You are on page 1of 10

1.

Những tháng ngày của năm tôi mười bảy tuổi, đôi lúc tôi uống bia bất kể ngày hay đêm. Một
vài lần khi ấy, tôi đã nghĩ đến em.
Tôi nghĩ đến một miền đất xa. Tôi chắc chắn em không muốn nói với tôi về hiện tại này. Em
không muốn nói với tôi về bờ biển dập dìu sóng. Em không muốn nói với tôi về con phố ngập
bóng đèn đường.
Hay là mình chết đêm mai? Em hỏi.
Vì sao thế?
Nếu không phải đêm mai thì cũng trước sau gì.
Em trò chuyện như những nhân vật trong mấy truyện ngắn viết về sự vô nghĩa của đời. Một
nửa nhúm mây. Tôi nhìn em. Những thành trì cát trắng.
Nhưng đa số chúng tôi chẳng nói gì. Chúng tôi ngồi và để cho từng dòng một của bia tràn qua
cuống họng. Con đường ấy dẫn tới bình minh hoặc màn đêm đặc. Tôi chưa bao giờ biết.
Chúng tôi nghe nhạc. Em thích Beatles. Tôi thích Leonard Cohen. Vài lúc trong đời, ta phải
gặp những đốm lửa bất đồng nho nhỏ.
Rồi tôi nghĩ về một người mù. Một người mù bước đi trên con hẻm dài chật hẹp. Tôi nghĩ về
hai bàn tay với những vết nhăn dài của người đó. Những vết nhăn lăn theo từng vạch kẻ
đường.
Có lúc chúng vang lên. Em cười.
Có lúc không.
Những lúc không thì sao?
Thì anh sẽ ngồi uống như lúc này.
Em cầm tay tôi. Đôi lúc là chai bia.
Em có biết không?
Biết gì?
Có một nhà thơ viết hàng chục bài thơ đặt tên là Người mất trí.
Ai thế?
Anh không nhớ.
...
Làm sao tôi biết điều này? Một người chị nói cho tôi. Tôi nhớ mái tóc bồng bềnh của chị.
Chúng tôi đi trên cầu. Chị kéo lê bàn tay mình trên thành của nó như thể mang theo một chiến
sĩ tử trận khắp đường đi.
Chúng tôi bước vào mùa.
Mùa gì? Chị hỏi.
Mùa của những người nhảy sông.
Làm gì có mùa dành cho những người như thế.
Em chẳng biết. Tôi dốc ngược chai bia và để cho nó biến thành con thuyền.
Có người nào nhảy sông chưa?
Dante?
Tại sao là Dante vậy?
Bỗng chốc quãng đường trước mặt chúng tôi thênh thang từ ngữ. Từ ngữ là mắt tôi. Từ ngữ
là thành phố này. Từ ngữ rưng rưng trong ánh trăng màu bạc.
Chị thích đi như thế này đến ngày mai.
Thế là chúng tôi đã đi đến ngày mai. Chúng tôi ngủ lại trong một cửa hàng tiện lợi không bao
giờ đóng cửa.
...
Có lúc khác tôi đi cùng một cặp đôi kia. Họ hiếm khi uống. Họ chỉ nói chuyện. Tôi gặp họ
khi đang đổ xăng tại một chốn nào xa xăm vô định.
Anh chàng tên là Q tiến lại và hỏi tôi.
Ông có muốn đi uống bia không?
Tại sao không nhỉ? Tôi đáp.
Thế là tôi đi theo họ đến quán họ quen. Anh chàng là một kẻ có khả năng uống cừ khôi,
nhưng chẳng bao giờ uống cả. Tôi nhìn mắt họ. Chớp đỏ lòe như từng tia máu dưới lấp lánh
mờ đèn.
Có một bí mật dành cho ông đó. Cô nàng tên là P nói nhỏ.
Tôi nhìn đôi giày màu trắng của mình. Không gian cũng mờ mờ trắng. Tôi chưa say quá. Tôi
chẳng biết say để làm gì.
Những cái lưỡi úa ra trong bóng tối. Câu chuyện nhảy số trong đầu như cái cách những đoạn
nhạc nhảy trong xe. Những cái lưỡi của bình minh xuất hiện trong chốc lát rồi vụt bay đi mất.
Cho tôi gợi ý được không?
Gợi ý là Bài thơ.
Bài thơ thì sao? Những dòng lê thê rơi như một cơn mưa đen đậm. Mắt của tôi là con suối
xanh. Tôi đâu biết điều gì. Tôi nghe bằng tai. Bài thơ thì sao? Tôi gửi những bài thơ của mình
đi khắp nơi trên đất nước này. Bài thơ là một kẻ lữ hành già kể từ khi nó bắt đầu xuất hiện.
...
Em nói về tôi. Tôi nói về em. Những câu thơ dài như thể cả tác giả cũng phải cố hết sức mới
ngắt nó ra theo nhịp. Từ khi được viết xuống, từ ngữ sống phần riêng của nó. Tôi chạy theo
nhưng không thể.
Câu chuyện cũng thế. Có những câu chớp mắt và tiến đến hư không. Có những phần đời rối
rắm.
Một vài câu bạc màu. Tôi đáp.
Nhưng em đã hỏi gì đâu.
Vậy sao?
Tay em thì xa còn những đám mây nặng thì gần. Tên em. Cái tên là một phần trong tít tắp.
Không thể viết những câu văn theo cái cách người ta tạo ra từ ngữ cho thơ.
Trời màu đen lạnh. Em nói tuổi em thuộc về những ngôi sao.
...
Rồi những tháng ngày của năm tôi mười bảy tuổi, tôi gặp được Thành. Chúng tôi ngồi nhìn
sóng lăn vào chân mình.
Tôi nói như thể chúng muốn xóa đi từng hạt cát.
Thành đọc những bài thơ của hắn lên. Những bài thơ không bao giờ quay trở lại. Ngôn ngữ là
màu của mùa hè. Tôi là những hòn đá sáng trôi.
Có những câu như là một hòn đá sáng trôi. Thành nói.
Trôi về đâu?
Trôi lơ lửng trong thiên đường màu tím.
Tôi kể cho hắn nghe về chị. Những chuyến đi đến ngày mai. Rồi đợi ở trạm xe buýt cho tới
lúc mặt trời phủ màu cam lên đường về.
Khi ấy chị ta sẽ nhớ.
Nếu không thì sao?
...
Ước gì chị chết đêm mai. Chị nói.
Không phải đêm nay sao?
Đêm mai để chị kịp tới một căn phòng ngập tràn nước mắt.
Chúng tôi chẳng có lý do gì cho nỗi buồn. Nỗi buồn là lá kêu giòn trên con đường nhựa. Con
đường nhựa cũng có lúc thất thường.
Gan và bao tử tôi úa. Tôi muốn trải nghiệm mọi thứ của ngôn từ. Chị cầm chai bia trong năm
ngón tay nhỏ xíu như năm cây đậu đang đua nhau nở.
Tôi nghĩ đến áo ngực. Đó cũng là lúc tôi gặp được em.
...
Có một bí mật dành cho ông. Nhưng ông đã cảm nhận điều đó. Q nói. Tóc anh ta dài. Dài tới
nỗi có lẽ vài sợi có thể chạm vào chốn tận cùng của giấc mơ.
Gợi ý là Bài thơ à?
Tôi không hiểu gì về thơ cả. Q cười. Hắn uống ít. Thậm chí tôi nghĩ là chẳng bao giờ. Chúng
tôi là một hội ba người kì quặc trong quán bia tồi tàn có góc nhìn hướng ra con đường đèn
rọi.
Có lẽ bạn gái của ông sẽ biết.
P biết nhưng cô ấy không nói. Cô ấy chỉ cười. Tôi nhìn ra ngoài. Tôi muốn nhìn ngọn đèn
đường. Nó bị che phủ bởi mấy tán cây.
Bí mật nó sẽ ở đó cùng với ông. P nói.
Nếu tôi biết rồi thì sao?
Thì không có gì bên ông cả.
Bí mật là một thứ phi lí đến tận cùng. Cũng có vài thứ khác đuổi theo sự phi lý ấy. Một bài
thơ chẳng hạn.
...
Cùng với bài thơ, Thành để lại những dấu chân trên cát. Tôi bước theo chúng mà chẳng quan
tâm sẽ dẫn đến đâu.
Em cạnh bên tôi, đôi lúc hỏi.
Thành phố này nối tiếp thành phố kia. Rồi hành tinh này nối tiếp hành tinh kia. Một vài con
khỉ lông nâu đang cầm gậy phục kích tôi trong hẻm tối. Chúng chỉ chờ lúc em ngẩn ngơ và lơ
là để nhảy đến đánh gục tôi.
Mày muốn đưa tao tới đâu? Tôi hỏi con khỉ đầu đàn.
Sao Diêm Vương. Nó đáp.
...
Tuần đó là đám tang chị. Vào một ngày nắng đẹp, chị đã chọn treo cổ trên cây. Một cái cây
có thể cháy từ rễ cho đến lá. Tôi nhìn chị chân không chạm đất. Da tôi là khoảng sân đổ
bóng. Mắt tôi là bờ hồ.
Chúng tôi đi đến mai. Đó là giữa đêm. Chúng tôi mỏi chân nên ngồi nghỉ lại bên cạnh một
nhà thờ với tường sơn màu vàng nhạt. Tôi uống một chút.
Bóng đêm là không màu hay là đen?
Đen?
Mãi mãi?
Có một bí mật dành cho chị. Tôi nói.
Là gì thế?
Em không thể nói. Chân em đang ướt. Nhưng gợi ý là Bài thơ.
Bài thơ?
Bài thơ.
Chúng tôi là những kẻ loanh quanh. Thời gian cũng loanh quanh. Đôi khi ta cần cái móc phơi
đồ.
Chị không chịu được.
Điều gì?
Nỗi buồn.
Ước gì mình chết đêm mai.
Ước gì mình chết đêm mai. Chị nói.
...
2.
Tôi là lời hát của tháng ba. Đó là khi tôi quyết định mình sẽ viết một câu chuyện. Một câu
chuyện không dành cho ai.
Tôi biết mọi nhà văn đều có quan điểm của riêng mình. Một số nhà văn viết về (và cho)
những khu vực nhất định. Khi tôi nghĩ về điều đó, tôi cảm thấy có một cơn gió lan qua cơ thể
tôi. Tôi sẽ tìm cách tưởng tượng cơn gió ấy. Một cơn gió màu tím nhẹ làm bay những sợi
lông tơ.
Tôi biết những nhà văn với giọng văn dành cho nhân loại. Haruki Murakami chẳng hạn. Tôi
đã đọc Murakami nhiều đến nỗi ngôn ngữ suy tưởng của tôi đến từ những trang sách ông ta.
...
Vào tháng sáu, người ta hoàn thành cây cầu lớn bắc qua sông. Tôi đứng trong đám đông đến
dự lễ khánh thành. Một ly cà phê và cái bánh bao lớn trên tay.
Ông ta nói cây cầu này sẽ khiến cho việc đi lại giữa hai bên bờ dễ dàng hơn.
Sau đó sợi ruy băng màu đỏ được cắt. Tôi quay về nhà. Đường về dưới những hàng cây đổ
những cái bóng ra xa. Đó là buổi chiều.
Lễ khánh thành làm tôi nghĩ tới một con rồng màu đỏ. Tôi từng nghe nhiều chuyện dân gian
từ bà mình.
...
Marquez nói là ông viết Trăm năm cô đơn bằng thứ giọng bà ông dùng để kể những câu
chuyện huyền bí.
Ngày xưa có một con rồng. Nó lớn đến nỗi chỉ cần nó ngáp, ở Manhattan sẽ xảy ra một trận
bão.
Tất nhiên vào thời điểm đó, Manhattan chẳng bao giờ là Manhattan mà ta nghĩ tới lúc này.
Có những căn nhà được làm bằng giấy màu ngà. Trăng sáng ở trên cao. Một lâu đài trắng
bóng.
Mọi câu chuyện xuất hiện một con rồng sẽ xuất hiện một hiệp sĩ. Chuyện về hiệp sĩ thì có thể
xuất hiện mọi thứ. Một sinh viên châu Á gốc Cộng Hòa Trung Phi đeo kính gọng đồi mồi tóc
tém làm gái ở một hộp đêm dành cho dân da đen để nuôi bà mẹ tám mươi tám tuổi mắc ung
thư cổ tử cung di căn.
Nói cách khác, những câu chuyện về loài rồng thường là tập hợp con của những câu chuyện
về hiệp sĩ.
...
Có hai loại nhà văn trên thế giới này.
Loại thứ nhất là Murakami. Loại thứ hai là Marquez.
...
Lần đầu tiên tôi qua cầu là để gặp em. Cứ mỗi một truyện ngắn vô danh tiểu tốt sẽ xuất hiện
xấp xỉ không phẩy sáu mươi bảy chàng trai trẻ tuổi và xấp xỉ không phẩy bảy mươi mốt cô
nàng trẻ tuổi.
Vẫn có người tính toán điều đó. Thật hay.
Chúng tôi đứng trên cầu và ngắm nhìn những người thả diều ở công viên.
Tôi đang rơi qua phần Murakami mất rồi. Tôi nghĩ về những trang giấy lê thê mà Marquez
hàng ngày viết. Tôi chỉ bước trên những chữ cái. Chúng được in bằng mực đen.
Ở thế giới của một mặt trang sách, đó là thành phố.
Thật à? Tôi hỏi.
Khói từ điếu thuốc trên bàn tay gầy và móng được sơn màu đỏ của em đang xếp thành những
từ.
Hôn em đi.
...
Tôi viết điểm sách cho một tạp chí văn học hoạt động bằng kinh phí tài trợ của địa phương.
Tỉ lệ này trong truyện ngắn có lẽ khoảng không phẩy không một phần trăm.
Cũng có nhiều cách để phân loại văn chương. Ít nhất, đó là những điều mà các nhà phê bình
cảm thấy thích thú. Những nhà phê bình thì cứ mãi mãi mặc cảm vì thứ việc mình làm.
Chẳng hạn, có hai loại nhà văn trên thế giới này.
Loại thứ nhất là Jack Kerouac. Loại thứ hai là Albert Camus.
Hay, có hai loại nhà văn trên thế giới này.
Loại thứ nhất là Kafka. Loại thứ hai là Balzac.
Tùy thuộc vào thứ mà anh muốn đề cập nữa.
...
Vào một chiều thứ hai, tôi gặp một người bạn từ hồi cấp ba của mình. Chúng tôi đều không
nhận ra nhau.
Có lẽ vì trời mưa. Tôi bước vào trong quán bia xập xệ mà tôi vô tình tìm được khi đang đi
lang thang dưới phố. Anh ta là người phục vụ.
Sau vài ly bia, tôi lại nghĩ về con rồng.
Tất nhiên hiệp sĩ sẽ gặp con rồng. Cái cớ có thể là bất cứ điều gì phi lý nhất mà người kể
chuyện nghĩ ra được. Thường họ cũng không sáng tạo lắm đâu. Dù sao họ cũng đã trải qua
một ngày thảm thương để lết được tới nhà. Họ sẽ kể nó thật qua loa và vô cùng chán (một
cách có chủ đích) để đứa bé chìm nhanh vào giấc ngủ. Và họ không quên hôn chúc ngủ ngon.
Quy trình đó trong cuộc đời tôi kết thúc vào năm tôi vào tiểu học.
Những nhà phê bình luôn có người sẵn sàng cho việc này. Họ gọi mấy người như thế là
Chuyên gia sưu tầm và khảo cứu văn học dân gian. Họ sẽ đếm xem con rồng sẽ chết bởi
thanh gươm thay vì sức mạnh tinh thần bao nhiêu lần. Hay trong khoảng bao nhiêu câu
chuyện sẽ xuất hiện một nàng công chúa. Thường cô ấy sẽ có tóc vàng hay nâu. Vân vân.
Ông có phải là Vĩ không?
Sao thế? Tôi ngẩng mặt lên.
Tôi là Thành đây.
Trong kí ức tôi, chỉ có nhân vật Thành xuất hiện trong một tiểu thuyết bìa mỏng vô danh. Đó
là cách những trang văn rơi vào trong suy tưởng của con người.
...
Kafka có một truyện ngắn tên là Tiếng hát của bầy nhân ngư. Balzac thì có Lão Goriot.
Đó là cách họ khác nhau. Bất chợt nhảy ra từ một cánh cổng chưa kịp đóng trên trời. Tôi xếp
hàng chờ cho đến năm mới.
Mười bảy tuổi, tôi đã uống một nửa số bia mà cả đời cơ thể tôi hấp thụ.
...
Trong mơ tôi gặp Ocean Vuong.
Tôi đang ăn kem trên một cái ghế đá dài tới nỗi tôi không thể nào nhìn thấy cả hai đầu của
nó.
Tôi chưa kịp hỏi rằng liệu đây có phải là Thiên đường không thì anh ta xuất hiện. Một chiếc
áo sơ mi mùa hè và quần kaki trắng. Anh bước đến chỗ tôi. Đôi giày lười như lướt trên làn
mây mỏng.
Xin chào. Tôi nói.
Tôi là Marquez. Anh ta đáp.
Sao anh không nói mình là Ocean Vuong?
Bởi vì tôi là Marquez.
Trong bàn tay anh, tập Trời đêm những vết thương xuyên thấu vẫn còn.
...
Tôi ít khi tìm cách lý giải giấc mơ. Một người cô từng dạy môn Văn học cấp ba của tôi nói
rằng thường những giấc mơ khiến cô ta viết.
Có lần tôi mơ thấy người đàn ông đã phát biểu trong lễ khánh thành cây cầu. Ông ta không
ngừng cắt sợi ruy băng đỏ. Nó không đứt.
Lúc tôi thức dậy, tôi đã thử tháo một cái ruy băng nhỏ hơn nhiều, cũng màu đỏ, từ trong hộp
quà mà tôi được tặng cho vào ngày sinh nhật đã lâu ra.
Tôi cắt nó. Nó đứt.
Từ đó, tôi không bao giờ mơ thấy bất kì điều gì có màu đỏ nữa.
Kể cả những móng tay em.
...
Có hai loại nhà thơ.
Loại thứ nhất là Whitman. Loại thứ hai là Anne Carson.
Chẳng có mấy ai tin.
...
Như thể nếu tôi đang tư duy kiểu nhân vật chính của Murakami. Nếu vậy, tôi muốn ít nhất
câu chuyện này có thật nhiều chú thích.
Một vài lần tôi cũng đọc mấy thứ văn có còn nhiều chú thích tới nỗi nó mở mang tầm hiểu
biết của tôi còn nhiều hơn những gì tôi cảm nhận từ từng hình ảnh một.
Lần đầu là khi tôi đọc Hú của Allen Ginsberg.
...
Con rồng bay lên bằng một cơn gió màu tím. Khi ấy mặt đất rung đến nỗi nham thạch bắt đầu
túa ra như cách lòng đỏ chảy tràn từ cái trứng ốp la.
Em đang ăn cái bánh kem mà chúng tôi mua vào tối qua. Cho dịp sinh nhật của mình, em đã
rủ tôi xuống phố.
Chúng tôi ngồi ở hai góc đối diện nhau. Ánh trăng tràn vào qua cánh cửa sổ. Đủ sáng để tôi
thấy mắt em cứ thế long lanh.
Tôi kể câu chuyện về con rồng. Tôi đã cố gắng khiến cho nó không giống như những gì cha
mẹ em từng kể.

Tôi chẳng bao giờ gặp lại em sau đó nữa. Dẫu tôi đã đi qua cầu mỗi ngày. Tôi nhìn người ta
thả diều mỗi ngày.
Theo xu thế, câu chuyện nên dừng ở đây.
Cơn gió màu tím là lí do mà tôi viết. Có những người viết vì nhân loại. Có những người viết
vì một ngôi làng.
Tôi là Marquez. Đó là tất cả những gì giấc mơ giữ lại.

3.
Hắn thức dậy đầm đìa mồ hôi sau cơn ác mộng. Đêm tĩnh mịch như nơi chốn sâu cùng của
một nghĩa trang.
Miệng ngậm một chùm tóc đen, Hắn phun ra một cách đầy kinh sợ.
Giờ trong căn phòng tối chật hẹp của nhà trọ Thiên đường. Nhúm tóc ấy nằm yên lặng. Dài
khoảng sáu, bảy cen ti mét và có màu đen đậm. Trên lớp gạch ố màu, chúng lấp lánh tựa
những ngôi sao.
Hắn cảm thấy sợ, nên đi rửa mặt. Mọi thứ đều bình thường đến mức lạnh băng. Hắn nhìn cái
tivi thùng xám cũ. Tưởng tượng ra một thanh kiếm sắc lẹm khi trông thấy chiếc ăng ten.
Hắn cảm thấy không gian đang bị xâm phạm. Không phải bởi những sợi gió đang gào rú len
qua khe cửa sổ trên tường. Cũng chẳng phải tiếng những con quạ đang kêu không ngừng khi
đậu trên mái ngói đỏ nâu.
Đó là một người. Hắn biết.
Xỏ dép, hắn đi đến phòng ăn. Ngồi ở chỗ bàn bếp là một gã đàn ông cao lớn. Khuôn mặt gã
một nửa hiện ra dưới ánh trăng khuyết chảy tràn như con sông huyền ảo. Hắn ngay lập tức
thấy xa lạ với gã ta. Mái tóc dài đến chấm vai. Bộ áo sơ mi nhàu nhĩ như thể đã trôi qua một
ngày dài lắm.
Lúc này là ba giờ. Hắn kéo ghế ra và ngồi xuống. Khi đó, hắn nhận ra đôi mắt của gã kia
không còn thuộc về thế giới này.
Giữa hai người, sự im lặng còn lớn hơn một sa mạc mà cái nóng đã làm tất cả chết khô. Có vẻ
một cánh cổng đang bất chợt mở ra tại cõi đời này.
Muốn uống gì không? Hắn hỏi.
Cho tôi nước cam. Gã kia đáp. Giọng gã trầm đến mức có thể khiến Thượng đế phải phiền
lòng.
Tôi mới hết nước cam hôm qua rồi.
Vậy cà phê đen thì sao?
Có.
Hắn tiến đến bếp. Còn đúng hai gói NesCafe. Trong lúc đợi nước sôi. Hắn muốn hỏi gã đàn
ông một điều gì đó.
Tại sao người ta lại ngậm tóc trong miệng khi tỉnh giấc?
Có người như vậy sao?
Tôi. Mới nãy thôi.
Thật à?
Tôi nghĩ vậy.
Đặt hai chiếc ly lên bàn, hắn lại hỏi.
Sao ông lại đến đây?
Vậy tại sao ông lại đến đây?
Câu hỏi của gã ta làm hắn nghĩ đến ngày đầu tiên mình đến nhà trọ Thiên đường. Một nơi
vắng khách tồi tàn. Nó tạo cho hắn cảm giác không được chào đón.
Hai tháng trước, vợ cũ gọi cho hắn. Cho đến thời điểm ấy, đã nhiều năm họ không nói chuyện
với nhau. Người phụ nữ đó bỏ đi cùng một đồng nghiệp của hắn. Một tên xinh trai, trẻ hơn
hắn nhiều.
Anh. Cô ta nói bằng thứ giọng khàn qua điện thoại.
Sao thế? Hắn nằm trên sofa. Những lon bia và đầu mẩu thuốc lá vương vãi trên sàn. Hắn
trông thấy một cột khói ngoài cửa sổ xa. Giờ này mà vẫn còn người đốt rác.
Mình gặp nhau được không?
Để làm gì?
Em muốn nói chuyện với anh.

Sao ông lại đến đây? Hắn lại hỏi gã.
Người đàn ông kia chẳng làm gì cả. Ly cà phê vẫn còn nguyên.
Để ngắm chim.
Ở đây?
Nhà trọ Thiên đường là một nơi tuyệt vời để ngắm chim.
Tôi không biết đấy.
Trên mu bàn tay phải của gã ta có một hình xăm nhỏ. Một đôi cánh màu xanh dương và dòng
chữ Paradise ngay dưới. Môi ông ta hơi mỏng. Hắn để ý đôi lúc nó mấp máy.
Sáng mai chim sẽ đến.
Loài gì thế?
Tôi cũng chưa biết.
Như để bào chữa, gã nói thêm.
Nhưng tới một lúc, chúng ta sẽ biết.
Gió làm rung rinh những tấm màn cửa. Hắn có thể nhìn thấy một con mèo đi bước từng bước
cheo leo ở chỗ tấm bậc chật hẹp nhô ra bên ngoài. Một con mèo lông xám.

Hắn và vợ cũ ngủ với nhau đêm đó. Đáng lẽ chuyện chẳng phải như thế. Nhưng họ ngồi ăn
trưa cùng nhau trong cái nhà hàng nơi cả hai thường ghé qua. Hắn nhớ màu sắc của bầu trời.
Một màu xanh nhàn nhạt.
Ngày tháng đã rụng rời nơi hắn khi ấy từng bước quay lại kề bên. Hắn nhìn cô. Không thay
đổi gì sau ngần ấy năm hắn tưởng mình quên sạch.
Ở rạp chiếu phim, Hắn đã quay sang và hôn cô. Không có bất kỳ sự phản kháng nào. Bàn tay
cô hơi giật, nằm lọt trong lòng bàn tay hắn.
Những bàn tay luôn làm hắn chú ý. Hắn chưa từng cảm nhận được vết sẹo nhỏ ở mặt dưới
ngón giữa của cô. Hắn không nghe được lời thoại trong phim nữa. Tai hắn như ù đi vì có một
cánh cổng tối sầm đóng lại từ trên cao vút.
Khi họ nằm cạnh nhau cũng vậy. Mưa có lẽ đã chết trong thành phố lâu rồi. Ánh sáng ít ỏi
trong căn phòng đủ để hắn nhìn thấy từng đường nét cơ thể cô, nhấp nhô theo nhịp thở. Hắn
muốn quay sang để ngắm sống mũi cô. Áo sơ mi màu cam của hắn đang treo trên móc.
Những đám mây thì nặng. Cô nói.
Đúng là đôi khi mây nặng. Hắn vẫn để ý chúng mệt mỏi treo trên trời mỗi khi cần phải xuống
phố mua đồ. Hắn cảm thấy đôi khi mình là người ngoài cuộc, nên chẳng bao giờ đặt ra câu
hỏi gì.
Như thể mọi chuyện đều có lý.
Và rồi khi hắn tỉnh giấc, cô đã không ở đó. Mô típ bình thường trong những câu chuyện mơ
hồ. Hắn nhìn một lượt cả căn phòng. Chẳng còn quần áo cô. Hay túi xách. Hay bất kỳ mùi
hương nào.
Trong bàn tay hắn, có lẽ cô đã để lại một mẩu giấy. Hắn mở nó ra. Một mẩu giấy nhàu. Nhà
trọ Thiên đường. Đó là tất cả những gì được ghi trên đấy.
Hắn bước trên con đường nhỏ hẹp để về nhà. Hình như thời gian đã bắt cóc cô đi. Hắn không
quan tâm làm gì cái điều vô nghĩa như thế. Mưa chết rồi, nên nó đóng băng trên không trung.
Chỉ cần chạm nhẹ vào thì sẽ nổ.
...
Để ngắm chim, hắn và gã đàn ông lạ kia ngồi trên hai cái ghế nhỏ nhìn ra bên ngoài. Mây
chưa bao giờ thôi nặng. Hắn ước việc ngắm chim giải thích phần nào. Nhưng hắn biết hi vọng
là một điều vô ích.
Những cái cây trụi trong tầm mắt họ đang muốn gửi lời thông báo. Lá rung nhẹ rồi cũng rụng
xuống sân. Nhà trọ Thiên đường chưa bao giờ cho hắn biết điều mà hắn luôn thắc mắc.
Có lẽ những con chim thi rơi. Gã đàn ông nói.
Tại sao lại thi rơi.
Tôi cũng không rõ. Chắc là chưa phải lúc.
Hắn gật đầu rồi lại đi pha thêm hai ly cà phê. Bốn giờ ba mươi. Hắn trông thấy từ xa, mặt trời
bắt đầu vươn dậy.
Một vài con chim sẻ lượn lờ trên những cành cây trụi kia. Những con chim sẻ vẫn thường né
hắn như xe máy né người qua đường. Hắn chẳng là gì trong không gian này. Hắn chỉ muốn
làm rõ.
Có lẽ là chim sẻ.
Chim sẻ ở đây mọi lúc mà. Hắn đáp.
Là chim sẻ.
Một vài con đậu lại trên mấy sạp hàng. Gần nhà trọ Thiên đường có một khu chợ nhỏ. Hắn
biết dù chưa bao giờ đến.
Rồi năm giờ. Vẫn chỉ có chim sẻ. Thậm chí không phải cả bầy mà chỉ có vài ba con. Trong
đôi mắt gã đàn ông kia, có một điều gì hắn không thể hiểu.
Hắn nghĩ đến mớ tóc đã nằm trong miệng hắn đêm qua, khi hắn còn đang ngủ. Hắn nghĩ đến
cô, người vợ cũ đã đưa hắn đến nơi này. Chưa từng xuất hiện lại bên đời.
Nhà trọ Thiên đường là một cái tên hay. Gã kia mỉm cười. Khi đó, dường như những vết
nhăn trên khuôn mặt gã dãn ra nhiều chút.
Cảm ơn ông vì đã cho phép tôi ngắm chim. Rồi gã dềnh dàng đứng dậy. Hắn không còn cảm
thấy sự xâm phạm nữa. Mà thật ra, hắn nghĩ người như gã ta còn thuộc về nơi này nhiều hơn
là hắn.
Không có gì đâu.
Mà ông biết không, có những người vẫn ngậm tóc trong miệng nhưng chưa bao giờ để ý.
Thật sao?
Tất nhiên rồi.
Khi cánh cửa mở và gã ta chắc sẽ chẳng trở lại đây, hắn vẫn đứng lặng nhìn với đôi bàn tay
run rẩy. Hắn nghe tiếng gọi bên trong mình.
Cho tôi đi theo với. Hắn kêu lên.
Đi đâu?
Đến bất kể, nơi nào.
Trong lúc đó, những con chim sẻ nháo nhào tìm một chỗ êm đềm. Bình minh ghé ngang tầm
mắt chúng. Hắn thấy mình dài ra hết thảy. Dài đến một ngày không phải ngày mai.

You might also like