You are on page 1of 16

VỀ VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI PHÁP

Ths Nguyễn Thúy Loan


Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp
ĐHNN-ĐHQGHN
1. Sự cần thiết phải dạy và học văn hóa ứng xử của người Pháp
trong dạy và học tiếng Pháp và văn hóa Pháp
Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng lớn, liên quan đến mọi mặt của
cuộc sống con người và do vậy để tìm ra được một định nghĩa về văn hóa
không phải là một việc làm đơn giản. Theo UNESCO Văn hóa được đề cập
đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và
xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng,
ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống
giá trị truyền thống và đức tin.
Ngôn ngữ và văn hóa liên kết chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất. Vì
thế không thể dạy ngoại ngữ mà không dạy văn hóa của cộng đồng ngôn ngữ
đó. Trong khối kiến thức văn hóa rộng lớn đó, phong tục, tập quán, văn hóa
ứng xử từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những nội dung được đặc biệt
quan tâm nghiên cứu cùng với việc dạy và học ngoại ngữ. Dạy ngoại ngữ
không còn đơn thuần chỉ dạy một hệ thống các tín hiệu mang tính cấu trúc của
ngôn ngữ đó nữa mà phải là dạy ngôn ngữ giao tiếp. Một trong những bình diện
chi phối trực tiếp đến hành vi ngôn ngữ là văn hóa ứng xử của cộng đồng ngôn
ngữ đích. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một số nhận xét
về văn hóa ứng xử của người Pháp trong một số tình huống thường gặp trong
cuộc sống.

2. Một số nhận xét về ứng xử của người Pháp.


- Nguyên tắc cơ bản trong phép xã giao của người Pháp
Cũng như mọi dân tộc trên thế giới, người Pháp có một số các luật lệ qui ước
qui định cách ứng xử của mỗi người trong xã hội. Những luật lệ này tạo nên cái
mà người ta gọi là phép lịch sự, xử thế, cách sống cách đối xử trong xã hội. Nó
khiến cho các mối quan hệ cá nhân được dễ dàng hơn và góp phần tạo nên sự
hài hòa cho xã hội. Trên cơ sở đó, nó xác định cái mà người ta được phép hay
bị cấm trong mọi tình huống, nghĩa vụ của mỗi người đối với các đẳng cấp
trong xã hội, giữa nam giới và nữ giới. Thông thường, người ta có thể định vị
một cá thể so với chuẩn mực: không biết hay biết một số qui định thực ra phản
ánh một sự thiếu hụt trong giáo dục hay ngược lại những phẩm chất của con
người.
Với người Pháp, phải tôn trọng giờ giấc bởi vì sự đúng giờ là một biểu hiện căn
bản của phép lịch sự. Nếu một ai đó hẹn bạn ở trên phố hay một nơi công cộng
vào một giờ cụ thể, bạn nên đến đúng giờ, thời gian muộn tối đa có thể được
tha thứ là 5 phút. Nếu là một cuộc hẹn mang tính chất công việc, hay cuộc hẹn
khám bệnh với bác sĩ hay với nha sĩ, nên đến sớm trước 5 hay 10 phút.Việc đến
muộn luôn bị xem là bất lịch sự. Ở Pháp, người ta không gọi điện thoại vào
sáng sớm và đêm khuya nếu không có việc cấp bách.
Khạc nhổ ngoài đường là tối kỵ. Ợ thành tiếng ở nơi công cộng bị xem là rất
mất lịch sự. Ngáp mà không lấy tay che miệng, hỉ mũi hay hắt xì hơi thành
tiếng cũng là những cách ứng xử bị xem là rất xấu. Người ta không nhìn chòng
chọc vào người khác bởi nhìn trừng trừng soi mói một người nào đó bị coi là
rất mất lịch sự. Nói oang oang với người đi cùng mình hay trong điện thoại là
một cách xử thế phản cảm. Trước một dòng người chờ đợi, phải xếp hàng như
mọi người, những người tự cho phép mình vượt lên người khác hay đến thẳng
quầy giải quyết công việc của mình sẽ bị những ánh mắt nhìn khiển trách hay
la mắng.
Nói câu « xin chào », « cảm ơn “, xin lỗi, làm nhẹ đi một lời chê trách hay một
yêu sách bằng một nụ cười, giữ cửa, nhường chỗ, nhường lối cho một người
lớn tuổi hay người tàn tật: những lời nói nhẹ nhàng, những cử chỉ nho nhỏ ấy
không thể thiếu trong mọi tình huống, ở nơi đông người cũng như những chốn
riêng tư, trên đường phố, trong cửa hàng hay trong phòng khách. Những lời nói
và cử chỉ ấy dược học từ khi còn nhỏ tuổi. Với người Pháp, nếu không có
những lời lẽ cử chỉ ấy, tất cả mọi sự tinh tế trong xử thế chỉ là sự giả tạo.

- Ứng xử trong gia đình


Hiện nay có nhiều định nghĩa về gia đình trong xã hội Pháp. Người Pháp phân
biệt khái niệm về gia đình truyền thống và gia đình hiện đại như gia đình mà vợ
hoăc chồng hoăc cả hai tái hôn, gia đình chỉ có bố hoặc mẹ và con cái, các kiểu
chung sống tự do…Gia đình không phải là chốn lúc nào cũng hòa thuận hoàn
hảo. Tuy vậy, người ta luôn tìm mọi cách để những mối quan hệ gia đình được
dễ chịu.
Đối với người Pháp, cơ sở của sự hòa hợp êm thấm trong gia đình là tình
thương, sự tin tưởng, sự thống nhất, sự tôn trọng và sự lạc quan. Con cái ai
cũng có lúc xử sự không phải, cha mẹ nào cũng có lúc mắc sai lầm. Cuộc sống
gia đình có những nguyên tắc của nó.
Nguyên tắc đầu tiên để chung sống hòa bình là tạo ra một khung cảnh sống hài
hòa và tiện lợi. Để đáp ứng sở thích sạch.sẽ, thân thiết, nhiệt thành, mọi người
trong gia đình luân phiên nhau làm các công việc nhà như đổ gạt tàn thuốc lá,
lau chùi nhà cửa đồ đạc, làm cơm, rửa bát, là quần áo…Mọi người đều phải
tôn trọng không gian tình cảm thân mật. Không ai được để đồ dùng cá nhân
nhiều ngày liền trên bàn, trên ghế dù cho đó có là sách vở, đồ chơi hay quần áo
cũng vậy.
Phải tôn trọng giờ giấc các bữa ăn. Về muộn hay không về được, hay mời một
người bạn đến nhà không định trước đều phải gọi điện báo. Mượn đồ dùng cá
nhân của người khác rồi không trả lại, chiếm dụng phương tiện thông tin, lạm
dụng nhà tắm vào giờ mà ai cũng vội là những hành vi phải tránh. Bóc niêm
phong báo trước chủ nhân của nó, đọc thiếp chúc mừng và thư tín của người
khác là những việc làm không đúng.
Một trong những điều kiện không thể thiếu đối với sự hòa hợp trong gia đình
là mỗi người ai cũng có quyền có không gian riêng. Đối với các bậc cha mẹ,
cần phải có một khoảng riêng mà con cái không được vào, không bao giờ được
lấy con cái ra làm nhân chứng khi có xung đột nghiêm trọng.
Theo phép lịch sự phải gõ cửa trước khi vào phòng. Con cái không tự tiện xông
vào phòng bố mẹ. Bố mẹ tôn trọng góc riêng của các con. Các phép tắc lịch sự
được dạy và học vào bữa ăn.
Ngày nay, người ta học khuôn phép và học nhân nhượng tha thứ. Ứng xử khi
mắc lỗi là việc thường trong cuộc sống hàng ngày. Khi cha mẹ tiếp hay đến
thăm bạn bè, họ không bắt con cái phải theo trừ khi yêu cầu cần thiết phải thế .
Họ không nói nhiều về ưu điểm của con cái với khách. Bây giờ không còn cái
thời mang theo con cái đi ăn tiệc nếu không được mời.

- Ứng xử với hàng xóm


Đối với người Pháp, hàng xóm là những người hết sức quan trọng trong cuộc
sống, nhất là khi họ muốn sống bình yên. Vì vậy nên biết một số quy tắc để
sống hoà hợp với họ, đặc biệt khi người ta sống ở thành phố trong một toà nhà
có nhiều căn hộ.
Tất cả những người sống ở chung cư thường phải biết và tuân thủ những quy
định về sở hữu chung được treo ở sảnh lớn. Chào hỏi, mỉm cười trao đổi vài
câu khi gặp nhau ở không gian chung là những trao đổi không thể thiếu khi
cùng sống trong một chung cư. Mỗi người cần phải để ý không làm phiền
những người xung quanh. Người ta hạn chế hết mức có thể những âm thanh
gây phiền nhiễu . Người ta giảm âm lượng vô tuyến, đài, dàn âm thanh nhất là
vào buổi tối và cũng dừng mọi hoạt động gây ồn ào vào sáng sớm hoặc tối
đêm. Đi đi lại lại trong nhà trên đôi giầy gót nhọn vào những giờ cấm kỵ, mở
cửa nhà hay cầu thang máy ken két, tỏ ra thiếu nhã nhặn ở những nơi là không
gian chung, hút thuốc trong thang máy, đứng ở bậc thềm hay trước nhà người
gác cổng nói oang oang, để trẻ con chơi đùa ầm ĩ, cứ đến giờ dùng bữa thì xuất
hiện bất thình lình ở nhà hàng xóm, đậu xe vào chỗ của nhà họ, vứt rác nhà
mình vào thùng rác của họ là những cư xử nên tránh.
Một người hàng xóm nhã nhặn lịch sự luôn báo trước cho hàng xóm, có khi
cho cả cảnh sát khu vực việc mình tổ chức dạ tiệc hay làm những công việc gây
tiếng ồn bằng một lời nhắn hay một cuộc điện thoại, và luôn xin lỗi vì tiếng ồn
và sự phiền hà mà mình đã gây ra. Anh ta không bao giờ yêu cầu người khác
phải làm gì cho mình.
Để giải quyết cãi cọ giữa hàng xóm với nhau, người ta bình tĩnh nói một cách
rõ ràng với hàng xóm của mình những điều làm mình không hài lòng và yêu
cầu được thảo luận để tìm ra giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người. Nếu
những điểm bất đồng vẫn còn, người ta đề nghị một cách nhã nhặn hàng xóm
đến tận nơi chứng kiến những tác hại mà người ta phải gánh chịu đồng thời hỏi
nguyên do vì đâu mà những tác hại này lại xảy ra. Đối với người Pháp, việc
phải nhờ đến người thứ ba hoà giải được xem như giải pháp cuối cùng bằng
con đường hoà bình. Nếu bất chấp mọi cố gắng của mình, xung đột láng giềng
vẫn không chấm dứt, người ta sẽ khiếu nại đến cảnh sát hay toà thị chính. Tuy
vậy, khó mà có được sự can thiệp của cảnh sát. Thực ra, luật hình sự chỉ phạt
một số ứng xử liên quan đến các vụ tranh chấp giữa láng giềng với nhau.
Theo lệ thường, người Pháp không thân thiện lắm với hàng xóm, không bắt họ
kể về cuộc sống của họ. Người ta cũng không kể chuyện nhà mình với hàng
xóm mà luôn luôn canh giữ vườn cây bí mật của mình.

- Ứng xử nơi công cộng


Để tránh xung đột và làm cho hoạt động nơi công cộng dễ chịu hết sức có thể,
người Pháp có một số nguyên tắc. Nói chung, ở nơi công cộng người ta tránh
tóp tép nhai kẹo cao su, cắt móng tay, móng chân, chải đầu, ngoáy mũi, ngoáy
tai, ngáp, vươn vai, duỗi chân, duỗi tay, nói to …
Trên thang bộ, người Pháp dể phụ nữ và người cao tuổi đi bên có tay vịn. Đàn
ông luôn phải để cho phụ nữ lên trước và mình xuống thang trước để có thể hỗ
trợ trong trường hợp trượt ngã. Trong thang máy, người ta phải biết chờ đến
lượt mình và để cho người già, phụ nữ và trẻ nhỏ lên trước. Trước khi bấm vào
nút nào đó, người lịch sự thường hỏi mọi người xem họ đến tầng nào.
Trên đường phố, phải bước đều chân, đi theo dòng người qua lại, vượt lên
trước ở bên trái. Thông thường người ta đi bộ trên vỉa hè bên phải sao cho
không vướng vào những người đi theo chiều ngược lại. Khi một người đàn ông
đi cùng một người già, một phụ nữ hay một đứa trẻ, anh ta đi ở phía sát lòng
đường. Theo nguyên tắc phải qua đường trên lối đi dành cho người đi bộ. Xô
đẩy người khác, ra đường mà trên đầu còn quấn lô, đi dép trong nhà, mặc đồ
trong nhà, đột ngột quay phắt lại, vung vảy ô, gậy chống, nói chuyện ầm ĩ là
những hành vi bị chê trách.
Trên phương tiện giao thông công cộng, người ta để những người ở trên xe
buýt hoặc trên tàu xuống trước rồi mới lên. Một khi đã lên xe, lên tầu người ta
không đứng ở cửa mà vào phía trong để có lối qua lại. Thường thường, ghế
trên đầu ngay phía sau người lái xe là chỗ dành cho những người đi lại khó
khăn. Cần dẹp túi quá to để khỏi vướng cho người khác và nhường chỗ cho
người có tuổi, người tàn tật và các bà mẹ có con nhỏ. Ở Pháp, không được
giăng tờ báo của mình trước mặt người ngồi cạnh cũng như không đọc nhật báo
và thư qua vai người ngồi cạnh.
Ở rạp chiếu phim, nhà hát, phòng hòa nhạc hay nơi tổ chức các sự kiện văn hóa
khác, phép lịch sự đầu tiên đối với các khán giả cũng như các nghệ sĩ là sự
đúng giờ. Những cái mũ dềnh dàng, những câu chuyện không dứt với người
ngồi cạnh, bập bênh ghế là những cử chỉ thiếu tôn trọng. Người ta không bình
luận trong khi vở kịch đang được trình diễn vì điều đó làm ảnh hưởng đến các
khán giả khác. Người ta vỗ tay hoan hô các nghệ sĩ khi vở diễn kết thúc. Khi đi
đông người, hai nam giới ngồi mỗi người một đầu.

- Ứng xử nơi làm việc


Phép tắc nơi công sở hầu như cũng giống với phép lịch sự xã giao trong cuộc
sống hàng ngày. Nhưng nó có một vài tế nhị nhất là về mối quan hệ trên dưới,
cách xưng hô với cấp trên hoặc cấp dưới. Để thành công trong sự nghiệp hay
làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người Pháp thường chú tâm kết hợp
năng lực làm việc hiệu quả với phong cách ứng xử tốt.
Người ta đứng dậy mỗi khi có người vào phòng làm việc, giới thiệu khi giao
tiếp, đúng giờ, giữ khí chất dễ chịu, ăn mặc nghiêm túc, cảm ơn và xin lỗi đúng
lúc, bởi đó là cái sơ đẳng trong ứng xử trong các văn phòng của người Pháp.
Đối với người Pháp, giám đốc là người tạo bầu không khí cho doanh nghiệp.
Với họ, chức năng lãnh đạo trong một doanh nghiệp đòi hỏi không chỉ năng lực
chuyên môn mà cả các tố chất trong quan hệ ứng xử. Ngoài năng động, niềm
nở nhiệt tình, một người phụ trách còn phải biết truyền đạt ý tưởng của mình,
ra lệnh mà không có vẻ độc tài, biết tươi cười với các nhân viên, quan tâm đến
hoạt động chuyên môn cũng như cuộc sống cá nhân của mọi người mà không
được cho phép mình thân mật quá với họ, cảm ơn họ khi họ hoàn thành công
việc. Đó là những gì cho phép người lãnh đạo công ty tạo dựng một không khí
dễ chịu nơi công sở. Dù có chuyện gì đi nữa thì người lãnh đạo luôn phải giữ
bình tĩnh, không quát nạt, có những lời giải thích rõ ràng. Đưa ra những lời
bình phẩm có tính chất miệt thị công việc của một nhân viên nhất là trước mặt
các đồng nghiệp của anh ta, quyết định các cuộc họp ngay trước ngày nghỉ cuối
tuần, tổ chức liên miên các cuộc họp kết thúc muộn là những sai lầm của người
phụ trách, khiến anh ta mất điểm đối với các nhân viên của mình.

Để được nhìn nhận đánh giá tốt, các nhân viên văn phòng không những phải tỏ
ra có hiệu quả trong công việc mà còn phải biết xử sự đúng phép với những
người quản lý mình và đồng nghiệp của mình. Tuân thủ chức bậc trong văn
phòng, tôn trọng những người làm những công việc có vị thế thấp, tham gia
vào sinh hoạt tâp thể của phòng vào các dịp hội thảo, sinh nhật, liên hoan chia
tay một đồng nghiệp, tránh xa những người kể chuyện phiếm mang tính nước
đôi đó là những cách xử sự được giới văn phòng ở Pháp trân trọng. Nói chung,
người ta không gây ồn trong phòng làm việc cũng như ngoài hành lang. Nếu
phải làm việc trong một không gian chung, người ta chỉnh chuông điện thoại
nhỏ đi, người ta không nói quá to trong điện thoại không rập máy mạnh. Chất
từng chồng tài liệu cái nọ trên cái kia trong khi lẽ ra chỉ giữ trước mặt mình
những tài liệu mình đang làm, lạm dụng máy chụp tài liệu, điện thoại hoặc
dùng mạng của văn phòng vào mục đích cá nhân, để điện thoại đổ chuông
trong cuộc họp, cắt ngang lời người đang nói mà không một lời xin lỗi là những
cách ứng xử bị đánh giá là không hay.
Trong trường hợp có xung đột với người phụ trách, người ta thể hiện ý nguyện
muốn giải quyết vấn đề mà không nói lại với các đồng nghiệp khác. Dù là
chuyện gì đi nữa thì nhân viên vẫn là người đưa ra ý kiến trước khi cần tìm giải
pháp cho xung đột. Anh ta cũng có thể nhờ một luật sư chuyên về lĩnh vực này
cho lời khuyên và đến thương lượng về mức bồi thường cho việc rời nhiệm sở.

- Phép lịch sự trong cuộc sống hàng ngày


Trên bàn ăn
Phép xã giao lịch sự của mỗi người được đánh giá qua cách ứng xử của người
đó trên bàn ăn. Ứng xử đúng mực trên bàn ăn là phép lịch sự tối thiểu. Nhưng
cũng nên biết rằng cái bị xem là mất lịch sự ở Pháp thì có khi ngược lại ở một
đất nước khác lại là rất tao nhã. Vậy phải ứng xử ra sao để ở Pháp không bị
xem là vụng về ? Đây là một vài qui tắc cơ bản cần phải biết và tuân thủ.

Thường thì bà chủ nhà xếp bàn ăn cho khách mời. Moi người ngồi ngay ngắn
trên ghế, tựa nhẹ vào lưng ghế. Bàn tay để hai bên đĩa ăn. Chống khuỷu tay lên
bàn, mạnh tay, để phát ra tiếng khi ăn uống là những cách cư xử bị xem là thiếu
văn hóa.
Mở khăn ăn hướng dọc theo người trải lên hai đầu gối. Ngày nay, người Pháp
lịch sự không quấn khăn ăn quanh cổ. Trong khi ăn, mỗi khi uống và sau khi ăn
vài ba miếng người ta cầm khăn lau miệng bằng hai tay. Cuối bữa, nếu là bữa
ăn trong gia đình, người ta gấp một góc khăn, nếu là khách mời người ta tung
khăn ra để bên phải đĩa ăn.
Người ta uống sau khi đã ăn một chút gì đó. Theo thông lệ, người Pháp không
cạn cốc một hơi, không ngửa cổ ra sau khi uống, không bao giờ để một phụ nữ
rót rượu. Người ta không đặt tay lên miệng cốc để từ chối không uống rượu.
Nếu một vị khách mời không muốn được tiếp rượu nữa, anh ta dừng, khi cốc
rượu còn khoảng một phần tư và ngăn người rót rượu bằng một cái khoát tay tế
nhị phía trên cốc.
Không nói chuyện khi miệng đầy thức ăn. Ngậm miệng khi nhai. Không thổi
bát súp để cho nó nguội. Không dùng dao ăn để cắt xà lách, trứng rán, không
chỉ vật nào đó hay ai dó bằng dao, không dùng dao đưa thức ăn thẳng vào
miệng. Không cắt bánh mỳ bằng dao mà bẻ bánh bằng tay.
Ăn không phải là nhai ngấu nghiến, theo phép lịch sự, khách mời phải theo tiến
độ chung của mọi người, Người ta gợi chuyện nói với những người ngồi cạnh,
về mọi chủ đề, không tai hại gì, tránh các chủ đề mang tính chất riêng tư,
không ngắt lời người khác. Đối với việc lấy đồ ăn, tốt nhất là lấy phần thức ăn
ở ngay trước mình, không chọn lựa, không chần chừ, không xoay đĩa về phía
mình. Không bao giờ người ta nghiêng đĩa để xúc đến thìa thức ăn cuối cùng.
Người ta cũng không để cốc của mình còn đầy nguyên hay còn lưng cốc khi rời
khỏi bàn ăn. Khi ăn xong, người ta để dao, dĩa lên đĩa, phần mũi nhọn quay
xuống dưới, tránh để chồng chéo lên nhau, không gấp khăn ăn lại vì làm như
thế có nghĩa là người ăn ăn chưa xong, còn ăn tiếp.

Khi hút thuốc lá


Trong đời sống xã hội ở Pháp, có những cách ứng xử được cho phép, được tha
thứ nhưng cũng có những cách xử sự bị cấm hoàn toàn. Hút thuốc, không hút
thuốc trong cộng đồng, câu hỏi luôn được đặt ra trong cuộc sống hàng ngày đã
trở thành bài kiểm tra phép xã giao lịch thiệp của người Pháp.
Nguyên tắc tối thiểu đầu tiên đó là tôn trọng mọi người xung quanh. Trước khi
hút thuốc, người hút thường xem có chắc họ đang ở một nơi được phép hút
thuốc không và xin phép những người xung quanh. Theo phong tục của người
Pháp, người ta không hút thuốc trong buồng bệnh nhân, nơi thờ cúng, ngoài
nghĩa trang. Theo qui tắc chung, người ta cũng không hút thuốc trong khi ăn
uống. Thỉnh thoảng trong bữa ăn thân mật, khoảng thời gian giữa lúc dùng pho
mát và tráng miệng một số người có hút thuốc. Tuy nhiên, phải chờ khi được
phép người ta mới hút. Người hút thuốc thường tránh phả khói thuốc vào
người ngồi cạnh, họ không để điếu thuốc cháy dần trên gạt tàn, không hút xì gà
hoặc dùng tẩu thuốc lá ở nơi công cộng hay trong buổi tiếp khách riêng vì mùi
thuốc này rất nặng.
Trước khi dùng thuốc, người hút rút một điếu thuốc ra lưng chừng bao thuốc
mời những người xung quanh, sau đó châm lửa cho mọi người. Phụ nữ Pháp,
theo thông lệ, không châm thuốc cho đàn ông. Đàn ông không xin phụ nữ lửa
để hút thuốc. Những người mê tín không châm ba điếu thuốc ở cùng một que
diêm. Thường thì người ta tránh: châm một điếu thuốc bằng một điếu thuốc
vừa hút hết, cho mồi thuốc bằng điếu thuốc mình đang hút, nói chuyện với điếu
thuốc trên miệng, dụi thuốc vào một vật khác không phải gạt tàn, hút đến tận
cùng điếu thuốc, châm lại điếu xì gà đã bị tắt. Phụ nữ không hút những điếu xì
gà quá to. Nếu hút thuốc trong nhà ở, người ta thường chú ý đổ gạt tàn, làm cho
các phòng thoáng khí, cho giặt giũ quần áo vì mùi thuốc lá lan tỏa rất nhanh.
Những người không hút thuốc ngồi xa người hút thuốc và giải thích với họ là bị
dị ứng đường hô hấp. Một người hút thuốc lá biết giữ lịch sự sẽ tắt điếu thuốc
đang hút.
Để phòng tránh những nguy hại liên quan đến nhiễm độc thuốc lá thụ động
cho những người không hút thuốc, từ ngày mùng 1 tháng 1 năm 2008, qui
định cấm hút thuốc lá được áp dụng ở tất cả những nơi khép kín, có mái che,
những nơi sử dụng tập thể. Những người có thẩm quyền kiểm tra việc tuân thủ
qui định cấm hút thuốc là các cảnh sát tư pháp, thanh tra lao động, nhân viên Y
tế.

Trong ăn mặc
Trong ứng xử, người Pháp phán xét mức độ văn hóa và giáo dục của một con
người thông qua phép lịch sự bên ngoài, trong đó có phần trang phục. Quy tắc
đầu tiên là ăn mặc phù hợp với tuổi tác và hình thể. Khi người ta còn trẻ, hầu
như mọi kiểu cách quần áo đều có thể mặc được nhưng khi đã bước qua một
ngưỡng nào đó, theo phép lịch sự, người ta phải biết từ bỏ những mầu sắc kiểu
dáng khêu gợi mà tìm tới sự hài hòa kín đáo trong trang phục sẫm màu hoặc
sáng màu.
Quần áo mặc phải thoải mái. Trang phục lịch sự trang nhã là phải phù hợp với
hoàn cảnh, phong cách và nhân cách của mỗi người. Người ta có thể chọn trang
phục thoải mái, tiện dụng, trang nhã, lịch sự, nghiêm túc, đúng cách.
Trong tiệc mời hay trong bữa ăn tối không thân thiện lắm, trong một tình huống
có mang chút phép tắc, lễ nghi, nam giới thường mặc một bộ đồ mang tính chất
cổ điển, nữ giới thì mặc bộ đồ vét may vừa với người, chân váy hoặc quần và
một áo vét hài hòa và một áo sơ mi mềm mại mượt mà. Một bộ trang phục tinh
tế, là bộ trang phục màu sắc của túi và ca vát hài hòa với nhau, đối với nam
giới, là bộ trang phục mà túi và khăn quàng hài hòa với nhau, đối với nữ giới.
Trong các bữa tiệc mang tính hình thức hơn, phong cách tốt nhất là mặc theo
chỉ dẫn trên giấy mời. Chỉ dẫn “ Ca vát đen, váy dài” chỉ một bộ trang phục
vừa in đối với nam giới, một chiếc váy rất lịch sự và đẹp đối với phụ nữ. Đối
với chỉ dẫn “Trang phục thành phố”, người ta mặc một bộ đồ vừa vặn với vóc
dáng người, là bộ trang phục đi dự tiệc đứng, còn áo vét có bọc ve cổ và áo dài
không thích hợp. Nếu không có chỉ dẫn gì trên thiếp mời, phương án tối ưu của
người Pháp là mặc bộ đồ may vừa với người. Nói chung, bữa cơm tối sang
trọng bao nhiêu, trang phục cũng phải trang trọng bấy nhiêu cùng với đồ trang
sức tinh tế: giầy, trang sức và túi. Đối với nam giới, bữa dạ tiệc càng sang
trọng, màu sắc bộ com lê nam càng phải sẫm thì mới là lich sự.
Mặc trang phục dạ hội, trang phục ở nông thôn hay trang phục chói mắt để đi
đến nhà hát nhạc kịch hay đến một nhà hàng lớn, chọn mặc những bộ quần áo
màu sắc rực rỡ hay sáng chói để đi dự tang lễ là bất lịch sự thường bị chê trách
ở Pháp. Trong đám cưới, người ta tránh đi dép xốp, đi giầy thể thao, giầy
không đánh si, mặc quần áo không là phẳng hay có vết ố bẩn, mặc bộ com lê dạ
hội, áo vét dạ hội màu trắng, quần tập thể thao. Người ta cũng không mặc trang
phục mầu đen vốn liên tưởng đến đám tang, và váy trắng bởi vì ngày hôm đó
màu trắng là màu dành cho cô dâu.
Đến cuộc phỏng vấn xin việc hay thi tuyển vấn đáp, người ta có xu hướng lựa
chọn bộ đồ màu không rực rỡ, màu trung tính, thanh nhã, đơn giản, cổ điển, có
phong cách, áo vét, quần, áo sơ mi đối với nam giới, bộ vét đối với nữ giới.
Mặc đồ lua tua, phụ tang đắt tiền, mặc sang trọng hơn cả người tuyển nhân
viên, đi những đôi giầy gót cao hơn 8cm, trang điểm quá nhiều là những sai
lầm mà các ứng vien đi xin việc ở Pháp luôn tránh.

Khi giao tiếp trên điện thoại


Đối với người Pháp, gọi điện thoại cho ai đó thường là làm phiền người đó, làm
gián đoạn công việc của người đó. Chính vì vậy, người Pháp không cố gọi khi
không được trả lời. Họ không bao giờ để điện thoại reo quá 8 lần và không gọi
lại ngay khi vừa dập máy. Họ không bao giờ gọi điện vào đúng bữa ăn, cũng
như trước 9 giờ sáng hay sau 21 giờ 30 phút. Qui định này không được áp dụng
nếu người ta phải gọi trong trường hợp khẩn cấp hay gọi cho những người thân
thiết. Đối với cuộc gọi mang tính chất công việc chuyên môn, họ thuận theo giờ
giấc của của những người trong cuộc.
Khi gọi điện, người ta có thói quen là tự giới thiệu, chào người đối thoại và cho
biết mục đích cuộc gọi. Nếu nhầm số, người ta xin lỗi, chào người đối thoại
một cách lịch sự. Nếu rơi vào một người trung gian, người ta để lại tin nhắn và
hỏi xem có thể gọi lại vào giờ nào. Người nhận cuộc gọi tự giới thiệu ngay khi
nhấc máy. Nếu không phải là cuộc gọi của mình, người đó gọi người có điện
một cách nhanh nhất, nếu người này đang bận, người ta thường đề nghị để lại
tin nhắn. Trên điện thoại, người Pháp thích nói từ tốn và mạch lạc, tránh dùng
ngôn ngữ đường phố, tỏ ra ân cần ngay cả khi bị làm phiền, kiên nhẫn nghe
người đối thoại một cách chăm chú..
Người ta biết rằng trong cuộc sống hàng ngày, ta thường phán xét vẻ bề ngoài
của người nói chuyện trước tiên. Trên điện thoại, ta không thấy người nói, mọi
thứ được diễn qua tiếng nói, giọng điệu. Người ta dạy trẻ con từ nhỏ rằng đối
với người gọi và người nhận điện thoại, mục tiêu của cuộc gọi là thiết lập giao
tiếp. Vì thế, phải biết đón nhận người đối thoại một cách nhiệt thành, thậm chí
không thoải mái cũng cố gắng hết sức trên điện thoại, tránh bông đùa nếu
không biết rõ người đối thoại. Người ta chỉ dùng loa ngoài khi có sự đồng ý của
người đối thoại đồng thời báo cho người đó biết những người sẽ nghe cuộc đối
thoại đó là ai. Người nào gọi trước nên dập máy trước đó là thông lệ.
Ngoài những cách xử sự cơ bản vừa được đề cập ở trên, đây là một số yêu cầu  :
tiếp lời một cách nhã nhặn, bằng những lời ngắn gọn trong suốt cuộc nói
chuyện, điểm vào cuộc đối thoại những câu như « tôi hiểu », « anh hoàn toàn
có lý», «tôi đồng ý với ông, thưa ông », đặt các câu hỏi gợi mở ( ai, cái gì, khi
nào, ở đâu, như thế nào), nhắc lại điều người đối thoại hỏi, yêu cầu giải thích
những điểm còn chưa rõ, giữ đúng cuộc hẹn nói chuyện điện thoại đã được ấn
định, không điện thoại suốt thời gian có khách mời. Không có gì khó chịu hơn
là để điện thoại di động đổ chuông trong nhà hàng, ở rạp chiếu phim hay trên
phương tiện giao thông công cộng và cũng không có gì bất lịch sự hơn là nói
oang oang và kể chuyện cuộc đời trong khi tất cả mọi người nghe thấy. Ở Pháp
cấm không được gọi điện thoại khi đang lái xe.
Khi nhận và tặng quà
Tặng quà là một cử chỉ tao nhã lịch thiệp ở Pháp, người ta không thiếu dịp để
tặng quà: ngày sinh nhật, lễ thánh Valentin, lễ Giáng sinh v.v... Ngày nay,
người Pháp có thể có nhiều cách tặng quà cho người thân, bạn bè: tặng trực
tiếp, gửi qua đường bưu điện, qua mạng Internet, qua Facebook. Quà tặng có
thể là hiện vật hay một bài thơ nhỏ, một kinh nghiệm sống, một kỳ nghỉ cuối
tuần lãng mạn hay đặc biệt một bữa ăn ở nhà hàng, một vé xem phim, một đợt
thực tập, một chuyến du lịch...Dù đó là quà gì, điều quan trọng là người nhận
quà và tặng quà thấy đó là niềm vui.
Theo thông lệ, người ta luôn tìm cách tặng món quà làm vui lòng người nhận.
Quà tặng phải được gói lại và thường có kèm theo một thiệp chúc mừng. Lý
tưởng nhất là tặng một món quà độc đáo đáp ứng mong đợi của người nhận
quà. Để không bị thất thố, người ta thường dành chút thời gian thăm dò trước
sở thích của người nhận quà. Một đồ vật mà bản thân mỗi người ưa thích có khi
không làm người khác vui sướng tột cùng. Tặng tất cả mọi người một món quà
giống nhau, tặng cùng một loại nước hoa cho vợ và mẹ mình, tặng hoa giả viện
cớ là nó sẽ bền lâu hơn, tặng một bó hoa hồng trong khi trong vườn có đầy hoa
hồng, tặng một món quà đắt tiền nhưng vẫn để nguyên giá tiền, lúc nào cũng
tặng một món quà duy nhất, đó là những sai lầm mà người ta tránh phạm phải.
Nhiều người thích tặng quà và quan sát phản ứng của người nhận quà. Tuy vậy,
cũng có nhiều người lúng túng khi ai đó tặng họ quà. Ở Pháp quà tặng được mở
khi có mặt người trao tặng trừ phi những người đang vây quanh đến tay không.
Thể hiện sự hài lòng một cách ầm ĩ là cách ứng xử thông thường với người
Pháp, đó chính là điều mà người ta đã được học khi còn nhỏ. Nếu món quà
khiến người nhận vui sướng, không có vấn đề gì. Nếu đấy lại là món quà người
ta không mong muốn thì phải biết kiềm chế cảm xúc của bản thân, dấu sự thất
vọng để không làm tổn thương đến người tặng quà. Mỉm cười, nói lời cảm ơn,
ngay cả khi món quà đó không thực sự làm mình hài lòng đó là phép lịch sự.
Phần lớn mọi người khi nhận quà không quên cho người tặng biết món quà này
làm họ cảm động đến mức nào, giúp họ như thế nào trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ cho quy định chung này. Nếu người đàn ông mà
người ta yêu quý tặng cho người ta một món quà không đúng ý người ta. Người
ta hoàn toàn có thể nhẹ nhàng thể hiện sự thất vọng của mình và nói: “ Nó rất
đẹp, em đánh giá cao cử chỉ này, ý của anh rất hay nhưng em không thích” đó
là cách giúp cho cô gái biết rõ hơn người yêu của mình. Qua việc đó, người ta
có thể tránh khỏi phải nhận một cách hệ thống những món quà không thích
hợp.

- Cảm ơn và xin lỗi


Trên cả phép lịch sự thông thường, lời cảm ơn còn là sự thể hiện một tình cảm
cao quý đó là sự biết ơn. Cái mỹ từ này có thể mở ra vô vàn cánh cửa, đặc biệt
đó là cánh cửa mở ra cho mọi người sự thanh thản trong tâm hồn. Biết nói lời
cảm ơn không chỉ là một hình thức lịch sự hay mang tính chuyên nghiệp ở
Pháp, đó cũng là phương tiện mở ra một cuộc đối thoại mới trong bầu không
khí tích cực. Học cái thể thức nho nhỏ này không khó, nhưng để biết nói lời
cảm ơn đúng lúc với đúng người cần nói thì không đơn giản

Người ta có thể cảm ơn miệng trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua thư : lời
“Cảm ơn “ phải được nói ra ngay, chân thành, không lí nhí, không lúng túng.
Người ta nói lời “ Cảm ơn” để thể hiện điều bất ngờ, niềm vui sướng hay sự
biết ơn đối với công việc đã được giúp đỡ. Người ta cũng nói cảm ơn liền với
nói “không” để cho lời từ chối đỡ xót xa cho người nhận nó. Người Pháp luôn
nói “Cảm ơn” với bọn trẻ để cho chúng khám phá ra ngôn từ, nhạc điệu và sức
mạnh của nó. “Cảm ơn bà đi con”, cái câu nói ngắn gọn này thường đường
người Pháp dùng với các con khi chúng còn nhỏ. Người ta cảm ơn một người
vì đã giúp đỡ, hỗ trợ trong chuyên môn, hoàn thành tốt công việc hay vì đã
tham dự một sự kiện nào đó.
Ở Pháp, sau lễ cưới, việc cảm ơn là điều không thể thiếu. Cặp tân nương tân
lang và gia đình họ luôn cảm ơn nồng nhiệt những người đã mất công đi lại đến
chia vui hạnh phúc cùng họ. Nói chung, có hai kiểu cảm ơn. Một là thể hiện
những lời cảm ơn thường dùng để cám ơn cho việc này, hai là viết câu cảm ơn
theo cách riêng, cũng có thể mua thiếp cảm ơn in sẵn, hay tự làm lấy. Người ta
gửi lời cảm ơn tới những người đã tặng quà cho em bé mới sinh, cảm ơn nhà
tuyển dụng, trong phỏng vấn, người ta nói “Xin chào…, xin cảm ơn đã tiếp
tôi”, để bắt đầu đối thoại, và “Xin cảm ơn ngài đã dành thời gian tiếp tôi” để
kết thúc trao đổi hay chuyển sang nói về vấn đề khác.
Còn đối với việc xin lỗi, lời xin lỗi thường được thể hiện ngay khi sự cố xảy ra
bằng một câu toát lên sự đáng tiếc: “Xin lỗi”( « PARDON »), “ Tôi rất lấy làm
đáng tiếc…”(« JE SUIS DÉSOLÉ”)…Nhưng, với những sơ suất nghiêm trọng
thì người ta suy nghĩ và dành thời gian để tìm cách thức thuyết phục thích hợp.
Thông thường người ta thiên về việc giải thích đơn giản, ngắn gọn. Để xin lỗi,
người ta nói: “Hãy tha thứ cho tôi”, “Cho tôi xin lỗi”, “Xin hãy thứ lỗi cho tôi”
("Excusez-moi, "Je vous prie de m'excuser", "Veuillez m'excuser") đó là những
câu xin lỗi lịch sự nhất, “ Tôi tự thấy có lỗi”( "Je m'excuse") cũng là một câu
xin lỗi đúng cách. Ngược lại, người ta lại không thể nói: “Tôi tha thứ cho bản
thân” (“Je me pardonne”) với nghĩa định thể hiện là “Xin hãy tha lỗi cho tôi”
("Pardonnez-moi”).
Trên đây là những thu thập và nhận xét về văn hóa ứng xử của người Pháp
trong một số tình huống, được đề cập trong chương trình Khám phá văn hóa
Pháp đang phát song trên Đài phát thanh tiếng nói Việt nam do chúng tôi biên
soạn. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn đồng nghiệp.
Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm
2011

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. DENUELLE.S., Le savoir-vivre, guide pratique des bons usages
d’aujourd’hui, Larousse, 2003
2. GRAND-CLEMENT. O., Savoir-vivre avec les Français. Que faire ? Que
dire ?, Hachette,1996
3. Nguyễn Thúy Loan- Đỗ Phương Mai. Interculturel 1 ( à paraître)
4. Sites
- www. Toutpratique.com
- http://www.commentfaiton.com

You might also like