You are on page 1of 12

MỤC LỤC

ĐỀ BÀI: ......................................................................................................................... 2

MỞ ĐẦU: ...................................................................................................................... 3

I. Giả định tình huống: ................................................................................................ 3

II. Giải quyết tình huống: ............................................................................................ 4

1. Xác định tranh chấp hàng hải quốc tế trong vụ việc trên. ................................ 4

2. Xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc trên ..................................................... 4

3. Xác định pháp luật áp dụng giải quyết vụ việc trên. ......................................... 5

4. Giải quyết vụ việc trên. ......................................................................................... 5

III. Ưu, nhược điểm của các phương thức giải quyết tranh chấp trong vận chuyển
hàng hải quốc tế. ........................................................................................................... 8

Phương thức giải quyết tranh chấp trong vận chuyển hàng hải quốc tế thông
qua thương lượng. ..................................................................................................... 8

Phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế thông qua hòa giải. ... 9

Phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế thông qua Tòa án. ..... 9

Phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế thông qua Trọng tài.
10

KẾT LUẬN: ................................................................................................................ 11

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:............................................................... 111

1
ĐỀ BÀI:

Sưu tầm 1 tình huống/vụ việc có thật hoặc xây dựng tình huống/vụ việc giả định về tranh
chấp trong vận chuyển hàng hải quốc tế.

- Nếu là tình huống/vụ việc có thật, hãy bình luận về cách giải quyết của cơ quan có thẩm
quyền theo các quy định hiện hành của pháp luật về giải quyết tranh chấp trong vận chuyến
hàng hải quốc tế.

- Nêu là tình huống/vụ việc giả định, hãy nêu cách giải quyết và căn cứ pháp lý theo quy
định của pháp luật hiện hành về giải quyết tranh chấp trong vận chuyển hàng hải quốc tế.

Trên cơ sở đó hãy phân tích ưu, nhược điểm của các phương thức giải quyết tranh chấp
trong vận chuyển hàng hải quốc tế.

2
MỞ ĐẦU:

Tranh chấp hàng hải quốc tế là các tranh chấp phát sinh trong hoạt động hàng hải. Tranh
chấp hàng hải quốc tế là tranh chấp đa dạng, phức tạp và thường xuyên nảy sinh trong thực
tiễn hàng hải quốc tế. Tranh chấp hàng hải có thể phát sinh từ nguyên nhân khách quan
như thiên tai, tai nạn bất ngờ,…hoặc các trường hợp bất khả kháng; hay cũng có thể phát
sinh từ nguyên nhân chủ quan của người vận chuyển, …Để có cái nhìn cụ thể và chân sát
hơn về tranh chấp hàng hải quốc tế cũng như cách thức giải quyết tranh chấp, em xin phép
giả định tình huống tranh chấp hàng hải quốc tế, nêu cách giải quyết và từ đó nêu ưu,
nhược điểm của các phương thưc giải quyết tranh chấp.

I. Giả định tình huống:

10/08/2019 Công ty TNHH hoa quả AB (sau đây viết tắt là công ty AB) và công ty
TNHH tiếp vận quốc tế BC (sau đây viết tắt là công ty BC) có ký hợp đồng dịch vụ Logistic
123/HĐDVĐLVCHH-QT; theo đó công ty BC tiếp nhận, vận chuyển một lô hàng vải thiều
tươi từ cảng Hải Phòng vượt biển tới cảng Rotterdam, Hà Lan để giao cho công ty LTP
Import CD (Hà Lan). Vận đơn số XYZ 123-456 ngày 11/9/2019 có nội dung: dự kiến đến
là ngày 26/09/2019, hàng hóa là một container vải thiều tươi, tổng giá trị lô hàng là 28.905
USD (tương đương 655.564.150 đồng)

Trong quá trình thực hiện vận chuyển, công ty BC vì trục trặc máy móc của tàu đã
không đảm bảo được lịch trình vận chuyển như cam kết dẫn đến việc lô hàng vải thiếu quá
hạn sử dụng, khách hàng không nhận hàng, phải làm thủ tục tiêu hủy. Đồng thời, làm cho
bên thuê vận chuyển là công ty AB bị phạt vi phạm hợp đồng với công ty LTP Import CD.

05/01/2020, công ty AB đã gửi thư khiếu nại yêu cầu công ty BC phải bồi thường thiệt
hại cho mình đồng thời trả tiền phạt vi phạm theo hợp đồng. Tuy nhiên, công ty BC đã trả
lời lại rằng trong lúc vận hành con tàu, đã xảy ra trục trặc về máy móc nằm ngoài ý chí chủ
quan của họ, việc giao hàng chậm không phải là lỗi của họ nên họ không có trách nhiệm
bồi thường thiệt hại cho công ty AB. Do đó, ngày 25/03/2020, công ty AB đã khởi kiện ra
tòa án yêu cầu công ty BC phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ lô hàng vải
3
thiều tươi, trả tiền phạt vi phạm theo hợp đồng; đồng thời phải chịu trách nhiệm các thiệt
hại phát sinh từ lô hàng liên quan đến cước vận chuyển, chi phí giám định lô hàng, chi phí
thuê lao động và chi phí tiêu hủy hàng bị hư hỏng.

Lưu ý: Các bên ký kết hợp đồng dịch vụ Logistic đã thỏa thuận lựa chọn pháp luật Việt
Nam áp dụng đối với hợp đồng.

Các bên có thỏa thuận mức phạt đối việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là 6% giá trị phần
nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Hãy nêu cách giải quyết và căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành về giải
quyết tranh chấp trong vận chuyên hàng hải quốc tế trong tình huống trên.

II. Giải quyết tình huống:

1. Xác định tranh chấp hàng hải quốc tế trong vụ việc trên.

Trước tiên, cần thiết xác định quan hệ tranh chấp hàng hải quốc tế phát sinh trong tình
huống trên. Công ty TNHH hoa quả AB đã ký hợp đồng Logistic với công ty TNHH tiếp
vận quốc tế BC về việc vận chuyện một lô hàng vải thiều tươi bằng đường biển. Tuy nhiên,
công ty TNHH tiếp vận quốc tế BC đã không giao hàng đúng như thời gian dự kiến trong
hợp đồng khiến hàng hóa bị hư hỏng, nên công ty TNHH hoa quả AB đã khởi kiện yêu
cầu đòi bổi thường giá trị lô hàng và yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng đối với công ty BC.
Như vậy, tranh chấp hàng hải quốc tế trong tình huống là về việc công ty AB yêu cầu công
ty BC phải bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa hư hỏng và trả tiền phạt vi phạm hợp
đồng.

2. Xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc trên

Như tình huống đã nêu, công ty TNHH hoa quả AB đã gửi đơn khởi kiện lên tòa án để
yêu cầu công ty BC phải bồi thường thiệt hại cho mình cũng như thực hiện nghĩa vụ ghi
tỏng hợp đồng. Căn cứ vào khoản 1 điều 30 BLTTDS thì: “Tranh chấp phát sinh trong
hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau
và đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án”. Tranh chấp trên
4
phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động dịch vụ Logistic giữa các tổ chức có đăng ký
kinh doanh với nhau và đều với mục đích phát sinh lợi nhuận. Nên tòa án sẽ có thẩm quyền
giải quyết tranh chấp. Về thẩm quyền tòa án theo cấp, theo điểm b khoản 1 Điều 35
BLTTDS thì Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Về thẩm
quyền tòa án theo lãnh thổ, nguyên đơn là công ty TNHH hoa quả AB có thể nộp đơn yêu
cầu tới Tòa án nơi bị đơn có trụ sở (theo điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS) hoặc các đương
sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi có nguyên đơn có trụ
sở (theo điểm b khoản 1 Điều 39 BLTTDS).

3. Xác định pháp luật áp dụng giải quyết vụ việc trên.

Về luật tố tụng, vụ việc sẽ được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường và
thủ tục trong Luật hàng hải. Về luật nội dung, nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong hàng
hải quốc tế, nếu các bên có hợp đồng thì pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật được các bên
thỏa thuận trong hợp đồng. Theo Điều 683 BLTTDS: “Các bên trong quan hệ hợp đồng
được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp luật quy
định khác,…” Trong tình huống này, các bên trong hợp đồng dịch vụ Logistic đã thỏa
thuận áp dụng pháp luật Việt Nam đối với hợp đồng, nên pháp luật Việt Nam sẽ được áp
dụng để giải quyết tranh chấp. Cụ thể một số văn bản pháp luật sẽ được áp dụng giải quyết
đó là Bộ luật dân sự năm 2015, Bộ luật hàng hải năm 2015, Bộ luật tố tụng dân sự năm
2015 và Luật thương mại năm 2005.

4. Giải quyết vụ việc trên.

Hợp đồng dịch vụ Logistic giữa công ty TNHH hoa quả AB và công ty TNHH tiếp vận
quốc tế BC là hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chuyến. Đây là hợp đồng vận chuyển
hàng hóa bằng đường biển được giao kết người vận chuyển (công ty TNHH tiếp vận quốc
tế BC) dành cho người thuê vận chuyển (công ty TNHH hoa quả AB) nguyên tàu hoặc một
phần tàu để vận chuyển hàng hóa theo chuyến. Trong hợp đồng cũng như vận đơn các bên
đã thống nhất thời gian dự kiến giao hàng tới đối với vận đơn thứ nhất là 26/09/2019 và
vận đơn thứ hai là 22/10/2019. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển, công ty TNHH tiếp

5
vận quốc tế BC đã không giao hàng đến theo đúng lịch trình đã thỏa thuận như trên với lí
do trục trặc máy móc nằm ngoài ý chí chủ quan của họ. Đây được xem là hành vi vi phạm
hợp đồng của người vận chuyển là công ty TNHH tiếp vận quốc tế BC.

Thứ nhất, xét đến yếu tố về lỗi của bên người vận chuyển là công ty TNHH tiếp vận
quốc tế BC. Công ty TNHH tiếp vận quốc tế BC cho rằng việc máy móc trục trặc nằm
ngoài ý chí của họ, nên họ không có lỗi đối với vụ việc này. Tại Điều 150 BLHH năm
2015 có quy định nghĩa vụ của người vận chuyển như sau: “Người vận chuyển phải mẫn
cán để trước và khi bắt đầu chuyến đi, tàu biển có đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích
hợp, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị và vật phẩm dự trữ; các hầm hàng, hầm lạnh và
khu vực khác dùng để vận chuyển hàng hóa có đủ các điều kiện nhận, vận chuyển và bảo
quản hàng hóa phù hợp với tính chất của hàng hóa.”Theo quy định này, người vận chuyển
phải có nghĩa vụ mẫn cán, tức là chăm chỉ thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng con tàu một cách
đúng đắn, đầy đủ và hợp lý (theo thời gian và theo quãng đường di chuyển) để đảm bảo
khả năng đi biển của con tàu. Tuy nhiên trong tình huống này, có thể thấy bên vận chuyển
là công ty BC đã không thực hiện mẫn cán một cách đầy đủ, đúng đắn và hợp lý, dẫn đến
việc máy móc có trục trặc và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho bên thuê vận chuyển. Đồng
thời, công ty TNHH tiếp vận quốc tế BC cũng không đưa ra được chứng cứ để chứng minh
rằng mình đã tiến hành mẫn cán tàu biển một cách đầy đủ và hợp lý trước và khi bắt đầu
chuyến đi.

Theo khoản 1 Điều 185 BLHH năm 2015 thì: “Người vận chuyển phải thực hiện việc
vận chuyển hàng hóa trong thời gian hợp lý, theo đúng tuyến đường quy định trong hợp
đồng hoặc theo tuyến đường thường lệ, nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận khác”.
Theo đó, ở đây người vận chuyển đã không thực hiện việc vận chuyển hàng hóa theo đúng
thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa.

Như vậy, với tình huống này, người vận chuyển đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của
mình trong việc mẫn cán con tàu và trong việc vận chuyển hàng hóa đúng hạn theo thỏa
thuận với bên còn lại. Vì thế bên vận chuyển đã có lỗi (lỗi không đương nhiên), bên khiếu
nại là bên thuê vận chuyện sẽ phải chứng minh điều này.
6
Thứ hai, xét đến yếu tố thiệt hại đối với bên thuê vận chuyển. Xuất phát từ việc giao
hàng chậm của bên vận chuyển đến bên nhận hàng mà hàng hóa là một lô vải thiều tươi đã
bị quá hạn sử dụng, khiến cho bên nhận hàng là công ty LTP Import CD (Hà Lan) đã từ
chối nhận hàng. Trong vận đơn hàng hóa cũng đã khai báo rõ ràng giá trị hàng hóa trước
khi bốc hàng. Như vậy, thiệt hại ban đầu đối với bên thuê vận chuyển là một lô vải thiều
tươi bị hư hỏng (trị giá 28.905 USD tương đương 655.564.150 đồng). Bên cạnh đó, công
ty TNHH hoa quả AB cũng gặp thiệt hại trong việc không được hưởng khoản lợi trực tiếp
từ hợp đồng mua bán với công ty LTP Import CD. Ngoài ra, còn phát sinh thêm nhiều
khoản chi phí liên quan đến việc chậm trả hàng như cước vận chuyển, chi phí giám định
lô hàng, chi phí thuê lao động, chi phí tiêu hủy hàng bị hư hỏng, …

Thứ ba, xét đến yếu tố về mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại. Do lỗi của bên
vận chuyển (có thể là người vận chuyển, người làm công hay đại lý người vận chuyển) đã
không mẫn cán con tàu một cách đầy đủ và hợp lý trong phạm vi công việc của mình mà
đã dẫn đến việc máy móc của con tàu gặp trục trắc, làm gián đoạn quá trình vận chuyển
gây ra hư hỏng cho hàng hóa của bên thuê vận chuyển. Như vậy, lỗi của bên vận chuyển
là nguyên nhân gây ra thiệt hại cho bên thuê vận chuyển, hay nói cách khác thiệt hại của
bên thuê vận chuyển bắt nguồn từ lỗi của bên vận chuyển.

Thứ tư, cần thiết xác định mức bồi thường thiệt hại và mức phạt vi phạm hợp đồng mà
bên vận chuyển là công ty TNHH tiếp vận quốc tế BC sẽ phải chịu. Căn cứ vào khoản 5
Điều 11 BLDS năm 2015 quy định về phương thức bảo vệ quyền dân sự là “buộc bồi
thường thiệt hại” và căn cứ vào khoản 1 Điều 302 Luật thương mại năm 2005: “Bồi thường
thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây
ra cho bên vi phạm”. Ở đây, công ty TNHH tiếp vận quốc tế BC đã có hành vi vi phạm đó
là giao không đúng thời hạn đã quy định trong hợp đồng gây thiệt hại tới hàng hóa của
công ty TNHH hoa quả AB. Chính vì thế, công ty TNHH tiếp vận quốc tế BC sẽ phải chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại với công ty TNHH hoa quả AB cho lô hàng vải thiều tươi
này.

7
Về mức bồi thường thiệt hại, pháp luật có quy định như sau. Theo điều 360 BLDS năm
2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ: “Trường hợp có thiệt
hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ
trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” và khoản 2 Điều 302 Luật
thương mại năm 2005: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực
tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị
vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Theo đó, giá trị bồi thường
mà công ty BC sẽ phải chịu đó là giá trị lô hàng vải thiều tươi trị giá 29.905 USD (tương
đương 655.564.150 đồng) và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm là công ty AB đáng ra
được hưởng thông qua hợp đồng mua bán với công ty LTP Import CD (Hà Lan).

Về chế tài phạt vi phạm hợp đồng, như đã biết, các bên trong hợp đồng vận chuyển
Logistic đã thỏa thuận điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng với mức phạt là 6% giá trị
phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Chính vì thế, công ty TNHH tiếp vận quốc tế BC sẽ
còn phải trả tiền phạt vi phạm hợp đồng cho công ty TNHH hoa quả AB, mức phạt sẽ
tương đương 6% giá trị lô hàng vải thiều tươi đã bị hư hỏng toàn bộ.

III. Ưu, nhược điểm của các phương thức giải quyết tranh chấp trong vận chuyển
hàng hải quốc tế.

 Phương thức giải quyết tranh chấp trong vận chuyển hàng hải quốc tế thông
qua thương lượng.

- Ưu điểm của phương thức thương lượng như sau: (i) Qua phương thức này, tranh chấp
được giải quyết nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém chi phí cho các bên
trong tranh chấp; (ii) Do không có sự can thiệp của bên thứ ba, đồng thời thương lượng
kín giữa hai bên nên các bên trong tranh chấp có thể bảo vệ uy tín cho chính họ, bảo vệ
bí mật kinh doanh của họ; (iii) Các bên trong tranh chấp vẫn có thể giữ gìn mối quan
hệ đối tác làm ăn lâu dài.

- Nhược điểm của phương thức thương lượng như sau: (i) Phụ thuộc rất lớn vào ý chí,
thái độ, sự tận tâm thiện chí của các bên trong thực hiện những gì mình đã cam kết,
8
thỏa thuận; (ii) Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức thỏa thuận không được
đảm bảo thi hành bởi cơ chế bắt buộc.

 Phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế thông qua hòa giải.

- Ưu điểm của phương thức hòa giải như sau: (i) Có tính đơn giản, thuận tiện, nhanh
chóng, linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém; (ii) Có người thứ ba đứng ra làm trung gian
hòa giải, cân bằng lợi ích giữa các bên nên cơ hội thành công là khá cao; (iii) Bản chất
của hòa giải không phải là phân bua người thắng kẻ thua, nên không gây ra tình trạng
đối đầu giữa các bên vì vậy khả năng duy trì được quan hệ hợp tác vốn có giữa các bên.

- Nhược điểm của phương thức hòa giải như sau: (i) Sự thành công của quá trình giải
quyết tranh chấp chủ yếu phụ thuộc vào thái độ thiện chí và hợp tác của các bên tranh
chấp; (ii) Không có cơ chế thi hành bắt buộc đối với các bên tranh chấp (trừ trường hợp
hòa giải tại trọng tài hay tòa án); (iii) Trong quá trình hòa giải, các bên trao đổi cung
cấp thông tin cho người thứ ba về hoạt động kinh doanh của mình đến vụ tranh chấp
nên uy tín cũng như bí mật kinh doanh của các bên có thể sẽ bị ảnh hưởng.

 Phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế thông qua Tòa án.

- Ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án như sau: (i) Trình
tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ với hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, bên cạnh đó có xét xử
đặc biệt là giám đốc thẩm và tái thẩm. Chính vì vậy, hiệu lực phán quyết của Tòa án có
tính khả thi cao hơn so với trọng tài; (ii) Tòa án là cơ quan tư pháp của Nhà nước nên
phán quyết của Tòa án có tính cưỡng chế cao, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế,
nên quyền lợi và lợi ích của các bên trong tranh chấp hàng hải quốc tế sẽ được đảm bảo
cao hơn; (iii) Các tòa án bằng quyền lực của mình có điều kiện tốt hơn các trọng tài
trong việc tiến hành điều tra, có quyền cưỡng chế, triệu tập bên thứ ba đến tòa; (iv) Chi
phí hành chính khi giải quyết bằng tòa án là hợp lý, nhỏ hơn rất nhiều so với giải quyết
bằng trọng tài.

- Nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án như sau: (i)
Nguyên tắc xét xử nhiều cấp của Tòa án phức tạp, rườm rà, thiếu linh hoạt nên sẽ phải
9
mất rất nhiều thời gian để có thể giải quyết triệt để được tranh chấp. Các bên cần thiết
phải có sự nhẫn nại, kiên trì mới có thể theo đến cùng của vụ việc; (ii) Xét xử tại Tòa
án là xét xử công khai nên các bên không bảo mật được các thông tin quan trọng, những
bí mật kinh doanh ảnh hưởng đến uy tín của các bên.

 Phương thức giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế thông qua Trọng tài.

- Ưu điểm của giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài như sau: (i) Trọng tài có một
cấp xét xử, quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm. Và quyết định này có giá trị
bắt buộc thi hành đói với các bên, không thể kháng cáo hay kháng nghị lên cơ quan nào
được nữa. Theo đó, với phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thì thủ
tục giải quyết sẽ ngắn gọn, đơn giản, nhanh chóng ít phức tạp hơn là thông qua tòa án;
(ii) Tất cả các vấn đề liên quan trình tự thủ tục các bên có thể chủ động thỏa thuận lựa
chọn. Các bên có quyền tự do thỏa thuận lựa chọn một trọng tài dựa trên trình độ, năng
lực; sự hiểu biết sâu rộng của họ về hàng hải quốc tế. Chính vì thế mà các bên có thể
thoải mái hòa giả mà không bị gò bó như xét xử tại Tòa án; (iii) Xét xử theo phương
thức trọng tài cũng là hình thức xét xử kín, nên thông tin của các bên sẽ được bảo mật,
giữ kín, tránh làm lộ thông tin kinh doanh ra ngoài vì như thế có thể làm ảnh hưởng
đến uy tín của các bên; (iv) Thủ tục giải quyết bằng trọng tài chỉ một cấp, đơn giản,
nhanh chóng nên tiết kiệm được thời gian cho các bên; giải quyết bằng trọng tài thể
hiện tính năng động linh hoạt, mềm dẻo tạo thuận lợi lớn cho công việc làm ăn sau này
của các bên trong tranh chấp.

- Nhược điểm của giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài như sau: (i) Chi phí cho
giải quyết tranh chấp bằng trọng tài khá cao, tùy thuộc vào giá trị tranh chấp. Chính vì
thế khi thỏa thuận giải quyết tranh chấp, các bên có thể sẽ khá e dè trong việc lựa chọn;
(ii) Phán quyết của trọng tài phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, sự tự nguyện, thiện chí của
các bên tranh chấp. Nếu như các bên quá cứng nhắc, cái tôi quá lớn thì có thể dẫn đến
việc họ sẽ đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết; (iii) Trọng tài không nằm trong hệ thống
cơ quan nhà nước nên mặc dù phán quyết của trọng tài có hiệu lực bắt buộc thi hành
song tính cưỡng chế là hầu như không có, việc tuân thủ phán quyết phụ thuộc lớn vào
10
thái độ hợp tác, thiện chí của các bên. Cũng bắt nguồn từ việc thiếu quyền cưỡng chế
mà trọng tài cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề xác minh thu thập chứng cứ, triệu tập
nhân chứng, …

KẾT LUẬN:

Như vậy có thể thấy, giải quyết một vụ việc tranh chấp hàng hải quốc tế trên thực
tế là vô cùng khó khăn và phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi sự hoàn thiện hơn nữa pháp luật hàng
hải quốc tế, cần thiết đẩy mạnh hoạt động ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa
phương; đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật để các chủ thể kinh doanh có thể vận dụng
linh hoạt các phương thức trong giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:


* Văn bản quy phạm pháp luật:
1. Bộ luật hàng hải năm 2015;

2. Bộ luật dân sự năm 2015;

3. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

4. Luật thương mại năm 2005.

* Giáo trình:

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2018;

2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thương mại, tập 2, NXB Tư pháp, Hà Nội,
2018.

* Tạp chí, luận văn, luận án:

1. PGS.TS Nguyễn Vũ Hoàng – TS Hà Việt Hưng, “Một số vấn đề về giải quyết tranh chấp
hàng hải quốc tế”, Tạp chí Luật học, số 9, năm 2011, tr 21.

11
12

You might also like