You are on page 1of 4

Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống gia đình, môi

trường văn hoá, hoàn cảnh sống, hoạt động cách mạng, cá tính, quan điểm sáng tác
và bản sắc tinh thần của Người.
Phong cách nghệ thuật của Người có 2 đặc điểm đáng chú ý: vừa độc đáo đa dạng
lại vừa có tính thống nhất.

1. TÍNH ĐA DẠNG VÀ ĐỘC ĐÁO

Nội dung sáng tác văn học của Hồ Chí Minh rất phong phú về thể loại, ngôn ngữ,
giọng văn và lớn lao về tầm vóc tư tưởng, đặc sắc nghệ thuật.

Văn chính luận: Văn chính luận của Người ngắn gọn, súc tích, bằng chứng đầy
thuyết phục giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp. Văn chính luận mà vẫn
thấm đượm tình cảm, giàu hình ảnh, giọng điệu khi thì thấu tình đạt lí, khi lại rất
mạnh mẽ và hùng hồn.

Theo Người, nội dung ngắn gọn có nghĩa là: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt.
Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi, có nội
dung… Nói ít nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích
hơn”. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết theo Hồ Chí Minh về mặt nội dung thì
phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu,
mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Không phải nhất
thiết cái gì cũng ngắn mới tốt, mà mục đích của việc nói ngắn, viết ngắn là để chữa
cái bệnh “nói dài, viết rỗng”, tức là tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, đối tượng cụ thể
quy định nói, viết ngắn hay dài, nhưng phải có nội dung, nói đúng tư tưởng, phản
ánh đúng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Truyện và kí: những tác phẩm truyện và kí của Người rất hiện đại thể hiện tính
chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén, tiếng cười trào phúng của
Nguyễn Ái Quốc tuy nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay. Phạm Huy
Thông đã nhận xét: “Văn tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc có đặc điểm nổi bật là dí
dỏm, hài hước điều đó không ngăn người viết nên những lời thắm thiết trữ tình khi
xúc động”.

Các truyện ngắn của người đều thể hiện một bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần
thuật linh hoạt, Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên được những tình huống truyện độc
đáo, hiện tượng sinh động, sắc sảo. Qua những thiên truyện này, người đọc có thể
nhận ra một cây bút văn xuôi tài năng với trí tưởng tượng phong phú, con mắt quan
sát sắc sảo, lời văn linh hoạt hóm hỉnh, sắc cạnh, một vốn văn hóa sâu rộng, một trí
tuệ sắc sảo và một trái tim tràn đầy nhiệt tình yêu nước và Cách Mạng.
Người để lại một số tác phẩm tiêu biểu như: Nhật kí chìm tàu (1933) và vừa đi
đường vừa kể chuyện (1963). Đọc những bài kí này người đọc thấy hiển hiện một
cái tôi Hồ Chí Minh rất đỗi trẻ trung hồn nhiên và giản dị, say mê hoạt động, ham
học hỏi, có năng khiếu quan sát sắc sảo mau lẹ của một kí giả có tài ở đâu làm gì
cũng sống hết mình với công việc, với người cảnh. Tinh thần dân chủ thấm sâu
trong tác phong sinh hoạt hàng ngày, trong thái độ, chân tình, yêu quý với những
con người thường vô danh, nhưng họ là nền tảng của dân tộc là độc lực vĩ đại của
lịch sử.

Thơ ca: thơ ca thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh, thơ của
Người có thể chia làm 2 loại, mỗi loại có những nét phong cách riêng.

Những bài thơ nhằm mục đích tuyên truyền Cách Mạng thường được viết bằng
hình thức bài ca, bài vè, lời lẽ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ mang hình thức
dân gian hiện đại.

Những bài thơ nghệ thuật viết theo cảm hứng thẩm mĩ hầu hết là thơ tứ tuyệt cổ
điển bằng chữ Hán mang đặc điểm của thơ cổ phương Đông với sự kết hợp hài hòa
giữa màu sắc cổ điển với bút pháp hiện đại. Thế giới thơ Đường, thơ Tống và văn
chương cổ điển Việt Nam đã đến với Người khi còn nhỏ để trở thành màu sắc cổ
điển đậm đà, tự nhiên, mang hồn cốt phương Đông trong thơ văn của Bác. Và cũng
có người cho rằng tính hiện đại của phong cách có thể là ảnh hưởng của nền văn
học phương Tây khi Người đi bôn ba tìm đường cứu nước.
Loại thơ nghệ thuật này là tiếng nói tinh tế và sâu sắc nhất của tâm hồn Hồ Chí
Minh vừa hồn nhiên, tự nhiên, vừa trẻ trung, hiện đại, vừa đậm đà phong vị cổ
điển, vừa đầy chất thép kiên cường, vừa chan chứa tinh thần nhân đạo vừa dạt dào
cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên. Nhà phê bình người Pháp Rô-giê Đơ-nuy đã
nhận xét: “Thơ người nói ít mà gợi nhiều, là loại thơ có màu sắc thanh đạm, có âm
thanh trầm lặng, không phô diễn mà như cố khép lại trong đường nết để người đọc
tự thưởng thức lấy cái phần ở ngoài lời”.

Nhật kí trong tù là một tập thơ đặc sắc đa dạng và linh hoạt. về bút pháp, kết hợp
hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại. Tập thơ kết tinh giá trị tư tưởng
và nghệ thuật thơ ca.

Ngoài nhật kí trong tù phải kể đến một số chùm thơ Người làm ở chiến khu Việt
Bắc 1941 – 1945 và trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Bên cạnh những bài
được viết nhằm mục đích tuyên truyền như: Dân cày, Ca công nhân, ca binh
lính, ca sợi chỉ, … là những bài thơ nghệ thuật vừa có màu sắc cổ điển, vừa mang
tinh thần hiện đại như: Pác bó hùng vĩ, Tức cảnh Pác bó, cảnh rừng Việt Bắc,
Nguyên tiêu thượng sơn, cảnh khuya. Nổi bật trong thơ Người là nhân vật trữ
tình luôn mang nặng nỗi nước nhà mà phong thái vẫn ung dung, tâm hồn luôn hòa
hợp với thiên nhiên, thể hiện bản lĩnh của một nhà Cách Mạng vĩ đại luôn luôn làm
chủ tình thế, tin tưởng vào tương lai tất thắng của Cách Mạng, tuy trước mắt còn
nhiều gian nan, thử thách.

2. TÍNH THỐNG NHẤT

Tính thống nhất đa dạng của Hồ Chí Minh thể hiện trong toàn bộ sáng tác thơ văn
của Người. Đó là sự nhất quán trên quan điểm, mục đích và nguyên tắc sáng tác.
Khi cầm bút bao giờ Người cũng xác định viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và
viết như thế nào? Nhất quán ở cách viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị với sự sáng
tạo linh hoạt, hoàn toàn chủ động trong sử dụng hình thức thể loại và ngôn ngữ.
Các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật khác nhau nhằm mục đích thiết thực của mỗi
tác phẩm. Đồng thời từ tư tưởng đến hình tượng nghệ thuật luôn luôn vận động
một cách tự nhiên, nhất quán, hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, lí tưởng lớn lao duy nhất của
Hồ Chí Minh là cứu nước, cứu dân. Người đã tâm sự: “Cả đời tôi chỉ có một ham
muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta
được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học
hành”. Vì ham muốn ấy mà Người đã ra đi tìm đường cứu nước và cống hiến cả
đời mình cho sự nghiệp Cách Mạng giải phóng dân tộc. Trên con đường hoạt động
Cách Mạng, Người đã thấy rõ văn học là vũ khí sắc bén, lợi hại, phục vụ đắc lực
cho chính trị, cho sự nghiệp đấu tranh Cách Mạng. Người đã mài giũa ngòi bút của
mình. Sáng tác văn chương để làm Cách Mạng. Mục đích chính trị đã chi phối
quan niệm sáng tác nghệ thuật và phong cách nghệ thuật của Người.
(2 bức ảnh này cũng ok, chèn ở đâu cũng được, cho đỡ trống thôi.)

https://fb.watch/7_Sdaa1XLG/
(Còn clip này hay nè, không liên quan nhiều đến phong cách nghệ thuật nhưng mà
để mở đầu cho lớp coi cũng ổn lắm. Không cần tải về, copy link qua facebook coi
cũng được)

You might also like