You are on page 1of 6

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN



KHOA DU LỊCH

MÔN HỌC: KINH TẾ DU LỊCH


GIẢNG VIÊN: TS. TRẦN VĂN THÔNG
ĐỀ TÀI: Phân tích tác động của công nghiệp 4.0 đến hiệu quả marketing du
lịch (các hình thức quảng cáo, tiếp thị và bán hàng qua online các doanh
nghiệp du lịch hiện đang sử dụng)

HỌ VÀ TÊN: Lê Minh Huy


MSSV: 1956181068
LỚP: Du lịch K10 CLC
I. Lời mở đầu
Thế giới luôn không ngừng biến đổi và phát triển chính vì thế mà cách mạng Công
nghiệp 4.0 ra đời. Trong đó sự phát triển vượt bậc của cách mạng khoa học kỹ thuật,
tự động hóa, công nghệ thông tin tác động không nhỏ đến định hướng phát triển của
nhiều lĩnh vực như may mặc, điện tử, năng lượng,… Theo xu hướng này, ngành du
lịch cũng có những thay đổi nhất định đặc biệt là ở mảng marketing để tương thích
với Công nghiệp 4.0.
II. Các lý luận chung
1. Khái niệm về cách mạng công nghiệp 4.0
 Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi
là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí
tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội,
điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa
toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
 Năm 2013, một từ khóa mới là "Công nghiệp 4.0" (Industrie 4.0) bắt đầu nổi
lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm
nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần
sự tham gia của con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc
tới Industrie 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tháng 1/2015. Hiện
nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham
gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ tư.
2. Khái niệm về marketing du lịch
 “Marketing du lịch là một triết lý quản trị, mà nhờ đó tổ chức du lịch nghiên
cứu, dự đoán và lựa chọn dựa trên mong muốn của du khách để từ đó đem sản
phẩm ra thị trường sao cho phù hợp với mong muốn của thị trường mục tiêu,
thu nhiều lợi nhuận cho tổ chức du lịch đó.” (Theo UNWTO – Tổ chức Du
lịch thế giới)
 Để theo kịp sự phát triển của thời đại đặc biệt hơn là trong thời kỳ cách mạng
công nghiệp 4.0, marketing du lịch đã tích cực thay đổi và áp dụng các thành
tựu để đạt được sự tối ưu và tiến đến marketing du lịch 4.0.
 Marketing 4.0 tập trung vào việc dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ
số. Marketing 4.0 là giai đoạn phát triển cao nhất của marketing hiện nay,
được định nghĩa là phương thức marketing kết hợp tương tác trực tuyến và
ngoại tuyến giữa các doanh nghiệp và khách hàng. Khác với marketing 1.0
gồm 4 yếu tố: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Promotion (xúc tiễn), Place
(phân phối), marketing 4.0 đề cập 4 yếu tố đã thay đổi để phù hợp với xu
hướng hiện tại bao gồm: Co – creation (đồng sáng tạo), Currency (tiền tệ),
Communal activation (kích hoạt cộng đồng), Conversation (Thảo luận, trao
đổi). Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là Conversation.
III. Các tác động của nền công nghiệp 4.0 đến hiệu quả marketing du lịch
1. Tác động tích cực
Nhờ vào những thành tựu và phát minh vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0
như trí tuệ nhân tạo, công nghệ AR, điện toán đám mây, internet of things
(IoT)… mà hiệu quả marketing du lịch ngày càng phát triển và có những bước
đột phá mới:
a. Đầu tiên, nhờ vào sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội
ví dụ như Facebook, Zalo, Gmail… mà khách hàng không cần phải đến
trực tiếp các công ty và đại lý du lịch để đặt vé và trao đổi thông tin về
chuyến đi của mình. Điều này mang đến sự thuận tiện và linh hoạt trong
các hoạt động trao đổi du lịch giữa khách hàng và công ty du lịch, làm
kích thích phần nào mong muốn đi du lịch của khách hàng.
b. Thứ hai, nhờ vào các thành tựu tiên tiến về công nghệ thông tin như điện
toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMAC), dữ liệu lớn (Big data) mà
các doanh nghiệp du lịch có thể tổng hợp các dữ liệu về khách hàng như
phản hồi, mức độ truy cập, mức độ tìm kiếm, các hứng thú của khách
hàng… từ đó các doanh nghiệp dựa vào các trí thông minh nhân tạo (AI)
để phân tích và đề xuất những sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của khách
hàng một cách tối ưu nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp và các công ty du
lịch có thể tác động vào việc tìm kiếm thông tin của khách hàng trên các
trang tìm kiếm lớn như Google, Bing… để thúc đẩy sự phổ biến của mình.
c. Thứ ba, công nghiệp 4.0 ảnh hưởng lớn đến thói quen, hành vi của con
người, khi số lượng người sử dụng các thiết bị công nghệ gia tăng ngày
càng nhanh chóng. Và có khảo sát đã cho thấy rằng một người bình
thường sẽ dành 3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội và tin nhắn. Các doanh
nghiệp du lịch cũng có những bước đột phá để phù hợp với thời đại bằng
việc truyền thông qua điện thoại di động như QR codes, mobile apps,
mobile ads… hay truyền thông qua các mạng xã hội như Facebook,
Youtube… Chính điều này khiến hiệu quả và năng suất truyền thông tăng
một cách đáng kể.

Nguồn:https://www.statista.com/statistics/499694/forecast-of-online-
travel-sales-worldwide/
Qua biểu đồ trên, ta có thể thấy doanh số bán sản phẩm du lịch số tăng
đáng kể từ sau khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra. Không chỉ vậy, nó
còn khẳng định được sức mạnh của công nghiệp 4.0 đối với hiệu quả
marketing du lịch so với trước đây và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn
nữa.
d. Thứ tư, nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0 không thể nhắc đến sự phát
triển trong mảng Virtual Reality (VR) từ đó marketing du lịch bước đến
một sự đột phá mới: du lịch thực tế ảo. Bằng cách xây dựng lại các sự
kiện lịch sử, các địa danh, thắng cảnh bằng kĩ thuật 3 chiều giúp cho du
khách có thể trải nghiệm trước những nét đặc sắc của điểm đến. Tuy nhiên
muốn cảm nhận được những giá trị thật sự mà điểm đến du lịch mang lại
thì du khách phải đến tận nơi. Đây cũng là một cách kích cầu du lịch hiệu
quả.
2. Tác động tiêu cực
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích vô cùng to lớn mà công nghiệp 4.0
mang lại cho hiệu quả marketing du lịch. Song, công nghiệp 4.0 cũng mang đến
những mặt tiêu cực cho marketing du lịch mà chúng ta phải xem xét và cân nhắc:
a. Đầu tiên, điện toán đám mây và dữ liệu lớn (big data) bên cạnh những lợi
ích nó mang lại thì nó cũng ẩn chứa những nguy cơ bị truy cập bất hợp
pháp và trái phép. Từ đó, các tin tặc sẽ dễ dàng có được những thông tin
riêng tư của khách hàng.
b. Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng như internet of
things (IoT), điện toán đám mây…cũng là một con dao hai lưỡi. Ứng
dụng này mang đến cho khách hàng sự tiện lợi khi tìm kiếm thông tin về
địa điểm muốn tham quan, thích thú ở bất kì đâu cùng với khối lượng
thông tin lớn. Tuy nhiên lại có những thông tin lừa đảo, không đúng sự
thật hay giả mạo một doanh nghiệp hay công ty du lịch để tiếp cận khách
hàng.
c. Thứ ba, để có thể áp dụng được những thành tựu mà cách mạng công
nghiệp 4.0 mang lại bắt buộc phải có sự phát triển và đuổi kịp về công
nghệ ở các nước đang và chưa phát triển. Nhà nước phải có những thay
đổi về chính sách và đầu tư về cơ sở hạ tầng để đáp ứng các nhu cầu về
công nghệ đó.
IV. Thực trạng marketing du lịch ở Việt Nam
- Du lịch ở Việt Nam hiện đã và đang được xác định là một trong những ngành
công nghiệp không khói trọng điểm của đất nước. Trong thời điểm toàn xã hội
đang hướng đến việc thích nghi và thay đổi trong thời đại công nghiệp 4.0 thì du
lịch nói chung và marketing du lịch nói riêng tại Việt Nam cũng đang có những
bước chuyển mình đáng kể:
a. Các hoạt động truyền thông marketing du lịch của Việt Nam đã và đang
được chú trọng và đầu tư hơn. Đồng thời, du lịch Việt Nam còn tăng
cường sử dụng các công cụ, hình thức truyển thông khác nhau ví dụ như
các mạng xã hội, các trang web… để thúc đẩy, quảng bá hình ảnh du lịch
của cả nước đến cho mọi người trên thế giới. Cụ thể hơn là các ấn phẩm
truyền thông về du lịch như video giới thiệu các điểm đến đặc sắc Việt
Nam hay những bộ phim ngắn được sử dụng bối cảnh điểm đến độc đáo
ở Việt Nam đang dần được phổ biến và xuất hiện nhiều trên các cộng
đồng mạng. Tuy nhiên các trang mạng xã hội có nội dung về du lịch lại
chưa được mọi người biết đến rộng rãi, lượng người theo dõi và tương
tác còn thấp.
b. Xuất hiện nhiều những trang web, app du lịch hỗ trợ khách hàng trong
việc đặt vé tour và khách sạn trực tuyến với những giao diện dễ sử dụng.
Tuy nhiên việc thanh toán bằng nhiều hình thức trực tuyến chưa được phổ
biến lắm ở các trang web hay app này. Truyền thông qua điện thoại di
động vẫn chưa được khai thác để xúc tiến quá trình mua của khách hàng.
- Tuy đã có những bước tiến trong việc thay đổi để thích nghi với cách mạng công
nghiệp 4.0 nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng marketing với các hình thức
truyền thống là chủ yếu. Vì vậy, marketing du lịch ở Việt Nam cần có sự dịch
chuyển từ chú trọng hỗ trợ cho xúc tiến tại các hội chợ, triển lãm thương mai du
lịch sang marketing điện tử. Đồng thời, đầu tư hơn vào các trang web vừa cung
cấp thông tin du lịch vừa tiếp nhận phản hồi của khách hàng và kết nối với các
hệ thống tìm kiếm cũng như các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay. Không
chỉ vậy các vấn đề thiết lập các cổng thanh toán trực tuyến cần được nâng cao
hơn nữa và khai thác mảng du lịch thực tế ảo để kích cầu du lịch.
V. Lời kết
Nói tóm lại, công nghiệp 4.0 đã mở ra những tiền đề rất lớn để phát triển marketing
du lịch một cách tối ưu. Tuy nhiên các doanh nghiệp và công ty du lịch cần phải
biết cách tận dụng những lợi thế đó để thúc đẩy kinh tế không chỉ của doanh nghiệp
mà còn là của quốc gia. Bên cạnh đó, chúng ta phải biết cân nhắc và đưa ra những
giải pháp khắc phục những tác động tiêu cực mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang
đến cho marketing du lịch.
VI. Nguồn tài liệu tham khảo:
- Doanhnghiepthuonghieu.vn
- The effect of the Fourth industrial revolution on tourism by Kudret Gül
- Wikipedia
- From industry 4.0 to tourism 4.0 by Saša Zupan Korže

You might also like