You are on page 1of 3

P.

TÍCH TÂM TRẠNG CHỜ TÀU CỦA NV LIÊN TRONG T/P 2 ĐỨA TRẺ CỦA THẠCH LAM

BÀI LÀM

  Một truyện ngắn hay theo quan niệm truyền thống phải có cốt truyện đặc biệt
được tạo ra bởi những tình huống éo le đầy kịch tính. Thạch Lam lại khác, “nhiều
truyện ngắn của ông không có chuyện mà man mác như một bài thơ(…)đem đến
cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm lành mát dịu”-nhà văn Nguyễn Tuân đã
từng cho rằng như thế khi nhận xét về đặc điểm truyện ngắn của TL.  Quả thực
đúng như vậy, những trang văn của Thạch Lam không đi vào những biến cố mà đi
sâu vào chiều sâu tâm trạng của con người. “2ĐT” chính là một t/p như thế-là kiểu
truyện ngắn trữ tình đượm buồn ,toàn bộ câu truyện diễn ra như một thước phim
chậm rãi về một phố huyện nghèo xung quanh chị em Liên vào một buổi chiều tối
mùa hè. Không có thắt nút, không có mở nút nhưng truyện ngắn dễ dàng đi vào
tâm trí người đọc bởi một nỗi buồn sâu lắng mà rất đẹp - vẻ đẹp của một cuộc sống
bình thường được Thạch Lam khám phá ra. Đặc biết nhất là cảnh đoàn tàu đi qua
làm nổi bật lên tt chờ tàu của nv Liên trong truyện ngắn.

Khung cảnh của câu chuyện là 1bức tranh phố huyện được miêu tả theo trình tự
thời gian, cảnh phố huyện lúc chiều xuống. Cảnh phố huyện lúc về đêm. Cảnh đợi
tàu và cảnh phố huyện lúc có chuyến tàu khuya đi qua. Trog từng cảnh ấy, luôn có
Liên- là một cô gái nhỏ vì ba mất việc, cả nhà phải chuyển từ Hà Nội về sống ở
một phố huyện nghèo...Tuy còn nhỏ mà Liên đã tỏ ra đảm đang, thay mẹ trông coi
một quán tạp hóa nhỏ để kiếm sống và Liên cũng rất chu đáo khi thay mẹ chăm sóc
em An. Đặc biệt,Liên là một cô gái nhỏ dịu hiền, nhân hậu, đa cảm. Hảnh đoàn tàu
từ HN đang đến, sắp đến và rồi đi qua chỉ trong chốc lát đã là điểm sắc màu nhỏ
cứu vớt lấy những thời khắc buồn tẻ, đìu hiu, xám xịt trong cả ngày tàn, và gửi
vào đó những ấp ủ, hy vọng xa xôi về 1 cuộc sống mới, nơi mà đã từng là HN-là 1
cuộc sống còn lưu đọng trong kí ức tươi đẹp của cả gd Liên.

Bắt đầu câu chuyện với những xao động trong tâm hồn hai đứa trẻ khi nghe tiếng
trống thu không gọi chiều về trên phố huyện. Tiếp đó, màn đêm buông xuống,
bóng tối “ngập đầy dần đôi mắt Liên”. Đêm tối như ôm trùm lên tất cả phố huyện
và càng dày đặc mênh mông hơn khi nhà văn điểm vào đó những “hột sáng”,
“quầng sáng” leo lét, lờ mờ và một chấm lửa nhỏ lơ lửng trôi đi trong đêm… Nổi
bật lên giữa thế giới đầy bóng tối và sự tàn tạ của cảnh vật: chiều tàn, chợ tàn,
chõng tàn… là cảnh sống lam lũ quẩn quanh của những đứa trẻ nhặt rác, mẹ con
chị Tí với gánh hàng nước ế ẩm, gia đình bác xẩm, bà cụ Thi điên và hai chị em
Liên và An với gian hàng tạp hoá còm cõi, lèo tèo, xơ xác. Cuộc sống của hai chị
em thật lay lắt, tẻ nhạt, ngày cũng như đêm cứ lặp đi lặp lại thật đơn điệu và buồn
chán. Hai em như hai cái mầm non mọc trên mảnh đất cằn cỗi, bạc phếch. Nhưng
con người tự muôn đời nay luôn luôn sống trong khao khát và hi vọng những gì
tươi sáng hơn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

    Sống giữa phố huyện nghèo đầy bóng tối nhưng chị em Liên cũng như chừng ấy
người nơi phố huyện vẫn luôn “mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho sự sống
nghèo khổ hàng ngày của họ”. Đó chính là lí do khiến chị em Liên đêm đêm vẫn
cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua bởi chuyến tàu chỉ vụt qua nhưng đã mang
đến cho họ một thế giới khác hẳn vừng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa trong
gian hàng bác Siêu chứ không đơn thuần là vâng lời mẹ dặn để có thể bán thêm
một ít hàng
Bởi lẽ đó mà Liên “dù buồn ngủ díu cả mắt vẫn cố thức, còn An “đã nằm xuống,
mi mắt sắp sửa rơi xuống vẫn không quên dặn chị “Tàu đến chị đánh thức em dậy
nhé”.Có lẽ bởi vậy mà chuyến tàu được nhà văn tập trung bút lực miêu tả một cách
tỉ mỉ theo trình tự thời gian, qua tâm trạng của hai chị em Liên và An. 
    Khi đêm đã về khuya, Liên vẫn thao thức không ngủ cho tới lúc “tiếng còi xe
lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Liên đã reo
lên “Dậy đi, An. Tàu đến rồi”. Chuyến tàu chỉ dừng lại trong giây lát rồi đi vào
đêm tối mênh mông giống như một ánh sao băng lấp lánh bất chợt bay qua nền trời
rồi vụt tắt, mang theo bao ước mơ và hoài bão đi tới nơi nào chẳng rõ vậy nên hai
chị em Liên “vẫn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau
cùng, xa xa mãi rồi khuất hẳn sau rặng tre”. 
Chuyến tàu đêm nay không đông và kém sáng hơn mọi ngày nhưng Liên vẫn “lặng
theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như
đã đem một thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái
vầng sáng của ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Đó là hình ảnh của
Hà Nội trong kí ức tuổi thơ, Hà Nội của những kỉ niệm đẹp mà bấy lâu nay chị em
Liên vẫn tha thiết hướng về dù chỉ trong giây lát “theo dòng mơ tưởng”. Phải
chăng những kỉ niệm tươi sáng thường in đậm và khắc sâu trong tâm hồn tuổi thơ
giống như một chiếc gối êm đềm ru ta vào giấc ngủ dịu êm dù thực tại có phũ
phàng hay ảm đạm. Xa Hà Nội đã lâu rồi nhưng chị em Liên vẫn “nhớ như in”
những lần “đi chơi bờ hồ được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ, ăn những thức
ăn ngon lạ”. Họ nhớ như in “một vùng sáng rực và lấp lánh” dù hiện tại với hai em
mùi phở của bác Siêu thật hấp dẫn nhưng “quá xa xỉ, nhiều tiền,hai chị em không
bao giờ mua được”. 
    Tuy vậy, nó cứ gợi nhớ mùi thơm của hồi nào… Hình ảnh chuyến tàu đêm là kí
ức đẹp của tuổi thơ một thời nhớ lại trong tiếc nuối. Chuyến tàu càng sáng rực, vui
vẻ thì Liên càng ý thức rõ hơn cảnh sống tăm tối, buồn tẻ và chìm lặng của phố
huyện nghèo. Đoàn tàu đi rồi, đêm tối vẫn “bao bọc chung quanh”. Liên gối đầu
lên tay và nhắm mắt lại để “hình ảnh thế giới xung quanh mình mờ mờ đi trong
mắt chị”. Đó là lúc thấm thía sâu sắc nỗi buồn về một cuộc sống mòn mỏi, quẩn
quanh không thể đổi thay, Liên “thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không
biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Đó là hình ảnh
gây ấn tượng day dứt buồn cuối cùng đi vào giấc ngủ của cô bé Liên. Nhưng đâu
chỉ buồn và tiếc nuối, hai chị em Liên còn hồi hộp vui sướng khi tàu về như “mong
đợi một cái gì tươi sáng hơn đến với cuộc sống nghèo khổ thường ngày của họ”.
Cuộc sống hiện tại xung quanh Liên thật buồn tẻ, chuyến tàu từ Hà Nội về như đã
đem lại một chút thế giới khác đi qua phố huyện nghèo. Bởi vậy, khi tàu về rồi
“khuất dần sau rặng tre” mà Liên vẫn cứ “lặng theo mơ tưởng”. Dường như Liên
đang ấp ủ trong lòng một khát khao thay đổi cuộc sống của hiện tại vẫn le lói một
niềm hi vọng rồi một ngày nào đó được trở lại cuộc sống tươi sáng của ngày xưa
như khi còn ở Hà Nội.
  Trong ý nghĩ hồn nhiên, non nớt và tội nghiệp của Liên, Hà Nội là một thiên
đường ở trong mơ. Nhìn theo đoàn tàu đang xa dần, xa dần trong lòng Liên cứ rộn
lên những bồi hồi, xao xuyến, ánh mắt của Liên cứ đắm chìm vào cõi mơ tưởng.
Liên nghĩ về quá khứ, nghĩ về tương lai và hiện tại. Quá khứ tuổi thơ tươi sáng qua
lâu rồi, tương lai thì mờ mịt mong manh còn hiện tại thì đầy bóng tối. Những trạng
thái tâm trạng ấy thật mơ hồ, mong manh mà chỉ có một tâm hồn nhạy cảm cùng
với một tấm lòng nhân hậu của Thạch Lam mới có thể phát hiện và thể hiện được.
Với chị em Liên, chuyến tàu từ Hà Nội về không chỉ là kí ức mà còn là hình ảnh
của một tương lai tuy mơ hồ nhưng đẹp như một giấc mơ trong truyện cổ tích thần
kì. Nó như một ảo ảnh vụt sáng lên rồi tắt dần, xa dần trong tâm trạng tiếc nuối của
cô bé Liên. Nhưng dẫu sao nó vẫn là niềm vui, một niềm an ủi làm vơi đi mọi tẻ
nhạt, buồn chán của hiện tại để hai chị em Liên đi vào giấc ngủ sau một ngày dài
đầy buồn tẻ.
Tình cảnh ấy được cảm nhận và thể hiện thật tinh tế trong lối viết văn mềm mại,
trong sáng, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Chỉ một âm thanh “tiếng còi xe lửa ở đâu
vang lại trong đêm kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi” cũng đủ để ta hình dung ra cô
bé Liên đang sống trong mơ tưởng. Đó là âm thanh của chờ đợi và hi vọng nhưng
cũng là dư âm của tiếc nuối.

Còn gì thương cảm hơn khi niềm vui, niềm an ủi và ước mơ, hi vọng của họ chỉ là
một chuyến tàu đêm từ Hà Nội về vụt qua trong giây lát. Trang sách cuối cùng
khép lại mà tâm trạng thức đợi tàu của chị em Liên cứ ám ảnh, cứ vấn vương hoài
cứ như thầm thì nói hộ Thạch Lam: có những cuộc đời mới đáng thương và tội
nghiệp làm sao nhưng cũng thật cảm động và đáng trân trọng biết bao khi họ vẫn
vượt lên mọi tối tăm, lầm than trong hiện thực để ước mơ và hi vọng, để không
mất đi niềm tin vào cuộc sống có chút ánh sáng trong tương lai. Ngày lại ngày,
đêm lại đêm, Liên vẫn cố thức đợi tàu là những nỗ lực vừa cụ thể vừa mơ hồ muốn
thoát ra khỏi hiện tại. Niềm tin và ước vọng ấy tuy mong manh nhưng tha thiết vô
cùng trong tâm hồn hai đứa trẻ. Qua đó, ta nhận ra một tiếng kêu thổn thức trong
trái tim của Thạch Lam. Cần phải thay đổi thế giới tăm tối này, cần phải đem đến
cho con người nhất là trẻ thơ một cuộc sống hạnh phúc.

You might also like