You are on page 1of 10

Đề bài:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU  (3,0 điểm)


       Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
       (1)  Mùa hạ năm nay mưa nhiều. Dưới bầu trời mưa luôn có người vui, có người buồn.
Người vui vì trời đỡ  oi hơn, không khí lành lại sau cơn mưa giông chiều. Người buồn vì gánh
tào phớ lướt thướt, hi vọng tan dần trong làn mưa. Người vui vì khoai sắn mọc nhanh như thổi
trên đồi, người buồn vì nước mắt rơi trên những đồng muối hoà theo hạt mưa rơi. Có chú nhóc
hoan hỉ mút chè ế đựng trong những túi ni lông, như không hay biết có hai đứa em gái bán chè
chiều nay chạy mưa, về sớm, đang ngồi thút thít trong góc nhà mình.
          (2) Cuộc đời này luôn có vui, có buồn, như cái áo luôn có mặt trái, mặt phải. Làm sao như
chiếc áo may cho trẻ con, mặt phải rất đẹp nhưng mặt trái cũng được may rất tinh tế, khéo léo.
Để làn da trẻ con nhạy cảm không đau khi tiếp xúc những đường gân áo (vì thế mà quần áo trẻ
con ở nước ngoài luôn đắt hơn quần áo người lớn). Làm sao để niềm vui của người này không là
nỗi buồn của người kia. Làm sao để công nghiệp hoá một ngôi làng nhưng lại không ung thư
hoá dân làng. Làm sao để tăng lợi nhuận đầu tư nhưng đừng đổ chất thải ám hại môi trường
sống. Làm sao để tăng trưởng, để giàu có hơn, nhưng đừng bức tử nguồn nước cho mai sau,
đừng để những con kênh thành kênh nước đen, đừng để những dòng sông thành sông chết. Làm
sao để sân golf mang niềm vui cho người cầm gậy nhưng không mang nỗi buồn cho người cầm
cuốc, cầm cày. Làm sao cho 18 lỗ, 32 lỗ có thể lấp đầy nỗi lo của người nông dân mất đất.
       (3) Niềm vui của người này không phải là nỗi buồn của người kia. Chỉ có thể là
thế khi mình biết nghĩ đến người khác. Mình không nói cho hả giận khi người khác nhói lòng.
Mình không chỉ lo cho được việc riêng mình mặc ai kia khổ sở. Tôi có đọc một truyện ngắn của
Tổng Thư kí tòa soạn Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò mang tên  “Huyền thoại phần mía
ngọn”. Câu chuyện trả lời câu hỏi: Khi nào em lớn? Câu trả lời: Khi nào em biết nhận phần
mía ngọn, để phần mía gốc cho người khác. Ấy là khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên
nga. 
                             (Trích Huyền thoại phần mía ngọn, theo Yêu xứ sở, thương đồng bào,
                                                           Đoàn Công Lê Huy, NXB Kim Đồng, 2016, tr. 82)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, làm sao để niềm vui của người này không là nỗi buồn của người kia?
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của hai biện pháp tu từ được dùng trong phần (2) của đoạn
trích.
Câu 4. Câu trả lời “Khi nào em biết nhận phần mía ngọn, để phần mía gốc cho người khác. Ấy
là khi em  lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga.” mang hàm ý gì?
Câu 5. Dựa vào đoạn trích, hãy chia sẻ nhận thức, việc làm của bản thân thể hiện “em đã lớn” (trình bày
từ 3 đến 5 câu văn).
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1. (2,0 điểm)
      Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Sống là chính mình.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cho hai khổ thơ sau:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Từ đó, nhận xét về sự thay đổi của cảnh và tình trong hai khổ thơ.
--------Hết--------

Bài làm
I-Phần đọc hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là nghị luận.
Câu 2: Theo tác giả, để niềm vui của người này không thành nỗi buồn của người kia thì người
này cần phải nghĩ đến người kia, không nói cho hả giận khi người kia nhói lòng, không chỉ lo
cho được việc riêng mình mà mặc ai kia khổ sở.
Câu 3:
Đoạn trích có sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ “Làm sao để” năm lần ở đầu mỗi câu văn. Nghệ
thuật trước hết có tác dụng tạo nhịp điệu dồn dập, mãnh mẽ khiến cho lời văn dễ đi sâu vào lòng
người. Bên cạnh đó, nó có ý nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cân bằng các yếu tố trái-
phải trong cuộc sống để đời thêm bền vững, trọn vẹn. Con người sinh ra là những cá thể riêng
biệt song không tách rời mà luôn tồn tại trong mối quan hệ với cộng đồng. Chính vì thế, làm giàu
trên lợi ích của người khác, tìm cách đạt được mục đích của mình bằng cách tiêu trừ những luật
lệ sẽ phá vỡ cân bằng xã hội, để lại hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, tác giả sử dụng liên tiếp nghệ thuật đối, đối giữa “niềm vui của người này” với “nỗi
buồn của người kia”, giữa “công nghiệp hóa một ngôi làng” với “ung thư hóa dân làng”, “tang
lợi nhuật đầu tư”-“đổ chất thải ám hại ra môi trường sống”, “tang trưởng, giàu có hơn”-“bức tử
nguồn nước cho mai sau”, “niềm vui cho người cầm gậy”-“nỗi buồn cho người cầm cuốc, cầm
cày”. Biện pháp này đã tạo nên sự tương phản rõ nét trước lợi ích của một cá nhân với bất lợi của
tập thể khác. Trong một xã hội mà lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu, không ít hành động của
một đơn vị lại phải trả giá bằng sức lực, sự đi xuống của đơn vị khác. Một loại những hình ảnh
đối lập nhau làm nỗi bật lên nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể trong công cuộc
phát triển và đổi mới, phải làm thế nào để những mục tiêu mà họ đang hướng đến mang lại lợi
ích cho cả hai bên thay vì đối lập, loại trừ.
Câu 4: Câu trả lời “Khi nào em biết nhận phần mía ngọn, để phần mía gốc cho người khác. Ấy là
khi em lớn, vịt con xấu xí sẽ biến thành thiên nga” gửi gắm thông điệp về ý nghĩa của tình yêu
thương, sự sẻ chia, nhường nhịn. “Khi nào em biết nhận phần mía ngọn” là khi con người học
được cách hi sinh, lấy những phần thiệt thòi về mình và để lại phần ngon ngọt cho những người
khác. Sự san sẻ, tấm lòng bao dung đó đánh dấu sự trưởng thành ở mỗi cá nhân, minh chứng cho
việc họ đã sẵn sàng để trở thành những công dân ưu tú, những đội trưởng với tinh thần trách
nhiệm cao trong công việc. “Con vịt xấu xí sẽ biến thành thiên nga” là hình ảnh ẩn dụ đầy tinh
tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống đẹp giữa cuộc đời. Câu chuyện con vịt xấu xí hẳn đã
quá quen thuộc với mỗi bạn nhỏ Việt Nam, một cuốn sách đầu giường với những bài học nhận
thức sâu sắc về giá trị của tâm hồn. Viên ngọc thô sơ của tâm hồn sẽ được mài giũa bởi những
hành động đẹp và chỉ tỏa sáng khi nó được bày ra trước mắt mọi người, khi suy nghĩ biến thành
hành động.

Câu 5: Em hẳn đã chạm đến mốc “em đã lớn” từ khi được giao cho trách nhiệm làm nhóm
trưởng trong một kế hoạch khá lớn của tổ, hay cụ thể là chuẩn bị một bài thuyết trình bằng Tiếng
Anh, kết hợp thêm video tự thiết kế. Bất cứ ai đã từng đảm nhiệm chức vụ này hẳn trải qua
những khó khăn như em đã từng: phải thức khuya nghĩ ra nội dung mới lạ, tìm hiểu trên mạng
những thông tin thời sự rồi lên kế hoạch kịch bản cho video, đặc biệt là phân công nhiệm vụ cho
phù hợp năng lực từng thành viên. Đến khi thành quả của chúng em được cả trình bày trước cô
giáo, thứ duy nhất cô quan tâm là sản phẩm chung của cả tổ, thay vì công sức mỗi người dồn
trong đó. Nhưng kể cả biết rõ điều này, em không hề bức xúc hay ấm ức, bởi suy nghĩ duy nhất
trong đầu em lúc đó là: Liệu tổ chúng em đã đủ gây ấn tượng cho cô giáo hay chưa? Thiết nghĩ,
chính suy nghĩ này đã đánh dấu một cột mốc lớn trong quá trình trưởng thành của bản thân em,
khi mà em đã học được cách suy nghĩ cho tập thể thay vì tập trung phô diễn bản thân. Từ khi đó,
em đã lớn rồi!

II- Phần làm văn


Câu 1:
Những gợn sóng li ti trên dòng sông lằng lặng không thể so sánh với những đợt sóng mạnh mẽ
vùng vẫy giữa biển khơi mênh mông, một con rùa nặng nề chậm chạp không có quyền cho phép
mình nghĩ đến một ngày nào đó sẽ nhẹ nhàng, nhanh nhẹn như loài thỏ nâu rừng. Mỗi con người
sinh ra đều mang giá trị của riêng mình, nên không cần điều gì quá xa vời, hãy cứ “sống là chính
mình”. “Sống là chính mình” là sống với đúng nhịp điệu của bản thân, không khát khao mơ
tưởng về những điều không thể rồi cố biến mình thành một con người khác. Không ai muốn làm
một bản sao, con người luôn mang trong mình một ý nghĩa riêng khi đến với cuộc đời này, sở
hữu những sắc màu, cá tính riêng biệt. Bất cứ ai trước khi có được thân thể hoàn thiện chẳng
phải đã là một con “nòng nọc” mạnh mẽ, chiến đấu với hàng triệu con khác để giành lấy “suất”
tiến vào buồng trứng. Vì lẽ đó, chẳng có lí do gì để con người tự ti với khả năng của bản thân và
làm ra những thay đổi vô nghĩa. Đặt niềm tin vào bản thân mình trước hết sẽ tạo động lực giúp
con người hoàn thành những công việc dù khó khăn nhất, đôi khi là nằm ngoài khả năng của họ,
bởi khi đó sự nỗ lực và sáng tạo của con người được kích thích, khai mở một cách đáng kinh
ngạc. Ta bỗng nhớ đến Walt Disney, người đã tạo nên tuổi thơ cho hàng triệu đứa trẻ trên toàn
thế giới, đã phải cố gắng như thế nào để đạt được thành quả to lớn đấy. Sinh ra trong một gia
đình nông dân nghèo, không có điều kiện để theo đuổi nghiệp vẽ những không có nghĩa là
W.Disney phải từ bỏ mục tiêu của mình bởi ông có lòng tin vào chính mình, có đủ can đảm để
thức hiện những điều mới mẻ. Sống thật không chỉ tạo động lực bên trong tâm hồn mỗi cá nhân,
mà còn là cơ sở để gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, bởi chỉ
có tin tưởng, có sự thật thì mọi người mới có thể sẻ chia, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Một
xã hội mang đúng bản chất của nó, nơi mà con người có thể tự do làm chính mình, theo đuổi
những mộng tưởng của bản thân sẽ là một xã hội tiên tiến và cường thịnh, tích cực phát triển.
Đáng buồn thay, xã hội hiện đại ngày nay hay chính bản thân con người ta đang đặt lên chính
mình quá nhiều kì vọng, cố biến mình thành một cỗ máy vô tri, sống thụ động không ý nghĩa. Họ
tìm cách chối bỏ bản thân mình bằng chìm đắm bản thân trong một thế giới ảo, nơi mà không ai
biết họ là ai, trông như thế nào, nơi mà họ có thể “điều chỉnh” chính mình theo sở thích của cộng
đồng mạng. Chối bỏ bản thân mình là họ đang đánh mất đi cơ hội để hoàn thiện mình hơn, dần
dần đánh mất bản thân, làm lu mờ giá trị vốn có của mình. Vì con người vốn là một thể thống
nhất giữa tinh thần và thể xác, việc không sống thật với bản thân mình cuối cùng chỉ gây tai họa
cho bản thân và mọi người xung quanh, tự đâm sâu vào vết thương tâm hồn mình rồi che đậy lại
bằng những miếng băng ngấm máu đã cũ mòn. Người Trung Hoa có câu nói rất hay: “Trung
ngôn nghịch nhĩ”, nghĩa là lời nói thẳng thật khó nghe. Song hẳn những lời khó nghe kia vẫn tốt
đẹp hơn rất nhiều so với những điều dối trá, xu nịnh. Sống thật với lòng mình, sống đúng bản
chất của mình vẫn là tốt hơn cả. Tuy nhiên sống đúng với bản thân không đồng nghĩa với việc
sống trì trệ, tự mãn về khả năng của mình. Cuộc sống đang ngày càng biến đổi không ngừng và
điều con người cần làm là thích nghi với nó đồng thời giữ đúng bản chất bên trong, không bị thời
gian, ngoại cảnh làm mai một. Sống đúng với chính mình là mùa xuân tràn đầy nhựa sống, là
mùa hạ tươi vui sảng khoái, là mùa thu mát mẻ trong xanh, là mùa đông thuần khiết và trầm
lắng. Hãy sống bằng cả lí trí, tình cảm của mình, đừng đào bới thêm sự cô đơn trong tâm hồn đã
chết, đừng tô điểm thêm gì cho tượng gỗ vô hồn, đừng theo đuổi cái giả dối thiếu chân thực,
đừng hùa theo trào lưu phù phiếm của xã hội đương thời. Chỉ khi đó, con người mới chạm tới
ngưỡng cửa thanh thản trong tâm hồn.

Câu 2:
“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như ngôi chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với
cái đuôi chói lòa, rực rỡ của mình.” Trong làng thơ mới, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ có diện mạo
hết sức phức tạp và đầy bí ẩn. Thơ Hàn có sự đan xen, rang rịt của cả những gì thân thuộc, thanh
khiết nhất và cả những gì ghê rợn, ma quái cuồng loạn nhất. Trong thế giới đó, trăng hoa nhạc
hương, hòa lẫn với hồn máu yêu ma. Song đằng sau diện mạo thơ hết sức phức tạp ấy lại là một
tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế, thể hiện rõ trong thi phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ”.
In trong tập “Thơ điên”, “Đây thôn Vĩ Dạ” là một kiệt tác, là bài thơ trong trẻo lạ thường bậc
nhất của thi nhân, là quả ngọt trong chum quả ngọt Thơ mới, thi phẩm xuất sắc của thơ ca hiện
đại Việt Nam. Khổ thơ thứ nhất và thứ ba của bài đã ôm phần lớn tư tưởng, tình cảm được Hàn
Mặc Tử gửi gắm, thể hiện tấm lòng khát khao yêu sống cuồng nhiệt qua những vẫn thơ về thiên
nhiên xứ Huế.

Là một nhà văn đại tài, một trong những đỉnh cao của phong trào Thơ mới song Hàn Mặc Tử lại
phải sống một cuộc đời rất ngắn ngủi, bất hạnh. Ông mắc bệnh phong từ khi tuổi đời con quá trẻ
rồi từ đó làm bạn với cô đớn đến hết cuộc đời, sống trong lãnh cung của chính mình. Thơ Hàn
cũng vì thể luôn thấm đẫm chất trữ tình của thời đại Thơ mới nhưng lại không lao thẳng vào cảm
xúc người đọc một cách thuần khiết như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư hay mang màu sắc lãng mạn,
tượng trưng như Xuân Diệu, Huy Cận. Hàn Mặc Tử có yêu, yêu nhiều nhưng những mối tình của
ông đều là những mối tình đau thương tuyệt vọng, làm đau đớn thêm tâm hồn thi phận. Tình cảm
sâu đậm với Hoàng Thị Kim Cúc đã một phần khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ viết nên thi
phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ”. Ra đời năm 1938, khi thi nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phải xa lánh mọi
người để chữa bệnh, bài thơ xuất phát từ một tấm thiếp có in hình dòng sông với một cô gái chèo
tuyền, khơi gợi những kỉ niệm đẹp đẽ nơi xứ Huế mộng mơ. Bằng những vần thơ đầy tinh tế, bài
thơ hiện ra như một khúc đoản ca về tình yêu và niềm khát khao hướng về mảnh vườn trần thế
hay cũng chính là mảnh đời.

Thay vì trực tiếp miêu tả bức tranh thôn Vĩ, bài thơ được mở đầu bằng một câu thơ đa sắc thái:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”
Câu thơ đưa người đọc đến hai cách tiếp cận. Ta trước hết có thể hiểu Hoàng Thị Kim Cúc hay
một người xứ Huế nào đó đã cất tiếng hỏi thân tình, vừa là lời nhắc nhẹ nhàng, vừa như là lời
mời mọc tha thiết mời anh về chơi thôn Vĩ. Từ “về chơi” bên cạnh đó còn tạo sắc thái, gần gũi,
tự nhiên như ngôn ngữ đối thoại. “Thôn Vĩ” là thôn nằm sát kinh đô Huế, bên bờ sông Hương,
nơi có phong cảnh vườn tường hết mực xinh xắn, nên thơ. Vĩ Dạ thôn vốn là nơi gợi cảm hứng
sáng tác cho nhiều thi nhân nghệ sĩ. Song thôn Vĩ với Hàn Mặc Tử còn có tình riêng, ở đó có
mối tình đơn phương với Hoàng Cúc và tấm thiếp Hàn Mặc Tử nhận được chính là vừa gửi đi từ
đó. Hay chủ thể là “anh” nghĩa là tác giả phân thân tự hỏi chính mình, tự giục giã chính mình sao
không về chơi thôn Vĩ. Câu hỏi cứ xoáy vào tâm tưởng và trở thành nỗi niềm day dứt về một ước
nguyện không thể thành. Thi nhân khao khát lắm được trở về thôn Vĩ nhưng lại ý thức rất rõ về
cảnh ngộ của bản thân, đầy mặc cảm về khả năng thực huện ao ước của mình. “Không về” chứ
không phải “chưa về”, chưa về là có thể về, còn không về là cả hiện tại về tương lai đều không
thể. Tuy nhiên, trong thơ ca Việt Nam, hỏi nhiều khi chỉ là một cái cớ để dẫn đến cuộc hành trình
trở về trong tâm tưởng, để đánh thức ôn lại kỉ niệm một thời, đề bộc bạch nỗi lòng.
Những nét vẽ đầu tiền về thôn Vĩ là hình ảnh gió mới lên trên hàng cau, vườn tược. Phải chăng
đây là những hình ảnh đã in đậm trong kí ức của những người đi xa:
“Nhìn nắng hang cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
Hình ảnh hàng cau mang nét đẹp mộc mạc, thân thuộc với mỗi làng quê Việt Nam. Nói như nhà
thơ Vũ Quần Phương: “Sao lại gợi nỗi niềm làng mạc, quê hương đến thế.” Đây cũng chính là
hình ảnh mang nét đẹp rất đặc trưng của vườn tược xứ Huế. Cau hiện lên trong tâm trí nhà thơ
không chỉ là hang cau đơn thuần mà là “hàng cau nắng mới lên”. Cau là cây cao nhất trong vườn
nên được đón nhận những tia nắng đầu tiên của một ngày mới. Nắng trên hàng cau là nét vẽ
thanh thoát, tươi sáng, rất đẹp. Nắng mới lên là thứ nắng ban mai nhẹ nhàng, tinh khôi, trong
trẻo, tươi mới, đầy thanh tân. Đó không phải ánh nắng nhạt, buồn, yếu ớt của hoàng hôn, cũng
chẳng phải cái nắng chang chang chói gắt của một buổi trưa hè. Bên cạnh đó, tác giả sử liên tiếp
sử dụng hai từ “nắng” trên cùng một dòng thơ, gây ấn tượng đặc biệt về hình ảnh. Chữ “nắng”
thứ nhất định hướng một góc nhìn, chữ “nắng” thứ hai lại chỉ tính chất của nắng. Nhà thơ không
tả nắng đơn thuần, cũng không chỉ tả hàng cau, mà ấn tượng đặc biệt với những tia nắng sớm
đang đậu trên hàng cau chan hòa hữu tình. Quả nhiên, thơ Hàn Mặc Tử ngày là cõi nắng, đêm là
cõi trăng:
“Trăng làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
…Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.”
Từ nắng, nhà thơ tiếp tực hướng lòng mình đến mảnh vườn trong kí ức. Từ “ai” là đại từ phiểm
chỉ, không xác định, không biết rõ khu vườn của ai, chỉ biết rằng nó ‘mướt quá xanh như ngọc”.
“Mướt” là một từ rất giàu sức gợi tả. Lá cây dưới ánh ban mai còn ướt hơi sương đẹp mượt mà,
óng ả, tươi tốt, bóng loáng, mỡ màng, một vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Nếu thay thanh điệu từ sắc
thành nặng thì câu thơ đã khác. Trong “mướt” có ý nghĩa có tử “mượt’ nhưng “mượt” lại không
có nghĩa biểu đạt như từ “mướt”. Từ “mướt” như được tăng thêm sắc độ qua từ “quá”. Đây là
một từ thuộc lớp ngôn từ cực tả, một từ nổi bật của lớp Thơ điên, vốn mang thiên hướng biểu tả
ở mức cực điểm. “Quá” vừa gợi tả được vẻ đẹp mướt của lá cây dưới ánh bình minh, vừa tạo cho
câu thơ âm hưởng là lời trầm trồ đầy ngỡ ngàng, ngạc nhiên, xuýt xoa khi nhận ra vẻ đẹp vườn
thôn Vĩ cùng với cảm xúc đắm say ngây ngất trước vẻ đẹp thiên nhiên. Tiếp đến, tác giả so sánh
vườn ai đó với “ngọc”. Ngọc là một tinh thể trong suốt, đẹp, sáng, có khả năng phát quang lấp
lánh . Hình ảnh so sánh đã làm ngời sáng lên vẻ đẹp vườn thôn Vĩ, vườn của ai đó dưới câu từ
của Hàn Mặc Tử đã trở thành viên ngọc bích khổng lồ đang tỏa ra những tia sáng lấp lánh, óng
ánh, làm bừng sáng cả không gian. Nói như Hà Minh Đức: “Màu xanh như ngọc là màu xanh
được lọc qua ánh sáng rất đẹp, rất gợi cảm”. Không phải ngẫu nhiên mà nhà phê bình văn học
Hoài Thanh lại cảm nhận: “Đọc thơ Hàn Mặc Tử, có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc
lên như rưới vào hồn người một nguồn sáng lạ.” Như vậy, thi pháp Thơ điên chính là thi học của
cái tột cùng. Từ “quá” cùng hình ảnh so sánh “ngọc” đã cực tả vẻ đẹp thôn Vĩ trong nắng mai.
Không chỉ có thiên nhiên, câu thơ còn xuất hiện dáng hình của con người, tuy mờ mờ ảo ảo:
“Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Sự xuất hiện của con người làm cho bức tranh thôn Vĩ trở nên sinh động, hữu tình hơn. Con
người thấp thoáng, hài hòa với thiên nhiên, cảnh và người tô điểm cho nhau, tôn lên vẻ đẹp.
Cảnh đẹp xinh xắn lên thơ, con người với khuôn mặt vuông chữ điền thật là trung hậu. Song
khuôn mặt vuông chữ điền là của ai thì vẫn là một câu hỏi. Đó có thể là khuôn mặt chữ điền của
người xứ Huế, người con gái Huế. Với vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo, hình ảnh này gợi nhắc đến câu
ca dao:
“Mặt em vuông tựa chữ điền
Da em thì trắng áo em mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung.”
Hay đây là khuôn mặt của người trở về thôn Vĩ, nhân vật trữ tình, thi nhân. Nhà thơ trở về dẫu
chỉ là trong mộng tưởng, là sau những cành lá trúc lòa xòa để say đắm cảnh đẹp. Câu thơ vừa có
vẻ đẹp tạo hình đơn thuần, một khuôn mặt đẹp ẩn hiện sau cành là trúc đầy thi vị, vừa giàu tính
tượng trưng. Trúc biểu hiện cho vẻ thanh cao, gương mặt chữ điền biểu hiện cho sự trung hậu.
Tất cả hài hòa với phong cảnh cảnh vật đơn sơ mà thanh tú bao trùm cả vườn thôn Vĩ.
Từ bức tranh thôn Vĩ trong nắng mai, tâm tưởng của tác giả chuyển đến cảnh sông nước xứ
Huế:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Gió, mây vốn là những hình ảnh rất quen thuộc trong thơ ca, nói như Hồ Chí Minh trong bài
“Cảm tượng đọc Thiên gia thi”:
“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tiếc núi sông”
Song đến với thơ Hàn Mặc Từ, hai hình ảnh này lại ở trong mối quan hệ thật lạ lẫm: gió mây
không chung lối, không cùng đường; gió một lối, mây một đường, gió mây phân chia đôi ngả.
Gió là thực, mây cũng là thực nhưng gió mây chia lìa không còn là thực. Đây là hình ảnh phản
logic hiện thực bởi trên thực tế gió thổi mây bay, gió có thể cứ theo đường gió nhưng mây không
thể cứ theo đường mây. Phản logic hiện thực là để tuân theo logic nội tâm. Hình ảnh được sáng
tạo không chỉ bằng thị giác đơn thuần mà còn bằng cái nhìn đầy tâm trạng, gắn liền với mặc cảm
của sự chia ly, chia lìa, nhìn bằng thế giới tâm linh của chính mình. Câu thơ miểu tả ngoại cảnh
mà đầy ắp tâm trạng, đúng như cụ Nguyễn Du từng khái quát:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Điệp từ “gió”, “mây” không tạo cảm giác về sự gắn kết, xum vầy, sóng đôi mà ngược lại xa cách
vô cùng. Gió ở hai đầu một vế, mây ở hai đầu một vế, mỗi đối tượng ở một khuôn nhịp riêng,
giống như mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc. Bên cạnh đó, nhịp
4/3, nghệ thuật tiểu đối, cùng dấu “,’ đặt giữa ngắt đôi câu thơ thành hai vế rõ ràng, tạo giọng
điệu chậm rãi, đều đều, buồn. Đến câu thơ thứ hai, thứ hiện lên trước mắt độc giả là hình ảnh
dòng nước. Đây hẳn là dòng sông Hương, dòng sông đã đi nhiều vào trong thi ca nhạc họa. Tác
giả đã miêu tả dòng nước mang tâm trạng của con người: buồn thiu. Từ “buồn thiu” vừa gợi điệu
chảy chậm, nhẹ nhàng, lững lở của dòng sông, vừa gợi cảm nhận về lòng người. Dòng nước
buồn thiu hay nỗi buồn thiu trong lòng người đã lan đã thấm vào trong thiên nhiên cảnh vật.
Dòng nước là thực hay đó là dòng tâm trạng. Cảnh đã mang hồn người, ngoại cảnh đã nhuốm
đầy màu sắc tâm trạng của thi nhân. Bên dòng nước, hoa bắp khẽ lay động. Động từ “lay” miêu
tả hoa bắp mà nói được cả gió. Gió rất nhẹ, chỉ đủ làm hoa bắp khẽ đung đưa. Cảnh có động
nhưng cả dòng nước đều khẽ khàng, nhẹ nhàng càng làm tăng them sự tĩnh lặng, buồn vắng. Đây
cũng chính là cảm xúc buồn, cô đơn, hiu hắt của lòng người.
Hai câu thơ cuối của khổ lại là bức tranh sông nước đêm trăng:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có đợi trăng về kịp tối nay”
Những hình ảnh thuyền, bến sông, trăng đã quá đỗi quen thuộc, đã đi nhiều vào thơ ca, từ ca dao
cho đến thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… Ánh trăng chiếu rọi xuống dòng sông
lấp lánh như dát bạc, lai láng trên con thuyền của ai đó. Cả không gian Vĩ Dạ xứ Huế, dòng sông,
con thuyền, bờ bến ngập tràn ánh trăng vàng. Dòng sông đã trở thành dòng sông trăng, bến sông
là bến sông trăng và con thuyền chở đầy trăng. Sông nước đêm trăng đẹp lung linh, huyền ảo, thi
vị, thơ mộng. Thơ Hàn Mặc Tử ngày là cõi nắng, đêm là cõi trăng. Hàn Mặc Tử yêu trăng, hiếm
có người viết hay, viết nhiều, viết lạ về trăng như Hàn Mặc Tử. Đến với “Máu cuồng” và “Hồn
điên”, Hoài Thanh chỉ thấy chung quanh là “trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê tởm,
sinh động như một người hay đúng hơn là một yêu tinh. Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng
cay nghiệt và cũng náo nức dục tình”. Trong bài “Bẽn lẽn”, Hàn Mặc Tử có viết:
“Trăng nằm song soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.”
Trăng trong bài thơ này lại không gợi lên cảm giác đó mà là ánh trăng rất đẹp mà đầy thi vị. Câu
thơ thứ tư của khổ là một câu hỏi. Đại từ phiếm chỉ “ai” tạo nên vẻ mơ hồ cho câu thơ, không
biết rõ con thuyền đó là của ai, chỉ biết rằng thuyền chở đầy trăng. Đây cũng là lần thứ hai từ này
xuất hiện trong bài thơ. “Kịp” là còn đủ thời gian để làm một việc gì đó mà không bị muộn,
không bị lỡ. Từ này đã chứa đựng sức nặng cùa cả câu thơ, là nỗi lo âu phấp phỏng đồng thời hé
mở tâm thế sông của thi sĩ họ Hàn, tâm thế sống vội vàng, giục giã khi ý thức được quãng thời
gian ngắn ngủi còn lại của cuộc đời mình. Từ “tối nay” không xác định cụ thể thời điểm trong
câu thơ, chỉ biết rằng tối nay là lúc ánh trăng lung linh tỏa sáng, đậu lại trên con thuyền của ai
đó. Nếu không kịp tối nay thì tối mai sẽ muộn, nếu không kịp tối nay thì sẽ không còn kịp nữa.
Một từ giản dị mà nói rất nhiều về tâm trạng nỗi niềm của thi nhân. Trăng là vẻ đẹp của thiên
nhiên, là bầu bạn muôn đời của thi nhân. Con thuyền chở trăng về kịp tối nay là để thi nhân có
thể ngắm nhìn trăng, thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Đối với Hàn Mặc Tử trong cảnh ngộ lúc
này, trăng còn là điểm tực, là niềm an ủi lớn lao. Hàn Mặc Tử là một con người luôn dằng xé
giữa nỗi đau đời và niềm vui siêu thoát. Ông ôm một nối đau vì số phận, vì tình duyên, vì lỡ dở
mộng ước. Song càng đau đớn, càng mong siêu thoát, Hàn Mặc Tử lại tìm cách siêu thoát bằng
con đường tìm về với Chúa, với thế giới giới trăng sao, thượng giới cõi trời. Dù muốn siêu thoát,
muốn thả hồn vào cõi trăng sao nhưng vẫn không sao quên được nỗi đau đờn, vẫn luôn day dứt.

Nếu như ở khổ thơ thứ hai, tác giả lặng mình trôi theo dòng nước, lo âu phấp phỏng vì ý thức
không còn đủ thời gian thì sang đến khổ thơ thứ ba, thi nhân cất lên niềm khao khát tình đời, tình
người, khi mà thế giới chìm hẳn vào cõi mơ:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra”
Từ “mơ” mở đầu khổ thơ nghĩa là mơ tưởng, khát khao, là nhớ, là hướng về. Đối tượng của nỗi
mơ tưởng đó là “khách đường xa”, có thể là Hoàng Cúc hay một người xứ Huế nào đó. Khách,
lại đường xa, lại là ở trong mộng nên càng xa vời, khó nắm bắt. Giữa nhà thơ với bóng hình
người trong mộng chẳng có gì là gần gũi, rõ ràng mà rất xa xôi. “Xa” là xa xôi về khoảng cách
địa lý hay xa cách trong tâm hồn, tình cảm. Điệp ngữ nối tiếp “khách đường xa” đã thế lại càng
đẩy đối tượng của nỗi mơ tưởng, khát khao xa vời hơn. Nhà thơ như đang cố nắm bắt dáng hình
người trong mộng nhưng lại xa không chạm tới. Âm “a” là âm mở, thanh bằng, tạo nên hiệu quả
nghệ thuật rất tự nhiên, góp phần tạo cảm giác khó nắm bắt. Ở câu thơ thứ hai có xuất hiện bóng
hình “em”, em là khách đường xa trong câu thơ trên, “em” hẳn là một cô gái. Sắc áo trắng ở đây
phải chăng là sắc áo dài của nữ sinh Huế. Hình ảnh “em” với sắc trắng gợi vẻ đẹp thanh khiết,
tinh khôi, trong trẻo, chuẩn mực trong quan niệm của Hàn Mặc Tử về cái đẹp là sự tinh khiết.
Hàn là một thi sĩ luôn hướng mình đến vẻ đẹp xuân tình và sự trong trắng. Ông thường nhạy cảm
với hai sắc màu đỏ và trắng, không phải trắng thường mà là trắng tinh, trắng lóa. Cả hai màu đỏ
trắng đều được đẩy lên đến tột cùng. Hàn Mặc Tử khao khát vẻ đẹp xuân tình trong trắng bằng
niềm say mê cái đẹp của một thi sĩ, bằng sự ngưỡng mộ cái thiêng của một tín đồ Thiên Chúa
giáo.” Từ “quá” tiếp tục được sử dụng, ca tụng sắc áo trắng đến lạ lùng. Có cái gì đó xót xa trong
lời thơ. Hàn Mặc Tử nhìn không rõ vì khoảng cách xa xôi lại trong mộng hay vì sắc áo trắng quá
bị sương khói làm mờ:
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.”
“Ở đây” là ở Vĩ Dạ xứ Huế, Vĩ Dạ xứ Huế mưa nhiều, những buổi sớm mai và chiều tà phủ mờ
sương khói. Hay ở đây là ở Quy Nhơn, nơi lãnh cung của Hàn Mặc Tử. Sương khói là thực và
cũng là hình ảnh để chỉ khoảng cách xa xôi. Dù hiểu theo cách nào đi nữa câu thơ cũng gợi tả
cảnh xa xôi, mờ ảo, cảnh sương khói mông lung, khoảng cách xa vời giữa nhà thơ với người con
gái trong mộng. “Sương khói” chính là lí do để thi nhân nhìn không rõ bóng hình em. Em mờ
trong sương khói nên càng hư ảo, xa vời. Đại từ phiếm chỉ “ai” một lần nữa gợi ta hai cách hiểu,
đây có thể là cái tôi tác giả hay hiểu rộng hơn là nhiền người, đây cũng có thể là “khách đường
xa”, là em , Hoàng Thị Kim Cúc hay người đời nói chung. Câu hỏi được cất lên từ nỗi hoài nghi
về sự đậm đà trong tình cảm ai đó. Liệu tình cảm có bền chặt, có đậm đà hay cũng chỉ bảng lảng
như khói sương, mỏng manh như màu khói. Chàng thi sĩ bất hạnh không dám tin vào sự mặn mà
trong tình cảm ai đó. Đây không phải nỗi hoài nghi của sự chán đời mà là của niềm thiết tha với
cuộc sống xinh đẹp ngoài kia. Chẳng biết có phải vì bất hạnh, đau thương mà Hàn Mặc Tử luôn
khao khát tình đời, tình người đậm đà. Câu hỏi của nhà thơ đã trở thành câu hỏi chung của tất cả
những ai đang kháo khát tình cảm chân thành. Câu hỏi khép lại bài thơ, để lại trong lòng người
nỗi niềm xót xa của một thi nhân bất hạnh trong phong trào Thơ mới.
Mỗi câu thơ đều mang một ý vị riêng, mỗi khỗ thơ đều có thể tách riêng thành một bài thơ thất
ngôn tứ tuyệt song “Đây thôn Vĩ Dạ” vẫn liền mạch nhất quán. Nếu khổ một là vười đẹp, khổ hai
là trăng đẹp thì đến khổ ba lại là hình bóng đẹp. Tất cả đều là những hình ảnh đẹp của thế giới
ngoài tầm tay với riêng Hàn Mặc Tử. Chính tình yêu đời, yêu cuộc sống là chất kết dính toàn bài
thơ. Bài thơ có cảnh, cảnh được miêu tả có sự chuyển đổi, trôi dần vào mộng ảo. Cái tôi nhà thơ
xuất hiện với mặc cảm chia lìa, với nỗi buồn thiu trong lòng người lo âu phấp phỏng, sau lại bộc
lộ nỗi khát khao hoài nghi với tình người giữa cuộc đời. Tất cả suy cho cùng đều là biểu hiện của
một cái tôi yêu đời, yêu cuộc sống tha thiết nhưng đã nhuốm màu sắc đau thương. Đây là thứ
tình cảm rất đáng trân trọng, nhất là đối với những người đang chịu đựng sự giày vò của bệnh tật
như Hàn Mặc Tử lại vẫn giữ được tâm hồn rộng mở với thiên nhiên, cái đẹp. Như vậy, tình cảm
tích cực của Hàn Mặc Tử đã tác động mạnh, khơi gợi những tình cảm, cảm xúc đẹp đẽ trong
người đọc. Ta biết trân quý, yêu đời, yêu cuộc sống hơn, xót xa thương cảm cho cuộc đời thi
nhân bất hạnh.
Trần Tái Phùng đã không ngần ngại phô bày vẻ đẹp tuyệt mỹ của thơ ca Hàn Mặc Tử : “Nghệ
thuật chàng tựa một con sông dài đi xuyên qua thế kỷ chúng ta và hai bờ sông dàn bày không
biết bao nhiêu cảnh sắc khác nhau đẹp đẽ đến say ngợp, đến tê liệt cả lòng người”. Với “Đây
thôn Vĩ Dạ”, Hàn Mặc Tử là một khúc sông thiêng lãng mạn đứng giữa dòng sông dài của thi ca
Việt Nam, khắc sâu dấu ấn của mình trên mảnh đất văn chương dân tộc. Vượt qua mọi định luật
của sự băng hoại, bài thơ “vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa
những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế.” (Hoài
Thanh).

You might also like