You are on page 1of 9

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KỲ

Học phần: Dịch viết tiếng Anh thương mại 2


Lớp:NN1-D18
Đề bài: CHỌN 1 TRONG 5 đề dưới đây, tóm tắt lại nội dung của bài bằng tiếng Anh (Không
quá 200 từ)
Đề 1.
GDP Việt Nam năm nay chỉ ước đạt 2-2,5%
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, dự báo dịch Covid -19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường;
nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân,
doanh nghiệp.
Phát triển vẫn còn theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững
Sáng 6/12, Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3 với chủ đề "Phục hồi và
phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid -19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa trong kỷ nguyên số" diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự.
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với sự tham gia của 200 đại biểu trực tiếp ở điểm
cầu Hà Nội cùng hơn 2.000 đại biểu ở các điểm cầu trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho biết,
dịch bệnh Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt
về kinh tế - xã hội thế giới. Kinh tế toàn cầu năm 2020 suy thoái sâu, GDP giảm 3,1%, thu nhập
bình quân giảm 6%, việc làm năm 2021 giảm 100 triệu và dự báo năm 2022 giảm khoảng 26 triệu
lao động.
Với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, ông Tuấn Anh cho biết, nguy cơ làm tăng trưởng
GDP toàn cầu năm 2022 giảm từ 0,2 - 0,4 điểm %. Việt Nam cũng không ngoại lệ trước những
tác động này. "Lần đầu tiên, tăng trưởng quý III năm 2021 giảm sâu (- 6,17%). Đây là mức giảm
sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm
2021 chỉ ước đạt 2-2,5%", ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, dự báo dịch Covid -19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường. Nền kinh tế đất nước
phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu
đựng của người dân và doanh nghiệp.
Do vậy, ông nhấn mạnh nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp
hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời
tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo ông Tuấn Anh, dù
đạt được những kết quả đáng kể song quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid 19 đang
gặp phải những trở ngại lớn.
Điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của
nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi
giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh
tế.
Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ yếu phát
triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công
nghiệp chậm được cụ thể hóa.
5 nhóm nội dung trong gói hỗ trợ tổng thể nền kinh tế
Tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cũng cho rằng tác
động từ dịch bệnh là rất lớn. Do vậy, một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã
hội là rất cần thiết.

Theo ông Phương, có 5 nhóm giải pháp nhiệm vụ chủ yếu khi bàn về chương trình tổng thể này.
Trong đó, nhóm thứ nhất là thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương: GDP Việt Nam năm nay chỉ ước đạt 2-2,5% - 2Nhấn để phóng
to ảnh
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với sự tham gia của 200 đại biểu trực tiếp ở điểm
cầu Hà Nội cùng hơn 2.000 đại biểu ở các điểm cầu trong và ngoài nước (Ảnh: NM).
Nhóm thứ hai là an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Trong đó có việc hỗ trợ chi phí thuê nhà cho
người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp,
khu chế xuất, cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ giải quyết việc
làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay mua, thuê nhà ở
xã hội, nhà ở công nhân.
Nhóm thứ ba là hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nhóm thứ 4 là phát
triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư và phát triển. Cuối cùng là nhóm
giải pháp liên quan tới hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện hành chính, cải thiện môi trường
đầu tư kinh doanh.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng chia sẻ kế hoạch phục
hồi tổng thể nền kinh tế. Trong đó nhấn mạnh chiến lược "biến nguy thành cơ", "biến đau thương
thành hành động".
Theo ông Hoan, chương trình phục hồi kinh tế của TPHCM được làm 2 giai đoạn: Trong đó năm
2022 sẽ tập trung khắc phục hệ lụy dịch bệnh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc
làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch
bệnh.
Sang năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, TPHCM sẽ triển khai các giải pháp giải quyết điểm nghẽn,
tạo tăng trưởng nhanh và bền vững, phát huy thế mạnh của Thành phố, từng bước hình thành
trung tâm tài chính, thương mại mua sắm, đổi mới sáng tạo, chất lượng dịch vụ cao, trung tâm
văn hóa của đất nước và Đông Nam Á.
Để phục hồi, ông Hoan cho biết TPHCM đang triển khai 7 nhóm giải pháp lớn. Trong đó có một
số nội dung như tái cấu trúc khu công nghiệp, khu chế xuất, khuyến khích doanh nghiệp triển
khai áp dụng công nghệ mới, đồng thời, tổ chức thành công diễn đàn kinh tế của TP diễn ra vào
tháng 4/2022 với chủ đề về chuyển đổi số.
Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh nhóm giải pháp liên quan tới khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo
nguồn lực cho thành phố, chỉnh trang đô thị. Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thông qua
chương trình kích cầu đầu tư.
Để phục hồi nền kinh tế, lãnh đạo TPHCM kiến nghị Chính phủ quan tâm, dành nhiều nguồn lực
hơn cho việc ưu tiên vốn đầu tư công cho một số dự án, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là
DNVVN.
"Đây là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tuy nhiên vừa qua khó khăn, nhiều trường
hợp phá sản hoặc không có nhiều tài sản thế chấp vay vốn. Hỗ trợ họ tuy ít nhưng tốc độ họ phục
hồi nhanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động", ông Hoan nhấn mạnh.
Đề 2.
2 nhà đồng sáng lập Grammarly - ứng dụng sửa lỗi ngữ pháp đã trở thành tỷ phú khi sở
hữu khối tài sản trị giá 4 tỷ USD mỗi người.
Với 200 triệu USD vừa huy động được, Grammarly - ứng dụng sửa lỗi ngữ pháp - đã nâng định
giá công ty lên 13 tỷ USD. Đồng thời, 2 nhà sáng lập ứng dụng là Max Lytvyn và Alex
Shevchenko cũng gia nhập hàng ngũ tỷ phú thế giới.
Theo Forbes, 2 doanh nhân người Ukraine bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm kiểm tra ngữ pháp
từ năm 2009 với sự trợ giúp của lập trình viên Dmytro Lider.
Từ nguồn thạo tin Pitchbook, khoảng 22% cổ phần của Grammarly thuộc về các nhà đầu tư tham
gia vào 2 vòng gọi vốn năm 2019 và năm nay. Trong khi, nhà đồng sáng lập thứ ba chỉ nắm giữ
1% cổ phần công ty. Đồng nghĩa với việc, Lytvyn và Shevchenko, mỗi người có khoảng 35% cổ
phần (khoảng 4 tỷ USD) ở Grammarly.
Công ty có trụ sở tại San Francisco, trước khi có tên là Grammarly, nó có tên là Sentenceworks.
Ứng dụng ra đời với mục tiêu là hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong việc kiểm tra ngữ pháp và chính
tả. Sau này, Grammarly đã được phát triển thành công cụ kiểm tra ngữ pháp dựa trên trí thông
minh nhân tạo khi có thể tự động loại bỏ lỗi trong email và tài liệu.
Đặc biệt, công ty còn phát hành thêm các sản phẩm phụ như Grammarly for Business, một phiên
bản kiểm tra ngữ pháp ứng dụng trong doanh nghiệp với các đối tác lớn như Zoom, Cisco, Dell
và Expedia.
Sản phẩm chủ chốt của Grammarly trở nên phổ biến khi đi theo mô hình freemium từ năm 2015
với tùy chọn mua các phiên bản nâng cấp với giá từ 12 đến 30 USD/tháng.
Mục tiêu sắp tới của Grammarly là tiếp cận 30 triệu người dùng mỗi ngày thông qua hơn 500.000
ứng dụng và trang web, bao gồm ứng dụng email, nhiều trình duyệt web, mạng xã hội và
Microsoft Word. Đây không phải là công ty duy nhất mà Lytvyn và Shevchenko khởi nghiệp
cùng nhau. Sự ra đời của Grammarly đến từ ý tưởng kinh doanh khi họ học chung đại học tại
International Christian University in Ukraine.
"Chúng tôi đã tạo ra một sản phẩm để ngăn chặn tình trạng đạo văn trong bài viết của sinh viên",
Lyvtyn viết trong một bài đăng trên blog vào tháng 3. "Điều này khiến chúng tôi đặt ra câu hỏi
nghiêm túc, tại sao mọi người lại chọn cách ăn cắp ý tưởng ngay từ khi bắt đầu. Phải chăng, họ
cảm thấy khó khăn trong việc truyền đạt ý tưởng".
Nhiệm vụ nghe có vẻ cao cả nhưng một số câu hỏi được đặt ra về mục tiêu ban đầu khiến họ tạo
ra sản phẩm. Bởi sau này, nhiều người phát hiện thấy, dịch vụ trực tuyến mà họ tung ra để giúp
các giáo sư kiểm tra bài luận của sinh viên có đạo văn hay không có mối liên hệ với các web
chuyên bán bài luận.
Lyvtyn và Shevchenko đã nói với The Chronicle of Higher Education rằng, vào thời điểm đó, họ
đã được thuê để lập trình một trang web cung cấp tài liệu tham khảo nhưng không có bất cứ mối
liên hệ nào giữa 2 bên. Shevchenko khẳng định: "Chúng tôi chưa bao giờ bán bất kỳ loại tài liệu
nào được tải lên dịch vụ".

Vụ bê bối dần bị lãng quên trong hồ sơ của Lytvyn và Shevchenko khi họ lần lượt chuyển đến
Mỹ và Canada để lấy bằng MBA tại Đại học Vanderbilt và Đại học Toronto. Sau đó, họ khởi
nghiệp với MyDropBox, sau này, công ty đã được bán lại cho Blackboard.
Công ty Grammarly hiện có văn phòng tại San Francisco, Vancouver và Kyiv, Ukraine. Vào
tháng 10/2019, ứng dụng Grammarly đã huy động được 90 triệu USD, nâng mức định giá công ty
lên 1 tỷ USD. Vòng này được dẫn dắt bởi General Catalyst, IVP và một số nhà đầu tư khác. Còn
trong vòng gọi vốn mới nhất, Grammarly đã nhận được vốn từ các nhà đầu tư như Baillie Gifford
và BlackRock.
Đề 3.
8X Nghệ An bỏ việc về quê tráng bánh đa kiếm trăm triệu đồng/tháng
Với mong ước sản phẩm của quê hương sẽ được nhớ tới như mỗi khi mọi người nhắc về đặc sản
Bến Tre là kẹo dừa, anh Biện Văn Mão (Nghệ An) đã khởi nghiệp thành công với nghề tráng
bánh đa.
Vốn sinh ra và lớn lên vùng đất Đô Lương (Nghệ An), nơi nổi tiếng với đặc sản bánh đa, anh
Biện Văn Mão (sinh năm 1986) mong muốn sản phẩm của quê hương sẽ được mọi người biết
đến, nhớ tới như mỗi khi nhắc về đặc sản Bến Tre là kẹo dừa. Năm 2017, sau thời gian dài công
tác ở một công ty chuyên về máy tính tại thành phố Vinh (Nghệ An), anh Mão xin nghỉ việc để về
quê làm giàu.
"Cuối năm 2017, tôi quyết định mở xưởng sản xuất làm bánh đa chuyên nghiệp. Lúc đó, tiền làm
gì có đâu, toàn đi vay mượn ngân hàng, bạn bè là chủ yếu", anh kể.
Anh Mão cho biết, lý do khiến anh khởi nghiệp là bởi ngày xưa, từ thời mẹ anh, bà anh đều tráng
bánh đa, một thứ quà quen thuộc của nhiều người Nghệ An. Tuy nhiên, việc buôn bán này chỉ
diễn ra ở quy mô nhỏ, manh mún.
Là một người từng được đi nhiều, biết nhiều, 8X Nghệ An nhận ra, sản phẩm ở quê hương mình
rất ngon, được nhiều bạn bè ở khắp nơi ưa chuộng, cho nên anh muốn phát triển và gìn giữ nghề.
"Khi mở xưởng, tôi chỉ có trong tay 100 triệu đồng, 400 triệu đồng còn lại là đi vay  để làm nhà
xưởng, mua thiết bị. Nhân sự lúc đó chỉ có 4 người, trong đó có tôi. Ngay cả máy móc mua về
mấy anh em cũng đều tự học, tự làm rồi rút kinh nghiệm, chứ không có ai chỉ bảo, hướng dẫn cả",
anh nhớ lại.
Do thiếu kinh nghiệm, chưa vận hành quen máy móc nên năm đầu tiên anh Mão lỗ gần 200 triệu
đồng. Thậm chí, nhiều mẻ bánh đa làm ra đều phải đổ bỏ vì không đảm bảo chất lượng, yêu cầu.
"Lúc bánh hỏng nhiều, tôi còn không dám nói với gia đình, đặc biệt là bố mẹ, sợ mọi người lo
lắng. Thậm chí, nhiều mẻ bánh bỏ đi, tôi còn phải giấu mọi người, đổ đi trong lén lút, âm thầm.
Bởi bánh làm ra cái nào thì cái đó gẫy, cái thì cong, cái không đạt chất lượng nhìn mà xót lắm",
anh Mão tâm sự.
Sau nhiều cố gắng, đến năm 2019, bánh đa ra lò đã đạt chất lượng khiến 8X Nghệ An mừng vui.
Chớp lấy thời cơ, anh bắt đầu đẩy nhanh công suất để làm ra nhiều sản phẩm.
"Năm 2018, trung bình mỗi ngày, xưởng tôi làm ra 2.000 - 3.000 chiếc bánh. Năm 2020 trở đi,
công suất đã đạt mức 5.000 - 10.000 chiếc bánh/ngày. Đồng thời, lượng bánh ra lò đều, tỷ lệ hỏng
cực kỳ ít. Vào những tháng cao điểm, doanh thu của xưởng có thể lên tới 500 triệu đồng/tháng,
còn hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì doanh thu chỉ tầm 100 - 200 triệu đồng/tháng",
anh Mão hé lộ.
Theo chàng trai Nghệ An, quy trình làm bánh đa ở xưởng anh vẫn đi theo cách làm truyền thống,
chỉ khác ở chỗ, các công đoạn cán bánh, tráng bánh được thực hiện bằng máy móc khiến năng
suất tăng lên. Tuy nhiên, sản phẩm tráng bằng tay sẽ khác vài phần với khi tráng máy, nếu người
thợ không biết điều chỉnh bánh sẽ không đạt. Đây cũng chính là sai lầm mà anh Mão mắc phải,
khiến tiền "rơi" khỏi túi.
"Ví dụ, bánh khi phơi xong, chúng ta không nên sấy ngay mà để hồi bánh sau một ngày. Thùng
đóng bánh cũng phải thiết kế riêng để bánh không bị vỡ, hỏng, nứt. Đó là những điều mà tôi tự
học, rút kinh nghiệm từ những lần thất bại", anh tâm sự.
Hiện nay, sản phẩm bánh đa ngoài mang lại doanh thu tốt cho xưởng, anh còn tạo công ăn việc
làm cho 15 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với Dân trí, ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch xã Yên Sơn (Đô Lương), cho biết trên địa
bàn xã có xưởng sản xuất bánh đa của anh Biện Văn Mão. Khu đặt xưởng sản xuất bánh đa là
phần đất anh Mão thuê của người dân địa phương. Theo ông Kiên, đây là mô hình kinh doanh tốt
của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con nông dân.

Đề 4
Black Friday năm nay ở Mỹ không còn như xưa
Không còn cảnh xếp hàng, chen lấn, tranh cướp hàng giảm giá như mọi năm, Black Friday năm
nay ở Mỹ, mọi thứ gần như bình thường.
Các trung tâm mua sắm và các cửa hàng cho biết lượng người tụ tập chờ trước giờ mở cửa ở mức
vừa phải, không còn cảnh chen lấn, tranh giành những sản phẩm đồ chơi hay đồ điện tử mới nhất
những năm trước. Bởi mua sắm trực tuyến hiện đã quá phổ biến. Các chương trình giảm giá cũng
đã diễn ra trong những tuần trước đó và kéo dài cho đến Giáng sinh, kể cả trên website lẫn các
cửa hàng.
Trong khi đó, các mặt hàng trên kệ cũng ít đi do khan hiếm nguồn cung khiến nhiều khách hàng
bức xúc. Christian MacDonald, người đầu tiên trong hàng khoảng 75 người xếp hàng chờ trước
một cửa hàng của Target ở Costa Mesa (California Mỹ) đã phải ra về tay trắng.
"Tôi đến đây bởi tôi nghĩ rằng hôm nay là Black Friday, họ sẽ có màn hình Switch OLED mới,
nhưng họ không có", MacDonald nói và cho biết anh đã chờ cả tiếng rưỡi đồng hồ để mua máy
chơi điện tử Nintendo đang gây sốt.
Mall of America - Trung tâm thương mại lớn nhất nước Mỹ ở Bloomington, bang Minnesota cho
biết, có gần 100.000 người đã đến vào đầu giờ chiều thứ 6, gấp đôi so với năm ngoái nhưng vẫn
thấp hơn so với năm 2019.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong ngày Black Friday tính đến giữa buổi chiều đã tăng 29,8%, theo
Mastercard SpendPulse - công ty theo dõi tất cả các loại thanh toán, bao gồm cả tiền mặt và thẻ
tín dụng. Con số này cao hơn so với mức dự báo 20%.
Nhìn chung doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ năm nay của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên. Liên
đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ trước đó đã dự đoán doanh số bán hàng sẽ tăng từ 8,5% đến 10,5%
trong cả tháng 11 và 12 so với mức tăng 8% cùng kỳ năm 2020.

Theo AP, mặc dù ngày Black Friday vẫn được người dân Mỹ coi là ngày mua sắm điên cuồng,
nhưng hiện nó đang mất dần đi sự cuồng nhiệt vốn có trong thập kỷ qua khi hoạt động mua sắm
chuyển sang trực tuyến. Mặt khác, trước đó nhiều cửa hàng đã triển khai chương trình giảm giá
dày đặc, làm loãng tầm quan trọng của ngày hội giảm giá này.

Đại dịch cũng khiến nhiều nhà bán lẻ phải đóng cửa cửa hàng trong ngày Lễ Tạ ơn và đẩy mạnh
giảm giá trên website kể từ đầu tháng 10. Điều đó cũng đang tiếp tục trong năm nay dù các cửa
hàng trưng ra nhiều ưu đãi.
Tại trung tâm mua sắm Fashion Centre ở vùng ngoại ô phía bắc Virginia, các bảng hiệu quảng
cáo giảm giá 50% đối với sản phẩm giày bốt của Aldo, giảm 40% cho toàn bộ mặt hàng ở J. Crew
và giảm 30% tại Forever 21. Tại trung tâm thương mại Capital Mall ở Olympia (Washington),
các gian hàng cũng đồng loạt treo biển quảng cáo giảm giá từ 35% đến 50%.
Tuy nhiên một số nhà bán lẻ lớn như Walmart lại không đưa ra những chương trình bán hàng
giảm giá sốc như vậy. Các chuỗi cửa hàng quần áo như Victoria's Secret và Gap cũng đang gặp
khó khăn trong vấn đề nguồn cung. Hãng Victoria's Secret cho biết 45% hàng hóa cho dịp lễ của
họ vẫn đang mắc kẹt trong quá trình vận chuyển.

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng là một mối quan tâm lớn trong năm nay và cả người bán lẫn người
mua đều đang cố gắng tìm giải pháp thay thế. Một số nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ đang tính đến
việc chuyển hàng hóa của họ đến các cảng ít tắc nghẽn hơn, thậm chí là thuê tàu riêng để vận
chuyển.
Ông Jeff Gennette, CEO của Macy's cho biết công ty đã chuẩn bị cho vấn đề này và cho biết
lượng hàng tồn kho đã tăng hơn 20% so với năm ngoái.
Năm nay, tình trạng hàng hóa giảm giá được xếp chồng lên nhau đầy ắp như mọi năm không còn
nữa. Tại Macy's ở Manhattan, không còn cảnh những đôi giày được xếp chồng lên nhau cao đến
mức người mua không với tới.
Trong trung tâm thương mại Willowbrook ở Wayne, bang New Jersey, dòng người xếp hàng bên
ngoài các cửa hàng Pandora và Bath & Body Works đến tận trưa, trong khi một số cửa hàng nhỏ
hầu như vắng khách.
Ở trung tâm mua sắm Fashion Centre ở ngoại ô Washington D.C vào buổi chiều, lượng người vẫn
ken đặc ở Macy's khiến cho việc di chuyển quanh cửa hàng trở nên khó khăn hơn, trong khi các
bảo vệ ở Forever 21 phải hỗ trợ để giải quyết ùn tắc.
Tim Clayburn đang mua sắm ở Fashion Centre cho hay anh phải tới cửa hàng mua để đảm bảo
những món quà của anh được chuyển kịp đến cho người thân. "Mọi người đang rất lo lắng về
việc hàng không được chuyển đến đúng giờ".
Edmond Kunath, một người đang tìm mua tai nghe AirPods của Apple và ổ cứng cho biết lúc 5h
sáng, chỉ có khoảng 30 người xếp hàng ở trước một cửa hàng Best Buy ở khu vực Denver và nói
rằng: "Thật ngạc nhiên về số lượng người xếp hàng ở đây trong sáng nay".

Đề 5.
Biến thể Omicron đang thay đổi những hy vọng lạc quan rằng kinh tế thế giới sẽ vững bước trên
đà phục hồi vào năm 2022. Nó cũng có khả năng làm chệch hướng kế hoạch đối phó với tình
trạng lạm phát của các nhà hoạch định chính sách toàn cầu thay vì nhu cầu yếu, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm trái chiều, cho rằng Omicron thậm chí là... thông tin tốt. Cụ
thể ra sao?
THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU CHAO ĐẢO
Cuối tuần qua, các thị trường tài chính trên khắp thế giới đồng loạt sụt giảm khi giới đầu tư phản
ứng với thông tin về biến thể virus mới tại Nam Phi, kéo theo hàng loạt các động thái siết chặt di
chuyển của các quốc gia, làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế.
Cuối tuần trước, ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp Omicron vào nhóm
"biến thể đáng lo ngại", các thị trường tài chính toàn cầu, ngoại trừ vàng, đã có một ngày tồi tệ
nhất năm.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc giảm hơn 1.000 điểm - mức giảm mạnh nhất kể từ đợt bán
tháo hồi tháng 10 năm ngoái. S&P 500 cũng lao dốc 2,3%, mạnh nhất kể từ tháng 2. Bitcoin rơi
vào thị trường giá xuống.
Chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến phiên tồi tệ nhất trong vòng 17 tháng. Tại châu Á, đà bán
tháo trên các thị trường thậm chí đã bị kéo dài sang phiên đầu tuần này.
Chỉ sau một phiên cuối tuần, tổng cộng hơn 2.000 tỷ USD vốn hóa đã bị quét sạch khỏi thị
trường. Nhóm cổ phiếu chịu thiệt hại nặng nề nhất như thường lệ vẫn là những công ty thuộc
ngành du lịch, kinh doanh và các hãng hàng không.
Với việc một vài quốc gia bao gồm Anh và Pháp nhanh chóng đưa ra các biện pháp giới hạn di
chuyển hàng không với Nam Phi và 7 nước châu Phi khác, giá cổ phiếu của các hãng hàng không
đã giảm mạnh. Công ty mẹ của British Airways ghi nhận cổ phiếu mất 15% giá trị trong phiên
gần nhất, mức giảm mạnh nhất trong nhóm FTSE 100.
Ngoài cổ phiếu, hàng loạt tài sản khác cũng lao đao. Giá dầu thô Mỹ WTI giảm hơn 13% xuống
68,15 USD/thùng - phiên tệ nhất kể từ tháng 4/2020. Giá dầu Brent cũng mất 11,55%, còn 72,72
USD/thùng.
Nỗi lo ngại về biến thể virus mới đang dần bao phủ thị trường. Các nhà đầu tư gấp rút bán tháo
các tài sản rủi ro để quay trở lại kênh trú ẩn an toàn như vàng. Giá vàng thế giới có thời điểm bật
tăng 1%, nhích lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước trước khi
ổn định trở lại cuối phiên.
"Tình hình chắc chắn sẽ nguy hiểm hơn", John Vail - Chiến lược gia toàn cầu tại Công ty Quản lý
Tài sản Nikko chia sẻ với CNBC. "Biến chủng lần này có thể không khủng khiếp như các thị
trường nghĩ. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư với tài sản rủi ro và tiêu dùng
do mọi người sẽ thận trọng hơn".
KỊCH BẢN NÀO CHO KINH TẾ TOÀN CẦU?
Không ít đơn vị quan sát thị trường nhận định tương lai của nền kinh tế và các thị trường tài
chính phụ thuộc vào những phát hiện của các nhà khoa học về biến thể virus mới, bao gồm khả
năng kháng vaccine và lây truyền của chủng Omicron và sẽ tiếp tục biến động biên độ lớn khi các
quốc gia đánh giá nguy cơ.
"Đại dịch và các biến chủng vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất với thị trường có thể tiếp tục
gây biến động lớn trong năm tới", Keith Lerner - chiến lược gia thị trường tại Truist Advisory
Service nhận định. "Tại thời điểm này, rất khó nói trước biến chủng mới sẽ tác động thế nào đến
thị trường và trong bao lâu".
Tương lai nào cho kinh tế toàn cầu với biến chủng Omicron? - 2Nhấn để phóng to ảnhBiến thể
Omicron có thể đảo ngược nhiều thành tựu kinh tế mà thế giới đã nỗ lực tạo ra trong suốt những
tháng qua (Ảnh: WSJ).
Trong trường hợp xấu nhất, các nước trên thế giới lại phải tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt
để hạn chế virus lây lan. Điều này sẽ đe dọa lên chuỗi cung ứng vốn đang căng thẳng và làm tổn
hại đến nhu cầu đang phục hồi. Khả năng này cũng làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp của một
biến số kép giữa lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại.
Những nhà kinh tế của Goldman Sachs Group đã đưa ra bốn kịch bản về mức độ tác động của
biến thể Omicron. Kịch bản tiêu cực là thế giới sẽ xảy ra một làn sóng lây nhiễm lớn trong quý
đầu tiên của năm tới.

Hôm qua (30/11), CEO hãng dược Moderna Stephane Bancel nhấn mạnh các vaccine hiện tại có
thể không thực sự hiệu quả đối với biến thể mới. Đặc biệt, nếu so với biến thể Delta, hiệu quả của
các mũi tiêm hiện tại đối với Omicron có khả năng sụt giảm đáng kể. Ông cũng đưa ra cảnh báo
rằng các công ty dược phẩm sẽ mất nhiều tháng để có thể sản xuất vaccine quy mô lớn cho loại
biến chủng này.
Do đó, nếu kịch bản tiêu cực trở thành hiện thực, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, với tốc độ
tăng quý I năm sau chỉ khoảng 2%, thấp hơn 2,5% so với dự báo hiện tại. Tăng trưởng cả năm
2022 có thể giảm 0,4% xuống còn 4,2%.
Một kịch bản tích cực hơn là biến thể mới không gây nguy hiểm như lo ngại ban đầu. Nhưng sự
xuất hiện của nó sẽ là một lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn là mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu,
có khả năng lặp lại trong nhiều năm tới.
Omicron vẫn còn là một bí ẩn đang chờ các nhà khoa học tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu nó khiến đại
dịch kéo dài, giá cả sẽ tiếp tục tăng cao, tăng trưởng việc làm bị ảnh hưởng và cuộc khủng hoảng
chuỗi cung ứng sẽ tồi tệ hơn.
"Chúng ta vẫn chưa rơi vào tình trạng lạm phát. Nhưng nếu thêm một năm nữa đóng cửa biên
giới và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể đẩy chúng ta đến đó", Alicia Garcia Herrero, nhà kinh
tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, nhận định.
Biến thể Omicron xuất hiện đúng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang muốn đẩy
nhanh việc giảm chương trình mua trái phiếu để kích thích kinh tế. Các ngân hàng trung ương
Anh (BOE) và châu Âu (ECB) cũng chuẩn bị đưa ra động thái tương tự trong vài tuần tới. Do đó,
sự xuất hiện biến thể Omicron cũng có thể cản đường phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới
và tránh nguy cơ lạm phát.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận những lo ngại nói trên, trong bản nội dung chuẩn bị
cho phiên điều trần của ông tại Thượng viện Mỹ hôm 30/11: "Làn sóng đại dịch gần đây và sự
xuất hiện của biến thể Omicron có thể tạo rủi ro với thị trường việc làm và chuỗi cung ứng, cũng
như gia tăng sự không chắc chắn về vấn đề lạm phát".
OMICRON CŨNG CÓ THỂ LÀ TIN TỐT
Tuy nhiên, không phải toàn bộ giới chuyên gia đều nhìn thấy một kịch bản tiêu cực. Một số nhà
kinh tế cho rằng mức độ ảnh hưởng của biến thể mới có thể thấp hơn so với năm 2020.
Tỷ phú, nhà đầu tư Bill Ackman cho biết biến thể Omicron mới thực sự có thể tạo động lực cho
thị trường chứng khoán nếu các triệu chứng của người bệnh ít nghiêm trọng hơn.
"Dù hiện vẫn còn quá sớm để có dữ liệu chính xác song các thông tin mới cho thấy biến thể
Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ đến trung bình dù dễ lây lan hơn. Nếu đây là sự thật, thị
trường sẽ trở lại với xu hướng tăng chứ không phải giảm", ông Ackman chia sẻ trên Twitter.

Nhà sáng lập và CEO của Pershing Square Capital Management nói thêm rằng, thông tin này sẽ
mang đến đà tăng cho thị trường chứng khoán và giảm giá với thị trường trái phiếu.
Trên thực tế, ngoại trừ Trung Quốc, các nước khác trên thế giới đều lưỡng lự trong việc trở lại
tình trạng phong tỏa. Nhờ tiêm chủng rộng rãi, những biện pháp hạn chế được áp dụng ở châu Âu
đã linh hoạt hơn và ít gây tổn hại tới tăng trưởng.
"Các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thích nghi với trạng thái mới. Do đó, mức độ ảnh hưởng có
thể không quá nghiêm trọng", theo ông Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường
toàn cầu tại Nomura Holdings.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang phản ứng với biến thể Omicron với sự pha trộn của lo lắng, bối
rối nhưng cũng khá thận trọng, theo WSJ. Biến thể Omicron với tốc độ lan truyền nhanh chóng
đang thúc đẩy các công ty tại Mỹ phải cân nhắc lại các cách thức phục hồi, biện pháp an toàn và
quy trình làm việc.
Các nhà bán lẻ thực phẩm Mỹ cho biết họ đang chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về biến thể mới
trước khi thực hiện các thay đổi với hoạt động hiện tại của họ. Họ nói rằng các phương thức như
đeo khẩu trang, tiêm phòng và khử trùng, đang hoạt động rất hiệu quả trong việc bảo vệ nhân
viên và khách hàng trong đại dịch.
Ông Keith Milligan, chủ các chuỗi cửa hàng tạp hóa Piggly Wiggly ở Alabama và Georgia (Mỹ),
cho biết ông không có thay đổi phương thức điều hành vì sự thật về biến thể vẫn chưa rõ ràng và
ông vẫn đang chờ các thông tin chính xác nhất.
"Có một điều chắc chắn về đại dịch này. Đó là bạn nghĩ rằng bạn có thể dự đoán được nhiều thứ
nhưng bạn vẫn có thể bị nó làm cho ngạc nhiên bất cứ khi nào", ông Milligan nói.

You might also like