You are on page 1of 15

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG HÀ NỘI

KHOA: LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

TIỂU LUẬN KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÁC –


LÊNIN
PHÉP BIỆN CHỨNG VỀ MỐI LIÊN HỆ PHỔ BIẾN VÀ VẬN DỤNG PHÂN
TÍCH MỐI LIÊN HỆ GIỮA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VỚI CÔNG BẰNG
XÃ HỘI

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2020


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài
Mục đích của tiểu luận
Ý nghĩa của tiểu luận
NỘI DUNG CHÍNH
Phép biện chứng về mối liên hệ phổ biến
Khái niệm về phép biện chứng và mối liên hệ phổ biến
Phép biện chứng
Mối liên hệ phổ biến

Nguyên lí về mối liên hệ phổ biến

Ý nghĩa phương pháp luận

Phân tích mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội

Khái niệm tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội*

Tăng trưởng kinh tế

Công bằng xã hội

Mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong đời sống hàng ngày, đằng sau các hiện tượng, sự việc muôn màu muôn vẻ là
các mối liên hệ. Đó là mối liên hệ giữa tự nhiên với xã hội, mối liên hệ giữa tự
nhiên với tự nhiên hay mối liên hệ giữa xã hội với xã hội. Vì vậy, mối liên hệ phổ
biến có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp chúng ta hiểu được sự tác động, chuyển
hoá qua lại lẫn nhau của các sự vật. Từ đó, chúng ta có thêm hiểu biết về các hiện
tượng sự việc diễn ra xung quanh.
Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, kinh tế cũng đạt được những tăng trưởng
nhưng từ đó cũng dấy lên sự lo ngại về công bằng trong xã hội. Đây là một mối
liên hệ cần được nghiên cứu và tìm hiểu.
Nhận thấy được sự hiểu biết về mối liên hệ phổ biến có tính cấp thiết và qua đó có
thể vận dụng nó để xem xét mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã
hội. Đó là lí do em chọn đề tài: “Phép biện chứng về mối liên hệ phổ biến và vận
dụng phân tích mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội.”
2. Mục đích của tiểu luận
Với đề tài này, em sẽ khái quát phép biện chứng về mối liên hệ phổ biến bao gồm
khái niệm, nguyên lí và ý nghĩa, phân tích mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với
công bằng xã hội. Sau cùng là một số khuyến nghị nhằm tạo sự tác động tích cực
giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội.
3. Ý nghĩa của tiểu luận
Đây là một vấn đề có tính chất quan trọng, cấp thiết đối với quốc gia đang phát
triển như Việt Nam.

NỘI DUNG CHÍNH


I. Phép biện chứng về mối liên hệ phổ biến
1. Khái niệm về phép biện chứng và mối liên hệ phổ biến
1.1. Phép biện chứng
Phép biện chứng là học thuyết về biện chứng của thế giới. Với tư cách là học
thuyết triết học, phép biện chứng khái quát những mối liên hệ phổ biến và những
quy luật chung nhất của mọi quá trình vận động, phát triển của các sự vật, hiện
tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy; từ đó xây dựng các nguyên tắc phương
pháp luận chung cho các quá trình nhận thức và thực tiễn.

1.2. Mối liên hệ phổ biến

Trong phép biện chứng, khái niệm mối liên hệ phổ biến dùng để chỉ tính phổ biến
của các mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng của thế giới, đồng thời cũng dùng để
chỉ các mối liên hệ tồn tại ở nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới, trong đó những
mối liên hệ phổ biến nhất là những mối liên hệ tồn tại ở mọi sự vật, hiện tượng của
thế giới, nó thuộc đối tượng nghiên cứu của phép biện chứng. Đó là các mối liên
hệ giữa các mặt đối lập, lượng và chất, khẳng định và phủ định, cái chung và cái
riêng, bản chất và hiện tượng, v.v.. Như vậy, giữa các sự vật, hiện tượng của thế
giới vừa tồn tại những mối liên hệ đặc thù, vừa tồn tại những mối liên hệ phổ biến
ở những phạm vi nhất định. Đồng thời, cũng tồn tại những mối liên hệ phổ biến
nhất, trong đó những mối liên hệ đặc thù là sự thể hiện những mối liên hệ phổ biến
trong những điều kiện nhất định. Toàn bộ những mối liên hệ đặc thù và phổ biến
đó tạo nên tính thống nhất trong tính đa dạng và ngược lại, tính đa dạng trong tính
thống nhất của các mối liên hệ trong giới tự hiên, xã hội và tư duy.
2. Nguyên lí về mối liên hệ phổ biến
Theo chủ nghĩa Mác -Lênin thì các sự vật hiện tượng trong thế giới chỉ biểu hiện
sự tồn tại của mình thông qua sự vận động, sự tác động qua lại lẫn nhau. Bản chất
tính quy luật của sự vật, hiện tượng cũng chỉ bộc lộ thông qua sự tác động qua lại
giữa các mặt của bản thân chúng hay sự tác động của chúng đối với sự vật, hiện
tượng khác. Đồng thời cũng qua đó phê phán cách xem xét của các nhà siêu hình
học. Theo như Ăng-ghen, đối với những nhà siêu hình học thì những sự vật và
phản ánh của chúng vào trong tư duy, tức là những khái niệm đều là những đối
tượng nghiên cứu riêng biệt, cố định, cứng đờ vĩnh viễn, phải xem xét từng cái
một, cái này sau cái kia, cái này độc lập với cái kia.
Nguyên lý này được dựa trên một khẳng định trước đó của triết học Mác-Lênin là
khẳng định tính thống nhất vật chất của thế giới là cơ sở của mối liên hệ giữa các
sự vật và hiện tượng. Các sự vật, hiện tượng tạo thành thế giới dù có đa dạng,
phong phú, có khác nhau bao nhiêu, song chúng đều chỉ là những dạng khác nhau
của một thế giới duy nhất, thống nhất- thế giới vật chất. Engels đã nhấn mạnh điều
này: “Tính thống nhất của thế giới là ở tính vật chất của nó, và tính vật chất này
được chứng minh không phải bằng ba lời lẽ khéo léo của kẻ làm trò ảo thuật, mà
bằng sự phát triển lâu dài và khó khăn của Triết học và khoa học tự nhiên”.
Theo Hồ Chí Minh thì: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, là một nguyên tắc
căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin”. Nhờ có tính thống nhất đó, chúng không thể
tồn tại biệt lập tách rời nhau mà tồn tại trong sự tác động qua lại chuyển hoá lẫn
nhau theo những quan hệ xác định. Chính trên cơ sở đó triết học duy vật biện
chứng khẳng định rằng mối liên hệ là phạm trù triết học dùng để chỉ sự quy định sự
tác động qua lại sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các
mặt của một sự vật, của một hiện tượng trong thế giới.
Quan điểm duy vật biện chứng không chỉ khẳng định tính khách quan, tính phổ
biến của sự liên hệ giữa các sự vật, các hiện tượng, các quá trình mà nó còn nêu rõ
tính đa dạng của sự liên hệ qua lại đó.
Về tính khách quan của các mối liên hệ, Theo quan điểm biện chứng duy vật, các
mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng của thế giới là có tính khách quan. Theo
quan điểm đó, sự quy định, tác động và làm chuyển hóa lẫn nhau của các sự vật,
hiện tượng (hoặc trong bản thân chúng) là cái vốn có của nó, tồn tại độc lập không
phụ thuộc vào ý chí của con người; con người chỉ có thể nhận thức và vận dụng
các mối liên hệ đó trong hoạt động thực tiễn của mình.
Về tính phổ biến của các mối liên hệ, theo quan điểm biện chứng thì không có bất
cứ sự vật, hiện tượng hay quá trình nào tồn tại tuyệt đối biệt lập với các sự vật,
hiện tượng hay quá trình khác. Đồng thời, cũng không có bất cứ sự vật, hiện tượng
nào không phải là một cấu trúc hệ thống, bao gồm những yếu tố cấu thành với
những mối liên hệ bên trong của nó, tức là bất cứ một tồn tại nào cũng là một hệ
thống, hơn nữa là hệ thống mở, tồn tại trong mối liên hệ với hệ thống khác, tương
tác và làm biến đổi lẫn nhau.

Tính đa dạng của sự liên hệ do tính đa dạng trong sự tồn tại, sự vận động và phát
triển của chính các sự vật và hiện tượng quy định. Có mối liên hệ bên trong là sự
tác động lẫn nhau giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, các thuộc tính, các mặt khác
nhau của một sự vật, nó giữ vai trò quyết định đối với sự vận động và phát triển
của sự vật đó. Có mối liên hệ bên ngoài là mối liên hệ giữa các hiện tượng hoặc
các sự vật khác nhau. Nhưng nó thường không có ý nghĩa quyết định hơn mà
thường phải thông qua các mối liên hệ bên trong mà phát huy. Bên cạnh đó còn có
mối liên hệ bản chất và không bản chất, liên hệ tất yếu và ngẫu nhiên. Cũng có
những tính chất, đặc điểm nêu trên. Ngoài ra, chúng còn có tính đặc thù. Chẳng
hạn, cái là ngẫu nhiên khi xem xét trong mối quan hệ này, lại là tất nhiên trong mối
quan hệ khác. Có liên hệ chủ yếu và thứ yếu; liên hệ trực tiếp và gián tiếp. Cách
phân loại này nói đến vai trò quyết định đối với sự vận động, phát triển của sự vật.
Mối liên hệ cũng có thể chia theo liên hệ bản chất và không bản chất; liên hệ cơ
bản và không cơ bản. Cách phân loại này nói lên thực chất của mối liên hệ là gì.
Như vậy tính đa dạng, phong phú của các mối liên hệ được thể hiện ở chỗ: các sự
vật, hiện tượng hay quá trình khác nhau đều có những mối liên hệ cụ thể khác
nhau, giữ vị trí, vai trò khác nhau đối với sự tồn tại và phát triển của nó; mặt khác,
cùng một mối liên hệ nhất định của sự vật, hiện tượng nhưng trong những điều
kiện cụ thể khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình vận động, phát
triển của sự vật, hiện tượng thì cũng có những tính chất và vai trò khác nhau. Như
vậy, không thể đồng nhất tính chất và vị trí, vai trò cụ thể của các mối liên hệ khác
nhau đối với mỗi sự vật, hiện tượng nhất định, trong những điều kiện xác định. Đó
là các mối liên hệ bên trong và bên ngoài, mối liên hệ bản chất và hiện tượng, mối
liên hệ chủ yếu và thứ yếu, mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp, v.v. của mọi sự vật,
hiện tượng trong thế giới.

3. Ý nghĩa phương pháp luận


Từ tính khách quan và phổ biển của các mối liên hệ đã cho thấy trong hoạt động
nhận thức và thực tiễn cần phải có quan điểm toàn diện.
Quan điểm toàn diện đòi hỏi trong nhận thức và xử lý các tình huống thực tiễn cần
phải xem xét sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ biện chứng qua lại giữa các bộ
phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật, hiện tượng và trong sự tác
động qua lại giữa sự vật, hiện tượng đó với các sự vật, hiện tượng khác. Chỉ trên cơ
sở đó mới có thể nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng và xử lý có hiệu quả các
vấn đề của đời sống thực tiễn. Như vậy, quan điểm toàn diện đối lập với quan điểm
phiến diện, siêu hình trong nhận thức và thực tiễn. V.I.Lênin cho rằng: "Muốn thực
sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các
mối liên hệ và "quan hệ gián tiếp" của sự vật đó"1. - Từ tính chất đa dạng, phong
phú của các mối liên hệ đã cho thấy trong hoạt động nhận thức và thực tiễn, khi
thực hiện quan điểm toàn diện thì đồng thời cũng cần phải kết hợp với quan điểm
lịch sử - cụ thể. 
Quan điểm lịch sử - cụ thể yêu cầu trong việc nhận thức và xử lý các tình huống
trong hoạt động thực tiễn cần phải xét đến những tính chất đặc thù của đối tượng
nhận thức và tình huống phải giải quyết khác nhau trong thực tiễn. Phải xác định rõ
vị trí, vai trò khác nhau của mỗi mối liên hệ cụ thể trong những tình huống cụ thể
để từ đó có được những giải pháp đúng đắn và có hiệu quả trong việc xử lý các vấn
đề thực tiễn. Như vậy, trong nhận thức và thực tiễn không những cần phải tránh và
khắc phục quan điểm phiến diện, siêu hình mà còn phải tránh và khắc phục quan
điểm chiết trung, ngụy biện. 
II. Phân tích mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã
hội

1. Khái niệm tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội*

1.1. Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế được hiểu là sự tăng sản lượng thực tế của một nền kinh tế
trong một khoảng thời gian. Thước đo phổ biến là mức tăng tổng sản phẩm quốc
nội (GDP) trong một năm hoặc mức tăng GDP bình quân đầu người trong một
năm. Một số nước sử dụng các chỉ số khác để xác định mức tăng trưởng kinh tế
như: GNP (tổng sản phẩm quốc gia); GNI (tổng thu nhập quốc gia); NNP (sản
phẩm quốc gia ròng) hoặc NNI (thu nhập quốc gia ròng). (Các chỉ số trên thường
được tính trong một năm và đều có thể sử dụng theo tiêu chí bình quân trên đầu
người).

1.2. Công bằng xã hội

Công bằng xã hội là khái niệm có nội dung phức tạp hơn so với khái niệm tăng
trưởng kinh tế. Công bằng xã hội, hiểu theo nghĩa chung nhất, là sự ngang bằng
nhau trong mối quan hệ giữa người với người, dựa trên nguyên tắc thống nhất giữa
nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ. Từng thành viên trong xã hội
gắn bó với cộng đồng xã hội trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
thông qua sự cống hiến theo khả năng trí tuệ, sức lực của mình cho sự phát triển xã
hội và được xã hội bù đắp, chăm sóc trở lại một cách tương xứng, không có sự
tương xứng ấy là bất công. Với cách hiểu công bằng xã hội như vậy, việc định
lượng mức độ thực hiện công bằng xã hội chỉ mang tính tương đối, nó không
những phản ánh trình độ phát triển về kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa của từng
nước, mà còn thể hiện quan điểm, cách nhìn của các nhóm chủ thể.
Điều này cho thấy công bằng xã hội được đánh giá dựa trên cơ sở các yếu tố định
tính từ nhiều góc độ khác nhau. Các tiêu chí định tính này chịu ảnh hưởng lớn của
các yếu tố tập quán, tâm lý xã hội và có thể đưa tới các kết quả rất khác biệt từ các
đối tượng đánh giá khác biệt. Để một quốc gia có thể vươn lên trong một thế giới
phát triển sôi động như hiện nay thì phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu tất
yếu. Như vậy trong mọi khía cạnh, công bằng xã hội phải có ảnh hưởng tích cực
đến sự phát triển nhanh và bền vững. Nếu không có công bằng, những ảnh hưởng
tiêu cực từ phía các đối tượng được lợi quá nhiều sẽ phát sinh.
2. Mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội
Tăng trưởng kinh tế là sự tăng về quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời
kỳ nhất định, tức là sự tăng lên của GDP. Tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng
nhất để tăng cường nguồn lực cho xã hội; tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ và là
nền tảng để giải quyết các vấn đề khác trong đời sống xã hội. Tăng trưởng kinh tế
và công bằng xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó tăng trưởng kinh
tế là cơ sở để thực hiện công bằng xã hội và công bằng xã hội, đặc biệt là công
bằng xã hội về kinh tế là điều kiện thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế. Vì vậy, giữa
tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là hai mặt của một quá trình phát triển
biện chứng khách quan, cái nọ làm tiền đề cho cái kia, cùng vận động phát triển
theo chiều hướng tiến bộ không ngừng.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế là động lực cơ bản thúc đẩy phát triển, là nhân tố
quan trọng hàng đầu và điều kiện vật chất để thực hiện công bằng xã hôị. Tăng
trưởng kinh tế, trên cơ sở tạo việc làm cho người dân, cải thiện điều kiện lao động,
tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng số lượng và chất lượng hàng hóa làm ra.
Tăng trưởng kinh tế tạo khả năng tăng thu ngân sách nhà nước và tăng thu nhập
dân cư. Nhờ có tăng trưởng kinh tế, Nhà nước và nhân dân mới có tích lũy để tăng
chi đầu tư phát triển trên các lĩnh vực chủ yếu như hạ tầng giao thông, giáo dục, y
tế, giải trí, v.v. nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận các nguồn lực phát triển và giúp
người dân từng bước nâng cao cuộc sống của mình. Nếu không có tăng trưởng
kinh tế thì không thể có công bằng xã hội lâu dài và vì vậy không thể phát triển bền
vững được. Tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng không phải vì thế
mà chấp nhận quan điểm tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá bất chấp công bằng xã
hội. Tăng trưởng kinh tế mà không gắn với thực hiện công bằng xã hội thì tăng
trưởng đó sẽ không bền vững.

Thứ hai, thực hiện công bằng xã hôị mà trước hết là công bằng xã hội về kinh tế là
nhân tố, động lực quan trọng thúc đẩy và bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao và bền
vững. Công bằng xã hội về kinh tế cũng là tiêu chí quan trọng đánh giá sự tăng
trưởng kinh tế, bởi nó là yếu tố có tác động trực tiếp đến lợi ích của chủ thể hoạt
động. Vì vậy, nó kích thích tính năng động, sáng tạo của mọi thành viên xã hội,
huy động các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực trong và ngoài nước vào việc phát
triển kinh tế. Có công bằng xã hội về kinh tế, người lao động mới phát huy hết
nhiệt tình và khả năng lao động, không ngừng nâng cao năng suất lao động để tạo
ra ngày càng nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Có công bằng xã hội về kinh tế,
các nhà kinh doanh mới chịu bỏ vốn, chấp nhận rủi ro để đầu tư cho sản xuất. Có
thể nói, thực hiện công bằng xã hội về kinh tế vẫn là yêu cầu hàng đầu, vì đó chính
là một trong những động lực mạnh mẽ nhất của sự tăng trưởng kinh tế và đồng thời
là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự ổn định xã hội.

Công bằng xã hội được hiểu không chỉ giới hạn ở công bằng về kinh tế (mặc dù
đây vẫn là yếu tố nền tảng) mà còn là công bằng trong các lĩnh vực chính trị, pháp
lý, văn hoá, xã hội, v.v.. Công bằng xã hội là một giá trị cơ bản định hướng cho
việc giải quyết mối quan hệ giữa người với người trong tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội theo nguyên tắc: cống hiến về vật chất và tinh thần ngang nhau cho sự
phát triển xã hội thì được hưởng thụ ngang nhau những giá trị vật chất và tinh thần
do xã hội tạo ra, phù hợp với khả năng hiện thực của đất nước. Công bằng xã hội là
yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là
nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhằm mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dân chủ và công bằng có
mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, thực hiện dân chủ cũng chính là thực hiện
công bằng xã hội. Dân chủ có sức động viên, thu hút và tập hợp mạnh mẽ nhất mọi
tiềm năng sáng tạo, tính tích cực xã hội của mọi người vào tăng trưởng kinh tế.

Toàn cầu hoá làm cho cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các nền kinh tế ngày càng
gay gắt, càng làm nổi bật hơn vị trí hàng đầu của các yếu tố chất lượng, yếu tố thời
gian, tăng giá trị thặng dư để có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao; càng làm
tăng thêm giá trị của nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Có nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng họ không được sống và hoạt động trong
một môi trường dân chủ mà trước hết là dân chủ về kinh tế thì nguồn nhân lực đó
không thể phát huy được tiền năng, thế mạnh và lợi thế vốn có của yếu tố quyết
định nhất trong lực lượng sản xuất.

III. Khuyến nghị nhằm tạo sự tác động tích cực giữa tăng trưởng kinh tế
với công bằng xã hội
Thực hiện công bằng xã hội mà trước hết là công bằng về kinh tế sẽ có tác dụng
cuốn hút mọi người hăng hái góp công, góp của vào sự nghiệp phát triển của đất
nước nói chung, vào sự sản xuất kinh doanh nói riêng và nhờ đó dẫn đến tăng
trưởng kinh tế. Song, cần lưu ý, sự phân hóa giàu nghèo không phải là biểu hiện
của sự vi phạm công bằng xã hội về kinh tế, mà lại chính là biểu hiện của công
bằng xã hội về kinh tế được lập lại. Bởi nó loại trừ những kẻ giàu lên nhanh chóng
bằng những thủ đoạn bất hợp pháp như tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo... Cả người
giàu và người nghèo đều tạo ra thu nhập trước hết và chủ yếu bằng sức lao động và
năng lực của chính mình, trong đó ai làm tốt, làm giỏi, làm nhiều, đóng góp vốn
liếng nhiều thì người ấy sẽ giàu hơn hoặc giàu nhanh hơn và ngược lại.
KẾT LUẬN

Vấn đề công bằng xã hội về kinh tế không chỉ là đơn thuần là vấn đề kinh tế mà là
một bộ phận trong sự công bằng của xã hội. Công bằng xã hội về kinh tế vừa là
yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa là yêu cầu của
nền kinh tế thị trường hiện đại. Quần chúng nhân dân là chủ nhân của lịch sử. Vì
thế, công bằng xã hội về kinh tế cần phải xuất phát từ lợi ích của quần chúng nhân
dân. Do đó, trong mỗi bước tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với sự gia tăng đảm
bảo công bằng xã hội xã hội mà trước hết là công bằng xã hội về kinh tế; trong mỗi
bước tiến bộ về thực hiện công bằng xã hội đều góp phần thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế. Tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội là một trong những
phương hướng mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng đúng đắn hiện
nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác –
Lênin, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

You might also like