You are on page 1of 5

Các bước để tìm một chủ đề nghiên cứu

Học – Đọc – Đặt câu hỏi

Trở ngại lớn nhất đối với sinh viên khi làm NCKH, theo mình, chính là tìm được câu hỏi nghiên
cứu tốt. Việc tìm câu hỏi khó khăn là do sinh viên chúng ta rất thiếu kiến thức nền và kiến thức
chuyên ngành khi bắt đầu suy nghĩ về bất cứ một vấn đề nào đó. Điều này cũng dể hiểu thôi
nếu bạn biết rằng một Nghiên cứu sinh mất tới 5-6 năm để học cách làm NCKH, và tấm bằng
Tiến sĩ mới chỉ thể hiện rằng bạn bắt đầu biết cách làm NCKH!

Đứng trước nhiều đòi hỏi như vậy và trước thời gian thực hiện NCKH hạn hẹp, tất nhiên chúng
ta cần một cách tiếp cận thông minh và hiệu quả hơn. Từ kinh nghiệm hỗ trợ các bạn sinh viên,
mình nghĩ có một số lời khuyên chung cho các bạn như sau:

- Tận dụng giáo viên hướng dẫn (GVHD) nhiều nhất có thể: hãy chọn một GVHD có
nhiều kinh nghiệm hoặc thành tích NCKH tốt và liên tục hỏi họ các câu hỏi. GVHD
của bạn là những người hàng ngày phải đối mặt với khó khăn khi tìm kiếm đề tài
nghiên cứu, chắc chắn họ sẽ thông cảm với sự băn khoăn của bạn.

- Đặt tiêu chuẩn phù hợp cho bản thân: phù hợp ở đây là không quá cao cũng không
quá thấp. Tất nhiên bạn không cần yêu cầu mình phải làm được nghiên cứu như
một nhà kinh tế chuyên nghiệp, nhưng nếu bạn dễ dãi với đề tài của mình thì chỉ
trong vòng 1-2 tuần thực hiện bạn sẽ thấy chán ngấy ngay. Cố gắng đạt được tiêu
chuẩn cao chính là phần nhiều sự thú vị của NCKH.

- Bắt đầu sớm và có tính nhẫn nại: quá trình làm được một NCKH tốt sẽ tương đối
dài. Mình tin rằng bạn sẽ mất ít nhất 2 năm liên tục học và suy nghĩ để có thể tìm
được câu hỏi nghiên cứu tốt. Bạn sẽ cần học và đọc rất nhiều, vì muốn làm NCKH
bạn cần đứng trên vai người khổng lồ trước bằng cách học kiến thức nền và đọc các
công trình trước đây. Bù lại thông qua quá trình này, bạn sẽ thấy việc học của mình
rất tập trung và hiệu quả, kiến thức được liên kết chặt chẽ với nhau, và bạn sẽ
không quên chúng một cách dễ dàng như các kiến thức học trên lớp!

- Học thật tốt toán và tiếng anh: Đây là 2 kỹ năng mang tính điều kiện để làm NCKH,
và mình không thể nhấn mạnh nhiều hơn được nữa. Tất cả các tài liệu học thuật
mới mà bạn cần đọc đều bằng tiếng Anh và trình bày dưới ngôn ngữ toán học.
Đừng lo, nếu bạn nắm chắc Toán cao cấp 1 và 2 thì đã có thể đọc một số bài giảng
và tài liệu nghiên cứu ở mức cơ bản rồi đó! Bạn cũng sẽ chỉ cần chủ yếu kỹ năng
đọc đối với tiếng Anh, và ngoài ra còn có google dịch.

Sẽ tương đối khó để bản thân sinh viên chúng mình tự tìm kiếm và đánh giá được một đề tài
tốt, nhưng không phải không thể nếu chúng ta bỏ thời gian để luyện tập và bồi dưỡng kiến
thức. Dưới đây là ý kiến cá nhân của mình về cách rèn luyện bản thân để hướng tới xác định
một đề tài nghiên cứu tốt. Vì việc học tập và NCKH là một trải nghiệm rất cá nhân, mình
nghĩ sẽ tốt nhất nếu các bạn thử lắng nghe bản thân muốn tiếp cận theo cách nào. Còn
nếu các bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy thử theo quy trình mà mình áp dụng dưới đây nhé.
Quá trình này diễn ra như một vòng lặp. Đầu tiên bạn bắt đầu bằng một câu hỏi – một điều bất
kỳ mà bạn thấy tò mò và muốn tìm câu trả lời. Tiếp theo, câu hỏi sẽ cho bạn động lực học các
kiến thức cơ bản cần thiết liên quan đến nó. Tiếp theo, kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn trong việc
đọc hiểu các tài liệu nghiên cứu liên quan trực tiếp đến câu trả lời cho câu hỏi. Trong quá trình
này, một câu hỏi khác thú vị hơn sẽ xuất hiện, thúc đẩy bạn bắt đầu một vòng lặp mới. Càng
lặp lại nhiều lần, bạn càng tiệm cận dần tới “biên giới” của kiến thức. Một khi đứng tại “biên
giới” này, một câu hỏi mà bạn đặt ra sẽ có khả năng cao là chưa từng được trả lời và trở thành
một đề tài NCKH tiềm năng.

1. Học kiến thức cơ bản

Mình đã có một bài viết về các kiến thức bạn nên biết khi làm NCKH tại đây:
https://bit.ly/2YbgfA3

Theo mình quan sát thì việc thiếu kiến thức nền tảng là vấn đề lớn nhất khiến các bạn sinh viên
gặp nhiều stress khi bắt đầu với NCKH. Giai đoạn học kiến thức trên lớp cộng với các kiến thức
bổ trợ có thể kéo dài đến 1-2 năm trước khi bạn có một nền tảng tương đối để làm NCKH, vì
vậy bạn cần có sự kiên nhẫn và đừng bỏ cuộc.

Mình nghĩ bạn nên ưu tiên học kinh tế lượng đầu tiên, vì khả năng cao là bạn sẽ sử dụng đến
nó. Hãy đảm bảo rằng bạn học tốt kinh tế lượng ở trên lớp, và ít nhất là học thêm các kỹ thuật
sau: instrumental variable, fixed-effect and random effect model, difference-in-differences,
randomized control trials (RCT) và ARMA nếu bạn quan tâm chuỗi thời gian. Nguyên nhân đó là
tất cả các NCKH khoa học hiện nay đều sử dụng các công cụ kinh tế lượng ở mức cao hơn
OLS đơn thuần. Để học tốt kinh tế lượng, bạn đừng quên nắm chắc các công cụ xác suất như
luật số lớn và Định lý giới hạn trung tâm nhé.

Tiếp theo, các kiến thức cơ bản và chuyên ngành về kinh tế là rất cần thiết. Điều mình từng làm
đó là tự đánh giá mình tò mò về điều gì và điều đó thuộc lĩnh vực chung gì. Chẳng hạn, mình
từng tự hỏi vì sao giá cả hàng hóa ở các quốc gia lại khác nhau đến vậy, hoặc tại sao có quốc
gia thích mở cửa còn có quốc gia lại thích bảo hộ thương mại. Các câu hỏi đó dẫn mình đến
nhu cầu phải học thêm về “kinh tế quốc tế” hay “kinh tế công cộng”. Mình sẽ lên MIT open
courseware để tìm lecture notes/slides mà các bạn sinh viên ở Mỹ dùng (trình độ của các tài
liệu này cao hơn khá nhiều bài giảng của trường mình). Sau khi đọc lướt qua một lượt, mình
note lại những chỗ không hiểu do kiến thức bị hổng, rồi tìm ngược lại các môn học liên quan để
học. Chẳng hạn, nếu mình đọc đến phần giải optimization bằng Lagrange mà không hiểu, mình
sẽ quay lại học phần tương ứng trong Toán 2, còn nếu đọc đến đoạn phải dùng strategic
games, mình sẽ học thêm về Lý thuyết trò chơi. Như vậy mình đã tự tạo cho mình một lộ trình
học cá nhân mang tính tập trung, không bị lan man, và bao gồm cả những môn học không có
trong chương trình trên lớp của mình mà mình thấy cần thiết. Điều cuối cùng này rất quan trọng
vì theo mình, chương trình học chính quy ở trường có khá nhiều bất cập và điểm lỗi thời, thiếu
liên kết và thiếu chuyên sâu. Chẳng hạn, nhiều trường đại học lớn hiện nay đã dạy lý thuyết trò
chơi như một môn kinh tế vi mô hiện đại, bổ sung cho môn kinh tế vi mô cổ điển (về thị trường
cạnh tranh) mà chúng ta học. Đây là nền tảng cho nhiều ngành lớn như kinh tế công nghiệp
hay kinh tế học thông tin. Nhưng tại NEU thì môn học này chỉ mới được tiếp cận bởi các bạn
khoa Toán kinh tế mà thôi.

Học đến đâu thì đủ? Đối với mình thì câu trả lời đó là: học không bao giờ là đủ. Việc học nên
được duy trì chừng nào bạn còn thấy nó thú vị (nếu bạn thực sự học có định hướng cá nhân,
bạn sẽ thấy thích học hơn đấy). Trong quá trình học, mình dần nhận ra cách mà các nhà kinh tế
suy nghĩ và giải thích các hiện tượng, cũng như mường tượng được trình độ của mình đang ở
đâu. Trở nên khiêm tốn hơn cũng có cái lợi đó là bạn biết rằng mình đang trưởng thành lên
hàng ngày với từng trang sách, bài báo bạn đọc hiểu được.

Tuy nhiên việc học tập trung có mục đích cũng rất quan trọng. Hãy luôn ghi nhớ những câu hỏi
mà chúng ta đặt ra lúc đầu khi học hoặc trong quá trình học và chắc chắn rằng những gì bạn
học giúp bạn hiểu thêm về chúng.

2. Đọc các nghiên cứu trước đây

Trong quá trình học và khi có ý định bắt đầu làm NCKH, bạn sẽ bắt đầu phải đọc các nghiên
cứu từng được thực hiện trước đây. Chúng thường có 2 dạng (hoặc 2 phần): lý thuyết (theory)
và thực nghiệm (empirics).

Đọc các nghiên cứu thực nghiệm nhiều khả năng sẽ dễ dàng hơn vì chúng sử dụng lặp đi lặp
lại rất nhiều những công cụ kinh tế lượng mà bạn đã học (như mình nêu ở trên). Điểm mới của
các nghiên cứu này phần lớn nằm ở dữ liệu hiếm, thiết kế thí nghiệm thông minh, hoặc lựa
chọn biến công cụ đặc biệt thay vì kỹ thuật mới.

Các nghiên cứu lý thuyết sẽ khó đọc hơn rất nhiều đối với các bạn sinh viên vì chúng đòi hỏi
nhiều kiến thức nền tảng hơn. Nếu bạn đọc các nghiên cứu lý thuyết mới, đến 99% bạn sẽ
chẳng hiểu được vì chúng sử dụng rất nhiều kỹ thuật toán phức tạp. Bạn cũng đừng nản lòng
khi đọc một paper như vậy mà không hiểu, vì điều này xảy ra với tất cả mọi người! Để tránh bị
vướng vào ma trận hằng hà sa số các paper khó hơn năng lực của bạn cho phép, mình nghĩ
bạn nên bắt đầu bằng các tài liệu thuộc dạng tổng hợp các nghiên cứu trước đây. Các tài liệu
này trình bày chỉ những điểm chính của cả chủ đề (literature) và còn cung cấp cho bạn danh
sách các nghiên cứu đáng tin cậy nữa.

Để tìm những tài liệu có tính tổng hợp (literature review), bạn hãy lên google nhập tên chủ đề
và kèm theo “review literature”. Chẳng hạn: “New trade theory review literature” cho mình kết
quả đầu tiên là cả 1 cuốn sách tổng hợp các nghiên cứu từ 2003 tới nay về lý thuyết thương
mại quốc tế. Bên cạnh sách ra thì bạn cũng có thể tìm paper tổng hợp trên nhiều tạp chí có uy
tín. Nổi tiếng nhất là 2 tạp chí sau:

https://www.aeaweb.org/journals/jep

https://www.aeaweb.org/journals/jel
Cách download paper và sách mình đã trình bày tại post lần trước về cách tìm tài liệu rồi nhé.

Điều quan trọng đầu tiên trong quá trình đọc là cần xâu chuỗi được các kiến thức với nhau.
Tưởng tượng bạn đang đứng trong bóng tối và mỗi điều bạn đọc mà được nối với kiến thức cũ
giống như thắp thêm được một ngọn nến để giúp bạn nhìn xa hơn một chút. Sau một thời gian,
tuy rằng vẫn còn ở trong bóng tối nhưng bạn có thể đã thắp sáng được một phần không gian
xung quanh mình rồi. Nếu kiến thức của bạn bị rời rạc và không có hệ thống, cũng giống như
bạn thắp nến ở các địa điểm cách xa nhau, dù có ánh sáng nhưng quá yếu ớt và không giúp
bạn nhìn rõ được gì cả dù bạn đứng ở đâu. Để xâu chuỗi được kiến thức một cách dễ dàng
hơn, một lần nữa cần phải học thật chắc các kiến thức căn bản và không “giấu dốt” – luôn
thành thật về những lỗ hổng trong kiến thức của mình và bổ sung chúng ngay lập tức.

Điều tiếp theo khi đọc là nên tập cách phản biện lại kết quả của các paper bạn đã đọc. Việc này
sẽ khó khăn khi bắt đầu, tất nhiên, vì chúng ta chưa có kiến thức đủ vững. Nhưng về lâu về dài,
đây sẽ là thói quen rất quan trọng để phát triển kỹ năng tìm câu hỏi nghiên cứu tốt. Bạn có thể
bắt đầu với các nghiên cứu thực nghiệm và thử tự hỏi các giả thiết về biến ngoại sinh, về đo
lường (measurement error), về mẫu ngẫu nhiên (random sample),… có bị vi phạm hay không
và tác giả đã giải quyết hoặc biện luận về chúng như thế nào? Đối với nghiên cứu lý thuyết, hãy
tự hỏi rằng những dự báo của mô hình có phù hợp với thực tế bạn quan sát được hay không?
Nếu không thì liệu đây là điểm yếu của mô hình hay do tồn tại một yếu tố khác tồn tại song
song và được giải thích bởi lý thuyết khác? Có giả thuyết nào của mô hình mà bạn cảm thấy
phi thực tế hay không?... Việc phản biện này, nếu có thể, nên được thực hiện cùng với sự tư
vấn của GVHD. Bạn hãy thử tập hợp ý kiến phản biện của mình và trao đổi với GVHD để biết
suy nghĩ của mình đã thiếu sót ở đâu, hoặc điểm nào có tiềm năng phát triển thêm. GVHD với
nhiều kinh nghiệm chắc chắn sẽ giúp bạn một cách có hiệu quả.

3. Tìm câu hỏi nghiên cứu

Sau quá trình phản biện, chúng ta có thể sẽ có một chút khái niệm về liệu khoảng trống nghiên
cứu nằm ở đâu. Nếu khoảng trống đó có thể được lấp bởi bạn với kiến thức và công cụ bạn
đang có, thì đây sẽ là tình huống tốt nhất rồi. Tuy nhiên, thường thì mọi thứ sẽ không suôn sẻ
như vậy. Trong đa số trường hợp, chúng ta sẽ tìm ra rằng có ai đó đã làm chủ đề đó rồi hoặc
chúng ta không có đủ kiến thức, công cụ, điều kiện để nghiên cứu về chúng.

Nếu đã lặp lại nhiều lần quá trình trên và xoay đủ các hướng mà không tìm ra khoảng trống
nghiên cứu khả quan thì bạn cũng không nên quá căng thẳng. Theo mình thì đây là chuyện dễ
hiểu (nếu thực sự tìm ra được khoảng trống nghiên cứu dễ dàng thì mới là điều bất ngờ) và là
một thử thách tâm lý cần vượt qua khi làm NCKH. Điều này không có nghĩa quá trình trên là
một sự mất thời gian. Trên thực tế, thông qua quá trình này, mình thấy bản thân đã xây dựng
được rất nhiều kỹ năng và kiến thức chắc chắn để đi xa hơn trong NCKH và cả trong các công
việc khác.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một chủ đề cho công trình NCKH sinh viên phải không? Một
“chiêu” mà các bạn sinh viên hay thực hiện đó là tìm một nghiên cứu thực nghiệm đã được
thực hiện tại nước ngoài và áp dụng nguyên cho số liệu tại Việt Nam. Tuy tính mới của đề tài
còn hạn chế, bản thân công việc này cũng đóng góp một chút ít cho khoa học: kiểm chứng lại
một mối quan hệ nào đó trong một hoàn cảnh khác giúp nâng cao tính tin cậy của lý thuyết. Mặt
khác, bạn cũng nên lựa chọn chủ đề nào không quá “hiển nhiên” – dĩ nhiên bạn không muốn
thả quả táo tại nhiều nơi trên thế giới để kiểm định luật hấp dẫn! Khi làm theo hướng này, bạn
cần làm rõ nghiên cứu đang cố gắng chứng minh/kiểm định mối quan hệ gì và đảm bảo số liệu
bạn sử dụng phù hợp với kỹ thuật của bài cũng như tránh được các lỗi vi phạm giả thuyết cơ
bản. Nếu được, bạn hãy cố gắng lựa chọn một kỹ thuật kinh tế lượng có giải quyết vấn đề nội
sinh như biến công cụ hoặc fixed-effect model.

Một “chiêu” khác mà các bạn làm nghiên cứu trong lĩnh vực quản trị và marketing hay dùng đó
là áp dụng một mô hình (chẳng hạn SERVQUAL, marketing 5P,…) làm cơ sở để xây dựng các
phần cho khảo sát về chất lượng dịch vụ, nhận biết sản phẩm, nhận thức và thái độ,… Vì chiêu
này mà có hàng trăm đề tài kiểu như “Sử dụng mô hình … để đánh giá chất lượng …”, chỉ thay
đối tượng đánh giá mà thôi. Theo mình, những “đánh giá” hay “nhận thức” này không đem lại
giá trị về mặt khoa học vì nó không chứng minh một mối quan hệ kinh tế nào, không có tính
khái quát (external validity) và sử dụng lý thuyết (mô hình) không có lý do thuyết phục. Mình
hoàn toàn tin rằng “chiêu” này là điều bạn nên tránh khi làm NCKH.

Kết luận

Cảm ơn bạn đã đọc đến hết tài liệu rất dài này. Mình hy vọng những kinh nghiệm cá nhân có
thể giúp các bạn khám phá thế giới kiến thức kinh tế rộng lớn với niềm hứng khởi cao nhất.
Hãy nhớ, làm NCKH là để phát triển kiến thức bản thân một cách sâu sắc, là theo đuổi và thỏa
mãn trí tò mò, đừng để áp lực từ các cuộc thi và giải thưởng khiến bạn thấy lo lắng hay mất
cảm hứng với những kiến thức mới. Những điều bạn gặt hái được thông qua quá trình học tập
và NCKH sẽ lớn hơn nhiều những phần thưởng ngắn hạn tại nhà trường.

You might also like