You are on page 1of 8

Họ và tên: Trần Đình Anh

Giáo xứ: Hòa Mỹ

Điểm Lời nhận xét

Đề bài 9: Là một Linh mục tương lai, bạn có định hướng gì để truyền giáo cho người
lương dân sống chung quanh xứ mình.
Bài làm
Những linh mục đạo đức, thánh thiện, và nhiệt thành thể hiện sự sinh động và sức
sống của Giáo Hội. Chính vì thế, Giáo Hội ngày nay dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh
Thần, đang rất chú trọng vào việc đào tạo các linh mục tương lai. Bởi mỗi linh mục là một
“mảnh lưới” thâu góp các linh hồn về cho Chúa, đem niềm vui ơn cứu độ đến cho mọi
người. Tuy nhiên, với lối sống thực dụng và sự ảnh hưởng của chủ nghĩa vô thần, con
người thời nay sống ngày càng xa lìa Thiên Chúa, chưa nhận biết hay cố chấp không tin
nhận ánh sáng Đức Tin. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các linh mục trong sứ vụ
truyền giáo, đặc biệt là công cuộc truyền giáo cho những người lương dân. Có lẽ phương
cách hữu hiệu và có khả năng thu phục được nhiều linh hồn nhất đó chính là dùng chính
đời sống của bản thân mình. Như cha ông ta đã nói: “Lời nói gió bay, gương lành lôi
cuốn” nghĩa là suốt cả cuộc đời linh mục phải họa lại hình ảnh người mục tử đích thực là
thầy Giêsu. Biết đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh, tức là phải có “mùi mục tử”.
Biết chia sẻ và thấu hiểu với con người, tức là phải có “mùi chiên”. Người linh mục phải
kết hợp trọn vẹn được như thế, mới đem lại hiệu quả trong công cuộc rao truyền Lời Chúa
cho mọi người, đặc biệt là những anh chị em xung quanh giáo xứ. Như vậy, người linh
mục coi xứ ngày hôm nay phải “tái hiện” lại cuộc đời Đức Giêsu, hầu đem muôn dân đến
với ánh sáng Tin Mừng và làm cho thế giới ngày càng thánh thiện an vui.

Hiểu theo mặt chữ, “linh mục” là người chăm sóc đời sống thiêng liêng. “Linh
mục” còn là người được Chúa chọn từ giữa cộng đoàn thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô
– vị Thượng tế vĩnh cửu – nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, để phục vụ dân Chúa. Linh
mục tham dự vào quyền xây dựng, thánh hóa và cai quản Hội Thánh của Đức Kitô. Linh
mục là cộng tác viên của giám mục, liên kết với hàng giám mục trong phẩm chức tư tế và
tùy thuộc các ngài trong công tác mục vụ. Linh mục được mời gọi chia sẻ trách nhiệm với
giám mục về Giáo Hội địa phương: rao giảng Phúc Âm, hướng dẫn các tín hữu, cử hành
phụng vụ, chăm sóc cộng đoàn giáo xứ, hay một công việc phục vụ Hội Thánh. Đối với
một linh mục coi xứ, ngoài trách nhiệm chăm sóc phần rỗi cho các tín hữu trong giáo xứ,
các ngài còn phải đặc biệt chú ý lan tỏa Tin Mừng đến cho những người lương dân chung
quanh giáo xứ mình. Linh mục coi xứ phải là người tiên phong phá bỏ “bức tường” ngăn
cách giữa giáo và lương, phải là “chiếc cầu nối” cho người lương dân nhận biết Thiên
Chúa. Linh mục coi xứ cũng là người đi đầu trong việc truyền giáo bằng chính đời sống

1
của mình. Phải vượt qua được lối sống đạo trong “nhà thờ”, phải rời “khuôn viên nhà xứ”
để đến với những con người đang tìm kiếm hay lạc mất Đức Tin. Đặc biệt, linh mục coi xứ
phải biến giáo xứ thành một cộng đoàn yêu thương, để mỗi khi người lương dân nhìn vào
họ nhận ra được hình ảnh Đức Giêsu. Như vậy, Linh mục là người được Thiên Chúa tuyển
chọn cách huyền nhiệm, được Ngài dùng như là khí cụ trao ban niềm tin và bình an cho
nhân loại.

Thật vậy, truyền giáo là giới thiệu Chúa đến cho mọi người, không phân biệt chủng
tộc hay màu da, địa vị hay học vấn. Truyền giáo không bị bó hẹp bởi không gian và thời
gian, tức là truyền giáo phải luôn nằm trong tình trạng “thường trực”, phải luôn luôn ý
thức việc đem ánh sáng Đức Kitô đến cho mọi người, trao ban cho họ một niềm hy vọng.
Ngày nay, có rất nhiều người sống trong vô định, họ sống cuộc đời như vậy mà thôi,
không biết mình sống để làm gì và sống với ai. Có những người sống cuộc đời giống như
cánh bèo, gió thổi hướng nào thì dạt về hướng đó, không có bất kỳ phản ứng nào. Điều đó
cho thấy con người thời nay đang lạc lối đức tin, đang bước đi trong bóng đêm của sự chết
mà không hay biết. Phải chăng ánh sáng Đức Kitô là điều cần thiết cho cuộc sống con
người? Đối với người truyền giáo như linh mục, có lẽ đây là mảnh đất màu mỡ để gieo hạt
giống Đức Tin, để rồi với Đức Tin, họ sẽ được cảm hóa và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.

Từ thẳm sâu, truyền giáo chính là “hơi thở” của Giáo Hội. Không có truyền giáo
Hội Thánh sẽ chết dần, chết mòn và cuối cùng là trở về số không. Ngược lại, truyền giáo
vừa thể hiện sức sống, vừa thể hiện sự phát triển của Giáo Hội. Ngay từ những ngày đầu
của Hội Thánh, các tông đồ đã không ngừng loan báo tin mừng Phục sinh đến với người
đương thời. Có những vị tông đồ như Phaolo đã rong ruổi khắp nơi để loan báo Tin Mừng,
vì lời vang vọng của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin
Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Lời kêu mời ấy vẫn còn tươi mới cho tất cả tín
hữu ngày hôm nay. Đặc biệt, giữa một xã hội mà đang ngày càng lún sâu trong tội lỗi,
không muốn chấp nhận Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ, nhiệm vụ này càng phải
được chú trọng hơn nữa. Công việc này không phải của riêng ai, mà là của mọi người,
nhưng “cha đạo” là người phải đi bước trước, trở thành tấm gương cho giáo dân học đòi
bắt chước noi theo.

Cùng với ý tưởng đó, truyền giáo là ban phát ơn cứu độ. Trong ý định tạo dựng,
Thiên Chúa đã thầm yêu thương con người, Ngài không ngừng kéo con người về phía
Ngài và muốn cho con người sống trong hạnh phúc. Thật may mắn cho chúng ta là những
người được nhận lãnh Đức Tin, đó là cơ hội để ta được hưởng trọn ơn cứu độ mai sau.
Nhưng đó cũng là trách nhiệm cho những Kitô hữu, ta phải trao ban ơn cứu độ cho mọi
người. Chúng ta phải biết mở rộng nước Chúa ngay trên trần gian này, phải đem ơn cứu độ
đến với những vùng xa xôi, hẻo lánh. Nhiệm vụ đó thật là khó khăn đối với anh em linh
mục, vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Linh mục coi xứ không thể một mình bao
phủ được hết mọi mảnh đất, mà cần đến sự cộng hưởng của giáo dân mình. Cùng với giáo
dân, linh mục hướng dẫn những người lương dân biết nhận ra ý nghĩa cuộc đời là Đức
Giêsu, biết hạnh phúc đích thực là kết hợp trọn vẹn với Người.

2
Không những thế, truyền giáo là hành động của Đức Tin. Thật thế, như thánh
Toma Aquino đã nói: “Yêu thương là muốn điều thiện cho người khác”. Là những người
có Đức Tin, chúng ta phải ước ao cho một thế giới hòa bình và hạnh phúc. Hơn nữa, chính
chúng ta phải ra sức hành động để đem lại kết quả ấy. Mà hạnh phúc ấy không thể đặt nơi
những thứ tạm bợ ở trần gian này. Của cải vật chất, địa vị, danh vọng không đảm bảo cho
con người sự sống và hạnh phúc đích thực. Có chăng, chỉ Đức Giêsu mới đảm bảo cho
nhân loại niềm vui vĩnh viễn. Đó chính là điều mà mỗi chúng ta cần làm, là đem Đức
Giêsu vào trong mọi “ngõ ngách” của thế giới, để ai ai cũng có thể nhận biết Ngài. Từ đó,
họ lấy Đức Giêsu làm cứu cánh thực sự của đời người, chứ không phải là vật chất thế trần.
Là người đại diện Đức Kitô ở trần gian, linh mục là người có trách nhiệm hướng dẫn, chèo
lái những con người kém may mắn về với tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, đưa họ vào
Giáo Hội để đón nhận ơn cứu độ Ngài hứa ban.

Như những gì đã dẫn, truyền giáo như một vấn đề cấp thiết của Giáo Hội trong mọi
lúc, mọi nơi. Thử nghĩ xem, Giáo Hội sẽ như thế nào nếu công việc truyền giáo ứ đọng,
không được mỗi tín hữu thực hành? Đã là con người, ai trong chúng ta cũng khao khát tìm
được hạnh phúc, thứ hạnh phúc có tính bền vững. Với những người chưa nhận biết Chúa,
họ cũng tìm kiếm một thứ gì đó để “gắn mác” hạnh phúc cho cuộc đời. Đó có thể là nhà
cao cửa rộng, vợ đẹp xe sang, hay là quyền cao chức trọng… Và phải chăng, cái họ thiếu
là Đức Giêsu? Thật vậy, không có Đức Giêsu trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy bế tắc
và thất vọng, cuộc đời rơi vào chuỗi ngày u ám mà thôi. Hơn thế, vắng bóng Đức Giêsu
chúng ta không tìm được cho mình lối đi, vì nơi Đức Giêsu ta tìm thấy con đường, tìm
thấy sự thật và sự sống (x. Ga 14,6). Đó là con đường duy nhất dẫn chúng ta tới sự sống
vĩnh cửu và đến nơi mà niềm vui không hề vơi. Một khi đi ngoài con đường đó, tức là
chúng ta đang bị lạc đường và cần phải tìm về nẻo chính lộ. Như vậy, có thể nói được rằng
truyền giáo mở ra cơ hội cho mọi người tìm về với đường ngay nẻo chính, nó mang lại cho
thế giới niềm hy vọng vào ơn cứu độ phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa. Truyền giáo cũng
là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời sống của Giáo Hội. Vì chính lúc truyền giáo là lúc “trái tim”
Giáo Hội còn được hòa đập, là mở ra “cánh cửa” để cho con người nhận biết chân lý, tìm
được ý nghĩa của cuộc đời là chính Đức Kitô.

Muốn truyền giáo đạt kết quả cao người linh mục coi xứ phải trang bị “mùi mục
tử”. Như thánh Augustino đã nói: “Chúng ta không chỉ thuộc về Chúa Kitô, mà còn được
mời gọi trở nên như Chúa Kitô”. Có nghĩa là, một người linh mục là người có đời sống
đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Nói đúng hơn, khuôn mẫu lý tưởng nhất cho cuộc đời
linh mục không ai khác ngoài Đức Giêsu. Chính Ngài đã đi bước trước trong hành trình
truyền giáo, nơi Ngài có những phẩm chất cao quý rất cần thiết cho sứ vụ mà linh mục cần
mặc lấy để làm hành trang cho đời mình. Những hành trang đó là: nhân hậu, khiêm
nhường, hy sinh dũng cảm…

Trước hết, một linh mục nhân từ là người được mọi người yêu mến. Chính Đức
Giêsu đã kêu mời: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em trên trời là Đấng nhân

3
từ” (Lc 6, 36). Từ nơi cuộc đời Chúa Giêsu đã tỏ lộ rõ lòng nhân từ. Bất cứ mỗi khi chứng
kiến cảnh đói khổ khốn cùng của người khác, Ngài đều chạnh lòng thương và hành động.
Ngài chữa lành nỗi đau thân xác cho những ai đến kêu cứu, dân chúng đói lả chính Ngài
cũng đã cho họ ăn. Ngài vẫn luôn tỏ rạng dung nhan hiền lành ngay cả khi phải đối diện
với những kẻ chống đối, hằng toan mưu tính kế hãm hại mình. Tột đỉnh là trước khi trút
hơi thở trên thánh giá, Ngài đã thốt lên lời van xin tha thứ với tấm lòng bao dung: “Lạy
Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Thật vậy, không có gì có
thể lôi cuốn bằng tấm lòng nhân ái bao dung phát xuất từ trái tim người mục tử. Nhân từ
trong giảng dạy, nhân từ trong giao tiếp, nhân từ trong các cử hành phụng vụ. Nhân từ
trong việc hướng dẫn giáo dân thực hành đời sống đạo, trong lúc tổ chức và điều hành các
hoạt động mục vụ… Đặc biệt, với một lối sống có phần “mở ra”, cơ hội tiếp xúc giữa
những lương dân và linh mục ngày càng nhiều, sự nhân từ trong cung cách ứng xử là một
lợi thế giúp cho linh mục ‘ghi điểm’ trong mắt người lương dân. Bằng lối sống điềm đạm
khoan dung, người linh mục dần dần tỏ cho mọi người thấy được một Đức Giêsu đang tái
hiện diện với họ ngay trong cuộc sống này. Có thể nói, sự nhân hậu như một ‘gam màu
chính’ để họa lại khuôn mặt thương xót của Đức Giêsu nơi người linh mục. Nó còn là là
điểm son tuyệt vời nhất nhờ đó mọi người thấy được hình ảnh Chúa Ki-tô mục tử dịu hiền
trong bản thân các ngài.

Kế đến, đức tính khiêm nhường là vật bất ly thân của đời sống linh mục. Thánh
Augustino rất đề cao sự khiêm nhường, ngài từng nói nếu một người không có đức khiêm
tốn thì nơi người đó sẽ chẳng tồn tại một đức tính nào hết. Trong bài ca Manigficat, Đức
Maria cũng đã cho ta thấy một Thiên Chúa yêu thích sự khiêm nhường: “Người nâng cao
mọi kẻ khiêm nhường và hạ bệ những ai quyền thế” (Lc 1, 52). Với Đức Giêsu, khiêm
nhường luôn được ‘nêm vào’ trong mọi lời nói và việc làm. Dù là Thiên Chúa, nhưng
Ngài đã chấp nhận sinh ra trong cảnh cơ hàn đói rét, Ngài đến để phục vụ chứ không phải
để được phục vụ. Trong bữa tiệc ly, chính Đức Giêsu đã hạ mình xuống rửa chân cho các
môn đệ. Và đỉnh cao của sự khiêm tốn là cái chết của vị Thiên Chúa trên thập giá. Một
thực tế mà chúng ta dễ nhận thấy, ngày nay nhiều người đang “thần tượng hóa” các vị linh
mục. Đây là hành vi của một “con dao hai lưỡi”. Với nhiều linh mục, đó có thể như là một
lời động viên khích lệ, để họ ngày càng dấn thân hơn trong sứ vụ. Tuy nhiên, hiện tượng
đó cũng khiến cho người mục tử ít khiêm tốn hơn, nếu không muốn nói là tự cao tự đại…
Không có được sự khiêm tốn, làm việc gì người linh mục cũng chú trọng bề ngoài hơn là
hiệu quả thiêng liêng. Cũng thế, nếu thiếu khiêm tốn, người linh mục không hạ mình mà
tiếp xúc với những người giáo dân, chứ chưa kể đến anh chị em lương dân. Sống trong vỏ
bọc được “thần thánh hóa”, linh mục tự cho mình là hoàn thiện hơn với những người xung
quanh, không chấp nhận những ý kiến đóng góp xây dựng từ những người khác. Đó không
phải là hình ảnh người mục tử tinh tuyền mà Giáo hội mong ước. Một mục tử càng khiêm
tốn, giáo dân càng yêu mến, quý trọng. Một mục tử càng hạ mình, giáo dân càng kính
trọng và suy phục. Và hơn cả, mục tử từ tốn thì tất cả mọi người càng dễ bị hấp dẫn và
cảm hóa. Đó là sức mạnh của đức khiêm nhường, hơn bao giờ hết người mục tử phải luôn
mang lấy nó như hành trang quý báu cho hành trình đầy gian khổ và khó khăn.

Sau nữa, con chiên cảm thấy an tâm khi được dẫn dắt bởi một linh mục mạnh mẽ,
can đảm hy sinh. Là một người lãnh đạo, phẩm chất cần có đó là sự can trường. Điều đó

4
càng đúng hơn với người chăn chiên, người đứng đầu và hướng dẫn đoàn chiên. Can đảm
để dám đứng ra chống lại những thù địch ngày đêm rình rập hòng cắn xé con chiên của
mình. Can đảm là dám dùng cả mạng sống mình để bảo vệ đoàn chiên trước kẻ thù. Can
đảm còn là người đứng ra để giải quyết những mâu thuẫn trong đoàn chiên. Xưa kia, chính
Chúa Giêsu dũng cảm vâng phục Chúa Cha đến đành lòng chịu chết. Ngài sẵn lòng từ bỏ
những ý định riêng tư để tùng phục thánh ý Thiên Chúa là thực hiện chương trình cứu độ.
Ngài cũng đã dũng cảm đứng về phía đám đông dân chúng để bênh vực cho họ. Sự can
đảm và ý nghĩa nhất đó là Ngài hy sinh mạng sống vì đàn chiên (Ga 10, 11). Cũng vậy,
người linh mục phải trở nên một điểm đến đáng tin cậy để mọi người hướng đến. Có một
tác giả từng viết rằng: “Linh mục là người để người ta tìm đến”. Có nghĩa là, rất nhiều
người xem linh mục là một nơi nương tựa vững chắc, là người họ có thể chạy đến khi gặp
gian nan. Thật vậy, con chiên cần hơi ấm của chủ chiên, họ cần tâm sự và lắng nghe lời
khuyên dạy, trấn an… Sẽ vô cùng bi xót nếu chủ chiên không chịu đón nhận tiếng kêu của
con chiên mình, lúc đó giữa chủ chiên và đàn chiên sẽ có một bức tường cản trở, khiến cho
triết lý “Ta biết chiên ta và chiên ta biết Ta” sẽ trở nên vô nghĩa mà thôi.

Từ những suy tư đó, ta thấy rằng “mùi mục tử” phát xuất từ Đức Giêsu là điều vô
cùng cần thiết cho đời sống các linh mục. Vì mùi đó làm cho mỗi ‘cha đạo’ trở nên giống
Đức Kitô hơn, ngày càng thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, thêm tăng trưởng trong
công tác mục vụ. Đâu đó không xa chúng ta, có rất nhiều mục tử nhân lành đại diện Chúa
Ki-tô nơi trần gian. Đặc biệt, ĐTC Phanxicô là một người đang mang lấy tâm tình của
Chúa Giêsu. Ngài vô cùng khiêm hạ khi tiếp đón những con người bất hạnh, sẵn sàng
bước ra để chia sẻ với những người sống dưới đáy xã hội. Nơi Ngài cũng biểu lộ lòng từ
nhân của chủ chiên, khi rộng lượng dùng những đồng tiền đấu giá của những món quà để
trao cho những người có hoàn cảnh đau thương. Ngài còn cam đảm lên tiếng chống lại
những lạc thuyết, những hành vi luân lý trái ngược với Đức Tin và mặc khải như tệ nạn
phá thai, hôn nhân đồng tính hay an tử… Những diễn từ đó cho ta thấy , “mùi mục tử” là
cẩm nang để người linh mục vận dụng trong suốt cuộc hành trình lan tỏa Đức Tin. Nếu
thiếu, hành trình ấy trở nên gian nan, khó khăn và sẽ không mang lại hiệu quả như mong
chờ. Ngược lại, một linh mục thực thụ là người đã thấm nhuần “mùi mục tử”, không rẽ
vào con đường thiếu vắng Đức Giêsu. Có như thế, linh mục mới có thể “nới rộng” được
mảnh đất cho Tin Mừng nảy mầm và phát triển.

Như đã ngõ ở trên, bên cạnh “mùi mục tử”, người linh mục còn phải luôn “khoác”
trên mình chiếc áo có tên “mùi chiên”. ĐTC Phanxicô trong thánh lễ Dầu 2013 đã nhắn
nhủ đến các bậc giáo sĩ rằng: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi
con chiên của mình”. Điều đó có nghĩa là người chăn chiên phải biết được chiên cần gì,
chiên có gì và khó khăn ra sao. Để thực hiện điều đó, người chăn chiên cần biết “cúi
mình” để phục vụ đoàn chiên. Bởi chưng, nếu muốn một đàn chiên luôn khỏe mạnh thì đòi
hỏi sự hy sinh nơi người chăn chiên. Phải biết rõ cụ thể tính cách cũng như những khác
biệt của chiên mình, con nào ốm đau thì cần phải có thuốc, còn nào đói gầy thì cần chăm
sóc đặc biệt… Có nghĩa là người linh mục phải luôn sát cánh với từng người giáo dân,
thấu hiểu được những tâm tình mà giáo dân đang mang lấy. Người linh mục cũng nên có
những lời động viên, khích lệ với những người khô khan nguội lạnh với đời sống thiêng
liêng, đưa họ trở về với con đường chính lộ. Linh mục cũng phải có một “đôi tai” biết

5
chấp nhận những tiếng lòng của từng con chiên, bởi mỗi người đều có một hoàn cảnh
riêng, có những tâm tư muốn giãi bày. Chính lúc đó, linh mục là “địa chỉ” uy tín để người
giáo dân “trút bỏ” những gánh nặng trong cuộc sống. Đặc biệt, linh mục phải có những
đường hướng để xây dựng một cộng đoàn yêu thương. Đức Giêsu nói rằng: “Bằng dấu này
mà người ta nhận biết Thầy là anh em hãy có lòng thương yêu nhau”. Có nghĩa là, nếu tất
cả mỗi người trong giáo xứ biết nâng đỡ nhau, sống hòa thuận đoàn kết thì mới có sức lôi
cuốn những người không cùng niềm tin. Giả như trong giáo xứ mọi người sống rời rạc,
không gắn kết, có nhiều người rơi vào các tệ nạn xã hội, và sống trong tình trạng tội lỗi,
thì thử hỏi niềm tin đó có sức cảm hóa không?

Cùng với ý tưởng đó, người linh mục phải trở nên “chiếc cầu” để kết nối giáo dân
với lương dân. Giúp cho họ xóa tan những thành kiến không tốt về nhau, và luôn tôn trọng
niềm tin của mỗi người. Thường xuyên thăm hỏi động viên những gia đình lương dân ở
xung quanh giáo xứ mình. Tìm hiểu những nét truyền thống cũng như văn hóa để đồng
cảm với họ hơn. Sau nữa, bác ái cũng là hành vi cao đẹp nhằm giúp đỡ những người lương
dân khó khăn, giúp họ về vật chất cũng như tinh thần trong những hoàn cảnh khó khăn.
Linh mục cũng nên thường xuyên tổ chức các sân chơi lành mạnh để cho giáo dân cũng
như lương dân giao lưu học hỏi, tạo sự kết dính hơn trong cuộc sống, giúp xóa tan mọi rào
cản với nhau. Với phương cách “hòa nhập chứ không hòa tan”, linh mục và người giáo
dân sống hòa đồng với những người lương dân, cùng san sớt những niềm vui nỗi buồn,
thấu hiểu những ưu tư và lo lắng của họ. Để dần dần cho họ nhận ra rằng đạo Công giáo là
đạo yêu thương, và chỉ có yêu thương mới làm cho con người hạnh phúc. Và điều quan
trọng là phải lan tỏa niềm yêu thương đó đến những người sống chung quanh mình, dùng
tình thương mà “hóa” con người khô khan của họ, “hóa” thế giới này nên thánh thiện và
bình an.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật ngày nay, con
người đang rơi vào tình trạng sống vội, sống gấp, sống không mục đích. Chính lối sống
hưởng thụ cũng đã ảnh hưởng sâu đến quan niệm về đức tin của họ. Theo số liệu thống kê
cho ta thấy số người theo đạo công giáo chỉ chiếm 17% dân số thế giới, 9% ở Việt Nam.
Với con số khiêm tốn như thế, đòi hòi sự nỗ lực không ngừng nghỉ nơi tất cả mọi người, từ
giáo sĩ đến giáo dân. Bởi chưng, với số lượng nhà truyền giáo ít ỏi, có những nơi không có
nổi một nhà truyền giáo nào, thì giáo dân phải ý thức được trách nhiệm của bản thân để
cộng tác vào sứ vụ này. Con người thời nay bám víu vào chủ nghĩa thực tế, cho nên họ cần
một Đức Tin cần được nghiệm chứng, một Đức Tin cần thấy được hiệu quả trong chốc lát.
Còn với một niềm tin không màu, không mùi, không thực tế thì rất khó có cơ hội “cư trú”
nơi tâm hồn họ. Vì thế, truyền giáo phải chăng là một công việc trường kỳ, đòi hỏi sự kiên
trì và nhẫn nại. Người linh mục phải dùng chính đời sống của mình và thúc đẩy đời sống
của cộng đoàn để minh chứng cho niềm tin. Bởi với con mắt “trần tục”, có chăng họ chỉ
thấy và nghiệm ra được đức tin qua hiệu quả từ cuộc sống của chúng ta.

Dù có làm gì chăng nữa, chính đời sống người linh mục là tấm gương phản chiếu
rõ ràng nhất về Đức Tin. Nếu một linh mục sống buông thả và bê tha thì không những
không truyền giáo được cho lương dân, mà còn ngay cả giáo dân của mình cũng khó. Điều

6
đó tác động mãnh mẽ lên chính cuộc đời của người linh mục, mỗi ngày sống phải là mỗi
ngày càng nên hoàn thiện hơn, nên giống Chúa Giêsu hơn về cả phương diện tự nhiên và
siêu nhiên. Trước hết, về phương diện tự nhiên, người linh mục cần cân bằng được chính
đời sống của mình. Đến với giáo dân, cần trau chuốt lời nói phù hợp với từng lứa tuổi. Lễ
độ với người cao tuổi, thân thiện hòa nhã với người ngang hàng và kẻ dưới. Rộng lượng
với nhứng kẻ hiềm khích mình, lấy cái “nhu” mà trị cái “cương”, biết ơn những người tận
tâm tận lực giúp đỡ mình. Luôn khiêm tốn trước những gì mà bản thân đạt được, không tự
cao tự đại. Linh mục cũng nên niềm nở tiếp đón tất cả những ai đến với mình, sẵn sàng
chia sẻ và giúp đỡ mỗi khi họ cần. Lên án những việc xấu xa, bất công, dù có bị thiệt thòi
hay đe dọa, có thái độ tích cực chống lại và loại trừ việc xấu. Người linh mục cũng phải
không ngừng bổ túc sự hiểu biết cho bản thân, hầu bắt kịp theo với sự tiến bộ của nhân
loại.

Bên cạnh đó, đời sống siêu nhiên giúp linh mục kết hợp sâu xa hơn với Chúa
Giêsu. Như một học giả đã từng nói: “Trước khi Phúc âm hóa thì phải được Phúc âm hóa”.
Có nghĩa là trước khi loan báo Tin Mừng cho người khác, thì bản thân mình phải sống Tin
Mừng cách triệt để. Phải lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam, lấy Thánh Thể làm lương thực
nuôi dưỡng linh hồn. Không những thế, linh mục phải cầu nguyện luôn luôn, cầu nguyện
trong mọi hoàn cảnh. Dù gặp cảnh vui buồn, cũng đều dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, xin
Thần Khí là Thánh Thần luôn đồng hành trong chặng đường dương thế. Vì như thánh
Têrêxa Avila nói: “Nếu không cầu nguyện thì không cần ma quỷ cám dỗ, con cũng tự vấp
ngã”. Nghĩa là việc cầu nguyện phải luôn sống mãi trong tâm thức người linh mục. Không
những thế, linh mục phải là “thầy” dạy người khác cầu nguyện nữa, nếu không thực hành
thì khó mà hướng dẫn người khác. Một trong những điều cơ bản nhưng cũng quan trọng
nhất là Thánh Thể. Linh mục phải dâng lễ hằng ngày để “hiện tại hóa” hy tế thập giá Chúa
Giêsu trên bàn thờ. Linh mục phải là người bị Thánh Thể hấp dẫn và lôi cuốn, sau đó với
việc cử hành Thánh lễ, người giáo dân cũng được tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Từ đó, mọi
ân phúc được tuôn đổ cho bản thân và mọi người qua việc cử hành Mầu nhiệm tử nạn và
Phục sinh của Đức Kitô. Linh mục còn phải là người có trách nhiệm chăm sóc linh hồn
cho giáo dân của mình. Hướng dẫn họ siêng năng đến với các nghi thức Phụng vụ, thực
hành các việc đạo đức bình dân như lần hạt, rước kiệu, hay đi đàng thánh giá… Đặc biệt,
linh mục phải đóng vai trò “người trung gian” đưa mọi tội nhân về với Chúa qua bí tích
Hòa giải. Giúp giáo dân biết hoán cải và xưng thú những lỗi lầm đề làm hòa với Chúa và
tha nhân. Với những hành động cụ thể như thế, không những linh mục mà giáo dân cũng
được tràn đầy sức sống. Từ hiệu quả dễ nhận thấy đó, chắc chắn anh chị em lương dân sẽ
phần nào nghiệm ra được niềm tin của chúng ta, để cho nếp sống yêu thương từ nơi linh
mục và cộng đoàn cảm hóa con tim của họ.

Trái với những ý tưởng trên, sẽ như thế nào nếu một linh mục không truyền giáo?
Phải chăng linh mục đã đánh mất đi căn tính của mình là truyền giáo, quên đi lời mời gọi
của Chúa Giêsu là rao giảng Tin Mừng, và lãng quên bản chất của Giáo Hội là rao truyền
Lời Chúa. Liệu rằng nếu linh mục không truyền giáo và không nêu gương việc truyền
giáo, Giáo Hội sẽ ra sao? Không trả lời chúng ta cũng biết rằng một Đức Tin không lan tỏa
thì tự nó sẽ tắt, Giáo Hội bị mất đi “đường thở”. Cộng với sức lôi cuốn của các cám dỗ,
chắc chắn đời sống Đức Tin sẽ ngày càng “tụt dốc”, cuộc sống con người ngày càng bất an

7
và đau khổ. Điều đó để nói lên rằng truyền giáo có sức đem lại sự bình an và hạnh phúc
cho con người. Và vai trò truyền giáo của linh mục là không thể thiếu. Bởi khi được đón
nhận Đức Tin cách chân thật, con người được nhận ơn cứu độ và được đảm bảo sự sống
vĩnh cửu mai sau.
Với tất cả những cảm quan đó, ta thấy rằng truyền giáo thực sự là một vấn đề cấp
thiết và cần thiết. “Truyền giáo” là hạn từ rất ngắn để viết và nói, nhưng phải dùng cả đời
người để sống truyền giáo. Là một linh mục coi xứ, lời mời gọi truyền giáo lại luôn réo rắt
lên trong tim các ngài. Thao thức giới thiệu Chúa cho muôn dân không ngừng thôi thúc
bước chân các ngài đi vào cùng tận mọi ngõ ngách. Cho dù phải chấp nhận hy sinh, đau
khổ. Cho dù đối mặt những thách thức, chán chường. Nhưng với ơn Chúa, linh mục sẽ
dám cởi bỏ đi con người cũ để tái hiện lại Đức Giêsu cho thế giới. Dùng chính đời sống
của mình và của giáo dân để cho lương dân thấy được dung mạo của Đức Kitô. Làm cho
thế giới này ngày càng đầy tình Chúa tình người. Là một ứng sinh tương lai, thiết nghĩ bản
thân phải ý thức được việc truyền giáo trong giây phút hiện tại. Biết bỏ đi con người cũ
của mình, bỏ đi những nếp sống cũ. Ngược lại, phải mang lấy tâm tình của Đức Kitô là
phát triển những thói quen đạo đức bình dân. Không ngừng học hỏi Lời Chúa và đem ra
thực hành, để biến bản thân thành cuốn Phúc âm cho người lương dân tìm đọc. Biết sống
đời cầu nguyện và dám từ bỏ những tham sân si, sống mỗi ngày như là một cuộc Phục sinh
thực sự. Thật vậy, truyền giáo là trách nhiệm của tất cả mọi người, trongđó người linh mục
coi xứ phải tiên phong và hướng dẫn giáo dân cùng ra sức truyền giáo bằng chính cuộc
sống của mình. Thiết nghĩ rằng, tất cả nên lấy câu nói của thánh Phaolo để thức tỉnh bản
thân hơn trong việc truyền giáo: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”./

You might also like