You are on page 1of 21

Bài 1: Sự hình thành phát triển thể dục thể thao( TDTT)

Chức năng và tác dụng giáo dục của thể dục thể thao
1. Sự phát sinh của TDTT
Sự phát sinh của TDTT như một bộ phận của nền văn hoá chung của loài
người và nó được bắt nguồn từ đời sống, vật chất của xã hội nguyên thuỷ.
Lao động sản xuất là nguồn gốc cơ bản của TDTT. Trong suốt quá trình
sản xuất lâu dài loài người đã biết chế tạo và sử dụng các công cụ lao động.
Trong điều kiện "đua tranh" về sức mạnh, sức nhanh, sức bền, tính khéo léo
với nhiều loại công việc như: săn bắn, hái lượm, bắt cá…đấu tranh với thiên
tai và dã thú đã tạo lên sự bền vững về thể lực, phát triển óc quan sát, tăng
thêm những tri thức thực tế cho con người.
Thực tế đấu tranh khốc liệt để sinh tồn đó buộc con người phải biết
chuẩn bị dạy và học (dạy và học ở đây được hiểu là việc truyền thụ kỹ năng
chế tạo và sử dụng các công cụ lao động được truyền từ thế hệ này qua thế hệ
khác như cha dạy con biết ném đá, bắn cung, biết tránh thú dữ…) là sự bắt
chước để biết chạy nhảy, leo trèo, ném, vật, bơi, bắn cung, phóng lao, mang
vác nặng và có sức khỏe để chịu đựng được trong điều kiện sống khắc nghiệt.
Việc chế tạo và sử dụng các công cụ săn bắn cũng như các hoạt động bơi,
chạy, nhảy cũng đòi hỏi ở con người sự phát triển nhất định về thể lực và
những kỹ năng vận động. Mầm mống của TDTT đã nảy sinh chính từ thực tế
của những hoạt động ấy và kết hợp tự nhiên ngay trong quá trình lao động,
sản xuất.
2. Sự phát triển của TDTT trong các tầng lớp xã hội
Trong điều kiện sống còn nghèo nàn lạc hậu về vật chất và tinh thần của
con người trong xã hội cổ xưa (thời kỳ chưa phân chia giai cấp) đã hạn chế rất
nhiều khả năng phát triển TDTT, nhưng so với điều kiện lịch sử thời đó thì
TDTT cũng có những tiến bộ nhất định vì mọi thành viên trong xã hội đều
được hưởng thụ như nhau. Tuy nhiên khi sự phân chia giai cấp xuất hiện thì
sự bình đẳng đó cũng không còn tồn tại nữa. Những cuộc xung đột chiến
tranh kéo dài giữa các bộ lạc, lãnh chúa,… đã thúc đẩy TDTT phát triển

1
nhanh để phục vụ cho những mục đích quân sự. Mặc dù xã hội nô lệ là xã hội
bất công và tàn ác song nó tiến bộ hơn so với xã hội công xã nguyên thuỷ bởi
vì đã giải phóng một số người không phải lao động chân tay nặng nhọc và
thúc đẩy mạnh hơn sự phân công lao động, hình thành bộ máy nhà nước, phát
triển chữ viết, nền văn hoá chung trong đó có TDTT. Khuynh hướng quân sự
là nét đặc trưng của TDTT ở các nước phương Đông cổ đại. Các bài tập quân
sự cũng như tập cưỡi ngựa, vật, bơi, săn bắn và một số loại bài tập khác gần
với quân sự đã được áp dụng rộng rãi.
ở Ba Tư cổ đại các thanh niên quý tộc được giáo dục trong các nhà

trường dành riêng cho họ. ở đó họ được học cưỡi ngựa, bắn cung và các loại
bài tập quân sự khác được quan tâm chủ yếu và được rèn luyện kỹ năng sử
dụng vũ khí, sức mạnh, sức nhanh, sự khéo léo.
ở Hy Lạp cổ đại TDTT đã phát triển như một bộ phận của văn hoá cổ

đại. Ngay trong điều kiện của chế độ thị tộc, các bộ tộc Hy Lạp đã chú ý
nhiều đến giáo dục thể chất và các cuộc thi đấu khác nhau. Sức mạnh, sự
nhanh nhẹn, sự bền bỉ, tinh thần dũng cảm được đánh giá rất cao vì điều đó đã
thật sự nâng cao khả năng chiến đấu của binh sỹ.
Khác với Hy Lạp cổ đại, ở La Mã đã xuất hiện và phát triển như một nhà
nước tập quyền, điều đó làm cho nhà nước này phát triển hùng mạnh hơn và có
ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, văn
hoá trong đó có TDTT. ở La mã cổ đại không hình thành một hệ thống giáo
dục thể chất cân đối như ở Hy Lạp. Song, ở đây hệ thống huấn luyện thể lực
quân sự cho chiến binh đã được hoàn thiện. Trong công trình viết về nghệ thuật
quân sự Ph.Ăngghen cũng đánh giá rất cao hệ thống này. Ông viết: "Việc giáo
dục chiến binh đã tiến hành rất khắc nghiệt và nhằm bằng mọi cách có thể để
phát triển sức mạnh về thể lực cho người lính. Ngoài huấn luyện sử dụng vũ
khí và huấn luyện các động tác một cách thường xuyên, còn áp dụng rộng rãi
các môn chạy, nhảy sào, leo núi, vật, bơi. Các cuộc hành quân kéo dài với đủ
trang bị dã chiến… và không những tân binh mà cả cựu binh cũng phải thực
hiện tất cả các bài tập ấy để duy trì trạng thái sảng khoái về thể chất, sự khéo
léo và để quen với các công việc nặng nhọc và sự thiếu thốn".
2
Sau khi chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã ở phần lớn các quốc gia trên thế
giới chế độ phong kiến quân chủ đã ra đời. Lúc này việc đào tạo quân sự đã là
việc bắt buộc đối với các lãnh chúa phong kiến. Theo lệnh của nhà vua các
lãnh chúa luôn phải có mặt tại nơi tập kết với đầy đủ các loại vũ khí, các kỵ
sỹ tuỳ tùng tham gia hành quân. Các lãnh chúa phong kiến thường hay xích
mích để tranh giành quyền lợi và gây ra các cuộc chiến tranh tương tàn với
nhau. Còn đối với nông dân ngay thời kỳ phong kiến sơ kỳ họ đã có những
loại trò chơi giải trí khác nhau dựa trên sự vận dụng sức mạnh, sức bền, sự
khéo léo nhiều bài tập mang tính chất quân sự vì nông dân thường phải chống
kẻ thù để bảo vệ tự do, bảo vệ nhà cửa của mình. TDTT mang nặng khuynh
hướng quân sự và phát triển ở khắp các dân tộc khác nhau. Khi các mối quan
hệ phong kiến đã hoàn toàn được thiết lập và trong thời gian này đã hình
thành hệ thống huấn luyện quân sự và thể lực cho những người thuộc đẳng
cấp quyền quý được gọi là hệ thống giáo dục hiệp sỹ.
Thời kỳ cuối cùng của chế độ phong kiến được đặc trưng bởi những mâu
thuẫn gay gắt dữ dội vốn có của nó. Một mặt, chế độ chuyên chế và sự lệ
thuộc của nông dân vào địa chủ tiếp tục tăng lên. Mặt khác cùng với sự phát
triển nhanh của sản xuất và thương mại các cơ sở của chế độ tư bản ra đời
trong lòng xã hội phong kiến. Trong thời kỳ này nền văn hoá dân tộc tư sản
của nhiều nước được hình thành. Mặc dù có sự phát triển của những tư tưởng
tiến bộ song khả năng tổ chức giáo dục thể chấttrong thời kỳ này còn hết sức
hạn chế. giáo dục thể chấtchỉ có ở một số trường dành cho con em của những
người có đẳng cấp, có đặc quyền, hơn nữa giáo dục thể chất lại không theo
một hệ thống nào. Đối với đông đảo quần chúng vẫn áp dụng các trò chơi và
các bài tập truyền thống các cuộc thi đấu, các hình thức vui chơi khác nhau
vẫn đòi hỏi sự khéo léo, sức mạnh, sức nhanh, sức bền.
3. Phong trào Olymic hiện đại
Cuối thế kỷ 19 sự phát triển thể thao trên thế giới đã đạt đến trình độ
cao, đòi hỏi phải có sự trao đổi kinh nghiệm thể thao trên vũ đài quốc tế. Một
số môn thể thao đã bắt đầu tiến hành tổ chức các cuộc gặp gỡ mang tính chất
quốc tế mặc dù còn thưa thớt. Tuy nhiên, do không có luật thi đấu và các tiêu
3
chuẩn quy định việc tổ chức thi đấu không thống nhất nên sự phát triển quan
hệ thể thao giữa các nước đã bị kìm hãm.
Phong trào thể thao Olympic hiện đại do Pierre De Coubertin (Pie Đơ
Cubectanh) nhà sư phạm người Pháp khởi xướng và thành lập từ năm 1894 và
đại hội Olympic hiện đại bắt đầu được tiến hành vào năm 1896. Đến nay
phong trào Olympic đã trở thành một tổ chức thể thao mạnh nhất thế giới với
205 nước thành viên và không ngừng phát triển.
Tháng 6 năm 1894 hội nghị Olympic lần thứ nhất đã được tiến hành tại
Pari. Tại hội nghị này đã thông qua quyết định thành lập Uỷ ban Olympic
quốc tế (IOC) và thông qua Hiến chương Olympic trong đó quy định:
Uỷ ban Olympic quốc tế có nhiệm vụ:
- Cổ vũ sự phát triển các nhân tố về thể chất và tinh thần là những phẩm
chất của thể thao.
- Truyền bá lý tưởng Olympic và phong trào Olympic trên toàn thế giới.
Tinh thần tư tưởng Olym pic là: “ hoà bình hữu nghị đoàn kết và sự hiểu biết
lẫn nhau giữa các dân tộc”
- Phân cấp về tổ chức đại hội Olympic mùa đông và mùa hè.
- Động viên sự phát triển của thể thao
- Phát triển hội viên là các quốc gia trên toàn thế giới và phương châm
của các Đại hội Olympic là: Nhanh hơn - cao hơn - xa hơn - mạnh hơn.
+ Cờ của Đại hội Olympic ra đời năm 1913 và được Uỷ ban Olympic
chấp nhận đó là lá cờ nền trắng ở giữa có 5 vòng tròn liên kết với nhau (hàng
trên có 3 vòng tròn màu xanh, đen, đỏ hàng dưới có 2 vòng tròn màu vàng và
màu lục, lần lượt xếp từ trái sang phải). Màu sắc của năm vòng tròn này
tượng trưng cho năm lục địa trên thế giới: màu xanh tượng trưng cho châu
Âu, màu vàng tuợng trưng cho châu Á, màu đen tượng trưng cho châu Phi,
màu lục tượng trưng cho châu Đại dương, còn màu đỏ tượng trưng cho châu
Mỹ. Vì tính rằng người ta có thể giải thích khác nhau về lá cờ Olympic nên
năm 1979 trên tờ tạp chí Olympic, Uỷ ban Olympic Quốc tế đã chính thức
nêu rõ rằng dựa theo hiến chương Olympic thì ý nghĩa của năm vòng tròn này
tượng trưng cho sự đoàn kết giữa 5 châu, đồng thời tượng trưng cho tinh thần
4
thi đua công bằng thẳng thắn và hữu nghị giữa các vận động viên trên toàn thế
giới tập trung tại Thế vận hội. Bắt đầu từ Thế vận hội Olympic lần thứ 7, khi
khai mạc Thế vận hội bao giờ cũng cử hành nghi thức đại biểu thành phố chủ
nhà của Thế vận hội lần này đem lá cờ Olympic trao cho thị trưởng thành phố
tổ chức Thế vận hội Olympic lần sau. Thành phố được trao cờ sẽ giữ lá cờ tại
phòng chính của toà thị chính, rồi bốn năm sau lại cử hành một nghi thức như
thế.
+ Ngọn đuốc Olympic: Đuốc trong các kỳ đại hội thể thao được sử dụng
để thắp sáng đài lửa đặt trong sân vận động, năm 1934 Chủ tịch Uỷ ban
Olympic lần thứ 11 là ông TheodoLexon đã đề xuất với Uỷ ban Olympic ý
tưởng lấy lửa ở Olympia (tại đền thờ nữ thần Hêra) và chuyển về Beclin bằng
những người chạy rước đuốc trên từng cự ly 1km, ý tưởng này được Uỷ ban
Olympic nhiệt liệt hoan nghênh và ngày 20/7/1936 vận động viên Hy Lạp
Konstantin Kondylis lần đầu tiên trong lịch sử các Đại hội Olympic đã rời
Olympia với ngọn đuốc trên tay. Ngọn đuốc được truyền đi suốt 12 ngày đêm
và qua 3075 vận động viên trên con đường từ Athen cổ kính tới Belin để khai
mạc đại hội Olympic lần thứ 11. Từ đó đến nay trong các kỳ Đại hội Olympic
ngọn đuốc đều được rước từ Olympia để chuyển đến địa điểm diễn ra Đại hội
đúng ngày khai mạc. Hiện nay người ta đã di chuyển ngọn đuốc bằng đủ các
loại phương tiện giao thông như: từ chạy bộ, xe đạp, ô tô, tàu thuỷ, đến máy
bay. Tại Đại hội thể thao Montreal vào năm 1976, ngọn lửa được vận chuyển
bằng tên lửa từ Athens đến Ottawa, và năm 1992, tại đại hội thể thao diễn ra ở
Barcelona, một vận động viên Paralympic đoạt huy chương vàng trong môn
bắn cung, Antonio Rebollo, đã thắp ngọn lửa trên sân vận động bằng một mũi
tên đang rực cháy. Tại Sydney năm 2000, ngọn lửa đã thực hiện chuyến hành
trình dưới nước trong dải Great Barrier Reef và đi được chặng đường dài nhất
trong lịch sử đại hội thể thao cho đến thời điểm lúc bấy giờ. Lễ hội rước đuốc
năm 2004 tại Athens là hành trình xuyên châu lục đầu tiên của ngọn đuốc. Và
dự kiến vào ngày 25 tháng 3 năm 2008, ngọn lửa Olympic một lần nữa sẽ
được đốt tại thành phố Olympia tại Hy Lạp, theo đúng những phong tục cổ
truyền. Sau đó ngọn đuốc sẽ được trao cho đại diện của Trung Quốc, và được
5
đưa bằng máy bay đến Bắc Kinh. Tại đây ngọn đuốc sẽ được rước qua 20 quốc
gia vòng quanh thế giới như Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Australian, ấn độ, Nhật Bản và
Việt Nam trước khi về lại Trung hoa. Sau đó, ngọn đuốc còn được rước qua 113
thành phố của đất nước Trung hoa và đưa lên đỉnh Everest, trước khi đưa về sân
vận động Olympic Bắc Kinh đúng vào ngày 8 tháng 8 năm 2008 cho buổi lễ
khai mạc Olympic Mùa Hè.
+ Nội dung thi đấu của Olympic hiện đại: do nội dung thi đấu ngày càng
nhiều và đặc điểm thiên nhiên của từng châu lục có nhiều yếu tố khác nhau
nên Uỷ ban Olympic quốc tế đã chia thế vận hội thành: Thế vận hội Mùa hè
và Thế vận hội Mùa đông, bên cạnh đó uỷ ban Olympic còn tổ chức những kỳ
đại hội TDTT dành cho những người khuyết tật.
Đại hội Olympic là ngày hội văn hoá thể thao lớn nhất hành tinh là cuộc
tổng duỵêt về các tố chất vận động của loài người trên lĩnh vực thể chất. Đồng
thời qua các kỳ Đại hội Olympic này các quốc gia được đăng cai đã thể hiện
hàng loạt các thành tựu về kiến trúc và xây dựng các công trình TDTT cùng
với sự tiến bộ của các ngành khoa học kỹ thuật khác của loài người.
4. Sự phát triển TDTT ở Việt nam
*Sự hình thành và phát triển TDTT ở Việt Nam
Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước đã hun dúc lên một dân tộc
Việt nam có truyền thống thượng võ. Truyền thống thượng võ này thể hiện rõ
nét ở những hoạt động TDTTđược tìm thấy trong những sinh hoạt tập thể từ
xa xưa trong cộng đồng người Việt. Thể thao dân tộc là một bộ phận của văn
hóa dân tộc được thể hiện qua những bằng chứng sống động đó là những hình
ảnh cụ thể trong lễ hội ở các làng quê.
Lễ hội cổ truyền là sự phản ánh sinh hoạt văn hoá xã hội tổng hợp của
người Việt cổ, thông qua các hoạt động trong lễ hội đã phát sinh những yếu tố
sơ khai của hoạt động thể dục thể thao. Những hoạt động trong Hội lễ vốn bắt
nguồn trong đời sống thường ngày nhưng khi thể hiện trong Hội lễ nó đã
được nâng lên thành nghệ thuật, đạt tới cái đẹp và tạo được niềm vui cho
người dân lao động. Là hiện tượng xã hội nên Hội lễ có lịch sử lâu đời cùng
với lịch sử văn hoá của dân tộc, nó phát triển theo thời gian, tiếp nhận tư
6
tưởng và thành tựu văn hoá của các thời đại, lưu giữ và bổ sung để ngày càng
phong phú và hoàn thiện hơn. Xét trên phương diện văn hoá lễ hội truyền
thống của các vùng đồng bằng châu thổ nổi tiếng với các làn điệu dân ca thì
dưới con mắt của các nhà thể thao nó cũng sôi nổi với những cuộc đấu vật
,đấu võ, đánh đu, đấu cờ, hội đua thuyền, thi bơi, thi lặn hàng năm là những
cuộc đọ sức quyết liệt của thanh niên trai tráng các vùng. Theo các nhà
nghiên cứu và các tác giả cuốn "Lễ hội cổ truyền" thì lễ hội gồm có: Lễ và
Hội hợp thành.
"Lễ" trong lễ hội là một hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện
lòng tôn kính của dân làng đối với các đấng thần linh, lực lượng siêu nhiên nói
chung đồng thời cũng phản ánh những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của
con người trước cuộc sống đầy khó khăn mà bản thân họ chưa có khả năng cải
tạo.
"Hội" trong lễ hội là một hệ thống trò chơi, trò diễn phong phú và đa
dạng. "Hội" có nhiều trò chơi mang tính chất thượng võ như: đấu vật, võ đấu
cờ người, bơi chải… nó hội tụ những cái hay, cái đẹp tức là cần một kỹ thuật
giỏi để nâng giá trị lên thành hành động văn hoá thể dục thể thao.
* TDTT Việt Nam qua các thời kỳ
.Thời kỳ trước cách mạng tháng 8
Vào giữa thế kỷ 19 nước Việt Nam đã bị thực dân Pháp xâm lược, mở
đầu bằng cuộc tấn công vào Cảng Đà Nẵng năm 1858. Sau khi hoàn thành
việc xâm lược chính sách thuộc địa của Pháp ở Việt Nam là: bóc lột nặng nề
về kinh tế, chuyên chế về chính trị, kìm hãm nô dịch về văn hoá. Dưới chế độ
Pháp thuộc, nền kinh tế Việt Nam bị kìm hãm nặng nề nên tiến triển chậm
chạp, phương thức bóc lột phong kiến vẫn còn được duy trì để phục vụ chủ
nghĩa thực dân.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn có tinh thần đấu
tranh anh dũng bất khuất. Ngay từ khi thực dân Pháp nổ sung xâm lược nhân
dân ta đã đứng lên kháng chiến bảo vệ đất nước.
TDTT là một bộ phận của nền văn hoá xã hội chịu ảnh hưởng lớn của sự
phát triển xã hội. Thực dân Pháp xâm lược nước ta chúng âm mưu dùng
7
TDTT để phục vụ chính sách thuộc địa nô lệ đánh lạc hướng nhân dân lao
động trước hết là thanh niên xa rời cuộc đấu tranh chống Pháp.
Cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp các môn thể thao hiện đại cũng
theo chân đội quân viễn chinh du nhập vào Việt Nam. Trong đó các môn thể
thao, điền kinh, bóng đá, quyền anh, đua xe đạp, bơi lội… phát triển rộng rãi hơn
cả. ở các trường học do Pháp xây dựng đều có sân rộng. Buổi sáng, các học sinh
bắt buộc phải tập thể dục trước hoặc giữa giờ. Buổi chiều, các em có thể tập xà
đơn, xà kép, chạy, nhảy, hoặc đẩy tạ hay chơi một số môn thể thao khác.
Cùng với phong trào TDTT do thực dân Pháp tạo dựng chứa đựng nhiều
nhân tố của TDTT hiện đại, nhân dân lao động nước ta mặc dù chịu sự áp bức
bóc lột của chủ nghĩa thực dân trong suốt hơn 80 năm vẫn duy trì các hoạt
động thể thao dân tộc trong các ngày hội, ngày lễ của dân tộc mình. Hoạt
động TDTT của nhân dân lao động trong thời kỳ này nhằm mục đích giữ gìn
bản sắc dân tộc truyền thống mang tinh thần thượng võ của người Việt Nam
đấu tranh chống lại sự xâm lược và chính sách nô dịch của thực dân qua các
phong trào, các cuộc khởi nghĩa mà đỉnh cao là phong trào cách mạng do
Đảng ta lãnh đạo đã giành thắng lợi vang dội vào tháng 8 năm 1945.
Sau cách mạng tháng 8
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến
hành cuộc Cách mạng tháng Tám thành công , lập nên nước Việt Nam dân
chủ cộng hoà. Đất nước vừa giành được độc lập dân tộc đã gặp phải biết bao
khó khăn, trở ngại bởi thù trong giặc ngoài, cộng thêm nền kinh tế do chế độ
cũ để lại nghèo nàn lạc hậu, nhân dân nhiều nơi bị đói rét , dịch bệnh hoành
hành sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh đó Chủ tịch Hồ Chí
Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời
nhằm đẩy lùi những khó khăn trở ngại và Người kêu gọi đồng bào cả nước
chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, và cùng những vấn đề quan trọng
khác. Đồng thời nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vai trò sức khoẻ con
người, sức khoẻ nhân dân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một vấn đề có
tính quốc sách: Phải nâng cao sức khỏe cho toàn dân mà biện pháp tích cực
nhất là luyện tập thể dục. Trong lời kêu gọi toàn dân tập thể dục tháng 3/ 1946
8
được Bác viết: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới việc
gì cũng cần đến sức khỏe mới thành công .
Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần. Mỗi
một người dân mạnh khoẻ, tức là góp phần cho cả nước mạnh khoẻ.
Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người
dân yêu nước.
Việc đó không khó khăn tốn kém gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và
ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng
tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì khoẻ.
Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập ".
Lời "Kêu gọi toàn dân tập thể dục" đã mang lại nguồn động viên to lớn
cho phong trào luyện tập thể dục và ngay lập tức đã có tác động đến mọi
giới, mọi nhà, mọi người dân. Để hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí
Minh phong trào "Khỏe vì nước" đã được phát động trong phạm vi cả nước.
Ngày 27/3/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha
thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Ngay từ ngày mới ra đời
ngành TDTT đã là lực lượng chủ chốt trong phong trào “ Khoẻ vì nước”.
Chưa thể nghĩ tới mục tiêu xa hơn là các chương trình đào tạo những tài năng
thể thao, bước đầu ngành TDTT còn non trẻ chỉ góp phần chăm lo việc phát
triển thể chất, chăm sóc bồi dưỡng sức khỏe cho nhân dân sẵn sàng tham gia
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi toàn quốc bước vào cuộc kháng
chiến trường kỳ với lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” các hoạt động
TDTT đã theo chân các cán bộ, chiến sĩ lên chiến khu Việt bắc nhất là trong
các cơ quan Trung ương với các bài thể dục buổi sáng, thái cực quyền, các
động tác đi bộ, leo núi, chạy vũ trang, các môn bơi lội, bóng đá, bóng chuyền
cũng được yêu thích và có sức lôi cuốn lớn đối với mọi người.
Giai đoạn 1954 – 1975 là một thời kỳ quan trọng của cách mạng nước
nhà, thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược đã
mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử cách mạng Việt nam. Trước tình hình
mới, trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh
9
và Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ cách mạng của nước ta lúc này là
xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa xây dựng nền công nghiệp, nông nghiệp
có văn hoá và khoa học tiên tiến. Về y tế, xã hội và TDTT, Đảng và Nhà nước
khẳng định đẩy mạnh phong trào vệ sinh yêu nước, phòng trừ bệnh tật, tập
luyện TDTT, từng bước nâng cao sức khoẻ cho nhân dân lao động, xây dựng
đời sống mới cho nhân dân. Nhiệm vụ của công tác TDTT trong giai đoạn
này là phát triển hơn nữa phong trào TDTT trong quần chúng. Trên cơ sở đó
phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài mới, bồi dưỡng vận động viên để không
ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật và thành tích về các môn thể thao, đẩy mạnh
việc thực hiện tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, lấy đó làm cơ sở để phát triển
các môn thể thao quốc phòng trong các công trường, nông trường, cơ quan,
trường học và nông thôn.
*TDTT từ sau thời kỳ Giải phóng miền nam thống nhất đất nước đến
nay
Kể từ sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, phong trào TDTT
luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển và xây dựng nhưng do
điều kiện chiến tranh hai miền Nam, Bắc chưa thống nhất nên sau khi giải
phóng miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước (1975) phong trào TDTT của
cả nước mới được thống nhất lại.
Từ năm 1975, TDTT Việt Nam thực sự được thúc đẩy trở thành một
phong trào quần chúng sâu rộng với khẩu hiệu "Khoẻ để xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc". Hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ là những cản trở lớn
cho sự phát triển của thể thao Việt Nam, nhưng tại những khoảng trống về
không gian và thời gian trong hai cuộc chiến tranh đó, Việt Nam cũng đã
tranh thủ xây dựng được những cơ sở vật chất đầu tiên cho thể thao. Những
sân vận động, trung tâm huấn luyện, và quan trọng hơn là những huấn luyện
viên và cán bộ quản lý đầu tiên của ngành TDTT đã được đào tạo cơ bản ở cả
trong và ngoài nước. Trong quá trình hội nhập với thế giới, nhiều môn thể
thao trước kia được coi là hiếm hoi chưa từng có ở Việt Nam lại đang phát
triển mạnh mẽ. Trong số này phải kể đến các môn tennis, đua ngựa và đánh
golf. Nếu như trước năm 1975, ở mỗi thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, số
10
sân tennis chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì ngày nay mỗi thành phố đã có
tới cả trăm mặt sân. Những tỉnh xa xôi như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Đồng
Tháp cũng đã có sân và các tuyển thủ đến từ các tỉnh nhỏ như Sóc Trăng,
Khánh Hoà lại khá mạnh trong các giải tennis toàn quốc. Du khách đến Việt
Nam ngày nay, vào thứ bẩy hàng tuần có thể xem đua ngựa ở trường đua Phú
Thọ thành phố Hồ Chí Minh vì trường đua này đã được khôi phục cùng với
các dịch vụ phức tạp của môn thể thao này và bạn cũng có thể đánh golf vì
hàng chục sân golf đã và đang được xây dựng. Sân golf ở Đà Lạt được Hiệp
hội Golf Quốc tế xếp hạng A+, và giải Golf Vietnam Open đã chính thức nằm
trong lịch thi đấu hàng năm của hệ thống các giải quốc tế.
Căn cứ vào đề nghị của Tổng cục TDTT, Ban bí thư Trung ương Đảng
và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cho phép thành
lập Uỷ ban Olympic Việt Nam vào ngày 20/12/1976 (theo Quyết định số
500/TTg 20/12/1976). Ngay sau đó, Uỷ ban Olympic Việt nam triển khai các
thủ tục cần thiết để tham gia phong trào Olympic thế giới.
Đến tháng 12/1979 Uỷ ban Olympic Việt nam đã trình đơn xin gia nhập
Phong trào Olympic Quốc tế. Ngày 28 - 4 - 1980 Uỷ ban Olympic Quốc tế đã
ra quyết định công nhận chính thức Uỷ ban Olympic Quốc gia Việt nam là
thành viên của Phong trào Olympic Quốc tế. Uỷ ban Olympic Việt nam là đại
biểu duy nhất của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong phong
trào Olympic Quốc tế có quyền được tham gia các Đại hội Thể thao Olympic,
các Đại hội Thể thao Châu lục và khu vực Đông Nam á. Đây là sự kiện quan
trọng mở ra trang sử phát triển mới của thể thao Việt Nam với phong trào
Olympic quốc tế. Uỷ ban tổ chức Thế vận hội lần thứ 22 tổ chức tại
Matxcova( năm 1980) đã gửi tới Uỷ ban Olympic Việt nam lời mời chính
thức tham dự Thế vận hôi lần thứ 22. Từ đó, Uỷ ban Olympic Việt nam trở
thành thành viên chính thức của phong trào Olympic quốc tế. Đặc biệt là từ
khi có chính sách đổi mới (1986) những chuyển biến tích cực về kinh tế – xã
hội đã thúc đẩy ngành TDTT thực sự khởi sắc.
Thể thao Việt nam tham dự các Đại hội Thể thao:
Tham gia các Thế vận hội: Từ những năm 50 của thế kỷ 20 một số tổ
11
chức thể thao của chính quyền Sài gòn đã tham gia các hoạt động thể thao
quốc tế. Theo tác phẩm “ Những tổ chức thể thao quốc tế” của tác giả
P.A.Xôbôlep thì Việt nam đã từng tham gia thi đấu ở Thế vận hội Henxinki
( Phần lan) 1952, Menbern (Ôxtrâylia) 1956, Sau khi thống nhất đất nước
(1975) với danh nghĩa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, đoàn VĐV
Việt nam tham gia trở lại Thế vận hội Olympic năm 1980( Matxcova),
Olympic lần thứ 23(1984) tổ chức tại Mỹ đoàn thể thao Việt nam không tham
dự vì Thế vận hội diễn ra trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa 2 phe, thay vào
đó Việt nam lại tham dự Đại hội Thể thao thiện chí diễn ra cùng năm ở
Moscow, năm 1988 ở Seoul, năm 1992 ở Barcelona, năm 1996 ở Atlanta và
năm 2000 ở  Sydney. Qua 5 lần tham gia các Đại hội ( kể từ năm 1975), nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ cử một số ít vận động viên tham dự
với mục đích chính là hội nhập và học hỏi vì trình độ còn thấp. Đến năm
2000, tại Thế vận hội Olympic Sydney, võ sĩ  Taekwondo Trần Hiếu Ngân đã
dành được Huy chương Bạc đầu tiên cho Việt Nam, đánh dấu bước phát triển
mới của Thể thao Việt Nam trong phong trào Olympic Quốc tế. Đoàn thể
thao Việt Nam tham dự Olympic Athen 2004 với 11 VĐV. Tại Olympic Bắc
kinh 2008 Đoàn thể thao Việt nam tham dự 9 nội dung thi đấu với 21 vận
động viên và ở Thế vận hội lần này VĐV Hoàng Anh Tuấn là người thứ 2
tiếp tục gianh huy chương bạc về cho nước nhà ở môn cử tạ.
Tham gia các kỳ ASIAD ( Đại hội TDTT Châu á): Cùng với việc tham
dự các Thế vận hội, từ năm 1958 đến năm 1970 các đoàn VĐV của chính phủ
Việt nam cộng hoà đã đều đặn tham dự các kỳ ASIAD và cũng đạt được một
số huy chương vàng, bạc, đồng ở các môn Bóng bàn, Xe đạp, Quần vợt, Bắn
súng. Năm 1982 tại New Delhi - ấn Độ, lần đầu tiên đoàn VĐV nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham dự và giành được 1 Huy chương Đồng
môn Bắn súng. Năm 1986 ( Việt Nam chỉ cử quan sát viên đến dự), năm 1990
tại Bắc Kinh, Việt Nam đã tham gia ASIAD góp phần bình thường hoá quan
hệ với Trung Quốc, năm 1994 tại Hirosima - Nhật Bản lần đầu tiên Việt Nam
đạt 1 Huy chương Vàng môn Taekwondo và 2 Huy chương Bạc, tổng xếp
hạng 19/42,  năm 1998 tại Băngkok - Thái Lan đạt 17 Huy chương các loại (1
12
Vàng, 5 Bạc, 11 Đồng). Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 14 có 125
VĐV tham gia thi đấu 16 môn thể thao, kết quả đoàn Thể thao Việt Nam đã đạt
được 4 Huy chương vàng, 7 Huy chương bạc, 7 Huy chương đồng và xếp hạng
thứ 15/44 nước tham dự tại ASIAD 14. Tham dự Đại hội Thể thao Châu á lần
thứ 15, tại Doha (Qatar) từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 12 năm 2006, đoàn Thể
thao Việt Nam với 130 vận động viên nam và 117 vận động viên nữ đã thi đấu
25 trên 39 môn thể thao chính thức của Đại hội. Kết quả Thể thao Việt Nam đã
đạt được 3 Huy chương vàng, 13 Huy chương bạc, 7 Huy chương đồng, xếp thứ
15 toàn đoàn. Mặc dù thành tích thể thao của Việt nam ở nhiều môn so với các
nước trong khu vực và châu lục còn yếu song mục tiêu chung của Đoàn là tăng
cường hội nhập quốc tế, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các
nước trên thế giới, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà
nước.
Tham dự các kỳ Đại hội Thể thao Đông nam á (SEA Games)
Do hoàn cảnh lịch sử nước ta bị chia cắt 2 miền Nam, Bắc nên có 2
Chính phủ, ở Miền Bắc là Chính phủ Việt nam Dân chủ cộng hoà, ở Miền
Nam là Chính phủ Việt nam cộng hoà. Theo tài liệu của Uỷ ban Olympic
Quốc tế vào những năm 50 của thế kỷ trước Việt nam có 9 Hiệp hội thể thao
Quốc gia được Quốc tế công nhận đó là: Điền kinh, Bơi lội, Bóng bàn, Bóng
đá, Bóng rổ, Xe đạp, Quần vợt, Quyền anh, Đấu kiếm. Trong các kỳ đại hội
của thập niên 50 đó Việt nam đã cử các đoàn thể thao tham dự Đại hội Thể
thao Châu lục và Đại hội Thể thao bán đảo Đông nam á(SEAP Games). Đối
với SEAP Games Việt nam tham dự liên tục từ kỳ thứ nhất diễn ra tại Thái
lan năm 1959 đến kỳ thứ 7 tổ chức năm 1973 tại Singapore. Vì lý do chính trị
mà Việt nam không tham gia các kỳ SEA Games từ lần thứ 8 đến lần thứ 14.
- SEA Games lần thứ 15 được tổ chức tại Kualalumpur- Malaysia từ
ngày 20 - 31/8/1989, có 8 quốc gia tham dự , thi đấu ở 26 môn thể thao, đây
là lần đầu tiên nước Việt Nam thống nhất tham gia trở lại đấu trường thể thao
khu vực. Kết quả, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 với 3 HCV, 11 HCB và 5
HCĐ.
-  Đại hội lần thứ 16 được tổ chức tại Manila - Philippines từ ngày
13
24/11- 5/12/1991, có 4037 người đến từ 8 quốc gia thi đấu ở 27 môn thể thao.
Kết quả, Việt Nam đứng thứ 7 với 7 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ.
-  SEA Games lần thứ 17 được tổ chức ở Singapore từ ngày 12-
20/6/1993, có 9 quốc gia thi đấu 29 môn thể thao. Kết quả, Indonesia lại dẫn
đầu, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6 với 9 HCV, 6 HCB và 19 HCĐ.
-  Đại hội lần thứ 18 được tổ chức tại thành phố Chiang Mai - Thái Lan
từ ngày 9-17/ 12/1995. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, Đại hội
thể thao Đông Nam á được tổ chức ở thành phố không phải là thủ đô và cũng
là lần đầu tiên SEA Games có mặt  đủ cả 10 quốc gia Đông Nam á tham dự.
Nước chủ nhà Thái Lan đã tổ chức một lễ khai mạc kỳ vĩ với một chương
trình biểu diễn hoành tráng mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Đông Nam
á, 1995 con chim bồ câu (đúng với con số của năm tổ chức Đại hội) được thả
tung bay trên bầu trời là thông điệp về ước vọng hoà bình của nhân dân trong
khu vực Đông Nam á. Kết quả, Thái Lan dẫn đầu với 157 HCV, 98 HCB và
91 HCĐ, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 với 10 HCV, 18 HCB và 24 HCĐ.
-  SEA Games lần thứ  19 được tổ chức từ ngày 11-19/10/1997 tại
Jakarta-Indonesia, đây là Đại hội có số lượng kỷ lục về số người tham dự
7500 người và số lượng môn thi 34 môn. Kết  quả, Việt Nam tiến thêm một
bước trong đấu trường khu vực đứng ở vị trí thứ 5 với 35 HCV, 48 HCB và
50 HCĐ.
-  Đại hội lần thứ 20 được tổ chức tại Brunei từ ngày 27/7-16/8/1999,
tham dự Đại hội có 10 quốc gia thi đấu ở 21 môn thể thao. Đây là Đại hội có
quy mô nhỏ nhất trong những năm trở lại đây về số lượng môn thi và số
lượng người tham gia. Kết quả, đứng đầu là Thái Lan với 64 HCV, 49 HCB
và 54 HCĐ, tiếp theo là Malaysia và Indonesia, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6
với 17 HCV, 20 HCB và 27 HCĐ.
-  SEA Games lần thứ 21 được tổ chức tại Kualalumpur - Malaysia từ
ngày 8-17/12/2001 với sự tham gia của 6881 người đến từ 10 quốc gia thi đấu
ở 32 môn thể thao. Kết quả, Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 với 33 HCV, 35
HCB và 64 HCĐ.
- Đại hội Thể thao Đông Nam á năm 2003 là SEA Games lần thứ 22
14
được tổ chức tại Việt Nam từ 5 đến 13 tháng 12, 2003. Đây là lần đầu tiên
Việt Nam đăng cai SEA Games, Lễ khai mạc SEA Games diễn ra tại sân vận
động quốc gia Mỹ Đình ở Thủ đô Hà Nội. Có 11 quốc gia tham dự thi đấu 32
môn thể thao. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 22 với con số
kỷ lục gồm 39 cán bộ và 966 vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia,
lãnh đội. Kết quả thi đấu Việt nam giành 158 HCV, 97 HCB và 91 HCĐ xếp
thứ nhất toàn đoàn. Đây là số lượng huy chương kỷ lục nhất mà Việt Nam
giành được trong các lần tham dự SEA Games
- SEA Games lần thứ 23 được tổ chức tại Philippines từ 27 tháng 11
đến 5 tháng 12 năm 2005, có 5336 VĐV đến từ 11 quốc gia trong khu vực, thi
đấu 42 môn thể thao trong đại hội. Kết quả đoàn Việt nam xếp thứ 3 với 71
HCV, 68 HCB, 89 HCĐ.
- Đại hội Thể thao Đông Nam á 2007 hay SEA Games lần thứ 24 tổ
chức ở thành phố Nakhon Ratchasima, Thái Lan từ ngày 6 tháng 12 đến 16
tháng 12 năm 2007. Đại hội Thể thao Đông Nam á 2007 thi đấu 43 môn thể
thao, tranh 485 bộ huy chương với 11 quốc gia tham dự. Kết quả đoàn thể
thao Việt nam giành được 204 huy chương các loại tiếp tục xếp thứ 3 toàn
đoàn. Dự kiến đến SEA Games 25 (năm 2009) sẽ được tổ chức tại Thủ đô
Viêng chăn của Lào.
( Nguồn từ Website Uỷ ban Olympic Việt nam)
*Ngày Thể thao Việt nam 27-3
Ngày 29/1/1991 nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ngành TDTT,
Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết
định số 25/CT chính thức lấy ngày 27/3 làm "Ngày thể thao Việt Nam".
“Ngày Thể thao Việt nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp
nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể
thao lành mạnh.
5. Chức năng và tác dụng giáo dục của TDTT
5.1. Chức năng:
* Chức năng xã hội của TDTT
Các quốc gia trên thế giới mặc dù khác nhau về thể chế chính trị, hình

15
thức tôn giáo và tín ngưỡng nhưng tất cả đều rất coi trọng tác dụng giáo dục
của TDTT. Quan hệ tác động của TDTT với xã hội được coi như một hệ
thống các mối quan hệ gồm chính trị, kinh tế, văn hoá. Hệ thống chính trị quy
định và điều khiển toàn bộ hoạt động xã hội có mục đích lợi ích giai cấp rõ
ràng trong xã hội có giai cấp. TDTT cũng như các thiết chế tổ chức của hệ
thống khác trong kết cấu xã hội luôn luôn mang hệ tư tưởng, ý thức chính trị
của giai cấp chủ đạo trong xã hội.
Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, mối quan hệ giữa TDTT
với xã hội ngày càng chặt chẽ. TDTT như "xã hội thu nhỏ" bởi vì TDTT gắn
bó và phản ánh các loại hiện trạng những biến động xã hội, phân tầng xã hội.
Những quan hệ con người về ý thức, tư duy, đạo đức, tâm lý, hành vi… đều
phản ánh vào hoạt động thể dục thể thao, ngược lại TDTT tác động rất rõ rệt
tới các nhân tố con người và xã hội theo hướng phát triển. Nhưng hoạt động
TDTT cũng không tránh khỏi nạn hooligân, doping, vũ lực, mánh khoé xảo
quyệt… và TDTT là hoạt động có sức cuốn hút rộng lớn người hâm mộ, hàng
triệu và chục triệu con người trên thế giới. Trên khán đài thể thao dễ dàng là
"điểm nóng" của xã hội. Nếu tổ chức tốt thì thể thao là nhân tố tích cực đối
với phát triển xã hội, nếu những hành vi phi đạo đức xảy ra mà không có biện
pháp ngăn chặn kịp thời thì có ảnh hưởng xấu tới an ninh xã hội. Việc phát
triển TDTT sâu rộng trong quần chúng nhân dân, và cân đối giữa thể thao
quần chúng với thể thao thành tích cao trong các mặt kinh tế - văn hoá - xã
hội là đảm bảo cho TDTT phát huy tính tích cực đối với xã hội. Cần từng
bước mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế, và Việt Nam phải có vị trí trong các
tổ chức quốc tế về thể thao. Xã hội phát triển lành mạnh có vai trò của thể dục
thể thao. Xã hội phát triển lành mạnh sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho
TDTT phát triển nhanh, hoà nhập một cách hiệu quả vào phong trào thể thao
thế giới và khu vực.
* Chức năng rèn luyện sức khoẻ :
Khoa học và thực tiễn đã chứng minh, tập luyện thể thao là phương pháp
có hiệu quả nhất, tích cực nhất trong việc nâng cao sức khoẻ, tăng cường thể
chất .
16
Chức năng rèn luyện sức khoẻ của TDTT đó là thông qua các hoạt động
vận động khoa học, hợp lý, thông qua cơ chế sinh học, y học để cải thiện và
nâng cao hiệu quả quá trình trao đổi chất, năng lực tổng hợp và phân giải các
chất dinh dưỡng trong cơ thể, nâng cao sức khoẻ và tăng cường thể chất, làm
cho cơ thể và bản thân người tập có được sự phát triển hiệu quả.
* Chức năng giải trí :
Từ xa xưa, con người đã nhận thức và tận dụng được chức năng giải trí
của TDTT làm công cụ vui chơi giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc, vất
vả, mặt khác TDTT được sử dụng như món ăn tinh thần . VD : Môn thể thao
câu cá, các trò chơi vận động, các hình thức biểu diễn thể thao … . Ngày nay
trong thời đại công nghiệp hoá, đô thị hoá phát triển với tốc độ nhanh đã có
ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần gây nhiều loại
bệnh có tính thời đại nên giải trí bằng TDTT là biện pháp tích cực hiệu quả
nhất.
*Chức năng quân sự :
Trong quá trình đấu tranh sinh tồn và bảo vệ quyền lợi của các bộ lạc, bộ
tộc, quốc gia … TDTT đã trở thành những bộ phận không thể thiếu trong việc
huấn luyện thể lực, kỹ năng chiến đấu cho các binh sĩ. Để có thể giành được
thắng lợi cho các cuộc chiến tranh, các binh sỹ bắt buộc phải được huấn luyện
thành thục các kỹ năng như chạy, nhảy, bơi lội… Từ đó chức năng phục vụ
quân sự của TDTT ra đời.
Trong xã hội hiện đại, sự phát triển của các binh khí với các tính năng
hiện đại nên đòi hỏi các chiến sỹ phải có sức khoẻ và tinh thần thật tốt .Việc
tiến hành tập luyện toàn diện về mặt thể lực và các kỹ năng tố chất vận động
như sức nhanh, sức mạnh, sức bền…trở thành vấn đề hết sức quan trọng mà
TDTT có ý nghĩa đặc biệt trong việc đáp ứng nhu cầu trên.
* Chức năng kinh tế :
Những người thường xuyên luyện tâp TDTT thường có tố chất thể lực
tốt và ít bênh tật, nhờ vậy mà khả năng hoạt động của họ sẽ tốt hơn. Khi có
sức khoẻ, tố chất thể lực cường tráng cộng với kỹ thuật thành thạo thì sản
phẩm làm ra trong mỗi đơn vị thời gian sẽ nhiều hơn nên hiệu suất lao động
17
của họ sẽ cao hơn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ở các nước phương Tây đã
nhận thức được rằng : “ Tiền chi cho nhân viên tập luyện TDTT còn ít hơn so
với những tổn thất do nhân viên làm việc thiếu chuyên cần và những trở ngại
do sức khoẻ gây nên ”. Điều này đã thể hiện chức năng kinh tế ban đầu của
thể dục thể thao.
Ngoài ra lĩnh vực TDTT thành tích cao và các ngành kinh tế thương mại
du lịch … có mối quan hệ với nhau hết sức mật thiết. Một cuộc thi đấu thể
thao được tổ chức ở một địa điểm nào đó sẽ kéo theo hàng loạt các dịch vụ
khác như : Du lịch, thương mại, thông tin và các dịch vụ khác phát triển.
* Chức năng chính trị :
Cùng với văn hoá nghệ thuật, TDTT đóng một vai trò hết sức quan trọng
trong việc đặt nền móng cho các mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia. Nó
thể hiện thông qua việc tiến hành thi đấu giao hữu giữa các môn thể thao để
làm tiền đề cho các đoàn ngoại giao làm việc và hợp tác.
Trong các cuộc thi đấu quốc tế, khi vận động viên của nước nào giành được
chức vô địch thì là cờ của quốc gia đó được kéo lên cao nhất và quốc ca của
nước đó được cử hành, vinh quang và ý nghĩa về mặt chính trị này chỉ có thể có
được khi các vận động viên thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc.
5.2. Tác dụng giáo dục của TDTT
Muốn xác định mục đích và nhiệm vụ của TDTT, cần nghiên cứu mối
quan hệ của TDTT với các mặt giáo dục khác. TDTT không những chỉ giải
quyết nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thiện thể chất mà còn có tác dụng tích cực
thúc đẩy các mặt giáo dục khác phát triển. Giữa các mặt giáo dục bao giờ
cũng có mối quan hệ biện chứng, song trong nội dung của phần này chúng tôi
chỉ đề cập tới tác dụng của TDTT đối với các mặt giáo dục khác như: đức,
trí, mỹ học ngay trong hoạt động TDTT.
* TDTT với giáo dục đạo đức
Nội dung của giáo dục đạo đức rất rộng, nó bao gồm trình độ giác ngộ
về các hành vi phẩm chất cụ thể, trình độ giác ngộ về tư tưởng, chính trị, về
tác phong và nếp sống của con người.
Tác dụng của TDTT đối với đức dục được thể hiện;
18
- Thông qua tập luyện TDTT giúp cho con người nhận thức sâu sắc về
bản chất chân chính của TDTT là mang lại sức khỏe cho người lao động để
tham gia vào các hoạt động xã hội như lao động sản xuất, học tập và khi cần
thì chiến đấu bảo vệ tổ quốc, sống một cuộc sống vui tươi lành mạnh, làm cho
đời sống tinh thần thêm phong phú.
- Ngoài ra, quá trình tập luyện TDTT còn là quá trình hình thành, phát
triển và thử thách nhiều phẩm chất tốt đẹp như:
+ Có ý thức tổ chức kỷ luật trong các buổi tập luyện.
+ Có ý chí vượt gian khổ. Quá trình tập luyện TDTT để hoàn thiện thể
chất là giúp cho con người có ý chí, rèn luyện tinh thần dũng cảm, linh hoạt,
mưu trí. Những phẩm chất đó rất cần cho con người lao động mới năng động
và sáng tạo.
+ Tạo ra sự thống nhất giữa quyền lợi cá nhân và tập thể trong tập luyện,
đặc biệt là trong thi đấu. Trong khi tập, người tập phải tự chủ, phải phối hợp
chặt chẽ kỹ thuật và chiến thuật cá nhân với đồng đội thì mới có thể giành
được thành tích cao cho tập thể và bản thân.
+ Thông qua tập luyện và thi đấu biểu diễn TDTT làm tăng cường tinh
thần đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các tập thể, các địa phương,
các dân tộc và bản thân mỗi người.
* TDTT đối với hoạt động trí tuệ
Cơ thể con người là một khối thống nhất. Trí lực và thể lực đều do hệ
thần kinh trung ương điều khiển. Khoa học về sinh lý và tâm lý người đã
khẳng định: Một cơ thể khoẻ mạnh là tiền đề vật chất giúp cho con người phát
triển năng lực hoạt động trí óc của mình.
TDTT tác dụng trước hết đến sự phát triển các chức năng của vỏ não,
đến sự linh hoạt của thần kinh, và sự hoàn thiện của bộ máy phân tích.
TDTT có tác dụng rất lớn trong việc kéo dài năng lực lao động trí óc của
con người. Nhờ rèn luyện thân thể và vệ sinh phòng bệnh tốt, trẻ em sớm phát
huy được năng lực nhận thức của mình như tiến bộ nhanh về ngôn ngữ, biểu
hiện sớm năng khiếu… Mặt khác, TDTT còn tạo điều kiện cho những người
cao tuổi duy trì được bộ óc minh mẫn, sáng suốt, kéo dài tuổi thọ của hoạt
19
động nhận thức.
TDTT có tác dụng to lớn đến việc nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức
khoa học cho thế hệ trẻ. Chính nhờ tham gia hoạt động TDTT mà sinh viên
củng cố và mở rộng được những kiến thức khoa học phổ thông đã được học
như: Sinh lý, giải phẫu, sinh vật học, vật lý, toán học… Nhờ vậy, kiến thức
văn hoá và khoa học được củng cố và phong phú thêm, được vận dụng vào
thực tiễn.
Ngoài ra, nhờ tham gia hoạt động TDTT mà người tập hiểu sâu hơn về
cơ thể con người, về vệ sinh tập luyện, về phương pháp rèn luyện thân thể,
hiểu rõ và biết thưởng thức nghệ thuật TDTT. TDTT còn là bài học sinh động
về tự nhiên và xã hội cho con người, thông qua những buổi hành quân cắm
trại, các trò chơi, những buổi tham quan hoặc trực tiếp tham gia thi đấu…
* TDTT đối với thẩm mỹ
TDTT là phương tiện góp phần tích cực vào việc giáo dục thẩm mỹ cho
sinh viên:
- Trước hết, TDTT làm cho sinh viên nhận thức đúng đắn và có tình
cảm đối với những hành vi, cử chỉ đẹp, lành mạnh của con người. Đó là cái
đẹp của hành vi dũng cảm, ý chí kiên cường vượt mọi khó khăn trong tập
luyện và trong thi đấu, hoặc những hành vi tự giác nhận lỗi khi vi phạm các
nguyên tắc thao trường, cái đẹp về tư tưởng, tình cảm lành mạnh của con
người, biết gắn trách nhiệm của cá nhân vào sự nghiệp chung của đất nước.
- Tập luyện TDTT thường xuyên sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên của
con người. TDTT sẽ làm cho cơ thể phát triển cân đối, tư thế đi, đứng chính
xác, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, tinh thần sảng khoái…
- TDTT đã tạo điều kiện cho sinh viên biết thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ
của thiên nhiên, đất nước, thấy được cái đẹp muôn hình muôn vẻ của hoạt
động lao động sản xuất của một xã hội trong các công trường, nhà máy, đồng
quê… thông qua hoạt động TDTT ở ngoài trời, du lịch, tham quan, cắm trại…
- Ngoài ra, hoạt động TDTT còn hàm chứa nhiều yếu tố nghệ thuật như
các động tác của vận động viên trên sân cỏ, trên dụng cụ khi đã đạt đến trình
độ điêu luyện. Các môn thể dục tự do, thể dục nghệ thuật là những môn thi
20
đấu vừa khỏe vừa đẹp, đặc biệt là thể dục đồng diễn được coi là môn nghệ
thuật tổng hợp.
*TDTT đối với lao động
Nhiệm vụ tổng quát của giáo dục lao động là giáo dục thái độ và niềm
tin đúng đắn đối với mọi loại hình lao động (trí óc, chân tay, nghề nghiệp…).
Hình thành tâm lý (sẵn sàng) tham gia mọi hoạt động xã hội. Bồi dưỡng cho
sinh viên có kiến thức, kỹ năng thích hợp với điều kiện phát triển của xã hội.
TDTT ảnh hưởng đến lao động sản xuất được thể hiện trong khuynh
hướng cơ bản của nó: chuẩn bị thể lực chung và chuẩn bị thể lực nghề nghiệp.
Nhờ tập luyện TDTT mà nâng cao thể lực toàn diện, hình thành kỹ năng, kỹ
xảo vận động cơ bản nhằm giúp cho con người thích ứng nhanh chóng với các
điều kiện lao động phức tạp như rèn sức bền để lao động được lâu dài, rèn sức
nhanh để sản xuất được nhiều và nhanh chóng, rèn sức mạnh để đảm nhận
những công việc nặng nhọc, rèn đôi tay khéo léo để thao tác được chính xác,
luyện cho thần kinh vững chắc để chịu đựng được áp lực công việc với công
nghệ sản xuất hiện đại hoá…
Nhiệm vụ chủ yếu của TDTT là mang lại sức khỏe và làm phong phú đời
sống văn hoá và giáo dục cho con người. Từ đó sẽ có tác dụng và nâng cao
năng suất lao động, kéo dài tuổi thọ sáng tạo của người lao động.

21

You might also like