You are on page 1of 4

Thương yêu

trân trọng nhất

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,


Mở đầu tác phẩm Tú Xương giới thiệu về hoàn cảnh và công việc mưu sinh của bà Tú:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,


Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Mạch cảm xúc của thi phẩm dần được mở ra với bức tranh toàn cảnh về nỗi khó nhọc lo
toan của bà Tú. Câu vào đề như để giới thiệu hoàn cảnh lam lũ vất vả qua cách nêu thời
gian, địa điểm. Tác giả sử dụng từ “quanh năm” – cụm từ chỉ một khoảng thời gian rất dài,
lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn khép kín của tự nhiên, tác giả đã diễn tả được nỗi vất
vả triền miên của bà Tú trải hết ngày này qua tháng khác, mặc kệ nắng mưa. Chỉ có thế
cũng đã đủ để lại trong lòng độc giả một hình ảnh tần tảo, đầu tắt mặt tối của bà Tú. Thế
nhưng chưa dừng lại ở đó, cách cân đo đong đếm thời gian như thế còn góp phần làm bật
lên cái không gian buôn bán của bà thông qua hình ảnh “mom sông”. Địa thế “mom sông”
đầy trắc trở hiểm nguy khôn lường lại là chỗ làm ăn buôn bán hàng ngày của người phụ nữ.
Thời gian dài đằng đặng kết hợp với địa điểm trắc trở càng tôn lên hình ảnh bà Tú tảo tần,
hết lòng hết sức vì miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Với giọng thơ hỏm hỉnh cùng tài
năng trong nghệ thuật thơ trào phúng, Tú Xương đã làm nên một câu thơ thứ hai như lời lên
án gay gắt xã hội phong kiến đã biến những người đàn ông vốn là trụ cột trong gia đình
thành kẻ vô tích sự, sống dựa dẫm và cả đời “ăn lương vợ”.

“Trống hầu vừa dứt, bố lên thang


Hỏi ra quan ấy ăn lương … vợ”
(Quan tại gia – Trần Tế Xương)

Đôi vai của bà Tú đã nặng nay lại càng nhân lên những nỗi gian truân khi phải “bất đắc dĩ”
trở thành trụ cột trong gia đình. Từ “đủ” vừa biểu thị chất lượng vừa biểu thị số lượng. Bên
cạnh đó cách đặt hai từ số đếm “năm” và “một” tưởng chừng khập khiễng nhưng lại hóa độc
đáo và mới lạ. Tú Xương tự chế giễu mình khi so sánh bản thân với năm người con. Ông tự
cho mình là “đứa con đặc biệt”, ngầm nâng cao vị thế của người vợ lên một thứ bậc thiêng
liêng. Hơn thế nữa, cấu trúc năm-một cùng từ “với” chất chứa bao nỗi hổ thẹn của người
chồng phải sống dựa vào vợ. Hai câu mở đầu đã thể hiện được tất cả những đức tính cao
đẹp của bà Tú: chịu thương, chịu khó để nuôi đủ gia đình. Qua đó Tú Xương cũng khéo léo
thể hiện sự biết ơn của mình, đồng thời còn là sự hổ thẹn khi phải đặt mình tương đồng với
những đứa con thơ. Thật xót xa, ngậm ngùi biết bao!

Thấu hiểu được những nỗi lo toan, vất vả của người vợ, Tú Xương liên tưởng đến hình ảnh
con cò trong ca dao:

“Cái cò lặn lội bờ sông


Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

để cực tả nỗi khổ tâm của bà Tú trong hai câu thực:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,


Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”

Tú Xương sử dụng từ “thân cò” vừa thể hiện cái tính riêng, sự sáng tạo mang tính thời đại
trong phong cách thơ của mình, vừa đồng nhất thân phận của bà Tú nói riêng và hình ảnh
của người phụ nói chung với hình ảnh mỏng manh của “cái cò”. Tiếp đó chữ “thân” tuy đơn
giản nhưng nghe thật cay đắng, nó gợi cho người đọc về một thứ gì đó nhỏ bé tội nghiệp
đến vô cùng. “khi quãng vắng” là một cụm từ rất đặc biệt, nó không chỉ gợi lên cái không
gian rợn ngợp, cảm giác đầy nguy hiểm rình rập nơi mom sông heo hút mà còn diễn tả nỗi
khắc khoải của thời gian. Cùng với nghệ thuật đảo ngữ, từ láy “lặn lội” đã nhấn mạnh hình
ảnh vất vả mưu sinh đến xót xa, gầy guộc của người phụ nữ. Nếu câu thơ thứ ba gợi lên nỗi
cực nhọc đơn chiếc thì câu thứ tư lại là sự vật lộn với cuộc sống bán mua đông đúc. Một lần
nữa Tú Xương lại dùng biện pháp đảo ngữ với từ láy tượng thanh “eo sèo” gợi sự tấp nập
ồn ã để nhấn mạnh cảnh tượng thường tình nơi chợ búa gắn liền với người phụ nữ có “năm
con với một chồng”. Hình ảnh “buổi đò đông” cũng góp phần làm bật lên một bà Tú cần
mẫn, tất bật. Buổi đò đông cùng với “khi quãng vắng” đã tạo nên sự nguy hiểm, gian lao gấp
nhiều lần. Ông cha ta có câu “ sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua” nhưng vì cuộc sống, vì
cơm áo gạo tiền cho chồng con mà bà Tú đã phải dấn thân vào chốn hiểm nguy đó. Hai câu
thực dù đối nhau về từ ngữ “buổi đò đông”- “khi quãng vắng” nhưng lại tiếp nhau về ý làm
nổi lên sự lam lũ gian truân của người phụ nữ nhỏ bé này.
Đến với hai câu thơ tiếp theo, Tú Xương như nhập vai vào chủ thể trữ tình nhằm mượn lời
vợ để ngầm ca ngợi những hi sinh âm thầm mà bà dành cho chồng con:

“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,


Năm nắng, mười mưa, dám quản công.”

Theo quan niệm phong kiến xưa, “duyên” và “nợ” là hai định nghĩa hết sức thiêng liêng về
mối quan hệ vợ chồng do ông trời định sẵn, xuất phát từ sợi chỉ hồng của ông tơ bà nguyệt.
Thế nhưng khi đưa vào lời thơ Tú Xương, hai thứ đó trở nên nặng nề như một lời than thở
khi duyên chỉ có một mà nợ lại tới hai. Bên cạnh đó việc sử dụng hai thành ngữ song song
với nhau “một duyên hai nợ” – “năm nắng mười mưa” vừa đối nhau về từ, vừa đối nhau về ý
đã khiến cho câu thơ trầm lắng trước nỗi khổ tâm của bà Tú. Không những thế sự đối lập
này còn thể hiện rất rõ tài năng văn chương điêu luyện của thi sĩ. Đức hi sinh cao cả của bà
Tú còn được nhắc đến qua hai cụm từ “âu đành phận” và “dám quản công”. Nguyên nhân
dẫn đến sự lam lũ hi sinh âm thầm đầy cam chịu của bà tuy giản đơn mà cao quý. Đó là vì
mối nhân duyên với người chồng và đàn con thơ. Từ việc pha trộn lời thơ đan xen với
những thành ngữ và biện pháp đảo ngữ cực kì tinh tế, nhà thơ Tú Xương đã khắc họa
thành công tấm chân tình của người vợ với đầy đủ đức hi sinh, tần tảo như một người phụ
nữ Việt Nam truyền thống.
Vì thương vợ, thương cho thân phận đời nữ nhi mà lại sắm vai trụ cột trong gia đình, Tú
Xương đã tự trách bản thân mình. Hai câu thơ cuối cũng vì thế giống như tiếng chửi vừa
cay đắng vừa phẫn nộ cho những định kiến khắt khe:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:


Có chồng hờ hững cũng như không!”

Mạch cảm xúc của thi phẩm dường như có sự chuyển biến đột ngột. Tú Xương không còn
ẩn mình sau những dòng thơ để tán dương vợ mà đã xuất hiện để nói thay, để trách ông
chồng, để trách phận mình của bà Tú. “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc” là một cách nói rất phù
hợp với phong cách thơ trào phúng đó là sự giận đời vì cái xã hội thối nát lúc bấy giờ. Thêm
vào đó ít ai biết được rằng đằng sau tiếng chửi đời đầy dứt khoát ấy lại là một bi kịch của
con người chất chứa bao nỗi đau xót. Tú Xương chửi cái “thói đời” nhưng cũng là sự chửi
mình, tự chửi một đống nam nhi đang trên đường công danh mà không giúp được vợ lại
thành kẻ ăn bám. Tú Xương coi mình là một người “hờ hững” trong trách nhiệm của một kẻ
làm cha, làm chồng. Thế nhưng nếu nhìn nhận lại sự việc thì Tú Xương quả là đáng thương hơn
đáng trách. Bởi, suy cho cùng chính xã hội kia đã đẩy ông vào đường cùng. Hai câu thơ khép lại tác
phẩm là lời tự rủa mình, rủa đời của Tú Xương nhưng lại mang đậm ý nghĩa lên án xã hội sâu sắc,
góp phần khẳng định tình cảm của ông với vợ mình. Người ấy tuy “ăn lương vợ” nhưng rất chu đáo
luôn dõi theo bà, đặc biệt luôn tỏ lòng biết ơn của mình đối với người phụ nữ ông yêu thương. Thi
phẩm kết thúc thật bất ngờ vừa thấm đượm được cái bi, cái bất hạnh trong nỗi niềm riêng của tác
giả, vừa dí dỏm hài hước.

Tấm lòng thương vợ của Tú Xương đối với cả thời quá khứ và hiện tại vẫn là tấm gương sáng cho
bao người. Bài thơ giữ nguyên giá trị cùng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc về sự yêu thương, trân
trọng và thấu hiểu những nỗi đau, sự hi sinh của người phụ nữ cho gia đình. Đồng thời đó cũng là
tiếng nói phê phán sự bất công của xã hội phong kiến thối nát, mục ruỗng.

Như vậy, bài thơ Thương vợ là một thi phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Với chất thơ bình dị
mà trữ tình mang chút trào phúng, Tú Xương đã thành công trong việc khắc họa một bức chân dung
về người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ, vừa mộc mạc chất phác, vừa cứng rắn mạnh mẽ. Vì vậy quả
thật Tú Xương chính là thi nhân viết thơ về vợ hay và cảm động nhất. Ông đã để lại cho đời những
áng văn chân thành xúc động và đầy giá trị

You might also like