You are on page 1of 3

CÂU CÁ MÙA THU

(Thu điếu)
NGUYỄN KHUYẾN
I. GIỚI THIỆU
1. Tác giả
- Tiểu sử, cuộc đời, con người:
+ Xuất thân
+ Con đường khoa cử: Đỗ đầu cả 3 kì thi (Hương, Hội, Đình -> Tam Nguyên
Yên Đổ.
+ Con đường làm quan
+ Con người Nguyễn Khuyến
- Sáng tác:
+ Cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Hiện còn trên 800 bài, gồm nhiều thể loại khác
nhau.
+ Nội dung thơ Nguyễn Khuyến
+ Đóng góp của Nguyễn Khuyến cho nền văn học dân tộc
2. Giới thiệu về bài thơ
- Là bài thơ tiêu biểu trong chùm thơ thu
- Nhận xét của Xuân Diệu về thơ của Nguyễn Khuyến
II. ĐỌC HIỂU
Bài thơ có hai bức tranh: bức tranh thiên nhiên (cảnh thu) và bức tranh tâm
trạng (tình thu), qua cảnh thu mà thấy được tình thu của thi nhân.
1. Bức tranh cảnh vật mùa thu (cảnh thu)
- Điểm nhìn để cảm nhận cảnh thu của tác giả: Cảnh thu được quan sát và cảm
nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trở lại gần: từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt
ao, nhìn lên bầu trời, nhìn ra ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với thuyền câu. Từ
một khung ao hẹp, không gian mùa thu và cảnh sắc mùa thu được mở ra nhiều
hướng khác nhau thật sinh động (khác với “Vịnh mùa thu”, cảnh lại được cảm
nhận từ cao xa tới gần rồi từ gần tới cao xa).
- Không khí mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật, qua
màu sắc, đường nét, chuyển động và sự hòa sắc tạo hình:
+ Màu sắc: nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt
+ Đường nét, chuyển động: sóng “hơi gợn tí”, lá vàng “khẽ đưa vèo”, tầng mây
“lơ lửng”
+ Sự hòa sắc tạo hình:
++ Sự hòa sắc: Đó là sự hòa điệu giữa sắc xanh và sắc vàng. Sắc xanh mênh
mông bởi màu xanh của sóng nước ao thu, màu xanh của bầu trời thu, màu xanh
của tre, của bèo trong ao thu hòa với một thoáng sắc vàng của chiếc lá thu rơi. Sự
hòa sắc này đã từng được nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Cái thú vị của bài Thu
điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo,
có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi”.
++ Tạo hình: hình ảnh ao thu nhỏ, chiếc thuyền câu bé tẻo teo và dáng người
cũng như thu nhỏ lại.
Nét riêng của làng quê Bắc Bộ, cái hồn dân dã được gợi lên từ khung ao hẹp, từ
cánh bèo, từ ngõ trúc quanh co.
- Cảnh thu đẹp nhưng tĩnh lặng và đượm buồn:
+ Không gian: tĩnh, vắng vẻ bởi vắng người, vắng tiếng “Ngõ trúc quanh co
khách vắng teo”.
+ Nếu có các chuyển động thì các chuyển động ấy rất nhẹ, rất khẽ, không đủ tạo
ra âm thanh: sóng “hơi gợn tí”, mây “lơ lửng”, lá “khẽ đưa”. Tiếng cá đớp mồi dù
có phát ra âm thanh thì đó cũng là một âm thanh rất nhỏ, càng làm tăng thêm sự
yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật (nghệ thuật dùng “động” để nói “tĩnh”, vốn là thủ
pháp quen thuộc của thơ cổ phương Đông)

2. Bức tranh tâm trạng của thi nhân (tình thu)


- Một thế giới tâm hồn rất yên tĩnh: Nói chuyện câu cá nhưng lại không chú ý
vào việc câu cá mà thực ra để đón nhận trời thu, cảnh thu vào lòng (Nhan đề bài
thơ là “Câu cá mùa thu” mà gần hết bài thơ không nói đến chuyện câu cá mà chỉ
chú ý chú tâm vào việc quan sát và miêu tả cảnh vật. Hai câu thơ cuối càng cho
thấy rõ điều đó: vì chú tâm hết vào cảnh nên thoáng giật mình khi nghe tiếng cá
đâu đó đớp động dưới chân bèo). Điều đó chứng tỏ nhà thơ hoàn toàn không bị chi
phối vào chuyện câu cá mà chỉ lắng đọng tâm hồn hòa với cảnh.
Qua cách cảm nhận, miêu tả cảnh càng nhận ra cõi lòng nhà thơ rất yên tĩnh:
cảm nhận độ trong veo của nước, sự chuyển động rất nhẹ, “hơi gợn tí” của sóng,
độ rơi rất khẽ, thoáng qua của lá vàng. Đặc biệt, sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi
nhân được gợi lên từ âm thanh tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo (âm thanh nhỏ đến
mức không xác định được nó xuất phát từ đâu – tiếng cá đớp động dưới chân bèo ở
đâu đó). Chỉ là cái động rất nhỏ ở ngoại cảnh lại gây ấn tượng đậm đến thế, là bởi
tâm hồn đang rất tĩnh lặng.
- Một tâm hồn cô quạnh, uẩn khúc: Không gian tĩnh lặng và sắc xanh bao trùm
của cảnh thu đem đến sự cảm nhận về một nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn
nhà thơ:
+ Không gian tĩnh lặng của cảnh thu: cảnh thu trong bài thơ tồn tại chủ yếu
trong trạng thái tĩnh, nếu có động (âm thanh, chuyển động) thì cũng rất nhẹ, rất
khẽ, càng làm nổi bật cái tĩnh mà thôi).
+ Trong bức tranh cảnh thu xuất hiện nhiều gam màu xanh, rất xanh (gam màu
chủ đạo) gợi cảm giác se lạnh: độ xanh trong của nước, độ xanh biếc của sóng, độ
xanh ngắt của trời. Cái se lạnh của cảnh thu thấm vào tâm hồn nhà thơ hay chính
cái lạnh từ tâm hồn nhà thơ lan tỏa ra cảnh vật? Cả hai.
Đó là cái tĩnh, cái lạnh của nỗi cô quạnh, có uẩn khúc trong tâm hồn (đây là nỗi
lòng nhất quán thấp thoáng ẩn hiện trong các bài thơ thuộc chùm thơ thu của nhà
thơ).
- Qua bài thơ, không chỉ thấy nỗi lòng riêng của nhà thơ, mà còn nhận ra sự gắn
bó tha thiết với thiên nhiên của quê hương, đất nước (qua cách cảm nhận cảnh vật
một cách tinh tế), và đó cũng chính là tình yêu quê hương đất nước thầm kín nhưng
sâu sắc.
3. Nghệ thuật
- Ngôn ngữ: giản dị, trong sáng, có khả năng diễn đạt những biểu hiện rất tinh
vi, tinh tế của sự vật, những uẩn khúc thầm kín trong tâm hồn khó giãi bày. Đặc
biệt vần “eo” như một “tử vận” khó làm nhưng được nhà thơ sử dụng một cách tài
tình giống như một hình thức chơi chữ để biểu đạt nội dung: vần “eo” đã góp phần
diễn tả một không gian vắng lặng, thu nhỏ dần, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn
khúc của nhà thơ.
- Bài thơ có nét đặc sắc của nghệ thuật phương Đông là lấy “động” nói “tĩnh”.
III. KẾT LUẬN (Tham khảo Ghi nhớ - sgk)
Qua bài thơ, nhận ra vẻ đẹp thanh tĩnh của cảnh sắc mùa thu và tâm hồn thanh
cao, niềm ưu tư của nhà thơ từ cách miêu tả tinh tế, tài hoa.

You might also like