặt trời
không thể cho bông hoa sự sống, nhưng bông hoa có thể tự nó bung nở
ra hướng về ánh sáng mặt trời và đón nhận sức sống chan hòa đó. Nếu
bông hoa khép kín, mặt trời làm sao soi rọi xuống nó được? Mặt trời
không đem ánh sáng tới riêng một nhà nào, tới riêng một người nào. Mặt
trời chiếu soi lên vạn vật đồng đều, không phân biệt- nhưng với điều
kiện là vạn vật phải mở cửa ra để đón nhận.
Một vị Phật đến với chúng ta nhưng chúng ta phải tự mở cửa lòng ra để
đón nhận; nếu chúng ta khép kín cửa lại thì sẽ chẳng có điều nhiệm mầu
nào xảy ra cả. Chính chúng ta phải tự chiêm nghiệm lấy cuộc sống.
Sự nghiên cứu học hỏi là một vật sơ cứng, đã chết. Vì nghiên cứu thuộc
về lý trí, không thuộc về trái tim. Dòng đời như một dòng sông, không
một sát na nào ngưng trôi chảy, nô lệ cho lý trí đơn thuần ham cắt xén
thì chỉ thấy được cái ngưng đọng, cái chết (Doãn quốc Sỹ). Hãy nhìn
những nhà học giả kia, họ như những con người máy biết cử động, nói
năng, nhưng bạn hãy nhìn vào mắt họ - một cặp mắt vô hồn. Những viện
đại học đầy ắp các nhà trí thức, bác học, đa văn, song họ như là những
thi hài chưa được chôn cất. Họ không bao giờ sống thực cả. Họ tự nhốt
họ chung thân trong nhà tù khái niệm; với mớ kiến thức, với những con
số, những mẫu tự, họ đã tự tuyên án tử hình.
148
"Tokusan học đạo với Thiền Sư Ryutan. Chiều chiều Tokusan đến nhà
Sư Phụ học thiền; một đêm kia, đã khuya lắm rồi mà Tokusan vẫn còn
nhiều điều muốn hỏi Thầy... "
Đây chính là sự sai lạc cuả Tokusan. Bước đầu tiên đã sai, thì các bước
sau đều sai hết. Hãy nhớ kỹ là phải cẩn thận bước đầu tiên cho vững
chắc, cho thật chính xác. Nếu bước thứ nhất đúng, bạn chắc chắn sẽ đạt
tới đích chuẩn xác. Thế cho nên, bạn đừng đến một vị thầy để tìm tòi
nghiên cứu đạo, mà hãy đến với trái tim, với cõi lòng rộng mở như đất
trời; hãy dẹp hết những khái niệm, con đẻ của lý trí để đón nhận luồng
sinh khí tươi mát mới mẻ của suối thiền, hãy im lặng nhìn và quán chiếu.
Đừng tìm cách giải thích thiền, tìm hiểu thiền qua lời nói, qua sách vở,
kinh điển, nguy hiểm lắm, thật sự nguy hiểm. Thiền là siêu lý, là siêu lộ!
Với mọi tiếng nói lý giải thiền, lập tức thiền khép cánh lại như lá hổ
ngươi. Thiền khép cánh lại như vậy để ôm lấy niềm im lặng vô ngôn.
Mà kỳ lạ thay, Vô Ngôn nhưng không tách rời thực tại. Chính vì vô
ngôn mà cụ thể toàn diện. Chính trong niềm im lặng vô ngôn đó, những
vang vọng, ý nghĩ, nhựa sống của ngôn từ, của hành động, của ý nghĩa
càng tràn bờ để xóa bỏ mọi biên giới mà tắm gội, bao dung lấy hết thảy
(Doãn quốc Sỹ trong Vào Thiền )... Đó là sự khác biệt giữa học thiền và
tu thiền!
"Một đêm, đã khuya lắm rồi mà Tokusan cứ vẫn còn hỏi han Sư phụ đủ
chuyện."
Thái độ người đi học đạo, học thiền là như vậy. Họ cố vơ vét, cố lượm
mót cho thật nhiều kiến giải của người khác để lấp đầy khoảng trống của
mình, rồi đi huênh hoang rao giảng lại những vụn vặt lượm mót đó để
được mọi người kính nể ca tụng; nhưng thực ra, họ chỉ là những cái
thùng rỗng kêu to mà thôi.
Người đi tu thiền lại khác. Người này chỉ có một câu hỏi dứt khoát, một
hướng nhất định. Người này đi thẳng vào vấn đề, đi thẳng vào trung tâm,
không vòng vo tam quốc gì cả. Câu hỏi Sanh Tử đó cũng không cần Sư
Phụ trả lời bằng ngôn từ, mà chính bản thân người tu thiền sẽ tự trả lời
bằng kinh nghiệm thể chứng tâm linh. Sư Phụ chỉ là người hướng dẫn,
chỉ là trung gian giúp đệ tử tự ngộ.
149
"Tokusan hỏi rất nhiều, nhưng Sư Ryutan không trả lời câu nào cả. Sư
chỉ nghe những câu hỏi và nói: "Đêm đã xuống lâu rồi! Sao ngươi không
về ngủ đỉ"
"Sao ngươi không về ngủ đỉ" Đó chính là câu trả lời của Sư Ryutan.
Có hàng vạn, hàng triệu câu truyện thiền, nghe qua rất kỳ quặc. Bạn hỏi
A và thiền sư trả lời B; chẳng ăn nhập vào đâu hết. Chúng ta không biết
Tokusan hỏi gì. Chúng ta chỉ biết một điều là Thiền Sư Ryutan không trả
lời các câu hỏi đó. Sư chỉ nói: "Đêm đã xuống lâu rồi, sao ngươi không
về ngủ đỉ" Thiền là thế đó!
Có một giai thoại thiền khá lý thú:
"Có một người khách tới hỏi Thiền Sư Nan-In về thiền. Nhưng đáng lẽ
đến để nghe thì ông khách cứ thao thao bất tuyệt, nói hoài nói mãi.
Lát sau, Sư Nan-In mời khách dùng trà. Sư rót trà vào chén của khách;
chén đầy rồi mà Sư cứ tiếp tục rót mãi, rót mãi.. Trà đổ đầy ra bàn, chảy
tràn xuống đất mà Sư cứ rót hoài. Sau cùng ông khách không giữ được
kiên nhẫn nữa, nói lớn:
"Kià, Thiền Sư, chén trà đầy lắm rồi, không rót được thêm nữa đâu!"
Thiền Sư ngưng rót trà:
"Cũng vậy, này cư sĩ, cư sĩ cũng giống như cái chén trà đó, đầy ắp
những tư kiến. Tôi còn biết hiến dâng gì về thiền nếu cư sĩ không cho tôi
một cái chén rộng hơn."
Đó, vấn đề là ở chỗ đó. Thực là một thái độ ấu trĩ khi chúng ta hăm hở
tìm hiểu thiền, định nghĩa thiền qua lý lẽ, qua tư kiến. Thiền không thể
nào lý giải được qua ngôn từ, và chúng ta không thể lãnh hội thiền nếu
đầu óc chúng ta sơ cứng vì quan niệm và kiến thức. Chúng ta đã lấy cái
hạn hữu để đong cái vô hạn; chúng ta dã lấy cái thúng úp chụp lên bầu
trời. Thật ấu trĩ, thật ngu xuẩn!
Con người luôn chạy về phía trước, rượt tìm tương lai mà lãng quên thực
tại. Câu nói cuả Thiền Sư Ryutan thật xác đáng, ý nhị và thâm thúy xiết
bao! "Đêm đã xuống lâu rồi, sao ngươi không về ngủ đỉ" Ngươi chưa
cảm thấy là đầy đủ thỏa mãn sao? Ngươi không cảm thấy là đầu óc
150
ngươi chuyên chở quá tải ư? Hãy buông bỏ gánh nặng tư kiến đó đi, hãy
đặt để nó xuống thì ngươi mới hy vọng nhẹ bước vào cửa thiền. Đừng
vác nó trên vai nữa. Chính cái kiến thức đó, chính lòng tham lam hiểu
biết đó đã ngăn chận ngươi không cho ngươi thảnh thơi bơi lội giữa lòng
trùng dương xanh thẫm. Với đầu óc nặng nề như vậy, ngươi giống như
một tên mù đi trong đêm tối đen kia. Nhưng Tokusan không hiểu được ý
Thầy; quả vậy, một người có quá nhiều câu hỏi thì đâu còn chỗ trống
trong tâm để hiểu được câu trả lời.
Với lòng từ bi đại lượng, Sư Ryutan đã gợi ý giúp đệ tử nhưng đệ tử vẫn
còn mù đặc. (Các nhà học giả cũng thường mù đặc như vậy).
Tokusan nghĩ gì? Anh ta nghĩ sao Thầy lại trả lời lãng nhách vậy? Đêm
khuya thì có ăn nhập gì đến câu hỏi đạo của mình- nhưng anh ta vẫn
đứng lên nhìn ra ngoài nói:
"Dạ vâng, đêm tối đen như mực."
"Sao ngươi không về ngủ đỉ"
"Dạ vâng, đêm tối quá, đến giờ con phải về ngủ rồi".
Các thiền sư không bao giờ nói về những hiện tượng bên ngoài, nhưng
chúng ta thì luôn luôn chạy theo những cái bên ngoài. Tokusan cũng
vậy.
Cái mà Sư Ryutan muốn nói là: "Sao ngươi không thức tỉnh đỉ" Đối với
người liễu đạo, "Ngủ" có nghiã là đến lúc ta phải thức tỉnh khỏi cơn
mộng đi, vứt bỏ mớ kiến thức rơm rác đi. Cái lý trí chật hẹp khô cứng đó
là ngục tù, là cơn mê, là giấc ngủ đưa ta vào vô minh, vào quên lãng.
"Sư Ryutan đưa cho Tokusan một cây nến để thấy đường, nhưng
Tokusan vừa cầm lấy cây nến thì Sư Ryutan thổi phụt tắt ngọn nến.
Ngay lúc ấy Tokusan ngộ đạo."
Ngọn đèn trong tâm chúng ta luôn luôn cháy. Ánh sáng nội tâm luôn có
đó, nhưng chúng ta cứ mãi nhìn ra bên ngoài, không hề có giây phút nào
quay ngược vào bên trong để quán chiếu. Sư Ryutan đã gợi ý cho
Tokusan để có thể nhận chân được lý thiền, nhưng Tokusan vẫn chưa
thấu đáo được nên Sư lại tạo thêm một tình huống khác, một tình huống
151
lạ thường: Sư cho Tokusan một cây nến đã thắp sáng, có nghĩa là
"Ngươi không nhìn vào bên trong nội tâm ngươi. Ngươi sống trong bóng
tối vô minh của tâm hồn ngươi, nó tối đen như đêm tối ngoài kia. Ta nói
cái bên trong tâm, ngươi lại đi nhìn cái bên ngoài. Thôi được, ta cho
ngươi ngọn nến soi sáng đường ngươi đi nè." Nhưng vừa lúc Tokusan
cầm lấy cây nến, Sư Ryutan thổi phụt tắt ngọn nến. Ánh sáng phụt tắt,
Tokusan ngộ đạo. Ngay cái tích tắc giữa sáng và tối đó, người đệ tử trực
nhận liền ngọn đèn trong tâm (Phật tánh, chân tâm) ta vẫn thường hằng
sáng nhưng vì ta không chịu lau chùi bóng đèn nên bị bụi vô minh che
lấp ánh sáng. Ngay lúc ánh sáng ngọn nến phụt tắt, Tokusan hiểu ý Sư
Phụ là "tự ngươi phải thắp lên ánh sáng trong tâm ngươi, tự ngươi phải
đi, tự ngươi phải phá vỡ bóng tối vô minh. Không ai có thể giúp ngươi
được. Ngay chính chư Phật cũng chỉ là người dẫn đường mà thôi, tự
ngươi phải bước, tự ngươi phải đi, phải tự nghiệm, phải tự thể chứng."
Giai thoại nhà thiền có ví dụ: "Khi một người chưa tu, thấy núi là núi là
núi, sông là sông. Khi tu rồi lại thấy núi không phải là núi, sông không
phải là sông. Khi đạt đạo rồi lại thấy núi là núi, sông là sông."
Rắc rối quá, lung tung quá, phải không?
Người tu thiền, liễu đạo thiền, sống cũng như một người bình thường-
đói ăn, khát uống, mệt ngủ khì. Bề ngoài hai hạng người này không có gì
khác nhau cả. Nhưng bên trong hoàn toàn sai biệt; đó là nội tâm sai khác
nhau. Người liễu đạo sống trong cảnh đời thường nhưng tâm đã xả ly,
không dính mắc sự vật. Người đó sống trong bùn nhưng không nhiễm
mùi bùn, tâm thoát ly rỗng rang tự tại, phóng khoáng như đất trời bao lạ
Người đó có thể làm bất cứ điều gì cần phải làm nhưng không bị ràng
buộc- không bị ràng buộc và cũng không cần phải tháo gỡ gì cả. Đâu có
gì ràng buộc mà cần phải tháo gỡ?
Có một người đến hỏi Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, con nghe nói giáo lý nhà Phật vô cùng thậm thâm
vi diệu, khó nghĩ bàn, Thế Tôn có thể cho con biết vi diệu như thế nào
không ạ?"
Phật trả lời:
152
"À, thì đói ăn khát uống, mệt ngủ khì."
"Úy, thế thì có khác gì người thường đâu?"
"Có chứ, khác nhiều chứ! Người thế tục khi ăn không biết mình đang ăn,
uống không biết mình đang uống, ngủ trong mê man mộng mị; còn đệ tử
Phật; ăn biết đang ăn, uống biết đang uống, làm bất cứ việc gì đều nhận
thức rõ đang làm gì. Người đệ tử Phật sống thức tỉnh trong từng sát na,
đề phòng vọng niệm khởi lên như tên giữ cửa thành; giờ phút nào cũng
cẩn thận canh phòng địch quân xâm nhập. Thành trì dụ cho lục căn
thanh tịnh, địch quân là lục trần, người giữ cửa thành luôn phải thức tỉnh
không cho giặc lục trần xâm nhập quấy nhiễu lục căn. Đó, người tu khác
người thường là ở chỗ đó."
Dòng vô minh chấm dứt, cõi tâm rộng mở,
Cõi tâm rộng mở, cửa Niết Bàn rộng mở,
Cửa Niết Bàn rộng mở, ta với Phật đồng nhau không khác.

Câu truyện thiền số 7


"Có một Ni cô trên đường tìm chân lý đã chắt chiu nhờ thợ đúc riêng
cho Ni cô một tượng Phật nhỏ cỡ chừng gang tay bằng gỗ ngoài thếp
vàng. Tượng Phật đó rất đẹp và Ni cô rất trân quí; đi đâu cũng mang
theo, và còn đốt hương cúng dường cho Phật nữa.
Năm tháng trôi qua, Ni cô vẫn luôn mang vác tượng Phật trên vai đi
khắp nơi. Một ngày kia, nghĩ mình cũng lớn tuổi rồi, Ni cô dừng chân lại
một ngôi chùa nhỏ miền quê; nhưng chùa này lại có rất nhiều tượng Phật
lớn nhỏ. Mỗi vị Phật đều có bàn thờ riêng cả. Nhìn lại pho tượng Phật
nhỏ xíu của mình, Ni cô thấy trong lòng ái ngại qúa. Ở nhờ chùa người
ta nên khó lập bàn thờ riêng cho Phật mình, Ni cô đành phải thờ ké bàn
thờ vậy.
Từ hồi nào đến giờ, Ni cô thường đốt hương trầm cúng dường "Phật của
mình", nay trong cảnh thờ chung như vậy, Ni cô thấy trong lòng bất ổn;
mấy ông Phật trụ xứ nhiều quá, ông nào ông nấy to lớn, lỗ mũi to như
qủa quít thế kia thì hít hết khói hương trầm, còn gì cho ông Phật của
mình nữa . Thiệt thòi cho Phật mình quá!
Ngày đêm suy nghĩ, Ni cô nghĩ ra một kế thượng sách. Ni cô lấy giấy và
ống nhựa nhỏ quấn lại với nhau thành hình một cái phễu (ống quặn) vừa
153
đủ khói xông lên hun thẳng vào mũi ông Phật mình. Hay qúa, thế là mấy
ông Phật trụ xứ kia đừng hòng ngửi ké nhá. Ni cô hoan hỷ quá, trong
lòng vui sướng, ăn ngủ ngon lành.
Trải qua mấy tuần lễ đốt hương xông thẳng vào mũi Phật, kết quả mấy
pho tượng Phật trụ xứ chẳng có sao hết, duy tượng Phật của Ni cô, cái lỗ
mũi đen thui đầy muội hương. Cái lỗ mũi đen trên pho tương Phật bằng
vàng càng làm cho pho tượng xấu xí hơn, kỳ cục hơn. "
Ối chao, làm Phật rồi mà còn khổ thế, huống chi là trần gian.
Khổ thay, khổ thay!
Vấn đề then chốt nhất của người đi tìm chân lý giải thoát là phải phân
biệt rõ ràng ranh giới giữa Yêu, Ghét, Tham Đắm và Ràng Buộc. Cái
ranh giới đó hay bị lẫn lộn nhập nhằng với nhau, nhưng thực ra, chúng
khác nhau đấy.
Sự ràng buộc đắm trước là một tai họa, một nguy hiểm giết chết Tình
Yêu. Không có một vật gì nguy hiểm hơn, độc hại hơn lòng chiếm hữu
dính mắc.
Bạn phải cố gắng hiểu cho kỹ điểm này, rồi chúng ta đi vào cốt truyện.
Rất nhiều người đã lầm lẫn Tình Yêu và sự Chiếm Hữu. Chiếm Hữu
không phải là mặt trái, không phải là một phần của Tình Yêu gì cả. Nó là
sự đối nghịch hoàn toàn.
Tình Yêu (viết hoa) không đơn thuần có ý nghĩa là tình yêu nam nữ, mà
còn là tình yêu quê hương, tình yêu cha mẹ, tình yêu chúng sanh, v.v.
Một thứ tình yêu bao la không biên giới, không phân biệt màu da, chủng
tộc, quốc gia gì cả. Sức mạnh Tình Yêu Đại Đồng này có công năng tiêu
hủy cái tự ngã vị kỷ hẹp hòi của bạn để bạn hòa hợp mình vào với mọi
người, với chúng sanh, với vũ trụ và sẽ giúp bạn thăng hoa nhân cách tới
mức tối thượng. Hơn thế nữa, Tình Yêu Đại Đồng đó sẽ giúp bạn đối
diện dễ dàng với cái chết, và từ đó, bạn cũng sẽ dễ dàng thực tập thiền
định.
Tình Yêu sâu thẳm hơn cái Chết, Thiền Định sâu thẳm hơn Tình Yêu.
Trong thiền định, tự ngã của bạn phải vắng bóng; cái tự ngã của bạn phải
chết đi. Khi bạn không dính mắc bám víu một cái gì, khi bạn hòan tòan
thoát ly ra được cái ngục tù "Tự Ngã" thì bạn mới thể nhập được vào Đại
Định.
154
Danh từ tiếng Anh "Ecstasy" rất dẹp và có ý nghĩa. "Ecstasy" có nghĩa là
đứng bên ngoài, đứng ngoài lề. Nhưng trong đạo Phật, "Đại Định" mang
ý nghĩa sâu xa hơn, hàm xúc hơn, triệt để hơn ý nghĩa xuất thần, nhập
định rất nhiều.
Thiền Phật giáo không đơn thuần là trạng thái xuất thần, đi vào những
cảnh giới lạc thú như các cõi trời mà là nghệ thuật kiến chiếu vào thể
tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát, nó
đưa chúng ta đến uyên nguyên của cuộc sống, uống ngụm nước đầu
nguồn, cởi bỏ tất cả những sự ràng buộc chấp mắc. Khi nhập vào đại
định, ta có thể khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập
trong mỗi người chúng ta ( Thiền Luận của Dr. Suzuki). Nghệ thuật
trong thiền chính là nghệ thuật học cách Chết. Chết con người khốn nạn
tầm thường này để trở thành một con người mới toàn thiện hơn. Do đó,
Tình Yêu có nghiã là chết đi cái tự ngã nhỏ hẹp ích kỷ để sống an lạc và
chia xẻ hạnh phúc với mọi người, mọi loài.. Nó khác xa tính chất độc hại
của sự chiếm hữu ràng buộc.
" Có một Ni cô trên đường đi tìm chân lý đã dành dụm tiền nhờ tạc một
tượng Phật bằng gỗ thếp vàng. Tượng Phật đó rất đẹp và Ni cô đi đâu
cũng mang theo kè kè... "
Từng chữ một trong câu truyện này cần phải giải thích trọn vẹn. "Một Ni
cô" Tại sao lại là một ni cô mà không phải là một ông thầy tăng? Có phải
vì đầu óc và trái tim phụ nữ rất chật hẹp và thích chiếm hữu cho nên
nhân vật cốt truyện là một ni cô?
Chúng ta khoan phê bình đánh giá vội. Không phải chỉ riêng có phụ nữ
mới có tánh ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, đố kỵ, nhiều tật xấu đó đâu, mà
những ngừơi đàn ông cũng có những tật xấu đó. Nhưng trước hết, chúng
ta thử phân tích "Tại sao người đàn bà ích kỷ, sở hữu nhiều hơn đàn
ông?" — Bởi vì tánh ích kỷ sở hữu thoát thai từ sợ hãi.
Phụ nữ là một linh vật yếu đuối về thể chất. Vì sự yếu đuối thể chất đó,
họ cần nương dựa; họ cần được bảo vệ. Từ những ngày đầu của thời kỳ
khai thiên lập địa, phụ nữ đã phải nương dựa vào cánh đàn ông để được
che chở và bảo vệ khỏi thú dữ để sinh tồn. Lâu dần, họ trở nên phụ thuộc
và tự biến mình thành cái bóng sau lưng người đàn ông. Và càng yếu
đuối chừng nào, họ càng sợ thêm chừng đó, càng sợ lại càng chiếm giữ
ràng buộc, sợ mất đi sự che chở, sợ mất đi sự bảo vệ, sợ mất đi sự nương
155
dựa. Ngay cả khi họ đang đựơc bảo vệ, họ cũng vẫn cảm thấy không hài
lòng thỏa mãn. Họ vẫn cảm thấy bất an, lo sợ sẽ mất đi cái an toàn, cái
phao che chở đó, và từ đó, tánh chiếm hữu ràng buộc tự lợi nẩy sanh,
không muốn chia xẻ với ai cái họ đang nắm giữ. Vì thế, trong câu
truyện, hình ảnh ni cô, người phụ nữ, đã được lựa chọn. Song, bạn cần
phải nhớ kỹ rằng không có sự khác biệt gì nếu bạn mang thân tướng đàn
ông mà ích kỷ, hẹp hòi, không rộng lượng thì thể chất đàn ông nhưng
tánh khí đàn bà đó. Điều đó còn tệ hơn nữa, phải không? Còn phụ nữ
nào xả bỏ được tánh vị kỷ sở hữu thì hơn hẳn đàn ông rồi còn gì. Như
vậy, sự khác biệt không phải đặt trên vấn đề nam giới hay nữ giới mà đặt
trên cơ bản phong cách hành xử.
Nghe rằng Mahavira đã nói "Phụ nữ không thể nào giác ngộ được trừ phi
người ấy trở thành đàn ông." Và mọi người tin theo nghĩ rằng phụ nữ
phải cố gắng làm tất cả những việc phước đức để kiếp sau tái sanh lại
làm phái nam. Thực ra, ý nghĩ đó quả là buồn cười và ngờ nghệch.
Mahavira muốn nói là còn tư tưởng ích kỷ chiếm hữu đó thì không thể
nào giác ngộ được chứ không phải nói còn cái thân tướng đàn bà là
không gíac ngộ — vì còn sợ, còn chiếm hữu thì không Tình Yêu, không
Thiền Định được.
"Ni cô đó tạc một pho tượng Phật bằng gỗ thếp vàng và đi đâu, Ni cô
cũng mang theo."
Từ lúc tạc tượng Phật thếp vàng, Ni cô ngủ không an giấc vì lo sợ kẻ nào
đó sẽ đột nhập vào rinh mất pho tượng quí này đi. Đang đi trên đường,
nếu có ai chợt nhìn vào tay nãi trong có tượng Phật, Ni cô cũng giật thót
người, cảm thấy bất an nghĩ rằng biết đâu họ biết trong túi có tượng Phật
thếp vàng và sẽ cướp đi mất. Pho tượng trở thành gánh nặng, trở thành
hàng rào cản bước tiến giải thoát của Ni cộ Tâm trí Ni cô xoay vần với
lo sợ, bất an, và dính mắc. Còn chỗ trống nào đâu để an lạc giải thoát lọt
vào! Pho tượng đã trở thành tâm điểm chiếm hữu, lo sợ và thờ phụng.
" Năm tháng trôi quạ Ni cô vẫn luôn mang tượng Phật đi khắp đó đây.
Và một ngày kia, Ni cô dừng chân lại một ngôi chùa làng có rất nhiều
tượng Phật.. ."
Thời gian trôi qua, không có dấu hiệu giác ngộ gì. Mang kè kè một
tượng Phật như thế mà không thấy gì à? không giác ngộ gì sao? Lạ thật.
156
Phật là Giác ngộ, là Giải thoát, là Đại Ngã, là Chân Tâm, là Bản Thể;
nhưng bạn không thể giác ngộ chân lý giải thoát đó nếu bạn vẫn vác
nặng hành trang ràng buộc, chấp trước và vị kỷ. Dù bạn có mang vác
trên vai bao nhiêu pho tượng Phật đi chăng nữa thì cũng dã tràng xe cát
biển đông mà thôi.
Bên Trung Hoa, Nhật Bản, người ta đã xây dựng rất nhiều đại tự, đại
tháp để thờ Phật. Ở Trung Hoa, có một ngôi cổ tự thờ 10,000 tượng
Phật. Tuy nhiên, dù có hàng 10,000 tượng đi chăng nữa cũng chẳng giúp
ích được gì cho ta cả nếu ta không chịu tu tập đọan trừ Tham Sân Si,
Ngã Mạn, Tà Kiến, v.v...
Tượng Phật chỉ là một biểu trưng cho sự giác ngộ giải thoát; chiêm
ngưỡng lễ lạy tượng Phật để tự nhắc nhở vốn sẵn có Phật tánh. Phật tánh
có ở trong anh, có ở trong tôi, có ở trong em, có ở trong người giàu sang
quyền quí cũng như ở trong kẻ ăn mày khốn khổ kia.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh!
Tất cả chúng sanh đều thành Phật!
Tất cả chúng sanh đều bình đẳng!
Hãy tìm một vị Phật sống. Hãy tìm vị Phật sống trong tạ Đừng rong ruỗi
tìm cầu bên bgoài. Đừng trông chờ mong đợi sự cứu độ. Đừng dập đầu
van lạy các ngẫu tượng cầu xin giải thoát. Vì thế, Ni cô này đã vác tượng
Phật gỗ suốt nhiều năm mà chẳng thấu hiểu được gì. Cái tâm đắm chấp
đã che mờ giác tánh trong Ni cộ Quả vậy, có cái gì khổ theo cái nấy.
Người đời có gia đình, có cái nhà cái xe là lo lắng ôm giữ bảo vệ những
thứ đó cả đời, sợ mai một mất đi và lo nối dòng nối dõi để giao phó của
cải. Tu sĩ thì trụ trì một ngôi chùa nào hay thánh đường nào thì cũng
dính mắc vào tự viện đó không thoát ra nổi, cũng lo kiếm đệ tử truyền
trao lại. Cha truyền con nối; không muốn giao cho ai khác ngoài con
ruột mình, đệ tử ruột mình. Cái chế độ phong kiến tự ngàn xưa đã bị
chúng ta hủy bỏ đi để xây dựng chế độ tự do dân chủ; nhưng đó chỉ là
hình thức thay đổi còn nội dung vẫn như cũ. Cái Tiểu Ngã vẫn hoàn lại
Tiểu Ngã đầy tham vọng ích kỷ, tư lợi và ràng buộc. Cái hay nhất của
người tu sĩ là rày đây mai đó, đem chánh pháp giáo hóa chúng sanh.
Chùa chiền, tự viện chỉ là trạm dừng chân qua đêm, đến sáng lại quảy
gánh ra đi. Ngoài ra, nếu phải trụ trì một ngôi chùa hay tự viện nào thì tu
sĩ đó phải hằng tự giác tỉnh là Vạn Pháp vốn Vô Thường Vô Ngã —
157
Không có cái gì trường tồn bất biến cũng không có cái gì là của ta cả. Sự
vật đến đến đi đi, có có không không. Người tu sĩ phải luôn luôn có tâm
niệm Xả Ly Phá Ngã đó thì mới ứng phó đạo tràng, tùy duyên bất biến,
bất biến tùy duyên được. Nếu không, họ sẽ sanh tâm đắm nhiễm, mắc
kẹt vào chùa chiền, thánh đường, tự viện, tín đồ, danh lợi thế gian.
" Ni cô đó thường đốt hương trầm cúng dường tượng Phật của mình . Vì
không muốn khói xông lên bay vào các tượng Phật khác, Ni cô đã chế ra
một cái phễu nhỏ để khói chỉ bay thẳng vào mũi tượng Phật của mình.
Thấy chưa? Nội chỉ có khói hương thôi mà người ta đã phân biệt ích kỷ
rồi huống chi là những thứ quí giá hơn, to lớn hơn gấp bội. Thế cho nên,
chúng ta đã chứng kiến quá nhiều cảnh tranh giành tương tàn lẫn nhau
để chiếm đoạt hay ôm giữ. Ông tu sĩ này nói xấu ông sư kia, bà ni cô kia
bêu riếu bà vãi nọ, đền thờ, chùa chiền, tự viện, v.v... đua nhau mọc lên
như nấm, và cũng đua nhau khuếch trương lên mưu cầu đóng góp, dụ
dẫn tín đồ... Tất cả chẳng qua phản ảnh tâm Tham Đắm, Chấp Ngã, Mê
Danh của những con người chưa liễu đạo. Ni cô trong truyện có phải
chăng chính là hình ảnh của chúng tả Chúng ta dã từng ra rả tụng kinh,
sám hối, tọa thiền... nhưng chúng ta nào có thấu được chút hương thơm
giáo lý của Phật, của Chúa, của Mahavirạ Chúng ta xây bao tượng Phật,
tượng Chúa, đền thờ, tháp tự, v.v. nhưng nào chúng ta thực hành được
chút xíu nào lời các Thánh nhân dạy về giải thoát giác ngộ? Cũng như
Ni cô mang vác tượng Phật suốt nhiều năm mà vô minh vẫn hòan vô
minh, ràng buộc vẫn hòan dính mắc.
Và chuyện gì đã xảy ra?
"Trải qua mấy tuần lễ bị hun khói như vậy, lỗ mũi ông tượng Phật vàng
bị đen thui đầy muội hương. Cái lỗ mũi đen trên pho tượng vàng càng
làm cho pho tượng Phật xấu xí hơn, kỳ cục hơn."
Điều đó đương nhiên phải xẩy ra cho tất cả những người còn tâm đắm
nhiễm vị kỷ. Hương thơm không còn là hương thơm, chân lý không còn
là chân lý nữa.
Hãy trở về nhìn lại các pho tượng Phật, tượng Chúa, tượng Krishnạ Ở tất
cả lỗ mũi của các pho tượng đó đều bị đen thui vì ám khói ích kỷ tư lợi,
chấp trước vô minh của chúng tạ Lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là lời
158
cầu xin đưọc ban thêm ân huệ vật chất. Ngay khi chúng ta mở miệng ra
nói: "Nhà thờ của tôi, chùa của tôi, thầy của tôi, đệ tử của tôi... Có danh
từ "của tôi" là điện đài, chùa chiền, tự viện gì gì đi nữa đều bị phá xập
hoàn toàn.
Trước đây, chính tôi (tác giả) đã bị dẫn độ ra tòa vì tôi dám xâm phạm
một nhà thờ. Ngôi nhà thờ đó đã đóng cửa, không hoạt động ít nhất là 20
năm rồi. Những tín đồ đã dọn đi nơi khác, không còn ở Ấn nữa. Nhà thờ
này thuộc về giáo hội Thiên Chúa Giáo Anh và cũng không còn người
Anh nào ở phố thị này, không ai chăm sóc trông nom nhà thờ cả. Nhà
thờ ấy rất đẹp nhưng bị hoang phế.
Ngày kia, có vài tín đồ đến gặp tôi và nói:
"Chúng tôi không thuộc giáo phái Anh, nhưng chúng tôi không có nhà
thờ riêng. Vậy ông có thể giúp chúng tôi mở khóa vào lễ Chúa không?"
Tôi đáp ngay:
"Được thôi, có gì đâu."
Và những tín đồ đó vào nhà thờ, quét dọn, lau chùi bụi bặm bám đen lỗ
mũi của Chúa.
Tôi nói với họ:
"Không cần hỏi ai là chủ nhà thờ này cả. Người nào thờ phụng Chúa với
tất cả lòng thành không riêng tư thì nhà thờ đó là của họ."
Nhưng độ hai, ba tháng sau thì tin tức bay tới tai những người trước kia
bỏ tiền ra mua nhà thờ. Họ tìm luật sư và kiện tôi ra toà vì dám xâm
phạm nhà thờ.
Công tố viên buộc tội:
— Tại sao ông dám mở khóa nhà thờ? Nhà thờ này thuộc về những
nguyên cáo là những người bỏ tiền ra muạ. Nó là tài sản của họ.
— Nhà thờ không phải là tài sản của bất cứ riêng ai. Nhà thờ chỉ là một
phương tiện để mọi người có thể đến lễ lạy Chúa.. Nhà thờ không phải là
tài sản của riêng ai cả.
159
— Đó là luật pháp. Khi ông xâm phạm vào tài sản người khác, ông đã
phạm tội..
— Được thôi, các ông có thể đóng cửa nhà thờ lại.. Các ông có thể buộc
tội tôi; nhưng hãy nhớ kỹ một điều là chính các ông, những con người
ích kỷ tham đắm kia, đã giết chết Tôn Giáo! Chính các ông mới là kẻ có
tội!"
Hãy nhớ kỹ lời Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
"Ngôi chùa của tôi chính tại Tâm tôi!"
Chùa tại Tâm. Phật tại Tâm!
Đủ rồi!

Câu truyện thiền số 8


"Thiền Sư Seistsu kêu gọi tín đồ đóng góp để xây một thính đường mới
rộng lớn hơn vì số lượng người đến nghe pháp quá đông; giảng đường
hiện tại không đủ sức chứa.
Umezu, một thương gia giàu có, hiện diện tại buổi kêu gọi ủng hộ đó,
cúng dường 500 đồng tiền vàng. Ông ta mang tiền dến đưa tận tay Thiền
Sư Seistsu và Thiền Sư nói: "Được rồi, tôi nhận. Để đó đi!"
Umezu đưa túi tiền vàng cho Thiền Sư, nhưng ông ta không được vui
mấy với thái độ dửng dưng của Thiền Sư Seistsụ Số tiền 500 đồng tiền
vàng rất lớn, vì thời đó, người ta có thể sống cả năm trời chỉ với 3 đồng
tiền vàng mà thôi; thế mà Thiền Sư lại chẳng nói một câu cám ơn nào.
"Trong túi là 500 đồng tiền vàng đấy, Sư ạ!" Umezu nói.
"Ông đã nói với tôi rồi cơ mà!" Thiền Sư trả lời.
"Mặc dù tôi là một thương gia giàu có, 500 đồng tiền vàng cũng không
phải là số nhỏ đâu!"
"À, vậy là ông muốn tôi phải cám ơn ông chứ gì?" Thiền Sư hỏi.
"Ngài phải như thế mới đúng chứ?"
" Tại sao? Người cho cần phải cám ơn người nhận chứ? "
160
Có hai cách sống, hai con đường phải đi: một là sống đúng, đi đúng; hai
là sống sai, đi sai. Sống đúng, đi đúng là chia xẻ, là cho, là ban tặng, là
yêu thương. Sống sai, đi sai là thâu góp, là nắm giữ, là khuynh loát, là
thống trị. Tình Yêu và Tiền Bạc là hai ví dụ điển hình nhất cho hai
phương pháp sống và hành xử của con người. Tình Yêu là con đường
đúng và Tiền Bạc là con đường dẫn tới hậu quả sai lầm đáng tiếc. Song
buồn thay, hầu hết mọi người đều thích đi con đường thứ hai, con đường
tiền bạc.
Tại sao điều đáng tiếc đó lại xảy ra vậy? Tại sao mọi người lại sai lầm?
Qui luật nào, động lực nào thúc đẩy con người đắm say tiền bạc; dù họ
biết là sẽ có một ngày họ ôm hận.
Ta cần phải thâm nhập thật sâu thật sát vào nội tâm con người, phân tích
mổ xẻ kỹ lưỡng tâm lý từng nhân vật điển hình trong câu truyện thiền số
8, những nhân vật biểu trưng cho chúng tạ Nếu ta không hiểu được câu
truyện này, thì ta không thể hiểu được Phật, hiểu Chúa, hiểu Mahavirạ
Không, không bao giờ được, vì những thánh nhân này đi trên con đường
Thương Yêu, ta ngất ngưỡng say trên con đường tiền tài danh vọng. Hai
con đường song song, không bao giờ gặp nhau tại một trung điểm nào
cả. Phàm và Thánh không thể nào, không bao giờ chạm mặt.
Đôi lúc, ngay khi ta cố gắng hiểu Mahavira, hiểu Chúa, hiểu Phật, ta
cũng hiểu các đấng thánh nhân đó qua từ ngữ "Tiền bạc". Những tín đồ
Kỳ Na Giáo tính toán Mahavira đã rời bỏ những gì, bao nhiêu. Cái danh
từ "Bao nhiêu" mới quan trọng, mới là điểm chính. Nếu Mahavira là con
một kẻ ăn mày, bọn người này sẽ không tôn sùng ông ta đâu. May mắn
thay, Mahavira là một thái tử, con một vị Vuạ Vị Vua này trị vì một
vương quốc rộng lớn, ngọc ngà châu báu vô số —và Mahavira đã từ bỏ
ngai vàng điện ngọc, ra đi tìm chân lý. Bất thình lình, Mahavira trở nên
quan trọng, nổi bật lên giữa đám đông người ô hợp phàm tục. Vương
quốc, tiền bạc, ngọc ngà, châu báu... bị từ bỏ, bị để lại sau lưng; chính
điểm đó làm người ta quan tâm chú ý chứ không phải cái tư chất cao quí,
cái phẩm cách thuần lương tối thượng của Mahavira làm người ta coi
trọng.
Qua những con số, người ta tôn sùng đánh giá một người. Ba đấng giáo
chủ của ba tôn giáo lớn ở Ấn: Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo đều
161
xuất thân là thái tử, con Vua cả. Đó là Đức Phật, Krishna và Ramạ
Chính cái điểm xuất thân quyền quí cao sang đó hấp dẫn người ta nhiều
nhất, làm người ta sẵn sàng quì lạy dưới chân. Buồn thay! Vì thế, tôi đã
nói người mê tiền sẽ không thể nào hiểu được người coi thường vật chất.
Họ không bao giờ gặp nhau cả. Đó là lý do các bậc Thánh nhân rất cô
độc trên bước đường giải thoát.
"Thiền Sư Seistsu kêu gọi mọi người đóng góp xây một thính đường
rộng lớn hơn để đủ sức chứa số lượng tín đồ đông đảo.
Umezu, một thương gia giàu có, ủng hộ 500 đồng tiền vàng và tỏ vẻ
không hài lòng thái độ dửng dưng của Thiền Sư... "
Qua câu truyện, ta nhận xét ngay Umezu là một tên nhà giàu keo kiệt
bủn xỉn, coi trọng đồng tiền. Nhưng sao hắn ta lại dám bỏ ra 500 đồng
tiền vàng? Hắn có mưu cầu lợi lộc gì chăng?
Thói thường, dân buôn bán là hạng người tính toán so đo lời lỗ rất kỹ.
Bất cứ việc gì, họ đều đặt lên bàn cân đong đếm nặng nhẹ. Cái tập khí
tính toán đó ăn sâu vào xương tủy họ, khó lòng đoạn trừ, nên dù hướng
về tôn giáo, họ cũng đem sự linh thiêng tín ngưỡng lên bàn cân tính
toán.
Umezu là một tên buôn bán; con số là mạng sống của ông tạ Nay đem ra
500 đồng tiền vàng, dĩ nhiên, Umezu muốn một sự trao đổi có lời. Có
thể ông ta đã quá già và sắp chết, muốn dùng tiền để mua sự sung sướng
chốn thiên đường. Năm trăm đồng tiền vàng kia có thể chỉ là một phần
triệu gia sản của ông ta, có thấm thía gì đâu sự mua bán này? Thiền Sư
Seistsu đã được mọi người tôn trọng tán thán là một bậc cao tăng khả
kính, chắc chắn lời cầu nguyện của Sư sẽ giúp lão ta lên thiên đường,
vậy bỏ ra 500 đồng tiền vàng mua lấy sự bình an sung sướng cảnh tiên
vẫn còn quá rẻ. Umezu đã cân nhắc tính toán lời lỗ rất kỹ nên mới dám
bỏ ra 500 đồng tiền vàng như vậy. Nhưng ông ta đã chưng hửng khó
chiu. vì Thiền Sư Seistsu thản nhiên trước món tiền kếch sù kia.
"Được rồi, để đó đi!"
Lời nói của Thiền Sư như một gáo nước lạnh dội tạt vào mặt lão thương
gia. Umezu tưởng rằng Thiền Sư phải rối rít cám ơn và tuyên bố với mọi
162
người là lão đã ủng hộ đến 500 đồng tiền vàng (như mọi người đã từng
làm khi có ai ủng hộ một số tiền lớn). Nào ngờ đâu, Sư Seistsu chỉ dửng
dưng thốt lên vỏn vẹn "Được rồi, để đó đi" (có lẽ là Sư không biết vật
giá bên ngoài nên cho là 500 đồng tiền vàng là không ra gì). Lão khó
chịu ấm ức quá phải nhấn mạnh:
"Này Sư, trong túi là 500 đồng tiền vàng cơ đấy! Người ta chỉ cần 3
đồng thôi là đủ sống cả năm rồi!"
Thiền Sư vẫn chẳng chịu hiểu cho:
"Thì ông đã nói với tôi rồi!"
"Nhưng đến tận 500 đồng tiền vàng!"
"À, hóa ra ông muốn tôi phải cám ơn ông chứ gì?"
"Chứ sao, ít nhất Sư cũng phải như thế!"
"Tại sao? Người cho cần phải cám ơn người nhận chứ?"
Lão Umezu là con người tiền bạc. Mạng sống lão là tiền bạc; hơi thở lão
là tiền bạc. Những gì lão nghĩ đều qua những con số và những dấu cộng,
trừ, nhân, chia. Tiền bạc cần thiệt, cũng quan yếu trong đời sống con
người; nhưng không phải là tất cả. Con người không phải sống chỉ vì
tiền bạc, nhờ vào tiền bạc. Có những thứ mà tiền bạc không thể nào mua
được như Hạnh Phúc, An Bình Tâm Trí, Phẩm Hạnh, Đạo Đức, Can
Đảm, Trung Trực, v.v. và v.v... Nếu cuộc đời chỉ có tiền bạc thì tốt hơn
hết ta nên chết quách cho xong. Chúa Giê Su cũng từng nói: "Con người
không thể sống chỉ có bánh mì mà thôi". Ngài cũng hiểu rằng bánh mì
(hay tiền bạc) là cần yếu; con người không thể sống thiếu bánh mì—
song ở một góc độ, tầng bậc cao hơn đời sống thường nhật thì bánh mì
hay tiền bạc chỉ là rơm rác.
Tuy nhiên, đối với lão Umezu, đối với hạng người sống vì tiền thì quả là
khó chịu, không hài lòng nếu cho ra mà không nhận lại gì dù một lời
cám ơn nồng nhiệt. Bánh sáp đi thì bánh qui phải lại chứ! Khi ta cho ai
một vật gì, giúp ai một điều gì, ban cho với một điều kiện thì ta luôn cảm
thấy không hài lòng thỏa mãn bởi vì điều kiện ta đòi hỏi người khác ít
khi nào được đáp lại đầy đủ như ý. Trong tâm ta còn tham cầu, còn điều
kiện, còn mong chờ đòi hỏi thì không bao giờ ta cảm thấy an lạc cả.
Trong Sáu Phương Pháp Đưa Người Đến Bờ An Lạc Rốt Ráo (Lục Độ
Ba La Mật), những người con Phật đều rõ lời Phật dạy là Bố Thí, Trì
163
Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Huệ, đều phải ba la mật,
nghĩa là rốt ráo vẳng lặng. Người cho, người nhận, vật cho đều không
(đẳng tam luân không tịch) thì mới rốt ráo vượt qua đến bờ bên kia giác
ngộ, giải thoát đau khổ ràng buộc. Thế cho nên, chúng ta mới qui
ngưỡng, tôn trọng, tán thán, tôn xưng Đức Phật là Đấng Đạo Sư của trời
người; Mahavira là giáo chủ - vì tính chất đạo hạnh cao quí tối thượng
đó.
Đức Phật đã từ bỏ hoàng cung, phú quí vinh hoa cùng tình ái hạn hẹp,
những cái mà hạng phàm tục thế nhân đua nhau tranh giành tận hưởng
đến bươu đầu sứt trán để đi tìm Hạnh Phúc An Lạc Tuyệt Đối Vĩnh
Hằng của nội tâm. Mahavira cũng đã rời xa ngai vàng để dấn thân vào
cát bụi, ngõ hầu tìm giải thoát thực sự. Krishnamurti cũng đã bước
xuống ngôi vị giáo chủ một tôn phái để khoác lên người chiếc áo "không
nhà, không tôn phái, không địa vị". Làm sao những hạng phàm tục
chúng ta đây hiểu được? Do đó, những bậc thánh, vĩ nhân bước thênh
thang trên con đường thương yêu; chúng ta ngất ngưỡng lần mò trên con
đường tăm tối của bạc tiền danh vọng. Cái hố thẳm đó các bạn đã đào
sâu lắm rồi; cái giếng đục đó các bạn đã đào sâu lắm rồi; hãy trèo lên đi;
dù khó nhọc đến mấy hãy cố trèo lên đi, đừng tụt sâu xuống nữa, các bạn
ạ! Hãy quẳng đi những túi bạc đeo trên người các bạn, hãy cho đi với
tấm lòng rộng mở; càng đeo nặng túi tham chừng nào, các bạn càng khó
trèo lên đó. Cho đi vô điều kiện, cho đi không cần nhận lại.
Hãy nhìn những hiểm họa do vật chất văn minh kỹ thuật mang tới cho
con người, cho sanh linh trên toàn địa cầu này.. Con người đã và đang
chịu đựng những hậu qủa khốc liệt gì do lòng tham đem lại? Chiến
tranh, ô nhiễm môi sinh, bệnh tật nan trị, bạo lực tung hoành và còn
thiên tai hạn hán v.v... Thảm trạng thế giới đó xảy ra do lòng tham đắm
của con người gây nên.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên phải xả bỏ tiền bạc. Một khi đã quá dư thừa
thì tóm thâu vào nữa, có ích lợi gì? Tích lũy càng nhiều, càng thêm tai
họa. Hoa Kỳ là nước văn minh vật chất tột đỉnh nhưng đồng thời cũng là
một quốc gia bị xáo trộn nhiều nhất. Nếu những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ
biết dừng lại, cho bớt đi và cám ơn những người nhận, thì chúng sanh an
lạc biết chừng nào?
164
Vị Thiền Sư nói: Người cho nên cám ơn!
Umezu nên cám ơn Thiền Sư đã nhận món quà. Chúng ta nên cám ơn
người khác khi chúng ta giúp họ điều gì — vì có người nhận thì người
cho mới có cơ hội để cho, để làm việc phước chứ. Người cho nên cám
ơn, người nhận cũng cám ơn. Cả hai tương quan tương tức với nhau để
cùng sinh tồn, cùng giải thoát. Các vị thiền sư sống giữa cuộc đời, cũng
cần một chút vật thực qua ngày nuôi tấm thân tứ đại, nhưng các thiền sư
vẫn thong dong tự tại vượt thoát ra ngoài sức chi phối mãnh liệt của vật
chất. Tiền bạc chỉ là phương tiện trao đổi ở thế giới điên loạn này; đừng
biến nó thành cứu cánh, đừng tự biến mình thành nô lệ. Người giác ngộ
khác với chúng tạ Họ cũng sống giữa đời nhưng khôn khéo xử dụng
những thủ thuật và uyển chuyển dùng những phương tiện đó để cảnh
tỉnh dẫn dắt chúng ta leo lên miệng hố, đạp sóng tới bờ.
Ở Nhật Bản, có một dị nhân hay bị bắt vào tù vì tội ăn cắp — hôm nay
ông ta lấy một món đồ nhỏ nầy, ngày mai ông ta lại ăn cắp một vật tầm
thường khác. Không có vật gì đáng giá cả nhưng đó cũng là hành vi ăn
cắp và vẫn phải bị ngồi tù. Ông ta vào tù ra tù đến cả 26 lần, và tội nhân
trong tù đều là đệ tử của ông. Lần cuối cùng ông ra tù, ông đã 78 tuổi
rồi, những đệ tử của ông khuyên: "Thôi, Thầy đã già rồi, đừng làm như
thế nữa!" Ông đã trả lời: "Nếu ta không làm nữa thì ai sẽ vào tù để hóa
độ những tội nhân kiả Ai sẽ giảng dạy, khuyên bảo chúng cải tà qui
chánh? Nếu mọi người chỉ biết giải thoát sung sướng một mình mình thì
ai sẽ là người vào địa ngục cứu khổ muôn loài? Ai là người bẻ khóa
xiềng xích giải thoát cho sanh linh? Đó là con đường duy nhất ta phải
làm, nếu không chúng sẽ không theo ta tu tập sửa đổi lỗi lầm."
Đó là cách cho của bậc giác ngộ, bậc đạt đạo —-ban cho chúng sanh sự
giải thoát, ban cho chúng sanh trí tuệ.
Viết dến đây, tôi (người dịch) lại nhớ đến đại nguyện của ngài A Nan
trong bài tựa thần chú Lăng Nghiêm: "... ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,
như nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn."
Ngài A Nan đã lập thệ nguyện với đại hùng tâm: "đời năm trược hắc ám
con xin vào trước, nếu có một chúng sanh nào chưa thành Phật, con đây
cũng sẽ không nhập Niết Bàn vội để an hưởng giải thoát một mình... "
165
Đại thệ nguyện đó chỉ có bậc Bồ Tát mới làm nổi, còn chúng ta đây,
giúp ai một tí đã kể công, cho ai một đồng đã mong người nhận ghi ơn
tạc dạ, ủng hộ cúng dường thì muốn tên mình đưa lên bảng vàng công
đức. Càng làm càng bành trướng bản ngã, càng làm càng chấp trước
chiếm hữu.
Cuộc đời dày đặc những tham vọng ngông cuồng như thế đó. Thế nhân
mang nặng những hệ lụy như thế đó. Vì thế, con người chỉ có một cách
nhìn và một lối đi: đi xuống địa ngục!
Tôi và bạn có dại dột gì đi xuống địa ngục không? Chắc chắn không, bạn
nhỉ? Vậy, đừng ôm giữ nữa, hãy buông xả đi! Buông xả chính là hương
thiền tỏa ra. Buông xả chính là trở về cội nguồn, chân tâm, Phật tánh.
Buông xả để thể nhập chân như, vạn sự nhẹ thênh, vẳng lặng, nhất thể
(Doãn quốc Sỹ).
Người cho cần phải cám ơn.
Người cho cần phải buông xả.
Đó là nếp sống chân thật quân bình của Thiền.
Xách nước qua đây,
Đai tre ải đứt,
Thùng vỡ đáy tung,
Nước ào ra hết,
Đâu còn đáy nước trăng trong ,
Hư không còn lại tay không hững hờ.
Kìa, vành trăng Chân Lý!

Câu truyện thiền số 9


Ngày kia, có một triết gia đến hỏi Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, không nói, không phải là không nói, Ngài có thể
cho con biết sự thật không?"
Đức Phật im lặng.
Ông triết gia kia đảnh lễ Phật và xưng tán rằng: "Với ánh sáng đại bi đại
trí của Phật chiếu soi tâm con, con đã đoạn trừ được mê vọng và bước
vào chánh đạo."
166
Ông triết gia ra về rồi, ngài A Nan bèn bạch Phật:
"Bạch Đức Thế Tôn, triết nhân kia đã đạt tới những gì?"
Phật trả lời:
"Con chiến mã phi nhanh ngay cả dưới cái bóng của ngọn roi da!"

Rất hiếm khi các nhà triết học đến hỏi Phật. Nhưng một khi điều đó xảy
ra thì đúng là một cuộc cách mạng, một sự biến chuyển lớn trong làng
triết học.
Tại sao các triết gia đến gặp Phật lại có vẻ miễn cưỡng khó khăn quá
như vậy? Bởi vì triết học và tôn giáo là hai vấn đề đối nghịch nhau, khác
chiều hướng.
Triết học đặt nền tảng trên cơ sở suy tư nghiền ngẫm và Tôn giáo thì đặt
trọng tâm niềm tin vào chân lý.
Người suy tư luôn dễ dàng đặt nghi vấn về một vấn đề gì đó; nhưng
không thể tin dễ dàng vào bất cứ cái gì. Song người tôn giáo, điều tiên
quyết cần có là niềm tin vững chắc kiên cố, không nghi ngờ. Triết gia
sống bằng lập luận; nhà tôn giáo sống với Tình Thương. Lô gích và Tình
Thương là hai con đường song song như đường rầy xe lửa, không bao
giờ gặp nhau tại một trung điểm nào cả. Có thể hai con đường đó rất gần
nhau nhưng luôn luôn song song.
Bạn hãy đứng tại một trạm đường rầy xe lửa, hãy nhìn những đường rầy
chạy thẳng tít đằng xa kia, bạn tưởng rằng dù con đường có song song đi
chăng nữa rồi cũng phải gặp nhau ở tận cuối chân trời, phải không;
nhưng không, đó chỉ là ảo giác của bạn. Hai con đường song song không
bao giờ gặp nhau. Đầu óc và trái tim không thể gặp nhau; lý trí và tình
cảm, tri thức và trí tuệ, không thể nào gặp nhau. Bạn có thể nhẩy một
bước từ con đường này nhẩy sang con đường kia, từ đầu óc nhẩy vào trái
tim, nhưng chỉ là một cú nhẩy mà thôi, và chấm dứt, không có sự tiếp
nối đâu.
Nếu bạn đặt nặng lý trí — nghĩa là bạn tin vào sự lập luận, nghi ngờ. Có
rất nhiều triết gia vĩ đại, họ suy tư và suy tư, họ chìm đắm trong suy tư,
167
rồi sáng tạo ra nhiều tình huống, hệ thống, phép lạ chữ nghĩa, thuật ngữ
v.v... nhưng họ thực không bao giờ sát nhập hay tiến gần đến chân lý
bằng những người ngây thơ, không biết một chút gì về triết học. Những
người ngây thơ đó, có thể không học cao, không hiểu rộng bằng các triết
gia, nhưng ít nhất ra họ cũng chân thật nhìn nhận họ dở họ kém nên tự
ngã của họ vắng bóng, nhờ vậy họ đến với mọi người dễ dàng hơn, lắng
nghe người khác dễ dàng hơn, thâm nhập chân lý dễ dàng hơn, gần gũi
Phật dễ dàng hơn. Còn những hạng triết gia, vì tưởng rằng cái gì ta cũng
biết hơn người, ta tài giỏi hơn người nên kiêu căng ngạo mạn, không cần
tìm đến người khác để học hỏi — song thực ra, họ có hiểu biết gì đâu.
Tại sao đối với những nhà lô gích, Tình Thương đến với họ khó khăn
như vậy? — bởi vì Tình Thương cần một hành động can đảm, quyết
đoán, không chần chừ, do dự hay nghi kỵ gì cả. Yêu là tin, là giao phó,
ngay cả sanh mạng mình, là can đảm hành động. Còn Lô gích là một tên
hèn nhát, nó không bao giờ dám đối diện với sự không hiểu biết. Nó
luôn nói: "Tôi phải biết rõ trước đã. Nếu lãnh vực đó, việc đó, tôi biết rõ
ràng rồi, tôi mới hành động."
Lô gích không bao giờ dám phiêu lưu. Đối với người lô gích thì họ sẽ
cho những con người sống với Tình Yêu kia là đám ngu xuẩn. "Anh
đang làm gì vậy? Anh đâm đầu đi tới trước mà không rõ là mình đang đi
đâu à? Trời ơi, sao ngu dại thế, rời bỏ một nơi chốn an toàn, lợi lộc để
phiêu lưu tới một nơi không nhất định, không rõ ràng. Này, đừng nói với
tôi là anh thích như thế nhé. Anh bạn của tôi ơi, đừng ngu dại đánh mất
những gì mình đang có để trở thành kẻ không nhà, không tài sản. Trước
khi quyết định làm gì, hãy suy nghĩ cho kỹ và biết chắc là mình sẽ được
lợi lộc gì?"
Đó, người lô gích sẽ nói với bạn như vậy. Phải biết chắc bậc thang kế
tiếp rồi mới dám đặt chân lên — thực ra nếu cứ lần dò như vậy thì còn
lâu lắm bạn mới đặt chân lên bậc thang kế tiếp.
Tôi (tác giả) có nghe nói lại như thế này: Ngày kia, Mulla Nasruđin
muốn học bơi. Ông ta đến gặp người huấn luyện viên dậy bơi và người
này nói: Hãy đi với tôi ra bờ sông tập bơi. Không khó đâu, đừng sợ, bọn
trẻ con còn tập được cơ mà!
168
Nhưng tai hại thay, khi Mulla đi tới gần bờ sông, ông ta trượt té một cú
đau điếng vì bờ sông đầy bùn trơn trợt. Ngã một cú điếng hồn, Mulla
hoảng kinh bỏ chạy, không dám xuống sông nữa. Huấn luyện viên nói:
Tại sao ông nhát quá vậy? Ông chạy đi đâu? Mulla nói: Thôi thôi, trước
hết ông dạy tôi cách bơi ra làm sao đi, rồi sau đó tôi sẽ xuống bơi. Nguy
hiểm qúa! Nếu lỡ có chuyện gì xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm đây?
Thôi, để tôi học xong phương pháp bơi lội đã rồi tôi sẽ xuống nước!
Ngộ nghĩnh qúa, phải không? Làm sao bạn có thể học bơi được nếu bạn
không chịu xuống nước? Vì thế, Mulla chẳng bao giờ biết bơi cả.
Cái nguy hại của lô gích là thế đấy.. Lô gích hay lập luận trở thành một
nấm mồ chôn sống tình cảm chân thật của con người. Nó không thể nào
đưa ta đến Sự Thật, đến Chân Lý Giác Ngộ được. Nó giết chết sự hồn
nhiên trong trắng của tâm hồn ta; nó tạo ra những nghi kỵ, do dự, lững
lờ. Còn Tình Thương trinh nguyên kia dẫn đường ta đến Chân Như Phật
Tánh. Con người của Tình Thưong quan tâm đến cái gì sẽ xảy ra cho ta,
cho chủng tánh của ta, làm sao để hạt giống tình thương hướng tâm hồn
ta về tương lai rộng mở, về phía ánh mặt trời rực sáng; còn lô gích kéo ta
về vũng lầy nghi kỵ, băn khoăn. Đó là vì sao các triết gia rất khó gặp
Phật. Họ quay tìm quá khứ, truy cứu nguyên nhân; nhưng Phật dạy ta
hãy an nhiên tỉnh thức trong từng phút giây hiện tại và hướng bước tới
tương lai. Bước chân của cả hai có thể giống nhau đều bước tới, nhưng
hai hướng khác nhau hoàn toàn. Do đó, khi có triết gia nào đến thỉnh vấn
Phật, đó là điều đáng ngạc nhiên, cần ghi nhớ. Vì sao? Vì khi có triết gia
nào tìm tới Phật có nghĩa là tận cùng thâm tâm, ông ta đã cảm nhận sự
thất bại của triết học, sự thất bại của lô gích. Suốt cả một đời, ông ta đã
đi tìm, đã tranh luận, đã hăng say bảo vệ lập luận của mình và tưởng
rằng sẽ tìm ra chân lý qua những cuộc tranh luận bàn cãi đó; nhưng nay
ông ta đã nhận ra sự thật, ông ta đã thất vọng vì sự bất lực của lô gích.
Chỉ có người trong cuộc mới thấm thía cái mùi vị thất bại đắng cay, cái
đau đớn tận cùng của sự bất lực thảm hại đó. Những người khác không
tài nào hiểu nổi đâu. Từ trên cao rơi xuống thấp, cái tự ngã trong người
triết gia bỗng tan biến đâu mất, và vị bác học tri thức kia như đứa trẻ thơ
chưa biết gì, quì xuống dưới chân Đức Phật, xin đươc dạy bảo.
169
Có hai loại vô minh: một loại là Định tánh Vô Minh, có nghĩa là không
hiểu biết gì, khó chuyển hóa; còn loại kia là Bất định tánh Vô Minh, có
nghĩa là tự học hỏi và giác ngộ hoặc là nhờ người khác khai ngộ cho và
chuyển hóa vô minh thành trí tuệ.
Có một triết gia đến hỏi Phật...
Vào thời Đức Phật còn tại thế, có rất nhiều triết gia, nhiều đạo phái,
nhiều học thuyết. Chưa có một thời kỳ nào lại có qúa nhiều triết thuyết
ra đời như thời Đức Phật tại thế. Không phải chỉ ở Ấn mà còn trên toàn
thế giới. Ở Ấn, có Đức Phật, Mahavira, Prabuđha Katyayan, Ajit
Keshakambal (một đại triết gia), Makkhali Goshal (một nhà trí thức lỗi
lạc), Sanjay Vilethiputta và còn nhiều bác học nữa ở Bihar. Đương thời
tại Hy Lạp, có Heraclite, Socrates, Plato Aristotle, ba vĩ nhân sáng tạo ra
triết học Tây Phương. Cùng thời gian đó, bên Trung Hoa là Khổng Tử,
Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử. Hình như đỉnh cao trí tuệ của lòai người tụ
hội cả lại ở phương Đông.
Đúng ra chỉ có ba nền văn hóa lớn: một là Trung Hoa, hai là Ấn và ba là
Hy Lạp.
Ba nền văn hóa đó là chính, ngoài ra đều là sản phẩm của ba nền văn hóa
tư tưởng đó.
Xuất xứ của văn hóa Tây Phương bắt nguồn ở Athens, Hy Lạp. Toàn bộ
văn minh Trung Hoa, một nền văn minh hoàn toàn khác biệt, nổi lên từ
tư tưởng đối nghịch giữa Khổng Phu Tử và Lão Tử; và nét tinh hoa siêu
tuyệt triết học và đạo học ở Ấn sản sanh ra do Đức Phật, Mahavira; và
tất cả những bác học vĩ nhân đó đều hiện hữu trong cùng một giai đoạn
lịch sử nhất định.
Các sử gia cho rằng Lịch sử di chuyển theo vòng tròn bánh xe: có những
thời kỳ kiến thức siêu việt tận đỉnh cao, có lúc lại bị dìm xuống không ai
mơ màng đến. Ví dụ như ở Ấn, trước và đương thời Đức Phật tại thế, có
hàng ngàn, hàng triệu người là triết gia, đạo sĩ. Tư tưởng huyền bí siêu
hình đạo học và đường lối lập luận triết học giao lưu nhau, bao trùm lên
toàn xứ Ấn, tạo cho nó thêm vẻ trác tuyệt. Tuy nhiên, đỉnh cao trí tuệ đó
gống như Kim Tự Tháp, đáy thì rộng bằng và chóp thì nhọn. Có nghiã là
dù có hàng triệu triết gia, đạo sĩ đi chăng nữa, người đạt đạo cũng chẳng
170
có bao nhiêu. Thời đó, duy chỉ có Đức Phật là bậc Đại Giác Ngộ và ánh
sáng giáo lý của Ngài còn gieo rắc đến tận hơn hai thiên niên kỷ và chắc
chắn sẽ còn mãi mãi.
Sự giác ngộ đạt đạo của Đức Phật không ai sánh nổi. Người Tây Phương
nghĩ rằng họ là người thông thái tuyệt đỉnh, ví dụ như Sigmund Freud
lập luận: "Tôi cho rằng nằm sâu dưới lớp tri thức là siêu thức và vô
thức." Người Tây Phương cho rằng đó là một khám phá tuyệt diệu, một
cách mạng lớn trong nền tư tưởng triết học Tây Phương. Nhưng thực ra,
Đức Phật đã dạy: "Con người có 8 thức — đó là tiền ngũ thức (mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân) đệ lục thức (thức thứ 6 là Ý thức), đệ thất thức (thức thứ
7 là Mạt Na), và đệ bát thức (Tàng thức); mà sau đó, hai luận sư đệ nhất
là Ngài Vô Trước và Thế Thân đã sáng lập ra hệ thống Duy Thức học vô
cùng chặt chẽ và khoa học.
"Ngày kia, có một triết gia đến hỏi Phật... "
Hãy nhớ kỹ rằng Đức Phật chính là người bác bỏ lý luận trừu tượng, phủ
nhận siêu hình học. Ngài cho rằng tất cả những câu hỏi triết học đều vô
nghĩa, đi tìm cái không tưởng. Bây giờ ở phương Tây, Bertrand Russell,
Wittgenstein là người phản kháng kịch liệt thuyết siêu hình, trừu tượng.
Vì thế, nếu bạn hỏi một câu hỏi vô nghĩa vô lý, một câu hỏi triết học,
Bertrand Russell cũng sẽ trả lời phải không phải, có không có. Song Đức
Phật thì không trả lời. Ngài im lặng, vì câu hỏi vốn đã vô nghĩa thì nếu
trả lời lại càng phi lý vô nghĩa hơn. Cách tốt nhất là im lặng. Cũng như
có người thắc mắc "Thế giới này bắt nguồn từ đâu, ai sáng tạo ra; hay
chết rồi linh hồn còn hay mất; trước khi có thế giới này, vũ trụ là gì ra
sao v.v... và v.v... " đều là những câu hỏi không lợi ích thiết thực, Đức
Phật không nhất thiết phải giải đáp. Ngài đơn giản dạy rằng: "Có 4 chân
lý chắc thật mà chúng sanh cần hiểu rõ: "đó là Sanh, Lão, Bịnh, Tử,
chúng sanh chắc chắn phải trải qua 4 chu kỳ Sanh Lão Bịnh Tử đó và
vạn vật cũng phải trải qua 4 giai đoạn Thành Trụ Hoại Không." Ngoài
ra, còn có 8 cái khổ căn bản là "Sanh khổ, Lão khổ, Bịnh khổ, Tử khổ,
Cầu Bất Đắc khổ, Oán Tắng Hội khổ, Ái Biệt Ly khổ, Ngũ Ấm Xí Thịnh
khổ... Đó, đó chính là những điều mà chúng sanh cần phải giải quyết,
cần phải đoạn trừ để được hạnh phúc thật sự. Tại sao không lo trầm tư
mặc tưởng tu tập quán chiếu về những đề tài này mà lại vẩn vơ đi tìm
171
câu trả lời về những câu hỏi trừu tượng siêu hình như Thượng Đế có hay
không có? Tạo Hóa là ai? v.v.
"Ngày kia, có một triết gia đến hỏi Phật: "Không nói cũng không phải là
không nói, xin Ngài giảng cho con biết về Chân Lý?"
Ông ta hỏi một điều không thể nào làm được; nhưng với một vị Phật,
một bậc đại giác ngộ, không có điều gì mà không thể làm được — và chỉ
có Phật mới làm được cái không thể làm. Cái không thể sẽ biến thành có
thể. Ở đây, tất cả qui luật bình thường của thế gian đều bị bẻ gãy.
Câu hỏi "Không nói cũng không phải là không nói" đã được nêu lên
nhiều lần rồi, không phải đây là lần đầu. Trước ông triết gia này cũng đã
có hàng ngàn triết gia học giả khác đến tham vấn Phật. Tuy nhiên, Đức
Phật không nhất thiết chỉ có một câu trả lời. Ngài không có câu trả lời
nhất định. Tùy theo căn cơ trình độ, tình huống, thời gian... mà Đức Phật
tùy duyên uyển chuyển trả lời hay không.
Xưa kia, có người hỏi Phật: "Không nói cũng không phải là không nói,
Phật cho con biết gì về chân lý?" Đức Phật trả lời: "Nếu ông hỏi tôi
nhưng không nói cũng không phải là không nói, tôi sẽ trả lời cho ông.
Nếu ông không làm được như thế, ông còn đòi hỏi mong cầu gì nữa?
Vậy, hãy thực hành đi! Hãy sẵn sàng câu nói nhưng không phải là câu
nói rồi hãy tới đây!"
Nhưng đối với ông triết gia này, Đức Phật không trả lời như vậy; vì tư
chất ông triết gia này khác với người kia. Cũng cùng một câu hỏi nhưng
tư chất hai người hoàn toàn khác nhau. Người trước hỏi Phật và đặt nặng
trên cơ sở ngôn từ chữ nghĩa chứ không màng đến chân lý; người đó còn
mang nặng hành trang phân tích lý luận trên vai, chỉ muốn thỏa mãn tri
thức cạn cợt bề mặt của mình; còn ông triết gia này, câu hỏi của ông
chứa đựng tổng thể con người ông và niềm khao khát tìm chân lý giải
thoát. Câu hỏi đưa ra cho có lệ, ông triết gia muốn đào sâu vào cái tiềm
ẩn bên trong sức sống muôn loài, chứ không cần định danh những chữ
nghĩa chết cứng khô cằn kia.
Câu hỏi "Không nói cũng không phải là không nói" là một câu hỏi vô
cùng hàm xúc. "Không nói" thì quả là dễ dàng rồi, ta chỉ cần im lặng.
172
Nhưng "không phải là không nói" thì thật khó lòng. Im lặng cũng không
phải là im lặng thì thế nào đây?
Đó chính là sự Im Lặng Tuyệt Đối của Đức Phật!
Có hai loại im lặng: "Khi ta im lặng không thốt lên một âm thanh nào cả,
đó chính là sự im lặng kềm hãm, miễn cưỡng. Ta đè nén nó, không cho
nó phát ra âm thanh nào mà thôi. Miệng ta không mở ra, môi ta không
mấp máy, cổ họng ta không phát ra âm thanh, lưỡi không bật ra tiếng,
nhưng sự thực trong tâm ta, trong đầu óc ta, chữ nghĩa quay cuồng, âm
thanh nhẩy múa. Ta chỉ kềm hãm đè nén ngôn từ không cho nó phát ra
tiếng. Đó là loại im lặng bề mặt, loại sóng ngầm dưới mặt đại dương
phẳng lặng.
Loại im lặng thứ hai là không có ngôn từ ngoài và trong, không âm
thanh, sững sờ, chết đứng, bất động, không lóe lên một tia chớp nào.
Loại im lặng thứ hai này là loại im lặng phản ứng trong trường hợp nguy
hiểm chết người, bất ngờ, vượt sức chiu. đựng, thành ra không kịp phản
ứng. Tất cả cơ quan đầu não trong một tích tắc ngưng hoạt động. Nhưng
đó cũng không phải là sự im lặng của Đức Phật. Sự im lặng của Đức
Phật là loại thứ ba, hay nói đúng hơn là không thuộc loại nào cả, siêu
việt ra ngoài sự xếp hạng tầm thường của thế tục.
Im Lặng của Đức Phật là Vô Ngôn, bặt dứt khái niệm ngôn từ, xóa sạch
dấu vết vọng tưởng, loạn niệm. Sự Im Lặng này không cần sử dụng một
chút áp lực nào để kềm hãm đè nén, cũng không bị sức ép mãnh liệt nào
từ ngoài đưa vào. Im Lặng là im lặng, đơn giản vậy thôi. Sự Im Lặng
này là Trung Đạo; không ở cực đoan này là nói, cũng không ở cực đoan
kia là không nói. Sự Im Lặng của Đức Phật ở giữa, không chống phá,
không gượng ép bên nào cả. Bình thản, thong dong, tự tại, an nhiên, đến
đến đi đi. Đó là con đường Như Lai, hạnh Như Lai, im lặng Như Lai.
Ví dụ thêm thế này cho bạn dễ hiểu, khi bạn tọa thiền, bạn cần yên lặng
— nhưng con bạn đang nô đùa, cười khúc khích, xe hơi chạy ngoài
đường, có ai đó bóp còi inh ỏi v.v... Bạn cố im lặng tập trung nhưng
tiếng động huyên náo đó vẫn lọt vào tai khiến bạn bực bội khó chịu. Đó,
sự im lặng bề mặt luôn luôn gặp luồng đối kháng mãnh liệt trog tâm. Vì
sao? Vì tự ngã của bạn vẫn có mặt 24 trên 24. Còn im lặng của Đức Phật
173
là sự vắng bóng Tự Ngã. Tiếng trẻ con, tiếng động cơ, tiếng còi, tiếng
nước v.v... vẫn có đó nhưng không tác động ảnh hưởng gì. Ta vẫn là ta,
âm thanh là âm thanh.
"Nhạn độ hàn đàm,
Nhạn qúa, nhi đàm vô lưu ảnh,
Phong lai sơ trúc,
Phong khứ, nhi trúc bất lưu thinh."
(Bóng nhạn qua sông,
Nhạn bay đi, nước không giữ lại gì,
Gió thổi qua rừng trúc,
Gió vèo qua, trúc chẳng lưu lại chút âm thanh.)
Con chim én bay qua dòng sông, nó không cố tình phản chiếu bóng nó
xuống mặt nước; và dòng sông cũng không cố ý lưu giữ lại bóng nó. Gió
thổi qua rừng trúc, gió bay vèo qua, trúc chẳng cố tâm giữ lại chút gió
thoảng nào. Đấy, một khi tự ngã vắng bóng, tất cả chỉ là "Không".
Không trong Có, Có trong Không!
"Đức Phật im lặng — và người triết gia cúi đầu đảnh lễ chân Phật, bạch
rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, với đại bi đại trí của Ngài, con đã quét sạch
vô minh và bước vào chánh đạo."
Chuyện gì đã xảy ra vậy? Tại sao ông ta đảnh lễ Phật?
Đức Phật im lặng. Triết gia cũng im lặng. Dòng tư tưởng của cả hai đều
bặt dứt. Tự ngã cả hai đều mất dấu. Phật ở trong triết giạ. Triết gia ở
trong Phật. Cả hai hoà hợp nhau, tấu lên bản nhạc "Chân Như" bất tuyệt.
Một mà hai, hai mà một. Một là tất cả, tất cả là một. Tiểu ngã hoà trong
đại ngã. Đại ngã chan hoà lên vạn vật. Ta là vũ trụ. Vũ trụ là tạ Ngay lúc
đó, phép lạ xảy ra, bí mật của Như Lai khai mở. Thực ra, cánh cửa Chân
Lý nhiệm mầu vẫn luôn mở rộng cho người hữu duyên, giống như cánh
hoa kia khai nhụy lúc nửa đêm. Không một ai hay biết. Cánh cửa, nụ hoa
khai mở trong Im Lặng Tuyệt Đối. Nếu bạn đầy đủ kiên nhẫn chờ đợi,
nụ hoa kia sẽ chia xẻ hương thơm ướp xông lên bạn, mời đón bạn. Đóa
hồng Phật tánh nở trong bạn rồi đó!
Ông triết gia ra về rồi, ngài A Nan bèn bạch Phật:
174
"Bạch Đức Thế Tôn, triết nhân kia đã đạt tới những cảnh giới nào?"

Có đúng không, A Nan, thị giả của Phật, bậc đa văn đệ nhứt, lại không
hiểu tại sao triết gia kia đãnh lễ Phật và tán thán Ngài, dù Phật không
thốt lên lời nào sao? A Nan không hiểu thật sao? Phải, ngài A Nan
không thể hiểu vì ông là người chạy theo chữ nghĩa ngôn từ. Như cái
máy thâu băng, Phật nói ra lời nào là ông đều thâu lại hết không sót một
chữ. Đức Phật nhập diệt, A Nan trùng tuyên lại lời Phật dạy suốt 50 năm
— hàng ngàn trang lá bối được ghi chép, hàng triệu triệu chữ được trùng
tuyên lại không sơ sót. A Nan là người có công đức nhất trong công
cuộc kết tập lại tam tạng kinh điển — nhưng A Nan vẫn thiếu sót một
cái gì. Đó là sự tu chứng, sự thể nhập.
Suốt 25 năm hầu Phật, A Nan chỉ lo khai triển tri thức, chạy theo chữ
nghĩa mà quên bẵng đi vun bồi hạt giống giác ngộ. Thế cho nên A Nan
đã bị ngài Ma Ha Ca Diếp quở trách: "Phải thể hiện tu chứng rồi mới
cho tham dự Đại Hội Kết Tập Kinh Điển." Thực ra, đó chỉ là sự thị hiện,
một ví dụ điển hình cho người đời nay chúng ta, đừng nên mù quáng
rong tìm chữ nghĩa, đuổi bắt tri thức; vì tri thức là đầu mối của nghi kỵ,
phân biệt, do dự v.v. Phật đã dạy trong tám cái nạn khó gặp được Phật,
Pháp, Tăng thì Tri thức là một (bác văn tất nan thị đạo). Thông thái qúa
khó gặp Phật, tri thức phân biệt đó là hàng rào ngăn trở con người tiến
vào mảnh đất tâm linh, là vật chắn cửa chân lý, là cây song gài khóa giải
thoát. Cái học thức thế gian đó chỉ giới hạn sức thăng hóa của tâm thần
và giúp tự ngã của bạn thêm bành trướng nguy hại. Tâm nguyện của
Phật là giúp chúng sanh tự thể nghiệm, tự chứng, tự mình là tia đạo nhãn
phóng vào thực tại, thay vì bàn suông về phương pháp hoặc đùa với khái
niệm. Phật ghét mọi trò triết lý ấy mà Ngài gọi là kiến chấp hoặc ngôn
thuyết, vì chúng không đưa chúng ta về đâu hết, mà cũng không đem
đến kết quả thực tiễn nào cho sinh hoạt tâm linh ( Thiền Luận cuả Dr.
Suzuki). Tuy nhiên, bạn cũng đừng hiểu lầm lời Phật nói rồi lại đâm ra
lười biếng hoặc chấp không và buông bỏ không tu học gì cả. Phật dạy là
"đừng để bị dính mắc, đừng để bị vướng kẹt vào tri thức, trở thành nô lệ
cho khái niệm ngôn từ, chứ không phải nói là buông bỏ tất cả, chấp
không có gì hết, không cần gì hết." Có Không, Không Có — Sắc tức thị
175
Không, Không tức thị Sắc, đó mới đúng là chân tinh thần của người học
Phật. (Ấy ấy, chớ hiểu lầm nhé; đây là nói tới hạng đa văn đạt thông
nghĩa lý, còn hạng phàm tăng và chân tục như chúng ta đây thì phải y
theo căn bản, nương theo giáo lý mà tu tập hành trì, giữ giới, tri túc thiểu
dục, sống đúng chánh pháp, phạm hạnh thanh cao trước đã; chứ đừng lòe
người bịp mình mà "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc" rồi tha hồ lợi
dụng thiên hạ. Bịnh này khó chữa lắm đó nghen!)
Tri thức phân biệt, triết học luận lý đã che mờ A Nan, đã che mờ chúng
ta.
Tôi (tác giả) đã thấy rất nhiều người ghi chép khi tôi giảng. Tôi nói và
họ ghi chép. Họ ngồi trước mặt tôi nhưng tâm hồn họ ruỗi rong theo mớ
ngôn từ tôi nói. Họ hụt mất tôi rồi; khi họ ghi chép được đoạn này thì
đoạn kia đã mất. Về nhà, họ đọc lại và cố tìm hiểu ý nghĩa câu văn, ngôn
ngữ — nhưng chỉ là một mớ chữ lòng thòng hỗn độn. Cũng như có
nhiều người du lịch Hy Mã Lạp Sơn; đến nơi, họ vội vàng lấy máy quay
phim, máy chụp hình ra quay chụp đủ kiểu, đủ cảnh, mọi nơi mọi góc...
Núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ sừng sững ở đó, nhưng họ có thấy gì đâu,
chỉ có máy ảnh thấy mà thôi. Rồi về nhà, họ lôi album ra và ngắm nghía
trầm trồ. Cái Thật đã bị gạt bỏ qua một bên và thiên hạ ngắm nhìn bản
sao của nó. Nếu chỉ ngắm Hy Mã Lạp Sơn qua hình ảnh thì cần gì phải
đi đến tận nơi? Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không giỏi hơn bạn
à? Những bức ảnh họ chụp không như thật à? Vậy bạn chỉ cần bỏ ra vài
đồng là có ngay bức ảnh Hy Mã Lạp Sơn, tội gì tốn bao nhiêu tiền đi đến
tận nơi để chụp hình? Bạn có thấy là bạn đã bỏ quên cái Thật để chạy
theo cái giả không?
Hãy lắng nghe những gì tôi nói. Đừng ghi chép. Đừng thâu băng. Không
cần thiết đâu, và rồi cũng quăng đi những gì tôi nói. Nếu bạn hiểu thực
sự những gì tôi nói, thì không cần ghi chép, những lời nói của tôi nói
cũng theo bạn như mùi hương. Không cần nhớ, không cần vác ngôn từ
chữ nghĩa trên vai, nó đã là một phần trong cơ thể bạn, nó là một phần
của con người bạn rồi!
Ông triết gia kia đến thỉnh vấn Phật với tâm trạng khát khao cầu tìm
chân lý. Ông ta đã đeo gông cùm chữ nghĩa suốt bao năm và không phút
giây nào được Tự Do thực sự cả. Cái danh tiếng là một nhà bác học
176
thông thái tự lâu đã giam hãm ông ta trong ngục tù khái niệm và ngôn
thuyết, và giờ đây ông ta muốn tự do, muốn trở về, muốn tìm lại chính
con người thật của mình.
Đức Phật im lặng, nhìn ông ta với đôi mắt tràn đầy từ bị Tình Thương
cực thuần của Ngài chan hòa lên ông ta, chan hòa lên vạn vật sanh linh.
Triết nhân kia ngẩng đầu lên nhắm mắt tận hưởng dòng suối Tình
Thương ngọt ngào đang thấm dần trên từng thớ thịt làn da, và ông ta
cũng im lặng. Ông ta đã thấm, đã hiểu, đã nhận và đang cất bước trở về
chốn cũ xa xưa, nơi thanh bình hạnh phúc.
Nhưng A Nan (hay chúng ta) vẫn chẳng lãnh hội được gì. Tại sao Phật
không nói lời gì mà ông triết gia kia lại ngộ đạo? Sự Im Lặng đó có tính
chất quyền năng gì, nhiệm mầu thế nào khiến con người đa văn thông
thái kia quay ngược bước trở về? A Nan bèn bạch Phật — và câu trả lời
của Phật mới thâm thúy hàm xúc làm sao!
"Con chiến mã phi nhanh ngay dưới bóng ngọn roi da!"
Trên đời này có 3 loại ngựa: loại thứ nhất rất cứng đầu cứng cổ, trừ phi
bạn phải đánh nó, thúc nó thì nó mới chiu. chạy, còn không thì cứ ù lì ra
đó. Bạn quất nó một roi, nó đi một bước, quất hai roi nó đi hai bước,
ngừng tay quất là ngừng bước. Gặp nhằm loại ngựa này thì bạn rất phiền
não, mệt nhọc, tốn công sức dạy dỗ rất nhiều.
Loại ngựa thứ hai không cần phải quất nhưng phải đe dọa nạt nộ thì mới
chiu. cất bước.
Còn loại thứ ba thì không cần phải dùng roi quất, cũng không cần phải
nạt nộ đe dọa gì cả, chỉ thấy bóng ngọn roi thì nó đã cất vó phi nhanh
rồi.
Bạn có hiểu ẩn dụ này không? Nếu chưa thì bạn cố gắng suy nghĩ và đọc
cho kỹ đi nhé!
Đức Phật không làm gì hết, không nói gì hết. Đức Phật chỉ im lặng từ
hòa — và trong sự Im Lặng tột cùng, bức màn vô minh đã vén mở. Con
chiến mã triết gia kia đã phi vào Tâm Cảnh. Triết nhân đã "trở về quê
nhà và lặng lẽ nghỉ ngơi."
177
Trở về là trở về với trời đất, với muôn sinh, với nguồn sống vô tận ở
trong ta và ở ngòai ta, trở về để như mọi người "thấy núi là núi, thấy
sông là sông"; để sống giản dị với đất trời bao la muôn thuở mà vì vô
minh nên ta đã lầm đường lạc lối, đã lãng quên bao tháng ngày và sư tự
do tuyệt đối mà ta nhiệt thành tìm kiếm vẫn có đó tự bao giờ. (chua thêm
của người dịch: Thi hào Tô Đông Pha, một quan đại phu đời nhà Tống,
diễn đạt ý nghĩa ấy bằng mấy vần thơ sau:
" Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sư.
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều "
"Khói ngút non Lô sóng Chiết giang
Khi chưa đến được hận muôn ngàn
Đến rồi hóa vẫn không gì khác
Khói ngút non Lô sóng Chiết giang "
Ngày kia có ông đạo hỏi Thiền Sư Mục Châu, một cao tăng ở hậu bán
thế kỷ thứ 9:
"Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?" Sư đáp: "Mặc
áo, ăn cơm" Thầy kia trả lời không hiểu. Sư đáp: "Không hiểu thì mặc áo
ăn cơm."
Thiền luôn luôn tiếp xử với những cái cụ thể như vậy, không thích suy
luận mơ hồ. Chúng ta đều là hữu hạn hết, ta không thể nào sống ngoài
không gian; bởi lẽ chúng ta sanh ra từ trái đất nên không thể đạt tới cái
vô hạn. Làm sao thoát ngoài những giới hạn của cuộc sống? Có lẽ đó là
ý nghĩ của ông đạo trong câu hỏi đầu đối lại. Sư Mục Châu đáp: "Giải
thoát phải tìm ngay trong cái hữu hạn; không đâu có cái vô hạn ngoài
những sự vật hữu hạn của thế gian; ông đi tìm cái vô hạn nào khác tức
ông cắt đứt với thế gian tương đối này, như thế khác nào ông tự hủy ông.
Ông không muốn có được sự giải thoát trả giá bằng cuộc sống thường
tục này. Vậy, thà là cứ bình thường mà ăn và uống, và tìm giải thoát
ngay trong cảnh bình thường ấy.)
Từ đời thuở nào, con người vốn là thanh tịnh, vốn là không, nên Phật
dạy trở về để mà nhập cuộc.
178
Nhập cuộc là nhập vào cái trật tự tự nhiên, không thỉ không chung của
trời đất.
Trong trật tự ấy, chúng sanh là một pháp vô tâm nên vô sự. Viên sỏi bên
đường là một pháp vô sự nên vô vị Muôn pháp đều vô vi mà bình đẳng
nhau trong Pháp giới vô ngại: nước chảy, hoa trôi, trăng lên, gió mát.
Muôn vật đều vô ngại nên tự tại, không phải tự tại ở Niết Bàn, không
phải tự tại trong phiền não mà tự tại trong Không. Trong trạng thái
Không ấy, những danh từ phàm thánh, phải trái, tỉnh mê, đều mất nghĩa,
tất cả đều là đại đồng, ứng hóa từ một giác tánh, nên
Nhứt thiết không Niết Bàn
Không có Niết Bàn Phật
Không có Phật Niết Bàn.
TẤT CẢ là MỘT, MỘT là TẤT CẢ.
Trăng Lăng Già tỏa sáng trên đỉnh Linh Thứu Sơn!

Câu truyện thiền số 10


"Ninakawa đang hấp hối trên giường bệnh. Sự sống đang mất
dần. Thầy của Sư là Thiền Sư Ikkyu đến thăm và hỏi:
"Ta biết ngươi đang chịu đựng cơn đau ghê gớm. Ta giúp được
gì cho ngươi?"
"Con đến không đem theo vật gì, ra đi cũng không mang theo gì,
ngài giúp được gì cho con?"
"Nếu thực sự ngươi nghĩ "Có Đến, Có Đi" thì ta sẽ chỉ cho ngươi
con đường "Không Đến, Không Đị"
Những lời nói đó đã đưa Ninakawa vào cõi Chân Không vô cùng vô tận
với nụ cười giải thoát trên môi."

Chết là mục tiêu tối hậu. Chết là đỉnh cao cuối cùng mà con người phải
chạm tới, giáp mặt và vượt quạ Ngay lúc Thần Chết đến gõ của nhà bạn,
tất cả mọi sự việc đều đã phải sẵn sàng. Nếu bạn đã chuẩn bị, thiền định
và chờ đợi, thì ngay lúc cái chết thực sự xẩy ra, bạn không bị hốt hoảng,
179
lo sợ hay bàng hoàng; và có thể bạn sẽ liễu ngộ được ngay lúc hơi thở
cuối cùng chấm dứt; vì sao? - Vì Chết và Giác Ngộ rất giống nhau.
Cái gì xảy ra khi bạn chết? Bất thình lình, bạn mất đi cái thân xác dấu
yêu này; bất thình lình bạn không còn khả năng suy tưởng được gì nữa
cả; bất thình lình, bạn thấy bạn bị tách xa ra khỏi những người thân yêu;
bạn thấy bạn không còn là bạn nữa và những gì trước kia là của bạn
cũng không thể nắm giữ được nữa. Điều đó, đối với bạn thật đớn đau vô
cùng, vì bạn cảm thấy bạn như đang bị chới với hụt hẫng trong khoảng
hư không vô cùng vô tận. Bạn không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu; tất cả
như xa lạ, hững hờ; ngay cả cái thân xác dấu yêu mà trước kia bạn đã
từng ấp ủ, nâng niu, lo lắng thì giờ đây cũng nằm đó, im lìm, lạnh teo,
trải dài cứng đơ như một vật vô tri vô giác, không lên một tiếng nói.
Trong từng bước chân tiến dần về cái chết, bạn phải chạm trán một sự
thực trắng trợn, phũ phàng và khắc nghiệt của kiếp nhân sinh là: "Tại sao
không ai tránh được cái chết? Tại sao có những cuộc ra đi đau lòng cướp
theo đời sống và mọi niềm vui của kiếp sống? Đời sống thực sự có giá
trị gì nếu cặp mắt kia có lần đã sáng tỏ trong niềm vui, có lần rực rỡ
trong tình thương, giờ đây đã mãi mãi nhắm lại, im lìm không linh
động? Cái "Tôi" yêu dấu của bạn đang tàn nhẫn giã từ. Bạn run sợ hãi
hùng bên bờ vực thẳm của hư không. Bạn sẽ không còn. Bạn sẽ biến
mất.
Đối với hạng người thông thường, Chết không phải là một đề tài hấp
dẫn, dầu để thảo luận hay để thuyết trình. Chết là một cái gì buồn thảm,
thê lương, ảm đạm, là áp bức, là cái gì thật sự giết chết mọi niềm vui.
Hạng người thông thường co rút trở vào nằm bên trong cái Ta của mình,
luôn luôn chạy đi tìm dục lạc, luôn luôn rượt bắt những gì kích thích và
thỏa mãn dục vọng mà không bao giờ dừng chân lại để bình tĩnh ngồi
xuống và nghiêm chỉnh suy gẫm rằng chính những thú vui vật chất và
những thỏa mãn dục vọng kia rồi sẽ phải chấm dứt một ngày nào. Chỉ
đến khi nào cái Chết thực sự xảy ra dưới mái nhà của họ, cho người thân
yêu của họ hay chính bản thân họ thì lúc đó họ mới mở mắt bừng tỉnh
dậy và đau khổ hãi hùng.
Theo đường lối suy tư của người Phật tử, Chết không phải là một đề tài
phải lẫn tránh hay xua đuổi, mà là cái chìa khóa để mở cánh cửa đưa vào
180
những gì được xem là bí ẩn của cuộc đời. Chính nhờ hiểu biết cái Chết
mà ta hiểu được Sự Sống; bởi vì hiểu theo một chiều hướng, Chết là một
phần trong tiến trình Sống. Theo một lối hiểu khác, Sống và Chết là hai
giai đoạn tận cùng của một tiến trình, hai đầu của một luồng trôi chảy,
và nếu hiểu biết được đầu này thì cũng hiểu biết được đầu kia. Do đó,
khi hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của sự Chết, ta cũng hiểu được ý
nghĩa và mục tiêu của kiếp nhân sinh. Chính nhờ gia công suy niệm về
cái Chết mà ta có thể tiêu diệt được tánh tự cao tự mãn. Chính nhờ gia
công suy niệm về cái Chết mà ta có thể tìm lại được thế quân bình cho
cái tâm qúa đỗi chao động của tạ Chính nhờ gia công suy niệm về cái
Chết mà ta có thể thắt chặt lại dây thân ái giữa người này với người kia,
để phá tan những hàng rào giai cấp và san bằng những ranh giới chủng
tộc, xã hội, quốc gia hay tôn giáo.
Cái Chết có khả năng san bằng rất vĩ đại. Tự cao tự đại vì sanh trưởng
trong một gia đình giàu sang, quyền quí, lắm tiền nhiều của; hống hách
vì quyền cao chức trọng, địa vị ăn trên ngồi trước hay kiêu căng hợm
hĩnh vì sắc dẹp tài năng... tất cả đều phải nhường bước cho Thần Chết,
tất cả đều phải sụp đổ dưới những nhát cuốc, lưỡi xuổng- và trong đám
cát bụi vô tình đó, tất cả đều bình đẳng, ngang nhau khi xuôi tay nằm
xuống.
Giác Ngộ cũng vậy. Giác Ngộ có khả năng san bằng rất mầu nhiệm.
Giác ngộ san bằng Tham, Sân, Si, đạp đổ thành trì Bản Ngã, xô xập
hàng rào Vô Minh, chế ngự Tham Vọng Khát Ái và đưa hành giả thẳng
bước về miền đất tâm linh thơm lành. Vì thế, nếu bạn đã chuẩn bị, đã
thực tập thiền định, đã gia công suy niệm về cái chết, sẵn sàng làm một
bước nhảy vọt thì bạn không e sợ, lo buồn, hốt hoảng gì cả khi đối diện
với sự thật và bạn cũng không tiếc nuối than phiền. Trái lại, có thể bạn
còn tỏ vẻ an nhiên tự tại hơn nữa. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ lầm lẫn ý
nghĩa "Đón nhận" và "Chấp nhận" nghen. Hai danh từ đó mang hai
nghĩa khác nhau hoàn toàn. Khi bạn dùng danh từ "Chấp nhận" có nghiã
là bạn không muốn nhưng vẫn phải nhận sự việc đó hay một vật gì đó.
Nó hàm ý bắt buộc, chịu đựng, miễn cưỡng, ép bức. Còn "Đón nhận"
chứng tỏ một sự mời chào, vui vẻ, nồng nhiệt, hân hoan hơn. Như thế,
nếu bạn không lãnh hội được ý nghĩa sâu sắc đó và phải chấp nhận cái
chết thì trong bạn dâng trào lên một luồng đối kháng mãnh liệt giữa bản
181
năng tham sống và sợ chết. Chính luồng đối kháng đó sẽ đưa bạn đến
những vùng tăm tối của tâm thức, kết thành nghiệp quả luân hồi vô tận.
Nói "Vâng" với Thần Chết thì bạn sẽ thản nhiên bình tĩnh; nói "Không"
với Thần Chết thì bạn sẽ chiêu cảm đau khổ, lo sợ, hay hốt hoảng bất an
ngaỵ Song, dù không hay có thì tất cả chúng ta và mọi sanh linh khác
cũng đều phải đi qua đoạn đường cuối cùng này, thế thì tội gì chúng ta
phải chống đối phản kháng lại cho uổng công? Không cũng chết, Vâng
cũng chết, người khôn ngoan nên chọn lựa thái độ nào để ít nhất ra còn
gặt hái được chút kết quả tốt?
Một vị Phật, một vị giác ngộ an nhiên đón nhận cái chết đến. Không có
một chút phản kháng chống trả nào, không có một chút nuối tiếc, dây
dưa, hay bấn xúc não loạn nào giữa bậc giác ngộ và cái chết. Chết cũng
mầu nhiệm linh thiêng như Sống vậy. Vì thế, nếu người nào có chuẩn bị,
có tu tập, thì ngay lúc cận kề cái chết, chỉ cần vài lời nói của một vị đạo
sư thôi đã đủ đưa người chết về cõi an lành rồi vậy. Chỉ cần một lời nói
đúng lúc là ngọn lửa trong tâm bừng sáng, bạn đắc đạo ngay - vì cái giây
phút cận kề cái chết đó rất quan trọng thiết yếu, cái giây phút đó rất
mong manh căng thẳng, bạn dốc toàn lực tập trung cả con người bạn vào
đó, tập trung toàn bộ tư tưởng vào đó, nên chỉ cần một que diêm làm mồi
thôi thì ngọn đuốc tâm linh bạn bùng cháy ngaỵ.
Người ta kể lại rằng Thiền Sư Ikkyu là một vị đại sư kỳ đặc, phóng
khoáng, không câu nệ giới luật hay tiểu tiết gì cả. Một ngày kia, Thiền
Sư đi ngang qua một ngôi chùa và ghé vào xin trọ lại một đêm. Đêm đó,
trời trở cơn thật lạnh và trong chánh điện không có gì để sưởi ấm ngoài
ba tượng Phật gỗ. Sư Ikkyu chẳng nói chẳng rằng, leo lên rinh một pho
tượng Phật xuống, chẻ ra chụm đốt sưởi ấm. Lúc đó, ông đạo trụ trì chợt
thức giấc và cảm thấy như có cái gì khác thường nên ông đạo đi chung
quanh chùa xem xét. Đến cửa chánh điện, ông đạo tá hỏa tam tinh lên
khi thấy nhà sư lang thang kia đang ung dung tự tại chẻ tượng Phật ra hơ
ấm đôi taỵ Ông đạo tức quá, phùng mang trợn mắt la lớn lên:
"Trời ơi, ông làm cái gì vậy? Tại sao ông dám chẻ tượng Phật ra chụm
lửa vậy trời? Bộ Ông điên rồi hả? Tôi thấy ông là nhà sư nên tôi mới cho
ông vào trú chân qua đêm, nào ngờ đâu ông lại dám làm cái chuyện kinh
thiên động địa thế này hả?"
182
"Nhưng ông Phật trong tôi lạnh lắm. Tại sao lại hy sinh ông Phật sống
này cho mấy ông tượng gỗ kia chứ?" Thiền Sư ikkyu trả lời.
Nhưng ông đạo tức giận cành hông nên nào có nghe thấy những gì Sư
Ikkyu nói. Ông ta cứ ong óng lên: "Trời ơi, thật đúng là điên qúa cỡ rồi.
Thế này thì chết tôi rồi còn gì. Thôi thôi, ông cuốn xéo đi cho tôi nhờ!"
Sư Ikkyu lặng thinh, lấy cây que khừi khừi bươi bươi đống tro, có vẻ
như muốn tìm tòi cái gì. Ông đạo lạ lùng, hỏi: "Này ông lại muốn làm
cái gì nữa đó?"
Sư Ikkyu nói: "Ồ, tôi muốn tìm xá lợi Phật cho ông."
Ông đạo đang giận mà cũng phải bật cười: "Ông thật đúng là không điên
thì cũng mát. Tượng Phật gỗ làm gì có xá lợi?"
Sư Ikkyu phá lên cười ha hả: "Thế thì rinh nốt hai pho kia xuống đốt
luôn đi. Trời còn lâu lắm mới sáng mà đêm nay thì lạnh lắm, ông đạo ạ."
Vị thiền sư đó kỳ quặc như vậy, nhưng ông ta có đến hàng trăm, hàng
ngàn đệ tử khắp nơi trên đất Nhật và Sư không ngừng đi hoằng hóa nơi
này nơi kia để dạy dỗ đệ tử. Câu chuyện về Ninakawa cũng là một phần
trong cuộc du trình hành đạo của Sư.
Ninakawa đang mấp mé bên bờ quả vị. "Sắp chứng đắc" có nghĩa là sẽ
chứng, mà cũng có nghĩa là không. Ninakawa đã tu hành suốt cả một
cuộc đời nhưng vẫn còn vướng mắc, chưa thông suốt. Ông ta còn kẹt vào
kinh điển, văn tự; và đang loay hoay chưa biết tháo gỡ ra như thế nào.
Thật khó mà thoát ra được ngục tù chữ nghĩa, kinh điển. Điều đó chỉ xảy
ra khi bạn đã liễu đạo được mà thôi; và chỉ khi đó bạn mới thấy rằng
danh tự kinh điển chỉ là danh tự kinh điển; không có gì cả, sách vở kinh
điển chỉ là những phát minh phương tiện của con người sáng tạo ra mà
thôi; chúng chỉ là tiếng vang trong tiềm thức. Chúng không phải là Chân
Lý; chúng không phải là Giải Thoát; chúng không phải là Cứu Cánh.
Ông tăng Ninakawa đó đã tu tập, đã chiến đấu với chính bản thân mình,
đã thiền định, đã sử dụng nhiều pháp môn, đã thử nhiều cách để thanh
lọc tự tâm; nhưng Ninakawa vẫn không thể gỡ thoát ra được sức kềm
hãm của ngữ ngôn văn thuyết. Cho đến ngày Ninakawa hấp hối, ông vẫn
còn loay hoay với rừng rậm ngôn từ. Đúng lúc đó, Thiền Sư Ikkyu đến
183
thăm ông. Đây là giai đoạn sanh tử; đây là giai đoạn quyết liệt, đây là lúc
phải đạp Ninakawa mạnh một cái, xô Ninakawa mạnh một cái vào trong
vùng chân không vô tận. Có thể Ninakawa sẽ hụt mất dịp may hiếm có
này trước khi ông trở về cát bụi; có thể ông sẽ tóm trọn được Chân Lý
trong tay.
Muốn được như thế, ta cần phải quán chiếu rõ ràng về Tánh Không của
vạn hữu; ta cần phải đạt lý thông tâm thì ta mới có thể giáp mặt với cái
Chết một cách thong dong tự tại được; vì sao, vì Chết chính là Chân
Không Diệu Hữu. Chỉ lúc đó, Tất cả là Một, Một là Tất cả - Có mà
Không, Không mà Có. Do đó, Thiền Sư Ikkyu đến để ban cho đệ tử một
ân huệ cuối cùng. Ninakawa đã hao phí tâm lực cả một đời rồi, phút cuối
cùng này, Ninakawa không được vuột mất.
" Ta biết ngươi đang chịu đựng cơn đau ghê gớm. Ta giúp được
gì cho ngươi?"
"Con đến đây một mình và ra đi cũng một mình. Ngài giúp được
gì cho con?"
Tất cả mọi người đều sanh ra một mình và chết cũng một mình; đó là sự
thật hiển nhiên không thể chối cãi; tuy nhiên, giữa hai đầu Sống Chết đó,
con người đã lầm tưởng, đã tự dối gạt mình là ta sống chung với người
nào đó, chồng vợ, con cái, bạn bè, thân hữu, xã hội v.v... nhưng thật ra,
đó chỉ là ảo tưởng. Cô đơn chính là bản chất thực sự của con người. Đến
một mình và ra đi cũng một mình. Cô đơn hoàn toàn. Hoàn toàn cô đơn.
Đó chính là lời Phật dạy. Đó chính là giáo lý cơ bản của đạo Phật. Đó
chính là vì sao Phật phủ nhận Thượng Đế, một ngôi vị tối cao do con
người đặt ra để nương dựa; vì có Thượng Đế thì con người làm sao cô
đơn được? Con người vẫn còn có một điểm tựa để bám víu, để dựa dẫm.
Từ tinh thần nương dựa nhờ cậy đó, con người đâm ra hèn yếu, sợ sệt,
do dự, hoài nghi, không dám chiến đấu, không dám nhìn nhận sự thật.
Sự ràng buộc bám víu vào nhau từ đó cũng hình thành, dẫn đến luân hồi
sanh tử.
Ninakawa trả lời Sư Ikkyu: "Con đến một mình và ra đi cũng một mình.
Thầy giúp được gì cho con?" Câu nói đó của Ninakawa tuy mang âm
hưởng như đã liễu suốt đạo; nhưng thực ra Ninakawa chưa đạt được
184
phần cốt tủy của Thiền. Nếu thực sự Ninakawa không cần sự giúp đỡ
của Thầy thì Ninakawa cứ mặc nhiên cười và giản dị nói "Cám ơn."
Không cần phải nói rườm rà lễ mễ như vậy. Không cần phải vay mượn
những ngôn từ trong nhà thiền như vậy. Một khi bạn không chắc chắn,
một khi bạn trống rỗng nội tâm thì bạn phải vay mượn, bạn phải nương
nhờ Phật, Chúa, Thượng Đế, Krishna, bởi vì đằng sau những bức bình
phong vĩ đại đó, bạn sẽ che dấu được mọi người sự ngu dốt, trống rỗng,
hay nông cạn tâm linh. Bất cứ khi nào bạn sử dụng càng nhiều danh từ,
bạn càng che dấu một cách thảm hại sự vô minh, sự giả dối của bạn.
Ninakawa đã lập lại những ngôn thuyết rỗng tuếch đó, nên Thiền Sư
Ikkyu mới phang thẳng cho một cú :
"Nếu ngươi nghĩ có đến có đi, Ta sẽ chỉ cho ngươi con đường
Không Đến Không Đi!"
Một cú sấm sét giáng lên đầu Ninakawạ Một trái bom nổ tung đất trời
lồng lộng. Một câu nói lật ngược càn khôn vũ trụ. Một ngọn sóng thủy
triều dâng cao dập xuống vỗ bờ. Đẹp, đẹp tuyệt vời từng chữ trong câu
nói của Thiền Sư Ikkyụ Đó là tinh túy; đó là cốt tủy của tất cả chư Phật,
của tất cả Mahavira, của kinh Áo Nghĩa Thư; chỉ một câu thôi, chỉ cần
một câu thôi đã bao gồm trọn vẹn 50 năm thuyết pháp của Phật; chỉ cần
một câu thôi gói trọn tinh hoa của trời đất.
"Con đường Không Đến Không Đi," đó chính là những danh từ
đẹp nhất của trần thế.
Thiền Sư Ikkyu nói: "Nếu ngươi nghĩ có đến có đi, đó chỉ là ảo
tưởng của ngươi... "
Thật khó hiểu và tế nhị sâu sắc quá, phải không?
Câu nói của Sư Ikkyu có ý như thế này: "Nếu ngươi nghĩ là có đến có đi,
thì ai đến ai đỉ Cái nào của ngươi đến, cái nào của ngươi đỉ Cái tâm của
ngươi đến hay cái thân của ngươi đến; cái tâm của ngươi đi hay cái thân
của ngươi đỉ Nếu ngươi không giải được, có nghĩa là ngươi chỉ lập đi lập
lại lời nói của chư Phật như con vẹt mà thôi."
Người dịch xin mượm tạm một thí dụ trong kinh Na Tiên Tỳ Khưu để
giải rõ thêm:
185
"Đại Đức Na Tiên (Nagasena) muốn giải thích cho vua Milinda biết đặc
tánh cấu thành của vạn hữu, hỏi vua đi đến tinh xá bằng gì, đi bộ hay đi
xe. Vua đáp bằng xe.
"Tâu Đại vương, nếu ngài đến bằng xe, xin Đại vương cho biết
phải cái gọng là xe không?"
"Bạch Đại Đức, không phải."
"Có phải cái bánh là xe không?"
"Quả thật không phải."
"Phải cái thùng là xe không?"
"Thưa không phải."
"Tâu Đại vương, Đại vương nói đến bằng xe, vậy cái xe đưa Đại
vương đến ở đâu? Ngài là vị vua hùng mạnh nhất ở Ấn mà còn
nói dối hay sao khi ngài nói đến bằng xẻ"
Như vậy bằng lối thẳng thắn phân tích, bằng cách phân chia ra từng
thành phần cấu tạo nên cái gọi là xe, Đại Đức Na Tiên đã thành công
thuyết phục vua Milinda rằng dầu nhà vua có nói sao đi nữa thì vẫn
không có cái gì đơn thuần gọi là xe mà chỉ có những thành phần ráp nối
lại với nhau mà thôi.
"Kính bạch Đại Đức, Trẫm không nói dối. Danh từ "cái xe" chỉ là một
hình ảnh ngôn ngữ, một tiếng nói, một tên gọi, một lối chỉ định có tính
cách qui ước, cái gọng, cái thùng, cái bánh v. v... "
Cùng thế ấy, "chúng sanh", "con người", "tôi", chỉ là những danh từ,
những chữ không tương ứng chính xác với một cái gì đơn thuần nguyên
vẹn, thật sự hiện hữu. Không có cái gì như một thực thể đơn thuần, hiện
hữu trong thực tế mà có thể gọi như vậy. Trong ý nghĩa cùng tột, chỉ có
năng lực luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên danh từ "cấu thành" không phải
chỉ liên quan đến vật chất và tánh chất của vật chất được gọi là Sắc
(rùpa) mà cũng bao hàm luôn phần tinh thần, tâm và tánh chất của tâm
được gọi là Danh (Nàma). Do đó, Tâm cũng là một sự phối hợp, giống
như thể xác là một sự phối hợp.
186
Nói rằng Tâm là sự phối hợp của nhiều tư tưởng, không có nghĩa rằng
những tư tưởng ấy đồng thời hiện hữu, cùng tồn tại trong một lúc, như
những thành phần của cái xe. Đây là sự nối tiếp liên tục của những chập
tư tưởng cũng gọi là sát na tâm; một tiến trình không gián đoạn của
những tư tưởng — khi là những tư tưởng sân hận, lúc thì tư tưởng từ bi,
khi thì tư tưởng phiền não, lúc lại là tư tưởng an vui, phục vụ v.v..; một
sự nối tiếp liên tục không gián đoạn, vô cùng tận. Mỗi chập tư tưởng
phát sanh, tồn tại rồi hoại diệt, nhường chỗ cho một chập khác, những
chập tư tưởng liên tục nối tiếp nhau, chập này đến chập kia, vô cùng
nhanh chóng, đến đỗi ta có một cảm tưởng như có một cái gì đơn thuần,
nguyên vẹn, không biến đổi gọi là "Tâm". Nhưng trong thực tế, không
có cái gì trường tồn bất biến mà chỉ có sự trôi chảy của những chập tư
tưởng kế tiếp nối đuôi nhau, có thể sánh với sự trôi chảy của một dòng
sông. Từng giọt nước kế tiếp nối đuôi nhau và trôi chảy nhanh chóng
đến đỗi ta có cảm tưởng như có một cái gì nguyên vẹn, một thực thể
không biến đổi gọi là con sông. Nhưng đó chỉ là một cảm tưởng, một ảo
tưởng. Trong thực tế, dòng sông luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi.
Cùng thế ấy, không có một cái gì là một thực thể nguyên vẹn không thay
đổi gọi là cái tâm mà chỉ có sự liên tục nối tiếp của những chập tư tưởng,
một dòng tư tưởng phát sinh rồi hoại diệt. Nếu tôi nói rằng buổi sáng tôi
băng qua con sông và buổi chiều tôi băng trở lại, cũng qua con sông ấy;
trên thực tế có phải tôi băng qua và băng trở lại cũng một con sông ấy
không? Con sông mà tôi băng qua buổi sáng và con sông mà tôi băng
qua buổi chiều có phải là một không? Nước sông mà tôi băng qua buổi
sáng có phải là nước sông mà tôi băng qua buổi chiều không? Vậy nước
buổi sáng hay nước buổi chiều là con sông hay có hai con sông, một con
sông buổi sáng và một con sông buổi chiều? Và nếu tôi băng qua con
sông vào lúc buổi trưa, vậy lại còn có một con sông buổi trưa chăng?
Suy luận như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây,mỗi
khoảnh khắc đều có một con sông khác biệt. Như vậy thì đâu là cái trọn
vẹn mãi mãi tồn tại gọi là con sông? Như thế, con sông chỉ tồn tại như
một danh từ. Bằng một cách qui ước để được tiện lợi trong sự thông cảm
với nhau, chúng ta đồng ý gọi là con sông những giọt nước riêng biệt nối
tiếp nhau trôi chảy vô cùng tận. Cái Tâm cũng y hệt như thế. Tâm chỉ là
một luồng trôi chảy của những tư tưởng nối tiếp vô cùng tận. Chúng ta
187
không thể nào chỉ riêng một tư tưởng đang thóang qua và nói: "đây là cái
tâm của tôi, đây là cái tâm thường còn không biến đổi của tôi". Nếu tư
tưởng ấy là cái tâm thường còn không biến đổi thì làm sao trong một lúc
có những tư tưởng tốt đẹp, và chớp nhoáng thay đổi tư tưởng xấu xả Còn
nếu tư tưởng thân ái này cũng là cái tâm thưòng còn và không biến đổi
của tôi thì ra tôi có hai cái tâm thường còn và không biến đổi, và hai cái
tâm đối nghịch nhau. Nếu tự đặt ra những câu hỏi dài dài như vậy theo
chiều hướng này, ta sẽ đi đến một kết luận là không có một cái gì tương
tợ như cái tâm bất di bất dịch mà chỉ có một danh từ, một phương tiện để
diễn đạt sự liên tục nối tiếp của những tư tưởng. Cái xe, con sông, danh
sắc, tất cả chỉ là những phối hợp, những sự cấu thành. Không có gì tự nó
có đặc tánh vững bền, trường tồn, không biến đổi; và cùng thế ấy, Tâm
chỉ là một danh từ diễn đạt dòng trôi chảy của những tư tưởng liên tục
thì sự phối hợp tâm - vật lý - danh sắc- gọi là con người, không thể là
một đơn vị nguyên vẹn thường còn không biến đổi, chỉ là một danh từ,
một phương tiện qui ước.
Khi sự phân tích tỉ mỉ và công phu ấy khám phá rằng không có một con
người mà chỉ có một tiến trình, không có người hành động mà chỉ có
hành động, chúng ta đi đến một kết luận rằng không có người chết mà
chỉ có tiến trình của sự chết. Di chuyển là một tiến trình. Đi là một tiến
trình. Chết là một tiến trình. Không có một nhân vật hay một nguyên lực
ẩn núp phía sau tiến trình di chuyển hay tiến trình đi, cũng như không có
một nhân vật hay nguyên lực nào phía sau tiến trình chết. Quả thật là
một khám phá kỳ diệu, thần khải; và khi nhận thức được như vậy, bao
nhiêu lo âu, bao nhiêu sợ sệt liên quan đến sự chết đều tan biến; và ngày
nào nhờ gia công tham thiền suy niệm như vậy, chúng ta dứt bỏ được
quan kiến sai lầm bám víu vào sự vật và làm mù mờ mọi nhận định về
sự vật của chúng ta; chừng ấy chúng ta mới có thể phát huy trí kiến minh
mẫn và chỉ có trí huệ ấy mới rọi sáng cho chúng ta thấy rõ thực tướng
của sự vật; chỉ đến chừng ấy chúng ta mới nhận thức rằng không có ai
đang chết mà chỉ có tiến trình của sự chết, cũng như không có ai đang
sống mà chỉ có tiến trình của sự sống. Gia công thực hành quán niệm
như vậy, có nghĩa là dần dần chúng ta sẽ dứt bỏ được thói quen không
tốt đã nhiễm sâu vào đời sống chúng ta là tự đồng nhất mình với tiến
trình hành động bằng thân, khẩu, ý, và do đó, thay vào đó bằng giáo lý
188
Vô Ngã. Suy niệm như vậy, chúng ta mới cởi mở dần dần, nới rộng cái
tự ngã để vượt ra khỏi mọi luyến ái ràng buộc; chừng ấy chúng ta mới có
thể vui vẻ, không lo sợ, bình tĩnh đối diện với hiện tượng chết một cách
mạnh dạn an nhiên. (trích một đoạn trong Tử Niệm của Vô Danh thị).
Thế cho nên Sư Ikkyu nói: "Nếu ngươi cho là có đến có đi, thì đó là ảo
tưởng của ngươi mà thôi. Không có một ai đến, một ai đi và cũng chẳng
có nơi nào để đến để đi. Vì không có người đến đi và cũng chẳng có nơi
nào đến đi thì con đường cũng không thực sự hiện hữu. Như thế để ta chỉ
ngươi con đường Không Đến Không Đi".
Với những lời nói sắc bén đập thẳng vào tâm thức, Sư Ikkyu đã vén bức
màn Vô Ngã là Niết Bàn cho đệ tử và Ninakawa thỏng tay an nhiên đi
vào cõi Vô Cùng với nụ cười giải thoát trên môi. Nụ cười Ninakawa là
nụ cười của Phật, một nụ cười giác ngộ.
Câu truyện thật đẹp; thật tuyệt vời, thật cảm xúc. Câu truyện đó là một
ẩn dụ cho sự giác ngộ rốt ráo, tột cùng. Chúng ta phải chết đi để sống lại;
chúng ta phải chết đi con người đầy tham lam sân hận si mê để sống lại
thật tràn đầy an lac giải thoát. Cái chết của Ninakawa không phải là cái
chết vật lý tầm thường, đó chỉ là một chuyến viễn du, một cuộc hành
trình, một bước chân đi vào một thế giới khác, bắt đầu một cuộc sống
khác. Nếu bạn có thể chết với nụ cười giải thoát trên môi thì bạn đã biết
nghệ thuật chết; và tinh hoa của tất cả mọi tôn giáo đều nằm gọn trong
nghệ thuật Chết đó.
Hãy chết như Ninakawa đã chết!
Hãy cười như Ninakawa đã cười!
Nụ cười Ninakawa! Nụ cười Chư Phật!
Xách nước qua đây
Đai tre ải đứt
Thùng vỡ đáy tung
Nước ào ra hết
Đâu còn đáy nước trăng trong
Hư không còn lại tay không hững hờ.
Hãy buông bỏ đi! Đừng nắm giữ gì cả! Hãy để nước trào ra, hãy để bóng
trăng tan biến đi; có như thế bạn mới có thể thoải mái ngước mặt lên
nhìn vành trăng thực thụ đang chiếu sáng thái hư; hãy tận hưởng niềm an
189
lạc giải thoát đó; hãy để tâm bạn thanh thoát trống rỗng như bầu trời
lồng lộng trên cao kia; và một khi bạn đã nếm được cảm giác thanh thoát
tự tại đó rồi thì bạn sẽ mặc nhiên hiểu được ý nghĩa Sự Sống cũng như ý
nghĩa Cái Chết.
Tay tôi rỗng không chẳng có vật gì
Tâm tôi rỗng không chẳng có vật gì.
Nụ cười Ninakawa! Nụ cười Chư Phật!
Tịch tịch Lăng Già nguyệt
Không không độ hải chu
Tri không, không giác hữu
Tam muội nhiệm thông chu
Huệ Minh Thiền Sư
Trăng Lăng Già lặng sáng
Biển cả chiếc thuyền không
Thấu triệt Không và Có
Giải thoát bước thong dong
( tạm dịch thay lời kết )
Virginia, dịch xong ngày 30/5/01
Tỳ Khưu Ni TN Minh Tâm
190
Suy tư :
1. Trong cuốn Truyện Kiều, Nguyễn Du viết :
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”...
Nhân câu thơ này, bạn thử trình bày ý nghĩa của câu :
“Tâm sinh, các pháp sinh;
Tâm diệt, các pháp diệt”. (Đại Thừa khởi tín luận)
2. Thiền sư Pháp Diễn nói : “Có phước không nên hưởng hết”.
Tại sao thế ? Đâu là ý nghĩa của biông bỏ theo quan điểm của Phật Giáo?
3. Thiền sư Tào Sơn Bổn Tịch nói : “Sừng thỏ chẳng cần không, sừng trâu
chẳng cần có.” Nhân câu nói này, thử trình bày ý nghĩa câu “Phi tâm phi Phật”.
4. Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải nói : “Một ngày không làm, một ngày không
ăn.” Thế nghĩa là gì ?
5. Nam Tuyền Phổ Nguyện viết :
“Lý theo Sự đổi,
thênh thang không ngoài,
Sự được Lý dung,
lặng lẽ không trong.”
Giải thích tương quan Lý và Sự, rồi nhân đó, bàn về Tâm và Cảnh.
6. “Đạo không ngoài Vật,
Ngoài Vật không Đạo.”
Bạn thử nhận định vế ý tưởng trên.
7. “Núi xanh vốn chẳng động,
Mây trôi mặc tình qua.”
(Thiền sư Linh Vân)
8. Lâm Tế Nghĩa Huyền nói : “Vô sự mới là quý”.
Còn Pháp Bảo Đàn Kinh viết : “Yêu ghét đừng để lòng, duỗi thẳng hai chân
ngủ”.
Nói thế nghĩa là gì ? Thử nhận định.

You might also like