You are on page 1of 142

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI

CHỦ BIÊN: TS. NGUYỄN PHÚC THỌ

BÀI GIẢNG

NGUYÊN LÝ KINH TẾ

HÀ NỘI - 2010
LỜI NÓI ĐẦU
Từ sau Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI(12/1986), nền kinh tế nước ta đã
chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường nói chung và kinh tế
học vi mô, kinh tế học vĩ mô nói riêng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý doanh nghiệp,
cho sinh viên các ngành: Phát triển nông thôn & khuyến nông; Quản lý đất đai, Môi trường; Bảo
quản chế biến nông sản; Công nghệ thực phẩm là điều hết sức cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu đó,
bộ môn Kinh tế, khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn, trường Đại học nông nghiệp Hà Nội biên
soạn bài giảng môn học“Nguyên lý kinh tế”. Bài giảng được biên soạn chủ yếu dựa vào giáo
trình “Kinh tế học vi mô”, “Kinh tế học vĩ mô” của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của trường Đại
học nông nghiệp Hà Nội, kết hợp với việc tham khảo các giáo trình Kinh tế học của nước ngoài,
đồng thời có liên hệ với điều kiện thực tế của kinh tế Việt Nam. Bài giảng được chia làm 3 phần:
Phần A: Những vấn đề chung về kinh tế học
Phần B: Những nguyên lý cơ bản của Kinh tế học vi mô
Phần C: Những nguyên lý cơ bản của Kinh tế học vĩ mô
Bài giảng do TS. Nguyễn Phúc Thọ chủ biên.ThS. Lương Xuân Chính biên soạn phần
A và B; TS. Nguyễn Phúc Thọ biên soạn phần C.
Các vấn đề lý luận, thực tiễn về kinh tế thị trường và kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô
hết sức đa dạng và phong phú, vì vậy với thời lượng nhỏ bé của tập bài giảng này không thể đáp
ứng đầy đủ sự mong đợi của người đọc. Rất mong được sự đóng góp xây dựng của các đồng
nghiệp và đông đảo bạn đọc để chúng tôi có điều kiện bổ sung hoàn thiện bài giảng đạt chất
lượng cao hơn, tiến tới chỉnh lý, biên soạn giáo trình “Nguyên lý kinh tế” trong thời gian tới..
Mọi thư từ, góp ý xin gửi về địa chỉ: Bộ môn Kinh tế, khoa Kinh tế & Phát triển nông
thôn, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. ĐT:043.8769.768
Xin chân thành cám ơn!
TẬP THỂ TÁC GIẢ

1
PHẦN A

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ KINH TẾ HỌC


Chương 1
MƯỜI NGUYÊN LÝ CỦA KINH TẾ HỌC
Thuật ngữ Kinh tế (Economy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người quản lý một hộ
gia đình”. Mới nhìn qua điều này có vẻ lạ lùng, nhưng trên thực tế hộ gia đình và nền kinh tế có
nhiều điểm chung.
Hộ gia đình phải đối mặt với nhiều quyết định. Cụ thể như: nó phải quyết định mỗi thành
viên trong gia đình phải làm việc gì và nhận được cái gì, ai là người nội trợ, ai làm việc nhà nước,
ai đi làm thuê cho tư nhân, ai đi học, ai được uống bia, ai được chọn chương trình TV... Nói tóm
lại, hộ gia đình phải phân bổ nguồn lực khan hiếm của mình giữa các thành viên sống chung một
mái nhà sao cho phù hợp với năng lực và ước muốn của mỗi người.
Xã hội phải đối mặt với nhiều quyết định. Ví dụ cần phải làm cái gì và ai sẽ làm việc đó.
Một số người sản xuất lương thực thực phẩm, một số người sản xuất quần áo, thuốc chữa bệnh,
một số người khác làm dịch vụ cắt tóc, gội đầu, hoặc thiết kế phần mềm máy tính... Một khi xã
hội đã phân bổ nguồn lực (đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, lao động...) vào những ngành
nghề lĩnh vực khác nhau, nó cũng phải phân bổ sản lượng hàng hoá dịch vụ được sản xuất ra cho
các thành viên trong xã hội: ai ăn thịt, ai phải ăn rau, ai đi xe con và ai phải đi xe máy, xe đạp
hoặc xe buýt. Vì thế, việc quản lý nguồn lực của xã hội có ý nghĩa quan trọng vì nguồn lực có
tính khan hiếm. Khái niệm khan hiếm hàm ý xã hội vấp phải sự giới hạn về nguồn lực cho nên nó
không thể sản xuất mọi thứ hàng hoá dịch vụ như mọi người mong muốn. Giống như một gia
đình không thể đáp ứng mọi mong muốn của tất cả mọi người, xã hội không thể làm cho tất cả
mọi thành viên có mức sống cao nhất như mong muốn của họ.
Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu phương thức xã hội quản lý nguồn lực khan hiếm.
Trong hầu hết các xã hội, nguồn lực được phân bổ không phải bởi một nhà hoạch định duy nhất ở
trung ương mà thông qua các hoạt động qua lại của hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp. Vì
thế, nhà nghiên cứu kinh tế muốn xem mọi người ra quyết định như thế nào trong sản xuất, phân
phối, trao đổi và tiêu dùng. Ðồng thời các quyết định của cá nhân đó ảnh hưởng như thế nào đến
tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tổng thể, đến sự gia tăng thu nhập, mức sống, đến tỷ lệ lạm
phát và thất nghiệp.
Mặc dù kinh tế học nghiên cứu nền kinh tế dưới nhiều giác độ khác nhau, nhưng môn học
này thống nhất với nhau ở một số ý tưởng cơ bản mà chúng ta tạm gọi đó là:
Ba bài học được thể hiện bằng Mười nguyên lý của Kinh tế học. Nó cung cấp cho chúng
ta cái nhìn tổng quan về kinh tế học.

2
1.1. BÀI HỌC THỨ NHẤT: CON NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
Nền kinh tế thực chất chỉ là sự phản ánh hành vi của các cá nhân trong quá trình sinh tồn
của họ. Những hành vi này thường gắn liền với cách thức ra quyết định của cá nhân và được chi
phối bởi bốn nguyên lý sau:
1.1.1. Nguyên lý 1: Con người phải đối mặt với sự đánh đổi.
Ngạn ngữ có câu: Mọi cái đều có giá của nó. Ðiều đó có nghĩa là: được cái này thì phải
mất cái khác. Quá trình ra quyết định đòi hỏi phải đánh đổi mục tiêu này để đạt một mục tiêu
khác.
+ Với một sinh viên: trong điều kiện nguồn lực về thời gian có hạn, để có một giờ học tập,
người sinh viên này phải từ bỏ một giờ đi chơi thăm viếng bạn bè, hoặc xem TV giải trí.
+ Với một hộ gia đình: khi ra quyết định chi tiêu thu nhập hiện có, người chủ gia đình đều
phải đối mặt với sự đánh đổi. Họ có thể mua thực phẩm, quần áo hay đưa cả nhà đi nghỉ mát. Họ
cũng có thể tiết kiệm một phần thu nhập cho lúc tuổi già hay đầu tư cho con cái học tập. Như vậy,
khi quyết định chi tiêu thêm 1000 đồng cho một trong các mục đích trên họ sẽ mất đi 1000 đồng
để chi cho các mục đích khác.
+ Với một xã hội: con người cũng phải đối mặt với nhiều sự đánh đổi. Ví dụ kinh điển là sự đánh
đổi giữa súng và bơ. Khi chi tiêu cho quốc phòng càng nhiều nhằm tăng khả năng phòng thủ đất nước
(súng), chúng ta phải hy sinh nhiều hàng tiêu dùng để nâng cao mức sống (bơ). Trong xã hội hiện đại, sự
đánh đổi quan trọng là môi trường trong sạch và mức thu nhập cao.
+ Với một nền kinh tế: sự đánh đổi quan trọng mà các chính phủ phải đối mặt là sự đánh
đổi giữa công bằng và hiệu quả. Hiệu quả có nghĩa là xã hội đạt được kết quả cao nhất từ các
nguồn lực khan hiếm. Công bằng hàm ý lợi ích thu được từ các nguồn lực đó được phân phối
công bằng giữa các thành viên trong xã hội. Nói cách khác: hiệu quả ám chỉ quy mô của chiếc
bánh kinh tế, còn công bằng nói lên phương thức phân chia chiếc bánh đó. Trong thực tế, khi thiết
kế các chính sách của chính phủ, người ta thường thấy hai mục này xung đột với nhau.
Chẳng hạn, để thành lập các quỹ phúc lợi xã hội nhằm trợ giúp người nghèo, chính phủ
thực thi chính sách thuế thu nhập, tức là lấy đi một phần thu nhập của người giàu để chia cho
người nghèo. Khi đó, mặc dù chính phủ đã thành công trong việc đảm bảo công bằng xã hội
nhưng đã gây ra sự tổn thất nếu xét từ khía cạnh hiệu quả. Việc tái phân phối thu nhập giữa người
giàu với người nghèo đã làm giảm phần thưởng cho sự năng động sáng tạo, cần cù chịu khó của
người giàu. Người ta sẽ sản xuất ít hàng hoá hơn, với chất lượng thấp và mẫu mã kém đa dạng
hơn. Nói cách khác, khi chính phủ cố gắng chia chiếc bánh thành những phần đều hơn thì chiếc
bánh càng nhỏ lại.
1.1.2. Nguyên lý 2: Chi phí của một thứ là cái mà bạn phải từ bỏ để có được nó

3
Vì phải đối mặt với đánh đổi nên khi ra quyết định, con người phải so sánh chi phí và lợi
ích của các phương án hành động khác nhau. Song trong nhiều trường hợp, chi phí của một số
hành động không phải lúc nào cũng được biểu hiện rõ ràng.
Chẳng hạn, khi quyết định đi học đại học, bạn nhận được ích lợi gì và phải chi phí như thế
nào?
+ Ích lợi của đi học là tăng thêm kiến thức và có được cơ hội làm việc tốt hơn với thu nhập
và có vị trí cao hơn trong cả cuộc đời.
+ Chi phí của nó bao gồm tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền sách bút, học phí... Nhưng như thế
chưa đầy đủ, khoản chi phí lớn nhất của việc đi học đại học là thời gian của bạn. Bởi vì, khi dành
một năm đi học đại học (nghe giảng trên lớp, làm bài tập tiểu luận, thực tập...) bạn không thể
dùng thời gian này để làm một công việc nào đó - nó có thể là khoản tiền lương mà bạn phải từ bỏ
để đi học đại học là khoản chi phí lớn nhất cho việc đi học đại học của bạn. Vì thế, khi đi học đại
học bạn đã bỏ lỡ cơ hội để kiếm một khoản thu nhập nào đó.
Như vậy, chi phí cơ hội của một thứ là cái mà bạn phải từ bỏ để có được nó. Vì vậy, khi
đưa ra một quyết định hoặc hành động nào đó, người ra quyết định phải nhận thức được chi phí
cơ hội gắn liền với quyết định đó. Trên thực tế, chi phí này xuất hiện ở khắp nơi và mức độ cao
thấp là tuỳ thuộc vào từng cá nhân.
1.1.3. Nguyên lý 3: Con người duy lý suy nghĩ tại điểm cận biên
Các quyết định trong cuộc sống hiếm khi minh bạch mà thường ở trạng thái không rõ ràng
hoặc tranh tối tranh sáng. Ví dụ:
+ Ðến bữa ăn tối, vấn đề ta phải đối mặt không phải là ăn cái gì, ăn như thế nào mà là có
nên ăn thêm một chút nữa hay không.
+ Khi mùa thi đến, vấn đề mà người sinh viên phải đối mặt không phải là việc học bao
nhiêu giờ trong ngày mà là có nên học thêm một giờ nữa hay dừng lại để xem TV hoặc chơi thể
thao. Các nhà kinh tế gọi đó là những thay đổi cận biên để chỉ những điều chỉnh nhỏ và tăng dần
trong kế hoạch hành động của mỗi con người. Ðể có quyết định đúng đắn, con người thường cân
nhắc ích lợi mang lại và chi phí phải bỏ ra của những thay đổi cận biên đó. Tức là so sánh ích lợi
cận biên tăng thêm và chi phí cận biên tăng thêm để đưa ra quyết định. Chừng nào ích lợi cận
biên còn cao hơn chi phí cận biên thì con người sẽ quyết định hành động.
+ Một tài xế xe khách chất lượng cao Hà Nội - Hải Phòng đứng trước tình huống xe còn trống
ghế và đã đến giờ phải xuất bến nhưng có 2 khách muốn đi ngay nhưng chỉ trả 20.000đ/vé (trong khi giá
vé là 40.000đ). Khi đó, nếu quyết định không cho 2 hành khách nói trên đi xe vì trả giá thấp hơn giá vé
quy định thì quyết định này chưa đúng. Bởi vì, dù trên xe có 15, 20, 30 hành khách thì xe vẫn phải xuất
bến và vẫn phải đi đúng lộ trình theo quy định của Ban quản lý bến. Khi đó, chi phí xăng dầu, lệ phí
đường...vẫn như lúc xe đủ hành khách. Vì thế, người tài xế nên cân nhắc ích lợi tăng thêm và chi phí
tăng thêm nếu chở thêm hành khách.

4
+ Ích lợi tăng thêm khi thu nhận thêm 1 hành khách là số tiền kiếm được từ người hành
khách đó (ở đây là 20.000đ).
+ Chi phí tăng thêm có chăng chỉ là chai nước mát và chiếc khăn lạnh cho người khách
đáng giá 6.000đ. Rõ ràng việc cho người khách kia lên xe là có lợi 14.000đ. Do đó, chừng nào
mà người khách bổ sung còn trả cao hơn 6.000đ thì việc cho anh ta đi xe còn có lợi.
Như vậy, con người sẽ đưa ra quyết định tốt hơn nếu cân nhắc suy nghĩ tại điểm cận biên.
1.1.4. Nguyên lý 4: Con người phản ứng với các kích thích
Vì mọi người ra quyết định thường dựa trên sự so sánh giữa chi phí và lợi ích cho nên hành
vi của họ có thể thay đổi khi ích lợi hoặc chi phí thay đổi. Điều đó có nghĩa là con người sẽ có
phản ứng đối với các kích thích.
+ Chẳng hạn khi giá cả thịt gà tăng lên, người tiêu dùng phản ứng bằng cách ăn ít thịt gà
hơn và chuyển sang ăn nhiều thịt lợn hơn. Trong khi đó, người chăn nuôi gà lại phản ứng ngược
lại: giá thịt gà tăng sẽ kích thích họ sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, thuê thêm nhiều lao động... để
tăng sản lượng tiêu thụ trên thị trường nhằm tăng thêm lợi nhuận. Như vậy, giá cả hàng hoá tăng
gây nên phản ứng trái ngược nhau giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất.
+ Khi giá xăng tăng lên do nguyên nhân chủ quan (chẳng hạn chính phủ tăng thuế nhập
khẩu xăng) điều này gây ra nhiều phản ứng. Người tiêu dùng sẽ quan tâm đến việc tiết kiệm nhiên
liệu, hoặc sử dụng loại ô tô nhỏ hơn. Nó cũng khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện giao
thông công cộng (xe buýt), hoặc sử dụng phương tiện cá nhân khác không dùng đến xăng (xe đạp
điện), hoặc sống gần nơi làm việc,
+ Việc chính phủ quy định khi đi xe máy trên đường cao tốc phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an
toàn tính mạng cho người lái xe khi tai nạn giao thông xảy ra. Ðiều này gây ra phản ứng trực tiếp đối với
người sản xuất và bán mũ xe máy. Họ sẽ bán được nhiều hàng hoá hơn và kiếm được lợi nhuận cao hơn.
Ðiều đó cũng làm xuất hiện một số người đứng ra hành nghề cho thuê mũ xe máy. Nhưng nó cũng gây ra
phản ứng gián tiếp đối với người đi xe máy: họ sẽ chủ quan hơn, phóng nhanh vượt ẩu hơn và cũng rất dễ
xảy ra tai nạn khi đã đội mũ xe máy.
Vì vậy, phân tích bất cứ chính sách nào, chúng ta cũng phải xem xét đến cả hậu quả trực
tiếp lẫn hậu quả gián tiếp do các kích thích tạo ra.
1.2. BÀI HỌC THỨ 2: CON NGƯỜI TƯƠNG TÁC VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO?
Bốn nguyên lý đầu tiên bàn về cách thức ra quyết định cá nhân. Nhưng trong cuộc sống
hàng ngày, nhiều quyết định của cá nhân không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn tác động
đến những người xung quanh. Ba nguyên lý tiếp theo liên quan đến cách thức con người tương
tác với nhau.
1.2.1. Nguyên lý 5: Thương mại làm cho mọi người đều có lợi

5
Chúng ta thường nghe trên các bản tin thời sự rằng người Nhật là đối thủ cạnh tranh của
người Mỹ trên thị trường quốc tế vì hai nước này cũng sản xuất những mặt hàng giống nhau: ô tô,
máy tính...
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng là đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài trong sản xuất hầu hết các mặt hàng phục vụ tiêu dùng: xe đạp, xe máy, đồ gia dụng,
nước giải khát, rượu bia, hàng dệt may...
Vì vậy, người ta rất dễ mắc sai lầm khi nghĩ về sự cạnh tranh giữa các nước hoặc giữa các
đoanh nghiệp với nhau giống như một cuộc thi đấu thể thao, trong đó luôn có kẻ thắng người
thua. Sự thật, không phải như vậy, thương mại giữa các nước luôn làm cho các bên tham gia đều
có lợi.
Ðiều đó xảy ra khi mỗi bên tham gia chỉ chuyên môn hoá sản xuất những mặt hàng mình có
lợi thế về điều kiện sản xuất và trao đổi sản phẩm cho nhau. Khi đó, mỗi bên tham gia đều có lợi:
họ sẽ mua được nhiều hàng hoá hơn, kiểu dáng đa dạng, chất lượng tốt và giá thấp hơn. Như vậy,
thương mại sẽ làm cho mọi người xích lại gần nhau bởi vì tất cả đều có lợi khi tham gia vào hoạt
động này.
1.2.2. Nguyên lý 6: Thị trường luôn là phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế
Hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ sau sự kiện các nước Đông Âu và Liên Xô tan rã là một
thay đổi quan trọng của nền kinh tế thế giới nửa cuối thế kỷ XX. Các nền kinh tế này hoạt động
dựa trên tiền đề là các nhà hoạch định chính sách ở trung ương là người quyết định mọi hoạt động
của nền kinh tế theo một kế hoạch đã định. Cơ quan kế hoạch đó quyết định xã hội sản xuất hàng
hoá dịch vụ nào, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, ai là người sản xuất và ai được phép
tiêu dùng chúng. Lý thuyết hậu thuẫn cho cơ chế kế hoạch hoá tập trung này cho rằng: chỉ có
chính phủ mới là người tổ chức các hoạt động kinh tế để nâng cao phúc lợi kinh tế của đất nước
trên phạm vi tổng thể.
Hiện nay, hầu các nước có nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung mệnh lệnh với công
cụ kế hoạch hoá đã từ bỏ hệ thống này để phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường (kinh tế thị
trường). Trong nền kinh tế thị trường, người ra quyết định là các cá nhân (doanh nghiệp và hộ gia
đình). Trong đó, các doanh nghiệp sẽ quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và thuê ai
sản xuất. Các hộ gia đình sẽ quyết định làm việc cho doanh nghiệp nào, mua cái gì bằng thu nhập
của mình. Các quyết định của hai tác nhân này đều dựa vào tín hiệu giá cả hàng hoá dịch vụ được
hình thành do tác động qua lại của họ trên thị trường với mục đích tối đa hoá lợi ích kinh tế.
Như vậy, trong nền kinh tế thị trường mỗi cá nhân đều được dẫn dắt bởi “Bàn tay vô hình”- lợi ích
kinh tế . Nhờ đó, các quyết định của họ đều nhằm mục tiêu tối đa hoá lợi ích kinh tế riêng cũng là góp
phần nâng cao phúc lợi chung của xã hội. Một công cụ quan trọng của bàn tay vô hình là giá cả. Giá cả
được hình thành do quan hệ cung - cầu hàng hoá. Do vậy nó phản ánh giá trị của hàng hoá đối với xã hội
và chi phí mà xã hội phải bỏ ra để sản xuất nó. Hộ gia đình và doanh nghiệp nhìn vào giá cả để đưa ra
quyết định của mình nên vô tình họ đã tính đến các lợi ích và chi phí xã hội mà hành vi của họ đã tạo ra.

6
Kết quả là, giá cả hướng dẫn các cá nhân đưa ra quyết định mà trong nhiều trường hợp nó cho phép tối đa
hoá phúc lợi xã hội.
Có một hệ quả quan trọng đối với kỹ năng của bàn tay vô hình trong việc định hướng hoạt
động kinh tế: khi ngăn không cho giá cả điều chỉnh một cách tự nhiên theo cung và cầu, chính
phủ cũng đồng thời cản trở khả năng của bàn tay vô hình trong việc phối hợp hoạt động của hàng
triệu hộ gia đình và doanh nghiệp - những đơn vị cấu thành nền kinh tế. Hệ quả này lý giải tại sao
thuế tác động tiêu cực tới quá trình phân bổ nguồn lực: thuế làm tăng giá đối với người tiêu dùng
và giảm giá mà người sản xuất nhận được, từ đó làm biến dạng quyết định của hai tác nhân này:
giảm lượng tiêu dùng và sản xuất. Như vậy các nhà hoạch định ở trung ương đã thất bại vì họ tìm
cách vận hành nền kinh tế mà một tay của nó - tức bàn tay vô hình của thị trường bị xiềng xích.
1.2.3. Nguyên lý 7: Ðôi khi chính phủ có thể cải thiện được kết cục thị trường
Mặc dù thị trường là một phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế. Nhưng bản thân nó
cũng chứa đựng những sự thất bại đòi hỏi có sự can thiệp của chính phủ. Ðó là tình huống trong
đó thị trường phân bổ nguồn lực không hiệu quả do: sức mạnh thị trường, ảnh hưởng bên ngoài
(ngoại ứng), hàng hoá công cộng, thông tin không đầy đủ, phân phối không công bằng... Khi đó,
chính phủ phải can thiệp vào thị trường để sửa chữa các thất bại mà thị trường không thể giải
quyết được.
Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hoá được hình thành do tác động qua lại của
người sản xuất (doanh nghiệp) và hộ gia đình. Ðây là tín hiệu để các cá nhân ra quyết định sản
xuất hoặc tiêu dùng cho mình. Nhưng nếu trên thị trường chỉ có một nhà sản xuất chẳng hạn thì
họ là người quyết định giá của sản phẩm cũng như lượng sản xuất và bán ra. Khi đó, người sản
xuất thường đặt giá cao hơn giá thị trường và hạn chế cung để thu lợi nhuận cao. Quyết định của
nhà độc quyền - người có sức mạnh thị trường đã vi phạm cơ chế hình thành giá, làm tổn hại đến
lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy, với vai trò của mình, chính phủ có thể đưa ra những luật lệ
chống độc quyền, hoặc điều tiết trực tiếp buộc nhà độc quyền phải giảm giá bán và tăng lượng sản
xuất nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Một nguyên nhân có thể làm thị trường thất bại là ảnh hưởng bên ngoài (ngoại ứng). Ảnh
hưởng bên ngoài là ảnh hưởng do hành vi của một người tạo ra đối với lợi ích của người ngoài
cuộc Ví dụ kinh điển về chi phí ngoại ứng là ô nhiễm môi trường. Nếu một nhà máy hoá chất
không phải chịu toàn bộ chi phí cho chất thải của nó đối với môi trường (khói, bụi, chất độc
hại..). Khi đó, chính phủ có thể tăng phúc lợi kinh tế thông qua các quy định về môi trường.
Thị trường và kinh tế thị trường không thể đảm bảo thu nhập được phân phối một cách công
bằng. Bởi vì các cá nhân khác nhau, do vì nhiều lý do hoàn cảnh khác nhau sẽ có thu nhập khác
nhau, nhưng thị trường chỉ thoả mãn nhu cầu hàng hoá dịch vụ cho cá nhân theo khả năng thanh
toán của họ. Vì vậy, dẫn tới sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt, mức sống. Khi đó, chính phủ có
thể thông qua chính sách thuế và hệ thống phúc lợi xã hội để tiến tới sự phân phối các phúc lợi kinh
tế một cách công bằng hơn.

7
Như vậy, trong một số trường hợp, sự tham gia của chính phủ có thể cải thiện được kết cục
thị trường và hạn chế các thất bại do hoạt động của thị trường tạo nên.
1.3. BÀI HỌC THỨ 3: NỀN KINH TẾ VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT TỔNG THỂ VẬN HÀNH
NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta bắt đầu bằng việc thảo luận về cách thức ra quyết định cá nhân, sau đó xem xét
phương thức các cá nhân tương tác với nhau. Những quyết định và sự tương tác này tạo thành
“nền kinh tế”. Ba nguyên lý cuối cùng liên quan đến sự vận hành của nền kinh tế nói chung.
1.3.1. Nguyên lý 8: Mức sống của một nước phụ thuộc vào năng lực sản xuất hàng hoá dịch
vụ của nước đó.
Sự chênh lệch mức sống trên thế giới rất đáng kinh ngạc. Vào năm 1997, một người Mỹ có
thu nhập bình quân 29.000$, người Mêhicô 8.000$ nhưng người Nigiêria chỉ có thu nhập bình
quân đầu người là 900$ (ở Việt Nam chưa đến 300$). Vì thế, chất lượng cuộc sống ở các nước
này cũng có sự chênh lệch rất lớn. Công dân ở những nước thu nhập cao có nhiều ti vi, ô tô hơn,
chế độ dinh dưỡng, dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ tốt hơn và tuổi thọ cũng cao hơn người dân ở
các nước thu nhập thấp.
Sự thay đổi mức sống theo thời gian cũng rất lớn. Ở Mỹ, bình quân mỗi năm thu nhập tăng
2%/năm tức là sau 35 năm thu nhập bình quân tăng gấp đôi. Vì sao lại có sự khác biệt về mức
sống giữa các quốc gia và theo thời gian? Câu trả lời thật đơn giản: đó là sự khác biệt về năng
suất lao động giữa các nước và theo thời gian. Năng suất lao động là số lượng sản phẩm được sản
xuất ra trên một lao động trong một đơn vị thời gian nhất định (giờ, ngày, tháng, năm lao động).
Những nước có năng suất lao động cao người dân thường có mức sống cao hơn công dân ở những
nước có mức năng suất lao động thấp. Tương tự, tốc độ tăng năng suất lao động ở một quốc gia
quyết định tốc độ tăng thu nhập bình quân của quốc gia đó. Như vậy, giữa năng suất lao động và
mức sống có một mối liên hệ hữu cơ: tăng năng suất lao động là điều kiện cần thiết để nâng cao
mức sống. Do vậy, để nâng cao mức sống cho các thành viên trong xã hội, các chính phủ phải
quan tâm đến các chính sách tác động đến việc nâng cao năng suất lao động, như chính sách đào
tạo bồi dưỡng, chính sách đầu tư vốn và công nghệ...
1.3.2. Nguyên lý 9: Giá cả tăng khi chính phủ in quá nhiều tiền
Vào tháng 1 năm 1921, giá một tờ nhật báo ở Ðức 0,3 mác. Nhưng chưa đầy 2 năm sau, vào
tháng 11 năm 1922 cũng tờ báo ấy giá 70 triệu mác. Giá các loại mặt hàng khác trong nền kinh tế
Ðức cũng tăng tương tự như vậy. Lạm phát cao sẽ ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh tế xã hội, gây
bất ổn định kinh tế và thiệt hại cho sản xuất tiêu dùng của mỗi quốc gia. Vì vậy, giữ cho lạm phát
ở mức độ thấp là một mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế trên toàn thế giới
thường theo đuổi.
Nguyên nhân gây ra lạm phát là gì? Trong hầu hết các trường hợp lạm phát trầm trọng hoặc
kéo dài, tất cả đều có chung một thủ phạm, đó là sự gia tăng của lượng tiền lưu thông. Khi chính

8
phủ in và phát hành một lượng tiền lớn, giá trị của tiền (sức mua) sẽ giảm. Vào đầu những năm
1920, khi giá cả ở Ðức tăng 3 lần mỗi tháng thì lượng tiền cũng tăng gấp 3 lần mỗi tháng. Lịch sử
kinh tế Mỹ cũng diễn ra hiện tượng tương tự: lạm phát cao những năm 1970 (trên 100%) đi liền
với gia tăng nhanh chóng của lượng tiền và vào những năm 1990, lạm phát chỉ khoảng 3% gắn
liền với sự gia tăng chậm của lượng tiền.
1.3.3. Nguyên lý 10: Chính phủ phải đối mặt với sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát và
thất nghiệp
Một thực tế mà các nhà hoạch định chính sách thường gặp đó là khi cắt giảm lạm phát thường gây
ra tình trạng gia tăng tạm thời của thất nghiệp. Ðường minh hoạ cho sự đánh đổi giữa lạm phát và thất
nghiệp được gọi là đường Philips, một đường được gọi theo tên nhà kinh tế đầu tiên nghiên cứu
mối quan hệ này. Theo đó, các nhà kinh tế đều thừa nhận có sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát
và thất nghiệp. Ðiều này hàm ý rằng, trong khoảng thời gian ngắn (một, hai năm) nhiều chính
sách kinh tế đẩy lạm phát và thất nghiệp đi theo hướng trái ngược nhau, bất kể thời điểm ban đầu
tỷ lệ này cao hay thấp. Ðường Philips cho ta thấy tỷ lệ lạm phát cao kéo theo tỷ lệ thất nghiệp thấp
hơn và ngược lại. Nó gợi cho ta thấy có thể đánh đổi lạm phát nhiều hơn để có thất nghiệp thấp
hơn và ngược lại.
Ðường Philips minh hoạ sự đánh đổi, thất nghiệp và lạm phát. Vào những năm sáu mươi
của thế kỷ XX, người ta cho rằng: tỷ lệ thất nghiệp 2,5% thì lạm phát bằng 0 (trong ngắn hạn).Sự
đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp chỉ có tính chất tạm thời, nhưng nó có thể kéo dài trong
một vài năm. Vì vậy, đường Philips có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu các xu thế phát
triển của nền kinh tế. Ðặc biệt các nhà hoạch định chính sách có thể khai thác sự đánh đổi này
bằng cách vận dụng các công cụ chính sách khác nhau, như chính sách tài khoá (thuế, chi tiêu của
chính phủ), chính sách tiền tệ (cung tiền) nhằm tác động vào mối quan hệ giữa lạm phát và thất
nghiệp mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

9
Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ KINH TẾ CƠ BẢN CỦA KINH TẾ HỌC

2.1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM


2.1.1. Kinh tế học
Hiện nay có nhiều quan điểm về kinh tế học do mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
khác nhau.
- Quan điểm thứ nhất (theo David Begg): Kinh tế học nghiên cứu cách thức xã hội giải
quyết những vấn đề kinh tế cơ bản (sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? sản xuất cho ai?).
- Quan điểm thứ hai: Kinh tế học là một môn khoa học xã hội, nghiên cứu các hành vi ứng
xử của các tác nhân trong nền kinh tế.
- Quan điểm thứ ba: Kinh tế học là một môn khoa học xã hội, nó nghiên cứu các mối quan
hệ giữa sản xuất, lưu thông, tiêu dùng. Trên cơ sở đó, tìm ra mối quan hệ tối ưu để phục vụ cho
sản xuất và đời sống.
- Quan điểm thứ tư: Kinh tế học nghiên cứu các sự kiện, các hoàn cảnh và xu hướng phát
triển của nó để có những chính sách phù hợp.
- Quan điểm thứ năm (theo N. Mankiw ): Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu phương
thức xã hội quản lý nguồn lực khan hiếm.
- Quan điểm thứ sáu: Kinh tế học là môn khoa học xã hội, nó nghiên cứu cách thức các xã
hội phân bổ các nguồn lực khan hiếm để sản xuất ra các hàng hóa dịch vụ có giá trị và phân phối
chúng cho các thành viên trong xã hội.
Với các quan điểm trên, chúng ta có thể thấy rằng: Kinh tế học là môn khoa học của sự lựa
chọn, nó nghiên cứu và giải quyết những vấn đề kinh tế cơ bản nhằm khai thác và sử dụng các
nguồn lực khan hiếm sao cho có hiệu quả nhất và phân phối những sản phẩm làm ra cho mọi
thành viên trong xã hội kể cả thời hiện tại và tương lai.
Như vậy, xuất phát điểm có sự ra đời của môn kinh tế học là: nguồn lực khan hiếm và xã
hội phải phân bổ các nguồn lực đó một cách có hiệu quả.
2.1.2. Kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc
Theo cách tiếp cận, kinh tế học được chia thành: Kinh tế học thực chứng và kinh tế học
chuẩn tắc.
a. Kinh tế học thực chứng
Kinh tế học thực chứng là một cách tiếp cận của kinh tế học, nó mô tả và phân tích các sự
kiện, những mối quan hệ trong nền kinh tế - cái gì, thế nào và cho ai – và các hành vi ứng xử của

10
chúng. Nói cách khác: nó giải thích sự hoạt động của nền kinh tế một cách khách quan và khoa
học.
Kinh tế học thực chứng là để trả lời câu hỏi: là bao nhiêu? là gì? như thế nào?
Mục đích của kinh tế học thực chứng là tìm hiểu lý do vì sao nền kinh tế lại hoạt động như
vậy. Trên cơ sở đó dự đoán phản ứng của nó khi có sự thay đổi của hoàn cảnh, đồng thời Chính
phủ có thể sử dụng các công cụ điều chỉnh để hạn chế tác động tiêu cực và khuyến khích mặt tích
cực nhằm đạt được những kết quả mong muốn.
Ví dụ: Nền kinh tế thế giới năm 2009 đang lâm vào tình trạng suy thoái; Giá dầu thô thế
giới cuối năm 2008 có sự biến động lớn ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng kinh tế của các quốc
gia; Lạm phát ở Việt Nam năm 2008 đã lên mức 2 con số đã buộc dân chúng phải thắt chặt chi
tiêu...
b. Kinh tế học chuẩn tắc
Kinh tế học chuẩn tắc liên quan đến quan điểm đạo lý chính trị ở một quốc gia. Nó đưa ra
các chỉ dẫn hoặc khuyến nghị dựa trên những đánh giá, nhận định chủ quan theo tiêu chuẩn cá
nhân vào các vấn đề cái gì, thế nào và cho ai của nền kinh tế.
Có rất nhiều vấn đề đặt ra mà câu trả lời tùy thuộc vào quan điểm của cá nhân và cũng có
nhiều phương pháp giải quyết khác nhau về một hiện tượng kinh tế tùy theo cách đánh giá của
mỗi người. Ví dụ: Có nên dùng thuế để lấy bớt thu nhập của người giàu giúp đỡ người nghèo
không? Và nếu có thì mức thu nhập bao nhiêu sẽ phải chịu thuế hoặc thuế suất sẽ là bao nhiêu
phần trăm thì hợp lý? Hoặc có nên trợ giá các yếu tố đầu vào và sản phẩm đầu ra cho sản xuất
nông nghiệp để giúp đỡ người nông dân hay không? Hoặc Nhà nước nên bù lỗ cho việc kinh
doanh sản phẩm xăng dầu để ổn định sản xuất và đời sống của nền kinh tế…Cho tới nay, chưa có
câu trả lời đúng hay sai với các câu hỏi trên bởi lẽ chúng đưa cả giá trị đạo đức vào các sự kiện
thực tế. Những vấn đề này thường được tranh luận và quyết định chính trị, nó không bao giờ được
giải quyết bằng khoa học hoặc bằng các phân tích kinh tế. Nó trả lời cho câu hỏi “nên làm cái
gì”.
Dĩ nhiên kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc có quan hệ mật thiết với nhau, có
ý nghĩa lớn trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Cho nên khi nghiên cứu về kinh tế học, bạn luôn
luôn nhớ tới sự phân biệt giữa các nhận định thực chứng và chuẩn tắc. Nhiều nội dung của kinh tế
học chỉ nhằm lý giải cách thức vận hành của nền kinh tế. Nhưng mục tiêu của kinh tế học thường
là cải thiện hoạt động của nền kinh tế. Khi nghe thấy các nhà kinh tế nêu ra nhận định chuẩn tắc,
bạn nên biết rằng họ đã vượt qua ranh giới của khoa học và bước vào vương quốc của các nhà tư
vấn chính sách.
2.1.3. Kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô
Căn cứ vào phạm vi nghiên cứu, kinh tế học được chia thành: Kinh tế học vi mô và kinh
tế học vĩ mô.

11
a. Kinh tế học vi mô
Kinh tế học vi mô là môn học nghiên cứu cách thức ra quyết định của các chủ thể kinh tế
cũng như sự tương tác của họ trên các thị trường cụ thể. Nó nghiên cứu và giải quyết những vấn
đề kinh tế cơ bản của các tế bào trong nền kinh tế, tức là nó nghiên cứu các hành vi, các hoạt
động của từng đơn vị kinh tế đơn lẻ (doanh nghiệp, hộ gia đình, trang trại, các chủ đất). Chẳng
hạn, kinh tế học vi mô nghiên cứu tác động của các biện pháp kiểm soát tiền thuê nhà đối với nhà
ở tại thành phố Hà nội hay thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đối
với ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, ảnh hưởng của chính sách tiền lương tối thiểu đối với
thị trường lao động cũng như thu nhập của người lao động. Một cách cụ thể: kinh tế học vi mô
nghiên cứu cách thức người sản xuất lựa chọn các yếu tố đầu vào để sản xuất ra sản phẩm với chi
phí thấp nhất hoặc lựa chọn mức sản lượng đầu ra để đạt lợi nhuận cao nhất. Và khi giá các yếu tố
đầu vào, đầu ra thay đổi thì họ ứng xử như thế nào để đạt mục tiêu mong muốn. Kinh tế học vi
mô nghiên cứu cách thức người tiêu dùng đưa ra quyết định tối ưu khi mua hàng hóa dịch vụ với
nguồn thu nhập hiện hữu với giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường, phù hợp với sở thích hoặc
thị hiếu tiêu dùng của từng cá nhân để đạt được sự thỏa mãn cao nhất. Và khi thu nhập, giá cả
hàng hóa dịch vụ thay đổi thì họ ứng xử như thế nào để đạt mục tiêu mong muốn. Đồng thời, kinh
tế học vi mô cũng nghiên cứu sự tương tác qua lại giữa những người tiêu dùng và các nhà sản
xuất trên các thị trường để quyết định giá cả và lượng hàng hóa trao đổi.
Adam Smith là người đặt nền móng cho lĩnh vực kinh tế học vi mô - một nhánh của Kinh tế
học đi sâu nghiên cứu về hành vi của các chủ thể riêng biệt như các thị trường, các doanh nghiệp,
các hộ gia đình. Trong tác phẩm “Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc sự giàu có của các quốc
gia”, Ông đã nghiên cứu các loại giá cả riêng biệt được hình thành như thế nào, giá yếu tố sản
xuất được xác định ra sao, khảo cứu về những điểm mạnh và điểm yếu của cơ chế thị trường.
Điều quan trọng nhất là Ông đã xác định được một trong những tính chất hiệu quả đặc biệt của thị
trường - “Bàn tay vô hình” đã mang lại lợi ích chung từ những hành động vị kỷ của cá nhân. Cho
đến nay, tính chất đó vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó.
b. Kinh tế học vĩ mô
Kinh tế học vĩ mô là môn học nghiên cứu hoạt động của nền kinh tế dưới giác độ tổng thể.
Nó đi sâu nghiên cứu vấn đề sản lượng và tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát; nghiên
cứu ảnh hưởng của vay nợ nước ngoài của Chính phủ hoặc tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài đến
tăng trưởng kinh tế của một đất nước; quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp; nghiên cứu tác động
của các chính sách kinh tế nhằm ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Kinh tế học vĩ mô mới chỉ được đề cập đến bắt đầu từ năm 1939. khi John Maynard Keynes
công bố tác phẩm có tính cách mạng của Ông: “Lý thuyết chung về việc làm, tiền lãi và tiền tệ”.
Vào thời điểm đó, các nước tư bản đang chìm sâu trong cuộc đại suy thoái của những năm 1930.
Trong khi nghiên cứu để tìm lối thoát Keynes đã nhấn mạnh: nền kinh tế thị trường có thể không
làm tròn chức năng của nó. Trong lý thuyết của mình, Ông đã phát triển lý thuyết giải thích về
nguyên nhân thất nghiệp và suy thoái kinh tế, về đầu tư và tiêu dùng được xác định như thế nào,

12
ngân hàng trung ương quả lý tiền tệ ra sao, vì sao một số nước lại phát triển trong khi đó một số
khác lại rơi vào đình trệ....Cũng qua nghiên cứu của mình, Ông cho rằng, Chính phủ có vai trò
quan trọng trong việc làm giảm bớt những thăng trầm của chu kỳ kinh doanh. Mặc dù nhiều nhà
kinh tế không thừa nhận các tư tưởng và những giải thích cụ thể của Keynes, song những vấn đề
mà Ông đưa ra vẫn là đối tượng nghiên cứu của kinh tế học vĩ mô hiện nay.
c. Mối quan hệ giữa kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô
Vì những thay đổi trong nền kinh tế nói chung phát sinh từ quyết định của hàng triệu cá
nhân nên chúng ta không thể hiểu được các hiện tượng kinh tế vĩ mô nếu không tính đến các
quyết định kinh tế vi mô liên quan.
Cả hai môn kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô đều là những nội dung quan trọng của
kinh tế học, không thể chia cắt mà bổ sung cho nhau, tạo thành hệ thống kiến thức của kinh tế thị
trường có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước.
Kinh tế vĩ mô tạo hành lang, tạo môi trường, tạo điều kiện cho kinh tế vi mô phát triển.
Thực tế phát triển kinh tế ở các nước đã chứng minh, kết quả của hoạt động kinh tế vĩ mô phụ
thuộc vào hành vi của kinh tế vi mô, kinh tế quốc dân phụ thuộc vào sự phát triển của các doanh
nghiệp, của các tế bào kinh tế trong sự tác động ảnh hưởng của nền kinh tế.
Ranh giới phân biệt giữa kinh kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô rất mỏng manh, gần đây
chúng đã hội nhập lại khi các nhà kinh tế ứng dụng các công cụ kinh tế học vi mô để giải thích
các vấn đề kinh tế học vĩ mô. Do đó, để nâng cao sự hiểu biết đầy đủ về kinh tế học, chúng ta
phải khám phá cả hai phân ngành này.
2.2. DOANH NGHIỆP VÀ BA VẤN ĐỀ KINH TẾ CƠ BẢN CỦA TỔ CHỨC KINH TẾ
2.2.1. Doanh nghiệp
a. Khái niệm: Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế, là đơn vị sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch
vụ theo đúng luật pháp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, xã hội để đạt hiệu quả cao về kinh tế,
chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
b. Phân loại doanh nghiệp: Tùy theo mục đích nghiên cứu và phương pháp tiếp cận người ta
thường dựa vào một số tiêu thức sau đây để phân loại doanh nghiệp.
- Căn cứ vào hình thức sở hữu: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tập thể, doanh
nghiệp tư nhân, công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Căn cứ vào chức năng họat động: Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hoạt
động công ích.
- Căn cứ vào ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh (ngành kinh tế - kỹ thuật): doanh
nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp xây dựng cơ bản, doanh nghiệp
dịch vụ thương mại.
- Căn cứ vào tính trách nhiệm: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn, doanh nghiệp chịu
trách nhiệm hữu hạn.

13
- Căn cứ vào tư cách pháp lý: doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp không có
tư cách pháp nhân.
- Căn cứ vào cấp quản lý: doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp địa phương.
- Căn cứ vào quy mô sản xuất kinh doanh: doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp quy mô
nhỏ, doanh nghiệp quy mô vừa.
c. Quá trình kinh doanh của doanh nghiệp:
Quá trình kinh doanh của doanh nghiệp là quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng
hóa dịch vụ trên thị trường.
Tuy nhiên mỗi một doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác nhau thì
quá trình kinh doanh cũng khác nhau.
- Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa dịch vụ, quá trình sản xuất kinh doanh bao gồm
các khâu sau đây:
 Điều tra xác định cầu của thị trường và xã hội để ra quyết định nên sản xuất cái gì?
 Lựa chọn và chuẩn bị các yếu tố đầu vào để sản xuất hàng hóa dịch vụ.
 Phối hợp các yếu tố đầu vào theo một quy trình công nghệ nhất định để tạo ra nhiều sản phẩm, chất
lượng cao, chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm thấp nhất
 Tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dịch vụ và thu tiền về.
- Đối với các doanh nghiệp thương mại, quá trình kinh doanh bao gồm các khâu sau:
 Nghiên cứu cầu thị trường xã hội để quyết định kinh doanh hàng hóa dịch vụ nào.
 Tổ chức hệ thống mạng lưới để thu mua hàng.
 Tổ chức vận chuyển, bảo quản, đóng gói, tân trang sản phẩm.
 Tổ chức bán hàng để thu tiền về cho doanh nghiệp.
- Đối với doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ: Là một doanh nghiệp buôn bán loại hàng hóa
đặc biệt (tiền), do đó quá trình kinh doanh của nó bao gồm các khâu:
+ Nghiên cứu nhu cầu mua, bán, vay và cho vay tiền nội tệ và ngoại tệ để quyết định
lượngmua, bán và cho vay ngắn hạn, dài hạn.
+ Quy định các thủ tục cần thiết về mua, bán, vay và gửi tiền để hạn chế thấp nhất những
rủi ro có thể xảy ra trong kinh doanh.
+ Tổ chức việc mua, bán, vay và gửi tiền theo thời gian quy định. Tính toán lãi suất cho
việc mua, bán, vay và gửi tiền theo quy định.
+ Bảo quản an toàn tuyệt đối mua, bán, vay, gửi và kiểm tra việc thực hiện các quy định
của khách hàng.
+ Phát hiện và xử lý kịp thời những rủi ro trong kinh doanh tiền tệ. Rủi ro trong kinh
doanh tiền tệ là tổng hợp của nhiều sự rủi ro.
d. Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh là rút
ngắn chu kỳ kinh doanh. Chu kỳ kinh doanh là khoảng thời gian cần thiết để thực hiện quá trình
kinh doanh. Nó được tính từ lúc doanh nghiệp xúc tiến điều tra xác định nhu cầu thị trường, xã
hội về hàng hóa dịch vụ đến khi tiêu thụ xong hàng hóa và thu tiền về cho doanh nghiệp.Theo đó,
chu kỳ kinh doanh bao gồm các loại thời gian chủ yếu sau:

14
+ Thời gian nghiên cứu nhu cầu thị trường và quyết định sản xuất (hoặc mua hàng hóa, dịch
vụ).
+ Thời gian chuẩn bị các yếu tố đầu vào cho sản xuất hoặc mua hàng hóa dịch vụ.
+ Thời gian tổ chức quá trình sản xuất hoặc bao gói, chế biến và mua bán; hoặc thời gian
bán, mua; thời gian gửi, vay tiền.v.v..
Như vậy, chu kỳ kinh doanh phụ thuộc trước hết vào quá trình kinh doanh. Trong chu kinh
doanh, thời gian sản xuất hàng hóa dịch vụ là lớn nhất, trong đó thời gian công nghệ (chế tạo, chế
biến) có vị trí quyết định. Ngoài ra, chu kỳ kinh doanh còn lệ thuộc vào đặc điểm kinh tế - kỹ
thuật của ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Điều đó có nghĩa là, chu kỳ kinh doanh của doanh
nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau sẽ không giống nhau. Vì vậy, tùy theo loại hình
sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần có những biện pháp phù hợp để rút ngắn chu kỳ kinh
doanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
2.2.2. Ba vấn đề kinh tế cơ bản của tổ chức kinh tế
Khi nghiên cứu thực tế phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới và Việt Nam, các nhà kinh
tế đều cho rằng bất cứ một quốc gia nào, doanh nghiệp nào, hộ gia đình nào muốn sản xuất kinh
doanh dịch vụ hàng hóa có hiệu quả cao (kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường sinh thái) thì phải
lựa chọn và quyết định đúng ba vấn đề kinh tế cơ bản: sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? sản
xuất cho ai?
a. Sản xuất cái gì?
Đây là câu hỏi của cầu, liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là dựa vào
cầu thị trường, xã hội và nguồn lực của mình mà các tác nhân trong nền kinh tế nên lựa chọn và
ra quyết định nên sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ nào, số lượng bao nhiêu, chất lượng mẫu
mã, kiểu dáng như thế nào, bao giờ thì sản xuất và bán ra.
Như vậy, để lựa chọn và ra quyết định sản xuất hàng hóa gì? kinh doanh dịch vụ nào? người
ta phải căn cứ vào nhu cầu thị trường. Điều này có nghĩa là: thị trường, xã hội cần cái gì thì các
tác nhân trong nền kinh tế sẽ sản xuất kinh doanh dịch vụ đó để đáp ứng. Nói cách khác, chỉ sản
xuất cái thị trường cần chứ không sản xuất cái mình có. Tuy vậy, để nhận biết được cầu thị
trường, xã hội người ta thường dựa vào giá cả thị trường - thông tin có ý nghĩa quan trọng nhất
đến lựa chọn và ra quyết định đúng đắn.
b. Sản xuất như thế nào?
Đây là câu hỏi của cung, liên quan trực tiếp đến người sản xuất. Điều đó có nghĩa là: để
sản xuất đạt hiệu quả cao, người sản xuất phải nghiên cứu và giải quyết đồng bộ các vấn đề: sử
dụng công nghệ kỹ thuật nào thì phù hợp, lựa chọn và phối hợp các yếu tố đầu vào tối ưu, lựa
chọn lượng sản phẩm đầu ra tối ưu, sản xuất kinh doanh ở đâu, giao cho ai sản xuất…nhằm tiết
kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để đứng vững và cạnh tranh thắng lợi trên thị

15
trường, các doanh nghiệp phải luôn luôn đi tắt, đón đầu trong việc đổi mới kỹ thuật và công nghệ,
nâng cao trình độ công nhân và lao động quản lý nhằm tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm.
Chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ là vấn đề quyết định sống còn trong cạnh tranh và chiếm
lĩnh thị trường, đảm bảo chữ tín của doanh nghiệp với bạn hàng.
c. Sản xuất cho ai?
Quyết định sản xuất cho ai đòi hỏi phải xác định rõ ai sẽ được hưởng và được lợi từ
những hàng hóa dịch vụ do doanh nghiệp, chính phủ, hộ gia đình… tạo ra. Thu nhập của xã hội,
của tập thể hay của cá nhân phụ thuộc vào quyền sở hữu và giá trị của các yếu tố sản xuất, phụ
thuộc vào số lượng hàng hóa và giá cả của hàng hóa dịch vụ. Như vậy, nội dung của vấn đề kinh
tế cơ bản này cần giải quyết là những hàng hóa dịch vụ sản xuất phân phối cho ai để vừa có thể
kích thích mạnh mẽ sự phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, vừa đảm bảo sự công bằng xã hội. Nói
cách khác, sản phẩm quốc dân, thu nhập thuần túy của doanh nghiệp sẽ được phân phối cho xã
hội, cho tập thể và cho cá nhân như thế nào để tạo động lực kích thích cho sự phát triển kinh tế -
xã hội và đáp ứng được nhu cầu công cộng và các nhu cầu xã hội khác.
Theo ngôn ngữ kinh tế học thì ba vấn đề kinh tế cơ bản đã nói ở trên đều cần được giải
quyết trong mọi xã hội, dù là một nhà nước xã hội chủ nghĩa, một nhà nước công nghiệp tư bản,
một công xã, một bộ tộc, một hộ gia đình, một địa phương, một ngành hay một doanh nghiệp.
Quá trình phát triển kinh tế của mỗi nước, mỗi ngành, mỗi địa phương và mỗi doanh
nghiệp, chính là quá trình lựa chọn để quyết định tối ưu ba vấn đề kinh tế cơ bản. Nhưng việc lựa
chọn để quyết định tối ưu ba vấn đề ấy lại phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả
năng và điều kiện nguồn lực; phụ thuộc vào việc lựa chọn hệ thống kinh tế để phát triển; vào vai
trò, trình độ và sự can thiệp của các Chính phủ; vào chế độ chính trị - xã hội của mỗi nước.

2.3. LÝ THUYẾT LỰA CHỌN KINH TẾ TỐI ƯU


2.3.1. Lựa chọn và lý thuyết lựa chọn kinh tế.
Lựa chọn là cách thức mà theo đó các tác nhân của nền kinh tế đưa ra quyết định tối ưu
nhằm sử dụng các nguồn lực khan hiếm của mình.
Lý thuyết lựa chọn kinh tế tìm cách lý giải có cơ sở khoa học các quyết định của các tác
nhân trong nền kinh tế. Nó cố gắng giải thích tại sao họ lại lựa chọn như vậy và cách thức của sự
lựa chọn.
2.3.2. Sự lựa chọn là cần thiết
Khi nghiên cứu vấn đề này, các nhà kinh tế đều cho rằng có hai lý do dẫn đến phải lựa
chọn. Đó là nhu cầu của con người và xã hội là vô hạn nhưng nguồn lực thì có hạn, khan hiếm.
Sự khan hiếm nguồn lực làm cho hầu hết nhu cầu của con người không được thỏa mãn. Chẳng
hạn, mỗi hộ nông dân, mỗi trang trại chỉ có một lượng diện tích đất đai có hạn, nếu đã trồng cây
này rồi thì không còn cơ hội để trồng cây khác. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một lượng vốn nhất
định, nếu đã đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm này thì không thể đầu tư sản xuất kinh doanh

16
loại sản phẩm khác.Tuy nhiên, mặc dù nguồn lực khan hiếm và có hạn, nhưng các tác nhân có thể
tiến hành sự lựa chọn của mình bởi lẽ, một loại nguồn lực có thể sử dụng để tạo ra nhiều loại sản
phẩm, hoặc để tạo ra cùng một loại sản phẩm có thể sử dụng nhiều nguồn lực thay thế. Vì thế, sự
lựa chọn phải được thực hiện trong tất cả những trong tất cả những trường hợp này
Mặt khác, khi lựa chọn người ta phải căn cứ vào loại nguồn lực khan hiếm nhất. Nói cách
khác, nguồn lực khan hiếm nhất là giới hạn ràng buộc, hạn chế khả năng lựa chọn. Chẳng hạn,
tiền bạc và thời gian đều khan hiếm, nhưng đối với từng tác nhân cụ thể thì sự khan hiếm sẽ khác
nhau. Đối với một số nhà giàu, nhà tỷ phú thì tiền có thể không phải là một giới hạn ràng buộc
khi tiến hành lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng - thời gian có lẽ quan trọng hơn. Ngược lại, với
những người nghèo khó, thất nghiệp thì thời gian đối với họ chẳng có ý nghĩa gì, tiền bạc mới là
thứ họ cần.
2.3.3. Mục tiêu của sự lựa chọn
Mục tiêu của sự lựa chọn là tìm cách tối đa hóa (hay có thể thu được nhiều lợi ích nhất)
trong điều kiện có những giới hạn về nguồn lực. Vì vậy, tùy thuộc vào từng tác nhân kinh tế mà
họ sẽ theo đuổi mục tiêu khác nhau khi đưa ra quyết định lựa chọn.
- Đối với người sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ thì mục tiêu của sự lựa chọn là tối đa
hóa lợi nhuận (mục tiêu cơ bản nhất) hoặc tối đa hóa doanh thu (đối với những người mới bước
vào ngưỡng cửa sản xuất kinh doanh) hoặc tăng vị thế của mình trên thị trường, xã hội.
- Đối với người tiêu dùng: mục tiêu của sự lựa chọn là tốt đa hóa lợi ích (độ thỏa dụng)
trong điều kiện thị trường và nguồn ngân sách hiện có.
- Đối với Chính phủ: mục tiêu của sự lựa chọn là thúc đẩy tăng trưởng và ổn định nền kinh
tế, khắc phục các khuyết tật của thị trường, tối đa hóa phúc lợi xã hội …
2.3.4. Căn cứ để tiến hành lựa chọn
Muốn lựa chọn đúng và đạt được mục tiêu của mình, các tác nhân kinh tế thường dựa vào
các căn cứ: chi phí cơ hội; cầu thị trường; lợi thế so sánh; chiến lược phát triển và ý đồ kinh
doanh trong từng giai đoạn. Trong đó, chi phí cơ hội là căn cứ quan trọng nhất.
a. Khái niệm chi phí cơ hội: Trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, khi đưa ra một quyết định
này thì các tác nhân kinh tế bỏ lỡ cơ hội để thực hiện một quyết định khác. Như vậy, chi phí cơ
hội của một thứ là cái mà ta phải từ bỏ để có được nó (N. Mankiw). Chi phí cơ hội là giá trị của
sự lựa chọn tốt nhất có thể có. Nó là lợi ích bị bỏ qua (hay thu nhập bị hy sinh) khi sản xuất hoặc
tiêu dùng hàng hóa dịch vụ này mà không sản xuất, tiêu dùng hàng hóa dịch vụ khác có lợi hơn.
Chẳng hạn, chi phí cơ hội của việc giữ tiền là lãi suất mà chúng ta có thể thu được khi gửi tiền
vào Ngân hàng. Chi phí cơ hội của lao động là thời gian nghỉ ngơi bị mất. Chi phí cơ hội của việc
trồng rau là lượng hoa quả bị mất đi khi người nông dân quyết định trồng rau trên mảnh vườn của
mình thay vì trồng cây ăn quả…

17
Như vậy, khái niệm chi phí cơ hội cho chúng ta thấy: khi đưa ra bất kỳ một quyết định kinh tế
nào, các tác nhân trong nền kinh tế đều phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa cái được và cái mất của sự
lựa chọn để có được phương án lựa chọn tối ưu nhất.
b. Cách xác định
Ta có thể xác định chi phí cơ hội bằng hai cách:
+ Bằng hiện vật: chi phí cơ hội của việc sản xuất/tiêu dùng thêm một đơn vị sản phẩm này
là sự hy sinh một lượng nào đó sản phẩm kia.
Ví dụ: Trong khuôn khổ nguồn lực có hạn, người tiêu dùng lựa chọn các phương án để tiêu
dùng lương thực và thực phẩm được thể hiện trong bảng 1.1
Từ số liệu của bảng , ta có thể biết được chi phí cơ hội từ phương án A sang phương án B là
6/9, có nghĩa là muốn tiêu dùng thêm 9 đơn vị thực phẩm thì phải từ bỏ tiêu dùng 6 đơn vị lương
thực.
Bảng 2.1 Các phương án tiêu dùng giữa lương thực và thực phẩm

Phương án Số đơn vị lương thực Số đơn vị thực phẩm


A 25 0
B 19 9
C 13 17
D 7 24
E 0 30
Nguồn: Số liệu giả định
+ Bằng giá trị: chi phí cơ hội là giá trị bỏ qua (hy sinh) khi sản xuất hoặc tiêu dùng mặt
hàng này để chuyển sang sản xuất, tiêu dùng mặt hàng khác có lợi hơn.
Ví dụ: Trong khuôn khổ các nguồn lực có hạn, một hộ nông dân có thể sản xuất lúa và rau.
Lợi nhuận thu được của từng phương án như sau:
Bảng 2.2 Các phương án sản xuất giữa lúa và rau

Phương án 1 2 3 4 5 6
Lúa (triệu đ) 0 2 4 6 8 10
Rau (triệu đ) 30 27 22 16 10 0
Nguồn: Số liệu giả định
Từ bảng trên, ta có thể tính được chi phí cơ hội của từng phương án sản xuất Chẳng hạn khi
chuyển từ phương án 1 sang phương án 2 thì chi phí cơ hội để sản xuất 2 triệu đồng tiền lúa là 3
triệu đ thu được nếu trồng rau; hoặc từ phương án 1 đến phương án 6 thì chi phí cơ hội để sản
xuất 10 triệu đ tiền lúa là 30 triệu đ thu được nếu trồng rau.

18
2.3.5. Phương pháp lựa chọn
Sử dụng đường giới hạn khả năng sản xuất (đường cong năng lực sản xuất - PPF)
Đường giới hạn khả năng sản xuất là đường biểu diễn các tổ hợp (các mức phối hợp) tối đa
giữa các loại hàng hóa dịch vụ mà nền kinh tế hoặc doanh nghiệp có thể sản xuất ra khi sử dụng
tối ưu các nguồn lực hiện có.

Sản lượng lúa

A Đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF)


B

C F
E
D
Sản lượng ngô

Hình 2.1 Đường giới hạn khả năng sản xuất lúa và ngô trong điều kiện đất đai có hạn
Khi nghiên cứu về đường giới hạn khả năng sản xuất, người ta rút ra một kết luận như sau:
+ Đường giới hạn khả năng sản xuất thường là đường cong lồi bên ngoài và dốc xuống dưới
về phía phải thể hiện quy luật chi phí cơ hội (chi phí tương đối) ngày càng tăng .Cụ thể, trong
điều kiện nguồn lực khan hiếm, để sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa dịch vụ này, xã hội phải hy
sinh ngày càng nhiều đơn vị hàng hóa dịch vụ khác.
+ Đường giới hạn khả năng sản xuất cho biết được mối quan hệ đánh đổi giữa các hàng hóa
dịch vụ với nhau, nếu sản xuất, tiêu dùng hàng hóa này nhiều lên thì sản xuất, tiêu dùng hàng hóa
khác sẽ ít đi (trong điều kiện nguồn lực có hạn).
+ Tất cả những điểm nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất (như điểm A, B, C, D trên
hình 2.1) là có hiệu quả. Một nền kinh tế hoặc một doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì các điểm
lựa chọn phải nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất Tuy nhiên, khi xét điểm nào là điểm có
hiệu quả nhất thì phải nghiên cứu toàn diện các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và điều kiện tự
nhiên.
+ Những điểm nằm trong đường giới hạn khả năng sản xuất là không có hiệu quả (phi hiệu
quả) hay còn gọi là lãng phí nguồn lực. Ví dụ tại điểm E (trên hình 2.1), bằng việc phân bổ lại
nguồn lực người ta có thể tăng thêm sản lượng lúa mà vẫn giữ nguyên sản lượng ngô và ngược
lại.
+ Những điểm nằm ngoài đường giới hạn khả năng sản xuất (như điểm F trên hình 2.1) là
không thể đạt được với các nguồn lực sẵn có. Để đạt được cần phải sử dụng các biện pháp huy
động các nguồn lực như đổi mới công nghệ sản xuất, ban bố và thực thi chính sách kinh tế vĩ mô
đúng đắn.

19
Ngoài những kết luận trên, các nhà kinh tế còn cho rằng: đường giới hạn khả năng sản xuất
cho ta biết chi phí cơ hội, những vấn đề kinh tế cơ bản, vai trò của công nghệ kỹ thuật… và làm
sáng tỏ kinh tế học vi mô là môn khoa học của sự lựa chọn.
2.3.6. Ảnh hưởng của một số quy luật kinh tế đến việc lựa chọn kinh tế tối ưu
a. Quy luật khan hiếm
* Nội dung của quy luật: Mọi hoạt động của con người, trong đó có hoạt động kinh tế đều
phải sử dụng các nguồn lực. Các nguồn lực đều khan hiếm và có giới hạn, đặc biệt là các nguồn
lực tự nhiên khó hoặc không thể tái sinh.
* Tác động của quy luật: Doanh nghiệp phải lựa chọn những vấn đề kinh tế cơ bản của
mình trong giới hạn cho phép của khả năng sản xuất hiện có mà xã hội đã phân bổ cho nó. Nói
cách khác, doanh nghiệp phải sử dụng tối ưu các nguồn lực khan hiếm.
b. Quy luật hiệu suất giảm dần.
* Nội dung của quy luật: Khối lượng đầu ra có thể ngày càng giảm đi khi ta liên tiếp đầu
tư thêm những đơn vị bằng nhau của một đầu vào biến đổi (như lao động) khi các đầu vào khác
không thay đổi (như đất đai).
* Tác động của quy luật: Nghiên cứu quy luật này giúp các doanh nghiệp tính toán, lựa
chọn kết hợp các đầu vào của quá trình sản xuất một cách tối ưu nhất nhằm tối thiểu hóa chi phí.
c. Quy luật chi phí cơ hội (chi phí tương đối) ngày càng tăng.
* Nội dung của quy luật: Trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, để có thêm một lượng
bằng nhau về một mặt hàng, xã hội phải hy sinh ngày càng nhiều số lượng mặt hàng khác.
* Tác động của quy luật: Quy luật này giúp chúng ta tính toán và lựa chọn sản xuất cái gì,
sản xuất như thế nào là có lợi nhất.
2.3.7. Hiệu quả kinh tế.
Hiệu quả kinh tế là mối quan tâm duy nhất của kinh tế học nói chung và kinh tế học vi mô
nói riêng. Hiệu quả nói cách khác là không lãng phí.
Hiệu quả có quan hệ chặt chẽ với việc sử dụng năng lực sản xuất hiện có, nghĩa là nó có
quan hệ chặt chẽ với việc sử dụng nguồn lực khan hiếm. Chính vì vậy, khi xem xét hiệu quả
chúng ta thường dựa vào đường giới hạn khả năng sản xuất.
Một số quan điểm về hiệu quả của kinh tế học:
(1) Tất cả những quyết định sản xuất cái gì trên đường giới hạn khả năng sản xuất là có hiệu
quả vì nó tận dụng hết nguồn lực hiện hữu.
(2) Số lượng sản phẩm đạt được trên đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) càng xa gốc tọa
độ thì càng có hiệu quả.
(3) Sự thỏa mãn tối đa về chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa theo nhu cầu thị trường
trong giới hạn của đường PPF cho ta đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
(4) Kết quả trên một đơn vị chi phí càng lớn hoặc chi phí trên một đơn vị kết quả càng nhỏ thì
hiệu quả kinh tế càng cao.
Có thể nói, hiệu quả kinh tế là tiêu chuẩn cao nhất của mọi sự lựa chọn kinh tế của các doanh
nghiệp.

20
2.4. CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ
Một câu hỏi đặt ra đối với các nhà kinh tế học là tại sao một số nước có các điều kiện tương
đối tương đồng nhau nhưng có nước phát triển, có nước đang phát triển và có nước chậm phát
triển. Khi nghiên cứu vấn đề này, các nhà kinh tế học cho rằng nước nào lựa chọn mô hình hoạt
động phù hợp với từng thời kỳ thì nước đó phát triển và ngược lại. Chính vì thế nắm được thế
mạnh và nhược điểm của từng mô hình kinh tế giúp chúng ta lựa chọn phù hợp và có biện pháp
khai thác thế mạnh, hạn chế những nhược điểm để thúc đẩy kinh tế, xã hội đất nước phát triển.
2.4.1. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (chỉ huy, mệnh lệnh)
Đặc trưng cơ bản nhất của mô hình này là tất cả những vấn đề kinh tế cơ bản sản xuất cái
gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai đều do Nhà nước quyết định theo kế hoạch thống nhất.
Đây là mô hình kinh tế được sử dụng rộng rãi ở các nước xã hội chủ nghĩa trước những năm 90
của thế kỷ 20. Trong thực tiễn, nền kinh tế hoạt động theo mô hình này đã đạt được một số ưu
điểm, đó là: tất cả mọi vấn đề đều do nhà nước thống nhất tập trung quản lý nên các vấn đề kinh
tế lớn được giải quyết dễ dàng hơn (như xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, xây dựng và củng
cố quốc phòng an ninh, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng); quan hệ giữa con người với
nhau bình đẳng, bác ái; hạn chế sự phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội. Tuy nhiên các quốc
gia hoạt động theo mô hình này cũng thấy được những hạn chế của nó: bộ máy quản lý cồng
kềnh, quan liêu, bao cấp; kế hoạch không sát với thực tế; người sản xuất và người tiêu dùng
không có quyền tự do lựa chọn nên tính năng động và chủ động không cao; chậm đổi mới công
nghệ; phân phối mang tính chất bình quân nên không kích thích người lao động; khai thác và sử
dụng nguồn lực khan hiếm kém hiệu quả…Do vậy, nền kinh tế của các nước hoạt động theo mô
hình này thường chậm phát triển, thậm chí có những nước tụt hậu về mặt kinh tế.
2.4.2. Mô hình kinh tế thị trường
Chúng ta hiểu mô hình kinh tế thị trường ở đây là mô hình kinh tế thị trường tự do, không có sự
can thiệp của Chính phủ. Đặc trưng cơ bản nhất của mô hình này là: tất cả những vấn đề kinh tế cơ bản
đều do thị trường quyết định dưới sự dẫn dắt của bàn tay vô hình . Trong đó, công cụ quan trọng nhất mà
bàn tay vô hình sử dụng đó là giá cả thị trường . Thông qua tín hiệu giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị
trường, các tác nhân kinh tế sẽ đưa ra quyết định sản xuất, tiêu dùng tối ưu nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế
cho mình.
Với những đặc trưng cơ bản đó mà mô hình này có những ưu điểm chủ yếu là: tôn trọng
quyền tự do lựa chọn của các cá nhân trong nền kinh tế vì lợi ích kinh tế, người sản xuất và người
tiêu dùng được tự do lựa chọn nên tính năng động và chủ động sáng tạo cao hơn; khuyến khích
các nhà sản xuất đổi mới công nghệ kỹ thuật, kích thích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả
trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hàng hóa dịch vụ dồi dào về số lượng, kiểu dáng mẫu mã đa
dạng và thường xuyên được cải tiến nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường; phi tập trung
hóa các quyền lực trên các phương diện các quyết định cho các chủ thể sản xuất; khai thác và sử
dụng các nguồn lực có hiệu quả và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, người ta nói
rằng: kinh tế thị trường là mô hình kinh tế hết sức năng động và khách quan.
Tuy nhiên, nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường cũng đã nảy sinh nhiều khuyết tật (mặt
trái) cần phải quan tâm đó là: coi lợi nhuận và lợi ích kinh tế là trên hết nên dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm

21
môi trường, hệ thống sinh thái bị phá vỡ; mâu thuẫn ngày càng cao giữa quan hệ kinh tế với quan hệ
truyền thống; tệ nạn xã hội nảy sinh; phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội ngày càng tăng; các nhu cầu
công cộng khó được thực hiện nếu việc sản xuất ra chúng không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp; các cá
nhân luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn (đạo đức, kinh tế, xã hội)…
2.4.3. Mô hình kinh tế hỗn hợp
Mô hình kinh tế hỗn hợp là mô hình kết hợp hài hòa giữa mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập
trung và mô hình kinh tế thị trường. Mô hình này vừa phát huy được nhân tố khách quan (các quy
luật kinh tế thị trường) lại vừa coi trọng các nhân tố chủ quan (vai trò của Chính phủ). Do đó nó
khai thác được thế mạnh và hạn chế đến mức thấp nhất nhược điểm của hai mô hình trên nên thúc
đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, ổn định.
Hiện nay, người ta cho rằng mô hình này là hiệu quả nhất và được nhiều nước trên thế giới
áp dụng. Tuy nhiên tùy điều kiện cụ thể của mỗi nước mà vận dụng vai trò của thị trường và
Chính phủ cho phù hợp. Bởi vì nếu Chính phủ quá áp đặt ý muốn chủ quan của mình sẽ bóp méo
quy luật của thị trường, hạn chế tự do cạnh tranh, làm cho nền kinh tế đi chệch quỹ đạo của sự
phát triển. Ngược lại, nếu chính phủ buông lỏng quản lý sẽ là cơ hội cho sự nảy sinh và phát triển
các khuyết tật của nền kinh tế thị trường.
2.5. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU MÔN HỌC
2.5.1. Đối tượng
- Nghiên cứu các hành vi hoạt động cụ thể của từng đơn vị kinh tế đơn lẻ, trên cơ sở đó
giúp cho việc lựa chọn và ra quyết định đúng đắn của các cá nhân trong nền kinh tế nhằm tối đa
hóa lợi nhuận và tối đa hóa độ thỏa dụng
- Nghiên cứu phát hiện tìm ra các quy luật kinh tế và sự tác động của các quy luật đó đến
các tế bào trong nền kinh tế như thế nào?
- Nghiên cứu các hiện tượng, sự kiện, tìm ra các nguyên nhân ảnh hưởng, trên cơ sở đó có
những kiến nghị với Chính phủ có chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.
- Nghiên cứu sự lựa chọn của mỗi quốc gia trước những vấn đề kinh tế xã hội cơ bản như:
tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thất nghiệp,…
- Cung cấp những kiến thức và công cụ phân tích kinh tế một cách khác quan tạo cơ sở để
Chính phủ mỗi nước có sự lựa chọn đúng đắn trong việc hoạch định các chính sách kinh tế.
Những kiến thức và công cụ phân tích này được đúc kết từ nhiều công trình nghiên cứu và tư
tưởng của nhiều nhà khoa học kinh tế thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Ngày nay chúng càng được
hoàn thiện và có thể mô tả chính xác hơn đời sống kinh tế vô cùng phức tạp đang diễn ra hàng
ngày, hàng giờ.
- Giải thích nguyên nhân nền kinh tế đạt được sự thành công hay thất bại và những chính
sách có thể nâng cao sự thành công của nền kinh tế.
2.5.2. Nội dung
Môn học Nguyên lý kinh tế là môn học khoa học xã hội có nội dung rất phong phú, đa dạng
bao gồm kiến thức của hai môn học chủ yếu: Nguyên lý kinh tế vi mô và Nguyên lý kinh tế vĩ
mô.Nhưng trong khuôn khổ thời lượng có hạn, cuốn Bài giảng này chỉ tập trung vào ba nội dung
cơ bản sau đây:

22
1. Những vấn đề chung của kinh tế học
2. Những nguyên lý cơ bản của kinh tế học vi mô
3. Những nguyên lý cơ bản của kinh tế học vĩ mô
2.5.3 Phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu môn học Nguyên lý kinh tế nói chung và Kinh tế học vi mô, Kinh tế học vĩ nói
riêng người ta thường sử dụng các phương pháp sau đây:
Phương pháp đơn giản hóa và cân bằng nội bộ
Phương pháp phân tích cân bằng tổng thể
Phương pháp tư duy trìu tượng, phân tích thống kê số lớn, mô hình hóa kinh tế…
Phương pháp toán kinh tế
Phương pháp phân tích cận biên
Trong đó, phương pháp phân tích cận biên (phân tích lợi ích - chi phí) là phương pháp quan trọng
nhất trong lựa chọn kinh tế tối ưu.
Thông thường người ta sử dụng thuật toán với các bài toán tối ưu. Với mục tiêu của các tác
nhân kinh tế đã được xác định cộng với những ràng buộc về ngân sách, khi đưa ra quyết định lựa
chọn, các tác nhân thường sử dụng phương pháp so sánh giữa lợi ích và chi phí của sự lựa chọn
để đạt được mục tiêu đã định. Phương pháp này gọi là phương pháp phân tích cận biên (phân tích
lợi ích - chi phí). Nội dung cơ bản của phương pháp này là: nhìn nhận xem xét các quyết định của
các tác nhân trong nền kinh tế đều có điểm dừng tối ưu. Tại đó, người sản xuất hoặc là tối thiểu
hóa chi phí khi lựa chọn đầu vào hoặc là tối đa hóa lợi nhuận khi lựa chọn đầu ra trong hoạt động
sản xuất kinh doanh; người tiêu dùng tối đa hóa lợi ích khi sử dụng hàng hóa dịch vụ; còn Chính
phủ tối đa hóa phúc lợi xã hội (phúc lợi công cộng) khi lựa chọn chính sách kinh tế.
Phép phân tích cận biên sẽ giúp chúng ta hiểu được cách thức lựa chọn của các tác nhân
kinh tế. Bất cứ sự lựa chọn kinh tế nào cũng liên quan đến 2 vấn đề cơ bản là: (1) chi phí và (2)
lợi ích. Cả hai biến số này đều thay đổi khi các tác nhân kinh tế đưa ra các sự lựa chọn với các
quy mô khác nhau. Vì thế, khi tiến hành lựa chọn, các tác nhân đều mong muốn tối đa hóa lợi ích
ròng thông qua việc so sánh phần lợi ích thu được và phần chi phí bỏ ra để sản xuất (hoặc tiêu
dùng) sản phẩm.
Lợi ích ròng = Tổng lợi ích - Tổng chi phí
Chẳng hạn, nếu ta ký hiệu:
+ Hàm tổng lợi ích là: TB = f(Q)
+ Hàm tổng chi phí là: TC = g(Q)
+ Lợi ích ròng là: NSB
Do đó: NSB = TB - TC = f(Q) - g(Q)
NSB đạt cực đại khi (NSB)’Q = 0 hay (NSB)’Q = (TB)’Q – (TC)’Q = 0 → MB – MC = 0 hay MB =
MC. Vậy lợi ích ròng NSB đạt được cực đại ( NSBmax) khi MB = MC.
Trong đó: MB (Marginal Benefit) - lợi ích cận biên là phần lợi ích tăng thêm khi sản xuất
(hoặc tiêu dùng) thêm một đơn vị sản phẩm. MC (Marginal Cost) - chi phí cận biên là phần chi
phí tăng thêm khi sản xuất (hoặc tiêu dùng) thêm một đơn vị sản phẩm. Như vậy, bản chất của

23
phương pháp phân tích cận biên là nghiên cứu mối quan hệ giữa MB và MC để quyết định điểm
dừng tối ưu (mức sản lượng tối ưu - Q*) khi tiến hành lựa chọn kinh tế. Cụ thể:
+ Nếu MB > MC thì mở rộng quy hoạt động (sản xuất hoặc tiêu dùng) để tăng thêm lợi ích
ròng.
+ Nếu MB < MC thì thu hẹp quy hoạt động để tăng thêm lợi ích ròng.
+ Nếu MB = MC thì quy mô hoạt động là tối ưu (Q*). Tại đó lợi ích ròng đạt được là cao
nhất.
Tóm lại: Khi đưa ra các quyết định về sự lựa chọn kinh tế, các tác nhân kinh tế luôn phải so sánh
giữa phần tăng thêm về lợi ích và phần tăng thêm về chi phí nhằm mục đích xác định một mức
sản lượng tối ưu.

24
CÂU HỎI ÔN TẬP & BÀI TẬP VẬN DỤNG PHẦN A
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Trình bày tóm tắt nội dung Mười nguyên lý của kinh tế học?
2. Trình bày khái niệm: kinh tế học, kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô? Cho ví dụ minh họa
và nêu mối quan hệ giữa chúng?
3. Thế nào là kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc? Cho ví dụ minh họa?
4. Doanh nghiệp là gì? Hãy nêu các cách phân loại doanh nghiệp và cho ví dụ minh họa?
5. Phân tích nội dung ba vấn đề kinh tế cơ bản? Tại sao trong nền kinh tế thị trường, muốn tồn tại
và nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ, các doanh nghiệp phải lựa
chọn và quyết định đúng ba vấn đề kinh tế cơ bản đó?
6. Chi phí cơ hội là gì? Cho ví dụ minh họa và nêu ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu vấn đề
này?
7. Thế nào là đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF)? Cho ví dụ, minh họa bằng đồ thị và nêu
ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu vấn đề này?
8. Trình bày đặc điểm, ưu, nhược điểm của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (chỉ huy,
mệnh lệnh)?Tại sao nói, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung là mô hình kinh tế quan liêu, bao
cấp?
9. Tại sao nói kinh tế thị trường là mô hình kinh tế năng động và khách quan?
10.Phân tích tính ưu việt của mô hình kinh tế hỗn hợp? Cho ví dụ minh họa?
11. Tại sao nói, phương pháp phân tích cận biên là phương pháp cơ bản sử dụng trong nghiên cứu
kinh tế học vi mô?

BÀI TẬP VẬN DỤNG


Bài 1: Những nhận định nào dưới đây là vấn đề quan tâm của kinh tế học vi mô hoặc kinh tế học
vĩ mô:
1. Đánh thuế cao vào các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ ( rượu, bia, thuốc lá…) sẽ hạn chế được tiêu
dùng mặt hàng này.
2. Một hãng kinh doanh sẽ tăng đầu tư máy móc thiết bị nếu dự đoán vào tương lai về thu nhập là
rất khả quan.
3. Người lao động có mức thu nhập cao có thể mua nhiều hàng cao cấp hơn.
4. Để chống lạm phát, Chính phủ Việt Nam thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ vào những tháng
cuối năm 2008.
5. Trong những tháng đầu năm 2009, để chống suy giảm kinh tế, Việt Nam đang sử dụng các biện
pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
6. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực châu Á ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài
chính thế giới.
7. Lãi suất cao trong nền kinh tế có thể làm giảm khuyến khích tăng đầu tư khu vực tư nhân.
8. Tăng trưởng kinh tế cao thường đi kèm với lạm phát cao.
Bài 2: Những nhận định nào dưới đây mang tính thực chứng hay mang tính chuẩn tắc.
1. Giá dầu thế giới tăng cao trong những tháng cuối năm 2008.

25
2. Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe vì thế cần phải hạn chế và tiến tới loại bỏ nó.
3. Phân phối thu nhập trên thế giới quá bất công vì các nước nghèo chiếm tới 61% dân số thế giới
nhưng thu nhập chỉ chiếm 6% thu nhập toàn thế giới.
4. Thu nhập quốc dân của Mỹ chiếm gần 30% tổng GDP toàn thế giới.
5. Chính phủ nên chọn giải pháp tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng để chống lạm phát.
6. Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi để giúp đỡ những người nghèo.
7. Để bảo vệ sản xuất trong nước, Chính phủ cần có chính sách bảo hộ mậu dịch.
8. Thuế doanh thu của Việt Nam có nhiều bất hợp lý, do vậy phải sử dụng thuế giá trị gia tăng
(VAT) để thay thế.
9. Chính phủ nên cho phép các thành phần kinh tế có đủ điều kiện tham gia kinh doanh sản phẩm
xăng dầu để khuyến khích cạnh tranh.
10.Nhà nước nên có chính sách miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp.
Bài 3: Bằng sự hiểu biết của mình về khái niệm chi phí cơ hội, anh chị hãy cho biết yếu tố nào
trong các yếu tố sau đây là chi phí cơ hội cho việc đi học đại học của một sinh viên:
1. Tiền lương mà sinh viên đó có thể kiếm được nếu không đi học đại học
2. Tiền chi phí cho giáo trình, tài liệu
3. Tiền đi lại, thuê nhà trọ
4. Tiền học phí
5. Tiền chi cho ăn uống
Bài 4: Trong dịp nghỉ hè, bạn dự định đi học thêm một khóa tiếng Anh nâng cao. Nếu đi học
thêm bạn sẽ không thể tiếp tục công việc mang lại 4 triệu đồng trong thời gian hè. Nếu đi học,
bạn phải nộp học phí là 1,5 triệu đồng và tiền chi cho ăn uống là 1 triệu đồng. Hãy xác định chi
phí cơ hội của dự định đi học thêm đó?
Bài 5: Thành là sinh viên kinh tế mới tốt nghiệp ra trường đã quyết định đầu tư 250 triệu đồng để
mở và trực tiếp điều hành một cửa hàng cà phê vườn. Theo tính toán ban đầu, việc kinh doanh tại
cửa hàng này tạo ra lợi nhuận 5 triệu đồng mỗi tháng. Giả sử lãi suất tiền gửi Ngân hàng là
0,8%/tháng. Ngoài ra, nếu đi làm cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Thành sẽ có
thu nhập 4 triệu đồng mỗi tháng.
1.Hãy xác định chi phí cơ hội của việc mở cửa hàng cà phê vườn ?
2.Hãy đánh giá quyết định mở cửa hàng cà phê vườn của sinh viên này?
Bài 6: Một nhà kinh doanh và một sinh viên từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh công tác học tập có
thể đi bằng máy bay hoặc tầu hỏa. Biết rằng: nếu đi bằng máy bay mất 2h và giá vé là 1,5 triệu
đồng ; còn đi bằng tàu hỏa mất 36h với giá vé 1 triệu đồng. Giả sử, nhà kinh doanh có thể kiếm
được 100.000đồng/h; sinh viên có thể kiếm được 10.000đ/h. Vận dụng khái niệm chi phí cơ hội,
hãy cho biết mỗi người nên lựa chọn phương tiện giao thông nào là tốt nhất?
Bài 7: Một nền kinh tế giản đơn chỉ có 2 ngành sản xuất: lương thực và ti vi (TV). Giả sử nền
kinh tế này sử dụng tối ưu các nguồn lực hiện có. Các khả năng sản xuất có thể đạt được của nền
kinh tế đó được thể hiện ở bảng dưới đây:

26
Khả năng sản xuất Lương thực (triệu tấn) Ti vi (triệu chiếc)
A 50 0
B 40 8
C 30 14
D 15 18
E 0 20
1.Hãy vẽ đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) của nền kinh tế này?
2. Hãy nhận xét các kết hợp:
a. 8 triệu TV và 15 triệu tấn lương thực?
b. 16 triệu TV và 35 triệu tấn lương thực
3. Xác định chi phí cơ hội của việc sản xuất lương thực và TV?

Bài 8: Trong khuôn khổ hiện tại của các nguồn lực sản xuất (đất đai, lao động, vốn, công nghệ kỹ
thuật…), một chủ trang trại ở vùng ngoại thành Hà Nội có thể tiến hành sản xuất lúa và rau. Giả
sử các nguồn lực nói trên được sử dụng ở mức tối ưu. Các khả năng sản xuất có thể đạt được của
trang trại này được thể hiện ở bảng dưới đây:
Khả năng sản xuất A B C D E F
Lúa (tấn) 0 2 4 6 8 10
Rau (tấn) 47 44 39 30 17 0
Yêu cầu:
1. Vẽ đường giới hạn khả năng sản xuất của trang trại nói trên?
2. Tính chi phí cơ hội khi sản xuất: 2 ; 4 ; 6 ; 8, 10 tấn lúa?
3. Nếu Nhà nước cho trang trại vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi thì đường GHKNSX sẽ thay
đổi như thế nào? Minh hoạ trên đồ thị?

27
PHẦN B

NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA KINH TẾ HỌC VI MÔ

Chương 1
LÝ THUYẾT CẦU - CUNG

1.1. CẦU (DEMAND)


1.1.1. Khái niệm
Cầu là số lượng hàng hoá dịch vụ mà người tiêu dùng có khả năng và sẵn sàng mua ở các
mức giá khác nhau (mức giá chấp nhận ) trong một phạm vi không gian và thời gian nhất định
khi các yếu tố khác không thay đổi.
Như vậy cầu chỉ xuất hiện khi có đủ hai điều kiện trên xẩy ra cùng một lúc (1) người tiêu
dùng có khả năng thanh toán (2) sẵn sàng mua (chấp nhận mua).
Ngoài khái niệm về cầu đã trình bày ở trên, khi nghiên cứu về cầu hàng hoá dịch vụ người ta
thường đề cập đến một số thuật ngữ sau đây.
1.1.2. Một số thuật ngữ có liên quan.
a. Lượng cầu: Là số lượng hàng hoá dịch vụ mà người tiêu dùng có khả năng và sẵn sàng mua ở
một mức giá cụ thể (khi các yếu tố khác không thay đổi). Như vậy, lượng cầu chỉ có ý nghĩa khi
nó gắn với 1 mức giá.
Chẳng hạn, nếu giá gạo là 8.000đ/kg thì lượng cầu là 22 ngàn tấn, với giá là 8.200đ/kg thì
lượng cầu tương ứng là 21 ngàn tấn…
b. Biểu cầu: Là biểu tập hợp lượng cầu ở các mức giá khác nhau. Nó mô tả quan hệ giữa giá thị
trường của hàng hóa và lượng cầu của hàng hóa đó khi các yếu tố khác không thay đổi.
Bảng 1.1. Biểu cầu gạo ở thị trường huyện A, thành phố Hà Nội năm 2008
Giá P (ngàn đ/kg) 8,0 8,2 8,4 8,6 8,8 9,0
Lượng cầu QD (ngàn tấn) 22 21 20 19 18 17
Nguồn: Số liệu giả định
c. Đường cầu: Là đường mô tả mối quan hệ giữa lượng cầu và giá cả của một hàng hóa. Đường
cầu thị trường hàng hoá dịch vụ thường có hai đặc trưng phổ biến: là đường cong dốc xuống dưới
về phía phải.
+ Đường cầu thị trường thường là một đường cong bởi vì nó được tập hợp từ đường của các
cá nhân có tham gia thị trường. ở cùng một mức giá của hàng hoá dịch vụ, những cá nhân khác
nhau, do thu nhập và sở thích khác nhau nên lượng cầu của họ không giống nhau. Do vậy đường
cầu của mỗi cá nhân về hàng hoá dịch vụ cũng rất khác nhau. Theo đó, tập hợp theo chiều ngang
đường cầu của tất cả các cá nhân có tham gia thị trường ta sẽ có đường cầu thị trường là đường
cong.
+ Đường cầu thị trường thường dốc xuống dưới về phía phải cho biết, khi giá của hàng hoá
dịch vụ giảm xuống thì lượng cầu thị trường sẽ tăng lên. Tại sao lại có hiện tượng này? Có thể
giải thích bằng ba lý do sau đây:
- Thứ nhất: Khi giá cả hàng hoá dịch vụ giảm xuống sẽ tạo ra động lực lôi kéo thêm một số
người tiêu dùng mới tham gia thị trường và làm cho lượng cầu thị trường tăng lên.

28
- Thứ hai: Khi giá của một hàng hoá dịch vụ giảm thì một số người tiêu dùng sẽ chuyển
sang mua hàng hoá dịch vụ này để thay thế cho hàng hoá dịch vụ họ đang sử dụng và làm cho
lượng cầu hàng hoá dịch vụ đang xét tăng lên.Chẳng hạn khi giá thịt lợn giảm xuống, một số
người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt lợn để thay thế cho thực phẩm họ đang dùng (thịt bò,
gà, vịt, ngan…). Khi đó lượng cầu thịt lợn sẽ tăng lên do có nhiều người tiêu dùng sử dụng loại
thực phẩm này. Người ta gọi đó là hiệu quả thay thế trong sử dụng hàng hoá dịch vụ.
- Thứ ba: Khi giá cả hàng hoá dịch vụ giảm xuống, người tiêu dùng cảm thấy mình giàu có
hơn trước, bởi vì với thu nhập như cũ họ có thể mua với số lượng nhiều hơn trước và làm cho
lượng cầu thị trường tăng lên - đó chính là hiệu quả thu nhập.
P

P3

P2
P1
D

Q3 Q2 Q1 Q
Hình 1 -1 . Đường cầu thị trường hàng hoá dịch vụ

Ngoài hình dạng đường cầu phổ biến đã nghiên cứu trên, trong thực tế ta còn bắt gặp một số
đường cầu đặc biệt (hay còn gọi là trường hợp ngoại lệ của đường cầu).
+ Trường hợp1(hình 1- 2a): đường cầu tuyến tính dốc xuống dưới về phía phải thể hiện mối
quan hệ tuyến tính giữa giá cả P và lượng cầu QD tức là: khi P tăng hoặc giảm một lượng P thì
lượng cầu cũng giảm hoặc tăng tương ứng Q.
+ Trường hợp 2(hình 1- 2b): đường cầu dốc lên trên về phía phải. Khi giá P tăng thì QD
cũng tăng và ngược lại. Một số hàng hoá đang thịnh hành về “Mốt”mặc dù giá tăng người tiêu
dùng vẫn sử dụng nhiều hàng hoá đó, hoặc do ảnh hưởng yếu tố khách quan cầu hàng hoá chỉ
xuất hiện trong những thời điểm nhất định (ngày lễ, ngày tết) dù giá tăng cao người ta vẫn phải
mua hàng hoá đó (hoa, cây cảnh… ngày tết).
+ Trường hợp 3(hình 1- 2c): đường cầu nằm ngang so với lượng cầu. Ở một mức giá thịnh
hành P1 của thị trường thì người tiêu dùng sẽ mua vào bất cứ khối lượng nào (đường cầu thị
trường dịch vụ: ăn, uống, vui chơi, giải trí…)
+ Trường hợp 4(hình 1- 2d): đường cầu thẳng đứng. Dù giá cả tăng giảm nhưng không làm
lượng cầu thay đổi (Q1). Đây là đường cầu hàng hoá mà giá của nó rất nhỏ so với thu nhập của
người tiêu dùng (muối ăn chẳng hạn).

29
P 1 - 2a
P 1 - 2b
D

Q
Q
P
1 - 2c P
D 1 - 2d
D
P1

Q
Q
Q1
Hình 1.2. Các dạng đường cầu đặc biệt: tuyến tính, dốc lên trên, nằm ngang và thẳng đứng

d. Luật cầu. Là luật của người tiêu dùng (người mua), bởi vì họ bao giờ cũng thích mua rẻ. Luật
cầu chỉ ra rằng: có một mối quan hệ nghịch biến giữa giá cả và lượng cầu hàng hoá dịch vụ . Điều
đó có nghĩa là: khi giá cả hàng hoá dịch vụ giảm xuống thì lượng cầu thị trường sẽ tăng lên và
ngược lại (với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi). Trên hình 1- 1. nếu giá tăng từ P1 lên P3
thì lượng cầu sẽ giảm từ Q 1 xuống Q3 và ngược lại.
Nghiên cứu luật cầu rất có ý nghĩa trong thực tiễn: muốn bán được nhiều hàng hoá thì người
sản xuất phải giảm giá bán.
1.1.3. Hàm cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến cầu
Cầu thị trường một loại hàng hoá dịch vụ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cho nên sự thay
đổi của những yếu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cầu hàng hoá đó. Để nghiên cứu mối quan hệ
giữa cầu hàng hoá và các yếu tố ảnh hưởng đến nó, người ta sử dụng một hàm số gọi là hàm số
của cầu (hàm cầu).
Hàm cầu có dạng tổng quát: QD (x,t) = f (PX ; I; PY; T; N; E …)
Trong đó:
- QD (x,t) là cầu hàng hoá X xác định trong khoảng thời gian t (ngày, tháng, quý, năm…) và
đóng vai trò hàm số cầu.
- PX; I; PY; T; N; E… là các yếu tố ảnh hưởng đến cầu hàng hoá X và đóng vai trò như
những biến của hàm cầu. Cụ thể, PX là giá cả hàng hoá X; I là thu nhập của người tiêu dùng; PY là
giá cả hàng hoá liên quan; T là chuẩn mực về thị hiếu sở thích của người tiêu dùng; N là quy mô
dân số; E là kỳ vọng của người tiêu dùng về sự thay đổi các yếu tố trên.

30
Như vậy cầu hàng hoá X phụ thuộc vào sự thay đổi của rất nhiều yếu tố, nhưng để đơn giản
hóa trong nghiên cứu người ta thường dựa vào hai giả định sau đây:
+ Thứ nhất: để nghiên cứu ảnh hưởng của từng yếu tố đến cầu, người ta thường giả sử các
yếu tố còn lại không thay đổi.
+ Thứ hai: hàm cầu có dạng tuyến tính, tức là quan hệ giữa từng yếu tố với cầu là quan hệ
tuyến tính. Chẳng hạn, hàm cầu phụ thuộc giá hàng hoá có dạng QD = a1P + b1
Trong đó:
- QD là lượng cầu hàng hoá X với vai trò hàm số, PX là giá hàng hoá X với vai trò là biến số.
- Tham số a1 thể hiện quan hệ tuyến tính giữa PX và QD (khi PX tăng hoặc giảm 1 đơn vị thì
QD sẽ giảm hoặc tăng a1 đơn vị), vì vậy a1 luôn có trị số âm (a1 0). Tham số b1 là một hằng số
cho biết ảnh hưởng không đổi của các yếu tố khác (ngoài PX). Chẳng hạn: từ biểu cầu ở bảng 2.1
ta thiết lập được hàm cầu của thị trường QD = -5P + 62. Trong đó: a1 = -5 có nghĩa là, khi giá gạo
tăng hoặc giảm 1.000đ/kg thì lượng cầu sẽ giảm hoặc tăng tương ứng 5 ngàn tấn. Còn b1 = 62 có
nghĩa là: khi giá gạo thị trường P = 0 thì lượng cầu tối đa là 62 ngàn tấn. Đó chính là ảnh hưởng
của các yếu tố khác ngoài giá gạo.
Dưới đây ta sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của từng yếu tố đến cầu hàng hoá.
a. Giá cả hàng hoá dịch vụ đang xét (PX ): Nếu các yếu tố khác không đổi, khi giá hàng hoá X
tăng thì lượng cầu của nó giảm và ngược lại. Nói cách khác: giữa PX và QD tồn tại mối quan hệ
nghịch biến như trong luật cầu đã chỉ ra. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào X
là loại hàng hoá dịch vụ nào.
b. Thu nhập của người tiêu dùng (I ): Thu nhập thể hiện khả năng thanh toán của người tiêu
dùng khi mua hàng hoá dịch vụ. Do đó, sự thay đổi thu nhập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cầu hàng
hoá trên thị trường. Ta xét trong hai trường hợp sau:
+ Đối với hàng hoá dịch vụ thông thường (bình thường, chính phẩm) bao gồm hàng thiết
yếu (cơ bản) và hàng xa xỉ (cao cấp) khi thu nhập tăng, cầu hàng hoá tăng lên và ngược lại. Nhà
thống kê người Đức Ernst Engel (1821 - 1896) đã nghiên cứu sự chi tiêu của nhiều hộ gia đình và
công bố luật về mối quan hệ thuận giữa thu nhập và cầu hàng hoá. Khi biểu diễn quan hệ này lên
đồ thị người ta được đường cầu theo thu nhập và thường gọi là đường Engel.
I (a)
I (b)
D

Q Q

Hình 1 - 3. Đường Engel với hàng hoá thông thường (a) và hàng hoá thứ cấp (b)

31
+ Đối với hàng hoá dịch vụ thứ cấp (cấp thấp, thứ phẩm) là những mặt hàng chất lượng
thấp hoặc lạc hậu về “Mốt” khi thu nhập tăng cầu hàng hoá này sẽ giảm xuống và ngược lại, tức
là giữa thu nhập và cầu hàng hoá tồn tại mối quan hệ nghịch biến.
Như vậy, khi thu nhập tăng cầu hàng hoá thông thường tăng còn cầu hàng hoá thứ cấp giảm
và ngược lại. Mối quan hệ này được thể hiện trên đồ thị của hình 1-3.
c. Giá cả hàng hoá liên quan (PY ): Cầu của hàng hoá không những chỉ phụ thuộc vào giá của
hàng hoá đó mà nó còn phụ thuộc vào giá của các hàng hoá có liên quan. Các hàng hoá liên quan
được chia làm hai loại: hàng hoá thay thế và hàng hoá bổ sung.
+ Hàng hoá thay thế: Hai hàng hoá được gọi là thay thế khi người ta có thể sử dụng hàng
hoá này thay thế cho hàng hoá kia và ngược lại mà không làm thay đổi giá trị sử dụng của chúng.
Ví dụ: cơm và phở, thịt lợn và thịt gà (ăn); chè và cà phê, coca cola và pepsi, bia và rượu (uống);
ô tô và tàu hoả, tàu hoả và máy bay (đi lại)… Khi đó, nếu giá thịt gà tăng thì người tiêu dùng
chuyển sang mua thịt lợn thay thế và làm cầu thịt lợn tăng và ngược lại (với điều kiện giữ nguyên
các yếu tố khác). Như vậy, khi X và Y là hai hàng hoá thay thế thì quan hệ giữa giá hàng hoá Y
(PY) và cầu hàng hoá X (QD X) là quan hệ đồng biến.
+ Hàng hoá bổ sung: Hai hàng hoá được gọi là bổ sung khi sử dụng hàng hoá này thì phải
kèm theo hàng hoá kia. Ví dụ: xe máy, ô tô và xăng, dầu, nhớt; bếp ga và ga; đồ dùng điện và
điện… Khi đó, nếu giá xăng tăng lên thì cầu xe máy, ô tô sẽ giảm xuống và ngược lại (với điều
kiện các yếu tố khác không thay đổi). Như vậy, khi X và Y là hai hàng hoá bổ sung thì quan hệ
giữa giá hàng hoá Y (PY) và cầu hàng hoá X (QDX) là quan hệ nghịch biến.
d. Thị hiếu, sở thích người tiêu dùng (T): Nó là ý thích, ý muốn chủ quan của người tiêu dùng
khi sử dụng hàng hoá dịch vụ. Vì vậy, thị hiếu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: giới tính, dân
tộc, tuổi tác, môi trường sống, “mốt” tiêu dùng… Nhìn chung, yếu tố này ít thay đổi vì thị hiếu
người tiêu dùng rất đa dạng và phức tạp, nó thuộc yếu tố tâm lý - xã hội nên khi nghiên cứu phải
chọn mẫu đại diện, từ đó có thể lượng hoá và suy rộng cho tổng thể.
e. Quy mô dân số hay số lượng người tiêu dùng (N): Như phần trên đã phân tích, cầu thị trường
được tập hợp từ cầu của các cá nhân có tham gia thị trường. Do đó, khi số lượng người tiêu dùng
tăng thì cầu hàng hoá sẽ tăng và ngược lại. Chẳng hạn, cùng mức giá gạo 8.000đ/kg nhưng cầu về
gạo ở thành phố Hà Nội sẽ lớn hơn rất nhiều so với cầu về gạo ở tỉnh Hà Nam, mặc dù thu nhập
khác nhau thì điều này vẫn đúng vì Hà Nội có dân số lớn hơn Hà Nam.
f. Kỳ vọng của người tiêu dùng (E): Cầu hàng hoá sẽ thay đổi vì nó phụ thuộc các kỳ vọng của
người tiêu dùng. Kỳ vọng được xem là sự mong đợi, dự đoán của người tiêu dùng về sự thay đổi
các yếu tố xác định cầu trong tương lai nhưng lại ảnh hưởng tới cầu hàng hoá hiện tại. Nếu người
tiêu dùng dự đoán giá xe máy sẽ giảm trong tương lại thì cầu xe máy hiện tại sẽ giảm và ngược
lại. Các kỳ vọng về thu nhập, thị hiếu hoặc số lượng người tiêu dùng, đều tác động đến cầu hàng
hoá đang xét.

32
Ngoài ra, điều kiện tự nhiên, chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước (như chính sách trợ
cấp, thuế thu nhập)… cũng ảnh hưởng đến cầu hàng hoá dịch vụ. Chẳng hạn, về mùa hè cầu về
nước giải khát, cầu quạt điện, máy điều hoà, cầu về dịch vụ du lịch sẽ tăng; còn về mùa đông, cầu
về quần áo ấm, cầu về chè, cà phê, thức ăn nóng sẽ tăng…
1.1.4. Sự di chuyển và dịch chuyển của đường cầu
Cầu hàng hoá dịch vụ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vì vậy khi các yếu tố này thay đổi sẽ
làm đường cầu vận động theo hai trạng thái: hoặc là di chuyển hoặc là dịch chuyển.
a. Sự di chuyển của đường cầu (sự thay đổi của lượng cầu).
+ Khái niệm: Sự di chuyển của đường cầu là sự vận động dọc theo đường cầu hay là sự thay
đổi các điểm trên cùng một đường cầu (thay đổi điểm cầu).
Trên hình 1- 4 cho thấy: trên cùng đường cầu D, nếu đường cầu vận động từ điểm A đến B
ta kết luận đường cầu di chuyển theo hướng tăng (hay còn gọi là tăng lượng cầu). Nếu vận động
ngược lại từ điểm B về điểm A thì ta nói rằng đường cầu di chuyển theo hướng giảm (giảm lượng
cầu). Như vậy, khi đường cầu di chuyển nó chỉ làm thay đổi lượng cầu.
+ Yếu tố làm đường cầu di chuyển: Khi các yếu tố khác không đổi, nếu giá hàng hoá đang
xét (PX) thay đổi thì đường cầu sẽ di chuyển. Nếu PX giảm từ P2 xuống P1 thì đường cầu di
chuyển theo hướng tăng và làm tăng lượng cầu từ Q2 lên Q1; còn nếu PX tăng từ P1 lên P2 thì
đường cầu dịch chuyển theo hướng giảm và làm giảm lượng cầu từ Q1 xuống Q2. Như vậy, giá
của bản thân hàng hoá đang xét thay đổi chỉ làm thay đổi lượng cầu. Người ta gọi PX là yếu tố nội
sinh hay còn gọi là biến nội sinh.
b. Sự dịch chuyển của đường cầu (sự thay đổi của cầu).
+ Khái niệm: Sự dịch chuyển của đường cầu là sự thay đổi toàn bộ đường cầu từ vị trí này
sang vị trí khác.
Trên hình 1- 4, nếu đường cầu dịch chuyển lên trên về phía phải (từ D sang D1) khi đó ta
kết luận đường cầu D đã dịch chuyển theo hướng tăng (hay còn gọi là tăng cầu). Nếu D dịch
chuyển xuống dưới về phía trái (từ D sang D2) khi đó ta kết luận ngược lại: D dịch chuyển theo
hướng giảm (giảm cầu).
+ Hệ quả xảy ra khi đường cầu dịch chuyển: Nếu đường cầu dịch chuyển tăng từ D sang D1
thì có hai hệ quả xảy ra: hoặc là tăng lượng cầu ở mọi mức giá, hoặc tăng giá ở mọi lượng cầu.
Đó chính là sự tăng lên của cầu hàng hoá. Nếu đường cầu dịch chuyển giảm từ D sang D2 thì gây
ra hệ quả ngược lại: hoặc là giảm lượng cầu ở mọi mức giá hoặc là giảm giá ở mọi lượng cầu. Đó
chính là sự giảm cầu hàng hoá. Như vậy, khi đường cầu dịch chuyển sẽ làm thay đổi cầu (tăng cầu
hoặc giảm cầu).
+ Yếu tố làm đường cầu dịch chuyển: Khi các yếu tố ngoài giá bản thân hàng hóa đang xét
(yếu tố ngoại sinh - biến ngoại sinh) của hàm cầu thay đổi sẽ làm đường cầu dịch chuyển. Cụ thể,
nếu các yếu tố khác không đổi, khi thu nhập của người tiêu dùng (I), giá hàng hoá thay thế (PY ),
số lượng người tiêu dùng (N)… tăng lên thì đường cầu (hàng hoá thông thường) dịch chuyển theo
hướng tăng. Ngược lại, khi thu nhập (I), giá hàng hoá thay thế, số lượng người tiêu dùng giảm
hoặc giá hàng hoá bổ sung tăng…thì đường cầu sẽ dịch chuyển theo hướng giảm.

33
(a) (b)
P
giảm lượng cầu P
A tăng cầu

tăng lượng cầu D1


giảm cầu
B D
D2
D
Q Q

Hình 1 - 4. Sự di chuyển của đường cầu (a) và dịch chuyển của đường cầu (b)

1.2. CUNG (SUPPLY)


1.2.1. Khái niệm
Cung là là một thuật ngữ biểu thị số lượng hàng hoá dịch vụ mà người sản xuất (với tư
cách là người bán) có khả năng và sẵn sàng bán ở mỗi mức giá chấp nhận trong phạm vi không
gian và thời gian nhất định khi các yếu tố khác không thay đổi.
Qua khái niệm này, chúng ta cần lưu ý:
* Điều kiện hình thành/xuất hiện cung tức là điều kiện để diễn ra hành vi bán hàng hoá trên
thị trường. Muốn hành vi này diễn ra trên thị trường cần phải có đủ hai điều kiện xảy ra cùng một
lúc. Đó là (1) người sản xuất có hàng hoá - điều kiện cần và (2) họ sẵn sàng bán - điều kiện đủ.
* Có phân biệt giữa cung ứng và cung hàng hoá. Cung ứng thể hiện mong muốn của người
sản xuất về việc bán hàng hoá; còn cung ám chỉ hành vi cung ứng phù hợp với cầu thị trường.
Điều đó có nghĩa là, chỉ có hành vi cung ứng nào của người bán đáp ứng đúng nhu cầu thị trường
thì nó mới trở thành cung của thị trường.
* Cung thị trường được tập hợp từ cung của các nhà sản xuất có tham gia thị trường. Như
vậy, quy mô cung thị trường một loại hàng hoá nào đó phụ thuuộc vào cung của các cá nhân nhà
sản xuất loại hàng hoá này.
* Cung thị trường phải được xác định trong phạm vi không gian và thời gian nhất định.
Điều đó có nghĩa là, khi nghiên cứu cung thị trường ta phải cố định yếu tố không gian (xảy ra ở
đâu?) và cố định yếu tố thời gian (xảy ra vào lúc nào?).
* Khi nghiên cứu quan hệ giữa giá cả và cung thị trường hàng hoá người ta thường giả
định các yếu tố khác không thay đổi. Bởi vì, ngoài giá cả hàng hoá đang xét, cung còn phụ thuộc
vào nhiều yếu tố khác (sẽ được đề cập ở phần sau).
1.2.2. Một số thuật ngữ có liên quan
Ngoài khái niệm trên, khi nghiên cứu cung người ta cần phải quan tâm đến những thuật ngữ sau:

34
a. Lượng cung: Là số lượng hàng hoá dịch vụ mà người sản xuất có khả năng và sẵn sàng bán ở
một mức giá cụ thể (khi các yếu tố khác không thay đổi).Như vậy, lượng cung chỉ có ý nghĩa khi
nó gắn với một mức giá.
Chẳng hạn, khi giá gạo trên thị trường là P1 = 8.000đ/kg thì lượng cung tương ứng QS1 là 18
ngàn tấn. Nếu giá gạo P2 = 8.200đ/kg thì lượng cung QS2 = 19 ngàn tấn.
b. Biểu cung: Là bảng liệt kê lượng hàng hóa được cung ở các mức giá khác nhau. Nó mô tả mối
quan hệ giữa giá thị trường của hàng hóa đó và lượng hàng hóa mà người sản xuất muốn sản xuất
và bán ra trên thị trường khi các yếu tố khác không thay đổi. Giả sử có biểu cung được thể hiện ở
bảng 1- 2.
Bảng 1 - 2. Biểu cung về gạo ở thị trường huyện A, thành phố Hà Nội năm 2008

Giá P (ngàn đ/kg) 8,0 8,2 8,4 8,6 8,8 9,0


Lượng cung QS (ngàn tấn) 18 19 20 21 22 23
Nguồn: Số liệu giả định
P S

P3

PP2

P1

Q1 Q2 Q3 Q

. Hình 1 - 5. Đường cung thị trường hàng hoá dịch vụ

c. Đường cung. Là đường mô tả mối quan hệ giữa lượng cung và giá cả của hàng hóa đó. Đường
cung phổ biến của thị trường hàng hoá dịch vụ thường có có 2 đặc trưng cơ bản: đường cong dốc
lên trên về phía phải.
+ Đường cung thị trường thường là đường cong bởi vì nó được tập hợp từ đường cung cá
nhân các nhà sản xuất có tham gia thị trường. Ở cùng một mức giá, các nhà sản xuất có điều kiện
khác nhau sẽ bán ra một lượng không giống nhau. Vì vậy, nếu cộng theo chiều ngang đường cung
của các cá nhân theo từng mức giá ta có đường cung thị trường hàng hoá đó và đó là một đường
cong

35
+ Đường cung thị trường dốc lên trên về phía phải cho biết, khi giá cả tăng lên các nhà sản
xuất sẽ bán ra một lượng nhiều hơn trước. Tại sao lại như vây? Vấn đề ở đây là lợi nhuận, nếu chi
phí sản xuất ra một đơn vị hàng hoá không đổi, khi giá cả của hàng hoá tăng lên đồng nghĩa với
việc làm tăng thêm lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Chính điều này đã tạo ra động lực để các nhà
sản xuất hiện tại mở rộng quy mô và làm tăng lượng cung trên thị trường. Mặt khác, khi giá cả
tăng sẽ lôi kéo thêm một số nhà sản xuất mới tham gia vào thị trường và làm cho lượng cung thị
trường tăng lên. Như vậy, một sự tăng lên về giá cả đã làm cho lượng cung thị trường tăng lên là
do có sự mở rộng quy mô của các nhà sản xuất hiện tại và sự tham gia vào thị trường của các nhà
sản xuất mới để tìm kiếm lợi nhuận.

P 1-6a
S P 1-6b

S
Q
Q
P
1-6c P
S 1-6d
S
P1

Q
Q
Q1

Hình 1.6. Các đường cung đặc biệt: tuyến tính, dốc xuống dưới, nằm ngang, thẳng đứng

Ngoài đường cung phổ biến đã nghiên cứu trên, trong thực tế ta còn gặp một số trường hợp
ngoại lệ của đường cung (đường cung đặc biệt).
+ Trường hợp1(hình 1- 6.a): Đường cung tuyến tính dốc lên trên thể hiện mối quan hệ tuyến
tính giữa giá cả P và lượng cung QS tức là: khi P tăng hoặc giảm một lượng P thì lượng cầu
cũng tăng hoặc giảm tương ứng một lượng Q.
+ Trường hợp 2 (hình 1- 6b): Đường cung dốc xuống dưới về phía phải. Khi giá P giảm thì
lượng cung QD sẽ tăng và ngược lại. Một số hàng hoá là loại hàng nông sản tươi sống, vào vụ thu
hoạch rộ, nếu không tiêu thụ ngay sẽ giảm phẩm cấp nên mặc dù giá giảm người sản xuất vẫn

36
phải bán sản phẩm đó với lượng nhiều hơn để thu hồi vốn; hoặc một số hàng hoá đã lạc hậu về
“mốt” nên người ta vẫn phải bán nó cho dù giá giảm.
+ Trường hợp 3 (hình 1 - 6c): Đường cung nằm ngang so với lượng cung. Ở một mức giá
thịnh hành P1 của thị trường thì người sản xuất sẽ bán ra bất cứ khối lượng nào (đường cung thị
trường dịch vụ: ăn, uống, vui chơi, giải trí…).
+ Trường hợp 4 (hình 1- 6d): Đường cầu thẳng đứng. Dù giá cả tăng giảm nhưng không làm
lượng cung thay đổi (Qs1). Trên thực tế, đường cung đồ cổ, xe con cũ có dạng thẳng đứng. Ngoài
ra, đường cung đất đai trong dài hạn cũng có dạng như trên vì đất đai là sản phẩm do thiên nhiên
ban tặng cho loài người và chỉ ban tặng một lần duy nhất cho nên về lâu dài tổng diện tích đất đai
là cố định, theo đó sự thay đổi giá thuê đất sẽ không ảnh hưởng gì đến lượng cung đất đai.
d.Luật cung: Là luật của người sản xuất (người bán) vì họ luôn muốn bán đắt. Vì thế, luật cung
chỉ ra rằng, có một mối quan hệ đồng biến giữa giá cả và lượng cung hàng hoá. Cụ thể, nếu các
yếu tố khác không thay đổi, khi giá cả hàng hoá dịch vụ tăng lên thì lượng cung trên thị trường sẽ
tăng và ngược lại. Trên hình 1.5. nếu giá tăng từ P1 lên P2 thì lượng cung sẽ tăng từ Q1 lên Q2 và
ngược lại, nếu giá giảm từ từ P2 xuống P1 thì lượng cung sẽ giảm tương ứng từ Q2 xuống Q1.
1.2.3. Hàm cung và các yếu tố ảnh hưởng đến cung
Cung hàng hoá trên thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do vây, để biểu hiện mối
quan hệ giữa cung hàng hoá và các yếu tố xác định nó người ta thường sử dụng một hàm số gọi là
hàm số của cung hay còn gọi là hàm cung.
Hàm cung thị trường có dạng tổng quát: QS (x,t) = f (PX ; Pi ; T ; G ; N ; E ...)
Trong đó: QS(x,t) là cung hàng hoá X xác định trong khoảng thời gian t (t là thời gian
nghiên cứu cung: ngày, tháng, quý, năm cụ thể) đóng vai trò là hàm cung. PX ; Pi ; T ; G ; N ; E
...là các yếu tố xác định cung, đóng vai trò là các biến của hàm cung. Đó là: giá cả bản thân hàng
hoá đang xét (PX ); giá cả các yếu tố đầu vào (Pi); công nghệ sản xuất (T); các chính sách kinh tế
của chính phủ (G); số lượng nhà sản xuất (N); kỳ vọng của nhà sản xuất (E).
Như vậy cung hàng hoá X cùng một lúc phụ thuộc vào sự thay đổi tất cả các yếu tố trên,
nhưng để đơn giản trong nghiên cứu người ta thường dựa vào hai giả định sau đây:
+ Thứ nhất: để nghiên cứu ảnh hưởng của từng yếu tố đến cung hàng hoá, người ta thường
giả sử các yếu tố còn lại không thay đổi.
+ Thứ hai: hàm cung có dạng tuyến tính, tức là quan hệ giữa từng yếu tố với cung là quan
hệ tuyến tính. Chẳng hạn, hàm cung phụ thuộc giá hàng hóa có dạng QD = a2P + b2 . Trong đó:
QS là lượng cung hàng hoá X với vai trò hàm số, PX là giá hàng hoá X với vai trò là biến số. Tham
số a2 thể hiện quan hệ tuyến tính giữa PX và QS (khi PX tăng hoặc giảm 1 đơn vị thì QS sẽ tăng hoặc giảm
tương ứng a2 đơn vị), vì vậy a 2 luôn có trị số dương (a 2  0). Tham số b2 là một hằng số cho biết ảnh
hưởng không đổi của các yếu tố khác (ngoài PX). Chẳng hạn: từ biểu cung ở bảng 1 - 2 ta thiết lập được
hàm cung của thị trường QS = 5P - 22 .

37
Trong đó: a2 = 5 có nghĩa là, khi giá gạo tăng hoặc giảm 1.000đ/kg thì lượng cung sẽ tăng hoặc
giảm tương ứng 5 ngàn tấn; còn b2 = - 22 có nghĩa là: khi giá gạo thị trường P = 0 thì lượng cung tối thiểu
là - 22 ngàn tấn. Đó chính là ảnh hưởng của các yếu tố khác ngoài giá gạo.
Dưới đây ta sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của từng yếu tố đến cung hàng hoá.
a. Giá cả hàng hoá đang xét (PX ): Nếu các yếu tố khác không đổi, khi giá hàng hoá X tăng thì
lượng cầu hàng hoá đó sẽ tăng và ngược lại. Nói cách khác: giữa PX và QS(X) tồn tại mối quan hệ
đồng biến như trong luật cung đã chỉ ra. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào X
là loại hàng hoá dịch vụ nào.
b. Giá cả các yếu tố đầu vào (Pi): Để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà sản xuất phải
mua hoặc thuê các yếu tố đầu vào (thuê địa điểm kinh doanh, mua nguyên nhiên vật liệu, thuê lao
động...). Do đó, sự thay đổi giá cả các yếu tố đầu vào sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành
sản phẩm và từ đó tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Nếu các yếu tố khác không đổi, khi giá đầu
vào giảm thì chi phí để tạo ra sản phẩm giảm xuống tạo cơ hội để người sản xuất kiếm được lợi
nhuận cao hơn. Khi đó các nhà sản xuất sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và bán nhiều
hàng hoá hơn làm cho cung thị thị trường tăng lên. Ngược lại, nếu giá đầu vào tăng các nhà sản
xuất có xu hướng bán ít hàng hoá hơn làm cho cung thị trường giảm đi. Chẳng hạn trong nông
nghiệp, khi giá giống, phân bón, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trừ dịch bệnh… tăng
cao thì cung sản phẩm nông nghiệp có xu hướng giảm xuống và ngược lại.
c. Trình độ công nghệ sản xuất (T): Công nghệ thể hiện phương pháp phối hợp đầu vào để tạo
ra sản phẩm. Nó là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vây,
nếu công nghệ được cải tiến và phù hợp với điều kiện sản xuất sẽ góp phần tạo ra nhiều sản phẩm
với chi phí thấp, chất lượng cao. Nhờ đó làm tăng cung hàng hoá trên thị trường và ngược lại.
Chẳng hạn, sản xuất lúa có sự thay giống cũ bằng giống mới (có năng suất chất lượng sản phẩm
cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên) thì cung về thóc sẽ tăng.
d.Các chính sách kinh tế của Chính phủ (G): Bao gồm chính sách thuế, giá, đầu tư, tín
dụng…mà Chính phủ sử dụng để điều tiết sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế. Chẳng hạn khi
Chính phủ đánh thuế vào việc sản xuất kinh doanh hàng hoá sẽ lấy đi một phần lợi nhuận của
người sản xuất và làm cung hàng hoá trên thị trường giảm xuống. Ngược lại khi chính phủ trợ giá
đầu vào, trợ giá đầu ra, hỗ trợ hoặc giảm lãi suất cho vay vốn sẽ khuyến khích các nhà sản xuất
mở rộng quy mô kinh doanh tăng cung trên thị trường.
e. Số lượng nhà sản xuất (N): Nếu các yếu tố khác không đổi, khi có nhiều nhà sản xuất tham
gia thị trường thì cung thị trường sẽ tăng và ngược lại. Chẳng hạn, ở Đồng bằng sông Hồng và
Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều hộ nông dân sản xuất lúa gạo nên cung lúa gạo ở Việt
Nam chủ yếu do hai khu vực này cung cấp.
f. Kỳ vọng của người sản xuất (E): Đó là sự dự đoán, mong đợi của người sản xuất về sự thay
đổi giá hàng hoá, giá đầu vào, chính sách thuế … trong tương lai đều có ảnh hưởng đến cung
hàng hoá hiện tại. Nếu sự dự đoán mong đợi đó thuận lợi cho sản xuất thì cung sẽ được mở rộng
và ngược lại. Giả sử, nếu người sản xuất dự đoán rằng tới đây giá hàng hoá sẽ giảm thì cung hàng
hoá hiện tại sẽ tăng.

38
Ngoài ra các yếu tố trên, điều kiện tự nhiên cũng ảnh hưởng rất lớn đến cung hàng hoá.
Chẳng hạn,về mùa hè cung về tủ lạnh, máy điều hoà, quạt điện, dịch vụ du lịch..sẽ tăng; còn về
mùa đông, các nhà sản xuất thường tăng cung quần áo ấm, chè, cà phê, thức ăn nóng trên thị
trường để đáp ứng cầu người tiêu dùng.
1.2.4. Sự di chuyển và dịch chuyển của đường cung
Cung hàng hoá trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do vậy khi các yếu tố này thay
đổi sẽ làm cho đường cung thị trường vận động theo hai trạng thái: hoặc là di chuyển, hoặc là
dịch chuyển.
a. Sự di chuyển của đường cung ( sự thay đổi của lượng cung)
+ Khái niệm: Sự di chuyển của đường cung là sự vận động dọc theo đường cung hay là sự
thay đổi các điểm trên cùng một đường cung (thay đổi điểm cung). Trên đồ thị hình 1.7a, nếu
đường cung S vận động từ điểm A đến B, khi đó người ta nói rằng: đường cung đã di chuyển theo
hướng tăng (hay còn gọi là tăng lượng cung); nếu vận động ngược lại từ B về A có nghĩa là
đường cung di chuyển theo hướng giảm (giảm lượng cung).
+Yếu tố làm đường cung di chuyển: Chỉ có một yếu tố duy nhất đó là: khi giá hàng hoá
đang xét (PX) thay đổi sẽ làm đường cung di chuyển. Người ta cũng gọi PX là yếu tố nội sinh hay
biến nội sinh của hàm cung. Khi PX tăng sẽ làm đường cung di chuyển theo hướng tăng và làm
tăng lượng cung, còn ngược lại khi PX giảm thì đường cung di chuyển theo hướng giảm và làm
giảm lượng cung. Như vậy, đường cung di chuyển khi có sự thay đổi của giá bản thân hàng hoá
đang xét và chỉ làm thay đổi lượng cung hàng hoá đó.
b. Sự dịch chuyển của đường cung (sự thay đổi của cung)
+ Khái niệm: Sự dịch chuyển của đường cung là sự vận động của toàn bộ đường cung từ vị
trí này sang vị trí khác. Trên đồ thị hình 1.7b, nếu đường cung vận động xuống dưới về phía phải
từ S xuống S1 thì ta kết luận đường cung đã dịch chuyển theo hướng tăng (tăng cung), còn nếu
ngược lại nếu đường cung S vận động lên trên về phía trái từ S lên S2 thì ta nói rằng đường cung
S đã dịch chuyển theo hướng giảm (giảm cung).

(a) S2
P (b)
S
P giảm cung S
B tăng lượng cung
S1
A
tăng cung
giảm lượng cung

Q Q

Hình 1 - 7. Sự di chuyển của đường cung (a) và dịch chuyển của đường cung (b)

39
+ Hệ quả: khi đường cung dịch chuyển theo hướng tăng sẽ gây ra hai hệ quả: hoặc lượng
cung sẽ cao hơn trước ở mọi mức giá, hoặc giá sẽ thấp hơn trước ở mọi lượng cung. Nếu đường
cung dịch chuyển theo hướng giảm sẽ gây ra hai hệ quả ngược lại.
+ Khi các yếu ngoài giá hàng hoá đang xét (yếu tố ngoại sinh) thay đổi thì đường cung sẽ
dịch chuyển. Chẳng hạn, khi giá cả yếu tố đầu vào giảm xuống, Chính phủ trợ cấp cho người sản
xuất, số lượng người sản xuất tăng lên…thì đường cung sẽ dịch chuyển theo hướng tăng. Nếu giá
đầu vào tăng, Chính phủ đánh thuế vào việc sản xuất hàng hoá thì cung sẽ giảm.
1.3. QUAN HỆ CUNG CẦU
Nghiên cứu quan hệ cung cầu tức là nghiên cứu quan hệ giữa những người bán và những
người mua, người sản xuất và người tiêu dùng trên thị trường. Chính quan hệ này sẽ hình thành
hoặc làm thay đổi giá cả hàng hoá trên thị trường. Trên thực tế, giữa cung và cầu thường tồn tại
ba trạng thái sau đây.
1.3.1. Trạng thái cân bằng cung cầu
Là trạng thái, tại đó tổng lượng cung bằng tổng lượng cầu hàng hoá. Tại đây, người sản xuất
thì bán hết hàng và người tiêu dùng mua đủ hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mình. Người ta
gọi đó là điểm cân bằng thị trường (E). Tại đó ta có mức giá cân bằng hay còn gọi là giá thị
trường (PE). Đây là mức giá người sản xuất đồng ý bán, người tiêu dùng chấp nhận mua trong
khoảng không gian và thời gian nhất định. Cũng tại điểm cân bằng ta xác định được lượng cân
bằng thị trường (QE), là lượng hàng hoá trao đổi tại mức giá cân bằng. Đây chính là cơ chế hình
thành giá thị trường hàng hoá dịch vụ. Điều đó có nghĩa là, trong cơ chế thị trường tự do, giá của
hàng hoá dịch vụ đều được hình thành trước hết do quan hệ cung cầu hàng hoá dịch vụ đó. Ở
trạng thái cân bằng thị trường, việc phân bố và khai thác, sử dụng các nguồn lực là có hiệu quả,
phân phối thoả đáng lợi ích giữa người sản xuất, người tiêu dùng và xã hội. Trên bảng 1.3 cho
thấy, tại mức giá 8.400 đ/kg thì lượng cung của người bán vừa đủ đáp ứng lượng cầu của những
người mua là 20.000 tấn. Như vậy, mức giá 8.400đ/kg là mức giá cân bằng thị trường (PE) và
20.000 tấn là sản lượng cân bằng thị trường (QE ). Trên đồ thị hình 1.8, điểm cân bằng thị trường
là điểm giao nhau của đường cung (S) và đường cầu thị trường(D). Đó chính là điểm E, với giá
cân bằng PE = 8.400đ và lượng cân bằng QE = 20.000 tấn.
1.3.2. Trạng thái không cân bằng (trạng thái dư thừa, thiếu hụt)
Ở các mức giá ngoài giá cân bằng thì thị trường sẽ tồn tại trạng thái không cân bằng.
+ Trường hợp thứ nhất: nếu giá hiện tại cao hơn giá cân bằng thì tại đó lượng cung của
người bán sẽ lớn hơn lượng cầu của người mua. Khi đó, thị trường sẽ tồn tại trạng thái dư thừa
(dư cung) tạo ra sức ép làm giảm giá từ phía người bán (người bán tự động hạ giá để bán được
hàng). Khi giá giảm thì lượng cung sẽ giảm (theo luật cung), còn lượng cầu sẽ tăng lên (theo luật
cầu) đến khi lượng cung bằng lượng cầu thì thị trường lại trở về trạng thái cân bằng ban đầu.
Chẳng hạn, trên bảng 1.3 và hình 1.8, với mức giá P1 = 8.600 đ/kg thì lượng cung của người bán
là QS1 = 21.000 tấn nhưng lượng cầu người mua chỉ là QD1 =19.000 tấn, khi đó thị trường dư thừa
2.000 tấn. Chính điều này đã tạo ra sức ép làm giá giảm xuống tới mức giá cân bằng P E = 8.400
đ/kg.

40
Bảng 1 - 3. Quan hệ cung cầu về gạo ở thị trường huyện A thành phố Hà Nội năm 2008

P QD QS Quan hệ Sức ép đối với giá cả


(1000 đ/kg) (1000 tấn) (1000 tấn) cung cầu
8,0 22 18 Thiếu hụt (dư cầu) Tăng
8,2 21 19 Thiếu hụt (dư cầu) Tăng
8,4 20 20 Cân bằng Không đổi
8,6 19 21 Dư thừa (dư cung) Giảm
8,8 18 22 Dư thừa (dư cung) Giảm
9,0 17 23 Dư thừa (dư cung) Giảm
Nguồn: Số liệu giả định
+ Trường hợp thứ hai: nếu giá hiện tại thấp hơn giá cân bằng thì tại đó lượng cầu của người
mua sẽ lớn hơn lượng cung của người bán. Khi đó, thị trường sẽ tồn tại trạng thái thiếu hụt (dư
cầu) tạo ra sức ép làm tăng giá từ phía người mua (người mua tự động trả giá cao để mua được
hàng). Khi giá tăng thì lượng cung sẽ tăng (theo luật cung), còn lượng cầu sẽ giảm xuống (theo
luật cầu) đến khi lượng cung bằng lượng cầu thì thị trường lại trở về trạng thái cân bằng ban đầu.
Như vậy, ở bất cứ mức giá nào thấp hơn giá cân bằng thị trường đều tạo ra trạng thái thiếu hụt và
tạo ra sức ép làm giá cả tăng lên. Chẳng hạn, trên bảng 2.3 và hình 2.8, với mức giá P2 = 8.000
đ/kg thì lượng cầu của người mua là QD2 = 22.000 tấn nhưng lượng cung người bán chỉ là QS2
=18.000 tấn, khi đó thị trường thiếu hụt 4.000 tấn. Chính điều này đã tạo ra sức ép làm giá tăng
lên tới mức giá cân bằng PE = 8.400 đ/kg. Như vậy, ở bất cứ mức giá nào cao hơn hoặc thấp hơn
giá cân bằng thị trường đều tạo ra trạng thái dư thừa hoặc thiếu hụt của thị trường và tạo ra sức ép
làm giảm giá hoặc tăng giá để điều tiết thị trường trở về trạng thái cân bằng. Đó cũng chính là cơ
chế hoạt động của thị trường thông qua sự dẫn dắt của “bàn tay vô hình”.

P (1000 đ/kg) Dư thừa


S
P1 = 8,6
E
PE = 8,4

P2 = 8,0 D
Thiếu hụt
Q (1000 tấn)
QE = 20

Hình 1 - 8. Cân bằng cung cầu và trạng thái dư thừa, thiếu hụt

41
1.3.3. Trạng thái cân bằng mới
Trạng thái cân bằng thị trường và sự ổn định của giá thị trường chỉ mang tính chất tạm thời.
Bởi vì cung và cầu thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nên sự thay đổi của chúng sẽ làm
cung và cầu thị trường biến động hình thành nên điểm cân bằng mới. Đó các tình huống sau đây:
+ Thay đổi cân bằng từ phía cầu (bởi sự dịch chuyển đường cầu). Hình 1- 9a
+ Thay đổi cân bằng từ phía cung (bởi sự dịch chuyển đường cung).Hình 1- 9b
+ Thay đổi cân bằng từ phía cung và cầu (bởi sự dịch chuyển của cả đường cung và đường
cầu). Hình 1- 9c
P (1000 đ/kg) S
E1
PE1 =8,6 E
PE = 8,4
D1
D
Q (1000 tấn)
QE = 20 QE1 = 21
Hình 1- 9a. Trạng thái cân bằng mới do tác động từ phía cầu

Trên đồ thị ở hình 1- 9a, nếu không có sự thay đổi của cung và cầu thì điểm cân bằng thị
trường là E với giá cân bằng PE = 8,4 ngàn đ/kg và lượng cân bằng QE = 20 ngàn tấn . Giả sử, thu
nhập người tiêu dùng tăng lên (còn các yếu tố khác giữ nguyên) thì đường cầu sẽ dịch chuyển
theo hướng tăng từ D sang D1. Khi đó E1 là điểm cân bằng mới của thị trường với giá cân bằng
mới PE1 = 8,6 ngàn đ/kgvà lượng cân bằng mới QE1 = 21ngàn tấn. Như vậy các yếu tố ngoại sinh
của cầu thay đổi sẽ làm dịch chuyển đường cầu và hình thành trạng thái cân bằng mới.
Trên đồ thị hình 1 - 9b, khi giá cả đầu vào của các yếu tố sản xuất (ví dụ, giá phân bón, thuốc trừ
sâu…) giảm xuống (còn các yếu tố khác giữ nguyên) sẽ làm cho đường cung dịch chuyển theo hướng
tăng từ S sang S2. cân bằng mới của thị trường là E2 với giá cân bằng mới PE2 = 8,0 ngàn đồng và lượng
cân bằng mới QE2 = 22 ngàn tấn. Như vậy, khi các yếu tố ngoại sinh của hàm cung thay đổi thì đường
cung sẽ dịch chuyển để tạo nên điểm cân bằng mới của thị trường.
Ngoài ra, khi cả cầu và cung đều tăng (hình 1-9c) thì giá cân bằng mới PE3 = 8,4 ngàn đồng và
lượng cân bằng mới QE3 = 23 ngàn tấn

42
P (1000 đ/kg) S
S2
E
PE = 8,4
E2
PE2 = 8,0
D
Q (1000 tấn)
QE = 20 QE2 = 22
Hình 1 - 9b. Trạng thái cân bằng mới do tác động từ phía cung

P (1000 đ/kg) S
S2
E
PE = PE3 = 8,4 E3
D1
D
Q (1000 tấn)
QE = 20 QE3 = 23
E3
Hình 1- 9c. Trạng thái cân bằng mới do tác động của cả cầu và cung

1.4. KIỂM SOÁT GIÁ CẢ


1.4.1 Khái niệm Kiểm soát giá cả
Kiểm soát giá cả là việc Chính phủ quy định giá đối với một số hàng hóa dịch vụ nào đó nhằm
thực hiện những mục tiêu cụ thể trong từng thời kỳ.
Trong nền kinh tế thị trường, giá thị trường được hình thành trước hết do quan hệ cung cầu hàng
hoá dịch vụ. Nhưng trong một số trường hợp cụ thể (mang tính thời điểm) do tác động của các yếu tố xác
định cầu, cung làm cho giá cả thị trường đột biến tăng lên hoặc giảm đi (người ta thường gọi đây là những
cơn sốt giá). Khi điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng và các nhà sản
xuất. Vì vậy, để ổn định giá và bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân tham gia thị trường, Chính phủ phải can
thiệp vào thị trường bằng các biện pháp kiểm soát giá cả.. Thông thường kiểm soát giá cả của Nhà nước
được thực hiện dưới 2 hình thức: quy định “giá trần” và “giá sàn”.
1.4.2. Giá trần (Price Ceiling - PC)
a. Khái niệm: Giá trần (PC) là mức giá tối đa hay còn gọi là giới hạn trên của giá được chính phủ
quy định cho một loại hàng hoá dịch vụ nào đó khi giá của chúng trên thị trường tự do là quá cao.
Thông thường giá trần quy định thường thấp hơn giá cân bằng thị trường nên mục đích của nó là

43
bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng thông qua việc giảm giá cho họ. Đồng thời về mặt pháp lý
những người bán không được phép bán cao hơn mức giá trần mà chính phủ đã quy định.
b.Hệ quả của việc quy định giá trần: Vì giá trần thấp hơn giá thị trường nên lượng cầu của
người tiêu dùng vượt quá lượng cung của người sản xuất. Khi đó thị trường sẽ tồn tại trạng thái
thiếu hụt (dư cầu) hàng hoá dịch vụ. Theo đó sẽ nảy sinh hiện tượng tiêu cực để mua được hàng
hoá và hưởng chênh lệch giá. Đồng thời việc đặt ra mức giá quá thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến động
cơ kinh doanh của người sản xuất. Điều này thể hiện rất rõ ở chất lượng giảm sút của hàng hoá.
Ví dụ, để bảo vệ quyền lợi cho một nhóm người có thu nhập thấp (sinh viên, người nghèo…),
chính phủ quy định giá thuê nhà, giá một số sản phẩm thiết yếu (điện, nước sinh hoạt, xăng
dầu…), hoặc trợ giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (giá phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới
tiêu…) là những hình thức cụ thể của giá trần. Trên đồ thị hình 1-10 , tại giá trần Pc thì lượng cầu
của người tiêu dùng QDC vượt quá lượng cung người sản xuất QSC làm cho thị trường thiếu hụt
một lượng QDC - QSC.
P S

S1
E
PE
E1
PC =PE1
Thiếu hụt
D

QSC QE QDC = QE1 Q

Hình 1 - 10. Mô hình giá trần

Để cho giá trần PC có hiệu lực, chính phủ phải khắc phục bằng cách tham gia vào thị trường
(thông qua hệ thống doanh nghiệp Nhà nước) để cung ra thị trường phần hàng hoá thiếu hụt đó
hoặc trợ giá, hỗ trợ lãi suất cho các nhà sản xuất. Khi đó, đường cung thị trường sẽ dịch chuyển
theo hướng tăng từ S sang S1 để tạo nên điểm cân bằng mới E1 với giá cân bằng PE1 đúng bằng
giá trần và lượng cân bằng QE1 vừa bằng lượng cầu mà người tiêu dùng muốn mua tại mức giá
trần PC.
1.4.3. Giá sàn (Price Floor - PF)
- Khái niệm: Giá sàn (PF) là mức giá tối thiểu hay còn gọi là giới hạn dưới của giá được Chính phủ
quy định cho một loại hàng hoá dịch vụ nào đó khi giá của nó trên thị trường tự do là quá thấp. Trên thực
tế giá sàn chính phủ quy định thường cao hơn giá thị trường nên hàm ý của nó là bảo vệ quyền lợi cho
người sản xuất, tức là tăng giá cho họ. Mặt khác, về mặt pháp lý thì những người mua không được phép
mua thấp hơn giá sàn chính phủ đã quy định.

44
P

S
Dư thừa E1
PE1 = PF
E
PE
D1

QDF QE0 QSF = QE1 Q

Hình 1 - 11. Mô hình giá sàn

- Hệ quả: Trên đồ thị hình 1-11 cho thấy, tại mức giá sản PF cao hơn giá thị trường nên
lượng cung của người sản xuất QSF thường vượt quá lượng cầu của người tiêu dùng QDF tại mức
giá này làm cho thị trường tồn tại trạng thái dư thừa (dư cung) hàng hoá một lượng QSF – QDF . Ví
dụ điển hình về giá sàn là mức tiền công tối thiểu. Bằng cách quy định mức tiền công tối thiểu,
Chính phủ muốn duy trì một mức sống nhất định cho người làm thuê. Song trên thực tế, mức tiền
công tối thiểu cao hơn tiền công thị trường sẽ nảy sinh tình trạng dư thừa lao động và là nguyên
nhân dẫn đến thất nghiệp.
Để giá sàn có hiệu lực về mặt pháp lý chính phủ phải tham gia vào thị trường như là một
khách hàng để mua vào phần hàng hoá dư thừa do việc quy định giá sàn tạo nên. Hành vi này sẽ
làm cho đường cầu thị trường dịch chuyển theo hướng tăng từ D sang D1 tạo nên điểm cân bằng
mới E1 với giá cân bằng PE1 đúng bằng giá sàn, lượng cân bằng mới vừa bằng lượng cung mà các
nhà sản xuất cần bán tại mức giá sàn.
Vận dụng kiểm soát giá thông qua định “giá sàn”có ý nghĩa lớn đối với sản xuất nông
nghiệp khi được mùa, giá cả nông sản phẩm (ví dụ giá thóc) ở mức giá quá thấp, Chính phủ sử
dụng ngân sách của mình để mua sản phẩm của nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Đây
chính là hình thức trợ giá đầu ra nhằm khuyến khích nông nghiệp phát triển.
Như vậy, việc can thiệp của chính phủ vào thị trường dưới các hình thức kiểm soát giá cả sẽ
dẫn đến sự dư thừa hay thiếu hụt ở các mức giá quy định và làm giảm tính hiệu quả của thị trường
chứ không phải là một giải pháp cho vấn đề phân bố tài nguyên. Tuy nhiên, việc can thiệp của
chính phủ vẫn là cần thiết để đạt được những mục tiêu nhất định trong mỗi giai đoạn nào đó như:
đảm bảo an ninh lương thực, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân khi lạm phát quá cao.

45
Chương 2
ĐỘ CO GIÃN CẦU, CUNG
VÀ LÝ THUYẾT HÀNH VI NGƯỜI TIÊU DÙNG

2.1. ĐỘ CO GIÃN CẦU, CUNG


2.1.1. Khái niệm.
Độ co giãn cầu, cung là số đo tính nhạy cảm của lượng cầu hoặc lượng cung một loại hàng hoá dịch
vụ khi có sự thay đổi của các yếu tố xác định chúng. Nó được đo bằng % sự thay đổi của lượng cầu hoặc
lượng cung khi có 1 % thay đổi của các yếu tố xác định cầu, cung.

%Q Q X
EX = -------- = --------* -------
%X X Q
Trong đó:
EX là độ co giãn cầu, cung đối với các yếu tố ảnh hưởng đến nó (X)
% Q là phần trăm thay đổi của lượng cầu, lượng cung
% X là phần trăm thay đổi của yếu tố X (yếu tố ảnh hưởng đến cầu và cung)
Q là sự thay đổi của lượng cầu, lượng cung
X là sự thay đổi của yếu tố X (yếu tố ảnh hưởng đến cầu và cung)
X,Q là trị số cụ thể của yếu tố X và lượng cầu, cung tương ứng với nó.

2.1.2.Độ co giãn của cầu.


a. Độ co giãn của cầu đối với giá cả hàng hoá( EDP)
- Khái niệm: độ co giãn của cầu đối với giá cả được đo bằng % thay đổi của lượng cầu so
với 1% phần trăm thay đổi của giá cả.
%QD QD P
EDP = -------- = -------- * -----
%P P Q
Trong đó:
EDP: độ co giãn cầu đối với giá cả hàng hóa
% QD: phần trăm thay đổi của lượng cầu
% P: phần trăm thay đổi của giá cả hàng hoá
QD: sự thay đổi của lượng cầu
P: sự thay đổi của giá cả hàng hoá
P và Q: trị số cụ thể của giá cả và lượng cầu tương ứng với mức giá đó
- Phương pháp tính:
+ Phương pháp điểm cầu: EDP = QD’ * P1 /Q1
Trong đó: (QD)’P : Đạo hàm bậc nhất của hàm cầu theo giá.
P1 là giá cả, Q1 là lượng cầu tương ứng với P1
Ví dụ: Ta có hàm cầu: QD = -10*P + 70 thì độ co giãn cầu đối với giá cả tại mức giá P1 = 3 triệu
đ/tấn và lượng cầu Q1 = 40 tấn là: EDP = - 10 * 3/40 = - 0,75

46
+ Phương pháp đoạn cầu (khoảng cầu)
Q2 - Q1 (P1 + P2)/2
EDP = ---------- = * ----------------
P2 - P1 (Q1 + Q2)/2

Ví dụ: Thể hiện qua bảng sau:


P (triệu đ/tấn) QD (tấn/ngày) EDP
6 5 -
5 10 -3,67
4 15 -1,80
3 20 -1,0
2 25 - 0,56
1 30 - 0,27
Nguồn: Số liệu giả định

- Phân loại EDP: Có 3 loại chủ yếu: ít co giãn (EDP < 1), co giãn (EDP > 1) và co giãn đơn vị
(EDP= 1). Có 2 loại đặc biệt: hoàn toàn không co giãn (EDP = 0) và hoàn toàn co giãn (EDP = ∞).
- Ý nghĩa
Độ co giãn của cầu đối với giá cả thể hiện mức độ phản ứng của người tiêu dùng đối với
sự thay đổi của giá cả. Nó cho biết: khi giá của hàng hoá tăng lên (hoặc giảm xuống) 1% thì
lượng cầu của nó giảm xuống (hoặc tăng lên) bao nghiêu %. Do đó nó có ý nghĩa lớn đối với Nhà
nước và doanh nghiệp trong việc tăng giá hoặc giảm giá cần thiết để xoá bỏ tình trạng thiếu hụt
hoặc dư thừa trên thị trường hoặc ban hành các chính sách thuế.
Biết EDP là cơ sở để các chủ thể sản xuất kinh doanh tăng giá hoặc giảm giá để tăng tổng
doanh thu hoặc tìm mức cung ứng để đạt doanh thu tối đa.
Mối quan hệ giữa độ co giãn của cầu đối với giá cả Px (EDP) và tổng doanh thu (TR)

EDP Px tăng dẫn tới TR Px giảm dẫn tới TR


EDP >1 TR sẽ giảm TR sẽ tăng
EDP <1 TR sẽ tăng TR sẽ giảm
EDP = 1 Không thay đổi Không thay đổi

b. Độ co giãn chéo của cầu đối với giá cả.


Độ co giãn chéo của cầu đối với giá cả được đo bằng phần trăm thay đổi lượng cầu của
hàng hoá này so với 1% thay đổi giá của hàng hoá kia.
%Qx
EDXPY = --------
%Py

Trong đó: EDXPY: độ co giãn của cầu hàng hoá X đối với giá hàng hoá Y.

47
%Qx : phần trăm thay đổi lượng cầu của hàng hoá X
%Py : phần trăm thay đổi giá của hàng hoá Y.
- Có hai phương pháp tính:
PY1
+ Tính theo phương pháp điểm cầu:
EDXPY = (QDX)’Py * -----------
Qx1
Trong đó: (QDX)’Py: là đạo hàm bậc nhất của hàm cầu hàng hoá X theo giá của hàng hoá Y.
Py1 : là giá của hàng hoá Y
Qx1 : là lượng cầu của hàng hoá x ở mức giá Py1 của hàng hoá Y.
+ Tính theo phương pháp đoạn cầu:
Qx2 - Qx1 (Py1 + Py2)/2
EDXPY = -----------* ----------------
Py2 - Py1 (Qx1 + Qx2)/2

Ví dụ: Có số liệu về mối quan hệ giữa giá cá và lượng cầu thịt lợn thể hiện ở bảng dưới đây :

Giá cá PY Lượng cầu thịt lợn EDXPY


(1.000đ/kg) QX (tấn/ngày)
15 20 -
16 22 1,48
18 26 1,42
22 32 1,04
Nguồn: Số liệu giả định
- Phân loại: Tuỳ quan hệ giữa hàng hoá X và hàng hoá Y là hai hàng thay thế hay hàng bổ sung
cho nhau mà EDXPY có giá trị dương hay âm.
- Ý nghĩa: Độ co giãn EDxy cho biết khi giá của hàng hoá y thay đổi 1% thì lượng cầu hàng hoá X
thay đổi (tăng lên hoặc giảm xuống) bao nhiêu%. Do đó, đối với doanh nghiệp EDXPY cho thấy rõ
được đường cầu sản phẩm của mình nhạy cảm đến mức độ nào đối với chiến lược định giá của
doanh nghiệp đối thủ. Đối với Nhà nước, biết EDxy làm cơ sở cho quyết định chính sách đầu tư
phát triển, chính sách giá cả của các mặt hàng nhằm phân bổ có hiệu quả nguồn lực và phân phối
lợi ích giữa các tác nhân tham gia thị trường.

c. Độ co giãn của cầu đối với thu nhập.


- Khái niệm: Độ co giãn cầu đối với thu nhập được đo bằng % thay đổi của lượng cầu hàng hoá
dịch vụ so với 1% thay đổi thu nhập của người tiêu dùng.
Công thức tính:
%QD
D
E I = ---------
%I
Trong đó:
EDI : là độ co giãn của cầu đối với thu nhập
%QD : là phần trăm thay đổi của lượng cầu hàng hoá dịch vụ.
%I : là phần trăm thay đổi thu nhập của người tiêu dùng.
- Phương pháp tính:

48
+ Theo phương pháp điểm cầu (điểm thu nhập):
I1
EDI = (QD)I’* ---------
Q1
Trong đó:
(QD)I’ là đạo hàm bậc nhất của hàm cầu theo thu nhập
I1: là mức thu nhập
Q1: là lượng cầu hàng hoá dịch vụ ở mức thu nhập I1
Ví dụ: Ta có hàm cầu đối với thu nhập như sau:
QD = 40 - 20P + 6I
D
Tính E I tại mức th nhập I1 = 40 và P = 10
EDI = (6 * 40)/80 = 3,0
Q2 - Q1 (I1 + I2)2
+ Theo phương pháp đoạn cầu: D
E I = --------- * ------------
P2 – P1 (Q1+ Q2)/2
Ví dụ: Có số liệu về thu nhập bình quân/người/tháng và lượng cầu tủ lạnh tương ứng thể hiện ở
bảng sau:

I (1000 đ/tháng) QD tủ lạnh (1000 chiếc) EDI


320 20 -
340 22 1,57
500 26 1,44
700 28 1,22
Nguồn: Số liệu giả định

- Phân loại: Tuỳ thuộc vào từng loại hàng hoá mà EDI có giá trị: dương (nếu là hàng hóa thông
thường), âm (nếu là hàng hóa thứ cấp) hoặc bằng 0 (nếu hàng hóa không có quan hệ với thu
nhập).
- Ý nghĩa: EDI cho biết khi thu nhập tăng lên 1% thì lượng cầu hàng hoá dịch vụ tăng lên (với
hàng hoá thông thường) hoặc giảm đi (với hàng hoá thứ cấp) bao nhiêu % (nếu các yếu tố khác
không đổi). Nó thông tin rất cần thiết để dự báo cầu về các loại hàng hoá dịch vụ khi các thành
viên trong xã hội khá giả hơn. Biết EDI có ý nghĩa lớn đối với Nhà nước và doanh nghiệp trong
việc định hướng đầu tư, tìm kiếm thị trường và hoạch định chính sách xuất nhập khẩu khi nền
kinh tế tăng trưởng.
2.1.3. Độ co giãn của cung.
- Khái niệm: Độ co giãn cung được đo bằng phần trăm thay đổi của lượng cung hàng hoá dịch vụ
so với 1% thay đổi của các yếu tố xác định cung.
%QS
ESX = ---------
%X
Trong đó: ESX là độ co giãn của cung theo yếu tố xác định cung (X).
X là các yếu tố xác định cung ( PX; Pi; T; G; N; E)
%QS là phần trăm thay đổi lượng cung khi X thay đổi

49
%X là phần trăm thay đổi của yếu tố xác định cung
- Các loại độ co giãn cung:
+ Độ co giãn của cung đối với giá cả (ESP): Dùng để nghiên cứu so sánh với độ co giãn
của cầu với giá cả, làm cơ sở ra quyết định của người cung ứng hàng hoá và chính sách điều
chỉnh giá trong sản xuất hàng hoá đó.
%QS
ESP = ---------
%P
Trong đó: ESP : là độ co giãn của cung đối với giá cả.
%QS : phần trăm thay đổi của lượng cung
%P : phần trăm thay đổi của giá cả
+ Độ co giãn của cung đối với giá cả của yếu tố đầu vào (ESPi)
+ Độ co giãn cung theo thuế (ESt)
Phương pháp tính độ co giãn của cung vận dụng theo quy tắc chung như đối với co giãn của cầu.

2.1.4.Vận dụng độ co giãn cầu, cung theo giá cả hàng hoá dịch vụ.
Độ co giãn của cầu theo giá và của cung theo giá thể hiện phản ứng của người tiêu dùng
và các nhà sản xuất khi giá hàng hóa trên thị trường thay đổi.Do vậy, căn cứ vào những thông tin
này để Nhà nước ban hành các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp như chính sách thuế, giá, đầu
tư....Cụ thể nó góp phần lý giải, khi Nhà nước đánh thuế hoặc trợ cấp cho sản xuất (hoặc tiêu
dùng) thì gánh nặng của sắc thuế đó hoặc lợi ích của khoản trợ cấp đó được phân chia như thế
nào giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của họ khi
giá cả hàng hóa trên thị trường thay đổi hay phụ thuộc vào mối tương quan giữa EDP và ESP .
Chẳng hạn khi Nhà nước đánh thuế vào việc sản xuất kinh doanh một loại hàng hóa nào đó theo
cách: cứ sản xuất và bán ra một đơn vị sản phẩm thì phải nộp cho Nhà nước một khoản thuế là t.
Người ta gọi là thuế tính theo sản lượng hoặc thuế đánh vào doanh thu. Khi ấy, cung hàng hóa
trên thị trường sẽ giảm và giá thị trường sẽ tăng.
Gọi PD là giá người mua trả khi mua hàng hóa ; PS là giá người bán nhận được khi bán hàng hóa.
PE là giá thị trường trước khi có thuế và PE1 là giá thị trường sau khi có thuế ( PE1 > PE)
+ Trước khi có thuế: PD = PS = PE
+ Sau khi có thuế: Người mua phải trả theo giá thị trường mới PD = PE1 mà ( PE1 > PE)
Người bán nhận được sau khi nộp thuế PS = PD – t mà (PS < PE)
Như vậy sau khi nhà nước đánh thuế thì PD - PS = t
Như vậy, sau khi có thuế người mua phải trả một khoản tiền nhiều hơn trước(thuế đã làm tăng giá
đối với người mua); ngược lại người bán nhận được một khoản tiền ít hơn trước vì phải nộp thuế
(thuế đã làm giảm giá đối với người bán). Điều này có nghĩa, cả người mua và người bán đều
phải nộp thuế.

50
Gọi t1 là phần thuế người mua phải chịu khi mua 1 đơn vị sản phẩm; t2 là phần thuế
người bán phải chịu khi bán 1 đơn vị sản phẩm thì t1 + t2 = t . Vậy t1 và t2 bằng bao nhiêu là tùy
thuộc vào mối tương quan giữa EDP và ESP. Trên thực tế sẽ có ba trường hợp phổ biến thường gặp
: + Trường hợp 1(hình 2 -1a): Nếu EDP = ESP có nghĩa là người mua và người bán phản ứng
như nhau khi giá cả thị trường thay đổi thì khi có thuế người mua và nười bán chịu thuế như nhau
( t1 = t2 = t/2)
+ Trường hợp 2 (hình 2 - 1b): Nếu EDP > ESP có nghĩa là người mua phản ứng nhanh hơn
người bán khi giá cả thị trường thay đổi thì khi có thuế người bán chịu thuế nhiều hơn người
mua( t2 > t1)
+ Trường hợp 3 (hình 2 - 1c): Nếu EDP < ESP có nghĩa là người bán phản ứng nhanh hơn
người mua khi giá cả thị trường thay đổi thì khi có thuế người mua chịu thuế nhiều hơn người
bán ( t1 > t2)
Như vậy,dựa vào độ co giãn của cầu, cung theo giá của từng loại hàng hóa để Nhà nước
tuỳ điều kiện cụ thể từng thời mà ban hành chính sách thuế hoặc trợ cấp cho phù hợp. Cụ thể,
hàng hóa nào thì nên đánh thuế và hàng hóa nào thì nên trợ cấp để phát triển sản xuất và ổn định
đời sống nhân dân.

P S1
(a) P (b) P (c)
S1 S
S1
S
S
PD = PE1 E1 PD = PE1
PD = PE1 E1 t1 E E1
PE t1 PE t1
E t2 PE
PS t2 PS t2 E
PS
D
D D

0 QE1 QE Q 0 QE1 QE Q 0 QE1 QE Q

Hình 2 -1. Ảnh hưởng của thuế đánh vào sản xuất đối với người mua và người bán

2.2. LÝ THUYẾT HÀNH VI NGƯỜI TIÊU DÙNG.


2.2.1. Lý thuyết về lợi ích
a. Một số khái niệm.
- Lợi ích /độ thoả dụng (U - Utility): là sự hài lòng, thoả mãn, ưng ý của người tiêu dùng
khi sử dụng hàng hoá dịch vụ.

51
- Tổng lợi ích (TU – Total Utility): là tổng thể sự hài lòng, thoả mãn ưng ý của người tiêu
dùng khi sử dụng toàn bộ hàng hoá dịch vụ.
- Lợi ích cận biên (MU - Marginal Utility) là phần lợi ích tăng thêm (hay giảm đi) khi sử
dụng thêm 1 đơn vị hàng hoá dịch vụ.

TU

Đường tổng lợi ích


TU
MU2

MU1

Q
MU

Đường lợi ích cận biên MU

Hình 2 - 2. Đường tổng lợi ích và lợi ích cận biên

b. Quy luật lợi ích cận biên giảm dần.


Khi số lượng hàng hoá dịch vụ được tiêu dùng tăng lên thì lợi ích cận biên của nó sẽ giảm
xuống trong một khoảng thời gian nhất định
Quy luật này đúng hầu hết với các loại hàng hoá dịch vụ và là cơ sở giải thích hành vi
mua hàng hoá dịch vụ của người tiêu dùng trên thị trường.
Ví dụ: Khi ta sử dụng bánh rán, mặc dù miễn phí (chẳng hạn được người khác mời) thì chiếc
bánh đầu tiên đem lại cho ta sự thoả mãn cao nhất, nếu sử dụng tiếp chiếc thứ 2 thì sự ngon
miệng sẽ giảm xuống, chiếc thứ 3 chắc chắn không ngon bằng chiếc thứ 2…..
c. Quy tắc tối đa hoá lợi ích
* Trường hợp 1: Nếu sử dụng một loại hàng hoá dịch vụ
- Không phải trả tiền (miễn phí): Để tối đa hoá lợi ích (TUmax), người tiêu dùng sẽ sử
dụng ở mức tối ưu Q* với điều kiện MU  0.

52
- Phải trả tiền: Để tối đa hoá lợi ích (TUmax), người tiêu dùng sẽ sử dụng ở mức tối ưu
Q* với điều kiện MU = MC = P.
Trong đó: MC(chi phí cận biên) là phần chi phí tăng thêm khi sử dụng thêm 1 đơn vị hàng hoá
dịch vụ. Trong điều kiện người tiêu dùng mua sản phẩm theo giá thị trường thì chi phí này chính
là giá thị trường của sản phẩm (MC = P)
* Trường hợp 2: Nếu sử dụng nhiều loại sản phẩm,để tối đa hoá lợi ích , người tiêu dùng sẽ sử
dụng Q*1 ; Q*2 ; Q*3 ;….. Q*n với điều kiện:
MU1/P1 = MU2/P2 = MU3/P3 = ….MUn/Pn
Trong đó: MU1 ; MU2 ; MU3 …MUn là lợi ích cận biên của loại sản phẩm thứ 1, 2, 3….n
P1 ; P2 ; P3 …Pn là giá cả tương ứng của loại sản phẩm thứ 1, 2, 3…n
P

Pma x S

CS E
PE
PS

Pmin D
0 Q
QE
Hình 2 - 3. Thặng dư người tiêu dùng và thặng dư người sản xuất

d. Vận dụng
Quy luật lợi ích cận biên giảm dần và quy tắc tối đa hoá lợi ích được sử dụng để giải quyết
một số vấn đề sau:
+ Thứ nhất: Giải thích nghịch lý của cuộc sống: cái người ta tưởng có giá trị nhất lại rẻ
nhất (nước), còn cái người ta tưởng không có ích gì cho cuộc sống thì lại đắt nhất (vàng bạc,đá
quý, kim cương…)
+ Thứ hai: Góp phần giải thích: tại sao đường cầu lại dốc xuống dưới về phía phải (khi
giá cả hàng hoá dịch vụ giảm xuống thì lượng cầu thị trường sẽ tăng lên )
+Thứ ba: Là cơ sở để tính thặng dư người tiêu dùng CS (Consumer Suprlus) và thặng dư
người sản xuất PS (Producer Suprlus
- Thặng dư của người tiêu dùng (CS)
+ Khái niệm: Thặng dư của người tiêu dùng là phần lợi ích hay giá trị mà người tiêu dùng
nhận được ngoài số tiền thực tế đã chi ra để mua hàng hoá dịch vụ trên thị trường. Nó là phần
chênh lệch giữa mức giá tối đa mà người tiêu dùng sẵn sàng trả với mức giá thực tế họ đã trả (giá
thị trường) Hay nói cách khác, thặng dư của người tiêu dùng là phần diện tích tam giác nằm phía

53
dưới đường cầu và phía trên đường giá cân bằng thị trường hàng hoá dịch vụ (thể hiện trên hình
2-3).
+ Cách tính: Nếu đường cầu là một đường thẳng hay hàm cầu có dạng QD = a1P + b1 thì
thặng dư của người tiêu dùng được tính theo công thức sau:
CS = 1/2 (Pmax - PE)* QE
Trong đó: CS : Là thặng dư người tiêu dùng .
Pmax: là mức giá tối đa (khi lượng cầu bằng 0).
PE : là giá cân bằng thị trường
QE: là lượng cân bằng thị trường
- Thặng dư của người sản xuất (PS).
+ Khái niệm: Thặng dư của người sản xuất là phần giá trị hay lợi nhuận(biến đổi)mà
người sản xuất nhận được ngoài số chi phí bỏ ra để sản xuất hàng hoá dịch vụ . Nó là phần chênh
lệch giữa mức giá bán thực tế (giá thị trường) và mức giá sẵn sàng bán của người sản xuất ứng
với lượng hàng hoá cân bằng trên thị trường. Nói cách khác thặng dư của người sản xuất là phần
diện tích tam giác nằm phía trên đường cung và phía dưới đường giá cân bằng của thị trường
hàng hoá dịch vụ (thể hiện trên đồ thị hình 2 - 3).
+ Cách tính: Nếu đường cung là một đường thẳng hay hàm cung có dạng QS = a2P + b2 thì
thặng dư của người sản xuất được tính theo công thức sau:
PS = 1/2(PE – Pmin) * QE
Trong đó: PS là thặng dư của người sản xuất
Pmin là mức giá tối thiểu( khi lượng cung = 0)
PE : là giá cân bằng thị trường
QE: là lượng cân bằng thị trường
2.2.2. Những nhân tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn của người tiêu dùng.
- Ràng buộc về ngân sách: Lượng ngân sách của người tiêu dùng (I) với điều kiện giá cả
hàng hoá đã xác định, cho biết các khả năng mua hàng hoá ở thị trường. Khi có một lượng ngân
sách nhất định, người tiêu dùng lựa chọn hàng hoá, dịch vụ này nhiều hơn thì hàng hoá, dịch vụ
khác sẽ ít đi. Biểu hiện các khả năng mua hàng hoá khác nhau trên hình vẽ ta có một đường ngân
sách.
Ví dụ: Có 240 ngàn đồng chi dùng hết cho bữa ăn và xem phim, với giá một bữa ăn là 3.000 đ và
giá vé một lần xem phim là 6.000 đ.
Các phương án: Dùng tiền cho bữa ăn: 80 bữa thì xem phim sẽ là 0 (tại điểm A). Muốn đi
xem phim 10 lần thì phải giảm số bữa ăn đi chỉ còn có 60 bữa (tại điểm B). Tỷ lệ thay thế lượng
của hai loại hàng hoá đó (với ngân sách I) chính là độ dốc đường NS và cũng bằng tỷ giá của hai
loại hàng hoá đó.
- Sở thích của người tiêu dùng: Khi có tổng độ thoả dụng không đổi U người tiêu dùng
tăng độ thoả dụng cho tiêu dùng hàng này thì phải giảm độ thoả dụng hàng hoá kia một lượng
tương ứng. Nếu là người thích ăn hơn sẽ lựa chọn tại điểm B, còn người thích đi xem phim lựa
chọn tại điểm D.
Độ dốc của đường bàng quan này là sự thay thế lợi ích (độ thoả dụng) cận biên hay chính bằng tỷ
lệ thay thế lượng hai hàng hoá đó. Như vậy, trên thị trường sở thích tiêu dùng với ngân sách nhất
định, thì điểm lựa chọn tối ưu là tiếp điểm của hai đường ngân sách và đường bàng quan (điểm E1
, E2 trên đồ thị hình 2 - 4).

54
Bữa ăn

80- Đường ngân sách


E
60 -
Đường bàng quan (đường đồng lợi ích)
40 -
E1
20-

    Xem phim
0 10 20 30 40

Hình 2 - 4. Lựa sản phẩm tiêu dùng tối ưu

- Thay đổi thu nhập: Khi thu nhập I tăng (hoặc giảm) giá cả hàng hoá như cũ, người tiêu
dùng cũng có sự lựa chọn thay đổi theo do sự thay đổi của đường ngân sách. Sự lựa chọn còn phụ
thuộc vào một trong hai hàng hoá đó là thứ cấp hay cao cấp, cầu về hàng hoá (sở thích) khác
nhau, độ dốc của đường bàng quan sẽ khác nhau, cùng với sự thay đổi của I làm điểm lựa chọn
thay đổi.
- Thay đổi về giá cả: Ta coi như lạm phát không đổi. Khi giá cả thay đổi (tăng hoặc
giảm) lựa chọn của người tiêu dùng cũng thay đổi do thay đổi độ dốc đường ngân sách. Sự lựa
chọn ở đây còn phụ thuộc vào một trong hai hàng hoá đó là thứ cấp hai cao cấp, cầu hàng hoá (sở
thích) thay đổi tạo ra sự thay đổi độ dốc của đường bàng quan và điểm lựa chọn cũng khác nhau.

55
Chương 3

LÝ THUYẾT HÀNH VI CỦA DOANH NGHIỆP


Hoạt động kinh doanh trong cơ chế thị trường, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tự đề ra
cho mình một hệ thống các mục tiêu kinh tế - xã hội như: lợi nhuận, tăng trưởng và phát triển, an
toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo dài tuổi thọ, đảm bảo và không ngừng nâng cao
thu nhập cho các thành viên của doanh nghiệp…, trong đó, mục tiêu lâu dài và cơ bản nhất mà
doanh nghiệp theo đuổi đó là tối đa hoá lợi nhuận. Cố nhiên, doanh nghiệp phải tối đa hoá lợi
nhuận trong khuôn khổ pháp chế, xã hội và các điều kiện kinh tế hiện hành. Khuôn khổ này có
thể áp đặt một số cưỡng chế lên hoạt động của doanh nghiệp như: chỉ được sản xuất kinh doanh
những sản phẩm dịch vụ mà pháp luật không cấm; không được sử dụng lao động trẻ em vị thành
niên, cấm bắt lao động nữ làm việc quá số giờ quy định trong ngày hoặc làm các công việc độc
hại nguy hiểm đến tính mạng và sức khoẻ; đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình
làm việc; chấp nhận hoạt động của tổ chức công đoàn và trả người lao động mức lương tối thiểu
tuỳ theo quy định của từng nước; tuân thủ các phong tục xã hội như: không mở cửa hiệu bán hàng
vào ngày chủ nhật, không thay đổi giá cả thường xuyên hoặc ấn định các mức giá khác nhau cho
các loại khách hàng khác nhau…
Muốn đạt được mục tiêu trên, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất thế nào để có hiệu quả,
giải quyết mối quan hệ giữa sản lượng, chi phí và lợi nhuận ra sao nhằm đạt lợi nhuận cao nhất.

3.1. LÝ THUYẾT VỀ SẢN XUẤT


Trong nền kinh tế thị trường, người ta cho rằng bất cứ hành vi nào nhằm đáp ứng nhu cầu
thị trường đều được gọi là hành vi sản xuất. Như vậy, sản xuất theo nghĩa rộng còn bao hàm cả
lĩnh vực lưu thông hàng hóa và kinh doanh dịch vụ.
3.1.1. Các yếu tố đầu vào, đầu ra và hàm sản xuất
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, bất cứ người quản lý doanh nghiệp nào cũng phải
quan tâm đến hai vấn đề: chi phí về nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả do
hoạt động đó mang lại. Ðiều này liên quan đến các yếu tố đầu vào và đầu ra.
a. Các yếu tố đầu vào (Inputs): Là khoản tài nguyên tiêu tốn tính theo giá thị trường và được
biểu hiện bằng chi phí sản xuất như: tiền thuê nhà, thuê đất, mua nguyên nhiên vật liệu vật tư, chi
phí thuê lao động, dịch vụ… Trong sản xuất kinh doanh, các chủ doanh nghiệp phải lựa chọn đầu
vào tối ưu và sử dụng có hiệu quả các đầu vào đó để tối thiểu hoá chi phí sản xuất và tối đa hoá
lợi nhuận.
b. Các yếu tố đầu ra (Outputs): Là kết quả thu được của hoạt động sản xuất kinh doanh. Do có
đặc điểm kinh tế kỹ thuật khác nhau nên đầu ra của các doanh nghiệp cũng rất khác nhau. Chẳng
hạn, đầu ra của doanh nghiệp nông nghiệp là các sản phẩm dịch vụ nông nghiệp (lương thực, rau
quả, thịt trứng sữa, cây con giống…), còn đối với doanh nghiệp vận tải (doanh nghiệp dịch vụ) thì
đầu ra là số lượt hành khách và lượng hàng hoá mà doanh nghiệp vận chuyển được, đối với doanh
nghiệp thương mại thì đầu ra của nó chính là tổng tiền thu bán hàng… Trong thực tế doanh
nghiệp nào cũng mong muốn tìm kiếm mức đầu ra tối ưu vì tại đó sẽ đem lại lợi nhuận cao nhất.
c. Hàm sản xuất: Ðể biểu hiện mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra, giữa chi phí và kết quả sản
xuất, giữa tối thiểu hoá chi phí sản xuất và tối đa hoá lợi nhuận, người ta sử dụng một hàm số gọi
là hàm sản xuất.

56
Hàm sản xuất tổng quát có dạng: Q = f (X1, X2,...Xn)
Trong đó: Q là lượng sản phẩm đầu ra (hàm số)
X1, X2,....Xn là các yếu tố đầu vào (các biến số)
Chẳng hạn, trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng đầu ra (Q) là năng suất cây trồng vật
nuôi đạt được trên một đơn vị diện tích hoặc đầu gia súc; các yếu tố đầu vào (X1, X2, ....Xn) là:
lượng giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, công lao động…đầu tư trên
đơn vị diện tích hoặc đầu gia súc đó trong một chu kỳ sản xuất kinh doanh.
Ðể đơn giản, ta giả định rằng doanh nghiệp chỉ sử dụng hai đầu vào là vốn (K - Capital) và
lao động (L - Labour) còn các đầu vào khác cố định thì hàm sản xuất có dạng Q = f (K, L) hay Q
=AKL
Trong đó: Q là sản lượng đầu ra, K là vốn, L là lao động, A là một hằng số tuỳ thuộc vào
đơn vị đo lường các đầu vào và đầu ra, số mũ  và  là những hằng số cho biết tầm quan trọng
tương đối của yếu tố vốn và lao động đối với sản lượng đầu ra, đồng thời chúng cũng thể hiện độ
co dãn của sản lượng đầu ra (Q) theo K và L. Mặt khác thông qua trị số  +  người ta có thể xác
định được hiệu quả kinh tế của quy mô (sẽ được đề cập cụ thể ở phần sau).
Hàm sản xuất có dạng này được gọi là hàm sản xuất Cobb - Douglas (mang tên nhà kinh tế
học P.H Douglas và thống kê học C.V Cobb). Hai nhà khoa học này đã nghiên cứu nền kinh tế
của nước Mỹ từ năm 1899 đến 1912 và xác định được hàm sản xuất của nền kinh tế nước Mỹ
trong giai đoạn này là Q = A K 0,75 L 0,25
* Khái niệm: Hàm sản xuất là mối quan hệ mặt kỹ thuật biểu thị sản lượng đầu ra tối đa có
thể đạt được từ các kết hợp khác nhau của các yếu tố đầu vào (vốn, lao động…) với một trình độ
công nghệ nhất định.
Như vậy:
+ Hàm sản xuất thể hiện hiệu quả kỹ thuật của việc kết hợp các yếu tố đầu vào. Nó cho biết
sản lượng đầu ra tối đa có thể đạt được khi kết hợp các yếu tố đầu vào
+ Khi các yếu tố đầu vào thay đổi về lượng và chất thì đầu ra sẽ thay đổi
+ Nếu thay đổi công nghệ sản xuất sẽ làm đầu ra thay đổi

3.1.2. Hàm sản xuất với 1 đầu vào biến đổi Q = f (X).
Trong điều kiện sản xuất ngắn hạn (trong 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh), doanh nghiệp chỉ
có khả năng thay đổi một vài đầu vào (ví dụ thay đổi số lao động thuê mướn) còn các đầu vào
khác coi như cố định (quy mô nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất,
nguyên nhiên vật liệu…). Khi đó, hàm sản xuất có dạng Q = f ( K, L) với yếu tố vốn K cố định,
còn lượng lao động L thay đổi. Trong điều kiện đó, doanh nghiệp có thể tăng sản lượng đầu ra
bằng cách tăng số đầu vào lao động. Vậy điều gì sẽ xảy ra đối với sản lượng đầu ra khi lượng đầu
vào lao động ngày càng tăng? Sự thay đổi của sản lượng đầu ra sẽ liên quan đến sự thay đổi của
lượng đầu ra tăng thêm khi sử dụng thêm một đơn vị yếu tố đầu vào và lượng sản phẩm tính bình
quân trên một đơn vị đầu vào. Ðó chính là năng suất cận biên và năng suất trung bình của đầu
vào.
a. Năng suất cận biên (MP)
* Khái niệm: Năng suất cận biên hay sản phẩm cận biên (MP - Marginal Product) là phần
năng suất tăng thêm (hay giảm đi) khi sử dụng thêm (hoặc bớt đi) 1 đơn vị yếu tố đầu vào biến

57
đổi (với điều kiện các đầu vào khác cố định). Nếu gọi yếu tố đầu vào biến đổi là X, ta có công
thức: MPx = Q/X
Trong đó: MPx là sản phẩm cận biên của đầu vào X
Q là sự thay đổi của sản lượng đầu ra
X là sự thay đổi của đầu vào X
Nếu đầu vào biến đổi là lao động, ta sẽ có năng suất cận biên của lao động (MPL - Marginal
Product Labour) và được tính theo công thức MPL = Q/L. Tương tự ta cũng có năng suất cận
biên của vốn (MPK - Marginal Product Capital), MPK = Q/K
Năng suất cận biên còn được biểu hiện bằng giá trị và được gọi là giá trị sản phẩm cận biên
(VMP - Value Marginal Product)
VMPX = MPX * Py (VMPX là giá trị sản phẩm cận biên của đầu vào X; Py là giá sản
phẩm đầu ra)
* Phương pháp tính:
+ Trường hợp thứ nhất: Nếu xác định được hàm sản xuất là hàm của yếu tố đầu X vào có
dạng Q = f (X) thì năng suất cận biên là đạo hàm bậc nhất của hàm số theo X hay MPX = f’(X)
Ví dụ: Hàm sản xuất biểu thị mối quan hệ giữa năng suất lúa (Q) và lượng phân đạm (X) là:
Q = 2.500 + 25X - 0,1X2 thì năng suất cận biên của đạm là MPX = (Q)’X = 25 - 0,2X.
+ Trường hợp thứ hai: Nếu không xác định được hàm sản xuất, người ta sẽ tính năng suất
cận biên cho từng đơn vị đầu vào theo công thức sau đây:
Qi - Qi - 1
MPxi = -----------
Xi - Xi - 1

Trong đó: MPXi là năng suất cận biên của đầu vào X thứ i
Xi và Xi -1 là lượng đầu vào X thứ i và i - 1
Qi và Qi - 1 là sản lượng đầu ra tương ứng với Xi và Xi -1
b. Năng suất trung bình (AP - Average Product ): Là lượng sản phẩm đầu ra tính bình quân trên
một đơn vị đầu vào (khi các đầu vào khác không thay đổi).
Năng suất trung bình được tính theo công thức sau: APX = Q/X
Trong đó: APX là năng suất trung bình của đầu vào X ; Q là lượng sản phẩm đầu ra; X là lượng
đầu vào X đã sử dụng để tạo ra Q sản phẩm.
Ví dụ: Hàm sản xuất Q = 2.500 + 25X + 0,1X2 thì APX = 2.500/X + 25 + 0,1X
Nếu đầu vào X là lao động, ta có năng suất trung bình của lao động hay còn gọi là năng suất
lao động (APL). Tương tự, nếu đầu vào X là vốn, ta có năng suất trung bình của vốn (APK)
c. Quan hệ giữa năng suất cận biên và năng suất trung bình:
Khi xem xét mối quan hệ giữa MPX và APX ta thường gặp ba trường hợp sau:
+ Trường hợp 1: Nếu ở lượng đầu vào X nào đó mà MPX > APX thì APX sẽ tăng.
+ Trường hợp 2: Nếu ở lượng đầu vào X nào đó mà MPX < APX thì APX sẽ giảm.

58
+ Trường hợp 3: Nếu ở lượng đầu vào X nào đó mà MPX = APX thì APX sẽ đạt trị số cực
đại (APX max).
Vì vậy, khi biểu diễn trên đồ thị thì đường năng suất cận biên luôn cắt đường năng suất
trung bình tại điểm cực đại của đường năng suất trung bình.
Ví dụ: Một trang trại tiến hành thuê mướn lao động để thu hoạch lúa. Giả sử, diện tích thu
hoạch, quy mô nhà kho sân phơi, phương tiện vận chuyển cùng các công cụ sản xuất khác là cố
định. Kết quả được thể hiện ở bảng 3 -1
d. Quy luật năng suất cận biên giảm dần:
Ví dụ trên cho thấy, nếu các yếu tố đầu vào khác không đổi, khi lượng lao động được thuê
ngày càng tăng thì sản lượng lúa thu hoạch được cũng tăng lên nhưng với nhịp độ ngày càng
chậm và sau đó sẽ giảm xuống. Hiện tượng này chi phối bởi quy luật năng suất cận biên giảm
dần (hay còn gọi là quy luật hiệu suất giảm dần). Quy luật này được phát biểu như sau:
“Năng suất cận biên của bất cứ yếu tố đầu vào nào cũng sẽ bắt đầu giảm xuống tại một điểm khi
ngày càng có nhiều yếu tố đó được đầu tư trong quá trình sản xuất đã có”.
Bảng 3 -1. Sản xuất với một đầu vào biển đổi (lao động)

L Q (TP) MPL APL Quan hệ Thay đổi của


(Lao động) (tạ) (tạ) (tạ) MPL và APL MPL
0 0 - -
1 3 3 3
2 10 7 5 MPL  APL -> APL tăng MPL tăng dần
3 24 14 8
4 40 16 10 MPL max
5 50 10 10 MPL = APL -> APL max
6 57 7 9,5
7 63 6 9,0 MPL giảm dần
8 64 1 8,0 MPL  APL -> APL giảm
9 64 0 7,1
10 63 -1 6,3
Điều đó có nghĩa là, nếu ta tăng đầu tư một yếu tố đầu vào (khi giữ nguyên các yếu tố đầu
vào khác) thì lúc đầu năng suất cận biên của yếu tố đó sẽ tăng lên nhưng nếu vượt qua giới hạn
nào đó thì năng suất cận biên của nó sẽ giảm xuống.

59
Qua bảng 3 - 1 và hình 3 -1 cho thấy, nếu trang trại thuê từ 1 đến 4 lao động thì năng suất
cận biên của lao động tăng từ 3 đến 16 tạ. Sở dĩ có hiện tượng này là do giữa những người lao
động được thuê thêm diễn ra quá trình hiệp tác, phân công chuyên môn hoá theo từng khâu công
việc giúp cho năng suất cận biên của lao động tăng lên. Nhưng nếu thuê thêm người lao động thứ
5 trở đi thì mỗi người lao động tham gia vào quá trình sản xuất càng có ít yếu tố khác để sử dụng
(diện tích thu hoạch, công cụ sản xuất…) làm cho năng suất cận biên của lao động liên tục giảm
từ 10; 7; 6; 1. Thậm chí, người lao động thứ 9, thứ 10 không làm năng suất tăng thêm hoặc lại
giảm đi.
Qua đồ thị hình 4-1. cho thấy, sản xuất của doanh nghiệp với đầu vào lao động biến đổi trải
qua 3 giai đoạn được phân chia bởi điểm cực đại của đường năng suất trung bình (APL) và đường
tổng sản phẩm (TP). Người ta gọi là ba giai đoạn của hàm sản xuất.

TP
TP, APL , MPL
Giai đoạn I Giai đoạn II Giai đoạn III

16 -

10 -
APL
3-
MPL

O 1 4 5 9 L

Hình 3 -1. Tổng sản phẩm, năng suất cận biên và năng suất trung bình

+ Giai đoạn I: khi tăng thêm đầu vào lao động thì năng suất cận biên luôn lớn hơn năng suất
trung bình (MPL  APL)
+ Giai đoạn II: khi tăng thêm đầu vào lao động thì năng suất cận biên luôn nhỏ hơn năng
suất trung bình (MPL  APL) nhưng năng suất cận biên của lao động luôn dương (MPL  0)
+ Giai đoạn III: khi tăng thêm đầu vào lao động thì năng suất cận biên luôn nhỏ hơn năng
suất trung bình (MPL  APL) nhưng năng suất cận biên của lao động luôn âm (MPL  0)
e.Vận dụng:

60
Nghiên cứu quy luật năng suất cận biên giảm dần có ý nghĩa lớn trong việc lựa chọn và sử
dụng các yếu tố đầu vào để sản xuất một mức sản lượng nhất định với chi phí tối thiểu nhất. Ðó
chính là nội dung quy tắc lựa chọn đầu vào tối ưu.
Chọn đầu vào X tối ưu (X*) để tối thiểu hoá chi phí thoả mãn điều kiện:
VMPX = MCX = PX hoặc MPX = PX/ PY
Trong đó:
+ X* lượng là đầu vào X tối ưu
+ VMPX giá trị sản phẩm cận biên của đầu vào X: là phần giá trị sản phẩm đầu ra tăng thêm
khi sử dụng thêm một đơn vị đầu vào X ( trong đó,VMPX = MPX  PY)
+ PX là giá đầu vào X; PY là giá sản phẩm đầu ra.
Ví dụ: Hàm sản xuất biểu diễn quan hệ giữa năng suất lúa và lượng phân đạm là:
Q = 2.500 + 25X - 0,1X2. Trong đó, Q là năng suất lúa (kg/ha) và X là lượng phân đạm (kg/ha).
Xác định lượng phân đạm tối ưu để tối thiểu hoá chi phí. Biết giá đạm PX = 4000đ/kg và giá thóc
PY = 2000đ/kg. Dựa vào quy tắc trên ta có MPX = PX /PY mà MPX = 25 - 0,2X nên ta có 25 - 0,2X
= 4/2 = 2.Từ đó ta suy ra X*=115 kg.Vậy mức bón đạm tối ưu là 115kg/ha và đạt năng suất Q
=3.752,5kg/ha.
3.1.3. Hàm sản xuất với hai đầu vào biến đổi
Khi tiến hành sản xuất kinh doanh, muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải tiến hành
đổi mới công nghệ, quy mô sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy,
nếu xét trong thời kỳ dài hạn ứng với nhiều chu kỳ kinh doanh thì tất cả các đầu vào của doanh
nghiệp đều có thể biến đổi. Giả sử doanh nghiệp sử dụng hai loại đầu vào là vốn (K) và lao động
(L) để sản xuất ra sản phẩm. Khi ấy, doanh nghiệp có thể tuỳ ý thay đổi số lượng và các cách phối
hợp K với L để đạt được các mức sản lượng khác nhau. Kết quả thể hiện ở bảng 3- 2.
Mỗi ô trong bảng 3 - 2 cho biết mức sản lượng tối đa mà doanh nghiệp có thể sản xuất được
với một cách phối hợp đầu vào vốn (K) và lao động (L). Như vậy, nếu doanh nghiệp thay đổi
công nghệ kết hợp vốn với lao động thì sản lượng đầu ra sẽ thay đổi. Cụ thể nếu tăng lượng vốn
và lao động thì lượng sản phẩm đầu ra sẽ tăng và ngược lại. Chẳng hạn, sử dụng 1 đơn vị vốn (K)
kết hợp với 1 đơn vị lao động (L) chỉ đạt được 5 sản phẩm. Nhưng nếu sử dụng 2 vốn với 2 lao
động sẽ cho 19 sản phẩm. Như vậy, trong sản xuất kinh doanh, muốn tăng sản lượng đầu ra thì
doanh nghiệp phải tăng quy mô đầu tư các yếu tố đầu vào. Ðồng thời qua bảng trên cũng cho
thấy, mỗi dãy số hàng ngang cho biết lượng đầu ra tăng khi đầu vào lao động tăng (với đầu vào
vốn cố định). Bảng 3 - 2. Sản xuất với hai đầu vào biến đổi (vốn và lao động)

6 24 35 42 47 51 54
5 23 32 39 44 48 51
4 20 28 35 40 44 47
3 17 24 30 35 39 42
2 13 19 24 28 32 35
1 5 12 18 21 23 24
K
1 2 3 4 5 6
L

61
Tương tự, các dãy số theo hàng dọc là số lượng đầu ra tăng khi tăng đầu vào vốn (khi đầu
vào lao động cố định). Bảng 3 - 2 còn cho biết, có nhiều phương pháp phối hợp vốn (K) với lao
động (L) nhưng lại đạt được cùng một mức sản lượng đầu ra. Chẳng hạn, để sản xuất Q1 = 24 sản
phẩm sẽ có 4 phương pháp phối hợp K với L, đó là: 6K +1L; 3K + 2L; 2K + 3L và 1K + 6L.
Tương tự, để sản xuất các mức sản lượng Q2 = 35; Q3 = 39; Q4 = 42 sản phẩm người ta cũng có
thể nhiều công nghệ khác nhau khi kết hợp vốn với lao động. Ðiều này rất có ý nghĩa trong thực
tiễn, tức là tuỳ theo điều kiện nguồn lực của mình mà người sản xuất lựa chọn công nghệ sao cho
phù hợp. Chẳng hạn với nước ta, công nghệ sử dụng ít vốn nhiều lao động tỏ ra phù hợp hơn vì
vừa tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất.
a. Ðường đồng lượng và tỷ suất thay thế kỹ thuật biên(MRTS):
Khi biểu diễn lên đồ thị các phương pháp phối hợp vốn với lao động để sản xuất ra cùng
một mức sản lượng người ta có các đường đồng lượng (Isoquants) Q1, Q2 , Q3 , Q4..
Ðường đồng lượng là đường biểu thị tất cả những sự kết hợp các đầu vào khác nhau để sản
xuất một lượng đầu ra nhất định.
Như vậy, tuỳ theo điều kiện nguồn lực của mình mà doanh nghiệp có thể sử dụng yếu tố
đầu vào này để thay thế cho yếu tố khác khi sản xuất ra cùng một mức sản lượng mong muốn.
Trong ví dụ trên, doanh nghiệp có thể thay thế vốn K bằng lao động L (hoặc ngược lại) để có
được cùng mức sản lượng nằm trên các đường đồng lượng Q1, Q2 , Q3. Các nhà kinh tế gọi đó là
tỷ suất thay thế kỹ thuật biên của yếu tố đầu vào.

K
A
6- Ðường đồng lượng

5-

4-
B Q3 = 39
3-
C
2- Q2 = 35

1- D
Q1 = 24
     
3 L
1 2 4 5 6

Hình 3 - 2. Ðường đồng lượng

Vậy, tỷ suất thay thế kỹ thuật biên (MRTS – Marginal rate of Technical Substitution) là tỷ lệ thay
thế lẫn nhau giữa các yếu tố đầu vào để sản xuất ra cùng một mức sản lượng. Ðó là lượng đầu tư

62
tăng thêm của một yếu tố đầu vào này để bù đắp cho việc giảm đi một đơn vị yếu tố đầu vào khác
trong khi sản lượng đầu ra không đổi. Theo đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình mà doanh
nghiệp có thể thay thế yếu tố này bằng yếu tố khác (K; L) để sản xuất được mức sản lượng mong
muốn.
Ví dụ: Tỷ suất thay thế kỹ thuật biên của lao động cho vốn (MRTSL/K) cho biết cứ một đơn
vị lao động có thể thay thế được bao nhiêu đơn vị vốn khi cùng sản xuất 1 mức sản lượng đầu ra.
Như vậy, MRTSL/K = - K/L (1) cũng chính là độ dốc của đường đồng lượng. Khi tăng thêm lao
động thì sản lượng đầu ra sẽ tăng thêm một lượng L  MPL. Ngược lại khi giảm vốn thì sản
lượng đầu ra giảm đi tương ứng một lượng - K  MPK. Vì thế, để đảm bảo sản lượng đầu ra
không đổi khi di chuyển dọc đường đồng lượng thì sản lượng tăng do tăng lao động phải đúng
bằng sản lượng giảm do giảm vốn, tức là L  MPL = - K  MPK (2). Kết hợp (1) và (2) ta có
MRTSL/K = - K/L = MPL /MPK
Như trên đồ thị, để cùng sản xuất ra 24 đơn vị sản phẩm, từ phương án A sang phương án B
thì muốn giảm đi 3 đơn vị vốn cần tăng thêm 1 đơn vị lao động, hay 1 đơn vị lao động có thể thay
thế 3 đơn vị vốn. Khi đó MRSTLK = 3/1 là tỷ suất thay thế kỹ thuật biên của lao động cho vốn.
b. Ðường đồng phí và điểm lựa chọn tối ưu khi kết hợp các yếu tố đầu vào:
Thông tin về đường đồng lượng mới chỉ cho chúng ta biết những phương án sản xuất khác
nhau của doanh nghiệp để tạo ra các mức sản lượng mong muốn. Nhưng doanh nghiệp cũng phải
cân nhắc để sản xuất cùng một mức sản lượng thì phương án kết hợp yếu tố đầu vào nào có chi
phí thấp nhất, tức là lựa chọn phương án tối thiểu hoá chi phí khi sản xuất một mức sản lượng
mong muốn. Như vâỵ, doanh nghiệp phải tính đến giá của các yếu tố đầu vào để quyết định
phương án tối ưu. Giả sử, giá thuê một đơn vị vốn PK = 30$, giá thuê một đơn vị lao động là PL =
20$, chúng ta có thể tính được tổng chi phí của từng phương án. Khi ấy, để sản xuất những mức
sản lượng khác nhau thì chi phí sẽ khác nhau nhưng có một số phương án kết hợp K với L khác
nhau lại có mức chi phí như nhau.
Chẳng hạn, khi sử dụng 3K + 1,5L hoặc 2K + 3L đều có mức chi phí C1 = 120$. Tương tự,
với mức chi phí C2 = 180$; C3 = 240$ cũng có nhiều phương án kết hợp K với L. Khi biểu diễn
lên đồ thị những phương án có cùng mức chi phí ta có các đường đồng phí (Isocost ).
Vậy, đường đồng phí là đường có cùng mức chi phí khi kết hợp các đầu vào theo các
phương án khác nhau.
Ðồ thị hình 4.2 cho thấy, dọc theo đường đồng phí, khi giảm vốn thì chi phí sẽ giảm một
lượng (- K  PK) và tăng lao động thì chi phí sẽ tăng (L  PL). Vì thế, muốn tổng chi phí
không đổi thì - K  PK = L  PL hay độ dốc của đường đồng phí tag = - K/L = PL/PK
Khi phối hợp các đường đồng lượng với các đường đồng phí ta thấy có một số đường đồng
lượng tiếp xúc với một số đường đồng phí, tiếp điểm của những đường này như E1 , E2 , E3 chính
là điểm lựa chọn tối ưu khi kết hợp các yếu tố đầu vào (K; L) khi sản xuất ra cùng 1 mức sản
lượng đầu ra. Tại các điểm này, chi phí sản xuất để sản xuất ra 24, 35, 39 sản phẩm là thấp nhất.
Nếu giá bán sản phẩm không thay đổi thì tại các điểm kết hợp K và L đó, lợi nhuận của doanh
nghiệp sẽ đạt mức cao nhất. Như vậy, các điểm E1, E2, E3 cho biết các phương án sản xuất có hiệu
quả vì ở những phương án này chi phí đầu vào tối thiểu nhất. Tập hợp các phương án sản xuất có

63
hiệu quả người ta được đường phát triển quy mô của doanh nghiệp. Ðồng thời tại các điểm đó, độ
dốc đường đồng lượng (MRTSL/K) = Ðộ dốc đường đồng phí (tag). Như phần trên ta đã biết
MRTSL/K = MPL/MPK , còn tag = PL/PK nên ta suy ra MPL/MPK = PL/PK hay MPK/PK =
MPL/PL. Ðây chính là quy tắc lựa chọn đầu vào tối ưu của doanh nghiệp khi sử dụng 2 đầu vào K
và L nhằm tối thiểu hoá chi phí.
Vậy điều kiện tối thiểu hoá chi phí khi sử dụng hai đầu vào K và L để sản xuất Q sản phẩm là:
Chọn K*, L* để TC min khi MRTS L/K = MPL/MPK = PL/PK
MPL/PL = MPK/PK
Ðiều đó có nghĩa là, doanh nghiệp tối thiểu hoá chi phí sản xuất khi tỷ suất thay thế kỹ thuật
biên của lao động cho vốn = tỷ giá thuê lao động trên giá thuê vốn hay năng suất cận biên của một
đồng thuê lao động đúng bằng năng suất cận biên của một đồng thuê vốn.

Ðường phát triển doanh nghiệp


K K

E3
E2 Q3 = 39
C3 = 240 E1 Q2 = 35
C1 = 120 C2 =180 Q1 = 24
L L

Hình 3 - 3. Ðường đồng phí Hình 3 - 4. Kết hợp đầu vào tối ưu

3.2. LÝ THUYẾT VỀ CHI PHÍ


3.2.1.Phân loại chi phí
Tuỳ theo mục đích nghiên cứu và phương pháp tiếp cận, người ta thường dựa vào các tiêu
thức sau đây để phân loại chi phí của doanh nghiệp.
a. Dưạ vào đặc điểm, tính chất và phương pháp tính chi phí: Chi phí của doanh nghiệp
được chia thành ba loại: chi phí tài nguyên, chi phí tính toán (kế toán) và chi phí kinh tế.
+ Chi phí tài nguyên là khoản tài nguyên tiêu tốn trong sản xuất kinh doanh được biểu hiện
dưới hình thái hiện vật (hiện vật hoá chi phí). Chẳng hạn, để sản xuất ra 100kg thóc, người ta phải
chi những khoản như: 100kg phân chuồng; 2,5 kg đạm; 5 kg phân lân; 3 kg phân kali; 3 ngày
công lao động…Ðây được xem là những khoản tài nguyên tiêu tốn để sản xuất ra sản phẩm.
Trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, tiết kiệm tài nguyên trong sản xuất là vấn đề mà mọi nền

64
kinh tế đều phải quan tâm vì nó tạo cơ hội để sản xuất thêm nhiều loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu
ngày càng tăng của con người và toàn xã hội.
+ Chi phí tính toán (chi phí kế toán, chi phí tài chính) là khoản chi phí bằng tiền doanh
nghiệp đã bỏ ra khi sản xuất hàng hoá dịch vụ. Nó là những khoản chi thực tế và được thể hiện
trên hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp, làm cơ sở hạch toán chi phí và tính giá thành sản
phẩm. Chẳng hạn, chi phí mua nguyên nhiên vật liệu, vật tư, dịch vụ, thuê lao động.
+ Chi phí kinh tế là toàn bộ chi phí để sản xuất hàng hoá dịch vụ mặc dù thực tế nó có được
chi hay không. Như vậy, ngoài chi phí tính toán (chi phí thực tế), chi phí kinh tế còn bao gồm cả
chi phí tiềm ẩn hay còn gọi là chi phí cơ hội của việc sử dụng các nguồn lực. Chẳng hạn, tiền
lương của chủ doanh nghiệp, tiền cho thuê địa điểm kinh doanh, lãi suất vốn đầu tư… Vì vậy, chi
phí kinh tế phản ánh đầy đủ và chính xác hao phí nguồn lực của doanh nghiệp trong hoạt động
sản xuất kinh doanh, làm cơ sở xác định lợi nhuận kinh tế và lựa chọn phương án sản xuất kinh
doanh có hiệu quả.
Bảng 3 - 3. Kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Minh Phương năm 2008

Ðơn vị tính: Tỷ đồng


Theo quan điểm của nhà kế toán Theo quan điểm của nhà kinh tế
Chỉ tiêu Giá trị Chỉ tiêu Giá trị
1. Tổng doanh thu 100 1. Tổng doanh thu 100
2. Chi phí tính toán 80 2. Chi phí tính toán 80
+ Thuê lao động 10 + Thuê lao động 10
+ Nguyên nhiên vật liệu 50 + Nguyên nhiên vật liệu 50
+ Dịch vụ 15 + Dịch vụ 15
+ Chi phí khác 5 + Chi phí khác 5
3. Chi phí tiềm ẩn (chi phí cơ hội) 16
+ Cho thuê địa điểm kinh doanh 5
+ Lương giám đốc 6
+ Lãi tiền gửi 5
* Tổng chi phí kế toán 80 * Tổng chi phí kinh tế 96
* Lợi nhuận kế toán 20 * Lợi nhuận kinh tế 4
(Nguồn: Số liệu giả định)

65
Sự phân biệt chi phí tính toán và chi phí kinh tế là rất có ý nghĩa trong thực tế. Nó góp phần
lý giải, tại sao các nhà kinh tế và các nhà kế toán lại có đánh giá rất khác nhau về hiệu quả sản
xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tại sao lại có tình trạng ‘lãi giả lỗ thật”. Chẳng hạn, cùng một
kết quả kinh doanh (ví dụ tổng doanh thu), các nhà kế toán khẳng định doanh nghiệp làm ăn có
hiệu quả (có lãi) còn các nhà kinh tế lại cho rằng doanh nghiệp này đang trong tình trạng thua lỗ.
Ðó chỉ là sự khác nhau về phương pháp xác định chi phí theo 2 quan điểm khác nhau của nhà kế
toán và nhà kinh tế. Ví dụ ở bảng 3.3 lý giải điều đó.
Bảng 3 - 3 cho thấy, theo nhà kế toán thì công ty này thu được lợi nhuận là 20 tỷ đồng, còn
với nhà kinh tế nếu tính đầy đủ các khoản chi phí thì lợi nhuận đạt được của công ty chỉ là 4 tỷ
đồng. Do đó, lợi nhuận kinh tế thấp hơn rất nhiều so với lợi nhuận kế toán. Vì vậy, lợi nhuận kinh
tế là thông tin hết sức quan trọng giúp các nhà quản lý cân nhắc và lựa chọn phương án hành
động nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
b. Dựa vào thời gian: Tức là xem xét chi phí của doanh nghiệp được tính trong khoảng thời gian
nào. Theo cách phân loại này, chi phí của doanh nghiệp được chia thành chi phí ngắn hạn và chi
phí dài hạn.
+ Chi phí ngắn hạn là loại chi phí được tính đến trong thời gian ngắn ứng với từng chu kỳ sản
xuất kinh doanh. Như vậy, chi phí ngắn hạn là chi phí của thời kỳ trong đó một số yếu tố đầu vào
coi như cố định, còn các yếu tố đầu vào khác sẽ biến đổi. Chẳng hạn, trong một chu kỳ kinh
doanh, doanh nghiệp không thể thay đổi quy mô nhà xưởng máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất
và bộ máy quản lý cho nên những chi phí liên quan đến chúng coi như cố định. Trong khi đó,
doanh nghiệp có thể tuỳ ý thay đổi lượng nguyên nhiên vật liệu vật tư, dịch vụ hoặc số lượng lao
động thuê mướn…, vì vậy những chi phí tương ứng sẽ biến đổi theo mức sản lượng đầu ra. Như
vậy, trong ngắn hạn sẽ có chi phí cố định và chi phí biến đổi
+ Chi phí dài hạn là loại chi phí được tính đến trong thời gian tương ứng với nhiều chu kỳ sản
xuất kinh doanh. Như vậy, chi phí dài hạn là chi phí của thời kỳ trong đó tất cả các yếu tố đầu vào
đều biến đổi. Bởi vì, để tồn tại và phát triển kinh doanh, doanh nghiệp phải thường xuyên thay
đổi quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ kỹ thuật, hệ thống máy móc thiết bị… nhằm tạo ra sản
phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng và chất lượng cũng như mẫu mã. Theo đó, các chi
phí tương ứng sẽ có sự thay đổi và trong dài hạn tất cả các chi phí đều biến đổi theo sản lượng
đầu ra.
3.2.2. Các loại chi phí ngắn hạn
Trong một chu kỳ sản xuất kinh doanh, ở doanh nghiệp thường tồn tại những loại chi phí
sau đây.
a. Chi phí cố định (FC - Fixed Cost): Là loại chi phí không phụ thuộc vào mức sản lượng sản
xuất kinh doanh, thậm chí ngay cả khi ngừng hoạt động (sản lượng đầu ra Q = 0) doanh nghiệp
vẫn phải chịu toàn bộ chi phí này. Ví dụ: chi khấu hao cơ bản tài sản cố định, chi phí duy tu bảo
dưỡng nhà cửa máy móc thiết bị, tiền thuê mặt bằng sản xuất, tiền bảo hiểm, thuế môn bài, chi
phí để duy trì đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên tối thiểu (lương cán bộ quản lý, lương nhân

66
viên văn thư, kế toán, thủ kho, bảo vệ…). Như vậy, chi phí cố định hoàn toàn không phụ thuộc
vào mức độ hoạt động của doanh nghiệp .
b. Chi phí biến đổi (VC - Variable Cost): Là loại chi phí phụ thuộc hoàn toàn vào sản lượng sản
xuất kinh doanh. Thông thường loại chi phí này có thể thay đổi theo tỷ lệ hoặc không theo tỷ lệ
của sản lượng đầu ra. Ðiều đó có nghĩa là, khi sản lượng tăng thì VC sẽ tăng, sản lượng giảm thì
VC sẽ giảm và khi sản lượng bằng không (doanh nghiệp ngừng sản xuất) thì không có loại chi phí
này (VC = 0). Ví dụ, chi phí nguyên nhiên vật liệu, vật tư, dịch vụ, thuê lao động.
c. Tổng chi phí (TC - Total Cost): Là toàn bộ chi phí phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh
của doanh nghiệp để sản xuất ra một lượng sản phẩm nhất định. Nó bao gồm chi phí cố định và
chi phí biến đổi (TC = FC + VC). Vì vậy, tổng chi phí chỉ phụ thuộc vào chi phí biến đổi. Ðiều đó
có nghĩa là: khi VC tăng thì TC tăng, VC giảm thì TC giảm và VC = 0 thì TC = FC. Mặt khác cơ
cấu tổng chi phí (phản ánh tỷ trọng chi phí cố định, chi phí biến đổi) phụ thuộc chủ yếu vào loại
hình kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, đối với một hãng hàng không thì FC bao giờ cũng
chiếm tỷ trọng lớn trong TC, dù đông hay vắng khách hãng vẫn phải trả phí sân bay, trả lương cho
đội bay, mua nhiên liệu. Chi phí nhiên liệu thường không khác nhau lắm cho dù máy bay chở 1
hoặc 100 hành khách. Chi phí biến đổi của hãng sẽ biến động khi khối lượng hành khách thay đổi
(chi cho xuất ăn của hành khách trên một chuyến bay) thường rất nhỏ nếu so sánh với chi phí cố
định (chẳng hạn chi phí về nhiên liệu). Ðối với doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, chi phí về
dịch vụ buồng, bàn, bar là các ví dụ điển hình về chi phí biến đổi. Chúng có xu hướng thay đổi
cùng với số lượng hành khách đến khách sạn. Khi số lượng khách tăng thì các chi phí đó sẽ tăng
và ngược lại các chi phí đó sẽ giảm khi số lượng khách nghỉ giảm đi.Trái lại, các chi phí như:
khấu hao, tiền lương nhân viên thì phát sinh hàng ngày cho dù lượng khách cao hay thấp.
d. Chi phí bình quân (AC - Average Cost ): Là chi phí tính bình quân để sản xuất ra một đơn vị sản
phẩm. Trong sản xuất kinh doanh, ở doanh nghiệp thường có ba loại chi phí bình quân, đó là: chi phí cố
định bình quân, chi phí biến đổi bình quân và tổng chi phí bình quân.
FC, VC, TC
TC

TC1 VC

FC
FC
VC1

0
Q1 Q

Hình 3 - 5. Chi phí cố định, chi phí biến đổi và tổng chi phí

67
+ Chi phí cố định bình quân - định phí bình quân (AFC - Average Fixed Cost). Là chi phí cố định
để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. AFC = FC/Q
+ Chi phí biến đổi bình quân - biến phí bình quân (AVC - Average Variable Cost). Là chi phí
biến đổi để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. AFC = VC/Q.
+ Tổng chi phí bình quân - chi phí bình quân (ATC - Average Total Cost). Là tổng chi phí để sản
xuất ra một đơn vị sản phẩm. ATC = TC/Q hoặc ATC = AFC + AVC.
Hình 3 - 6 biểu diễn hình dạng phổ biến của các đường chi phí bình quân. Ðường AFC có dạng
dốc xuống dưới về phía phải cho thấy chi phí cố định bình quân liên tục giảm khi sản lượng sản
xuất tăng lên. Sở dĩ có hiện tượng này là do chi phí cố định không thay đổi cho nên khi sản lượng
tăng lên chi phí cố định sẽ được chia nhỏ cho sản lượng sản xuất và làm cho AFC giảm dần.Vì
vậy, muốn giảm chi phí bình quân doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp khai thác triệt để công
suất máy móc thiết bị, tinh giản bộ máy quản lý và hành chính gọn nhẹ hoạt động có hiệu quả.
AFC, AVC, ATC
ATC

AVC
E2
ATCmin

AVCmin E1
AFC

0 Q1 Q2 Q

Hình 3 - 6. Các đường chi phí bình quân

Ðường AVC có dạng phổ biến là hình chữ U có đáy cực tiểu tại E1. Ðiều đó có nghĩa là,
lúc đầu khi mới tiến hành sản xuất kinh doanh, AVC sẽ giảm khi sản lượng tăng. Tại mức sản
lượng Q1 thì AVC đạt trị số cực tiểu, nếu sản xuất ở mức sản lượng lớn hơn Q1 thì AVC tiếp tục
tăng lên. Hiện tượng này liên quan đến sự thay đổi năng suất trung bình của đầu vào biến đổi
(chẳng hạn lao động). Nếu năng suất trung bình của lao động tăng thì AVC sẽ giảm, khi năng suất
trung bình đạt trị số cực đại thì AVC đạt trị số cực tiểu tại E1 (ứng với sản lượng Q1) và nếu năng
suất trung bình giảm thì AVC sẽ tăng lên. Như vậy, ngoài các biện pháp tiết kiệm vật tư, nguyên
liệu thì nâng cao năng suất lao động là con đường lâu dài cơ bản để giảm chi phí bình quân.
Ðường ATC cũng có dạng phổ biến là hình chữ U có đáy cực tiểu tại E2. Bởi vì ATC = AFC
+ AVC cho nên sự thay đổi của AFC và AVC sẽ quyết định hình dạng đường ATC. Lúc đầu khi
sản lượng tăng thì AFC và AVC đều giảm dẫn đến ATC cũng giảm. Tại điểm cực tiểu E2 ứng với
mức sản lượng Q2 thì ATC đạt trị số cực tiểu (ATCmin ). Ðây là mức sản lượng doanh nghiệp rất
quan tâm vì tại đó lợi nhuận tính trên một đơn vị sản phẩm là lớn nhất nhưng đó chưa phải mức

68
sản lượng tối đa hoá lợi nhuận vì tổng lợi nhuận còn phụ thuộc cả vào mức sản lượng sản xuất và
bán ra (vấn đề này sẽ được trình bày kỹ ở phần sau). Nếu tiếp tục mở rộng sản lượng sản xuất lớn
hơn Q2 thì tốc độ tăng của AVC nhanh hơn tốc độ giảm của AFC làm cho ATC sẽ tăng lên.
e. Chi phí cận biên (MC - Marginal Cost):
* Khái niệm: Chi phí cận biên là phần chi phí tăng thêm khi sản xuất (hoặc mua thêm) một
đơn vị sản phẩm hàng hoá dịch vụ. Như vậy, chi phí cận biên đo lường phần tăng thêm của tổng
chi phí (hoặc chi phí biến đổi) khi sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm.
Từ khái niệm trên ta có công thức sau:
∆TC ∆VC
MC = ------- = -------
∆Q ∆Q

Trong đó: MC là chi phí cận biên; TC là sự thay đổi của tổng chi phí ; VC là sự thay đổi
của chi phí biến đổi; Q là sự thay đổi của sản lượng sản phẩm sản xuất ra.
* Phương pháp tính: Người ta thường có 2 phương pháp tính chi phí cận biên.
+ Nếu xác định được hàm tổng chi phí và chi phí biến đổi là hàm số của sản lượng: khi đó
ta sẽ xác định được hàm chi phí cận biên bằng cách lấy đạo hàm bậc nhất của các hàm chi phí đó.
MC (q) = TC’(q) = VC’(q)
Ví dụ: Một doanh nghiệp có hàm tổng chi phí TC = Q2 + Q + 100. Từ đây ta có thể suy ra
các hàm chi phí tương ứng: FC = 100 ; VC = Q2 + Q; AFC = 100/Q; AVC = Q +1; ATC = Q + 1
+ 100/Q và MC = 2Q +1
+ Nếu không xác định được hàm chi phí, người ta sẽ xác định chi phí cận biên cho từng đơn
vị sản phẩm theo công thức sau:
TCi - TCi - 1 VCi - VCi - 1
MCi = ---------------- = ----------------
Qi - Qi - 1 Qi - Qi - 1

Trong đó: MCi là chi phí cận biên của sản phẩm thứ i (i = 1, 2, 3 , 4,...n)
TCi và TCi-1 là tổng chi phí để sản xuất ra i và i -1 sản phẩm
VCi và VCi-1 là chi phí biến đổi để sản xuất ra i và i -1 sản phẩm
Qi và Qi - 1 sản phẩm thứ i và i - 1
Ví dụ: Một doanh nghiệp có các mức sản lượng sản xuất (Q) và tổng chi phí tương ứng
(TC). Từ đó ta có thể tính các loại chi phí còn lại ở bảng 3.3.
* Mối quan hệ giữa chi phí cận biên MC với chi phí bình quân (ATC) và chi phí biến đổi
bình quân (AVC)
- Nếu MC  ATC thì ATC sẽ giảm. Ðiều đó có nghĩa là: ở một mức sản lượng nào đó mà
chi phí cận biên còn thấp hơn chi phí bình quân thì sẽ làm cho chi phí bình quân giảm xuống.
- Nếu MC  ATC thì ATC sẽ tăng. Ðiều đó có nghĩa là: ở một mức sản lượng nào đó mà
chi phí cận biên còn cao hơn chi phí bình quân thì sẽ làm cho chi phí bình quân tăng lên.

69
- Nếu MC = ATC thì ATC sẽ cực tiểu. Ðiều đó có nghĩa là: ở một mức sản lượng nào
đó mà chi phí cận biên đúng bằng chi phí bình quân thì tại mức sản lượng này chi phí bình
quân đạt trị số cực tiểu.
Vì vậy, khi minh hoạ lên đồ thị thì đường chi phí cận biên (MC) luôn cắt đường chi phí
bình quân (ATC) tại điểm cực tiểu của đường chi phí bình quân. Tương tự ta cũng rút ra kết
luận về quan hệ giữa MC với AVC: đường MC luôn căt đường AVC tại điểm cực tiểu của
đường AVC.
Quan hệ giữa MC và ATC, AVC được thể hiện trên đồ thị hình 3 - 7.
Bảng 3 - 4. Chi phí bình quân, chi phí cận biên - một ví dụ bằng số

0 1 2 3 4 5 6 7 8
Q
TC($) 50 55 62 75 96 125 162 203 248
FC 50 50 50 50 50 50 50 50 50
VC 0 5 12 25 46 75 112 153 198
AFC - 50 25 16,7 12,5 10 8,3 7,2 6,3
AVC - 5 6 8,3 11,5 15 18,7 21,8 24,7
ATC - 55 31 25 24 25 27 29 31
MC - 5 7 13 21 29 37 41 45

AFC, AVC, MC
ATC, MC
ATC

ATCmin E2
AVC

E1
AVCmin

AFC

Q1 Q2 Q

Hình 3 - 7. Ðường chi phí bình quân và chi phí cận biên

70
3.2.3. Chi phí dài hạn
Ở phần trên chúng ta đã nghiên cứu về chi phí ngắn hạn của doanh nghiệp. Thời kỳ
ngắn hạn được đặc trưng bởi chi phí cố định. Trong phần này, chúng ta tiếp tục nghiên cứu
về chi phí dài hạn tức là trong khoảng thời gian dài đủ để các yếu tố đầu vào có thể thay đổi,
khi đó không tồn tại chi phí cố định nữa. Bởi vì, trong hoạt động sản xuất kinh doanh để có
thể tồn tại và cạnh tranh thành công các doanh nghiệp phải thường xuyên đổi mới công nghệ
sản xuất, máy móc thiết bị... Theo đó tất cả các loại chi phí đều biến đổi hay trong dài hạn tất
cả chi phí đều là chi phí biến đổi.
a. Các loại chi phí dài hạn:
* Tổng chi phí dài hạn (LTC - Long Total Cost) là toàn bộ chi phí để sản xuất ra hàng
hoá dịch vụ ở một mức sản lượng tối thiểu hoá chi phí.
Trong phần lý thuyết sản xuất chúng ta đã nghiên cứu, muốn tối thiểu hoá chi phí sản
xuất khi sử dụng hai đầu vào vốn (K) và lao động (L), doanh nghiệp sẽ chọn cách k ết hợp tối
ưu 2 yếu tố này để sản xuất ra mức sản lượng cho trước tại tiếp điểm của đường đồng phí với
đường đồng lượng tức là thoả mãn điều kiện MRTS LK = MPL /MPK = PL /PK . Tập hợp các
kết hợp tối ưu này ta được đường phát triển của doanh nghiệp (hay còn gọi là đường mở rộng
sản xuất). Ðường phát triển doanh nghiệp phản ánh tất cả các kỹ thuật của sản xuất có chi phí
tối thiểu ở mỗi mức sản lượng khi phối hợp hai đầu vào vốn (K) và lao động (L). Do vậy,
đường tổng chi phí dài hạn cho biết những kết hợp có chi phí thấp nhất của vốn (K) và lao
động (L) mà doanh nghiệp có thể dùng để sản xuất ở từng mức sản lượng trong dài hạn khi
tất cả các đầu vào đều thay đổi.

LTC
K Ðường phát triển DN TC, LTC
TC3

E3
K3 TC2
E2 Q3
K2 TC1
E1 Q2
K1
Q1 C2 C3
C1
0 L1 L2 L3 L 0 Q1 Q2 Q3 Q

Hình 3 - 8. Ðường phát triển doanh nghiệp và đường tổng chi phí dài hạn

Ðồ thị hình 3 - 8 cho thấy, ở chu kỳ kinh doanh thứ nhất doanh nghiệp sản xuất ở mức sản
lượng Q1 với tổng chi phí TC1 = PK * K1 + PL * L1 (PK và PL là giá thuê vốn và giá thuê lao động).
Tương tự như vậy, ở chu kỳ kinh doanh thứ hai với sản lượng Q2 thì tổng chi phí tương ứng là
TC2 = PK * K2 + PL * L2 ; sản lượng sản xuất ở chu kỳ kinh doanh thứ 3 là Q3 thì ta có TC3 = PK*
K3 + PL* L3. Tổng chi phí dài hạn của cả ba chu kỳ (LTC) chính là tập hợp chi phí ngắn hạn khi
sản xuất Q1 ; Q2 ; Q3 sản phẩm.

71
* Tổng chi phí bình quân dài hạn (LATC - Long Average Total Cost) là tổng chi phí dài hạn
tính trên một đơn vị sản phẩm. Do đó, ta có thể viết LATC = LTC/Q. Hình 9.4 cho thấy, nếu
doanh nghiệp sản xuất ở quy mô nhỏ thì chi phí bình quân tương ứng sẽ là ATC1; nếu sản xuất ở
quy mô vừa nó sẽ hoạt động trên đường ATC2 và nếu sản xuất ở quy mô lớn thì chi phí bình quân
là ATC3 . Như vậy, trong dài hạn doanh nghiệp có thể lựa chọn các quy mô sản xuất khác nhau để
đáp ứng nhu cầu thị trường. Các lựa chọn đó được thể hiện trên từng phần của ba đường ATC.
Các đường này tạo thành bởi 3 đoạn, bao gồm các khả năng chi phí dài hạn. Vùng phía dưới các
đường ATC là vùng doanh nghiệp không thể đạt tới trong tình trạng công nghệ và giá cả các đầu
vào hiện có. Vì thế, đường chi phí bình quân dài hạn LATC là đường bao các đường chi phí bình
quân ngắn hạn ứng với các quy mô sản xuất khác nhau.
* Chi phí cận biên dài hạn (LMC - Long Marginal Cost) là phần tổng chi phí dài hạn tăng
thêm để sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm. Ðường chi phí cận biên dài hạn LMC không phải là
tổng các đường chi phí cận biên ngắn hạn mà được suy ra từ đường LTC. Ðường LMC cũng có
dạng chữ U và cắt đường LATC tại điểm thấp nhất của đường LATC và LATC min  LMC min.
Về công thức tính, ta có thể viết: LMC = LTC/Q = LTC’(q) (đạo hàm bậc nhất của hàm tổng
chi phí dài hạn theo sản lượng Q). Quan hệ giữa các đường chi phí ngắn hạn và dài hạn được thể
hiện trên đồ thị hình 3.8
LMC LATC
ATC, LATC, LMC ATC3
ATC1 

ATC2

0 Q1 Q2 Q3 Q

Hình 3 - 9. Quan hệ giữa các đường chi phí ngắn hạn và dài hạn

b. Hiệu suất của quy mô:


Như phân tích ở trên, trong dài hạn doanh nghiệp có nhiều cơ hội và có thể chủ động thay
đổi tất cả các yếu tố đầu vào để đạt được sản lượng mong muốn. Tuy nhiên, một vấn đề quan
trọng mà doanh nghiệp phải quan tâm là dự tính được hiệu suất của quy mô. Hiệu suất của quy
mô thể hiện mối quan hệ giữa sản lượng đầu ra đạt được khi thay đổi các yếu tố đầu vào. Trong
thực tế thường xảy ra ba trường hợp sau đây:
+ Nếu tăng các yếu tố đầu vào lên 1% mà sản lượng đầu ra tăng lớn hơn 1% thì người ta kết
luận: hiệu suất của quy mô tăng dần hay việc tăng quy mô đầu vào đạt hiệu quả.
+ Nếu tăng các yếu tố đầu vào lên 1% mà sản lượng đầu ra tăng nhỏ hơn 1% thì người ta
kết luận: hiệu suất của quy mô giảm dần hay việc tăng quy mô đầu vào không đạt hiệu quả.

72
+ Nếu tăng các yếu tố đầu vào lên 1% mà sản lượng đầu ra tăng đúng bằng 1% thì người ta
kết luận: hiệu suất của quy mô không thay đổi hay hiệu suất không đổi theo quy mô .
Trong trường hợp hàm sản xuất Coob - Douglas Q = AK L người ta căn cứ vào tổng  +
 để kết luận hiệu suất của quy mô. Nếu  +   1 thì hiệu suất tăng theo quy mô; nếu  +   1
thì hiệu suất giảm theo quy mô và khi  +  = 1 thì hiệu suất không đổi theo quy mô.
Trong thực tế sản xuất kinh doanh cho thấy, đối với ngành sản xuất công nghiệp khi sử
dụng máy móc công nghệ hiện đại thì gặp hiệu suất tăng theo quy mô vì thời gian đầu không bao
giờ sử dụng hết công suất máy móc thiết bị. Ngược lại, trong ngành khai thác tài nguyên khoáng
sản (dầu mỏ, khí đốt, than đá...) thường gặp hiệu suất giảm theo quy mô. Còn trong ngành dịch vụ
thì hiệu suất không đổi theo quy mô. Chúng ta có thể minh hoạ hiệu suất của quy mô bằng việc
xem xét hình dạng các đường chi phí bình quân dài hạn trên hình 3-10 dưới đây.
LATC

LATC

LATC
1. 3.

0 Q 0 Q
0 Q

a. Hiệu suất tăng b. Hiệu suất không đổi c. Hiệu suất giảm

Hình 3 - 10. Hiệu suất của quy mô tiếp cận từ chi phí bình quân dài hạn LATC
3.1. Khái niệm và vai trò của lợi nhuận
3.3. LÝ THUYẾT VỀ LỢI NHUẬN
3.3.1. Khái niệm: Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa tổng doanh thu của doanh nghiệp nhận
được khi bán hàng hoá dịch vụ và tổng chi phí đã bỏ ra để sản xuất hàng hoá dịch vụ đó trong
một khoảng thời gian nhất định. Từ khái niệm trên ta có công thức tính lợi nhuận sau:
TPr = TR - TC
Trong đó: TPr (Total Profit) là tổng lợi nhuận; TR (Total Revenue) là tổng doanh thu; TC
(Total Cost) là tổng chi phí.
Qua công thức này cho thấy, lợi nhuận phụ thuộc vào hai yếu tố tổng doanh thu và tổng chi
phí. Do đó, về mặt lý thuyết muốn tăng lợi nhuận thì phải tăng doanh thu và giảm chi phí. Nhưng
điều đó không thể thực hiện được bởi vì doanh thu trước hết phụ thuộc vào giá bán và lượng bán
ra (TR = P  Q). Muốn có nhiều sản phẩm để bán trên thị trường doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều
chi phí hơn làm cho tổng chi phí tăng lên. Vì vậy, để tăng lợi nhuận thì biện pháp lâu dài cơ bản
nhất là tăng cả doanh thu lẫn chi phí nhưng nhịp độ tăng doanh thu phải nhanh hơn nhịp độ tăng
tổng chi phí. Khi đó, tổng lợi nhuận đạt được sẽ tăng lên.

73
Ngoài công thức trên, lợi nhuận còn được xác định theo công thức TPr = (P - ATC) * Q.
Trong đó: P - ATC là lợi nhuận tính trên một đơn vị sản phẩm (lợi nhuận đơn vị); P là giá bán;
ATC là chi phí bình quân và Q là sản lượng bán ra.
Nếu lợi nhuận được viết dưới dạng hàm số của sản lượng ta có (q) =TR(q) - TC(q). Trong
đó, TR(q) và TC(q) là hàm doanh thu và hàm tổng chi phí phụ thuộc sản lượng.
3.3.2.Vai trò của lợi nhuận:
+ Lợi nhuận là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ảnh chính xác nhất kết quả và hiệu quả
hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hai doanh nghiệp có điều kiện nguồn lực như
nhau, vị thế trên thị trường giống nhau nếu doanh nghiệp nào đạt được lợi nhuận cao hơn chứng
tỏ rằng doanh nghiệp đó kinh doanh có hiệu quả hơn.
+ Lợi nhuận và tối đa hoá lợi nhuận là mục tiêu kinh tế lâu dài và cơ bản nhất của doanh
nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường. Nó chính là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát
triển kinh doanh. Bởi vì, nếu kinh doanh đạt lợi nhuận cao doanh nghiệp có điều kiện để mở rộng
quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và củng cố thương hiệu của
mình trên thị trường. Còn nếu ngược lại, làm ăn thua lỗ thì sớm hay muộn doanh nghiệp sẽ đứng
trên bờ vực thẳm của sự phá sản.
+ Dựa vào chỉ tiêu lợi nhuận cho ta biết được năng lực tổ chức quản lý, hợp lý hoá quá trình
sản xuất, tính năng động sáng tạo nắm bắt được nhu cầu thị trường và sự nỗ lực của chủ doanh
nghiệp.
3.3.3. Nguồn gốc của lợi nhuận:
+ Lợi nhuận là khoản thu nhập mặc nhiên của chủ doanh nghiệp về quyền sở hữu các nguồn
lực sản xuất. Nó là phần thu nhập của người chủ về lao động của chính họ (lao động quản lý, điều
hành doanh nghiệp…); về vốn đầu tư của chính người chủ đó. Bởi vì, người chủ doanh nghiệp
nếu không điều hành doanh nghiệp thì họ có thể làm giám đốc thuê cho doanh nghiệp khác để có
một khoản thu nhập từ lương; hoặc vốn đầu tư của doanh nghiệp có thể sinh lời bằng việc mua cổ
phiếu hoặc gửi tiền vào ngân hàng để nhận được thu nhập từ lợi tức cổ phiếu hoặc lãi suất.
+ Lợi nhuận là tiền thưởng cho sự phiêu lưu, mạo hiểm liều lĩnh trên mức trung bình của
người chủ doanh nghiệp. Nó thể hiện bản lĩnh của người chủ dám chấp nhận và đương đầu với rủi
ro, dám kinh doanh những sản phẩm dịch vụ mà người khác không dám làm. Nhiều công trình
nghiên cứu gần đây cho thấy từ 3 - 6 % lợi nhuận hàng năm về vốn của công ty là tiền thưởng cho
việc dám chịu nguy hiểm và dám đổi mới sáng tạo (Kinh tế học - P. Samuelson).
+ Do doanh nghiệp có sức mạnh thị trường, độc quyền trong sản xuất kinh doanh một loại
sản phẩm dịch vụ nào đó. Nhờ vậy, nhà độc quyền thường hạn chế cung để tăng giá bán sản phẩm
nhằm thu được lợi nhuận cao...
3.3.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận:
+ Lợi nhuận của doanh nghiệp chịu tác động của nhiều nhân tố. Trước hết là quy mô sản
xuất hàng hoá dịch vụ. Quan hệ cung cầu hàng hoá dịch vụ trên thị trường sẽ làm cho giá cả thay
đổi. Ðiều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô sản xuất kinh doanh và tác động trực tiếp đến lợi
nhuận của doanh nghiệp.

74
+ Giá cả và chất lượng các yếu tố đầu vào (lao động, nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết
bị, công nghệ sản xuất…) và phương pháp phối hợp các ếu tố đầu vào. Nhữmg yếu tố này sẽ ảnh
hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
+ Giá bán hàng hoá dịch vụ và toàn bộ hoạt động nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tiêu thụ
sản phẩm và thu hồi vốn, đặc biệt là hoạt động Marketing và công tác tài chính của doanh nghiệp.
3.3.5. Doanh thu cận biên và quyết định của doanh nghiệp về sản lượng sản xuất
a. Doanh thu cận biên (MR - Marginal Revenue):
+ Khái niệm: Doanh thu cận biên là phần doanh thu tăng thêm khi sản xuất hoặc bán thêm
một đơn vị sản phẩm.
Như vậy, doanh thu cận biên đo lường phần tăng thêm của tổng doanh thu mà doanh nghiệp
nhận được khi sản xuất thêm hoặc bán thêm một đơn vị sản phẩm. Về mặt công thức ta có thể
viết: MR = TR/ Q. Trong đó, TR là sự thay đổi của tổng doanh thu; Q là sự thay đổi của sản
lượng sản xuất hoặc bán ra.

Bảng 3 - 5. Doanh thu cận biên - một ví dụ bằng số


Q P TR MR
0 21 0 -
1 20 20 20
2 19 38 18
3 18 54 16
4 17 68 14
5 16 80 12
6 15 90 10
7 14 98 8
8 13 104 6
9 12 108 4
10 11 110 2
11 10 110 0
(Nguồn: Số liệu giả định)
+ Phương pháp tính. Có hai phương pháp xác định doanh thu cận biên.
- Nếu hàm tổng doanh thu là một hàm số của sản lượng thì xác định được hàm doanh thu
cận biên bằng cách lấy đạo hàm bậc nhất của hàm tổng doanh thu theo sản lượng MR(q) = TR’(q)
Trong đó: MR(q) là hàm doanh thu cận biên
TR(q) là hàm tổng doanh thu

75
TR(q)’ là đạo hàm bậc nhất của hàm tổng doanh thu theo sản lượng
Ví dụ: Một doanh nghiệp có hàm cầu về sản phẩm P = 20 - Q. Từ đây ta suy ra hàm tổng
doanh thu TR = 20Q - Q2 và MR = 20 - 2Q
+ Nếu không xác định được hàm tổng doanh thu, ta có thể tính được doanh thu cận biên
cho từng đơn vị sản phẩm theo công thức sau:
TRi - TRi - 1
MRi = ----------------
Qi - Qi - 1
Trongđó:
MRi là doanh thu cận biên của đơn vị sản phẩm thứ i (i = 1, 2, 3,...n)
TRi - TRi-1 là tổng doanh thu của đơn vị sản phẩm thứ i và i - 1
Qi - Qi - 1 là lượng sản phẩm thứ i và i - 1

MR

20 -

15 -

10 -

5 -

MR

0 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Q

Hình 3 - 11. Ðường doanh thu cận biên

b. Mối quan hệ giữa doanh thu cận biên (MR), chi phí cận biên (MC) và quy tắc tối đa hoá lợi
nhuận:
Doanh thu cận biên MR là phần doanh thu tăng thêm khi sản xuất hoặc bán thêm một đơn
vị sản phẩm, còn chi phí cận biên là phần chi phí tăng thêm khi sản xuất thêm đơn vị sản phẩm
vừa tăng thêm đó. Như vậy, nghiên cứu quan hệ giữa MR và MC là so sánh giữa phần thu về và
phần chi ra, giữa cái được và cái mất của doanh nghiệp khi sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm.
Từ đó, ta thấy xảy ra ba trường hợp sau:
+ Trường hợp 1: Ở một mức sản lượng nào đó mà MR > MC tức là MR - MC >0. Khi đó
nếu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ có lợi vì tăng lợi nhuận. Do đó
doanh nghiệp nên mở rộng sản lượng sản xuất (tăng Q) để tăng tổng lợi nhuận (TPr).

76
+ Trường hợp 2: Ở một mức sản lượng nào đó mà MR  MC tức là MR - MC  0. Khi đó
nếu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ bất lợi vì thua lỗ. Do đó để giảm
thua lỗ doanh nghiệp nên thu hẹp sản lượng sản xuất (giảm Q) để tăng tổng lợi nhuận (TPr).
+ Trường hợp 3: Ở một mức sản lượng nào đó mà MR = MC tức là MR - MC = 0. Khi đó
lợi nhuận không tăng không giảm, sản lượng sản xuất là tối ưu (Q*) và doanh nghiệp đạt tổng lợi
nhuận tối đa (TPr max).
Từ sự phân tích trên, ta rút ra quy tắc sau đây: Trong cơ chế thị trường, khi tiến hành hoạt
động sản xuất kinh doanhhàng hóa dịch vụ muốn tối đa hoá lợi nhuận, bất cứ doanh nghiệp nào
cũng phải sản xuất và bán ra ở mức sản lượng mà tại đó doanh thu cận biên vừa bằng chi phí
cận biên (MR = MC) .Tóm tắt quy tắc: Chọn Q* để có TPr max với điều kiện MR = MC
Quy tắc này được vận dụng cho thị trường cạnh tranh và thị trường độc quyền.
+ Ở thị trường cạnh tranh hoàn hảo, doanh nghiệp là “người chấp nhận giá” tức là bán sản
phẩm theo giá thị trường cho nên khi bán thêm 1 sản phẩm thì doanh thu cận biên luôn bằng giá
thị trường của sản phẩm (MR = PE ). Do đó điều kiện để doanh nghiệp tối đa hoá lợi nhuận là MR
= MC = PE.

P, MR, MC P, MR, MC
MC

P1 MC
P* = PE A d  MR
P*
P2

A DP
MR

Q1 Q* Q2 Q Q1 Q* Q2 Q

(a) (b)

Hình 3 - 12. Tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp chấp nhận giá (a) và định giá (b)

+ Ở thị trường độc quyền, doanh nghiệp là “người định giá”, đường cầu của thị trường
cũng chính là đường cầu của doanh nghiệp, do đó muốn bán nhiều sản phẩm thì doanh nghiệp
phải hạ giá nên doanh thu cận biên luôn nhỏ hơn giá bán (MR  P). Do đó, điều kiện để doanh
nghiệp độc quyền tối đa hoá lợi nhuận là MR = MC ( P  MC)
Quyết định của doanh nghiệp về sản lượng sản xuất nhằm tối đa hoá lợi nhuận được thể
hiện qua đồ thị hình 3 -12.
3.3.6. Tối đa hoá lợi nhuận trong sản xuất ngắn hạn
Trong sản xuất ngắn hạn có hai loại: chi phí cố định (FC) và chi phí biến đổi (VC). Doanh
nghiệp phải quyết định có nên tiếp tục sản xuất hay đóng cửa sản xuất? Nếu tiếp tục sản xuất thì

77
nên sản xuất ở mức sản lượng nào. Theo quy tắc tối đa hoá lợi nhuận đã trình bày ở trên, doanh
nghiệp sẽ tiếp tục tăng sản lượng sản xuất khi doanh thu cận biên (MR) còn vượt quá chi phí cận
biên (MC). Doanh nghiệp sẽ tối đa hoá lợi nhuận ở mức sản lượng có doanh thu cận biên bằng
chi phí cận biên (MR = MC). Tuy nhiên, không phải ở bất cứ mức sản lượng nào thoả mãn điều
kiện này doanh nghiệp cũng đạt mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận vì doanh nghiệp còn phải xem xét
mối quan hệ giữa doanh thu cận biên (MR), giá bán sản phẩm (P); chi phí cận biên (MC) với tổng
chi phí bình quân (ATC) và chi phí biến đổi bình quân (AVC). Giả sử doanh nghiệp là người
“chấp nhận giá”- bán sản phẩm theo giá thị trường (các trường hợp khác sẽ được nghiên cứu ở
chương sau), tức là khi bán thêm một đơn vị sản phẩm thì doanh thu cận biên luôn bằng giá tiêu
thụ sản phẩm (MR = PE). Khi giải quyết mối quan hệ này, doanh nghiệp thường phải đối mặt với
các tình huống sau:
a. Tình huống 1 - tối đa hoá lợi nhuận: Nếu giá thị trường chấp nhận là P1 và mức giá này cao
hơn ATC min. Khi đó doanh nghiệp sẽ tối đa hoá lợi nhuận tại điểm A với mức sản lượng Q1 thoả
mãn điều kiện MC = MR1. Ðây chính là tình huống lý tưởng mà doanh nghiệp nào cũng mong
muốn đạt được. Như vậy ở bất cứ mức giá nào cao hơn ATC min, doanh nghiệp luôn đạt mục tiêu
tối đa hoá lợi nhuận ở mức sản lượng có điều kiện MR = MC.
Ngoài mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, doanh nghiệp có thể theo đuổi mục tiêu tối đa hoá
doanh thu (TRrmax). Tình huống này thường gặp khi doanh nghiệp mới gia nhập thị trường nên
mục tiêu trước mắt là chiếm lĩnh thị trường để có nhiều khách hàng và bán được nhiều hàng hoá
nhằm đạt doanh thu cao nhất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ sản xuất và bán ra ở mức sản lượng (Q) có
điều kiện doanh thu cận biên bằng 0 (MR = 0) hoặc độ co giãn cầu theo giá là đơn vị (EDP = 1).
b. Tình huống 2 - hoà vốn: Nếu giá cả thị trường giảm tới P2 và mức giá này đúng bằng ATC
min. Khi đó, theo quy tắc tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ sản xuất tại điểm B ứng với mức
sản lượng Q2 thoả mãn điều kiện MR2 = MC. Nhưng tại mức sản lượng này doanh nghiệp chỉ hoà
vốn. Vậy hoà vốn là tình huống trong đó, tổng doanh thu của doanh nghiệp khi bán hàng hoá
dịch vụ chỉ vừa đủ bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra. Doanh nghiệp ở tình trạng không lãi nhưng
cũng chưa bị lỗ, lợi nhuận bằng không (TR = TC).
FC
+ Sản lượng hoà vốn được xác định theo công thức QHV = ----------
P - AVC
Trong đó: QHV là sản lượng hoà vốn ; FC là chi phí cố định; P là giá bán sản phẩm và AVC
là chi phí biến đổi bình quân.
+ Giá hoà vốn được xác định theo công thức: PHV = ATC min (PHV là mức giá hoà vốn).
Trong tình huống này doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục sản xuất kinh doanh, vì nếu đóng cửa
sản xuất doanh nghiệp vẫn phải trang trải toàn bộ chi phí cố định (FC). Mặt khác nếu tiếp tục sản
xuất, doanh nghiệp có điều kiện để giải quyết việc làm cho người lao động, hạn chế thất nghiệp
và có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khi giá cả thị trường tăng lên.
c. Tình huống 3 - có nguy cơ phá sản: Nếu giá cả thị trường tiếp tục giảm tới P3 mà ATC min
 P3  AVC min. Theo quy tắc tối đa hoá lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ sản xuất tại điểm C với sản
lượng Q3 thoả mãn điều kiện MR3 = MC. Nhưng ở mức sản lượng Q3 này doanh nghiệp thua lỗ vì

78
giá bán sản phẩm nhỏ hơn tổng chi phí bình quân và lượng thua lỗ = (ATC - P3). Người ta gọi là
tình huống có nguy cơ phá sản của doanh nghiệp. Vậy, có nguy cơ phá sản là tình huống trong
đó, giá bán sản phẩm của doanh nghiệp không bù đắp được tổng chi phí bình quân (ATC) nhưng
lại lớn hơn chi phí biến đổi bình quân (AVC). Khi đó, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục sản xuất
kinh doanh vì giá bán sản phẩm P3  AVC nên P3 - AVC  0. Phần dư dôi này doanh nghiệp sử
dụng nó để bù đắp chi phí cố định (FC) mà nếu đóng cửa thì thua lỗ toàn bộ. Người ta gọi mức
giá P3 là giá có nguy cơ phá sản của doanh nghiệp.
d. Tình huống 4 - đóng cửa sản xuất (phá sản, sập tiệm): Nếu giá thị trường của sản phẩm giảm
tới P4 và mức giá này thấp hơn AVC, nếu sản xuất ở mức sản lượng Q4 thoả mãn điều kiện MR4
= MC thì ở mức sản lượng này doanh nghiệp thua lỗ hoàn toàn (cả chi phí cố định và chi phí biến
đổi) vì giá bán thấp hơn cả ATC lẫn AVC (P4  AVC min). Khi đó, quyết định khôn ngoan nhất
của doanh nghiệp là đóng cửa sản xuất. Mức giá P = AVCmin là giá đóng cửa sản xuất, và
AVCmin là điểm đóng cửa sản xuất.
Từ sự phân tích ở trên chúng ta thấy, trong ngắn hạn doanh nghiệp thường phải đương đầu
với 4 tình huống sau:
1) Tối đa hoá lợi nhuận: khi giá bán sản phẩm cao hơn tổng chi phí bình quân (P  ATC)
2) Hoà vốn: nếu giá bán sản phẩm bằng tổng chi phí bình quân cực tiểu (P = ATC min).
Khi đó doanh nghiệp quyết định tiếp tục sản xuất kinh doanh.
.
P, MR, ATC, ATC MC
AVC, MC
A d1 = MR1
P1

P2 AVC B d2 = MR2

P3 C d3 = MR3

P4
D d4 = MR4

Q4 Q3 Q2 Q1 Q

Hình 3 - 13. Lãi, lỗ, tiếp tục hoặc ngừng sản xuất kinh doanh.

3) Có nguy cơ phá sản (thua lỗ tạm thời): khi giá bán sản phẩm thấp hơn ATC nhưng lại
cao hơn AVC (ATCmin  P3  AVCmin). Khi đó doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất kinh doanh
nhưng phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp “chống phá sản” (giải pháp tình thế ) như: rà xét
lại cách giải quyết ba vấn đề kinh tế cơ bản (sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho

79
ai?); đổi mới công nghệ sản xuất; tổ chức sắp xếp lại việc phân phối và sử dụng nguồn lực; đào
tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
4) Ðóng cửa sản xuất: nếu giá bán sản phẩm nhỏ hơn chi phí biến đổi bình quân tối thiểu
(P AVC min) thì doanh nghiệp thua lỗ hoàn toàn và phải ngừng sản xuất kinh doanh.
Quyết định của doanh nghiệp trong sản xuất ngắn hạn được thể hiện trên đồ thị hình 3.12
3.3.7. Tối đa hoá lợi nhuận trong sản xuất dài hạn
Như ta đã biết, trong sản xuất dài hạn không còn chi phí cố định, cho nên tất cả các loại chi
phí của doanh nghiệp đều là chi phí biến đổi. Khi đó, để tối đa hoá lợi nhuận chúng ta có thể sử
dụng quy tắc tối đa hoá lợi nhuận đã trình bày ở phần trên nhưng loại trừ chi phí cố định. Giả sử
giá thị trường của sản phẩm là cho trước (doanh nghiệp là người chấp nhận giá) và luôn bằng
doanh thu cận biên (MR = P). Doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng khi nào doanh thu cận biên còn
lớn hơn chi phí cận biên dài hạn (MR  LMC); giảm sản lượng khi chi phí cận biên dài hạn vượt
quá doanh thu cận biên (LMC  MR) và đạt lợi nhuận tối đa tại mức sản lượng có doanh thu cận
biên bằng chi phí cận biên dài hạn (MR = LMC).

P, MR, LATC, LMC LMC


LATC

P* = PE A d  MR

LATC* B
C

0 Q1 Q* Q

Hình 3 -14. Tối đa hoá lợi nhuận trong sản xuất dài hạn

Hình 3 - 14. trên đây minh hoạ quyết định tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp trong dài
hạn. LATC và LMC là chi phí cận biên và chi phí bình quân dài hạn. Ðường cầu d chỉ ra mức giá
thị trường và cũng là doanh thu cận biên của doanh nghiệp (MR = PE). Khi giá thị trường còn cao
hơn chi phí cận biên dài hạn, doanh nghiệp còn thu được lợi nhuận. Lợi nhuận đạt tối đa tại mức
sản lượng có MR = LMC (điểm A trên đồ thị). Tại mức sản lượng Q*, giá bán là P*(chính là giá
thị trường PE); tổng doanh thu được biểu diễn bằng diện tích hình chữ nhật 0P* AQ*, tổng chi phí
là hình chữ nhật 0LATC* B Q* và do đó lợi nhuận là hình chữ nhật ATC* P*AB.
Tại sao doanh nghiệp lại không quyết định sản xuất ở mức sản lượng ứng với điểm cực tiểu của
LATC (sản lượng Q1 tại điểm C) mặc dù tại điểm C chi phí bình quân dài hạn (LATC) thấp hơn
rất nhiều so với điểm B. Bởi vì, trong hoạt động sản xuất kinh doanh mục tiêu của doanh nghiệp
là tối đa hoá tổng lợi nhuận chứ không phải lợi nhuận đơn vị.

80
3.4. TỐI ĐA HÓA LỢI NHUẬN TRONG THỊ TRƯỜNG CẠNH TRANH HOÀN HẢO
3.4. 1.Một số vấn đề chung về thị trường
a. Khái niệm
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về thị trường. Sau đây là một số khái niệm phổ biến
thường gặp:
(1) Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu, hay nó là tập hợp các dàn xếp mà thông qua đó
người mua và người bán tiếp xúc với nhau để trao đổi hàng hoá, dịch vụ.
(2) Thị trường là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi,chuyển nhượng hàng hoá dịch vụ và
các yếu tố sản xuất.
Hàng hoá ở đây không chỉ bao hàm những sản phẩm tiêu dùng mà còn bao gồm cả những
yếu tố sản xuất như đất đai, lao động, vốn. Sự mua bán,trao đổi, chuyển nhượng này có thể được
thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp.
(3) Thị trường là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, là nơi thể hiện tổng hoà các mối quan hệ về
lợi ích kinh tế giữa người mua và người bán.
Người sản xuất luôn mong đạt được lợi nhuận cao nhất, do vậy họ sẽ cố gắng bán được
hàng hoá, dịch vụ với giá cao nhất, tuy nhiên người mua lại luôn mong muốn mua với giá thấp
nhất để có thể đạt được lợi ích tối đa với một lượng thu nhập nhất định của mình. Do vậy giữa
người mua và người bán luôn tồn tại một mâu thuẫn, và mâu thuẫn này chỉ có thể được giải quyết
thông qua thị trường, ở đó người mua và người bán sẽ quyết định giá mua bán trao đổi để cả
người mua và người bán đều có thể chấp nhận được.Chính vì vậy thị trường là một mắt xích
(nhân tố) hết sức quan trọng trong quá trình sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng.
b. Vai trò của thị trường
- Vai trò quan trọng nhất của thị trường được thể hiện ở chỗ thị trường là nơi quyết định giá
cả của hàng hoá dịch vụ.
Mặc dù người mua và người bán luôn hoạt động theo các quy luật trái ngược nhau: người
mua luôn mong muốn mua được hàng hoá với giá rẻ trong khi người bán luôn mong muốn bán
được hàng hoá với giá đắt; người mua mong muốn tối đa hoá được lợi ích trong quá trình tiêu
dùng còn người bán mong muốn tối đa được lợi nhuận trong quá trình sản xuất, nhưng sự hoạt
động của thị trường thông qua sự dẫn dắt của “Bàn tay vô hình” sẽ giải quyết những mâu thuẫn
này giữa người mua và người bán. Sự tác động qua lại giữa người mua và người bán trên thị
trường sẽ xác định giá cả cụ thể của từng loại hàng hoá, dịch vụ và mức giá đó sẽ thoả mãn cả lợi
ích của người mua và người bán. Bên cạnh đó thị trường cũng đồng thời xác định cả số lượng,
chất lượng chủng loại sản phẩm cần sản xuất và qua đó sẽ xác định việc phân bổ sử dụng tài
nguyên khan hiếm của xã hội.
- Thị trường là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, là nơi kiểm nghiệm, đánh giá kết quả
hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách chính xác nhất.
Khi sản xuất ra sản phẩm hàng hoá dịch vụ thì tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn tiêu
thụ được sản phẩm của mình trên thị trường. Nếu như sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ
thì cũng có nghĩa là khi đó sản phẩm đã được thị trường chấp nhận ở khía cạnh chi phí sản xuất
và chất lượng sản phẩm, điều đó đảm bảo rằng việc lựa chọn vấn đề sản xuất cài gì, sản xuất như

81
thế nào, sản xuất cho ai là phù hợp. Ngược lại nếu sản phẩm của doanh nghiệp không tiêu thụ
được trên thị trường thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ bị phá sản.
- Thị trường là nơi mà nhà nước có thể tác động các chính sách kinh tế vĩ mô để điều tiết,
kiểm soát, bình ổn thị trường, khuyến khích cả sản xuất và tiêu dùng trong xã hội
Ðể đảm bảo cho lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng, và lợi ích cho toàn xã hội, Nhà
nước có thể tác động các chính sách kinh tế thông qua thị trường như chính sách giá cả (giá trần,
giá sàn.), chính sách thuế (thuế đối với người sản xuất, người tiêu dùng)...
c. Chức năng của thị trường
* Chức năng thừa nhận
Khi người sản xuất đưa hàng hoá, dịch vụ ra thị trường để tiêu thụ, nếu hàng hoá, dịch vụ
đó bán được thì khi đó chúng đã được người mua hay thị trường thừa nhận. Thị trường thừa nhận
hàng hoá dịch vụ ở các khía cạnh:
- Thừa nhận tổng số cung, tổng số cầu về một loại hàng hoá, dịch vụ nào đó.
- Thừa nhận quan hệ cung cầu các hàng hoá, dịch vụ đó.
- Thừa nhận giá cả và chất lượng hàng hoá, dịch vụ
* Chức năng kích thích, điều tiết
Kích thích và điều tiết được xem là chức năng cơ bản nhất của thị trường.Giá bán hàng hoá
dịch vụ trên thị trường là một trong những yếu tố quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp. Do lợi
nhuận là mục tiêu tối cao của tất cả các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh cho nên
nó sẽ kích thích các doanh nghiệp tự động di chuyển các nguồn lực của mình từ ngành này sang
ngành khác, từ sản phẩm này sang sản phẩm khác để có thể thu được lợi nhuận cao hơn. Ngoài ra
lợi nhuận cũng kích thích các doanh nghiệp phấn đấu giảm chi phí thông qua việc áp dụng công
nghệ kỹ thuật mới trong quá trình sản xuất kinh doanh. Có thể nói lợi nhuận thu được trên thị
trường là động lực thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách hiệu quả
nhất.
* Chức năng thực hiện
Chức năng thực hiện của thị trường được biểu hiện trên các mặt:
+ Thực hiện giá trị sản phẩm hàng hoá tiêu thụ trên thị trường
+ Thực hiện giá trị sử dụng hàng hoá, dịch vụ có mặt trên thị trường
+ Thực hiện cơ cấu một loại hàng hoá dịch vụ nào đó
(Hàng hoá có hai thuộc tính: Giá trị hàng hoá và giá trị sử dụng. Trong đó giá trị hàng hoá
là hao phí lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một đơn vị hàng hoá, dịch vụ; còn giá trị sử
dụng của hàng hoá là công dụng của hàng hoá để thoả mãn một nhu cầu nào đó. Thị trường thực
hiện 2 thuộc tính đó của hàng hoá).
* Chức năng thông tin:
Thị trường là nơi cung cấp các thông tin cho người sản xuất, người tiêu dùng, các nhà phân
tích, hoạch định chính sách của nhà nước. Thông qua thị trường các nhà sản xuất sẽ nắm bắt được
các thông tin về nhu cầu của người tiêu dùng đối với từng loại sản phẩm: nhu cầu về khối lượng,
chất lượng hàng hoá, các thông tin về giá cả hàng hoá... từ đó đề ra các quyết định tối ưu trong
quá trình sản xuất. Cũng thông qua thị trường người tiêu dùng hàng hoá có những thông tin về giá

82
cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, từ đó đề ra các quyết định tối ưu trong quá trình tiêu dùng của
mình.
d. Phân loại thị trường
Tuỳ theo mục đích nghiên cứu và phương pháp tiếp cận người ta dựa vào các tiêu thức sau
đây để phân loại thị trường:
* Căn cứ vào phạm vi trao đổi hàng hoá, dịch vụ:
+ Thị trường trong nước (thị trường nội địa):diễn ra các hoạt động mua bán trong phạm vi
một quốc gia.
+ Thị trường thế giới: diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán giữa các nước có quốc tịch
khác nhau trên thế giới.
+ Thị trường khu vực: diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi giữa các nước cùng một
khu vực địa lý như: thị trường của các nước Đông nam á (ASEAN), các nước thuộc Liên minh
châu âu (EU)…
+ Thị trường thành phố: mua bán các yếu tố sản xuất, sản phẩm công nghiệp.
+Thị trường nông thôn: mua bán các yếu tố sản xuất, hàng hoá sản phẩm của nông nghiệp.
* Căn cứ vào đặc điểm, tính chất sản phẩm hàng hoá, dịch vụ trong quá trình tái sản xuất :
+ Thị trường hàng tiêu dùng .
+ Thị trường các yếu tố sản xuất (đất đai, lao động, vốn…)
+ Thị trường hàng công nghiệp .
+ Thị trường hàng nông sản .
* Căn cứ vào các khâu của quá trình lưu thông:
+ Thị trường bán buôn: diễn ra các hoạt động mua, bán giữa các doanh nghiệp sản xuất và
các tổ chức thương mại.
+ Thị trường bán lẻ:diễn ra các hoạt động mua, bán giữa những tổ chức thương mại và
người tiêu dùng cuối cùng.
* Căn cứ vào mức độ cạnh tranh: sự thể hiện vai trò của người mua và người bán trong việc
quyết định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trao đổi trên thị trường:
+ Thị trường cạnh tranh hoàn hảo (cạnh tranh thuần túy, cạnh tranh tự do)
+ Thị trường độc quyền độc (bao gồm: quyền bán và độc quyền mua).
+ Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo(bao gồm: cạnh tranh độc quyền và độc quyền tập
đoàn
3.4.2. Ðặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo
Thị trường cạnh tranh hoàn hảo là thị trường trong đó tất cả những người mua và tất cả những
người bán đều tin rằng các quyết định mua bán của họ không ảnh hưởng gì đến giá cả thị trường
của sản phẩm. Do vậy, thị trường cạnh tranh hoàn hảo thường có những đặc điểm sau:
a. Có vô số người bán, vô số người mua tham gia vào thị trường:
Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo có rất nhiều người bán, rất nhiều người mua, và họ
hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Mỗi người bán chỉ cung ứng một lượng hàng rất nhỏ so
với tổng cung của thị trường. Mỗi người mua cũng chỉ mua một lượng hàng rất nhỏ so với tổng
cầu của thị trường. Do vậy cả người mua và người bán đều hành động như những người chấp
nhận giá có nghĩa là họ không có quyền quyết định, hay kiểm soát giá cả trên thị trường. Họ phải

83
mua và bán sản phẩm theo giá thị trường mà giá này được hình thành trước hết do quan hệ cung
cầu quyết định.Thị trường sản phẩm nông nghiệp như: lúa gạo, rau quả, thịt gia súc gia cầm,
trứng, tôm, cá…là thị trường có đặc điểm này. Chẳng hạn, thị trường gạo ở thành phố Hà Nội:có
rất nhiều người ngoại tỉnh mang gạo về đây để bán và cũng có rất nhiều người mua gạo để tiêu
dùng. Do đó, mỗi người bán chỉ bán ra một lượng rất nhỏ so với tổng cung của thị trường, mỗi
người mua chỉ mua một lượng rất nhỏ bé so với tổng cầu của thị trường cho nên tất cả họ đều
phải mua và bán gạo theo giá chung của thị trường.
b. Các sản phẩm trên thị trường là hoàn toàn đồng nhất
Các sản phẩm này có chất lượng như nhau, mẫu mã bao bì như nhau, do vậy người tiêu
dùng không cần phải lựa chọn khi mua sản phẩm. Nói cách khác, sản phẩm được sản xuất ra ở
những địa chỉ khác nhau nhưng khi mang ra thị trường trao đổi thì người tiêu dùng không thể
phân biệt được sản phẩm do ai sản xuất ra. Chính vì vậy sẽ tạo điều kiện cho việc mua bán diễn ra
tự do và dễ dàng, người bán và mua tự do thiết lập quan hệ bạn hàng trên cơ sở chữ tín.
c. Có sự phân biệt giữa đường cầu của thị trường và đường cầu đối với từng doanh nghiệp
Ðường cầu thị trường là một đường cầu thông thường, dốc xuống từ trái sang phải và tuân
theo luật cầu, có nghĩa là: khi giá tăng thì tổng lượng cầu trên thị trường giảm, còn khi giá giảm
thì tổng lượng cầu trên thị trường tăng lên.
P P

d D
PE

Q Q

Hình 3 - 15 . Ðường cầu của doanh nghiệp Hình 3 - 16. Ðường cầu của thị trường

Ðường cầu về sản phẩm đối với mỗi doanh nghiệp: Doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo có
thể bán tất cả sản lượng của mình ở mức giá đang thịnh hành, nếu doanh nghiệp đặt giá cao hơn
thì doanh nghiệp sẽ không bán được sản phẩm của mình vì người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm của
doanh nghiệp khác. Như vậy doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo hoàn toàn không có ảnh hưởng
đến giá cả thị trường hay họ là người chấp nhận giá, họ phải bán sản phẩm của mình theo giá thị
trường. Do vậy đường cầu của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo là một đường nằm ngang so với
sản lượng tại mức giá thị trường.
d. Cả người mua và người bán đều biết rất rõ tất cả các thông tin trên thị trường:
Thị trường cạnh tranh hoàn hảo đòi hỏi tất cả người mua và người bán đều có liên hệ với tất
cả những người trao đổi tiềm năng, họ biết rõ tất cả các thông tin về giá cả, chất lượng sản phẩm,
địa điểm mua bán, phương thức thanh toán... Mối liên hệ giữa họ là mật thiết và sự thông tin giữa
họ là liên tục. Do vậy, tạo điều kiện cho việc mua bán diễn ra tự do và dễ dàng; không có tình
trạng “mua hớ” hoặc “bán hớ” xảy ra.
e. Việc tham gia hay rút khỏi thị trường là hoàn toàn tự do

84
P,MR,MC,ATC ATC
MC

d ≡ MR
P* = PE

ATC*

Q
Q*

Hình 3 - 17. Mức sản lượng tối ưu của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo

Không có gì cản trở việc gia nhập và rút khỏi thị trường của người mua và người bán, họ
hoàn toàn có thể tự do trở thành người mua trên thị trường nếu họ muốn mua và có khả năng
mua, và tự do trở thành người bán trên thị trường nếu họ muốn bán và có khả năng bán.Người sản
xuất có thể tự do mang sản phẩm của mình đến bất cứ nơi nào bán được giá cao hơn. Ngược lại,
người tiêu dùng có thể tìm đến bất cứ nơi nào mua được sản phẩm với giá rẻ hơn. Các yếu tố sản
xuất được quyền tự do di chuyển đến nơi nào đầu tư có lợi nhuận cao hơn…
3.4.3. Quyết định sản lượng, giá bán và lợi nhuận của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo
Theo quy tắc chung, để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ sản xuất và bán ra ở mức sản
lượng tối ưu mà tại đó thỏa mãn điều kiện doanh thu cận biên bằng chi phí cận biên (MR = MC).
Mặt khác, doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo luôn là người chấp nhận giá, tức là phải bán sản
phẩm của mình theo giá thị trường nên khi bán thêm một đơn vị sản phẩm thì doanh thu tăng
thêm cũng đúng bằng giá thị thị trường của sản phẩm đó hay MR = PE.Vì vậy, để đạt mục tiêu tối
đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo sẽ lựa chọn mức sản lượng tối ưu (Q*) mà
tại đó thỏa mãn điều kiện: chi phí biên của doanh nghiệp đúng bằng giá thị trường (MC = PE ).
Về giá bán: Doanh nghiệp phải bán sản phẩm của mình theo giá thị trường nên tại mức sản
lượng tối ưu, giá bán sản phẩm của doanh nghiệp cũng chính là giá thị trường (P*= PE).
Tại mức sản lượng tối ưu, lợi nhuận của doanh nghiệp được xác định theo công thức sau:
TPr (max) = TR* - TC* hoặc TPr (max) = ( PE - ATC*)*Q*. Trong đó: TPr (max) là tổng lợi nhuận cực
đại, TR* là tổng doanh thu tối ưu (TR* = PE *Q*); TC* là tổng chi phí tối ưu (TC* = FC + VC*);
ATC* là chi phí bình quân tối ưu; ( PE - ATC*) là lợi nhuận đơn vị tối ưu và Q* là mức sản lượng
tối ưu.
3.4.4. Ðường cung ngắn hạn của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo
Ðường cung của doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp sẽ sản xuất tại mức sản lượng nào ở
mỗi mức giá.
Như ta đã thấy, các doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo sẽ quyết định sản xuất ở mức sản
lượng mà tại đó giá thị trường bằng chi phí cận biên (PE = MC) và sẽ đóng cửa nếu giá thị trường

85
nhỏ hơn chi phí biến đổi bình quân tối thiểu (PE < AVCmin). Như vậy với mỗi mức giá trên thị
trường lớn hơn chi phí biến đổi bình quân tối thiểu thì quyết định sản xuất ở mức sản lượng nào
hoàn toàn phụ thuộc vào đường chi phí cận biên của doanh nghiệp hay nói cách khác đường chi
phí cận biên của doanh nghiệp (MC) là đường cho biết doanh nghiệp sẽ sản xuất tại mức sản
lượng nào ở mỗi mức giá thị trường. Chình vì vậy đường cung của doanh nghiệp cạnh tranh
hoàn hảo chính là đường chi phí cận biên tính từ điểm điểm đóng cửa sản xuất (AVCmin) trở lên.
Do sự chi phối của quy luật năng suất cận biên giảm dần cho nên đường MC có xu hướng
dốc lên, do vậy đường cung ngắn hạn của các doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo là đường dốc lên
phía trên về bên phải.
3.4.5. Ưu, nhược điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo
a.Ưu điểm:
- Thị trường cạnh tranh hoàn hảo luôn tạo ra áp lực cạnh tranh và đó chính là động lực cho
sự phát triển của các doanh nghiệp và cho toàn ngành.
- Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo nguời tiêu dùng có lợi, họ mua được sản phẩm với
giá vừa phải, chất lượng mẫu mã thường xuyên được cải tiến.
- Người sản xuất có thể dễ dàng tham gia thị trường để thu được lợi nhuận.
b. Nhược điểm:
Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo các doanh nghiệp luôn luôn phải cạnh tranh gay gắt
với nhau, do vậy giá sản phẩm trên thị trường luôn có xu hướng giảm nên lợi nhuận của các
doanh nghiệp cũng liên tục giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình huống thua lỗ.
Do vậy trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo luôn có sự đóng cửa, phá sản của các doanh nghiệp.
3.5. TỐI ĐA HÓA LỢI NHUẬN TRONG THỊ TRƯỜNG ĐỘC QUYỀN
Có thể chia thị trường độc quyền thành hai loại, đó là độc quyền bán và độc quyền mua.
Ðộc quyền bán là một thị trường trong đó chỉ có một người bán nhưng có nhiều người mua. Ðộc
quyền mua là một thị trường trong đó có nhiều người bán nhưng chỉ có một người mua.
3.5.1. Ðặc điểm của thị trường độc quyền bán
+ Chỉ có một doanh nghiệp duy nhất sản xuất và cung ứng một loại sản phẩm độc nhất,
không có sản phẩm thay thế trên thị trường.
Ví dụ: Thị trường điện, nước sạch, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp,vận tải hàng không,
vận tải đường sắt...
+ Ðường cầu của doanh nghiệp cũng chính là đường cầu của thị trường .
Do trên thị trường chỉ có một doanh nghiệp duy nhất cho nên đường cầu của doanh nghiệp cũng
chính là đường cầu của thị trường. Ðường cầu luôn dốc về phía phải do vậy doanh nghiệp muốn
tiêu thụ được nhiều sản phẩm thì phải giảm giá bán sản phẩm, điều này làm cho đường doanh thu
cận biên MR luôn nằm phía dưới đường cầu.
+ Doanh nghiệp độc quyền có sức mạnh thị trường.
Sức mạnh thị trường của doanh nghiệp độc quyền được thể hiện ở khía cạnh doanh nghiệp độc
quyền có thể quyết định giá bán sản phẩm trên thị trường (doanh nghiệp độc quyền là người định
giá và kiểm soát giá cả sản phẩm trên thị trường), đồng thời doanh nghiệp độc quyền có thể quyết
định khối lượng sản phẩm bán ra trên thị trường.

86
+ Việc tham gia hay rút khỏi thị trường là hết sức khó khăn.

D≡P
MR
Q

Hình 3 - 18. Ðường cầu của thị trường và doanh nghiệp độc quyền bán

3.5.2.Các nguyên nhân dẫn đến độc quyền bán:


+ Do vốn đầu tư ban đầu rất lớn: Không có doanh nghiệp nào khác có đủ vốn để đầu tư sản
xuất ra sản phẩm hàng hoá đó, do vậy chỉ có duy nhất một doanh nghiệp có đủ vốn đầu tư đó có
thể sản xuất ra sản phẩm và doanh nghiệp đó sẽ trở thành doanh nghiệp độc quyền.
+ Do doanh nghiệp sử dụng bằng phát minh sáng chế đã được pháp luật thừa nhận và Nhà
nước bảo hộ
+ Do doanh nghiệp có quyền kiểm soát các yếu tố đầu vào: Một doanh nghiệp có thể chiếm
được vị trí độc quyền nhờ có quyền sở hữu một loại đầu vào (nguyên liệu) thiết yếu để sản xuất ra
một sản phẩm nào đó
+ Do doanh nghiệp được chính phủ cấp giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh.Thông
qua việc cấp phép kinh doanh, chính phủ hạn chế sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp
khác (đường sắt, hàng không, thuốc tân dược, bưu điện Việt Nam..)
+ Do doanh nghiệp đạt được tính kinh tế của quy mô: Nếu một doanh nghiệp đạt được tính kinh
tế của quy mô (hiệu quả kinh tế tăng theo quy mô sản xuất) thì việc mở rộng sản lượng của nó sẽ
làm cho chi phí bình quân để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm giảm xuống. Khi đó doanh nghiệp
này có thể bán sản phẩm của mình với giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của các doanh
nghiệp khác trên thị trường và dần dần sẽ loại bỏ được các đối thủ cạnh tranh để trở thành người
bán duy nhất trên thị trường. Đó là hình thức độc quyền tự nhiên.
+ Một số đặc điểm cần chú ý của độc quyền tự nhiên:
- Ðường MC luôn nằm dưới đường ATC ở mọi mức giá
- Ðường ATC luôn giảm (do tính hiệu quả kinh tế của quy mô: chi phí sản xuất bình quân
giảm xuống khi quy mô sản xuất tăng)
3.5.3. Phương pháp xác định mức sản lượng tối ưu trong độc quyền bán:
Theo quy tắc chung, một doanh nghiệp muốn tối đa hoá lợi nhuận phải sản xuất ở mức sản
lượng sao cho doanh thu cận biên bằng với chi phí cận biên. Ðiều này cũng được áp dụng đối với
nhà sản xuất độc quyền. Theo hình bên, khi đường cầu của nhà độc quyền là (D), đường doanh
thu cận biên là (MR), đường chi phí biên là (MC) thì doanh nghiệp sẽ sản xuất tại mức sản lượng
Q* tại đó có MR = MC để đạt được lợi nhuận cao nhất. Nếu doanh nghiệp sản xuất tại mức sản

87
lượng Q1 < Q* hoặc Q2 > Q* thì doanh nghiệp sẽ bị mất đi một phần lợi nhuận nằm giữa đường
MR và MC (phần bôi đen trong hình 3.18).

P
P
MC

P1
P*
P2

ATC
D
MC
MR MR D
Q1 Q* Q2 Q Q

Hình 3 - 19. Mức sản lượng tối ưu trong độc quyền Hình 3 - 20. Ðộc quyền tự nhiên
bán
Khi doanh nghiệp sản xuất ở mức sản lượng Q* ta xác định được giá bán sản phẩm tương ứng P*.
Tại mức sản lượng tối ưu Q* do MR = MC nhưng MR lại luôn luôn nhỏ hơn P do đường doanh
thu cận biên MR luôn nằm phía dưới đường cầu D cho nên MR = MC < P
Ta có: MR = TR’(Q) = (P.Q)’ hay MR = P + Q.P’ = P (1+P’Q/P)
suy ra MR = P(1 + 1/EDP )
vậy: MC MR
P = --------- = --------- Trong đó: EDP là độ co giãn của cầu theo giá.
D D
1 + 1/E P 1 + 1/E P

+ Một số vấn đề cần chú ý:


- Trong độc quyền bán không có đường cung: hay nói cách khác trong thị trường độc quyền
không có mối quan hệ 1:1 giữa giá cả và sản lượng. Ðiều này là do quyết định sản lượng sản xuất
ra của nhà độc quyền không chỉ phụ thuộc vào chi phí cận biên mà còn phụ thuộc vào cả hình
dáng đường cầu của doanh nghiệp. Sự dịch chuyển của đường cầu trong thị trường độc quyền bán
có thể dẫn đến thay đổi giá mà sản lượng không đổi hoặc ngược lại thay đổi sản lượng mà giá không đổi,
hoặc những thay đổi trong cả giá cả và sản lượng.
- Sức mạnh độc quyền: Sự khác nhau cơ bản giữa doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo và
doanh nghiệp độc quyền là doanh nghiệp độc quyền có sức mạnh thị trường. Doanh nghiệp cạnh
tranh hoàn hảo phải đặt giá bán sản phẩm của mình đúng bằng chi phí cận biên, trong khi đó
doanh nghiệp độc quyền đặt giá bán sản phẩm cao hơn chi phí cận biên. Sức mạnh thị trường
được đo bằng chỉ số Lerner (do Abba Lerner đưa ra vào năm 1934): L = (P-MC)/P = -1/EDP (0 
L  1); Trong đó: EDP là độ co dãn của cầu theo giá.
- Mất không từ sức mạnh độc quyền: Do sức mạnh độc quyền tạo ra giá cao hơn và số
lượng sản phẩm sản xuất ra thấp hơn so với cạnh tranh hoàn hảo nên người tiêu dùng bị thiệt, còn

88
người sản xuất được lợi. Tuy nhiên nếu xét trên toàn xã hội (tức là cả người tiêu dùng và người
sản xuất được tính trên một tổng thể) thì xã hội sẽ bị thiệt hơn so với cạnh tranh hoàn hảo. Có thể
thấy được điều này thông qua việc so sánh thặng dư của người tiêu dùng và người sản xuất trong
thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường độc quyền:

P P
MC
P1 MC

P2 P1=P2
D2
D2
MR2 D1

MR1 MR1 D1 MR2


Q1 = Q2
Q1 Q2 Q

Hình 3 - 21. Sự dịch chuyển của đường cầu dẫn đến giá thay đổi, hoặc sản lượng thay
đổi chứ không phải cả hai

Hình 3.22 cho thấy nếu thị trường là cạnh tranh hoàn hảo thì giá bán và sản lượng sẽ là Pc và Qc,
tuy nhiên nếu là thị trường độc quyền thì giá bán và sản lượng sẽ là P* và Q*. Như vậy so với thị
trường cạnh tranh hoàn hảo thì thị trường độc quyền tạo ra phúc lợi ít hơn do một phần thặng dư
người tiêu dùng bị mất đi (diện tích A) và một phần thặng dư của người sản xuất cũng bị mất đi
(diện tích B). Tổng diện tích (A + B) sẽ là phần mất không của xã hội.
P

MC
P*
A
Pc
B

D
MR
Q* Qc Q
Hình 3 - 22. Mất không từ sức mạnh độc quyền bán

Như vậy, có thể nói độc quyền là phi hiệu quả vì giá cao và sản lượng thấp. Mặt khác nhà độc
quyền bán không chịu áp lực của cạnh tranh nên thường trì trệ, bảo thủ trong việc đổi mới công

89
nghệ sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm, mẫu mà kém đa dạng mà người tiêu dùng vẫn
phải chấp nhận. Vì thế, các nhà kinh tế cho rằng “độc quyền là kẻ thù của chất lượng”
Trên thực tế, để bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng và lợi ích chung của toàn xã hội, Chính phủ
các nước thường tìm các biện pháp để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh
nghiệp nhằm hạn chế mặt trái của độc quyền. Đồng thời về mặt kinh tế, Chính phủ thường can
thiệp trực tiếp vào thị trường độc quyền thông qua quy định mức giá tối đa mà nhà độc quyền
được phép bán trên thị trường và mức sản lượng tối thiểu mà nhà độc quyền phải sản xuất và
cung ứng. Qua đó mà giảm giá cho người tiêu dùng và tăng thêm sản lượng tiêu dùng cho xã hội.

90
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ BÀI TẬP VẬN DỤNG PHẦN B
------------
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Thế nào là Cầu hàng hóa dịch vụ? Phân biệt: nhu cầu, cầu và lượng cầu?
2. Thế nào là đường cầu? Cho ví dụ và vẽ đồ thị minh họa?
3. Phân biệt sự di chuyển và dịch chuyển của đường cầu? Vẽ đồ thị minh họa?
4.Thế nào là hàng hóa thay thế, hàng hóa bổ sung?Cho ví dụ minh họa?
5. Phân tích ảnh hưởng của thu nhập đến cầu hàng hóa dịch vụ? Cho ví dụ minh họa?
6. Thế nào là Cung hàng hóa dịch vụ? Phân biệt: cung ứng, cung và lượng cung?
7. Thế nào là đường cung? Cho ví dụ và vẽ đồ thị minh họa?
8. Phân biệt sự di chuyển và dịch chuyển của đường cung? Vẽ đồ thị minh họa?
9. Phân tích ảnh hưởng của giá đầu vào đến cung hàng hóa dịch vụ? Cho ví dụ minh họa?
10. Thế nào trạng thái cân bằng thị trường? Cho ví dụ và vẽ đồ thị minh họa?
11. Thế nào trạng thái không cân bằng thị trường? Cho ví dụ và vẽ đồ thị minh họa?
12. Thế nào trạng thái cân bằng mới của thị trường? Cho ví dụ và vẽ đồ thị minh họa?
13. Phân tích vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát giá cả thông qua chính sách giá
Trần?Liên hệ với thực tiễn ở VN?
14. Phân tích vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát giá cả thông qua chính sách giá Sàn?Liên
hệ với thực tiễn ở VN
15. Độ co dãn cầu theo giá? Cho ví dụ minh họa và nêu ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu vấn
đề này?
16. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến độ co dãn của cầu theo giá? Cho ví dụ minh họa?
17. Độ co dãn cầu theo thu nhập? Cho ví dụ minh họa và nêu ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên
cứu vấn đề này?
18. Độ co dãn chéo của cầu theo giá? Cho ví dụ minh họa và nêu ý nghĩa thực tiễn của việc
nghiên cứu vấn đề này?
19. Độ co dãn cung theo giá? Cho ví dụ minh họa và nêu ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu
vấn đề này?
20. Sử dụng mối tương quan giữa độ co dãn của cầu với độ co dãn cung theo giá để giải thích ảnh
hưởng của một sắc thuế đến lợi ích của người tiêu dùng và người sản xuất? Cho ví dụ và vẽ đồ thị
minh họa?
21. Phân tích khái niệm: Lợi ích, lợi ích cận biên? Cho ví dụ minh họa?
22. Phân tích nội dung Quy luật lợi ích cận biên giảm dần và quy tắc tối đa hóa lợi ích? Cho ví dụ
minh họa?
23. Thế nào là đường ngân sách, đường bàng quan? Sử dụng đồ thị để chỉ ra điểm tiêu dùng tối
ưu của người tiêu dùng đối với hàng hóa X và hàng hóa Y?
24. Phân tích ảnh hưởng của sự thay đổi thu nhập đến quyết định của người tiêu dùng nhằm tối đa
hóa lợi ích? Cho ví dụ và vẽ đồ thị minh họa?
25. Phân tích nội dung quy luật Năng suất cận biên giảm dần? Cho ví dụ minh họa và nêu ý nghĩa
thực tiễn của nó đối với người sản xuất?
26. Thế nào là đường đồng lượng, đường đồng phí? Sử dụng đồ thị để chỉ ra điểm tối thiểu hóa
chi phí khi sử dụng vốn (K) và lao động (K) để sản xuất ra hàng hóa dịch vụ?
27. Thế nào là chi phí cố định, chi phí biến đổi, tổng chi phí? Cho ví dụ và vẽ đồ thị minh họa?
28. Thế nào là định phí bình quân, biến phí bình quân, chi phí bình quân? Vẽ đồ thị minh họa và
nêu ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu các loại chi phí này?

91
29. Thế nào là chi phí cận biên?Mối quan hệ giữa chi phí cận biên và chi phí bình quân? Vẽ đồ
thị minh họa?
30. Lợi nhuận và các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận? Tại sao khi tiến hành các hoạt động sản
xuất kinh doanh, các Doanh nghiệp thường theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận?
31. Doanh thu cận biên là gì? Nêu phương pháp tính và vẽ đồ thị minh họa?
32. Trình bày quy tắc tối đa hóa lợi nhuận? Vận dụng quy tắc này để giải thích hành vi của doanh
nghiệp trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo và độc quyền?
33. Hãy nêu các tình huống mà Doanh nghiệp thường phải đương đầu khi tiến hành sản xuất kinh
doanh trong cơ chế thi trường? Việc nghiên cứu các tình huống này có ý nghĩa gì đối với các
doanh nghiệp Việt Nam?

BÀI TẬP VẬN DỤNG:


Bài 1: Có số liệu về tình hình cung cầu bếp ga nhập khẩu từ Nhật Bản tại thị trường thành phố Hà
Nội năm 2009 như sau:
Giá P (triệu đ/chiếc) 3,0 3,2 3,4 3,6 3,8 4,0
Lượng cầu QD (ngàn chiếc) 10 9 8 7 6 5
Lượng cung QS (ngàn chiếc) 4 6 8 10 12 14
1.Viết phương trình hàm cầu, hàm cung của thị trường và vẽ đồ thị để minh hoạ?
2. Xác định giá và lượng cân bằng của thị trường? Khi đó: Độ co dãn cầu, cung theo giá; Thặng
dư người tiêu dùng và thạng dư người sản xuất là bao nhiêu?
3. Tính lượng dư thừa và thiếu hụt của thị trường ở các mức giá 3,7 triệu đồng và 3,1 triệu đồng?
Ở các mức giá này, muốn tăng doanh thu người bán nên tăng hay giảm giá? Tại sao?
4. Giả sử Chính phủ đánh thuế 100.000 đ/chiếc bếp ga bán ra trên thị trường.
a.Viết phương trình hàm cung mới và xác định giá, lượng cân bằng mới của thị trường ?
b. Tính tổng số tiền thuế mà Chính phủ thu được khi ban hành sắc thuế trên?
c. Gánh nặng thuế khoá này ai là người phải gánh chịu ? Cụ thể là bao nhiêu?
5. Giả sử các yếu tố khác không đổi, nếu giá ga trên thị trường tăng lên thì điều gì sẽ xảy ra ở thị
trường bếp ga? Minh hoạ điều đó lên đồ thị ?
Bài 2: Giả sử hàm cầu thuê phòng ký túc xá ở một trường đại học khu vực TP Hà Nội là: QD =
600 - 0,5P. Cung về phòng cho thuê cố định QS = 300 phòng. Giá tính bằng ngàn đ/ /phòng/
tháng.
Yêu cầu:
1. Giá cho thuê phòng ở ký túc xá đó là bao nhiêu?
2. Nếu chính quyền Thành phố quy định mức giá cho thuê là 400.000 đ/phòng/ tháng thì ai sẽ
được lợi, ai sẽ bị thiệt? Xác định khoản thiệt hại hay lợi ích đó? Vẽ đồ thị minh họa?
3. Muốn cho giá thuê phòng giảm xuống chỉ còn 300 ngàn đ/phòng/tháng thì trường Đại học đó
phải xây thêm bao nhiêu phòng nữa? Minh họa bằng đồ thị?

Bài 3: Có số liệu về biểu cung, biểu cầu của thị trường sản phẩm A như sau:
Giá P (1000đ/kg) 1 2 3 4 5 6
Lượng cầu QD (triệu tấn) 7 6 5 4 3 2
Lượng cung QS (triệu tấn) 0 1 2 3 4 5

92
1.Viết phương trình hàm cầu, hàm cung của thị trường và minh hoạ bằng đồ thị?
2. Xác định giá và lượng cân bằng thị trường ? Khi đó tổng chi tiêu của người tiêu dùng là bao nhiêu?
3. Tính lượng dư thừa và thiếu hụt của thị trường ở các mức giá P1 = 6.000 đ / kg và P2 = 2.000 đ / kg? Ở
các mức giá này, để tăng doanh thu người bán nên tăng hay giảm giá? Tại sao?
4. Giả sử vì một lý do nào đó, lượng cầu giảm đi 2 triệu tấn ở mỗi mức giá. Hãy xác định giá và
lượng cân bằng mới của thị trường? Minh hoạ bằng đồ thị?
5. Để khuyến khích sản xuất sản phẩm A, Chính phủ quyết định trợ giá 400đ/kg thì giá và sản lượng cân
bằng thay đổi như thế nào? Minh hoạ kết quả tính toán lên đồ thị?
Bài 4: Biết đường cầu thị trường sản phẩm A là đường thẳng. Khi giá sản phẩm là 4 $ thì độ co
giãn cầu theo giá là - 0,2. Nếu lượng cầu là 300 đơn vị sản phẩm thì doanh thu của những người
bán là lớn nhất.
1.Viết phương trình hàm cầu của thị trường ?
2. Giả sử lượng cung sản phẩm A cố định ở mức 250 đơn vị. Hãy xác định giá và lượng cân bằng của thị
trường?
3. Giả sử người tiêu dùng được trợ cấp mỗi sản phẩm là 4$. Viết phương trình hàm cầu mới để
tính giá và lượng cân bằng mới? Phần trợ cấp này của Chính phủ ai là người được hưởng? Tại
sao?
4. Minh hoạ các kết quả trên lên cùng một đồ thị?
Bài 5. Một người tiêu dùng có thu nhập I = 80.000đồng để mua hàng hoá X và Y.
Biết rằng giá 2 hàng hoá là PX = 4.000 đ và PY = 2.000 đ. Hàm lợi ích của người tiêu dùng này là
TU(x,y) = X.Y
Yêu cầu:
1. Viết phương trình đường ngân sách cho người tiêu dùng và biểu diễn lên đồ thị?
2. Tính MUX , MUY và tỷ lệ thay thế cận biên (MRS) giữa 2 hàng hoá X , Y?
3. Xác định lượng hàng hoá X vàY mà người tiêu dùng sẽ mua để tối đa hoá lợi ích? Tính tổng
lợi ích tối đa đó?
4. Giả sử thu nhập của người tiêu dùng và giá hàng hóa X không đổi còn giá hàng hóa Y là P Y1 =
4.000đ thì đường ngân sách của người tiêu dùng sẽ thay đổi như thế nào? Khi đó người tiêu dùng
này sẽ mua bao nhiêu hàng hoá X và Y để tối đa hoá lợi ích?
Bài 6: Một người tiêu dùng có thu nhập bổ sung hàng tháng là 300 nghìn đồng để mua mua kem
(I) và xem phim (F).
1. Nếu Giá kem là 6 nghìn đồng/chiếc, giá vé xem phim là 5 nghìn đồng/vé. Viết phương trình
ngân sách và minh hoạ lên đồ thị??
2. Nếu giá kem giảm giá xuống 2 nghìn đồng/chiếc. Hãy vẽ đường ngân sách mới cho người
này?
3. Giả sử người tiêu dùng có hàm lợi ích TU (I,F) = I.F + F. Khi đó quyết định tối ưu của người
tiêu dùng sẽ như thế nào trong 2 trường hợp trên? Minh hoạ quyết định này lên đồ thi?
Bài 7: Hàm lợi ích của một người tiêu dùng được cho bởi: TU(X,Y) = X*Y
1. Giả sử lúc đầu người này tiêu dùng 4 đơn vị X và 12 đơn vị Y. Nếu việc tiêu dùng hàng hoá Y
giảm xuống còn 8 đơn vị thì người này có bao nhiêu đơn vị hàng hoá X để vẫn thoả mãn như lúc
đầu?
2. Người này thích tập hợp nào hơn trong hai tập hợp sau: 3 đơn vị X và 10 đơn vị Y; 4 đơn vị X
và 8 đơn vị Y?

93
3. Hãy xét hai tập hợp sau: (8; 12) và (16; 6) thì người này có bàng quan giữa hai tập hợp này
không?
Bài 8: Hàm sản xuất trong ngắn hạn với một đầu vào biến đổi X của một doanh nghiệp có dạng:
Q = 10X + X2 - 0,1 X 3
1. Viết phương trình năng suất cận biên và năng suất trung bình của X (MPX và APX)?
2. Sản lượng cực đại của doanh nghiệp trong ngắn hạn là bao nhiêu? Khi đó doanh nghiệp phải sử
dụng bao nhiêu đầu vào X?
3. Ở mức sản lượng nào sẽ diễn ra hiện tượng năng suất cận biên giảm dần ?
4. Ở mức sản lượng nào thì năng suất trung bình là lớn nhất?
5. Minh hoạ các kết quả trên lên cùng một đồ thị?
Bài 9: Hàm sản xuất ngắn hạn biểu hiện mối quan hệ giữa năng suất lúa (Q) và lượng phân đạm
X (đơn vị tính kg/ha) được biểu diễn bằng phương trình sau: Q = 2.500 + 25X - 0,1X2.
1. Viết phương trình năng suất cận biên và năng suất trung bình của X (MPX và APX)?
2. Ở mức phân bón nào thì năng suất lúa đạt trị số cực đại?
3. Nếu giá thóc PY = 4.000 đ/kg và giá đạm PX = 8.000 đ/kg thì mức bón đạm nào là tối ưu? Khi
đó năng suất lúa và lợi nhuận thu được bằng bao nhiêu?
Bài 10: Một hãng tồn tại trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo có số liệu về sản lượng và chi phí
như sau:
Q 0 1 2 3 4 5 6 7 8 9
TC($) 12 27 40 51 60 70 80 91 104 120
1. Hãy tính các trị số tương ứng của : FC;VC ; AFC ; AVC ; ATC ; MC và vẽ đồ thị các loại chi
phí đó ?
2. Xác định các mức giá: hoà vốn, đóng cửa, có nguy cơ phá sản của hãng ?
3. Nếu giá bán sản phẩm trên thị trường là 16$ thì sản lượng tối ưu và lợi nhuận tối đa của hãng là
bao nhiêu?
4. Nếu giá bán sản phẩm trên thị trường là 13$ thì hãng có nên tiếp tục sản xuất hay đóng cửa?
Tại sao?
Bài 11: Một nhà độc quyền có hàm cầu về sản phẩm là P = 186 - Q và hàm tổng chi phí
TC = 0,1Q2 + 10Q + 2.400.
1. Xác định sản lượng, giá bán, lợi nhuận khi doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu:
a. Tối đa hoá lợi nhuận? Khi đó độ co dãn cầu theo giá là bao nhiêu?
b. Tối đa hoá doanh thu?
2. Nếu doanh nghiệp phải nộp một khoản thuế cố định T = 1000$ thì thuế này có ảnh hưởng gì
đến sản lượng tối ưu, giá bán và lợi nhuận của doanh nghiệp? Giải thích tại sao?
3. Nếu nhà nước đánh thuế 22$/sản phẩm bán ra thì sản lượng, giá bán và lợi nhuận của doanh
nghiệp là bao nhiêu? Tính tổng tiền thuế doanh nghiệp phải nộp trong trường hợp này?
4. Nếu doanh nghiệp có thể nhập khẩu sản phẩm cùng loại từ nước ngoài với giá nhập tại doanh
nghiệp là PW = 86$ thì doanh nghiệp sẽ nhập bao nhiêu sản phẩm và bán ra với giá nào để tối đa
hoá lợi nhuận?
Bài 12: Một doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo có hàm tổng chi phí TC = Q2 + Q +100.(TC tính
bằng $)
1. Viết phương trình biểu diễn các loại chi phí: VC ; TC ; AFC ; AVC ; ATC và MC? Minh hoạ
các loại chi phí đó lên đồ thị?

94
2. Tìm mức giá và sản lượng hoà vốn của doanh nghiệp? Khi giá bán sản phẩm trên thị trường là
5$, doanh nghiệp nên tiếp tục sản xuất hay đóng cửa? Tại sao?
3. Nếu giá thị trường của sản phẩm là 37$, doanh nghiệp nên sản xuất bao nhiêu sản phẩm để tối
đa hoá lợi nhuận? Xác định lợi nhuận tối đa đó?

95
PHẦN C
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CỦA KINH TẾ HỌC VĨ MÔ

Chương 1
KHÁI QUÁT KINH TẾ HỌC VĨ MÔ

1.1. HỆ THỐNG KINH TẾ VĨ MÔ


Có nhiều cách mô tả hoạt động kinh tế vĩ mô, nhưng cách mô tả được nhiều người thừa
nhận nhất là theo phương pháp tiếp cận hệ thống - hệ thống kinh tế vĩ mô.
Theo quan điểm của P. A. Samuelson, hệ thống kinh tế vĩ mô được đặc trưng bởi 3 yếu tố:
đầu vào, đầu ra và hộp đen của nền kinh tế.
1.1.1. Các yếu tố đầu vào của hệ thống kinh tế vĩ mô
Nếu so sánh giữa yếu tố đầu vào của kinh tế vi mô và vĩ mô thì các yếu tố đầu vào trong
nền kinh tế vĩ mô bao giờ cũng rộng hơn, phức tạp hơn. Các yếu tố đầu vào trong nền kinh tế vĩ
mô bao gồm:
- Những yếu tố tác động từ bên ngoài (các yếu tố phi kinh tế) bao gồm qui mô dân số, điều
kiện tự nhiên, chiến tranh, sản lượng nước ngoài…). Một quốc gia có qui mô dân số đông, chất
lượng dân số cao, điều kiện tự nhiên thuận lợi (diện tích đất đai lớn, màu mỡ; khí hậu thời tiết
thuận lợi), và không có chiến tranh thì thuận lợi cho phát triển kinh tế của quốc gia đó và ngược
lại.
- Những yếu tố tác động từ chính sách bao gồm: chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ,
chính sách thu nhập, chính sách kinh tế đối ngoại,… Các chính sách này là một yếu tố đầu vào rất
quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Chính vì lẽ đó mà quốc gia nào có chính sách tốt, phù
hợp, đi vào lòng dân thì nền kinh tế ở quốc gia đó phát triển bền vững, ổn định, tạo nhiều việc
làm, nâng cao được đời sống của dân chúng.
1.1.2. Các yếu tố đầu ra của hệ thống kinh tế vĩ mô
Đầu ra là kết quả hoạt động của nền kinh tế dưới tác động của những biến số đầu vàovà cơ
chế vận hành của bản thân nó, đó là sản lượng, việc làm, giá cả, xuất khẩu, nhập khẩu, tỷ giá hối
đoái… Những yếu tố đầu ra trên được lượng hoá thành các mức độ về các chỉ tiêu sản lượng, tỷ lệ
thất nghiệp, tốc độ lạm phát, xuất siêu, nhập siêu, cán cân thanh toán quốc tế…
1.1.3. Hộp đen của nền kinh tế vĩ mô
Hộp đen của nền kinh tếlà yếu tố trung tâm nhất của hệ thống kinh tế vĩ mô. Hoạt động
của hộp đen như thế nào sẽ quyết định đến số lượng và chất lượng các biến số đầu ra. Hai lực
lượng quyết định đến hoạt động của hộp đen kinh tế vĩ mô là tổng cầu và tổng cung.
a. Tổng cầu (AD)
- Tổng cầu là tổng lượng hàng hoá và dịch vụ mà các tác nhân trong nền kinh tế(hộ gia
đình, doanh nghiệp, chính phủ và người nước ngoài) sử dụng tương ứng với mỗi một mức giá,
mức thu nhập và các biến số kinh tế khác trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
- Tổng cầu của nền kinh tế phụ thuộc vào các nhân tố chủ yếu sau: mức giá chung của nền
kinh tế (P), thu nhập của dân chúng (thu nhập có quyền sử dụng DI), qui mô dân số hay qui mô

96
P P
ASsr

P1
P2

P2
P1
AD

O Q1 Q2 Q O Q1 Q2
Q
Hình 1 -1. Đường tổng cầu Hình 1- 2. Đường tổng cung

thị trường, chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước (thuế, chi tiêu của chính phủ), kỳ vọng của
người tiêu dùng và các doanh nghiệp về tình hình kinh tế và khoa học công nghệ…
- Đường tổng cầu luôn luôn có khuynh hướng dốc xuống từ trái sang phải (với điều kiện
các yếu tố khác không đổi), điều này hàm ý khi mức giá chung giảm đi thì tổng cầu tăng lên (hình
1.1).
- Đường tổng cầu sẽ dịch chuyển do các yếu tố ngoại sinh (thu nhập dân chúng, chính
sách kinh tế vĩ mô, qui mô dân số…) và di chuyển do các yếu tố nội sinh (mức giá chung của nền
kinh tế).
b. Tổng cung (AS)
Tổng cung là tổng lượng hàng hóa và dịch vụ mà các tác nhân trong nền kinh tế sản xuất
và bán ra tương ứng với mỗi một mức giá chung (P) với chi phí sản xuất và khả năng sản xuất đã
cho trước trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
- Tổng cung của nền kinh tế chịu nhiều tác động của các yếu tố, đó là: mức giá chung, chi
phí sản xuất, tiến bộ khoa học công nghệ, chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước, kỳ vọng của các
nhà sản xuất…
- Đường tổng cung luôn có khuynh hướng dốc lên (với điều kiện các yếu tố khác không
đổi) về phía phải. Điều đó có nghĩa là khi mức giá chung tăng thì tổng cung tăng (hình 1.2).
Tuy nhiên trong ngắn hạn và dài hạn đường tổng cung cũng khác nhau. Trong ngắn hạn đường
tổng cung ban đầu tương đối nằm ngang, đường tổng cung dài hạn dốc đứng gần song song với
trục tung.
- Đường tổng cung cũng dịch chuyển do các yếu tố ngoại sinh(như chi phí sản xuất, đổi
mới khoa học công nghệ, chính sách kinh tế vĩ mô…) và di chuyển do các yếu tố nội sinh (mức
giá chung của nền kinh tế).

97
P ASLr
ASSr

Q
O Qp

Hình 1 - 3. Đường tổng cung trong ngắn hạn và dài hạn

1.1.4. Ba trạng thái cân bằng của nền kinh tế


a. Trạng thái cân bằng thứ nhất - trạng thái cân bằng tối ưu:
Trạng thái cân bằng tối ưu là trạng thái mà tại đó tổng cầu (AD) bằng tổng cung (AS) và sản
lượng thực tế (Qa, Ya) bằng sản lượng tiềm năng (Qp, Yp).
P
ASLr
ASSr

Pa
AD
O Q(Y)
Qa = QP

Hình 1 - 4. Trạng thái cân bằng tối ưu


Khi nghiên cứu
trạng thái cân bằng, người ta rút ra một nhận xét:
+ Tại trạng thái này, việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khan hiếm là có hiệu quả
nhất.
+ Lượng sản xuất đáp ứng được lượng cầu, người tiêu dùng mua sản phẩm hàng hoá dịch
vụ với giá phù hợp.
b. Trạng thái cân bằng thứ hai - trạng thái cân bằng của nền kinh tế suy thoái.
Trạng thái cân bằng của nền kinh tế suy thoái là trạng thái mà tại đó AD =AS và Qa < QP.

98
Từ trạng thái cân bằng này ta có thể thấy rằng: chưa khai thác và sử dụng hết các nguồn lực khan
hiếm, người tiêu dùng mua được ít sản phẩm hàng hoá dịch vụ, nhưng phải mua với giá cao. Với
trạng thái cân bằng này có trường hợp sẽ xảy ra vừa suy thoái vừa lạm phát.

P ASLr
ASSr

Pa
A
AD
O Q(Y)
Qa QP

Hình 1 - 5. Trạng thái cân bằng của nền kinh tế suy thoái

c.Trạng thái cân bằng thứ ba - trạng thái cân bằng của nền kinh tế thịnh vượng.

ASLr
P,AD,
AS ASSr

Pa
A
AD

O Q(Y)
QP Qa

Hình 1 - 6. Trạng thái cân bằng của nền kinh tế thịnh vượng

Trạng thái cân bằng của nền kinh tế thịnh vượng là trạng thái mà tại đó AD=AS và Qa >> Qp.
Từ trạng thái này chúng ta có một số nhận xét sau:
+ Tại trạng thái này, việc khai thác và sử dụng các nguồn lực là lãng phí.
+ Người tiêu dùng mua được nhiều sản phẩm hàng hoá dịch vụ nhưng phải mua với giá
rất cao. Ở trạng thái này dễ xảy ra lạm phát cao.
Tóm lại, hệ thống kinh tế vĩ mô được đúc kết lại qua sơ đồ 1-7 sau:

99
Các yếu tố đầu vào Hộp đen của nền kinh tế Các yếu tố đầu ra

Sản lượng (Tăng


Các biến số bên ngoài trưởng kinh tế - V%)
(chiến tranh, điều kiện AD
ASsr
tự nhiên Dân số)
Việc làm (Tỷ lệ thất
nghiệp - Ui %)

Giá cả (tỷ lệ lạm


Các biến số chính sách phát - i%)
( tài khoá, tiền tệ, thu
nhập, kinh tế đối ngoại)
Cán cân thương mại
và thanh toán QT
NX(NX (NX)

Sơ đồ 1.7. Hệ thống kinh tế vĩ mô

1.2. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHÍNH SÁCH KINH TẾ VĨ MÔ


1.2.1. Mục tiêu của kinh tế vĩ mô
Để đánh giá thành tựu kinh tế vĩ mô, người ta thường dùng các dấu hiệu quan trọng: ổn
định, tăng trưởng và công bằng xã hội. Để đạt được dấu hiệu đó các chính sách kinh tế vĩ mô phải
hướng tới những mục tiêu sau:
a. Mục tiêu sản lượng và tăng trưởng kinh tế
Để đạt được mục tiêu trên các chính sách kinh tế vĩ mô phải hướng tới 2 nội dung lớn là:
- Đạt được sản lượng thực tế cao, tương ứng với sản lượng tiềm năng. Chỉ tiêu để đánh giá
là Tổng sản phẩm quốc dân thực tế hoặc tổng sản phẩm quốc nội thực tế.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định và vững chắc.
Để tính tốc độ tăng trưởng kinh tế người ta áp dụng công thức:
GNPri(GDPri) - GNPri - 1 (GDPri - 1 )
V(%) = ------------------------------------------- * 100
GNPri - 1 (GDPri - 1 )

Trong đó: GNPri(GDPri) là tổng sản phẩm quốc dân (hay tổng sản phẩm quốc nội) năm thứ i;
GNPri - 1(GDPri - 1) là tổng sản phẩm quốc dân (hay tổng sản phẩm quốc nội) năm thứ i - 1

100
Tuy nhiên tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, từng thời kỳ mà xác định tốc độ
tăng trưởng cho phù hợp.
Hiện nay các nhà kinh tế dựa vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mà chia ra các cấp độ tăng trưởng: tăng
trưởng kinh tế chậm (1-3%), vừa phải (4-5%), nhanh (6-9%), quá nhanh, nóng (>10%).
b. Mục tiêu việc làm
Giải quyết mục tiêu việc làm có ý nghĩa lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội . Muốn thực
hiện được mục tiêu trên phải thực hiện được:
- Tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tự nguyện và
không tự nguyện, duy trì ở mức thất nghiệp tự nhiên là điều kiện tốt cho sự phát triển kinh tế.
- Giải quyết việc làm luôn gắn với lao động, lao động có việc làm thì mới có thu nhâp là
cơ sở để cải thiện và nâng cao đời sống cho họ và gia đình. Chính vì lã đó nó tác động tới an
ninh, chính trị xã hội và củng cố niềm tin đối với Đảng, Nhà nước.
c. Mục tiêu ổn định giá cả
- Giá cả được coi như bộ phận thần kinh của nền kinh tế. Giá cả biến động lớn tác động
mạnh, toàn diện đến hệ thống kinh tế. Nên bất kể một quốc gia nào mục tiêu kinh tế vĩ mô không
thể không hướng tới giá cả ổn định.
- Giá cả ổn định trong thị trường tự do là không để giá cả tăng lên quá cao và cũng không
để giảm xuống quá thấp, như vậy nền kinh tế mới vận hành một cách trôi chảy.
- Giá cả ổn định không có nghĩa là ở một mức giá (giá cả cứng nhắc), nó có thể lên, xuống
trong phạm vi cho phép do có các yếu tố tác động đến tổng cầu và tổng cung.
- Sự ổn định của giá cả được đo bằng tỷ lệ lạm phát cao hay thấp. Lạm phát ở một tỷ lệ
trông đợi (vừa phải) thì giá cả ổn định.
- Để đánh giá sự vận hành của giá cả với ổn định nền kinh tế vĩ mô, các nhà kinh tế
thường so sánh tỷ lệ lạm phát với tăng trưởng kinh tế. Một khi tỷ lệ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng
trưởng kinh tế là dấu hiệu biểu hiện nền kinh tế phát triển, ổn định, vững chắc.
- Vai trò của chính phủ có ý nghĩa lớn đến ổn định giá cả thị trường.
d. Mục tiêu kinh tế đối ngoại
Trong điều kiện giao lưu kinh tế ngày càng phát triển, quan hệ quốc tế ngày càng cao, chặt
chẽ, nên chỉ cần một biến động của kinh tế thế giới thì ảnh hưởng không nhỏ nền kinh tế trong
nước và ngược lại. Chính vì lẽ đó mục tiêu kinh tế đối ngoại của các quốc gia là hết sức quan
trọng.
Để đạt mục tiêu trên thì cần phải thực hiện 2 nội dung:
- Cân bằng cán cân thanh toán quốc tế đặc biệt là cân bằng cán cân thương mại (cân bằng
xuất nhập khẩu)
- Ổn định tỷ giá hối đoái (trong dài hạn phải hướng tới làm tăng tỷ giá hối đoái)
Muốn thực hiện tốt hai nội dung trên cần phải chủ động được ngoại thương, đa dạng hoá
hoạt động ngoại thương và có chính sách phù hợp để chủ động điều tiết tỷ giá hối đoái.
e. Mục tiêu công bằng xã hội
Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của kinh tế vĩ mô, mục tiêu này được
thể hiện:

101
- Phân phối công bằng, phân phối làm sao phải hài hoà giữa các lợi ích: lợi ích nhà nước,
lợi ích doanh nghiệp và lợi ích người lao động. Nhưng phân phối công bằng không có nghĩa là
phân phối bình quân.
Quan hệ giữa các thành viên trong xã hội đều bình đẳng
- Giảm thiểu khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.
Để giải quyết được mục tiêu này, vai trò của chính phủ có tác động rất lớn thông qua các
chính sách kinh tế vĩ mô để điều tiết nhằm phân phối lại thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội.
Tóm lại: các mục tiêu của kinh tế vĩ mô đều hướng vào nền kinh tế đạt trạng thái cân bằng tối ưu,
sản lượng cao, ổn định, toàn dụng nhân công (tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên), tỷ lệ lạm
phát vừa phải, tỷ giá hối đoái ổn định, cán cân thanh toán quốc tế cân bằng và công bằng xã hội .
Tuy nhiên khi nghiên cứu các mục tiêu trên chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuỳ điều kiện cụ thể của mỗi nước khác nhau, từng giai đoạn lịch sử khác nhau mà xếp
thứ tự ưu tiên các mục tiêu trên cho phù hợp, không được áp dụng rập khuôn, máy móc.
- Các mục tiêu trên đều ở trạng thái lý tưởng, do vậy trong thực tế các chính sách vĩ mô
chỉ có thể tối thiểu hoá các sai lệch so với trạng thái lý tưởng.
- Các mục tiêu trên có quan hệ biện chứng với nhau và đều hướng tới tăng trưởng kinh tế
để dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Tuy nhiên cũng cần nhận thức rõ,
trong một số trường hợp có thể xuất hiện những xung đột, mâu thuẫn trong ngắn hạn, lúc đó các
nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu để lựa chọn thứ tự ưu tiên cho phù hợp.
- Giải quyết tốt các mục tiêu trên phải gắn liền kinh tế - chính trị xã hội và môi trường
sinh thái.
1.2.2. Các chính sách kinh tế vĩ mô
Để thực hiện được các mục tiêu kinh tế vĩ mô, nhà nước và chính phủ thường sử dụng các
chính sách kinh tế vĩ mô, coi đó là những công cụ không thể thiếu được trong nền kinh tế hỗn
hợp. Tuy nhiên mỗi chính sách có những công cụ riêng, mức độ tác động khác nhau vàp nền kinh
tế nên khi vận hành phải hết sức linh hoạt cho phù hợp với từng thời kỳ. Sau đây là một số chính
sách kinh tế vĩ mô chủ yếu.
a. Chính sách tài khoá
- Chính sách tài khoá là việc chính phủ sử dụng thuế khoá và chi tiêu công cộng để điều tiết mức
chi tiêu chung của nền kinh tế
- Mục tiêu của chính sách tài khoá là nhằm điều chỉnh thu nhập và chi tiêu của chính phủ để
hướng nền kinh tế đạt mức sản lượng tiềm năng và việc làm mong muốn. Để đạt được mục tiêu
này, thực thi chính sách tài khoá nhằm giải quyết:
+ Trong ngắn hạn: Thực thi chính sách này nhằm chống suy thoái, chống lạm phát, tiến tới
cân bằng ngân sách.
+ Trong dài hạn: Thực thi chính sách này làm tăng tư bản của nền kinh tế, góp phần tạo
nên sự thay đổi từng bước về cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ và hiệu quả cao giúp cho sự tăng
trưởng và phát triển sản lượng tiềm năng trong dài hạn.
- Cơ quan thay mặt chính phủ tổ chức chỉ đạo thực hiện: Bộ tài chính, Tổng cục thuế kết hợp với
hệ thống Kho bạc nhà nước.

102
- Công cụ tác động: 2 công cụ để thực thi chính sách tài khoá đó là thuế và chi tiêu của chính phủ
+ Thuế (T): Nguồn thu ngân sách chủ yếu của chính phủ. Chính phủ định ra thuế, thuế bao
gồm thuế trực thu (Td) và thuế gián thu (Te). Thuế tác động tới tổng cầu và sản lượng, đầu tư, chi
tiêu của dân chúng…, do vậy mức thuế hợp lý sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển và ngược lại.
+ Chi tiêu của chính phủ (G): Chính phủ cũng là một tác nhân trong nền kinh tế, nên
chính phủ cũng cần phải chi tiêu nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, sản
xuất, đời sống, đối nội, đối ngoại… Chi tiêu của chính phủ bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng cần
thiết cho sản xuất đời sống; chi cho phát triển kinh tế văn hoá xã hội cho các vùng và các địa
phương; chi cho an ninh quốc phòng, chi cho giáo dục, y tế, đối nội, đối ngoại, bộ máy quản lý
hành chính…
- Đối tượng tác động: tác động vào tổng cầu (AD) thông qua chi tiêu của chính phủ (G) và tiêu
dùng của dân chúng (qua thuế)
- Cơ chế tác động: tuỳ thuộc vào ngắn hạn hay dài hạn, mục tiêu của chính phủ và trạng thái của
nền kinh tế (suy thoái hay thịnh vượng) mà có cơ chế tác động cho phù hợp.
+ Trong ngắn hạn:
* Với mục tiêu là chống suy thoái thì cơ chế tác động là tăng chi tiêu của chính phủ (G tăng),
giảm thuế (T giảm), làm cho tổng cầu tăng (AD tăng) dẫn đến sản lượng thực tế tăng (Qa tăng)
tiến sát dần tới sản lượng tiềm năng, như vậy thực hiện mục tiêu .
* Với mục tiêu là chống lạm phát thì cơ chế tác động là giảm chi tiêu của chính phủ (G giảm),
tăng thuế (T tăng) làm cho tổng cầu giảm (AD giảm) thì lạm phát sẽ giảm nhưng nền kinh tế sẽ
suy thoái (do sản lượng thực tế giảm).
+ Trong dài hạn: cần lưu ý 2 trường hợp:
* Đối với những ngành phục vụ cho đầu tư (khu vực I) thì G tăng, T giảm dẫn đến AD tăng, do
vậy Qa và Qp tăng.
* Đối với hàng tiêu dùng (khu vực II) thì G giảm, T tăng dẫn đến lạm phát giảm, đầu tư tăng (I
tăng) do lãi suất giảm, nên AD tăng, do vậy Qa và Qp tăng.
Tuy nhiên trong quá trình vận dụng chính sách tài khoá ta có thể áp dụng chính sách tài
khoá cùng chiều hoặc ngược chiều tuỳ theo mục tiêu của chính phủ lựa chọn và trạng thái kinh tế
của nền kinh tế.
b. Chính sách tiền tệ
- Chính sách tiền tệ là việc chính phủ sử dụng mức cung tiền và lãi suất đến quản lý và điều tiết
nền kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã định.
- Mục tiêu của chính sách tiền tệ là kiểm soát được lượng cung ứng tiền tệ trên thị trường, thông
qua việc điều hoà mức cung tiền tệ cho phù hợp với mục tiêu của nền kinh tế cả khi nền kinh tế
vừa suy thoái vừa lạm phát.
- Cơ quan tổ chức chỉ đạo thực hiện: ngân hàng trung ương (ngân hàng nhà nước)
- Công cụ tác động: hai công cụ được dùng trong chính sách này là mức cung tiền (MS), lãi suất
(r) và tỷ giá hối đoái (e). Chính phủ sử dụng những công cụ này nhằm điều chỉnh lượng tiền cho
tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu của chính phủ (G)… hoặc theo giác độ khác, điều chỉnh lượng
tiền trong sản xuất, đầu tư, tiết kiệm… cũng như điều chỉnh lượng tiền cho các hoạt động kinh tế

103
thuộc các ngành, các lĩnh vực khác khau. Ngoài ra NHTW thông qua việc điều tiết tỷ giá hối đoái
để tác động đến xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại.
- Đối tượng tác động: tác động vào tổng cầu (AD) mà chủ yếu tác động đến đầu tư, tiêu dùng dân
chúng và xuất nhập khẩu; điều đó có nghĩa là nó tác động đến sản lượng kể cả trong ngắn hạn và
dài hạn
- Cơ chế tác động: tuỳ theo mục tiêu của chính phủ trong ngắn hạn, dài hạn và trạng thái của nền
kinh tế .
+ Trong ngắn hạn:
* Với mục tiêu là chống suy thoái thì cơ chế tác động của chính sách tiền tệ tăng mức cung tiền
(hoặc giảm lãi suất) thì lãi suất giảm (r giảm), đầu tư tăng, chi tiêu dân chúng tăng… dẫn đến
tổng cầu tăng (AD tăng) và sản lượng thực tế tăng tiến sát dẫn tới sản lượng tiềm năng, điều đó có
nghĩa là thực hiện được mục tiêu.
* Với mục tiêu là chống lạm phát cao thì cơ chế tác động là giảm mức cung tiền (hoặc tăng lãi
suất) làm cho lãi suất tăng, đầu tư giảm, chi tiêu dân chúng giảm… dẫn đến tổng cầu giảm, sản
lượng thực tế giảm nhưng lại hạn chế được lạm phát.
+ Trong dài hạn: với mục tiêu là tăng sản lượng tiềm năng nên cơ chế tác động là tăng
lượng cung tiền (hoặc giảm lãi suất), lãi suất giảm, đầu tư dài hạn tăng, tổng cầu tăng làm tăng
sản lượng thực tế tiến sát tới sản lượng tiềm năng theo xu hướng tăng lên trong dài hạn.
Tuy nhiên khi áp dụng chính sách tiền tệ cần lưu ý áp dụng chính sách tài khoá mở rộng,
chính sách tài khoá thu hẹp phải linh hoạt cho phù hợp với từng thời kỳ của nền kinh tế.
c. Chính sách thu nhập
- Chính sách thu nhập là việc chính phủ sử dụng tiền lương (W) và mức giá chung của nền kinh tế
để quản lý và điều tiết nền kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã định
- Mục tiêu của chính sách tiền tệ là tăng thu nhập cho dân chúng để họ chủ động cho cuộc sống
và điều chỉnh lại thu nhập giữa các thành viên trong xã hội.
- Cơ quan thay mặt chính phủ tổ chức chỉ đạo thực hiện: bao gồm Bộ lao động thương binh xã
hội, Bộ tài chính, Bộ nội vụ cùng phối hợp chỉ đạo thực hiện.
- Công cụ tác động gồm:
+ Tiền lương (tiền công) và các khoản phụ cấp theo tiền lương (tiền công).
+ Mức giá chung của nền kinh tế
+ Một số các công cụ mềm dẻo khác như khuyến khích nộp thuế thu nhập.
- Đối tượng tác động:
+ Tác động đến tổng cầu (AD) thông qua tác động vào tiêu dùng
+ Tác động đến tổng cung ngắn hạn vì khi tiền lương tăng thì điều đó cung có nghĩa là chi
phí sản xuất tăng, tác động đến cung ngắn hạn giảm (với điều kiện các yếu tố khác không đổi)
Với đối tượng tác động như vậy nên phải hết sức thận trong khi sử dụng chính sách này.
- Cơ chế tác động: hết sức linh hoạt, thận trọng, phải đảm bảo cơ chế tốc độ tăng tiền lương
nhanh hơn tốc độ tăng giá, có như vậy tiền lương thực tế tăng, mới thực hiện được mục tiêu của
chính sách thu nhập.
d. Chính sách kinh tế đối ngoại

104
- Chính sách kinh tế đối ngoại là việc chính phủ sử dụng công cụ chế độ bảo hộ mậu dịch, tỷ giá
hối đoái và một số công cụ khác nhằm quản lý và điều tiết nền kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã
định.
- Mục tiêu của chính sách kinh tế đối ngoại là chủ động trong cán cân thanh toán quốc tế, đặc biệt
là cán cân thương mại (cân bằng xuất nhập khẩu) và giữ vững (hoặc làm tăng) tỷ giá hối đoái.
- Cơ quan thay mặt chính phủ tổ chức chỉ đạo là Bộ công thương, Ngân hàng trung ương và các
bộ ngành có liên quan cùng phối hợp tổ chức thực hiện.
- Công cụ tác động: chủ yếu dùng 2 công cụ đó
+ Chế độ bảo hộ mậu dịch: bao gồm dùng công cụ hàng rào thuế quan (như những hàng
hoá dịch vụ nào được xuất, nhập; sắc thuế của từng hàng hoá dịch vụ xuất nhập là bao nhiêu…)
và hạn ngạch xuất nhập khẩu (quota xuất nhập khẩu).
+ Tỷ giá hối đoái: là giá cả một đơn vị tiền tệ của một nước tính bằng tiền tệ của nước
khác, hay nói một cách khác tỷ giá hối đoái là số lượng tiền nội tệ cần thiết để mua một đơn vị
ngoại tệ
Tỷ giá hối đoái là một vũ khí lợi hại trong hoạt động ngoại thương và cạnh tranh trên thị
trường.
- Đối tượng tác động: tác động đến tổng cầu (AD) thông qua tác động đến xuất khẩu (EX) và
nhập khẩu (IM).
- Cơ chế tác động: tuỳ thuộc vào mục tiêu của chính phủ và trạng thái đạt được của nền kinh tế.
+ Với mục tiêu là chống suy thoái thì cơ chế tác động là giảm tỷ giá hối đoái (đồng tiền
nội tệ mất giá trên trường quốc tế), giảm thuế xuất khẩu, tăng hạn ngạch xuất khẩu, và các biện
pháp hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu . Thực hiện tốt cơ chế trên làm cho tổng cầu tăng, sản lượng tăng
đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.
+ Với mục tiêu là chống lạm phát thì cơ chế tác động là làm tăng tỷ giá hối đoái (đồng nội
tệ có giá trên trường quốc tế), đồng thời tăng thuế nhập khẩu hàng hoá dịch vụ, hạn chế hạn ngạch
nhập khẩu và các biện pháp hỗ trợ khác nhằm hạn chế nhập khẩu. Có như vậy lạm phát mới được
kiềm chế nhưng giảm sự phát triển kinh tế.
Tóm lại: mỗi chính sách có công cụ tiêng để thực hiện được các mục tiêu của kinh tế vĩ mô. Để
các chính sách phát huy được tác dụng cần phải sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chính
sách với nhau đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

105
Chương 2
CHỈ TIÊU ĐO LƯỜNG THÀNH TỰU KINH TẾ QUỐC DÂN

2.1. TỔNG SẢN PHẨM QUỐC DÂN


2.1.1. Một số khái niệm cơ bản
a.Tổng sản phẩm quốc dân(GNP)
Là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị bằng tiền của tất cả hàng hoá và dịch vụ cuối cùng mà
một quốc gia sản xuất ra trong một thời kỳ (thường là một năm) bằng các yếu tố sản xuất của
mình.
Như vậy, tổng sản phẩm quốc dân đánh giá kết quả của hàng triệu giao dịch và hoạt động
kinh tế do công dân của một nước tiến hành trong một thời kỳ nhất định. Đó chính là con số đạt
được khi dùng thước đo tiền tệ tính toán giá trị của hàng hoá khác mà các hộ gia đình, các hãng
kinh doanh, chính phủ tiêu dùng và mua sắm trong một năm. Những hàng hoá và dịch vụ đó là
các hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình, thiết bị, nhà xưởng mua sắm và
xây dựng lần đầu của các hãng kinh doanh, nhà cửa mới xây dựng, hàng hoá và dịch vụ mà các cơ
quan nhà nước mua sắm và phần chênh lệch giá trị hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá nhập khẩu.
Dùng để đo lường giá trị sản phẩm, qua giá cả thị trường chúng ta có thể cộng giá trị của
các hàng hoá có hình thức và nội dung vật chất khác nhau. Như vậy, có thể đo lường kết quả sản
xuất của toàn bộ nền kinh tế chỉ bằng con số.
Nhưng giá cả lại là thước đo co dãn, lạm phát thường đưa mức giá chung lên cao. Do vậy,
tổng sản phẩm quốc dân tính bằng hiện vật không tăng hoặc tăng chậm.
Nhưng giá cả lại là thước đo co dãn, lạm pháp thường đẩy mức giá chung lên cao. Do vậy,
tổng sản phẩm quốc dân tính bằng tiền có thể tăng nhanh trong khi tổng sản phấm quốc dân tính
bằng hiện vật không tăng hoặc tăng chậm.
Để khắc phục nhược đỉêm này các nhà kinh tế sử dụng cặp khái niệm:
- Tổng sản phẩm quốc dân danh nghĩa (GNPn) đo lường tổng sản phẩm quốc dân theo giá
hiện hành (giá cả của cùng thời kỳ, hay còn gọi là giá thị trường)
- Tổng sản phẩm quốc dân thực tế (GNPr) đo lường tổng sản phẩm quốc dân theo giá cả cố
định ở thời kỳ được lấy làm gốc.
Cầu nối giữa GNPn và GNPr là chỉ số giá cả, còn gọi là chỉ số lạm phát (D%). Một số tài
liệu còn dùng cụm từ “hệ số điều chỉnh GNP”
GNPn GNPn
D% = -------- * 100 hay GNPr = -------
GNPr D%
+ Muốn nghiên cứu mối quan hệ tài chính, tín dụng người ta dùng GNPn ; còn khi tính tốc
độ tăng trưởng kinh tế người ta dùng GNPr
b. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị bằng tiền của tất cả hàng hoá dịch vụ cuối cùng của một
nền kinh tế sản xuất ra trong một khoảng thời gian (thường là một năm) trong phạm vi lãnh thổ
một quốc gia.

106
+ GDP là giá thị trường: GDP cộng rất nhiều loại sản phẩm thành một chỉ tiêu duy nhất về
giá trị của hoạt động kinh tế. Muốn vậy nó phải sử dụng giá thị trường (biểu hiện số tiền mà mọi
người sẵn sàng chi trả cho các hàng hoá khác nhau).
+ Của tất cả: Nó bao gồm tất cả các hàng hoá dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế
GDP không tính những sản phẩm được sản xuất và bán ra trong nền kinh tế ngầm.
+ Hàng hoá và dịch vụ: GDP bao gồm cả những hàng hoá hữu hình (thực phẩm, quần áo,
xe hơi…) và những dịch vụ vô hình (cắt tóc, khám bệnh…)
+ Cuối cùng: GDP chỉ bao gồm giá trị của nhưng hàng hoá cuối cùng.
+ Được sản xuất ra: GDP bao gồm mọi hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong quá
khứ.
+ Trong phạm vi một nước: Các sản phẩm được đưa vào GDP của một quốc gia khi
chúng được sản xuất trên lãnh thổ quốc gia đo bất kỳ nhà sản xuất có quốc tịch nước nào.
+ Trong một thời kỳ nhất định: GDP phản ánh giá trị thực hiện trong một khoảng thời
gian cụ thể, khoảng thời gian này thường là một năm hoặc một quý (3 tháng )
Tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa (GDPn), tính theo giá thị trường
Tổng sản phẩm quốc nội thực tế (GDPr), tính theo giá cố định.
2.1.2. Các chỉ tiêu đo lường thành tựu kinh tế quốc dân và mối quan hệ giữa chúng
- Tổng sản phẩm quốc dân (GNP): là tổng thu nhập mà một quốc gia tạo ra bằng các yếu tố sản
xuất của mình.
GNP = GDP + thu nhập ròng từ tài sản nước ngoài
Thu nhập ròng từ tài sản nước ngoài: Các khoản thu nhập mà cư dân trong nước tạo ra ở
nước ngoài gửi về trừ đi các khoản thu nhập mà cư dân nước ngoài tạo ra ở trong nước gửi ra
nước ngoài.
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP):
Trong nền kinh tế đóng: GDP = C + I + G
Trong nền kinh tế mở: GDP = C + I + G + NX
Trong đó: C là tiêu dùng của hộ gia đình; I là đầu tư của các hãng kinh doanh; G là chi tiêu của
chính phủ; NX là xuất khẩu ròng = Giá trị kim ngạch xuất khẩu (EX) - Giá trị kim ngạch nhập
khẩu (IM)
- Sản phẩm quốc dân ròng (NNP): Là tổng thu nhập của công dân một nước trù đi phần khấu
hao
NNP = GNP - A
A: khấu hao (khấu hao tài sản cố định)
Khấu hao các khoản khấu hao mòn trang thiết bị, nhà xưởng……thuộc tài sản cố định.. Tài sản
cố định là những tư liệu sản xuất có giá trị đủ lớn và tham gia vào nhiều quá trình sản xuất, song
vẫn giữ nguyên trạng thái vật chất ban đầu của chúng.
- Thu nhập quốc dân (NI hoặc Y): Thu nhập quốc dân khác sản phẩm quốc dân ròng ở chỗ
không bao gồm các khoản thuế gián thu Te (Thuế đánh vào hàng hoá dịch vụ, thông qua giá đánh
vào người tiêu dùng).
NI = NNP - Te

107
Nhưng (NI) bao gồm cả các khoản trợ cấp kinh doanh
- Thu nhập cá nhân (PI): là thu nhập mà các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể nhận được (PI)
Thu nhập từ phân phối - Thu từ công lao động
lần đầu (GNP trong - Thu từ kết quả kinh doanh
nước và ngoài nước) - Lợi tức cổ phần
- Lãi suất gửi tiểt kiệm,
cho vay vốn + Hưu trí
Tổng thu nhập
+ TR (trợ cấp)
của dân cư
- Từ trợ cấp (TR) hiện hành + Các tổ chức từ
Thu nhập từ phân phối theo chính sách thiện
lại trong và ngoài nước - Trợ cấp hiện hành theo + Nhà nước
lòng hảo tâm ngoại quốc trợ
giúp
Sơ đồ 2 - 1: Sơ đồ phản ánh thu nhập cá nhân
- Thu nhập khả dụng (thu nhập được quyền sử dụng DI hoặc YD)
Là thu nhập mà các hộ gia đình và doanh nghiệp còn lại sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp
thuế thu nhập cho nhà nước.
DI = PI - (thuế thu nhập + các khoản thanh toán ngoài thuế)
Các khoản thanh toán ngoài thuế: các khoản lệ phí như phí giao thông…
Các chỉ tiêu thu nhập có thể khác nhau về chi tiết nhưng chúng luôn phản ánh về các điều
kiện kinh tế. Khi GDP tăng trưởng nhanh thì các chỉ tiêu thu nhập khác cũng tăng nhanh và GDP
giảm thì các chỉ tiêu thu nhập khác cũng giảm theo.
2.1.3. Ý nghĩa của hai chỉ tiêu GDP, GNP trong phân tích kinh tế vĩ mô
- Phù hợp với cách tính toán quốc tế (các tổ chức tài chính quốc tế như: WB, IMF, …sử dụng )
- Dùng để so sánh quy mô sản xuất của quốc gia khác nhau trên thế giới
(dùng tỷ giá hối đoái chuyển các đồng tiền khác nhau về một đồng tiền chung để so sánh)
- Dùng để tính tố độ tăng trưởng kinh tế GDP hoặc GDP nhằm loại trừ sự biến động giá
cả - dùng giá cố định
- Dùng chỉ tiêu GNP(GDP) bình quân/người/năm để đánh giá, phân tích mức sống và sự
thay đổi mức sống của dân cư ở mỗi quốc gia.
GNP(GDP)
GNP(GDP)bình quân/người/năm = -------------
Dân số
Mức sống dân cư của một nước phụ thuộc vào đất nước đo giải quyết vấn đề dân số trong
mối quan hệ với năng suất lao động như thế nào.
GDP(GNP) bình quân đầu người là thước đo tốt hơn xét theo khía cạnh số lượng hàng
hoá và dịch vụ mà mỗi người đân một nước có thể mua được, nó phản ánh mức sống của dân cư
một nước. Các tổ chức quốc tế dựa vào chỉ tiêu bình quân này để phân chia các nước trên thế giới
là nước nghèo hay giầu, chậm phát triển hay phát triển.

108
Tất cả các Chính phủ của các quốc gia trên thế giới đều dựa vào số liệu ước tính GNP và GDP
hàng năm để xây dựng kế hoạch ngân sách, kế hoạch lưu thông tiền tệ ngắn hạn và chiến lược
phát triển kinh tế dài hạn.
2.2. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI (GDP)
2.2.1 Sơ đồ “vòng luân chuyển của kinh tế vĩ mô”
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể tính theo, luồng sản phẩm cuối cùng và tính theo
luồng chi phí hoặc thu nhập. Hai cách tính đó được thể hiện trong sơ đồ “ vòng luân chuyển của
kinh tế vĩ mô”. Để đơn giản hoá chúng ta xét mô hình giản đơn, chỉ có sự tham gia của các hộ gia
đình và các hãng kinh doanh (Chưa có sự tham gia của Chính phủ và người nước ngoài).
Các hộ gia đình cho các hãng kinh doanh thuê tư liệu sản xuất (TLSX) và sức lao động (cung
dưới).
Có sức lao động, có TLSX các hãng tiến hành sản xuất và bán hàng hoá dịch vụ cho các hộ gia
đình. Đổi lại các hộ gia đình phải tanh toán tiền mua hàng hoá và dịch vụ cho các hãng (cung
trên)

Thanh toán tiền mua hàng hoá và dịch vụ

CUNG TRÊN
Bán hàng hoá và dịch vụ

Hộ gia Hãng
đình KD

Cho thuê TLSX và sức lao động CUNG DƯỚI

Thanh toán tiền thuê TLSX và sức lao động

Sơ đồ 2.2. Vòng luân chuyên kinh tế vĩ mô giản đơn

2.2.2. Phương pháp xác định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo luồng sản phẩm cuối
cùng.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổng giá trị của hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản
xuất ra trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Đó là
giá trị hàng hoá và dịch vụ cho những tiêu dùng cuối cùng hay còn gọi là luồng sản phẩm cuối
cùng
Nếu gọi: C là tiêu dùng của các hộ gia đình.
G là chi tiêu của Chính phủ .
I là đầu tư của các hãng kinh doanh.

109
Ta có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo luồng sản phẩm.
GDP = C + I + G + NX (cung trên)
* C: Tiêu dùng các hàng hoá lâu bền và không lâu bền phục vụ cho đời sống.
* I: Đầu tư để mua sắm, xây dựng làm tăng TSCĐ và TSCĐ hiện vật của tài sản quốc gia.
* G : Chi tiêu cuả Chính phủ bao gồm:
- Chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng
- Chi cho an ninh, quốc phòng.
- Chi cho giáo dục y tế.
- Lương cho bộ máy quản lý hành chính.
- Những chi tiêu khác của Chính phủ.
*NX: là xuất khẩu ròng = Giá trị kim ngạch xuất khẩu (EX )- giá trị kim ngạnh nhập khẩu (IM)
Tính toán tỷ mỷ, tổng hợp toàn bộ các khoản chi tiêu C, I, G, NX ta được GDP tính theo luồng
sản phẩm cuối cùng.
2.2.3. Phương pháp xác định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo chi phí hoặc thu nhập.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo luồng chi phí hoặc thu nhập là toàn bộ thu nhập hay chi phí
cộng với lợi nhuận và thuế gián thu(Te).
GDP gồm: - Tiền lương (W)
- Tiền thuê nhà đất (k)
- Lãi suất tiền vay do Công ty trả (r).
- Lợi nhuận Công ty ().
- Khấu hao (A).
- Thuế gián thu (Te).
GDP = W + k + r +  + A + Te
Tính từng doanh nghiệp, từng ngành, tính chung toàn bộ nền kinh tế quốc dân(tính theo
cung dưới)
Giữa hai cách tính theo luồng sản phẩm cuối cùng và tính theo chi phí hoặc thu nhập có sự ăn
khớp là do lợi nhuận. Lợi nhuận là yếu tố linh hoạt, tự điều chỉnh. Vì vậy hai cách tính cho cùng
một kết quả.
2.2.3.Phương pháp xác định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo giá trị gia tăng (VA).
Một điều dễ thấy là người tiêu dùng chỉ mua những hàng hoá và dịch vụ cuối cùng. Do vậy
để tránh tính trùng GDP người ta đưa ra một phương pháp tính tổng sản phẩm theo giá trị gia
tăng.
Giá trị gia tăng (VA) là giá trị mới sáng tạo trong quá trình sản xuất sau khi toàn bộ giá trị sản
phẩm đã trừ đi tiêu dùng trung gian.
VA = GO - IC.
Trong đó: GO: Tổng giá trị sản xuất.
IC: Tiêu dùng trung gian.
VA: Giá trị gia tăng.

110
n
GDP = ∑ VAi
i=1
Tổng sản phẩm quốc nội ở đây được tính là tổng giá trị gia tăng ở tất cả những người sản
xuất, kinh doanh trong một vùng, lãnh thổ. Vậy nếu một cá nhân thu được giá trị gia tăng dương
có nghĩa là anh ta đã góp phần mình vào trong quá trình tạo ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Ví dụ: Mô tả cách tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo giá trị gia tăng của ngành
hàng lúa mì:

Công đoạn Tiền bán (GO) Tiêu dùng trung gian Giá trị gia tăng
sản xuất (1) (IC) (2) (VA)
(3) = (1) - (2)
- Lúa mỳ 24 - 24
- Bột mỳ 33 24 9
- Bánh mỳ nướng 60 33 27
-Bánh mỳ đến người tiêu 90 60 30
dùng
Tổng số 207 117 90
Để đơn giản hoá trong ví dụ này ta giả sử:
- Người sản xuất lúa mỳ đồng thời là người sản xuất giống, phân bón, thuỷ lợi...
- Chỉ có chi phí trung gian dưới dạng vất chất.
- Chỉ có một dạng cuối cùng dạng vật chất phục vụ đời sống.

111
Chương 3
THẤT NGHIỆP VÀ LẠM PHÁT
3.1. THẤT NGHIỆP
3.1.1. Một số khái niệm có liên quan
a. Lực lượng lao động (L): Là những người trong độ tuổi lao động đang làm việc hoặc đang tích
cực tìm kiếm việc làm.
Những người trong lực lượng lao động về tuổi phải nằm trong khung tuổi do luật lao động
quy định, có ngoại hình thể chất phát triển bình thường và co nhu cầu lao động (nhu cầu làm
việc). Lao động là một nguồn lực của xã hội, là con người và cũng khan hiếm. Do vậy, nguyên
tắc sử dụng là “Đầy đủ hợp lý”, đầy đủ phản ánh về mặt số lượng nhằm huy động đếm mức cao
nhất mọi người tham gia lao động sản xuất, hợp lý liên quan đến bố trí, tổ chức sử dụng lao động
khoa học nâng cao nhằm nâng cao năng suất lao động.
Muốn sử dụng tốt lao động, yêu cầu phải nắm vững nguồn lao động, sử dụng phương pháp sau:
+ Phương pháp tính chuyển đổi: Trên cơ sở mở sổ theo dõi về dân số cụ thể, chi tiết, theo dõi
đăng ký khai sinh, khai tử cập nhật chính xác, dựa vào quy định của lao động xác định nguồn lao
động. Phương pháp này có độ chính xác khá cao và thường được sử dụng xây dựng kế hoạch sản
xuất hàng năm.
+ Phương pháp dự báo dựa vào dân số: Cơ sở của phương pháp là lao động là một bộ phận của
dân số. Do vậy, phải dự báo dân số và xác định tỷ lệ lao động trong dân số
- Dự báo dân số:
D = Do (1+ a)n
Trong đó:
D- Dân số ở năm tương lai (năm cần sự báo)
Do Dân số hiện tại (năm báo cáo)
a - Tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm
n - Số năm cách nhau giữa năm báo cáo và năm dự báo.
- Xác định tỷ lệ lao động trong dân số (T%): Điều tra theo dõi nhiều năm và phân tích
những yếu tố tác động để xác định chỉ tiêu này.
- Xác định nguồn lao động ở năm tương lai: L = D.T%
Phương pháp này độ chính xác không cao, thường được sử dụng trong xây dựng chiến lược kinh
tế - xã hội dài hạn.
+ Phương pháp tổng điều tra dân số: Trên cơ sở xây dựng hệ thống biểu mẫu với những tiêu
thức cần thiết, tổ chức tập huấn, điều tra, tổng hợp, phân tích sẽ có số liệu chính xác về dân số,
lao động. Phương pháp này thực hiện có độ chính xác rất cao, song rất tốn kém không thể tiến
hành thường xuyên được.
b. Người có việc(Lc): là những người trong lực lượng lao động đang làm việc ở các cơ sở kinh
tế, văn hoá, xã hội … hoặc hành nghề tự do luật pháp không cấm.
c.Người thất nghiệp(Lu): Là những người trong lực lượng lao động, đang tích cực tìm kiếm việc
làm hoặc đang chờ được gọi trở lại làm vịêc.

112
Những khái niệm trên có tính quy ước thống kê và có thể khác nhau đôi chỗ giữa các quốc gia.

Trong độ Lực lượng


tuổi lao lao động
động Có việc
Dân số
Thất
nghiệp
Ngoài lực
lượng lao
động
Ngoài độ
tuổi lao
động

Sơ đồ 3 - 1. Sơ đồ phản ánh dân số - lao động


Lao động là một bộ phận của dân số, lực lượng lao động cũng biến động theo thời gian.
Thất nghiệp là một quá trình biến động từ có việc trở nên thất nghiệp, rồi lại ra khỏi tình trạng đó.
Vì vậy, nghiên cứu dòng luân chuyển của lao động thất nghiệp rất có ý nghĩa. Việc thống kê lực
lượng lao động, thất nghiệp tại một thời điểm, nó phản ánh chính xác chỉ tiêu này tại thời điểm đó
và trên cơ sở phân tích xu hướng biến động của lao động, thất nghiệp.
3.1.2. Chỉ tiêu đo thất nghiệp
- Lực lượng lao động - L (thống kê, điều tra xác định nguồn lao động ở một thời điểm)
- Lao động thất nghiệp - Lu (Điều tra xác định)
- Tỷ lệ thất nghiệp - Ui
Lu
Ui % = -------- * 100
L
- Cơ cấu lao động - Tỷ lệ của lao động trong tổng thể theo các tiêu thức giới tính, lứa tuổi,
ngành nghề chuyên môn, theo vùng lãnh thổ… (cơ cấu tính cho cả lực lượng lao động và lao
động thất nghiệp).
3.1.3. Tác động của thất nghiệp
Khi những người trong lực lượng lao động không có việc làm sẽ trở thành người thất
nghiệp. Nạn thất nghiệp là một thực tế nan giải của mọi quốc gia trong nền kinh tế thị trường.

113
Tác hại chung của thất nghiệp là khi thất nghiệp ở mức cao, sản xuất giảm sút, xã hội
mất đi một phần sản lượng, nguồn lực không được sử dụng hết, thu nhập của dân cư giảm, từ khó
khăn trong kinh tế đến những khó khăn về mặt xã hội, tệ nạn xã hội nảy sinh và phát triển …nếu
kéo dài tình trạng này sẽ dẫn tới sự bất ổn định về chính trị.
Tác hại của thất nghiệp về mặt kinh tế là làm giảm sút to lớn về sản lượng và đôi khi kéo
theo lạm pháp tăng. Đó là những tổn thất rất to lớn đối với nền kinh tế.
Về mặt xã hội: Lao động thất nghiệp nhiều luôn gắn liền với sự gia tăng các tệ nạn xã hội
như: Cờ bạc, trộm cắp….làm xói mòn nếp sống, đạo đoức, phá vỡ nhiều mối quan hệ truyền
thống, gây tổn thương về mặt tâm lý và niềm tin của dân chúng.
3.1.4. Phân loại thất nghiệp
Cách phân tích hiện đại đưa ra khái niệm mới về thất nghiệp tự nhiên, thất nghiệp tự
nguyện, thất nghiệp không tự nguyện.
a.Thất nghiệp tự nhiên. Là thất nghiệp khi thị trường lao động cân bằng, trên đồ thị hình 2.3.
Thị trường lao động cân bằng tại điểm E với mức tiền lương WE, thất nghiệp tự nhiên là đoạn EF.
b.Thất nghiệp tự nguyện. Chỉ những người tự nguyện không muốn làm việc do việc làm và mức
lương tương ứng chưa thích hợp với mong muốn của họ, do lý do cá nhân, giả thuyết này là cơ sở
để xây dựng hai đường cung về lao động trên đồ thị thị trường lao động

W
AJ
LS
W1 A B
C
WE F
E

O LE LF L

Hình 3 - 1. Thị trường lao động

Trên đồ thị: LD là đường cầu về lao động do nhu cầu của các doanh nghiệp và tiền công
quyết định.
LS là đường cung lực lượng lao động trong xã hội
AJ về bản chất là đường cung về lao động. Đường AJ cho ta biết tại mỗi mức tiền lương
thực tế vẫn có một bộ phận lao động không chấp nhận công việc tại mức tiền lương đó, do những
lý do cá nhân khác nhau.

114
EF hoặc BC là con số thất nghiệp tự nguyện tương ứng với các mức tiền lương WE hoặc W1. Có
thể nói thất nghiệp tự nguyện là những người chưa sẵn sàng làm việc với mức tiền lương tương
ứng, còn đang tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Như vậy, thất nghiệp tự nguyện là do cá nhân quyết định
không làm việc.
c.Thất nghiệp không tự nguyện. Xảy ra khi tổng cầu suy giảm, sản xuất đình trệ, công nhân mất
việc….loại thất nghiệp này còn được gọi là thất nghiệp không tự nguyện. Trên đồ thị số thất
nghiệp không tự nguyện là đoạn AB tương ứng với mức tiền lương W1. Với mức tiền lương W1
họ chấp nhận làm việc nhưng trên thị trường lao động họ không tìm kiếm được việc làm.
Việc chia bộ phận lao động thất nghiệp thành thất nghiệp tự nguyện và thất nghiệp không
tự nguyện, nhằm giúp các cơ quan quản lý, những nhà hoạch định chính sách tập trung những
biện pháp giải quyết vịêc làm, trước hết đối với bộ phận lao động thất nghiệp không tự nguyện.
Để giải quyết tốt việc làm các Chính phủ thực thi các giải pháp:
+ Nhà nước xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý kích
thích kinh tế phát triển, thu hút lực lượng lao động, giải quyết tốt việc làm.
+ Thực thi chiến lược đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật,
đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
+ Giáo dục, rèn luyện ý thức, kỷ luật lao động, từng bước nâng cao thể chất đội ngũ những
người lao động.
+ Trong kinh tế thị trường ngoài việc giáo dục ý thức, kỷ luật lao động, phải đặc biệt chú ý tới
khuyến khích lợi ích vật chất.
3.1.5. Giải pháp giảm thiểu thất nghiệp
Trong nền kinh tế thị trường thất nghiệp được ví là “căn bệnh kinh niên”, vấn đề là ở chỗ nhận
thức rõ nguyên nhân của nó để có biện pháp can thiệp đúng nhằm giảm thiểu thất nghiệp.
Để thực hiện tốt mục tiêu giải quyết việc làm đảm bảo an sinh xã hội các Chính phủ tập trung tổ
chức chỉ đạo thực thi các giải pháp sau:
1- Thực thi hệ thống các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý kích thích mọi thành phần kinh tế
phát triển, thu hút lao động vào làm việc. Trước hết là hệ thống luật pháp của Nhà nước minh
bạch rõ ràng, hệ thống chính sách đúng “hợp với lòng dân, ý Đảng” tạo hành lang pháp lý cho các
thành phần kinh tế phát triển, giải quyết tốt việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
2- Có chiến lược đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động cho phù hợp với yêu cầu phát triển
của nền kinh tế. Với chủ trương Công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phấn đấu đến 2020 Việt Nam
cơ bản trở thành nước công nghiệp. Để thực hiên chủ trương này Đảng và Nhà nước ta đặc biệt
quan tâm đến “Chiến lược con người”. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách lớn đầu
tư cho giáo dục, không ngừng đổi mới hệ thống giáo dục với phương châm đa dạng và từng bước
xã hội hóa giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đáp ưng yêu cầu của sự nghiệp
công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế.
3- Ngoài việc nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, đồng thời phải giáo dục ý
thức, kỷ luật, rèn luyện tác phong làm việc, tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của
nền kinh tế hiện đại. Bên cạnh giáo dục ý thức kỷ luật phải không ngừng rèn luyện thể chất, từng
bước nâng cao thể chất của người lao động Việt Nam. Bằng các biện pháp thông qua các tổ chức

115
Công đoàn, Đoàn thanh niên… phát động các phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng nhân rộng
các gương cá nhân, tập thể xuất sắc thúc đẩy kinh tế phát triển.
4- Giáo dục ý thức kỷ luật lao động, song phải đặc biệt quan tâm đến khuyến khích lợi ích
vật chất, ai làm tốt thu nhập cao và ngược lại. Kiên quyết chống “chủ nghĩa bình quân” trong
phân phối, có chế độ thưởng phát nghiêm minh, động viên mọi tổ hức cá nhân có thành tích tốt
trong hoạt động sản xuất.
3.2. LẠM PHÁT
3.2.1. Khái niệm
Lạm phát là sự tăng lên liên tục của mức giá trung bình của hàng hoá và dịch vụ theo thời
gian.
Lạm phát xảy ra khi mức giá chung thay đổi, khi mức giá chung tăng lên gọi là lạm phát,
khi mức giá chung giảm xuống gọi là giảm phát (thiểu phát). Trong thực tế vận hành của tất cả
các nền kinh tế thông thường chỉ có lạm phát, ít khi thiểu phát xảy ra.
3.2.2. Chỉ tiêu đo lạm phát
a. Chỉ số giảm phát (hệ số điều chỉnh - D)
GNPn GNPn
D% = ------------- * 100 hay GNPr = ----------
GNPr D%
b. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng phản ánh sự biến động giả cả của một nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu biểu
cho cơ cấu tiêu dùng trong xã hội “giỏ hàng”. Công thức tính như sau:
Pt
CPIt = -------- * 100
Po
Trong đó:
CPIt: Chỉ số giả tiêu dùng nhóm hàng thời kỳ nghiên cứu
Pt : Giá cả giỏ hàng thời kỳ nghiên cứu
Po: Giá cả giỏ hàng tiêu dùng thời kỳ so sánh
Hàng tiêu dùng bao gồm nhiều nhóm như: Lương thực, quần áo, thuốc chữa bệnh, đi lại,
cửa ở… Khi nghiên cứu người ta còn xem xét cơ cấu của từng nhóm hàng trong giỏ hàng. Mặt
khác trong xã hội tháp dân số của bất kỳ quốc gia nào cũng được chia ra người giàu, người trung
lưu và người nghèo. Mức chi tiêu và cơ cấu chi tiêu của các tầng lớp dân cư này rất khác nhau.
Do vậy, khi tính toán chỉ tiêu này không cần phải thống nhất “giỏ hàng” gồm những nhóm hàng
hoá gì, xác định “người tiêu dùng điển hình”, cơ cấu chỉ tiêu để xác định quyền số tính toán CPI
cho chính xác.
Trong các chỉ tiêu đo lạm phát, chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng được sử dụng để theo dõi sự
thay đổi của giá cả sinh hoạt theo thời gian. Khi chỉ số giá tiêu dùng tăng, các gia đình phải chi
tiêu nhiều hơn để duy trì mức sống như cũ. Lạm phát nói chung, chỉ số giá tiêu dùng nói riêng
làm một nội dung quan trọng trong sự vận hành của nền kinh tế, được theo dõi chặt chẽ. Nó là
biến số cơ bản có vai trò hướng dẫn các chính sách kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng là thước

116
đo mức giá chung của hàng hoá và dịch vụ mà một người “tiêu dùng điển hình” mua. Hàng
tháng, hàng quý Tổng cục thống kê, Uỷ ban vật giá tính toán và thông báo chỉ số giá tiêu dùng
rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ số này có ý nghĩa lớn trong việc đo lường
mức sống của các tầng lớp dân cư, hướng dẫn tiêu dùng, là cơ sở để Nhà nước đề ra các chính
sách kinh tế xã hội … Do vậy, đòi hỏi phải có phương pháp tính đúng, phản ánh đầy đủ chính xác
chỉ tiêu này.
* Phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ lạm phát (i)
Hàng hoá và dịch vụ phục vụ cuộc sống của dân cư bao gồm nhiều mặt hàng khác nhau,
người tiêu dùng trong xã hội có mức thu nhập khác nhau, do vậy cơ cấu tiêu dùng, cơ cấu chi tiêu
của họ cũng rất khác nhau. Để tính toán chỉ số (CPI) chúng ta sử dụng khái niệm người tiêu dùng
điển hình mua hàng hoá và dịch vụ để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của mình. Người tiêu dùng
điển hình đại diện cho đông đảo người tiêu dùng trong xã hội, sử dụng hàng hoá và dịch vụ đáp
ứng nhu cầu của mình với mức thu nhập phổ thông (thu nhập trung bình trong xã hội ). Để minh
họa cho phương pháp tính chúng ta giả định người tiêu dùng điển hình chỉ sử dụng ba loại hàng
hoá thiết yếu là gạo, thịt và rau. Phương pháp tính toán trình tự theo các bước sau:
1. Cố định giỏ hàng: Xác định các loại hàng hóa và dịch vụ quan trọng đối với người tiêu
dùng điển hình. Từ mức độ quan trọng của hàng hoá đối với người tiêu dùng được thể hiện là
quyền số trong cơ cấu tiêu dùng.
2. Xác định giá cả hàng hoá và dịch vụ trong giỏ hàng tại mỗi thời điểm (tháng hoặc năm).
Giá cả hàng hoá và dịch vụ cho mỗi năm xác định trên cơ sở giá bình quân của 12 tháng trong
năm.
3. Tính chi phí giỏ hàng người tiêu dùng chi tiêu trong tháng hoặc năm.
4 . Chọn năm gốc và tính chỉ số (CPI)
5. Tính tỷ lệ lạm phát (i)
CPI - CPI -1
i % = --------------- * 100
CPI -1
Chỉ số giá tiêu dùng có thể tính chung cho toàn bộ nền kinh tế hoặc tính riêng cho từng
tỉnh, thành phố, tính cho từng tháng hoặc cả năm.
* Giỏ hàng của (CPI) bao gồm những gì?
Hàng hoá và dịch vụ người tiêu dùng điển hình mua trong giỏ hàng bao gồm nhiều mặt hàng. Do
vậy, việc điều tra tính toán trở nên phức tạp, khi tính toán phải nhóm chúng theo các công dụng
của hàng hoá và gắn quyền số cho những nhóm hàng hoá và dịch vụ theo số lượng, giá trị của mỗi
nhóm hàng mà người tiêu dùng mua. Phương pháp xác định được mô phỏng ở bảng 3.2
Mục đích của chỉ số giá tiêu dùng là phản ánh những thay đổi trong giá cả sinh hoạt. Nói
cách khác chỉ số giá tiêu dùng cố gắng phản ánh mức thu nhập cần tăng thêm nhằm giữ cho mức
sống không thay đổi ngay cả khi giá cả tăng, Tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng không phải là chỉ tiêu
hoàn hoá, có 3 vấn đề cần lưu ý:

117
Bảng 3.1. Các bước tính tỷ lệ lạm phát (i) trên cơ sở giá tiêu dùng (CPI)

Bước 1: Điều tra tiêu dùng để xác định giỏ hàng cố định
Ví dụ: - Tháng 12 kg gạo 3kg thịt 10kg rau
- Năm 144 kg gạo 36kg thịt 120kg rau
Bước 2: Xác định giá hàng hoá trong mỗi năm (tháng)
Năm Giá gạo Giá thịt Giá rau
(1000đ/kg) (1000đ/kg) (1000đ/kg)
2006 3,5 20 3
2007 4,0 26 3,7
2008 4,5 38 5
Bước 3: Tính chi tiêu của người tiêu dùng điển hình
2006: [(12 * 3,5) +(3 *20,0) + (10 * 3,0)]*12 = 1.584.000đ
2007: [(12 * 4 ,0) +(3 *26,0) + (10 * 3,7)]*12 = 1.956.000đ
2008: [(12 * 4,5) +(3 *38,0) + (10 * 5,0)]*12 = 2.616.000đ
Bước 4: Chọn năm gốc(2006) tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI%)
2006 (1584/1584).100 = 100.00
2007 (1956/1584).100 = 123,48
2008 (2616/1956).100 = 133,74
Bước 5: Sử dụng chỉ số giá tiêu dùng tỉnh tỷ lệ lạm phát so với năm trước
2007 ( 123,48 - 100)/ 100.00 = 23,48%
2008 (133,74 - 123,48)/100.00 = 10,24%
Nguồn: Số liệu giả định
Bảng 3.2. Giỏ hàng hoá và dịch vụ điển hình

Hàng hoá - dịch vụ Cơ cấu chi tiêu (%)


- Nhà ở 16
- Lương thực, thực phẩm và đồ uống 35
- Đi lại 12
- Giải trí 6
- Chăm sóc sức khoẻ 7
- Giáo dục 12
- Liên lạc 2
- May mặc 5
- Các hàng hoá và dịch vụ khác 5
Nguồn: Số liệu giả định

118
Thứ nhất: Độ lệch thay thế - Khi giá cả thay đổi không phải mọi hàng hoá đều thay đổi
theo cùng một tỷ lệ. Do vậy, người tiêu dùng sẽ mua nhiều hàng hoá có giá tăng chậm và mua ít
những hàng hoá có giá tăng cao.Nghĩa là người tiêu dùng thay thế theo hướng mua những hàng
hoá rẻ hơn một cách tương đối, vì vậy cơ cấu giá tiêu dùng của họ cũng thay đổi. Tuy nhiên, chỉ
số giá tiêu dùng lại được tính với giả định giỏ hàng hoá không thay đổi.
Thứ hai: Sự xuất hiện của những hàng hoá mới, khi có hàng hoá mới xuất hiện thì người
tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn. Điều này làm cho mỗi đơn vị tiền tệ trở nên có giá trị hơn,
do vậy người tiêu dùng chỉ cần ít tiền hơn để duy trì mức sống cũ. Song do chỉ số giá tiêu dùng
dựa trên giỏ hàng hoá và dịch vụ cố định, nên không phản ánh được sự thay đổi trong sức mua
của tiền.
Thứ ba: Sự thay đổi của chất lượng hàng hoá và dịch vụ nhưng không lượng hoá được khi
chất lượng hàng hoá trong giỏ hàng thay đổi. Ví dụ xe ô tô mã lực lớn hơn, tiết kiệm nhiên liệu
hơn… nên giá bán tăng. Chỉ số giá tiêu dùng khi tính chưa tính đến vấn đề này, chúng ta tính giá
của giỏ hàng hoá có chất lượng không đổi.
Ví dụ: Biến động giá của kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2007 và đầu năm 2008
Trong thời gian quan, đặc biệt vào quý IV giá cả hàng hoá và dịch vụ tăng, ảnh hưởng
không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là nông dân. Trên các phương tiện thông
tin đại chúng liên tục đăng tải tình hình giá cả leo thang, những giải pháp của chính phủ nhằm
bình ổn giá. Trong phiên chất vấn của các Đại biểu Quốc hội với các thành viên của chính phủ,
chiều ngày 16 tháng 11 năm 2007. Bộ trưởng bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình, các câu hỏi
chất vấn cũng tập trung vào vấn đề tăng giá - lạm pháp và vai trò kiểm soạt giá của Chính Phủ.
Bộ trưởng giải trình:
Chỉ số giá tiêu dùng CPI, 10 tháng năm 2007 tăng 8,12%, do nhiều nguyên nhân như:
Giá của một số mặt hàng trên thế giới liên tục tăng, sản xuất trong nước tăng, thiên tai….và đặc
biệt thu nhập của dân cư tăng 5,8%. Trên cơ sở những nguyên nhân Bộ trưởng cũng trình bày
những giải pháp như: Hoạt động thị trường mở rút bớt tiền trong lưu thông giảm lượng cung
tiền, giảm thuế nhập khẩu 18 mặt hàng, kiểm soát chặt chẽ các loại phí, kiểm soát giá, các doanh
nghiệp tiết kiệm chi phí…Nhưng các giải pháp trên chưa đủ mạnh nên giá cả tháng 10 và đầu
tháng 11 vẫn tăng. Theo chúng tôi trong các nguyên nhân gây tăng giá ngoài các nguyên nhân
nêu trên nguyên nhân cơ bản nhất đó là quan hệ tỷ giá hàng - tiền (M2/GDP) bị phá vỡ tốc độ
tăng lượng tiền đưa vào lưu thông lớn hơn tốc độ tăng của hàng hóa và dịch vụ, do vậy việc tăng
giá là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó việc điều tra, tính toán chỉ số giá tiêu dùng, tỷ lệ lạm
phát cũng cần phải xem xét lại.
Trong thực tế, trong suốt lịch sử phát triển, giá trị thực đằng sau mỗi đơn vị tiền tệ theo
thời gian là không ổn định. Sự gia tăng dai dẳng của mức giá chung đã trở thành phổ biến. Tình
trạng mất giá của tiền như vậy theo thời gian được gọi là lạm phát. Khi so sánh giá trị 1000VNĐ
vào các thời điểm khác nhau, điều quan trọng phải nhớ rằng 1000VNĐ hôm nay không còn giống
1000VNĐ của 10 năm trước đây, hay nó cũng không giống 1000VNĐ sau 10 năm nữa
Để đo lạm phát người ta sử dụng nhỉều chỉ tiêu khác nhau, chỉ số giá tiêu dùng được sử
dụng khá phổ biến, hàng tháng, hàng quý các cơ quan thống kê, UB vật giá đều công bố rộng rãi

119
chỉ tiêu này. Vấn đề là ở chỗ phải có phương pháp tính đúng làm cơ sở hướng dẫn tiêu dùng, để
Chính phủ đề ra các chính sách kinh tế - xã hội phù hợp.
c. Chỉ số giá cả sản xuất (PPI)
Chỉ số này phản ánh biến động giá đầu vào làm thay đổi chi phí sản xuất và tình hình tổ
chức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp. Chỉ số này chỉ tính theo giá ở lần bán buôn lần đầu
tiên của doanh nghiệp (trong nông nghiệp có giá cổng trại)
Pt
PPIt = ---------- * 100
Po
Trong đó:
PPIt: Chỉ số giả cả sản xuất thời kỳ nghiên cứu
Pt : Giá bán buôn lần đầu nhóm hàng kỳ nghiên cứu
Po: Giá bán buôn lần đầu nhóm hàng kỳ so sánh
Tính toán chỉ số giá cả sản xuất nhằm phân tích tình hình tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các
doanh nghiệp. Nếu tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm không tốt, qua nhiều khâu trung gian sẽ
đẩy giá lên cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Mặt khác khi giá cả hàng hoá dịch vụ cao, sức
mua của nền kinh tế suy giảm, sản xuất của nền kinh tế do vậy cũng suy giảm theo.
d. Tỷ lệ lạm phát
Tỷ lệ lạm phát là thước đo chủ yếu của lạm phát trong một thời kỳ. Quy mô và sự biến
động của nó phản ánh quy mô và xu hướng của lạm phát. Đó chính là tốc độ tăng mức giá chung
của thời kỳ nghiên cứu so với thời kỳ trước đó.
Tỷ lệ lạm phát được tính như sau:

Ip
gp = -------- - 1 * 100
Ip - 1
Trong đó:
gp: Tỷ lệ lạm phát (%)
Ip : Chí số giá cả của thời kỳ nghiên cứu
Ip - 1: Chỉ số giá cả thời kỳ trước đó
Ví dụ: Chỉ số giá cả năm 2007 so với năm 2000 là 140%. Chỉ số giá cả năm 2008 so với năm
2000 là 150%. Vậy tỷ lệ lạm phát năm 2008 so với năm 2007 là:

150
gp = -------- - 1 * 100 = 7,5 %
140

Ngoài ra người ta còn tính tỷ lệ lạm phát trên cơ sở chỉ số giá cả hàng tiêu dùng (CPI)

120
CPIi - CPIi -1
gp = ---------------
CPIi - 1
3.2.3 Phân loại lạm phát
Người ta thường chia lạm phát thành 3 loại tuỳ theo mức độ của lạm phát
+ Lạm phát vừa phải: Còn gọi là lạm phát một con số, có tỷ lệ lạm phát dưới 10% một năm. Lạm
phát ở mức độ này không gây ra những tác động đáng kể đối với nền kinh tế, mọi hoạt động diễn
ra bình thường.
+ Lạm pháp phi mã: Xảy ra khi giá cả tăng tương đối nhanh với tỷ lệ 2 hoặc 3 con số một năm.
Lạm phát này này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội.
+ Siêu lạm phát: Xảy ra khi lạm phát đột biến tăng lên với tốc độ cao hơn tốc độ lạm phát phi
mã, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tuy nhiên chúng cũng ít khi xảy ra.
3.2.4. Tác hại của lạm phát
Trong thực tế lạm phát thông thường đều có hai đặc điểm sau đây:
- Tốc độ tăng giá thường không đều giữa các loại hàng hoá và dịch vụ
- Tốc độ tăng giá và tốc độ tăng lương cũng xảy ra không đồng thời
Hai đặc điểm trên dẫn đến sự thay đổi tương đối về giá cả, từ đó gây tác hại cho nền kinh tế
đó là:
+ Phân phối lại thu nhập và của cải một cách ngẫu nhiên giữa các cá nhân, tập đoàn và các
giai tầng xã hội. Tác động này do sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, ai đó có khoản nợ nần
lớn, thời gian vay dài với lãi xuất cố định, khi lạm phát xảy ra thì người đi vay là người được
hưởng lợi và người cho vay là người bị thiệt. Khi lạm phát xảy ra trong thời gian dài có thể dự
báo tác động phân phối lại của cải và thu nhập không còn nữa, lúc này người ta cho vay lượng
tiền ít thời gian vay ngắn với lãi suất điều chỉnh. Đặc biệt với những người nhiều tài chính danh
nghĩa (tiền mặt) và những người làm công ăn lương.
+ Có những biến động về cơ cấu sản xuất và việc làm trong nền kinh tế. Đặt biệt khi lạm
phát tăng nhanh cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của giá cả, có những doanh nghiệp, ngành nghề có
thể phất lên. Trái lại cũng có những doanh nghiệp, ngành nghề sụp đổ.
Để hiểu rõ hơn tác hại của lạm phát có thể chia thành 2 loại:
* Lạm phát thấy trước (gọi là lạm phát dự kiến): Có thể tính khá chính xác sự tăng giá tương đối
đều đặn của nó (ví dụ 1% tháng). Loại này ít gây tổn hại cho nền kinh tế, mà gây nên nhiều phiền
toái đòi hỏi các hoạt động giao dịch thường xuyên phải điều chỉnh (thông tin kinh tế, chỉ số hoá
các hợp đồng kinh tế, tiền lương…)
* Lạm phát không thấy trước (không dự kiến): Lạm phát này thường gây bất ngờ cho nền kinh tế.
Tác hại của lạm phát còn dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ của các tầng lợp dân cư, do
kinh tế sa sút, từ đó có thể dẫn đến mất ổn định chính trị. Vì vậy, các Chính phủ đều tìm mọi biện
pháp chống lạm phát.
3.2.5. Các lý thuyết về lạm phát
Lạm phát xảy ra khi mức giá chung của toàn bộ nền kinh tế tăng lên, mà các yếu tố đưa đến
tăng giá lại rất đa dạng và phức tạp, tuỳ thuộc vào đặc đỉêm cụ thể của một nền kinh tế trước và

121
trong quá trình xảy ra lạm phát. Vì vậy, phần này sẽ đề cấp đến một số lý thuyết và quan điểm
nhằm lý giải những nguyên nhân gây ra và duy trì thúc đẩy lạm phát.
a. Lạm phát cầu kéo: Xảy ra khi tổng cầu tăng lên mạnh mẽ tại mức sản lượng đã đạt hoặc vượt
quá tiềm năng. Lượng tiền trong lưu thông và khối lượng tín dụng tăng đáng kể vượt quá khả
năng có giới hạn của mức cung hàng hoá.

P ASLR P ASLR ASSR1


ASSR ASSR0

P1 P1 E1
E1
P0 E0 AD1 P0 E0

AD0 AD
0 0
QP Q0 Q1 Q(Y) Q1 Q 0 QP Q(Y)

Hình 3 - 2a. Lạm pháp do cầu kéo Hình 3 - 2b. Lạm pháp do chi phí đẩy

Như vậy bản chất của lạm phát cầu kéo là chi tiêu quá nhiều tiền để mua một lượng cung hạn chế
về hàng hoá có thể sản xuất được. Trong điều kiện thị trường lao động đã cân bằng. Hình 3 - 2a
cho thấy khi sản lượng vượt quá sản lượng tiềm năng, đường AS có độ dốc lớn, nên khi cầu tăng
mạnh, đường AD0 dịch chuyển lên AD1, giá cả tăng từ Po lên P1.
b. Lạm phát chi phí đẩy:
Lạm phát chi phí đẩy xảy ra khi giá cả các yếu tố đầu vào (tiền lương, nguyên liệu ...) tăng
lên và đường tổng cung dịch chuyển sang trái. Lạm phát cao đi liền với sản xuất đình trệ và thất
nghiệp gia tăng, nên còn được gọi là lạm phát đình trệ (hình 3 - 2b). Các cơn sốt giá của thị
trường đầu vào, đặc biệt là các vật tư cơ bản (xăng dầu, điện...) là nguyên nhân chủ yếu đẩy chi
phí lên cao, đường AS dịch chuyển lên trên. Tuy tổng cầu không thay đổi nhưng giá cả đã tăng
lên từ P0 lên P1 và sản lượng lại giảm xuống từ Q 0 xuống Q1
c.Lạm phát và tiền tệ:
Lạm phát là sự tăng lên của mức giá trung bình theo thời gian. Điều đó có nghĩa là nếu
mức giá tăng lên thì lượng cung tiền danh nghĩa cũng sẽ tăng lên với tỷ lệ tương ứng, nói cách
khác tỷ lệ lạm phát sẽ bằng tỷ lệ tăng tiền, lượng tiền tăng càng nhanh thì lạm phát càng cao. Vì
vậy bất kỳ chính sách vĩ mô nào giảm được tốc độ tăng tiền cũng dẫn đến giảm được tỷ lệ lạm
phát và điều này đặc biệt phù hợp trong thời kỳ ngắn hạn (nguyên lý 9)
d. Lạm phát lãi xuất:

122
Lãi suất thực tế thường ít thay đổi và ở mức mà cả người cho vay và người đi vay đều có
thể chấp nhận được. Nhưng lãi suất danh nghĩa lại biến động theo lạm phát. Khi lạm phát thay đổi
lãi suất danh nghĩa sẽ thay đổi theo, để duy trì lãi suất thực tế ở mức ổn định.
Lãi suất thực tế = Lãi suất danh nghĩa - Tỷ lệ lạm phát
Khi tỷ lệ lạm phát tăng lên, lãi suất danh nghĩa tăng theo, tăng chi phí cơ hội cho việc giữ
tiền, càng giữ nhiều tiền càng thiệt. Tiền mất giá càng nhanh, càng làm tăng mức độ gửi tiền vào
ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm hoặc mua mọi hàng hoá có thể dự trữ, gây thêm mất cân bằng cung
cầu trên thị trường hàng hoá và tiếp tục đẩy giá lên cao.
3.2.6. Giải pháp kiềm chế lạm phát
Lạm phát xẩy ra tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế. Do vậy mục tiêu
ổn định giá cả, chống lạm phát là mục tiêu lớn của các chính phủ. Nhận thức rõ nguồn gốc của
lạm phát mới có biện pháp can thiệp hữu hiệu kiềm chế lạm phát. Để ngăn chặn lạm phát các
Chính phủ tập trung thực thi các giải pháp sau:
1. Ngân hàng Trung ương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ theo dõi, giám sát chặt chẽ thị
trường tài chính nói chung, mức cung tiền (MS) nói riêng, duy trì ổn định chỉ số hàng tiền
(M2/GDP), đây là giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát tình hình biến động giá. Bởi lẽ một
trong mười nguyên lý của kinh tế học là “Khi chính phủ in quá nhiều tiền sẽ gây nên tăng giá –
lạm phát”. Thực tế đã chứng minh điều này, vào những năm 1981 - 1983 khi Chính phủ phát
hành nhiều tiền để tăng lương cho cán bộ, công chức trong điều kiện sản xuất không phát triển
lạm phát cao đã xẩy ra. Hay vào năm 2007 và quý I năm 2008 lạm phát cao, một trong những
nguyên nhân đó là Chính phủ phát hành thêm nhiều tiền. Do vậy, để kiềm chế lạm phát Chính
phủ thực thi 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Một trong 8 nhóm giải pháp đó là thắt
chặt tiền tệ, cắt giảm chi tiêu…và đẩy mạnh sản xuất.
2. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng yêu cầu
cuả thị trường góp phần bình ổn giá cả.
3. Xây dựng hệ thống dự trữ quốc gia, trên cơ sở nghiên cứu thị trường lựa chọn sản phẩm
dự trữ, trước hết là lương thực, xăng dầu... đây là những mặt hàng nhậy cảm khi giá cả tăng ảnh
hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống.
4. Có chính sách kiểm soát chặt chẽ một số mặt hàng như xăng dầu, lương thực. thuốc chữa
bệnh… Cần thiết Chính phủ có thể can thiệp trực tiếp vào giá cả thị trường bằng cách áp đặt giá
trần hoặc giá sàn.
5. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi sự biến động kinh tế trên thế giới tác động
đến kinh tế mỗi nước và ngược lại. Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ động thái biến động của kinh tế
thế giới để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trước hết theo dõi sát biến động của thị trường dầu
mỏ, vàng để có những dự báo nhanh, kịp thời đưa ra những biện pháp nhằm tránh những tác
động xấu cho nền kinh tế.
Để chủ động trong phát triển kinh tế ổn định bền vững, phải không ngừng đầu tư phát triển sản
xuất, coi trọng thị trường thế giới, song phải quan tâm đúng mức đến thị trường trong nước gần
90 triệu dân và thu nhập ngày một tăng.

123
Chương 4

THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

4.1. VAI TRÒ CỦA THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ


Một quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế thì điều đó cũng có nghĩa là quốc gia đó
đang hoạt động trong nền kinh tế mở; thước đo hữu ích về độ mở của nền kinh tế là tỷ số giữa
kim ngạch xuất nhập khẩu đối với tổng sản phẩm quốc dân.
Ngày nay, khi các nước trên thế giới đang nhập cuộc với cơ chế thị trường thì thương mại
quốc tế ngày càng phát triển đa dạng và trở thành một xu thế tất yếu của thời đại. Khi nghiên cứu
về vấn đề này, các nhà kinh tế học cho rằng thương mại quốc tế có vai trò rất lớn cho mọi người ở
các nước xuất khẩu và nhập khẩu.
- Thương mại quốc tế làm tăng tổng sản phẩm quốc dân
- Tận dụng được lợi thế so sánh (điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, tự nhiên…) của mỗi
nước mà sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá dịch vụ cho chất lượng cao, chi phí sản xuất thấp,
giá cả phù hợp nên nâng cao đời sống cho mọi người.
- Tạo điều kiện phân bổ, khai thác, sử dụng các nguồn lực khan hiếm có hiệu quả hơn
- Làm tăng tính đa dạng của hàng hoá dịch vụ
- Làm tăng tính cạnh tranh, việc mở cửa thị trường sẽ hỗ trợ cho cạnh tranh và tạo điều
kiện thuận lợi cho bàn tay vô hình phát huy tác dụng kỳ diệu của nó
- Tạo điều kiện cho các quốc gia tham gia vào thị trường khu vực, thế giới, hiểu được thị
trường khu vực, thế giới để các quốc gia có những giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu
hàng hoá dịch vụ
- Khai thác, tận dụng được thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới, đồng
thời tạo ra điều kiện thuận lợi để tăng cường trao đổi các ý tưởng mới để thúc đẩy phát triển kinh
tế
- Thương mại quốc tế làm cho mọi người trên thế giới gần nhau hơn, hợp tác với nhau
ngày càng chặt chẽ trong mọi lĩnh vực để cùng chung sống trong bầu không khí trong lành
Tuy nhiên thương mại quốc tế phát triển, nhiều quốc gia cũng cần phải suy nghĩ đến vấn
đề việc làm, an ninh quốc gia, cạnh tranh không công bằng…
4.2. CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ
4.2.1. Xuất khẩu (EX) và nhập khẩu (IM).
- Xuất khẩu là những hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra ở trong nước và được bán ra
nước ngoài. Hiện nay trong xu hướng toàn cầu hoá, hình thức xuất khẩu diễn ra rất đa dạng phong
phú (xuất khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, xuất khẩu tại chỗ…).
- Nhập khẩu là những hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra ở nước ngoài và được bán ở
trong nước.
Ví dụ: Boeing (hãng sản xuất máy bay Mỹ) bán một chiếc máy bay cho hãng hàng không
Pháp, chiếc máy bay đó là hàng xuất khẩu của Mỹ nhưng là nhập khẩu của Pháp.

124
- Xuất khẩu, nhập khẩu của một quốc gia có ý nghĩa lớn đến sự phát triển ổn định, bền
vững cả về kinh tế, chính trị xã hội, đồng thời nó cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
+ Tỷ giá hối đoái mà tại đó mọi người có thể sử dụng đồng tiền trong nước để mua các
đồng tiền nước ngoài. Thông thường tỷ giá hối đoái giảm (đồng tiền nội tệ mất giá so với ngoại
tệ) thì xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm; tỷ giá hối đoái tăng (đồng tiền nội tệ có giá so với ngoại
tệ) thì xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng.
+ Thu nhập và sản lượng trong nước và nước ngoài: xuất khẩu phụ thuộc thu nhập và sản
lượng ở nước ngoài, nhập khẩu phụ thuộc vào thu nhập, sản lượng ở trong nước.
+ Giá cả hàng hoá dịch vụ trong nước và nước ngoài: Nếu giá cả ở trong nước thấp hơn
giá cả thế giới (nước ngoài) thì xuất khẩu tăng; Nếu giá cả ở trong nước cao hơn giá cả thế giới
thì nhập khẩu tăng.
+ Thị hiếu của người tiêu dùng về hàng hoá dịch vụ trong nước và nước ngoài: Giả sử ở
một quốc gia nào đó, người tiêu dùng có thị hiếu, sở thích tiêu dùng hàng ngoại (có nghĩa là xu
hướng nhập khẩu cận biên tăng) thì hàng hoá dịch vụ nhập khẩu sẽ tăng.
+ Chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo hiểm, lưu kho, lưu bãi từ nước này sang nước khác:
Nếu các chi phí này lớn thì xuất nhập khẩu sẽ giảm và ngược lại.
+ Sự hội nhập của nền kinh tế tham gia các liên kết quốc tế với các cấp độ khác nhau (khu
vực mậu dịch tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung, liên minh tiền tệ, liên minh kinh tế)
+ Các chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước như chính sách thuế quan, hạn ngạch xuất
nhập khẩu. Những rào cản thương mại càng giảm càng đẩy nhanh xuất nhập khẩu.
Ngoài các nhân tố trên thì xuất nhập khẩu còn bị chi phối bởi sự tiến bộ trong ngành viễn
thông, một ngành cho phép các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng ở nước ngoài dễ dàng hơn và
sự tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
4.2.2. Cán cân thương mại
- Xuất khẩu ròng của một nước chính là kim ngạch xuất khẩu trừ đi kim ngạch nhập khẩu.
xuất khẩu ròng cho biết về tổng thể một nước là nười mua hay bán hàng hoá trên thị trường hàng
hoá dịch vụ thế giới, nên xuất khẩu ròng được gọi là cán cân thương mại.
- Ta có thể biểu diễn cán cân thương mại dưới dạng biểu thức:
NX = EX – IM
Trong đó: NX là xuất khẩu ròng
EX là giá trị kim ngạch xuất khẩu
IM là giá trị kim ngạch nhập khẩu
+ Nếu xuất khẩu ròng dương (NX > 0) tức là xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu, thì nền kinh tế
bán hàng hoá ra nước ngoài nhiều hơn mua hàng hoá nước ngoài vào trong nước. Trong trường
hợp này nền kinh tế được coi là có thặng dư thương mại (xuất siêu).
+ Nếu xuất khẩu ròng âm (NX < 0) tức là xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu, thì nền kinh tế
mua hàng hoá nước ngoài vào trong nước nhiều hơn bán hàng hoá ra nước ngoài. Trong trường
hợp này nền kinh tế được coi là đang có thâm hụt thương mại (nhập siêu).

125
+ Nếu xuất khẩu ròng bằng không (NX = 0) tực là xuất khẩu đúng bằng nhập khẩu hàng
hoá dịch vụ, nền kinh tế được gọi là có cán cân thương mại cân bằng (cân bằng cán cân thương
mại).
4.2.3. Cán cân thanh toán quốc tế
a. Khái niệm và ý nghĩa
- Cán cân thanh toán quốc tế là một bản kết toán tổng hợp toàn bộ các luồng buôn bán
hàng hoá dịch vụ, các luồng chu chuyển vốn và tài sản giữa các công dân và chính phủ một nước
với các nước còn lại trên thế giới. Thực chất nó là kết quả của mọi hoạt động giao dịch thương
mại quốc tế và các hoạt động đối ngoại khác của một nước chủ nhà và các nước khác trên thế
giới.
- Cán cân thanh toán quốc tế có ý nghĩa lớn trong nền kinh tế mở ở mỗi quốc gia. Nó ảnh
hưởng lớn đến cầu cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng đến tổng
sản phẩm, thu nhập quốc dân. Dựa vào cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt hay thặng dư mà
chính phủ đưa ra các chính sách vĩ mô phù hợp nhằm ổn định phát triển kinh tế, chính trị xã hội.
b. Hình thức của cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế có hình thức như một tài khoản gồm bên có và bên nợ; nó ghi
chép đầy đủ mọi giao dịch hoạt động của dòng tiền chảy ra và chảy vào của một quốc gia, và
được thể hiện:
- Bên có: ghi lượng tiền vào(mọi hoạt động đều ghi vào bên có nếu nó mang tính chất xuất
khẩu, thu ngoại tệ hoặc mang lại ngoại tệ cho quốc gia).
Ví dụ như xuất khẩu hàng hoá dịch vụ ra nước ngoài, nhận viện trợ của nước ngoài, đầu
tư của nước ngoài vào trong nước, thu nhập từ nước ngoài, vay ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân,
chính phủ nước ngoài…
- Bên nợ: ghi lượng tiền ra (mọi hoạt động đều ghi vào bên nợ nếu nó mang tính chất nhập
khẩu, tiêu tốn ngoại tệ hoặc chi tiêu ngoại tệ).
Ví dụ như nhập khẩu hàng hoá dịch vụ của nước ngoài vào trong nước, trả nợ cho nước
ngoài, đầu tư ra nước ngoài, chi trả thu nhập cho người nước ngoài, viện trợ cho nước ngoài…
c. Nội dung cấu thành bảng cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế có 2 tài khoản chủ yếu đó là tài khoản vãng lai và tài khoản
vốn. Trên cơ sở hoạt động giao dịch làm tăng hay giảm ngoại tệ trong nước mà ghi chép vào bên
có hay bên nợ của bảng cán cân thanh toán quốc tế. Sau đó tiến hành câc đối từng tài khoản (vãng
lai, vốn) ta cân đối cán cân thanh toán quốc tế.
- Nếu tổng bên có lớn hơn tổng bên nợ thì nền kinh tế được coi là đang có thặng dư cán
cân thanh toán quốc tế.
- Nếu tổng bên có nhỏ hơn tổng bên nợ thì nền kinh tế được coi là đang thâm hụt cán cân
thanh toán quốc tế.
- Nếu tổng bên có bằng tổng bên nợ thì nền kinh tế được gọi là cán cân thanh toán quốc tế
cân bằng.0
Sau đây là bảng tổng hợp toàn bộ cán cân thanh toán quốc tế

126
Bảng 4.1. Bảng cán cân thanh toán quốc tế

Bên có Bên nợ
I. Tài khoản vãng lai (S1) I. Tài khoản vãng lai (S1)
- Giá trị hàng hoá dịch vụ xuất khẩu - Giá trị hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu
- Nhận viện trợ - Viện trợ cho nước ngoài
- Thu nhập từ nước ngoài - Chi trả thu nhập cho người nước ngoài
-… -…
Tổng S1 Tổng S1
CÂN ĐỐI S1 (+, -)
II. Tài khoản vốn (S2) II. Tài khoản vốn (S2)
- Đầu tư nước ngoài vào trong nước - Đầu tư ra nước ngoài
- Vay của chính phủ và tư nhân nước ngoài - Cho chính phủ và tư nhân nước ngoài vay
- Vay của các tổ chức tài chính quốc tế (WB, - Thanh toán tiền vay cho các tổ chức tài chính
IMF, ADB…) quốc tế
-… -…
Tổng S2 Tổng S2
CÂN ĐỐI S2 (+, -)
III. Cán cân thanh toán quốc tế
Tổng cộng S1 + S2 bên có Tổng cộng S1 + S2 bên có
Thặng dư cán cân thanh toán quốc tế ( + ) khi bên có > bên nợ
Thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế ( - ) khi bên có < bên nợ
Cân bằng cán cân thanh toán quốc tế (0) khi bên có = bên nợ

127
CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ BÀI TẬP VẬN DỤNG PHẦN C
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Nêu và phân tích những biến số đầu vào của một nền kinh tế?
2. Nêu và phân tích những biến số đầu ra của một nền kinh tế?
3. Nêu khái niệm tổng cầu, tổng cung, vẽ đồ thị minh họa?
4. Những yếu tố xác định tổng cầu, tổng cung?
5. Nêu và phân tích 5 mục tiêu của Kinh tế vĩ mô, cho ví dụ minh họa?
6. Trình bày các chính sách Kinh tế vĩ mô, cho ví dụ minh họa?
7. Nền kinh tế lạm phát cao, Chính phủ có thể sử dụng chính sách nào để chống lạm phát?
8. Năm 2007 và quý I năm 2008 lạm phát cao Chính phủ ưu tiên chống lạm phát đã áp dụng
những giải pháp gì, phân tích các giải pháp Chính phủ đã áp dụng?
9. Nền kinh tế trong trạng thái suy thoái, Chính phủ có thể sử dụng chính sách nào để chống suy
thoái?
10. Kinh tế Việt Nam những năm 1981 - 1986 nằm ở trạng thái nào của chu kỳ kinh doanh? Đảng
và Chính phủ thực hiện chủ trương chính sách gì, kết quả của chủ trương đó như thế nào?
11. Hãy trình bày tóm tắt các chỉ tiêu đo lường thành tịu kinh tế quốc dân?
12. Hãy trình bày khái niệm chỉ tiêu GNP?
13. Hãy trình bày khái niệm chỉ tiêu GDP?
14. Nêu ý nghĩa của hai chỉ tiêu GNP, GDP?
15. Trình bày khái niệm lực lượng lao động, thất nghiệp, chỉ tiêu phản ảnh?
16. Trình bày khái niệm lạm phát, các chỉ tiêu đo lạm phát?
17.Trình bày khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế?
BÀI TẬP VẬN DỤNG
Bài 1: Một nền kinh tế giả định có bảng số liệu sau:
Chỉ tiêu 2007 2008
Tổng sản phẩm quốc dân danh nghĩa - GNPn (Tỷ VND) 154.587 171.692
Chỉ số giảm phát so với năm 2005 (%) 124 145
Yêu cầu :
Tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế trên ?
Bài 2: Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của quốc gia A từ năm 2004 đến năm 2008 như sau:
Chỉ tiêu 2004 2005 2006 2007 2008
Tỷ lệ tăng GNP (%) 4,5 5,6 7,2 5,6 7,5
Biết GNP thực tế (GNPr) năm 2003 là 5142435 tỷ VND.
Yêu cầu:
1. Hãy tính GNPr của những năm tiếp theo?
2. Biểu diễn sự biến động của GNPr của nước A trên đồ thị ?
Bài 3: Số liệu sau của một nền kinh tế giả định. Đơn vị tính : tỷ USD
1- Tổng sản phẩm quốc dân tính theo giá thị trường : 562,5
2- Thuế đánh vào các khoản chi tiêu : 72,4
3- Sử dụng vốn (khấu hao - A) : 54,8

128
4- Thu nhập ròng từ nước ngoài : 7,2
5- Các khoản trợ cấp : 5,6
Yêu cầu:
1. Tính tổng sản phẩm quốc nội theo giá thị trường?
2. Tính tổng sản phẩm quốc nội theo yếu tố chi phí?
3. Giả sử chỉ số giảm phát (D%) của nền kinh tế trên bằng 112,4%. Tính GDPr, GNPr?
Bài 4: Thị trường lao động ở quốc gia A năm 2008 có số liệu sau: (ĐVT: 1000 người)
1- Lực lượng lao động đầu năm : 26.500
2- Số lao động thất nghiệp đầu năm : 2.450
3- Số lao động không chấp nhận công việc do các lý do cá nhân… 675
4- Số lao động bị sa thải 1.560
5- Số người hết tuổi lao động 145
6- Số người chán nản không muốn tìm việc 275
7- Số người bị buộc thôi việc 284
8- Số người đến tuổi lao động có việc làm 1.542
9- Số người đến tuổi lao động chưa có việc làm 258
Yêu cầu:
1.Tính số người gia nhập và rời khỏi lực lượng lao động ?
2. Tính số lao động thất nghiệp tự nguyện và thất nghiệp không tự nguyện ?
3. Tính tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm ?
4. Nhận xét tình hình thất nghiệp của quốc gia A, nêu biện pháp khắc phục ?
Bài 5: Số liệu về cung, cầu của thị trường lao động ở tỉnh A.
Tiền công Cầu về lao động Số lao động chấp nhận công việc Cung về lao động
(1000đ/công) (10000 người) (10000 người) (10000 người)
60 22 14 20
80 20 16 21
100 18 18 21,5
120 16 20 22
140 14 22 23
Yêu cầu:
1.Xác định số lượng lao động thất nghiệp ở mỗi mức tiền công ?
2.Tại điểm cân bằng trên thị trường lao động có bao nhiêu lao động thất nghiệp, số lao động thất
nghiệp này thuộc loại thất nghiệp gì ?
3.Trước mắt nên tập trung các giải pháp giải quyết việc làm đối với bộ phận lao động thất nghiệp
nào ?
Bài 6: Giả sử một người cho vay và một người đi vay nhất trí với nhau về mức lãi suất danh
nghĩa phải trả cho số tiền vay. Sau đó lạm phát bất ngờ tăng cao hơn nhiều mức mà hai người đã
thỏa thuận.
1. Mức lãi suất của khoản vay này cao hơn hay thấp hơn so với mức hai bên thỏa thuận ?
2. Lạm phát cao bất ngờ tăng nhanh vậy ai được lợi và ai bị thiệt, tại sao ?

129
3. Xu hướng của xã hội trong điều kiện lạm phát tăng như thế nào ?
Bài 7: Tài liệu về CPI của nước Anh và Mỹ như sau:
Nước Anh Nước Mỹ
Năm CPI Tỷ lệ lạm phát CPI Tỷ lệ lạm phát
(lần) (%) (lần) (%)
2003 60,5 54,6
2004 72,4 64,8
2005 78,6 69,5
2006 82,7 76,4
2007 91,5 82,7
2008 98,7 91,6
Yêu cầu:
1. Tính tỷ lệ lạm phát của hai nước Anh và Mỹ ?
2. Biểu diễn lạm phát của hai nước trên đồ thị ?
3. Cho nhận xét về tình hình lạm phát của hai nước, nêu những biện pháp tổng quát để giảm lạm
phát ?
Bài 8: Trong nền kinh tế giản đơn trong đó người tiêu dùng điển hình chỉ mua bốn loại hàng hóa
là lương thực, thịt, thuốc chữa bệnh và xăng. Qua điều tra người tiêu dùng điển hình số lượng
hàng hóa trong giỏ hàng cố định là: lương thực 120 kg, thịt 25 kg, 12 đơn vị thuốc chữa bệnh,
150 lít xăng. Giá các loại hàng hóa được thể hiện ở bảng sau:
Năm Giá lương thực Giá thịt Giá thuốc Giá xăng
(1000đ/kg) (1000đ/kg) (1000đ/đ.vị) (1000đ/lít)
2004 4,5 15,0 15,0 4,5
2005 5,7 22,5 22,4 5,7
2006 6,8 34,1 32,5 6,8
2007 7,5 42,6 41,8 11,2
2008 12,2 60,4 54,6 15,4
Yêu cầu:
1.Tính chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2005 đến 2008 ?
2.Trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng, tính tỷ lệ lạm phát so với năm trước ?
3.Biểu diễn tỷ lệ lạm phát qua các năm trên đồ thị, nhận xét ?
Bài 9: Một nền kinh tế có kết quả hoạt động trong quan hệ kinh tế quốc tế năm 2008 như sau:
1- Giá trị hàng hóa xuất khẩu 125 tỷ USD
2- Nhận viện trợ từ nước ngoài 7,5 tỷ USD
3- Viện trợ cho nước ngoài và đóng lệ phí
cho các tổ chức quốc tế 2,4 tỷ USD
4- Giá trị hàng hóa nhập khẩu 154,6 tỷ USD
5- Thu nhập từ nước ngoài 42,3 tỷ USD
6- Thu hút đầu nước ngoài 62,7 tỷ USD

130
7- Chi trả thu nhập cho nước ngoài 57,4 tỷ USD
8- Vay nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế 40,8 tỷ USD
9- Đầu tư ra nước ngoài 18,2 tỷ USD
10- Cho nước ngoài vay 12,5 tỷ USD
Giả sử GDP của nền kinh tế này năm 2008 là 482 tỷ USD.
Yêu cầu:
1. Hãy xác định cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế của nền kinh tế trên?
2. Xác định chỉ số phản ảnh mức độ hội nhập kinh tế của nền kinh tế trên?
3. Trên cơ sở số liệu, hãy đưa ra nhận định nền kinh tế trên thuộc nhóm nước đang phát triển, hay
phát triển, tại sao?
Bài 10: Một nền kinh tế có kết quả hoạt động trong quan hệ kinh tế quốc tế năm 2008 như sau:
1- Giá trị hàng hóa xuất khẩu 325 tỷ USD
2- Nhận viện trợ từ nước ngoài 1,5 tỷ USD
3- Viện trợ cho nước ngoài và đóng lệ phí cho các tổ chức quốc tế 18,4 tỷ USD
4- Giá trị hàng hóa nhập khẩu 174,6 tỷ USD
5- Thu nhập từ nước ngoài 82,3 tỷ USD
6- Thu hút đầu nước ngoài 12,7 tỷ USD
7- Chi trả thu nhập cho nước ngoài 7,4 tỷ USD
8- Vay nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế 10,8 tỷ USD
9- Đầu tư ra nước ngoài 58,2 tỷ USD
10- Cho nước ngoài vay 82,5 tỷ USD
11- Kiều hối chuyển về nước 15,6 tỷ USD
Giả sử GDP của nền kinh tế này năm 2008 là 784 tỷ USD.
Yêu cầu:
1. Hãy xác định cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế của nền kinh tế trên?
2. Xác định chỉ số phản ảnh mức độ hội nhập kinh tế của nền kinh tế trên?
3.Trên cơ sở số liệu, hãy đưa ra nhận định nền kinh tế trên thuộc nhóm nước đang phát triển, hay
phát triển, tại sao?

131
MỤC LỤC

Tên phần, chương, mục Trang

PHẦN A: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA KINH TẾ HỌC 1

Chương 1: Mười nguyên lý của kinh tế học 1

1.1. Bài học thứ nhất: Con người ra quyết định như thế nào? 3

1.1.1. Nguyên lý 1: Con người phải đối mặt với sự đánh đổi 3

1.1.2 Nguyên lý 2: Chi phí của một thứ là cái mà bạn phải từ bỏ để có được nó 3

1.1.3. Nguyên lý 3: Con người duy lý suy nghĩ tại điểm cận biên 4

1.1.4. Nguyên lý 4: Con người phản ứng với các kích thích 5

1.2. Bài học thứ hai: Con người tương tác với nhau như thế nào? 5

1.2.1. Nguyên lý 5: Thương mại làm cho mọi người đều có lợi 5

1.2. 2.Nguyên lý 6: Thị trường luôn là phương thức tốt để tổ chức các hoạt động kinh 6
tế

1.2.3. Nguyên lý 7: Đôi khi Chính phủ có thể cải thiện được kết cục thị trường 7

1.3. Bài học thứ ba: Nền kinh tế với tư cách là một tổng thể vận hành như thế 8
nào?

1.3.1. Nguyên lý 8: Mức sống của một nước phụ thuộc vào năng lực sản xuất hàng hoá 8
dịch vụ của nước đó.

1.3.2. Nguyên lý 9: Giá cả tăng khi chính phủ in quá nhiều tiền 8

1.3.3. Nguyên lý 10: Chính phủ phải đối mặt với sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát 9
và thất nghiệp

Chương 2: Những vấn đề kinh tế cơ bản của kinh tế học 10

132
2.1. Một số khái niệm 10

2.1.1. Kinh tế học 10

2.1.2. Kinh tế học thực chứng và kinh tế học chuẩn tắc 10

2.1.3. Kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô 11

2.2. Doanh nghiệp và ba vấn đề kinh tế cơ bản của tổ chức kinh tế 13

2.2.1. Doanh nghiệp 13

2.2.2. Ba vấn đề kinh tế cơ bản của tổ chức kinh tế 15

2.3. Lý thuyết lựa chọn kinh tế tối ưu 16

2.3.1. Lựa chọn và lý thuyết lựa chọn kinh tế 16

2.3.2. Sự lựa chọn là cần thiết 16

2.3.3. Mục tiêu của sự lựa chọn 17

2.3.4. Căn cứ để lựa chọn 17

2.3.5 Phương pháp lựa chọn 19

2.3.6. Ảnh hưởng của một số quy luật kinh tế đến việc lựa chọn kinh tế tối ưu 20

2.3.7. Hiệu quả kinh tế 20

2.4. Các mô hình kinh tế 21

2.4.1. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung 21

2.4.2. Mô hình kinh tế thị trường 21

2.4.3. Mô hình kinh tế hỗn hợp 22

133
2.5. Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn học 22

2.5.1. Đối tượng 22

2.5.2. Nội dung 22

2.5.3. Phương pháp nghiên cứu 23

Câu hỏi ôn tập và bài tập vận dụng phần A 25

PHẦN B: NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA KINH TẾ HỌC VI MÔ 28

Chương 1:Lý thuyết cầu, cung 28

1.1. Cầu (Demand) 28

1.1.1. Khái niệm 28

1.1.2. Một số thuật ngữ có liên quan 28

1.1.3. Hàm cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến cầu 30

1.1.4. Sự di chuyển và dịch chuyển của đường cầu 33

1.2.Cung (Supply) 34

1.2.1. Khái niệm 34

1.2.2. Một số thuật ngữ có liên quan 34

1.2.3. Hàm cung và các yếu tố ảnh hưởng đến cung 37

1.2.4. Sự di chuyển và dịch chuyển của đường cung 39

1.3. Quan hệ cung cầu 40

1.3.1.Trạng thái cân bằng cung cầu 40

134
1.3.2.Trạng thái không cân bằng cung cầu (dư thừa, thiếu hụt) 40

1.3.3. Trạng thái cân bằng mới 42

1.4. Kiểm soát giá cả 43

1.4.1. Khái niệm Kiểm soát giá cả 43

1.4.2. Giá trần (Price Ceiling) 43

1.4.3. Giá sàn( Price Floor) 44

Chương 2: Độ co giãn cầu cung và lý thuyết hành vi người tiêu dùng 46

2.1. Độ co dãn cầu cung 46

2.1.1. Khái niệm 46

2.1.2. Độ co giãn của cầu 46

2.1.3. Độ co giãn của cung 49

2.1.4. Vận dụng độ co giãn của cầu và cung theo giá hàng hóa 50

2.2. Lý thuyết hành vi người tiêu dùng 51

2.2.1. Lý thuyết về lợi ích 51

2.2.2. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng 54

Chương 3: Lý thuyết hành vi của doanh nghiệp 56

3.1. Lý thuyết về sản xuất 56

3.1.1. Các yếu tố đầu vào, đầu ra và hàm sản xuất 56

3.1.2. Hàm sản xuất với 1 đầu vào biến đổi 57

135
3.1.3. Hàm sản xuất với 2 đầu vào biến đổi 61

3.2. Lý thuyết về chi phí 64

3.2.1. Phân loại chi phí 64

3.2.2. Chi phí ngắn hạn 66

3.2.3. Chi phí dài hạn 71

3.3. Lý thuyết về lợi nhuận 73

3.3.1. Khái niệm 73

3.3.2. Vai trò của lợi nhuận 74

3.3.3. Nguồn gốc của lợi nhuận 74

3.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận 74

3.3.5. Doanh thu cận biên và quyết định của doanh nghiệp về sản lượng sản xuất 75

3.3.5. Tối đa hóa lợi nhuận trong sản xuất ngắn hạn 77

3.3.6. Tối đa hóa lợi nhuận trong sản xuất dài hạn 80

3.4. Tối đa hóa lợi nhuận trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo 81

3.4.1. Một số vấn đề chung về thị trường 81

3.4.2. Đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo 83

3.4.3. Quyết định về sản lượng, giá bán và lợi nhuận của doanh nghiệp 85

3.4.4. Đường cung ngắn hạn của doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo 85

3.4.5. Ưu, nhược điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo 86

136
3.5. Tối đa hóa lợi nhuận trong thị trường độc quyền 86

3.5.1. Đặc điểm của thị trường độc quyền bán 86

3.5.2. Các nguyên nhân dẫn đến độc quyền bán 87

3.5.3. Phương pháp xác định sản lượng tối ưu trong độc quyền bán 87

Câu hỏi ôn tập và bài tập vận dụng phần B 91

PHẦN C: NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA KINH TẾ HỌC VĨ MÔ 96

Chương 1. Khái quát kinh tế học vĩ mô 96

1.1. Hệ thống kinh tế vĩ mô 96

1.1.1. Các yếu tố đầu vào 96

1.1.2. Các yếu tố đầu ra 96

1.1.3. Hộp đen kinh tế vĩ mô 96

1.1.4. Ba trạng thái cân bằng của nền kinh tế 98

1.2. Mục tiêu và các chính sách kinh tế vĩ mô 100

1.2.1. Mục tiêu của kinh tế vĩ mô 100

1.2.2. Các chính sách kinh tế vĩ mô 102

Chương 2. Các chỉ tiêu đo lường thành tịu kinh tế quốc dân 106

2.1. Tổng sản phẩm quốc dân 106

2.1.1. Một số khái niệm 106

2.1.2. Các chỉ tiêu đo lường thành tịu kinh tế quốc dân và mối quan hệ giữa chúng 107

137
2.1.3. Ý nghĩa của 2 chỉ tiêu GDP, GNP và mối quan hệ giữa chúng 108

2.2. Phương pháp xác định tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 109

2.2.. Sơ đồ “vòng luân chuyển của kinh tế vĩ mô” 109

2.2.2. Phương pháp xác định GDP theo luồng sản phẩm cuối cùng 109

2.2.3. Phương pháp xác định GDP theo chi phí hoặc thu nhập 110

2.2.4. Phương pháp xác định GDP theo giá trị gia tăng (VA) 110

Chương 3. Thất nghiệp và lạm phát 112

3.1. Thất nghiệp 112

3.1.1. Một số khái niệm 112

3.1.2. Chỉ tiêu đo thất nghiệp 113

3.1.3. Tác động của thất nghiệp 113

3.1.4. Phân loại thất nghiệp 114

3.1.5. Các biện pháp giảm thiểu thất nghiệp 115

3.2. Lạm phát 116

3.2.1. Khái niệm 116

3.2.2. Chỉ tiêu đo lạm phát 116

3.2.3. Phân loại lạm phát 121

3.2.4. Tác hại của lạm phát 121

3.2.5. Các lý thuyết về lạm phát 121

138
3.2.6. Các giải pháp kiềm chế lạm phát 123

Chương 4. Thương mại quốc tế 124

4.1. Vai trò của thương mại quốc tế 124

4.2. Cán cân thanh toán quốc tế 124

4.2.1. Xuất khẩu (EX) và nhập khẩu (IM) 124

4.2.2. Cán cân thương mại 125

4.2.3. Cán cân thanh toán quốc tế 126

Câu hỏi ôn tập và bài tập vận dụng phần C 128

MỤC LỤC 132

TÀI LIỆU THAM KHẢO 140

139
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arthur Denzau (1992): Microeconomic Analysis - Markets and Dynamics
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (1997, 2003, 2004): Kinh tế học vi mô, NXB Giáo dục
3. David Begg (1992): Kinh tế học (tập I + II), NXB Giáo dục (sách dịch)
4. David Begg, Stanley Fischer, Rudiger Dornbusch (1995): Kinh tế học, NXB Giáo dục (sách
dịch)
5. N.Gregory Mankiw (2003): Nguyên lý kinh tế học (tập I; II), NXB Thống kê (sách dịch bởi
Khoa Kinh tế học, Ðại học Kinh tế quốc dân)
6. Robert S. Pindyck & Daniel Rubin Feld (1994): Kinh tế học vi mô, NXB Khoa học kỹ thuật
(sách dịch)
7. Samuenlson (1989): Kinh tế học (tập I + II), Viện Quan hệ Quốc tế (sách dịch)
8. Trường ĐHKTQD (1998, 2003): Kinh tế học vi mô, NXB Giáo dục
9. Trường ĐHKTQD (1998, 2003): Kinh tế học vĩ mô, NXB Giáo dục
10. Trường Đại học nông nghiệp Hà Nội (2006): Kinh tế học vi mô, Nhà xuất bản nông nghiệp.
11. Trường Đại học nông nghiệp Hà Nội (2006): Kinh tế vĩ mô, Nhà xuất bản nông nghiệp.

140
141

You might also like