You are on page 1of 7

TỰ TÌNH

I. Mở bài

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ tài ba bậc nhất của văn học trung đại Việt Nam, được mệnh danh là
“Bà chúa thơ Nôm”. Bà để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, giàu giá trị. Thơ của bà tập trung nói về
người phụ nữ với sự ý thức cao độ về vẻ đẹp hình thức và nhân cách. “Tự tình” II là một trong những bài
thơ tiêu biểu của bà. Bài thơ nằm trong chùm thơ “Tự tình” gồm 3 bài, được viết bằng chữ Nôm, theo thể
thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ là nỗi thương mình của tác giả, sự cô đơn trước duyên phận,
cuộc đời mình.

II. Thân bài: Phân tích bài thơ theo bố cục đề thực luận kết của thể thơ Đường luật.

1. Hai câu đề: Hai câu thơ đầu là không gian, thời gian cùng với tâm trạng tê tái của người phụ nữ.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn


Trơ cái hồng nhan với nước non”

- Câu thơ mở ra không gian vắng lặng, yên tĩnh trong đêm khuya tĩnh mịch. Trong không gian nghệ
thuật ấy, cùng với bước đi vội vã của thời gian “ trống canh dồn”,“trơ” lại “cái hồng nhan với nước
non”:
+ “ Trơ” nghĩa là trơ trọi gợi lên nỗi cô đơn, cô độc nhưng cũng có nghĩa là trơ trẽn gợi lên nỗi xấu
hổ, bẽ bàng. “Trơ” lại một “cái hồng nhan” gợi lên sự mỉa mai, rẻ rúng cùng nỗi tủi hổ, bẽ bàng, cô đơn
của một thân phận phụ nữ nhỏ bé và bất hạnh.

→ Trước cuộc đời rộng lớn, người phụ nữ đó nhận ra thân phận của mình lẻ loi đơn chiếc, và âm
thanh của trống cầm canh lại càng điểm thêm một nỗi buồn, trống vắng khó tả.

2. Hai câu thực: Người phụ nữ ấy đã tìm đến rượu để giải sầu:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh


Vầng trăng xế bóng khuyết chưa tròn”

- Khi có chuyện gì sầu muộn, người xưa thường mượn rượu để quên đi tất cả, nhưng nghịch lí thay,
chén rượu đưa lên mũi, hương nồng vào mũi người muốn say nhưng “say rồi lại tỉnh”. Vòng luẩn quẩn
không lối thoát, cuộc rượu say rồi tỉnh cũng như cuộc tình vương vít cũng nhanh tàn, để lại sự rã rời,
vòng luẩn quẩn ấy gợi cảm nhận duyên tình đã trở thành trò đùa của số phận.

- Người phụ nữ tìm đến vầng trăng nhưng lại gặp chính cuộc đời mình trong vầng trăng “xế”,
“khuyết chưa tròn”. Hình ảnh vầng trăng xuất hiện nhưng khuyết chưa tròn phải chăng ngụ ý cho một
mối nhân duyên chưa trọn vẹn, chưa hạnh phúc viên mãn. Trăng sắp tàn, tuổi xuân dần đi qua mà hạnh
phúc vẫn chưa tới bến đỗ. Nghệ thuật đối càng tô đậm thêm nỗi sầu đơn lẻ của người muộn màng lỡ dở.

→ Dường như càng khao khát một hạnh phúc nhỏ nhoi, người phụ nữ càng xót xa, đau đớn cho phận
mình.

3. Hai câu luận: Đau đớn, xót xa ắt dẫn đến phẫn uất, phản kháng. Người phụ nữ đã phản kháng lại
số phận để mong muốn thay đổi cuộc đời:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám


Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”
- Phép đảo ngữ đưa những động từ mạnh “ xiên ngang”, “ đâm toạc” lên đầu câu nhấn mạnh sự phẫn
uất phản kháng của người phụ nữ. “Rêu”, “đá” là những vật vô tri, bé nhỏ, yếu mềm chính là thân phận
người phụ nữ tuy nhỏ bé, tầm thường, vô dụng trong xã hội “ trọng nam khinh nữ” nhưng cũng mang sức
mạnh phản kháng, đấu tranh đòi quyền sống, quyền hạnh phúc.

- Quyền được sống, được tự do yêu đương và nhu cầu hạnh phúc là điều nhỏ nhoi mà bất kỳ người
phụ nữ nào cũng được hưởng. Nhưng, chế độ xã hội xưa không cho phép họ được sống với quyền lợi
chân chính của mình. Xã hội với tư tưởng “ trọng nam khinh nữ”, với quan niệm vạn đời bất biến “ trời
xanh quen thói má hồng đánh ghen” đã ngang nhiên chà đạp lên cuộc đời người phụ nữ.

- Sự đồng điệu của người và thiên nhiên, luôn đối mặt với khó khăn thách thức nhưng chưa bao giờ đi
đến thành công.

4. Hai câu kết: Cố ngoi đầu lên họ lại bị dìm xuống sâu hơn nữa. Kiếp làm vợ lẽ, dù cố thoát ra
nhưng vẫn không được.Cố phản kháng họ lại chuốc thêm đau buồn:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại


Mối tình san sẻ tí con con.”

- Câu thơ thể hiện nỗi chán chường, ngán ngẫm, mệt mỏi vì thời gian trôi đi mà hạnh phúc con người
vẫn ít ỏi, bé nhỏ lại ngày càng bé nhỏ.
+ “Xuân” vừa là mùa xuân của đất trời vừa là tuổi xuân của con người. Cùng là “ xuân” thế nhưng
xuân của đất trời đi rồi trở lại theo tuần hoàn còn xuân của con người cứ qua đi mà không trở lại.

- Khao khát hạnh phúc trọn vẹn nhưng cuối cùng chỉ còn lại sự xót xa của một thân phận hai lần làm
lẽ.
+ Chỉ đơn độc, duy nhất một “mảnh tình” nhưng cũng phải “san sẻ tí con con”.
+ “Mảnh tình san sẻ” càng làm tăng thêm nỗi chua xót ngậm ngùi, mảnh tình vốn đã không được
trọn vẹn nhưng còn phải san sẻ.
+ “Tí” và “con con” đều là hai tính từ chỉ sự nhỏ bé, đặt hai tính từ này cạnh nhau càng làm tăng
sự nhỏ bé, hèn mọn. Tấm lòng cô độc mềm yếu nhưng cũng chẳng được vẹn toàn. Trong xã hội phong
kiến, hạnh phúc với người phụ nữ như một chiếc chăn quá hẹp, người này ấm thì người kia lạnh “ kẻ đắp
chăn bông kẻ lạnh lùng”.

5. Nghệ thuật

- Giúp người đọc thấu hiểu nỗi đau thân phận và khát vọng mạnh mẽ muốn vươn lên số phận của
người phụ nữ qua nỗi đau và khát vọng của Hồ Xuân Hương nhưng cũng giúp ta nhận ra và trân trọng tài
năng độc đáo của “ Bà chúa thơ Nôm” trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình ảnh.
- Ngôn ngữ thơ điêu luyện, bộc lộ được tài năng và phong cách của tác giả: Sử dụng từ ngữ, hình ảnh
giàu sức tạo hình, giàu giá trị biểu cảm, đa nghĩa
- Thủ pháp nghệ thuật đảo ngữ: câu hỏi 2, câu 5 và câu 6
- Sử dụng động từ mạnh: xiên ngang, đâm toạc.

III. Kết bài

Tự tình 2 là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách cũng như tư tưởng của Hồ Xuân Hương
đặc biệt là những vấn đề xoay quanh người phụ nữ. Qua đây chúng ta cũng thấy được một Hồ Xuân
Hương vừa yếu mềm nhưng cũng thật ngang tàng mạnh mẽ khi dám bộc lộ những suy nghĩ của chính
mình.
CÂU CÁ MÙA THU

I. Mở bài

Mùa thu vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Nhắc đến mùa thu không thể không nhắc
đến chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến quê ở Nam Định, xuất thân trong một gia đình
nhà Nho nghèo. Ông là con người tài năng với cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân.
Ông thành công ở mảng thơ Nôm, viết về đề tài nông thôn, chủ yếu là vùng quê ông. “Câu cá mùa thu”
nằm trong chùm ba bài thơ thu của ông, viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. Bài thơ bày tỏ
tình yêu thiên đất nước và tâm trạng thời thế của tác giả.

II. Thân bài

1. 6 câu đầu 
“ Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng nước theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

- Bài thơ sử dụng hình ảnh “ao thu” là điểm nhìn mở đầu. Tuy không gian mở đầu của tác phẩm
thu hẹp trong phạm vi ao thu nhưng tiếp sau không gian thân thuộc ấy là “chiếc thuyền câu bé tẻo teo” -
hình ảnh không hề xa lạ nhưng diễn tả được động thái của mùa thu.

- Nếu như ở Vịnh mùa thu (Thu vịnh), cảnh thu được đón nhận từ cao xa tới gần rồi từ gần đến cao
xa thì ở đây, cảnh thu được đón nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trở lại gần: từ chiếc thuyền câu nhìn
ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn tới ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với thuyền câu.

- Tác giả vẽ ra khung cảnh tưởng như đối lập ao thu – thuyền câu, nhưng kì thực chúng lại hòa
quyện với nhau đến kì lạ. Ao thu ấy khi có thuyền câu bên cạnh trở nên hài hòa, cân xứng và đậm chất
khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam.

- Khung cảnh được mở ra với nhiều chiều hướng vô cùng sinh động: Không khí mùa thu được gợi
nên từ sự dịu nhẹ, thanh sơ nhất với những âm thanh, màu sắc, đường nét, sự kết hợp giữa hòa sắc, tạo
hình.

+ Màu sắc dịu nhẹ của làn nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt.
+ Những đường nét của khung cảnh cũng hết sức mảnh mai với sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ
đưa vèo, tầng mây lơ lửng. Dường như mọi chuyển động đều vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát. Vận dụng
thủ pháp lấy động tả tĩnh Nguyễn Khuyến đã làm nổi bật sự tĩnh lặng tuyệt đối của không gian, của cảnh
vật. Phải là không gian vô cùng yên tĩnh thì thi nhân mới có thể cảm nhận tiếng động thật khẽ, thật êm
của cảnh vật, dù là sóng có gợn hay chiếc lá khẽ đưa, bằng giác quan tinh tế, nhạy cảm Nguyễn Khuyến
đã nắm trọn từng khoảnh khắc của thiên nhiên.
+ Cặp câu có sự sóng đôi của hình ảnh “sóng biếc” và “lá vàng”, hơn nữa lại là sự kết hợp
của màu “biếc” và sắc “vàng” tạo nên sự hài hoà của bức tranh ngày thu, dịu mát, nhẹ nhàng nhưng
không hề nhạt nhoà. Bức tranh thu qua nét vẽ của bàn tay tài hoa của Nguyễn Khuyến lại trở nên sinh
động hơn vì sự chuyển động của các sự vật khá gần gũi trong cuộc sống con người.

- Nếu như câu thơ trước tác giả khiến người đọc hướng mắt từ mặt ao lên khoảng không thì bây giờ
không gian đã mở ra rộng lớn hơn bởi trời cao và xa hơn bởi con đường ngõ trúc quanh co. Hướng cái
nhìn từ trên cao xuống mặt đất và phóng tầm mắt ra xa để thấy sự quanh co của ngõ làng có hàng trúc,
mặc dù hiện tại con ngõ ấy “vắng teo” nhưng chắc chắn nó đã từng có người qua lại. Có thể ở đây, tác
phẩm của Nguyễn Khuyến làm người đọc cảm thấy đìu hiu, vắng lặng nhưng tuyệt nhiên đó không phải
là cái đìu hiu, vắng lặng của buồn bã, âu sầu.

→ Đây là cảnh thu đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, ở xứ đồng chiêm trũng. Các chi tiết miêu tả
trong bài đều giàu tính hiện thực, hầu như không vướng chút ước lệ nào, có thể gợi những cảm xúc sâu
lắng về quê hương.

2 . Hai câu kết

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được


Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

- “Tựa gối buông cần” là tư thế thư thái, thong thả của người câu cá, như một thú vui làm thư thái
tâm hồn. cũng là một tâm thế nhàn của nhà thơ đã thoát vòng danh lợi.

- Cái âm thanh “cá đâu đớp động”, nhất là từ “đâu” gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Cái
tĩnh bao trùm được gợi lên từ một cái "động" rất nhỏ.

+ Đây là nghệ thuật lấy "động" nói "tĩnh", một thủ pháp nghệ thuật gợi tả quen thuộc của thơ cổ
điển. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ, một ông quan to triều Nguyễn, yêu nước thương dân nhưng
bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp đã cáo bệnh, từ quan. Đằng sau
câu chữ hiện lên một nhà nho thanh bạch trốn đời đi ở ẩn. Đang ôm cần đi câu cá nhưng tâm hổn nhà thơ
đang đắm chìm trong giấc mộng mùa thu, bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi “Cá đâu đớp động dưới chân
bèo”. Cho nên cảnh vật ao thu, trời thu êm đềm, vắng lặng như chính nỗi lòng của nhà thơ vậy — buồn
cô đơn và trống vắng.

→ Nói câu cá nhưng thực ra không phải bàn chuyện câu cá, sự tĩnh lặng của cảnh vật cho cảm nhận
về nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ, đó là tâm sự đầy đau buồn trước tình cảnh đất nước
đầy đau thương

→ Bài thơ còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của tác giả: đó là một con người bình dị, gắn bó sâu sắc với
quê hương, biết rung động với những vẻ đẹp đơn sơ của chốn thôn dã thanh bình, hướng về sự thanh sạch
cao quý và luôn có tinh thần trách nhiệm đối với cuộc đời.

3. Nghệ thuật

Bài thơ thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Tiếng Việt trong sáng, giản
dị nhưng lại diễn tả được tất cả những gì tinh tế, đẹp đẽ nhất của cảnh vật, diễn tả được tâm trạng và tấm
lòng của nhà thơ. Gieo vần “eo” – từ vận tài tình góp phần miêu tả không gian nhỏ hẹp và tâm trạng đầy
uẩn khúc của tác giả. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên cái tĩnh lặng tuyệt đối của thiên nhiên.

III. Kết bài

Với Câu cá mùa thu, người đọc nhận ra ở Nguyễn Khuyến một tâm hồn gắn bó với thiên nhiên, đất
nước, một tấm lòn yêu nước thầm kín nhưng không kém phần sâu sắc.

Thơ là sự cách điệu tâm hồn. Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất
cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc"Thu điếu","Thu vịnh","Thu ẩm",
chúng ta yêu thêm mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả
mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã
chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.
THƯƠNG VỢ

I. Mở bài

Trần Tế Xương (bút danh là Tú Xương) là nhà thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm trào phúng. Ngoài
những bài thơ trào phúng sắc nhọn, lấy tiếng cười làm vũ khí chế giễu và đả kích sâu cay bộ mặt xấu xa,
đồi bại của cái xã hội thực dân nửa phong kiến, ông còn có một số bài thơ trữ tình, chứa chất bao nỗi
niềm của một nhà nho nghèo về tình người và tình đời sâu nặng. Thơ Tú Xương có một mảng lớn viết về
người vợ mà bài Thương vợ là một trong những bài xuất sắc nhất. Bà Tú bước vào thơ Tú Xương với tất
cả niềm yêu thương, trân trọng của người chồng: Tình thương vợ thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả,
gian lao và phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ.

II. Thân bài: Hình ảnh bà Tú hiện lên trong sáu câu thơ đầu là một người vợ rất đảm đang, chịu
thương chịu khó. Nỗi vất vả, gian truân của bà Tú được gợi lên qua không gian, thời gian làm ăn buôn
bán và qua hình ảnh “lặn lội thân cò”.

1. Hai câu đề Hai câu thơ giới thiệu công việc buôn bán của bà Tú: “Quanh năm buôn bán ở mom
sông”. Hoàn cảnh vất vả của bà được gợi lên qua cách nói thời gian, cách nêu địa điểm.

“ Quanh năm buôn bán ở mom sông,


Nuôi đủ năm con với một chồng.”

+ “Quanh năm” gợi một thời gian đằng đẵng, là 12 tháng, từ tháng giêng đến tháng chạp, cũng có
nghĩa là hết năm này đến năm khác, không trừ này nào dù mưa hay nắng.
+ Địa điểm buôn bán của bà Tú là “mom sông”, phần đất nhô ra ở bờ sông, có thể nước xuống thì
còn, nước lên thì mất, có thuyền qua thì thành chợ không thì thôi, cũng có thể chợ họp một lát vào buổi
sáng hoặc buổi chiều.

- Chẳng có cửa hàng, cửa hiệu, quán xá gì, mà chỗ bà “kinh doanh” là ở “mom sông”. Thế mà công
việc khó nhọc ấy, bà Tú không chỉ chịu đựng một hai buổi mà phải theo đuổi “quanh năm”. Cái công
việc nặng nề ấy dường như theo đuổi bà Tú suốt cả đời.

⇒ Công việc và hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định.

- Công việc thì nhọc nhằn, thu nhập thì ít ỏi, nhưng bà Tú lại phải “nuôi” cả một gia đình sáu miệng
ăn. Hơn nữa, không phải là sáu mà là “năm con với một chồng”. Một gánh nặng gia đình đang đè nặng
lên đôi vai người mẹ, người vợ. Thông thường người ta chỉ đếm mớ rau, con cá, đếm tiền bạc,... chứ ai
“đếm” con, “đếm” chồng. Nhiều khoản chi như thế nhưng lúc nào bà cũng lo “đủ”. Câu thơ tự trào ẩn
chứa nỗi niềm chua chát về một gia đình gặp nhiều khó khăn: đông con, người chồng đang phải “ăn
lương vợ”. Có thể nói, hai câu thơ trong phần đề, Tú Xương ghi lại một cách chân thực hình ảnh người
vợ tần tảo, đảm đang của mình.

2. Hai câu thực: Được cái tiếng thơm ấy, thật không dễ dàng, bà Tú phải đổi bằng biết bao công sức:

“Lặn lội thân cò nơi quãng vắng


Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

- Thấm thía nỗi vất vả, gian lao của vợ, Tế Xương đã mượn hình ảnh con cò trong ca dao để nói về bà
Tú: thân cò lầm lũi gợi liên tưởng về thân phận vất vả, cực khổ, của bà Tú cũng như những người phụ nữ
Việt Nam trong xã hội cũ
... Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non;

... Con cò mà đi ăn đêm


Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

- Hình ảnh về một loài chim hiền lành, chăm chỉ âm thầm nhặt nhạnh, kiếm ăn nơi ruộng lúa, bãi
sông đã trở thành biểu tượng về những người phụ nữ lam lũ suốt đời vì chồng, vì con, chẳng mấy khi
nghĩ đến bản thân mình.

- Tác giả sáng tạo hơn nhiều bằng cách đảo từ lặn lội lên đầu hay thay thế con cò bằng thân cò càng
làm tăng thêm nỗi vất vả gian truân của bà Tú. Không những thế, từ thân cò còn gợi nỗi ngậm ngùi về
thân phận nữa.
+ Không còn là một con vật cụ thể mà là thân phận, số phận, một cái gì rất mỏng manh, nhỏ bé
trước biết bao vần vũ của cuộc. Lời thơ, vì thế, mà cũng sâu sắc hơn, thấm thía hơn.

- Ba từ "khi quãng vắng" đã nói lên không gian heo hút, vắng lặng chứa đầy những lo âu, nguy hiểm.
Sự vất vả gian truân của bà Tú càng được nhấn mạnh thông qua nghệ thuật ẩn dụ. “Buổi đò đông” không
chỉ có những lời phàn nàn, cáu gắt, sự chen lấn, xô đẩy mà còn chứa bao nhiêu bất trắc, hiểm nguy.

- Khi quãng vắng thì lặn lội, buổi đò đông thì chịu cảnh eo sèo. Hai câu thực đối nhau về từ ngữ (Khi
quãng vắng/ buổi đò đông) vừa giàu tính tạo hình vừa giàu tính biểu hiện, làm nổi bật lên cảnh kiếm ăn
cơ cực của bà Tú: Bát cơm, manh áo mà bà Tú kiếm được để “nuôi đủ năm con với một chồng” phải lặn
lội trong nắng mưa, phải giành giật, phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt trong thời buổi khó khăn.

→ Câu thơ thể hiện không gian, thời gian rợn ngợp, nguy hiểm đồng thời thể hiện lòng xót thương da
diết của ông Tú.

3. Hai câu luận: bà Tú trong con mắt của ông Tú là thế, còn với bà không hề có một lời kêu ca phàn
nàn mà là một thái độ chịu đựng vốn thường có của người phụ nữ phương Đông.

“Một duyên hai nợ, âu đành phận,


Năm nắng, mười mưa dám quản công.”

- Tú Xương vận dụng rất sáng tạo hai thành ngữ: “một duyên hai nợ” và “năm nắng mười mưa”, đối
xứng nhau hài hòa, màu sắc dân gian đậm đà trong cảm nhận và ngôn ngữ biểu đạt:

+ “Duyên”, “nợ” thường được dùng để chỉ mối quan hệ vợ chồng. “Duyên” là duyên số,
duyên phận. Vợ chồng lấy nhau nếu tốt đẹp là duyên, trái lại thì là nợ. Bà Tú lấy ông Tú là do duyên
nhưng duyên một mà nợ hai. Tú Xương coi mình là cái “nợ” mà bà Tú phải gánh chịu.
+ “Nắng”, “mưa” đi liền với nhau để nói lên sự dãi dầu, vất vả, lam lũ, nhưng trong thành
ngữ "năm nắng mười mưa", những chữ này tách ra, đan vào nhau vừa nói lên sự vất vả gian truân, vừa
thể hiện được đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.

- Những số từ được dùng rất khéo, vừa theo thứ tự tăng dần vừa đối nhau: một, hai, năm, mười, gợi
được những khó khăn chồng chất ngày một tăng dần, và sức lực phi thường của người vợ, gánh vác tất
cả. Thật là kiên cường nhưng sao mà tội nghiệp!

- Phần lớn phụ nữ nhờ chồng mà được hưởng niềm sung sướng, còn với bà Tú chỉ là thêm một món
nợ cả đời. Trần Tế Xương nói hộ những nỗi thiệt thòi của vợ nhưng đồng thời cũng thấy rõ cái đức hi
sinh của người bạn đời.
- “Âu đành phận”, … “dám quản công” … giọng thơ nhiều xót xa, thương cảm, thương mình,
thương gia cảnh nhiều éo le. Người phụ nữ Việt Nam là vậy, bà Tú Xương là vậy, họ coi “giang sơn nhà
chồng” là việc của mình, họ tự nguyện gánh vác không so đo oán than.

→ Qua sáu câu thơ đầu, bằng tấm lòng biết ơn và cảm phục, Tú Xương đã phác họa một vài nét rất
chân thực và cảm động về hình ảnh bà Tú, người vợ hiền thảo của mình với bao đức tính đáng quý: đảm
đang, tần tảo, chịu thương chịu khó, thầm lăng hi sinh cho hạnh phúc gia đình.

4. Hai câu kết: Bà Tú chỉ âm thầm chịu đựng, cho nên ông Tú đã trách hộ bà:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,


Có chồng hờ hững cũng như không.”

- Ông chửi “thói đời” bạc bẽo, vì thói đời là nguyên nhân sâu xa khiến bà Tú phải chịu khổ.

- Nhưng Tú Xương không đổ vấy cho “thói đời”. Ông trách mình “ăn lương vợ”, mà “ăn ở bạc”.
Vai trò người chồng, người cha chẳng giúp ích được gì, vô tích sự, thậm chí còn “hờ hững” với vợ con.
Lời tự trách sao mà chua xót thế!

- Ở cái thời đại mà xã hội đã có luật không thành văn bản đối với người phụ nữ: “xuất giá tòng phu”
(lấy chồng theo chồng), đối với mối quan hệ vợ chồng thì “phụ xướng, phụ tuỳ” (chồng nói, vợ theo), thế
mà có một nhà nho dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám tự thừa nhận mình là quân ăn lương
vợ, không những đã biết nhận ra thiếu sót, mà còn dám tự nhận khuyết điểm. Đó là một nhà nho có nhân
cách, là con người có dũng khí. Nhà thơ dám tự nhận khuyết điểm, càng thấy mình khiếm khuyết càng
thương yêu, quý trọng vợ hơn.

5. Nghệ thuật:

Bài thơ nổi bật là hình ảnh bà Tú - hiện thân của cuộc đời vất vả lận đận, là hội tụ của bao đức tính tốt
đẹp: tần tảo, đảm đang, nhẫn nại, giàu đức hi sinh cho gia đình.

Bài thơ “Thương vợ” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú. Ngôn ngữ thơ bình dị như là tiếng nói
đời thường nơi “mom sông” của những người buôn bán nhỏ, cách đây một thế kỉ. Các chi tiết nghệ thuật
chọn lọc vừa cá thể vừa khái quát sâu sắc. Hình tượng thơ hàm súc, gợi cảm: thương vợ, thương mình,
buồn về gia cảnh thêm nỗi đau đời. “Thương vợ’” là bài thơ trữ tình đặc sắc của Tú Xương nói về người
vợ, người phụ nữ ngày xưa với bao đức tính tốt đẹp, hình ảnh bà Tú được nói đến trong bài thơ tiêu biểu
cho người phụ nữ Việt Nam truyền thống.

III. Kết bài

Tình thương yêu, quý trọng vợ là cảm xúc có phần mới mẻ so với những cảm xúc quen thuộc trong
văn học trung đại. Phải yêu vợ, thương vợ đến mức sâu sắc nhà thơ mới viết nên bài thơ giàu cảm xúc,
chân thực như vậy. Chất trữ tình và trào phúng quyện hòa trong nhau đưa người đọc đến những cung bậc
tình cảm rất sâu sắc bình dị, đáng trân trọng, ẩn chứa trong lòng nhà thơ vốn căm ghét thế thái nhân tình
đổi thay. Tú Xương qua bài thơ gửi đến những người chồng bức thông điệp: hãy nói lời yêu thương chia
sẻ thật nhiều với người vợ.

You might also like