You are on page 1of 18

Chương trình & sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm: một số điểm

đổi mới
CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG ANH 10 NĂM:
MỘT SỐ ĐIỂM ĐỔI MỚI

GS. TS. HOÀNG VĂN VÂN

Trung tâm Ngôn ngữ và Quốc tế học – Trường Đại học Ngoại ngữ

Đại học Quốc gia Hà Nội

Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm

Điện thoại: 0946296999; email: vanhv@vnu.edu.vn; vanhv.sdh@gmail.com

Tóm tắt

Có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung, dạy và học
tiếng Anh nói riêng với tư cách là một môn học ở trường phổ thông Việt Nam. Tuy nhiên,
một trong những giải pháp quan trọng nhất mà mọi nền giáo dục dường như đều lấy
làm xuất phát điểm là đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Đây là trọng tâm của báo
cáo này: trình bày và nêu một số điểm đổi mới của chương trình và bộ sách giáo khoa
tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Báo cáo được tổ chức xung
quanh năm phần. Phần 1 đặt vấn đề. Phần 2 trình bày khái quát Đề án ngoại ngữ quốc
gia 2020 và nêu một số điểm trong Đề án liên quan đến việc thiết kế chương trình và
biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm ở trường phổ thông Việt Nam. Phần 3
tổng quan ba chương trình tiếng Anh thí điểm và nêu một số điểm mới nổi bật của ba
chương trình. Phần 4 trình bày việc biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông 10
năm theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và nêu một số điểm đổi mới nổi bật của bộ
sách. Phần 5 tóm lược lại những điểm chính đã trình bày trong báo cáo và nêu bật tầm
quan trọng của mối quan hệ qua lại giữa người viết sách, người tổ chức tập huấn sử
dụng sách và người sử dụng sách trong tiến trình nâng cao chất lượng dạy và học tiếng
Anh ở trường phổ thông.

Từ khoá: Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, ba chương trình tiếng Anh thí điểm, bộ sách
giáo khoa tiếng Anh 10 năm.
1. Đặt vấn đề

Trong thế giới ngày nay, giao lưu quốc tế càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cùng với
sự phát triển mạnh mẽ của giao lưu quốc tế, giao tiếp giữa các quốc gia, các tổ chức, và
giữa người với người thông qua ngôn ngữ cũng không ngừng phát triển. Phương tiện
giao tiếp hữu hiệu nhất không thể thiếu được để duy trì và phát triển các mối giao lưu
quốc tế chính là ngoại ngữ trong đó tiếng Anh, với tư cách là “một ngôn ngữ toàn cầu”
(Crystal, 2003), có vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì thực tế này mà mục đích của dạy
và học ngoại ngữ ngày nay không còn giới hạn vào việc tìm hiểu bản chất của ngoại ngữ
để qua đó phát triển trí tuệ của người học theo hướng tầm chương trích cú, không còn
giới hạn vào việc chỉ yêu cầu người học làm các bài tập về từ vựng, ngữ pháp, dịch hay
học một hoặc hai kĩ năng ngôn ngữ như đọc hiểu hay viết. Trái lại, dạy và học ngoại ngữ
ngày nay là nhằm mục đích giao tiếp trong đó chất liệu ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ
pháp) chỉ là một khía cạnh được dạy nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ (linguistic
competence) của người học để thông qua đó phát triển năng lực giao tiếp
(communicative competence) của họ dưới các hình thức nghe, nói, đọc, viết, và để cuối
cùng khi giao tiếp với người nước ngoài mình có thể hiểu được họ và họ có thể hiểu
được mình.[1] Hai mệnh đề “mình có thể hiểu được họ” và “họ có thể hiểu được mình”
bằng ngoại ngữ tưởng chừng đơn giản nhưng đã làm cho nhiều quốc gia, kể cả Việt
Nam, phải đổ rất nhiều công sức và nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực) vào nhằm
tìm ra những giải pháp hữu hiệu để nâng cao trình độ ngoại ngữ của người học và người
sử dụng của nước mình.

Có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng một môn học. Ở mức độ khái quát nhất có thể
nhóm chúng vào ba cấp độ: vĩ mô, trung mô và vi mô. Ở cấp độ vĩ mô, giải pháp có tác
động mạnh mẽ nhất là quyết định đổi mới môn học (trong trường hợp này là môn ngoại
ngữ) của Nhà nước. Đi kèm theo giải pháp này là các chính sách, các hoạt động quảng
bá và tuyên truyền để các cấp quản lí và người dân nhận thức rõ chủ trương đổi mới và
chuẩn bị thực hiện. Ở cấp độ trung mô, giải pháp quan trọng nhất thường được mọi nền
giáo dục chọn làm xuất phát điểm cho công cuộc đổi mới là thiết kế chương trình mới
và biên soạn sách giáo khoa mới. Và ở cấp độ vi mô, song song với thiết kế chương
trình mới và biên soạn sách giáo khoa mới là một loạt các giải pháp (hoạt động) nâng
cao chất lượng dạy và học môn học như đào tạo, bồi dưỡng và thậm chí đào tạo lại đội
ngũ giáo viên để đạt chuẩn đã đề ra; nâng cấp cơ sở vật chất trong lớp học; hiện đại hoá
trang thiết bị dạy học; tập huấn giáo viên về những phương pháp và thủ thuật dạy học
mới phù hợp với chương trình và sách giáo khoa mới; ban hành một số chính sách
khuyến khích dạy và học môn học, v.v.

Trong các giải pháp thuộc ba cấp độ đã đề cập ở trên, báo cáo này chọn đi sâu vào một
khía cạnh quan trọng của nhóm giải pháp ở cấp độ trung mô với chủ đề cụ thể
là: “Chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm: Một số điểm đổi mới”. Báo cáo
gồm năm phần. Phần 1 đặt vấn đề. Phần 2 trình bày khái quát Đề án ngoại ngữ quốc gia
2020 và nêu một số điểm trong Đề án liên quan đến thiết kế chương trình và biên soạn
sách giáo khoa tiếng Anh ở trường phổ thông. Phần 3 tổng quan ba chương trình tiếng
Anh thí điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nêu một số điểm nổi bật của ba chương
trình. Phần 4 trình bày việc biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông 10 năm
theo ba chương trình tiếng Anh thí điểm và nêu một số điểm đổi mới nổi bật của bộ
sách. Phần 5 tóm lược lại những điểm chính đã trình bày trong báo cáo và nêu bật tầm
quan trọng của mối quan hệ qua lại giữa người viết sách, người tổ chức tập huấn sử
dụng sách và người sử dụng sách trong tiến trình nâng cao chất lượng dạy và học tiếng
Anh ở trường phổ thông. Trong 5 phần, Phần 4 là trọng tâm của báo cáo và được trình
bày chi tiết nhất.

2. Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020

Dạy và học ngoại ngữ luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ.
Nhìn lại lịch sử dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng ngay
từ những năm 1960 của thế kỉ 20, ngoại ngữ luôn nhận được một vị trí xứng đáng
trong chính sách ngôn ngữ của Việt Nam như là một môn học bắt buộc ở bậc trung học
phổ thông, và sau này là từ bậc trung học cơ sở đến bậc sau đại học. Chúng ta cũng có
thể khẳng định mà không cần phải do dự rằng nhờ vào sự quan tâm thường xuyên của
Đảng và Chính phủ, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ trong lĩnh vực
giáo dục ngoại ngữ nói chung và giáo dục tiếng Anh nói riêng. Từ giai đoạn trong đó
tiếng Anh được dạy mà không có chương trình và sách giáo khoa được thiết kế và biên
soạn một cách hiển ngôn trong những năm 1970 tới giai đoạn trong đó tiếng Anh được
dạy 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12) ở các tỉnh phía Bắc và 7 năm (từ lớp 6 đến lớp
12) ở các tỉnh phía Nam với hai chương trình được tích hợp ngầm ẩn vào trong nội dung
của hai bộ sách giáo khoa tương ứng ở cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980,
tới giai đoạn trong đó tiếng Anh được dạy 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12) trong cả nước
trong đó chương trình được thiết kế một cách hiển ngôn, khá bài bản và có hệ thống với
một bộ sách giáo khoa tiếng Anh ở bậc trung học cơ sở và hai bộ sách giáo khoa tiếng
Anh ở bậc trung học phổ thông (bộ chuẩn và bộ nâng cao) được biên soạn dựa trên các
nguyên tắc và nội dung được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng
Anh năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chi tiết, xin xem Bộ giáo dục và Đào tạo,
2006; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 2008, 2012).

Cùng với những tiến bộ trong thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa, trình độ
chuyên môn và kĩ năng giao tiếp của giáo viên ngoại ngữ nói chung và giáo viên tiếng
Anh nói riêng đã đạt được những tiến bộ rất đáng khích lệ. Một số giáo viên tiếng
Anh có thể điều khiển một giờ dạy trên lớp hoàn toàn bằng tiếng Anh; nhiều học sinh
phổ thông, đặc biệt là những học sinh giỏi có thể giao tiếp khá thoải mái bằng tiếng
Anh, đặc biệt, nhiều em đã đạt được điểm số rất cao ở hai bài thi chuẩn quốc tế TOEFL
và IELTS. Tuy nhiên, trong một thế giới, trong đó quốc tế hóa và hội nhập đang trở thành
một xu thế tất yếu, sự cần thiết phải có nguồn nhân lực có trình độ cao có thể giao
tiếp được bằng ngoại ngữ, đặc biệt là bằng tiếng Anh đã trở thành một yêu cầu bức
thiết đối với Việt Nam. Yêu cầu bức thiết này đã làm cho các chuẩn hiện hành của dạy,
học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam trở nên không còn phù hợp. Càng ngày chúng
ta càng ý thức được rằng nếu không đổi mới căn bản về chính sách, chương trình, sách
giáo khoa, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra-đánh giá, thì dạy ngoại ngữ
nói chung và dạy tiếng Anh nói riêng ở Việt Nam sẽ rơi vào nguy cơ bị tụt hậu. Nhận
rõ được tầm quan trọng đặc biệt của ngoại ngữ trong thời kì hội nhập, ngày 30 tháng 9
năm 2008, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã kí Quyết
định Số: 1400/QĐ-TTg ban hành Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong trong hệ thống giáo
dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020” (từ đây gọi tắt là Đề án 2020).

Mục tiêu chung của Đề án 2020 là

Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển
khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến
năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của
nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên
Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng
độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn
ngữ, đa văn hoá; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam,[2] phục
vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo Quyết định Số: 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình triển khai của Đề
án 2020 bao gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2008 - 2010, Giai đoạn 2 từ năm
2011 - 2015, Giai đoạn 3 từ năm 2016 - 2020. Liên quan đến giáo dục ngoại ngữ ở phổ
thông Việt Nam, Đề án 2020 xác định rõ nhiệm vụ của từng giai đoạn như sau:

· Giai đoạn 1: triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm từ lớp 3 môn ngoại
ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông;

· Giai đoạn 2: triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% số
lượng học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm 2015-2016;

· Giai đoạn 3: triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình 10 năm trên quy mô cả
nước vào năm 2018-2019 (chi tiết hơn, xin xem, Thủ tướng Chính phủ, 2008: 1).

Về chuẩn năng lực, Đề án 2020 công nhận dứt khoát 6 bậc năng lực của Khung tham
chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ: học tập, giảng dạy, đánh giá (Common European
Framework of Reference for Languages: Learning, Teaching, and Assessment, 2001 [gọi
tắt là Khung CEFR]), lấy đó làm các tiêu chuẩn cơ bản cho việc thiết kế chương
trình, biên soạn sách giáo khoa, phát triển phương pháp giảng dạy và thiết kế các hình
thức kiểm tra, đánh giá (xem thêm Hoàng Văn Vân, 2010, 2011).

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về mục tiêu của Đề án 2020, nhưng có thể khẳng định
rằng sự ra đời của Đề án 2020 là đúng lúc. Nó là một giải pháp có tính chất quyết định
nhằm thúc đẩy việc nâng cao năng lực ngoại ngữ nói chung và năng lực tiếng Anh nói
riêng cho người Việt Nam. Kể từ khi được ban hành, Đề án 2020 đã là chỗ dựa, là điểm
tham chiếu cho hàng loạt các hoạt động triển khai ở hai cấp độ trung mô và vi mô, và
đặc biệt, là hành lang pháp lí vững chắc cho việc đổi mới chương trình và sách giáo
khoa ngoại ngữ nói chung, chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh nói riêng mà chi
tiết sẽ được trình bày trong hai Mục 3 và 4 dưới đây.

3. Ba chương trình tiếng Anh thí điểm và những điểm mới

Thách thức mới yêu cầu phải có những mục tiêu mới; mục tiêu mới yêu cầu phải có
chương trình mới (cf. Hawkins, 1981). Thực hiện Quyết định Số: 1400/QĐ-TT của Thủ
tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Viện Khoa học và Giáo dục Việt
Nam tổ chức thiết kế ba chương trình tiếng Anh dành cho ba cấp học ở phổ thông Việt
Nam. Kết quả là, Chương trình tiếng Anh thí điểm tiểu học được ban hành theo Quyết
định Số: 3321/QĐ-BGDĐT ngày 08 tháng 12 năm 2010 (Bộ Giáo dục và Đào tạo,
2010); Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh thí điểm cấp trung học cơ sở được
ban hành theo Quyết định Số: 01/QĐ-BGDĐT ngày 03 tháng 01 năm 2012 (Bộ Giáo dục
và Đào tạo, 2012a); và Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh thí điểm cấp trung
học phổ thông được ban hành theo Quyết định Số: 5209/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 11
năm 2012 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2012b).

Ba chương trình tiếng Anh thí điểm dành cho ba cấp học ở phổ thông Việt Nam được
thiết kế với sự cộng tác chặt chẽ của các nhà khoa học giáo dục thuộc Viện Khoa học
Giáo dục Việt Nam và một số nhà khoa học giáo dục ngoại ngữ ở các trường đại học
chuyên ngữ; đặc biệt, chúng được thiết kế với sự tham gia trực tiếp của hai nhà ngôn
ngữ học ứng dụng có uy tín cao người Anh của Hội đồng Anh: Giáo sư Rhona Stainthrop
(cho Chương trình tiếng Anh thí điểm tiểu học) và Giáo sư David Hay (cho Chương trình
giáo dục phổ thông môn tiếng Anh thí điểm cấp trung học cơ sở và Chương trình giáo dục
phổ thông môn tiếng Anh thí điểm cấp trung học phổ thông). Ba chương trình tiếng Anh
thí điểm được thiết kế dựa vào các nguyên tắc của đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp
(cf. Breen & Candlin, 1980; Munby, 1997; Richards, 2001; Richards & Rodgers, 2001;
Savignon, 1991, 2002; Littlewood, 2002; xem thêm Hoàng Văn Vân, 2015a) kết hợp
với những phân tích về thực tế văn hoá và xã hội (cf. Taba, 1962) của Việt Nam trong
hiện tại và tương lai, thực tế dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam, tham khảo và tiếp thu có
phê phán trí tuệ từ nhiều chương trình dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ và như
một ngôn ngữ thứ hai của các nước trong khu vực và trên thế giới như Hoa
Kì, Anh, Singapore, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v..
Về kết cấu, đây là các chương trình đa thành phần, lấy phát triển năng lực giao
tiếp thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết làm trọng tâm; lấy các thành phần khác
như chủ đề, ngữ liệu (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) và các khía cạnh văn hoá và giao văn
hóa làm các bộ phận cấu thành góp phần vào việc phát triển năng lực giao tiếp toàn
diện bằng tiếng Anh của học sinh phổ thông Việt Nam.

Có ba điểm nổi bật của ba chương trình tiếng Anh thí điểm. Thứ nhất, khác với Chương
trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
năm 2006,[3] ba chương trình tiếng Anh thí điểm, như đã đề cập ở trên, được thiết kế có
sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia tiếng Anh bản ngữ. Thứ hai, ba chương trình
tiếng Anh thí điểm xác định rõ ràng, nhất quán, và thống nhất mức độ năng lực giao tiếp
học sinh phổ thông phải đạt được sau mỗi lớp, mỗi cấp học, thể hiện sự kế tiếp liên tục
từ bậc tiểu học, đến trung học cơ sở, và đến trung học phổ thông. Thứ ba, ba chương
trình tiếng Anh thí điểm lấy chuẩn đầu ra tương đương[4] với các bậc năng lực giao tiếp
của Khung CEFR[5] làm cơ sở để thiết kế chương trình, biên soạn sách giáo khoa và
phát triển khung năng lực cho từng lớp, từng cấp học. Đây là một cách làm bài bản, xác
định và phân vai rõ các khâu thiết kế (chương trình), thi công (biên soạn sách giáo khoa)
và thực hiện (dạy, học và kiểm tra-đánh giá), thể hiện tính liên hoàn trong chu trình: thiết
kế chương trình ↔ biên soạn sách giáo khoa ↔ định hướng phương pháp dạy học,
phương thức kiểm tra-đánh giá, và, đặc biệt, quy định chuẩn đầu ra cho từng bậc học ở
phổ thông để giáo dục ngoại ngữ của Việt Nam có thể tiến kịp với giáo dục ngoại ngữ
của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, nhanh chóng đưa Việt Nam hội
nhập vào chuẩn khu vực và chuẩn quốc tế trong lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ (chi tiết
hơn, xin xem Hoàng Văn Vân, 2015a). Theo đó:

· Ở bậc tiểu học: học sinh được yêu cầu phải đạt được trình độ tương đương với
Bậc A1 của Khung CEFR hay Bậc 1 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt
Nam.

· Ở bậc trung học cơ sở: học sinh được yêu cầu phải đạt được trình độ tương đương
với Bậc A2 của Khung CEFR hay Bậc 2 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho
Việt Nam.

· Ở bậc trung học phổ thông: học sinh được yêu cầu phải đạt được trình độ tương
đương với bậc B1 của Khung CEFR hay Bậc 3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc
dùng cho Việt Nam. (Chi tiết hơn, xin xem Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2014).

Để làm rõ hơn, dựa vào Khung CEFR, ba chương trình tiếng Anh thí điểm đã trình bày
năng lực giao tiếp của từng bậc học như sau:
· Bậc tiểu học. Có thể hiểu và sử dụng các kiểu diễn đạt quen thuộc hằng ngày và
những cụm từ đơn giản nhằm thỏa mãn nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu mình
hoặc người khác, có thể hỏi và trả lời các câu hỏi về thông tin cá nhân như nơi ở, những
người mà mình biết và những thứ mình có. Có thể giao tiếp một cách đơn giản với điều
kiện người cùng giao tiếp nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng trợ giúp.[6]

· Bậc trung học cơ sở. Có khả năng hiểu các câu nói và các cách diễn đạt được sử
dụng thường xuyên liên quan đến những lĩnh vực gần gũi nhất trong đời sống thường nhật
(ví dụ như các thông tin rất cơ bản về cá nhân, gia đình, mua bán, cộng đồng địa phương
và công việc). Có thể giao tiếp trong các tình huống cơ bản và đơn giản đòi hỏi các trao
đổi về thông tin đơn giản và trực tiếp về các vấn đề gần gũi và quen thuộc. Có thể sử dụng
các cách nói đơn giản để nói về bản thân, môi trường gần gũi và những vấn đề liên quan
đến nhu cầu trực tiếp.[7]

· Bậc trung học phổ thông. Có thể hiểu được những điểm chính của ngôn ngữ đầu
vào chuẩn mực về các vấn đề thường xuyên gặp phải trong công việc, ở trường, trong lúc
rảnh rỗi, v.v. Có thể xử lí được hầu hết các tình huống có thể xuất hiện trong khi đi lại ở nơi
mà ngôn ngữ (ngoại ngữ) đó được nói. Có thể tạo ra được văn bản đơn giản, mạch lạc về
các chủ đề quen thuộc hay các chủ đề mà cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những
kinh nghiệm, các sự kiện, những ước mơ, những hi vọng và hoài bão và nêu vắn tắt những
lí do hay những giải thích cho quan điểm và kế hoạch của mình.[8]

4. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm và một số điểm mới

4.1. Một số điểm mới trong tổ chức biên soạn

Cùng với đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa cũng là một khâu có tầm quan
trọng đặc biệt bởi vì sách giáo khoa là “một tác nhân của sự thay đổi” (Hutchinson &
Hutchinson, 1997: 307); nó tác động trực tiếp vào việc dạy của giáo viên, việc học của
học sinh và, quan trọng hơn, nó góp phần trực tiếp vào việc nâng cao hiệu quả của quá
trình dạy và học. Nhận rõ được tầm quan trọng đặc biệt này, Bộ giáo dục và Đào tạo đã
giao Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nhiệm vụ tổ chức việc thiết kế và biên soạn bộ
sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Đồng thời Bộ
Giáo dục và Đào tạo cũng đã kí quyết định thành lập Ban biên soạn bộ sách giáo khoa
tiếng Anh 10 năm bao gồm một Tổng chủ biên, các Chủ biên và các tác giả cho ba cấp:
tiểu học, trung học cơ sở, và trung học phổ thông.

Công việc biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm được bắt đầu từ cuối năm
2010. Trước yêu cầu cần phải có một bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm ngang tầm
khu vực và quốc tế, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ động hợp tác với hai nhà
xuất bản danh tiếng trên thế giới là MacMillan Education cho bộ sách giáo khoa tiếng
Anh tiểu học và Pearson Education cho hai bộ sách giáo khoa tiếng Anh trung học cơ sở
và trung học phổ thông. Đây là điểm mới nổi bật thứ nhất trong tổ chức biên soạn sách
giáo khoa ngoại ngữ ở Việt Nam: lần đầu tiên phía Việt Nam chủ động tìm đối tác nước
ngoài và hợp tác với họ trên cơ sở bình đẳng về tất cả các khía cạnh quản lí, chuyên
môn, và nghiệp vụ.[9] Dựa trên khuôn khổ của sự hợp tác này, ba nhóm tác giả phía Việt
Nam (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) và ba nhóm tác giả tương ứng
phía đối tác đã phối hợp và cùng nhau làm việc gần như trong cùng một thời gian dựa
vào những nguyên tắc và nội dung được quy định trong ba chương trình tiếng Anh thí
điểm của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Điểm mới thứ hai đáng lưu ý là, khác với việc biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh 7
năm theo Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh năm 2006 của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, lần biên soạn này Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm một Tổng chủ biên xuyên
suốt từ lớp 3 đến lớp 12. Nhiệm vụ của Tổng chủ biên là nghiên cứu ba chương
trình tiếng Anh thí điểm, đề xuất các nguyên tắc biên soạn; cùng với Chủ biên và các tác
giả của từng lớp trong sự cộng tác chặt chẽ với các tác giả của hai nhà xuất bản đối
tác thiết kế cấu trúc sách cho từng năm học, cấu trúc của từng đơn vị bài học, cấu trúc
của một tiết học, xác định những nội dung liên quan đến các kĩ năng ngôn ngữ,
khối lượng kiến thức ngôn ngữ và khối lượng kiến thức văn hoá và giao văn hoá, độ khó
dễ của kiến thức và kĩ năng trong từng lớp, từng cấp; điều phối để tạo sự nhất quán
và sự kế tiếp về kiến thức ngôn ngữ, kiến thức văn hoá và kĩ năng ngôn ngữ giữa các lớp
và các cấp học trong toàn bộ bộ sách. Những việc làm này giúp tạo sự liên thông giữa
các lớp, các cấp và trong toàn bộ ba cấp học, tránh được những “vết gãy” về nội dung
kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ như thường thấy trong biên soạn sách giáo khoa trước
kia khi mỗi cấp học có một tổng chủ biên riêng biệt.

Điểm đổi mới thứ ba trong tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm là
sự “cộng tác giao văn hoá” (Hoàng Văn Vân, 2015a) có hiệu quả giữa các tác giả Việt
Nam với các tác giả của hai nhà xuất bản đối tác nước ngoài mà tiếng Anh là môn
học có vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho nhiệm vụ đi tiên phong. Qua gần
bốn năm cùng nhau làm việc, sự cộng tác này tỏ ra rất có hiệu quả. Nó kết hợp được
trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong nước trong biên soạn sách giáo khoa tiếng
Anh của các tác giả Việt Nam và trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quốc tế trong biên
soạn sách giáo khoa tiếng Anh của các tác giả tiếng Anh bản ngữ. Nó vừa phản ánh
được những giá trị Việt Nam vừa phản ánh được những giá trị quốc tế vào trong bộ sách
giáo khoa. Nó thách đố với các tác giả Việt Nam nhưng lại giúp họ nâng cao trình độ
chuyên môn và mở rộng tầm nhìn của họ trong việc biên soạn sách giáo khoa tiếng
Anh trong bối cảnh hội nhập. Nó cũng thách đố với các tác giả tiếng Anh bản ngữ của
hai nhà xuất bản đối tác nhưng lại giúp họ có thêm kinh nghiệm và hiểu thêm được rằng
biên soạn sách tiếng Anh của những tác giả “bên ngoài” nhằm phục vụ cho đối tượng
người học cụ thể trong một quốc gia cụ thể như họ vẫn làm và như một số người Việt
Nam sính ngoại vẫn nghĩ là không còn phù hợp, nhất là khi chúng ta đang sống trong
một thế giới tương tác lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải là trong một thế
giới trong đó quốc gia này lệ thuộc vào quốc gia kia.
Những gì mà các tác giả Việt Nam và các tác giả của hai nhà xuất bản đối tác đã cùng
nhau cộng tác trong gần bốn (từ 2012 đến 2016) đã chứng minh được rằng mặc dù trải
qua những khác biệt về văn hoá, thậm chí cả về cách tiếp cận và quan điểm biên
soạn sách, nhưng với mục đích muốn có những cuốn sách giáo khoa chất lượng
cao phục vụ cho việc dạy và học tiếng Anh có hiệu quả hơn ở Việt Nam, các tác giả đã
tạo ra được những sản phẩm mới có chất lượng cao với những điểm đổi mới nổi bật mà
sẽ được trình bày trong Mục 4 dưới đây.

4.2. Một số điểm mới trong bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm

Nói về những điểm mới của sản phẩm mà mình tạo ra thường là một việc làm khó khăn
nếu như không nói là nhạy cảm. Tuy nhiên, từ góc nhìn của các tác giả, có thể nêu ra
một số điểm mới của bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm như sau:

1. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông 10 năm bám sát vào những nguyên tắc, yêu
cầu và nội dung của ba chương trình tiếng Anh thí điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông 10 năm được biên soạn theo quan điểm đa
thành phần, lấy phát triển năng lực giao tiếp thông qua các kĩ năng (nghe, nói, đọc,
viết) làm trọng tâm; lấy các thành phần khác như chủ đề, ngữ liệu (ngữ âm, từ vựng, ngữ
pháp) và các khía cạnh văn hoá, giao văn hóa làm các bộ phận cấu thành góp phần vào
việc phát triển năng lực giao tiếp toàn diện bằng tiếng Anh của học sinh phổ thông Việt
Nam.

3. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm chủ trương nhấn mạnh vào hai kĩ năng khẩu ngữ
(nghe và nói) ở bậc tiểu học, giảm dần ở bậc trung học cơ sở và đến bậc trung học phổ
thông bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết được quan tâm ngang nhau. Chi tiết được trình
bày trong Bảng 1.

Bảng 1. Tỉ lệ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết trong các cấp học của bộ sách giáo khoa
tiếng Anh 10 năm

Nghe Nói Đọc Viết


Tiểu học 35% 35% 15% 15%
Trung học cơ sở 30% 30% 20% 20%
Trung học phổ thông 25% 25% 25% 25%
4. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm được thiết kế xoay quanh các chủ đề quen
thuộc với học sinh Việt Nam, phù hợp với tâm lí lứa tuổi của từng cấp học.

5. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm được thiết kế chi tiết dựa vào khung thời lượng
quy định trong 3 chương trình tiếng Anh thí điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó,
tổng thời lượng dành cho cả ba cấp học là 1155 tiết, trong đó bậc tiểu học
là 420 tiết, 140 tiết mỗi năm học; bậc trung học cơ sở là 420 tiết, 105 tiết mỗi năm học;
và bậc trung học phổ thông là 315 tiết, 105 tiết mỗi năm học. Thời lượng phân bổ cho
từng cấp học và từng năm học sau đó được phân nhỏ ra thành thời lượng giảng dạy trên
lớp cho mỗi cấp/mỗi năm học và thời lượng dành cho ôn tập, kiểm tra và dự phòng cho
mỗi cấp/mỗi năm học. Chi tiết được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2. Thời lượng dành cho mỗi cấp/mỗi năm học và thời lượng dành cho giảng dạy
trên lớp, ôn tập, kiểm tra và dự phòng mỗi cấp/mỗi năm học

Thời lượng cho mỗi Thời lượng giảng dạy Thời lượng ôn tập, kiểm tra và dự
cấp/mỗi năm học trên lớp cho mỗi cấp/mỗi phòng cho mỗi cấp/mỗi năm học
năm học
Tiểu học 420/140 360/120 60/20
TH cơ sở 420/105 336/84 84/21
TH phổ thông 315/105 264/88 51/17
Tổng thời lượng 1155 960 195

6. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm có cấu trúc rõ ràng cho từng cấp học: 20 đơn vị
bài học và 4 đơn vị bài ôn cho bộ sách sách tiếng Anh tiểu học, 12 đơn vị bài học và 4
đơn vị bài ôn cho bộ sách tiếng Anh trung học cơ sở, và 10 đơn vị bài học và 4 đơn vị bài
ôn cho bộ sách tiếng Anh trung học phổ thông. Chi tiết được trình bày trong Bảng 3.

Bảng 3. Cấu trúc của bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm

Số đơn vị bài học/ Số tiết/một đơn vị bài học Thời lượng ôn tập, kiểm tra và dự
năm phòng
Tiểu học 20 6 20
TH cơ sở 12 7 21
TH phổ thông 10 8 24

7. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm có cấu trúc của một đơn vị bài học trong mối
quan hệ với thời lượng giảng dạy được thiết kế rõ ràng cho từng cấp học. Theo đó, một
đơn vị bài học của bộ sách giáo khoa tiếng Anh tiểu học bao gồm 3 bài học (bao
gồm Lesson 1, Lesson 2, Lesson 3), mỗi bài 2 tiết, mỗi tiết 35 phút; một đơn vị bài học
của bộ sách giáo khoa tiếng Anh trung học cơ sở bao gồm 7 bài học (bao gồm Getting
Started, A Closer Look 1, A Closer Look 2, Communication & Culture, Skills 1 (Reading
& Speaking), Skills 2 (Listening & Writing), Looking Back & Project), mỗi bài 1 tiết, mỗi
45 phút; và một đơn vị bài học của bộ sách giáo khoa tiếng Anh trung học phổ thông
bao gồm 8 bài học (bao gồm Getting Started, Language (Vocabulary, Pronunciation,
and
Grammar), Skills (Reading, Speaking, Listening, Writing), Communication & Culture, Lo
oking Back & Project), mỗi bài 1 tiết, mỗi tiết 45 phút. Chi tiết được trình bày trong Bảng
4.

Bảng 4. Số lượng các đơn vị bài học, các thành phần và nhan đề các thành phần của
một đơn vị bài học ở ba cấp học

Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông


Số lượng các đơn vị bài học 20 12 10
Số lượng các thành phần của 3 7 8
một đơn vị bài học

Nhan đề các thành phần § Lesson 1 § Getting Started § Getting Started

§ Lesson 2 § A Closer Look 1 § Language (Vocabulary,


Pronunciation, Grammar)
§ Lesson 3 § A Closer Look 2
§ Reading
§ Communication &
Culture § Speaking

§ Skills 1 (Reading & § Listening


Speaking)
§ Writing
§ Skills 2 (Listening &
Writing) § Communication & Culture

§ Looking Back & Project § Looking Back & Project

Thời lượng dành cho mỗi nhan 2 tiết 1 tiết 1 tiết


đề

8. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm lấy giọng Anh-Anh để thu âm; việc thu âm được
hai nhà xuất bản đối tác đảm nhiệm, với những giọng nói tiếng Anh chuẩn mực, khá đa
dạng, đạt chất lượng âm thanh quốc tế.
9. Sách (hướng dẫn) giáo viên của bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm được viết bằng
tiếng Anh và được viết tích hợp cùng với Sách học sinh, giúp giáo viên vừa nâng cao
trình độ tiếng Anh, vừa sử dụng sách thuận lợi hơn.

10. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm có hình thức sách đẹp, in bốn màu, chất lượng
trình bày và tranh ảnh đạt trình độ tương đương với các bộ sách tiếng Anh ở khu vực và
trên thế giới.

11. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm được thẩm định bởi các Hội đồng thẩm định
quốc gia bao gồm các chuyên gia về giáo dục tiếng Anh cả trong và ngoài nước, các
giáo viên phổ thông có kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn cao để đảm bảo bộ sách
đạt được tất cả các yêu cầu về kiến thức ngôn ngữ, kĩ năng ngôn ngữ, kiến thức văn hoá,
đặc biệt là các yêu cầu về văn hóa, chính trị và xã hội của Việt Nam.

4.3. Những kết quả đạt được

Sau gần 6 năm thực hiện nhiệm vụ được Bộ giáo dục và Đào tạo giao, gần 4 năm hợp
tác với các tác giả và biên tập viên của hai nhà xuất bản đối tác nước ngoài, Ban biên
soạn bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã hoàn
thành nhiệm vụ; đã biên soạn xong 54 cuốn sách bao gồm Sách học sinh, Sách giáo
viên, Sách bài tập và 20 đĩa CD. Cụ thể như sau.

· Bậc Tiểu học:

Tiếng Anh 3 (2 tập Sách học sinh, Sách giáo viên, Sách bài tập, 2 đĩa CD)

Tiếng Anh 4 (2 tập Sách học sinh, Sách giáo viên, Sách bài tập, 2 đĩa CD)

Tiếng Anh 5 (2 tập Sách học sinh, Sách giáo viên, Sách bài tập, 2 đĩa CD)

· Bậc Trung học cơ sở:

Tiếng Anh 6 (2 tập Sách học sinh, 2 tập Sách giáo viên, 2 tập Sách bài tập, 2 đĩa
CD) Tiếng Anh 7 (2 tập Sách học sinh, 2 tập Sách giáo viên, 2 tập Sách bài tập, 2 đĩa
CD) Tiếng Anh 8 (2 tập Sách học sinh, 2 tập Sách giáo viên, 2 tập Sách bài tập, 2 đĩa
CD) Tiếng Anh 9 (2 tập Sách học sinh, 2 tập Sách giáo viên, 2 tập Sách bài tập, 2 đĩa CD)
· Bậc Trung học phổ thông:

Tiếng Anh 10 (2 tập Sách học sinh, 2 tập Sách giáo viên, 2 tập Sách bài tập, 2 đĩa CD)

Tiếng Anh 11 (2 tập Sách học sinh, 2 tập Sách giáo viên, 2 tập Sách bài tập, 2 đĩa CD)

Tiếng Anh 12 (2 tập Sách học sinh, 2 tập Sách giáo viên, 2 tập Sách bài tập, 2 đĩa CD).

5. Kết luận

Việc ban hành Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là một quyết định đúng đắn của Chính
phủ. Việc thiết kế thành công ba chương trình tiếng Anh thí điểm ở bậc phổ thông và
biên soạn thành công bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm theo Đề án 2020 là một giải
pháp đột phá của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tiến trình nâng cao chất lượng dạy và
học tiếng Anh ở trường phổ thông.

Bộ sách giáo khoa tiếng Anh 10 năm được biên soạn với nhiều điểm mới; có chất lượng
cả về hình thức và nội dung; có cấu trúc rõ ràng; được biên soạn theo ba chương trình
tiếng Anh thí điểm, với sự cộng tác chặt chẽ của các tác giả và biên tập viên của hai nhà
xuất bản đối tác nước ngoài; bước đầu được nhiều giáo viên trong các trường dạy thí
điểm công nhận là có chất lượng cao, thân thiện với người dạy và người học, gần với
chuẩn quốc tế, trong khi giá cả lại phù hợp với điều kiện của những gia đình có thu nhập
trung bình ở Việt Nam (chi tiết hơn, xin xem Hoàng Văn Vân, 2015b).

“Good materials must be propagated through intensive practical workshops. A training


corps needs to be trained by the authors themselves to familiarize the teachers with the
paradigm behind the textbooks, the rationale, the techniques and practices, and to help
them demonstrate their actual classroom use in simulated or live classes.” (Gonzales,
1995: 7). (Các tài liệu giảng dạy tốt phải được phổ biến rộng rãi thông qua các cuộc hội
thảo thực hành và chuyên sâu sâu. Một đội ngũ cán bộ làm công tác bồi dưỡng cần
phải được chính các tác giả huấn luyện để các giáo viên [phổ thông] được làm quen với
mô hình nằm ở phía sau các tài liệu đó, lí do, các thủ thuật và thực tiễn, và để giúp
họ thể hiện/chứng minh thực tế lớp học của mình trong các lớp học mô phỏng
hoặc trong các lớp học trực tiếp). Nhận định của tác giả sách giáo khoa nổi tiếng người
Philippines Gonzalez có những nội dung rất phù hợp với những gì Trường Đại học Ngoại
ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội của chúng ta đang làm hôm nay: Tổ chức Hội nghị cấp
quốc gia “Giới thiệu bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh
mới theo mô hình bồi dưỡng giáo viên mới (kết hợp trực tiếp và trực tuyến)”, kết nối giữa
sách với người sử dụng sách. Thông qua danh sách các thành phần tham dự, Hội nghị
có thể được xem như là một dàn nhạc khá hoàn chỉnh, bao gồm cả người viết nhạc (tác
giả sách giáo khoa), người đạo diễn (Trường Đại học Ngoại ngữ), người dạy nhạc (các
cán bộ giảng dạy tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ – những người sử dụng bộ
tài liệu bồi dưỡng để tập huấn cho giáo viên phổ thông), và các nhạc công (các thày cô
giáo tiếng Anh của các trường phổ thông – những người tiếp thu kiến thức từ bộ tài liệu
bồi dưỡng để khai thác bộ sách giáo khoa tiếng Anh mới có hiệu quả). Trong dàn nhạc
này, người viết nhạc có thể đã viết ra một bản nhạc chưa hoàn toàn ưng ý, nhưng nếu nó
được đạo diễn, được dàn dựng bài bản, và được thể hiện bởi các nhạc công chuyên
nghiệp, chơi nhạc không còn lệ thuộc nhiều vào bản nhạc mà bằng những biến tấu
(variations) phù hợp thì bản nhạc có thể vẫn được công chúng (học sinh) đón nhận và
đánh giá cao. Về phía cá nhân, tôi cho rằng Hội nghị hôm này là một sáng kiến mới của
nhà trường. Thay mặt các tác giả tôi xin chân thành cảm ơn nhà trường đã cho chúng
tôi được tham gia như là một phần của sáng kiến tuyệt vời này. Tôi tin tưởng rằng sau
Hội nghị quan trọng hôm nay, sự kết hợp giữa người viết sách, người đạo diễn và người
sử dụng sách trong bản phối có nhan đề “Giới thiệu bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử
dụng sách giáo khoa tiếng Anh mới theo mô hình bồi dưỡng giáo viên mới (kết hợp trực
tiếp và trực tuyến)” sẽ ngày càng chặt chẽ, sẽ được nhân rộng và đi xa hơn nữa vào đời
sống dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông Việt Nam, góp phần vào tiến trình nâng
cao chất lượng dạy và học môn học, “phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước” (Thủ tướng Chính phủ, 2008: 1) trong thời kì hội nhập và toàn cầu hoá.

Tài liệu tham khảo

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006). Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh (English
Curriculum for Vietnamese Schools). (Ban hành theo Quyết định Số: 16/2006/QĐ-
BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010). Chương trình tiếng Anh thí điểm tiểu học (Pilot English
Curriculum for Vietnamese Primary Schools). (Ban hành theo Quyết định Số: 3321/QĐ-
BGDĐT ngày 12 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012a). Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh thí
điểm cấp trung học cơ sở (Pilot English Curriculum for Vietnamese Lower Secondary
Schools). (Ban hành theo Quyết định Số: 01/QĐ-BGDĐT ngày 03 tháng 01 năm 2012 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012b). Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh thí
điểm cấp trung học phổ thông (Pilot English Curriculum for Vietnamese Upper
Secondary Schools). (Ban hành theo Quyết định Số: 5290/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 11
năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014). Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Six-
level Foreign Language Competency Framework for Vietnam). (Ban hành kèm theo
Thông tư Số: 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo).

Breen, M. P. & C. N. Candlin (1980). The Essentials of a Communicative Curriculum in


Language Teaching. (In) Applied Linguistics, Vol. 1, No. 2. Pp. 89-112.

Common European Framework of Reference for Languages: Learning, Teaching, and


Assessment (CEFR). (2001). Cambridge: Cambridge University Press.

Crystal, D. (2003). English as a Global Language. Second Edition. Cambridge: Cambridge


University Press.

Gonzales, A. (1995). Materials Across Three Paradigmatic Generations. (In) Getting


Started: Material Writers on Materials Writing. SEMEO Regional Language Centre:
Singapore.

Hawkins, E. (1981). Modern Languages in the Curriculum. Cambridge: Cambridge


University Press.

Hoàng Văn Vân (2010). The Current Situation and Issues of the Teaching of English in
Vietnam. Ritsumikan Studies in Language and Culture, Vol. 22 No.1. Pp. 7-18.

Hoàng Văn Vân (2011). The Role of Textbooks in the Implementation of the National
Project “Teaching and Learning Foreign Languages in the National Education System,
Period 2008-2020”. Proceedings of the International Conference on Textbooks for the
21th Century. Reprinted in Khoa học Ngoại ngữ, Số 30, Năm 2012. Trang 75-89.

Hoàng Văn Vân (2015a). The Development of the Ten-year English Textbook Series for
Vietnamese Schools under the National Foreign Language 2020 Project: A Cross-
cultural Collaborative Experience. Paper Addressed at the Plenary Session of
the International TESOL Symposium: English Language Innovation, Implementation, and
Sustainability, Held in Danang, Vietnam on 28-29 July, 2015. Reprinted in VNU Journal of
Science – Foreign Studies. Vol. 31. N0. 3. 2015. Pp. 1-17.

Hoàng Văn Vân (2015b). Teacher’s Evaluation of Primary English Textbooks for
Vietnamese Schools under the National Foreign Language Project 2020: A Preliminary
Internal Survey. Proceedings of the VietTESOL International Conference Held at Hanoi
University of Education on November 27, 2015. Reprinted in VNU Journal of Science –
Education Research. Vol. 31. N0. 4. 2015. Pp. 1-15.

Hutchinson, T. & U. G. Hutchinson (1997). Textbook as Agent of Change. (In) Power,


Pedagogy and Practice. Hedge, T. & N. Whitney (Eds.). Oxford: Oxford University Press.

Littlewood, W. (2002). Communicative Language Teaching: An Introduction. Twenty


Second Printing. Cambridge: Cambridge University Press.
Munby, J. (1997). Communicative Syllabus Design. Cambridge: Cambridge University
Press.

Richards, J. C. & T. S. Rodgers (2001). Approaches and Methods in Language Teaching.


Second Edition. Cambridge: Cambridge University Press.

Richards, J. C. (2001). Curriculum Development in Language Teaching. Cambridge:


Cambridge University Press.

Savignon, S. J. (1991). Communicative Language Teaching: State of the Art. (In) TESOL
QUARTERLY. Vol. 25, No. 2. Summer 1991. Pp. 261-276.

Savignon, S. J. (2002). Interpreting Communicative Language Teaching: Context and


Concerns in Teacher Education. New Haven & London: Yale University Press.

Taba, H. (1962). Curriculum Development: Theory and Practice. New York: Harcourt,
Brace & World, Inc.

Thủ tướng Chính phủ (2008). Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc
dân, giai đoạn 2008-2020” (Teaching and Learning Foreign Languages in the National
Education System, Period 2008-2020). (Ban hành theo Quyết định Số: 1400/QĐ-TTg
ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ).

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (2008). Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống
giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (Teaching and Learning Foreign Languages in
the National Education System, Period 2008-2020). Tài liệu không xuất bản. Hà
Nội - 2008.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (2012). Tổng kết nghiên cứu về chương trình giáo dục
phổ thông Việt Nam từ năm 1945 đến nay (An Evaluative Report on the Development of
Vietnamese General Education Curricula from 1945 to the Present). Tài liệu không xuất
bản. Hà Nội - 12/2012.

[1] Phần in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh

[2] Phần in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh.

[3] Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh (cho hai bậc trung học cơ sở và trung
học phổ thông) được thiết kế vào cuối những năm 1990 và được chính thức ban hành
theo Quyết định Số: 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
[4] Phần in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh. Hàm ý ở đây là chuẩn đầu ra của ba chương
trình tiếng Anh thí điểm cho ba bậc học ở trường phổ thông Việt Nam tương đương với
chuẩn đầu ra của các nước tiên tiến trên thế giới. Cụ thể của những sự tương đương này
do chúng ta xác định, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

[5] Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ: học tập, giảng dạy, đánh giá được thiết
kế và ban hành từ những năm 1970 của thế kỉ XX. Khung tham chiếu này đã được các
nước trong cộng đồng châu Âu công nhận và được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia
trên thế giới. Trong những năm gần đây, Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn
ngữ: học tập, giảng dạy, đánh giá cũng đã được nhiều quốc gia châu Á, kể cả Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc dựa vào để phát triển chương trình, biên soạn sách giáo
khoa và xây dựng khung năng lực ngoại ngữ dành riêng cho quốc gia mình.

[6] Sách đã dẫn, trang 24. Đoạn trích xuất hiện trong nguyên bản tiếng Anh như sau:

Can understand and use familiar everyday expressions and very basic phrases aimed at
the satisfaction of needs of a concrete type. Can introduce himself/herself and others
and can ask and answer questions about personal details such as where he/she lives,
people he/she knows and things he/she has. Can interact in a simple way provided the
other person talks slowly and clearly and is prepared to help.

[7] Sách đã dẫn, trang 24. Đoạn trích xuất hiện trong nguyên bản tiếng Anh như sau:

Can understand sentences and frequently used expressions related to areas of most
immediate relevance (e.g. very basic personal and family information, shopping, local
geography, employment). Can communicate in simple and routine tasks requiring
simple and direct exchange of information on familiar and routine matters. Can
describe in simple terms aspects of his or her background, immediate environment and
matters in areas of immediate need.

[8] Sách đã dẫn, trang 24. Đoạn trích xuất hiện trong nguyên bản tiếng Anh như sau:

Can understand the main points of clear standard input on familiar matters regularly
encountered in work, school, leisure, etc. Can deal with most situations likely to arise
whilst travelling in an area where the language is spoken. Can produce simple,
connected text on topics which are familiar or of personal interest. Can describe
experiences and events, dreams and hopes and ambitions and briefly give reasons and
explanations for opinions and plans.

[9] Hợp tác với nước ngoài trong biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam đã có từ trước
đó. Tuy nhiên, trong những sự hợp tác này Việt Nam chúng ta thường ở thế yếu, thế bị
động, phần nhiều đường hướng biên soạn và nội dung biên soạn trong sách đều do
người nước ngoài đề xuất và quyết định bởi vì họ là các nhà tài trợ, tác giả của họ là
những “người bản ngữ”, còn chúng ta là những người nhận tài trợ và tác giả của chúng
ta là những người “không phải là những người bản ngữ”.

You might also like