You are on page 1of 5

SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI VIỆT

Ngôn ngữ có vai trò quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của một
dân tộc.
Tinh thần đó đã được học giả Phạm Quỳnh khái quát trong câu nói nổi tiếng:
Tiếng ta còn, nước ta còn!
Bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, tiếng Việt giống như một mạch nguồn
mạnh mẽ, không ngừng chảy trong lòng mỗi con dân xứ sở Lạc Hồng. Tiếng Việt
đã đồng hành phát triển cùng dân tộc, trở thành một thứ vũ khí có sức mạnh kì diệu
giúp dân tộc ta chiến thắng tất cả những kẻ thù xâm lược, dựng xây đất nước, phát
triển và hội nhập quốc tế.
I NGUỒN GỐC VÀ TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA TIẾNG VIỆT

- Tiếng Việt là ngôn ngữ của dân tộc Việt, đồng thời là ngôn ngữ chính thức trong
các lĩnh vực hành chính, ngoại giao, giáo dục…

Tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc nhóm Việt-Mường, tiểu chi Việt Chứt, nằm
trong khối Việt Katu, thuộc khu vực phía đông của ngành Mon-Khmer, họ Nam Á.
Quá trình phát triển của tiếng Việt chia làm bốn thời kì:

1. Thời kì chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc.


Giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc, mặc dù chưa có chữ viết, nhưng tiếng Việt vẫn tồn
tại và phát triển. Thậm chí, sức sống mãnh liệt của nó đã đập tan âm mưu muốn
đồng hóa dân tộc Việt Nam của người Hán. Tiếng Việt đã phát triển mạnh mẽ nhờ
những cách thức vay mượn theo hướng Việt hóa, Việt hóa về mặt âm đọc, ý nghĩa
và phạm vi sử dụng. Với hướng Việt hóa âm đọc người Việt đã xác lập được cách
đọc chữ Hán theo cách riêng có, còn được gọi là âm Hán Việt (hoặc âm Hán Việt
của chữ Hán). Từ ngữ Hán được vay mượn bằng nhiều cách như rút gọn, đảo lại vị
trí các yếu tố, đổi yếu tố (trong các từ ghép), đổi

nghĩa hoặc thu hẹp, mở rộng nghĩa... Nhiều từ Hán được dùng như yếu tố tạo từ để
tạo ra nhiều từ ghép chỉ thông dụng trong tiếng Việt.

Ví dụ: trong tiếng Hán, từ anh là chúa của loài hoa; từ hùng là chúa của loài thú;
ghép hai từ lại thành: anh hùng có nghĩa là người hào kiệt xuất chúng.

2. Tiếng Việt dưới thời kì độc lập tự chủ.

Từ thế kỉ XI, cùng với việc xây dựng và củng cố nhà nước phong kiến độc lập ở
nước ta, Nho học được đề cao. Một nền văn chương chữ Hán mang sắc thái Việt
Nam hình thành và phát triển. Hàng loạt tác phẩm văn chương có giá trị được viết
bằng tiếng Hán có nội dung yêu nước, khẳng định lòng tự tôn, lòng tự hào dân tộc;
kêu gọi khích lệ quân sĩ tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang
sơn bờ cõi. Ví dụ: Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt; Hịch tướng sĩ của Trần Quốc
Tuấn; Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi... Hàng loạt các bài thơ của các tướng lĩnh
đời Trần có nội dung ca ngợi các chiến công vang dội của quân ta trong các cuộc
kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Tiêu biểu như: Thuật hoài của Phạm Ngũ
Lão; Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải...Các triều đại Lý, Trần đã tổ
chức các cuộc thi Hương, thi Hội, thi Đình thông qua các bài luận để lựa chọn
nhân tài, tiếng Việt do vậy ngày càng phát triển.

Cũng ngay từ giữa thế kỉ XI, bên cạnh chữ Hán, nhà Lý đã xây dựng một hệ thống
chữ viết, ghi lại âm tiếng Việt, đó là chữ Nôm. Với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng:
Truyện Kiều của Nguyễn Du, Bản dịch Cung oán ngâm khúc của Đoàn Thị Điểm,
các bài Thơ Nôm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương...Tiếng Việt đã khẳng định dứt khoát
bản chất khoa học của hệ thống tín hiệu ngôn ngữ với chức năng làm phương tiện
giao tiếp quan trọng, là công cụ tư duy của cộng đồng người Việt, đồng thời cũng
giàu sắc thái biểu cảm. Nó hoàn toàn có đủ khả năng biểu hiện tinh tế mọi cung
bậc tình cảm, cảm xúc của con người.

3. Tiếng Việt trong thời kì Pháp thuộc

- Dưới thời Pháp thuộc, tiếng Việt bị xem nhẹ. Tiếng Pháp được coi trọng. Tiếng
Pháp được sử dụng trong hành chính, giáo dục, ngoại giao.

- Cùng với sự thông dụng của chữ quốc ngữ và việc tiếp nhận những ảnh hưởng
tích cực của ngôn ngữ - văn hóa phương Tây (chủ yếu là Pháp), văn xuôi tiếng Việt
hiện đại đã hình thành và phát triển. Báo chí, sách vở tiếng Việt (chữ quốc ngữ) ra
đời, nhiều thể loại mới như văn xuôi nghị luận chính trị - xã hội, văn xuôi phổ biến
khoa học - kĩ thuật, tiểu thuyết, kịch đã xuất hiện và chiếm lĩnh những vị trí của
văn xuôi chữ Hán và thơ phú cổ điển.

4. Tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.

Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải
phóng (năm 1954), công cuộc xây dựng hệ thống thuật ngữ khoa học và chuẩn hóa
tiếng Việt được tiến hành mạnh mẽ. Trong các phong trào xóa bỏ giặc dốt giặc đói,
tiếng Việt đã đóng vai trò quan trong. Tiếng Việt góp phần to lớn trong sự hình
thành và phát triển của từng người dân và sự phát triển đi lên của đất nước

Tiếng Việt đã có vị trí xứng đáng trong một đất nước độc lập, tự do. Chức năng xã
hội của tiếng Việt được mở rộng, thay thế hoàn toàn tiếng Pháp trong các lĩnh vực
hoạt động của nhà nước và của toàn dân, kể cả lĩnh vực đối ngoại. Tiếng Việt được
dùng ở mọi bậc học, được coi như ngôn ngữ quốc gia.

II. CHỮ VIẾT CỦA TIẾNG VIỆT


Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp cho rằng, từ xưa, người Việt cổ đã có chữ viết riêng.
Tuy nhiên, dấu tích để lại quá ít, không đủ xác định diện mạo một ngôn ngữ. Cùng
với sự du nhập và truyền bá ngôn ngữ - văn tự Hán, chữ Nôm đã xuất hiện. Chữ
Nôm là một hệ thống chữ viết ghi âm, dùng chữ Hán hoặc bộ phận chữ Hán được
cấu tạo lại để ghi tiếng Việt theo nguyên tắc ghi âm tiết, trên cơ sở cách đọc chữ
Hán của người Việt (âm Hán Việt).

Ví dụ chữ

Chữ Hán Chữ Nôm Âm Việt


天 天上 Trời

  Vào nửa đầu thế kỉ XVII, một số giáo sĩ phương Tây, trong đó có Linh Mục
Alexandre De Rhodes đã dựa vào chữ cái Latinh để xây dựng thứ chữ mới ghi âm
tiếng Việt, gọi là chữ quốc ngữ.

Chữ quốc ngữ ở thời kì đầu chưa phản ánh khoa học cơ cấu ngữ âm tiếng Việt, còn
chịu nhiều ảnh hưởng của cách ghi âm theo tiếng nước ngoài.

Tiếp theo, nhờ công lao của Giám mục Bá- đa- lộc, chữ quốc ngữ được cải tiến.
Năm 1773, ông đã bắt tay biên soạn một bộ từ điển Việt-Latinh "Dictionarium
Anamitico-Latinum", ở đó, chữ quốc ngữ đạt tới hình thức ổn định và hoàn thiện
như ngày nay. Chữ quốc ngữ đơn giản về hình thể kết cấu, sử dụng các chữ cái
Latin thông dụng trên thế giới. Ở chữ quốc ngữ, giữa chữ và âm, giữa cách viết và
cách đọc có sự phù hợp cao. Chỉ cần học thuộc bảng chữ cái và cách ghép vần là
có thể đọc được tất cả mọi chữ trong tiếng Việt.
- Lúc đầu, chữ quốc ngữ chỉ là một công cụ truyền giáo, dùng ghi chép công việc
trong nhà thờ, phạm vi sử dụng chỉ hạn chế trong các xứ đạo. Các văn bản đơn
giản, ghi lại những tên người tên địa danh, giáo xứ.

- Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhờ công lao của các nhà trí thức: Trương Vĩnh
Ký và Nguyễn Văn Vĩnh dịch một số lượng lớn các văn bản chữ quốc ngữ ghi lại
các truyện Nôm, các tác phẩm văn học chữ Hán, tác phẩm văn học của Pháp và cả
những tư tưởng tiến bộ. Đầu thế kỉ XX, chữ Hán và chữ Nôm bị xóa khỏi lĩnh vực
hành chính, giáo dục. Việc sử dụng chữ quốc ngữ được đẩy mạnh.

Tuy vậy, trong con mắt của giới trí thức Nho học, chữ quốc Ngữ vẫn cứ bị coi là
chữ của Tây, của kẻ thù, vẫn chưa được phổ cập rộng rãi. Tổ chức vận động cách
mạng hồi đầu thế kỉ XX, Đông Kinh nghĩa thục, đã ra sức cổ động cho việc học
tập và phổ biến chữ quốc ngữ.

 - Trong quá trình đấu tranh giành lại độc lập, tự do, Đảng ta rất chú ý đến việc phổ
cập chữ quốc ngữ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào “Truyền bá quốc ngữ”
với tổ chức là Hội truyền bá quốc ngữ được triển khai rộng rãi và thu được kết quả
khả quan.

- Tháng Tám năm 1945, Cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đó, cùng với tiếng Việt, chữ quốc ngữ cũng giành
được địa vị xứng đáng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước. Có thể nói,
trong lịch sử đấu tranh đế quốc thực dân, chữ quốc ngữ đã trở thành tài sản vô giá,
một thứ vũ khí sắc bén của chúng ta, nó đưa dân tộc Việt Nam ngang hàng với các
quốc gia phát triển ổn định lâu đời trên thế giới.

You might also like