You are on page 1of 4

TRANH CHẤP VỀ PHÍ NHỜ THU

CÁC BÊN

Nguyên đơn: Công ty nhập khẩu Việt Nam


Bị đơn : Ngân hàng liên doanh A Việt Nam

CÁC VẤN ĐỀ ĐƯỢC ĐỀ CẬP

- Nguyên đơn không phải trả phí nhờ thu;


- Bị đơn không giao chứng từ;
- Phạt tàu 40.000 USD.

TÓM TẮT VỤ VIỆC

Nguyên đơn ký hợp đồng nhập khẩu máy thiết bị của Công ty xuất khẩu Cộng hòa liên
bang Đức, thanh toán theo phương thức nhờ thu trả tiền ngay.

Điều khoản thanh toán quy định áp dụng phương thức nhờ thu kèm chứng từ bằng hối
phiếu trả tiền ngay, tham chiếu Quy tắc thống nhất nhờ thu số 522 1995 của Phòng
thương mại quốc tế ban hành ( Uniform Rules for Collection, Publication No 522,
Version 1995, ICC viết tắt URC 522 ICC).

Công ty xuất khẩu Cộng hòa liên bang Đức lập bộ chứng từ gửi hàng ( shipping
documents ) kèm hối phiếu trả tiền ngay ( at sight Bill of Exchange ) thông qua Ngân
hàng của mình để ủy thác cho Bị đơn thu hộ tiền từ Nguyên đơn với điều kiện là “ trả
tiền ngay thì lấy chứng từ Documents against Payment- D/P”.

B/L được lập theo lệnh của Bị đơn và ký hậu để trắng.

Bị đơn nhận được Thư ủy thác nhờ thu cùng với bộ chứng từ nhờ thu từ Ngân hàng Đức,
trong đó, quy định phí nhờ thu do Người trả tiền chịu và xuất trình đòi tiền Nguyên đơn.

Nguyên đơn chấp nhận thanh toán toàn bộ trị giá hối phiếu của Công ty xuất khẩu Công
hòa liên bang Đức ký phát, ngoài trừ phí nhờ thu, vì cho rằng theo sự thỏa thuận của hai
bên trước đây trong đàm phán và ký kết hợp đồng, phí này là do Công ty xuất khẩu Cộng
hòa liên bang Đức gánh chịu.

Vì không thu được phí nhờ thu, cho nên Bị đơn đã không giao chứng từ cho Nguyên đơn
để nhận hàng. Sau một thời gian dài thương thảo giữa ba bên: Công ty xuất khẩu Cộng
hòa liên bang Đức, Nguyên đơn và Bị đơn, Bị đơn mới giao chứng từ cho Nguyên đơn đi
nhận hàng .

Do nhận hàng chậm, tầu chở hàng phải chịu phạt 40.000USD. Hãng tầu yêu cầu Nguyên
đơn phải nộp đủ số tiền phạt nói trên mới được quyền nhận hàng. Nguyên đơn cho rằng,
trách nhiệm này là thuộc về Bị đơn, cho nên yêu cầu Bị đơn phải hoàn trả lại số tiền phạt
cho mình. Bị đơn không thừa nhận trách nhiệm.

Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn ra Trọng tài.

QUYẾT ĐỊNH CỦA TRỌNG TÀI

(i)Thư ủy thác nhờ thu quy định trách nhiệm trả phí nhờ thu như thế nào ?

Phương thức thanh toán nhờ thu áp dụng trong thương mại quốc tế là một phương thức
mà nhà xuất khẩu có các khoản phải thu (hối phiếu hoặc kỳ phiếu), nhưng không thể tự
mình đứng ra thu tiền trực tiếp từ nhà nhập khẩu, cho nên nhờ ngân hàng nước mình ủy
thác cho ngân hàng nước nhập khẩu thu hộ tiền từ nhà nhập khẩu.

Phương thức nhờ thu ngoài ý nghĩa là một phương thức thanh toán, còn ý nghĩa là một
loại hình tài trợ xuất khẩu, bởi vì ngân hàng cung ứng dịch vụ nhờ thu cho nhà xuất khẩu
nhưng không thu phí ngay, mà sẽ thu phí sau khi thu được tiền từ nhà nhập khẩu, tức là
bán chịu dịch vụ cho nhà xuất khẩu. Chính vì lẽ đó, trong hợp đồng và đặc biệt trong Thư
ủy thác nhờ thu cần phải quy định rõ phí nhờ thu do ai chịu, chi trả từ nguồn nào, nếu
không trả phí, thì ngân hàng có giao chứng từ cho nhà nhập khẩu hay không?

Vì vậy, Hội đồng Trọng tài sẽ phải nghiên cứu Hợp đồng hoặc Thư ủy thác nhờ thu xem
phí nhờ thu được quy định như thế nào để xác định trách nhiệm. Sau khi kiểm tra Thư ủy
thác nhờ thu, Hội đồng trọng tài nhận thấy trách nhiệm trả phí nhờ thu thuộc về Nguyên
đơn.

(ii) URC 522 1995 ICC quy định phí nhờ thu

Thư ủy thác nhờ thu ( Letter of Collection ) của Ngân hàng Đức gửi cho Bị đơn có dẫn
chiếu áp dụng Quy tắc thống nhất nhờ thu 522 1995 ICC- URC 1995 ICC.

Điều 21 URC 522 1995 ICC quy định như sau:

(a) Nếu Thư ủy thác nhờ thu quy định cụ thể rằng mọ lệ phí và chi phí nhờ thu là do
người trả tiền chịu nhưng người này lại không chịu trả thì ngân hàng xuất trình có thể
giao chứng từ để được thanh toán hay chấp nhận thanh toán hoặc thực hiện các điều
kiện khác, nếu là cần thiết, không cần thu lệ phí và chi phí, trừ khi Điều 21 (b) được áp
dụng. Nếu như vậy thì bên yêu cầu nhờ thu sẽ chịu những chi phí này hoặc có thể trừ vào
số tiền thu được.

(b) Nếu Thư ủy thác nhờ thu quy định rõ ràng là việc thu các chi phí và lệ phí là không
có thể bỏ qua và nếu người trả tiền từ chối thanh toán thì ngân hàng xuất trình sẽ không
giao chứng từ và không chịu trách nhiệm đối với bất cứ hậu quả nào sinh ra từ bất cứ sự
chậm trễ nào trong việc giao chứng từ. Khi việc thanh toán chi phí và lệ phí nhờ thu này
bị từ chối thì ngân hàng xuất trình phải thông báo ngay bằng đường viễn thông hay
phương tiện hỏa tốc cho ngân hàng đã gửi thư ủy thác nhờ thu đến.

(c) Trong mọi trường hợp nếu như Thư ủy thác nhờ thu hoặc theo bản quy tắc này quy
định rõ ràng rằng mọi chi phí và tiền ứng chi do bên yêu cầu nhờ thu gánh chịu, thì ngân
hàng thu sẽ được phép thu lại ngay các chi phí này từ ngân hàng đã gửi Thư ủy thác nhờ
thu, và ngân hàng chuyển sẽ được phép thu lại ngay bất kì số tiền nào mà nó đã chi từ
bên yêu cầu nhờ thu mà không cần biết có thu được tiền hay không.

(d) Các ngân hàng có quyền đòi thanh toán trước những lệ phí, chi phí đối với bên đã
gửi Thư ủy thác nhờ thu để bù lại những chi phí nhằm để thực hiện tốt các chỉ thị nhờ thu
và khi chưa nhận được sự thanh toán trước này thì họ có quyền không thực hiện Thư ủy
thác nhờ thu này”

Căn cứ vào quy định của Điều 21 URC 522 nói trên, Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng,
việc Bị đơn không giao chứng từ cho Nguyên đơn là trái với Điều 21a URC 522 1995
ICC, bởi vì Thư ủy thác nhờ thu không có quy định trách nhiệm của ngân hàng là “ phí
và lệ phí nhờ thu không được bỏ qua” từ người trả tiền như quy định tại điều 21b URC
522 1995 ICC.

(iii) Kết luận

Bị đơn không giao chứng từ cho Nguyên đơn là trái với quy định của Điều 21a URC
1995 ICC và do đó đã gây nên việc nhận hàng chậm, tàu giao hàng bị phạt.
Để nhận hàng, Công ty nhập khẩu Việt Nam đã nộp thay tiền phạt 40.000,00 USD, nay
Hội đồng Trọng tài quyết định buộc Bị đơn phải hoàn trả lại số tiền nộp phạt 40.000,00
USD nói trên cho Nguyên đơn và chịu phí trọng tài.

BÌNH LUẬN VÀ LƯU Ý

Thanh toán bằng phương thức nhờ thu chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng thanh toán
quốc tế của Việt Nam. Chính vì lý do đó, các doanh nghiệp và ngân hàng chưa quan tâm
đến phương thức thanh toán này như thanh toán bằng L/C, đặc biệt là quan tâm về mặt
pháp lý. Việc tổn thất này sẽ không xảy ra, nếu Ngân hàng liên doanh A Việt Nam đọc kỹ
URC 522 1995 ICC.

Văn bản pháp lý duy nhất trên quốc tế là tập quán URC 522 1995 dùng để điều chỉnh
phương thức thanh toán nhờ thu. Khi áp dụng văn bản này, cần chú ý những mặt hạn chế
của nó như sau:

- Các quy định pháp lý chưa thích hợp với điều kiện của thương mại quốc tế, dịch vụ
ngân hàng quốc tế và môi trường tài chính quốc tế hiện đại đang bị chi phối bởi trào lưu
quốc tế hóa đời sống kinh tế và chính trị, xã hội của các quốc gia trên toàn cầu.
- Nội dung của các điều khoản của URC 522 1995 ICC còn thiếu tính chặt chẽ và tính
tổng thể.

- Kết cấu của URC 522 1995 ICC chưa phù hợp với kết cấu truyền thống của các văn bản
pháp lý quốc tế, cho nên, khó có điều kiện hội nhập vào môi trường pháp lý quốc tế hiện
đại.

http://tailieu.vn/xem-tai-lieu/de-tai-phuong-thuc-nho-thu-kem-chung-
tu-.202490.html

You might also like